NHỊP MÙA LỄ HỘI

nguyenthikhanhminh

Khi những trận gió Đông Bắc rời khỏi đỉnh cao của nó thì mùa thu cũng thẳm xa. Nếu để tâm chạy theo phút chia tay hẳn vẫn còn thấy được bóng áo thu giằng co nơi khúc quanh trên con đường mùa đông vừa mở. Như cái nhìn nuối theo của bác sĩ Zhivago, chạy vội vàng lên tầng lầu để bắt kịp hình ảnh chiếc xe ngựa chở Lara mờ xa trong bụi tuyết… (phim của David Lean dựa trên truyện của B. Pasternak)
Cây maple bên kia đường đã trơ trụi chỉ còn vương đôi ba lá vàng trên cuống mỏng mảnh, mang theo hết cái lao xao vàng của nó, để cho cành cây phô những nét chấm phá khẳng khiu đông, lại càng cô quạnh hơn khi tình cờ có con chim đậu một mình trên cành trong nắng mai lạnh. Khoảnh khắc đẹp của mong manh, dường như nhìn cũng phải hết sức nâng niu, nghe nói trên đường phố ở thủ đô nước Nga vào mùa cây trút lá có những biển đề “tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng.” Thật lãng mạn.
Cây mùa này đang ốm đấy, gầy trơ xương ra. Người thì như đẫy đà thêm dưới lớp áo ấm…
Cuối năm, là mốc thời gian đặt tôi ở giữa biên giới những buồn vui. Buồn thì không đến nỗi nặng trĩu, vui cũng chẳng đến độ rộn ràng, cứ thế người lùng bùng vui vui buồn buồn. Nếu bạn hỏi tôi sao im lặng thế, sẽ mỉm cười và trả lời nhỏ, có lẽ như con cá ươn sắp sửa se mình như Nguyên Sa nói thôi. Vừa nao lòng trước khép lại chóng vánh của một năm, vừa náo nức với khí lễ hội đang mở.

CHUÔNG GIÓ NOEL,

Đó là lúc con đường với những ngôi nhà hiện ra như trong tấm thiệp Noel, ngày còn nhỏ đã ước được sống trong cõi tranh thần thoại với con đường sáng huyền ảo của hoa tuyết, những ngôi nhà thập thò mái ngói đỏ dưới cái lạnh trắng mùa đông. Những muốn ngồi bên bàn tiệc đầy ắp thức ăn được bày biện đẹp đẽ và ánh sáng lễ hội xôn xao chải lên mái tóc.
Chuông gió cuối năm lôi ước mơ thơ trẻ ấy ra khỏi cõi tranh đặt vào con đường hoa đèn tôi đang đi ở thành phố Fountain Valley này, gió mùa đông len vào chiếc khăn quàng cổ, cho tôi cảm thấu cái rét xứ người. Được hít thở hơi thanh bình cổ tích, dễ khiến mình kiếm lại được hồn nhiên, mơ mộng. Đó là đường Heils, con đường chứa những ngôi nhà trang hoàng lộng lẫy, mỗi nhà một cảnh, một gợi mở rất khác để người nhìn vào tha hồ tưởng tượng, bước như đang bước vào tấm thiệp Giáng Sinh năm xưa, và khí lạnh càng làm nồng thêm bàn tay để sâu trong túi áo. Tiếng cười, tiếng nói gần lại hơn ở bên tai, ấm quá với cái quàng vai của cậu con út, mới đây thôi, bây giờ nó đã dềnh dàng đi bên cạnh, làm mình phải ngước đầu lên khi nói chuyện, đã quàng vai mình một cách gọn gàng, và tay kia, quàng vai cô bạn gái, một dòng sông từ đầu tay kia của con nôn nao chảy theo vòng ôm đến vai bên này của tôi, đập những gợn nhẹ nhàng của sự nối tiếp những thế hệ… Tôi trôi giữa dòng sông ấy, và được hòa nhịp với muôn dòng sông khác, để biết cuối cùng là một điểm xum vầy.
Không khí an bình no đủ làm tôi chạnh lòng đến quê nhà… Con đường Heils nhập nhòa đường Duy Tân dẫn đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn…

… Nhớ một Noel, như vào năm 78, 79, ở Sài Gòn, lúc này đã mang tên mới, nhưng vẫn thích, Sài Gòn, rằng quen mất nết đi rồi, người bạn chở tôi bằng xe đạp, phố ngày ấy không đông như bây giờ, sau một biến cố lớn, mọi người còn đói, còn bao lo âu của một cuộc sống quá đỗi ngặt nghèo, thì chẳng ai thiết nghĩ đến trang hoàng nhà cửa, đường phố để mừng ngày Giáng Sinh.
Nhà thờ Đức Bà vào đêm Noel năm đó, chỉ có hai dây đèn treo từ nóc tòa cao đến tượng Đức Mẹ, vậy thôi, hai dây đèn lốm đốm những bóng điện nhỏ lạc lõng cô quạnh, hòa với đêm tối u buồn. Lặng lẽ ánh đèn vàng hoe. Lặng lẽ ánh mắt của người đi lễ. Hai chúng tôi đứng ở đầu đường Nguyễn Du, bên cạnh chiếc xe đạp, ngó lên những ánh đèn mờ nhạt, nó không có cái sáng long lanh của ánh đèn lễ hội, nó có cái sáng rưng rưng. Cảnh vật phố phường toát ra khí đói ảm đạm, thổi bạt mọi ước muốn sống vui, sống đầy đủ cho tinh thần.
Đêm đó, chúng tôi chỉ đủ tiền để ghé vào một quán cà phê cóc bên lề đường nhâm nhi một loại cà phê tạp với mùi gì rang khen khét. Lấp xấp dưới ánh đèn dầu, những chiếc đẩu gỗ lộn xộn, chơ vơ, chia sẻ rất tội nghiệp với không khí xa vắng của đêm Noel, nhưng dù sao quán cóc đèn dầu cũng đem lại chút hơi phố xá, chúng tôi không nói gì, những mơ ước về tương lai đã bị đóng lại, đã bị xếp vào hàng xa xỉ sau cơm áo, nên nếu không nói được về những dự phóng vui vẻ của ngày mai thì tốt hơn, ngồi bên nhau cùng cảm im lặng, người bạn an ủi tôi về một điều không may tôi đang gặp phải, để yên cho tôi khóc, thôi vậy cũng ấm lòng.
Rời khỏi quán cóc bên đường, chúng tôi đạp xe qua nhà thờ Huyện Sĩ, ở đó tương đối vui hơn bên nhà thờ Đức Bà vì người đi xem lễ đông hơn, mãi khi tan lễ, chúng tôi mới chia tay.
Một mình trong đêm, trước giấc ngủ, tôi thấy mình hết sức buồn bã, tôi buồn cảnh nhà, mẹ và các em nhỏ, cả tôi, ngơ ngác, không cha, không anh ở nhà, tôi, đứa con gái vừa tốt nghiệp đại học, bỗng xính vính hốt hoảng khi thấy mình là chị lớn một đàn em, vốn liếng có được từ trường, lại là trường Luật của Việt Nam Cộng Hòa nữa, lúc ấy không giúp ích gì để tôi kiếm sống được giữa một xã hội đang đảo ngược hết tất cả mọi giá trị, như thế.
Đêm nào tôi cũng đi vào giấc ngủ bằng nỗi trăn trở u hoài. Và thảng thốt của một kẻ thức dậy, tiếc nuối một giấc mơ đẹp đang bứt ra khỏi mình, có lẽ, mãi mãi. Chút tình yêu thơ dại, tưởng chỉ dơ tay là chạm được trời xanh, tưởng đã hẹn hò là chung thân hạnh phúc. Nó thành một vết thương, mỗi khi cào lên, lại thấy xót.
Đã chẳng dễ quên vạt âm u của một ngày, ba tôi, hai em trai tôi, hút vào đêm tối, thăm thẳm một hơi rất dài của thời gian… Nhớ nước mắt của mẹ khi bới đồ đi thăm nuôi cha. Nhớ những tiêu chuẩn tem phiếu để mua gạo thịt, bỗng trở thành câu chuyện từng ngày. Nhớ những đêm cùng mẹ cặm cụi từng mũi len, mẹ phải choàng cả việc cho cô con gái mới học cầm chiếc que đan. Nhớ cơm độn bo bo. Nhớ cậu em học Thủy Sản, nuôi và bán cá giống trong cái hồ non bộ của cha khi trước, Khuyến thức đêm cho cá ấp trứng, Khuyến khóc khi cá chết. Nhớ cậu em phải dấu thịt cột sát bắp chân, đem từ sở làm ở Hiệp Hòa về Sài Gòn cho mẹ cho chị cho em*, Khương ơi! Nhớ Khuê đi làm tài xế cho cán-bộ, đêm lái xe về nhà, hút trộm xăng ra, em nói “xăng này cũng là của ăn cắp, ăn cắp đi ăn cắp lại, huề.” Đúng hay sai, lúc đó không còn dũng cảm để phê phán em nữa…
… Những Noel sau này, đâu khoảng những năm 80, cánh cửa ngôi nhà Sài Gòn đã hé mở để lọt vào chút sinh khí ấm no. Gia đình tôi đã dễ thở hơn vì có anh em ở Pháp tiếp tế, lúc ấy ở Sài Gòn, chỉ ở thành phố thôi, người ta được ăn no và ngon hơn, mặc được tươm tất hơn, nên người ta đón Chúa tưng bừng hơn, mặt mũi thành phố sáng loáng hơn nhiều những năm trước.
Người bạn thuở đói kém nay đã là bạn đời của tôi, không còn lọc cọc chiếc xe đạp nữa mà chở tôi bằng chiếc Bridgestone của Nhật, đi lên phố xem lễ Noel, quả là chật vật để len vào những con đường đưa tới nhà thờ lớn, người ta không đi bộ ngắm cảnh Giáng Sinh như ở đường Heils thênh thang có chỗ cho cả gió đi này, mà nườm nượp ngồi trên những chiếc xe Honda nhả khói, chen lấn, đôi khi còn cự nự vì lấn chỗ va quẹt vào nhau, người ta đi đâu? làm gì? ngắm Noel ra sao trong quang cảnh cối xay như thế? Chúng tôi ghé vào một quán cà phê, quán cóc tù mù đèn dầu năm xưa hóa thân thành cafeteria rất sang, tiếng dương cầm phát ra từ dàn máy tân tiến, với ly cà phê đúng mùi cà phê, chúng tôi lại nhắc đến quán cóc năm ngoái năm kia, ơ hay, hoài niệm là tật cố hữu của người ta hay sao ấy.
Năm ấy tôi rất hạnh phúc vì đi đâu cũng có một điều níu kéo để quay về, đó là mái ấm, có tiếng oa oa của đứa con vừa ra đời. Tôi không còn hứng thú len vào dòng người nêm chặt đường phố đêm Giáng Sinh nữa, mà hưởng không khí ngọt lừ của đứa con bé nhỏ mang lại, trang trí cây Noel và cùng ăn một bữa tiệc nhỏ gia đình, Bin ơi, mỗi Christmas ở đây với bàn đầy thức ăn, mẹ hay nói với con, hồi mình ở Việt Nam, đâu có thức ăn ê hề như ở đây, mẹ nhớ có lần nướng con gà mẹ đã phải chia hai cái đùi cho hai con trước, vì con còn bé hay đòi cả, nên anh hai con so bì. Điều đó, khi nghĩ đến, dù có chút rưng rưng, nhưng nó khiến tôi cảm thấy không khí gia đình tôi lúc ấy không thể nói gì khác hơn là, hạnh phúc. Và bây giờ, ở đây, gia đình nhỏ ba người, năm nay lại có thêm cô bạn gái của con, nếu có hỏi tôi tìm chữ biểu tượng cho mái ấm thì vẫn là hai chữ hạnh phúc.
Mà riêng mình, rất lạ, Giáng Sinh nào cũng vẫn sống được cảm giác cũ, đi vào những con đường hoa đèn trong gió cuối năm bằng tấm lòng trẻ trung với dư âm giấc mơ.
Kể ra trời đất cũng độ lượng cho con người chấm hết một năm bằng toàn những lễ hội, để có dịp biết rõ hơn, đầy đủ hơn, rằng, trong hưởng thụ nảy sinh lòng biết ơn.
Quá đủ để cảm thấy như thiêu thiếu. Ôi quả là lòng tham, đong hoài chả thấy đầy. Bập bênh hai đầu, tiếng chạm vào của ấm áp xum vầy, tiếng tịch lặng ôm trọn của cõi riêng thơ. Để chia sẻ được cái cô độc của Voltaire, văn hào Pháp, niềm hạnh phúc to lớn nhất của mọi cuộc đời là sự cô độc bận rộn. (tudiendanhngon.vn)…

TRỜI ĐẤT MỚI LÒNG TA CŨNG MỚI…,

Giáng Sinh xong là rộn rịp mùa Tết âm lịch. Thời khắc sửa soạn để đón Tết là lúc tâm tư, cảm xúc phê nhất. Này nhé, những cây anh đào trong ngõ vườn chạy dài theo hiên nhà, bắt đầu tươm nụ xuân thì bên cạnh cây maple đông giá. Và nhóm người Việt trong khu nhà ở này lại họp nhau để làm tiệc tất niên, vẻ tất bật háo hức phân chia nhau làm món ăn làm tôi thấy quí giá quá việc lưu giữ truyền thống Tết dân tộc, cũng vì vậy mà trong nhà tuy không mấy người nhưng tôi cũng bày ra, muối dưa hành, và chắc chắn là hầm một nồi măng chân giò kiểu Hà Nội của mẹ, anh em chúng tôi chẳng đứa nào quên được món này của mẹ vào những dịp Tết, mày mò xôi vị kiểu Nha Trang của ba, và dĩ nhiên không thiếu bánh chưng dưa món (mua, đừng hiểu lầm là làm, mắc cỡ lắm nghe), phải xôn xao thế thì con trai mới thấm được cái khí Tết, vị Tết Việt Nam, không thì con biết lấy gì đem vào mái ấm của nó mai sau? Còn chút đó mà không giữ thì làm sao mà nhìn mặt tổ tiên.
Có ai đi xuống phố Bolsa vào những ngày cận Tết mới cảm thấy hơi nóng mạnh mẽ của truyền thống – qua những cửa hàng bánh chưng bánh tét, mứt, dưa món, – qua những mái che được dựng lên thành một dãy hàng hoa, nơi mà người mình những ngày này thường rủ nhau, đi chợ hoa, nghe sao mà nó quê hương quá, Tết quá, – qua những nhịp chân hối hả mua mua sắm sắm, tấu thành một bản giao hưởng với những nốt nhạc reo lên ở cung bậc rộn ràng nhất. Một Việt Nam bé nhỏ trải dài mùa xuân rạo rực quê nhà trên một quãng đường Bolsa ấm lạnh khí đông.
Một lần, Tết năm ngoái, nỗi nao nhớ đã kìm tôi đứng trên hè trước chợ Hòa Bình, đường Westminster, trên tay ôm cái bánh chưng, lòng cảm động nỗi vui và biết ơn những người đã nấu những chiếc bánh truyền thống Tết, đã làm những hũ dưa món (tưởng tượng, thơm nắng Calif.), đã chăm lo để có được hoa cúc hoa lan, và cả một loại hoa từa tựa như mai vàng, cho ngày tết… Tất cả tạo nên một không khí ruột thịt đến mềm lòng. Người bán báo, và cách sắp xếp báo, lịch, trên một cái quầy bên hè đường, khiến tôi mường tượng đường Nguyễn Huệ Sài Gòn. Thấy sao mà thương khi chị cầm cái chổi nhỏ quét quét trên mặt những tờ báo, và mời tôi, mua báo tết đi chị, tôi đang ở đâu đây cảm xúc tôi ơi… hình phong pháo vỡ bung tia đỏ, hoa mai dòn dã vàng trên những bìa báo kéo tuột tôi về một miền xa lắc có cái quán tre bày bán những con gà đất màu rực rỡ nắng và phong bao lì xì đỏ treo tòn teng, mình bé lắm theo chân ba mẹ về quê…
Một nét đặc trưng có sức hút mạnh mẽ tôi, là báo Tết, ngày còn ở nhà, tôi thích nhất Tết được đóng cửa, buổi sáng trong căn phòng tinh tươm mùi Tết, bên ly cà phê nóng, nằm đọc báo xuân, cộng thêm niềm vui có bài đăng trong báo nữa, thật là vui, vầy.
Năm nay, trong gió lạnh Sài Gòn Nhỏ, trong không khí gia đình, tôi lại nhâm nhi thú đọc báo tết. Báo giấy, báo mạng, tha hồ, những con chữ mùa xuân ào ạt cái mới mẻ, nạp thêm cho người năng lượng để tiêu pha 365 ngày sắp tới.
Trong bản giao hưởng lễ hội, tôi đang đi (phải nhẩy chứ nhỉ) điệu rộn rã nhất để hòa âm với nhịp Tết, xôn xao cùng nụ đào bụ bẫm đất trời, theo bước đi tới của dòng chảy cuộc sống, và réo rắt nốt xanh nhất một giấc mơ. Tôi mong những tiết tấu vui tươi này được kéo dài mãi trước khi vào nhịp khoan thai chậm rãi của bóng thời gian…

*Vào thời gian những năm 75, 78, ở Sài Gòn lúc ấy có một chính sách mà người dân gọi là “ngăn sông cấm chợ,” mọi lương thực, thực phẩm đều bị cấm đưa về thành phố, và ngược lại.

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

TỪ PHÍA CHÂN MÂY RỰC LỬA

linhphuong

từ phía chân mây rực lửa
nỗi buồn nằm chết dưới chân
da diết một thời
thương yêu một thời
những nụ hôn mọc cánh
bay vào khoảng trời xanh ngắt

nơi góc phố anh đứng thời loạn lạc
em chắp tay hoa nguyện cầu
giọt lệ tình rơi xuống
mặt đường rướm máu ngày ly tan
chiến tranh đi vào dĩ vãng

cài vội lên ngực bông hoa trắng
cài vội lên đầu vành khăn tang
tháng tư -một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
tiếng khóc sài gòn biến dạng
nụ cười sài gòn biến dạng

từ phía chân mây rực lửa
em quỳ gối ôm lá cờ xưa
lặng lẽ khóc một mình
khóc một mình …

LINH PHƯƠNG

KHẮC KHOẢI TIẾNG CHIM ĐÊM

lesa

Mây hôm nay hay mây của ngàn năm trước, đi đâu về đâu. Có chăng cho bến bờ neo đậu.
Tôi đưa mắt nhìn lên khoảng trời khuya huyễn hoặc, nơi ấy chỉ có những vì sao hiu hắt. Tôi cố tìm ba vì sao riêng lẻ để thầm đoán định cho một thân phận,cho mỗi một đời người… Ngôi nào cho anh Nghiễm tôi, ngôi nào của Ngọc Hà em tôi, và ngôi nào cho tôi sở hữu,. Khốn nạn! cả bầu trời bao la kia cũng chỉ là những con mắt hấp háy tật nguyền cứ nhìn xuống tôi nhạt nhoà khi mờ khi tỏ, giấc mơ tôi cứ trôi đi dập dềnh trên bọt sóng mơ hồ xa tắp. Tôi đưa tay níu lấy vầng trăng sự hào phóng của đất trời ban phát.Nhưng kìa! trăng cũng chỉ là chút ánh vàng ngoắc ngoãi thả trôi dật dờ theo sông chiều ngáp ngũ.

Hai mươi năm rồi còn gì. Hai mươi năm tưởng xa mà gần, tưởng gần mà xa. Ôi… cuộc đánh tráo ngoạn mục trên dòng nước xiết. Một tiếng chim đêm vừa rúc lên đâu đó ở góc trời xa. Tôi vốn sợ tiếng chim kêu lẻ. Sao không là đàn chim thiên di kia. Trên đôi cánh mõi mòn u oãi, chúng cắt qua biển rộng, cắt qua sông dài gió chướng cho cuộc trú đông dặm ngàn lữ thứ. Mỗi năm chỉ một lần như thế, một lần thôi, rồi cũng phải gọi nhau quay về chốn cũ ? ! . Quay về để viết tiếp bản tình ca loài giống. Bản tình ca ấy , lệ tộc ấy được viết lên bằng cả máu, còn tôi thì sao ? … Ngày tôi bỏ quê, bỏ làng bỏ dòng sông bờ duối ra đi, tôi trốn ai đây tôi tìm gì đây. Phải chăng tôi trốn tôi hay trốn cái bóng của chính mình, cái bóng của ngoại, cái bóng của mẹ, những cái bóng ấy chã lẻ cứ
hắt mãi xuống trăm năm. Sao tôi phải ghì giữ làm gì giấc chiêm bao khi mình đang thức. Nhiều đêm tôi đã tự hỏi thầm mình như thế, để rồi chỉ biết đưa tay bấu chặc lấy tóc mình cầm lấy tay mình mà cười lên ràn rụa.
Đêm tháng tư vô cảm. Anh Nghiễm nhìn tôi, tôi nhìn ra dòng sông bèo bọt ánh vàng trăng.

Có thể cụ cố tôi sai lầm, ngoại tôi sai lầm, mẹ tôi sai lầm. Và cuối cùng là ba anh em chúng tôi sai lầm ! ? . Mẹ nắm cái bóng của ông ngoại một cụ đồ nho mẫn thế, để rồi ba anh em chúng tôi lại ràn rịt nắm chặt cái bóng của mẹ.Chỉ có cậu Sĩ là quá khôn ngoan, đứng ngoài tất cả những cái bóng ấy mà thành công chăng? Thành công cả những điều vặt vạnh tép tôm.

Năm 54 đất nước tạm cắt đôi. Cậu Sĩ có mặt trong đoàn quân cuối cùng xuống tàu tập kết ra bắc.Trên một cơ thể sống có hai nguồn máu, một đen một đỏ vẫn cứ luân lưu hoài chảy để biết bao người mẹ phải mõi mòn đợi con, chị thấp thỏm ngong ngóng tin em về. Hai mươi năm đoạn đành chia cắt tình nhau. Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Đùng một hôm cậu Sĩ trở về, cậu về trong chan hoà lệ chắc, cậu về với chiếc bị  nãi bạt màu cứt ngựa trên vai.Mẹ ôm cậu khóc, Hà em tôi cũng khóc. Cậu cười vỗ vai mẹ:

– Thôi chị… ổn rồi, đừng khóc nữa thống nhất rồi độc lập rồi, công bằng văn    minh rồi, không ai chia lìa được chị em mình nữa đâu.

Lời nói nghe ngọt ngào khôn xiết.

Suốt ngày mẹ líu ríu bên cậu bên mợ, không đoái hoài về chuyện ruộng nương. Cậu Sĩ hết trầm trồ khen thèm đàn gà nun núc béo mập sau vườn, lại nhìn lũ chép mang vàng quẫy trừng trên mặt nước ao sâu, cậu luôn miệng soa tay ao ước. Trong khi bà mợ theo cậu giới thiệu với mẹ- Mợ là người rặt dòng chính phái danh gia đạo hạnh mười đời gốc Hải Dương. Mợ  thường đứng hàng giờ chép miệng, chặc lưỡi, vuốt ve thao thiết bộ ngủ sáng óng bằng đồng nguyên, đang đặt thờ trước di ảnh ông bà ngoại. Hôm cậu mợ về lại bắc, mẹ đóng cẩn thận cả bộ ngủ vào chiếc thùng to tướng cho cậu. Mẹ nói:

– Thôi cậu cứ mang về ngoài ấy mà làm quà.

Mợ vui quá chừng cậu vui quá chừng:

– Lần này vợ chồng em chỉ về phép thôi. Cụ thể xem nhà mình ai còn ai  mất. Lần sau về chúng em ở hẳn bên chị.
Mẹ xoắn lấy vạt áo cậu cuống cuồng hải sợ. Mẹ sợ một lần nữa hạt máu thiêng  của ngoại không khéo lại rơi vãi đâu đó bên góc đường bám bụi.

Cậu đi rồi. Ở đây mẹ tính từng ngày mong ngóng. May cho mẹ thực. Chưa đủ mười ngày cậu đã quầy quã quay về. Lần này cậu quay về như thể cuộc dời đô, với đầy đủ bầu đoàn thê tử. Mẹ có cảm tưởng ngôi nhà rường trăm năm của ngoại giờ đây chim chóc đang rủ nhau bay về đông hơn, ríu ríc lót tổ trong các ống ghè nóc ngói.
Ma Nương quê tôi. Nét chơn chất thiệt thà cố cựu như bao làng quê khácnằm kề bên phố thị, chơn chất như nhũng cánh chuồn nâu chao vẽ trên mặt nước sông chiều, báo hiệu cho những hạt mưa thơm đang chuyển về. Một hôm cậu Sĩ thỏ thẻ nói với mẹ tôi:

– Chị à! Đất nước ta đổi mới. Mình phải thực tế chị ạ

– Là sao hở cậu?. mẹ tôi hỏi

– Sân trước nhà Từ đường mình đây rộng lắm, vườn cây đẹp lắm. Chị cho  chúng em mở cái quán sân vườn. Đôi khi cháu Hà… lại có thêm thu nhập mà học hành đến nơi đến chốn.

Vợ cậu Sĩ chế vào gọn trơn:

– Phải đấy chị. Dân quê mùa mà con bé cũng đẹp đáo để nhẽ.

Nghe cậu nói thế mẹ vui mẹ mừng. Nhưng thãn hoặc, có một cái gì đó như đang rình rập mẹ, các con mẹ.

Đêm chủ nhật. Ngọc Hà em tôi đang ngồi học bài ngoài hiên sau, nơi ấy trước đây vốn là kho chứa lúa của ngoại, năm 68 bom napal đánh sạt đi một góc tường. Trông cậu sĩ nhớn nhác như con gà mắc đẻ giữa trưa. Cậu thở hùn hục dúi vào tay em tôi năm ba tờ giấy bạc, hổn ha hổn hển giục:

– Này cháu… Cháu mau mau ra giúp cậu với. Có khách sộp ở phố về xe con. Ông ta là thủ trưởng của cậu của mợ đấy. Ông ta chỉ ham tiếp viên trẻ trẻ như cháu thôi hà.

Hà em tôi. Nó đủ khôn đủ hiểu để đoán điều nghiệt dữ, một ngày nào đó rồi cũng sẽ đổ ập lên đầu em. Thế nên, em luôn thủ sẳn cho mình một tư thế đối mặt, một thứ vũ khí bản năng. Bản năng của con thú tật nguyền một khi bị dồn vào góc chết. Hà, em tôi thét lên đứng phắt dậy, chộp vội nắm bạc vo vụn ném thẳng vào mặt cậu Sĩ. Em chạy băng qua hàng rào dâm bụt, chạy băng băng qua cánh đồng làng thơm dâng mùa ngặm hạt. Em chạy và chạy như một kẻ mộng du, hai tay cứ đưa lên chấp chới xiêu xiểng như một cánh chim tật nguyền. Tiếng thét em cứ u u lan mãi lan mãi, cứa vào lòng mẹ tôi vào trái tim hổn hển của anh Nghiễm tôi và tôi. Tiếng thét em vón lại đông cứng, se thành những hạt máu bay lả chã rồi chợt bừng sáng lên rực rỡ cùng khắp trong ngôi nhà trăm năm của ngoại. Trong khi mắt cậu Sĩ cũng kịp lồi ra hai viên máu. Viên máu đỏ lòm lòm như hai viên đạn pháo chực bắn ra khỏi nòng đại bác.

Nhớ lại thời thơ ấu. Trên chiếc tràng kỷ gỗ gụ ngoại ngồi đọc sách, tôi thằng bé lên năm thích lạ gạ chơi đùa quanh ngoại, ngoại nắm tay tôi chỉ lên tấm kính giữa nhà, bên trong lồng tấm lụa vàng. Ngoại bảo:

– Chữ Nhân đấy, chữ Tâm đấy con ạ.

Tôi lắc đầu cải lại ngoại.

– Không phải chữ đâu. Con chuồn chuồn trụi cánh, con cuốn chiếu lại gãy lưng, ngoại vẽ không giống chút nào.

Ngoại vuốt râu cười:

– Ừa, tranh cũng là chữ, chữ cũng là tranh đó mà.

Ngoại thường doạ Hà mỗi lần em khóc nhè:

– Đứa nào ham khóc lòi rún ráng chịu, qua cầu dễ bị gió xô.

Hà ơi! Đó chỉ là chiếc cầu thứ nhất em vừa bước qua  thôi mà. Hãy cười lên đi em, sao em lại khóc. Em hkông nhớ lời ngoại dặn sao em.

Sau nhát chém nghiệt dữ cậu Sĩ sả xuống đầu em tôi. Một hôm mẹ quỳ dưới chân cậu Sĩ vừa khóc vừa lạy:

– Tôi xin lạy cậu. Kể từ nay xin cậu… tha cho mẹ con tui. Nay cậu về. Nhà từ đường này là của cậu, thờ cúng cha mẹ thế nào là tuỳ cậu. Riêng mẹ con tui…cái xẽo đất nhỏ ngoài bìa ranh kia, trước đây là chuồng trâu của cha, cậu cho mẹ con tui xin… xin ra che chắn ở đó. Mai tôi chết, chúng nó cũng còn có chỗ mà thờ phụng cha nó.
Cậu Sĩ nhếch môi cười rìn rịn:

– Tuỳ chị. Ừ, cũng được thôi. Bốn mẹ con chị cứ tự nhiên vác cục vàng ròng có tên là Sĩ là Diện ra ngồi lếch ở đầu chợ phố kia mà rao mà bán đặng kịp đong gạo cho chúng…Còn cái thằng con trưởng của chị kìa, điên chả ra điên, ngộ chả ra ngộ. Ngụy tất, cả một bày ngụy tất.

Cậu Sĩ chĩa tay vào mặt anh Nghiễm nghiến răng:

– Chính mày… chính thằng ngụy quan ô uế, thằng lính thuỷ đánh bộ này đây. Cha mày chết ở xó rừng là… là chính đạn của mày xối ra đấy. Phải không, liệu hồn.

Anh nghiễm mĩm cười. cái cười vô cãm trẻ thơ.

Cậu dịu giọng với mẹ:

– Chị nhìn em đây. Ngày xưa ông cụ bắt em học nháo nhào, thuộc nhứ nhừ cám heo, nào là Tam Tự kinh này, Tứ Tự kinh này, Minh Tâm Bửu Giám này, Ấu học tầm Nguyên này, cả Tề vặt luận nữa chứ… Suốt hai mươi năm qua em có dùng nó đâu. Em vẫn sống, vẫn đứng vững mà trở về đây mà phải không. Ăn thua là ta biết tuỳ thời ứng thế chị nhé.

Cậu Sĩ đọc một hơi dài, mẹ lắc đầu không hiểu. Cậu nhét vào cổ họng mẹ tôi những cục than hồng cháy đỏ, mẹ sặc sụa, mẹ rác bỏng, mẹ run rảy cúi lạy cậu Sĩ thêm ba lạy nữa, chân mẹ lũi xũi dứng dậy bước đi.

Căn nhà mái tole của mẹ tôi cũng không đến đổi tệ lắm từ số tiền chắc cóp qua bao tháng ngày mõi mòn lam lủ kể từ lúc cha đi. Cha đi và mãi mãi mất hút sau rặng núi mờ xa, không bao giờ trở lại

Vâng. Chính căn nhà ấy đêm nay. Tôi thằng con lưu lạc trở về, ngồi tựa lưng mình vào lưng anh tôi người anh nữa mê nữa tỉnh.

Chiếc cối đá cụ cội của ngoại bỏ nằm hoang hoãi dưới bờ ao cỏ lấp thuở nào. Anh Nghiễm cùng Hà em tôi hì hục lăn về. Hai anh em, một mê một tỉnh đêm đêm cười vui theo nhịp chày giã gạo – Cứ 4 giạ lúa nhận được nữa ký gạo 8 giạ lúa nhận được 1 ký gạo. Vậy mà vui.

Đời sống nông thôn giờ đã khác. Máy xay máy xát chạy rù rù suốt ngày thôi. Anh Nghiễm không còn được xây thuê giã mướn nữa. Nhớ chừng, cứ mỗi chiều chiều anh lại đờ đẩn ngồi thừ trên đầu cối, vốc từng nắm cát vụn bỏ lên sàng, sàng qua sàng lại rồi đổ đi. Không ai dại gì đi tìm cho mình sự cô đơn đến vậy phải không anh Nghiễm? vẫn biết. Nỗi cô đơn nào cũng có bóng dáng của hào hoa và sáng tạo. là khúc biến tấu được vuốt lên từ phím tơ chùng ai oán mời gọi. Mời gọi thánh thần, mời gọi lòng yêu thương đại ngộ… Tôi nhích lại gần anh Nghiễm, tựa lưng mình vào lưng anh, đưa mắt chới với nhìn ra dòng sông trước mặt. Dòng sông bèo bọt ánh vàng đưa.

Không là một con. Mà có đến hằng ngàn hằng vạn con… Những con chuồn chuồn nâu trụi cánh, cứ chấp chới cứ căng võng bay mãi bay hoài, bay suốt qua đầu tôi rã rượi… Ngộ thiệt./.

Lê Sa

(Từ tâm. Một ngày bên chén rượu quê cùng Tư Rết).

Hải Âu Cô Đơn

chutramnguyenminh

Tàu vui, xuôi nước sông Seine
Thấy con chim lẻ bơi theo một mình
phải chăng chim lạc bạn tình ?
từ Le Havre ngược dòng về đây ?
thương người, thương vật, thương vay
thương con chim lẻ, lạc bầy cô đơn
sóng cao, sóng thấp, chập chờn
lờì vui chưa tới khúc buồn mênh mang
tiếng kêu thảm thiết, gọi đàn
thương thân, nhớ bạn, tính tang , tang tình
chim bay, cánh mõi, một mình
tìm đâu cho thấy bạn tình chim ơi .

villemomble 22/5/013
Chu Trầm Nguyên Minh

MỘT THUỞ BÌNH YÊN

tonnuthunga

Trái tim của cô chợt biết rung động lại vào một buổi chiều đầu mùa mưa giông.

Ngẩng đầu nhìn qua cửa sổ, sau một giờ thực tập trên phím dương cầm, cô rướn cổ, dang tay, ngọ ngậy cái đầu cho đỡ mỏi, từ trái sang phảị.., cô sửng sốt, giao động khi ánh mắt cô chạm phải một đôi mắt đen tròn. Ánh mắt như một lưỡi dao bén nhọn, đâm thẳng vào trái tim cô.

Thời gian như ngừng lại, đôi mắt đen từ từ lui xa khung cửa, không gian nới rộng giữa hai làn nhãn tuyến và đột nhiên biến mất khi cô chưa kịp hoàn hồn.

Như một kẻ vừa giật mình thức giấc, cô vùng dậy, chiếc băng ghế ngã xuống sàn gạch hoa gây lên một tiếng động khô khan. Cô nhảy vọt tới khung cửa sổ, nhoài người ra, nhìn xuống dãy hành lang hun hút. Tiếng chân người còn gõ nhịp nhè nhẹ sau khúc quanh. Cô thất vọng quay vào, nâng chiếc ghế lên, đặt vào vị trí cũ, ngồi thẩn thờ trước phím ngà, những ngón tay cô rã rời gõ nhịp… “Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thủa mắt xanh xaọ..” Tiếng nhạc buồn lảnh lót, rơi rụng, hòa lẫn trong tiếng mưa rơị Cô nhắm mắt, nghe dòng nhạc nhỏ những giọt buồn tênh trong hồn.

Sáng cô đi làm, chào hỏi các bạn đồng sự, bước vào văn phòng. Ngồi sau bàn giấy, cô nhấn tay bấm mật số vào máy vi tính, cô phải lập đi, lập lại ba lần mới có kết quả. Những con số quen thuộc bỗng dưng chơi trò cút bắt trong trí cộ Lâu nay cô không còn nhận được qua máy này những dòng thư, những lời hẹn hò trìu mến của Duy nữạ Hai người đã đồng ý chấm dứt liên lạc từ lâu nhưng cô vẫn không điều khiển được trái tim yếu đuối của mình. Trái tim cô đã dâng hiến cho mối tình đầu tiên, một mối tình mà cô cứ ngỡ rằng miên viễn, trường tồn.

*

Cô yêu Duy khi cô vừa tròn mười tám tuổị Cô vừa mới chạy giặc ở Việt Nam quạ Cô biết một chút xíu Anh ngữ từ trung học nên cô vừa đi học vừa đi làm bán thời gian. Cô gặp Duy trong lớp toán. Duy hiền lành, đẹp trai lại học giỏi vì chàng đã học xong chương trình đại học ở Việt Nam. Duy giải thích cho cô những bài toán khó, lâu ngày hai tâm hồn trở thành quyến luyến quen thuộc và họ yêu nhaụ Cô gởi tấm lòng mình cho Duy, cô tin tưởng Duy một cách tuyệt đốị Duy đến nhà cô thường xuyên để giảng dạy cho hai chị em cô những bài làm, bài học. Duy ngồi đọc sách hằng giờ bên cô trong những lúc cô may vá, thêu thùạ Duy thường giúp bố mẹ cô sửa chữa những vật dụng trong nhà, trong lúc cô loay hoay nấu ăn.

Duy ra trường sớm, có việc làm khá, Duy không có gia đình ở gần nên anh trở thành một người rất thân thuộc với gia đình cộ Chuyện tương lai của hai người chẳng ai cần bàn bạc lui tới gì nữa cả vì ai cũng biết là sớm muộn gì khi cô học xong, đương nhiên cô và Duy sẽ chính thức thành hôn.
Duy chiều chuộng, thương yêu hai chị em cộ Mỗi khi đi chơi với nhau, Duy lễ phép xin mẹ: “Xin mẹ cho phép con đưa hai em đi phố.” Anh thường dẫn hai chị em cô đi ăn tiệm, đi nghe nhạc, đi xem hát bóng vào mỗi cuối tuần. Duy để dành được nhiều tiền vì anh không biết tiêu xài phung phí. Anh dẫn cô đi mua một căn nhà xinh xắn, cô hãnh diện mua sắm, trưng bày cho tổ ấm tương lai của mình. Đôi khi cô bận học thi hoặc làm việc thêm giờ thì Duy dẫn cô em gái cô đi phụ anh mua sắm. Em gái cô tỏ ra sung sướng lắm mỗi khi được giúp chị mình như vậỵ Chính cô, cô cũng vui vẻ khi thấy Duy chú trọng đến em mình. Cô cần phải học giỏi để ra trường sớm, cô muốn có công việc làm tốt hy vọng rằng mai sau con cái của cô và Duy được sung sướng chứ không phải cực khổ như cô, một người tị nạn, chân ướt chân ráo đến xứ sở này.

Cô tự cho mình là người may mắn, cô cao ráo trắng trẻo nhất trong đám con gái Á Đông cô thường gặp. Cô có đủ bố mẹ. Bố mẹ cô tính tình cởi mở với con cáị Bố cô tuy nghiêm nghị nhưng hiền hòa, ông luôn luôn giáo dục con cái trong căn bản đạo đức. Mẹ cô đẹp đẽ, nấu ăn ngon, dạy các con công dung ngôn hạnh. Bây giờ cô có một tương lai mới với Duy, một chàng trai hiền lành, ít nói, được gia đình chấp nhận. Cô chẳng có gì để phàn nàn về số phận của mình cả. Cô có bận bịu đôi chút vì cô vừa đi làm, đi học. Cô hãnh diện với sự cố gắng của mình. Một mai khi về nhà chồng, cô sẽ không khóc, không buồn vì cô đã trọn đạo làm con, cô sẵn sàng làm vợ.

Cô ra trường vào tháng sáu, mấy bà chị họ ở xa gọi về hí hửng:
“Khi nào cô làm đám cưới để chị liệu mua đồ mừng?”

Bà khác thì réo:

“Nói ngày đi để anh chị mua vé máy bay không thôi để gần ngày giá đắt lắm.”

Cô ấm ớ chẳng biết tính sao, đám cưới hay không cần gì làm vộị Cô muốn đi làm một thời gian trong công việc mới, lương cô bây giờ gấp ba ngày xưa nên cô hăng hái đi làm, cô chưa muốn bị chia trí vì vấn đề chồng con. Duy gần như thuộc về quyền sở hữu của cô đã năm sáu năm nay, hai người kề cận bên nhau giống như một cặp vợ chồng già. Săn sóc nhà cửa cho Duy, cô mua từng cái chén ăn cơm, tấm trải giường, khăn bàn ăn, thực phẩm… cô còn thêu tên hai người trên bao gối và treo những hình ảnh chụp chung trong những chuyến du ngoạn lên tường. Duy bảo cô là một cô gái Việt Nam chính cống, vừa ngoan lại vừa hiền, không giống như những con thiêu thân Duy thường gặp ngoài đường, trong sở. Duy nói rằng chàng cũng cảm thấy bình an thanh thản khi ở bên cộ Duy thích đọc sách, nghe nhạc, coi tivi, loay hoay sửa chữa nhà cửa, máy móc. Duy không biết rượu chè, cờ bạc, không hút thuốc, không tụ họp để nói dóc với bạn bè. Số mạng của cô hên “như người được đẻ bọc điều.”

Em gái cô, Lisa là một cô gái xinh xắn. Lisa có nhiều bạn Mỹ nên gọi tên Lisa cho bạn gọi, dễ hơn là tên cúng cơm của mình. Lisa tánh tình khác cô nhiều, Lisa hay tươi cười, ca hát, nhảy múa hồn nhiên lắm. Lisa cuồng nhiệt yêu đời, cứng đầu, nhanh nhẹn, tự lập và hơi ích kỷ một chút vì được làm con út. Cô thương Lisa và nhường nhịn em. Lúc còn nhỏ, mỗi lần hai chị em gây gỗ đánh nhau, mẹ thấy cô lớn mạnh hơn em nên sợ cô lỡ tay đánh em đau, mẹ thường bảo cô rằng:

“Nếu một mai bố mẹ chết sớm, con thay thế bố mẹ để nuôi em. Bố mẹ chưa bao giờ đánh đập con, mẹ muốn con cũng thương em như bố mẹ thương con vậy.”

Cô luôn luôn ngẫm nghĩ đến câu nói của mẹ mà thương em nhịn em. Được cái là Lisa cũng ngoan, lâu lâu mới nổi cơn bướng bỉnh cứng đầu với chị một lần.

Lisa thấp hơn cô một chút, khi cười con mắt có đuôi giống như mắt mẹ. Lisa thích nũng nịu với mẹ cha, chị và cả Duy nữạ Lisa hay vòi vĩnh đòi Duy dẫn đi mua sắm, đi ciné vì cô chưa được lái xe một mình. Cô thương em nên bắt Duy cũng cưng chìu Lisa như mình vậỵ Khi đi đâu với Duy cô cũng dẫn em theọ Bố mẹ cũng đồng ý vì dù sao, cô với Duy chưa chính thức đám hỏi, bố mẹ không muốn nghe bạn bè thóc mách, dị nghị.

Hôm ấy cô đi làm về trễ, xe vừa quẹo vào nhà, cô thấy Lisa tuôn chạy ra khỏi nhà với một bao vải lớn, từa tựa như bao gối, căng phồng trong taỵ Lisa nhảy lên một chiếc xe đậu bên lề đường, chiếc xe rú ga chạy vọt ra đường chính. Linh cảm chuyện không lành, cô hấp tấp đậu xe và gấp rút chạy vào nhà, chiếc giầy gót nhọn trượt trên sàn xi măng làm cổ chân cô đau điếng. Trong phòng khách, mẹ cô ngồi ôm mặt khóc, gương mặt bố hầm hầm giận dữ, trong tay ông, ống điếu gãy đôị Cô trố mắt, chưa kịp hỏi thì bố khoát tay:

“Chẳng có gì quan trọng cả, chỉ có con Lisa hư đốn, bỏ nhà đi rồi nên mẹ mày khóc lóc.” Bố gằn giọng “Không cần khóc lóc nữa, nó đi năm bữa nửa tháng, đói thì lại bò về.”
Cô biết bố giận lắm nên nói thế, cô đến gần mẹ, nâng mẹ dậy lau nước mắt cho mẹ, dẫn mẹ về phòng ngủ.

“Mẹ ơi, Lisa đến nhà bạn chơi vài bữa rồi về chứ nó dám đi đâu xạ Con sẽ đi kiếm nó về cho mẹ.”
Mẹ lắc đầu, nước mắt tuôn dàn dụa, mẹ bây giờ yếu đuối như một đứa trẻ con. Cô đặt mẹ nằm xuống giường, lấy hộp giấy lau mặt để bên cạnh mẹ rồi nhỏ nhẹ:

“Thôi mẹ nằm nghỉ một chút cho khỏe, con ra nấu cơm chiều cho bố dùng.”

Cô đứng lên, về phòng thay áo, trong lòng bực tức lắm. Con bé này thật là hư, dạo sau này nó hay đi chơi về trễ, hay bỏ những buổi cơm chiều, hay bị trường gọi về than phiền làm bố mẹ bực mình nhiều lần, bây giờ còn bày đặt bỏ nhà ra đị Mỹ hóa quá sức rồi, thế nào mai mốt đem nó về, cô và Duy sẽ cùng nhau nói cho nó nghe những điều phải trái.

Bữa cơm chiều hôm ấy thật là ảm đạm. Mọi hôm Duy thường đến nhà ăn cơm mỗi tối thứ Sáu, hôm nay anh chàng cũng bặt tăm. Cô chép miệng: Thế cũng hay, chắc bố mẹ cũng muốn được yên tĩnh trong buổi chiều phiền muộn đắng cay này!

Bầu không khí trong nhà nặng nề khó thở nguyên một cuối tuần. Mẹ u sầu trong phòng ngủ, bố lẳng lặng trầm ngâm trước tivi, cô cũng thẩn thờ lui tới trong nhà, làm những công việc lặt vặt. Duy có ghé qua một chút rồi anh cũng lặng lẽ ra về. Anh có vẻ ngượng nghịu không biết phải nói gì để an ủi bố mẹ. Thật ra bố cũng chỉ ngồi trong chiếc ghế bành quen thuộc, bâng quơ, phì phà ống điếu, đôi mắt đen tinh anh của bố ngày xưa đã hết còn sáng quắc nay lại điểm thêm một chút tàn phaị Bố nhìn Duy lặng thinh, ánh mắt bố làm Duy mất tự nhiên nhìn qua chỗ khác. Mẹ thì thầm với Duy:

“Con phụ với em đi tìm Lisa về cho mẹ, nó tuy lớn xác nhưng còn ham chơi dại dột lắm… rán khuyên nhủ nó dùm mẹ, có chuyện gì thì nói cho mẹ chứ đừng bỏ nhà ra đi như thế…”

Duy gật gật đầu, lấy kính mắt ra lau lau, chùi chùi rồi đứng lên chào bố mẹ ra về. Cô bước theo anh ra cửa, cảm thấy đôi mắt bố chuyển hướng nhìn theo, lòng cô xót xa khi nhìn thấy sự ngậm ngùi tỏa ra từ đôi mắt ấỵ Dựa lưng vào khung cửa cô nhìn theo bóng xe Duy chạy khuất sau ngõ quanh, ngẫm nghĩ: Anh chàng Duy nhiều khi lầm lì kỳ quặc lắm, dấu diếm bao nhiêu là cảm xúc qua sự thinh lặng. Chả bù cho cô, khi vui cô cười, khi buồn cô khóc, khi tức giận cô bộc lộ ra ngoàị Cô không vùi lấp tâm tư như Duy, tâm hồn anh ta chắc cũng giống như ngọn hỏa sơn còn ngái ngủ.

Cô đi vào phòng ngủ, ngồi xuống bàn gọi điện thoại cho Jane, người bạn thân đã chở Lisa đị Jane không biết Lisa đi đâu vì Lisa chỉ nhờ Jane chở hộ ra bến xe công cộng. Thẩn thờ bỏ điện thoại xuống, cô leo lên gường, đắp chăn lên bụng, với tay lấy cuốn tiểu thuyết đang đọc nửa chừng, lật qua lật lại vài trang, cô bỏ sách xuống không đọc nữạ Cô vòng đôi tay sau ót, đăm đăm nhìn tấm ảnh trên tường. Bức ảnh cô đứng một mình trên bờ đê xanh, che cây dù đỏ, nhìn ra dòng sông Mississippị Tấm ảnh này người bạn chụp giùm cô trong một chuyến du ngoạn miền Nam. Cô hồi tưởng lại thời gian ấy: mưa phùn bay bay, giòng sông ngầu đục, đưa đón những thương thuyền xuôi ngược đôi bờ chầm chậm, êm áị Cuộc đời cô cũng như dòng sông ấỵ Công việc, tình duyên cũng êm ái, lặng lờ. Bỗng nhiên “đùng một cái” như mẹ ví. Lisa trở thành một cơn sóng động trong dòng sông êm ái của cô, một cơn giông tố trong cuộc đời của bố mẹ.

Chuông điện thoại reo vang cắt đứt dòng tư tưởng của cô:

“Em đấy hả? Lisa vừa gọi cho anh.”

“Ủa sao nó không gọi về nhà?” Cô hỏi.

“Sợ bố mẹ nên nhờ anh nhắn lạị Cô ấy ở nhà bạn, không sao cả, em thưa giùm bố mẹ.”

“Nó đang ở đâu vậy hở anh?”

“Cô ấy không chịu nói, không cho số điện thoại, chỉ nhờ anh nói vậy.”

“Nó có nói tại sao nó bỏ đi không anh?”

“Không, anh không biết, nếu cô ấy gọi lại nữa thì anh sẽ hỏị Chắc cô ấy giận hờn gì đó, đừng lo cô ấy cũng lớn rồi.”

“Lớn gì, nó mới mười tám tuổi, em lớn hơn nó nhiều mà đâu có dám làm như nó.”

“Mười tám tuổi là lớn lắm rồi, tại em là chị nên lúc nào cũng thấy rằng em mình nhỏ dạị Thôi ngày mai gặp, em nhắn lời Lisa cho mẹ kẻo mẹ lo.”

Cô bước ra phòng khách, nói cho bố mẹ nghẹ Ánh mắt mẹ tỏa ra một niềm an tâm mới, bố không nói, không cười, đăm đăm nhìn vào máy truyền hình. Ánh mắt bố ưu tư, ái ngạị Bố trầm ngâm yên lặng, nhớ thương đứa con gái út. Bố hồi tưởng đến cô bé tròn trĩnh, hồng hào, đôi mắt đen nhánh, quấn quít bên bố như một chú chó con. Lúc còn bé tí teo, cô bé thường lê la trên sàn nhà bếp, cô kéo tất cả những nồi niêu soong chảo của mẹ ra khỏi tủ. Cô ngồi gõ cái này xếp cái kia lanh canh, chát chúa làm mẹ dọn dẹp liên miên đến nhức đầụ Đôi khi mẹ mệt nên tức giận hét lên to tướng. Bố lật đật chạy tới nâng cô bé ra khỏi đống đồ đạc tan hoang trước khi mẹ nổi cơn thịnh nộ. Lisa cười nắc nẻ, cưỡi trên vai bố, hai bố con chạy vụt ra khỏi nhà đi trốn mẹ. Bây giờ Lisa mười tám tuổi, Lisa bỏ bố mẹ ra đi, không một lá thư, không một lời giải thích, chỉ có vài lời điện thoại nhắn về. Ngôn từ lúc này không còn ý nghĩa mấy, sự buồn đau mới giống như một sợi chỉ luồn kim, đâm vào lòng vải, châm chích, xâu xé, thêu dệt.

Ngày qua ngày, Lisa vẫn không chịu gọi về nhà. Duy trở thành một liên lạc viên cho Lisa và gia đình. Từ Duy, cô biết Lisa vẫn khỏe, Lisa đi làm việc, Lisa nhớ bố mẹ, nhớ chị nhưng chưa muốn trở về. Duy vẫn chưa điều tra được lý do Lisa bỏ nhà ra đi, hỏi mãi cũng chán nên không ai buồn hỏi nữạ Mẹ đêm ngày cầu trời khẩn Phật cho Lisa được bằng yên.

Trong nhà thời gian trôi đi buồn bã nhưng không bi aị Dường như mọi người đã quen dần với sự im lặng và tẻ nhạt. Mẹ đan len nhiều thêm, những chiếc nón len xanh hồng nhỏ xíu; những chiếc mền len mềm mại, những đôi tất tí teo chỉ vừa một lóng tay của mẹ. Mẹ tặng những vật dụng này cho nhà thương để họ dùng cho những em bé thiếu tháng. Mẹ miệt mài sản xuất, đem nỗi buồn của mẹ đổi lại tình thương cho những con búp bê mảnh khảnh, vất vả từng hơi thở trong lồng kính. Dạo này mẹ còn sinh tật lái xe đi đến những khu chợ búa xa xôi, mẹ viện cớ là đi mua len, mua vải nhưng cô biết rằng lòng mẹ không nguôi cơn đau nhức. Mẹ bâng khuâng, lơ lửng kiếm tìm.

Duy dạo này cũng bận rộn lắm, anh thỉnh thoảng ghé qua, ăm cơm tối rồi vội vã ra đị Cô càng đọc sách nhiều hơn để trốn tránh sự im lặng. Cô không nghĩ đến tương lai nhiều nữa, cô đi làm như con người máy, cô học thêm những lớp cắm hoa, làm đồ gốm. Dù cho bận rộn đến chừng nào, dòng sông tâm hồn cô cũng không còn bình lặng nữạ Những cơn sóng buồn cứ ray rứt, vu vơ.

Một năm trôi qua từ ngày Lisa bỏ nhà ra đị Duy không đến nhà thường xuyên nữa vì mẹ Duy vừa mới được đoàn tụ qua Mỹ, bà cần nhiều đến sự săn sóc của Duỵ Cô đến nhà Duy, giúp bà trong việc chợ búa hoặc chuyện trò với bà trong những lúc Duy bận đi làm những giờ phụ trội. Mẹ cô cũng hay đưa mẹ Duy đi phố xá thường xuyên. Cô cũng mừng khi thấy hai bà hàn huyên tương đắc. Nhiều khi cô bước vào phòng Duy ngủ, nhìn những chiếc gối thêu cô trang hoàng trong phòng ngủ, những tấm trải giường thanh nhã cô chọn, đôi khi lòng cô cảm thấy bâng khuâng.

Bẵng đi một tuần, Duy không đến nhà chơi, cô cũng tự nhiên bận bịu nhiều với mẹ.

“Con ơi, đi với mẹ đến nhà bác Phán, bác ấy không được khỏe, phải đến thăm không thôi nhỡ có bề nào!”

Hôm khác mẹ rủ rê:

“Mẹ tìm được một chỗ bán vải thật rẻ nhưng hơi xa, con đi lựa cho mẹ một ít hàng đẹp để mẹ gởi về Việt Nam.”

Tới ngày thứ Bảy, mẹ bảo:

“Hôm nay con dì Năm đám cưới, con nhớ dì Năm không? Bạn thân với mẹ từ thuở nhỏ. Dì ấy mời mẹ đi họ nhà trai vì dì qua đây một mình, không có nhiều họ hàng thân thuộc. Bố mày không chịu đi với mẹ, ông ấy chả biết xã giao gì cả! Con chở mẹ đi dùm, nhà ấy ở dưới quận Riverside.”

Cô ngập ngừng nhìn mẹ:

“Hôm nay con có hẹn trượt tuyết với Duy.”
“Ủa thế nó chưa gọi cho con à? Mẹ gặp nó hôm qua, nó đang bị cảm cúm liệt giường, mà con đừng qua bên ấy nhé, lỡ lây bệnh không đi làm được.”

“Chán quá, mẹ thấy không, mẹ bắt con đi chơi với mẹ hoài nên con chẳng còn để ý đến Duy nữạ Để con gọi hỏi thăm Duy một chút rồi con đi với mẹ.”

Cô bước vào phòng ngủ, nhấc điện thoại gọi qua nhà Duỵ Mẹ Duy trả lời:

“À, con đó hả? Thằng Duy mới ra khỏi nhà.”

“Ủa, nghe mẹ con nói là ảnh bệnh liệt giường mà ảnh lại đi đâu sớm thế hả bác.”

“Thì hắn bị bịnh đó chớ, chắc hắn chạy đi mua thuốc men chi đó, khi hắn về bác biểu hắn kêu cho con.”

“Thôi khỏi đi bác, con phải chở mẹ con đi ăn cưới, chắc khuya lắm mới về, bác để anh ấy nghỉ.”

“Con đi chơi cho vui hỉ, đừng để ý tới thằng ni nhiều, có bác săn sóc hắn rồi.”

Mẹ Duy người miền Trung, nhiều khi nói giọng lạ và nhẹ như tiếng chim hót. Cô lắc đầu mỉm cười, mai mốt mấy đứa cháu nội mặc sức mà lẫn lộn giữa tiếng Mỹ, tiếng Việt, giọng Huế, giọng Bắc lung tung.

Đám cưới con dì Năm thật là vuị Mẹ ngồi với đám bạn già của mẹ. Bà nào cũng diện áo nhung, áo gấm. Đeo hạt xoàn, vòng vàng rực rỡ. Mẹ cũng đẹp không kém trong chiếc áo dài thêu và chuỗi hạt traị Mẹ bới tóc cao, kiêu sang, cười con mắt có đuôi, nói chuyện với bạn bè một cách vui vẻ. Mẹ và dì Năm dẫn cô đi giới thiệu lung tung với các bạn già trẻ. Cô cười bảo mẹ:

“Mẹ không cần đi kén rể đâu nhé, con đã yên phận rồi.”

Mẹ chau mày:

“Làm gì mà đã yên phận sớm thế, càng quen nhiều người càng vui, mình lại có thêm nhiều sự lựa chọn chứ sao đâu?”

Cô trố mắt nhìn mẹ:

“Sao tự nhiên mẹ lại ăn nói văn minh thế?”

Dì Năm nhìn mẹ trêu:

“Bộ cháu không biết là chính mẹ cháu lựa chọn bố cháu sao?”

Mẹ liếc mắt nhìn dì Năm mắng yêu:

“Đồ quỷ, già rồi mà không nên nết.”

“Già đâu mà già, chút nữa tui ra nhảy đầm cho chị coi.”

Mẹ và dì Năm nhìn nhau cười nắc nẻ.

Hôm ấy, thật khuya, hai mẹ con lái xe về trên xa lộ vắng. Bầu trời trong vắt và mát lạnh, tinh tú lấp lánh như kim cương. Cô quay kính xe xuống, gió lùa tóc cô bay phơi phới, mẹ dựa đầu vào thành ghế ngái ngủ, lặng thinh. Cô nhớ lại lời mẹ nói trong bữa tiệc cưới: “Càng quen nhiều người thì càng có nhiều sự lựa chọn!” Từ ngày gặp Duy, chàng trở thành tấm chăn ấm, bao trùm cả cuộc đời cô, cô cần gì phải lựa chọn ai nữả Cô mỉm cười thương mẹ quá lo xa.

Sáng chủ nhật, bố dậy sớm pha cà phê, mùi thơm của cà phê và trứng chiên làm cô tỉnh giấc. Ngoài cửa sổ những con chim se sẻ bận rộn, ríu rít nhảy thoăn thoắt từ cành nọ qua cành kiạ Bố mẹ cô cũng như những con chim ấy, tíu tít bên nhau, tha mồi về nuôi những con chim non trong tổ. Một mai, như những con chim non mọc đủ lông cánh, cô cũng bay ra khỏi tổ, nhưng cô sẽ không bay đi đâu xa cả. Cô đi về ở với Duy, cách nhà cô mười lăm phút lái xe, cô vẫn còn nhiều dịp để làm nũng với bố mẹ.

“Con ơi, xuống ăn sáng với bố mẹ không thôi thức ăn nguội cả.”

Nghe mẹ gọi, cô nhảy xuống giường, vào phòng tắm đánh răng, rửa mặt. Khoác vào người chiếc áo kimono, nhìn gương mặt hồng hào bóng nhoáng của mình trong gương, cô mỉm cười sung sướng khi được bố mẹ chiều chuộng như một đứa bé. Cô thích ngồi đủng đỉnh uống cà phê, ăn sáng và đọc báo chủ nhật cùng với bố mẹ.

Dùng điểm tâm xong, cô bưng chén đĩa vào bếp, dọn dẹp những vỏ trứng vỡ còn nằm tung tóe dưới đáy chậụ Mẹ đang lau bàn bỗng dừng tay nhìn cô:

“Mẹ gặp Lisq.”

Cô giật mình ngẩng lên nhìn mẹ. Bên kia bàn bố cũng buông tờ báo xuống, chăm chú nhìn mẹ.

“Lisa đi chợ Lucky.”

Thảo nào, cô thầm nghĩ, cô và mẹ chỉ đi chợ Vons mà thôị Mẹ tiếp tục:

“Nó đem theo một đứa bé độ chừng ba tháng.”

Một cảm giác ớn lạnh chợt len lỏi vào lòng. Cô nhìn xuống bàn tay mình, miếng bọt biển rơi ra khỏi bàn tay yếu đuối và run rẩy của cô.

“Mẹ không biết phản ứng như thế nào nên tránh mặt nó lúc ấy, chờ nó ra khỏi chợ mẹ len lén đi theo, nào ngờ nó đến nhà Duy để thăm bác gái nên mẹ theo vào, nhờ vậy mẹ mới hỏi rõ tất cả sự việc.”

Tiếng bố tằng hắng văng vẳng đâu đây, bầu trời ngoài kia đầu xuân xanh biếc nhưng trong lòng cô, một đám mây đen ào ạt bay về. Giọng mẹ đều đều như những giọt sầu rơi rụng đau nhức trong lòng cô:

“Mẹ muốn kể cho con nghe từ tuần trước nhưng mẹ chưa chuẩn bị được. Bố mẹ có gặp Duy và có yêu cầu Duy đừng đến đây gặp con nữạ Bố mẹ buồn lắm mà không biết làm sao nói chuyện với con…”
Cô nhắm đôi mắt lại, hai tay bám vào thành chậu, cố chận những giọt lệ nặng nề tràn lấp đôi mi.

“Phải đứa bé là con của Duy và Lisa không?”

Cô nghe giọng mình khàn đục cất tiếng, hỏi mẹ một câu thật là thừa thãị Lời mẹ đáp mơ hồ văng vẳng nhưng cô đã biết, đã hiểu những ẩn khuất, những thấp thỏm u hoài lâu nay cô cố tình xua đuổi ra khỏi tâm trí của mình. Bây giờ, bao nhiêu dữ kiện bi đát dồn dập phản chiếu trong tâm tư cô, qua một tấm lăng kính nhạt nhòa mà cô đang gội rửa bằng những giọt lệ tràn lan trên đôi má.
Cơn đau bất chợt nổi lên làm cô ôm bụng, oằn người trên chậu chén bát. Thức ăn sáng vừa mới vào tới dạ dày cô chợt tràn trề dâng lên trong lồng ngực, cô gục đầu nôn mửa thốc tháo trên những mảnh trứng vỡ, những mảnh vụn mong manh, tan nát như trái tim cô.

*

Trời hôm nay lại trở màu xám đục. Cali dạo này mưa nhiều hơn mọi năm. Thời tiết bây giờ không còn ảnh hưởng nhiều đối với cô nữạ Ngày qua ngày cô đi làm việc, cô đi học nhạc, cô cố tránh những cảm xúc đắng cay, buồn giận. Những cảm xúc ấy đã giày vò trong lòng cô suốt cả năm qua làm tâm tư cô dửng dưng lạnh lẽọ Ngồi trước phím dương cầm, những nốt nhạc buồn rơi rụng từ những ngón tay cộ Từ ngày Duy ra khỏi đời cô, dường như cô không còn nhớ được một dòng nhạc vui nào nữa, đôi tay cô lướt chầm chậm trên phím trắng… “thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá, thà như giọt mưạ..” cô cảm thấy nỗi lạnh lẽo ngoài trời thấm nhập vào đáy lòng mình. Cô vương vấn một nỗi chán chường và thất vọng. Cô thất vọng vì mình đã trao niềm tin cho Duy, cô dựa vào Duy như một đứa trẻ thơ cho tâm linh cô được thoải mái, an bình. Ngày xưa, khi bố cô đi hành quân xa, cô không chịu ngủ, mẹ phải cho cô một tấm áo cũ của bố để cô ôm vào lòng cô mới chịu đi ngủ. Ngày nay, cô đã hai mươi mấy tuổi rồi, lại một lần nữa, cô dùng Duy để thay thế tấm áo cũ ngày xưạ Chính cô, cô đã tự gạt gẫm mình để tìm một thứ bình yên giả tạo.

“Hi, are you Philippina.”

Giật mình cô quay ngoắt lại, chút nữa thì té khỏi ghế. Hai bàn tay vươn ra chụp cô lại, giọng nói hốt hoảng:

“Oh, I am sorry that I startled you!”

“It’s alright!”

Đôi gò má cô nóng bừng vì ngượng, người con trai đối diện cô chính là người hôm qua đứng nhìn cô qua cửa sổ.

“I am Vietnamese.”

Đôi mắt đen tỏa ra những tia sáng hóm hỉnh làm cô càng hổ thẹn. Người con trai mỉm cười:

“Tôi tên Minh, cô chơi đàn hay quá nên tôi đánh bạo làm quen, ai ngờ cô cũng là người Việt… Cô có thể cho tôi ngồi đây vài phút để nghe cô đàn được không?”

Cô bối rối mỉm cười, nhìn xuống phím đàn, tránh đôi mắt đen làm hồn cô choáng váng ấy.

“Tôi chỉ đàn được một vài bài thôi, hay không thì chưa chắc vì chưa bao giờ tôi có thính giả cả!”

Cô ngập ngừng nhìn đôi tay mình, những móng tay nhỏ xinh hồng dường như cũng thẹn thùng run rẩỵ Cô nhắm mắt, lặng thinh, cố quên đôi mắt nhung tròn, láu lỉnh nhìn mình hôm qua từ khung cửa sổ, cố quên giọng nói ấm cúng của chàng trai đối diện. Cô bắt đầu lướt nhẹ đôi tay trên phím ngà để dòng nhạc dìu cô đị Bỗng dưng cô vươn cánh bay, cô bay mãi vào trong một khung trời mới, khung trời hồng với trăng sao huyền hoặc, những con bươm bướm trắng lung linh trên cỏ xanh, gió thơm ngào ngạt hương ngọc lan. Trên đồi hoa vàng ngập lối, những người tình thơ thẩn, tay trong tay, tim rộn rã, mắt nồng nàn và môi cuồng nhiệt…

*

Từ đó, sau một buổi chiều giông tố. Cô tự dạy mình cách tránh né những hy vọng hão huyền, cô bắt đầu biết hoài nghi, cô biết đương đầu với những nỗi đam mê mới, cô biết đùa cợt với những lời hẹn thề giả dối và tự hứa rằng, mai sau, khi cô bước vào một tình yêu mới, cô muốn yêu và được đền đáp bằng một tình yêu nồng nàn như lửa hồng, như rượu ngọt và cô sẽ ôm ấp tình yêu này bằng một trái tim say đắm, ngất ngây.

TÔN NỮ THU NGA

CHẤT XÚC TÁC

phudu

Việc cô bồ hắn đi Mỹ không phải là biến cố khác thường gì có thể làm đảo lộn cả tâm hồn êm ả của hắn vì lâu nay hắn là người sống theo đạo lý tĩnh lự điềm nhiên của Lão Trang = được pha chế thêm tinh thần khắc kỷ hiện đại đồng thời một chút gia vị lang thang của dân hippy bên trời Tây = nhưng dù sao hắn cũng phải để cho lòng mình có đượm vào một ít bâng khuâng nhung nhớ và buồn rầu ngơ ngẩn các cái để tỏ ra mình là một con người đa sầu đa cảm, có thủy có chung, vân vân. Và muốn cho tình cảm được tràn trề lai láng, hắn cần phải tìm một cái gì đó để gợi hứng, đặng dễ dàng bày tỏ nỗi u hoài. Một chất xúc tác à? Cái gì nhỉ? Hắn nghĩ mãi vẫn không tìm ra phương thuốc nào diệu dụng. Xem thử nào! Lang thang dưới biển à? Thôi đi! Trời đang mùa hè, ông tướng ạ. Khùng khịu gì mà phải đắm mình dưới cái nắng lửa ngùn ngụt ấy? Lại đi cho rạc cẳng sái chân ra nữa! Hứng ở đâu mà gợi lên được chứ? Thế thì vào quán cà phê? Hừm, chả dám, không ổn! Quán xá bây giờ chật ních cả người lẫn nhạc. Nhạc rock kim loại chật ơi là chật, nghe đến chan chát cả lỗ tai lẫn con tim, nhạc Việt thì toàn nhạc hải ngoại ấm ớ, mà thịnh hành nhất, hăng nhất là mấy cái giọng sướt mướt ỏng ẹo của các ca sĩ đực C. L, T. A, ngán! Nhạc Việt trong nước thì cũng sàn sàn  những giọng lên gân lên cổ của những Quang, Quang, Quang gì gì rồi Trường, Trường, Trường gì gì nghe phát mệt! Khách vào quán cà phê nhiều anh ăn bận trông phát ớn, thùng thình lảng kảng bắt mệt con mắt. Tóc đầu đinh, tóc dài, ióc…trọc. Con gái chủ trương bận càng hở càng hay cho thiên hạ tha hồ nghía! Lại thêm cái mốt đội mũ chỉ trơ có cái vành, để mỗi mái tóc xù trông thật phi thẩm mỹ. Thôi chịu, không có hứng khởi gì được khi vào chịu khổ hình trong mấy cái quán cà phê mốt mới. Vậy thì về nhà, lên gác, đóng cửa lại, ngồi bên cưa sổ nhìn mây lang bạt một phương trời mà hoài niệm về Phương Tiên, ôi, Phương Tiên yêu dấu vô vàn. Chà! Cái này coi bộ đặng đó, Thoái à! Coi thử. Chậc! Cũng không ổn nữa rồi! Mấy thằng em hiện giờ đang bắt đầu chơi nhạc cho mấy em thiếu nhi Gia đình Phật tử để trình diễn giúp vui trong dịp lễ Thích Ca Thành Đạo sắp tới. Thôi, có mà khổ với họ! Tai nghe bản Trầm Hương Đốt hay Ánh Đạo Vàng mà hồn lơ mơ nghĩ đến Phương Tiên thì trống đánh xuôi kèn thổi ngược rõ ràng! Phải tìm chất xúc tác cảm hứng, đồng thời với một khung cảnh vắng vẻ, khả dĩ không gây ảnh hưởng đến môi sinh tập trung định lực. Chất xúc tác cảm hứng hả? Lấy đâu ra? À! Thuốc phiện? Rượu? Đề xuất thứ nhất bị gạt bay ngay ra khỏi ban tham mưu sọ não. Rượu! Chỉ có rượu là hắn còn có đủ gan mật để sờ vào chứ thuốc phiện thì hắn chả ham mà còn sợ nữa là khác! Rượu thì thảng hoặc trong những buổi lễ tiệc chiêu đãi đại loại các kiểu xã giao kia, hắn cũng có uống tí đỉnh cho phải phép, và hắn cho rằng rượu không đáng sợ. Hắn ngồi định thần, cố nghiệm lại lần nữa cho chắc ăn. Ừ, rượu vài chung lếu láo thì chẳng ăn nhằm gì đâu. Báo chí người ta phê phán châm chích mấy ông bợm rượu, còn mình thì chỉ mượn rượu để tìm chất xúc tác mà phô diễn tâm hồn trăm nhớ ngàn thương về giai nhân Phương Tiên kiều mỵ mà thôi. Mà nào có phải là sỉn tảng gì đâu? Ừ, phải! Chả sao cả! Ba cốc đế là đủ thấm men nồng. Hắn chưa uống rượu đế lần nào, chỉ toàn rượu nếp than, mà cũng chưa có lần nào uống đến ba cốc. Phần lớn ở những bữa tiệc cưới hay tiếp tân thì chỉ rặt bia lon hay bia hơi. Lần này phải uống đế, nghe nói dễ mau bốc. Rượu nếp than uống ngọt sợt, chỉ dành cho cánh phụ nữ. Mình muốn mau đạt hiệu quả xúc tác thì chỉ cần tìm đến một cái quán cóc vắng vẻ nào đó, gọi một ly, à không, một xị đế rót vừa đủ ba cốc, thế là đủ lâng lâng để trôi dạt lòng ta vào cõi tình nùng diễm chừ đã xa biền biệt.

Thế là hắn quyết định đi uống rượu. Hắn lang thang trên các con đường nhỏ ở mạn phía nam thành phố, vốn thường có các quán cóc bình dân bán rượu gạo rượu thuốc các loại. Hắn đi qua đi lại, đi tới đi lui, đi ngang đi dọc năm lần bảy lượt ở khu xóm máy nước mà vẫn chưa tìm ra được một khung cảnh nào có thể đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của hắn về việc uống rượu cả. Là vì ở quán nào nhìn vào cũng thấy đông người mặt đỏ! Phát ớn! Quán nào cũng ồn ào nhặng xị, cũng nghiêng ngửa ly chai bát đĩa, cũng là chỗ chiến trường, không, tửu trường đang hồi náo hoạt! Kia rồi! Quả là chốn thánh địa! Không phải, chốn đạo tràng hội đủ điều kiện để ta lắng lòng mà hoài niệm  kẻ đi xa!

Hắn dừng lại trươc một cái quán nhỏ tồi tàn xiêu vẹo bên dưới một tàng cây me. Quán chỉ có một cô bán hàng đang mở thẩu đựng đậu phọng rang đong ra một đĩa, và một ông khách trạc ngũ tuần, tóc muối tiêu, mặt mày khắc khổ đang ngồi trầm ngâm bên một xị đế vừa lưng. Hắn bước vào quán, ngồi xuống bên một cái bàn kê tận góc trong cùng, gọi một xị đế và một đĩa mồi; hắn gọi thêm bốn điếu Ngựa Trắng và một gói Đà Lạt. Như thế là gọn, hắn nghĩ, giờ thì ông tướng hãy ung dung mà đánh chén lai rai, hay nói khác hơn, hãy thoải mái mà bơm chất xúc tác cảm hứng vào cho tâm hồn được nở hoa tương tư thương nhớ. Hắn nâng ly rượu lên ngắm  nghía. Chất rượu gạo trắng đùng đục. có thể nhìn thấy những hạt cặn màu  trắng dập dềnh lên xuống trong ly. Ly là loại ly nhỏ dùng để uống trà mà mấy quán cà phê thường đem ra. Ly này ắt vừa ba lần rót là đủ một xị. Mùi rượu nghe chua chua nồng nồng. Hắn nhắm mắt tợp thử một ngụm nhỏ, đâu khoảng phần ba ly, nuốt đanh ực và khà một cái rõ to. Có thể cảm thấy được rượu chạy nóng ràn từ cổ họng xuống tới bụng. Chà! Khiếp thật! Hắn nhón ngay vài hạt đậu phọng và chợt băt gặp ánh mắt của ông khách già ngồi sát bên bàn bày hàng đang nhìn hắn có vẻ chăm chú. Ông khách mỉm cười với hắn. Hắn cười trả và cảm thấy ngay là hắn đã dại dột vi phạm một cái lỗi đáng trách. Hắn đã tự hứa khi vào quán rượu thì đừng bắt chuyện làm quen với ai cả, và cũng đừng để ai đó có cớ làm quen với mình. Phải độc ẩm để được vùi mình vào trong nỗi nhung nhớ người yêu chứ! Nhưng…lỡ rồi, trời ạ! Ông khách già đã đứng dậy, hai tay tóm trọn cả bộ lệ ly chai đĩa của mình và khệnh khạng bước qua bên bàn hắn. “Xin lỗi, chú em để qua ngồi chung bàn cho vui được không?” Giọng nói nghe rè rè như tiếng chuông bể và cặp mắt ngó xoáy vào hắn một cách đòi hỏi bắt buộc khiến hắn ngớ người ra, nhất thời chưa biết đối đáp ra làm sao. “Ơ…ừa…ờ.” “Hừm,” ông khách ngồi ngay xuống ghế bên cạnh, ngang tàng đặt bộ lệ ly chai đĩa của mình lên bàn, cười cười, “Làm giao hữu cái, chú mày!” Từ ‘chú em’ qua ‘chú mày’. Nhanh thật! Đành phải uống chứ sao nữa!? Lỡ bộ rồi, ngán chưa! Hắn tợp một ngụm nữa rồi lo sợ khi thấy ông khách già ngửa cổ, hả họng, đánh tróc một cái cạn sạch ly rượu đầy. “Chậc,” ông khách ngó cái ly còn một phần ba của hắn. “Sao vậy chú mày? Giao hữu thì làm trọn chứ? Vô đi! Uống là phải trọn nghĩa trọn tình. Đừng bạc đãi rượu mà rựợu nó buồn. Vô coi!” “Vô!” hắn đưa ly lên làm luôn và bắt đầu cảm thấy khoái cái giọng khinh bạc của ông khách già có khuôn mặt khắc khổ của một ông thầy tu dòng kín.

“Tao là Tiến, tức Tiến DDT. Còn chú mày?” “Dạ, em là Thoái. Nguyễn Thoái.” “Ha ha!” Tiến DDT cười khoái trá, “Tiến lại gặp Thoái. Ngẫu nhiên mà thú vị chớ hả? Chuyện đời mà chú em.”lão nhón lấy chai xị của hắn rót vào ly của hắn, đoạn lấy chai của lão rót vào ly của lão, hắn thầm nghĩ, rõ rồi, dân nhậu thường minh bạch sòng phẳng! “Gặp gỡ nhau tình cờ bao giờ cũng có điều thú vị. Tao thấy chú mày có vẻ hay hay ngay từ khi chú này đứng ở ngoài kia ngó vào quán. Y như thể chú mày đang dò xét xem thử cái quán này có thể vào uống rượu được không vậy? Hay! Như vậy chứng tỏ chú mày đi uống rượu có cân nhắc, chọn lựa. Chú mày không phải là dân ghiền rượu, đúng không? Dân ghiền cứ thấy có quán rượu là a lê hấp xung phong vào. Đó là điều tao khoái ở chú mày. Vả lại bộ dạng của chú mày cũng có vẻ nghệ sĩ lắm. Nào, vô cái coi! Tao tiến, chú mày thoái, rồi chú mày sẽ tiến để tao thoái. Chịu không? Ha ha! Vô!” “Vô!” hắn cũng hào hứng nâng ly lên. Có lẽ cổ họng hắn đã được bôi trơn bởi ly rượu đầu tiên nên ly thứ hai này hắn uống nghe ngọt sợt. Mặt đã  nóng bừng lên đồng thời với cơn hứng bát ngờ. Bằng cả hai tay trân trọng, hắn mời Tiến DDT điếu Ngựa Trắng, bật quẹt gas cho lão mồi thuốc và tự hắn rót rượu = của hai chai xị = vào hai ly của lão và hắn. “Dạ, anh công tác ở đâu vậy?” hắn hỏi. “Hừ, công tác quái gì đâu?’ Tiến DDT nheo mắt khinh khỉnh, “Gõ đầu trẻ, mà gõ tại tư gia…Anhvăn. Thôi, dẹp đi. Uống rượu không nói chuyện làm lụng. Vướng lắm. Chú mày có biết điều này không? Uống rượu rất khoái và uống rượu rất khó. Đó là câu tao học được ở một thằng cha kiến trúc sư kiêm thi sĩ kiêm tửu quỉ. Chớ sao nữa hả? Khoái lắm mà cũng khó lắm, chú em ạ! Đâu dễ gì uống được rượu phải không? Nhưng mà…coi, vô cái đã, chú mày!” Lại vô, ngọt sớt. Một xị quả nhiên rót đúng ba ly. Chai của Tiến DDT cũng vừa tóm trọn vô ly lão. “Tìm ra người đối ẩm với mình chẳng phải như tìm tay đánh bạc hay đánh bi da đâu, chú mày ạ. Là vì uống rượu rất khó. Chú mày có hiểu thủng điều ấy không nào?” “Dạ, hiểu chớ anh Tiến. Phải hạp nhau thì mới ngồi đối ẩm với nhau được ngon lành chớ!” “Ừ,” Tiến DDT gật gù, “Chú em có căn cơ đó. Phải hạp nhau. Đã hạp nhau được rồi thì từ chỗ rất khó thành ra rất khoái…” “Vô, anh Tiến” hắn nâng ly lên, đưa ly ra đụng đánh cộp vào ly Tiến DDT. “Gọi tao là Tiến DDT nghen mày – uống rượu với tao mà loạng quạng thì dễ bị nuốt DDT lắm đa! Hề hề! Vô, chú mày!” Rượu hết. Hắn gọi luôn hai xị nữa. Men say bỗng làm hắn trở nên hào sảng. Tiến DDT ngồi rung đùi, khật khà khật khưỡng, hết nhìn hắn rồi nhìn qua cô bán quán. Hắn cũng muốn nói một câu gì đó cho ra vẻ mình cũng là một tay phong trần lịch lãm, nhưng hình như cục hứng ở trong hắn chưa đủ sức để động đậy. Phải, cha này nói thế mà đúng. Dễ gì mà uống được rượu? Hôm nay hắn uống được rượu là nhờ ở hình bóng Phương Tiên. Và hắn thấy uống rượu chẳng có gì là đáng sợ cả. Khoái thật đấy chứ! Và hôm nay hắn uống rượu thấy khóai là nhờ ở Tiến DDT. Một sự gặp gỡ tình cờ đầy thú vị ở quán rượu giữa tiến và thoái. Hắn nghĩ là về nhà hắn sẽ ghi câu ấy vào trong sổ nhật ký.

Vào lúc ấy bỗng có hai người bước vào quán và xà đến bàn của hắn. “A ha! Tiến DDT đây rồi! Kiếm ông mải hồi sáng đến giờ!” Tiến DDT ngẩng phắt lên, mắt sáng rỡ, “A trời! Kẻ giết rượu!” Người được gọi là “Kẻ giết rượu” là một tay mặt mày bặm trợn, thân hình to khỏe, chắc nịch, mặt đỏ lựng, ria mép rậm rì. Gã kéo người bạn cao lênh khênh có mái tóc bù xù ngồi xuống bàn. “Tiến DDT là ông thần này đây! Còn xừ này là Phong Nháy.” Tiến DDT và Phong Nháy bắt tay nhau. Hắn thấy lúng túng quá. Kẹt thật! Một trự là đủ mệt rồi. Bây giờ lại đến những ba ông! Chắc phải tìm cách chuồn êm thôi. “Đây là Thoái, thằng em dễ thương mà tôi mới lượm được. Chào anh Đại của mày một ly giao hữu đi, Thoái!” Phong Nháy quay qua cô bán quán, “Lấy hai xị nữa, em! Thêm đĩa kim chi, bốn điếu Ngựa Trắng nghen!” Giao hữu hết ly này qua ly khác. Lạ kìa! Dường như rượu càng uống càng thấy dễ vô chớ không đến nỗi nào! “Đã uống ở đâu rồi?”Tiến DDT hỏi. “Quán Con Gấu. Một trận ở đó rồi. Buồn buồn bỗng nhớ đến ông. Kéo nhau đi tìm ở mấy cái quán kia không thấy, độ chừng chắc ông ngồi ở quán Sừng Nai này  chớ không đâu khác. Quả nhiên.” “Thì vậy…Rõ ràng.” Quán chẳng có bảng hiệu bảng hiếc gì sao gọi là quán Sừng Nai. Hắn rụt rè hỏi, “Sao gọi đây là quán Sừng Nai hả anh?” Đại chỉ tay lên trên đầu hắn. “Thì đó!” Hắn nhìn trật lên trên. Ngay phía trên đầu hắn là một cặp sừng nai được đóng vào vách gỗ. Một mũ phớt treo ở cái gạc nai bên trái. Tiến DDT giải thích, “Quán kia có một bộ da gấu treo trên tường nên gọi là quán Con Gấu, còn quán này là quán Sừng Nai. Hề hề! Chủ không thèm đặt tên quán thì anh em mình đặt cho biết chỗ mà tìm gặp nhau. Thoái à, đây là anh Đại, mệnh danh là Kẻ Giết Rượu đó!” Đại nâng ly lên cười khà khà, “Cụng cái coi, Thoái! Nè! Mình đã uống rượu thì phải giết rượu chứ đừng để cho rượu nó giết mình nghen, chú em!”

Hắn dạ dạ thưa thưa suốt và uống suốt. Có vẻ ba tay hảo hán kia coi hắn là bạn đồng hội đồng thuyền như đã từ bấy lâu nay rồi vậy. Chẳng ai thắc mắc xem hắn uống theo kịp bọn họ hay không. Điều này lại làm cho hắn hài lòng và hắn đã cố gắng uống cho ngang với tốc độ và số lượng của ba kẻ đàn anh đáng nể ấy. Phong Nháy nói chuyện huyên thuyên nhất và y đang nói gì về địa chất, trắc địa lung tung các thứ hắn không nghe ra và cũng không hiểu thấu. Cặp mắt Phong Nháy không hiểu sao cứ nháy lia nháy lịa. Có lẽ bị tật ở dây gân. Thảo nào chẳng gọi là Phong Nháy. Họ uống rượu đến mềm môi. Lần đầu tiên trong đời, hắn thể nghiệm được câu nói quen thuộc đó. Tuy môi hắn chẳng mềm di nhưng rõ ràng hắn cảm thấy MỀM và DẺO cả miệng lãn lưỡi. Hắn bắt đầu nói, lung tung lang tang, về cuộc sống hiện nay của hắn, về anh em hắn, về bạn bè hắn, về Phương Tiên, về Thùy Linh, về Bạch Cúc, vân vân. Hắn nói và cảm thấy ba người kia vừa nghe vừa uống và cũng vừa nói. Thế rồi bỗng nhiên hắn thấy hắn và Phong Nháy bắt đầu bắt cặp nói chuyện với nhau, trong khi Tiến DDT và Đại, Kẻ Giết Rượu, thì cặp đôi với nhau mà nói. A! Trà tam tửu tứ chắc là chỗ này đây! Uống trà ba người tỉnh táo thì một người nói, hai người nghe, còn uống rượu thì phải là bốn người để chia thành hai cặp mà nói, bằng không cả bốn dều nhao nhao lên tranh nhau mà nói thì chẳng ai nghe được ai cả. Hắn phát hiện ra điều này mà chẳng biết suy diễn như thế có đúng hay không, nhưng lấy làm khoái trong bụng và trù tính sẽ về nhà ghi vào sổ nhật ký. Men rượu mạnh đên nỗi bây giờ hắn đã quên béng cả yêu cầu và mục đích đi uống rượu hôm nay của mình. Hắn quay sang tranh luận với Tiến DDT khi hắn bỗng nghe lão nói với Kẻ Giết Rượu về câu “Đạo khả đạo phi thường đạo” trong Đạo Đức Kinh. Ủa? Đó là món ruột của hắn mà! Phải rồi, Tiến DDT đúng ở chỗ đó. Dịch sang tiếng Anh thì đúng là “The way that can be mapped is not the eternal way”. Con dường có thể vẽ bản đồ thì không phải là con đường thường hằng (con đường hay đạo lý). Lão Tiến dịch từ “thường” của tiếng Hán và từ “eternal” của tiếng Anh nghĩa là “vĩnh cửu”  thì hắn không đồng ý. Phải dịch từ “thường hằng” mới đạt. Bây giờ thì hắn và lão Tiến đang cãi nhau về mấy từ ngữ ấy, còn Đại và Phong Nháy gật gù ngồi nghe, và gọi lung tung rượu, thuốc lá, kim chi, đậu phộng, bày ra la liệt cả bàn. Hắn đã ngầy ngật choáng váng. Đầu hắn nặng trình trịch. Mắt quáng và tai lùng bùng. Quán rượu không hiểu từ lúc nào, đã đông nghẹt khách. Quanh cái bàn bày hàng và ở ba cái bàn con khác trong quán đều đầy người, lô nhô, ỏm tỏi. Hắn như trôi nổi dật dờ trong cái toàn cảnh mờ mờ ảo ảo và bát nháo loạn xạ ấy. Hắn chẳng còn phân  biệt nỗi ai là ai  mà lúc này bỗng dưng quanh bàn hắn ngồi  có tất cả là chín người chứ không phải là bốn nữa. Hắn cũng chẳng rõ thời gian trôi qua mau lẹ cỡ nào mà lúc này trong quán đã vừa bật đèn lên. Hắn nhìn ra ngoài. Trời ạ! Đã choạng vạng rồi sao? Hắn thấy trên bàn ly chai đĩa và thuốc lá lềnh khênh. Và không hiểu từ đâu lại xuất hiện hai cái bát đầy thịt vàng ươm. Cô bán hàng đem ra một chồng chén đĩa và một mớ muỗng dũa. Quán chỉ bán kim chi, đậu phộng, vậy là chắc có ai đó đã đi mua thịt ở đâu gần dây. Tiến DDT giục hắn gắp mồi. Hắn ăn và lấy làm lạ trước miếng thịt béo, thơm và ngon một cách lạ thường dường ấy. Hắn gắp thêm miếng nữa, nhai nhồm nhoàm, tợp cạn một ly rồi gắp tiếp miếng khác. Thêm miếng nữa thì Phong Nháy háy háy cặp mắt, “Ê! Phá mồi bạo quá vậy? Chú em lâu ngày không xực món này à?” “Kệ,” Đại nói, “Để nó ăn cho đã cái lỗ miệng chớ!” “Mồi!” hắn cười lỏn lẻn, “Mồi ngon quá mấy anh!” “Ngon chớ!” Tiến DDT nói, “Nè Tám! Mày mua món hon này ở đâu mà ‘tới’ quá vậy Tám?” “Quán cầy tơ đường Trần Quý Cáp đó anh,”  một gã béo trùng trục ngồi đối diện hắn nói, “Mới mở mà đồ nhắm ngon hết ý!” Cầy tơ à? Trời đất! Hắn sửng sốt ngó gã béo. “Sao mậy?” Đại hỏi, “Bộ nghe cầy thì ớn hả?” “Dạ đâu có…” Nhưng hắn hết dám  cầm đũa nữa. Ớn thật chớ! Lâu nay thường nghe nói đến món cầy tơ, rồi nai đồng quê, nhưng hắn có bao giờ dám đụng đến món thịt chó ấy đâu? Bây giờ đã trót thì phải đành chịu thôi. Có điều phải công nhận thịt chó ngon ra phết! Ừ, đâu phải ở mỗi nước Việt ta mà cả ở Trung Quốc, ở Hàn Quốc, người ta cũng xơi thịt chó dài dài ra đấy mà có sao đâu? Vấn đề ở chỗ quen ăn năng nhai!

Một gã ngồi cạnh hắn = chẳng biết từ bao giờ = nói với hắn câu gì đó và cười lớn. Hắn gục gặc đầu và cười theo. Tay hắn chờn vờn đưa tới cái ly nằm ngay trước mặt, nhưng cánh tay hắn không còn lệ thuộc vào ý chí hắn nữa. Bàn tay hắn quơ phải chai rượu. Chai rượu lảo đảo rồi ngã đánh rầm xuống bàn, tông phải bát thịt cầy. Bát thịt ngoáy một vòng rồi văng nhào xuống lòng Phong Nháy. “Ôi dào! Thằng quỉ say tới chỉ rồi mây đứa ơi!” “Chú mày say rồi phải không, Thoái?” Tiến DDT ân cần hỏi. “Dạ,” hắn líu lưỡi, “Em say quá, anh Tiến…anh Tiến DDT ơi!” hắn móc túi ra lôi hết mười hai ngàn đồng đặt lên trên mặt bàn. “Trả dùm em…” “Ừ, về nghỉ đi, chú mày. Say rồi thì về nghỉ đi. Đừng ráng “ Hắn loạng choạng đứng dậy, lệch hẳn về bên phải. Gã ngồi cạnh đưa tay đỡ hắn và nói, “Thôi, cha nội! Để tui dìu ra cho!” “Ờ, Vinh! Em dìu dùm thằng Thoái ra kêu xích lô cho nó về.” “Được rồi, được rồi.” hắn cố đẩy Vinh ra khỏi hắn, “Ông vào quán lại đi. Tôi đi một mình được mà. Vào đi, không sao đâu.” “Đi nỗi không cha nội? Nhà ở đâu? Để kêu xích lô chở về cho.” “Thôi khỏi. Nhà gần mà, chỗ kia,” hắn đưa tay chỉ đại về phía trước. Hắn đứng lắc lư tại chỗ, xiêu qua vẹo lại, đợi cho Vinh quay lại quán rượu. Hắn nghe thấy mạch máu hai bên thái dương đập tưng tưng. Tim hắn cũng nện liên hồi kỳ trận. Chà, say quá! Say quá say! Hắn vừa thở hổn hển vừa bước đi. Hắn vừa bước được ba, bốn bước thì cả thân hình té chúi nhũi về phía trước.

Hắn tỉnh dậy, cổ họng khô đắng. Hắn mở mắt ra, ngạc nhiên nhìn sững lên trần nhà trăng toát ở bên trên. Ủa? Sao kỳ vậy? Hắn nghe những tiếng nói lao nhao quyện lẫn và thấy những bóng người lơ mờ  thoáng lướt qua bên chỗ hắn nằm. Theo thói quen, hắn đưa tay qua bên trái để mò tìm cái gương cận. Không có. Hắn lại mò qua bên phải. Cũng không có nốt. Chết cha! Hắn đang ở đâu vậy ta? Rồi hắn bỗng ngửi thấy mùi thuốc sát trùng, mùi bông băng, mùi thuốc đỏ. Ôi, cái mùi nhà thương!? Hắn ngồi bật dậy, đầu óc hãy còn váng vất cơn say, đưa cặp mắt lờ mờ nhìn quanh và thấy có mấy người đàn bà và trẻ nít đang bu lại trước một cái bàn dài. Sau bàn, lờ mờ hình bóng một cô y tá bận áo blouse trắng. Rõ ràng hắn đang nằm ở nhà thương! Hắn đang nằm trên một trong hai cái giường sắt của Phòng Cấp Cứu. Hai tháng trước, hắn đã đưa thằng bạn hắn bị té xe đến nằm ngay ở cái giường này.Chuyện gì đã xảy ra cho mình vậy chớ? Quái quỉ thật! Hắn mò hai chân xuống đất và tìm được đôi dép. “Chị ơi chị! Cái gương của tôi đâu?” “Gương gì của anh? Khéo hỏi chưa?” “Ủa? Vậy chớ gương tôi đâu?” hắn chỉ lờ mờ trông thấy khuôn mặt của cô y tá. “Ai biết? Hôm qua người ta chở anh đến có gương giếc gì đâu? Một anh xích lô thấy anh nằm xỉu bên lề đường nên thương tình chở anh đến đây đó. Thôi, về đi!” “Sao lại chở đến đây?” “Hỏi lạ! Bộ cái đầu rịt băng không thấy sao? Uống sỉn ở đâu về té lỗ đầu nằm xuôi xị trên đường luôn,” hình như cô ta không phải nói với hắn mà với mấy người đàn bà kia, “Mà gương gì của anh? Gương cận à?” “Vâng, cận,” hắn đưa tay lên đầu, và lúc ấy mới nhận ả trên trán mình có rịt một miếng bông băng lớn. Nhưng hắn không cảm thấy đau nhức gì. Có lẽ sơ sài thôi. Hắn xấu hổ lui ra sau và khi thấy mấy người đàn bà đang bu lại bên cô y tá, hắn lẳng lặng rút ra khỏi phòng cấp cứu. Không có gương, hăn đi như người trong mộng, với cơn say chếnh choáng, thẳng một lèo về  nhà.

Thằng em kế hắn trợn tròn xoe cặp mắt. “Chu cha! Đi đâu mà giờ mới về? Hôm qua chị Thùy Linh đến kiếm anh hai lần đó. Ủa? Sao băng bó ở trán vậy? Còn gương cận đâu?” “Ừ. Té…Mất gương rồi.” Hắn lủi ngay lên gác, nằm vật xuống giường, mở mắt thao láo nhìn lên mái nhà ngói đã sỉn đen và thở ra một tiếng dài thượt. Uống rượu rất khoái và uống rượu rất khó! Ôi dào! Chất xúc tác cảm hứng! Thôi, đành vậy! Phương Tiên ơi! Anh quên nghĩ rằng quán rượu nào thì cũng như quán rượu nào cả thôi. Dù sao, anh đã nhớ trọn đến Phương Tiên rồi đấy.

Phù Du Vĩnh Hiền

 

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Lạy Chúa rất thánh, họ sẽ bắn hết chúng tôi đây”

nuocmattruocconmua
larryengelmann
NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.

GEORGE LUMM
“Lạy Chúa rất thánh, họ sẽ bắn hết chúng tôi đây”

Mùa Xuân năm 1975 gia đình tôi ở cả Saigon trong khi tôi đang làm việc tại Hồng Kông. Các con tôi tất nhiên đều có quốc tịch Mỹ từ khi mới lọt lòng, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã cấp thông hành cho các con tôi rồi. Tuy nhiên, phải có chiếu khán xuất ngoại mới ra khỏi Việt Nam được. Ngay công dân Hoa Kỳ rời Việt Nam cũng cần chiếu khán xuất ngoại mới đi được.

Tôi đã tin người Mỹ chúng ta sẽ quay lại hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam, chủ chốt vì vấn đề dầu lửa, tôi nghĩ. Có mấy hòn đảo ngoài hải phận Việt Nam mà người Việt phải tranh chấp với Trung Quốc , họ cho là có rất nhiều dầu ở ngoài vùng ấy. Tôi tính nếu có vấn đề năng lượng, nếu có nhiều dầu, chắc chắn Hiệp Chủng Quốc sẽ phải hỗ trợ cho Việt Nam – Chỉ vì vấn đề này. Tôi không nghĩ đến ba cái chuyện bảo vệ tự do dân chủ gì cả, tôi nghĩ toàn bộ cuộc chiến này chẳng là cái gì khác ngoại trừ một đường lối kiếm tiền. Tôi tính ra với khối lượng dầu lửa ấy, một đống tiền, chắc chắn người ta sẽ phải bảo vệ họ vì mớ dầu ấy.
Tôi thản nhiên, không bồn chồn lo lắng, cho tới một tháng trước khi đi. Đó là khi Đà Nẵng sụp đổ.

Một cô em họ của vợ tôi sống tại vùng Đà Nẵng. Vợ chồng cô có sáu đứa con, chồng làm thầu quân đội, nhặt rác. Cô em vợ tôi chạy vào Saigon một thân một mình cho biết Việt Cộng đã giết hết chồng con cô. Trước đó, người chồng đã bảo cô thu xếp ra đi “Việt Cộng sắp đến, chúng giết tôi mất”, anh ta có nói thế. Tôi không rõ tại sao họ biết, những sự thể xảy ra như vậy. Chúng đã giết anh và cả mấy đứa con. Sau đó cô đi đường bộ từ một địa điểm gần Đà Nẵng về suốt đến Saigon. Cô bảo bọn Việt Cộng nổi điên, đã bắn giết dân chúng. Tôi mong cô đến ở với chúng tôi để cùng đi. Nhưng cô từ chối, bảo cô không còn lẽ sống ở đời nữa.

Nhưng chúng tôi cũng đã mang đi được 32 người Việt. Tôi bay về Saigon bằng Hàng Không Việt Nam. Tôi có vé máy bay cho vợ và các con tôi, vì ngay từ trước, tôi đã lo chuyện này. Tôi đến hỏi Lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông, vì tôi muốn mang cả gia đình vợ đi, gồm bố mẹ vợ, anh chị em vợ tôi. Nhưng họ đã làm cho tôi phải chạy loanh quanh mãi. Họ bảo: “Ờ được chớ. Đâu có vấn đề gì. Cứ đến tòa Đại sứ Saigon, họ chấp thuận mà. Họ sẽ cho gia đình vợ ông chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ thôi”. Vợ tôi có quốc tịch Mỹ. Tôi bèn đến toà Đại sứ Mỹ ở Saigon. Lúc ấy hãy còn là tháng Ba – họ lại bảo tôi trở về tòa Lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông xin thêm giấy tờ nữa họ mới cấp chiếu khán nhập cảnh cho gia đình vợ tôi. Cứ thế, tôi loay hoay chạy đi chạy lại. Cuối cùng vào tháng Tư, tôi đến Tòa Đại sứ Mỹ ở Saigon lần nữa. Bấy giờ chỉ chừng một tuần là mất Việt Nam, tôi đâm hoảng. Tôi bảo: “Lạy Chúa, chuyện gì xảy ra thế? Tôi phải đưa gia đình đi khỏi đây. Vợ tôi không thể bỏ gia đình mà đi được. Bả là công dân Hoa Kỳ. Qúy ông phải giúp cho các công dân Hoa Kỳ đi chớ?” Người nói chuyện với tôi là một tên chó đẻ. Hình như hắn là Phó lãnh sự gì đó ở Saigon. Hắn nói: “Tôi sẽ cho ông một lá thư, mang sang Sở Di Trú Ngoại Kiều của Việt Nam mà lấy chiếu khán. Họ sẽ cấp chiếu khán xuất ngoại cho gia đình vợ ông. Không có gì trở ngại”.

Khỉ mốc. Tôi đến Sở Di Trú, đợi hàng giờ đồng hồ mới gặp được người nhân viên chỉ dẫn Việt nam. Tại xứ này, cần gì cũng phải có tiền. Vào gặp thằng cha Việt Nam mà Phó Lãnh Sự bảo tôi tới gặp, tôi giải thích tại sao tôi đến, thằng chả nói: “Anh nói cái gì vậy?” Tôi đưa ra lá thư bên Tòa Đại sứ cấp cho tôi. Thằng cha cười vào mặt tôi. Hắn nói: “Không rõ ông ta mắc chứng gì. Ông thừa hiểu chúng tôi đâu có cấp chiếu khán xuất ngoại? Chúng tôi có quá nhiều việc phải lo! Tôi đã bảo ông ta đừng làm mất thì giờ chúng tôi với chuyện gửi người tới đây xin chiếu khán xuất ngoại cho người Việt”.

Tôi quay lại gặp viên Phó Lãnh sự, hắn không tiếp. Lại phải gặp một cha khác. Tôi nói “Quỷ thần ạ. Tôi cần chiếu khán xuất ngoại mà họ không cho. Họ nói họ quá bận bịu. Mấy đứa con đẻ của tôi đều có thông hành Mỹ, vậy mà họ không chịu cấp”. Cha này nói: “Chẳng việc gì phải lo. Không có lý do gì lại hoảng lên như thế về chuyện phải đưa gia đình đi đâu cả”. Tôi nói: “Người ta đang di tản, tôi cần phải có chiếu khán xuất ngoại”. Hắn nói: “Không, chẳng có chuyện di tản di tiếc gì sất”. Lạy Chúa tôi, bấy giờ chỉ còn một tuần lễ nữa, cái đất nước khốn nạn ấy sẽ sụp đổ. Vậy mà thằng chả vẫn lẻo mồm đến thế. Tôi nói: “Giêsu Ma, ông bảo tôi không có chuyện di tản. Vậy chớ bao nhiêu công ty Mỹ đều đã đi sạch. Ngân hàng “Bank of America” cũng đi rồi. Các công ty thầu xây cất cũng đã đi. Vậy chớ bao nhiêu người đang đứng sắp hàng ngoài Tòa Đại sứ làm chi vậy? Chúng tôi là công dân Mỹ. Chúng tôi có thông hành Mỹ. Tôi muốn đưa gia đình tôi ra khỏi đây”.

Thằng chả nói: “Bận lắm, đừng mất thì giờ. Không có chuyện gì. Không di tản lôi thôi gì. Ông lo lắng quá độ. Chúng ta không bỏ Việt Nam đâu”.

Rồi tôi quay lại lần nữa. Tôi nghĩ bấy giờ là ngày hai mươi tư, lộn xộn không thể tả. Cả một đống người Việt, người Mỹ bu đến chỗ khốn nạn ấy. Tôi xin thề tôi không nói láo – ít nhất có đến bốn trăm con người sắp hàng ở Tòa Đại sứ. Chúng tôi phải đợi đến bốn giờ đồng hồ. Họ không cho tôi gặp ai, cuối cùng mới gặp được một cô Việt Nam làm việc ở đấy. Cô gái Việt Nam này tử tế hết sức. Cô ta nói quả thiệt mọi người đang đi. Họ cũng có hứa với các người Việt làm ở Tòa Đại sứ là khi ra đi, họ sẽ mang những người ấy theo.

Tôi nói: “Vâng, quỷ thần ạ. Tôi nghĩ họ nên làm như thế. Họ nên đưa đi tất cả những người Việt nào đã làm cho Mỹ”. Tôi nói với cô rằng tôi đang cố sức đưa gia đình đi đây. Cô bèn chỉ cho tôi mấy cái mẫu đơn mà nói: “ Đây, đây là những mẫu đơn phải điền vào rồi đóng dấu, mang ra Tân Sơn Nhất mà di tản”. Thế là tôi chụp lấy một mớ. Cô cũng cho tôi một mẫu đơn đã đầy đủ, có đóng triện Tòa Đại sứ cẩn thận. Tôi chạy ngay tới một nhà in, biểu họ rằng: “Tôi cần tức khắc một cái con dấu giống hệt như vầy”. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, họ làm xong. Tôi bèn nhái chữ ký giống y như trong cái mẫu đơn cô ta đưa. Thế là tôi điền hết tên tuổi mọi người trong gia đình vợ tôi, hàng xóm nhà tôi, cả bạn bè nhà tôi, tổng cộng ba mươi hai người Việt.

Nhưng rồi làm sao vô Tân Sơn Nhất? Tất phải cho tiền bọn lính gác. Không tiền làm sao vô nổi. Tôi còn phải mang thêm một số người Việt phụ trội nữa: Một viên Đại tá Việt Nam làm trong Tân Sơn Nhất biểu tôi “Tôi có thể đưa ông vào, nếu ông chịu đưa gia đình tôi đi”. Tôi nói “Tốt thôi, tôi có thể đưa ai là đưa mà”. Thế là hắn cho chúng tôi vào.

Chúng tôi đẩy cả ba mươi hai người vào ba xe lái vào Tân Sơn Nhất. Trời nóng hơn địa ngục. Chúng tôi đều đói, khát mà chẳng lấy đâu đồ ăn thức uống. Đến khi vào trong, họ mới cho chút nước thấm giọng.

Tòa Đại sứ Mỹ chỉ là một bọn cứt. Lũ chính trị gia khốn nạn! Nhưng không quân Mỹ thì tuyệt vời. Bấy giờ người ta phải trình mấy tấm giấy cho các nhân viên không lực làm thủ tục di tản. Một tay sĩ quan không quân hỏi: “Tốt lắm, thưa ông Lumm, ông có biết rằng ông chỉ được phép đưa đi các thân nhân trực hệ của công dân Mỹ không?” Thưa quý vị, lúc đó tôi có mang theo cả một ông cha Công giáo, đã hơn tám mươi tuổi. Tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ đều ghi rành rành trong mẫu đơn. Tay Sĩ quan hỏi: “Tất cả những người này đều là thân thích của ông cả phải không, ông Lumra?” Tôi đáp “Ừa, phải đấy. Hoặc liên hệ trực tiếp, hoặc do thủ tục nhận làm con nuôi”. Anh ta nói: “ Vậy chớ cái con quỷ gì đây? Ông Linh mục này đã hơn tám mươi tuổi rồi mà?” Tôi đáp: “Ừa, con nuôi tôi đấy” Anh ta phá lên cười, bảo “Ô kê, ô kê, vào cả đây. Chúng tôi sẽ tận tụy phục vụ để đưa quý ngài ra đi!”.

Nguyên tôi không định di tản kiểu này, vì lẽ tôi đã có vé máy bay Hàng Không Việt Nam. Tôi chỉ định đến đó đưa gia đình vợ tôi và những người ấy đi cho chắc thôi. Tôi định đưa họ vào, ký giấy tờ rồi mang vợ con ra, đi bằng Hàng Không Việt Nam. Nhưng mấy cha không quân bảo tất cả máy bay dân sự đều hủy rồi. Không còn máy bay dân sự nữa. Tôi nói: “Mẹ kiếp, làm gì được bây giờ?” Tôi đang có việc làm ở Hồng Kông. Bấy giờ tôi làm cho hãng DHL, một công ty dịch vụ thông tin, hãng này có một trụ sở tại Hồng Kông, và một tại đảo Guam.

Chúng tôi nằm đấy đợi hai ngày trời. Cuối cùng họ cho một chiếc xe buýt – riêng cho chúng tôi – cả thảy 32 người Việt, thêm vợ tôi và tôi. Ông tài xế người Việt cũng đang cố ra đi. Muốn đến máy bay thì phải qua một trạm gác có lính Việt Nam, đến đấy họ bắt xe ngừng. Đàn bà không sao, nhưng trên xe có mấy người đàn ông ở trong quân đội. Họ ngừng xe lại, bắt mở cửa. Tôi bảo vợ tôi dịch cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Gã tài xế phân bua : “Không. Tôi có đi đâu đâu? Tôi chỉ lái xe cho người ta”. Họ lôi gã tài xế xuống. Thường các xe buýt của không quân Mỹ đều có tài xế lái. Số xui, chẳng may chúng tôi lại gặp một tài xế Việt Nam. Thế là một tên lính nhảy lên xe, định chui đầu vào. Bấy giờ, chả rõ vì sao tôi hóa ra can đảm thế, nhưng thực ra tôi đã suýt ỉa trong quần. Như một thằng khùng, tôi nhảy lên, chặn cửa lại, quát: “Anh không được phép vào xe buýt này. Đây là tài sản chính phủ Hoa Kỳ. Còn đây đều là nhân viên của Hoa Kỳ”. Tôi nói lung tung mấy chuyện cứt ỉa như thế. Thằng cha cũng không hiểu tôi nói gì. Hắn lôi cái máy truyền tin ra, vợ tôi dịch lại cho tôi nghe hắn nói gì. Hắn gọi một cha Đại úy để báo cáo là mấy tên Mỹ không chịu cho hắn vào xe buýt khám.

Cha Đại úy bảo “Vậy phải bàn chuyện này. Lại đây”. Tên lính bước đi để nói chuyện với tên Đại úy của hắn.

Cả đời tôi chưa hề đụng đến tay lái một chiếc xe lớn nào. Tôi cũng không biết lái xe số tay. Cái xe buýt cứ nằm chình ình nổ máy. Không một ai trên xe biết lái cả. Đúng lúc ấy, một xe buýt khác chạy tới. Một chiếc xe trống, không hành khách. Người lái xe là một không quân Mỹ. Mỹ đen. Chúa ạ, yêu biết mấy khi nhìn cha đó. Giá ngày nay gặp lại cha này, tôi sẽ ôm thắm thiết. Anh ta dừng xe hỏi “Chuyện gì thế?” Tôi đáp “Lạy Chúa rất thánh, chúng nó sắp bắn hết chúng tôi đây”. Tôi cho anh ta biết chuyện đang xảy ra. Lúc ấy tên lính đang quay lại. Hắn thét lên: “Tốp, tốp! Ngừng lại, ngừng lại”. Vì lẽ anh không quân đã nhảy vào trong xe buýt rồi. Anh chàng không quân trả lời: “Đù mẹ các cậu” rồi tuôn xe chạy. Họ nổ súng bắn. Đù mẹ quả thật họ nổ súng bắn chúng tôi!

Thật tức cười, khi bước vào máy bay. Các cô gái trẻ sợ te tua, họ e không vào lọt. Tôi chả biết cái máy bay ấy nó là thứ máy bay gì. Nó có cái đuôi thòng xuống, người ta chui vào qua lối ấy. Máy bay lại chẳng có ghế ghiếc gì, cứ vậy ngồi bệt lên sàn. Khi chiếc xe buýt dừng lại, chưa bao giờ trong đời tôi thấy người ta chạy nhanh như thế. Mấy thằng nhỏ vọt khỏi xe buýt, chỉ mấy giây đồng hồ chúng đã tuôn vào trong máy bay. Chúng tôi ai nấy đều khiếp vía, thiệt hết nói.

Quý vị hiểu không, bấy giờ quả thực tôi nghĩ nếu chúng tôi kẹt lại là bị giết sạch cả.

Họ đưa chúng tôi đến Guam. Đầu tiên họ bảo không ai được phép dời đi hết. Tôi nói: “Quỷ tha ma bắt! Tôi là công dân Hoa Kỳ chớ bộ. Tại sao tôi lại không được đi? Có phải lính tráng gì đâu chớ? Xem thông hành đây”. Họ bèn cho tôi đi. Tôi tới văn phòng hãng DHL ở Guam. Tôi hỏi: “Bây giờ phải làm gì nào? Đây, tôi đang có mặt ở Guam.” Họ bảo: “Chúng tôi sẽ thu xếp cho ông về lại Hồng Kông”. Thế là tôi bèn đóng vai thông tín viên cho Hãng DHL. Rồi tôi trở lại Hồng Kông như thế đó.

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Một kế hoạch khủng bố đã định liệu trước”

nuocmattruocconmua
larryengelmann
nguyenbatracnmtcm

BÁC SĨ BRUCE BRANSON
“Một kế hoạch khủng bố đã định liệu trước”

Vào lúc Hiệp định Ba Lê ký kết, quân đội Mỹ sửa soạn rời Việt Nam, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liên lạc với bệnh viện Cơ Đốc tại Trung tâm Sài
Gòn để xem bệnh viện này có thể nhận chăm sóc cho các kiều dân thuộc Tòa Đại sứ Mỹ không. Bấy giờ bệnh viện này chỉ dành cho người Việt. Vì đó là một bệnh viện tương đối nhỏ, ban Quản đốc trả lời rằng nếu có một địa điểm rộng hơn, và nếu được tăng cường nhân viên thì có thể phụ trách được. Trong lúc này bệnh viện “Dã chiến số 3” của Quân đội Hoa Kỳ ở cách phi trường Tân Sơn Nhất chừng một dặm đã dọn đi. Vì vậy người ta thoả thuận cho di chuyển toàn bộ bệnh viện về đó. Chỗ này trở thành địa điểm mới của bệnh viện Cơ Đốc Saigon.

Một trong những yêu cầu của tòa Đại sứ là bệnh viện cần phải có chuyên viên các ngành giải phẫu, chỉnh hình và nội khoa. Bấy giờ bệnh viện đã có chuyên viên từ Hoa Kỳ sang phụ trách về chỉnh hình, về chấn thương, tất nhiên, và về khoa gây mê, nhưng lại không có chuyên viên Hoa Kỳ làm thường trực và toàn thời gian về giải phẫu hoặc nội khoa. Vì thế Khoa trưởng Y Khoa thuộc Đại học Loma Linda đã bay sang Việt Nam gặp giới chức Tòa Đại sứ Hoa Kỳ cùng với một số người thuộc Hội truyền giáo Cơ Đốc, rồi ký một khế ước thỏa thuận cung cấp nhân viên cho bệnh viện này. Bấy giờ tôi là Trưởng khu Giải phẫu của Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Loma Linda. Chúng tôi tuần tự sang Việt Nam mỗi phiên ba tháng. Do đó vào năm 1973 tôi sang bên ấy theo phiên thường lệ cùng một số khá đông người khác.

Bệnh viện này thường kín chỗ mặc dầu bệnh xá khá lớn. Có từ hai đến ba khu dành riêng cho kiều dân Mỹ, tất cả số còn lại dành cho người Việt. Chính phủ Việt Nam đòi hỏi bốn mươi phần trăm tổng số bệnh nhân mà chúng tôi chăm sóc phải là các bệnh nhân nghèo. Còn các bệnh nhân khác là những bệnh nhân có thể trả một phần hoặc toàn thể bệnh phí. Riêng kiều dân Mỹ thì chi phí sẽ được chính phủ Mỹ bồi hoàn cho bệnh viện. Đối với loại bệnh nhân này, khi họ tương đối bình phục để có thể di chuyển, và nếu đã gần thời hạn về xứ, thì chuyển vận quân đội hoặc các toán cứu thương sẽ đưa họ sang Phi Luật Tân bằng phi cơ.

Vào năm 1973 mọi việc khá ổn. Họ còn đưa được tôi ra cả Đà Nẵng và Huế. Tại Đà Nẵng chúng tôi cũng có một số bệnh xá giáo vụ và các cô nhi viện. Mặc dầu du kích Việt Cộng có mặt tại vùng đồi núi, nhưng tình hình phía Bắc lúc ấy cũng khá ổn định. Tại các thành phố, chính phủ Nam Việt Nam đều kiểm soát được.

Vào tháng Ba năm 1975 mọi sự bắt đầu đổ vỡ. Đà Nẵng trở nên náo loạn khi Bắc quân bắt đầu một cuộc tiến công nghiêm trọng. Bấy giờ nhằm phiên tôi sang làm việc ở Việt Nam. Người ta đang rối rắm không biết có nên tiếp tục mở cửa nhà thương ở Saigon hay không. Một số nhân viên Hoa Kỳ quyết định ra đi đã tạo nên khoảng trống trong khu giải phẫu. Họ sang Hồng Kông chờ đó xem tình hình ra sao. Chúng tôi nhận được thông báo khẩn của tòa Đại sứ là khu giải phẫu thiếu người, vì thế tôi quyết định sang Việt Nam để điền vào chỗ trống.

Bấy giờ tôi không nghĩ là chúng tôi nhận được tin tức đầy đủ và chính xác. Mọi sự đều mơ hồ. Tuy nhiên Saigon vẫn có vẻ tương đối an toàn. Phải nhớ rằng Nam Vang đã bị bao vây khoảng một năm trời, từ sáu tháng cho đến một năm, thành phố này bị vây hãm, nhưng toà Đại sứ Hoa Kỳ ở đó vẫn thực hiện được một cuộc ra đi trong trật tự, cho nên, ở Saigon lẫn tại Đại học Loma Linda, người ta cho là các vụ đụng độ ở phía Bắc miền Nam Việt Nam sẽ được kiềm chế, tình trạng không có gì quá trầm trọng.

Lúc ấy chúng tôi vẫn có thể liên lạc được về Mỹ bằng điện thoại, nên tôi vẫn thường gọi về Đại học Loma Linda, về vợ tôi và gia đình tôi. Nhưng sau đó việc liên lạc điện thoại trở nên khó khăn. Chúng tôi bắt đầu phải gọi qua vô tuyến điện, từ đó người ta liên lạc với người nhận tại California, rồi nối đường dây điện thoại, chúng tôi mới nói chuyện được. Nhờ đó chúng tôi vẫn có thể giữ được phương tiện truyền thông.

Trong bệnh viện, có mở một trường đào tạo y tá. Khi miền quê trở nên bất ổn, người ta cho các học viên về nhà. Các học viên y tá quê quán tại nhiều miền khác nhau, họ đều lo lắng về gia đình, không biết thân nhân ra sao, nên đòi về. Vì vậy người ta phải đóng lớp học, tạm cho nghỉ. Rồi chừng hai tuần sau khi tôi đến Việt Nam lần này, các cô học viên y tá quê quán vùng ngoài – tại Nha Trang và dọc vùng duyên hải – đang lục tục trở lại bệnh viện. Họ cho biết cuộc tiến công của Việt cộng quá nhanh so với sự loan báo của Đài phát thanh miền Nam Việt Nam. Họ nói họ đã chứng kiến nhiều cuộc tàn sát, đã phải lặn lội đi đêm, ban ngày phải ẩn náu mới về lại được. Họ kể nhiều chuyện khiếp đảm. Họ đã chứng kiến nhiều vụ tàn sát tập thể bởi quân Bắc Việt ở gần Vũng Tàu.

Có nhiều vụ đụng trận dọc Duyên Hải: Hai mươi cô y tá này phải đi bộ, chạy tán loạn trong suốt thời gian từ một tuần đến mười ngày. Các câu chuyện họ kể thực ghê sợ. Không ai cảm thấy có thể tin được những gì Đài phát thanh chính quyền loan báo nữa.

Họ kể việc Bắc quân tiến vào các làng hoặc các tỉnh, lùa những người mà chúng nghĩ là các viên chức chỉ huy rồi bắn, hoặc chặt đầu. Hoặc nếu bắt được lính miền Nam làm tù binh, chúng cũng bắt sắp hàng rồi bắn. Suốt vùng Duyên Hải đều xảy ra chuyện như thế. Tình trạng giống như có một kế hoạch khủng bố đã được định trước. Việc này làm chúng tôi ở Saigon đâm lo lắng, vì lẽ ai chẳng biết trước đây bệnh viện chúng tôi là một bệnh viện quân đội, chúng tôi săn sóc cho người Mỹ, và trong bệnh viện có rất nhiều y tá và Bác sĩ Mỹ. Chúng tôi cũng khám phá được một số không ít những người sống ở các vùng lân cận đều là cảm tình viên Việt cộng. Một số chính là nhân viên bệnh viện hoặc có bạn thân làm trong bệnh viện. Việt cộng đã cho họ biết rằng khi quân đội Bắc Việt tiến đến, một số nhân viên bệnh viện có tên trong sổ đen sẽ bị hành quyết. Đa số nhân viên quản trị bệnh viện đều có tên trong danh sách này.

Điều đó làm mọi người bất an, người ta không thể biết ai là bạn, ai làm việc cho Việt cộng. Tôi nghĩ nhiều người có tinh thần phù thịnh, họ sẽ đứng về phe chiến thắng, bất kể phe nào thắng. Do đó chúng tôi trình bày việc này với Tòa Đại sứ. Người ta bảo “cứ yên tâm, khi thực sự cần di tản, chúng tôi sẽ tìm mọi cách giúp quý vị đưa những người bị nhiều nguy cơ nhất ra đi”.

Lúc đó mọi người tại Saigon đều mong Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận các ngân khoản phụ trội để tăng viện cho quân đội miền Nam. Nhưng khi liên lạc qua vô tuyến điện, nói chuyện với thân hữu tại Hoa Kỳ, hiển nhiên những gì chúng tôi nghe qua truyền hình truyền thanh đều khác hẳn những gì đang xảy ra tại Mỹ. Có lẽ nguồn tin chính xác nhất chỉ là đài BBC. Còn Đài Phát Thanh Quân Đội địa phương bây giờ suốt ngày chỉ chơi nhạc, không loan báo điều gì có thực về tình hình xảy ra.

Đến khi mọi việc đã rõ rệt, bên Đại học Loma Linda thấy chắc chắn Quốc Hội sẽ không bỏ phiếu cấp thêm tiền nữa, họ bắt đầu thúc đẩy chúng tôi di tản.

Chúng tôi vẫn nấn ná ở lại khoảng chừng sáu đến tám tuần nữa. Trong khi một số nhân viên quản trị bệnh viện sang Tân Gia Ba để lượng giá tình hình, thì tại phòng giải phẫu, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị thương do các trận du kích và nhiều trận xáp lá cà tại vùng ngoại vi thành phố. Sự kiện này mơ hồ cho chúng tôi hiểu Việt cộng đã tới nơi. Chúng tôi hội ý với cấp lãnh đạo bệnh viện. Ho bèn liên lạc với Tòa Đại sứ để tìm hiểu xem đã có kế hoạch ấn định khi cần phải di tản chưa. Người ta không bao giờ nhận được những câu trả lời thẳng thắn. Đại sứ nhất định không chịu bộc lộ điều gì chứng tỏ tình hình lộn xộn. Ông không muốn rối loạn bộc phát trong thành phố, nên ông không cho phép bắt đầu di tản.

Tuy nhiên tại Tòa Đại sứ có một Trung tướng bắt đầu trực tiếp phụ trách vấn đề. Sau này chúng tôi hiểu là tại Hoa Thịnh Đốn đã có cuộc tranh luận xảy ra giữa Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng. Sau cùng Bộ Quốc Phòng bắt đầu trực tiếp nắm mọi việc. Vào lúc này, hãy còn khoảng mười lăm ngàn người Mỹ quân đội nhưng mặc thường phục, đang làm nhiều công tác quan trọng khác nhau ở Việt Nam. Người ta ý thức là phải bắt đầu di tản những người này. Rất nhiều người trong số ấy đã lấy vợ Việt, có con cái, thân nhân Việt Nam. Cho nên cuộc di tản không vận bắt đầu vào khoảng 15 tháng Tư, tôi nhớ như thế, khi tình hình bắt đầu chuyển động.

Một số rất đông người Việt đã tới bệnh viện yêu cầu chúng tôi giúp họ đi. Chúng tôi có một số bạn hữu Việt Nam từng ở Mỹ. Có hai sinh viên Việt Nam đã học Y khoa ở Mỹ. Một người là con trai Khoa trưởng Y khoa Đại học Saigon, một người nữa là con trai Chánh án Tòa Thượng Thẩm Saigon. Họ đều khẩn thiết mong đoàn tụ với gia đình lúc bấy giờ đã ở Mỹ. Vì thế chúng tôi bắt đầu đi một loạt đến Tòa Đại sứ, rồi đến phi trường.

Bấy giờ Tòa Đại sứ chỉ cho những người Việt thân nhân của kiều dân Mỹ di tản. Họ đang cố tìm cách di tản một số lượng khá lớn kiều dân Mỹ. Do dó một số người trong nhà thương chúng tôi bắt đầu tìm cách làm thủ tục nhận con nuôi người Việt. Họ rời phòng mổ, đứng sắp hàng xin giấy tờ để giúp một số người Việt ra đi với tư cách thân nhân. Tôi nhớ có tám người Mỹ trong nhà thương đã làm thủ tục chính thức nhận vào khoảng năm mươi đến sáu mươi người Việt làm con nuôi, trong số đó có cả những người lớn tuổi hơn chúng tôi. Chúng tôi cũng phải cam kết sẽ bảo trợ họ, lo nơi ăn chốn ở và săn sóc cho họ.

Cũng suốt thời gian này chúng tôi cố di tản các bệnh nhân Mỹ, các chuyến bay tải thương vẫn tiến triển nên chúng tôi có thể đưa họ vào các xe cứu thương. Trong các xe đó chúng tôi cho nhiều người Việt đóng vai y tá, hoặc đóng vai người phục dịch, cứ mỗi xe một bệnh nhân người Mỹ, thêm vào càng nhiều người Việt càng tốt. Lính gác phi trường thấy xe cứu thương với dây nhợ truyền nước biển, bông băng đủ thứ là cho phép chạy vào. Tất nhiên những người – gọi – là – nhân – viên – phục – dịch không ai ra về nữa. Họ ở lại với bệnh nhân và bay thẳng sang Phi Luật Tân. Vào thời điểm này, việc ấy là bất hợp pháp, vì lẽ chỉ thân nhân người Mỹ mới được cho đi thôi, tuy nhiên người ta cũng đồng ý cho chúng tôi gửi những người phục dịch Việt Nam kèm theo. Song le chẳng bao lâu chúng tôi hết sạch bệnh nhân Mỹ. Chúng tôi đành nài nỉ Ban chỉ huy tải thương tại Phi Luật Tân cứ cho tiếp tục các chuyến bay ngõ hầu chúng tôi gửi thêm người đi, gồm các nhân viên bệnh viện và những người chịu nguy cơ cao độ.

Do dó, trong vài ngày, họ cũng khứng chịu cho linh động như thế. Tuy nhiên sau đó họ bảo “Chúng tôi không thể tiếp tục. Vì không còn bệnh nhân Mỹ trên chuyến bay, người ta không cho giấy phép nữa”.

Vì thế Ralph Watts, Vụ trưởng Giáo vụ Cơ Đốc lặn lội sang Tân Gia Ba thương lượng, cuối cùng đạt được thoả thuận của Đại diện Bộ Quốc Phòng tại Tòa Đại sứ cho phép di tản một số nhân viên người Việt làm cho bệnh viện. Lúc đầu, họ đồng ý cho chúng tôi một số chỗ trên các chuyến bay dành để chở những người thực sự cần di tản (gồm khá nhiều người đã cộng tác với Trung ương Tinh báo Mỹ, những người này được hứa hẹn di tản khi tình trạng xảy ra như vậy). Nhưng rồi tình hình đổ vỡ nhanh chóng quá, người ta không kịp đưa đi hết nên đành bỏ lại rất đông. Tòa Đại sứ hoàn toàn thiếu một kế hoạch di tản có tính thực tế, nên đã tạo nhiều việc bất ưng, họ đã thất bại trong việc giữ lời hứa di tản các người Việt chịu nhiều đe doạ. Tôi chắc chắn việc ấy làm cho những người chúng ta không đưa đi được rất đau buồn, chua xót.

Vụ trưởng Ralph Watts yêu cầu người trong bệnh viện phải thiết lập danh sách theo từng khu, làm chúng tôi khó đương đầu nổi trách nhiệm quyết định ai đi ai ở. Chúng tôi thức suốt đêm, cố lập danh sách ấy. Tới nửa đêm, họ điện thoại cho Ralph Watts mà bảo: “Chúng tôi không thể làm nổi nữa. Công việc này thê thảm quá”. Ông trả lời: “Chỉ quý vị mới biết rõ những người nào chịu nhiều nguy hiểm nhất”. Ông yêu cầu họ quay lại tiếp tục công việc. Sáng hôm sau họ lập được danh sách ấy. Nhưng việc lập danh sách này quả là một kinh nghiệm thương tâm.

Chúng tôi ra đi ngày hai mươi lăm. Saigon sụp đổ ngày ba mươi. Trước đó chúng tôi đã chuyển số bệnh nhân còn lại sang các bệnh viện thành phố trong ba ngày chót để chắc chắn chúng tôi không bỏ lại các bệnh nhân không ai coi sóc. Có chừng mười sinh viên Đại học Y khoa luân phiên thực tập tại bệnh viện chúng tôi, hầu hết đều quyết định ra đi với chúng tôi. Số còn lại đã phụ giúp việc chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện khác. Cũng nhiều người không muốn đi, vì không muốn bỏ gia đình lại. Một cán sự phòng thí nghiệm người Gia Nã Đại cũng quyết định ở lại. Theo tôi nhớ, anh quyết định như thế vì anh cảm thấy có thể giúp đỡ việc bảo vệ số nhân viên còn lại, tối thiểu cũng có thể xem chừng những gì xảy ra tại bệnh viện và duy trì phần nào sự kiểm soát trong trường hợp xảy ra náo loạn. Cảnh sát Thành phố bây giờ không cho nhân viên phòng vệ canh gác nữa. Ngoài cổng bệnh viện đã có hàng trăm người cố tìm cách lọt vào vì họ nghĩ họ sẽ được an toàn hơn ở tại nhà. Mọi sự bấy giờ trở nên bất ổn. Tôi nghĩ ai cũng lo xảy ra bạo động. Tuy nhiên những vụ đó không hề xảy ra trong thành phố.

Trong ngày cuối của chúng tôi ở Saigon, chúng tôi cho cứ một người Mỹ vào một chiếc xe cứu thương, tổng cộng có tám chiếc, rồi chúng tôi ấn vào xe cứu thương các nhân viên người Việt làm cho bệnh viện. Chúng tôi đã được chấp thuận cho đi toàn danh sách những người ấy.

Có nhiều người phải ở lại vì chúng tôi không thể xin đủ danh sách ở tòa Đại sứ, người ta chỉ cho một số có hạn. Tất nhiên những người bị ở lại đã phải chịu nhiều áp lực nặng nề.

Đưa đoàn xe cứu thương ra khỏi cổng bệnh viện là một mối kinh hãi. Khi còi cứu thương bắt đầu hú, vừa đóng cửa xe xuống thì khoảng ba mươi đến bốn mươi nhân viên của chính bệnh viện chúng tôi ùa đến chen vào xe. Tinh trạng xảy ra gần như bạo động. Chuyện duy nhất có thể làm được bây giờ là nhấn hết ga mà chạy, bởi lẽ nếu chần chờ thêm, chắc chắn chúng tôi sẽ không một ai đi đuợc. Lúc ấy nhiều người kêu thét thất thanh, khóc nức nở.

Chúng tôi chỉ thông báo việc ra đi cho những người có tên trong danh sách được chấp thuận đưa đi. Chúng tôi dặn riêng họ đừng nói hở cho ai biết. Chúng tôi cho họ hai giờ đồng hồ về nhà sửa soạn đưa vợ con và những thân nhân được phép đi với họ. Như thế tất cả những người còn lại thực ra không hay biết gì, mãi đến khi chúng tôi cho xếp người vào xe cứu thương. Việc xảy ra thực khổ tâm cho hết cả mọi người. Nhiều người bị bỏ lại chính là những bạn bè thân, hoặc thân nhân của những người ngồi trên xe cứu thương. Một trong những việc tàn khốc nhất, là khi phải quyết định cho ai có tên trong danh sách.

Mặc dầu đã được chấp thuận của Bộ Quốc Phòng Mỹ, nhưng lọt qua cổng phi trường Tân Sơn Nhất với các lính gác Nam Việt Nam cũng còn là việc khó khăn. Trong phi trường tất nhiên đã có nhiều vận tải cơ lớn đến, bên ngoài có hàng nghìn người vịn lên cố trèo vào. VI thế việc đưa đoàn xe cứu thương vào phi trường rất vất vả. Tuy nhiên, chúng tôi đã khai thác hết lợi điểm của còi hụ và đèn chớp của những xe cứu thương.

Trong phi trường, các khu vực đưa người được Thủy quân Lục chiến thiết lập. Rất thiếu nước, tất nhiên không có nhà cửa gì, cho nên đêm đầu tiên chúng tôi phải ngủ ở vỉa hè, trên mặt đường trong phi trường. Sáng hôm sau tên chúng tôi được đưa vào danh sách chuyến bay. Từng hàng dài người đứng nhẫn nại chờ chuyển vào địa điểm lên máy bay. Trong khi đó Thủy quân Lục chiến soát xét kỹ lưỡng mọi hành lý để chắc chắn không có vũ khí và bất cứ thứ gì nguy hại. Trong lúc đứng sắp hàng, chúng tôi có thể nghe tiếng súng và những vụ đụng trận bên ngoài phi trường. Do đó chúng tôi biết Việt Cộng đã đến rất gần.

Chúng tôi rời Việt Nam bằng chuyến bay C-130. Họ đưa chúng tôi sang đảo Guam. Từ đấy người ta thu xếp cho nhóm chúng tôi lên hai chuyến bay phản lực 747. Hãng hàng không Pan-Am đã tặng hai chuyến bay này để chở người. Chúng tôi hạ cánh xuống trại Pendleton. Đại học Loma Linda đã dọn trống các phòng tập thể dục, bố trí các giường vải để tiếp đón chúng tôi. Ngoài ra họ cũng dựng lều cho chúng tôi theo kiểu cắm trại. Tổng cộng tôi nghĩ chúng tôi đã đưa được khoảng bốn trăm hai mươi lăm người.

Thế còn những người làm việc với chúng tôi bị kẹt lại sau ngày 30 tháng Tư, số phận ra sao? Vâng, rất nhiều người đã bị đưa vào các trại tập trung ở trong rừng mà họ gọi là “trại cải tạo”. Một số thân nhân của họ đã gửi thư sang Pháp rồi chuyển được sang Mỹ. Một số người bị tù trong các trại cải tạo ấy từ hai đến ba năm. Khá nhiều người khác bắt đầu vượt thoát bằng tàu sang Mã Lai hoặc Thái Lan. Trong mười năm qua, một dòng người Việt không ngớt xuất hiện ở California. Họ là những người vượt biên bằng tàu, đến được các trại tỵ nạn, rồi từ đó chờ tiêu chuẩn nhập nội Hoa Kỳ.

Tất cả là một sự thể tuyệt đối đau thương. Tôi nghĩ đa số người Mỹ đều cho là chúng ta đã đối xử tệ bạc đối với người Việt Nam. Chúng ta cũng đã có một số cảm giác mãnh liệt tại Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam. Cảm giác của đa số những người từng có mặt ở Việt Nam là: Nếu chúng ta đã định duy trì miền Nam Việt Nam như một tiền đồn dân chủ của thế giới tự do, nếu chúng ta đã chiến đấu để thực hiện việc ấy, thì chúng ta phải đến mà thực hiện công tác một cách đúng đắn. Tuy nhiên trong toàn bộ công tác này, chúng ta đã tự đặt ra những hạn chế cho chính chúng ta. Chúng ta đã loan báo trước rằng chúng ta sẽ không bỏ bom biên giới Trung quốc, nên Trung quốc cứ thế mà đổ chiến cụ, đạn dược qua ngã biên giới. Chúng ta không ngừng loan báo trước tất cả những gì chúng ta sẽ làm. Và Bắc Việt cũng tận tình khai thác từng điểm một trong lợi thế đó.

Tôi nghĩ rằng tôi cũng cảm thấy như nhiều ngưòi khác – là chiến đấu một cuộc chiến nửa vời, với những giới hạn, thì gần như không thể nào thắng. Kết quả xảy ra là cuộc chiến đã kéo dài suốt năm này sang năm khác, chung cuộc tổn phí quá nhiều sinh mạng – thay vì tấn công nhanh, gọn và kết thúc.

Nếu người ta không thực hiện được như thế, thì thà đừng mở cuộc chiến cho xong.

THẢ NẮNG

daolam

ai thả nắng xuống lưng chừng tháng chạp
ta cầm về hong tóc rối xuân xưa
con chim hót sau vườn cây lá thấp
giọng thật buồn như mắt ướt trong mưa

ai thả nắng xuống chiều phơi lá biếc
tay ta cầm giọt mực tím lẻ loi
câu thơ viết tự thuở nào xa lắt
bỗng ùa về đau đáu mãi không thôi

ai thả nắng ngó tình về xứ khác
ta làm mưa bong bóng cuối hiên nhà
tay gõ nhịp theo từng vòng khói thuốc
chập choạng tìm hun hút bóng ai xa

ai thả nắng chiều cuối năm rất lạnh
ly cà phê giọt…giọt đắng tê lòng
phố của núi, núi của sương…ảo ảnh
ta nhặt về hơ ấm buổi tàn đông

ai thả nắng xuống lòng ta rất nhẹ
ấm hơi sương mộng mị đến xao lòng
ơi! Vạt nắng loang hồn ta thật khẽ
ta có nghìn năm chờ…đợi…ngóng…trông…

THẢ CHI VẠT NẮNG NHIÊU KHÊ
TRONG TA TÌNH ĐÃ SI MÊ KIẾP NÀO

DaoLam