Richard Botkin
Bản dịch của Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền
Lời Tựa
Cuốn sách“Cưỡi Ngọn Sấm” đã lột tả được tinh thần và lòng quyết tâm của một nhóm “huynh đệ chi binh” khác thường – một toán nhỏ cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và các chiến binh TQLC VNCH bạn trong một tình hình đặc biệt khó khăn của cuộc chiến Việt Nam.
Richard Botkin đã ghi chép lại những chiến công của các TQLC Hoa Kỳ và bạn đồng minh VNCH đã lãnh trách nhiệm chính trong công cuộc đẩy lui cuộc xâm lược của Bắc quân tại địa đầu miền Nam Việt Nam, được biết đến như là cuộc Tổng tấn công mùa Phục Sinh (mùa hè đỏ lửa) 1972 đối với người Tây phương, một cuộc tấn công nhằm đánh gục một quốc gia.
Mặc dù tất cả những ai hiện diện tại nơi đó không ít thì nhiều đều có dính dáng đến những trận đánh khốc liệt trong những chuyến công vụ trước và những hành vi anh hùng và chỉ huy dũng cảm xảy ra khắp nơi, nhưng Botkin đã chú trọng vào ba nhân vật chính.
Trung tá Gerry Turley, người đã hiện diện trong vùng hai ngày trước cuộc tấn công để tiến hành một cuộc viếng thăm tưởng chừng như thường lệ trong một thời kỳ yên lắng. Hoàn cảnh và một loạt các yếu tố bất thường đã đưa đẩy ông lên một vai trò chỉ huy đặc biệt trong đời. Ông đã phải đối mặt với toan tính hủy diệt của bọn Bắc quân ngoan cố cũng như các trở ngại của bộ máy quan liêu của quân đội Hoa Kỳ và VNCH đã không đánh giá đúng sự suy xét của ông lúc ban đầu.
Ngoại trừ đối với những người đã quen thuộc với những câu chuyện về hành động của Đại úy Ripley tại cây cầu Đông Hà, rất khó mà không xác nhận cao tác động chiến lược của sự phá hủy cây cầu đó đối với những trận đánh còn lại tại Việt Nam sau buổi chiều Chủ nhật mùa Phục Sinh năm ấy.
Botkin làm nổi bật cho độc giả thấy mối liên quan đặc biệt giữa các cố vấn TQLC Hoa Kỳ đối với các TQLC Việt Nam mà họ đã phục vụ. Mối dây chân tình huynh đệ và tình bạn chân thành giữa Đại úy Ripley và Thiếu tá Lê Bá Bình, lúc đó đang chỉ huy bẩy trăm binh lính thuộc Tiểu đoàn 3 TQLC, đối diện với hơn hai chục ngàn quân Bắc Việt lăm le tiêu diệt họ tại Đông Hà, đã thăng hoa vượt lên trên cả ngôn ngữ và văn hóa khác biệt. Câu chuyện của hai người chiến binh vĩ đại cùng phục vụ cho một mục đích chung thật là hiển nhiên. Nếu đã có thêm nhiều người như Lê Bá Bình thì chắc chắn kết quả của cuộc chiến đã khác hẳn.
Khác với hầu hết các cuốn sách về thể loại này, Botkin đã theo dõi thật chi tiết cuộc sống gia đình của từng chiến binh và kể lại chiến sự qua trải nghiệm cá nhân của họ. Trong lúc nghiên cứu về lịch sử của chiến tranh người ta rất thường chỉ tập trung vào người lính chiến, do đó chỉ diễn tả nổi một nửa câu chuyện mà thôi.
Với tư cách một người đã từng tham dự những trận giao tranh tại đó, đã chứng kiến nhiều cuộc thử thách được ghi chép lại trong khoảng thời kỳ đặc biệt dữ dội lúc đó, tôi vẫn không mường tượng nổi những gì xảy ra cho bạn bè của chúng tôi sau khi phần tham chiến của người Mỹ đã kết thúc. Đối với các sĩ quan TQLC Việt Nam và gia đình họ, cơn ác mộng dường như bất tận của trại tù cải tạo mà Cộng sản đã chụp lên họ một cách tàn nhẫn từ sau tháng tư 1975, trong trường hợp của Lê Bá Bình là gần 12 năm trời, đã nói lên sự kiên trì, lòng nhẫn nại và niềm vinh quang của tinh thần con người.
Nước Mỹ đã có phước được những chiến binh như John Ripley và Gerry Turley phục vụ dưới cờ, nay lại còn may mắn gấp bội khi được kể thêm những người như Bình là công dân Hoa Kỳ. “Cưỡi Ngọn Sấm” là một cuốn sách hấp dẫn, ly kỳ rất đáng đọc, là một mảnh lịch sử chưa hề được nói đến bao giờ.
Chuẩn tướng James Joy TQLC Hoa Kỳ (hồi hưu)
Cố vấn trưởng cho Lữ đoàn 147 TQLC QLVNCH trong khoảng thời gian 1971-1972
Lời nói đầu
Khi bắt đầu nghiên cứu và khám phá ra những bộ chuyện mà sau này sẽ trở thành cuốn sách “Cưỡi Ngọn Sấm,” bản thân tôi đã bị cuốn hút bởi những nhân vật và cách mà từng người trong những hoàn cảnh riêng biệt, đã biểu lộ được lòng quả cảm bất khuất và bất di bất dịch về tinh thần cũng như thể xác. Tôi đã bị thu hút bởi cung cách mà John Ripley, Lê Bá Bình, Gerry Turley và một số người khác đã chiến đấu, chịu thống khổ, đã đổ máu và nhẫn nhục tận cùng để cuối cùng đạt vinh quang trong những điều kiện thường xem là thật sự vô vọng.
Trong một thế giới mà hầu hết mọi người chỉ thích ăn mừng sự nhạt nhẽo và những điều vô nghĩa, một thế giới mà sự định nghĩa truyền thống về anh hùng và lòng dũng cảm đã nhiều năm qua bị hạ giá , có khi bị bóp méo thì “Cưỡi Ngọn Sấm” chào mừng những con người đó cùng với các phụ nữ đã sát cánh bên họ, vì nhân tính của họ, và quan trọng nhất, vì họ chỉ là những người lính chiến thuần túy.
Lời Giới Thiệu
Chiến thắng lan rộng của Cộng Sản trong khu vực Đông Nam Á năm 1975 và thảm kịch chụp lên đầu nhiều người dân miền Nam Việt Nam đáng lẽ ra đã xảy ra từ năm 1972 rồi. Trong tháng 3 năm đó, miền Bắc tung ra một cuộc tổng tấn công với nhiều sư đoàn nhằm áp đảo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) và tiêu diệt một nền dân chủ còn non trẻ. Trong lúc Hoa Kỳ đang tiến hành cắt giảm quân số và chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Nixon còn ì ạch thì QLVNCH buộc phải trải mỏng lực lượng dọc theo các đường biên giới với trách nhiệm giữ nền tự do tránh khỏi sự thống trị của Cộng sản. Binh đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Việt Nam với quân số ít ỏi cùng với vài sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ đã được giao trấn thủ ngõ vào chiến lược vùng Tây Bắc của đất nước.
Rất ít người Mỹ biết rằng miền Nam Việt Nam đã thành lập được cả binh chủng TQLC. Quân số TQLC Việt Nam chưa bao giờ vượt con số mười tám ngàn người, tức 2% của QLVNCH. Họ là một sự pha trộn tinh hoa kỳ lạ của tinh thần thượng võ Tây và Đông phương. Các cố vấn TQLC Hoa Kỳ đã đóng một vai trò then chốt trong sự thành lập của đơn vị này vào năm 1954 và trong suốt hai mươi mốt năm sau đó đã giúp định hình, đào tạo và nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu tuyệt vời của họ. Không nghi ngờ gì là cái binh đoàn nhỏ bé này đã có một tác động quyết định vượt xa tầm cỡ của nó trong cuộc chiến sống còn của đất nước VNCH. Đối với những người trong chúng ta đã được cử đến để cố vấn cho các đơn vị khác nhau của TQLC Việt Nam thì đó là một nhiệm vụ thật đặc biệt, có nhiều lúc bực bội nhưng tựu chung đều mang lại niềm tự hào khi sát cánh chiến đấu bên cạnh họ ngoài chiến trường.
Thành phần QLVNCH rộng lớn hơn, lại không được biết nhiều về lòng dũng cảm của họ ngoài mặt trận, nhưng TQLC thì liên tục được cải tiến dần theo nhịp độ chiến tranh lan rộng và ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, họ đều là những thành phần xuất sắc. Nhiều người trong số các sĩ quan ít ỏi nhưng rất chuyên nghiệp đã được huấn luyện tại Hoa Kỳ. Họ đã cùng học hỏi và sống với chúng ta, giống như chúng ta đã làm khi được giao nhiệm vụ cố vấn cho họ. Tính kỷ luật và tinh thần đã được thấm nhuần từ trong trại huấn luyện, ở một chừng mực nào đó tương tự như trại tuyển mộ huấn luyện của TQLC Hoa Kỳ tại Parris Island và San Diego. Theo thời gian, TQLC Việt Nam đã giành được sự kính nể bất đắc dĩ của các đồng đội QLVNCH khác và chắc chắn của cả bọn Cộng quân Bắc Việt. TQLC Việt Nam khác hẳn các đơn vị bạn, tương tự như TQLC Hoa Kỳ mà họ phát sinh ra cũng có nhiều khác biệt với các đơn vị khác. Sự khác biệt này được thể hiện rõ ràng trong cuộc “Tổng tấn công mùa hè đỏ lửa.”
Cái gọi là “cuộc tấn công Tết Mậu Thân” năm 1968 vẫn còn âm vang trong tâm trí của nhiều người Mỹ, nhất là những người có tuổi đủ để nhớ về cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên vào ngày 30 tháng 3 năm 1972 cộng quân Bắc Việt đã tung ra một cuộc tấn công làm “lu mờ” “Tết Mậu Thân” với một mức độ lớn hơn nhiều. Ban đầu bị bất ngờ và đụng phải cường độ tiến công trực diện của cộng quân, các đơn vị QLVNCH khắp nơi bị áp lực nặng nề đến mức tối đa và trong một vài trường hợp bị tràn ngập hoàn toàn bởi số lượng và hỏa lực áp đảo của cộng quân. Lúc đó TQLC Việt Nam đang được phối trí tại những địa điểm chiến lược phía Bắc miền Nam Việt Nam sát cạnh vùng phi quân sự, cùng với Sư đoàn 3 bộ binh vừa mới thành lập xong.
Hướng về phía Tây, nhìn về trận địa Khe Sanh cũ là hai Lữ đoàn TQLC vào khoảng năm ngàn người. Sư đoàn 3 bộ binh lo bảo vệ phía Bắc. Chọi với tuyến phòng thủ mỏng manh này, quân Bắc Việt đã tấn công với 3 Sư đoàn bộ binh và cái gọi là “mặt trận B5″ gồm 4 Trung đoàn bộ binh tăng viện, 2 trung đoàn pháo binh và 2 trung đoàn thiết giáp. Thành phần trong các sư đoàn Bắc Việt tham chiến có sư đoàn 304 và sư đoàn 308 là hai sư đoàn đã từng đánh nhau với Pháp tại Điện Biện Phủ và được mệnh danh là các “Sư đoàn thép.” Việc sử dụng hai đơn vị này chứng tỏ đây là một cuộc tổng tấn công lớn và hai sư đoàn này là mũi nhọn chính của cuộc “tổng tấn công mùa hè đỏ lửa 1972.” Quân Bắc Việt đã tập trung được một lợi thế về quân số là 3 chọi 1 đối với các lực lượng VNCH.
Thật đáng buồn là đến ngày thứ tư của cuộc tàn sát hầu hết SĐ3BB đã bỏ chạy trong hỗn loạn hay đơn giản là đã bị tan tác hết. Trách nhiệm phòng thủ phần đất phía Bắc đè nặng lên TQLC và một Lữ đoàn Nhẩy Dù. Thật không hay cho những ai trong chúng tôi còn trấn giữ địa hình. Tình hình của Tiểu đoàn mà bản thân tôi và Đại úy Ray Smith (sau này lên Thiếu tướng) làm cố vấn là điển hình cho hầu hết các cố vấn đồng nghiệp đã phải đối đầu. Sau khi chống cự mãnh liệt lúc ban đầu và chịu tổn thất nặng nề, chúng tôi đơn giản là đã bị tràn ngập bởi làn tấn công toàn diện. Chúng tôi bắt đầu triệt thoái về hướng Đông trong lúc lực lượng Bắc Việt đông hơn gấp bội rượt đuổi theo. Mục tiêu của chúng tôi là cổ thành Quảng Trị.
Điều mà hầu hết chúng tôi không biết là ngay lúc đó một đoàn chiến xa Bắc Việt đang di chuyển về phía Nam trong mưu đồ cắt đứt đường rút của chúng tôi. Giữa chúng tôi và nguy cơ bị tiêu diệt là chiếc cầu Đông Hà bắc ngang sông Cửa Việt. Con sông đó là một trở ngại lớn và chiếc cầu hết sức trọng yếu trong kế hoạch của quân Bắc Việt. Đại úy John Ripley (sau này thăng cấp lên Đại tá) trong một hành động đã trở thành huyền thoại trong quân sử của TQLC Hoa Kỳ, đã bò dưới gầm cầu nhiều lần dưới làn đạn để gài mìn nổ. Ông đã giật sập được cây cầu trong lúc toán tiền quân của đoàn chiến xa Bắc Việt đang cố gắng vượt qua. Đối với chúng tôi, những người đang thoát theo hướng Đông hay đơn giản hơn đang cố sống sót, đó là một hành động dũng cảm mà chúng tôi mãi mãi ghi ơn. Nếu Ripley không phá sập cây cầu, tôi tin là hầu hết các TQLC Việt Nam và cố vấn Mỹ đều đã bị bắt hoặc bị giết chết rồi. Nhân vật đã cố gắng tái tạo lại trật tự từ sự hỗn loạn và ra lệnh cho Ripley phá hủy cây cầu chính là Trung tá Gerry Turley (sau này lên Đại tá). Bị đẩy vào một tình thế gần như siêu thực, lòng quả cảm, sự điềm tĩnh và tính chuyên nghiệp của ông là mối keo kết dính giữ toàn bộ không bị đổ vỡ. Tác giả Botkin đã cho chúng ta hiểu được tầm cỡ của hành động của Turley và nhận thức được những sự kiện kỳ quái và điên rồ có thể diễn ra trong cuộc giao tranh.
Mặc dù TQLC bị đặt trong những tình huống quẫn bách, cuộc triệt thoái nói chung có trật tự. Tất cả những khẩu trọng pháo đều được phá hủy không để rơi vào tay kẻ thù. Các Đại đội và Tiểu đoàn tập hợp lại và còn nguyên vẹn với các cố vấn Mỹ sát cánh bên họ. Điều này trái ngược hẳn với các đơn vị như pháo binh SĐ3 đã mở ngỏ cửa cho quân Bắc Việt tấn công vào và để lại cho chúng hàng chục khẩu đại bác còn nguyên si cùng với hàng tấn đạn dược. Tại sao có sự khác biệt về hiệu năng chiến đấu như vậy? Tôi nghĩ rằng đó là nhờ sự đầu tư toàn diện về huấn luyện giống như mô hình TQLC Hoa Kỳ đầy kinh nghiệm và một thế hệ cố vấn đã hết lòng truyền đạt sự hiểu biết và niềm tin qua cho các bạn TQLC Việt Nam.
Bọn Bắc Việt tưởng chừng như đã thành công. Được trang bị dồi dào gần như vô tận về chiến xa và pháo binh cùng với vũ khí phòng không tối tân nhất của Liên Sô, bọn chúng xâm nhập vào vùng chiến trường phía Bắc với hy vọng sẽ tung cú phủ đầu đánh gục miền Nam. Mất các tỉnh phía Bắc bao gồm Quảng Trị và cố đô Huế sẽ là một thảm trạng về tâm lý chiến đối với chính phủ VNCH. Tuy nhiên tình báo Bắc Việt trước khi xâm lăng đã quên không tính đến sự kiên cường của TQLC Việt Nam. Quảng Trị cuối cùng đã bị thất thủ nhưng chỉ có TQLC Việt Nam là đã chiếm lại được vào ngày 15/9/1972.
Trong trận đánh bẩy tuần tái chiếm cổ thành Quảng Trị, lực lượng TQLC đã chịu 3.658 thương vong. Đó là một trận đánh tàn khốc chống lại một kẻ thù dai dẳng nhưng chiến thắng sau cùng đã đủ chứng minh tính chuyên nghiệp và sự dũng cảm của TQLC Việt Nam. Bắc Việt cuối cùng đã thành công vào năm 1975. Nhưng ít nhất miền Nam đã được ba năm tạm yên nhằm củng cố lại đất nước hầu chống lại quyết tâm của miền Bắc muốn xâm chiếm họ. Buồn thay là ba năm chưa đủ.
Nếu bạn có khuynh hướng cho rằng chiến thắng của Cộng sản không đáng buồn, “Cưỡi Ngọn Sấm” sẽ làm bạn tỉnh ngộ về quan điểm đó. Dệt trong lời kể là câu chuyện của Trung tá Lê Bá Bình: một TQLC, một người yêu nước, một người chồng và một người cha. Bình là sĩ quan Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TQLC mà John Ripley làm cố vấn. Câu chuyện của Bình sẽ làm bạn nổi giận, gây cảm hứng và cuối cùng sưởi ấm trái tim bạn. Đoạn kết bất thành của cuộc chiến và ảnh hưởng bi thảm của nó đối với hàng triệu người miền Nam đã được biểu lộ qua cuộc hành trình của Bình. Ngoài ra “Cưỡi Ngọn Sấm” cũng đã diễn tả chuyện gia đình của nhiều TQLC, Việt Nam cũng như Hoa Kỳ khác mà sự hy sinh và lòng can đảm rất điển hình cho các gia đình quân đội trong quá khứ và hiện tại. Đối với những người trong chúng tôi đã chọn binh nghiệp thì sự hỗ trợ, lời khuyến khích và sự trung thành của họ vẫn mãi mãi là một niềm cảm hứng. Lịch sử về chiến tranh thường được viết bởi kẻ thắng cuộc và bọn Cộng sản đã cố gắng xoá hết vết tích ghi chép, không nhắc nhở đến các thành tích đáng ca ngợi của TQLC. “Cưỡi Ngọn Sấm” bắt đầu viết trở lại vào lịch sử câu chuyện chưa được kể về những người lính TQLC Việt Nam và gia đình; họ chưa bao giờ đầu hàng, chưa hề bỏ cuộc và chưa khi nào mất niềm tin. Đối với những người đã từng chiến đấu, đã chịu đau khổ và vươn lên quá nhiều để đạt được sự Tự Do cho chính họ với tư cách là các công dân mới của đất nước Hoa Kỳ, thì “Cưỡi Ngọn Sấm” là một câu chuyện xứng đáng được chia sẻ với các thế hệ tiếp nối của nước Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp họ hiểu được cái giá mà cha ông họ đã phải trả nhằm bảo tồn nền Tự Do mà ngày nay họ đang được hưởng. Và sau cùng, trong khi cái danh xưng “Thủy Quân Lục Chiến” đã chiếm một vị trí đặc biệt trong tim người Mỹ, công việc kể lại các thành tích và lòng phục vụ của Lê Bá Bình và những nhân vật như ông sẽ làm cho độc giả cũng sẽ trân trọng cái tiếng gọi đó trong lòng những người Việt vậy.
Đại Tướng Walter E. Boomer, USMC, Ret.
Mở đầu
Cuộc hôn nhân của Lê Bá Bình và Bành Cầm,
Câu lạc bộ Sĩ Quan Sóng Thần
Sài Gòn, Việt Nam Cộng Hòa
Thứ tư, 19 tháng 1, 1972
Những đấng trượng phu nào đã dám đứng lên vì chính nghĩa, đặt vận mệnh quốc gia trên đôi vai dẻo dai và tài trí vẹn toàn thì thường có ưu thế hơn trong cuộc cạnh tranh để giành được những người phụ nữ hương sắc nhất.
Tại một địa điểm và thời gian đã định trước, Thiếu Tá Lê Bá Bình, Tiểu đoàn trưởng TĐ3 TQLC, biệt danh đối với bạn bè cũng như kẻ thù là “Sói Biển” trông khá bảnh bao với vai trò chú rể trong bộ lễ phục vùng nhiệt đới của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa. Vào một thời điểm khác, có thể anh đã là một luật sư, một bác sĩ, một thương gia hoặc đã mang một tước vị nào đó. Tuy nhiên thời kỳ này không bình thường và số mệnh đang xảy ra cho đất nước tràn khói lửa của Thiếu Tá Bình đã kêu gọi những thanh niên năng động và quyết tâm như ông bởi vì nếu không có chiến thắng, sẽ không có Việt Nam. Đó là một điều thật khó khăn nhưng cũng thật đơn giản.
Mặc dù văn hóa Việt Nam được hình thành từ lâu, thậm chí trước cả khi nước Mỹ được thành lập, Bình có thể được mô tả đúng nhất, trong dòng sinh mệnh hiện tại của đất nước ông, là thuộc vào thế hệ đầu tiên trong hệ luận mà George Washington đã diễn tả từ hai thế kỷ trước: “Tôi là một người lính để con trai tôi có thể làm nghề nông và cháu tôi có thể thành nhà thơ.” Tất cả đàn ông và phụ nữ của thế hệ người Việt được sinh ra cùng thời với Bình và cô Cẩm chưa từng bao giờ biết hòa bình là gì. Các cuộc xung đột và hỗn loạn xảy ra thường xuyên và hòa nhập vào mọi mặt sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày. Sự “bình thường” chỉ là một thuật ngữ tương đối và chủ quan.
Do đó, điều hoàn toàn bình thường trong thời chiến sinh tử là mọi chuyện phải được tiến hành nhanh chóng vì đó chỉ là sự lựa chọn duy nhất trong đời sống. Vì vậy, không có gì kỳ lạ cả khi Lê Bá Bình và Bành Cầm đến với nhau như vợ chồng vào tháng Giêng năm 1972.
Cho đến ngày đám cưới của mình, Lê Bá Bình đã phục vụ liên tục trong quân đội. Khi những người lính Mỹ đến Việt Nam và nếu họ sống sót thì được trở về nhà sau một năm hoặc 13 tháng, thì Bình đã từng làm Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 3 trong gần bốn năm, đó là sau khi đã chỉ huy một trung đội trong hai năm. Mỗi lần hoàn tất công vụ, không hề có chuyện đi chơi Hawaii hoặc Úc, không có vụ đi du lịch hồi phục sức khoẻ hay học hỏi để mở mang kiến thức và khả năng ngoại giao. Khi Bình rời khỏi Đại đội 1, đơn giản là để về làm Tiểu đoàn phó cho Tiểu đoàn 3.
Một thanh niên như Thiếu tá Bình, vốn là người đã đạt được vị thế và quyền lực hiện tại không phải vì uy tín hoặc tài sản của gia đình mình mà là qua nỗ lực cá nhân liên tục và vai trò chỉ huy xuất chúng trên chiến trường, giờ được kết hợp với một thiếu nữ khả ái như Bành Cầm là một điều hiển nhiên. Thật ra, đã có những người đàn ông khác, trong số đó có một bác sĩ và một luật sư đã mong được sự chiếu cố của người đẹp để xin cưới. Tuy nhiên định mệnh của nàng là kết hôn với anh chàng TQLC đẹp trai.
Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, việc chọn lựa ngày giờ thuận lợi nhất cho một đám cưới luôn gây ra mối bận tâm lớn và phải dự tính kỹ. Những bậc thông thái trưởng thượng trong gia đình bàn bạc với nhau và cân nhắc để chọn ngày lành tháng tốt nhằm cho đôi vợ chồng mới được trường thọ và sung túc bên nhau. Sau khi xem xét cẩn thận và suy tính kỹ lưỡng, họ loan báo quyết định ngày 19 tháng Giêng năm 1972 sẽ là ngày thành hôn của Bình và Cầm.
Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Sóng Thần của TQLC nằm trên một khoảnh đất đẹp tại Sài Gòn. Được thành lập vào giữa thập niên 1960 và tiếp giáp với Sông Sài Gòn, nó chỉ cách sáu ngã tư đường tính từ Dinh Tổng thống và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Mặc dù binh chủng TQLC Việt Nam ít hơn hai phần trăm tổng số quân nhân toàn quốc, nhưng khi ngắm câu lạc bộ, người ta sẽ nghĩ rằng quyền lực và ảnh hưởng chính trị của họ chắc lớn hơn nhiều so với thực trạng của đơn vị đó. Trông bề thế như vậy nhưng câu lạc bộ cũng kiêm cả một nhà kho tiếp vận cho TQLC và họ đã biết sử dụng một cách hiệu quả khoảng đất mà họ được chu cấp.
Được quản trị một cách khôn khéo và canh gác cẩn thận bởi những người được phân công tại đó, các sĩ quan TQLC có quyền tự hào đã có một nơi phục vụ các mặt hết sức chu đáo này, tựa như một một mái ấm lúc họ xa nhà.
Tất cả các sĩ quan trong đại gia đình TQLC đang lớn mạnh và thân thương nếu không vì phải nằm bệnh viện điều trị vết thương chiến trận hay bận ngoài chiến trường chỉ huy binh lính chống kẻ thù Cộng sản đều hiện diện ngày hôm đó để tham dự đám cưới của Lê Bá Bình và Bành Cầm. Nếu bọn Việt Cộng hay quân Bắc Việt nắm được tin này hoặc có đủ sức hành động, một cuộc tấn công khủng bố vào nơi tiếp tân trong tiệc cưới chắc hẳn sẽ giáng cho miền Nam một đòn chiến lược khủng khiếp.
John Ripley là người Mỹ duy nhất trong đám đông tập họp của bộ chỉ huy TQLC cùng với gia đình và bạn bè. Anh rất ngạc nhiên và hào hứng trong buổi lễ. Ngoại trừ vị Tư lệnh, Trung Tướng Lê Nguyên Khang, đang bị bệnh cúm dạ dày khá nặng hành hạ và là người đã chiếu cố đặc biệt đến vị sĩ quan trẻ đầy triển vọng mà chính ông đã đích thán tuyển dụng anh vào đội ngũ Sói Biển vào năm 1962, tất cả các sĩ quan TQLC Việt Nam mà “Đại úy Ripp-lee” có quen riêng hay từng nghe danh đều có mặt tham dự. Các chiến sĩ hào hùng bao nhiêu thì sự hiện diện của những bà vợ cũng rất nổi bật và được kính nể. Nhiều bà đẹp khôn tả. Nhiều lần John Ripley chỉ muốn quỳ gối trước mặt họ. Ripley và vợ vốn xuất thân từ một gia đình quý tộc của vùng Virginia và chưa đầy một năm trước đó họ đã viếng thăm TQLC Hoàng gia Anh, một đơn vị mà lễ nghi và truyền thống cũng quan trọng không kém khả năng sẵn sàng chiến đấu mà họ rất kiêu hãnh. Do đó buổi đám cưới sẽ mãi mãi được họ trìu mến nhớ lại như là một sự kiện cao quý, đặc biệt và uy nghi.
Đại úy John Ripley chỉ mới trở lại Việt Nam hai tuần trước ngày đám cưới. Kỳ nghỉ phép “phục hồi sức khỏe” vào dịp Giáng Sinh vừa qua cùng với vợ con ở tiểu bang Virginia xa xôi làm cho chuyến trở lại Việt Nam khá khó khăn. Thậm chí còn khó hơn cả lần cùng đi hưởng tuần trăng mật tuyệt vời với cô vợ Moline ở đảo Hawaii năm năm về trước. Giá mà anh có cơ hội trải thêm một mùa Giáng Sinh kỳ diệu với con cái một lần nữa, dù là lần cuối cùng, thì đó sẽ là một điều khiến anh không bao giờ quên.
Đại úy Ripley cũng không bao giờ quên sự kiện vào giữa tháng Mười Hai, một ngày trước khi đi phép “phục hồi sức khoẻ” khi Tiểu đoàn 3 vừa chấm dứt một cuộc hành quân gian nan gần khu phi quân sự ngoại vi Gio Linh. Thiếu tá Bình gọi cố vấn Đại úy Ripley đến. Văn phòng là một chỗ tạm trú dã chiến tầm thường. Thị trấn Gio Linh nằm gần như ở cuối đường phòng tuyến, vào cuối năm 1971 nó cũng xa vời đối với người Mỹ giống như bề tối của mặt trăng trước khi các phi hành gia bay vòng quanh nó. Lúc Ripley trình diện vị chỉ huy mà ông ngày càng tôn trọng và hết lòng ngưỡng mộ, ông chưa hề biết lý do cuộc triệu tập. Đứng trong tư thế nghỉ sau phần chào kính đúng lễ nghi quân cách, Thiếu Tá Bình đã làm người bạn Mỹ của mình ngạc nhiên: “Ripp-lee, tôi rành truyền thống Giáng Sinh của bạn lắm.”
Bằng một sự dè dặt và kín đáo cố hữu, Thiếu tá Bình trao cho vị “cố vấn” của mình -theo tiếng Việt có nghĩa là “người góp ý kiến đáng tin cậy”- một con búp bê công chúa Việt Nam được gói thật đẹp bằng giấy bóng kính gắn nơ đủ màu rất truyền thống và được trang trí lộng lẫy. “Ripp-lee. Tôi muốn tặng cái này cho con gái bạn. Nói là của tôi nhé.” Đại úy Ripley cảm thấy xúc động bởi cái lòng, cái công sức, và sự tiêu phí của Thiếu tá Bình. Để có được cho một món quà như thế phải tốn công sửa soạn vô cùng. Lại còn trao tại một nơi như Gio Linh thay vì chỗ khác thì quả thật Thiếu tá Bình đã chứng tỏ cho thấy niềm trân trọng, tấm lòng ưu ái và sự chấp nhận tình bạn khiến John Ripley cảm động gần như rơi lệ.
Cho đến hôm đám cưới, Lê Bá Bình đã làm việc chung với John Ripley gần năm tháng trời, một thời gian mà trong thời chiến tưởng chừng như vô tận. Mối liên hệ giữa vị chỉ huy và người cố vấn không thể nào tốt hơn thế. Họ hoàn toàn tâm đắc với nhau vì cùng mang giòng máu chiến binh, giống nhau ở tính xông xáo ngoài trận địa và cùng lo lắng quan tâm đến tinh thần binh lính thuộc cấp. Do đó các mối khác biệt quan trọng về văn hóa đã được giảm thiểu đến mức gần như không còn nghĩa lý gì nữa bởi sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai người. Đó cũng chính là mục tiêu được đề ra của mô hình cố vấn và chỉ huy trưởng đơn vị vậy.
Tính đến đầu năm 1972, các cố vấn TQLC Hoa Kỳ đã luân chuyển công vụ phục vụ cho TQLC Việt Nam một thời gian tổng cộng gần 18 năm trời. Từ ngày thành lập vào năm 1954, TQLC Việt Nam đã chiến đấu gần như liên tục. Hầu hết các sĩ quan đều tốt nghiệp từ khóa huấn luyện căn bản tại Quantico. Mặc dù họ không phải là những bản sao y như người anh em Mỹ vì những sự khác biệt hiển nhiên về văn hóa và hạn chế về tiếp liệu, nhưng không một người Mỹ nào khi theo dõi hoạt động của TQLC ngoài chiến trường có thể nghi ngờ về sự xông xáo và tinh thần quyết chiến của họ được.
Bên ngoài của sự sang trọng của Câu Lạc Bộ Sĩ Quan SóngThần TQLC, John Ripley đã từng làm việc với Bình trong những điều kiện tồi tệ nhất. Vốn là một chiến sĩ, bất cứ ai trong số người Mỹ đều có thể xác nhận điều này, Đại úy Ripley có khả năng nhận ra ai cũng là “tay súng” như mình. Thiếu tá Bình đích thực là một tay súng. Không hài lòng với những kinh nghiệm và quan sát của riêng mình, Đại úy Ripley đã nghe lỏm một cuộc trao đổi quan trọng giữa một viên chức Hoa Kỳ cao cấp và một sĩ quan TQLC Việt Nam. Người này đã thốt lên với viên cố vấn rằng Tiểu đoàn 3 của Thiếu tá Bình là một “tiểu đoàn chủ lực,” những người cần đến khi vấn đề thực sự trở thành nghiêm trọng.
Bình là một người hết lòng, thực sự hết lòng, và ông ta đã làm điều đó mà không cần phải phô trương hay làm ra vẻ gì cả. Nếu Jimmy Dean có làm một bài hát cho người Việt Nam, và nếu cần những lời ca giống như những lời mô tả về người thợ mỏ than đá “John cồ” lớn con, trầm lặng để kể về một người tốt ở Đông Nam Á, thì ông ta có thể đã chọn Bình để làm đề tài rồi. Những thành tích của Bình và của tập thể 700 Sói Biển đã nói dùm cho Jimmy Dean. Những người rành chuyện, những người mà ý kiến đáng được trân trọng nhất đều ca ngợi và cảm phục thành tích chiến đấu của Tiểu đoàn 3. Tất cả những điều đó làm cho Đại úy Ripley thương mến Bình như là một người anh ruột.
Mặc dù khá quen thuộc với văn hóa Việt Nam nhưng Ripley không tự tin rằng ông ta biết hết các lề lối cần thiết và cách cư xử trong một đám cưới Việt Nam. Do đó, hồi đầu ông cố gắng giữ một vị thế thật khiêm nhường. Tuy nhiên để không làm phật lòng và bày tỏ sự tôn trọng thích đáng đối với người bạn và cô dâu mới của anh ta, Đại úy Ripley thay đổi đôi chút thái độ của mình trong suốt buổi chiều còn lại. Anh đứng nhai trệu trạo cùng với những người khác bên bàn thức ăn tự phục vụ đầy ắp các món ăn truyền thống Việt Nam và Tây phương, tham gia chúc rượu, vỗ tay đúng lúc, và cười giòn vào những lúc thích hợp.
Đại úy Ripley thích nhất là những cuộc trò chuyện với các TQLC Việt Nam tại đây. Họ luôn nói tiếng Anh để anh ta tham dự được và không thấy bị bỏ rơi. Và quan trọng nhất để Ripley không cảm thấy bị mất mặt, họ cho anh tham gia mọi công việc trong ngày đám cưới.
Ngày 19 tháng Giêng năm 1972 là một ngày trọng đại, ít nhất là đối với những người ở Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Sóng Thần TQLC. Bình đã “chơi đẹp” hết mình. Đám cưới và tiếp tân đã làm Bình tốn một tài sản nhỏ, tuy nhiên phần lớn được bù lại bằng những quà tặng. Vì những lý do không hoàn toàn hiểu nổi, Đại úy Ripley không được phép cho quà tặng. Nếu làm như vậy sẽ thực sự gây ra sự xúc phạm. Đối với Bình, sự hiện diện của Ripley đã quá đủ rồi. Những người khác, khoảng 500 người gì đó dư sức bù đắp cho bất cứ món quà nào mà vị quý tộcVirginia không được phép cho. Moline có thể bị sốc nhưng, giống như chồng mình, sau cùng cũng hiểu được tại sao.
Ngay cả nhạc cũng thật tuyệt. Không phải là một mà có tới hai ban nhạc chơi cho cuộc gắn bó của Bình và Cầm. Nhờ sự quen biết và nổi tiếng trong giới nhà binh, Bình đã mời được không ai khác hơn là Khánh Ly, một ca sĩ tân nhạc Việt Nam danh tiếng và cũng là một người bạn riêng đến giúp vui cho đám đông ái mộ.
Tuy nhiên, chiến tranh vẫn còn có và không hề thiếu những tên Cộng sản để đánh nốt. Do đó sẽ không có tuần trăng mật sang trọng, lãng mạn đến Bangkok hoặc Hồng Kông, ngay cả Đà Lạt hoặc thậm chí Vũng Tàu cũng không nốt. Vì tình hình chiến trận và các quy định của TQLC, Thiếu Tá Bình và cô dâu xinh đẹp có được một thời gian ngắn ngủi hạnh phúc bên trong một căn cứ tại Thủ Đức là quý hóa lắm rồi.
Non một tuần lễ sau, Bình đã lên đường trở lại mặt trận chỉ huy Tiểu đoàn 3 như ông ta vẫn từng làm: trên tuyến đầu… với vị cố vấn trung thành của mình bên cạnh.
Cưỡi Ngọn Sấm , Chương 1, Hồng Thuỷ Triều
Cưỡi Ngọn Sấm 8, Chương 3,Đại úy Ripley – Đại đội Lima 6
Cưỡi Ngọn Sấm 9, Nhiệm vụ cảm tử
Cưỡi Ngọn Sấm 10, Chương 5, Đại đội Lima xuất quân
Cưỡi Ngọn Sấm 11,Các trinh sát của Ripley
Cưỡi Ngọn Sấm 12, Chương 7,Một thoáng thiên đường… và rồi quay thẳng về địa ngục
Cưỡi Ngọn Sấm 13, Chương 8, Đoạn kết của một khởi đầu
Cưỡi Ngọn Sấm 14, Chương 9, 1968: Khởi Đầu Của Một Đoạn Kết
Cưỡi Ngọn Sấm 15, Chương 10,Tổng tấn công Tết Mậu Thân: Trận chiến mở màn
Cưỡi Ngọn Sấm 16, Chương 11, Lòng Người Ở Nhà
Cưỡi Ngọn Sấm 23
Cưỡi Ngọn Sấm 24
Cưỡi Ngọn Sấm 25
Cưỡi Ngọn Sấm 26
Cưỡi Ngọn Sấm 27
https://autim.net/2021/02/26/tien/#more-4386
Và Trung Tá Lê Bá Bình đã rời chúng ta
Xin sửa lại thêm tên của dì Mộng Cầm, Bành Mộng Cầm chứ không chỉ Bành Cầm. Chân thành cảm tạ.
Cháu gái, Chử Mộng Khánh Linh
Montreal, Quebec. Canada
Cảm ơn bạn nhiều lắm.