Bờ vực mộng

Gửi H. Một thiếu phụ vừa duyên dáng vừa nhu hòa dễ mến

Kìa em nòi gấu ngựa
Vùi ngủ suốt ngày đông
Ta vốn nòi ngông tặc
Đuổi em chạy lòng vòng

Sương cuộn mù dốc gió
Ta cõng em ngùi ngùi
Vô tình môi em ngọ
Chúa nhìn ta cười vui!

Nụ hôn ôi quá mỏng
Sao ướt mãi đời nhau
Đêm gối đầu xác chữ
Đắng từng hạt chiêm bao

Nước xanh nức một dòng
Một dòng xanh mặc thẳm
Ta con thuyền úp mặt
Đằm vết chém trăm năm…

Vẫn hoài chim cánh cụt
Ta bơi suốt long hồ
Bên kia là bờ vực
Trổ ngàn đóa rêu khô.

LÊ SA

Advertisement

Dỗ lại bóng mình

 

Gửi Đình, kẻ ngộ giác đầy như nhiên

Tôi và bóng dỗ  dành nhau
Khói bụi tràng giang dột ướt đầu
Đàn ai bật khúc tương ly oán!
Ồ không tiếng Cú tự ngàn sau

 

Sá chi một lũ hề bôi mặt
Một lũ đười ươi vỗ bụng cười
Tiếc ta không phải nòi kiếm sĩ
Bằng không đã có mấy đầu rơi…

LÊ SA

Đôi mắt người thiếu phụ nhà bên

Vườn xưa lạnh tiếng chim về
Sông xưa quạnh bòng đò quê bãi gầy
Ta như chiếc lá tàn phai
Ngủ trên sương úa dạt ngoài đồng trăng
Tìm trong cát bụi mê lầm
Chỉ nghe tiếng vạc xa xăm cuối trời
Mười năm ngút bóng trăng côi
Gió tiêu tương, thổi qua đời quạnh hiu
Rằng ai đạp xuống cầu kiều
Để thương để nhớ quàng xiêu trắng đầu
Ta về nép giữa ngàn lau
Mắt em thăm thẳm một màu thu sương?!…

LÊ SA

Chỉ là mộng ngộ

lesa

. Với H người tình khuất

Khi ta chết xin em đừng tưởng tiếc
Mặc nghìn thu rực cháy lửa vong tình
Em cứ khóc và mĩm cười ngộ nguyện
Ta một mình chạy soãi đến vô biên.

Trong cõi giác em gọi ta từng chập
Mắt đung đưa qua sóng lớp u huyền
Chân ngạo nghễ vẽ rồng lên cỏ mượt
Cuối chặng đời… Ta còn mấy oan khiên?!.

LÊ SA

KHẮC KHOẢI TIẾNG CHIM ĐÊM

lesa

Mây hôm nay hay mây của ngàn năm trước, đi đâu về đâu. Có chăng cho bến bờ neo đậu.
Tôi đưa mắt nhìn lên khoảng trời khuya huyễn hoặc, nơi ấy chỉ có những vì sao hiu hắt. Tôi cố tìm ba vì sao riêng lẻ để thầm đoán định cho một thân phận,cho mỗi một đời người… Ngôi nào cho anh Nghiễm tôi, ngôi nào của Ngọc Hà em tôi, và ngôi nào cho tôi sở hữu,. Khốn nạn! cả bầu trời bao la kia cũng chỉ là những con mắt hấp háy tật nguyền cứ nhìn xuống tôi nhạt nhoà khi mờ khi tỏ, giấc mơ tôi cứ trôi đi dập dềnh trên bọt sóng mơ hồ xa tắp. Tôi đưa tay níu lấy vầng trăng sự hào phóng của đất trời ban phát.Nhưng kìa! trăng cũng chỉ là chút ánh vàng ngoắc ngoãi thả trôi dật dờ theo sông chiều ngáp ngũ.

Hai mươi năm rồi còn gì. Hai mươi năm tưởng xa mà gần, tưởng gần mà xa. Ôi… cuộc đánh tráo ngoạn mục trên dòng nước xiết. Một tiếng chim đêm vừa rúc lên đâu đó ở góc trời xa. Tôi vốn sợ tiếng chim kêu lẻ. Sao không là đàn chim thiên di kia. Trên đôi cánh mõi mòn u oãi, chúng cắt qua biển rộng, cắt qua sông dài gió chướng cho cuộc trú đông dặm ngàn lữ thứ. Mỗi năm chỉ một lần như thế, một lần thôi, rồi cũng phải gọi nhau quay về chốn cũ ? ! . Quay về để viết tiếp bản tình ca loài giống. Bản tình ca ấy , lệ tộc ấy được viết lên bằng cả máu, còn tôi thì sao ? … Ngày tôi bỏ quê, bỏ làng bỏ dòng sông bờ duối ra đi, tôi trốn ai đây tôi tìm gì đây. Phải chăng tôi trốn tôi hay trốn cái bóng của chính mình, cái bóng của ngoại, cái bóng của mẹ, những cái bóng ấy chã lẻ cứ
hắt mãi xuống trăm năm. Sao tôi phải ghì giữ làm gì giấc chiêm bao khi mình đang thức. Nhiều đêm tôi đã tự hỏi thầm mình như thế, để rồi chỉ biết đưa tay bấu chặc lấy tóc mình cầm lấy tay mình mà cười lên ràn rụa.
Đêm tháng tư vô cảm. Anh Nghiễm nhìn tôi, tôi nhìn ra dòng sông bèo bọt ánh vàng trăng.

Có thể cụ cố tôi sai lầm, ngoại tôi sai lầm, mẹ tôi sai lầm. Và cuối cùng là ba anh em chúng tôi sai lầm ! ? . Mẹ nắm cái bóng của ông ngoại một cụ đồ nho mẫn thế, để rồi ba anh em chúng tôi lại ràn rịt nắm chặt cái bóng của mẹ.Chỉ có cậu Sĩ là quá khôn ngoan, đứng ngoài tất cả những cái bóng ấy mà thành công chăng? Thành công cả những điều vặt vạnh tép tôm.

Năm 54 đất nước tạm cắt đôi. Cậu Sĩ có mặt trong đoàn quân cuối cùng xuống tàu tập kết ra bắc.Trên một cơ thể sống có hai nguồn máu, một đen một đỏ vẫn cứ luân lưu hoài chảy để biết bao người mẹ phải mõi mòn đợi con, chị thấp thỏm ngong ngóng tin em về. Hai mươi năm đoạn đành chia cắt tình nhau. Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Đùng một hôm cậu Sĩ trở về, cậu về trong chan hoà lệ chắc, cậu về với chiếc bị  nãi bạt màu cứt ngựa trên vai.Mẹ ôm cậu khóc, Hà em tôi cũng khóc. Cậu cười vỗ vai mẹ:

– Thôi chị… ổn rồi, đừng khóc nữa thống nhất rồi độc lập rồi, công bằng văn    minh rồi, không ai chia lìa được chị em mình nữa đâu.

Lời nói nghe ngọt ngào khôn xiết.

Suốt ngày mẹ líu ríu bên cậu bên mợ, không đoái hoài về chuyện ruộng nương. Cậu Sĩ hết trầm trồ khen thèm đàn gà nun núc béo mập sau vườn, lại nhìn lũ chép mang vàng quẫy trừng trên mặt nước ao sâu, cậu luôn miệng soa tay ao ước. Trong khi bà mợ theo cậu giới thiệu với mẹ- Mợ là người rặt dòng chính phái danh gia đạo hạnh mười đời gốc Hải Dương. Mợ  thường đứng hàng giờ chép miệng, chặc lưỡi, vuốt ve thao thiết bộ ngủ sáng óng bằng đồng nguyên, đang đặt thờ trước di ảnh ông bà ngoại. Hôm cậu mợ về lại bắc, mẹ đóng cẩn thận cả bộ ngủ vào chiếc thùng to tướng cho cậu. Mẹ nói:

– Thôi cậu cứ mang về ngoài ấy mà làm quà.

Mợ vui quá chừng cậu vui quá chừng:

– Lần này vợ chồng em chỉ về phép thôi. Cụ thể xem nhà mình ai còn ai  mất. Lần sau về chúng em ở hẳn bên chị.
Mẹ xoắn lấy vạt áo cậu cuống cuồng hải sợ. Mẹ sợ một lần nữa hạt máu thiêng  của ngoại không khéo lại rơi vãi đâu đó bên góc đường bám bụi.

Cậu đi rồi. Ở đây mẹ tính từng ngày mong ngóng. May cho mẹ thực. Chưa đủ mười ngày cậu đã quầy quã quay về. Lần này cậu quay về như thể cuộc dời đô, với đầy đủ bầu đoàn thê tử. Mẹ có cảm tưởng ngôi nhà rường trăm năm của ngoại giờ đây chim chóc đang rủ nhau bay về đông hơn, ríu ríc lót tổ trong các ống ghè nóc ngói.
Ma Nương quê tôi. Nét chơn chất thiệt thà cố cựu như bao làng quê khácnằm kề bên phố thị, chơn chất như nhũng cánh chuồn nâu chao vẽ trên mặt nước sông chiều, báo hiệu cho những hạt mưa thơm đang chuyển về. Một hôm cậu Sĩ thỏ thẻ nói với mẹ tôi:

– Chị à! Đất nước ta đổi mới. Mình phải thực tế chị ạ

– Là sao hở cậu?. mẹ tôi hỏi

– Sân trước nhà Từ đường mình đây rộng lắm, vườn cây đẹp lắm. Chị cho  chúng em mở cái quán sân vườn. Đôi khi cháu Hà… lại có thêm thu nhập mà học hành đến nơi đến chốn.

Vợ cậu Sĩ chế vào gọn trơn:

– Phải đấy chị. Dân quê mùa mà con bé cũng đẹp đáo để nhẽ.

Nghe cậu nói thế mẹ vui mẹ mừng. Nhưng thãn hoặc, có một cái gì đó như đang rình rập mẹ, các con mẹ.

Đêm chủ nhật. Ngọc Hà em tôi đang ngồi học bài ngoài hiên sau, nơi ấy trước đây vốn là kho chứa lúa của ngoại, năm 68 bom napal đánh sạt đi một góc tường. Trông cậu sĩ nhớn nhác như con gà mắc đẻ giữa trưa. Cậu thở hùn hục dúi vào tay em tôi năm ba tờ giấy bạc, hổn ha hổn hển giục:

– Này cháu… Cháu mau mau ra giúp cậu với. Có khách sộp ở phố về xe con. Ông ta là thủ trưởng của cậu của mợ đấy. Ông ta chỉ ham tiếp viên trẻ trẻ như cháu thôi hà.

Hà em tôi. Nó đủ khôn đủ hiểu để đoán điều nghiệt dữ, một ngày nào đó rồi cũng sẽ đổ ập lên đầu em. Thế nên, em luôn thủ sẳn cho mình một tư thế đối mặt, một thứ vũ khí bản năng. Bản năng của con thú tật nguyền một khi bị dồn vào góc chết. Hà, em tôi thét lên đứng phắt dậy, chộp vội nắm bạc vo vụn ném thẳng vào mặt cậu Sĩ. Em chạy băng qua hàng rào dâm bụt, chạy băng băng qua cánh đồng làng thơm dâng mùa ngặm hạt. Em chạy và chạy như một kẻ mộng du, hai tay cứ đưa lên chấp chới xiêu xiểng như một cánh chim tật nguyền. Tiếng thét em cứ u u lan mãi lan mãi, cứa vào lòng mẹ tôi vào trái tim hổn hển của anh Nghiễm tôi và tôi. Tiếng thét em vón lại đông cứng, se thành những hạt máu bay lả chã rồi chợt bừng sáng lên rực rỡ cùng khắp trong ngôi nhà trăm năm của ngoại. Trong khi mắt cậu Sĩ cũng kịp lồi ra hai viên máu. Viên máu đỏ lòm lòm như hai viên đạn pháo chực bắn ra khỏi nòng đại bác.

Nhớ lại thời thơ ấu. Trên chiếc tràng kỷ gỗ gụ ngoại ngồi đọc sách, tôi thằng bé lên năm thích lạ gạ chơi đùa quanh ngoại, ngoại nắm tay tôi chỉ lên tấm kính giữa nhà, bên trong lồng tấm lụa vàng. Ngoại bảo:

– Chữ Nhân đấy, chữ Tâm đấy con ạ.

Tôi lắc đầu cải lại ngoại.

– Không phải chữ đâu. Con chuồn chuồn trụi cánh, con cuốn chiếu lại gãy lưng, ngoại vẽ không giống chút nào.

Ngoại vuốt râu cười:

– Ừa, tranh cũng là chữ, chữ cũng là tranh đó mà.

Ngoại thường doạ Hà mỗi lần em khóc nhè:

– Đứa nào ham khóc lòi rún ráng chịu, qua cầu dễ bị gió xô.

Hà ơi! Đó chỉ là chiếc cầu thứ nhất em vừa bước qua  thôi mà. Hãy cười lên đi em, sao em lại khóc. Em hkông nhớ lời ngoại dặn sao em.

Sau nhát chém nghiệt dữ cậu Sĩ sả xuống đầu em tôi. Một hôm mẹ quỳ dưới chân cậu Sĩ vừa khóc vừa lạy:

– Tôi xin lạy cậu. Kể từ nay xin cậu… tha cho mẹ con tui. Nay cậu về. Nhà từ đường này là của cậu, thờ cúng cha mẹ thế nào là tuỳ cậu. Riêng mẹ con tui…cái xẽo đất nhỏ ngoài bìa ranh kia, trước đây là chuồng trâu của cha, cậu cho mẹ con tui xin… xin ra che chắn ở đó. Mai tôi chết, chúng nó cũng còn có chỗ mà thờ phụng cha nó.
Cậu Sĩ nhếch môi cười rìn rịn:

– Tuỳ chị. Ừ, cũng được thôi. Bốn mẹ con chị cứ tự nhiên vác cục vàng ròng có tên là Sĩ là Diện ra ngồi lếch ở đầu chợ phố kia mà rao mà bán đặng kịp đong gạo cho chúng…Còn cái thằng con trưởng của chị kìa, điên chả ra điên, ngộ chả ra ngộ. Ngụy tất, cả một bày ngụy tất.

Cậu Sĩ chĩa tay vào mặt anh Nghiễm nghiến răng:

– Chính mày… chính thằng ngụy quan ô uế, thằng lính thuỷ đánh bộ này đây. Cha mày chết ở xó rừng là… là chính đạn của mày xối ra đấy. Phải không, liệu hồn.

Anh nghiễm mĩm cười. cái cười vô cãm trẻ thơ.

Cậu dịu giọng với mẹ:

– Chị nhìn em đây. Ngày xưa ông cụ bắt em học nháo nhào, thuộc nhứ nhừ cám heo, nào là Tam Tự kinh này, Tứ Tự kinh này, Minh Tâm Bửu Giám này, Ấu học tầm Nguyên này, cả Tề vặt luận nữa chứ… Suốt hai mươi năm qua em có dùng nó đâu. Em vẫn sống, vẫn đứng vững mà trở về đây mà phải không. Ăn thua là ta biết tuỳ thời ứng thế chị nhé.

Cậu Sĩ đọc một hơi dài, mẹ lắc đầu không hiểu. Cậu nhét vào cổ họng mẹ tôi những cục than hồng cháy đỏ, mẹ sặc sụa, mẹ rác bỏng, mẹ run rảy cúi lạy cậu Sĩ thêm ba lạy nữa, chân mẹ lũi xũi dứng dậy bước đi.

Căn nhà mái tole của mẹ tôi cũng không đến đổi tệ lắm từ số tiền chắc cóp qua bao tháng ngày mõi mòn lam lủ kể từ lúc cha đi. Cha đi và mãi mãi mất hút sau rặng núi mờ xa, không bao giờ trở lại

Vâng. Chính căn nhà ấy đêm nay. Tôi thằng con lưu lạc trở về, ngồi tựa lưng mình vào lưng anh tôi người anh nữa mê nữa tỉnh.

Chiếc cối đá cụ cội của ngoại bỏ nằm hoang hoãi dưới bờ ao cỏ lấp thuở nào. Anh Nghiễm cùng Hà em tôi hì hục lăn về. Hai anh em, một mê một tỉnh đêm đêm cười vui theo nhịp chày giã gạo – Cứ 4 giạ lúa nhận được nữa ký gạo 8 giạ lúa nhận được 1 ký gạo. Vậy mà vui.

Đời sống nông thôn giờ đã khác. Máy xay máy xát chạy rù rù suốt ngày thôi. Anh Nghiễm không còn được xây thuê giã mướn nữa. Nhớ chừng, cứ mỗi chiều chiều anh lại đờ đẩn ngồi thừ trên đầu cối, vốc từng nắm cát vụn bỏ lên sàng, sàng qua sàng lại rồi đổ đi. Không ai dại gì đi tìm cho mình sự cô đơn đến vậy phải không anh Nghiễm? vẫn biết. Nỗi cô đơn nào cũng có bóng dáng của hào hoa và sáng tạo. là khúc biến tấu được vuốt lên từ phím tơ chùng ai oán mời gọi. Mời gọi thánh thần, mời gọi lòng yêu thương đại ngộ… Tôi nhích lại gần anh Nghiễm, tựa lưng mình vào lưng anh, đưa mắt chới với nhìn ra dòng sông trước mặt. Dòng sông bèo bọt ánh vàng đưa.

Không là một con. Mà có đến hằng ngàn hằng vạn con… Những con chuồn chuồn nâu trụi cánh, cứ chấp chới cứ căng võng bay mãi bay hoài, bay suốt qua đầu tôi rã rượi… Ngộ thiệt./.

Lê Sa

(Từ tâm. Một ngày bên chén rượu quê cùng Tư Rết).

Chén rượu bốn mươi năm cùng bằng hữu

lesa

Về quê chẳng thấy hương quê
Chỉ nghe cuốc gọi não nề khan khô
Bốn mươi năm bụi phong hồ
Vẫn chung chiếc lá sầu ngơ ngẩn đường
Thôi thì chuốc chén rượu suông
Nhìn nhau ấm chút đoạn trường thế thôi
Thơ không nói hết được lời
Kìa… con chiền chiện mách lời đa đoan
Bặm lòng hỏi hỏi núi hỏi non
Trời kia đất nọ
Ai tròn ai vuông.

Lê Sa
(Một chiều Manương cùng Bảy Đời)

Chùa Macôi- tình cờ ta gặp lại em

lesa

Hỏi rằng có cuộc lai sinh
Mà em niệm khúc thệ kinh giữa chiều
Nợ tình vay được bấy nhiêu
Nợ đời oan ải thôi liều can qua
Môi thơm ướt sũng một tòa
Mắt người rìn rịn đóa hoa dã ngoài
Yêu nhau từ thưở hoài thai
Để rồi khóc buổi đông đoài ngàn lau
Trăm năm bóng đổ cơ cầu
Những yêu…
Yêu đến bạc đầu người ơi!

Lê Sa

ĂN MÀY PHÉP LẠ.

 

 lesa

Tôi thích được nhìn những bất thường xảy ra trong trời đất. Nhất là sự bất thường từ một con người.

Trời tháng tư mà sao chiều xuống chậm, từng vệt nắng thấp những loang mềm trên mặt sông hồn hậu.

Tôi đưa mắt nhìn về phía gò đồi ủ ôi Macôi. Hoa bươm bướm nở trắng một vòm bám sinh trên các rạng duối già. Tôi thích thú gật đầu thầm nhũ.

Ơ kìa! Hay thế nhỉ, Hoa bươm bướm sao lại khoe rộ giữa tháng tư này nhỉ. Hồi ông ngoại bà ngoại còn sống, người thường buồn phiền rên rĩ: – Ôi trời! Sao bươm bướm lại nở mùa này ….. đói đói là cái chắc.

Vâng! Nhờ sự trái nết của đất của trời như thế. Tôi nhớ thằng bạn vô cùng. Hơn mười năm biền biệt trôi đi, tôi đang trôi …. Hay nó đã trôi!….. tôi quên hay nó đã quên, quên đi một quá khứ, một áng rong phiêu dạt cứ trôi đi lặp lờ giữa dòng không định. Tôi thương  nó tôi nhớ nó chi li qua từng nếp ngơ ngơ, ngẩn ngẩn của một tên dị sĩ nan hành. H sùi em! Em tìm chi mãi cái bóng của chính mình. Em đi nó đi, em đứng nó đứng… và cuối cùng, H sùi, thằng em, người bạn nhỏ của tôi nó phải ngồi xuống mà u uẩn đếm đủ mười ngón chân của mình trên một bàn chân.

Mười lăm năm trước. H Sùi đến chòi rẫy tìm tôi. Nó đọc tôi nghe những bài thơ mới làm đêm hôm của nó. Trong thơ hắn bao giờ cũng thấp thoáng bóng thần, bóng thánh, bóng ma, bóng Phật. Tôi gật đầu cười vui – Này thánh nhỏ….. ông phán gì ghê thế? – Mật sấm đấy. Nói xong nó cười lựt khựt, đưa mắt thấp thững hướng về phía ao xanh…. Một quê phụ đang tắm truồng nơi ấy. Tôi kịp thấy trong mắt nó rưng rưng niềm khãi ngộ như một ánh hồng quang vừa bi uẩn vừa thịnh nộ.

Từ cõi u mơ. H Sùi nhìn người quê phụ đang khõa thể kia với tất cả lòng ngây ngô thánh niệm. Tôi quý nó cái lừng khừng lịu khịu của một kẽ ăn mày phép lạ, cố bòn mót từng hạt bụi bên đường. Phải chăng sau cái chết của Hà người vợ đầu ấp tay gối, khiến tim H Sùi quá đậm vết chém trăm năm. Hoặc gần đây hơn…..

Hôm cơ quan H Sùi cần tuyển một chuyên viên phải có bằng chính quy cử nhân. H Sùi là người thẩm định cho cuộc xét tuyển. Cô trợ lý có chiếc váy màu huyết dụ bầm sẩm của một vết thương. Cô ta đon đả dán mũi sát tai nó khẽ khàng:

– Hồ sơ đỏ đấy. Nhớ thuộc bài ông tướng. Căn phòng chỉ còn lại mỗi H Sùi, cùng âm vọng rì rì của hộp máy lạnh, rèm cửa màu mạ non trầm nhã đến tinh khôi. Nhưng kìa! Sao trán Sùi lại lấm tấm mồ hôi. Sùi, nó mở toang hết cửa, lật lướt qua bì hồ sơ mà cô trợ lý khi nẩy bảo là đen là đỏ gì đấy.

– Cậu nào là Võ Đại Khoa, vào đi.

Một thằng bé. Vâng! Một thằng bé con, nếu ta chỉ biết thoáng nhìn. Nhưng không…. Một thằng nhóc tự tin, tự tin từ mái tóc chãi keo dựng đứng nữa nâu nữa bạc giống như bờm gáy của một con chó  đang hồi nổi cáu. Thằng nhóc chững chạt kéo ghế ngồi đối diện với H Sùi. H Sùi nhìn thắng bé:

– Ra trường bao lâu?

– Dạ! hơn tháng.

– Sao không có giấy chứng nhận tốt nghiệp ông Cữ.

Một chút lúng túng. Thằng bé mĩm cười:

– Hôm cô Thúy… bạn mẹ cháu có chuyến công vụ Thái Lan, cô rủ cháu cùng qua đó chơi với cô cho vui vẻ…. cũng là ngày trường cháu đang thi. Cháu chỉ mắc nợ trường thôi mà.

Cùng lúc thằng nhóc rút chiếc phong bì từ túi quần chìa đến mặt H Sùi:

– Thưa chú! Hẳn chú biết ba cháu là ai rồi. Ông ta đang ngồi họp ở Hà Nội. Mẹ bảo cứ tặng chú ít quà.

Một khối lạnh trùm xuống khõa khắp, nhuộm trắng căn phòng, nhuộm trắng thằng nhóc, từng mãng trắng loang đi nhuễ nhại trên khuôn mặt thất thần của Sùi, Sùi đứng phắt dậy…. Như một thằng điên, một kẻ dại đồng. Sùi cười lên sằn sặc, cười lựt khựt. Nước mắt nước mũi Sùi rịn ra. Chụp vội chiếc phong bì trên tay thằng nhóc, H Sùi dúi mạnh vào ngực áo thằng nhóc. Mắt Sùi dài dại, miệng Sùi lều phều:

Trời ơi! Rồng con…. Rồng con về đi, về mà tiếp tục du hí du hiếc, rừng mỡ với bà bạn mẹ mày đi.

Thằng bé ngơ ngác bước vội ra khỏi phòng. Ôi lần đầu nó gặp phải một thằng điên thuộc trường phái CÁCH TÂN. Thằng bé bỏ lại sau lưng nó tiếng loãng xoãng, tiếng va vỡ của thủy tinh xé vụn vào tường….

H Sùi ơi! Em ngu lắm.Thanh sạch là điều cần có, nhưng đôi khi ta cũng phải biết dối mình dối người một chút Sùi ạ!, Dối người, người không lỗ, dối ta ta không lỗ… Nếu ta biết trích ly, biết chiết suất hợp lý như một nhà hóa học thì cái “dối” trở nên thuần khiết hữu dụng vô cùng cho cả hai “ta và người”. H Sùi! Chính em đã từng nghi nạn từng cật vấn tôi những điều mà tôi không thể trả lời em được. Em có hỏi Chúa hỏi Phật, hai vị cũng chỉ biết lắc đầu, nhìn em mà cười huề – Điểm em 10, điểm chúa 10, điểm Phật 10….. Anh X …. Tại sao? Tại sao từ khởi thủy, cái miệng, cái mũi, con mắt người An Nam ta…. , thượng đế không đặt bên dưới lỗ rốn phải hay  hơn không, thông tuệ hơn không…. Riêng đôi tai nhất thiết ổng phải gắn ngay hai đầu gối giờ này hẳn dân tộc ta nhạy bén vô cùng.

Giá mà Charles dartwin sống lại nhận được câu hỏi em, thì ông ta phấn khởi vỗ tay mà cười hả hê cùng em.

Sau biến cố của H Sùi và thằng cu con trong vỏ bọc quyền lực của người cha. H Sùi nó đến tôi thưa dần rồi bật tăm. Người thì bảo nó được chuyển về một huyện miền núi. Người thì bảo nó bị lãnh đạn vì nỗi ngông trái mùa. Với tôi, nếu đúng thế thì không gì quan ngại, tôi chỉ quá thương H Sùi về sự mềm yếu và vội vàng. Không chịu phân định rạch ròi. Đâu là đạo đức, đạo đức từ đâu mà có, và nguyên nhân băng hoại rã vụn của nó đến hồi thãm hại?… Các nhà đạo đức họ vẫn đang bận rộn cãi nhau kìa mà. Họ thích nhân danh một cách khập khễnh về bài luận giáo của họ, chã hơn gì câu điếu tụng trong đám tang ma, một khẩu hiểu cương cứng, một mẫu  quảng cáo sặc màu lòe loẹt.

Văn học là lăn lóc trên giường. Nhưng tự thân nó đều hướng về hạnh phúc, hướng về cái đẹp mang tính đạo đức như nhiên, chứ không phải dẫn con người ta vào thế giới hưởng thụ buông tuồng, sa đọa, vô luân. Đâu là đạo đức, đâu là văn hóa nếu ta không dám dựa vào diễn thực trong chính cuộc đời, để mà hòa nhập mà khám phá mà chứng minh tính thẩm mỹ của một dòng sống. Suốt đời H  Sùi chỉ đi tìm và thú nhận!. Thú nhận một cách thành khẩn trước tâm hồn mình. Giá gì Hùng Sùi hiểu hạnh phúc từ đâu đến, giãn dị vô cùng. Chỉ cần ta biết nhìn một dòng sông sớm, đang lặng lờ trôi với những hạt nắng vàng khấp khởi. H Sùi! Em không tin vào điều đó là có thực là hạnh phúc. Sùi chỉ muốn tự do gào thét, tự do lăn lộn, tự do ói mữa vào tận cùng mọi giá trá điếm đàng. Chỉ có tự do mới sinh ra vĩ nhân và anh hùng.

*****

Gần đây, tình cờ tôi được nghe một số anh em làng tôi lên núi mót trầm để về tẩm nhang. Trong tữu hậu bên bờ mương, chúng kể chúng kháu nhau: Ở đỉnh núi cao nhất kia kìa, có ông đạo. – Không!… Một con Hà niên, một người rừng. Mình mảy người rừng tua tũa những chồi sam là sam, không phải loại sam  như trên rẫy gò làng mình đâu – “Linh Sam đấy!”. ….

Linh cảm khiến tôi lạnh gáy một thoáng nghỉ đến Hùng Sùi. Cách đây lâu rồi Hùng Sùi  có tặng tôi chậu sam rừng giữa một đêm khuya khoắc.

Sùi căn dặn, Sùi cảnh báo khuyến báo tôi đủ điều về sự hiễn  linh của chậu Sam khỉ gió ấy. Tôi cười và cố gật gật để chìu nó – Anh X … không ai có đâu chỉ hai anh em mình thôi đấy. Hạt nó còn độc hơn lá ngón đấy… Trước 75 miệt Sài Gòn – Củ Chi, quý đại ca trong băng nhóm giang hồ…khữ nhau chỉ cần một hạt nhỏ thôi, một mệnh phụ phu nhân nghiện đi đêm, gặp phải lão chồng lụ mụ ghen dai, mụ vợ chỉ lén cho lão nuốt ¼ hạt… một ngày sau đầu lão bẹn lão tua tủa chồi sam là sam. Như anh biết đó, chính bà Võ Hậu bên tàu, suốt một đời bà chỉ thèm mỗi hạt nhỏ để trước khi bà lên giường mà lạnh chạch mà leng cheng với bọn hầu thần lực lưỡng…. Võ Hậu còn coi đó là liệu pháp trường sanh bất tử tuyệt não đấy anh. Hạt Linh sam phàm siêu, hiễn pháp thế nếu ta biết luyện dụng – Ác cũng xong THIỆN cũng xong…. Không thiện không ác, hứa với anh em sẽ luyện được.

 

***

Hôm lũ trai làng kích nhau cược nhau trên bờ ruộng tưởng đâu rượu nói. Đâu ngờ chúng đi núi về mặt chúng nhớn nhác như kẻ lạc hồn hối hả gặp tôi:

– Chú ơi!…. Chú ơi! Thiệt thiệt chú ơi….! Dị nhân dị nhân, con ma lai…. Ông hà niên mình mảy mọc đầy chồi sam, xanh có tím có đỏ chét có, ổng đang ngồi trên bàn thạch nơi chớp núi mờ mờ chú thấy kia kìa. – Không biết ổng chết hay luyện phép, hai mắt mở thao láo!

Hùng Sùi em. Dù em đã chết hay đang chết, được ngộ đạt về nẽo nào không không có có. Với riêng anh, em vẫn thiệt sự là một anh hùng, một anh hùng u ẩn và đầy thịnh nộ.Vâng. Xin đừng ai tranh cãi. Hơn những mười  lăm năm rồi, hiện tôi vẫn còn giữ chậu Sam ấy./.

LÊ SA

 

 

Nước có còn xanh

lesa

Nụ hôn em quá mỏng
Sao ướt mãi đời nhau
Đêm gối đầu xác chữ
Đắng từng hạt chiêm bao

Nước xanh rứt một dòng
Một dòng xanh mặc thẳm
Ta con thuyền úp mặt
Đằm vết chém trăm năm.
Đêm chập chùng vó dựng
Người xưa ơi đâu rồi

LÊ SA

Bóng em hay bóng tôi

lesa

Ừ tôi!…
Tôi với bóng mình
Đêm đêm dè xẽn chút tình vắt vai
Nợ nhau đôi mắt giang hoài
Liu thiu đóm lửa bay ngoài tàn tro
Mình tôi, tôi với con đò
Biết đâu sóng dữ mà dò nông sâu
Trăm năm vịn bóng cơ cầu
Nợ người chưa trả nỗi đau lại chồng
Dòng Sông
Ơi hỡi Dòng Sông!

LÊ SA