NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Một kế hoạch khủng bố đã định liệu trước”

nuocmattruocconmua
larryengelmann
nguyenbatracnmtcm

BÁC SĨ BRUCE BRANSON
“Một kế hoạch khủng bố đã định liệu trước”

Vào lúc Hiệp định Ba Lê ký kết, quân đội Mỹ sửa soạn rời Việt Nam, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liên lạc với bệnh viện Cơ Đốc tại Trung tâm Sài
Gòn để xem bệnh viện này có thể nhận chăm sóc cho các kiều dân thuộc Tòa Đại sứ Mỹ không. Bấy giờ bệnh viện này chỉ dành cho người Việt. Vì đó là một bệnh viện tương đối nhỏ, ban Quản đốc trả lời rằng nếu có một địa điểm rộng hơn, và nếu được tăng cường nhân viên thì có thể phụ trách được. Trong lúc này bệnh viện “Dã chiến số 3” của Quân đội Hoa Kỳ ở cách phi trường Tân Sơn Nhất chừng một dặm đã dọn đi. Vì vậy người ta thoả thuận cho di chuyển toàn bộ bệnh viện về đó. Chỗ này trở thành địa điểm mới của bệnh viện Cơ Đốc Saigon.

Một trong những yêu cầu của tòa Đại sứ là bệnh viện cần phải có chuyên viên các ngành giải phẫu, chỉnh hình và nội khoa. Bấy giờ bệnh viện đã có chuyên viên từ Hoa Kỳ sang phụ trách về chỉnh hình, về chấn thương, tất nhiên, và về khoa gây mê, nhưng lại không có chuyên viên Hoa Kỳ làm thường trực và toàn thời gian về giải phẫu hoặc nội khoa. Vì thế Khoa trưởng Y Khoa thuộc Đại học Loma Linda đã bay sang Việt Nam gặp giới chức Tòa Đại sứ Hoa Kỳ cùng với một số người thuộc Hội truyền giáo Cơ Đốc, rồi ký một khế ước thỏa thuận cung cấp nhân viên cho bệnh viện này. Bấy giờ tôi là Trưởng khu Giải phẫu của Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Loma Linda. Chúng tôi tuần tự sang Việt Nam mỗi phiên ba tháng. Do đó vào năm 1973 tôi sang bên ấy theo phiên thường lệ cùng một số khá đông người khác.

Bệnh viện này thường kín chỗ mặc dầu bệnh xá khá lớn. Có từ hai đến ba khu dành riêng cho kiều dân Mỹ, tất cả số còn lại dành cho người Việt. Chính phủ Việt Nam đòi hỏi bốn mươi phần trăm tổng số bệnh nhân mà chúng tôi chăm sóc phải là các bệnh nhân nghèo. Còn các bệnh nhân khác là những bệnh nhân có thể trả một phần hoặc toàn thể bệnh phí. Riêng kiều dân Mỹ thì chi phí sẽ được chính phủ Mỹ bồi hoàn cho bệnh viện. Đối với loại bệnh nhân này, khi họ tương đối bình phục để có thể di chuyển, và nếu đã gần thời hạn về xứ, thì chuyển vận quân đội hoặc các toán cứu thương sẽ đưa họ sang Phi Luật Tân bằng phi cơ.

Vào năm 1973 mọi việc khá ổn. Họ còn đưa được tôi ra cả Đà Nẵng và Huế. Tại Đà Nẵng chúng tôi cũng có một số bệnh xá giáo vụ và các cô nhi viện. Mặc dầu du kích Việt Cộng có mặt tại vùng đồi núi, nhưng tình hình phía Bắc lúc ấy cũng khá ổn định. Tại các thành phố, chính phủ Nam Việt Nam đều kiểm soát được.

Vào tháng Ba năm 1975 mọi sự bắt đầu đổ vỡ. Đà Nẵng trở nên náo loạn khi Bắc quân bắt đầu một cuộc tiến công nghiêm trọng. Bấy giờ nhằm phiên tôi sang làm việc ở Việt Nam. Người ta đang rối rắm không biết có nên tiếp tục mở cửa nhà thương ở Saigon hay không. Một số nhân viên Hoa Kỳ quyết định ra đi đã tạo nên khoảng trống trong khu giải phẫu. Họ sang Hồng Kông chờ đó xem tình hình ra sao. Chúng tôi nhận được thông báo khẩn của tòa Đại sứ là khu giải phẫu thiếu người, vì thế tôi quyết định sang Việt Nam để điền vào chỗ trống.

Bấy giờ tôi không nghĩ là chúng tôi nhận được tin tức đầy đủ và chính xác. Mọi sự đều mơ hồ. Tuy nhiên Saigon vẫn có vẻ tương đối an toàn. Phải nhớ rằng Nam Vang đã bị bao vây khoảng một năm trời, từ sáu tháng cho đến một năm, thành phố này bị vây hãm, nhưng toà Đại sứ Hoa Kỳ ở đó vẫn thực hiện được một cuộc ra đi trong trật tự, cho nên, ở Saigon lẫn tại Đại học Loma Linda, người ta cho là các vụ đụng độ ở phía Bắc miền Nam Việt Nam sẽ được kiềm chế, tình trạng không có gì quá trầm trọng.

Lúc ấy chúng tôi vẫn có thể liên lạc được về Mỹ bằng điện thoại, nên tôi vẫn thường gọi về Đại học Loma Linda, về vợ tôi và gia đình tôi. Nhưng sau đó việc liên lạc điện thoại trở nên khó khăn. Chúng tôi bắt đầu phải gọi qua vô tuyến điện, từ đó người ta liên lạc với người nhận tại California, rồi nối đường dây điện thoại, chúng tôi mới nói chuyện được. Nhờ đó chúng tôi vẫn có thể giữ được phương tiện truyền thông.

Trong bệnh viện, có mở một trường đào tạo y tá. Khi miền quê trở nên bất ổn, người ta cho các học viên về nhà. Các học viên y tá quê quán tại nhiều miền khác nhau, họ đều lo lắng về gia đình, không biết thân nhân ra sao, nên đòi về. Vì vậy người ta phải đóng lớp học, tạm cho nghỉ. Rồi chừng hai tuần sau khi tôi đến Việt Nam lần này, các cô học viên y tá quê quán vùng ngoài – tại Nha Trang và dọc vùng duyên hải – đang lục tục trở lại bệnh viện. Họ cho biết cuộc tiến công của Việt cộng quá nhanh so với sự loan báo của Đài phát thanh miền Nam Việt Nam. Họ nói họ đã chứng kiến nhiều cuộc tàn sát, đã phải lặn lội đi đêm, ban ngày phải ẩn náu mới về lại được. Họ kể nhiều chuyện khiếp đảm. Họ đã chứng kiến nhiều vụ tàn sát tập thể bởi quân Bắc Việt ở gần Vũng Tàu.

Có nhiều vụ đụng trận dọc Duyên Hải: Hai mươi cô y tá này phải đi bộ, chạy tán loạn trong suốt thời gian từ một tuần đến mười ngày. Các câu chuyện họ kể thực ghê sợ. Không ai cảm thấy có thể tin được những gì Đài phát thanh chính quyền loan báo nữa.

Họ kể việc Bắc quân tiến vào các làng hoặc các tỉnh, lùa những người mà chúng nghĩ là các viên chức chỉ huy rồi bắn, hoặc chặt đầu. Hoặc nếu bắt được lính miền Nam làm tù binh, chúng cũng bắt sắp hàng rồi bắn. Suốt vùng Duyên Hải đều xảy ra chuyện như thế. Tình trạng giống như có một kế hoạch khủng bố đã được định trước. Việc này làm chúng tôi ở Saigon đâm lo lắng, vì lẽ ai chẳng biết trước đây bệnh viện chúng tôi là một bệnh viện quân đội, chúng tôi săn sóc cho người Mỹ, và trong bệnh viện có rất nhiều y tá và Bác sĩ Mỹ. Chúng tôi cũng khám phá được một số không ít những người sống ở các vùng lân cận đều là cảm tình viên Việt cộng. Một số chính là nhân viên bệnh viện hoặc có bạn thân làm trong bệnh viện. Việt cộng đã cho họ biết rằng khi quân đội Bắc Việt tiến đến, một số nhân viên bệnh viện có tên trong sổ đen sẽ bị hành quyết. Đa số nhân viên quản trị bệnh viện đều có tên trong danh sách này.

Điều đó làm mọi người bất an, người ta không thể biết ai là bạn, ai làm việc cho Việt cộng. Tôi nghĩ nhiều người có tinh thần phù thịnh, họ sẽ đứng về phe chiến thắng, bất kể phe nào thắng. Do đó chúng tôi trình bày việc này với Tòa Đại sứ. Người ta bảo “cứ yên tâm, khi thực sự cần di tản, chúng tôi sẽ tìm mọi cách giúp quý vị đưa những người bị nhiều nguy cơ nhất ra đi”.

Lúc đó mọi người tại Saigon đều mong Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận các ngân khoản phụ trội để tăng viện cho quân đội miền Nam. Nhưng khi liên lạc qua vô tuyến điện, nói chuyện với thân hữu tại Hoa Kỳ, hiển nhiên những gì chúng tôi nghe qua truyền hình truyền thanh đều khác hẳn những gì đang xảy ra tại Mỹ. Có lẽ nguồn tin chính xác nhất chỉ là đài BBC. Còn Đài Phát Thanh Quân Đội địa phương bây giờ suốt ngày chỉ chơi nhạc, không loan báo điều gì có thực về tình hình xảy ra.

Đến khi mọi việc đã rõ rệt, bên Đại học Loma Linda thấy chắc chắn Quốc Hội sẽ không bỏ phiếu cấp thêm tiền nữa, họ bắt đầu thúc đẩy chúng tôi di tản.

Chúng tôi vẫn nấn ná ở lại khoảng chừng sáu đến tám tuần nữa. Trong khi một số nhân viên quản trị bệnh viện sang Tân Gia Ba để lượng giá tình hình, thì tại phòng giải phẫu, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị thương do các trận du kích và nhiều trận xáp lá cà tại vùng ngoại vi thành phố. Sự kiện này mơ hồ cho chúng tôi hiểu Việt cộng đã tới nơi. Chúng tôi hội ý với cấp lãnh đạo bệnh viện. Ho bèn liên lạc với Tòa Đại sứ để tìm hiểu xem đã có kế hoạch ấn định khi cần phải di tản chưa. Người ta không bao giờ nhận được những câu trả lời thẳng thắn. Đại sứ nhất định không chịu bộc lộ điều gì chứng tỏ tình hình lộn xộn. Ông không muốn rối loạn bộc phát trong thành phố, nên ông không cho phép bắt đầu di tản.

Tuy nhiên tại Tòa Đại sứ có một Trung tướng bắt đầu trực tiếp phụ trách vấn đề. Sau này chúng tôi hiểu là tại Hoa Thịnh Đốn đã có cuộc tranh luận xảy ra giữa Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng. Sau cùng Bộ Quốc Phòng bắt đầu trực tiếp nắm mọi việc. Vào lúc này, hãy còn khoảng mười lăm ngàn người Mỹ quân đội nhưng mặc thường phục, đang làm nhiều công tác quan trọng khác nhau ở Việt Nam. Người ta ý thức là phải bắt đầu di tản những người này. Rất nhiều người trong số ấy đã lấy vợ Việt, có con cái, thân nhân Việt Nam. Cho nên cuộc di tản không vận bắt đầu vào khoảng 15 tháng Tư, tôi nhớ như thế, khi tình hình bắt đầu chuyển động.

Một số rất đông người Việt đã tới bệnh viện yêu cầu chúng tôi giúp họ đi. Chúng tôi có một số bạn hữu Việt Nam từng ở Mỹ. Có hai sinh viên Việt Nam đã học Y khoa ở Mỹ. Một người là con trai Khoa trưởng Y khoa Đại học Saigon, một người nữa là con trai Chánh án Tòa Thượng Thẩm Saigon. Họ đều khẩn thiết mong đoàn tụ với gia đình lúc bấy giờ đã ở Mỹ. Vì thế chúng tôi bắt đầu đi một loạt đến Tòa Đại sứ, rồi đến phi trường.

Bấy giờ Tòa Đại sứ chỉ cho những người Việt thân nhân của kiều dân Mỹ di tản. Họ đang cố tìm cách di tản một số lượng khá lớn kiều dân Mỹ. Do dó một số người trong nhà thương chúng tôi bắt đầu tìm cách làm thủ tục nhận con nuôi người Việt. Họ rời phòng mổ, đứng sắp hàng xin giấy tờ để giúp một số người Việt ra đi với tư cách thân nhân. Tôi nhớ có tám người Mỹ trong nhà thương đã làm thủ tục chính thức nhận vào khoảng năm mươi đến sáu mươi người Việt làm con nuôi, trong số đó có cả những người lớn tuổi hơn chúng tôi. Chúng tôi cũng phải cam kết sẽ bảo trợ họ, lo nơi ăn chốn ở và săn sóc cho họ.

Cũng suốt thời gian này chúng tôi cố di tản các bệnh nhân Mỹ, các chuyến bay tải thương vẫn tiến triển nên chúng tôi có thể đưa họ vào các xe cứu thương. Trong các xe đó chúng tôi cho nhiều người Việt đóng vai y tá, hoặc đóng vai người phục dịch, cứ mỗi xe một bệnh nhân người Mỹ, thêm vào càng nhiều người Việt càng tốt. Lính gác phi trường thấy xe cứu thương với dây nhợ truyền nước biển, bông băng đủ thứ là cho phép chạy vào. Tất nhiên những người – gọi – là – nhân – viên – phục – dịch không ai ra về nữa. Họ ở lại với bệnh nhân và bay thẳng sang Phi Luật Tân. Vào thời điểm này, việc ấy là bất hợp pháp, vì lẽ chỉ thân nhân người Mỹ mới được cho đi thôi, tuy nhiên người ta cũng đồng ý cho chúng tôi gửi những người phục dịch Việt Nam kèm theo. Song le chẳng bao lâu chúng tôi hết sạch bệnh nhân Mỹ. Chúng tôi đành nài nỉ Ban chỉ huy tải thương tại Phi Luật Tân cứ cho tiếp tục các chuyến bay ngõ hầu chúng tôi gửi thêm người đi, gồm các nhân viên bệnh viện và những người chịu nguy cơ cao độ.

Do dó, trong vài ngày, họ cũng khứng chịu cho linh động như thế. Tuy nhiên sau đó họ bảo “Chúng tôi không thể tiếp tục. Vì không còn bệnh nhân Mỹ trên chuyến bay, người ta không cho giấy phép nữa”.

Vì thế Ralph Watts, Vụ trưởng Giáo vụ Cơ Đốc lặn lội sang Tân Gia Ba thương lượng, cuối cùng đạt được thoả thuận của Đại diện Bộ Quốc Phòng tại Tòa Đại sứ cho phép di tản một số nhân viên người Việt làm cho bệnh viện. Lúc đầu, họ đồng ý cho chúng tôi một số chỗ trên các chuyến bay dành để chở những người thực sự cần di tản (gồm khá nhiều người đã cộng tác với Trung ương Tinh báo Mỹ, những người này được hứa hẹn di tản khi tình trạng xảy ra như vậy). Nhưng rồi tình hình đổ vỡ nhanh chóng quá, người ta không kịp đưa đi hết nên đành bỏ lại rất đông. Tòa Đại sứ hoàn toàn thiếu một kế hoạch di tản có tính thực tế, nên đã tạo nhiều việc bất ưng, họ đã thất bại trong việc giữ lời hứa di tản các người Việt chịu nhiều đe doạ. Tôi chắc chắn việc ấy làm cho những người chúng ta không đưa đi được rất đau buồn, chua xót.

Vụ trưởng Ralph Watts yêu cầu người trong bệnh viện phải thiết lập danh sách theo từng khu, làm chúng tôi khó đương đầu nổi trách nhiệm quyết định ai đi ai ở. Chúng tôi thức suốt đêm, cố lập danh sách ấy. Tới nửa đêm, họ điện thoại cho Ralph Watts mà bảo: “Chúng tôi không thể làm nổi nữa. Công việc này thê thảm quá”. Ông trả lời: “Chỉ quý vị mới biết rõ những người nào chịu nhiều nguy hiểm nhất”. Ông yêu cầu họ quay lại tiếp tục công việc. Sáng hôm sau họ lập được danh sách ấy. Nhưng việc lập danh sách này quả là một kinh nghiệm thương tâm.

Chúng tôi ra đi ngày hai mươi lăm. Saigon sụp đổ ngày ba mươi. Trước đó chúng tôi đã chuyển số bệnh nhân còn lại sang các bệnh viện thành phố trong ba ngày chót để chắc chắn chúng tôi không bỏ lại các bệnh nhân không ai coi sóc. Có chừng mười sinh viên Đại học Y khoa luân phiên thực tập tại bệnh viện chúng tôi, hầu hết đều quyết định ra đi với chúng tôi. Số còn lại đã phụ giúp việc chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện khác. Cũng nhiều người không muốn đi, vì không muốn bỏ gia đình lại. Một cán sự phòng thí nghiệm người Gia Nã Đại cũng quyết định ở lại. Theo tôi nhớ, anh quyết định như thế vì anh cảm thấy có thể giúp đỡ việc bảo vệ số nhân viên còn lại, tối thiểu cũng có thể xem chừng những gì xảy ra tại bệnh viện và duy trì phần nào sự kiểm soát trong trường hợp xảy ra náo loạn. Cảnh sát Thành phố bây giờ không cho nhân viên phòng vệ canh gác nữa. Ngoài cổng bệnh viện đã có hàng trăm người cố tìm cách lọt vào vì họ nghĩ họ sẽ được an toàn hơn ở tại nhà. Mọi sự bấy giờ trở nên bất ổn. Tôi nghĩ ai cũng lo xảy ra bạo động. Tuy nhiên những vụ đó không hề xảy ra trong thành phố.

Trong ngày cuối của chúng tôi ở Saigon, chúng tôi cho cứ một người Mỹ vào một chiếc xe cứu thương, tổng cộng có tám chiếc, rồi chúng tôi ấn vào xe cứu thương các nhân viên người Việt làm cho bệnh viện. Chúng tôi đã được chấp thuận cho đi toàn danh sách những người ấy.

Có nhiều người phải ở lại vì chúng tôi không thể xin đủ danh sách ở tòa Đại sứ, người ta chỉ cho một số có hạn. Tất nhiên những người bị ở lại đã phải chịu nhiều áp lực nặng nề.

Đưa đoàn xe cứu thương ra khỏi cổng bệnh viện là một mối kinh hãi. Khi còi cứu thương bắt đầu hú, vừa đóng cửa xe xuống thì khoảng ba mươi đến bốn mươi nhân viên của chính bệnh viện chúng tôi ùa đến chen vào xe. Tinh trạng xảy ra gần như bạo động. Chuyện duy nhất có thể làm được bây giờ là nhấn hết ga mà chạy, bởi lẽ nếu chần chờ thêm, chắc chắn chúng tôi sẽ không một ai đi đuợc. Lúc ấy nhiều người kêu thét thất thanh, khóc nức nở.

Chúng tôi chỉ thông báo việc ra đi cho những người có tên trong danh sách được chấp thuận đưa đi. Chúng tôi dặn riêng họ đừng nói hở cho ai biết. Chúng tôi cho họ hai giờ đồng hồ về nhà sửa soạn đưa vợ con và những thân nhân được phép đi với họ. Như thế tất cả những người còn lại thực ra không hay biết gì, mãi đến khi chúng tôi cho xếp người vào xe cứu thương. Việc xảy ra thực khổ tâm cho hết cả mọi người. Nhiều người bị bỏ lại chính là những bạn bè thân, hoặc thân nhân của những người ngồi trên xe cứu thương. Một trong những việc tàn khốc nhất, là khi phải quyết định cho ai có tên trong danh sách.

Mặc dầu đã được chấp thuận của Bộ Quốc Phòng Mỹ, nhưng lọt qua cổng phi trường Tân Sơn Nhất với các lính gác Nam Việt Nam cũng còn là việc khó khăn. Trong phi trường tất nhiên đã có nhiều vận tải cơ lớn đến, bên ngoài có hàng nghìn người vịn lên cố trèo vào. VI thế việc đưa đoàn xe cứu thương vào phi trường rất vất vả. Tuy nhiên, chúng tôi đã khai thác hết lợi điểm của còi hụ và đèn chớp của những xe cứu thương.

Trong phi trường, các khu vực đưa người được Thủy quân Lục chiến thiết lập. Rất thiếu nước, tất nhiên không có nhà cửa gì, cho nên đêm đầu tiên chúng tôi phải ngủ ở vỉa hè, trên mặt đường trong phi trường. Sáng hôm sau tên chúng tôi được đưa vào danh sách chuyến bay. Từng hàng dài người đứng nhẫn nại chờ chuyển vào địa điểm lên máy bay. Trong khi đó Thủy quân Lục chiến soát xét kỹ lưỡng mọi hành lý để chắc chắn không có vũ khí và bất cứ thứ gì nguy hại. Trong lúc đứng sắp hàng, chúng tôi có thể nghe tiếng súng và những vụ đụng trận bên ngoài phi trường. Do đó chúng tôi biết Việt Cộng đã đến rất gần.

Chúng tôi rời Việt Nam bằng chuyến bay C-130. Họ đưa chúng tôi sang đảo Guam. Từ đấy người ta thu xếp cho nhóm chúng tôi lên hai chuyến bay phản lực 747. Hãng hàng không Pan-Am đã tặng hai chuyến bay này để chở người. Chúng tôi hạ cánh xuống trại Pendleton. Đại học Loma Linda đã dọn trống các phòng tập thể dục, bố trí các giường vải để tiếp đón chúng tôi. Ngoài ra họ cũng dựng lều cho chúng tôi theo kiểu cắm trại. Tổng cộng tôi nghĩ chúng tôi đã đưa được khoảng bốn trăm hai mươi lăm người.

Thế còn những người làm việc với chúng tôi bị kẹt lại sau ngày 30 tháng Tư, số phận ra sao? Vâng, rất nhiều người đã bị đưa vào các trại tập trung ở trong rừng mà họ gọi là “trại cải tạo”. Một số thân nhân của họ đã gửi thư sang Pháp rồi chuyển được sang Mỹ. Một số người bị tù trong các trại cải tạo ấy từ hai đến ba năm. Khá nhiều người khác bắt đầu vượt thoát bằng tàu sang Mã Lai hoặc Thái Lan. Trong mười năm qua, một dòng người Việt không ngớt xuất hiện ở California. Họ là những người vượt biên bằng tàu, đến được các trại tỵ nạn, rồi từ đó chờ tiêu chuẩn nhập nội Hoa Kỳ.

Tất cả là một sự thể tuyệt đối đau thương. Tôi nghĩ đa số người Mỹ đều cho là chúng ta đã đối xử tệ bạc đối với người Việt Nam. Chúng ta cũng đã có một số cảm giác mãnh liệt tại Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam. Cảm giác của đa số những người từng có mặt ở Việt Nam là: Nếu chúng ta đã định duy trì miền Nam Việt Nam như một tiền đồn dân chủ của thế giới tự do, nếu chúng ta đã chiến đấu để thực hiện việc ấy, thì chúng ta phải đến mà thực hiện công tác một cách đúng đắn. Tuy nhiên trong toàn bộ công tác này, chúng ta đã tự đặt ra những hạn chế cho chính chúng ta. Chúng ta đã loan báo trước rằng chúng ta sẽ không bỏ bom biên giới Trung quốc, nên Trung quốc cứ thế mà đổ chiến cụ, đạn dược qua ngã biên giới. Chúng ta không ngừng loan báo trước tất cả những gì chúng ta sẽ làm. Và Bắc Việt cũng tận tình khai thác từng điểm một trong lợi thế đó.

Tôi nghĩ rằng tôi cũng cảm thấy như nhiều ngưòi khác – là chiến đấu một cuộc chiến nửa vời, với những giới hạn, thì gần như không thể nào thắng. Kết quả xảy ra là cuộc chiến đã kéo dài suốt năm này sang năm khác, chung cuộc tổn phí quá nhiều sinh mạng – thay vì tấn công nhanh, gọn và kết thúc.

Nếu người ta không thực hiện được như thế, thì thà đừng mở cuộc chiến cho xong.

Advertisement

One thought on “NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Một kế hoạch khủng bố đã định liệu trước”

  1. ”Bệnh viện Dã chiến số 3 dời đi…”Bệnh viện Cơ Đốc Sg vẫn chỗ ấy!-Bệnh viện-Nhà Thương vẫn đầy bệnh nhân!Vẫn là những quân nhân-Thương bệnh binh!Vẫn người lính Mỹ và Việt bản quán!VC tấn công áp sát phải di tản…Lính Mỹ bị thương đưa đi âm thầm…Muốn đến Phi trường phải ngụy trang Bằng cách trà trộn Mỹ-Việt và được lên Danh sách Thật khó tính để sắp xếp và thật khổ tâm!”Buồn cho Người đi Thương Người ở lại!”Nhưng buộc phải kỹ càng cho cuộc Di tản…-Mỹ -Việt đối xử phân biệt rõ ràng!Người Việt vẫn thiệt thòi lám Lá chắn Làm chiếc bình phong đưa quân nhân Mỹ di tản…Nhưng biết làm sao hơn, trước tình hình khẩn cấp nguy nan?!Sự an toàn trên hết cho Bệnh binh Mỹ? Và”Nào ai biết trước sự thể?Thắng thua cuộc chiến nặng nề Tổn thất!?”

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s