TRÊN CÁNH XUÂN HỒNG


 

   Ngày Anh Chu Trầm Nguyên Minh mất : 19/2 /2014- 19/2/2018

Trên Cánh Xuân Hồng

Trong khu vườn ta mùa đông vừa chết
Xác lá vun thành nắm mộ tàn
Em đâu biết xuân đời vừa đến
Trên tay anh hồn đậu úa vàng

Giọt phúc mới mùa hoa đã rớt
Giữa cõi đời, ai khóc, ai vui
Em cũng vậy, xin đừng ngấn lệ
Cho đời nhau riêng chút ngậm ngùi

Giữa cảnh sắc, anh một lần đứng lại
Nhìn đời lên trên lá xuân hồng
Em cũng mất trong ngàn hương ngát
Như cuộc tình đến cũng như không

Ngày đã khởi cho mùa mơ ước
Nhưng riêng ta dành sẵn não nùng
Em cũng vậy, xin đừng nức nở
Cho nhau đời tựa máu rưng rưng

Lỡ đã khóc giữa trời phúc ước
Anh thu tay đếm nỗi buồn rời
Em dấu mặt rơi giòng lệ thảm
Bình minh nào sẽ thắp đêm vơi

Trong năm mới gót mềm sẽ bước
Đến với nhau chung cuộc buồn rầu
Em đâu biết đời kia cay đắng
Nên tay ôm không trọn nỗi sầu

Lúc Gởi Đến

Lúc gởi đến, chỗ đời tôi lệ ứa
trên cánh xương buồn Mẹ cất tiếng ru
giọng nỉ non ngọt cùng nước mắt
buổi đìu hiu ướp biển sa mù

lúc gởi đến, chỗ đời tôi nắng cháy
tuổi ấu thơ chưa nũng miệng cười
tuổi ấu thơ chưa nằm nôi bú sữa
tuổi ấu thơ chưa bồng bế dỗ dành
tuổi ấu thơ nằm trên đống rạ
ôm lần da vú Mẹ khô nguồn

lúc gởi đến, chỗ đời tôi lửa đỏ
nghe quanh mình tên đạn reo vui
dõi mắt Cha, mịt mù núi thẳm
trông tình Mẹ, đêm luống ngậm ngùi

lúc gởi đến, chỗ đời tôi đơn độc
mở mắt nhìn kẻ lạ quay quanh
súng nổ xóm trên, đạn rền xóm dưới
thời thiếu niên mật đắng cam đành

lúc gởi đến, chỗ đời tôi nào biết
khu vườn tôi khô lộc tự bao giờ
nên ngóng buồn trên muôn ngàn xác lá
đợi tiếng chim ngậm ngải bay về

Nguồn: Cuộc tình người, Kỷ Nguyên xuất bản 1969

Chu Trầm Nguyên Minh

Advertisement

Hải Âu Cô Đơn

chutramnguyenminh

Tàu vui, xuôi nước sông Seine
Thấy con chim lẻ bơi theo một mình
phải chăng chim lạc bạn tình ?
từ Le Havre ngược dòng về đây ?
thương người, thương vật, thương vay
thương con chim lẻ, lạc bầy cô đơn
sóng cao, sóng thấp, chập chờn
lờì vui chưa tới khúc buồn mênh mang
tiếng kêu thảm thiết, gọi đàn
thương thân, nhớ bạn, tính tang , tang tình
chim bay, cánh mõi, một mình
tìm đâu cho thấy bạn tình chim ơi .

villemomble 22/5/013
Chu Trầm Nguyên Minh

BÀI HOAN CA Ở A 38 (26+27)

Screen Shot 2014-02-22 at 9.44.35 AM

CHU TRẦM NGUYÊN MINH

Phần 26

Nơi đầu tiên hắn đến là Văn Sơn. Giữa con đường tráng nhựa, bề ngang khoảng 8m, chạy từ Phan Rang xuống Ninh Chữ là làng Văn Sơn. Làng gồm non 100 nóc nhà, nằm hai bên đường. Dân ở đây đa số là chủ rẫy hành tỏi ở Bình Sơn. Làng có nhiều hàng chè, hàng cháo, quán nhậu…những nơi cần nước đá.
Hắn chào vài nơi nhưng đều được trả lời là: có mối rồi. Hắn hơi thất vọng.
– Thầy, Thầy, con mời Thầy.
Hắn theo đứa học trò cũ vào ngồi ở quán cà phê ven đường.
– Thầy uống gì con gọi.
– Cho thầy ly đá chanh.
Đây là học sinh trường Nguyễn Công Trứ, tên Phải. Hắn nhớ Phải là học sinh học giỏi nhưng nghèo nhất lớp và phải nghỉ học giữa năm lớp 9.
– Con bây giờ làm gì?
– Con vừa ở nước ngoài về.
Hắn ngạc nhiên:
– Nước ngoài về?
– Dạ, thì vụ tàu Vĩnh Hy đó Thầy. Ai bị chở đi, muốn về, họ cho về.
– Bị chở đi là sao?
– Dạ, như em theo tàu ra Vĩnh Hy mua mắm cá thu về cho HTX, bị chở đi luôn. Những người như em nhiều lắm.
Phải tiếp:
– Thầy nhớ thằng Thuận không? Nó gởi lời về thăm Thầy Cô và các em.
– Thuận…
– Dạ, nó và gia đình đi Mỹ.
Hắn nói với Phải lý do Hắn có mặt ở Văn Sơn, nghe xong Phải nói:
– Để con đưa thầy đến Dì Bảy.
Dì Bảy khoảng 35, hai con, có chồng vừa bị CS tuyên án 17 năm tù, hiện giam ở Trại Sông Cái. Đây là một trong những người “đả đảo CS”, muốn lật đổ CS đầu tiên ở Ninh Thuận, và cũng của cả Miền Nam. Vụ việc làm bất ngờ mọi người, nhất là những cán bộ từ ngoài Bắc chi viện. Vụ việc xảy ra lúc Hắn còn ở A.38.
Nếu đi về hướng Ninh Chữ thì nhà dì Bảy ở bên trái con đường. Đó là căn nhà có bề ngang hơn 10m, phía sau xây gạch, mái ngói, nhưng phía trước lại lợp tôn, trống hoác. Hắn nghĩ đây là phần che thêm để Dì bán, buổi sáng: bánh canh, buổi chiều: bánh căn và suốt ngày bán cà phê bình dân.
Phải nhìn ra nhà sau, gọi:
– Dì Bảy ơi, Dì Bảy.
Có tiếng bước chân lẹp xẹp:
– Ai đó?
– Con đây.
Phải giới thiệu Hắn.
– Đây là thầy dạy con lúc con học ở Nguyễn Công Trứ.
– Chào Thầy.
– Chào … Dì.
– Thầy mới đi Học Tập Cải Tạo về. Thầy…
Hắn ngắt ngang.
– Tôi bỏ nước đá cây, ghé hỏi xem Dì có cần không?
– Bỏ đá… Thầy giáo bây giờ mất… dạy, làm đủ thứ nghề, nhưng không ai hành nghề bán nước… đá như Thầy.
Phải chen ngang:
– Bán nước đá… Đừng nói thiếu chữ ”đá”… bán nước … là chết thầy con…
Dì Bảy nhìn Hắn vẻ ái ngại.
– Thưa Thầy, tôi cần mỗi ngày vài cây 50, nhưng đã có mối bỏ rồi.
Phải đề nghị.
– Thì Dì lấy bên kia một nửa, thầy con một nửa…
Dì Bảy sau chút đắn đo.
– Thôi… Thầy đợi tôi vài hôm, chờ tôi điều đình với mối cũ xem sao đã.
– Cảm ơn Dì.
– Có gì tôi sẽ báo với Phải nhắn thầy.
Hắn và Phải chào Dì và bước ra khỏi cửa nhà Dì Bảy.
Chiếc 68 bên kia đường nơi quán cà phê Phải vừa mời Hắn uống ly chanh đá:
– Con sẽ báo ngay khi Dì “điều đình” xong.
– Cảm ơn em.
Hắn lên xe, 68 trườn tới, tiếng Phải vói theo:
– Thầy chạy cẩn thận…
Sáng hôm sau Hắn dậy sớm, chạy ra hãng Nam Anh, lên 1 cây đá, ràng ở bọt- ba-ga và chạy xuống Văn Sơn. Hắn dừng 4 lần, chặt làm 4 khúc, bỏ cho 4 chỗ, dọc hai bên, gần hết đoạn đường chạy qua Văn Sơn.
Hắn tiếp tục chạy xuống Cửa. Hắn nhìn thấy chiếc tàu Vĩnh Hy, trước đây lãnh công nghệ phẩm xong, chạy thẳng ra biển đông, không về, đang đậu ở bến cảng… Hắn nghe nói sau vài tháng, chiếc tàu được trả lại cho Việt Nam từ Indonesia. Bây giờ nó đậu chình ình ở bến cũ, làm công việc cũ, chuyển công nghệ phẩm cho Vĩnh Hy.
Hắn nhìn chếch phía Tây Bắc, chiếc cầu Tri Thủy bắc qua cửa đầm Nại, nơi đầu cầu bên này, còn khung sườn trường Đinh Bộ Lĩnh xây dở. Qua cây cầu này, đi thẳng thì đến nhà Tổng Thống Thiệu, cua phải, men theo núi đá là đụng làng nhỏ chuyên nuôi dê và làm nghề biển… Đó là cuối đường, xe không chạy tiếp được, kể cả xe đạp. Theo hướng đó, cách 20km là Vĩnh Hy. Vĩnh Hy là một cái vịnh, như Vũng Rô, Cam Ranh… Bao bọc chung quanh là những ngọn núi riêng lẻ, như từ dưới nước chui lên. Nước trong vịnh lúc nào cũng xanh ngắt, phẳng lặng cho dù biển có gió to sóng lớn. Điều đặc biệt của Vĩnh Hy là hàng năm, có vài tháng cá thu tập trung về đầm dày đặc, nhìn xuống nước thấy cá lúc nhúc như… dòi… và cũng hàng năm Tỉnh mở thầu, ai trúng thầu mới được đánh bắt.
Nếu nhìn từ Cà Ná, dãy núi chạy từ Vĩnh Hy đến Đầm Nại giống như hình Rồng Chầu, đuôi ở Vĩnh Hy, đầu gác Đầm Nại.
Bên bến cảng Cửa có cái chợ nhỏ, bên đường chạy quanh chợ có nhiều quán xá, tạp hóa, hủ tiếu, cà phê, có cả cửa hàng bán dụng cụ biển: lưới, chì, cần, lưỡi… v.v… Ở đây Hắn cũng gặp lại học sinh cũ, cũng được đưa đi giới thiệu, như Phải đã giới thiệu Hắn với Dì Bảy ở Văn Sơn.
Sáng ngày thứ hai, Hắn lên hai cây 50, và cứ như vậy, ngã Văn Sơn-Ninh Chữ lên 5 cây mỗi ngày trong chưa đầy một tuần lễ. Chị Nam Anh khen:
– Thầy giỏi thiệt…
Xuân, chàng thanh niên mất một bàn tay lại là người lên đá cừ nhất hãng Nam Anh:
– Thầy giỏi thiệt.
Ai cũng đều khen Hắn giỏi, vì không ai biết Hắn có không biết bao nhiêu người tiếp sức. Đó là những học sinh mà hắn đã dạy trước 75. Điều Hắn thành công nhất và tự hào nhất sau hơn 10 năm làm nhà giáo là có đến 90% học sinh Hắn dạy đều thương Hắn. Bây giờ tình thương ấy được dịp kiểm chứng và thể hiện. Rất nhiều lúc, các em học sinh thấy Hắn chờ khách bên đường…
– Thầy ơi…
Rồi giấu mặt, khóc ròng… Những lúc như vậy, Hắn an ủi học sinh và chính Hắn:
– Ai cũng khổ, đâu chỉ riêng một mình thầy…
Tiền kiếm được từ một cây đá mua được 1kg gạo loại nhì. Hắn chỉ mong kiếm đủ gạo cho gia đình. Bỏ được 5 cây đá là có 5kg gạo. Từ đây vợ chồng Hắn bắt đầu có chút dư, để dành.
Xuân nói:
– Anh chuẩn bị trấu để rải lên yên xe trước khi để cây đá lên. Trấu làm cây đá bớt trơn trượt.
Xuân, nguyên là công nhân hãng đá Mỹ Đức, do một nhà tư bản ở Saigon ra thành lập. Nghe rằng ông ta có đến 16 hãng nước đá ở các địa phương dọc bờ biển nổi tiếng nghề đánh bắt. Đá của ông chuyên cung cấp cho ghe tàu đánh bắt xa bờ, một ít dùng muối tiếp cá đi cao nguyên. Một lần máy ngừng vận hành, Xuân được lệnh lặn xuống bể nước để sửa, bị cánh quạt chặt mất bàn tay phải. Trước ngày Phan Rang giải phóng, ông chủ biệt tăm. Hãng đá của Tư Sản Mại Bản, diện tịch thu, giao HTX thủy sản quản lý, kể cả hãng đá Nam Anh. Nhưng gia đình anh chị Năm được nhà nước ưu tiên phân phối lại với giá tượng trưng 2 dãy, mỗi dãy 10 khuôn tức 20 cây 50 kí. Xuân về hãng Nam Anh theo phân công của HTX.
Hắn hỏi Xuân:
– Em thấy người ta chở -bằng Honda như anh- được bao nhiêu cây một lần?
– Ở hãng Mỹ Đức tối đa 4 cây, nhưng ở đây 3 cây.
– Sao vậy?
– Mỹ Đức đường phẳng, Nam Anh phải lên dốc.
Xuân nhìn Hắn cười nói:
– Anh không thấy “Dốc Nam Anh” sao? Nó tức ngược, đã có nhiều xe lọt mương.
Từ ngã ba Tam Giác đi về hướng NhaTrang chừng 300m có một cái cống ăn sâu dưới mặt đường, dẫn nước Đồng Cây Mét bằng một con mương nhỏ. Đầu dốc, so với con đường, chạy dọc theo bờ mương là rất cao, gần như dựng đứng. Đầu con đường này là nhà ở của gia đình anh chị Năm và hãng nước đá Nam Anh.
Hắn e ngại:
– Anh…
– Anh không phải tay chuyên nghiệp, nên chở 2 cây là vừa.
Xuân giúp Hắn nhiều việc mà Hắn không tự làm được nếu không có người phụ: rải trấu, lên đá, buộc dây cao su, thậm chí cả việc đẩy xe chồm tới để cây chống bật lại vị trí xe di chuyển cũng nhờ Xuân phụ đẩy. Mỗi buổi sáng Hắn chở 2 chuyến, mỗi chuyến 2 cây rưỡi. Mỗi lần lên dốc Hắn hồi hộp đến run tay lái. Nếu lên nửa chừng mà xe hết trớn tuột dốc là lọt xuống mương ngay.
Buổi chiều Hắn ra chỗ sửa xe nhờ Út Sáu tìm mua cái rờ-mọt.
– Anh kéo đá…
– Em biết rồi…
– Em giúp giùm…
– Anh cần gấp phải không? Em sẽ “lùng” cho anh ngay.
Buổi tối Út Sáu vô nhà.
– Có rồi, nhưng tận Tháp Chàm.
– Họ bán bao nhiêu?
– Em không hỏi. Anh chị hỏi giá và quyết định.
Út Sáu đưa cho Hắn mảnh giấy.
– Địa chỉ đây.
Ngay tối đó, Hắn chở Vân đi Tháp Chàm và cũng ngay đêm đó Hắn và Vân kéo cái rơ-mọt về nhà. Mua được cái rơ-mọt, hai vợ chồng đều vui, nhất là Vân cứ nhìn cái rơ-mọt mà cười.
Hôm sau khi xong hai chuyến đá đi Văn Sơn và Cửa, hắn đem xe 68 và cái rơ- mọt ra giao cho Út Sáu.
– Anh để đó, em sẽ “độ” cho.
– Em…
– Em sẽ “độ” cho anh kịp sử dụng sáng mai.
– Được như vậy, anh thưởng liền.
Buồi chiều Út Sáu lái 68, phía sau kéo cái rờ-mọt, chạy vô hẻm Quang Trung. Vân và Hắn cùng 4 đứa con chạy ra đứng nơi hiên nhà nhìn Út Sáu lái biểu diễn. Lần đầu tiên kể từ 16/4/75, gia đình Hắn nở đủ 6 nụ cười.
Sáng hôm sau Hắn lên 68, kéo theo rờ-mọt. Hắn thấy vừa mừng vừa lo, thời cha sanh mẹ đẻ tới giờ Hắn có kéo rờ-mọt bao giờ đâu. Hắn chạy chậm, thỉnh thoảng quay đầu nhìn ra phía sau nơi rờ-mọt chạy theo có an toàn hay không.
Xuân cười:
– Hôm nay anh thành tay bỏ mối… chính hiệu rồi.
– Em xem… cái rờ-mọt có được không?
– Còn mới, nhưng lên đá, chạy thử, mớí biết được hay không.
Điều đầu tiên không ổn là chiều dài thùng rờ-mọt ngắn hơn chiều dài cây đá, mà như vậy thì không thể đóng bửng sau, đá dễ tuột khi lên dốc.
Xuân nói:
– Chẳng sao, cho trấu nhiều và rịt dây thun… là được.
– Thường người ta chở mấy cây với cái rờ-mọt?
– Có thể chở 10 cây, tức 500 kí nếu di chuyển đường phẳng, máy bốc, nhíp cứng…
– Còn phải qua dốc Nam Anh?
– 6 cây tức 300 kí là vừa.
Xuân chất lên rờ-mọt 5 cây.
– Em sẽ ra dốc chờ…
– Chi vậy?
– Em sợ xe không bốc, lúc đó phải kê bánh hay đẩy liền, không thì lọt mương.
– Hắn rất lo nhưng cố nói cứng.
– Còn lâu…
Hắn nổ máy vào số 1, vô ga khởi hành. Xe xìa bên trái, xìa bên phải, không chạy thẳng được. Hắn thắng lại, lo âu.
– Xuân… Xuân…
– Nhíp quá yếu, không thể chở đá được.
– Bây giờ làm sao?
– Thêm lá vào nhíp, hay thay cái mới.
Hắn tiu nghỉu, mặt buồn rười rượi.
– Công cóc.
Xuân nói:
– Em nghĩ, anh bán cái này, dồn tiền đặt làm cái mới, tốt hơn.
– Đặt cái mới?
– Mình sử dụng lâu dài mà anh.
Hắn lưỡng lự, có chút tiền, trả hết cho cái rơ-mọt thổ tả này rồi, còn đâu mà đặt cái mới.
– Thầy cứ đặt đi, tôi cho mượn.
Hắn và Xuân đều bất ngờ, không biết chị Năm đứng sau lưng từ lúc nào.

Tiếp tục đọc

BÀI HOAN CA Ở A 38 (24+25)

Screen Shot 2014-02-22 at 9.44.35 AM

CHU TRẦM NGUYÊN MINH

Phần 24

_____________

Hắn nhìn chị Út đang có chiều suy nghĩ.
– Chị thấy đó, các cháu nhỏ quá… Tôi sợ không chịu nổi sốt rét.
– Tôi biết và hiểu khó khăn của gia đình… nhưng…
– Xin chị can thiệp cho hoãn một thời gian thôi.
Chị Út trầm ngâm rồi nói:
-Thời gian thầy đi học tập, cô và 4 đứa nhỏ thuộc diện phải đi KTM đợt đầu, nói thật… tôi đã tranh đấu rất hung…
Chị như nhớ lại:
– Việc của cô phải đi KTM phải đưa ra cấp ủy đến 2 lần… Trong 2 lần này đều rất căng… Nhờ Quang bên Thanh Niên tiếp tay… “Một phụ nữ với 4 đứa con còn lũn đũn, đưa họ lên KTM, họ sẽ chết đói thôi. Nó ảnh hưởng xấu đến chính sách, xin các đ/c nghiên cứu lại…” Sau cùng họ chấp thuận hoãn. Bây giờ là lệnh gọi đợt hai, lần hai của gia đình, cho dù có muốn giúp Thầy cũng không thể nào giúp được…
Hắn nghe và hiểu khó khăn của chị Út.
-Họ dùng người, những người nằm trong lòng địch, cùng sống chết một thời… cũng chỉ là tình thế thôi… Tất cả còn trong giai đoạn thử thách…
Ngưng một chút, chị tiếp:
– Tất cả những chỉ thị đều nhận từ trên… Chủ tịch phường chỉ là người chỉ đạo thực thi, thực chất quyền hành nằm trong tay văn phòng Đảng Ủy…
Chị ngập ngừng:
– Chính sách KTM… lý thuyết thì như vậy… 5 đối tượng phải đi… nhưng…
Chị nhìn quanh rồi nhỏ giọng:
– Nhà của những người di tản, vượt biên bị nhà nước tịch thu và đã bố trí cho cơ quan và phân phối cho cán bộ hết rồi. Bây giờ đến lượt nhà của người đi KTM. Cán bộ đi lùng, chấm nhà nào là gia đình nhà đó phải đi, chẳng cần rơi vào năm đối tượng.
Giọng chị Út buồn buồn:
– Có một cách thầy được hoãn là cô có việc làm trong một cơ quan nhà nước.
Một năm Ngọc, cháu chị Út, học lớp Hắn làm chủ nhiệm. Có nhiều lần Hắn và chị Út gặp nhau để bàn về việc học của Ngọc. Thỉnh thoảng chị Út cho Hắn chùm tỏi Thái An, loại tỏi ngon nhất.
Hắn trở lại cty Mía Đường PR-TC, nằm trên đường vào phi trường Thanh Sơn.
– Thưa anh giám đốc…
– Lần trước tôi đã nói không được rồi, sao hôm nay lại đến… Mất thì giờ quá.
Hắn nói như ma rượt:
– Dạ… thưa giám đốc, vợ tôi có thể làm bất cứ việc gì mà cty phân công. Xin giám đốc giúp đỡ.
– Giúp cho anh… .. . rồi ai giúp cho tôi? Trung úy Ngụy, lại còn là Sĩ Quan biệt phái… Anh có đi mòn dép cũng không ai dám nhận đâu.
Hắn cầu cứu lần chót:
– Xin ông giám đốc…
– Anh là người có học … mà sao lì thế…
Hắn lên xe 68, trở lại con đường đã đến, con đường đá lổm chổm, khô khốc, không một bóng cây. Bên kia, trên ngọn đồi thấp, tháp Po Klaong Girai sừng sững. Hình ảnh Tháp cho Hắn liên tưởng đến sự kiên gan, không đầu hàng bão táp.
Khi xe qua Mỹ Đức, Hắn nhìn rừng Bạc Hà, nhớ lúc đưa Vân và các con về đây sống cuộc đời nghèo khó… Cũng chiếc 68 này, quay đều ngày và đêm. Có những đêm khuya tan lớp, từ Nguyễn công Trứ trở về, trong sương đêm, trong gió khuya lạnh lùng, Hắn viết bài Năm Mới tặng Vân:

Tiếp tục đọc

BÀI HOAN CA Ở A 38 (22+23)

Screen Shot 2014-02-22 at 9.44.35 AM

CHU TRẦM NGUYÊN MINH

Phần 22

________________

Sau buổi Sinh Hoạt hàng đêm, như thường lệ Hắn bước nhanh về hướng tây, bên kho lương thực. Hắn lấy hai cái tạ tay làm bằng ciment, Hắn bắt đầu tập. Thời khóa biểu Papillon đều đặn như vậy. Hắn hít sâu… thở dài theo nhịp tập.
– Anh khối trưởng.
Hắn giật mình khi nhìn cán bộ Hùng đứng một bên lúc nào không hay.
– Cán bộ…
– Khỏe … dữ hê…
Hắn đặt hai cái tạ xuống đất, đứng thẳng, chờ cán bộ Hùng ra chỉ thị.
– Có tin vui cho anh.
– Tin vui gì thế, cán bộ?
– Mai… về.
Hắn không hiểu:
– Mai… về?
Cán bộ Hùng nói nhanh:
– Thì về với vợ con …
– Tôi được thả hả cán bộ?
– Được trở về… chứ không phải được thả…
Cán bộ Hùng cười hiền:
– Nói như vậy là chưa tiến bộ.
Hắn run run:
– Thật hả… cán bộ…
Cán bộ Hùng không trả lời.
– Cả anh N nữa.
Hắn càng mừng hơn.
– Cảm ơn cán bộ.
– Tuyệt đối bí mật.
– Tôi hiểu.
– Đừng để anh em ở lại xao động.
– Tôi hiểu.
Cán bộ Hùng đưa tay, hai bàn tay siết nhẹ.
– Chúc khỏe.
Cán bộ Hùng từ giã Hắn, bước vội về hướng Trung Đoàn. Hắn ba chân bốn cẳng về phòng, dáo dác tìm anh N nhưng không thấy anh N đâu cả. Thời gian này, trại viên tự do, đa số súc miệng đánh răng… Đèn chỉ được thắp sáng đến 21 giờ thôi, từ đó trại viên phải ngủ. Hắn bước ra phía sau, anh N đang lùi khoai lang trong bếp. Hắn nói nhỏ:
– Em với anh… mai về.
– Chú nói cái gì?
– Em nói anh em mình được thả.
Anh N run giọng:
– Ai nói?
– Cán bộ Hùng… Ông ấy vừa báo với em.
– Thật không?
– Em nghĩ là thật… sáng mai…
– Còn ai nữa?
– Em không biết.
Trước khi quay về phòng, Hắn nói:
– Anh, anh nhớ bí mật.
– Anh biết rồi.
Hắn cố bình tỉnh, không hé lộ trạng thái khác lạ hơn mọi ngày. Hắn lấy trong cái balô – của Khánh tặng – một bị thuốc cảm cúm, sốt rét và ra khỏi phòng. Người sĩ quan già đang phủi chiếc chiếu, chuẩn bị ngã lưng, chợt thấy Hắn:
– Anh Khối Trưởng…
Hắn nói nhanh:
– Vừa rồi nhà tôi có gởi vô ít thuốc, tôi gởi anh…
– Anh khối trưởng giữ lấy để phòng thân…
– Còn nhiều, phần tôi có rồi.
Hắn nhét vào tay người sĩ quan già, rồi bước ra khỏi phòng. Hắn đến chỗ Hạt Mè.
– Hí hoáy cái gì đó, viết thư cho vợ hả?
Hạt Mè nhìn Hắn ngạc nhiên:
– Có gì… mà dẫn xác đến giờ này?
Hắn cướp lời:
– Có cái này cho cậu.
Hắn ném gói thuốc lên cái túi trên đầu chiếc chiếu và ngập ngừng.
– Tớ về đây.
Hắn muốn nói cái gì đó với Hạt Mè nhưng không nói được. Hắn quay đi. Đèn đã tắt, đêm tối choàng kín không gian. Hắn lầm lủi bước. Không có cuộc chia tay nào, kể cả cuộc chia tay mà mình mong đợi, là không buồn. Lòng Hắn ngậm ngùi.
Buổi sáng đến và diễn ra bình thường. Hắn hồi hộp chờ, anh N tay chân như luống cuống, anh không giữ được bình tỉnh như Hắn.
Khi mặt trời lên quá một sào, trại viên chuẩn bị đi học thì cán bộ Hùng xuất hiện và nói lớn.
– Anh Khối trưởng, tập họp khối.
Anh em bất ngờ, vì buổi sáng không bao giờ tập họp để cán bộ phổ biến.
Cán bộ Hùng:
– Khẩn trương lên.
– Anh em… khẩn trương…
Khi khối đã vào hàng chỉnh tề, cán bộ Hùng đứng bên tấm bảng, mà hàng đêm Hắn đứng trong giờ Sinh Hoạt.
– Các anh nghe đây. Hôm nay có một số trại viên phải đến một nơi học tập mới.
Cán Bộ Hùng lấy tờ giấy từ túi áo ra.
– Ai có tên thì ra khỏi hàng, thu xếp đồ cá nhân, chuyển trại.
Và đọc to:
-P.m T, N.v N… Anh em không có tên, tiếp tục công việc như thường lệ.
Hắn về phòng, anh em bu quanh từ giã…
– Anh Khối Trưởng đi mạnh giỏi.
– Anh Khối Trưởng cầm cái này phòng khi cảm cúm.
– Anh Khối Trưởng…
Hắn cuộn chiếc chiếu quanh balô, xốc lên lưng và bước ra khỏi phòng. Hắn nhìn khắp nơi, nhìn anh em, nhưng không thấy một ai. Hắn phải xa nơi này, xa anh em, xa những giọt mồ hôi đắng cay của cuộc đời. Anh H ngơ ngác, líu giọng hỏi anh N:
– Có chuyện gì… chuyện gì?
– Chuyển trại…
– Trại nào? Ở đâu?
– Không biết.
Cán Bộ Hùng ra lệnh:
– Anh T và N theo tôi, số còn lại lên lớp.
Ở sân trước Trung Đoàn đã có một số chuyển trại như Hắn. Một cán bộ ra lệnh:
– Các anh tập họp…
Tất cả tự giác vào hàng.
– Tôi đọc tên ai, người đó la “có” và ra khỏi hàng tập họp bên trái. Cán bộ đưa tay chỉ khoảng đất trống.
– Nguyen Van P, Tu Minh K, Pham M T,…
Tất cả có 58 tên trại viên “chuyển trại”. Có đứa mặt mày hớn hở, có đứa lo âu, có đứa trầm ngâm… Như vậy trong số 58 trại viên, có người biết “được thả” như Hắn, có người không biết, cứ nghĩ là chuyển trại.
– Các anh kiểm tra lại, coi có còn quên cái gì hay không.
Nhiều người trả lời:
– Không.
– Các anh xếp hàng hai, đi theo chúng tôi.
Hai cán bộ đi trước, 58 trại viên theo sau, về hướng cửa Bắc. Lúc đi ngang “Giảng Đường”, trại viên đang học nhìn ra. Có một vài cánh tay đưa lên, vẫy từ biệt. Số phận của những cuộc đời, cả của Hắn, ngày mai sẽ ra sao [?] Không có gì làm cơ sở để bảo đảm câu trả lời cả.
Khi qua khỏi chiếc cổng, ngăn cách giữa khu A.38 và bên ngoài, một cán bộ cười cười:
– Các anh sắp gặp lại vợ con, sướng nhe…
Và giải thích:
– Các anh sẽ ở trại “Bồi Dưỡng” một tuần… rồi có xe đưa về địa phương…
Hai cán bộ dẫn đường bàn giao 58 trại viên cho cán bộ trại Bồi Dưỡng và đưa tay giã từ.
– Chúc các anh về địa phương “tiến bộ”.

Tiếp tục đọc

BÀI HOAN CA Ở A 38 ( 20+21)

Screen Shot 2014-02-22 at 9.44.35 AM

CHU TRẦM NGUYÊN MINH

Phần 20

_______________

Có một chuyện cười ra nước mắt.
Quảng, tên nhân vật chính, biên chế tổ 7, khối 2, khu có cấp bậc từ Đại úy trở lên, trại A.38.
Lý lịch cũng chẳng có gì “ghê gớm”. Học chưa hết Đệ Tam bị động viên, vào Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Ra trường về sư 23 bộ binh, trấn giữ vùng Cao Nguyên Trung Phần. Qua bao ngày tháng năm, từ thời trai trẻ đến lúc vợ con “đùm đề”, thì được cho về trường Đồng Đế học lớp Sĩ Quan Đặc biệt, đó là vào năm 1973. Ra trường được gắn omega chuẩn úy. Về lại đơn vị được bố trí làm việc ở bộ phận truyền tin sư đoàn. Tháng 2/75 được ít ngày phép về thăm vợ ở Hòa Đa. Tình hình chiến sự biến đổi nhanh không kịp về đơn vị. Ngày 17/4 quân cách mạng giải phóng Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Rí. Ngày 30/4 Quảng ra trình diện. Quảng thuộc những người có mặt ở A.38 sớm nhất.
Như đã nói, tờ tự khai phải thông qua tổ, qua khối mới nộp lên Trung Đoàn, một người không được thông qua là cả tổ, cả khối, dừng lại, chờ.
Thường nếu xảy ra như vậy thì cá nhân đó phải tự viết lại cho đến khi được thông qua. Đó là việc nội bộ trại viên, cán bộ quản giáo không can thiệp.
Nhưng khi Quảng cứ viết đi viết lại mãi, khi tổ, khối thông qua thì lần này Trung Đoàn lại không thông qua.
Cán bộ quản giáo gọi Quảng lên trung Đoàn và hỏi:
– Lần này… anh biết là lần bao nhiêu rồi không?
– Thưa… lần… lần…
– Lần thứ 7, cả tập thể chờ anh.
Quảng ngơ ngác:
– Tôi tình thiệt, có gì khai hết trong tờ tự khai rồi mà.
– Anh khai hết hay chưa, chúng tôi sẽ biết… nhưng…
– Nhưng … sao?
– Anh khai gian!
– Khai gian?
– Đúng, anh khai không đúng sự thật.
– Chỗ nào không đúng sự thật? Cán bộ chỉ giùm…
Cán bộ trợn mắt:
– Chúng tôi chỉ giùm thì nói làm gì… Cách mạng yêu cầu các anh phải tự giác.
– Tự giác… thì tôi tự giác hết rồi.
Cán bộ gằn giọng:
– Nhưng có đúng sự thật hay không?
– Đúng, nhất định đúng… vì làm sao che giấu cán bộ được việc gì.
– Anh hiểu được như vậy là tốt.
– Tôi xin thề, tôi khai gian thì cha, mẹ, vợ con tôi sẽ bị trời đánh, thánh đâm.
– Anh thề nghe hay quá.
– Cán bộ nói sao?
– Anh đem hết mọi người ra chết… trừ anh…
– Tôi nghĩ nhiều người chết thì cán bộ mới tin.
– Anh sai rồi. Nhiều người chết chỉ tổ thúi đất. Tôi cần cái chết của anh hơn.
Quảng bỗng cà lăm:
– Thì… thì… tôi nữa…. chế… chết… treo ngành… nếu tôi khai láo.
Không hiểu chữ “treo ngành” mà Quảng dùng là nghĩa gì và lúc nói có ý thức về từ đó hay không. Chỉ biết Quảng, về cuối cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ, bỗng ngơ ngơ như người mộng du.
Ba ngày sau khi nộp tờ tự khai mới, anh tổ trưởng tổ 7 lại gọi: “Anh Quảng… Anh Quảng”, và khi Quảng xuất hiện, anh tổ trưởng lập lại như bao lần đã nói… “cán bộ quản giáo gọi lên Trung Đoàn.”
– Lần này là lần thứ 11. Chúng tôi không đủ kiên nhẫn chờ anh giác ngộ.
Quảng rắn rỏi:
– Tôi cũng chịu hết nổi cảnh “gọi lên Trung Đoàn” kiểu này rồi.
– Anh nói chịu hết nổi là ý gì?
– Là “chết sướng hơn” sống…
Cán bộ quản giáo gầm như cọp gầm:
– Chết sướng hơn… được… d/c.L đâu… cho tên cứng đầu này … biệt giam.

Tiếp tục đọc

BÀI HOAN CA Ở A 38 (18+19)

Screen Shot 2014-02-22 at 9.44.35 AM

CHU TRẦM NGUYÊN MINH

Phần 18

________________

– Có một bà thăm nuôi chết ngoài chợ.
– Sao vậy… ?
– Nghe nói trúng gió.
Toán Trại Viên đi lấy trấu về cho bếp nấu ăn, vừa đổ trấu vào kho chất đốt vừa nói, một vài người hỏi thăm:
– Có biết người ở đâu đến không?
– Không.
Hắn có nghe, nhưng công việc lấp kín đầu, Hắn không để ý. Rồi mọi người ai có việc nấy, số đông ở trong phòng viết thu hoạch, số khác đi tập văn nghệ 2/9. Hắn cùng tổ lương thực và tổ nhà bếp, phối hợp kiểm kê lương thực, gạo, bắp, bo bo, cá khô, muối… v… v đã nhận của Trung Đoàn tháng qua, tổng thu, tổng chi mỗi loại. Công việc không đơn giản nhẹ nhàng chút nào, dù Hắn đã cho vào sổ từng ngày.
Mọi người đều cố gắng trong phần việc của mình, tiến hành nhịp nhàng, chênh lệch tổng chi rồi cũng tìm ra, khớp với tổng thu.
Trại viên đứng tán chuyện ở sân, nơi hàng đêm Sinh Hoạt. Chuyện người đàn bà đi thăm nuôi chết ngoài chợ Sông Mao lại được nhắc đến.
– Mày nghe ai nói?
– Dân ở ngoài đó, ai cũng biết chuyện. Họ nói người đàn bà vào chợ mua thêm quà cho chồng, bỗng ngã xuống, sùi bọt mép…
– Rồi sao nữa?
– Mày để tao thở đã…
– Tao biết… Những người trong chợ, đa số là dân tộc Nùng, họ lôi người đàn bà ra khỏi chợ, bỏ nằm bên đường.
– Phải cấp cứu người ta chớ!
– Nùng ghét Việt… đời nào.
– Quân… quân ác đức!
– Họ lấy chiếc chiếu rách đắp lên xác chết…
– Quân trời đánh!
Đến giờ Sinh Hoạt, trại viên đứng thành hàng, theo tổ. Anh khối phó có nhiệm vụ điểm danh, rồi báo cáo lại cho khối trưởng.
Hằng đêm, Hắn vẫn đứng ở vị trí này. Sau lưng là tấm bảng đen, dán đủ thứ thông báo, và công tác hàng ngày. Phía trên tấm bảng có bóng đèn điện hình trái bầu, phát ra ánh sáng vàng hiu hắt. Ở đây, hàng đêm Hắn không nhìn rõ mặt đồng đội, những khuôn mặt ngước nhìn lên, những khuôn mặt u hoài, chờ đợi…
Và đêm nào cũng vậy, khi tiếng còi tàu cất lên, vang xa trong sương đêm, sự yên lặng trở nên rợn người chìm theo những dòng nước mắt. Hắn biết, đồng đội Hắn đang khóc… và Hắn cũng vậy. Hắn nuốt trôi vào lồng ngực dòng nước mắt chực trào ra.
Những đêm không còn việc gì cần nói, không gian trở thành mênh mông và hồn người như gởi về nơi xa mù. Như đêm nay.
Hắn đột ngột nói to:
– Hát… hát… anh em ơi…
– Phải… hát… hát…
– Quản Ca Q đâu?
– Em đây.
Hắn vỗ vai Q và cất cao:
Hò dô ta nào
Kéo pháo ta vượt qua đèo

Tiếp tục đọc

BÀI HOAN CA Ở A38 (16+17)

Screen Shot 2014-02-22 at 9.44.35 AM

Chu Trầm Nguyên Minh

Phần 16

__________________

Trong cái xách bằng lát mà Vân đã trao cho Hắn có: hai gói Pall Mall, bốn gói Lucky Luke, 10 gói Bastos xanh, một bịch thuốc rê, một gói đường tán màu vàng, bốn quần tà lỏn, bốn áo thun, hai khăn tắm, một bộ đồ bà ba màu đen và hai hộp quẹt… và một ổ bánh mì thịt, nhiều bơ… loại Hắn thích ăn, vì mãi nói chuyện quên đưa cho chồng ăn, giờ mềm nhũng ướt nhẹp.
Khối 13 có gần 50 trại viên có thăm nuôi, hơn phân nửa, một số nhà xa, một số mất liên lạc với gia đinh…   nên không có người nhà vào thăm…   Anh em cùng cảnh ngộ, bây giờ có người vui, kẻ buồn, kẻ có người không.… Buổi Sinh Hoạt tối đó, Hắn nói:
-Thưa anh em, khối chúng ta có 130, ồ không 132 người nhưng hôm nay chỉ có hơn 50 người được thăm nuôi…
Hắn ngừng lại, nhìn khắp lượt những người đang ngồi bệt trên sân cỏ, ngước đôi mắt nhìn lên, bóng đèn vàng sau lưng Hắn, từ lâu đã không soi rõ mặt người, hôm nay như tối sầm lại.
-Thưa anh em, thời gian qua chúng ta cùng cam cộng khổ, vui buồn có nhau, mồ hôi cùng đổ, nước mắt cùng rơi…   Chúng ta bốn phương trời về đây nhưng giờ như anh em một nhà.
Chưa bao giờ Buổi Sinh Hoạt tối lặng yên như lúc này, dường như Hắn nghe cả tiếng thở của 131 con người và Hắn, tiếng thở lẫn theo sương đêm, theo tiếng còi tàu ở ga Sông Lòng Sông vọng lại, đêm trở nên âm thầm.
-Tôi xin đề nghị…   50 phần quà chia đều cho 132 anh em…
Hắn đưa cao cánh tay trái.
-Còn 49 anh em kia thế nào?
49 cánh tay đưa cao…  hét lớn…
-Nhất trí.
Tiếng vỗ tay vang lên, như xé nát bóng tối, tiếng vỗ tay của tình người.
Hắn cười và gọi lớn:
-Anh khối phó và 10 tổ trưởng thi hành… Lệnh khẩn…
Buổi Sinh Hoạt kết thúc, Hắn trở lại phòng. V hỏi:
-Các em khỏe không anh?
-Cảm ơn em, chúng khỏe. Hắn nói về trường hợp Ca Dao té gãy tay và hỏi:
-Theo em thầy thuốc Nam có tin được không?
-Hoàn toàn tin được, có những bài thuốc liền xương hay lắm anh à.
-Như vậy anh yên tâm rồi Tiếp tục đọc

Bài Hoan Ca Ở A38 (14+15)

Screen Shot 2014-02-22 at 9.44.35 AM

Phần 14

_________________

Buổi chiều ngày cuối cùng được nghỉ, trại viên đi lêu nghêu ngoài sân, những khoảng trống trước đây cỏ tranh đã được dọn sạch để làm chỗ tập họp, sinh hoạt về đêm. Nội dung những buổi sinh hoạt như vậy thường là “tổng kết” những công việc đã làm trong ngày, ưu khuyết điểm, công việc của ngày hôm sau. Có lúc xử kiện, những mâu thuẫn phát sinh giữa trại viên, có khi dẫn đến động tay động chân. Cuối buổi sinh hoạt bao giờ cũng là phần tập hát, những bài hát “cách mạng” từ: Như Có Bác Hồ, Cô Gái Vót Chông, Tiếng Chày Trên Sóc Bambo, Cô Gái Lam Hồng, Kéo Pháo Qua Đèo… Những bài hát có nhịp “đuổi gà” cộng với tiếng vỗ của nhiều bàn tay, vang vang trong đêm. 21 g thì tan hàng, ai về phòng nấy, đêm lại trôi qua trong trằn trọc, lo lắng, nhớ nhung.
Hạt Mè xuất hiện.
-Kỳ Khu…   Kỳ Khu…
-Sao? Rộng họng quá vậy?
-Ông thuộc loại…  lãng tai, không hét lớn làm sao ông nghe.
Hắn thấy Hạt Mè nói cũng đúng. Có lúc, quả thật…  không nghe gì…
-Việc gì nữa đây?  Chim của ông…
-Chim chóc gì. Đi với tớ Tiếp tục đọc

Bài Hoan Ca Ở A 38 (12+13)

Chu Trầm Nguyên Minh

Screen Shot 2014-02-25 at 7.06.09 PM

Phần 12

_______________

Chuyện giáo sư biệt phái được “thả 50%” là tin vịt, mà là vịt cồ nữa, vì chẳng có ai được thả cả. Giáo sư H ngã bệnh, anh hy vọng quá nhiều, nỗi thất vọng trở nên quá lớn, nó quật ngã anh không thương tiếc. Anh nằm trên chiếc chiếu số 2, cùng phòng 2 với Hắn.
Anh rên hừ hừ.
-Lát nữa trại viên V sẽ tẩm quất và xông cho anh.
-Không cần đâu.
Hắn ái ngại:
-Anh bệnh…   không nhẹ.
Anh H tung mền khỏi đầu:
-T này…
-Dạ…
-Có khối nào…   giáo sư…   được về không?
-Dứt khoát…   không.
Vẻ nghi ngờ:
-Vậy…  tại sao lại có tin?
Hắn cố cười.
-Tin vịt cồ đó mà.
-Vịt cồ?
Hắn cúi xuống nói nhỏ vừa đủ H nghe:
-“Đừng nghe những gì CS nói….”
Anh H trợn mắt. Hắn cười như thỏa mãn khi đã nói được điều muốn nói.
-Anh nghỉ đi…   Tôi xuống bếp xem họ nấu cháo cho anh chưa.
Hôm nay là ngày cuối cùng được nghỉ tự do, ngày mai sẽ bắt đầu học bài thứ nhất, mỗi bài học kéo dài bảy ngày, ngày đầu: lên lớp nghe cán bộ giảng bài, ngày hai lên lớp, nếu cán bộ giảng chưa xong thì giảng tiếp, khi nhiệm vụ cán bộ xong, đến phần giải đáp thắc mắc, những điều chưa rõ, học viên đưa tay được cho phép mới đứng lên phát biểu. Ngày thứ ba trở đi, làm bài Thu Hoạch, thông qua tổ rồi tập họp, khối nào nộp lên Trung Đoàn theo khối đó. Thu Hoạch là sau khi nghe cán bộ dạy ở giảng đường, viết và phân tích lại nội dung, và đưa ra kết luận. Kết luận mang tính chủ quan của từng cá nhân…   nhưng không lạc ngoài chủ đề của bài học. Thường mỗi bài người ta ghi hay nói rõ mục đích yêu cầu, cứ căn cứ vào đó mà “tán”. Chương trình có 10 bài, học xong chỉ hơn một tháng. Đây là thời gian nhẹ nhất, chỉ nghe và viết, nhưng chủ nhật không được nghỉ, phải tranh thủ đi lao động.
-Anh nấu cháo cho người bệnh chưa?
-Chín rồi…   khối trưởng.
-Anh múc một ca…   đem lên cho anh H giùm tôi Tiếp tục đọc