NHỮNG CHIẾC LÁ REO CHUÔNG

 

Tóc chiêm bao còn bay mùa đông. Đêm thức giấc tiếng gió về tung cửa. Khuya cuối đường bóng lá chập chờn đi. Nhỏ và nhẹ hạt nước mắt gõ vào tim đau lắm. Động rất mỏng sương đêm hoa vừa bặt tiếng. Lặng lẽ mùi hương đi tìm sắc trắng nghe mơ hồ một giấc mơ tan…

 

Cây ơi gió ơi người ơi… đường mùa đông một thời nằm lạnh. Viên sỏi vỡ âm u vệ cỏ dấu bước chân rụng xuống đôi lần. Sợ reo khô những hồn lá mỏng. Sợ phai đi những nốt thời gian người nhạc sĩ lại so dây năm tháng…

 

Những ngón tay buông mềm trong gió. Mưa đầu mùa gieo cuối phố hoàng lan gọi như thầm em ơi sợi tóc nhỏ*. Là nhịp tim trao gửi rất riêng đêm cuối cùng mùa đông hiền hậu. Bầu trời lại nói cùng lấp lánh ánh hồ khuya xôn xao tinh tú khóc. Những niềm vui hớn hở xin nghe…

 

Nghe. Những mái nhà bé con mọc cánh từng đàn bay trong giấc mộng. Những cánh chim bỏ lại khung tranh trong vườn cũ. Người hoạ sĩ nằm mơ đêm xanh chuông nhà thờ đong đưa mắt phố**. Cọng rơm vàng đoá môi dấu nụ cười khoảnh khắc. Chờ nhau.

 

Réo rắt bốn mùa trong tay người nhạc sĩ phố âm thanh bay bổng hội hè phố phổ hoa gọi đàn ong bướm. Màu sắc hân hoan đường cọ mới du dương cùng muôn điệu âm thanh. Đón nhân gian ngợp xanh mắt ngó lồng lộng trời một hé mở con ngươi. Nghe diễm lệ trần gian đến thế…

 

Hơi thở mạch vươn lên từ đất cho cội mầm biết phút sinh sôi. Lòng cây hoang vu hội về đông đúc lá reo chuông thánh thót nhựa non. Ấm áp trỗi theo nghìn tia nắng. Mở biết mấy những ánh nhìn tin cậy rằng mùa xuân có một điểm sum vầy nơi dấu chấm cuối cùng của câu thơ tiễn biệt. Em ơi…

 

… Em ơi. Vài bước nữa thôi mặt trời sẽ ôm đàn đi tới. Nhẩy nhót trên ngày âm reo rất lạ đem về từ núi xanh. Xa. Gọi mới mẻ tình yêu xưa tháng năm dài mất dấu. Ôm vào tay phút gặp gỡ thời gian em sẽ thấy bước chân mình gần lắm lá reo chuông môi và mắt tìm nhau.

 

Đọng trong hoa lấp láy vết son thơm mướt sao đêm. Ánh mắt xanh liếc dài cỏ mượt. Màu trắng đã về khua những đoá hoa vườn. Đàn kèn ngóc đầu bung loa hoa. Tim vẫn giữ một điều nguyên vẹn rất nôn nao thôi đừng dấu nữa. Nói như nắng reo, nhỏ nhỏ rồi vỡ oà trong tán lá… có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ*** … Nhẹ kẻo vỡ lưu ly trời đất…

Nguyễn thị Khánh Minh

*Nhớ Thạch Lam

**Nhớ đêm xanh và nóc nhà thờ trong tranh Đinh Cường

***thơ Olga Bergholz (Bằng Việt dịch)

 

Advertisement

NHỊP MÙA LỄ HỘI

nguyenthikhanhminh

Khi những trận gió Đông Bắc rời khỏi đỉnh cao của nó thì mùa thu cũng thẳm xa. Nếu để tâm chạy theo phút chia tay hẳn vẫn còn thấy được bóng áo thu giằng co nơi khúc quanh trên con đường mùa đông vừa mở. Như cái nhìn nuối theo của bác sĩ Zhivago, chạy vội vàng lên tầng lầu để bắt kịp hình ảnh chiếc xe ngựa chở Lara mờ xa trong bụi tuyết… (phim của David Lean dựa trên truyện của B. Pasternak)
Cây maple bên kia đường đã trơ trụi chỉ còn vương đôi ba lá vàng trên cuống mỏng mảnh, mang theo hết cái lao xao vàng của nó, để cho cành cây phô những nét chấm phá khẳng khiu đông, lại càng cô quạnh hơn khi tình cờ có con chim đậu một mình trên cành trong nắng mai lạnh. Khoảnh khắc đẹp của mong manh, dường như nhìn cũng phải hết sức nâng niu, nghe nói trên đường phố ở thủ đô nước Nga vào mùa cây trút lá có những biển đề “tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng.” Thật lãng mạn.
Cây mùa này đang ốm đấy, gầy trơ xương ra. Người thì như đẫy đà thêm dưới lớp áo ấm…
Cuối năm, là mốc thời gian đặt tôi ở giữa biên giới những buồn vui. Buồn thì không đến nỗi nặng trĩu, vui cũng chẳng đến độ rộn ràng, cứ thế người lùng bùng vui vui buồn buồn. Nếu bạn hỏi tôi sao im lặng thế, sẽ mỉm cười và trả lời nhỏ, có lẽ như con cá ươn sắp sửa se mình như Nguyên Sa nói thôi. Vừa nao lòng trước khép lại chóng vánh của một năm, vừa náo nức với khí lễ hội đang mở.

CHUÔNG GIÓ NOEL,

Đó là lúc con đường với những ngôi nhà hiện ra như trong tấm thiệp Noel, ngày còn nhỏ đã ước được sống trong cõi tranh thần thoại với con đường sáng huyền ảo của hoa tuyết, những ngôi nhà thập thò mái ngói đỏ dưới cái lạnh trắng mùa đông. Những muốn ngồi bên bàn tiệc đầy ắp thức ăn được bày biện đẹp đẽ và ánh sáng lễ hội xôn xao chải lên mái tóc.
Chuông gió cuối năm lôi ước mơ thơ trẻ ấy ra khỏi cõi tranh đặt vào con đường hoa đèn tôi đang đi ở thành phố Fountain Valley này, gió mùa đông len vào chiếc khăn quàng cổ, cho tôi cảm thấu cái rét xứ người. Được hít thở hơi thanh bình cổ tích, dễ khiến mình kiếm lại được hồn nhiên, mơ mộng. Đó là đường Heils, con đường chứa những ngôi nhà trang hoàng lộng lẫy, mỗi nhà một cảnh, một gợi mở rất khác để người nhìn vào tha hồ tưởng tượng, bước như đang bước vào tấm thiệp Giáng Sinh năm xưa, và khí lạnh càng làm nồng thêm bàn tay để sâu trong túi áo. Tiếng cười, tiếng nói gần lại hơn ở bên tai, ấm quá với cái quàng vai của cậu con út, mới đây thôi, bây giờ nó đã dềnh dàng đi bên cạnh, làm mình phải ngước đầu lên khi nói chuyện, đã quàng vai mình một cách gọn gàng, và tay kia, quàng vai cô bạn gái, một dòng sông từ đầu tay kia của con nôn nao chảy theo vòng ôm đến vai bên này của tôi, đập những gợn nhẹ nhàng của sự nối tiếp những thế hệ… Tôi trôi giữa dòng sông ấy, và được hòa nhịp với muôn dòng sông khác, để biết cuối cùng là một điểm xum vầy.
Không khí an bình no đủ làm tôi chạnh lòng đến quê nhà… Con đường Heils nhập nhòa đường Duy Tân dẫn đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn…

… Nhớ một Noel, như vào năm 78, 79, ở Sài Gòn, lúc này đã mang tên mới, nhưng vẫn thích, Sài Gòn, rằng quen mất nết đi rồi, người bạn chở tôi bằng xe đạp, phố ngày ấy không đông như bây giờ, sau một biến cố lớn, mọi người còn đói, còn bao lo âu của một cuộc sống quá đỗi ngặt nghèo, thì chẳng ai thiết nghĩ đến trang hoàng nhà cửa, đường phố để mừng ngày Giáng Sinh.
Nhà thờ Đức Bà vào đêm Noel năm đó, chỉ có hai dây đèn treo từ nóc tòa cao đến tượng Đức Mẹ, vậy thôi, hai dây đèn lốm đốm những bóng điện nhỏ lạc lõng cô quạnh, hòa với đêm tối u buồn. Lặng lẽ ánh đèn vàng hoe. Lặng lẽ ánh mắt của người đi lễ. Hai chúng tôi đứng ở đầu đường Nguyễn Du, bên cạnh chiếc xe đạp, ngó lên những ánh đèn mờ nhạt, nó không có cái sáng long lanh của ánh đèn lễ hội, nó có cái sáng rưng rưng. Cảnh vật phố phường toát ra khí đói ảm đạm, thổi bạt mọi ước muốn sống vui, sống đầy đủ cho tinh thần.
Đêm đó, chúng tôi chỉ đủ tiền để ghé vào một quán cà phê cóc bên lề đường nhâm nhi một loại cà phê tạp với mùi gì rang khen khét. Lấp xấp dưới ánh đèn dầu, những chiếc đẩu gỗ lộn xộn, chơ vơ, chia sẻ rất tội nghiệp với không khí xa vắng của đêm Noel, nhưng dù sao quán cóc đèn dầu cũng đem lại chút hơi phố xá, chúng tôi không nói gì, những mơ ước về tương lai đã bị đóng lại, đã bị xếp vào hàng xa xỉ sau cơm áo, nên nếu không nói được về những dự phóng vui vẻ của ngày mai thì tốt hơn, ngồi bên nhau cùng cảm im lặng, người bạn an ủi tôi về một điều không may tôi đang gặp phải, để yên cho tôi khóc, thôi vậy cũng ấm lòng.
Rời khỏi quán cóc bên đường, chúng tôi đạp xe qua nhà thờ Huyện Sĩ, ở đó tương đối vui hơn bên nhà thờ Đức Bà vì người đi xem lễ đông hơn, mãi khi tan lễ, chúng tôi mới chia tay.
Một mình trong đêm, trước giấc ngủ, tôi thấy mình hết sức buồn bã, tôi buồn cảnh nhà, mẹ và các em nhỏ, cả tôi, ngơ ngác, không cha, không anh ở nhà, tôi, đứa con gái vừa tốt nghiệp đại học, bỗng xính vính hốt hoảng khi thấy mình là chị lớn một đàn em, vốn liếng có được từ trường, lại là trường Luật của Việt Nam Cộng Hòa nữa, lúc ấy không giúp ích gì để tôi kiếm sống được giữa một xã hội đang đảo ngược hết tất cả mọi giá trị, như thế.
Đêm nào tôi cũng đi vào giấc ngủ bằng nỗi trăn trở u hoài. Và thảng thốt của một kẻ thức dậy, tiếc nuối một giấc mơ đẹp đang bứt ra khỏi mình, có lẽ, mãi mãi. Chút tình yêu thơ dại, tưởng chỉ dơ tay là chạm được trời xanh, tưởng đã hẹn hò là chung thân hạnh phúc. Nó thành một vết thương, mỗi khi cào lên, lại thấy xót.
Đã chẳng dễ quên vạt âm u của một ngày, ba tôi, hai em trai tôi, hút vào đêm tối, thăm thẳm một hơi rất dài của thời gian… Nhớ nước mắt của mẹ khi bới đồ đi thăm nuôi cha. Nhớ những tiêu chuẩn tem phiếu để mua gạo thịt, bỗng trở thành câu chuyện từng ngày. Nhớ những đêm cùng mẹ cặm cụi từng mũi len, mẹ phải choàng cả việc cho cô con gái mới học cầm chiếc que đan. Nhớ cơm độn bo bo. Nhớ cậu em học Thủy Sản, nuôi và bán cá giống trong cái hồ non bộ của cha khi trước, Khuyến thức đêm cho cá ấp trứng, Khuyến khóc khi cá chết. Nhớ cậu em phải dấu thịt cột sát bắp chân, đem từ sở làm ở Hiệp Hòa về Sài Gòn cho mẹ cho chị cho em*, Khương ơi! Nhớ Khuê đi làm tài xế cho cán-bộ, đêm lái xe về nhà, hút trộm xăng ra, em nói “xăng này cũng là của ăn cắp, ăn cắp đi ăn cắp lại, huề.” Đúng hay sai, lúc đó không còn dũng cảm để phê phán em nữa…
… Những Noel sau này, đâu khoảng những năm 80, cánh cửa ngôi nhà Sài Gòn đã hé mở để lọt vào chút sinh khí ấm no. Gia đình tôi đã dễ thở hơn vì có anh em ở Pháp tiếp tế, lúc ấy ở Sài Gòn, chỉ ở thành phố thôi, người ta được ăn no và ngon hơn, mặc được tươm tất hơn, nên người ta đón Chúa tưng bừng hơn, mặt mũi thành phố sáng loáng hơn nhiều những năm trước.
Người bạn thuở đói kém nay đã là bạn đời của tôi, không còn lọc cọc chiếc xe đạp nữa mà chở tôi bằng chiếc Bridgestone của Nhật, đi lên phố xem lễ Noel, quả là chật vật để len vào những con đường đưa tới nhà thờ lớn, người ta không đi bộ ngắm cảnh Giáng Sinh như ở đường Heils thênh thang có chỗ cho cả gió đi này, mà nườm nượp ngồi trên những chiếc xe Honda nhả khói, chen lấn, đôi khi còn cự nự vì lấn chỗ va quẹt vào nhau, người ta đi đâu? làm gì? ngắm Noel ra sao trong quang cảnh cối xay như thế? Chúng tôi ghé vào một quán cà phê, quán cóc tù mù đèn dầu năm xưa hóa thân thành cafeteria rất sang, tiếng dương cầm phát ra từ dàn máy tân tiến, với ly cà phê đúng mùi cà phê, chúng tôi lại nhắc đến quán cóc năm ngoái năm kia, ơ hay, hoài niệm là tật cố hữu của người ta hay sao ấy.
Năm ấy tôi rất hạnh phúc vì đi đâu cũng có một điều níu kéo để quay về, đó là mái ấm, có tiếng oa oa của đứa con vừa ra đời. Tôi không còn hứng thú len vào dòng người nêm chặt đường phố đêm Giáng Sinh nữa, mà hưởng không khí ngọt lừ của đứa con bé nhỏ mang lại, trang trí cây Noel và cùng ăn một bữa tiệc nhỏ gia đình, Bin ơi, mỗi Christmas ở đây với bàn đầy thức ăn, mẹ hay nói với con, hồi mình ở Việt Nam, đâu có thức ăn ê hề như ở đây, mẹ nhớ có lần nướng con gà mẹ đã phải chia hai cái đùi cho hai con trước, vì con còn bé hay đòi cả, nên anh hai con so bì. Điều đó, khi nghĩ đến, dù có chút rưng rưng, nhưng nó khiến tôi cảm thấy không khí gia đình tôi lúc ấy không thể nói gì khác hơn là, hạnh phúc. Và bây giờ, ở đây, gia đình nhỏ ba người, năm nay lại có thêm cô bạn gái của con, nếu có hỏi tôi tìm chữ biểu tượng cho mái ấm thì vẫn là hai chữ hạnh phúc.
Mà riêng mình, rất lạ, Giáng Sinh nào cũng vẫn sống được cảm giác cũ, đi vào những con đường hoa đèn trong gió cuối năm bằng tấm lòng trẻ trung với dư âm giấc mơ.
Kể ra trời đất cũng độ lượng cho con người chấm hết một năm bằng toàn những lễ hội, để có dịp biết rõ hơn, đầy đủ hơn, rằng, trong hưởng thụ nảy sinh lòng biết ơn.
Quá đủ để cảm thấy như thiêu thiếu. Ôi quả là lòng tham, đong hoài chả thấy đầy. Bập bênh hai đầu, tiếng chạm vào của ấm áp xum vầy, tiếng tịch lặng ôm trọn của cõi riêng thơ. Để chia sẻ được cái cô độc của Voltaire, văn hào Pháp, niềm hạnh phúc to lớn nhất của mọi cuộc đời là sự cô độc bận rộn. (tudiendanhngon.vn)…

TRỜI ĐẤT MỚI LÒNG TA CŨNG MỚI…,

Giáng Sinh xong là rộn rịp mùa Tết âm lịch. Thời khắc sửa soạn để đón Tết là lúc tâm tư, cảm xúc phê nhất. Này nhé, những cây anh đào trong ngõ vườn chạy dài theo hiên nhà, bắt đầu tươm nụ xuân thì bên cạnh cây maple đông giá. Và nhóm người Việt trong khu nhà ở này lại họp nhau để làm tiệc tất niên, vẻ tất bật háo hức phân chia nhau làm món ăn làm tôi thấy quí giá quá việc lưu giữ truyền thống Tết dân tộc, cũng vì vậy mà trong nhà tuy không mấy người nhưng tôi cũng bày ra, muối dưa hành, và chắc chắn là hầm một nồi măng chân giò kiểu Hà Nội của mẹ, anh em chúng tôi chẳng đứa nào quên được món này của mẹ vào những dịp Tết, mày mò xôi vị kiểu Nha Trang của ba, và dĩ nhiên không thiếu bánh chưng dưa món (mua, đừng hiểu lầm là làm, mắc cỡ lắm nghe), phải xôn xao thế thì con trai mới thấm được cái khí Tết, vị Tết Việt Nam, không thì con biết lấy gì đem vào mái ấm của nó mai sau? Còn chút đó mà không giữ thì làm sao mà nhìn mặt tổ tiên.
Có ai đi xuống phố Bolsa vào những ngày cận Tết mới cảm thấy hơi nóng mạnh mẽ của truyền thống – qua những cửa hàng bánh chưng bánh tét, mứt, dưa món, – qua những mái che được dựng lên thành một dãy hàng hoa, nơi mà người mình những ngày này thường rủ nhau, đi chợ hoa, nghe sao mà nó quê hương quá, Tết quá, – qua những nhịp chân hối hả mua mua sắm sắm, tấu thành một bản giao hưởng với những nốt nhạc reo lên ở cung bậc rộn ràng nhất. Một Việt Nam bé nhỏ trải dài mùa xuân rạo rực quê nhà trên một quãng đường Bolsa ấm lạnh khí đông.
Một lần, Tết năm ngoái, nỗi nao nhớ đã kìm tôi đứng trên hè trước chợ Hòa Bình, đường Westminster, trên tay ôm cái bánh chưng, lòng cảm động nỗi vui và biết ơn những người đã nấu những chiếc bánh truyền thống Tết, đã làm những hũ dưa món (tưởng tượng, thơm nắng Calif.), đã chăm lo để có được hoa cúc hoa lan, và cả một loại hoa từa tựa như mai vàng, cho ngày tết… Tất cả tạo nên một không khí ruột thịt đến mềm lòng. Người bán báo, và cách sắp xếp báo, lịch, trên một cái quầy bên hè đường, khiến tôi mường tượng đường Nguyễn Huệ Sài Gòn. Thấy sao mà thương khi chị cầm cái chổi nhỏ quét quét trên mặt những tờ báo, và mời tôi, mua báo tết đi chị, tôi đang ở đâu đây cảm xúc tôi ơi… hình phong pháo vỡ bung tia đỏ, hoa mai dòn dã vàng trên những bìa báo kéo tuột tôi về một miền xa lắc có cái quán tre bày bán những con gà đất màu rực rỡ nắng và phong bao lì xì đỏ treo tòn teng, mình bé lắm theo chân ba mẹ về quê…
Một nét đặc trưng có sức hút mạnh mẽ tôi, là báo Tết, ngày còn ở nhà, tôi thích nhất Tết được đóng cửa, buổi sáng trong căn phòng tinh tươm mùi Tết, bên ly cà phê nóng, nằm đọc báo xuân, cộng thêm niềm vui có bài đăng trong báo nữa, thật là vui, vầy.
Năm nay, trong gió lạnh Sài Gòn Nhỏ, trong không khí gia đình, tôi lại nhâm nhi thú đọc báo tết. Báo giấy, báo mạng, tha hồ, những con chữ mùa xuân ào ạt cái mới mẻ, nạp thêm cho người năng lượng để tiêu pha 365 ngày sắp tới.
Trong bản giao hưởng lễ hội, tôi đang đi (phải nhẩy chứ nhỉ) điệu rộn rã nhất để hòa âm với nhịp Tết, xôn xao cùng nụ đào bụ bẫm đất trời, theo bước đi tới của dòng chảy cuộc sống, và réo rắt nốt xanh nhất một giấc mơ. Tôi mong những tiết tấu vui tươi này được kéo dài mãi trước khi vào nhịp khoan thai chậm rãi của bóng thời gian…

*Vào thời gian những năm 75, 78, ở Sài Gòn lúc ấy có một chính sách mà người dân gọi là “ngăn sông cấm chợ,” mọi lương thực, thực phẩm đều bị cấm đưa về thành phố, và ngược lại.

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

MỘT KẺ NGƠ NGÁC

 

Tôi tưởng tôi là kẻ đứng trước một con tàu
Hành lý đã sẵn sàng
Và làm như sẵn sàng để ra đi

Có bao giờ như thế
Không muốn đi
Cũng không muốn trở về

Một kẻ
Đứng trước sự tàn phá
Của tương lai
Lẫn kỷ niệm
Mà không biết phải gầy dựng lại từ đâu…

San bằng mọi ước mơ và thất vọng
Tôi như đang ở trong một khúc phim quay chậm
Về trạng thái hoang vắng của mình
Một kẻ trễ tầu ngơ ngác
Một kẻ không cảm thấy gì trên sa mạc ngoài nỗi hanh hao khát
Một kẻ mất phương hướng trong rừng tối
Một kẻ đang nhìn xuống đớn đau trên dấu vết rưng rức của hạnh phúc
Một kẻ mà sự đuổi theo niềm hy vọng cứ làm mình cạn dần đi
Một kẻ, cuối cùng, trắng tay niềm tin cậy…

Với tâm trạng như thế
Tôi thẫn thờ xếp lại những trang thơ cũ
Nhẹ nhàng như sợ mở một vết thương…

Nguyễn thị Khánh Minh

LỜI KHÁT

 

Tôi đang viết giấc mơ
Trên tiếng gió giữa hàng cây ngoài phố
Những cơn gió quái Santa Ana nắng mưa tráo trở
Trên dự báo những ngày đen tối
Trên tiếng gấp gáp bay đi của đàn chim én
Trên vội vã những bước chân
Trên lãng quên nhịp sống
Trên u buồn những chia ly,
Trên vô vọng những mắt đá
Tôi muốn lời vẽ nên một giấc mơ

Tôi đang viết giấc mơ
Trên giấc ngủ nỗi sợ
Trên khốn cùng nước mắt
Trên lạnh tanh thi thể
Trên hẩm hiu dòng máu
Trên bất lực dấu hỏi
Tôi muốn lời tôi vẽ nên một giấc mơ

Tôi đang viết giấc mơ
Bằng những lời tôi khát
Bằng hết sức có thể, một gạch nối ấm áp.

Tôi đang viết giấc mơ
Che chở tôi
Nơi tôi có thể sống với những phút giây chưa từng tới
Nơi tôi có quyền mơ mộng
Nơi tôi có quyền được quên
Nơi cảm xúc tôi được chọn lựa một bình yên.

Tôi đang viết giấc mơ. Người ơi
Trong phút giây tin cậy của một lời cầu nguyện.

Nguyễn thị Khánh Minh

Đỗ Hồng Ngọc, lang thang nghìn dặm trái tim

nguyenthikhanhminh

Trong Lời Ngỏ sách Nghĩ Từ Trái Tim, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (ĐHN) có nói, tôi viết bằng cảm xúc, bằng sự thể nghiệm đời sống chứ không phải bằng suy luận lý trí. Theo tôi, không chỉ với cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, mà tất cả tác phẩm của ông từ thơ, văn, bàn về kinh sách, hay những đề tài có vẻ chuyên khoa (tôi nói có vẻ vì ngay trong những đề tài ấy, ông viết không đơn thuần là khô khan của khoa học, mà đầy tính văn chương), đều được chữ ông chuyên chở những cảm xúc thực từ trái tim.

Tôi hình dung một chiếc xe -chữ- lọc cọc trên con đường đất nâu quê nhà thơm ngấu mùi bùn cỏ nắng trưa, chở đầy hoa đồng nội -cảm xúc-, trên con đường đi cứ tỏa hương tỏa hương… Đấy, nghìn dặm lang thang của một chàng lãng tử rất đỗi nghệ sĩ, mộng mơ… Và Con Đường mà chàng miệt mài đi, nghe ngóng, kiếm tìm ấy là Trái Tim. Nơi khởi đầu và chung cuộc để con người nhìn ra nhau nhân ái yêu thương. Những điều chàng chắt chiu được trên con đường ấy lại làm quà tặng cho chúng ta -những tác phẩm-. Người nghĩ và sống được như ý nghĩ mình đầy thiện tâm như thế, thật là không dễ. Và không nhiều. Nên chính ông, cũng là một tặng phẩm cho cuộc đời này.

Cũng khởi đi từ nhiệm mầu ấy cộng thêm những trải nghiệm cảnh ngộ trong cuộc đời mà ông đã được người đọc, người nghe, tin cậy. Nếu đọc ông một cách tuần tự rất dễ nhận ra được những tình cảm, kinh nghiệm ấy được nuôi dưỡng, lớn lên, giàu thêm theo thời gian. Giàu thêm chứ không già đi -Cảm Xúc-. Điều lạ ở ĐHN đấy. Kinh nghiệm càng nhiều, càng nghịch cảnh thì cảm xúc càng trẻ trung, cái nhìn về cuộc sống càng giản dị, tình dành cho tha nhân càng thông hiểu bao dung. Phải chăng là một đền đáp của Cảm Xúc cho người biết lắng nghe nó?

Đó là điều tôi cảm nhận về phong cách cùng văn chương của Đỗ Hồng Ngọc.

Tôi cũng có được duyên may để quen và được xem ông như một người anh. Có một ngẫu nhiên, tôi là người thích những ngẫu nhiên đem lại cho mình may mắn bất ngờ, hồi tháng 4. 2014, tôi qua một cuộc mổ cột sống khá nặng, vào ngày phải tập đi thì tôi đã không thể bước được, nằm trên giường sợ và khóc, rồi vào mạng tìm nghe đây đó thì tình cờ tôi nghe được buổi nói chuyện của Bác Sĩ ĐHN trên Hoa Mặt Trời, nói về niềm hạnh phúc khi ông bước đi những bước đầu tiên sau cuộc mổ sinh tử, nghe xong tôi thấy mình bình tĩnh hơn, và sáng hôm sau tôi tập đi được 2 phút, trong niềm vui, càng thấy thấm thía những điều ông nói, hạnh phúc hóa ra là những điều rất giản dị, sáng mở mắt tai nghe được tiếng chim hót, biết được nỗi tuyệt vời của thiên nhiên muôn loài. Bước được bằng hai chân, cảm được hạnh phúc của một thân thể lành lặn. Phone reo nghe tiếng bạn hỏi thăm, nghe được nỗi ấm áp sẻ chia, từ đó thấu được nỗi đau của những mất mát quanh ta… Vậy đó, từ cảm ngộ của người vừa nhảy qua bờ tử kia đã khiến tôi biết tận hưởng, trước hết, là hơi thở của mình. Cái kho báu đang-là ấy chẳng bao giờ vơi. Càng lấy nó cứ càng đầy. Đó là duyên tôi có được sau khi chỉ nghe một buổi ĐHN nói chuyện trên Hoa Mặt Trời. Tôi biết đóa hướng dương ấy luôn cười và chỉ cho anh em, kia mặt trời đang mọc, xin hãy nở…

Đúng như nhà thơ Duyên nói trong một e-mail cho anh em, Đỗ Hồng Ngọc ảnh hưởng tới mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi, khi họ tìm đến thơ văn ông để tùy hoàn cảnh mà rút ra được những cần thiết cho mình. Chính vì có trải nghiệm và tu tập chiến thắng nghịch cảnh, bịnh tật, ông mới có được phong thái giản dị và nói lời trầm tĩnh khiến văn chương ông có sức hút lạ kỳ. Ông hóa giải những điều buồn khổ bằng sự hóm hỉnh duyên dáng khiến nó trở nên nhẹ tênh. Rất rất nhiều người đã viết về ông, đều cảm nhận như thế, và người đọc ông cũng không phủ nhận được sức quyến rũ, thuyết phục từ những áng văn uyên áo mà dung dị ấy.

Tôi chỉ muốn góp thêm chút cảm xúc của mình khi nghe nhịp đập lang thang của một thời tuổi trẻ phập phồng cùng chiến cuộc. Thời mà tôi gọi các anh là những chàng lãng tử, của Bi Thương và Mơ Mộng. Mỗi người một cách thế để sống và tồn tại trong quãng thời gian khắc nghiệt ấy. Với ĐHN ngày ấy, là Thơ.

Một tập thơ in cách nay gần nửa thế kỷ (1967) có tên Tình Người, với bút hiệu Đỗ Nghê [1], ông nói về một ước mơ,

Súng dòn
Ánh sáng lóe lên
Đạn đan trên nền trời
Thành hai chữ Việt Nam
Những kẻ tử thù nhìn rõ mặt nhau
Khóc vì mừng

Anh em
(Ước Mơ)

Định mệnh một cuộc chiến… Đã biết bao gia đình, trong một nhà anh cầm súng vì bên này, em ra chiến trường cho bên kia. Hai phía ngỡ ngàng khi súng đạn lóe sáng nhìn ra nhau anh em… Người thơ ước sao cho đường đi của súng đạn đan thành hai chữ Việt Nam, để thức tỉnh nhau còn khóc được vì mừng… Và dường như có một đau lòng, nỗi chia cắt đất nước, nỗi phân ly ý thức hệ,

Khi ta đưa các con 50 người xuống biển
Và vợ ta đưa 50 đứa lên rừng
Lòng ta đã rất đỗi băn khoăn
Có một điều gì khiến ta linh cảm…

Các con sẽ không bao giờ quên
Đã cùng sinh ra trong một bọc
Một trăm trứng
Một trăm con
Các con sẽ không bao giờ quên…

Hãy tha thứ cho nhau- tha thứ hết
Rồi nắm tay cùng gầy dựng lại quê hương…

(Tâm Sự Lạc Long Quân)

Bạn ơi, lời ước nguyện này trải qua mấy mươi năm vẫn tươi rói hiện thực tình cảnh quê hương chúng ta. Mảnh sao băng kia đã thành bụi hư vô rồi mà chưa thành tựu được một ước mơ tưởng là rất dễ dàng đối với những đứa con sinh cùng một bọc Việt Nam này! Trái tim người thơ ấy đã thổn thức gần nửa thế kỷ, và vẫn còn theo thời gian,

… Lịch sử sẽ ghi bằng những lời nói dối
Mặc kệ – chúng mình thương nhau

Cho anh, tôi dám nhìn vào mắt nhau
Không một ai cúi mặt

Nếu anh vẫn một mực chối từ
Và nhất định đòi cho tổ quốc một chiếc áo màu -dù xanh dù đỏ-
Hay khoác một định nghĩa -dù trắng dù đen-
Tôi đành nhặt một cọng cỏ rất xưa về làm tổ
Rồi khóc trên đó
Loài chim bỏ đi

(Tổ Quốc)

Nhân bản làm sao và thương cảm làm sao nỗi bé mọn trước tình yêu được gói vào tựa đề là Tổ Quốc. Thân phận khốn khổ nên lớn mãi mộng mơ, ước nguyện. Nên mới có Tình Người. Tác phẩm này theo tôi là một dấn thân của tác giả vào thời cuộc, biểu lộ một thái độ, nhân danh Con Người. Trong đó tôi thích nhất bài này,

Tôi cho mấy người mượn
Con đường độc nhất về quê nội
Để thử những quả mìn mới

Tôi cho mấy người mượn
Những nhà hàng phố xá đông đúc
Để thử lựu đạn, plastic,

Tôi cho mấy người mượn
Cửa nhà vườn tược ruộng nương
Để thử sức tàn phá của bom

Tôi cho mấy người mượn
Tuổi trẻ căng đầy nhựa sống
Làm bia thử vũ khí cá nhân

Tôi cho mấy người mượn
Ông già bà lão con nít thiếu niên
Để thử các chính sách chăn dân cai trị

Tôi cho mấy người mượn
Khối óc linh hồn
Để thử thuốc nhuộm đen nhuộm đỏ

Tôi cho mấy người mượn hết rồi đó
Xin dành lại cho tôi
Những nỗi căm hờn
Và tấm lòng độ lượng rất đông phương

(Cho Mượn)

Tôi trích trọn bài này để thấy được tất tật vốn liếng của người đã cắn răng cho mượn. Rộng lòng hay cam chịu hàm nỗi bất lực? Hỏi tức trả lời. Trước những mất mát và bi phẫn đến nỗi, tự an ủi, thôi thì coi như cho mượn! Và lịch sử cho chúng ta thấy, không lạ gì thói quịt nợ của những tên phú hộ. Và chàng, và chúng ta chỉ còn, chí ít, nỗi căm hờn thường tình. Nhưng, diệu kỳ thay, lại không thường tình chút nào, một tấm lòng độ lượng rất đông phương! Đúng là Đỗ Hồng Ngọc mà ta thấy trong những tác phẩm sau này lấp lánh bóng một thiền giả. Khởi đi từ thời gian viết bài thơ này mới hiểu vì sao mỗi ngày ĐHN mỗi cống hiến những tác phẩm đầy lòng nhân ái, vì người và thương người đến vậy. Và tôi đã nghĩ, cho đến ngày hôm nay thì chắc chắn trong ông không còn “nỗi căm hờn” nào nữa mà lồng lộng cái Đông Phương nhân bản kia. Mặc kệ tất cả, miễn là chúng mình thương nhau, ơi anh em ngọt bùi một bọc… Tôi muốn nói lại lời mà ông đã viết gần nửa thế kỷ trước, Hãy tha thứ cho nhau- tha thứ hết / Rồi nắm tay cùng gầy dựng lại quê huong… … Chợt nghe tiếng thì thầm sâu ý nghĩ / Bàn tay gầy làm dấu quê hương /…

Nhưng để kiếm một tha thứ, để quên đi, sao khó đến vậy? Hết nghiệt ngã này đến khác buộc vào cái quang gánh ốm o chữ S những oan cừu. Nên chàng và những ai kia, cứ mãi lang thang trên nghìn dặm trái tim để nhặt nhạnh những nhịp yêu thương…

Trong tập này còn có một bài thơ khác của ông, rất nổi tiếng, Thư Cho Bé Sơ Sinh, được trích dẫn và nói đến rất nhiều, mỗi người nói một chút, niềm hân thưởng của mình về nó, khiến bây giờ tôi nói một chữ nào thêm nữa thì cũng lọt vào một ý đã nói rồi, thế nên, chỉ biết nói, a, tôi cũng thích bài đó như bạn vậy. Tôi thích hình ảnh tiếng khóc của bé sơ sinh và cái cười của ông mụ (xin lỗi bác sĩ) “Vì từ nay em đã phải cô đơn. Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ…” Tôi thấy ở đây ẩn trong tình cảm thiêng liêng -qua những việc làm đón em bé ra đời- là nét nhìn dí dỏm về thân phận con người. Một tâm hồn mẫn cảm và lạc quan. Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương khi viết về bài thơ này đã nói “Thật kỳ lạ, ở tuổi 25, Đỗ Hồng Ngọc tự đặt cho mình một cột mốc thơ ca mà chính ông không dễ gì vượt qua. Ni sư Giải Nghiêm có lý khi cho rằng nhiều bài thơ và bài viết của Đỗ Hồng Ngọc về sau này dường như là một sự nối dài Thư Cho Bé Sơ Sinh” [2] Tới đây thì xin thưa với Nhà Thơ Lữ Kiều, ông nói về bạn ông, ĐHN là một người nghiêm túc, tôi muốn thêm, một người mơ mộng nghiêm túc, một người yêu đời nghiêm túc. Một cây viết nghiêm túc giản dị. Thế cho nên, mỗi khi nói chuyện, email với ông hay nghe ông trên những diễn đàn, cái nghiêm túc ấy không làm nặng nề mà luôn đem đến những tiếng cười thoải mái ý nhị, những vui vẻ nhẹ nhàng.

Trên nghìn dặm trái tim ấy, tôi sững sờ đến đau mênh mang, khi nghe bật lên những tiếng đập như từng tiếng đàn đang dồn dập bỗng đứt phựt. Đó là những bài thơ về La Ngà, đứa con gái yểu mệnh,

Con đã lớn lúc nào mà ba má không hay
… Ba dạy con ca dao trước khi học chữ
Con làm thơ trước khi biết nói
… Ba má nhìn con lớn lên
Thấy mình nhỏ lại
… Con đã lớn lúc nào mà ba má không hay
Cứ tưởng con còn nhỏ xíu
Đến khi con mất đi rồi
Mới biết con đã lớn

(Con Đã Lớn)

Trước mộ con còn ướt
Ba nói với bè bạn ba rằng
Từ nay hãy yêu con mình cách khác
Đừng như ba
Giấu kín trong lòng
Bởi tình yêu có bao giờ cho đủ
Có đâu sợ dư thừa…

(Tình Yêu)

Ba viết trăm lần lý lịch
Cứ mỗi lần viết đến tên con
Ba lại ngẩn ngơ
Như một kẻ mất hồn
Biết trả lời sao
Câu hỏi
Hiện con đang làm gì?
Ở đâu?

(La Ngà 2)

Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút
Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con:
Nỗi mất

(La Ngà 5)

Hồi đó khi đọc xong những bài thơ này, tôi nhìn hai con mình như nhìn vào kho báu. Tôi biểu lộ một cách sôi nổi hơn tình yêu ấy, với chồng, với con, với gia đình bạn hữu quanh mình, như thể, họ hay chính mình sẽ mất đi bất cứ lúc nào, trước khi kịp làm điều gì đó cho nhịp tim nhau biết được niềm thiết tha, trọn vẹn.

Dường như tôi đã nói được điều tôi muốn nói từ lâu, với Nhà Thơ Đỗ Nghê. Điều đó nếu nói gọn, là hai chữ Hàm Ơn, những cảm xúc tôi có được khi đọc văn thơ ông.

Và ngay lúc này, khi tuổi đang vào lúc đi xuống đồi ngắm mặt trời hoàng hôn, qua những đớn đau bệnh tật, tôi tập tành tu dưỡng, đến với Thiền Và Sức Khỏe [3], để học biết được Thiền định qua cách thở. Đến với Nghĩ Từ Trái Tim [4], xem thiền giả kia lắng nghe mình ra sao sau khi qua đường ranh sống chết, và trái tim đã mở con đường dẫn người đến Tâm Kinh Bát Nhã. Ngẫm nghĩ rồi nghe ngóng. Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng [5]. Tôi hình dung được nỗi miệt mài tìm hiểu nghiêm túc này. Và đó là điều cần để đi vào hành trình gian nan ấy. Cái gian nan tủm tỉm một mình… thiền hành mỗi phút mỗi giây. Cũng như những lúc say đọc Gươm Báu Trao Tay. Viết, luận về kinh với một văn phong như thế thật đã kéo được người đọc ngồi lại với mình để nghe như to nhỏ chuyện trò. Ông dùng hình ảnh trong Chinh Phụ Ngâm, Chín tầng gươm báu trao tay / Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh… ví von thanh gươm báu Kim Cương trao cho người thiện tâm để truyền bá đạo giải thoát chặt đứt mọi khổ nạn kiếp người [6]. Với những sách như thế đâu chỉ đọc một lần.

Có một ngẫu nhiên hết sức vui, vừa mới đây, vợ chồng em gái Khanh Minh &Wayne mời vợ chồng tôi một chuyến cruise nhân tôi vừa khỏi bệnh, em gái viết, chị nhớ đem quần áo đẹp, rực rỡ để ăn tối. Tôi tần ngần trước tủ áo, rực rỡ là thế nào đây. Chọn bộ cánh để đi dạo công viên, đi ra ngồi quán cà phê với bạn văn chương thì dễ, mình sao mặc vậy rất không suy nghĩ gì, nay nhỏ em bảo phải rực rỡ, thiệt tình… suốt buổi sáng không quyết định được gì, lúc nằm nghỉ, thường theo thói quen, khi nằm xuống giường tôi hay lấy không định một cái gì đó để đọc, tôi vớ tình cờ ra cuốn Những Người Trẻ Lạ Lùng [7], và lật ngẫu nhiên, trang 58, có những dòng này, …Ở cái tuổi chín muồi đó, người ta không chỉ biết quan tâm đến mình, mà quan tâm đến những xung quanh, đến tại sao, ai đó, ở đâu, lúc nào…, nghĩa là đến phần hồn kia, người ta biết tìm cái vượt trội hơn những phù phiếm tàn phai…

…Chính cái tuổi chông chênh đó của người phụ nữ, cái tuổi có những cột mốc thì thầm, tuổi chuyển mùa như lá trên cành, từ cái bồng bột sôi nổi, sang cái nền nã dịu dàng, giản dị mà sang trọng…

Tôi bật cười la lên A! Ngẫu nhiên như thể, tôi đang thắc mắc, và có người anh ở cùng nhà, vừa kêu anh ơi, là đã nghe được cách đối phó. Vấn đề của tôi lúc ấy chẳng có gì là đao to búa lớn, chỉ là… và tôi đã biết cách chọn những bộ nào, phải rồi, chỉ có “nền nã” mới trụ được bên cạnh “rực rỡ”. Ông Đỗ Hồng Ngọc này! nói đủ khía cạnh trong cuộc sống mà ta phải chạm đến, ngoài thơ, kinh sách, y học, tâm tình chuyện đời, còn có cả, Thời Trang.

Có phải lang thang qua nghìn dặm Trái Tim mà chàng có được cái lịch duyệt đôn hậu đến thế?

Nguyễn Thị Khánh Minh
Santa Ana, Tháng 4. 2015

[1] Năm 2013, tôi được Nhà Thơ ĐHN tặng một tập thơ được chụ tàup lại, tập Tình Người- Thơ Đỗ Nghê- Bìa 4 có những dòng in: Tác giả trình bày. Bìa Lữ Kiều. Hình Cocteau. Ấn hành giới hạn dành cho bạn bè và anh em. Năm 1967.

[2] Huỳnh Như Phương- Thơ Đỗ Hồng Ngọc: Ẩn Hiện Giữa Cuộc Đời (Trong phần Phụ Lục tập thơ Thư cho Bé Sơ Sinh Và Những Bài Thơ Khác…)

[3], [4], [7] Tên những tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc

[5] trích trong Lời Ngỏ, Nghĩ Từ Trái Tim

[6] trích trong trang 5, Gươm Báu Trao Tay

LỤC BÁT KHÁNH MINH

nguyenthikhanhminh

TRẦN GIAN

Đêm qua đất mở mịt mùng
Sáng nay đất chở vô cùng nhịp vui
Trời chung cả cái xanh trời
Tôi thêm nữa, những mặt người tôi đang
Thế là, một cõi trần gian…

TÌM ĐÂU

Cuộc đời- hạnh phúc ú tim
Bước chân mọ mẫm tôi tìm hụt hơi
Cuộc đời bung nỏ, như chơi
Mũi tên Hạnh phúc hút trời mây bay
Cười ai, đứa trẻ trắng tay…

THÔI THÌ

Tôi kêu lên. Tôi tới đây
Tôi gõ mãi. Mà bóng ngày vẫn tăm
Mòn hơi tiếng gọi xa xăm
Bụi hồng bay vó đằm đằm nhân gian
Thì thầm khuya… đóa ngọc lan.

CÕI LỜI

Một vòng sinh tử trêu ngươi
Đành thôi ăn dối cõi lời mây bay
Mai kia mốt nọ. Hoạ may
Còn hơi thở ấy mà bày cuộc vui
Dẫu đời ngàn dặm phủi phui…

Nguyễn thị Khánh Minh

LỤC BÁT KHÁNH MINH

nguyenthikhanhminh

HAI ĐẦU

Tôi đi mải miết như dòng
Tôi ngừng như thể nụ bông trên đồi
Dòng ư? -thì cũng về thôi
Hoa ư? -thì cũng pha phôi cuối ngày
Hai đầu chỉ một huơ tay

VỀ

Một nghìn cánh hoa vàng rơi
Nghìn mặt trời nhỏ soi trời trên kia
Như không còn gì phân chia
Bước tôi đi, với bước về trời xanh
Ơ mà cầu khỉ chông chênh

VU VƠ

Vẽ vu vơ sợi chỉ hồng
Níu cơn mơ nọ vào lòng đêm thinh
Buộc nhau đừng lẫn ảnh hình
Vẽ tôi vẽ bóng, hai mình trong khuya
Vẽ thêm một nụ cười kia

NGỠ

Ngỡ mình là cánh mây bay
Trời kia tưởng cánh mây bay là mình
Nhìn nhau hai đứa lặng thinh
Cả tin đến vậy cái tình cao xanh
Nhân gian thì cứ chạy quanh…

Nguyễn thị Khánh Minh

LỤC BÁT KHÁNH MINH

nguyenthikhanhminh

CÓ ĐÔI

Mỗi buổi sáng. Một nụ cười
Daffodil nở mặt trời của tôi
Dưới kia một dòng sông trôi
Nước đi nước chở một nôi nắng đầy
Còn ai chở cánh mây bay?

TÌNH CỜ

Giữa đường, tại một vẫy tay
Rủ rê ta ở lại, ngày rất vui…
Thì thôi nhé mộng chân trời
Ánh trăng ủ lại ngọt bùi mai sau
Xin quy y nắng nhiệm mầu

KHI KHÔNG

Tận phía bên trời, bình minh
Không còn sau trước, chỉ mình bước đi
Với những lời mang theo, vì
Còn trang nắng đợi tôi ghi nụ cười
Khi không trời bỏ mưa rơi

TÌM ĐÂU

Tìm đâu trên chữ. Những lời
Lặng thinh trang giấy im hơi chỗ nằm
Đường xa mỏi bước chân gần
Một nửa cái bóng lần khân chỗ ngồi
Thốt nhiên còn một nửa tôi…

Nguyễn thị Khánh Minh

MÙA NÀO THỨC NẤY

nguyenthikhanhminh

Nếu bạn đang liếm môi hy vọng tìm được món ăn dưới đây, thì coi như thất vọng rồi, vậy xin ghé qua quán Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng cho đỡ thèm chút vậy.

Hồi vừa qua tuổi sách hoa tím mực tím chi đó, mua cuốn ấy về cứ tưởng sẽ được phiêu sướt mướt cùng một mối tình lãng mạn, bởi cái tựa đề nghe tình quá sức, dè đâu, tác giả giới thiệu món ăn theo mùa và nói lên cái thú hưởng một trong những cái khoái nhất ở đời, là ăn, một khoái-lạc-thơ-mộng Vũ Bằng. Đọc say mê. Từ ấy, để ý đến cách thưởng thức, không cứ là thú ăn uống, mà mọi thú sống ở đời. Thế nào để trọn vẹn đôi đường với những vui sống về mặt giác quan lẫn tâm thức. Đó là điều tôi nhặt được sau khi đọc Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng, cũng như Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường. Cách họ tán thưởng, hưởng thụ thú vui, đều mang hồn văn chương nghệ thuật, họ hòa chất thơ, chất cao nhã vào những lạc thú trần gian.
Thật là Biết sống, theo tôi.

Hạnh Phúc của ta thuộc về cảm giác… Một thứ triết học cao thượng phải tạo được cho ta niềm tin vào cái cơ quan đẹp đẽ, nơi tiếp nhận cảm xúc, là cơ thể ta đây… (Sống đẹp, LNĐ, Nguyễn Hiến Lê dịch). Nghĩ như thế thật nhân bản, ngẫm lại thì có phải ngũ quan khiến tâm trạng vui vẻ hay u buồn hay không? Đó là cái tâm-trạng-đáp-lời. Nhưng cũng phải nói ý tôi, không phải tất cả bắt đầu từ giác quan, có khi cảm xúc tinh thần đưa đẩy hay chế ngự để thân xác có trạng thái dễ chịu. Vũ Bằng gắn liền cái ăn vào nỗi lòng tương tư cố lý, thành ra món ăn trở nên không chỉ là ngon của lưỡi mà còn truyền đi thi vị của tâm tư. Và cảm xúc u hoài ly hương ấy khiến món ăn càng thêm đậm đà, hóa thành nỗi nhớ. Rõ là có qua có lại.

Phải nói Vũ Bằng thanh lịch mà hưởng những thời trân. Này nhé, ở miền Nam nhớ về quê Bắc vào độ Tháng Giêng trăng non rét ngọt, ông đi từ cái nỗi say sưa, con vật nằm thu hình trốn rét thấy nắng ấm thì bò ra nhẩy nhót kiếm ăn, thấy trời trong mây nõn rung động như cánh con ve mới lột, sinh ra cảm giác thèm ăn và ăn thiệt ngon, một bữa cơm giản dị cà om thịt thăn với lá tía tô… Thế có phải từ nhìn đi tới cảm khoái mùi vị món ăn, rồi dẫn nhau đến ngõ cảm xúc: khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ, nên thơ… đôi vai màu ngà ai thơm ngát hương cau. Chẳng còn biết chuột lắt léo mèo đi hay mèo đuổi chuột. Nhưng mà bạn ơi, cảm giác để thấy hạnh phúc một cách nên thơ như thế, là chuẩn rồi.

Tôi mê nhất cái lúc Vũ Bằng tháng hai tương tư…Khởi đi từ mùi hoa sữa (ngửi), đêm (nghe) mưa ngâu sụt sùi, nhóm lửa thổi một nồi cơm gạo vàng ăn với thịt gà mái ấp (gà mái là được, không nên gà mái ấp thưa ông) để rồi (cảm thấy) sao tháng hai nó ngắn quá, bấy giờ thì giác quan mở rộng cửa cho mơ mộng, người đàn ông thấy mình lạc phách, rơi vào giấc mộng hoa đào sơn nữ mặc váy thủy ba đu đưa ven suối. Với đào biên thùy Bắc Việt thì, đưa lên miệng (cắn) giựt mình vì cái thơm của đào… lại càng (cảm thấy) trái đào hé mở đẹp không biết bao nhiêu… gớm cho nhà thơ nào đã dùng hai chữ “nhuỵ đào”, đấy Vũ Bằng để cho cái ngon của vị giác dẫn đường tới liên-tưởng. Đến tuyết lê của xứ Lào Cai, lê như một trái cây bằng thủy tinh, gõ cho bụi tuyết rơi, ăn từng miếng nhỏ, dịu hiền và thơm ngát thơm ngào: một rung động cùng lúc của cảm xúc và thính giác. Ông tả cái ngon của mỗi thứ quả, có tính cách riêng biệt cũng như mỗi dây trong chiếc tỳ bà reo lên một thứ tiếng tơ đồng khác nhau… Có phải là mình thương yêu phần tử nên yêu luôn từ bông hoa mà yêu xuống đến trái cây, yêu từ cái lá hòe lăn tăn yêu lan sang chùm hoa mộc?…Tôi đưa ra những hình ảnh trên chỉ là muốn nói rằng tinh thần và thể chất đều có tác động như nhau trong trạng thái hạnh phúc.

Trong gió non của mùa xuân, mùi mưa đêm còn váng vất đâu đó trong hương lá và nhựa cây, hay tôi vừa trôi ra từ màu xanh nostalgia của tranh Đinh Cường mà bỗng lãng đãng đến u buồn ruột gan vậy. Chắc là tôi đang đi tìm giấc mơ trong hương gây mùi nhớ của thời gian. Cái giấc mơ sương khói địa linh… Thôi thì…

Cứ như chiếc lá phiêu du trên dòng thời gian, nhấp nhô những đậm phai, chắc rồi sẽ bắt gặp được một nhịp nghỉ nào đó vừa đúng cái rơi của giấc mơ. Trong 2 tỉ 500 triệu lần đập của trái tim một đời người, ít ra cũng cho tôi một vài, để đập nhịp của giấc mơ chứ, đó là lúc thực của giấc mộng cuộc đời. Ảo thực ấy đưa tôi đi qua từng phút giây của cuộc sống này với một cảm giác hưởng thụ, biết ơn. Cất bước mà đi vào buổi xuân sớm, chả phải là hợp lúc, cho mầm tươi đang lục sục trong người hé lên chồi hớn hở với đất trời phức thơm đó sao.

Ở bảo điện Đại Hùng chùa Thiên Mụ có bốn ô khắc thơ chữ Hán xen giữa các bức cảnh sắc Huế, là bài ngũ ngôn tứ tuyệt này, Xuân du phương thảo địa, Hạ thưởng lục hà trì, Thu ẩm hoàng hoa tửu, Đông ngâm bạch tuyết thi. Mùa nào thức nấy. Cái gì đến thì sống với, điều gì qua thì để tự nhiên mà đi. Dường như hợp ý lắm, cái quan niệm sống để hạnh phúc như thế.

Thời bây giờ người ta đã có nhiều cái thú khác với miền cỏ thơm, ao sen, rượu cúc, thơ tuyết…

Nhưng lúc này, tôi muốn trôi đi với bài cổ thi du du. Chắc là tôi sẽ nắm được áo lãng tử Thôi Hiệu ở miền cỏ thơm để xin Người vài câu bạch tuyết thi…

Xuân du phương thảo địa… Mùa xuân dạo chơi miền cỏ thơm. Chan chứa rong chơi nhàn tản Lão đạo, yêu thích vì cái khơi gợi mênh mông đường dài đánh động bước chân bó rọ của mình. Áo mùa Xuân đã dậy mùi, tung tăng đi mà hít thở hương đổi thay của đất trời để cơ thể rạo rực xuân khí. Lan man giữa miền thơm để đàn thời gian lại rung lên những phím thanh xuân. Tưởng như nhịp sinh học con người đang đập nhịp của thiên nhiên. Trong dòng chảy nôn nao về tim ấy, bạn đẩy mùa xuân mình tới đâu mà chẳng thấy cận kề được cái thơm tho mới mẻ của cuộc sống? Có thể buông đi những bận bịu theo những cánh én bay về mái vòm đỏ giáo đường San Juan Capistrano trong tiếng chuông gọi ước hẹn mỗi đầu xuân, đọc một tản văn của Nguyễn Xuân Thiệp biết là chim én đã quên lời thề không trở lại như xưa, nhưng hề gì, hẹn ước càng dài càng nên thơ đá vàng. Có thể theo hương gió mà đến một cánh đồng hoa poppy ngàn vàng để hít đầy lồng ngực mùi đất trời hừng hực tiết xuân phân California.

Bạn thân thiết ơi, mưa tầm tã ở đây đang mở những mơ xa, bạn có muốn theo tôi tới miền hư ảo ký ức? Biết đâu bạn sẽ lấy thêm được năng lượng từ hương mùa xuân thơ dại để đi tiếp những hạ thu đông? Thì hãy cùng tôi,

Ao mùa hạ sen nở, búng thuyền đi mà thưởng lục hà trì. Sen thì siêu sao rồi. Tôi muốn nhắc đến một loài sen ngủ gọi là tiên tử kia. Hoa súng. Sen vừa tàn thì súng lại tím ngát. Nó tựa mình trên nước nở hết sức tự tin, bung màu tím pha hồng, Chế Lan Viên lại bảo, cái màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc/ chỉ lặng yên sắc tím để mà đau. Sao vậy, có lẽ nhà thơ buồn theo những cánh thuỵ liên úp mặt trong đêm tối? Tôi thì mê đê mê hồ súng của Monet. Mùa hạ, nhắm mắt mơ một cái thấy mình rơi xuống mảng xanh tím miên man Monet thì chắc chết đi được. bay đi/ bay đi/ vỡ tôi hạt tím/ rơi như mơ/ những đóa lilies/ tiếng cọ Monet phết long lanh đôi cánh/ thiêm thiếp tôi/ hồ mộng… Thưa, hạ thưởng lục hà trì của tôi đấy.

Còn cái thú của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao*. Ơ, chắc mùa xuân hồ chưa có sen nên rộng đường cho Người tắm táp, và ao trước nhà trong leo lẻo cho Người hưởng nước mát vào ngày hè oi ả. Mấy ai đủ bản lãnh để sống đơn giản thế…

Sang thu, có bạn thân mời nhau một chung rượu hoa cúc vàng để thấm vào lòng cái hắt hiu Thu ẩm hoàng hoa tửu, cúc vàng cất thành rượu như thế nào, và cũng không biết ở đâu bán, tôi sẽ làm hay sẽ mua, để dành cho hơi ấm tình bạn mùa thu (rượu vang Calif. cũng tuyệt bạn ơi). Tự hỏi cớ gì mùa thu lại uống rượu hoàng hoa? Biết từ lâu theo sách, thì vào tiết Trùng Cửu ngày 9 tháng 9 âm lịch, số 9 thuộc dương nên còn gọi tiết Trùng Dương, là mùa thu khi cúc vàng nở rộ, chắc có nhiều hoa cúc để làm rượu, hay uống rượu bên hoa cúc? Theo lời cô Viên Trân “cô bán rượu cao cấp” ở Việt Nam thì hoàng hoa tửu, làm bằng hoa cúc Ấn Độ và gạo nếp, đựng trong bình hạ thổ từ sáu tới mười năm. Có không? Thế thì hơi “đại gia”.

Ngõ vườn nhà tôi có một hàng hoa cúc, cúc mùa Thu thì quả là ánh vàng rực rỡ trên nền u xám buồn, nên quyến luyến người ta lắm. Bỗng liên tưởng đến nghĩa bóng của chữ hoàng hoa, chỉ sự xa vắng, nơi hiu quạnh, là do tích con trai Tàu xưa, đến tuổi, phải lên đường đi lính lại đúng vào thu hoa cúc nở, Kinh Thi có câu Người đi lính thú phương xa nhớ nhà làm thơ “hoàng hoa” (tvtuansan.com.au). Chinh Phụ Ngâm cũng Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài…. Người xưa lại sánh cúc mùa thu với khí tiết người quân tử nữa. Mới nói, hội đủ mọi yếu tố hấp dẫn để mời bạn, vào thu nâng chén rượu hoa vàng. Nhưng nếu không có tửu thì tôi có thể cùng bạn, chén trà bằng sứ trong đó một đoá cúc trắng xòe mềm mại thơm gió thu cũng được chứ. Hẹn nhé.

Lại nghe, Tuyết Giang Phu Tử, có thú thu ăn măng trúc, ai cùng tôi, một đĩa măng luộc chín, tước thành sợi, trộn với rau thơm, tỏi, mè, lạc rang, xíu nước mắm, ít giọt chanh, xúc với bánh tráng nướng, và rượu gì mà bạn thích, ngồi bên thềm hoa cúc, cùng nhau? Thế là trọn vẹn mùa thu. Thu cuộc đời.

Nghĩ thèm cái thong thả sống của người xưa. Đông ngâm bạch tuyết thi, tôi có nhiều thơ lắm (!), ngặt ở miền Nam Calif. mùa đông không có tuyết nên chưa được kinh nghiệm đọc thơ hòa với màu trắng lạnh căm. Mất một nửa cái trọn. Nhưng mà, hình như trong mỗi trầm lặng tâm tư, ai cũng có một miền tuyết lạnh, để mỗi khi đông đời một mình lắng vào, nghe một vọng âm xa.

…ta khắc thơ trong tuyết, chờ nhau (Nguyễn Lương Vỵ), Chờ là một chữ rất dài…
Trong đó có một dấu ngoặc,

… Của cái cảnh u cư, gió tre xao xác lạnh, trong vườn kia, có ngôi nhà bằng gỗ, nền gạch nung nâu nâu. Ngồi bên chiếc bàn sơ sài, so đũa cùng Bạch Vân cư sĩ đông ăn giá …Từ sớm tôi đã muối một ít giá tươi với hành, Người không thích hẹ, rồi với hai bìa đậu mua vài xu từ cô gái bên kia giậu mồng tơi, cắt thành những miếng vuông, một nửa lăn qua mè muối, một nửa lăn qua cốm xanh. À, cốm này Người để dành từ độ thu rồi, gói vào một vuông lá chuối khô rồi để vào cái âu đất đặt cạnh cửa sổ mát lạnh hương khuya. Đậu ấy chiên giòn ăn kèm dưa giá muối xổi, gạo quê nghe như còn mùi đòng sữa, với những bát đĩa sành thô, không tròn trịa của khuôn thước, chiếc đĩa hơi vênh, ấy thế mà ai được hít thở một không khí trang nghiêm kẻ sĩ lạ thường. Cũng hợp lòng khi đọc thơ tuyết tâm sự cùng Người, …thôi, không nỡ hỏi vết thương bầm huyết, tuyết hòa âm rất mỏng rất xa…(NLV), bạch tuyết thi thì sao hảo vui. Thơ càng buồn thì cảm càng đã, xin lỗi, đây là chữ của một bạn thơ. Muốn trang nghiêm quạnh quẽ với đông hàn sĩ kia phải sắm sửa mình với cái buồn, …chỉ nỗi buồn mới thực của ta, riêng (Du Tử Lê).

Dường như trải dài miền cỏ thơm Anh Vũ đến tận ao tắm mùa hạ kia, tôi nghe lời phiêu du Thôi Hiệu, trong khói sóng trời chiều hương quan hà xứ thị **… Cõi vắng vẻ Bạch Vân vang lên những lời thơ nôm đáp lại, ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ người khôn người đến chốn lao xao… Làm sao để theo được lời dạy của Người, đi giữa cõi lao xao bằng một tâm vắng vẻ an tịnh? Và tôi thấy hai người thơ ấy, rượu đến cội cây, ta sẽ uống/ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao…

Coi như đã đi qua một vòng thời gian xuân hạ thu đông… rồi xuân. (à, bạn có coi phim này chưa?)

thêm một mùa thời gian…,

Nghe nói nhiều rằng, ta phải quên đi thời gian, đồng ý thôi, nhưng sao phải quên khi bản chất của nó là qua đi ? Theo định nghĩa ở Wikipedia thời gian là thuộc tính của vận động, và chỉ có một chiều duy nhất quá khứ hiện tại, đến tương lai (có chiều ngược lại không nhỉ). Thời gian đối với riêng tôi là một dòng chảy mộng ảo, mặc chiều đi tới, chẳng cần biết khi nào thì con người khám phá ra con đường đi ngược, mỗi khi chiếc chuông cảm xúc reo là cảm thấy những điều đã hay chưa thuộc về nó, thời gian. Thưởng thức nó như, đi đường xa, uống một ly nước đầy cho đến cạn, một hơi.

Dặn dò đừng nặng lòng với quên, nhớ, nó đến, nó đi, nó ở, cứ sẵn lòng mà đón, rồi đưa, thôi thì, hoài niệm, hay giấc mơ, là điểm nào đó của đêm hôm qua, sáng ngày mai, ngày kia, kìa… Ai đó đã nói ý rằng, người ta thật sự không quên điều gì cả, chỉ có là mỗi lúc người ta biết cách đối xử hơn với những điều đã qua. Tôi tin mỗi lúc ấy là mỗi nhẹ lòng đi và biết rõ giá trị của phút giây đã sống.

Trong dòng chảy ảo mộng ấy, có những thăng giáng tình cờ, để nẩy một nốt nhạc thời gian không chuẩn thang âm. Lửng lơ. Đó là lúc tấm gương trong suốt của thời gian long lanh dưới chân, soi tỏ bước tôi đang đi, rạng rỡ: Phương đông hẹn nên chân trời rất khác/ Thao thao con đường kể chuyện hôm nay…

Đó là lý do tôi rủ bạn đẩy cánh cửa ký ức, bạn thân thiết của tôi. Tôi tin nơi cuối trời cánh diều ước mơ sẽ đặt vào bàn tay chúng ta sợi dây lộng gió ngày cũ, chỉ cho chúng ta biết cõi hẹn của ngày mai. Và chúng ta yên tâm với những bận bịu của phút giây này, trả ơn thời gian đang làm cho chúng ta vui sống, hôm nay.

Trên thềm nhà tôi đọng thẫm nước mưa, những cánh mai rụng như bèo dạt, và trên cành vẫn đang nở tiếp những nụ vừa hé hồi tinh mơ, Hôm Nay đấy.

Đáng lý tôi đã tạm biệt bạn để đi với ngày đang đến.

Nhưng ông thầy dạy anh văn vừa kể cho tôi nghe một tai nạn giao thông của một cô gái 23 tuổi, khi cảnh sát điều tra hiện trường thì biết trong điện thoại của cô, cái text cuối cùng là cho người yêu với bốn chữ xxxx (có nghĩa là nụ hôn). Một cái chết trong những phút cuối với những nụ hôn gửi trong máy (cõi trời mung lung?) thật nao lòng người. Tôi sững sờ trước hình ảnh vừa bi thương vừa đẹp não nùng của hạnh phúc. Một tích tắc ác mộng đưa cô vào vĩnh viễn thời gian một giấc chiêm bao bất tận những nụ hôn với người yêu. Ai nói mùa xuân sẽ tàn, ai cho là thời gian sẽ qua, có một mùa xuân ở mãi với đất trời qua thông điệp của hạt bụi ngây thơ ấy.

Cho dù có rất ít điều đẹp đẽ trong cuộc đời đi nữa (huống chi là chúng ta đã có nhiều), thì thời gian cứ ảo mơ chở chuyên những đến, những đi, những ngẫu nhiên tình cờ, cho ta được sống, được lặp lại cảm xúc, được nuôi nấng cảm xúc, để sẵn sàng với một ngàn lần hơn, những dự báo bất an của ngày mai.

Xin mời cạn chén mùa xuân với bao nhiêu hương vị, Cá Tháng Tư, Easter, Phật Đản, Ngày của Mẹ, Ngày Của Cha, Memorial Day, Flag Day…, rồi sẽ, bạn thân ơi, Hạ thưởng California lộng lẫy nắng vàng.

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
( Santa Ana)

ĐINH CƯỜNG, MỘT LINH HỒN TRONG SUỐT ĐANG BAY

nguyenthikhanhminh

Như một nén tâm hương tưởng niệm Họa Sĩ Đinh Cường, vừa ra đi ngày 7 tháng 1 năm 2016 (lúc 9 giờ 40 giờ miền đông Hoa Kỳ).

Trong Suốt Như Khí Trời -ngôn ngữ của Khuất Đẩu- Tôi đang nhìn qua một áng mây như vừa chợt xanh. Một ánh nắng vừa chợt vàng ửng lên sau cơn mưa. Một chiếc lá vừa run rẩy hạt mưa trên cành rụng xuống vô thanh. Một làn gió vừa chợt thổi nhẹ nhẹ, cuốn nước mắt tôi tan theo. Và tim tôi vừa lẫy một nhịp nghẹn. Phải Người đó không? Nụ cười mỉm, nhẹ với lấp lánh ánh nhìn, giọng nói chậm, mỏng như mây nên có cánh níu gần lại những thân tình. Tất cả đều trong suốt với linh hồn đang bay lên kia, bây giờ tôi mới càng thấy rõ cái tận đẹp của vô hình này của Khuất Đẩu, và tôi như nhìn thấy rất gần, rất sáng, một linh hồn đang bay, phải Người đó không? Đang trong suốt trong từng hạt lệ của anh em bạn bè…
Sáng nay, trời Santa Ana cũng đã thôi lay động sau những ngày mưa dầm, mới có chút thời gian để đọc e-mail ngày 7 tháng 1 lúc 20:51 của anh Nguyễn Quang Chơn với subject Đinh Cường, Một Người Khiêm Tốn, Nhân Hòa Và Độ Lượng, đọc mới chỉ tới… anh quí trọng, chăm chút tuổi trẻ…, thì phone reo, và Ngọc Sương với giọng nặng chĩu, ngắt quãng, khánh minh ơi thầy Đinh Cường mất rồi, tôi hốt hoảng, ai, một cái tên được lập lại để rồi tôi như bị đẩy chìm xuống một không khí ngàn cân, giống y hệt cảm giác một đêm cuối năm mùa đông 2012, cũng giọng như từ sương mù vọng tới của Ngọc Sương, -anh Trương Thìn đi rồi khánh minh ơi-, -khánh minh ơi thầy Đinh Cường mất rồi-. Ngọc Sương ơi, cái phút giây im lặng ấy sao mà dài mà hút mình vào trống không đến vậy, như đang lửng lơ không trọng lực. Từ mùa đông năm ấy đến mùa đông năm này, giờ đã là một điểm. Thấy như anh Trương Thìn đang ngả mũ đón nụ cười chúm chím nhân từ Đinh Cường, Ô hay đấy bến đây bờ thong dong… (thơ Trương Thìn). Một điểm chập chùng lệ của kẻ ở… Nhớ, nhớ… Thầy Hoàng Quốc Bảo, vừa nhắn tin, “KM ạ, bây giờ là lúc nhiếp tâm mạnh mẽ niệm Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.” Vâng, niệm nhưng sao mà nghe rõ tiếng trầm trầm dội vào tim đau quá. Tôi nhìn chiếc ghế dựa trắng trước cái TV trong phòng khách, họa sĩ ngồi đó, mùa hè năm ngoái, cùng với anh Lữ Quỳnh, Thành Tôn, và nhà tôi, ngồi xem world cup, tiếng cười nói ấy đang bay về đâu, mùa hè ấy giờ đã kiếp xưa của người rồi…Tôi nhớ cái hiu hắt lạnh mùa thu của buổi tối gặp gỡ do anh Nguyễn Xuân Thiệp từ Dallas sang khoản đãi, ánh sáng vàng ấm tỏa xuống chiếc bàn tròn bạn hữu, họa sĩ ngồi đó, bên cạnh tôi, nụ cười mỉm, nhẹ như một mảnh thuyền cong đang trôi trên con sông rất dài, rất hẹp nơi quê nhà, và tôi bất chợt thấy một vùng sáng sau lưng người ánh xanh như một bức tranh người vẽ về bầu trời thành phố, xanh tha thiết nỗi hoài hương, tranh của người luôn tỏa cái xanh khắc khoải ẩn dụ giấc mơ trong những cánh chim ngược gió, trong những gợn sông u hoài… Bao giờ cũng vậy, khi nhìn tranh của người, tôi ngắm rất lâu và tôi thấy mình xuyên qua màu xanh ấy để nghe vọng về từ bầu trời, từ dòng sông, từ những cành cây khô, âm âm tiếng thơ. Một tiếng thơ nhạy cảm, cô độc, trữ tình, khi một mình đối diện trước khung vải, thử gạch một đường xem tới đâu… (thơ Đinh Cường), khi đọc câu thơ này tôi như vừa bước hụt một cái, nó hẫng mênh mông, tới vô biên vô tận, hay vừa vặn một nhịp đập như gió thoảng của trái tim bi cảm?
Ôi! Giờ này bên bờ nguồn cội hẳn người đang cúi xuống dòng trong để bắt gặp lại hạt lệ bao lâu rồi viễn xứ…

Thử gạch một đường xem tới đâu*
Xa như cuối trời vừa đóng lại
Vắng như đêm vừa mở giấc mơ bay

Bay cuối dòng gặp bạn ngồi trông
Tiếng đàn rung gợn âm chín suối
Một màu xanh ngát ngát hòa âm

Âm vỡ tiếng cười rền rền sương khói
Người nghe chút nhớ tuyết mùa xưa
Con đường ấy đã một lần đứng lại

Cột dây giày, ngó mông trời ly viễn
Thở hơi ra ngụm khói tàn mau*
Con chim hót giọng khan ngày nhuốm bệnh

Ngó lên trời hạt nước mắt ai bay
Bay theo màu xanh thơm mùi cọ
Có mùa đông khóc tiễn trong mây

Ngó xuống ngày vàng xao xác lạnh
Mơ ai cào lá ngoài sân đêm*
Bay bay lên những linh hồn lá mỏng

Nghe một mình bóng ai đâu đây
Tôi bưng mặt. Mùa đông qua lồng lộng
Nghe đất trời vừa gần lại, hôm nay…

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Santa Ana, Ngày 9 tháng 1 năm 2016

*Thơ Đinh Cường: người vẫn đi trong chiều rất lạnh / đèn xe chóa sáng ngược về đâu / người đứng nghỉ cột dây giày lại / thở hơi ra ngụm khói tàn mau…
*Cào Lá Ngoài Sân Đêm, tên một tập thơ, tranh Đinh Cường