NHẶT LÁ VÀNG

 

 

Chiếc lá vàng khô rụng xuống rồi!
Trong mùa thu tới có ai hay?
Khi em khẽ nói lời chia biệt.
Là lúc chiều buông ánh nắng phai.

Thuở ấy đường xa tiễn gót người
Sao em không thể đợi ngày mai?
Rồi ngày liên tiếp, ngày sau đó,
Se sắt buồn thương suốt cả đời.

Một thoáng trầm tư nhặt lá vàng.
Ngậm ngùi nghe gió lướt mênh mang.
Tiếng cười văng vẳng từ năm cũ,
Vọng mãi ngàn thu em biết chăng?

Tôn Nữ Thu Nga

10/10/2019

Advertisement

ĐƯỜNG LÊN NÚI NGỰ

 

Vết xe lăn buồn đưa ai về núi
Có con ngựa già mắt dõi xa xăm
Hai lão nông phu lê thêm cuốc xẻng
Một mụ o già lửng thửng theo chân.

Trên một khoảng đường mưa như rãi đậu
Nhảy múa tưng bừng trên ngói rong rêu
Của một vương triều xưa như giấy mục
Sơn phết hoàng kim áo mão tiêu điều.

Con ngựa cúi đầu trên đường thiên cổ
Trí óc mịt mù nhớ những năm qua
Cất vó tung bay giữa trời sương gió
Đồi cỏ rừng hoang xuân hạ mấy mùa.

Bánh xe lăn buồn đưa ai về núi
Bỏ lại phía sau giấy bạc giấy vàng
Bỏ lại phía sau tháng ngày oan nghiệt
Chiều xuống lạnh lùng giữa đám mây tan.

Bánh xe lăn buồn đưa ai về núi
Những hạt bụi vàng rơi rớt mông lung
Con ngựa gầy còm đang đi nước kiệu
Đưa tiễn linh hồn về cõi hư không.

Tôn Nữ Thu Nga

Miền Trung Tây Mỹ Quốc

Người Mỹ rất thích đi du lịch, phần nhiều ai cũng có một danh sách trong trí hoặc viết ra những nơi mình muốn thăm viếng trên thế giới rồi từ từ thực hiện ước mơ ấy trước khi từ giã cõi người. Danh sách này họ gọi là “bucket list”. Bucket list dài hay ngắn, đầy hay vơi là tùy theo tài chánh, sức khỏe và tánh ưa mạo hiểm của cá nhân. Người Mỹ được an hưởng hòa bình khá lâu nên hầu hết ai cũng có niềm ước mơ được viếng thăm nhiều nơi trên thế giới.
Ngày còn trẻ sống tại Việt Nam, mặc dầu tánh phiêu lưu mạo hiểm đã có trong tâm hồn nhưng cái “ bucket list” của tôi nó ngắn lắm vì còn trẻ, không có tiền lại bị ba mẹ còng chân. Niềm ước ao của tôi là được đi Sài Gòn chơi; tuy chỉ cách Nha Trang 434 km, thế mà trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi (kể cả lần chạy giặc) tôi chỉ được ngao du thành phố “Hòn Ngọc Viễn Đông” có bốn lần; thăm Đà lạt là một giấc mơ chưa thành tựu cho đến khi tôi được về dưới danh nghĩa Việt Kiều.
Từ ngày di cư sang Mỹ, “bucket list” của tôi dài hơn, dài thêm và dài gần như bất tận. Vì rứa thành ra ngay sau khi sanh thằng con út năm 1976 được bốn tháng, hai vợ chồng tôi bắt đầu cuốn gói bế hai đứa con đi chơi. Dĩ nhiên là ngoài những ngày lễ; chúng tôi nai lưng làm việc để chờ ngày đi chơi tiếp.


Có những tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ chúng tôi chưa từng đến vì không phải là chốn phồn hoa đô hội. Vì thế, sau khi du ngoạn hết 40 tiểu bang khác nhau( không kể những tiểu bang chúng tôi thăm viếng nhiều lần như Hawaii, Florida, Texas, Oregon, NewYork và vùng Đông Bắc vì cảnh đẹp hoặc được bạn rủ rê), lần này, sau khi chúng tôi đi họp khóa Hải Quân Thiên Xứng 2 tại Chicago, tôi dành ra thêm 8 ngày để chu du các tiểu bang vùng Trung Tây Mỹ Quốc.
Thuê chiếc Nissan Murano tại phi trường O’ Hare, hai vợ chồng tôi và cô em gái hớn hở bắt đầu chuyến du hành.

Theo quốc lộ 80 về hướng tây, chúng tôi chạy ngang những thành phố nhỏ như Nettle Creek, Morris, Mineral, Edford, Coal Valley… hai bên đồng ruộng mênh mông, các cây bắp non mới mọc lên chừng nữa thước. Trời xanh thẩm, mây trắng bềnh bồng như bông gòn. Các trang trại ẩn hiện sau chòm cây xanh lục và các nhà kho sơn đỏ viền trắng thật xinh rải rác trên sườn đồi.

Đến một công viên bên bờ sông tên Rock River – nhánh nhỏ tách ra từ Mississipi River –dòng sông xinh đẹp và mát mẽ. Xa xa có chiếc cầu bắt ngang, công viên là một bán đảo nhỏ giữa hai nhánh sông. Trên sông, người lớn cũng như trẻ em, bơi lội, câu cá hoặc phơi nắng. Bị quyến rũ bởi bóng mát của cây cối ven bờ và những con sóng lăn tăn đập nhẹ trên cát, tôi hối hả mang máy ảnh chạy xuống sông. Lúc ấy tôi chưa cảm nhận được nhiệt độ nóng và ẩm ngoài trời. Chỉ hai phút sau, đàn muỗi đói đánh hơi người, bay đến tấn công như vũ bão. Tôi mê chụp ảnh nên nhảy nhót vung văng, vừa đuổi muỗi, vừa quyệt mồ hôi, vừa chụp hình. Chụp được mươi cái hình thì hai bàn tay đã có cả chục vết muỗi cắn. Cô em tôi và ông xã tôi thì muỗi không thèm cắn!!! Sau khi yên vị trong xe, tôi nhìn ra những người khác đang dẫn chó đi bộ, tắm nắng, câu cá; kể cả mấy đứa bé Mỹ, bụ bẩm đi chập chững bên bờ sông nghịch nước, chẳng có ai đuổi muỗi hoặc tỏ ra nóng nực chi hết???

Trên đường, chúng tôi ghé qua thành phố Daventport bên sông Mississipi. Đi dạo trong công viên Centennial chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm bên sông, xa xa là chiếc cầu chia đôi hai tiểu bang Iowa và Illinois. Trong công viên dưới bóng cây có bầy vịt Mallard lông màu xanh chen lẫn nâu đang nằm ngủ. Trên giòng sông, một đàn chim bồ nông trắng lượn lờ vây đuổi cá. Nhìn vào con đường dẫn lên phố, hai bên treo những chậu hoa màu sắc rất dễ thương. Cạnh bờ sông có bảng hiệu tiệm phở, chúng tôi reo lên mừng rỡ nhưng nghĩ lại là mình chưa đói bụng nên đi thêm một quãng đường nữa để đến Coralville. Tối hôm đó chúng tôi được ăn phở tại “I love Phở”, do người Nhật làm chủ nhưng nấu cũng khá ngon, sau mấy ngày không được ăn thức ăn Việt, món gì có chút nước mắm là ngon rồi.

Sáng thứ hai, từ Coralville chúng tôi đi Iowa city. Thăm tòa nhà Capitol cũ nay trở thành “The University of Iowa Old Capitol Museum”. Viện bảo tàng đóng cửa ngày thứ hai trong tuần nên chúng tôi đi dạo quanh khuôn viên đại học để chụp ảnh, đuổi muỗi và lau mồ hôi. Dù vậy chúng tôi cũng thấy vui, Tuấn xách máy ảnh đi bộ loanh quanh, chụp hình các dinh thự, tôi và Dung chụp ảnh cho nhau làm kỷ niệm với tượng hình tốt nghiệp của anh chim cú khổng lồ. Trên đường đi Cedar Rapids, chúng tôi ghé thăm hồ Coralville và Hồ Macbride State Park. Đường vào hồ đẹp và thơ mộng; qua khỏi lộ chính với những căn nhà xinh xắn trên các ngọn đồi nhỏ thoai thoải, hoa cỏ xanh tươi; rẽ vào con đường nhỏ thấy có con nai vàng ngơ ngác trong sân nhà ai đó nên ngừng vài giây để chụp hình trước khi nai vàng phóng vô bụi rậm.

Cuối đường hiện ra bờ nước trong veo, quanh hồ cây cao bóng mát, có vài người chèo Kayak, xa xa có chiếc thuyền câu, ít nhất cũng năm hoặc sáu người ngồi nói chuyện và câu cá, xa quá nên tôi không nghe rõ nhưng thanh âm văng vẳng như tiếng Việt. Hai bà đầm Mỹ dẫn theo ba con chó bự, chúng nhảy tòm xuống hồ tắm rồi chạy lên rảy nước lung tung. Có một bà điều khiển cho con chó của mình lao xuống hồ để anh Tuấn chụp hình nên anh thích lắm, cười hỉ hả quên cả chuyện lái xe mệt nhọc. Cảnh hồ thơ mộng mát mẻ, tôi chụp ảnh một gia đình đi câu cá ngồi bên mô đất dẫn ra hồ, khung cảnh đầm ấm và thanh bình.


Lái thêm 15 dặm trên xa lộ 380 qua Cedar Rapids, thành phố đông dân thứ nhì của Iowa (131,000 dân) sau thành phố Des Moines. Chúng tôi ghé Czech Village để xem một thành phố có sắc thái đặc thù của người di dân. Thành phố này đang tổ chức một cuộc chạy thể thao, chúng tôi đi dạo trong làng ngắm cảnh và nhìn các lực sĩ thiểu não lê chân, mồ hôi nước mắt đầm đìa chạy qua từ bên kia cầu. Chúng tôi đứng bên đường hò hét vổ tay khuyến khích. Vào một tiệm cà phê bánh ngọt tên là Sykora Bakery, chúng tôi ăn kem vừa mát vừa ngọt trước khi cất bước lên đường.

Từ Cedar Rapids chúng tôi qua Des Moines, thủ phủ Iowa. Từ trên xa lộ, tòa nhà Capitol hiện ra với tháp vàng chạm trổ rực rỡ nên cứ nhắm hướng ấy mà chạy. Giờ này nắng gắt và nóng. Chúng tôi đậu xe đối diện khuôn viên, băng qua đường đi vào chụp ảnh. Cô Dung ngại nắng, tìm bóng cây bên đường đứng ngắm cảnh vẩn vơ. Tòa dinh thự này thật đẹp, xây năm 1871 tới 1886 mới xong. Gồm có một tòa tháp chính và bốn tháp phụ. Một phần tháp chính đang được tu sửa lại.Đây là một điện Capitol độc nhất có 5 tháp trên toàn nước Mỹ. Capitol ngự trị trên ngọn đồi thấp thoai thoải nhìn xuống thành phố Des Moines, chung quanh tòa dinh thự là bậc cấp, đường đi rộng rãi khang trang, những bồn hoa Iris, và Alium màu sắc hài hòa, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Capitol và thành phố.

Gần ba giờ trưa, chúng tôi đến thành phố Winterset. Winterset là một thành phố thuộc quận Madison, tiểu bang Iowa. Thành phố này là nơi tài tử John Wayne được sanh ra, có căn nhà nhỏ của cha mẹ ông, còn cả các đồ nội thất của thời ấy. Căn nhà gổ màu trắng có bậc cấp đi lên và hàng hiên bao bọc, có mấy cây hoa mẩu đơn hồng, trắng đầy hoa dựa bên thềm. Vòng qua con đường chính là viện bảo tàng John Wayne. Vì rất ái mộ tài tử gạo cội này nên anh Tuấn mua vé vào xem, trong khi tôi và Dung ngồi nghỉ ngơi trong phòng khánh tiết máy lạnh mát rượi.

Quận Madison được nổi tiếng là nhờ cuốn phim “The Covered Bridges of Madison County” do tài tử Clint Eastwood và Meryl Streep đóng vai chính. Đây là chuyện tình thơ mộng và ngắn ngủi của một nhiếp ảnh gia và một người nội trợ sống trong làng. Hậu cảnh là những chiếc cầu mái lợp của quận hạt Madison.

Cầu thứ nhất chúng tôi đến là Hogback covered bridge. Cầu màu đỏ bắc ngang con rạch cạn, cây cối um tùm. Quang cảnh vắng lặng xanh tươi, lâu lâu mới có chiếc xe chạy ngang tung bụi đường mù mịt. Ngoài chúng tôi ra, còn thêm vài ba du khách từ miền xa tới, có một cặp lớn tuổi cũng qua thăm từ vùng bắc California. Dạo quanh vài ba phút, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm rồi ra đi, tránh sự nóng bức của một buổi trưa uể oải. Tôi chỉ muốn tìm một bóng cây, ngồi trong yên tỉnh, ngắm cảnh tịch mịch hoang vắng quanh mình, ngắm nhìn chiếc cầu cô liêu bên giòng nước; hiện diện như một chứng tích của thời gian.
Khi đến được Cedar covered bridge thì chúng tôi hoàn toàn thất vọng, cây cầu không còn nữa mà chỉ còn những đống gổ cháy ngỗn ngang. Tìm hiểu với dân địa phương thì mới biết là cầu bị đốt cháy, can phạm đang chờ ngày truy tố và chính quyền sắp xây lại cây cầu mới. Tiếc thay cho những hành động phá hoại của những kẻ không biết tôn trọng chứng tích lịch sử. Rời Cedar Bridge chúng tôi đến Cutler Donahoe Bridge xây năm 1870. Cầu này bên cạnh công viên. Cây cỏ xanh tươi cắt tỉa gọn gàng nhưng khung cảnh không được thơ mộng, thăm viếng vài phút, chụp vài tấm ảnh xong chúng tôi vội vã ra đi.
Chúng tôi đến Holliwell Bridge dễ dàng vì dọc đường luôn có bảng chỉ dẫn, ngoài ra tôi còn theo dõi được con đường xe chạy và vị trí xe mình qua Google map để khỏi lạc đường, vậy mà có lúc hai vợ chồng cũng nổi khùng cãi nhau chí chóe.

Cầu Holliwell bắt qua giòng sông Middle River. Sông nhỏ, nước màu xanh bùn, nhưng dân quanh vùng đến đây thả thuyền Kayak. Khi chúng tôi đến đây, một nhóm thanh niên thiếu nữ đang sửa soạn ra về; người nào cũng rám nắng, bê bết bùn lầy nhưng tinh thần rất vui vẻ cởi mở. Cảnh nơi đây đẹp nên chúng tôi dừng lại lâu hơn, đi xuyên qua cầu, rảo bước trên con đường mòn, hai bên là rừng cây bóng mát. Chụp ảnh hai bên ngạn sông rồi mới ra đi. Định đi thăm cầu Imes nhưng xa quá, sợ trời tối không đi thăm được cây cầu Roseman nên tôi chuyển hướng. Cầu Roseman là cây cầu chính trong phim “The covered bridges of Madison County”. Thời tiết thông báo sắp sửa có mưa giông trong vùng càng làm tôi lo sợ. Nhưng có điều an ủi là cầu Roseman rất gần tỉnh lộ 92 về hướng Omaha, nơi chúng tôi sẽ nghỉ qua đêm. Tôi hy vọng thăm cầu Roseman xong, trời sẽ mưa và chúng tôi có thể lái xe về Omaha trong cơn mưa.


Dọc theo đường đi, tôi mãi ngắm bầu trời chiều, mây bồng bềnh vừa trắng vừa xám, thay đổi liên tiếp theo chân mưa, thỉnh thoảng mặt trời lộ diện sau mây, tỏa những tia sáng xuống cánh đồng. Tôi bảo Tuấn đó là God light, một ánh sáng được nhiếp ảnh gia Robert Kincaid (Clint Eastwood) nhắc tới trong phim. Tôi không ngờ khi du hành qua vùng này mình cũng được thấy God light (Godlight là những tia hào quang dùng làm hậu cảnh cho những tấm hình tôn giáo). Thấy tôi náo nức muốn chụp ảnh, dù thời gian gấp rút, anh Tuấn rộng lượng cho tôi 2 phút bước ra khỏi xe để chụp vài tấm ảnh.

Đến Roseman bridge vào khoảng 6pm. Trời còn sáng, có cô nhân viên thủy lâm ra hỏi chúng tôi có muốn vào thăm trung tâm bán hàng trước khi cô đóng cửa. Sợ thiếu ánh sáng và mưa sắp đến nên chúng tôi từ chối. Trong khoảng hơn hai mươi phút quanh quẩn tại đây, chúng tôi chụp hình kỷ niệm bằng máy điện thoại rồi thêm hình nghệ thuật phong cảnh bằng máy chuyên nghiệp.

Cầu Roseman cũng màu đỏ thẩm, bắt qua giòng lạch như các cây cầu khác nhưng vị trí đẹp hơn. Phía sau cầu không có đường nối dài vì cánh đồng cỏ xanh bít lối. Cuối cầu, nhìn xuống lạch nước tôi thấy một nhánh cây lớn mắc cạn gần bờ. Ánh mặt trời chiều yếu ớt chiếu xuống dòng nước tạo thành một bức tranh tuyệt vời, tôi hối hả chụp cơ hội bấm máy ảnh liên tiếp, chỉnh ánh sáng lia lịa tùy theo từng góc cạnh. Ánh chiều thường xuống thật nhanh nên khi tôi gọi anh Tuấn đến thì mặt trời đã chui mất sau mây. Thấy có ai để lại cây bút marker lớn, chúng tôi cũng bắt chước các du khách khác viết tên mình làm kỷ niệm trên tấm vách trắng hai bên cầu.

Mưa bắt đầu rơi khi chúng tôi chụp ảnh xong (như tôi dự đoán), lật đật thu vén máy móc, chúng tôi nhảy lên xe trực chỉ Omaha trong tiếng sấm đì đùng và ánh chớp chói chan trên trời quê lồng lộng.
Ngủ qua đêm tại Omaha, sáng hôm ấy chúng tôi ra bờ sông Mississipi thăm Heartland of America Park, đến khu vực Lewis & Clark Landing , chụp hình kỷ niệm tại Monument To Labor. Từ đó, chúng tôi qua cầu Bob Kerrey. Cầu này chỉ để cho bộ hành và xe đạp. Cầu bắc ngang qua sông Mississippi chia đôi tiểu bang Nebraska và Iowa. Chúng tôi đi bộ qua cầu, vừa đi dạo vừa chụp hình. Giữa cầu có bảng chia hai tiểu bang, mọi người ai cũng ngưng lại chụp ảnh, một chân bên này, một chân bên kia.

Tuy Omaha có nhiều nơi cần thăm viếng nhưng vì thời gian eo hẹp, chúng tôi chỉ lựa những địa điểm thăm viếng nhanh chóng và có ý nghĩa trong lịch sử và địa lý. Chạy xe vòng qua khu vực the Old Market cho biết thôi chứ chúng tôi không phải là những người thích mua sắm nên không dừng lại. Tìm được Pioneer Courage Sculpture Park chúng tôi đậu xe bên lề đường Capitol để vào xem. Vừa đi vài bước, có người đàn ông da đen mặc quần áo rất lịch sự, nhìn tôi hỏi:” Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy những pho tượng này?”- Không muốn bị gài vào một cuộc tranh luận dài giòng về chính trị hoặc xã hội với người lạ, tôi trả lời:” Họ là người di dân như chúng ta và ai cũng phải trãi qua những kinh nghiệm và thời gian khó khăn lúc ban đầu để tạo lập một cuộc đời mới”. Nói xong, tôi chào ông và bước lên gần những pho tượng để chụp hình. Trên ngọn đồi thoai thoải, các tượng đồng đen mô tả hình ảnh những người tiên phong, di cư qua miền Tây bằng xe bò, xe ngựa. Các chi tiết điêu khắc tỉ mỉ và trên khuôn mặt các hình nhân, diễn tả được cảm xúc rất chính xác. Gần trưa nên nhân viên văn phòng các cơ sở quanh phố bắt đầu ra công viên đi bộ hoặc ăn trưa, các cô vừa đi bộ vừa chuyện trò vang rân, các ông chăm chú nhìn điện thoại hoặc nói chuyện trong lúc ngồi ăn trưa trên băng đá công viên.

Rời công viên, chúng tôi qua Saint Cecilia Cathedral thăm viếng một thánh đường được ghi nhận là “National Landmark” vì sự huy hoàng , đẹp đẽ trong cách kiến trúc. Nhà thờ xây gần 50 năm mới xong (1905-1955) và đến 1980 thì được chọn là “National Landmark”. Vòm nhà thờ rất cao, trang hoàng thanh nhã, tỉ mỉ nhưng không rườm rà hình ảnh như Sistine chapel bên La Mã, ánh sáng dọi vào nội điện từ các cửa sổ kính hoa trên vòm cao và ánh sáng từ khu vực bàn thờ soi rõ con đường từ cửa đi vào, nền gạch hoa bóng loáng. Sau hai bức tường gian phòng chính, trổ ra những gian phòng phụ để làm riêng từng phòng nguyện nhỏ, những lối dẫn vào nhà nguyện cũng trang hoàng thật đẹp. Tôi đi quanh quẩn tha hồ chụp ảnh, vì giờ này không có lễ. Ánh sáng huyền ảo khắp nơi làm hình ảnh rất nhu hòa. Quay ra phía trước tôi chụp hình đàn organ vĩ đại chiếm nguyên cả balcony. Tầng phía dưới là cửa vòm chính và hai cửa sổ vòm hai bên có hai bình hoa lớn trang trí. Cả ba cửa ửng màu vàng và xanh trong ánh sáng âm u, màu sắc thật tương phản.

Trên đường qua Ashland, trời đang mưa nhưng tôi chụp được ảnh con gà Tây đi bộ. Sống nơi thành thị, khi thấy con gà tây thì nó đang bị đông lạnh hoặc ngồi chểm chệ trên bàn ăn, trang hoàng rực rở cho buổi tiệc Thanksgiving. Con gà này được đi dạo nhởn nhơ trên đám cỏ xanh, cái mào đỏ chói và bộ lông đen rất đẹp.

Đến Lincoln chúng tôi vào khách sạn, nghỉ ngơi vài giờ xong chúng tôi gọi nhau đi kiếm tiệm ăn.Tìm được một khu buôn bán nhỏ nhưng khá mới tên là “Saigon Plaza”. Khu vực này có chợ Việt Nam, có tiệm làm móng tay, bảo hiểm, và tiệm “Phở Factory”. Tiệm ăn rất đẹp, sạch sẽ, trang hoàng tân tiến và nghệ thuật, nhân viên thân thiện, dễ mến. Tôi gọi một phần bánh xèo, và trố mắt nhìn khi cái bánh xèo to bằng cái mâm được dọn ra trước mặt. Sau bữa ăn, nhân viên tiệm chỉ đường cho chúng tôi chạy qua thăm khu phố chính của Lincoln.

Đến đường K và 14th, chúng tôi ngừng xe bên lề của khu vực Nebraska State Capitol. Tòa dinh thự xây trên đồi thấp thoai thoải cỏ xanh mướt, đỉnh tháp có tượng hình người rải hạt bắp gọi là “the sower”. Hình nhân cao 19 bộ, tượng trưng cho nền nông nghiệp của Nebraska và cũng dùng làm cột thu lôi cho dinh thự này. Mặt tiền của State Capitol có pho tượng lớn của Abraham Lincoln. Bên kia đường, nhà thờ công giáo Saint Mary màu trắng, hai tháp đen vươn lên trên bầu trời hoàng hôn. Buổi chiều nơi đây êm ả, đường phố vắng vẻ, thỉnh thoảng có chiếc xe chạy hoặc vài bộ hành. Trước State Capitol có một chiếc xe cảnh sát đậu, thấy vậy chúng tôi yên tâm quanh quẩn chụp ảnh trong bóng chiều dù không hiểu tình hình khu vực như thế nào.

Hôm sau, chúng tôi đi xem” The sunken garden” vì chị em tôi ai cũng ưa trồng hoa cả. Bây giờ đang cuối mùa xuân, cây lá, hoa cỏ vẫn tươi tốt mặc dù khí hậu nóng nực và ẩm ướt. Tôi rất thích những đóa hoa súng (Victorian Lilies) trắng, vàng, hồng đỏ; tha hồ chụp cận những đóa hoa xinh tươi, các pho tượng và đài phun nước.

Trên đường đi về hướng Saint Louis, vì còn sớm nên chúng tôi ghé qua Indian Cave State Park rộng 3,052 mẫu đất. Công viên này thuộc hai tiểu bang Missouri và Nebraska, chia đôi bởi giòng sông Missouri. Điểm chính để viếng thăm là hang động cổ ngay giữa công viên. Xe chạy qua nhiều di tích lịch sử nho nhỏ của làng St. Deroin, nay đã bỏ hoang, chỉ còn lại khu nghĩa trang nhỏ, vài dấu hiệu chỉ địa điểm đến phố cổ, vùi dập trong cây lá vì lụt lội phá hoàn toàn gần hết. Trời nóng và ẩm thấp, mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh biếc. Sau khi trèo khoảng 50 bậc thang lên xem động, chúng tôi bước ra bờ sông Missouri chụp ảnh giòng sông trong vắt phản chiếu cảnh vật tuyệt đẹp.


Sông Missouri và Indian Cave

Khi biết chúng tôi dự tính đi chơi miền Trung Tây nước Mỹ, nhiều người ngạc nhiên hỏi: Mấy vùng đó có gì để mà xem?!? Có vài lý do tại sao chúng tôi đi chơi miền này: tôi muốn nhìn những cánh đồng mênh mông, trang trại giữa cảnh bao la, trời xanh biếc có đầy mây trắng; những nhà nuôi ngựa và súc vật trên đồi cỏ; tôi muốn nhìn hoàng hôn và những đám mây vàng, cam, đỏ giăng giăng cuối chân trời. Tôi lại muốn nhìn thấy những thành phố nhỏ, không gian thanh bình như trăm năm xưa, tôi muốn nhìn những giòng sông lặng lờ trôi, đem nước nuôi dưỡng những cánh đồng vô tận. Thêm vào đó là các kiến trúc cổ, xây từ những năm đầu lập quốc và Saint Louis Gateway Arch nằm bên bờ sông Mississippi. Giòng sông chia biên giới cho hai tiểu bang Missouri và Illinois và đây cũng là những tiểu bang cuối cùng của nước Mỹ tôi cần thăm viếng để làm cho đầy cái “bucket list” của mình.

Trên đường đi Missouri, Tuấn muốn ghé thăm Topeka, thủ phủ của tiểu bang Kansas. Hôm nay là ngày lể Memorial nên State Capitol mở cửa cho thăm viếng. Nội điện lớn rộng huy hoàng, kiếm được thang máy, chúng tôi lên tầng cao nhất nhìn xuống, chóng mặt nhưng cũng ráng chụp vài tấm ảnh. Trong những tầng lầu khác có thượng viện tiểu bang, phòng thống đốc tiểu bang và nhiều văn phòng làm việc. Chung quanh các vách tường và hành lang, những bức tranh và các pho tượng chiếm nguyên từng bức tường lớn, cảnh dân, quân, xe, ngựa … thời lập quốc. Trên đỉnh tháp có pho tượng người chiến binh Kaw, thổ dân da đỏ, tay cầm cung nỏ hướng về phía sao Bắc đẩu theo câu châm ngôn “Ad astra per aspera”(To the stars through difficulty- hoặc nôm na là cố vượt mọi khó khăn để đến một phương trời cao rộng ? ). Kansas Capitol là tòa dinh thự có vòm cao hàng thứ hai trong 38 tòa Capitol trên nước Mỹ.


Chạy quanh quẩn trong phố một lúc, chúng tôi ghé lại Old Prairie Town thăm Ward-Mead Park Botanical Garden. Đây là một khu vực rộng 2.5 mẩu, gồm có các nhà xưa (1891) và căn biệt thự Ward-Meade được tu sửa và bảo tồn. Tôi đi quanh khu vực, xem các toa tàu lửa, xe ngựa, căn nhà nhỏ xíu làm trường học, nhà thờ. Trong tiệm bán thuốc Potwin Drugstore có bán nước ngọt và kem lạnh. Trên lầu là phòng mạch bác sĩ và nha sĩ…Mua kem và nước, chúng tôi ra sân, ngồi dưới bóng cây, ăn trưa trong khung cảnh tịch mịch. Tưởng tượng như mình đang hiện diện trong thế kỷ trước.

Trên đường về Saint Louis, ngang qua Kansas city chúng tôi chạy quanh xem thành phố. Phố cũng khá lớn và vui nhộn với nhiều bộ hành, vì chúng tôi đi ngang phố chính, gần đường 16th. Thành phố Kansas nằm giữa hai tiểu bang: Kansas và Missouri. Chúng tôi thuê phòng ngủ phía bên tiểu bang Kansas.


Tôi có người anh họ đang sống tại St. Charles. Anh Bảo và chị Tiên mời khi nào qua St. Louis thì đến nhà anh chị chơi. Nhân dịp qua đây, chúng tôi dành ra 3 ngày để đến thăm viếng thành phố St. Louis và ngụ tại căn nhà xinh xắn của anh chị tại St. Charles (hướng Tây Bắc, cách St. Louis 24 dặm). Anh chị có hai cô con gái, Kaitlyn đang học đại học Minnesota, Courtney đã ra trường nhưng sẽ đi qua Prague để học thêm trong một ngôi trường rất nổi tiếng về ngoại giao. Hai cô bé rất xinh và giỏi, tuy mới gặp chúng tôi lần đầu mà các cô đối xử rất thân tình. Những ngày ngụ tại nhà Bảo và Tiên, chúng tôi không muốn họ mất giờ làm việc nên đi chơi riêng. Anh Tuấn lái xe giỏi, còn tôi cũng làm hướng dẫn viên du lịch khá rành (vì đã du lịch nhiều và có thêm google map để tra cứu).
Ngày nào đi chơi về, chúng tôi cũng được ăn những buổi cơm tối thật ngon, các món ăn Ý mới lạ do Bảo nấu (Bảo nấu giỏi như một gourmet cook). Có một buổi chiều, chúng tôi cùng nhau đi ăn tại Fritanga, tiệm ăn Nicaraguan- Tôi đã đi Nicaragua mấy lần rồi nhưng khi ăn tại tiệm ăn này, tôi thấy thích hơn vì họ nấu rất ngon-nhất là vấn đề vệ sinh thì bảo đảm hơn là ăn uống tại ngoại quốc trong khi du lịch.
Tại St. Louis, chúng tôi có dịp đi chơi sở thú – miễn phí, chỉ phải trả tiền đậu xe- trời hôm ấy rất nóng bức, chúng tôi mua vé lên xe lửa, chạy vòng quanh thảo cầm viên, thăm mấy con chim hồng, penguin và polar bear rồi ra đi. Tìm được tiệm ăn Việt tên Mai Lee để ăn trưa. Thức ăn khá ngon, nhân viên phục vụ tốt, tiệm sạch sẽ nên đông thực khách.

Xế trưa, đi qua thăm St. Louis Arch, một địa danh nổi tiếng của St. Louis chúng ta thường thấy trong các quảng cáo du lịch hoặc postcard và cũng là một nơi chúng tôi muốn thấy từ lâu. Tìm được chổ đậu xe tại Laclede’s Landing, chúng tôi đi bộ xuống khu phố cổ, một di tích lịch sử bên bờ sông Mississipi, cạnh Gateway Arch. Sông Mississipi chia ranh giới cho hai tiểu bang Missouri và Illinois.

Từ Laclede’s Landing, chúng tôi đi qua Gateway Arch, vừa đi vừa chụp ảnh mấy cây cầu bắc qua giòng sông , ven sông có công ty du lịch chở khách đi ngắm cảnh bằng trực thăng.
Gateway cao 630 bộ, khó chụp ảnh khi đến quá gần nên chúng tôi đứng từ xa và phải dùng ống kính rộng để thâu ảnh. Công viên quanh Gateway rất lớn, cây cỏ xanh tươi. Dưới chân Gateway Arch có viện bảo tàng, thêm xe kéo chở lên đỉnh tháp nhưng vì mệt và nóng, tôi an phận nằm dài trên bãi cỏ, dưới hàng cây im mát, lim dim nhìn trời ngó đất, ngẫm lại cái thân phận nhỏ bé của mình, duyệt lại những giấc mơ rồi cảm thấy hân hoan sung sướng vì những giấc mộng nho nhỏ cưu mang trong đời mình được thành tựu, và cảm thấy hồn nhẹ tênh như đám mây trắng cô đọng trên đỉnh Gateway kia. Rồi như mây, tôi sẽ bay đi, tìm một nơi nào khác trên thế giới để thăm viếng tiếp.

Sáng hôm sau, trời xám xịt, mây đen vần vũ, khí hậu ẩm ướt và có mưa giông. Buổi sáng chúng tôi ở nhà, nghỉ ngơi, chuyện trò và xem Bảo nấu ăn. Tôi ôm cây tây ban cầm của Kaitlyn, ngồi bên cửa sổ dạo mấy khúc nhạc vừa mới sáng tác, nhìn vẫn vơ ra sân, nghe tiếng gió thổi lao xao qua cành cây ngọn cỏ, tạo thêm âm hưởng mới cho bản nhạc vốn đã buồn man mác của mình. Xế trưa, trời sáng hơn, những đám mây nặng trỉu đã rủ nhau bay về hướng mới, chúng tôi đi qua Old Town St. Charles ngắm cảnh. Main street market place khá lớn, du khách không nhiều có lẽ vì buổi trưa oi ả. Vòng xe ra phía bờ sông, chúng tôi vào thăm công viên Frontier cạnh bờ sông Missouri.

Công viên rộng 16 mẩu đất, có đường đi bộ, xe đạp dọc ven sông, có farmer market, và sân khấu trình diễn nhạc. Trong công viên có tượng của hai nhà thám hiểm Lewis, Clark và chú chó Seaman cao 15 bộ. Chung quanh tượng trồng hoa màu trắng và hồng. Có hai bà đầm dắt chó đi dạo trong công viên, họ có con chó giống hệt như bức tượng chó Seaman. Con chó nhảy vọt lên ngồi trên tảng đá dưới chân tượng, tôi vội vả chụp tấm ảnh ngộ nghỉnh vì hai con chó rất giống nhau.

Hôm sau từ giã gia đình Bảo, để về lại Chicago, trên đường chúng tôi đi ngang qua Springfield, thủ phủ tiểu bang Illinois. Thăm thành phố, chụp vài tấm ảnh tòa Capitol, các pho tượng, nhà thờ cổ rồi về lại Chicago trong một buổi chiều nắng vàng rực rỡ.



Tại khách sạn Four Points gần phi trường O’hare, bước vào phòng khánh tiết, tôi và Tuấn nhìn nhau. Tuy không nói nhưng cả hai đều buồn; nhớ lại những ngày hội họp bạn bè vui vẻ mới tuần trước nay đã xa vời vợi. Bạn bè thân yêu đã bay mất về phương trời của họ, không biết sau này có còn gặp lại nhau? Hôm tiệc hội ngộ, tôi hát một bài tựa đề là “Nha Trang Kỷ Niệm” tôi viết tặng cho Hải Quân khóa 19- Thiên Xứng II. Vì tất cả các anh và nhiều chị đã từng học và sống tại NhaTrang. Câu kết của bài hát là:” Thương Nha Trang, một chiều nắng hanh vàng. Hải Âu buồn gọi bạn thiết tha hơn”. Phải chăng chúng ta đều là những con chim hải âu gọi bạn, và tiếng gọi càng thiết tha hơn trong những năm gần cuối cuộc đời?
Thế là xong một chuyến du hành nữa; sau bao nhiêu năm trả nợ áo cơm, bây giờ tôi chỉ muốn thong dong đi chu du thiên hạ, tìm những gì mình chưa biết và chưa thấy để thỏa mãn giấc mộng hải hồ. Ngày mai, về lại California, hòa nhập vào đời sống bình thường, về lại với nghiệp văn chương,ngồi trước máy vi tính, gỏ gỏ trên bàn phím, kể lại chuyện mình. Hy vọng chia sẽ cho mọi người một niềm vui nho nhỏ nếu bạn chịu khó để tâm trí mình đi theo những dấu chân lang bạt của tôi, và nhìn vào những tấm hình trên để thưởng lãm vài sắc nét đặc thù của miền trung tây Mỹ quốc.

Tôn Nữ Thu Nga – San Dimas, California- July 18, 2018

Trái Chà Là

Mỗi giai đoạn trong thời thơ ấu của tôi, tôi đều giữ lại trong trí óc mình nhiều điều đáng nhớ và dăm ba điều không đáng nhớ.

Ngày xưa, tết là một dịp rất vui vẻ thích thú và đáng nhớ của tôi.  Giữa tháng Chạp là ba tôi đi mua nhiều chậu hoa cúc, thược dược và vạn thọ. Ông sắp chúng hai bên thềm dẫn lối vào nhà, màu hoa rực rỡ dường như làm cho mọi người nói nhiều, cười nhiều hơn một chút. Dĩ nhiên là ông cũng có thêm một cành mai vàng hoặc hồng đào cắm trong một cái bình sứ khổng lồ. Tôi thường nhìn cành hoa khi mới đem về, chằng có gì đẹp đẽ cả. Chúng khô khan gầy guộc, chơ vơ khẳng khiu; vậy mà ba tôi lại thích lắm, vào ngắm, ra ngắm; đôi khi ngồi rung đùi, mắt mơ màng, nhậu ly rượu đế với khô mực. Những khi ấy, tôi cũng lân la bên cạnh ông, nhón bớt mấy sợi mực khô, nhai bỏm bẻm vì mấy cái răng sún, vểnh tai nghe giọng ông ngâm thơ nho nhỏ và lỏ mắt ngó cành cây gầy guộc của ông mà không hiểu ông đã nhìn thấy gì trong những cành cây xấu xí ấy. Bẵng đi mấy hôm, tôi chợt thấy những búp hoa nho nhỏ, điểm trang các cành cây như hạt cườm. Ba hân hoan ra mặt, trầm trồ: “Chà, cành ni nhiều búp quá, chắc mai mốt nở ra đẹp lắm, năm ni nhà mình hên!”.Tôi cũng hớn hở trong lòng, vì tôi nghĩ rằng “hên” có nghĩa là tôi sẽ được nhiều tiền lì xì trong ngày tết. Niềm vui tết của ba là những nụ hoa xuân, câu thơ, câu đối, chén thù chén tạc với bạn bè. Niềm vui tết của mẹ là chuẩn bị thực phẩm cho cả gia đình, lo cho các con và nhiều thành viên khác trong gia đình được no ấm. Mẹ tôi, với nét mặt dịu dàng, yên tịnh như bà tiên luôn mang về cho tôi sự an bình.

Mẹ tôi làm dâu người Huế. Các bà dâu Huế thường là những người giỏi về thủ công gia chánh. Không giỏi cũng thành giỏi vì sống trong những gia đình hoàng phái giổ chạp rất nhiều. Hầu như tháng nào cũng có giổ; những ngày đặc biệt ấy tôi thích lắm vì được xem các cô xúm nhau nấu ăn, làm bánh. Người lớn ai nấy đều bận rộn nên tôi được tự do, chạy quanh quẩn bên các quầy bánh trái. Có cô nhét vào tay tôi mấy hạt sen, có cô cho trái táo, có thím cho viên bánh đậu xanh và dạy cho tôi cách bẻ lá dừa làm hộp bánh su sê…Nhớ những ngày tháng ấy, tôi chỉ muốn đi ngược lại thời gian để hưởng lại những ngày thơ vui sướng của mình.

Nhờ những lần giổ chạp trong gia đình, mẹ tôi trở nên rất khéo léo trong việc làm bánh mứt. Cả tháng trước tết bà đã bắt đầu làm mứt me, dừa, khoai, chùm ruột…

Khi đi chợ mua me xanh, mẹ muốn tôi giúp bà lựa mấy trái me mập và ít quăn queo, mua khoai thì ruột phải thật đỏ, dừa phải lựa thứ dày cơm. Nhà tôi có trồng một cây chùm ruột thật lớn, chua lè nhưng trái to và mập. Tôi được phần việc trèo cây hái trái vì ốm nhom và nhanh như con khỉ! Tôi không làm gãy cành hoặc té cây như mấy cô người làm. Các cô bưng mấy cái rổ lớn, đứng dưới gốc chờ đón những chùm trái tôi vừa hái. Mứt me và mứt chùm ruột làm rất công phu nên mẹ thường làm nhiều để dành làm tặng phẩm. Nhờ lăng xăng bên mẹ, tôi cũng học hỏi được nhiều điều quý giá để xử dụng khi cần trong đời sống hiện tại.

Tôi nhớ rằng chỉ có một vài món mẹ cần mua như hạt dưa, trần bì, cam thảo và một gói mứt chà là. Trong gia đình tôi, không ai thích ăn chà là cả, ngoài bà vú. Năm nào mẹ cũng nhớ mua riêng cho Vú một gói trái chà là khô.

 

Mẹ tôi có người vú em. Chúng tôi gọi là bà vú. Bà ngoại tôi thuê vú là về để cho mẹ tôi bú khi mẹ tôi vừa mới sinh ra. Bà ngoại người ốm yếu, không đủ sữa nuôi con. Khi bà ngoại chết đi sau ba lần sinh đẻ thì bà vú trở thành người thay bà ngoại để săn sóc mẹ tôi, cậu và dì. Ông ngoại tôi không tục huyền, sống đơn độc với dì tôi cho tới lúc mãn phần. Bà vú cũng đi theo mẹ tôi cho đến hết cuộc đời của bà. Khi mẹ tôi đi lấy chồng, bà đi theo săn sóc mẹ và bà trở thành bà vú của tôi khi mẹ tôi sanh ra tôi trong túp lều tranh, cạnh bụi tre xanh bên dòng sông Trà Khúc Quảng Ngãi khi ba tôi trốn khỏi vùng cộng sản  để về lại Huế .Tôi được sanh ra trong cảnh nghèo nàn túng quẩn nhưng đầy tình thương yêu của ba mẹ và bà vú.
Chính ba mẹ và bà vú đã nâng niu bảo bọc tôi, đã lặn lội trốn tránh cộng sản bằng cách đi bộ, băng suối, xuyên rừng để đưa nhau về miền tự do vì ba tôi không muốn bị bắt đi tập kết.

Mẹ kể rằng ba tôi may một tấm lưới muỗi chung quanh cái nón lá, người nào ẳm đứa bé mới sinh thì đội cái nón ấy để chống muỗi mòng. Tuy vậy ba tháng sau, ròng rã đi bộ về tới được Đà Nẵng, các cô tôi cười khì, ẳm đứa bé ra nhìn và kêu tôi là con mọi!

Khi “con mọi” và gia đình về vùng tự do rồi thì chẳng còn gì để lo buồn nữa. Ba tôi được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho  làm việc lại nên khi tôi lớn lên tại Huế và theo cha mẹ đi các tỉnh khác làm việc thì đời sống khi thịnh khi suy cũng là chuyện bình thường. Điều tôi ghi nhớ mãi trong lòng là chuỗi ngày có bà vú sống bên tôi.

Bà vú theo mẹ tôi có thể từ tuổi ba mươi. Tôi đoán vậy vì không bao giờ biết được. Bà lớn lên trong nghèo khó, không được học hành, không biết ngày sinh của mình nhưng bà có lần nói với tôi là bà tuổi con gà.Tôi cũng tin rằng bà sinh năm con gà vì tánh cách bà giống như con gà: chắt chiu, cẩn thận, kiên trì…nhưng có một đặc điểm quý giá nhất đối với tôi là bà yêu thương tôi nhất. Ngày còn trẻ, bà bỏ quê, gửi con mình cho người khác giữ để vào làm vú nuôi mẹ tôi, ở với mẹ tôi suốt đời và vì thế tôi trở thành đứa cháu ngoại bà không bao giờ có. Có cái gì ngon nhất, đẹp nhất bà đều để dành cho tôi, bà bênh vực tôi khi tôi bị ba mẹ la rầy, bà khóc khi tôi bị ba tôi quất lên mông những lằn roi mây rướm máu vì tội lêu lổng, ngổ nghịch, không nghe lời cha mẹ. Bà cho tôi mấy đồng bạc quý báu hiếm hoi của bà để tôi ra quán xép mua kẹo dừa, kẹo dẻo. Những lần mẹ tôi biết được bà đều trả lại tiền cho vú và dặn tôi không được lấy tiền của bà. Thế nhưng vì tôi có tánh ma đầu biết cách lợi dụng các tình thế thuận lợi cho mình nên cứ có kẹo ăn hoài mà không cần xin xỏ mẹ!

 

Tôi biết mẹ tôi cũng yêu thương bà như mẹ đẻ và bà là cánh tay dựa cho người mẹ ốm yếu của tôi trong 37 năm trời. Bà là người điều hành công việc nhà cho mẹ, bà phân phát tiền chợ cho người nấu bếp hàng ngày. Bà trông nom và giữ trật tự từ nhà ra ngõ và còn là quan tòa xử án cho các vụ kiện tụng xào xáo giữa những cô làm công việc giữ em.  Nhớ nhất là nhiều buổi trưa hè, dưới bóng cây vải, bà ngồi chuyện vãn với các cô tôi và hàng xóm, tôi cũng nằm co trong lòng bà hay ngồi trên đùi bà lim dim nghe những mảnh đối thoại trên trời dưới đất của họ, mơ màng trong tiếng gà trưa, ngái ngủ trong tiếng ve ve râm rang trên tàn lá. Hàng tháng bà gửi tiền công về Quảng Ngãi nuôi con, mẹ tôi gọi con bà vú là chị Chanh. Tôi có thấy chị Chanh vào Nha Trang thăm một lần, lúc ấy chị đã lớn. Tôi chỉ là con bé lẩn quẩn bên bà vú, xem chị cũng như các người lớn họ hàng, lâu lâu từ nhà quê ra thăm để xin tiền ba mẹ tôi về mua gạo, mắm, áo quần cho gia đình họ. Bây giờ lớn lên, tôi bỗng có nhiều suy vấn và xúc cảm về tình cảnh những người dân nghèo, sống trong xứ mà mẹ tôi gọi là: chó ăn đá, gà ăn muối”, những người đàn bà phải lìa xa gia đình, ra phố thị để làm những công việc khó khăn kiếm sống hoặc kiếm tiền nuôi chồng bệnh, con thơ. Rồi còn những đứa trẻ con khác, thiếu tình mẫu tử, phải đùm bọc lẫn nhau hoặc nương nhờ họ hàng, xóm giềng. Có em thiếu may mắn còn bị hành hạ, đói khát vì không có mẹ chúng kề bên… Thuở ấy, tôi là một trong những đứa bé may mắn mà tôi đâu có biết gì!

Ban đêm, hai chị em tôi ngủ với bà vú vì mẹ tôi có thêm hai đứa con trai nên phải ngủ với chúng nó. Đôi khi chúng tôi không chịu nhắm mắt ngủ mà vòi vĩnh bà kể chuyện cổ tích hoặc chuyện ma. Chuyện ma thì rùng rợn lắm, chúng tôi sợ ma, nhắm nghiền mắt, hai đứa hai bên ôm sát cánh tay bà và ngủ mất không hay. Năm tôi hơn chín tuổi thì sức khỏe bà bắt đầu kém hẳn: bà hay bị bệnh nên ngủ riêng trên cái giường nhỏ gần cửa để khi mẹ làm việc bên ngoài, mẹ có thể nhìn thấy vú. Tôi lúc ấy rất sợ hãi nên ít khi mon men đến gần, chỉ đôi khi bị mẹ sai đem nước cho bà vú. Tôi pha nước, lẳng lặng để xuống cái bàn nhỏ cạnh giường rồi len lén đi ra. Bà trông thật tang thương, tóc bạc phơ thưa thớt, da nhăn nheo mềm nhão. Cánh tay êm ấm ngày nào tôi ôm ấp gối đầu nay chỉ còn da bọc xương. Mẹ lo thuốc thang cho bà, khi hết thuốc Nam đến thuốc Bắc rồi thuốc Tây. Thuốc nào cũng không làm bà hết bệnh, bà nửa mê nửa tỉnh. Khi mê bà nói lảm nhảm những câu lăng nhăng khó hiểu, khi tỉnh bà đưa đôi mắt mờ đục, vô hồn nhìn ra phía mẹ tôi ngồi, môi mấp máy gọi mẹ tôi “chị Hương…chị Hương..”. Không có gì xé buốt tim tôi mỗi khi tôi nhớ lại bà vú; trong những cơn mê sảng đau đớn nhất của bà, lời gọi rõ ràng nhất và khẩn thiết nhất là: “Nga ơi…Nga ơi…” Trong sáu tháng trước khi bà chết, trong nỗi đớn đau tột cùng của cơ thể, bà luôn luôn gọi Nga ơi, Nga ơi! Và vì tôi chỉ là đứa bé mười tuổi, tôi đã bịt tai, chạy qua nhà hàng xóm hoặc nhà ông ngoại để trốn chạy những thanh âm buồn bã kêu gọi mãi tên mình.

Từ đấy tôi không thích tên tôi nữa nhưng tôi không thể nào đổi tên hoặc Mỹ hóa tên mình để trốn chạy những mảnh quá khứ, để tìm quên những âm thanh tuyệt vọng còn vang vang mãi  trong lòng.

Tôi vốn không bao giờ ăn trái chà là khô vì không thích ăn ngọt. Hôm nay đi chợ Costco, thấy có bán trái chà là khô trong hộp nên tôi mua. Mang về nhà, pha thêm một bình trà Ô Long. Tôi ngồi bên cửa nhìn ra sân, mưa xuân phơi phới bay trên những cành lan tươi thắm. Tết đã qua mấy tuần rồi, hôm nay thật sự là tết của riêng tôi. Một mình trong xuân mới, hoài niệm những xuân xưa. Cắn trái chà là ngọt, nhấp một hớp trà thơm, tưởng nhớ những người thân yêu giờ đây xa vắng. Mân mê trái chà là da dẻ nhăn nheo nhưng ngọt ngào mật dẻo, tôi tưởng như ngón tay thơ dại của con bé mười tuổi nay lại mơn man một lần nữa trên gò má nhăn nheo của bà vú, để tôi được trọn vẹn nói câu cám ơn và từ biệt.

Tôn Nữ Thu Nga
San Dimas, California. Tháng hai, 27, 2018.

Đêm mưa bên hồ Hulala

 

Sau sáu giờ ngao du sơn thủy từ Johanesburg, thành phố lớn và giàu nhất của South Africa. Chúng tôi đi về hướng đông tới Lake Hulala. Charles, người tài xế kiêm hướng dẫn viên, lái chiếc xe van vào con đường gồ ghề nhỏ hẹp. Hai bên đường, cây cối rậm rạp, đôi khi cành  lá quẹt vào cửa kính xe. Ngoài trời nắng nhẹ, độ ẩm vừa phải, mùi hương cỏ lá đồng quê thoang thoảng dễ chịu. Lâu lâu, có con chim lạ đậu trên cành cây hay bay vụt lên từ các bụi rậm, Charles giảm tốc độ xe, chỉ cho chúng tôi xem và nói cho chúng tôi biết tên loài chim ấy. Ông Charles có kiến thức rất sâu rộng, trong suốt buổi hành trình, ông diển giải tất cả mọi đề tài, từ chính trị, xã hội, lịch sử, nhân văn, địa chất và sinh vật học. Tôi học được nhiều điểm thích thú sau vài hôm lắng nghe ông nói chuyện.

 

Theo quốc lộ N12 và N4 từ Johanesburg về hồ Hulala, các cây bên đường đơm hoa rực rở, màu hồng tươi khoe sắc dưới bầu trời xanh. Tôi vẩn vơ tưởng tượng tới căn nhà trọ mình sắp đến, tôi nghĩ đến một cây hoa tưng bừng nở rộ trước hiên nhà. Tôi không ngạc nhiên nhiều khi xe chạy vào khuôn viên khách sạn, một cây hoa hồng thắm chào đón tôi ngay trước khách sảnh, con đường lát đá xanh rêu ngoằn nghèo dẫn đến từng căn nhà nho nhỏ lẫn khuất sau cây cỏ xanh tươi. Cây đại thụ trong vườn dang ra những cánh tay dài ngoằn như chở che cho những căn nhà xinh xắn. Không gian tình tứ, thân mật và quá đổi yên bình. Các chú khỉ chuyền cành, tò mò nhìn đám người mới đến, chúng gọi nhau khèn khẹt rồi đuổi nhau trên các mái nhà thâm rêu.Trong lúc chờ đợi số phòng, tôi bước ra sân nhìn qua đồi cỏ xanh, cuối bãi cỏ là mặt nước bạc phẳng lặng. Tiếng cười khúc khích, tiếng khuấy nước nhè nhẹ từ chiếc thuyền đạp trôi chầm chậm giữa hồ thật êm đềm thích thú.

 

Khí hậu nơi đây hơi oi ả và độ ẩm cao làm ai cũng rướm mồ hôi, tuy vậy sau khi đưa hành lý về phòng, tôi vớ cái máy ảnh lặn lội theo con đường đất ven đồi đi xuống mé nước. Thấy có chiếc thuyền không khóa, tôi giao máy hình cho người bạn, cùng Mỹ Tiên trèo lên thuyền. Mới đầu chưa biết điều khiển, chúng tôi bị chuyển hướng loạn xạ, thuyền chạy điên đảo vòng vèo,vừa sợ lật thuyền vừa cảm thấy tình huống khôi hài, chúng tôi cười nắc nẻ làm cho thuyền càng thêm lạng quạng. Tới khi có thêm chút kinh nghiệm, chúng tôi nhẹ nhàng đạp thuyền ra giữa lòng hồ. Thật là vui và sảng khoái khi được trôi bềnh bồng trên mặt hồ xanh êm. Chung quanh hồ, các rặng đồi thấp, bao phủ bởi cây sồi đen hoặc rừng thông xanh ngát. Gió gờn gợn mát trên mặt nước, thổi khô những giọt mồ hôi trên trán, trên môi, cô bạn nhỏ thích quá không muốn trở về.

 

Trên bờ, các nhiếp ảnh gia nhắm vào chúng tôi chụp hình lia lịa. Chúng tôi vừa đạp thuyền vừa gắng cười duyên vì nếu nhăn nhó lỡ hình mình bị ai đưa lên mạng thì lúc ấy xin khóc luôn.

Chán đạp thuyền, tôi lên bờ thơ thẩn đi chụp ảnh. Chốn này hoa thật thắm, lá thật xanh, chim lạ hót vang trong bụi. Trên cành mấy con khỉ nhảy nhót ngộ nghĩnh, chụp ảnh các chú khó hơn là chụp ảnh cho tụi trẻ con. Vùng này vừa mới mưa, những cơn mưa cuối mùa hạ cũng ngắn ngủi như mùa hoa phượng tím, buổi chiều hôm nay cũng ngắn như những buổi chiều đẹp khác trong đời. Theo màu thiên thanh mời mọc của hồ bơi, tôi cất máy, thay áo tắm, một mình chơi đùa, bơi lội trong hồ. Thân thể và tâm hồn bổng nhẹ như đám mây trôi trên trời chiều chốn đồng quê vắng lặng của xứ Nam Phi, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và an bình.

 

Khi mặt trời bắt đầu xuống bên kia đồi , tôi vội vã về lại căn nhà nhỏ của mình để tắm gội, thay áo dài tay và quần dài để đi ăn vì sợ bị muỗi cắn. Bước vào nhà, thân thể tôi đã nhũn ra vì thư giãn, tôi vô phòng tắm, thấy chỉ có cái bồn tắm bèn trèo vào. Bồn tắm nhỏ xíu và tôi loay hoay làm sao đó mà nguyên cả cái phòng tắm nước tràn ướt nhẹp, tôi lầm bầm nguyền rủa cái khách sạn chết tiệt, không có chổ tắm vòi sen. Vớ tấm khăn  bông lau khô tóc , tôi nhìn vào tấm kính soi mặt, giật mình, nhìn kỹ lại lần nữa rồi từ từ quay ra sau. Tôi bật cười, và tôi không thể nào nín cười được nữa vì ngay sau lưng mình là một căn phòng kính thật rộng với một hệ thống vòi sen tối tân mà vì lật đật, tôi đã không nhìn thấy. Trên đường đi ăn tối, tôi vẫn còn cười, cười một mình trong bóng tối, chút xíu nữa là đạp trúng con nhái ngồi chóc ngóc giữa đường.

Đêm xứ này tối đen như mực,  tinh tú long lanh như kim cương, tôi lắng tai nghe tiếng sột soạt của mấy chú khỉ, tiếng côn trùng tỉ tê trong bờ cỏ rậm, tiếng tí tách của những hạt mưa còn sót từ cơn mưa nhẹ buổi xế.

Xuyên qua các căn phòng âm u , vắng lặng của gian nhà chính, theo tiếng động của muỗng nĩa chạm nhau, tiếng lanh canh của cốc thủy tinh chuốc rượu, tôi vào phòng ăn. Mọi người chắc cũng vừa yên vị, Tuấn vẫy tay kêu gọi tôi đến ngồi cạnh bên anh. Dưới những ngọn nến, ánh mắt anh nhìn tôi trìu mến, anh biết tôi lại đi thẩn thơ mơ mộng đâu đó. Chị nữ tu Maria trong phim “the sound of music” vì mơ mộng và ham chơi nên hay bị đi trể vào giờ cầu nguyện! Tôi, một linh hồn lang bạt, trể ăn tối vì muốn ôm ấp hương hoa của South Africa hoang dã.

Nửa khuya hôm ấy, nằm nghe đàn khỉ chạy ào ào trên mái ngói, nghe mưa rào đổ xuống dạt dào trên cành lá, tôi thiếp ngủ  dưới tấm mùng lưới trắng phất phơ, trong tiếng quạt trần, quay đều đều . Tiếng mưa, tiếng quạt, tấm mùng thưa đã đưa tôi về lại quê hương và ru tôi ngủ say sưa như ngày thơ tôi nằm bên cạnh mẹ. Chỉ có khác một điều là bây giờ tôi đang nép sát vào người bạn đường. Gần sáng, tôi chợt bàng hoàng tỉnh giấc, cảm thấy tim như quặn thắt, đang mơ màng nhận thức quang cảnh mới, tôi cảm thấy anh đang ôm mình, tay anh vổ về dịu dàng như dỗ dành em bé: Đừng khóc nữa, tại sao em khóc vậy? Tôi đưa bàn tay sờ lên má mình đẩm ướt, không biết rằng mình đã khóc trong mơ!

Tôn Nữ Thu Nga

Lake Hulala – Mpumalanga- South Africa .Tháng 3, năm 2014.

Giáng Sinh



Mùa đông gió buốt tái tê
Lùa qua song cửa não nề chiều nay
Mục đồng quanh lửa sum vầy
Thấy ngôi sao lạ chuyển xoay trên trời
Cùng nhau lặn lội khắp nơi
Kiếm tìm và gặp một đôi vợ chồng
Ủ hơi ấm một nhi đồng
Mấy con cừu nhỏ vây quanh chỗ nằm.

Đó là chuyện cũ ngàn năm
Chúa con xuống  thế cõi trần ngày xưa…
Bây giờ cũng đã lập đông
Gia đình sum họp vui mừng nửa đêm.
Có ai thầm lặng nhớ thêm
Chúa sinh trong cảnh nghèo hèn tối tăm
Máng cỏ không có đèn giăng.
Đói lòng không có cổ bàn phủ phê.
Gió sương dào dạt tái tê
Nửa đêm một ánh sao khuya lạnh lùng
Hát câu “đêm thánh vô cùng”
Lắng im nghe tiếng muôn trùng hòa ca.

TÔN NỮ THU NGA

Có những lúc…

có những lúc thèm mặt trời
trong bóng tối cuộc đời người
có những lúc chờ đợi hoài
tìm đâu thấy ánh sao rơi
nhắm đôi mắt, ngậm nụ cười
ta yên giấc dưới ngàn cây
nghe tiếng gió từ sườn đồi
lặng lẽ hôn lên đôi môi.
có những lúc thèm mặt trời
đem hơi ấm cho tim tôi
cho tôi biết nên yêu người,
tuyệt vời như người yêu tôi
có những lúc tôi hy vọng
trong những ngày không có nắng,
trong những đêm không có sao,
trong những mảnh hồn lao đao,
một giọt nắng rất ngọt ngào.
có những lúc thèm mặt trời
gom ánh sáng trên bàn tay
rồi thả nhẹ như đom đóm,
bay vào hồn ai đêm nay.
Tôn Nữ Thu Nga

Một chuyến lãng du

Sau hai tuần du ngoạn bằng thuyền qua Bắc Hải, chúng tôi bắt đầu chuyến đi riêng của mình: xuyên Âu Châu bằng xe lửa để đến địa điểm cuối là Paris trước khi về Mỹ.

Từ thuở nhỏ, mộng tang bồng bị gieo vào trí óc do cha tôi và những cuốn sách du ký, các cuốn báo”Thế giới tự do” ông mang về nhà cho con cái đọc. Vì thế, bây giờ có ai trách rằng tại sao tôi đi chu du thế giới mãi thì tôi đổ lỗi cho ông già. Lúc còn trẻ tuổi, tôi mơ ước một ngày nào đó, mình được đeo ba lô, nhảy xe lửa nhẩn nha trôi qua những con đường làng, những thành phố nhỏ của Châu Âu, tự do như một đám mây. Lần này, tuy không còn trẻ nữa, thế nhưng tôi cũng như một đám mây, lại phiêu bồng trong mùa xuân mới của Châu Âu.

Tallinn old town Estonia

Từ Copenhagen, tôi và Tuấn đáp xe lửa Deutsche Bahn Intercity Express về Hamburg. Xe lửa Âu Châu thoạt đầu thì có vẻ phức tạp vì trạm xe lửa tại các thành phố chính rất rộng lớn, chia ra nhiều tầng nhiều nhánh, có tầng toàn là tiệm ăn, tầng khác là các tiệm bán áo quần, mỹ phẩm, giày dép, đủ mọi thứ cho các bà ưa thích mua sắm. Ngoài những tầng khác còn dùng để đậu xe; đường rầy cũng nằm nhiều tầng khác nhau. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào những chi tiết trên vé hoặc ghé lại các quầy chỉ dẫn là bạn sẽ tìm được chuyến xe của mình, toa nào mình sẽ lên và cả số ghế nếu có đặt chỗ trước. Trong trạm xe có nhiều bảng điện tử liệt kê giờ giấc khởi hành, xe chạy đúng giờ nên hành khách không phải chờ lâu. Chỉ có những du khách như chúng tôi, khi nào cũng ráng đến sớm cho chắc ăn vì dù sao mình cũng đang đi thám hiểm xứ lạ quê người. Hành khách tại vùng Bắc Âu rất lịch sự, không dành nhau hoặc chen lấn, đàn ông tôn trọng phụ nữ nên hay nhường bước cho các nàng. Trái lại, thấy ông xã tôi hai tay kéo hai cái hành lý lớn, anh lúng túng khi phải bước xuống thang cuốn; một cô gái trẻ, da nâu, tóc vàng thật xinh đã khiêng hộ anh một valise. Dễ thương quá chừng!

Trên đường qua Hamburg, cảnh đồng quê thật xanh tươi vì đang mùa xuân, những cánh đồng vàng hoa Colza (hạt dùng ép ra dầu Canola) nở rộ xen lẫn giữa màu xanh của lúa mì hoặc các loại cây xanh đang đơm chồi nẩy lộc. Những cánh đồng Canola là phong cảnh của Bắc Âu và Đức xưa nay, ai cũng thích màu vàng tươi thắm này và nhiều du khách hay chọn mùa xuân để đi thăm cảnh đồng quê Châu Âu khi hoa rộ nở, cùng lần với các loại hoa xuân khác như hoa Uất Kim Hương, hoa Anh Túc, hoa Đỗ Quyên, Hoa Sơn lựu (Rhododendron), …

Cánh đồng xuân

Vì phải xuyên qua biển, tàu lửa chui vào một chiếc phà khổng lồ, trên phà có đường rầy, ngay bên cạnh những xe hàng lớn đã đậu sẵn. Vì sự an toàn, hành khách buộc phải lên tầng trên của phà 45 phút để hóng gió, ăn uống hoặc mua sắm nếu muốn. Tới giờ, họ sẽ báo hiệu cho khách trở xuống xe lửa để chạy tiếp. Tôi vác một cái ghế xếp, ngồi ôm máy ảnh, gác chân lên lan can phà, tha hồ chụp ảnh bến tầu lúc phà khởi hành rồi ung dung nhàn hạ chụp ảnh mấy con chim biển sà thật thấp trên đầu mong kiếm thức ăn. Chả mấy chốc, tàu lửa lại chạy ngang qua các cánh đồng rực rỡ, các thành phố nhỏ có từng khu nhà xinh xắn vây quanh một tháp nhà thờ cao vun vút. Chúng tôi ghé và ở lại Hamburg 3 ngày, sau đó lại ghé Cologne chơi 2 ngày. Đó cũng là những ngày rất thích thú mà tôi phải để dành cho một bài viết khác.

Từ Cologne, chúng tôi lên tàu Thalys để về Paris, xe chạy rất nhanh 300km giờ nên chỉ ba giờ mười lăm phút là tới Gare du Nord. Ngồi trên xe tôi cố gắng chụp ảnh những làng quê, các ga nhỏ và nhất là những graffiti đầy màu sắc trên các vách đá ven theo đường rầy, chỉ khi nào xe chạy thật chậm vào ga hoặc ngừng lại vài phút đón khách tôi mới có vài tấm hình rõ ràng, ngoài ra vì xe chạy quá nhanh, dù có để tốc độ máy thật cao tôi cũng bấm máy không kịp, mà có kịp chăng nữa thì hình ảnh cũng mờ nhạt, run rẩy!!!

Sau hơn ba tuần không được đi xe hơi riêng, chỉ thong dong như chim cánh cụt, hôm nay chúng tôi được chị Bích và anh Hóa ra tận ga đón về nhà. Ngồi trên xe cảm thấy thoải mái thật sự khi anh chạy ra khỏi trung tâm thành phố Paris. Khu vực quanh ga thật là hỗn tạp; người và xe cộ lúc nhúc ồn ào. Nghĩ tới chuyện bị phá hoại, tấn công, gài mìn lại càng bi quan nhiều về tình hình chính trị và người tỵ nạn tại xứ này. Trước ngày chúng tôi đi, con gái tôi lo lắng bắt viết xuống cả lịch trình của cha mẹ cho cháu cất giữ, có rủi ro gì còn biết ngã đi tìm. Chưa khi nào lũ con lại lo lắng như vậy khi chúng tôi lặn lội bốn phương trước những năm thế giới bị khủng bố, nhất là những biến động gần đây tại Âu Châu. Tôi và Tuấn thường hay biện luận rằng: nếu mình tới số thì ở nơi nào cũng chết cả, chi bằng được chết trong lúc mình đang sung sướng vui chơi.

Anh Hóa chở chúng tôi về nhà anh chị tại Torcy,nhà anh là chốn nương thân của chúng tôi trong 5 ngày tới. Torcy là một làng nhỏ về phía đông của Paris, cách trung tâm Paris 22km. Làng này có ngôi nhà thờ nhỏ rất xinh ngay giữa phố, bên kia đường là các tiệm cà phê, bánh mì, tiệm hoa… Trong làng có ba chợ Á Đông và tiệm ăn Việt. Tuy vậy, thức ăn ngoài tiệm không ngon bằng thức ăn Việt của chị Bích nấu ở nhà.

Nhà anh chị trồng rất nhiều hoa hồng, hoa tường vi và nhiều loại hoa đẹp. Hoa xuân nở rộ khắp vườn, có những cây hoa hồng đầy cả hoa, cao hơn hiên nhà, thơm ngát hương gió. Tôi cầm máy ảnh, len lỏi ngoài vườn tìm hoa để chụp; nào là mẫu đơn, uất kim hương, hoa chuông, tử la lan, hoa lồng đèn, hoa ti gôn, hoa quỳnh, hoa giấy, hoa cẩm tú cầu và hoa diên vĩ, hoa đổ quyên, hoa lưu ly tím và còn nhiều loại hoa đẹp không kể xiết, mọc len lỏi trong vách, khe đá, bậc thềm. Phía trước nhà có cây hạt dẽ và cây anh đào, trái anh đào còn nhỏ xíu, xanh bóng như viên ngọc bích.

 

Căn nhà tại thành phố Torcy

Vì chúng tôi đã thăm nhiều danh lam thắng cảnh của nước Pháp và thành phố Paris trong những chuyến đi trước, chuyến này anh Tuấn muốn dành thời giờ để thăm viếng các anh chị họ và tiệc tùng yến ẩm với nhau để ôn chuyện ngày xưa. Tôi thì muốn đi thăm các làng của mấy ông họa sĩ lừng danh nên chúng tôi lập một thời khóa biểu cho cả hai mục đích.

Buổi chiều thứ nhất, anh chị dẫn chúng tôi đi bộ ra phố uống cà phê. Tôi xách theo vài máy ảnh, trong túi có thêm cái điện thoại di động để chụp hình gửi liền cho lũ con. Ai cũng phải chờ tôi vì tôi vừa đi vừa mê mải chụp ảnh các con đường cây xanh chạy song song thật xinh, công viên mát mẻ có các vòm hoa tuyết cầu dễ thương và ngôi nhà thờ cổ kính. Chị Bích thích chụp ảnh nên không nề hà, chỉ có anh Tuấn là hay nhăn nhó vì sợ mụ vợ mình làm phiền mọi người… như thường lệ vì tánh đam mê chụp ảnh. Dùng giải khát xong, chúng tôi đi bộ về, vì thấy tôi mệt, anh Hóa và Tuấn thương tình đi nhanh về trước, lấy xe ra đón hai bà vợ.

Mấy hôm nay thời tiết ở đây trở nên nóng ấm, buổi tối chúng tôi phải mở cửa sổ vì cần hơi gió, may mà không có muỗi nên không bị cắn. Sáng dậy vừa mở mắt tôi nghe tiếng ong bay vù vù, thì ra có một chú ong vừa mập vừa đen xâm nhập vào từ cửa sổ, sợ quá tôi vớ tấm khăn trãi giường trùm kín lên đầu. Sau khi bay mấy vòng do thám, chú ong thấy không có gì hấp dẫn nên bay trở ra ngoài. Mừng quá, tôi vội nhỏm dậy đi đóng cửa sổ, nhanh nhẩu quá nên lăn tòm xuống nền nhà, may mà cái giường chỉ cách mặt đất nửa thước nên tôi hạ cánh an toàn và nguyên vẹn. Đóng được cửa sổ rồi mới ngồi xuống ôm bụng cười khì.

Dùng điểm tâm bằng cà phê, bánh mì baguette, fromage, pâté và bánh ngọt chị Bích mới mua từ tiệm bánh đầu đường. Thật ra thì bên nhà tại California chúng tôi cũng thường ăn như vậy nhưng có một điểm khác là phải lái xe đi xa mới có bánh mì nóng mới ra lò, còn không thì nướng lại bánh mì đông lạnh. Cái thú khác biệt là ở Pháp hoặc Đức, mình chỉ cần tản bộ chút xíu ra phố là được ăn sướng như …Tây!

Van Gogh ngày tháng cuối

Hôm nay chúng tôi đi Auvers sur Oise (làng Auvers trên sông Oise), cách Torcy 65 cây số. Làng Auvers hướng Tây Bắc, ngoại ô Paris, cách Paris chỉ 35 cây số. Địa danh này liên hệ với một số họa sĩ nổi tiếng. Người được nổi danh và nhắc đến nhiều nhất là Vincent Van Gogh. Một họa sĩ tôi rất ngưỡng mộ , tranh ông vẽ chưng bày tại nhiều Bảo Tàng Viện khắp thế giới và có nhiều tấm giá có thể từ 80 đến 150 triệu US dollars.

Thời gian ông sống tại Auvers Sur Oise chỉ 3 tháng cuối đời, trước khi ông tự sát vì bệnh tâm thần ở tuổi 37. Trong thời gian này, ông đã vẽ 77 bức tranh.Tôi muốn tới đây để nhìn ngắm tận mắt những quang cảnh Van Gogh đã nhìn thấy quanh làng trong tháng 5 cho tới tháng 8 năm 1890. Khoảng thời gian ông đã vẽ những bức tranh linh động và màu sắc rực rỡ nhất, khi ông đang ở trong trạng thái xuất thần tột độ trước khi kết liễu cuộc đời mình bằng các viên đạn bắn vào ngực, trên cánh đồng lúa mì. Hai ngày sau ông lìa đời tại phòng trọ của mình tại Auberge Ravoux , căn nhà số 8 Rue de la Sansonne. Trước nhà trọ là tòa thị chính của Auvers, cơ sở này đã được Van Gogh vẽ lại trong một bức tranh, đến bây giờ là 127 năm vẫn không thay đổi.


Bờ Tường Vi

Từ đường Sansonne, chúng tôi rẽ vào con lộ nhỏ thoai thoải dẫn lên đồi. Tôi sung sướng ngất ngây vì cảnh đẹp, mê mải chụp hình các vách tường rêu mốc cũ xưa, dọc theo chân tường. Hoa diên vĩ tím nở hoa màu tím đậm, tím nhạt hay ngả sắc hồng; gợi nhớ bức tranh Irises (Paul Getty Museum). Tôi hình dung người họa sĩ với mái tóc đỏ hoe, ngồi sau giá vẽ, vạch lên khung vải những lằn sơn mạnh mẽ thắm tươi để lưu lại cho đời một mùa xuân miên viễn. Tôi cũng đi trên con đường theo bước chân ông, nhìn ngàn hoa đua nở trong tháng năm, nhìn những bức tường loang lỗ phủ đầy hoa hồng để nhớ luôn cả câu “bờ tường vi…” trong bài ca “Hà Nội ngày tháng cũ” của Song Ngọc. Quá khứ bao giờ cũng tuyệt diệu, thế nhưng Van Gogh càng tuyệt diệu hơn khi ghi lại được những hình ảnh của quá khứ bằng màu sắc hiện thực với tâm tư sôi động của mình. Ngợi khen nước Pháp đã bảo tồn Auvers như trăm năm trước để ngày hôm nay tôi được chiêm ngưỡng những cảnh thật trong tranh.

Nhà thờ Notre Dame tại Auvers

Nhà thờ Notre Dame của làng Auvers ngự trị trên ngọn đồi thấp, tuy vậy đứng trong sân nhà thờ có thể nhìn ra xa quang cảnh phố, mái ngói cổ kính và dòng sông Oise nước trong xanh phản chiếu màu lá cây hai bên bờ. Căn nhà thờ này cũng hiện diện trong một bức tranh, màu sắc cũng tương tự như cảnh thật. Phía bên phải của nhà thờ, tôi thấy một vạt hoa Oải Hương màu tím nhạt, thơm nhẹ trong gió, mấy con ong bay nhảy trong đám hoa, tuy sợ ong chích, tôi cũng cố gắng chụp cận cảnh ong hút mật hoa. Sau khi bước lui ra xa, tôi chợt thấy có một khung cửa gỗ bạc màu sương gió, giữa bức tường loang lổ, vôi tróc khá hoang tàn, cạnh đó là một gốc hoa hồng xum xuê những đóa hồng nhạt và một vạt oải hương tím. Tôi vội vàng chụp vài tấm, vừa dùng máy chuyên nghiệp vừa dùng máy điện thoại di động. Tấm hình trong điện thoại là tấm tôi ngắm nhìn hoài, dù vui dù buồn, đớn đau hay giận dữ, khi nhìn vào tấm ảnh ấy, lòng tôi thường dịu lại ngay tức khắc, có lẽ nhờ màu sắc nhu hòa hay sự cô quạnh và đơn giản của tấm ảnh có khả năng xoa dịu tâm hồn mình. Họa sĩ Van Gogh ngày xưa dùng sơn và cọ, bây giờ tôi dùng máy ảnh, cùng ghi lại những bức tranh hoài cảm. Nếu Van Gogh sống trong hiện tại, có thể ông cũng vác máy hình đi lang thang khắp bốn phương trời như chúng tôi.

Ra khỏi khuôn viên nhà thờ, tôi rẽ qua phía trái. Trời bắt đầu mưa lâm râm, tôi ôm máy hình che trước ngực, rảo bước trên con đường nhỏ, hai bên là rặng cây xanh. Góc đường có tấm bảng chỉ dẫn hướng đi về phía mộ của Vincent và Theo Van Gogh (Theo là em trai của Vincent, người đã cận kề săn sóc anh mình nhiều năm cho đến ngày Vincent tạ thế – Theo cũng chết trẻ vì bệnh, mới 33 tuổi, sáu tháng sau Vincent Van Gogh). Theo con đường trước mặt, chúng tôi đi bộ trong mưa, lúc mưa nặng hạt, chúng tôi kiếm được một băng đá dưới tàng cây rậm ngồi lại trú mưa, lúc bớt mưa lại chụp ảnh cho nhau trên con đường mòn, hai bên là cánh đồng lúa mì còn xanh nhưng trĩu hạt. Vào thời điểm tháng 5 , 1889, Vincent Van Gogh đã vẽ bức tranh “Green wheat Field” và “ Wheat Field with Rising Sun”  tại St. Remy. Tháng bảy, khi lúa chín vàng, lũ quạ đen kéo về kiếm ăn tại cánh đồng lúa mì của Auvers là lúc Vincent Van Gogh vẽ bức tranh “Wheatfield with crows”. Trong tranh, đường mòn uốn cong giữa hai cánh đồng, trên đường cỏ còn xanh nhưng lúa mì đã chín vàng trong bầu trời mùa hạ xanh đậm, vần vũ vài đám mây trắng, bầy quạ đen từ chân trời bay đến như hồ hởi, vồ vập trên mâm cổ, chúng dang đôi cánh, lượn lờ như đám mây đen trên cánh đồng vàng thắm. Tôi đã ngừng tại con đường mòn phía trái của bức tranh, để chụp tấm ảnh hoang tàn đầy cỏ dại trên con đường đất ấy, một con đường ngày xưa tôi thoáng thấy trong tranh.

Bức tranh Wheatfield with Crows được cho rằng đó là bức tranh cuối cùng Van Gogh vẽ, trước khi tự kết liễu đời mình.

Đi được nửa cánh đồng, gió bỗng thổi mạnh , mưa ào ạt đổ xuống, ướt nhưng không lạnh. Chúng tôi chạy như ma đuổi về phía cổng nghĩa địa vì thấy có chỗ trú mưa, không phải lo cho mình mà sợ mấy cái máy ảnh bị ướt. Ha ha, ông Vincent ơi, nếu mưa làm loãng sơn thì làm sao ông vẽ được những tấm tranh với sắc màu tuyệt diệu? Ông cũng phải chạy đi tìm chỗ trú mà thôi!

 

Mưa dứt, tôi rảo quanh tìm ngôi mộ Van Gogh. Thấy hai ngôi mộ của hai anh em nằm bên nhau; mộ được phủ kín bằng dây Ivy, hai tấm bia đá giản dị có khắc tên năm sinh và năm mất. Tuy mộ không bề thế xa hoa như các ngôi mộ trong khu nghĩa địa nhỏ này, nhưng đó là địa điểm được viếng thăm nhiều nhất.Tôi đi quanh quẩn chụp hình những ngôi mộ khác, nhiều ngôi mộ phủ đầy hoa, cả giả lẫn thật, có nhiều cành hoa bằng sứ thật xinh. Có ngôi mộ thật xưa, rêu mốc đen sì nhưng lại có cây hoa hồng rũ bóng thật đẹp, những đóa hoa hồng tươi đậm làm tấm hình tôi chụp có một sự tương phản đặc biệt giữa đời sống và sự chết, giữa quá khứ và hiện tại.

Đi bộ về phố, ba người đồng hành bương bả đi kiếm tiệm ăn, tôi thủng thẳng đi sau, ngó trời ngó đất, bỗng dưng khi nhìn xuống chân, tôi thấy một cái nắp kim loại tròn, màu bạc, đường kính khoảng 1 tấc. trên có khắc chữ Vincent. Tôi bèn rút điện thoại di động, chụp cái hình để sau này tìm hiểu tại sao lại có dấu hiệu này trên đường mình đi. Khi tôi nhìn lại tấm hình thì thấy nửa bàn chân mình đang bước tới, tính xóa đi để chụp tấm khác, không hiểu sao tôi lại ngần ngừ, tấm hình cũng lạ, có cái bàn chân đi tìm dấu tích của Vincent Van Gogh. Tôi bèn chụp thêm vài tấm nữa; vì ống kính của điện thoại rất rộng nên tôi phải né ra xa mới không thấy bàn chân mình trong ấy. Sau này nhìn lại, tấm ảnh với nửa bàn chân có nhiều ý nghĩa hơn là tấm hình kỷ niệm tên ông Vincent. Chỉ có nửa bàn chân thôi, tấm ảnh kỷ niệm đơn giản ấy đã biến thành một tấm ảnh nghệ thuật.

Thăm thêm vài di tích và chụp thêm mấy tấm ảnh căn nhà trọ Ravoux Inn, tòa thị sảnh và các quán cà phê lộ thiên chúng tôi giã từ Auvers. Nài nỉ tài xế cho xuống bờ sông Oise, tôi hí hửng chạy một mạch ra tận bờ, chụp ảnh dòng sông xanh như ngọc thạch. Hai bên bờ sông, rặng cây mùa xuân mượt mà rũ tóc xanh non, trên chiếc bè gỗ, bọn trẻ con chơi đùa, nhảy bơi trong dòng nước mát. Ôi tuổi xuân trong mùa xuân, sao mà sung sướng quá! Aurevoir Mr. Van Gogh!

Dòng sông Oise

Vườn hoa mùa xuân của Monet

Hôm nay trời có mây mù, ánh sáng thiên nhiên cũng trung dung giữa hai thái cực trong thế giới ánh sáng của bình minh và hoàng hôn mà họa sĩ Monet đã tận dụng trong kỹ thuật vẽ. Vì đường đang bị sửa chữa nên chúng tôi phải đi vòng vo tam quốc một chút khi du hành tới Giverny, nơi họa sĩ Monet sống, xây dựng vườn hoa, hồ sen để vẽ tranh trong nhiều năm. Đi vòng vo thì khổ cho tài xế nhưng tôi thích lắm. Trước hết là phải đi qua một cái làng xưa cổ, có nhà thờ (dĩ nhiên) rất xinh xắn ngay giữa làng, sau đó là con đường ngoằn ngoèo xuyên qua làng, nhà trong làng phần lớn bằng đá, vách tường cũng bằng đá; hoa leo trèo khắp nơi rất duyên dáng và tôi may mắn được xuống xe 5 phút để chụp hình; lực sĩ chạy bộ trong thế vận hội chắc cũng chào thua khi thấy vận tốc vừa chạy vừa chụp của tôi. Trong lúc tôi đang chờ phút tái sinh thì xe lại chạy qua những làng xóm khác, cũng yên lặng, cây cối cũng xanh tươi nhưng không có đặc tính, tôi không còn hứng thú chụp hình nữa nên lăn quay ra ngủ.

Đến Giverny, xe đậu ngay dưới một cây hoa hồng trắng khổng lồ, tôi hớn hở nhảy ra khỏi xe ngắm nghía loại hoa đặc biệt này, hoa trồng thật nhiều và cao nên chỗ đậu xe khá im mát. Ra khỏi khu xe đậu, sau hàng rào hoa là bảo tàng viện, những sườn đồi thoai thoải quanh viện phủ đầy hoa Anh Túc màu đỏ. Trong một tấm tranh của Monet, ông vẽ đồi hoa Anh Túc có cô gái cầm dù, đi bộ với một cô bé gái chỉ cao hơn thân hoa chút xíu, đội mũ lát có dây ruban cùng màu với hoa. Ẩn hiện sau rặng cây xanh là tòa biệt thự, có lẽ hai tiểu thơ này là người trú ngụ tại căn biệt thự nọ và đang đi dạo trong cánh đồng hoa dưới bầu trời xuân xanh biếc có những cụm mây trắng lững lờ bay. Xa xa trên đồi, có hai người khác cũng đang đi ngắm hoa, quang cảnh trong tranh thật an bình (Coquelicots, La promenade). Bây giờ, tại Giverny, khu vực bảo tàng viện cũng có cánh đồng hoa poppy gần giống đồng hoa tại Argenteuil, du khách lũ lượt thay nhau chụp ảnh, kêu réo chí chóe tiếng Tiều, tiếng Quảng. Thấy vậy chúng tôi chỉ nhìn xem chút xíu qua hàng rào rồi theo bảng chỉ dẫn đi kiếm nhà cụ Monet (Monet thọ đến 86 tuổi).

Vườn hoa của họa sĩ Monet

Monet sống tại Giverny từ năm 1883, ông mua nhà và bắt đầu xây dựng một vườn hoa cùng với hồ hoa súng (Nympheas). Năm 1899 ông bắt đầu vẽ loạt tranh hoa súng và chiếc cầu Nhật Bản ông xây trên ao. Trong vòng 20 năm, ông đã vẽ rất nhiều bức tranh hoa súng trên hồ, và trở thành lừng danh vì ngày nay ai cũng nhớ tới tên ông qua những bức tranh này. Tranh ông vẽ treo khắp thế giới trong các viện bảo tàng hoặc các bộ sưu tập tư nhân, giá cả thì cũng mấy mươi triệu đô la một tấm. Ngày nay, toàn khu vực được  Foundation Monet quản trị vì cả khuôn viên được hiến cho Academie Des Beaux-Art từ năm 1966 do con trai của Monet là Michael Monet.

Nhà của họa sĩ Monet

Căn nhà được trùng tu lại rất đẹp, tường màu hồng và cửa màu xanh lá cây, trên lối đi bộ quanh nhà, có các thân dây leo, lá xanh rậm quấn quít duyên dáng trên hàng cột bên hiên. Trong nhà bạn có thể thấy phòng ông dùng để vẽ tranh, phòng ngủ của ông và thân nhân, phòng ăn, phòng bếp v.v. phòng nào cũng trang hoàng thanh nhã, màu sắc hài hòa. Trong bếp có dụng cụ nấu ăn sáng loáng treo trên tường đủ làm các nội trợ mê hồn.

Bếp nhà Monet

Toàn thể khuôn viên chia làm hai phần: vườn hoa trước nhà gọi là Clos Norman và khu vườn Nhật phía bên kia đường, xuyên qua một địa đạo để tránh con đường bên trên.

Chúng tôi tha thẩn trong khu Clos Norman chụp hình hoa đã đời, vị trí nào cũng xinh tươi đáng chụp cả nên không rời bước được. Thế nhưng khi qua bên khu vườn Nhật thì quang cảnh lại càng thích thú muôn phần. Bên này là vị trí họa sĩ Monet vẽ cảnh chiếc cầu Nhật Bản, hồ hoa súng và các bức tranh khổ lớn đang được luân phiên triển lãm tại những viện bảo tàng danh tiếng khắp thế giới. Tôi đã được ngắm ba bức tranh hoa súng khổ lớn tại MOMA (Museum of Modern Art in New York) năm 2008 và tấm ảnh chiếc cầu Nhật Bản trên hồ hoa súng tại Metropolitan Musewm of Art trong cùng thời điểm.


cầu Nhật Bản

Trong khu vực này, bạn có thể dạo quanh  hồ, lạch nước và những chiếc cầu nho nhỏ rất xinh xắn bắt qua dòng nước quanh co, bóng phản chiếu trên mặt nước, khi phẳng lặng, khi lăn tăn nhăn nhúm theo cơn gió nhẹ . Trên đường đi, có rặng tre xanh mướt, đủ loài hoa khoe sắc thắm trang điểm lối đi, có hoa Tử Đằng rủ bóng trên cầu, tha hồ mà chụp ảnh. Trên hồ, hoa súng đang nở rộ, có màu hồng đậm, nhạt, vàng hay trắng trên chùm lá tròn xanh tía trải mong manh trên nước, vài người làm vườn đứng trên thuyền nan nhỏ, dùng lưới vớt rong quanh quẩn trong hồ.

Dạo chơi mãi lâu, thấy gần giờ đóng cửa, chúng tôi ra về, trên đường ra khu đậu xe, chị Bích ngồi chờ chúng tôi trong quán cà phê xinh xắn, chúng tôi sà xuống bàn, thở dốc, gọi thức uống và ăn mấy cái bánh beignet nhỏ xíu nhưng ngon tuyệt. Trên đường về, ba hành khách ngủ gà gật để một mình tài xế là anh Hóa lái xe chạy bon bon trên xa lộ; đôi khi tôi chợt tỉnh, nhìn ra cảnh đồng quê, nóc nhà xưa của các làng mạc nho nhỏ thật thơ mộng lướt qua nhanh như thời gian tôi lang bạt tại Âu Châu. Chuyến đi nào tôi cũng luyến tiếc, không muốn về nhà.

Có người nói chuyến đi này của tôi là một chuyến hành hương để tìm thăm các họa sĩ nổi tiếng, nhưng tôi thì cho rằng đây là một chuyến đi cho thỏa mộng giang hồ lãng tử của mình và dù có ráng đi tìm lại hồn mình thì tôi cũng chỉ tìm ra được cái hồn lãng tử mà thôi. Vì thế, tôi còn phải ra đi nhiều lần nữa!

Tôn Nữ Thu Nga    

California- San Dimas, July 21, 2017.

Chú Thích:Tài liệu từ Wikipedia and museum brochures. Ảnh tư liệu Nhiếp Ảnh Gia Tôn Nữ Thu Nga

CON GÀ TRỐNG

 

Con gà con chỉ bằng nắm tay Hảo, toàn thân bọc bằng mớ lông tơ mềm mại, óng vàng. Thằng bé con xóm dưới khum khum hai bàn tay, ấp con gà trong ấy, nó hé hé ra chút xíu cho Hảo nhìn. Chú gà kêu chiêm chiếp, vùng vẫy hai cái cánh cụt ngủn, yếu ớt.
Thằng “du thủ du thực” (bà vú gọi nó như vậy), hất hàm:
– Mười đồng thôi, có mua không?
– Mày ăn cắp con gà của ai hả? Bà vú căn vặn nó.
– bắt được, nó đi lạc ngoài đường, có muốn mua không?
Hảo níu áo vú, đôi mắt con bé long lanh… Vú nháy nháy mắt
– Mua làm gì, mấy con chó bẹc dê lủm một cái là hết!
Hảo giật giật tà áo vú, đôi môi run run, cô thương con gà quá. Nó nhỏ xíu và mềm như một nắm bông gòn.
– Vú không có tiền để mua con gà cho chó lủm đâu! Mày có năm đồng muốn mua thì mua.Thằng du thủ du thực, ngó láo liên quanh quất. Chung quanh nó là một bọn trẻ con mũi dãi chạy ra xem từ phía trại gia binh. Không có đối tượng nào khá hơn Vú già và Hảo. Nó ngần ngừ tiếc rẻ, chìa con gà về phía Hảo:
– Ừ thôi tao bán rẻ cho mày năm đồng, mà mày làm nó chết là đừng kiếm tao bắt thường nghe.
Hảo đưa hai bàn tay, đón con gà nhỏ, con gà chưa kịp nằm trọn trong tay cô, thằng du thủ du thực đã giật tờ giấy bạc năm đồng trong tay vú già rồi chạy biến mất sau ngõ hẻm.
Nâng con gà trong lòng bàn tay, con gà cựa quậy nhè nhẹ, hai chân cào vào lòng bàn tay nhột nhột, cô hí hửng theo vú già trở về nhà, để những ánh mắt thèm thuồng của bọn con nít lại sau lưng…

Vừa về đến nhà, mấy chị em Hảo chụm mấy cái đầu vào nhau trên tấm phản rộng. Lấy tờ giấy báo trải ra, đặt con gà nhỏ xuống. Bọn trẻ trầm trồ thích thú nhìn con gà bé bỏng, lững thững đi loanh quanh trong cái chu vi nho nhỏ, quây quần bằng sáu đôi mắt tròn đen nhánh và những bàn tay nho nhỏ sẵn sàng dẫn lộ cho chú gà trở về vòng đai an toàn. Ba chú chó Berger lừng khừng đi quanh phản, mũi hênh hếch đánh hơi, thấy không có gì hấp dẫn nên kéo nhau ra sân chơi đuổi bắt.

Vú già lấy cái lồng bàn lớn chụp lên trên con gà, vất vào đó nhúm gạo nát, con gà kêu chiêm chiếp, lấy chân cào cào trên tờ giấy rồi tập mổ những hạt tấm nhỏ. Bọn trẻ cười khúc khích, có khi ré lên khi chú gà phẹt ra một bãi nho nhỏ đâu đó. Chơi chán, bọn trẻ cũng lục tục bỏ đi, chạy đuổi nhau, reo hò trên sân, Hảo ngồi một mình bên con gà nhỏ của mình, lâu lâu thò ngón tay vào dưới cái vành thiếc vuốt ve bộ lông vàng mượt êm ái như nhung.
– Vú ơi, con gà ni là con trống hay con mái hả vú!
Vú lắc đầu:
– Vú không biết được con à, mình phải chờ nó trổ mã mới biết!
– Trổ mã là cái chi rứa vú?
– Là khi nó mọc lông mới, thay lông cũ đó.
– Khi mô hắn mới thay lông hả vú.
– Khi hắn lớn bằng hai cái nắm tay của vú như ri nì.
Hảo chống tay lên má, ngước nhìn vú:
– Rứa thì chắc cũng phải tới tết phải không vú?
Vú ngẫm nghĩ:
– Ừ, còn hai tháng nữa là tết chắc là nó cũng lớn bộn rồi.

Chiều hôm ấy, vú ra chợ, mua về cho Hảo một cái lồng gà, Hảo lấy hai cái lon cá hộp Maroc, đổ vào một lon nước và một lon gạo. Con gà cũng giống như con chim. Chuồng gà của Hảo cũng giống như cái lồng chim của bác Phủ bên hàng xóm.

Bây giờ bọn em lại chụm vào nhau trên tấm phản để chiêm ngưỡng cái lồng tre mới, mấy cái mông ốm nhách chổng lên trời, tay chống cằm, những đôi mắt hạt huyền long lanh với sự thích thú. Cả bọn lao nhao bàn bạc về con gà, thằng Lương nghịch ngợm thò ngón tay vào lồng để chọc con gà. Con gà hoảng hốt nhảy lên , vươn hai cái cánh tí xíu chạy lòng vòng trốn tránh. Hảo tức giận lắm, cô bé nghiêm mặt:
– Ê thằng kia, mày coi chừng nha, con gà này tao nuôi lớn lên để cúng ông nội. Mày làm nó chết ông nội về vặn cổ mày đó.

Thằng Lương sợ hãi le lưỡi, rụt tay, không phá nữa. Hắn là em thứ tư của Hảo, sáu năm qua, tưởng hắn là con út nên ba mẹ cưng chìu lắm, ai ngờ khi hắn lên sáu thì mẹ lại tròn một bụng bầu nên hắn sắp thất sũng. Hắn đi theo Hảo chơi các trò chơi con gái như buôn bán, búp bê, nhảy dây, nấu nướng. Hảo cũng thích chơi trò của con trai như thả diều, bắn cung, bắn nỏ, đạp xe nên hắn càng thích đi chơi với Hảo và bị Hảo sai bảo đủ điều.Thằng Lương là người có hiếu với cha mẹ nhất nhà, nó nhanh nhẹn và chịu khó làm việc. Mẹ trêu nó là vì nó sanh ra tại Pleiku nên da ngăm ngăm giống mấy ông Thượng.

Em kế Hảo là Dung, thuở nhỏ em tròn trĩnh dễ thương, trắng trẻo như con búp bê Nhật Bản; không nghịch ngợm nhiều như Hảo nên ai cũng thương mến nó. Hai chị em hay đánh nhau, dành lộn búp bê và các đồ chơi lỉnh kỉnh, ai cũng bênh nó vì nghĩ rằng Hảo là đứa ngỗ nghịch. Bình thường thì Hảo không bao giờ nghĩ rằng mình thương nó. Nó cũng giống như một cái tay hay cái chân của Hảo mà thôi. Có ai nghĩ rằng mình yêu thương hay chú ý đến cái tay hay cái chân của mình cho tới khi bị thương bị đau xương trặc khớp. Hảo nói dài dòng như vậy là vì có một hôm, trời mưa to gió lớn, mẹ thuê xích lô chở hai chị em đi học. Trên đường, vì gió lớn, người phu xích lô lại không cẩn thận nên cái mui xe bị gập vào nhau, Dung bị kẹp cánh tay giữa hai cây sắt, nghe tiếng em thét lên và thấy hai cây sắt càng thu hẹp, Hảo lạnh cả người, sợ em bị gãy tay, nó cũng thét lên và cố ghì thanh sắt cho mở rộng ra, thế nhưng Hảo cũng chỉ là một con bé tám tuổi, đâu có sức mạnh nhiều, Hảo cảm thấy đau đớn và tuyệt vọng khi hai bàn tay mình cố ghì  trên thanh sắt để cứu cánh tay bé nhỏ của em. May thay người phu xe nghe được, hắn ta dừng xe lại và kéo cái mui cho Dung lấy tay ra. Nhìn cánh tay nhỏ trầy xướt của em mình Hảo chảy nước mắt , dẫn em vào văn phòng để Soeur khám và thoa dầu. Trong lòng Hảo, một mối thù hận ghê gớm còn ăm ắp trào dâng, Hảo ghét tên phu xích lô bất cẩn và chợt thấy thương em mình vô vàn. Tuy nước mắt còn viền hai bờ mi vì đau đớn, Dung cũng chỉ lầm lì không nói chi cả.

Nhỏ hơn Dung hai tuổi là thằng Dương, hắn ta trắng trẻo, đẹp trai và là con trai trưởng, cháu đích tôn của ông nội nên được cưng nhất nhà. Hắn rất hiền lành mặc dù biết mình là chúa tể trong nhà. Dương khéo tay, thích vẽ và vẽ rất đẹp, hắn còn biết tự xây hồ cá trong vườn để nuôi mấy con cá lia thia. Đôi khi hắn ganh với Hảo vì Hảo thường được ba dẫn đi coi chiếu bóng; mỗi lần thấy Hảo ngồi trên xe với ba, hắn nằm lăn ra giữa đường không cho xe chạy. Bà vú và cô giúp việc phải chạy ra khiêng hắn vào nhà, hắn vẫy vùng la hét inh ỏi cả xóm cũng nghe. Có lần Hảo chơi đá banh với nó, đá một cú vào bụng, nó gập người xuống gần xỉu, mọi người ùa ra xem xét. Hảo sợ nó chết bèn trốn qua nhà ông Ngoại, chờ thấy tình hình yên ả mới chịu về, thế mà cũng bị ba quất mấy roi vào mông.

Chỉ có một mình bà vú thương Hảo mà thôi, Hảo nghĩ vậy. Bà vú được bà ngoại Hảo nuôi từ lúc mẹ Hảo ra đời. Khi mẹ có thai Hảo năm 28 tuổi thì bà vú lại là người nuôi nấng và săn sóc Hảo. Hảo ngủ chung với bà nhiều hơn là mẹ, vì bà thay thế cho bà ngoại Hảo đã thất lộc từ lâu.

Bà vú là quản gia của mẹ cho nên mẹ Hảo có thì giờ làm chủ cái xưởng bánh nhỏ với ba người làm bánh cho mẹ. Bánh được đem bán sỉ cho các quầy trong chợ hoặc các quán xép trong tỉnh. Nhờ tiền mẹ kiếm được cộng với dúm lương công chức của ba nên gia đình cũng có phần thoải mái hơn.

Nghe mẹ nói rằng bà vú có một người con gái, nhờ họ hàng nuôi ngoài Quảng Ngãi, nhà bà nghèo lắm nên bà phải làm việc cho Ông bà ngoại Hảo để lấy tiền gửi về quê nuôi con. Bà thương mẹ Hảo lắm vì bà cho mẹ Hảo bú từ lúc mới sinh, sau khi bà ngoại mất, bà tiếp tục ở với mẹ Hảo cho tới bây giờ. Hảo ít khi nghĩ đến chị Chanh (con bà vú) vì chị ấy chỉ là một hình ảnh bí hiểm, loáng thoáng trên môi người lớn. Hảo chỉ cần biết bà vú là của Hảo, Hảo được bà bế ẵm và nuông chiều. Hảo hay trèo lên đùi bà ngồi nghe bà nói chuyện, nghe bà kể chuyện đời xưa và chuyện ma để rồi sợ hãi không muốn đi vào chỗ tối trừ khi có bà bên cạnh, thỉnh thoảng bà cho Hảo đồng bạc để chạy ra quán xép mua cái kẹo dẻo, nhai gần gãy răng.

Sau khi có con gà, tuy bảo là con gà của Hảo nhưng bà vú giúp Hảo săn sóc con gà vì cô ham chơi cứ quên cho gà ăn. Con gà không có tên, mấy người làm, gọi nó là : “Con Gòa của chị Hẻo”.

Chỉ mấy tuần sau, cái chuồng bắt đầu chật vì con gà lớn nhanh như thổi. Vú giải thoát nó và cho nó chạy lòng vòng trong một cái chuồng tròn làm bằng lưới mắt cáo. Con gà sảng khoái chạy lung tung đào bới trên đất. Mấy con chó Berger đi vòng quanh, chúi mũi kiểm soát, thấy không làm gì được nên chán nản bỏ đi, chạy đuổi theo mấy đứa trẻ đang chơi u mọi.

Chẳng bao lâu, con gà trổ mã, hắn trở nên một chú gà trống tuyệt đẹp. Cái mào đỏ ong, lông gáy màu hung đỏ rũ dài quanh cổ, lông bụng màu xanh dương đậm gần như đen, lông đuôi cong vút như những cái lưỡi liềm màu xanh tía. Hai chân sù sì với móng vuốt nhọn hoắc. Buổi sáng nó bắt đầu tập gáy, giọng khan khan kêu  cồ cồ cồ cồ… nó ưỡn bụng đi oai vệ trong khu vườn nhỏ như mình là chúa tể càn khôn.
Vú căn dặn cả nhà: Tụi bay phải coi chừng con gà này không thôi người ta bắt trộm.

Nhà chúng tôi ở khu xóm mới, tuy có hàng rào xi măng cao quá đầu, cửa sắt, hàng rào kẻm gai nhưng lâu lâu cũng bị mất vịt, mất chó, mất radio và cả áo quần đang phơi. Mấy con chó Berger hung dữ kia cũng không thể nào giữ nhà cho an toàn cả. Bọn ăn trộm vặt quá sức tài tình.

Thế nhưng con gà trống vẫn an toàn, sống nhởn nhơ và lớn lên trong không gian êm đềm của nó dưới ánh mắt cú vọ của bà vú và một bầy trẻ con giám thị. Tiếng gáy của nó càng ngày hùng mạnh và trong trẻo. Cặp đùi chắc nịch nhấc từng bước đi vương giả. Bây giờ nó đã 5 tháng tuổi, bà vú nói:
– Con gà này sắp nấu được rồi.
Hảo nhăn mặt:
– Không cho bà nấu nó bây giờ, con đã để dành nó để cúng ông nội tháng tới.
Bà gật gù:
– Ừ tháng tới chắc nó sẽ được 3 ký, mình nấu nồi cà ri gà cúng ông.

Ông nội Hảo mất năm ngoái ngoài Huế, Hảo còn thương nhớ ông nhiều lắm. Mỗi năm  ông vào Nha Trang thăm mấy đứa cháu nội cả tháng. Ông không cưng thằng cháu đích tôn bằng Hảo và Dung. Hằng ngày ông đi bộ lên trường Thánh Tâm đón hai cháu, dẫn cháu ra biển chơi, cho uống nước dừa, mua đậu phụng luộc hoặc cho ghé tiệm bánh Hoa Hoa góc đường Nguyễn Hoàng và Huỳnh Thúc Kháng để hai cháu mua bánh tai voi, bánh hột mít, bánh lạt hoặc bánh kẹp. Ông Nội không giàu nhưng ông chìu chuộng cháu, muốn cái gì cũng được nên khi được gần ông Nội, Hảo chẳng bao giờ cần phải xin tiền mẹ và vú để mua quà.

Mỗi buổi chiều, hai ông cháu ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra cây khế, ông hút thuốc lào và uống cà phê phin. Lọc xong lần thứ nhất, ông đổ thêm nước sôi và lọc cho con cháu bé một ly cà phê nhạt, khuấy muỗng đường rồi ngồi nhâm nhi và nói chuyện với nhau.

Gió chiều mát mẻ thổi về từ biển, ông lim dim mắt ngồi nghe con cháu nội nói chuyện trường chuyện lớp, nhiều khi mệt, Hảo gối đầu lên đùi ông say sưa ngủ.

Năm nay ông không còn nữa, hồn ông chu du trên núi Ngự Bình, ngày giỗ tới là ngày ông về thăm gia đình con cái. Hảo muốn cúng ông con gà của mình nuôi vì Hảo thương ông nhiều.

Thấm thoát ngày giỗ ông đã đến. Biết là con gà sắp bị giết thịt, Hảo xin mẹ cho Hảo ở lại buổi trưa trên trường, Mẹ hiểu ý, cho Hảo tiền mua bánh mì thịt tại Ngã Sáu gần trường để ăn trưa. Buổi chiều, Hảo nấn ná lại lớp, giúp bạn quét dọn rồi lững thững chậm chạp trở về nhà.

Chiều nay nhà Hảo rất nhộn nhịp. Bà con ruột thịt, cháu chắt và vài cặp bạn bè của ba đều có mặt. Trên bàn thờ hương trầm nghi ngút, tấm ảnh ông nội oai nghi sau làn khói, mơ hồ nhìn xuống những món ăn sơn hào hải vị do bà vú và cô Khánh nấu suốt ngày hôm nay.

Các bà lớn tuổi mặc áo dài, các chú bác mặc áo the lương, ông ngoại Hảo cũng có mặt. Ông ngồi trầm ngâm trên bộ trường kỷ ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, dường như ông cũng nhớ đến ông sui gia vừa quá cố.

Cúng xong, thức ăn được bày la liệt trên mấy cái bàn dài, vừa trong phòng khách vừa ở ngoài sân. Bọn trẻ chúng tôi ngồi chung bàn với nhau. Sau mấy cái bánh nậm, bánh bột lọc khai vị, bà vú bưng ra một khay bánh mì xắt lát và một tô cà ri gà. Hảo nhìn vào tô, tay chân Hảo bỗng nhiên bủn rủn. Thấy Hảo không ăn, bà vú gắp một miếng thịt gà lớn và mấy miếng khoai tây vào chén Hảo. Hảo đưa tay bụm miệng ụa mấy tiếng, Hảo nhảy ra khỏi ghế, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má xuống môi mằn mặn. Vú chạy theo ôm Hảo vào lòng, Hảo thổn thức:
– Con gà… con gà của con, con không ăn nó được.
Vú lau nước mắt cho Hảo, bà nắm tay Hảo:
– Vậy hả con? Thôi con đừng buồn, theo vú ra đây vú cho con cái này hay lắm.

Hảo thẩn thờ đi theo vú vào nhà kho, vú bật công tắc điện, trước mặt Hảo, con gà trống của Hảo nhấp nháy đôi mắt, vươn cánh gọi o o vì tưởng trời đã sáng. Hảo nhào tới, ôm nó vào lòng, vuốt ve, nước mắt Hảo lăn trên đám lông mượt.
Vú nhìn Hảo mắng yêu:
– Ai mà nỡ làm thịt con gà quý hóa của mi chơ! Tau phải đi mua con gà khác tới năm trăm đồng, mi xin ba mi tiền trả lại cho bà nghe chưa?
– Bà đừng lo, cái bùng binh của con có tới bảy trăm lận. Mai con đập ra trả cho bà…
Vú mỉm cười nháy mắt:
– Thôi con theo vú lên ăn kẻo Cà ri nguội mất.

Tôn Nữ Thu Nga
(San Dimas, April 18-2017)

Năm tháng ngậm ngùi.

Sau khi tốt nghiệp trường Thánh Tâm năm 1972, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết, bạn bè tôi bắt đầu lìa nhau như từng viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi. Còn lại quanh tôi là một nhóm nhỏ, luyến tiếc Nha Thành, đăng tên vào Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải năm đầu tiên khi trường mới thành lập. Tôi có cảm nghĩ rằng, thầy cũng như trò, ai cũng có một vai trò sáng tạo và phát triển cho trường, xây đắp học trình như ghép nối những mảnh vụn vào nhau.

Tôi học ngành Pháp Văn cùng một số bạn cũ từ Thánh Tâm  hoặc từ trường Pháp. Tôi sống những ngày thật vui tại Nha Trang, không lo lắng, không buồn  rầu vì dù có con, tôi vẫn được đi học, đi chơi rất thoải mái. Tuy nhiên, những ngày vui mong manh ấy cũng qua thật nhanh, đó là ngày tôi phải đối diện với đời sống mới của một cô giáo mới ra trường.

Đầu năm 1975 tôi bắt đầu đi dạy học tại trường trung học Sông Cầu,  tỉnh Phú Yên,  cách thị xã Nha Trang 180km bằng Quốc Lộ 1. Thuở ấy, 180km là một khoảng đường xa vời vợi. Nhất là khi nơi mình rời xa là một vùng trời yêu thương, có đứa con gái nhỏ giao cho bà nội giữ, có cha mẹ anh em và bạn hữu, cùng họ hàng ruột thịt, người chồng đang công tác trên chiến hạm và phải xa rời vùng biển xanh lớn rộng ôm ấp bãi cát vàng lộng lẫy tuổi ngây thơ.

Cứ vài tuần, tôi lại về Nha Trang thăm nhà, lần nào đi ngang đèo Cả cũng sợ tái người, không phải sợ đèo cao nguy hiểm mà vì sợ việt cộng gài mìn. May thay, chuyến xe đò vẫn đưa tôi đi về bình an trong suốt mấy tháng đầu đời làm nghề dạy học.

Tôi sống vì lý tưởng mà hy sinh tất cả, bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình quá đổi dại khờ. An ủi rằng những sự khờ dại trong tuổi thanh xuân là những kinh nghiệm làm cho trí óc mình thêm khởi sắc, nhưng đôi lúc cũng cảm thấy buồn buồn.

Con gái nhỏ của tôi lúc ấy mới tròn một tuổi, có cô giữ trẻ săn sóc  dưới sự kiểm soát của bà nội hoặc bà ngoại, bé được chơi đùa với các cô, dì và cậu nhưng rất ít khi thấy mẹ, cho nên trong những năm tháng dài trong đời, tôi cứ trách mình vì ham chơi, ham học mà không biết thương con.

Tại Sông Cầu, tôi thuê một căn nhà gần chợ, ở chung với chị Bê và chị Hảo, hai cô giáo độc thân dạy chung trường. Đây là hai cô gái tuyệt vời và hiền thục. Các chị dạy cho tôi cách sống tự lập của một người đàn bà độc thân tại chổ: từ cách tắm giếng, cách nấu ăn, cách đối xử với các giáo sư cùng trường cũng như cách im lặng lắng nghe những thị phi trong thiên hạ, những lời châm biếm, và dòm ngó của những kẻ thiển cận trong thị xã.

Học trò rất mến tôi dù tôi chỉ dạy chúng trong một thời gian ngắn. Dưới mắt các em, tôi là cô giáo trẻ, tinh thần cởi mở, ý kiến tự do, đại diện cho một trào lưu mới. Các em hay đến chơi nhà tôi để hỏi bài vở và chuyện trò. Nhờ có chút kiến thức về y học truyền qua từ mẹ tôi, tôi săn sóc những bàn tay ghẻ lở, những vết nứt chảy máu bàn chân, những đôi mắt đỏ, tôi cho em viên thuốc cảm tôi mang theo  hoặc những viên kẹo ngọt hiếm hoi. Vì thế cho tới ngày tôi lìa bỏ Sông Cầu, chạy giặc về Nha Trang tôi vẫn có học trò cũ lặn lội kiếm tìm.

Buổi chiều Sông Cầu thật buồn, chợ chiều vắng lặng, những quầy hàng trống rỗng, trơ vơ các vách phên, gió thổi nhè nhẹ đong đưa các cọng rơm bên mái tranh lất phất. Nhìn qua con đê nhỏ, từng đoàn học trò đạp xe nối đuôi nhau về từ các làng xóm xa xôi. Đó là những em học sinh lớn, về lại thị trấn để ngủ qua đêm dưới sự bảo vệ của lính Cộng Hòa. Nếu ở tại làng mình vào ban đêm, việt cộng hay bắt các em lên rừng học tập ba bốn hôm mới thả. Cho nên vào buổi chiều, tôi hay ngồi trước hiên nhà, ngó qua bờ đê, mong chờ bóng dáng các em đạp xe xuống phố như một đàn chim quay về tổ ấm.

Buổi chiều là khoảng thời gian tôi hay buồn chảy nước mắt: Tai nghe tiếng bầy chim sáo kêu ríu rít trên tàn lá dừa sau vườn, trong tiếng gió thổi, tiếng chim não nùng; dưới ánh đèn dầu leo lét, tôi ngồi âm thầm soạn bài, âm thầm viết những lá thư đầy thương nhớ và nhỏ những giọt lệ xót xa.

Cuối tháng 3, 1975. Tình hình càng ngày càng biến động, chị Bê và chị Hảo bàn tính chạy giặc, vì các chị ở Sài Gòn nên không mang theo nhiều hành lý. Hai cô phải  lặng lẽ ra đi để tránh những đôi mắt tò mò có thể tạo nên nhiều bất trắc trong chuyến di tản. Gia đình tôi ở Nha Trang ai cũng mong ngóng tôi về.

Ông ngoại tôi mãn phần sau một thời gian bị bệnh vào cuối tháng 3, tôi xin phép ông hiệu trưởng về nhà thọ tang, thế là tôi danh chánh ngôn thuận ra đi. Biết rằng khi ra đi tôi sẽ không bao giờ trở lại.

 

Đám tang ông ngoại xong, tôi về ở lại với gia đình chồng đường Duy Tân, Căn biệt thự có khoảng sân rộng mênh mông, trồng nhiều dừa và mấy cây me khổng lồ. Cô Mai, em chồng tôi rất giỏi leo trèo, cô trèo lên cây me, rung cành cho những trái me chín rơi đầy xuống gốc, bọn trẻ thi nhau lượm cả rổ me đầy.

Trong khu biệt thự này, chúng tôi đã trãi qua một tình yêu nồng nàn và thơ mộng bên cát vàng, sóng xanh; trong bình minh cùng đi tắm biển hoặc hoàng hôn ngồi bên nhau trên bãi cát, uống nước dừa, nghe sóng biển và ngắm nhìn những ánh đèn ngư phủ nhấp nháy bờ xa… và không bao giờ có ý tưởng là sẽ rời bỏ nó.

Nhiệm sở mới của Tuấn là Chiến Hạm HQ14, thế nhưng anh được đưa về lại Nha Trang một thời gian ngắn để tu nghiệp ngành chuyên môn. Tình hình đất nước càng ngày càng nghiêm trọng, anh rất lo lắng, khi tôi về lại được Nha Trang thì anh yên tâm đôi chút nhưng gia đình ba mẹ anh lại được lệnh phải di tản của tòa Lãnh Sự Mỹ để vào Sài Gòn. Anh muốn tôi đem con gái đi theo cha mẹ anh, nhưng tôi và con tôi không có tên trong danh sách nên không được tháp tùng. Sáng hôm sau, khi gửi vợ con lên phi trường, ba anh nói với ông xếp Mỹ là nếu con dâu và cháu nội tôi không đi được thì ông cũng không đi. Ông xếp không muốn ba ở lại nên lật đật làm giấy cho mẹ con tôi đi theo ngày hôm sau.

Tâm trạng tôi lúc ấy như tơ vò, không biết gì nữa cả. Gia đình tôi còn ở lại, ba ruột tôi là một công chức; lúc này ông thường dấu kín cảm nghĩ và thôi không phát biểu nhiều ý kiến nữa, chắc ông đang suy nghĩ nhiều về hiện tình đất nước cũng như sự an toàn cho gia đình và bản thân của mình. Trước khi ra đi một ngày, hai ông nội, ngoại gặp nhau tại nhà ngoại ở Lê Đại Hành, hai ông nói chuyện rất lâu, tôi không biết hai ông đã nói những gì nhưng cuối cùng thấy tôi đến gần, ba tôi nói lớn:” Tuy nó là con tôi nhưng bây giờ đã là dâu của ông, được ông bảo bọc cho mẹ con nó thì tôi rất yên lòng,”

Đó là câu nói cuối cùng của ba tôi mà tôi còn nhớ. Vì khi tôi chào ba để ra đi thì tôi không nghe ông nói câu nào nữa mà chỉ lẵng lặng quay đi.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ba tôi.

Anh Tuấn bảo : Em phải đưa con theo ba mẹ để anh rảnh tay đối phó với công việc và lo cho gia đình, nếu em ở lại, anh sẽ vướng bận nhiều mà không giúp chi được cho gia đình em cả.

Nghe như vậy, tôi cắn răng bồng con theo Nội. Những ngày cuồng điên trước đó, mỗi lúc chiều về, bầu trời Nha Trang mây như màu lửa, gió mạnh điên cuồng làm rớt những tàn dừa đầy sân. Tôi cũng cuồng điên chạy xe từ Duy Tân qua Lê Đại Hành, chạy qua chạy lại mãi, trái tim đau nhức, lòng dạ ủ ê, mà cho đến bây giờ tôi cũng chưa nhớ ra là tại sao mình làm như vậy!

Vào Sài Gòn, tạm trú tại nhà anh chị Toàn, bạn thân của người em rễ trên đường Phan Thanh Giản. Đại gia đình trải chiếu ngủ ngoài phòng khách. Tôi cũng trôi lơ mơ trong dòng đời mới; ba ngày sau nghe tin Nha Trang mất, tôi cảm thấy như đất trời sụp đổ, ngồi ôm con khóc sưng mặt mũi vì tôi biết rằng tôi đã mất hết tất cả những người tôi rất mực thương yêu. Có một điều an ủi là tôi được anh Hà Tĩnh, thư ký tòa soạn báo Tuổi Hoa ghé đến thăm, anh mang đến cho bé Nai một hộp bánh lớn. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối tôi đươc gặp anh.

Sau cuộc vượt thoát rất khó khăn từ Cầu Đá, chồng tôi đưa được anh Thanh ( anh cả) và người bạn là chị Ann lên chiếc thương thuyền quen để về lại Sai Gòn. Thành phố Sài Gòn lúc ấy đã bị ngăn cấm nhập cư nhưng nhờ may mắn, các anh chị được một tài xế xe tải giúp ba người vô được trung tâm thành phố.

Anh Tuấn về bộ tư lệnh Hải Quân trình diện và trở lại nhiệm sở là chiến hạm HQ14, chiếc tàu anh biệt phái ra miền trung, bảo vệ miền duyên hải Phan Rang, Phan Thiết. Sau đó tàu HQ14 và HQ17 được phái ra bảo vệ quần đảo Trường Sa và các quân nhân đang đóng trên đảo. Đến ngày 28 tháng 4, hai chiến hạm được lệnh đón bộ binh về Vũng Tàu. Ngày 30 tháng 4, tàu anh hải hành ra Côn Sơn rồi cùng hạm đội, chở người di tản qua Philippines. Tôi hoàn toàn không biết công việc anh làm hay nghe tin tức của anh từ cuối tháng 3 cho tới ngày gặp lại nhau bất ngờ trong Camp Pendleton.

Ngày 26 tháng 4, 1975  sau khi đợi chờ qua đêm tại Tân Sơn Nhất, gia đình ông bà nội và tôi được lên máy bay. Tôi đi theo mọi người như cái xác không hồn với đứa con thơ trên tay và hai đô la trong túi. Tôi không biết mình sẽ đi đâu, sẽ làm gì nhưng trong tim tôi, tôi biết một điều và luôn luôn nhớ một điều là: Từ nay, tôi phải quên đi tất cả những mất mác đau thương, dù mai sau sống ở nơi nào, tôi phải tự túc, tự cường để dựng xây một tương lai mới cho đứa con bé nhỏ của tôi và Tuấn.

Sau 42 năm sống trên đất Mỹ, anh chị em tôi cũng đã qua sống gần tôi. Các cụ thân sinh bây giờ không còn ai nữa, thế nhưng vào những ngày Giổ , Tết; chúng tôi luôn luôn tìm về bên nhau, gặp nhau để cười, để khóc, để cảm tạ những mối yêu thương và hồng ân nhận lãnh trong đời.

 

Tôn Nữ Thu Nga

San Dimas, California (April 13, 2017)