Chàng Từ Nhã Ca Bước Ra

 

Tôi Rất Yêu Chàng

 

chàng là ai, hoàng tử của lòng tôi
trong giấc mơ tôi chạy vội đến người
chàng ôm tôi vòng tay như nắng ấm
nụ cười chàng là ánh sáng ban mai

chàng là ai, ai định nghĩa được chàng
chàng là trăng là sao là mênh mang
trên dòng sông chảy dưới gầm cầu thấp
những con thuyền trôi mầu hoa mộc lan

chàng là của tôi chỉ một mình tôi
chàng đứng cùng tôi và ngồi cùng ngồi
tôi ăn bữa tiệc do chàng chuẩn bị
thức ăn chàng có mùi hương đôi môi

tôi có khi buồn như chiều đang tàn
vài đám mây trôi về đâu lang thang
tôi không biết chàng đang đi bên cạnh
chàng không nói gì, nhìn tôi bâng khuâng

khi tôi ngủ trong đêm dài mông mênh
mới vừa hôm qua lại khóc một mình
tôi mơ thấy giữa những vòng hoa tím
khuôn mặt chàng buồn hơn tôi trong đêm

 

Chàng từ nhã ca bước ra

chàng từ ban ngày bước vào trong đêm
từ trong bóng đêm nở một đóa quỳnh
sự nhạy cảm của quỳnh lan hoa tím
sự gợi cảm của đêm buồn mưa nghiêng

từ trong nhã ca chàng bước ra ngoài
mùi hương dậy thì của suối trên vai
tiếng thở mê mệt của bầy chim sẻ
giọng cười hổn hển mất dần trong mây

tôi từ bên ngoài bước vào trong chàng
chàng lấn vào tôi rừng núi bạt ngàn
giữa những san hô, đá và cây cỏ
mùi của rong rêu, hoa biển và trăng

nếu có một lần, và chỉ một lần
tất cả xuân thì của gió tràn dâng
rách những cây dù căng phồng trên cát
bay vào cơn say cuồng nhiệt ái ân

chúng tôi sẽ cùng dạ vũ đêm nay
rót những ly rượu không bao giờ đầy
và những niềm vui không bao giờ cạn
sẽ không bao giờ chấm dứt cơn say.

Phạm Khánh Vũ

(trích “Chàng Từ Nhã Ca Bước Ra”)

THÁNG TÁM VÀ TÔI

 

tháng tám, biển không có gì khác
vỗ giữa ngàn xanh sóng bạc đầu
Ta nhớ một người, ta bạc tóc
nối những sợi dài suốt bể dâu

tháng tám, mơ hồ ta định hướng
về đâu về đâu những ngả đường
nhìn đâu con mắt cay mùi khói
quay người đối diện thú đau thương

tháng tám một ngày ta nhớ lại
mênh mông chiều thu, thu mênh mông
có con châu chấu nằm trong lá
ăn những chồi non mới nhú lên

Tháng tám lơ ngơ tìm con phố
cà phê và lá rụng trên bàn
một chút gì đau hoài niệm ấy
một chút gì ta nghe nát tan

tháng tám có khi là cơn bão
ngụ giữa lòng ta bao nhiêu năm
bao nhiêu năm ấy còn mơ được
sao phút này đây lại khóc thầm

tháng tám với em không gì cả
em vẫn hồ như không nhớ ta
không nhớ một ngày nằm đợi chết
mưa đổ nghìn trùng trong cách xa…

Phạm Khánh Vũ

THU MÊNH MÔNG

Tháng chín mưa dầm trên mái ngói
Người ra đi chia nửa trời sầu
Chẳng lẽ như chim lười biếng hót
Mà người thì thôi đã quên nhau

Tôi về nghe thu rơi với mộng
Nắng vàng hiu hắt ngủ bên hiên
Ngẩn ngơ lá rụng trong hồn mỏng
Nụ cười thơm ngát giấc man thiên

Hay đã xa rồi mưa dưới gót
Con đường tình tự cỏ cây vàng
Tháng chín tôi về hoa lá khóc
Nhớ người nước mắt nhỏ mênh mang

Hái nụ tình hồng nghe rất lạ
Thương áo người xanh buổi tiễn đưa
Tay đan đứng dưới chùm lá nõn
Mới biết yêu nhau thế cũng vừa

Người đi mùa dâu vàng năm ngoái
Nên có khi buồn như hôm nay
Một mình nghe cả mùa thu tới
Đôi mắt tình không cứ thở dài

Tháng chín tôi về xa như gió
Chút lòng cuồng ngã giữa chiêm bao
Nhớ áo xanh ngày xưa quá đỗi
Ngoài trời mưa gõ nhịp mưa mau

Tháng chín vàng đôi tay ngưỡng vọng
Ôi khóm tường vi đứng ngậm ngùi
Người đi thuở ấy không còn nhớ
Mưa hồng rơi xuống xót xa tôi.

PHẠM KHÁNH VŨ

M LÀ MỘT MẬT MÃ KHÔNG THỂ GIẢI MÃ

 

 

M, ta phải viết như vậy
để tránh những cái nhìn trống rỗng đi qua tâm hồn
để chôn vùi những cơn đau thắt ruột dư
ngủ một mắt tay choàng ôm con nhân sư hóa đá
M, ta đã nói rằng em không có thật
M chỉ là một mẫu tự chiếc, hay một thoáng mây bay
khi ta mơ về một hoàng hôn bên trời
lúc tia nắng cuối cùng chói lọi dĩ vãng rơi lại
M như một chỗ nằm bên cạnh dòng suối
để tắm mát thân thể mục ruỗng
để ngơi nghỉ giấc đời không bao giờ thức dậy
M là nỗi cô đơn ta tìm thấy
qua lăng kính của phi thuyền con thoi vỡ tan
M có nhiều khi chỉ là một ảo ảnh đeo đuổi buồn phiền
mùi thơm của số mệnh bị bạc đãi
ta phải đau lòng nói rằng M, M là một chuỗi số bất tận
một mật mã không bao giờ được giải mã
cho đến khi bị tan loãng vào chốn khôn cùng
chỉ còn những tình yêu bạc bẽo rong chơi cuối trời quên lãng *
M, ta đã nói rằng trong giấc mơ của motel 6
thỉnh thoảng, là căn nhà nằm sau chân mây vắng
M, sẽ chỉ là heo hút
sẽ chẳng là gì cả khi cơn mưa rồi hết
những ngày nghỉ lễ rồi tan
người ta vội vã trở lại văn phòng, cơ xưởng, trường học
ta lại chở M tiếp tục cuộc hành trình
đầy nghi vấn và dang dở
nhiều lần ta đã thống hối mà đuổi M đi
nhưng M, vẫn là một ẩn số
chẳng thể nào giải mã
nó một mình một chốn một niềm riêng.

 

Phạm Khánh Vũ

MỘT NGÀY MÙA ĐÔNG

phamkhanhvu

sergey, chân dung của đứa trẻ
tôi mơ dòng sông volga chưa hề biết
và mùa đông nước Nga có mầu xanh như tuyết
buồn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới …..
sergey, sergey tkachenko
và mùa đông nước Nga
vẫn mãi buồn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới …

Tôi đọc lại bài thơ đó bằng hồi ức, không thể nhớ tên tác giả. Sergey Tkachenko là ai, đứa trẻ Nga nào có đôi mắt xanh như tuyết đứng bên bờ Volga, như một ly rượu vang đầy ắp, như điệu dân ca và những điệu múa đi vòng” Bài thơ nói rằng mùa đông nước Nga buồn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Có phải không” Tôi lại nhớ Doctor Zhivago khi ông từ trong nhà nhìn ra một khung cảnh mịt mù tuyết trắng và tiếng chó sói tru trong đêm vắng. Mùa đông nước Nga có buồn hơn nước Mỹ không?
Tôi đọc bài thơ đó khi ở trong xe bước ra, kéo lại zipper khép chặt cổ áo, gió thốc lên từ lòng đường lạnh buốt. Đây là mùa đông thứ 10, nước Mỹ, không có Sergey Tkachenko, không có đứa trẻ Nga nào đưa đôi mắt xanh biếc nhìn xuống dòng Volga lấp lánh ánh bạc, mà là một đứa trẻ Việt Nam mười lăm mười sáu tuổi tóc đen mắt nâu, tóc tai bờm xờm bỏ nhà đi mấy ngày rồi, và bỏ học hơn tuần lễ rồi. Tôi mới ‘chộp’ được nó sau mấy ngày chờ đợi ở một khu apartment dành cho người nghèo, nó đã đến ở với gia đình một đứa bạn mà sau đó cha mẹ đứa bạn sợ liên lụy đã đuổi nó đi. Đây không phải là một tỉnh lỵ thơ mộng nhỏ bé của Nga mà là thủ đô của Mỹ, một quốc gia vĩ đại nhất thế giới, dòng sông Potomac không chảy, lặng lẽ mà kiêu hãnh chia đôi hai tiểu bang, đưa đôi mắt mầu xám nhìn lên những tòa nhà cao vút hai bên bờ. Và những chiếc cầu nối những con đường, xe cộ chạy mãi như không bao giờ chấm dứt. Đứa trẻ đi bên cạnh tôi, mắt nhìn lơ đãng những con chim bay. Chúng tôi bước vào quán cà phê Starbucks, mua một ly capuchino cho tôi, một frapuchino cho em. Ngồi đối diện nhau, tôi lựa chỗ ngồi ngó ra đường nhìn cảnh vật và người ta đi lại, thích hơn là chỗ đối diện ngó vào trong quầy có mấy anh Mỹ đang cười nói đùa với mấy cô Mễ.
“Con hãy cố gắng trở lại trường. Tôi nói. Đừng bỏ học. Cha mẹ con đã rất vất vả đưa con sang đây. Cha mẹ con đặt tất cả hy vọng vào con, nếu con có vấn đề gì, hãy cho bác biết, nếu con tin bác, bác sẽ hết sức cố gắng để giúp con.” Đứa trẻ lắng nghe tôi nói, tay vẽ lên mặt bàn những hình vẽ vô nghĩa, thỉnh thoảng trả lời và góp ý, và cuối cùng, khóc. Đến khi chúng tôi đứng dậy, thì nó đã thỏa thuận với tôi là sẽ trở lại trường, nhưng tôi phải vào phòng giám hiệu xin phép cho nó và nói chuyện với bà hiệu trưởng. Tôi cũng hứa là sẽ nói chuyện với ba má nó. Ngoài quán cà phê không khí lạnh như đông đá, nhưng tôi cảm thấy ấm, chắc không phải vì ly extra hot grande capuchino. “Tiểu Di ”
tôi gọi, đứa trẻ quay lại, lần đầu tiên trong ngày tôi thấy nó mỉm cười.
Tôi chỉ cho nó thấy một người mặc áo có hai mầu xanh đỏ, đầu đội một cái mũ ông già Noel đứng bên cạnh một cái thùng, tay lắc những cái chuông, miệng cười tươi tỉnh, đôi mắt sáng sủa nhìn những người qua lại, trong đó có tôi. Tôi thò tay vào túi áo jacket, móc ra những đồng bạc, bỏ vào cái thùng, và thấy bàn tay mình ấm. Người đàn ông cười thank you, God bless you, have a good weekend. You’re welcome, tôi bước tránh qua nhường chỗ cho một người khác bỏ tiền vào thùng, đó là một bé trai Mỹ, tóc vàng quăn lại trên trán, đẹp và sáng láng như thiên sứ Gabriel, đó là tôi tưởng tượng thôi chứ có bao giờ thấy thiên sứ Gabriel thế nào. Và một bé gái khác đi với mẹ, bỏ vào đó những đồng xu kêu leng keng trong thùng. Người đàn ông mỉm cười nháy mắt với đứa bé. “Thấy không con, cuộc sống có nhiều điều đẹp đẽ đáng để cho mình sống một đời sống thật tốt lành. Tại sao lại uổng phí đời mình như vậy” Nếu có nhiều người đến, góp một bàn tay lại, thì thế giới này sẽ có biết bao nhiêu là niềm vui và hạnh phúc.
Tôi chở đứa trẻ về nhà nó, make sure là nó sẽ ở nhà cho đến khi cha mẹ nó về chiều hôm đó. Khi tôi trở về nhà thì thấy một cái note của vợ tôi để trên bàn: Em đi công chuyện 1 giờ sẽ về, Hải Triều sẽ mang Hải Âu đến khoảng 12:30, chơi với bé một chút em sẽ về thế. Chiều nay anh có hẹn chở bác N. vào nhà thương thăm bác trai. Tin thời tiết nói rằng sẽ có tuyết vài inches chiều nay. Tôi nhìn đồng hồ và thấy đã 12:30. Nhìn ra cửa thì nghe tiếng mở cửa lách cách, một cái đầu trùm kín thò vào, trên tay là một cái giỏ đựng em bé, bên cạnh là lổm ngổm những giỏ xách đựng sữa và tã. Cháu nội đến. Mở cái mền trùm ra thì thấy Hải Âu đưa đôi mắt tròn xoe lên nhìn. Luồn tay vào giỏ bồng bé ra, tay và lòng đều ấm cả. Con đi công chuyện chút xíu, chiều 4 giờ con đón cháu. Chơi với ông nội nghe con. Người con trai cười nói và lại mở cửa đi ra. Tôi bồng cháu lại gần cây thông trang trí đủ mầu. Nó đưa đôi bàn tay bé nhỏ rờ rẫm những nhánh thông xanh. Và quay lại rờ rẫm vào mặt tôi, mỉm cười.
Tôi đặt cháu ngồi lên futon và bắt đầu dọn hàng cho nó, trải hai cái mền che kín tấm thảm cả căn phòng để cho cháu khi bò ra ngoài không bốc lung tung những thứ còn có thể vướng lại trên thảm. Dạo này bốc được cái gì là nó cho cả vào miệng. Ném năm sáu cái gối mầu làm bức tường chắn lối cho nó khỏi bò ra, lôi một đống đồ chơi quăng ra trong bốn bức tường đó. Mà nó đã chơi chán hết mấy thứ đó rồi nên chả thèm rờ tới. Quay lại nhìn tôi, nó bắt đầu ê a lên khóc. Thôi để ông nội bồng, con nỡm. Con dâu than phiền, bố cứ bồng nó hoài, về nhà là cứ đòi con bồng. Chịu thôi, nếu không thích thì đừng gởi, cháu hư tại ông. Nó thích nằm trong vòng tay tôi như kiểu đưa võng, ngửa mặt lên, rờ rẫm cái cằm đầy râu nham nhám của tôi, đôi khi giật mắt kiếng. Tôi cho nó giật tuốt hết. Đó là những giây phút tôi có cảm tưởng mình là một người hạnh phúc nhất thế giới.
Khi vợ tôi về thì bé Hải Âu đưa tay ra đòi bà. Tôi dí tay vào trán nó ‘đồ phản bội’ rồi đi lên lầu thay đồ để chuẩn bị chở một bà cụ đi thăm chồng bệnh nằm nhà thương. Ông cụ bệnh không thiếu thứ gì. Sau gần một tháng đưa vào cấp cứu, ông vẫn nằm ở khu critical care, dời từ phòng này sang phòng kia, trên người ông là vô số những ống nhựa và dây, từ miệng, từ cổ, từ mũi, từ tay, từ chân, hai cánh tay ông đỏ bầm những máu đông. Bà đến bên giường, lấy những chiếc khăn giấy nhúng nước lau trán ông, lau mắt ông, rồi nắm tay ông, hỏi thăm ông, nói chuyện với ông những mẫu chuyện vặt vãnh ở nhà, nào là con gái đã xin được social security card rồi, cháu ngoại đang xin, cháu học giỏi có bằng khen của trường. Ông nằm yên, thỉnh thoảng gật đầu hay lắc đầu. Bà thỉnh thoảng nói, giọng xúc động, đừng lo gì hết nghe ông, ở nhà tui lo được, ông cầu nguyện Chúa đi, Chúa cứu ông đó. Đôi khi thấy bà thoáng buồn, tôi kể cho bà nghe câu chuyện tổng thống Mỹ Reagan bị bệnh vào những năm cuối đời, ông không còn nhận biết bất cứ người thân nào, cả bà Nancy vợ ông, ngay cả ông, ông cũng không biết ông là ai. Sống mà không biết mình đang sống. Bà nói: tôi biết, chúng tôi còn có phước hơn ông bà tổng thống ấy, còn biết mình, còn nói chuyện, còn tỉnh táo, nhìn người ta, nhìn lại mình, thấy mình còn tốt hơn. Tôi có kể lại cho ổng nghe, ổng gật đầu. Những lúc đó tôi nhìn qua cửa sổ, ngó xuống mặt đất, nhìn những con chim sẻ đậu trên những cành cây khô xương xẩu. Mỗi ngày tôi chở bà vào thăm ông một lần. Khi ra về, tôi cúi xuống giường, nắm bàn tay sưng phồng lên của ông, cầu nguyện cho ông. Bàn tay ông run lên, có khi ông cố gắng dơ tay lên, xá xá tôi để bày tỏ sự biết ơn. Tôi ngăn ông lại. Tôi luôn luôn rời phòng với suy nghĩ một ngày nào đó sẽ vào thăm mẹ mình giống như thế, và chính mình ngày nào đó rồi cũng sẽ nằm như thế này. Nhưng tôi cố gắng nghĩ đến điều đó cách tích cực hơn. Tại sao cứ nghĩ đến tương lai với đôi mắt bi quan trong khi hiện tại vẫn còn đó”
Khi tôi trở về nhà thì con trai đã đón cháu về rồi, và vợ tôi cũng đi làm ca tối. Mùa đông làm ca tối vất vả lắm. Con trai lớn cũng đi làm chưa về, cậu nhỏ nhất thì đi học thêm ở trường sau khi ở sở làm về. Tôi vào phòng, ngồi vào bàn, ngồi thừ ra trước computer, suy nghĩ đề tài bài giảng phải soạn cho xong trong tuần này, mà đầu óc trống không như mặt hình phẳng, sực nhớ là có hai ba cái email hỏi công chuyện gấp mà chưa trả lời. Lục tìm, loay hoay một mớ giấy tờ rồi trả lời email. Khi ngửng lên trên mặt bàn, tôi nhìn thấy tuyết đã bắt đầu rơi bên ngoài. Những bông tuyết trắng bay lả tả như những cụm bông gòn bị gió thổi tung lên, bầu trời sáng lên như một bức tranh vẽ. Tuyết thật tuyệt vời khi rơi thật nhẹ, nhưng trở thành một nỗi khổ khi rơi nhiều và kéo dài, và càng cực khổ hơn khi nó đang tan thì thời tiết trở nên lạnh hơn làm cho mặt đường đóng băng. Khi đứng dậy tôi cảm thấy hơi mệt, cái mệt thường xảy ra vào buổi chiều của người bị diabetes khi phải làm việc cách gấp rút, liên tục. Có lẽ sáng đến giờ tôi chưa có một chút nghỉ ngơi nào, sáng sớm đã lái xe đến khu apartment để chờ đợi thằng bé, rồi trở về, tiếp tục làm việc, chưa ăn uống gì hết …. Cúi xuống lấy cái máy One Touch, lôi ra những test strip, alcohol prep swabs, lancet, nhắm mắt lại khi mũi nhọn của cây kim đâm vào ngón tay, nặn máu ra, nhìn vào những con số đang lùi lại, 48. Nguy hiểm, phải đi tìm một lon Coke, hay vài viên kẹo, phải làm cho những con số tăng lên. Nhà không còn một lon Coke nào hết, trong lúc bối rối cũng không nhớ những viên kẹo cất ở đâu. Mồ hôi đổ ra trên sống lưng, tôi phải vịn cầu thang để bước đi. Nhìn ra ngoài trời thấy tuyết đã phủ kín mặt đường, những nóc nhà cũng trắng xóa, một con chim lẻ loi bay đậu trên một cái đỉnh nhọn của hàng rào, khung cảnh trông giống như một đoạn phim trong Doctor Zhivago mà tôi đã xem từ khi còn trẻ. Cơn mệt đột ngột dâng lên, có một cái gì đó chợt hao hụt trong tôi, bước chân tôi chếnh choáng như người say rượu và tôi có cảm giác rất rõ rằng mình đang rơi vào một cơn mê không kìm chế được. Ngủ đi, tôi tự nhủ và ngã mình xuống, và ngủ, như những ngày nào đó trong quá khứ, ngủ trong tiếng nhạc nhẹ phát ra từ cái máy cassette nhỏ bên cạnh giường, trong giấc ngủ có lẽ có một giấc mơ êm đềm thấy mình chạy trên đồng cỏ mênh mông, tay cầm những con chuồn chuồn cánh mỏng, đẹp đẽ như bài hát Greenfield: ta yêu đồng xanh, như đã yêu thương con người. Ta thương đôi tình nhân kia, như gió thương yêu mây trời, nhưng sao giờ đây chẳng có ai chung quanh ta … Một ngày làm việc như thế là đủ chưa”
Tiếng điện thoại reng như xoáy vào trong tiềm thức tôi, trong cơn mê váng vất tôi mở mắt ra nhấc máy và nghe một giọng nói hoảng hốt từ đầu giây bên kia:
– Mục sư ơi, ông nhà tôi đang bị hôn mê trong bệnh viện rất nguy hiểm, Mục sư có thể nào giúp chở tôi vào bệnh viện ngay bây giờ không”
Tôi nhướng đôi mắt mệt mỏi nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn tuyết đang rơi dày đặc thêm, và trả lời như một cái máy:
– Bác chuẩn bị đi, tôi sẽ đến ngay.
Tôi cố gắng ngồi dậy, nhìn thấy một gói kẹo chocolate đặt gần những trái chuối, không biết từ khi nào, có lẽ cơn mệt làm tôi hoa mắt không nhìn thấy chăng, tôi vớ lấy bỏ vào miệng như trong cơn vô thức. Tôi mặc áo coat, quấn thêm cái khăn và mở cửa bước ra, bước chân vẫn còn chuếnh choáng. Chiếc xe vất vả lui lại, trượt những chiếc bánh của nó trên lớp tuyết mỏng. Tôi thấy tội nghiệp cho bà cụ. Tôi suy nghĩ đến những lời sẽ nói với bà khi bà ngồi trên xe, những lời nói nào sẽ khích lệ bà. Bà đang rất lo sợ, lo ông chết, nhưng trông bà có vẻ bình tĩnh hơn khi có tôi bên cạnh.
Khi chúng tôi vào, các bác sĩ và y tá đang đứng quanh giường của ông, chúng tôi phải ngồi đợi trong phòng đợi gần đấy, thời gian chờ đợi ấy là quá dài. Tôi cầu nguyện với bà cụ và xin một phép lạ. Tôi cảm thấy mình đuối sức. Rồi rốt cuộc người bác sĩ cao lớn từ trong phòng bước ra, uể oải tiến lại gần.
– He’s very ill. But he’s fine now.
Khi tôi lái xe đưa bà về nhà, thì màn đêm thật sự đã buông trùm trên mọi vật, từ giã và chạy về nhà mình, chiếc xe phải chạy rất chậm vì tuyết đã rơi rất dày và hầu hết những xe trên đường đều chạy chậm lại. Một sự mệt mỏi lại ùa tới và tôi lại cảm thấy buồn ngủ, một ngày như thế là đủ rồi, tôi tự nhủ, và bây giờ tôi có thể tìm cho mình những giây phút yên tĩnh riêng tư.
Tôi nghe những tiếng kêu phát ra từ chiếc điện thoại bàn khi vừa mở cửa vào nhà. Tôi không muốn nghe chút nào cả, nhưng tôi vẫn bước tới, bấm nút để nghe lời nhắn:
– Mục sư ơi, chúng tôi cần ông bây giờ, Tiểu Di lại bỏ đi rồi, trong trời tuyết thế này, nó đi đâu, Mục sư ơi, gọi lại cho tôi.
Một ngày vẫn chưa qua, một ngày mùa đông.
Tôi lẩm nhẩm lại bài thơ tôi nhớ buổi sáng. Tiểu Di, hay Sergey Tkachenkho, em là ai” Mùa đông nước Nga còn buồn không” Trước khi gọi điện thoại lại cho cha mẹ đứa trẻ có cái tên đẹp, tôi mở cái ví, nhìn tấm hình bé Hải Âu mở tròn xoe đôi mắt nhìn, dường như nó muốn nói (mà không thể nói): ông nội ơi, cháu đây nè, ông nội đừng mệt nữa, ông nội có vui không”
Vui hay buồn, tôi không định nghĩa được. Lòng tôi thấy nhẹ nhàng. Bây giờ thì tôi biết là mình đang sống, đang làm việc, đang làm những việc cần, những việc tốt, cho những người cần mình. Còn người cần đến, tôi còn làm việc. Tôi hôn lên tấm ảnh của cháu.

Trần Nguyên Đán

THU HÁT CHO NGƯỜI

phamkhanhvu

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim ta nhớ người vô bờ …
(Thu Hát Cho Người – Vũ Đức Sao Biển)
Từ mùa thu năm ấy, đến nay cũng đã nhiều năm. Tôi một mình trở lại Shenandoah, vùng đồi núi yên tĩnh của tình yêu. Tôi bước đi, hát nhỏ cho tôi, và cho anh nghe bài hát ấy, bài hát mà Duy đã hát những ngày chúng tôi lang thang với nhau trên vùng đồi núi này. Bây giờ, một mình tôi bước đi.
Tôi yêu Duy ngay từ những ngày đầu tiên bước vào ngưỡng cửa đại học. Anh học năm cuối, và học rất giỏi. Một năm sau Duy đã xác định tình yêu của chúng tôi bằng một nụ hôn nồng nàn, ấm áp trong một góc vắng của quán cafeteria trong trường. Anh là con một của cha mẹ anh, và là niềm vui duy nhất của mẹ anh, khi cha anh qua đời lúc anh còn rất nhỏ. Bà yêu anh đến nỗi có lần tôi đã nghĩ rằng bà ghét tôi, ghen với tôi, và sau này chắc là tôi sẽ phải gặp khó khăn nhiều lắm để trở thành con dâu của bà. Thật sự thì ngày đầu tiên khi Duy dẫn tôi đến nhà giới thiệu, bà đã lịch sự chào tôi với một vẻ mặt nghiêm nghị, không cười.
Sự thu hút của Duy nằm trong đôi mắt, đôi mắt đen, sâu thẳm và như biết nói, khi anh nhìn tôi. Lớn hơn tôi chỉ 4 tuổi, nhưng Duy có cái vẻ điềm tĩnh và xử sự như một người lớn chững chạc, trái với tánh tình hơi bồng bột và lãng mạn của tôi. Duy yêu thích cảnh thiên nhiên rừng núi và đặc biệt là Shenandoah, một tặng phẩm của trời đất ban cho Virginia, thung lũng núi đồi với rừng cây bạt ngàn bát ngát khi vào thu, những con đường ngoằn ngoèo xuyên qua rừng cây rực rỡ sắc mầu, đẹp như một bức tranh, anh nói vậy. Chúng tôi thường lái xe chạy vào vùng rừng núi này những ngày nghỉ học hay những ngày lễ, vì nhà của chúng tôi chỉ cách nơi đây khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.
Có một lần nghỉ học Duy chở tôi đến Shenandoah. Hôm ấy Duy mặc quần short xám và áo T shirt Polo màu vàng nhạt, đeo mắt kính đen vì trời nắng, khi bước lên xe anh tôi đã cảm giác một cái gì đó rất lạ trong lòng tôi. Tôi có cảm giác Duy đã là của tôi, chỉ một mình tôi, và trong giây phút tôi có ý muốn chiếm đoạt anh cho riêng mình, tôi không thể nào rời mắt nhìn anh và tay tôi trên cánh tay trần rám nắng của anh. Duy không tỏ ra một thái độ gì khác. Tôi cố ý nhẩn nha chỗ này chỗ kia cho tới chiều, càng gần buổi chiều lòng tôi càng xúc động. Tôi thì có tà ý, còn Duy thì trong sáng, sự trong sáng hấp dẫn như một trái cấm. Tôi ôm anh trong rừng thu vàng úa và gió lộng, tôi nhắm mắt lại, thì thầm:
– Duy ơi, em yêu anh.
Duy hôn lên tóc tôi:
– Anh yêu em, bé con.
Nhưng tôi không chịu ngừng ở đó. Bóng chiều đã dần tàn phai trong khu rừng vắng, người qua lại cũng vắng vẻ, và chúng tôi đang ở giữa một khoảng rừng dày, tôi nhìn xuống tấm đệm chúng tôi mang theo để trải ngồi. Tôi vít đầu Duy xuống và hôn lên môi anh, đôi môi Duy ấm và ngọt như một quả táo, hơn thế nữa, tôi kéo anh ngã xuống tấm đệm. Duy ngã theo tôi, anh ôm tôi trong vòng tay rắn chắc, nhưng khi bàn tay tôi mò mẫm kéo chiếc áo T shirt của anh ra, thì anh nắm tay tôi lại:
– Như Ý, đừng em, phải giữ…
Tôi vừa giận vừa xấu hổ, tôi khóc:
– Em yêu anh, em không muốn giữ gìn với anh, có gì là tội lỗi đâu, rồi mình cũng cưới nhau mà.
Duy kéo tôi nằm ngửa ra trên tấm đệm, thì thầm vào tai tôi:
– Mình nằm chơi thế này là được rồi, đừng khóc.
Anh xoay người lại, quàng tay ngang người tôi, hôn tôi. Tôi cảm thấy miệng mình đắng, tôi hờn giận quay mặt đi tránh cái hôn của anh. Duy điềm tĩnh nằm ngửa mặt nhìn lên bầu trời chiều, những con chim thinh lặng của núi rừng đang chập choạng gọi nhau về tổ. Khi anh gọi tôi đi về, tôi im lặng đi bên cạnh anh không nói một lời, trong lòng ngổn ngang những suy nghĩ. Hai ngày sau đó tôi không gọi, mà anh cũng chẳng gọi, đến ngày thứ ba chịu không nổi, tôi gọi:
– Em muốn nói với anh là em không cố ý hôm đó, em không phải như vậy.
Duy cười trong điện thoại:
– Anh hiểu mà, anh không nghĩ em vậy đâu.
Tôi hiểu Duy từ đó, và không dám có ý định tái diễn lại điều đó một lần nữa. Nhưng Duy cũng rất tế nhị, anh không rủ tôi đi đâu vào những khung cảnh vắng vẻ trong những thời gian tăm tối. Những khi cần anh chỉ giúp thêm về toán, tôi lại nhà anh, tôi và anh ngồi trong căn phòng nhỏ dưới lầu, mở cửa. Và tôi cẩn thận, ý tứ vì biết là đâu đó, trong nhà, đôi mắt của mẹ anh vẫn âm thầm theo dõi tôi. Nhưng tôi yêu và kính phục Duy hơn. Tình yêu của chúng tôi lớn dần theo ngày tháng, tôi cũng dần lớn lên, cũng bớt dần những tính khí ngông cuồng, bồng bột của tuổi trẻ.
Thời gian qua, tôi ra trường, và đi làm. Có nhiều ngày tôi nhận thấy Duy có những sự thay đổi. Anh có vẻ mệt mỏi, ngơ ngác, im lặng nhiều hơn, không hoạt bát như mọi khi, anh gầy đi. Anh không đi cùng tôi đến những phòng tập thể dục nữa. Ngồi bên tôi, đôi khi anh chìm vào những suy nghĩ miên man rất lâu. Tôi lo lắng, tôi hỏi:
– Anh có bệnh gì không”
– Thường nhức đầu, cảm thấy mất sức. Duy trả lời. Có lẽ anh hơi bị pressure vì công việc bề bộn và khó khăn ở sở thôi.
Tôi cũng không chú ý nhiều lắm. Có một ngày, tôi không nghe anh gọi. Duy có thói quen gọi cho tôi sau khi đi làm về. Thường anh muốn gặp tôi một chút ở quán cà phê trước khi về nhà. Nhưng hôm đó tôi chờ cho đến tối. Đến tối thì tôi gọi anh, cell phone của anh off. Tôi gọi số nhà. Khá lâu tôi nghe tiếng người ở đầu giây bên kia, mẹ của anh:
– Duy nó đi làm về và bị mệt, bác đang nấu cháo cho nó, cháu có thể đến chơi.
Khi tôi đến thì Duy đang ngồi trên chiếc ghế rộng vành ở phòng khách. Khuôn mặt anh hơi xanh nhưng bình thường. Tôi hỏi:
– Anh bị bệnh sao vậy”
– Khi lái xe về gần nhà anh tự nhiên thấy choáng váng phải lấy qua lane emergency ngồi nghỉ mệt một lát. Vừa thấy đỡ anh vội lái về nhà nhưng vừa về đến nhà lại bị choáng lần nữa, bây giờ thì đỡ rồi.
Tôi nắm tay anh như để chia xẻ. Anh cũng siết chặt tay tôi. Chúng tôi ngồi cạnh nhau. Thấy anh có vẻ mệt tôi khuyên anh vào phòng nghỉ và từ giã. Tôi đi vào phòng anh, kéo mền đắp lên ngưòi anh, hôn lên trán anh, nói nhỏ:
– I love you, sweetheart.
Duy chỉ mỉm cười và nhắm mắt lại.
Ngày hôm sau anh nghỉ làm một ngày đi bác sĩ, và trong khi chờ đợi kết quả thử máu anh đi làm lại. Tôi nghĩ là anh bị mệt bình thường. Một tuần lễ sau ngày đó, mẹ anh gọi tôi, tôi hơi ngạc nhiên vì bà rất hiếm khi làm điều này:
– Như Ý, bác muốn gặp riêng cháu, hơi gấp. Bác có chuyện muốn nói với cháu.
Bà hẹn gặp tôi ở nhà, hôm ấy bà nghỉ làm. Tôi phải xin phép nghỉ làm để đến gặp bà. Bà là một người phụ nữ mà tôi kính mến, mặc dù thời gian đầu yêu Duy tôi đã có một cái nhìn không thiện cảm về bà. Bà lịch sự rót nước mời tôi, và khi bà quay lại trên ghế, tôi nhìn thấy vẻ bất an trên khuôn mặt bà:
– Gần đây Duy nó có nói chuyện gì với cháu không”
– Thưa không, tôi đáp. Đó là chuyện gì vậy bác”
Bà nhìn thẳng vào mắt tôi:
– Nó có bao giờ nói với cháu về chuyện cưới hỏi hay là bệnh tật …
Tôi cũng nhìn thẳng vào bà:
– Thưa có, cách đây khoảng 3 tháng Duy có nói ý định đó với cháu và cháu đồng ý, nhưng ảnh còn một môn cuối để xong cái Master, và hẹn sau khi ảnh thi xong sẽ bàn chi tiết hơn … Còn bệnh thì ảnh nói không có gì, chỉ pressure thôi …
Bà đứng dậy, đi chậm trong phòng, như cố dằn những xúc cảm mà tôi có thể nhìn thấy, đang biến chuyển trên khuôn mặt bà. Tôi cảm thấy sợ hãi một cách mơ hồ:
– Thưa bác, có chuyện gì vậy”
Bà nhìn chăm chăm vào mặt tôi, hỏi từng chữ rời:
– Cháu có biết nó bệnh gì không”
– Thưa không. Sự sợ hãi trong lòng tôi tăng dần.
Bà bước tới, nắm tay tôi. Tôi biết có chuyện chẳng lành. Tôi đứng dậy, nắm tay bà:
– Sáng hôm nay văn phòng bác sĩ gọi lại cho bác, nói về kết quả thử máu của Duy. -Bà ngừng lại mấy giây, cố nén xúc động.- Bác rất thân với bác sĩ, ông ta nói với bác trước khi báo cho Duy biết. Nó có những triệu chứng của bệnh … ung thư máu.
– Trời ơi. Tôi kêu lên, cảm thấy khó thở.
– Bác đã nghi ngờ, và sợ hãi, nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Bà khóc, những giọt nước mắt lặng lẽ chảy xuống má. Tôi đứng chết lặng, trong giây lát không biết mình phải làm gì, hầu như tê điếng… Mãi một lúc sau, tôi mới cất tiếng được, nhưng vừa mở miệng là nước mắt tôi chảy ra, tôi nghẹn ngào:
– Duy có biết kết quả thử nghiệm chưa bác”
– Chưa cháu à, và đó là lý do mà bác muốn gặp… con trước.
Bà thay đổi cách gọi tôi, và tôi đủ thông minh để biết rằng bà cần nơi tôi một sự giúp đỡ:
– Bác cần con làm gì cho Duy không” Con sẵn sàng làm, con yêu anh ấy.
Chỉ cần nói đến đó là tôi bật ra khóc nức nở. Bà mẹ cũng òa lên khóc. Chúng tôi ôm nhau khóc, tuyệt vọng, không biết mình phải làm gì. Khi cơn xúc động vơi bớt, chúng tôi ngồi xuống và nói chuyện với nhau.
Chiều hôm sau đó, tôi gọi cho Duy và nói rằng sẽ đến nhà thăm anh. Anh có vẻ vui vẻ hơn:
– Very good. Mẹ anh đi thăm dì Tâm ở Richmond đến chiều mai mới về. Anh đang ở nhà một mình cô đơn đây. Anh sẽ nấu cái gì cho em ăn.
Tôi cảm thấy muốn khóc:
– Anh có khỏe chưa mà bày đặt nấu ăn” Để em ghé tiệm mua đồ đem đến ăn luôn.
Duy vui vẻ:
– Không sao, hôm nay anh thấy khỏe hơn. Đồ ăn chuẩn bị hết rồi, em đến là có ăn ngay.
Khi tôi đến, Duy đã chuẩn bị sẵn. Trên cái bàn ăn nhỏ thường ngày của hai mẹ con hôm nay có thêm hai cây nến mầu tím và bình hoa với hai đóa hồng vàng đơn giản. Đứng trong bếp, Duy nháy mắt:
– Sao, romantic không” Phụ anh mang đồ ăn ra bàn đi cưng.
Tôi cố gắng để giữ thái độ bình thường, tôi cũng vui vẻ:
– Nghe anh nói em cũng vội ghé chợ mua một chai champagne để uống chút chút cho romantic đây.
Bữa ăn chưa xong, tôi lấy tay nhấn nhấn vào hai bên thái dương, nói nhỏ:
– Tự nhiên em cảm thấy chóng mặt quá, có lẽ vì uống champagne không quen. Em có thể vào phòng anh nằm nghỉ mệt một chút không”
Duy hơi ngần ngừ, nhưng anh nói:
– Được, để anh vào dọn lại giường một chút. Phòng anh bê bối lắm, đừng có cười nghe.
Anh đỡ tôi vào giường, kéo mền đắp cho tôi và kéo cái ghế ngồi bên cạnh. Anh nói:
– Có cần anh giúp gì không”
Tôi nhắm mắt lại, một giọt nước mắt lăn ra:
– Nằm xuống đây với em.
Duy nhìn tôi chăm chăm:
– Sao em khóc, em có chuyện gì buồn” Có buồn gì anh không”
Tôi run rẩy:
– Nằm xuống đây, đừng hỏi gì cả.
Duy ngoan ngoãn nằm xuống bên cạnh tôi. Tôi đưa tay lên tắt ngọn đèn vàng trên cửa. Căn phòng rơi vào bóng tối mờ, chỉ còn một vệt sáng từ hành lang hắt vào. Như Ý, Duy kêu lên nho nhỏ. Tôi khóa miệng anh lại bằng đôi môi tôi đã ướt đẫm nước mắt, tôi ôm siết lấy anh, siết chặt.
Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết lý do vì sao mà hôm ấy Duy đã không từ chối. Có lẽ là định mệnh. Anh hơi chậm chạp nhưng ôm choàng tôi lại, quấn tôi lại trong vòng tay rắn chắc của anh, trườn người lên, và đôi môi anh bắt đầu di chuyển trên mặt tôi và từ từ xuống dưới cổ. Bàn tay anh cũng di chuyển trên thân thể tôi, tôi đáp ứng anh bằng tất cả tình yêu và sự mong đợi, và anh đi vào trong tôi một cách vụng về, nhưng sôi nổi, mạnh mẽ cho đến khi chúng tôi tan vào trong nhau. Trong giây phút hoan lạc ấy, nước mắt tôi tràn ra ướt đẫm cả gối. Tôi thì thào: Duy ơi, em yêu anh. Và Duy cắn chặt vành tai bên trái tôi…..
Khi nằm trở lại trên giường, Duy nắm chặt tay tôi, nói rất nhỏ:
– Anh xin lỗi…
Tôi nắm bàn tay rươm rướm mồ hôi của anh đặt lên ngực:
– Đừng xin lỗi. Chính em muốn điều này mà…
Một tuần sau, mẹ Duy gọi tôi đến. Tôi biết việc gì. Khi tôi đến, Duy đang nằm trên giường, nhìn trừng trừng lên trần phòng, khuôn mặt trắng bệch như sáp. Bà mẹ khóc, tôi khóc, và tôi thấy nước mắt Duy trào ra. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh khóc. Bác sĩ nói là anh chỉ còn vài tháng … Đây là chứng ung thư máu cấp tính hiếm hoi.
Ngay sau khi bác sĩ báo tin, thì sức khỏe Duy xuống thật nhanh. Anh phải vào nhà thương. Tôi xin nghỉ làm việc để chăm sóc anh. Tôi nói rõ cho ba mẹ tôi biết, ba mẹ tôi đồng ý để tôi làm việc đó. Có khi tôi, có khi mẹ anh, có khi cả hai, chúng tôi cố làm mọi thứ để Duy vui, nhưng khi anh quay đi thì chúng tôi khóc, khóc não nề, không thể kìm chế được.
Tôi thường ngồi im lặng bên anh hàng giờ khi anh mệt mỏi nhắm mắt sau những thử nghiệm, nước mắt chảy ra như không bao giờ ngưng lại được. Người ta cố gắng chạy chữa nhưng Duy như một ngọn đèn tàn dần.
Hai tháng sau anh chỉ còn là một bộ xương, điều duy nhất còn tinh anh trên khuôn mặt hốc hác là đôi mắt, đôi mắt sâu thẳm như biết nói mà không nói gì nữa. Duy nhìn tôi với ánh mắt câm lặng mà điều đó càng làm cho lòng tôi tan nát.
Buổi chiều hôm đó trước khi vào nhà thương, tôi ghé nhà để đón mẹ anh, và cũng để báo một tin cho bà. Tôi nắm bàn tay gầy xương xẩu của bà, đã ốm hơn rất nhiều từ ngày anh ngã bệnh, bà chỉ còn là một chiếc bóng:
– Mẹ, lần đầu tiên tôi gọi bà. Mẹ cho phép con gọi là mẹ. Mẹ ơi, con đang mang trong lòng giọt máu của anh Duy.
Bà ôm tôi, lặng lẽ khóc. Tôi cũng khóc lặng lẽ, đó là điều mà chúng tôi đã nói chuyện với nhau ngày ấy. Bà nói:
– Bác chỉ nói ước vọng của bác, còn thì tùy con. Con còn một đời sống, con hãy tự quyết định. Duy thì không còn thời gian nữa. Nếu như Trời thương, thì …
Tôi đã quyết định, một phần vì bà, nhưng phần lớn là cho tôi. Vì tôi yêu Duy hơn cả cuộc sống, nếu mà tôi có thể chết thế cho anh, tôi cũng sẵn sàng, thì có điều gì không làm được. Tôi đã hồi hộp khi tháng đầu trôi qua mà không thấy gì, rồi tháng thứ hai, tôi đến bác sĩ. Ông nói với tôi: chúc mừng cô khi thấy tôi cười mà nước mắt chảy ràn rụa trên má.
Tôi hỏi bà:
– Mẹ nghĩ rằng con có nên báo cho anh Duy biết tin này không”
Bà cũng suy nghĩ:
– Để xem, rồi mẹ cũng phải qua nhà để xin lỗi ba mẹ con.
– Không sao đâu mẹ, con đã nói với ba mẹ con rồi. Ba mẹ con rất thương anh Duy. Ba mẹ con chấp nhận hết.
Những ngày cuối cùng của Duy là những ngày thật đen tối. Sự biết trước càng làm cho lòng đau đớn hơn, như người tử tội chờ đợi ngày hành quyết. Buổi sáng hôm đó, anh mở mắt ra, rất tỉnh táo, anh nắm tay tôi, nhìn vào mắt tôi, thì thào:
– Hình như em có điều gì dấu anh phải không” Hãy nói cho anh biết.
Mẹ anh cũng đang ngồi đó, bà gật đầu. Tôi run rẩy:
– Anh, em có thai, anh có một đứa con …
Đôi mắt Duy sáng lên, từ trong hốc mắt chảy ra một giọt nước mắt, chỉ một giọt nước mắt, anh siết bàn tay tôi lúc nào cũng nằm trong lòng tay anh:
– Vợ của anh …
Tôi cúi xuống trên ngực anh, nước mắt tôi chảy ướt chiếc áo bệnh viện anh đang mặc.
Anh dần dần rơi vào cơn hôn mê. Tôi, mẹ anh và cha mẹ tôi ngồi bên cạnh cho đến khi anh ra đi một cách thanh thản. Người y tá giữ tôi lại không cho tôi ngã nhào vào người anh. Mẹ anh thì quỵ xuống đất, mẹ tôi phải ôm bà lại, cả hai khóc thổn thức.
Tôi bình tĩnh hơn ngày đưa anh ra nghĩa trang. Tôi biết tôi có bổn phận giữ gìn giọt máu của anh. Tôi sinh cho anh một đứa con trai, và dọn vào ở chung với mẹ anh để cho bà gần gũi với cháu nội, ở ngay trong căn phòng của anh, như một người vợ không bao giờ cưới. Chúng tôi ra mộ anh hàng ngày, hàng tuần, rồi hàng năm qua…
Tôi ít khi nào dám trở lại Shenandoah, nhưng hôm nay tôi đã trở lại một mình. Mùa thu Shenandoah đẹp và buồn như một giấc mộng. Toàn khung trời nhuộm vàng bao la xa khuất.
Tôi đậu xe ở nơi trước kia Duy đã từng đậu khi chở tôi đến, tôi đi lại nơi mà có lần tôi muốn cám dỗ Duy rơi vào cơn mê tình ái. Tôi ngỡ như Duy đang đứng đâu đó, quần short, áo T shirt mầu, trẻ trung, khỏe mạnh và trong sáng như một thiên thần không có cánh. Tôi hát thầm bài hát mà anh từng hát cho tôi nghe. Tôi nhớ Duy chảy nước mắt, tôi nói với anh:
– Anh ơi, em trở lại đây, để nói với anh rằng tạm biệt anh, sáu năm đã qua rồi kể từ ngày ấy. Ngày mai em sẽ từ giã tiểu bang này để theo người chồng mới đi về một tiểu bang khác. Tiểu Duy sẽ ở lại với bà nội cho bà còn thấy anh. Rồi em sẽ trở lại đón con ngày nào đó. Tha thứ cho em vì em không thể nào sống mãi với hình ảnh anh trong lòng, em sẽ héo mòn mà chết.
Tôi quỳ xuống, thổn thức khóc. Lá vàng bay trong trời.
hoàng hạc bay
bay mãi bỏ trời mơ
về đồi sim
ta nhớ người vô bờ

thu hát cho người,
thu hát cho người,
người yêu ơi …
Khi cho xe chạy trở ra, tôi nói thầm trong dòng nước mắt: Shenandoah, tôi sẽ trở lại. Shenandoah, chờ tôi …

PHẠM KHÁNH VŨ

VỀ MÁI NHÀ XƯA

phamkhanhvu

Các độc giả vẫn thường hỏi tôi về nhà thơ Phạm Khánh Vũ của TUỔI NGỌC ngày xưa.
Xin gởi đến các bạn một truyện ngắn của bạn ấy, bây giờ đã là Mục Sư Trần Nguyên Đán và là một trong những giám khảo của cuộc thi VIẾT VỀ NƯỚC MỸ hàng năm do VIỆT BÁO tổ chức.

1.

Cha ơi, con đã về đây, đứa con đi hoang đã về đây.

Con không dám đi cửa trước, con vòng ra cửa sau. Mùa Xuân đã trở lại, những củ tulip con trồng trên luống mùa thu năm nào trước khi bỏ đi đã mọc lên và ra hoa, những bông hoa tulip mà cha yêu. Mọi thứ trông buồn bã và tàn tạ, chỉ có những bông hoa tulip rực rỡ. Mầu đỏ và vàng, xen lẫn với những mầu hồng nhạt, cánh mỏng manh sang cả, lay động trong gió và nắng.

Con ngẩn người trước vẻ đẹp của hoa, trong thoáng chốc quên mình như một đứa con hoang đàng, đã phạm tội cùng cha và bỏ nhà ra đi, đã làm cho cha đau, đau đến tim óc. Cái vòi nước tưới cây vắt ngang trên cái trục gỗ đã mòn. Bình trầu bà leo gầy guộc bên gốc cột. Tất cả vẫn như cũ. Chỉ có hư hao hơn xưa. Hoặc giả như nó có thay đổi thì con cũng không nhận ra, vì những hình ảnh ấy đã sống với con hàng chục năm, quen thuộc quá, như là máu thịt …

Con thoáng thấy bóng cha trong cửa, con lùi lại, nấp sau bụi cỏ rậm không ai tỉa sửa đã xác xơ. Cha áp mặt vào cửa kính nhìn ra vườn, không biết nhìn cái gì. Con muốn nhảy xổ ra, chạy băng qua khoảng sân, tông cửa, lao vào nhà, ôm cha lại. Nhưng con không dám làm thế. Từ xa con không nhìn thấy mặt cha, nhưng con có thể hình dung ra nỗi buồn trong đôi mắt cha, nỗi buồn của niềm đau mất vợ, mất con, nỗi buồn của tuổi già bất lực, nỗi buồn cô đơn có lẽ là nỗi buồn sâu kín và day dứt nhất… Cha đứng yên như thế trước khung cửa kính một hồi lâu rồi lặng lẽ quay đi, đầu cha cúi xuống vì tháng năm, vì chịu đựng, cũng có thể vì nỗi buồn.

Con rời chỗ nấp, tiến lại gần nhà hơn. Con ngạc nhiên khi nhìn thấy con Lucky, nó từ trong cái chuồng gỗ lừ đừ bước ra, và con ngạc nhiên vì không thấy nó sủa, dù là sủa mừng hay sủa cảnh giác. Có lẽ nó vừa cảm thấy vừa quen mà vừa lạ, vừa nhớ cậu chủ từng cho nó ăn và chơi đùa với nó, vừa cố lục lọi trong trí nhớ xem chàng trai ăn mặc luộm thuộm, tóc rối bù này là ai … Nếu nó sủa có lẽ con sẽ bỏ chạy, vì con chưa thật sẵn sàng để gặp cha. Con chưa biết phải làm gì, phải nói với cha thế nào … Lucky lừ đừ tiến lại gần, con quỳ xuống, cố gắng nở nụ cười với nó, tay đưa ra… tao đây mà, đừng sủa… Lucky nhìn con một chập, rồi nhảy vào con, mà không sủa. Nó liếm mặt con, liếm tay con, mà không sủa, đuôi nó quẫy lên vì mừng. Nó đã nhận ra con, con vuốt ve bộ lông xám xỉn màu của nó, ứa nước mắt. Một con vật nuôi mà còn có tình nghĩa như thế. Con phải quay mặt đi, tránh những cái hôn quá nồng nhiệt của Lucky, chính mình thấy không xứng đáng. Con đứng dậy, nắm sợi dây kéo nó đi ra mảnh sân sau.

Sân nhà quạnh quẽ quá. Lá vàng từ mùa thu năm trước vương vãi đây đó chưa có ai cào dọn. Mọi năm con vẫn làm công việc đó, khi con đi rồi, người cha mạnh mẽ ngày nào của con nay đã già yếu, hay vì buồn thương mà không thể lay động cả những xác lá” Con tìm thấy cái cào lá dựng trong vách, và bắt đầu khởi sự cào lá khô dồn lại. Đột nhiên con Lucky sủa vang, con không biết làm sao hơn là nằm dài xuống đất, trong khi mắt len lén nhìn vào nhà, từ đây vào đến nhà khá xa, nếu cha xuất hiện, con sẽ bò đi cho đến cái hàng rào phụ qua khoảng đất trống giữa nhà mình và nhà hàng xóm. Nhưng không thấy gì cả, con Lucky thôi sủa. Chờ đợi một lát, con nhẹ nhàng đứng dậy, tiếp tục cào lá, dồn thành đống lại, dồn vào những gốc cam và chanh.

Bầu trời buổi sáng mùa Xuân trong xanh, những con chim én bay ngang, tiếng xe chạy qua rồi mất dần ở phía xa. Con dừng lại lắng nghe những tiếng động, và lắng nghe cả những tiếng động trong lòng mình. Những đau khổ như lắng đọng lại, ở một nơi nào đó, chứ không phải ở đây. Ở đây, mái nhà này, vẫn bình yên vô cùng, những ngày thằng con trai ngủ vùi trong đống chăn gối quên mất giờ giấc, và khi thức dậy, chính là cha, chứ không phải mẹ, đã làm sẵn cho con những món ăn đơn giản, pha cho con ly cà phê, ít sữa thôi nghe bố, con thích uống thật đắng. Con dặn với theo bằng giọng ngái ngủ. Giống bố hồi trẻ, bây giờ thì bố không chịu nổi cái vị đắng của cà phê nữa. Cha nói. Và khi con từ phòng tắm đi ra, chỉnh tề ngồi lại bàn, thì cha ngồi vào bàn với con, chỉ để nhìn con ăn.

– Bố không ăn gì sao” Con hỏi.

– Bố ăn rồi. Con cứ ăn rồi đi học. Trước đây 1 giờ Jennifer có gọi con, bố nói con còn ngủ bố không muốn đánh thức con dậy, lát nữa con nhớ gọi lại cho nó.

Jennifer. Thôi cha, con đang cố gắng để quên cái tên ấy, con đang cố gắng để quên. Cái tên ấy đã gây ra những đổ vỡ không bao giờ còn có thể hàn gắn được giữa cha và con, và giữa con với cô ta, bây giờ.

Con đã cào xong đống lá, ngừng cào, và chợt ngẩn người ra, không biết mình phải làm gì nữa. Con sẽ phải làm gì đây” Con có mặt ở đây làm gì” Con đã tìm đủ tiền để mua vé máy bay, vượt bao nhiêu ngàn miles từ miền Cực Tây bay về đây, để làm gì đây” Trở về nhà, mà không dám vào gặp cha. Cha đang rất gần con, chỉ cần con đứng dậy, chạy vài bước, con có thể ôm cha vào lòng … Con muốn thế. Nhưng mà cha ơi, cha có thể nào tha thứ cho con không”

Con đã ăn cắp tiền trong ngân hàng của cha, trong saving và cả trong checking, chỉ chừa vừa đủ để người ta không nghi ngờ. Con đã thừa lúc cha đi tắm, rút cái driver license của cha, và con ký chữ ký của cha giống hệt, con thuộc lòng số PIN của cha, số account của cha, đâu có lạ gì, vì cha vẫn thường đưa những cái check lương của cha cho con đi deposit, vẫn nhờ con rút tiền trong máy ATM. Những người làm việc trong ngân hàng đã quá quen mặt con. Con đã bán luôn chiếc xe Honda Accord đời mới cha mới mua cho con. Không những thế, con cũng rút luôn những cái credit card cha thường để dưới những chồng sách ít khi nào dùng tới.

Con rút hết tiền buổi sáng, thì buổi trưa con đã nhanh chóng thu gọn áo quần đồ đạc vào va ly. Cô gái tinh quái ấy đã hẹn đúng giờ đến đón con ra phi trường. Nhưng điều mà con không bao giờ tưởng tượng là cha trở về ngay khi con vừa buớc chân ra cửa, tay còn vướng víu cái va ly nặng.

Cha sừng sững trước cửa, ngay lối đi của con, như một cơn ác mộng. Trong giây phút khủng khiếp ấy, con không còn kịp suy nghĩ một cái gì, con gạt phắt cha ra, và cha cũng không thể nào ngờ thằng con trai của mình có thể làm thế, cha loạng choạng ngã xuống đất, đầu đập vào cửa.

Con không nhìn cha lúc ấy, nhưng con nghe tiếng cha kêu:

– Thư, con đi đâu, đứng lại …

Con chạy băng băng qua khoảng sân trước và thấy nó quá dài. Nếu con không chạy thật nhanh thì có lẽ con sẽ đứng lại, sẽ quăng hết đồ đạc, chạy vào đỡ cha dậy, và rồi sẽ thú tội cùng cha. Nhưng không, con không thể làm như thế nữa. Con đã leo lên lưng cọp rồi, con cọp sẽ phóng đi. Nó đang ngồi trong chiếc xe mầu xám đậu bên kia đường, với khuôn mặt đẹp, nụ cười quyến rũ, hai cánh tay dài. Nó, chính là mụ phù thủy đã cướp mất linh hồn con, cướp lấy thể xác con, lôi con ra khỏi vòng tay từ ái của cha. Con phải chạy. Cửa xe đã mở chờ sẵn con, con lao vào, đóng sập cửa lại. Chiếc xe chạy vù đi, và con không thể nào không quay lại nhìn một lần nữa, trời ơi, cha đã chạy được ra tới cửa trước, và hình ảnh cuối cùng con thấy là … cha quỵ xuống, nhưng hai tay còn đưa lên trời. Cha ơi, cha có chết lúc đó, thì con cũng ra đi … Tội của con lớn dường ấy.

Con thấy cay ở mũi. Cha ơi, đã từ lâu con không còn khóc được nữa, cuộc sống của con chỉ là cay đắng và hận thù. Con ngụp lặn trong vũng bùn, sa đọa tới tận nền móng của địa ngục. Cho tới khi con nhận ra rằng đứa bé trong bụng cô ta không phải là của con, mà là của một người khác, cuộc đời từ đó chỉ còn là địa ngục. Những ngày sau đó là nguyền rủa, cay cú, đập phá, tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác, mà không thể dứt bỏ. Con vẫn đam mê cô ta, một thứ đam mê kỳ quái, như một loại thuốc phiện cực mạnh.

Rồi nửa năm sau ngày sinh con, cô ta đã bỏ con. Tối hôm ấy con biết là cô ta sẽ đi. Con tìm được một khẩu súng, và nghĩ rằng tối hôm ấy sẽ có ba người chết, có thể bốn, thằng nhân tình cũ của cô ta, nếu nó ló mặt ra. Nhưng trời đã đoái thương con, thương cha, đã không để cho con làm cái hành động hủy diệt ấy. Cô ta đã ra đi trước khi con về. Con đập phá đồ đạc trong nhà trọ, và trong cơn điên cuồng con muốn nổi lửa lên đốt nhà, nhưng một lần nữa, con dừng lại. Có một cái gì đó ngăn con lại.

Và cha ơi, những ngày sau đó nữa cha biết là gì không”

Thôi, cha ơi, con không dám nghĩ tới nữa.

Bây giờ con đã về đây, nhưng không dám bước vào nhà. Con về, để thấy là cha vẫn còn sống, con chỉ nhìn cha một lần nữa thôi, rồi con sẽ ra đi. Mà lần này, con không biết là con sẽ đi đâu. Xin cha nhận một lạy này, như là một lạy đáp tạ ơn dưỡng dục sinh thành, ơn cha đã yêu con, một tình yêu không bến bờ, không gì so sánh được. Xin cha …

Con quỵ xuống bãi cỏ, vì có một cái gì đó thắt lại nơi trái tim con….

Con Lucky lại sủa …

2.

Con, cha của con đây.

Ngày hôm nay vết thương cũ trong những năm chinh chiến lại hành hạ cha nhức nhối và cha xin phép nghỉ ở nhà một ngày, cha mới đi bộ một vòng ngoài đường trở về.

Cái khu nhà này mình đã ở cho đến bây giờ là mười lăm năm rồi. Sau nhiều năm đi làm cực nhọc cố gắng dành dụm mua được căn nhà này, nó đã trở thành một phần đời sống của cha, quen thuộc đến nỗi cha có thể nhắm mắt lại hình dung ra những căn nhà nằm ở đâu, như thế nào, ngay cả những người hàng xóm cũng cũ kỹ như những tấm ảnh ố vàng. Cha mới đi một vòng về, vào trong bếp nấu ít đồ ăn, và lại nhớ đến con. Cho tới khi nào con trở về, còn không thì cha vẫn cứ nhớ mãi.

Con biết không, từng tiếng động ban ngày, ban đêm, đều làm cho cha nhớ con. Mỗi khi nghe tiếng điện thoại reng, cha đều thầm mong đó là con, cha hồi hộp cầm máy lên, và nghĩ rằng chắc mình sẽ bật khóc nếu nghe tiếng con trong máy. Mới hôm qua đây, khi thức giấc giữa đêm, cha chợt vội vã tung mền ra, chạy vội lại cửa sổ nhìn ra drive way, vì cha chợt nghe tiếng cửa xe mở ra và đóng lại rất gần, tiếng đóng cửa xe rất giống tiếng đóng cửa xe của con, không nhẹ mà cũng không mạnh lắm. Cha nghĩ rằng sẽ lại nhìn thấy chiếc xe Honda Accord mầu đen của con nằm phía sau chiếc xe cũ kỹ của cha, và cái dáng cao cao gầy gầy của con băng qua bãi cỏ vào nhà. Đường xi măng không đi, mà cứ hay băng ngang bãi cỏ, cha nói hoài, mà con cứ quên. Nhưng cha thất vọng, vì cái thằng con của ông Mark cạnh nhà đi đâu mới về. Dạo này nó cũng hay đi khuya như vậy. Cha lại quay vào giường, và trằn trọc mãi cho đến sáng. Con đang ở đâu”

Con bây giờ chắc đã lớn lắm rồi, có … vợ, và chắc cũng đã có con. Sao con không liên lạc về cho cha biết, sức khỏe con thế nào” Vợ của con, nó có săn sóc con đàng hoàng không” Cha không yên tâm lắm về người vợ Mỹ của con. Mẹ con mất sớm, cha săn sóc con cũng như mẹ vậy. Dù thế nào thì người Việt Namvới nhau cũng còn giữ được chút truyền thống gia đình đẹp đẽ, con biết không” Nhưng bây giờ lỡ rồi thì phải đành chịu vậy. Còn con của con thì thế nào” Nó giống con hay giống người mẹ Mỹ của nó” Con trai hay con gái”

Con biết không, những người quen của cha thỉnh thoảng đến nhà nhìn thấy cái bảng cha treo trước cửa, mà khuyên cha: sao anh cứ treo cái bảng đó mãi thế, biết bao giờ nó mới về” Cha nói với họ: nó sẽ về, tôi tin rằng nó sẽ về mà, khi nó về, nhìn thấy tấm bảng đó, sẽ yên tâm mà vào nhà. Tấm bảng đó cha viết từ lúc con mới bỏ đi, bây giờ đã mờ nhạt rồi: Thư, nếu con về hãy mở cửa vào, Bố vẫn chờ con. Con vẫn còn giữ chìa khóa chứ” Thư, nếu con có về, bất cứ giờ giấc nào, cứ mở cửa mà vào nghe con. Nhà này là nhà của con mà. Cha mua nó là cho con, chứ cha đâu có sống cho đến ngày trả dứt nợ ngân hàng. Con đừng lo lắng gì nữa. Cha tha thứ cho con hết thảy, cha quên hết những gì đã xảy ra ba năm trước đây, cha không nhớ gì những chuyện đó nữa, ngay cả lúc con xô cha ngã đập đầu vào cửa, cha cũng không giận con, cha chỉ đau đớn, vì thương con, biết là con còn trẻ người non dạ, chứ con thì thương cha nhiều lắm, cha biết, dù con không nói ra, nhưng cha biết. Dù gì thì cũng là cha con mà, phải không con” Cha vẫn hối tiếc là hôm ấy sở cha bị cúp điện được cho nghỉ, cha về nhà sớm và ghé qua ngân hàng định rút tiền gởi về cho ông nội con ở Việt Nam, khám phá ra tiền trong ngân hàng không còn nữa, cha vội vã chạy về, và đụng đầu con trước cửa. Giá mà cha đừng về, cứ để cho con đi, như thế sẽ hay hơn …

Cha mới ở trong phòng con đi ra, mọi thứ trong phòng con cha vẫn để nguyên như vậy, để khi con về, con có thể vào đó, nằm xuống, và ngủ, bình yên như ngày xưa. Cha đến bên cửa, nhìn ra sau vườn, hoa tulip đã nở rồi, những bông tulip này chính con đã đi mua ở Home Depot về trồng, và cha săn sóc chỉ mỗi những luống tulip đó, vào mùa xuân, khi nó ra hoa. Hoa tulip đẹp lắm con ạ. Ngày xưa mẹ con khi còn ở Việt Nam, được xem những tấm card postal chụp những vườn hoa tulip tuyệt đẹp ở Hòa Lan, cứ ao ước phải chi có được một lần tận mắt nhìn thấy. Tội nghiệp mẹ con sớm qua đời, không theo cha con mình đi vượt biên, để bây giờ cũng có thể tận mắt nhìn thấy những bông hoa tulip mà bà thích. Cha lại muốn khóc. Cha thật là ủy mị. Cũng bởi vì cha đã làm gà trống nuôi con từ khi con gà con còn quá nhỏ, con trai yêu dấu của cha.

Cha nhìn thấy bóng ai đó ngoài vườn, sau bụi cỏ. Ai vào nhà mình vậy. Cha hơi lo, nhưng nghĩ có lẽ là những người làm vườn cho nhà bên cạnh đến để cắt cỏ. Cha nhìn sân sau nhà mình điêu tàn quá, chắc rồi cũng phải mướn người sửa sang lại. Từ ngày con đi, cha không nhấc tay lên nổi để làm gì, ngoại trừ vẫn phải đi cày từ sáng đến chiều để mà sống. Hay là để chờ con về con làm. Con sẽ về mà, cha tin chắc là con sẽ về. Con nhất định sẽ về. Ai cũng ít nhất một lần lầm lỡ, có ai mà trong suốt cuộc đời mình không bao giờ có lầm lỗi. Nhưng những gì cha đã dạy con từ khi con còn nhỏ dại cha tin là con vẫn nhớ. Ngay cả khi lớn lên, có vài lần khi còn học trung học con bỏ lớp đi chơi với bạn mà không cho cha biết, trường gọi về báo tin. Cha giận lắm, nhưng khi con về cha không nói một lời nào cả. Hôm sau nữa cha gọi con lại bên bàn:

– Con có biết là Bố giận con nhiều lắm không”

Con lấm lét:

– Dạ biết.

– Con biết thì con phải làm gì”

– Dạ con xin lỗi Bố, con hứa là từ rày về sau con sẽ không làm điều gì cho Bố buồn nữa.

Cha đã ôm con vào lòng, dù lúc ấy con có thể đã cao hơn cha rồi. Cha nói:

– Lầm lỗi là chuyện bình thường, ai cũng có thể lầm lỗi, nhưng quan trọng là mình có thật lòng hối lỗi và thay đổi hay không. Nhớ nghe con.

Nhưng rồi một lần nữa con lại lỗi lầm. Lỗi lầm này nguy hại hơn nhiều và có thể làm cho con ân hận cả cuộc đời mình. Cha không tiếc hối gì cả vì đã dạy con đủ những điều cần thiết, nhưng cha cầu xin Trời ban cho con một cơ hội quay về. Con có thể mất nhiều thứ, nhưng con vẫn còn một điều, đó là tình yêu cha vẫn còn đây. Biển không bao giờ cạn cả.

Cha chợt nhớ sáng nay quên chưa cho con Lucky ăn. Khi con đi nó đã buồn nhớ con nhiều ngày, bỏ ăn uống. bây giờ cha chỉ còn nó là bạn. Cha mở cửa ra sân sau, và không thấy Lucky đâu cả, cha đưa mắt tìm kiếm nó, và …

Cái gì đó” Có phải là cha đã hoa mắt không” Hay vì sự nhớ thương đè nặng lâu ngày làm cho cha hóa ra nhầm lẫn, con Lucky đang đứng bên cạnh một người, người ấy quay lưng lại, chống cái cào cỏ dưới chân. Không, cha không thể nào nhầm lẫn, cho dù mười năm sau hai mươi năm sau, con vẫn là con của cha. Chính là con, cái dáng cao cao gầy gầy ấy … Nhưng cha cố trấn tĩnh, cha đã bị nhầm lẫn nhiều lần, cha không muốn mình phải bị thất vọng lần nữa, cha đứng chôn chân một chỗ, mở to mắt nhìn về hướng ấy.

Con, con đã quay lại. Con, chính là con.

Cha muốn hét lên, nhưng cổ cha nghẹn lại, cha cố nhấc bước lên, nhưng cất bước chẳng nổi.

Cha nhìn thấy con quỵ xuống cỏ, tay chắp lại hướng về phía trước, như một cái lạy.

Con Lucky lại sủa …

3.

Người cha đã di chuyển được đôi chân run rẩy, ông chạy tới, hai tay ông đưa ra phía trước.

Người con cũng vừa ngẩng đầu lên, tay vẫn còn ôm ngực.

Như trong các đoạn phim quay chậm, rất chậm, gió làm tóc bay lên, áo bay lên. Không, tóc không bay, áo cũng không bay, chỉ có những bước chân bay lên, những linh hồn bay lên …

Một bước nữa, một bước nữa, gần hơn gần hơn.

Người con đã đứng dậy được, tay giang ra.

Nếu, bạn ơi, bạn có sẵn trong tay chiếc máy chụp hình, xin chụp lại cho tôi khoảnh khắc ấy. Tôi cho rằng đây là một khoảnh khắc tuyệt đẹp – một khoảnh khắc tuyệt đẹp khó tìm thấy trong đời.

TRẦN NGUYÊN ĐÁN

THÁNG TÁM VÀ TÔI

phamkhanhvu

tháng tám, biển không có gì khác
vỗ giữa ngàn xanh sóng bạc đầu
Ta nhớ một người, ta bạc tóc
nối những sợi dài suốt bể dâu

tháng tám, mơ hồ ta định hướng
về đâu về đâu những ngả đường
nhìn đâu con mắt cay mùi khói
quay người đối diện thú đau thương

tháng tám một ngày ta nhớ lại
mênh mông chiều thu, thu mênh mông
có con châu chấu nằm trong lá
ăn những chồi non mới nhú lên

Tháng tám lơ ngơ tìm con phố
cà phê và lá rụng trên bàn
một chút gì đau hoài niệm ấy
một chút gì ta nghe nát tan

tháng tám có khi là cơn bão
ngụ giữa lòng ta bao nhiêu năm
bao nhiêu năm ấy còn mơ được
sao phút này đây lại khóc thầm

tháng tám với em không gì cả
em vẫn hồ như không nhớ ta
không nhớ một ngày nằm đợi chết
mưa đổ nghìn trùng trong cách xa…

PHẠM KHÁNH VŨ

NGHÌN NĂM BIẾT CÓ NGHÌN NĂM NỮA.

phamkhanhvu

Có khi tôi ngủ mà tôi biết
Cũng có khi lòng tôi dửng dưng
Buổi sáng mang thùng ra tưới đất
Đất cười một nụ quá ung dung

Cũng có khi lòng tôi rách rưới
Buổi chiều mây khói tụ sau nhà
Tôi nhớ người như tôi nhớ bóng
Tôi đứng một mình tôi hát ca

Có khi tôi thức tôi không biết
Con mắt tròn xoe trong bóng đêm
Vượn hú đâu mà nghe ảo não
Tôi khóc vùi cùng nỗi êm đềm

Có hôm mang vở lên trường học
Tôi ngủ quên trời đất cay nồng
Tôi mơ tôi bước ra đời sống
Giật mình thức dậy hóa ra không

Tháng ngày tôi xếp vào trong gối
Tôi mộng hàng đêm rất tự nhiên
Tôi bước trong đời không có thực
Nên suốt đời chỉ thấy ưu phiền

Khi tôi thong dong nằm nghe nhạc
Tôi tưởng người ấm áp bên mình
Nhạc ru từng nỗi buồn cao thấp
Tôi ru người bằng mộng tinh anh

Có hôm ra trước sân nhà vắng
Tôi ngó trăng và trăng ngó tôi
Một lúc tôi nghe đầu choáng váng
Tôi khóc mà trăng cứ mỉm cười

Cứ uống cà phê là bỗng nhớ
Tôi nằm chết ngất giữa tình say
Tôi cười có lúc tôi không biết
Cho nắng bò lên mỗi ngón tay

Có lúc tôi ôm đầu tôi hát
Tôi hát và tôi êm ái nghe
Đời nhiều khi buồn như mây nổi
Từ độ nào tim lạc lối về

Nhiều lúc tôi bực mình muốn khóc
Tôi hỏi tôi này hai mươi năm
Bao nhiêu ngày tháng mòn trên tóc
Chẳng lúc nào vui cứ mãi buồn

Có hôm tôi đứng bên bờ suối
Nước trôi mà tôi thì đứng im
Cành thông gió tạt còn nghiêng ngã
Tôi đứng mình tôi rất tự nhiên

Tôi cứ vô tình tôi không biết
Tôi đứng mong manh giữa cuộc đời
Lũ chim ngu dốt òa lên khóc
Tôi ngã vào dòng nước chảy xuôi

Một ngày tôi đứng quay đầu lại
Bên kia là rừng núi điệp trùng
Bên này cả đời tôi sóng vỗ
Sóng vỗ nghìn năm rất dửng dưng

Tôi ở giữa đời tôi lạc lõng
Người bỏ đi rồi ai nữa đâu
Tôi hái hoa vàng tôi khóc lóc
Còn lại chút gì để nhớ nhau

Có khi tôi gọi người rền rĩ
Người ơi người xa biệt chốn nào
Tháng ngày tôi chất vào trong bếp
Tôi đốt cho lòng tôi bớt đau

Tôi đi hiu quạnh trong đời sống
Có ai về dìu lại bước chân
Nghìn năm rồi có nghìn năm nữa
Tôi vẫn ngồi ôm suốt căn phần

Chắc rồi tôi chết tôi không biết
Sớm mai này xin chớ ai buồn
Cho tôi hổ thẹn về với đất
Tháng ngày còn lại ném sau lưng…

PHẠM KHÁNH VŨ (1974)

MỘT NGÀY…

phamkhanhvu

( tặng tiểu di bạn nhỏ, tháng 5/1975)

Nhắm mắt không thể ngủ
Đứng dậy không thể đi
Ngồi im không thể động
Coi như không có gì

Tâm dỗ dành miệng nín
Miệng hát ru tâm yên
Sợ chút tình khơi động
Phá tan ngày thần tiên

Đưa bàn tay lên ngắm
Những ngón dài chưa thôi
Một chút mây tản mạn
Bay dạt trong hồn người

Lòng cuồng như cầm thú
Rat rứt không nên lời
Không thể làm gì cả
Ngoài những tiếng thở dài

Ngó hoài lên trời rộng
Sao đời không thấy xanh
Sao chỉ màu tím dại
Lăn vòng quanh vòng quanh

Sao thấy chiều tán loạn
Quay hối hả một mình
Chừng như tim hết thở
Xác và hồn nín thinh

Một chút lòng chua xót
Thì thầm như cầu kinh
Nhắm mắt không thể ngủ
Sầu đầy không thể quên

Làm sao rơi nước mắt
Tim cằn như đá khô
Khi tay cào cấu mặt
Tan nát ngày mộng mơ

Khi ngồi thu xếp bóng
Vào trong một nấm mồ
Chiều lên xanh cỏ dại
Hồn cuồng bay phất phơ

Ngồi im không thể nói
Nằm trong bóng tối mờ
Cố dỗ lòng đau xót
Khác một ngày thuở xưa…

PHẠM KHÁNH VŨ