ĐỌC THƠ TÔN NỮ THU DUNG TRÊN ĐẤT MỸ

1-
Hình như tôi thấy một thời
Thơ em gởi lại cho người đã xa
Ngô đồng chim nhặt phù hoa
Để em ngồi nhặt cỏ hoa riêng mình.

2-
Hình như biển tự ru tình
Thương con còng gió một mình đa đoan
Cát nào se đủ biển đông
Trôi theo trăng khuyết hợp tan thật buồn

3-
Hình như mắt biếc môi hồng
Tung tăng áo lụa vàng trong nắng chiều
Bây giờ sợi tóc đìu hiu
Trăng quê nhà chếch đổ xiêu chân người

4-
Hình như áo tím bên trời
Đọng vào đôi mắt một thời tình thơ
Để trăng cổ tích dại khờ
Đem trầm luân trượt xuống bờ tương tư

5-
Hình như tim chợt đau nhừ
Ngỡ ai qua ngõ về từ hư không
Tiếng hò bát ngát qua sông
Khói sương sóng sánh đôi dòng uyên nguyên

.6-
Hình như từng vết sao đêm
Soi trong kinh sử thuyền quyên kiếp nào
Tình ơi một cõi chiêm bao
Sóng trong ký ức lao đao mạch ngầm.

7-
Hình như chuyện đã mười năm
Sao lưng còn cấn chỗ nằm vẫn đau
Bến không vườn cũ hoa đào
Tóc tơ ngày ấy cũng vào chìm trôi.

8-
Hình như chữ cũng theo người
Đa mang nghiệp lữ gỡ hoài không ra
Thôi thì hóa hạt phù sa
Làm xanh ngọn cỏ ta bà bến xa.

9-
Hình như hương mật của hoa
Tràn qua ngọn bút trôi xa ngút ngàn
Kiếp tằm đã lỡ vương mang
Thì xin nhã hết tơ vàng thiệt thua.

10-
Hình như hoa nở ngược mùa
Cảo thơm để lại mùa xưa cũng đành
Ai còn thả ngọn tóc xanh
Để tôi gieo hạt nở thành “Tương Tri”?

NGUYỄN AN BÌNH

Advertisement

Nhà Cỏ

Thư sinh rời gian nhà cỏ
Bỏ quên một nàng hồ ly
Đêm đêm mơ hồ tiếng gió
Và trang sách cũ thầm thì

Ngọn nến canh tàn rơi lệ
Vườn khuya xanh biếc nguyệt rằm
Có ai vừa qua rất nhẹ
Hình sương bóng khói trăm năm

Tôi về ngang gian nhà cỏ
Thời gian đã phủ bụi mờ
Tôi về ngang gian nhà cỏ
Ray rứt nhớ thời yêu xưa

( nhớ chàng thư sinh thuở nọ
và nàng hồ ly dại khờ…)

Tôn Nữ Thu Dung

HÌNH NHƯ

1.

Hình như không có gì đâu
Nên em cuối bãi. Ta đầu sông xa
Hình như không có thiết tha
Sao em cắc cớ bắt ta dật dờ

2.

Hình như không phải là thơ
Chỉ là giọt lệ trên tờ giấy thôi
Chỉ là đọng. Chỉ là rơi
Sao xao xuyến. Sao bồi hồi tim rung

3.

Là em mắc tội dửng dưng
Nên ta lớ ngớ lừng khừng lơ ngơ
Hình như em vẫn thờ ơ
Giống như em chỉ giả vờ không yêu

HẠ QUỐC HUY

Lòng Thơm Chữ Nghĩa Cảm Ơn Em

Tôi đi gom nhặt từng con chữ
ai bỏ đây mà…thơ quá thơ?
Chắc chỉ là em hôm-bữa-nọ
ngồi chơi rồi đứng dậy, về trưa…

Em đi, tôi ngó theo em mãi,
ngó áo dài bay nhớ Nước Non,
nhớ gió trên đồng xô ngả lúa,
nhớ hoài Mẹ nắng tóc đầy sương…

Hình như bữa đó em như vậy,
em dãi dầu mưa nắng lắm nha!
Em uống nước tôi mời vẫn khát
tôi nhìn em miệng đẹp như hoa!

Em ngồi một chút mà sao nắng
đọng lại lòng tôi chiều mỗi chiều,
cuốn hút đường xa mù bụi nắng,
em về yên ổn nhé em yêu!

Lá Xuân xanh biếc vài ba lá 
rụng xuống sân tôi mấy bóng vàng,
đó dấu chân em còn để mãi,
là thơ!  Thơm ngát cánh hoa lan!

Thơ tôi vừa mới câu gì vậy?
Có nghĩa gì không tình hỡi tình,
chữ nghĩa em cho ngoài ý mượt
nằm trên trang giấy trọn-hồn-anh?

Em ơi áo lụa hay là vải
thì cũng mồ hôi của Mạ mà!
Em giống tấm hình ai vẽ Ngoại,
vườn cau con sáo mới bay qua…

Tất cả khi không thành quá khứ:
Em về lại chỗ em rời đi,
xa xa xa lắm trên miền Bắc,
áo gió xanh xao vạt tóc thề…

Tôi sẽ ngồi yên không động đậy
lòng thơm chữ nghĩa, cảm ơn em!

Trần Vấn Lệ

Thư Gửi Ba

1 giờ sáng, lạnh

con dế gục đầu vào khe cửa

khản giọng kêu bababababa…

3 giờ sáng, lạnh

gió lạc giọng thổi ngoài hiên babababa…

bỗng rụng cành cây khô bên thềm nhà

5 giờ sáng, lạnh

ly trà nóng, nghẹn

rưng rưng mắt con nhòa bóng ba…

***

Nebraska khoảng 1giờ sáng ngày 12 tháng 9 năm 2022.

Con đường hiu hắt ánh đèn vàng.

Con đường hun hút vắng im.

Chỉ có trăng đi cùng má và các con gái.

Út lái xe, tìm đường đến phi trường Kansas để bay về California.

Các con gái vừa nhận tin ba vừa đi xa.

Bàng hoàng! Thảng thốt!

Con đường khuya và ánh đèn hiu hắt vàng và hun hút vắng và lặng im lặng im.

Chỉ có trăng đi cùng má và các con gái.

Các con gái lặng im cố nén chặt mọi cảm xúc. Nén chặt đến độ đông cứng. Không chịu tin đó là sự thật.

Trăng mười sáu lặng im giữa bầu trời mờ sương se lạnh, mải miết đồng hành cùng chiếc xe đơn độc trên nẻo đường dài thăm thẳm hun hút vắng.

Chỉ có trăng đi cùng- vẫn đi cùng chiếc xe chở nặng đớn đau yêu thương.

Ba ơi, qua khung cửa bên phải xe, con nhìn thấy ánh mắt nụ cười hiền hậu bao dung của ba in vào vầng trăng.

Lần đầu tiên trong đời con hiểu thế nào là yêu thương đến đau đớn, ba ơi!

Má và các con gái tiếp tục vững vàng hướng về Cali với niềm tin tuyệt đối, niềm tin mãnh liệt: Chúa đang ngự vào chiếc xe, gìn giữ tay lái của Út, vây phủ phước hạnh quanh xe, bảo bọc che chở cho mọi người về tới nơi bình an.

***

Ba ơi! Khi nghĩ về ba, chúng con luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc “yêu thương và được yêu thương.”

Ba ơi, chúng con cảm ơn ba đã cho chúng con niềm hạnh phúc đó. Và hạnh phúc càng trọn vẹn hơn- khi ba là niềm tự hào của chúng con, là Tấm Chắn vững chãi cho mỗi chúng con. Tấm Chắn đó được nung đúc bằng chất liệu yêu thương, nhân từ, độ lượng, tin cậy. Tấm Chắn đó vững chãi đến độ, dù chúng con đứa đã có con có cháu, vẫn cảm thấy bé bỏng khi chạy về ôm lưng ba, dụi đầu vào đó mà hít thở hương thơm tình phụ tử.

Ba ơi, nghĩ về ba, chúng con nhớ những câu chuyện ba thường kể bằng giọng Quảng Ngãi mặn mà chân chất. Mỗi câu chuyện là một bài học làm người. Bài học lớn nhất mà ba đã dạy chúng con là bài học Yêu Thương, bằng chính cuộc đời ba: Thời loạn lạc, ngôi nhà ba má ở thị xã, luôn mở rộng cửa cưu mang nhiều bà con ở vùng xôi đậu lên ăn tối, ngủ nhờ. Với chức vụ và công việc của ba, ba đã cứu sống được bao người dân vô tội. Và còn nhiều việc nữa không thể kể hết.

Rồi cơn lốc xoáy của lịch sử đã tung hê tất cả… Gia đình mình tan đàn xẻ nghé. Bầy con của ba, đứa nhỏ nhất chỉ vài tháng tuổi, dại khờ ngơ ngác, bơ vơ côi cút giữa bão tố cuộc đời. Đứa về quê nội, đứa theo má đến miền đất sình lầy. Đời bầm dập nhưng chúng con vẫn luôn giữ gìn nếp nhà yêu thương, hiếu thuận, đùm bọc lẫn nhau.

Còn ba, chốn lao tù khổ sai nơi rừng thiêng nước độc, đói lạnh bệnh tật, cận kề bên cái chết, vẫn đêm đêm cặm cụi khắc tên cả gia đình trên chiếc lược bằng vỏ đạn. Bầy con đông nên chiếc lược khá dài, dài theo niềm thương nỗi nhớ. Miếng vỏ đạn thì lạnh cứng mà nét chữ của ba lại ấm áp mềm mại, bởi ba đã gửi gắm vào từng nét chữ bằng cả trái tim yêu thương mong nhớ. Có lần má đi thăm nuôi ba, dẫn theo đứa con nhỏ, đứa nhỏ đó giờ đã 50 tuổi, vừa kể lại rằng ba cứ ôm chặt nó vừa hôn vừa nói “nhớ con quá… nhớ con quá…”

Rồi ba ra tù trong bộ quần áo màu nâu đất, xộc xệch rách rưới, chân yếu mắt mờ, vàng vọt tiều tụy, suy sụp, kiệt quệ… Nhưng không lâu sau, ba lại vững vàng, sáng suốt, vẫn là cây cổ thụ che chắn, định hướng tương lai con cái. Lần lượt ba đem các em ở quảng Ngãi vào Cần Thơ để đoàn tụ, học hành.

Sau đó, may mắn đã đến với gia đình mình như nhiều gia đình HO khác, ba đã dắt má cùng chúng con đến xứ sở nầy, để chúng con được sống cuộc đời tự do, được hít thở bầu không khí trong lành.

Ba ơi, mảnh vườn nho nhỏ sau nhà được nhiều rau trái tươi ngon, là những món quà yêu thương mà chúng con được nhận vào mỗi cuối tuần khi về thăm ba má. Hổm rày chúng con ăn rau muống, thanh long, chúng con uống nước lựu ép. Từng cọng rau xanh mượt, từng trái thanh long ngọt lành, từng hạt lựu đỏ thắm, từng nhánh hoa thơm…Tất cả, tất cả…đều có bóng dáng ba cạnh má lom khom chăm sóc gieo trồng, vun xới tưới tẩm.

Ba ơi! Từ bữa ba vắng nhà, chúng con luôn xúm xít cạnh má. Cùng kể lại những kỷ niệm về ba. Có đứa kể, lần nọ ba tới nhà em, ba ho, em rót nước mời ba uống. Ba cạn chén, em lại rót tiếp… Cứ vậy… nhiều lần… Tối, ba tủm tỉm cười: “Chưa bao giờ ba được uống nước nhiều như bữa nay!” Em hỏi: “Sao ba hổng biểu con đừng rót nữa?” “Bây lo cho ba, sao ba lại không uống!” Kể xong, em chặm nước mắt: “Ba mình hiền quá! Thương ba quá!” Rồi chuyện đứa này bịnh, đứa kia bị tai nạn… là ba gọi thông báo ngay để chúng con cùng chăm sóc nhau! Bao nhiêu kỷ niệm, mà qua đó, chúng con mới nhận ra rằng ba luôn để mắt quan tâm từng đứa, còn chúng con thì nhiều lúc vô tình với ba. Ba ơi, chúng con xin lỗi ba.

Vắng ba, nhà trống trải quá, đến nỗi đứa chắt mới 6 tuổi của ba má, vừa bước vô nhà, liền hỏi “Ông cố đâu rồi”. Lúc về nó lại hỏi với vẻ mặt ngơ ngác buồn: “Ông cố đâu rồi?” Làm sao tránh khỏi nỗi buồn đau quặn thắt nhức nhối khi vắng ba, ba ơi!

Mấy năm gần đây, dù tuổi già sức yếu, ba vẫn chăm chỉ đi nhà thờ, học lời Chúa, rất sốt sắng trong nhiều sinh hoạt của nhà thờ. Nhìn ba đứng cạnh má trong ban hát, nhìn ba đọc kinh thánh, chúng con vui mừng lắm. Má con hàng đêm vẫn thích nghe và hát Thánh ca. Bài nào má con thích, ba hăm hở in ra cho má hát. Vậy đó, ba luôn dạy chúng con bằng chính việc làm của ba: Bài học về đức tin, về tình nghĩa vợ chồng.

Ba ơi! Ba xa lìa nơi nầy đột ngột quá khiến cả nhà thảng thốt, bàng hoàng, đau nhói, trống vắng, hụt hẫng… Cứ ngỡ chỉ là giấc mộng! Phải, chỉ là giấc mộng thôi mà ba ơi ba ơi…

Nhưng… những lúc tỉnh táo, chúng con nhận ra: sự đột ngột đó lại chính là ước nguyện của ba, vì trước phút chia tay, thân thể ba không hề phải chịu đựng đau đớn. Ba từ giã miền đất tạm nầy thật bình an nhẹ nhàng để trở về chốn phước hạnh đời đời.

Và chúng con cũng nhận ra rằng: Việc ba đột ngột rời bỏ cõi tạm lại chính là lời nhắc nhở chúng con: Hãy sống tốt hơn nữa để khi nhắm mắt xuôi tay, lòng được vui thỏa. Hãy sống bao dung độ lượng nhiều hơn nữa. Hãy sống yêu thương nhiều hơn nữa, bởi vì, chỉ trong tích tắc- Phải, chỉ trong tích tắc thôi, người ta có thể bất ngờ vĩnh viễn xa lìa người thương yêu của mình.

Vậy đó! Cho đến giây phút cuối cùng, cuộc đời ba vẫn là bài học cho chúng con: Bài học làm người, bài học yêu thương.

Ba đã sống vuông tròn cả đạo lẫn đời. Chúng con tin chắc rằng giờ nầy ba đang thảnh thơi thỏa nguyện nơi miền vĩnh phúc.

***

Ba ơi! Bình tâm lại, con nhận ra Trời ( God), vẫn được người Việt gọi là Chúa, đã luôn ở cùng ba trọn lối đi trên cõi tạm và trọn lối về chốn phước hạnh vĩnh hằng.

 Ngày nào ba trong quân ngũ, rồi những năm tháng bị tù đày… Trời đã luôn bảo bọc che chở ba vượt qua tất cả gian lao khó nhọc, hiểm nguy.

Rồi khi con cháu đã được sống cuộc đời tự do, mọi sự đã tốt lành, thì sức ba đã yếu nên Ngài đã nhậm lời cầu xin của ba: Ba không muốn sống với những ốm đau thể xác của tuổi già, không muốn sống đời thực vật.

Nên đúng vào ngày Chúa Nhật, ngày Thánh, ngày của sự Phục Sinh, ngày của Yêu Thương, ngày nghỉ ngơi. Hôm đó cũng nhằm vào ngày Yêu Nước (9/11), ngày Lễ Ông Bà (9/11/2022), Chúa đã chọn ngày đặc biệt đó để dắt ba trở về ngôi nhà vĩnh phúc.

Thế là ba đã hoàn tất cuộc hành trình đời người, đã về đến đích cách hiển vinh, đầy tràn ân điển.

Nhưng dù sao con vẫn ôm nỗi nhớ thương ba.

Hổm rày con cứ mở voicemail để nghe những lời ba nhắn lại mỗi khi con không bắt máy. Giọng ba vui vẻ ấm áp làm sao. Nghe mà thương quá chừng thương. Nghe mà nhớ quá chừng nhớ ba ơi…

TỊNH TÂM
( Trương thị Kim Chi)

KHÓI BẾP TRÊN SÔNG

Hai đứa trẻ thức dậy trước cổng chùa, nhìn xuống sông. Mặt trời chưa mọc, sương mù trôi dày trên mặt nước, bãi cát vắng người. Chúng sẽ đi xuống đó, qua sông về nhà, mẹ chúng sẽ chờ ở cửa, la mắng vài câu cho có lệ rồi vuốt tóc ôm vào lòng. Năm ấy tôi năm tuổi, người anh lớn hơn hai tuổi, ngày lễ tết dẫn nhau qua đò lên thị xã, hai đứa trẻ lang thang giữa đám đông rướn cổ coi diễu hành, tranh với những đứa trẻ khác nhặt nắp chai, đồ chơi trẻ con, lạc vào rừng người, may mà còn nắm tay nhau. Nhìn qua bên kia sông mặt trời đã lặn, đò ngang đưa chuyến cuối cùng, người lái đò đã gác mái chèo, kéo dây buộc vào bãi cát, lững thững đi lên quán rượu sau bụi tre la ngà.

Ngơ ngác sợ hãi, tìm cách về nhà nhưng không dám hỏi ai, đèn đường bật sáng, hai đứa chạy từ góc phố này tới góc phố khác, bên hàng rào kẽm gai trước toà hành chánh tỉnh, một người lính bồng súng đứng im lặng, dưới ngọn đèn đường vàng trong hàng phượng một cặp tình nhân đi đi lại lại, người thanh niên tóc chải dầu bóng loáng, người thiếu nữ kẹp tóc, để lọn dài thả xuống thắt lưng, đi guốc cao gót nhún nhảy, họ đi hết một đoạn đường, qua trước mặt chúng tôi rồi quay ngược lại, nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghị, không ai nói gì, người thiếu nữ đưa mắt nhìn kín đáo, tiếng guốc gõ nhịp đều trên mặt đường nhựa, khung cảnh: một thế giới xa lạ, huyền bí.

Đi bộ đau mỏi ở bắp chân, hai đứa trẻ kéo nhau vào cổng tam quan trước chùa, đêm càng về khuya, cảnh càng vắng lặng, trên ngọn ngô đồng cao cuối sân chùa một con chim đi ăn đêm về muộn kêu mấy tiếng, hai đứa trẻ chui vào góc tối trên cổng tam quan nằm ngủ, nhưng không dễ gì ngủ được, cảnh lạ, đói. Sau này lớn lên tôi đôi khi vẫn còn cảm giác ấy, trong một góc phố giữa châu Âu bỗng bồn chồn như sắp đi lạc, sự hiện hữu dừng lại, sự mệt mỏi làm cơ thể loãng ra, như cha nhớ con, chồng nhớ vợ, kẻ lãng du muốn quay về quán hớt tóc đầu thôn, ngồi xuống cái ghế bành cũ, để mặc cho người thợ quàng tấm ra trắng, nhắm mắt lại nghe tiếng mài dao tanh tách, những giây phút ấy trong đời nhắc chúng ta rằng dù từng trải bao nhiêu cũng có khi lạc đường. Chú bé mệt quá ngủ thiếp đi trước anh nó, nhưng chẳng bao lâu sau lại thức giấc, đứa anh nằm xuống bên em, che trước mặt, ngăn gió từ ngoài sông thổi lại, đứa trẻ chạm tay vào anh, không biết ở đây có an toàn không, nó dụi mắt trong bóng tối.

– Anh ở đâu rồi?

– Ở đây nè.

– Em đói.

– Thôi cầu nguyện đi.

Chúng cầu nguyện, một lát sau ngủ thiếp, rồi thức dậy, gió từ ngoài sông thổi vào lạnh, một vật gì lạnh hơn thế nữa, chạm vào chân chú bé, chú ngồi lên: những đồng tiền của ai để rơi lấp lánh dưới ánh trăng, lúc ấy vầng trăng đã qua bên kia sông đăm đăm nhìn lại, mới đầu chú tưởng chỉ một hoặc hai đồng, nhưng nhiều hơn, nhiều lắm, dễ đến chín hay mười đồng tiền kẽm, đồng tiền có hình cây trúc, giá trị năm mươi xu và một đồng. Hai đứa trẻ cầm mấy đồng tiền chạy qua quán tạp hóa bên cạnh chùa, dưới gốc cây sầu đông, bà chủ quán, một bà già có vẻ khó tính nhưng tốt bụng, càu nhàu vì đang ngủ bị đánh thức, hé cửa liếp, đếm tiền, bỏ vào tay chúng những viên kẹo bi tròn tròn đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng, hai đứa ngửa tay ra, bụm lại không hết, chúng ngồi im lặng nhai kẹo bi lắc ca lắc cắc trên cổng chùa, nhìn qua bên kia sông, trăng treo lơ lửng trên rừng dương liễu trong nghĩa trang đầu làng, đẹp đến nỗi chú bé tin rằng nó, mặt trăng ấy, sinh ra trên trời vì một mục đích nào đó, anh chú bảo lời cầu nguyện đã được lắng nghe, quả thật, những đồng tiền kẽm ấy là phép lạ đầu tiên trong đời, nhưng ăn xong tạm no bụng thì cảm giác nhớ nhà lại tới, xao xuyến thắt ruột, căn nhà của chú nằm ngay dưới vầng trăng ngay sau rừng dương liễu chạm tay vào là tới mà hóa ra xa quá.

Nằm ngủ chập chờn đến tinh mơ hai đứa ngồi dậy, đi xuống bờ sông chỗ đò ngang vẫn đậu, nhưng lúc ấy sớm quá, đò chưa qua, đứng ngơ ngác, chúng nhìn thấy một con thuyền có mui của dân chài lưới đi đánh cá đêm cắm sào, chúng rủ nhau xắn quần đùi lội ra, muốn năn nỉ người chủ thuyền chở qua sông, nhưng nước sâu quá không ra được, mùi thơm ngào ngạt xông lên từ mui thuyền, mùi của cơm gạo mới, nấu vừa chín tới, ngào ngạt, mùi của canh mướp mà mẹ chú bé thường nấu trong những ngày nóng nực, mùi mướp ngọt, mùi ruốc, mùi tôm khô, bay thoang thoảng trên mặt nước, lặng lẽ như lớp sương mù thứ hai không màu sắc nhưng đầy mùi vị.

Một người đàn ông chắc là chủ thuyền đang ngồi vá lưới ở cuối khoang ngẩng đầu lên nhìn bọn trẻ rồi cầm mái chèo khoắng mấy cái đưa thuyền vào gần bờ, ông ta chỉ tay cho hai đứa leo lên, khi chúng theo nhau leo lên được mạn thuyền, mới nhận ra một đứa bé gái lớn hơn chú vài tuổi, có lẽ bằng tuổi của anh chú, thắt hai cái bím bằng dây cao su xanh đỏ, đang ngồi bên bếp lửa, nồi cơm đã chín ghế qua một bên, hai người chuẩn bị ăn sáng, trên ngọn lửa liu riu một soong canh mướp nhỏ bốc khói nghi ngút, bếp của nhà đò là một cái nồi than bằng gạch có thể di chuyển được, đặt trên cái mâm đồng cũ, đầy tro tàn, cô bé xích qua nhường chỗ cho chúng, quay lại hỏi người đàn ông, cha của nó, rồi chui vào khoang thuyền lấy thêm bát đũa, cô bé lau hai cái bát sành màu xanh ngọc, miệng bát vài chỗ mẻ nhưng sạch, đơm cơm rồi múc canh mướp nóng vào đó, đưa cho chúng, đang đói bụng, khát, hai đứa bưng bát húp lia lịa, không kịp cảm ơn.

Bất kỳ một đứa trẻ nào khi lớn lên cũng giữ mãi kỷ niệm về việc tiếp xúc với người lạ đầu đời, nhưng đó là cảm xúc gì thì chú không biết, vì hãy còn quá nhỏ, sự xúc động trước một điều gì không diễn tả được, ví dụ trước lòng tốt của người đàn ông đánh cá, lòng tử tế của cô bé, nhưng chỉ thế thôi sao? còn hơn thế nữa, điều gì tựa như lòng nhân từ của người phụ nữ, dù đó là một người phụ nữ bé xíu, nhanh nhẹn, ít nói nhưng tinh nghịch, thỉnh thoảng còn đưa mắt lườm chú một cách chế nhạo, như bất kỳ một cuộc gặp gỡ nào cũng ở lại lâu hơn trong lòng ta không chỉ vì cuộc gặp gỡ ấy, những nhân vật trong ấy, mà còn vì cái khung cảnh mà nó xảy ra, mặt nước êm đềm gợn sóng, con sào cắm bên cạnh chiếc thuyền, vầng trăng bạc sắp biến mất, bàn tay con gái nhỏ nhắn bưng tô cơm, nhiều năm trôi qua, đôi khi nó muốn tìm lại con bé kia, giờ này chắc đã có con có cháu đầy đàn, nhưng làm sao tìm lại được?

Đứa bé nhớ họ. Một người thanh niên ngã xuống trong tuổi thanh xuân, dưới rặng dừa, một người nay có lẽ đã trở thành người lái đò hay bà chủ tiệm hay lưu lạc giang hồ thân gái dặm trường, bạn làm sao biết được, bạn nhớ chùa tỉnh hội, nhớ cổng tam quan, nhớ cặp tình nhân đi đi lại lại lặng lẽ và nghiêm nghị bên rào kẽm gai, nhớ hai đứa trẻ thức dậy giữa những đồng tiền kẽm có hình cây trúc như phép lạ sáng bạc lấp lóa, như từ trên không có ai thả xuống đất, thả xuống mùi cơm gạo mới trên mặt nước, thả xuống mùi canh mướp ngọt thơm phức trong sương mù, bàn tay nhỏ nhắn của đứa bé gái nâng bát cơm lên đặt trước mặt đứa trẻ, tia mắt nhìn óng ánh, ngọn lửa của cái lò bếp trên thuyền nhấp nháy sáng như ảo tưởng, như con mắt khác, ngôi chùa tỉnh hội bị bom đạn phá nát, cũng như mọi thứ khác, sau này đã được xây lại trên nền cũ, nhưng hàng phượng vĩ không còn, bãi cỏ xanh không còn, bãi cát vàng với những lon sữa bò những vỏ chai nước mắm nước tương nước magi biến mất, bến đò biến mất. Người lái đò đã chết.

Chúng ta sống nhiều cuộc đời, nhưng chúng ta chỉ nhớ một cuộc đời, một bếp lửa trên thuyền; ba đứa trẻ ngồi vây quanh; một đứa sẽ nhớ lại hai đứa kia, có lần đứa trẻ lớn bảo em nó rằng: ta sẽ đi xa một ngày nào đó, chú em hỏi lại, đi đâu, đi về một nơi thật xa, không có chiến tranh, đứa anh bảo nó, nhưng vì sao phải thế, chú bé hỏi, vì khi người ta lớn lên, người ta phải đi xa, anh chú trả lời, nhưng anh có lớn lên đâu, chú hỏi lại, chú vòng tay ôm ngang lưng anh mình, và bảo, anh hãy còn nhỏ lắm, vào lúc ấy chú nghĩ mọi thứ sẽ vĩnh viễn ở đó, dù có lớn lên rồi khi quay trở lại, bến sông vẫn là bến sông kia, con đò vẫn cắm sào đứng đợi, quê hương chúng ta vẫn là quê hương ngày cũ, nhưng bạn nghĩ, không đúng, một lần sau nhiều năm, chú bé về thăm thành phố, một mình ngồi xuống bậc thềm tam quan chùa trong chiều chạng vạng, bóng tối lan nhanh, một lát sau, không phải một lát, lâu hơn thế, một người khác đến ngồi xuống bên cạnh, không ai nói gì, cả hai cùng ngồi đó, ngồi sát vào nhau, cùng im lặng, cho đến khi bên kia sông vầng trăng mọc lên sau rặng liễu chiếu sáng ngời ngời mặt nước.

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

NHỮNG THIÊN THẦN CÒN SÓT LẠI GIỮA TRẦN GIAN

(Cho sinh nhật T. ❤, cháu ngoại của ông.)

Chúng tôi bước dạt lên bờ cỏ để tránh một người đàn ông và một người đàn bà đi ngược chiều. Bởi từ xa tôi đã thoáng thấy người đàn bà che miệng ho. Đại dịch chưa dứt hẳn mà cả hai đều không đeo khẩu trang. Buổi sáng, trời hiu hiu gió. Lũ siêu vi trùng lởn vởn bay. Trong vạt nắng xuyên ngang khe lá, tôi thấy những vẩy bụi; những con siêu vi trùng đánh đu trên những vẩy bụi li ti ấy. Tôi tưởng tượng ra thế. Và tôi sợ. Tôi không ưa những cái máy trợ hô hấp, tôi ghét những mũi kim gài sâu vào tĩnh mạch, và nếu may mắn không bỏ mạng, thì tôi vẫn ghét những di chứng như không còn ngửi được mùi ly cà phê buổi sáng, không nếm được vị thức ăn ngon bữa tối, và mệt đuối người từ ngày này sang ngày khác. Vì vậy tôi sợ, dù tôi đã chích ngừa đầy đủ và còn thêm hai mũi tăng cường. Với chừng ấy thuốc men, nếu nhiễm bệnh, dù đã lớn tuổi nhưng tôi sẽ sống sót, tôi nghĩ thế. Nhưng tôi vẫn sợ.

Qua khỏi hai người ấy một quãng xa, chúng tôi mới bước trở lại lề đường cho người đi bộ. Vừa bước lên nền gạch, con bé níu những ngón tay tôi, kéo tôi lên thềm đậu xe trước cửa nhà người lạ, khom người cúi xuống nhìn người đàn ông nằm ngửa dưới gầm chiếc xe màu trắng, đang cặm cụi vặn những con ốc.

“Are you okay?” Con bé hỏi.

Người đàn ông nằm dưới gầm xe ngưng tay vặn, cái mặt lem luốc vết dầu nhớt xoay qua nhìn con bé. Một vạt nắng từ cành phong bên đường thả xuống, vắt ngang cái đầu bù xù, nhuộm mái tóc một màu nâu thẫm. Con bé gỡ tay tôi ra, ngồi thụp xuống, lặp lại câu hỏi, “Are you okay?” bằng giọng rất trẻ thơ nhưng vô cùng tha thiết. Cử chỉ và câu hỏi bất ngờ của con bé cháu ngoại tôi làm tôi vừa ngỡ ngàng vừa bối rối.

Trong khoảng nhá nhem dưới gầm xe, nụ cười méo mó hé nở trên khuôn mặt người đàn ông. Nhưng ông ta không nói được bởi môi ông ta đang mím chặt một cái đinh ốc.

Tôi đặt tay lên vai con bé, “Ông ấy không sao đâu, con ạ. He’s okay.”

“Ông ấy kẹt dưới chiếc xe,” con bé lắc đầu, đôi mắt đen nhánh ánh nhìn lo âu.

“Ồ, không,” tôi nói vội. “Ông ấy không sao đâu.”

Người đàn ông tóc nâu luồn cánh tay dưới cái khoảng chật hẹp, đưa bàn tay có những ngón tay nắm lại và ngón cái duỗi ra. Đầu ông ta khẽ gật gù.

“Đấy, con thấy không, ông ấy ra dấu là ông ấy okay.” Tôi nói với con bé và cũng đủ để người đàn ông dưới gầm chiếc xe Toyota nghe được.

Con bé “Ô!” nho nhỏ cùng với tiếng thở ra nhẹ nhàng. Và nó nhoẻn miệng cười.

Bỗng dưng tôi chột dạ như vừa nghe ai nói ra một điều không đẹp nhưng trúng tim đen mình. Và tôi bồi hồi như tình cờ gặp lại điều gì đó rất quen thân từ thuở nào xa lơ lắc. Cảm giác ấy làm tôi nghĩ ngợi. Ngày xưa tôi có tử tế và ngây thơ như thế không nhỉ. Và nếu có thì tôi đã đánh mất sự tử tế ấy từ lúc nào?

Vừa tròn ba tuổi (hôm qua sinh nhật nó), cháu ngoại tôi tâm hồn còn trong vắt, bụi đời chưa phủ mờ nên nó còn nhìn ra được những con người. Còn tôi, ông ngoại con bé, thì bụi bặm, nhọ nồi bịt kín tâm hồn, không còn nhìn xa được, chỉ loanh quanh với cái bóng của chính mình; và nhân loại chung quanh, nếu như tôi có thể nhìn ra thì cũng chỉ là những bóng mờ.

Tôi hít một hơi dài, xua vội đi những ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu. Chạm nhẹ những ngón tay lên vai con bé, tôi bảo, “Ông ấy không sao đâu. Xe bị hư, ông ấy chui bên dưới để sửa.” Tôi nói câu dài, con bé chắc chỉ hiểu một phần. Nhưng nó nhùng nhằng không muốn bước đi.

“Thôi mình đi, cháu ơi,” tôi cầm lấy bàn tay bé bỏng của con bé. “Ông ấy okay.”

Và tôi dợm bước. Cháu ngoại tôi bước theo, nhưng bỗng dưng nó sựng lại, gỡ tay tôi ra, quay lại khom người nói với người đàn ông dưới gầm xe, “Have a nice day!” bằng giọng ân cần và trong như tiếng hót của một loài chim lạ.

Người đàn ông lại ra dấu bằng ngón tay cái duỗi và những ngón kia nắm lại.

Chúng tôi lại rảo bước trên lề đường dành cho người đi bộ. Con bé nhún nhảy trên những đốm nắng dập dìu vẽ trên mặt đường như chơi nhảy lò cò. Thường ngày, nó vẫn rủ tôi chơi lò cò trên sân nắng và bao giờ tôi cũng hăng hái làm theo dù hai đầu gối thỉnh thoảng lại nhói đau. Hôm nay tôi không nhảy theo nó, bởi đầu óc tôi bận rộn. Con bé làm tôi giật mình.

“Coi chừng ngã, con ơi!” Tôi nhắc. Và tôi nhớ một ngày mùa đông, một đứa bé tóc vàng gỡ tay mẹ, vừa chạy nhảy vừa líu lo hát lời ca quảng cáo Coca Cola trên ti vi, và trượt chân ngã ngay trước mặt tôi. Tôi thụt lùi, bất động, bối rối nhìn lọn tóc vàng vắt ngang mặt tuyết. Tôi không biết phải làm gì. Có điều tôi biết chắc chắn tôi không muốn mẹ nó thưa tôi ra tòa. Tôi đã quen như thế rồi. Chả biết từ lúc nào. Và tôi tránh nhìn mẹ đứa bé. Lách qua một bên, lặng lẽ bước đi. Nghe kể lại chuyện ấy, mấy ông bạn già gật gù tán thành, “Phải rồi, người lạ, bận tâm làm gì.”

Chúng tôi đã quen sống như thế.

Một con chim đậu trong khóm lá phong líu lo tiếng hót. Cháu ngoại tôi đứng lại, ngước lên, đôi mắt săm soi, “Grandpa! Con chim màu vàng kìa.”

Tôi ừ hử chiếu lệ, trong đầu vẫn vướng víu những thắc mắc. Chúng tôi đã quen sống bằng sự dửng dưng. Đã quen thở ra những câu nói dối. Lỗi tại lũ siêu vi trùng hình quả cầu trang điểm bằng những bông hồng đỏ thắm. Trong thế giới những con người xa lạ, tôi làm sao biết kẻ nào đang mang trong người cuốn sổ thông hành của Thần Chết?

Con chim màu vàng vỗ cánh bay đi. Cháu ngoại tôi đứng ngẩn trông theo. Tôi phải cầm tay đánh thức nó. “I love that bird!” Con bé nói nhỏ.

Hai ông cháu lại thong thả bước đi. Một đám năm sáu đứa trẻ vừa nhún nhảy níu kéo nhau vừa tíu tít trò chuyện phía bên kia đường. Nhìn đám trẻ, con bé hỏi, “Họ đi đâu vậy, Grandpa?” Đang lứa tuổi tò mò, cái gì cũng làm con bé thắc mắc. Cháu ngoại tôi vậy đó!

Tôi nhìn lũ trẻ vừa trai vừa gái, áo quần gọn ghẽ, túi xách đeo trên lưng, chuyện trò ríu rít như những con chim nhiều chuyện, “Chúng nó đi học.”

“Con cũng muốn đi học,” con bé nhanh nhảu.

“Thì… mai mốt lớn lên, con cũng sẽ… ơ… đi học,” tôi ngập ngừng câu nói dối.

“Con muốn mau lớn để đi học,” con bé quả quyết, rồi nó vươn cánh tay vẽ một vòng tròn trước mặt, “Lớn như thế này nè.”

Bỗng dưng tôi mong con bé đừng lớn như nó ước mơ, tôi mong nó mãi bé bỏng như nó phút giây này để những trang đời tinh khôi của riêng nó mãi là trang giấy trắng. Ngoài chuyện mong mỏi phù phiếm ấy ra, tôi còn nghĩ con bé sẽ không được đến trường học bởi bố mẹ nó dự tính cho nó học ở nhà sau vụ một tên điên đem súng vào cái trường ngay khu phố này, giết cả chục học sinh vô tội cách đây chưa đầy bốn tháng.

Buổi sáng, nắng mềm, gió ấm. Lòng tôi vừa lâng lâng bay bổng, vừa nặng trĩu kéo lê trên mặt lề đường dành cho người đi bộ. Bằng giọng hót của loài chim, con bé kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện. Hai ông cháu đi dạo hết hai vòng khu phố mà con bé vẫn chưa muốn về. Suốt ngày hôm ấy nó quấn quýt bên tôi.

Chập tối, khi tiễn chân tôi ra cửa, con bé níu tôi lại. Tôi ngồi xuống, nó kề tai tôi, hỏi nhỏ, “Grandpa, are you sure he’s okay?”

“Ai hở con?”

“Người đàn ông bên dưới chiếc xe.”

Tôi ngập ngừng, “Ông ấy… ông ấy okay, con à.”

Tôi lại nói dối. Tôi lại không thành thật như cháu ngoại tôi. Tôi biết người đàn ông ấy không okay. Nhưng tôi vẫn bảo cháu tôi là ông ấy okay. Và hai con mắt trẻ thơ lại thắp sáng cơn vui.

Hồi trưa, xe cứu thương hú còi vang dội và chớp đèn lập lòe khu xóm. Lối xóm xì xào với nhau là người đàn ông tiếc tiền, không đem xe ra tiệm mà tự sửa ở nhà. Cây trục sắt – mà ông ta dùng để nâng chiếc xe rồi chui xuống gầm để sửa gì đó – bị gẫy. Người ta phải dùng cần trục nâng chiếc Toyota lên mới kéo ông ta ra được. Thương tích không rõ nặng nhẹ ra sao nhưng chắc chắn ông ta sẽ phải nằm bệnh viện ít lâu.

Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu tôi. Tôi ôm con bé, nói nhỏ vào tai nó, “Ngày mai ông cháu mình sẽ đi thăm ông ta, chịu không?”

Con bé reo lên, “Thank you, Grandpa!” Và ôm chầm lấy ông ngoại, hôn ghì lên gò má nhăn nheo.

Vậy là hai ông cháu tôi sẽ đến bệnh viện thăm người đàn ông ấy. Gặp con bé chắc ông ấy sẽ ngạc nhiên và vui lắm. Cháu ngoại tôi sẽ vui, còn tôi thì có chút lo âu, bởi những con siêu vi trùng tròn như quả cầu, trang điểm rực rỡ những đóa hoa mào gà đỏ thẫm nhỏ li ti vẫn còn lởn vởn trong bầu không khí ông cháu tôi hít thở.

Con bé níu tay tôi, ghé tai tôi thì thầm, “Con chỉ muốn biết chắc là ông ấy okay.”

Vừa tròn ba tuổi, cháu ngoại tôi đã làm tim tôi lỡ nhịp. Thôi thì hãy cứ tạm coi như nhân loại mất đi tính người một phần cũng vì cơn đại dịch. Bởi người ta sợ lây, người ta sợ chết. Nhưng một ngày sau sinh nhật của cháu ngoại tôi, con bé đã giúp tôi tin tưởng lại vào con người. Vào lòng nhân ái. Vào thế hệ tương lai. Và tin tưởng rằng quanh lũ người chúng tôi vẫn có những thiên thần còn sót lại ở trần gian.

Chứ sao không!

Thế nhưng ngày hôm sau, cái hôm hai ông cháu dự tính đi thăm bệnh, năn nỉ mãi người ta vẫn không cho tôi dẫn con bé vào thăm người đàn ông sửa xe không quen mà chúng tôi gặp ở cuối con phố. Người ta bảo trước hết bệnh viện cấm trẻ nhỏ vào thăm, thứ hai đại dịch chưa hết hẳn nên không cho thăm viếng.

Chuyến viếng thăm của hai ông cháu tôi trở thành khúc phim tôi tưởng tượng trong đầu.

***

Người đàn ông nửa nằm nửa ngồi trên giường, vành băng bột quấn quanh cổ vòng lên đầu thành ra ông ta không gật đầu hay lắc đầu được. Lúc đứng bên giường người đàn ông ấy trong bệnh viện, cháu ngoại tôi chạm nhẹ vào vành băng vải, và lại hỏi, “Are you okay?” Tôi không kịp kéo tay con bé lại. Tôi thấy những con vi trùng, vô số vi trùng, nhưng con bé thì chẳng thấy con vi trùng nào; nó chỉ thấy những vòng băng vải màu trắng quấn quanh cổ và đầu người đàn ông, và nghĩ chắc ông ta đau đớn lắm. Nó lặp lại câu hỏi bằng giọng hót của loài chim, “Are you okay?” Người đàn ông chớp mắt, đưa tay cầm lấy bàn tay bé bỏng của con bé, nói nhỏ, “I’m okay. You’re an Angel, sweetie!”

***

“Ông ấy nói vậy thật hả ngoại?” Con bé hỏi sau khi nghe tôi kể khúc phim giả tưởng hai ông cháu đi thăm người bệnh. Tôi hăng hái gật đầu. Dù cái cổ tôi có sượng lại ít nhiều khi biết chắc mình đang nói ra những điều không thật.

“Mai mốt gặp ông ấy, ông ngoại nói…” con bé ngập ngừng.

Tôi hỏi vội, “Gì hở con?”

“Nói với ông ấy, con không phải thiên thần, con chỉ là a little girl.”

Tôi gật đầu liên tục. Tôi hứa tôi sẽ chuyển lời con bé đến người đàn ông xa lạ. Tôi nói dối, tôi hứa cuội. Bởi sáng hôm ấy khi chiếc trụ chống chiếc xe bị gẫy, chiếc xe đổ sụp xuống, không một ai hay biết. Mãi đến khi có người phát hiện ra, gọi xe cấp cứu thì đã muộn mất rồi. Tin tức trên truyền hình nói thế. Cháu ngoại tôi không được xem ti vi. Bố mẹ nó không muốn đầu óc nó bị vẩn đục. Bố mẹ nó muốn che chở cho nó được chừng nào hay chừng nấy. Bởi con bé là thiên thần, một trong những thiên thần còn sót lại thế gian này.

Bước xuống bậc thềm, tôi quay lại hôn gió cháu ngoại tôi thêm một lần rồi đeo cái khẩu trang lên mặt. Toan bước ra xe, tôi vội lùi lại. Ba bóng người rảo bước trên lề đường cho người đi bộ qua chỗ tôi đậu xe. Tôi chờ cho họ đi qua. Bao lâu cũng được nhưng tôi sẽ chờ.

Đại dịch đã giảm nhưng lại có thêm những biến chủng mới. Biết đâu đấy!

HOÀNG CHÍNH

ĐỐI THOẠI

Họ nói về những bầy chim gẫy cánh giữa trời
về những con người chôn mặt mình trong đất
về cuộc đời giữa những còn và mất
về tương lai trống không và hiện tại chôn vùi

Họ nói về một vầng trăng chết đuối ngoài khơi
về một tình yêu không còn trong trí nhớ
về cái chết và về niềm hãi sợ
về hoang đảo cô liêu chỉ có một người

Họ quên nói với nhau về những tiếng cười
về những ban đêm không thể còn bóng tối
về không-một-trái-tim-nào-có-tội
về không-ai-là-dã-nhân khi còn biết thương đời

Họ bận rộn nhỏ lên nhau giọt lệ ngậm ngùi
nên quên nói với nhau những lời hy vọng
Họ mải miết với quá nhiều phủ nhận
nên không còn gì ở giữa những đôi môi.

TRÂN SA

BÀI CUỐI THÁNG MỘT

sao cứ phải là xa cách?
khi biển cứ mênh mông và núi cứ điệp trùng
khi anh và em.em và anh.không hợp không chung
vốn đã nghìn trùng xa lắc

anh đôi khi đem lòng hối tiếc
sao cứ phải là mười bảy mười lăm
như cuộn gió vô tình thong thả qua sông
sao thấu niềm đau đọt nắng chiều rớt mệt

sao cứ phải là xa cách?
bao ký ức tròn.bao kỷ niệm chói chang
cứ buộc hồn anh trên bản thảo cày xới hổn mang
ngày vội ngày.năm vội năm chồng chéo

nhiều khi anh thấy mình gầy khô tuổi héo
cũng có lúc nở bừng son trẻ đã mười mươi
muốn tìm lại mình.tìm lại em đôi mươi
nhưng rốt cuộc vẫn đường đua không vạch đích

thành phố của chúng ta đã trẻ ra hay già thêm cũng mặc
anh già hơn cho em mãi thanh xuân
em thanh xuân trên câu chữ xuôi vần
trên bấp bênh nỗi đợi chờ khắc khổ

anh muốn viết Khúc Thoại cuối cùng rồi không bao giờ viết nữa
sẽ tập quên nhau như em đã quên từ lâu
cuộc sống no đầy sao biết tới biển dâu
hạnh phúc hồng tươi sao biết nỗi đau tình mất

sao cứ phải là xa cách?
sao cứ phải là đêm “im lặng thở dài?”*
sao không là nắng-hồng-hoang mướt tóc mượt vai
để anh còn đủ thời gian chờ chiếc gai ẩn sau đoá hồng dẫn dắt

Sao.Cứ Phải Là Xa Cách ?

LÊ HÁT SƠN

VẺ HẤP DẪN CỦA KÝ ỨC

Có người nói: “Viết, một cách nào đó, là chết”. Có những câu chuyện cũ mà ta đã trải qua, không có gì độc đáo nhưng ta muốn giữ cho riêng mình. Một ngày, ta ghi lại kỷ niệm ấy trên trang giấy, rồi được nếm trải cảm giác sung sướng khi bài viết nên hình nên dạng, được đăng trên sách, báo… Đến lúc nào đó ngồi lục lại trong trí nhớ, ta bỗng thấy những kỷ niệm lấp lánh ấy không còn đậm đà trong lòng mình nữa, không còn làm ta thao thức nữa, nó “chết” dần theo từng con chữ, để lại vài hình ảnh mờ nhạt. Điều đó như một quy luật tự nhiên.

Có một dạo tôi miệt mài viết về những cái Tết trong gia đình khi còn cha mẹ. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc khi ngồi trước màn hình máy tính hoặc trong bóng đêm thả trí nhớ bay về miền xanh thẳm thơm mùi thuốc pháo ở những ngày xưa. Sau đó, những chuyện cũ như phai dần sau một lần lấy ra từ trong kho của kỷ niệm, giống như cuốn sách cổ trong hầm mộ tan thành bụi bay theo gió khi phơi ra ánh sáng mặt trời.

Khi có nhà riêng, anh bạn tôi tách gia đình nhỏ ra khỏi cuộc sống đại gia đình và dần thay đổi lối sống, từ cách trang trí nhà cửa trở đi. Ngày Tết, cả nhà đi du lịch nước ngoài, cửa nhà khóa kỹ vài lớp. Anh kể rằng thật thoải mái khi mấy ngày Tết không bị ràng buộc bởi những kiểu cách xã giao như trước kia. Anh không cần mua hoa về chưng, dọn bày cỗ bàn, cúng kiến, xông đất, cúng giao thừa, tiếp khách v.v… Một lần, ngồi bên hồ bơi ở một resort xứ người để trông con đang ngụp lặn dưới nước, anh sực nhớ hôm nay là mồng Một Tết. Anh nhớ trong căn nhà cũ kỹ một thời, nơi sum họp của gia đình bảy người con cùng cha mẹ khi xưa. Anh nhớ cái bàn thờ sáng choang với lư đồng mà chính tay anh, đứa con trai út trong nhà mỗi năm nhận phần việc lau chùi bằng khế, chanh. Anh nhớ dáng cha bận bà ba trắng đứng thắp nhang trước bàn thờ, dáng mẹ ngồi cắt củ kiệu và nhớ cảm giác sung sướng khi mang từng cái sàng tre sắp đầy kiệu và củ cải lên phơi trên sân thượng trong cái nắng thơm dịu của tháng Chạp ta. Anh thấy buồn thiu, rồi tự nghĩ tốt nhất là cất cho kỹ cái tâm trạng u uẩn ấy, vì những người thân yêu quanh anh khó mà hiểu được những gì thuộc thế giới tuổi thơ của anh mà họ không từng có mặt. Có khi vợ anh, khi sống trong nhà chồng, cũng từng cảm thấy lạc mất nhiều cảm xúc của tuổi thơ, của quê hương, của kỷ niệm và của những nghi thức ở tôn giáo mà cô ấy gắn bó từ nhỏ. Tối đó, anh ngồi trên một góc giường phòng nghỉ, gõ phím ghi lại từng dòng về những thổn thức trong lòng. Anh thức để viết đến một giờ sáng, lưu lại và mỏi mệt nằm xuống ngủ khi tâm trạng đã nhẹ nhàng hơn. Biết mình không quen viết lách có văn vẻ, câu cú có lộn xộn, nhưng đó là liều thuốc hay. Anh bớt đi nhiều cảm giác nhớ nhung, cảm thấy việc viết lên trang giấy chẳng khác chi đốt một lá bùa, để những sầu não bay đi và tâm bình yên hơn.

Nhiều lần tôi thấy mình bị lạc trong mớ ký ức hỗn độn của “những năm niên thiếu dịu dàng và tuổi trưởng thành khắc khổ” (nói như Gogol), trong đó từng có những câu chuyện buồn, đáng xấu hổ và đầy giận dữ. Nhưng cho dù ký ức xấu cũng là ký ức, tôi chỉ thích nhớ những chuyện vui khiến mình từng thấy hạnh phúc. Sự nghiêm khắc của cha trở nên dễ thông cảm, câu răn dạy khó chịu của ông anh cả chứa đựng sự chăm lo thương yêu trên bước di của đứa em đang trưởng thành. Phải chăng đó là màng lọc không chỉ tạo nên từ lý trí mà còn từ sự thông hiểu và biết ơn, mà khi trưởng thành ở tuổi nào đó ta mới có được.

Viết về ký ức phải chăng chỉ là sự trốn chạy thực tại? Tôi không nghĩ mọi chuyện đơn giản như vậy. Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai, những gì đã tác động đến mình để trở thành một con người đủ cả những tính tốt và xấu, với những điều mạnh mẽ lẫn yếu đuối trong tính cách không dứt bỏ được. Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không giống như mình yêu thương, vì sao gắn bó với những xóm giềng, cây cỏ, thời tiết, khí hậu chung quanh khi chúng đã dần biến dạng. Và vì sao, luôn cố gắng truyền cho con một điều gì đó của quá khứ, dù các con thật ra đang sống để hình thành một quá khứ cho tương lai của các con. Đó là mật mã để gắn kết các thế hệ mà nhiều khi mong muốn truyền đi như là một thứ bản năng có sẵn. Có lẽ đó là lý do các cụ già thích kể chuyện xưa.

Dù sao, thời thơ ấu là thời gian đẹp nhất đời người cho nên viết về tuổi thơ là niềm vui thực sự. Bằng bàn phím, tôi du hành ngược thời gian, để được lần nữa nếm miếng bánh tráng kẹo mạch nha ngọt lịm của ngày xưa, hút nhụy hoa trong cuống bông bụp trồng bên hàng rào, nhai lại hạt điệp vàng thơm bùi và đăng đắng… Đó là những khoái cảm đơn sơ nhưng đọng lại rất lâu.

Nên cho dù, viết là “làm chết” hay “làm mòn” những kỷ niệm, tôi vẫn muốn viết về những ngày xưa. Kỷ niệm càng đào, càng khai thác càng đầy và lộ ra những điều từng quen thuộc nhưng lạ lùng như mới gặp lần đầu. Đó là vẻ hấp dẫn khi được đào bới kho tàng ký ức.

PHẠM CÔNG LUẬN

(Trích trong cuốn “Những bức tranh phù thế”.)