TÔI ĐI DẠY BỔ TÚC

BÙI THANH XUÂN

hs lon tuoi

Tôi trở về sau hai năm ở nơi rừng sâu nước độc. Sau chiến tranh cuộc sống gia đình bị đảo lộn tất cả. Trở về nhà với đủ mọi thứ lo toan cho cuộc sống mới. Lo lắng làm cách nào kiếm được việc làm, có cái ăn sống qua ngày, chờ tìm một công việc thích hợp với mình. Gia đình tôi không có một lí lịch sạch sẽ đối với chế độ mới để có thể tìm một chổ đứng trong các công ty, xí nghiệp của Nhà nước. Vậy là chỉ còn cách ra lề đường kiếm một chổ ngồi vá xe đạp. Tôi chọn một góc đẹp ở ngã tư Quân Đoàn, treo tấm vải ni lông che nắng mưa. Thêm cái lốp xe rách tươm làm bảng hiệu.
Chỉ tội cho đôi chân hay đi nên một thời gian sau tôi bỏ nghề, chuyển qua đi thồ. Nghề này hợp với tôi hơn vì được đi đây, đi đó. Đôi khi may mắn có em gái nào ngồi phía sau mình cùng trò chuyện trên trời dưới đất cũng đem lại một hạnh phúc nhỏ trong ngày.

Phong trào xoá mù chữ rộn ràng khắp nước. Tôi được ông cán bộ khối phố gọi vào nhập nhóm dạy bổ túc văn hoá. Vậy là bỗng nhiên mình được làm ông thầy bất đắc dĩ. Ban ngày đi thồ, chạng vạng tối lại lên lớp dạy a bờ cờ cho những người mù chữ trong phường.
Thật tình mà nói, công việc này đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Đôi khi vui quá cười ra nước mắt. Lớp học do tôi phụ trách hồi đó có khoảng hai mươi “học trò” từ thiếu niên cho đến cụ già. Có bà già móm mém nhai trầu đánh vần ê a văng cả nước trầu đỏ chét đầy cả mặt ông thầy trẻ măng là tôi.
Trong số đó cũng có vài cô gái xinh đẹp nhưng lại không biết chữ. Chuyện xảy ra bắt đầu từ một trong những cô học trò này khiến tôi bỏ nghề dạy học bổ túc. Các cô thuộc tầng lớp thấp trong xã hôi trước bảy lăm. Gia đình họ rất nghèo, quây quần trong một xóm nhà chồ ven sông. Tất cả họ không vướng gì đến chế độ cũ nên được “giữ ” những chức vụ trong địa phương hoặc đoàn thể thanh niên, phụ nữ. Tôi cũng chỉ là cậu thanh niên hai mươi mốt tuổi, có chút học thức lại là dân thành phố. Không đẹp trai lắm nhưng cũng thừa “duyên dáng”, làm nghiêng ngã mấy cô học trò này.

Nhờ trời tôi có nụ cười luôn nở trên môi, ăn nói nói cũng ngon lành ra phết nên không phải tối tối đến tận nhà mấy em năn nỉ đến lớp. Cứ chạng vạng  ôm tập sách  đến lớp đã thấy đông vui rồi.
Mỗi lần bước vào lớp tôi đều cúi đầu chào học trò. Tuy là làm thầy chứ thật ra thân phận bèo bọt của tôi còn thua xa họ. Ngày ngày tôi gò lưng trên yên xe thồ thì họ làm những công việc nhẹ nhàng khác như buôn bán hay có những chức vụ trong địa phương hoặc được vào làm trong các nhà máy, xí nghiêp. Chuyện thầy cúi đầu chào học trò lúc ấy là bình thường thôi.
Lớp tôi dạy có cô gái xinh đẹp, nước da trắng, môi đỏ hồng nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy cô nở nụ cười. Mỗi lần đôi môi cô di chuyển qua lại là biết không vừa lòng hay tỏ thái độ xem thường ông thầy bất đắc dĩ là tôi. Có lần đứng sau lưng cô ta để giảng bài toán làm phép cộng, tôi nghe cô ta thì thầm với người ngồi bên cạnh “ Cái mặt thấy dễ ghét. Thầy bà chi “hén” . Trời đất ơi, tôi nghe mà tím ruột gan. Cô gái xinh đẹp mù chữ này trông vậy mà chảnh. Dù gì tôi cũng là  “ ông thầy” đang dạy cho cô ta học đánh vần, vậy mà dám nói “ thầy bà chi cái mặt hén”. Nghĩ thì vậy nhưng tôi cũng cố gắng làm tốt công việc của mình. Có phần làm tốt hơn chuyện cần phải làm là ghim vào trong đầu chuyện cô gái này dám xúc phạm tôi, một ông thầy khá lịch lãm, nói năng nhẹ nhàng như lá thu rơi. Mấy chị, mấy em học xoá mù trong lớp lúc nào cũng vui vẻ, nhã nhặn khi xưng hô thầy trò với tôi. Thậm chí có mấy chị lớn tuổi hơn còn tỏ vẻ thân mật vượt tình trò nữa kia, chứ đâu như cô gái này.
Một tối không thấy cô gái ấy đến lớp, tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải đối mặt với cô ta. Nhưng khi vừa viết lên bảng bài toán cộng hai con số bỗng cô gái lù lù bước vào lớp. Cô gái không thèm chào hỏi tôi mà liệng hai con mắt như hai đèn pha vào cái mặt đẹp trai của tôi mới tức chứ. Trước khi rẽ xuống bàn ngồi còn háy một cái nữa thiếu điều tôi muốn văng ra ngoài cửa. Cơn giận tràn lên mi mắt, tôi quyết chí cho cô ta một bài học. Tôi nghiêm nghị nhìn cô gái:
-Mời cô H. lên bảng!
Cô gái biết tôi tìm cách khó dễ nên khuôn mặt từ đỏ chuyển qua xanh nhưng nhất dịnh không đứng dậy. Tôi nhắc lại:
-Tôi mời cô H. lên bảng!
Cô gái lấy lại bình tĩnh, đứng dậy nhìn thẳng vào tôi:
-Nói..cái..gì?
Tôi hoảng hồn, giọng nhẹ tênh:
-Mời..cô..lên..!
-Tôi..không lên thì sao?
Tôi cười cười:
-Thì..thì..
-Thì sao?
-Thì..tôi ra khỏi lớp.
Cả lớp nghe tôi đáp vậy cười ồ. Một chị làm công tác ở đoàn thể đứng dậy, nhìn cô gái:
-Cô phải tôn trọng thầy giáo. Chúng ta đến đây để học chứ không phải để đùa giỡn.
Cô gái chua ngoa:
-Tui sợ bà quá đó!
-Nếu cô không muốn học thì đề nghị ra khỏi lớp cho người khác học.
Cô gái đốp chát:
-Tưởng tui ưng học lắm hả? Bắt học thì tui đi chứ ai thèm ngồi đây nhìn cái mặt ông thầy dạy học mà cứ ..cười cười..
Trời đất! Nghe cô gái này nói tôi muốn chui xuống đất luôn. Tham gia dạy bổ túc là chuyện tôi không hề muốn tí nào, bất đắc dĩ làm thầy mấy phụ nữ không có chữ này như một trò tra tấn với tôi. Không cười, không nhẹ nhàng, nhã nhặn thì cho là phách lối. Mà cười với các học viên thì bị gán tội dạy học mà ..cười cười.
Hôm sau tôi đến nhà cô gái, có ý định giải thích cho cô biết rằng tôi cũng không muốn làm cái nghề không lương bất đắc dĩ này và đề nghị cô đến lớp học nghiêm túc hơn. Sở dĩ tôi đến tận nhà để gặp cô ta là vì không muốn đôi co hoặc chính mình bị mất mặt trong lớp khi đối thoại với cô gái chanh chua này.
Vừa đẩy cổng vào nhà thì nghe tiếng chó sủa vang. Có tiếng trong nhà vọng ra: “Th.., im đi”.
Nghe họ gọi tên con chó như vậy, tôi cảm thấy hơi khó chịu nhưng không quan tâm lắm. Chỉ sợ nó nhảy phóc một cái ra vồ cặp giò toàn xương của tôi là tiêu đời. Khép nép bên cánh cổng bằng gỗ và dây thép gai mà muốn mở phải khiêng đầu kia lên. Người đàn ông mặc quần xà lõn đứng bên trong hất hàm hỏi :
-Hỏi ai?
Tôi ngập ngừng:
-Dạ! Chú cho hỏi cô H. có nhà không ạ?
Hai con mắt ông chủ nhà gườm gườm:
-Hỏi..làm..gì?
-Dạ.. cháu dạy bổ túc văn hoá. Gặp cô H…
Ông ta xua tay:
-Thôi..thôi! Học với hành. Cơm không có ăn, tối nào cũng đàn với đúm. Định rủ rê con gái tui hả?
-Dạ..
-Tui nói rồi. Thôi chuyện này đi. Chấm hết!
Ông ta quay lưng bỏ vào nhà, không thèm quăng vô mặt tôi một lời từ biệt. Vừa tức giận vì bị xúc phạm vừa điên cho cái lão mất lịch sự kia. Tôi lầm lũi bước đi.
Tối hôm đó lên lớp như thường lệ, bước vào phòng đã thấy cô gái ngồi ở bàn phía dưới cùng. Tôi chỉ kịp liếc mắt nhìn xuống nhưng cũng nhận ra đôi mắt cô gái đỏ hoe.
Hai hôm sau, vào chiều chủ nhật tôi đang loay hoay dọn sân vườn thì cô gái học trò bước vào, trên tay đang cắp chiếc rổ. Tôi dừng tay, ngạc nhiên nhìn cô gái cảnh giác:
-Cô đi đâu vậy?
Miệng cô gái mở hé ra. Lần đầu tiên tôi được nhìn nụ cười của cô. Trông cũng duyên dáng, dễ thương lắm. Cô nói, chất giọng của người miền sông nước rất khó nghe:
-Tui xin lỗi..
Cô gái lấy chiếc rổ nhỏ đậy trên chiếc rổ lớn ra. Trong đó có hai con cá lóc khá lớn. Cô đưa về phía tôi:
-Để dành cho anh hai con cá ni. Tui tặng anh..
Tôi phát hoảng:
-Không..không! Của cô bán làm sao tui dám nhận.
-Không sao đâu! Hôm nay bán ế, còn hai con ni tui đem về tặng anh. Cứ nhận đại đi mà.
Tôi nhăn mặt:
-Không được đâu. Cô đem về bán đi.
Cương quyết không nhận món quà bất ngờ của cô gái. Thật ra tôi không hiểu  cô này đang giở trò gì đây, cần phải đề phòng.
-Tôi đang dọn dẹp nhà cửa. Tối nhớ đến lớp nghe.
Khuôn mặt cô gái chùng xuống khi bước ra khỏi nhà tôi.
Vài ba ngày cô gái lại đến nhà tôi một lần. Khi thì mang cái này, lúc thì xách cái kia tặng tôi nhưng tôi kiên quyết từ chối. Thật ra thời kì đó gia đình tôi sống rất nghèo khổ. Ba mất sau cuộc chiến hai tháng, anh chị em phân tán tứ tung khắp các công, nông trường để kiếm cái ăn. Hơn nữa, đi làm như vậy mới mong khỏi phải lên vùng kinh tế mới. Nhìn những thứ cô gái bán cá đem đến tặng cũng thèm thuồng lắm nhưng nhất định không thể nhận được. Có nhiều lí do để tôi không nhận những món quà đó. Trong đó tôi nhận ra là cô gái mù chữ này đang..yêu.
Suốt thời gian đó tôi rơi vào tình trạng khó xử. Mỗi đêm lên lớp không dám nhìn mà cũng chẳng dám gọi cô gái ấy làm bài. Ánh mắt cô lúc nào cũng hướng về phía tôi nhưng không còn châm chọc như trước nữa.
Một tối đến lớp, sau khi tan học tôi bước nhanh ra khỏi lớp như ma đuổi. Có tiếng gọi sau lưng:
-Nè! Thầy..Thầy..
Tôi dừng chân, quay đầu lai. Sững sốt nhận ra cô gái ấy đang đến gần, trên tay là cuốn vở đưa về trước mặt tôi. Hai đầu gối tôi bắt đầu đánh vào nhau lốp cốp. Cô gái ngập ngừng, giọng vùng quê Quãng Nam rất khó nghe:
-Anh..anh..xêm dùm.. tui viết như ri..có đúng không?
Tôi nhận cuốn vở của cô gái:
-Được rồi, tôi sẽ xem.
Nói xong, tôi vọt thẳng.
Về nhà giở cuốn vở của cô gái ra. Chẳng có bài toán nào hết mà chỉ có một mãnh giấy viết vỏn vẹn mấy chữ : “ Tối ni roa rộp chiếu bóng cua phin với êm nghe “ (Tối nay ra rạp chiếu bóng coi phim với em nghe..) Mười một chữ viết ngoằn ngoèo, lên đồi, xuống dốc chiếm gần hết nữa trang vở
Trời đất ơi! Cô gái mù chữ nhưng không mù tình này thật táo bạo. Có lẽ cô ta nghĩ bây giờ tất cả mọi thứ đã thay đổi nên con gái có quyền tán tĩnh, rủ rê con trai đi chơi hay sao mà dạn dĩ như vậy chứ. Tôi phát hoảng.
Cả đêm tôi trừng mắt nhìn lên trần nhà suy nghĩ tìm cách đối phó. Đến gần sáng mới chớp mắt được. Trước khi ngủ tôi đưa ra quyết định “ bỏ của chạy lấy người ”. Tôi sợ đủ thứ.
Tuần sau đó tôi tình nguyện tham gia lao động tại mỏ đá Chu Lai. Khép lại một thời “ vàng son ” đi dạy bổ túc văn hoá.
Ba mươi năm sau, khi tôi đã có một gia đình hạnh phúc và hai đứa con trưởng thành thì tình cờ gặp lại cô gái ấy. Cô vượt biên năm tám hai và định cư tại Mỹ.
Người phụ nữ trắng trẻo, duyên dáng bước vào nhà tôi cùng với một ông da ngăm đen trước sự ngỡ ngàng của mọi người trong gia đình. Cô giới thiệu với vợ tôi:
-Tôi là H. học trò của anh T. hồi xoá mù chữ. Còn đây là chồng tôi.
Tôi chỉ dám lấm lét trước mặt vợ, cụp mặt không dám nhìn người phụ nữ sang trọng, quý phái đang đứng trước mặt mình. Cô gái mù chữ ngày xưa có nụ cười dể thương nhưng khó gần bây giờ trở thành một người đàn bà xinh đẹp như một mệnh phụ. Tôi chợt bật cười không thành tiếng và hình dung ra cái ngày tôi bỏ chạy mất dép khi cô gởi cho tôi mãnh giấy rủ đi xem phim.
Chuyện cũ qua lâu rồi nhưng nó cũng là một kỷ niệm trong đời. Nhớ lại tôi không biết mình nên nói : “ May mà..” hay “ Tiếc quá..phải chi..”
Bùi Thanh Xuân

16 thoughts on “TÔI ĐI DẠY BỔ TÚC

  1. Duyen Xanh nói:

    Thanh xuân ơi , vừa cười vừa tội vừa thương vừa thèm hai con cá vừa tiếc hai cái vé ” xi nê ” và nhất là NHỚ CÁI THỜI HAY NÓI Ở TÙ / LÙ ĐÙ ĐI KINH TẾ MỚI . Ông bạn viết chân thật dễ thương

  2. ”Đậu đã vào đó rồi!” Ngay từ đầu bối rối…Đã báo trước cơ duyên?Sợ..Cái tình theo tôi.?Can đảm đã khác rồi!?Đâu có chuyện để nói..”Ôi sao mà ngày đó..Tôi sợ quá đi thôi!?”

  3. huyenvo77 nói:

    Chú không roa rộp co phin vì chú đã có “Chị” phải không nè 😉

  4. âu thị phục an nói:

    An đã từng sống ở mỏ đá Chu Lai..,

  5. Đi dạy bổ túc lúc nào cũng vui … có người ghi tên học bổ túc để choc cô giáo . Hồi Dung dạy ở Xuân Thọ có ông học trò tên KIM , dân văn khoa SG , ghi tên học lớp 6 , mới khai giảng chưa được cô giaó khai tâm chút nào thì đã bị thầy hiệu phó lôi ra khỏi lớp vì tội man khai lý lịch … Hiện ông học trò này đang ở OHIO.

  6. Bửu Châu nói:

    Coi bài viết này khiến tui nhớ lại một thời làm thầy giáo dạy “bổ túc văn hóa” (đúng nguyên văn), nhưng có khác tác giả vì tui dạy cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước ở cơ quan.
    Nhờ vậy tui mới có dịp gặp lại thầy Vương Quốc Tấn, khi đến Công ty Phát hành sách và thiết bị trường học tỉnh Nghĩa Bình để nhận sách giáo khoa. Ngưới giáo sư dạy chúng tôi môn vật lý năm lớp 12, bây giờ là nhân viên trực văn phòng kiêm nhân viên đánh máy. Khi tôi “khen”: “thầy tài quá!”, thầy nói: “chưa hết đâu, có lúc thầy còn kiêm cả Chauffeur nữa kia!”….

  7. Đâu phải ai bày tỏ tình yêu cũng bằng hoa hồng đâu chứ?

  8. Thầy không khờ đâu TCT à! Tại lúc ấy chưa là bơm rượu nên không nhận mồi “cá lóc nướng trui”đó thôi.
    Chừ thì”..tiếc quá…phải chi” thầy TX hí?

  9. Tui thấy… Thầy khờ quá đi!

Comment