BÔNG HỒNG VÀNG CHO KHẢO MAI

buithanhxuan

Cô gái nghiêng người phả khói thuốc. Một vòng tròn màu sương tan nhanh
“ Ừ, thì người ta vẫn thường gọi tôi là con đĩ. Có sao? Khối đứa con gái, đàn bà tự vỗ ngực cho cho rằng mình thuộc đẳng cấp cao còn tồi tệ hơn lắm đứa làm đĩ như chúng tôi.
“ Anh bảo rằng kỷ niệm ngày phụ nữ có ai tặng quà cho tôi không à ? Tám tháng Ba là cái ngày gì ? Tôi mang máng hiểu đó là ngày dành cho phụ nữ. À, có lẽ vậy. Từ lâu lắm rồi chẳng nghe ai gọi chúng tôi là phụ nữ cả thì làm gì có ngày ấy dành cho chúng tôi. Cứ gọi tôi là con đĩ đôi khi thấy nhẹ lòng hơn những lời mỹ miều thô kệch của đám trọc phú , quan lại lắm tiền khi họ muốn lấy lòng . Tôi muốn vậy. Có đĩ thõa tôi mới moi được đồng tiền dơ bẩn chúng nó. Đồng tiền ấy sẽ được rửa sạch khi chúng nó nằm trên bụng tôi rên hừ hự như bầy sói đói mồi. Họ thiếu thốn tình dục, thèm khát cái đĩ thõa, mua tôi trong vài giờ hay vài chục phút. Thậm chí trong nhiều ngày để làm cảnh cho cái gọi là đẳng cấp của họ. Sòng phẳng, đường ai nấy đi, việc ai nấy làm”
“Một lũ khốn kiếp! À, mà không! Không phải tất cả khách hàng của tôi đều là lũ khốn kiếp. “Nhiều năm rồi tôi không gọi đám đàn ông các anh bằng chú, bác hay ông. Tất cả là Anh. Trẻ cũng anh, già cú đế đáng ông tôi cũng bằng anh. Không có danh xưng nào khác khi tôi cần đồng tiền của họ. Mà gọi bằng gì chẳng được. Ông hay chú hay anh cũng vậy thôi. Cũng nhớp nháp, phì phò nhưng khác cái âm điệu chậm nhanh. Tiếng thở hay một âm thanh phát ra từ cổ họng của đám đàn ông khi xong việc mỗi người mỗi khác. Nó như khẩu vị, chẳng ai giống ai”
“Một lần tôi trở về nhà mệt nhoài vào lúc gần sáng, Căn nhà của mẹ tôi để lại trên con đường hoa bằng lăng tím. Tôi mở cửa, ngọn đèn màu đỏ bập bềnh từ bàn thờ Mẹ vừa đủ rọi xuống cho lũ chuột bu quanh ca hát, chợt nhận ra mình là một con đĩ xinh đẹp đắt khách nhưng cô đơn, đau khổ. Tôi đến trước gương, mở to mắt để nhìn mình kỹ hơn. Khuôn mặt bơ phờ sau lần bị dày vò nhưng vẫn nghĩ rằng mình còn dư sức quyến rũ khối thằng đàn ông u mê đầy dục vọng. Tôi vẫn cho mình là con đĩ quá lứa nhưng vẫn xinh đẹp như Thiên nga. Một con thiên nga làm điên dại lũ đàn ông háo sắc. Tôi vẫn cho mình là con đĩ quá lứa nhưng vẫn xinh đẹp như Thiên nga. Một con thiên nga làm điên dại lũ đàn ông háo sắc.”
“Đĩ cũng có nhiều loại. Đĩ trí thức, đĩ nghệ sỹ, đĩ đứng đường, đĩ cao cấp. Loại đĩ nào cũng cần phải trang trí màu sắc, phủ lên thân thể đủ mùi thơm mình đủ để quyến rũ bọn họ như hoa quyến rũ những loài ong hung dữ. Tôi không biết mình thuộc loại nào nhưng tự hào về sắc đẹp và sự nỗi tiếng của mình. Luôn biết chọn lựa loại khách nào mình muốn tiếp. Đó là những tên khốn kiếp lắm tiền, những lão già độc ác. Tiếp càng nhiều tên vô lại nổi tiếng, mình càng nổi tiếng và không bao giờ lo sợ mất khách”
“Người đời lên án, phỉ nhổ con đĩ nhưng họ quên rằng lắm kẻ cao sang cũng nhơ bẩn gấp trăm lần. Việc gi cũng phải trả giá. Cái giá tôi đang trả là cả cuộc đời mình”

“Ly cà phê chiều nay tôi thấy đắng hơn nhưng cám ơn anh đã mời. Buổi chiều khá đẹp. Tháng ba rồi. Nắng dịu dàng như mẹ tôi. Mẹ tôi. Mẹ..tháng ba..Có cái ngày phụ nữ trong tháng ba này thật sao? Nó không dành cho tôi. Không bao giờ!
Cô gái rít thuốc một hơi dài, thả vòng tròn trên mặt bàn
“ Tôi bất hạnh. Ba mươi hai tuổi rồi, chưa biết cảm giác yêu và được yêu như thế nào. Tôi nhận nhiều món quà đắt tiền nhưng hoa thì không.Tôi muốn đúng ngày đó anh đến thăm tôi với một bông hồng màu vàng. Tôi quý mến anh. Nhớ đấy! Một bông hồng màu vàng. Hôm ấy tôi không tiếp khách. Nhất định anh phải đến. Tôi muốn được một lần trong đời nhận hoa ngày tám tháng ba từ một người đàn ông. Nhưng chỉ một cánh hồng vàng thôi. Tôi muốn vậy! Anh đến vào lúc chín giờ sáng. Chìa khóa đây! Anh giữ một cái. Khi đến, trước khi vào phòng tôi anh hãy mang ba cái ly và chai rượu đặt sẵn trên kệ sách ngoài phòng khách. Một cái để cắm hoa, còn hai cái kia, cho tôi và anh..Tôi cần anh ở lại với tôi trong chốc lát. Còn ngọn nến màu trắng nữa. Anh thắp lên cho căn phòng ấm áp. Có điều này phải nhớ, không được thốt lên lời nào. Hãy nhìn tôi, hãy cho tôi một ngày tám tháng ba thật hạnh phúc duy nhất trong đời.
Đúng chín giờ ngày tám tháng ba. Anh làm ơn nhớ đấy!
Thôi, anh có thể tiễn tôi về ”

Người đàn ông tóc đã hoa râm nhưng chẳng màng nhuộm đen thận trọng dìu người phụ nữ trẻ xinh đẹp, tóc ngắn, nhuộm phớt nâu bước xuống thềm tam cấp quán cà phê nơi góc phố ồn ào. Đôi mắt cô ươn ướt. Ông gọi taxi đưa cô về nhà còn mình rảo bước trên hè phố một mình. Đây là lần đầu tiên ông trở về nước sau hơn bốn mươi năm lưu lạc xứ người. Ông là một bác sỹ, giàu có nhưng cô độc.
Lần trở về này ông chẳng tìm gặp ai. Chẳng còn ai cho ông gặp gỡ. Mục đích chuyến đi là tìm lại cội nguồn của mình trong những tháng năm cuối đời với hi vọng còn mang theo được những kỷ niệm thời trai trẻ.
Ông quen Khảo Mai trên một trang mạng xã hội. Cái tên của người phụ nữ chẳng nói lên điều gì nhưng với ông lại khác. Ông đã tìm kiếm cái tên này hằng ngàn lần. Chuyện trò qua mạng với khá nhiều phụ nữ có cái tên kỳ lạ như vậy để hi vọng tìm lại một người. Ảnh đại diện của cô gái có chiếc cằm nhỏ, đôi mắt ẩn dưới hàng lông mi cong vút quyến rũ đã gợi cho ông nhớ về một người phụ nữ khác có cái tên giống cô. Khảo Mai.

Ông ngồi trong quán cà phê Memory trên tầng hai từ sáng sớm. Bình minh lên trên sông. Chiếc cầu bắt ngang qua dòng nước lung linh thật đẹp. Ông nhìn đồng hồ. Chín giờ kém mười lăm. Ông đến quầy tính tiền rồi thong thả bước ra hè phố gọi taxi đến nhà Khảo Mai.
Ông mở khóa cửa bước vào nhà.
Như cô đã dặn, trên kệ sách có ba cái ly và một chai rượu. Trên bàn còn hai cây nến trắng chặn một bì thư phía dưới. Khi ông nhấc nến lên, chiếc bì thư lộ ra dòng chữ : “ Kính gửi Chú Vĩnh Đoàn”. Ông sững sờ khi đôi mắt lướt trên năm con chữ, vội đến trước cửa phòng Khảo Mai rung nhẹ chiếc chuông gió. Không có tiếng trả lời. Ông rung thêm vài lần nữa rồi nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào.
Trên tấm nệm Khảo Mai nằm yên lặng, hai mắt khép kín, tay phải đặt lên ngực Màu đỏ loang phía bên trái tấm nệm vẫn còn tươi. Ông hoảng hốt đặt tay lên khuôn mặt của cô rồi cầm cánh tay trái bóp chặt. Bàn tay vẫn còn chút hơi ấm nhưng trái tim đã ngừng đập. Khảo Mai đã tự cắt mạch máu trên cánh tay trái của mình.
Ông không đốt ngọn nến như Khảo Mai đã dặn. Rót lưng chừng hai ly rượu rồi cắm nhánh hoa màu vàng vào ly rượu thứ ba đã đổ đầy, thất thần ngồi nhìn khuôn mặt thiên thần có đôi mắt khép chặt.

“Chú sẽ bất ngờ khi con biết tên chú phải không?Không còn gọi chú bằng Anh như trước nữa bởi vì con đã nhận ra chú chính là người yêu một thời của Mẹ nhưng vẫn âm thầm giữ kín trong lòng. Những lần chú mời con đi ăn, đi uống cà phê và kể về người con gái chú yêu thương hơn bốn mươi năm trước. Con dần nhận ra đó chính là Mẹ yêu quý của mình.
Chú đến tìm con không như những gã đàn ông lắm tiền khác. Họ cần thân thể con còn chú chỉ muốn biết tâm hồn con nghĩ gì. Chú vẫn trả tiền đều đặn mỗi lần đến thăm. Số tiền đó con đã gởi vào tài khoản của mình trong thẻ ATM gởi kèm theo cho chú với bức thư này. Mật mã của thẻ là MẸ TÔI
Chú Vĩnh Đoàn kính mến!
Con là đứa con gái duy nhất hư hỏng của Mẹ. Tên thật của con là Khảo Mơ. Vì không thích cái tên này nên con đã dùng tên của Mẹ làm nickname của mình.
Trước khi mất, Mẹ đã kể cho con nghe rất nhiều về chú, về mối tình đầu của hai người. Những lá thư chú gởi cho Mẹ, con vẫn còn giữ. Mẹ bảo là kỷ vật, đừng bao giờ đánh mất. Biết đâu một ngày nào đó sẽ gặp chú và trao lại những bức thư này.
Mẹ kể rằng sau cuộc chiến đợi chú trở về trong vô vọng .Trong căn nhà vắng vẻ chỉ còn lại một mình Mẹ nên chiều chiều hay ra ngồi trước thềm nhà có trồng mấy chậu hoa hồng vàng, người ta qua lại, bảo Mẹ còn đầu óc phong kiến, tiểu tư sản. Mẹ khóc nhiều lắm.
À, có điều này có thể chú không biết. Mẹ cũng là một con đĩ. Nhưng Mẹ yêu chú đến khi nhắm mắt. Lời cuối cùng Mẹ gọi không phải tên con mà là Vĩnh Đoàn, mặc dù tay Mẹ trong bàn tay con.
Một tiểu thư đài các không chống đỡ nỗi những cơn sóng dữ cuộc đời. Bà Ngoại mất khi Ông Ngoại trong trại tù. Mẹ làm đĩ nuôi đàn em nhỏ dại cho đến khi con ra đời. Ba của con là một gã đàn ông khốn kiếp và Mẹ làm gái bao cho con người này suốt một thời gian dài. Ông ta đã không nhìn nhận đứa con gái bất hạnh cho đến khi con lớn lên, được học hành, được yêu thương trong vòng tay Mẹ.
Mẹ qua đời trong buổi chiều nắng thật đẹp. Mẹ gọi tên chú, miệng mĩm cười rồi thiếp đi mãi mãi. Có lẽ lúc đó Mẹ nhìn thấy chú, đang cùng chú tung tăng dưới hàng cây dọc bờ sông như Mẹ thường kể cho con nghe. Khuôn mặt Mẹ hạnh phúc. Con tin Mẹ sẽ đem niềm hạnh phúc ấy đi theo. Hôm ấy là 11/3, sinh nhật con mười bảy tuổi.
Con tiếp tục học hành như lời Mẹ trăn trối. Tháng năm trên giảng đường con đã cố gắng rất nhiều. Để có tiền con phải làm nhiều việc nhưng rất khó khăn. Có lúc đói quá chỉ có củ khoai nguội thay cơm. Rồi con làm gái bao cho nhiều gã đàn ông da nhăn nheo tóc bạc. Ra trường, lạị phải đổi thân xác cho tên hiệu trưởng đốn mạt để được đứng lớp. Rồi con bỏ dạy..
Hai mươi lăm tuổi, con nhận ra rằng cuộc đời này quá nhẫn tâm. Người ta sống với nhau dối trá, lừa lọc, phỉnh nịnh. Con rơi vào trạng thái trầm cảm để rồi bước đi trên con đường Mẹ đã đi
Con làm đĩ!
Thì đã sao nào?Không tự hào cũng chẳng xấu hổ, băn khoăn với việc mình làm. Có người hỏi con là giáo viên. Con bình thản trả lời rằng “ Tôi là một con đĩ” Con căm thù người đàn ông mà mình trót mang dòng máu. Căm thù gã hiệu trưởng đê hèn, căm thù những tên đàn ông khốn kiếp đã dày xéo thân thể con. Căm thù tất cả đàn ông trên thế giới này thì việc đi làm đĩ, có gì để mà xấu hổ.
Con làm đĩ để trả thù cho Mẹ con, cho con và hàng ngàn cô gái bất hạnh khác. Con rửa sạch những đồng tiền dơ bẩn trên thân xác mình. Nhiều gã đàn ông đạo mạo, lịch thiệp nhìn thấy trên TV hay nói những câu hoa mỹ, giáo điều đã đi qua thân thể con. Khi cửa phòng đóng lại, họ lột xác nguyên hình là những con quỷ, nói những lời thô tục và hành động như lũ heo đói.
Có nhiều tiền, có đủ thứ nhưng con vẫn là người phụ nữ bất hạnh, cô đơn đến khủng khiếp.
Có lần chú đã hỏi con cần nhiều tiền để làm gi? Biết phải trả lời chú sao đây?Nhiều người, tiền dạy cho họ hai chữ vô ngôn. Họ bất chấp thủ đoạn để có nhiều tiền. Cuốn họ vào thế giới hiện sinh. Con đã tiếp nhiều loại khách sang trọng, nhiều người có địa vị và tiền bạc nên hiểu được nhiều điều. Những khi con ngồi làm nền cho các buổi tiệc xa hoa để xem họ diễn kịch mới thấy được đồng tiền là sợi dây ràng buộc các quan hệ bất chính xuyên thời gian và không gian.
Con lại phải rửa sạch một phần nhỏ nhoi những đồng tiền dơ bẩn của bọn họ, âm thầm giúp đỡ những kẻ khốn cùng. Chẳng nhân danh ai, con lại đến với những cô gái đứng đường cấp thấp. Có người được con cứu vớt ra khỏi vũng lầy nhưng mình lại lún sâu vào vũng lầy ấy
Cho đến khi con gặp chú, đối diện chuyện trò với chú mới nhận ra rằng trên đời này vẫn còn đó những người đàn ông cao thượng đáng yêu. Ban đầu con nghĩ chú cũng là một tên vô lại già nua lắm tiền. Con cần tiền và con đã lã lơi với chú. Nhưng những ngày ngồi bên chú, nghe chú nói, con đã nhận ra rằng mình đang chạm đến một sai lầm. Con chưa yêu người đàn ông nào trên đời này. Con khinh ghét họ nhưng rồi số phận run rũi lại gặp chú. Người đàn ông đáng kính có thể làm cha mình nhưng dại dột đi gởi tình cảm vào chú. Có lỗi với chú và Mẹ con nữa.
Tin chú, con giao hết số tiền trong thẻ ATM. Thay con mang số tiền này giúp cho những con nguời bất hạnh. Những đứa trẻ thiếu ăn, những người phụ nữ bị chà đạp, bị bóc lột thân xác..
Người ta, những “đồng nghiệp”đáng yêu của con sẽ biết con muốn nghỉ ngơi ở đâu. Nơi con an nghĩ cũng là nơi Mẹ Khảo Mai an nghĩ trên một ngọn đồi dưới chân đèo. Chú hãy đến đó. Hai ngôi mộ gần nhau. Mẹ và con.
Hãy đặt lên mỗi ngôi mộ một đóa hồng vàng nhé chú
Vĩnh biệt Chú
Khảo Mơ

Bàn tay người đàn ông run rẫy bốc từng nắm đất ném xuống huyệt mộ. Ông khóc không thành tiếng. Khi nấm mồ đắp đầy, ông cẩn thận đặt lên mộ bó hồng vàng rồi bước qua ngôi mộ bên cạnh.
Trên tấm bia bằng đá cẩm thạch, ông nhận ra di ảnh người phụ nữ giống Khảo Mơ một cách kỳ lạ.
Đặt bó hồng vàng còn lại trước mộ, ông quỵ xuống trước tấm bia, hai vai rung lên bần bật.
Tháng ba mười lăm

BÙI THANH XUÂN

Advertisement

CUỐI NĂM NHỚ CHUYỆN CŨ

buithanhxuan

“Lạy ông đi qua. Lạy bà đi lại, có linh thiêng xin nhập về đây trò chuyện với chúng tôi…”
Cái ly bằng sứ nhỏ xíu di chuyển từ từ trên bàn đặt tấm carton dán giấy trắng. Hai mươi bốn chữ cái. Mười con số và thêm mấy chữ THĂNG, GIÁNG, CÓ, KHÔNG để hồn trả lời cho nhanh, khỏi phải chạy lung tung tìm chữ. Tôi nhìn Ánh Hồng, cười : “ He he. Định nhát anh hả?” Em liếc xéo bằng đuôi mắt, nghiêm trang, trợn mắt, lắc đầu lia lịa. “ Hồn về!”
Ánh Hồng thỏ thẻ : “ Hồn là ai cho biết quý danh”
Cái ly sứ chạy vù vù, xiên chổ này, xẹt chổ kia. Ba ngón tay cái của Ánh Hồng, tôi và cậu em trai mười lăm tuổi đặt nhẹ nhàng trên đáy ly di chuyển theo. Đè mạnh, cái ly sẽ dừng lại vì hồn không đủ năng lượng để kéo. Sau một hồi chạy như tề thiên múa gậy, nó dừng lại đột ngột. Có lẽ hồn mệt nên nghỉ cho lại sức. Cặp mắt Ánh Hồng nhìn vào đáy ly không chớp “ Hồn có nói chuyện được không ? ” . Chậm rãi, từ từ như người chạy marathon về đích vừa đi vừa thở, cái ly di chuyển đến hai chữ C và O rồi dừng lại ở dấu sắt. “ Hồn là thánh, thần hay ma quỷ..” Cái ly lại chạy từ từ “ Ta là ..quỷ ”. “ Tôi biết hồn không phải là quỷ. Qủy không biết chữ”
“ Ha ha! Em xinh đẹp giỏi lắm”
Đôi môi đỏ mọng của Ánh Hồng nở nụ cười. “ Dạ, cám ơn. Xin hồn cho biết quý danh” Lại nhảy múa một hồi rồi dừng lại “ Ta là Thọ. Thiếu úy Thọ. Lính nhảy dù”
“Vì sao hồn chêt?”
“ Chết trận. Ở Thượng Đức”
“Quê hồn ở đâu?”
“Vũng Tàu”
“Hồn mấy tuổi ?”
“Hai lăm. Mắt em đẹp lắm”
“Dạ..”
“ Da trắng”
“Dạ”
“Môi hồng”
“Dạ”
Hồn dừng lại hơi lâu, lấy sức
“ Ngực đẹp.
“Dạ”
“To trắng hồng. ”
“Dạ..Mà không. Hồn nói kỳ quá!”
“Em hấp dẫn”
“Dạ..”
“ Ta muốn..”
“Hồn muốn cái gì?”
..
“ Hồn nói đi. Cần cái gì?”
“À, Ta muốn ..hôn ngực em”
Trời đất! Mặt tôi nóng ran, hai mí mắt giựt giựt. Nghe hai người âm dương chuyện trò nhưng không dám hó hé một lời. Phần vì sợ chuyện ma quỷ, phần thì tưng tức nên cổ họng nghẹn cứng. Không biết có thật hay là trò diễn của Ánh Hồng. Ngón tay tôi và thằng em trai vẫn đặt lên đáy ly nhưng biết đâu Ánh Hồng đẩy nó đi thì sao?
“ Ta mà còn ở thế gian, em sẽ thích..”
Cơn tức không nuốt trôi. Nó văng ra khỏi cuống họng của tôi : “ Hồn ơi ! là hồn. Nếu hồn có thiệt thì xin hồn đàng hoàng một tí. Đừng giở giọng dê xồm ra mà chọc nhé, nhé..Thiên lôi tôi cũng không ngán nói chi là hồn ”
Hồng liếc xéo bén ngọt, hàng lông mi che kín hai con mắt. “ Anh! Đừng chọc hồn giận”
Tôi quát “ Giận cái con khỉ. Thôi! dẹp ngay! Không chơi cái trò này nữa. Không lừa anh được đâu. Nhé! Ma mà dám đòi hôn..cái vú. Hứ! ”
Tôi đập tay xuống bàn. Cái ly chạy vù về chữ THĂNG như điện xẹt. Tôi hả dạ “ Ma với quỷ! Đừng có mà đem ma ra dọa ta nhé. Em yêu!..”
Không biết thật hay giả nhưng đêm đầu tiên cầu hồn kết thúc như vậy đó. Ánh Hồng đứng dậy cúi đầu chào mẹ tôi, ra ngoài dắt xe về không thèm nói với tôi một lời.

Tôi quen Ánh Hồng trong một buổi tiệc cưới bạn. Thời khốn khó chỉ có nước trà, rượu quốc doanh và bánh kẹo nhưng vui. Ánh Hồng là cô gái Hà Nội. Em ăn mặc giản dị nhưng đủ cho căn phòng rực sáng, lung linh thêm. Da trắng và đôi mắt trong veo, em thật xinh đẹp, tâm điểm của cái nhìn bọn con trai. Tôi may mắn ngồi bên cạnh Hồng, chuyện trò, hỏi han vài ba câu. Em lém lĩnh, sắc sảo và thông minh.
Sau tiệc cưới hai tuần, chúng tôi gặp lại trên một con đường, em và tôi cùng đi bộ dọc bờ sông. Thời gian sau đó thì..
Thỉnh thoảng tôi đưa Ánh Hồng về nhà chơi. Mẹ tôi không đồng tình cũng chẳng phản đối mối quan hệ này nhưng bà luôn nhắc nhỡ chuyện trai gái phải có giới hạn, đừng hại đời con gái người ta. Có lẽ từ cái tính tự nhiên của cô gái Hà Nội khiến cho mẹ tôi lo ngại
Chuyện cầu hồn, Ánh Hồng học được ở người chị mang từ ngoài Bắc vào, bày ra trò chơi này nhưng thật lòng tôi không thích và cũng không tin ba cái chuyện ma quỷ. Chìu ý Hồng nên mới có cái đêm khiến tôi bực mình, còn em giận dỗi bỏ về. Ánh Hồng tránh mặt tôi cả tuần nhưng mỗi chiều tôi đều kiên nhẫn đứng đợi trước phòng giao dịch tín dụng, nơi em làm việc
Kiên nhẫn sẽ thành công. Hồng nhăn mặt nhưng rồi cũng vui vẻ lên xe cho tôi chở về. Tôi hỏi : “ Chuyện hôm đó thật không?” Ánh Hồng đáp tỉnh bơ “ Sao lại không !”
Ba mươi Tết
“ Lạy ông đi qua, bà đi lại. Xin nhập hồn về đây..”
Cái ly sành nhỏ xíu từ từ di chuyển về chữ GIÁNG. Tôi hỏi “ Hồn có muốn nói chuyện với chúng tôi không?”
“Có !”
“ Hồn là nam hay nữ?”
“Nữ”
“Mấy tuổi?”
“Hai lăm”
“Tên gì?”
“Thọ!”
“Nữ sao tên Thọ”
“Thiếu úy Thọ”
Một dòng điện chạy khắp sống lưng của tôi, ngón tay run run đặt khẽ trên đáy ly “ Dạ, lạy hồn. Tôi xin lỗi”
“ Lỗi phải gì. Mày hỗn”
“Dạ, Tôi không biết”
“Ta bỏ qua”
“Dạ, cám ơn hồn”
“ Ta không thích nói chuyện với mày”
“Dạ..”
“Để Hồng nói”
“Dạ!”
Tôi xoay qua Hồng “ Em nói chuyện với hồn”
Hồng chồm người, nhìn vào cái ly sành “ Dạ, hồn muốn nói gì ạ ?”
“Bảo nó đi chổ khác”
“Hồn nói ai đi ạ”
“Thằng bồ em”
Tôi bước ra nhường lại chổ ngồi cho Hồng. Còn Mẹ tôi thay chổ của em
“Em đẹp lắm!”
“Dạ, nhưng xin hồn nói chuyện khác”
“Miệng em xinh lắm”
“Dạ”
“Ngực em trắng lắm!”
“Dạ..mà không. Hồn nói vậy nữa tôi nghỉ”
“Ta chưa biết hôn lần nào”
“Dạ”
“Còn hai đứa em”
“Em gì vậy hồn”
“ Em ruột. Chúng sống lang thang ”
“Tội quá. Có ai thờ cúng hồn không”
“Không”
“Tại sao”
“Mẹ chết”..
“Ba lấy vợ nhỏ”..
“Ba chết”..
“Dì ghẻ lấy chồng”..
“Đuổi hai đứa em ra đường”..
“Lang thang, đói”..
“Ta vất vưởng, cô đơn”..
“ Đến chùa xin ăn”..
“Không ai cho ăn”..
Im lặng. Cái ly bất động một lúc rồi chạy thật nhanh về chữ THĂNG. Mẹ tôi, thằng em trai, Hồng và tôi sững người về cuộc chuyện trò với hồn ma vừa rồi. Bây giờ thì tôi tin chuyện cầu hồn là có thật, bởi vì đêm nay tôi là người ngồi giữa. Hồng và em trai tôi ngồi hai bên. Mọi thứ đều do tôi kiểm soát.
Một năm sau tôi và Hồng chia tay nhau.
Sau buổi văn nghệ cuối năm tại kho bạc đường Yên Báy, tôi được Hồng mời đến xem em biểu diễn. Ra về, tôi nắm tay em bước đi chậm rãi .Có chàng trai đứng đợi ngoài cổng, tay cầm nhánh hoa hồng màu đỏ đến trước mặt chúng tôi và tặng cành hoa cho em. Ánh Hồng đã nhận và nói cám ơn
Tôi vội vã bước đi.
Năm hôm sau, đêm ba mươi Hồng đến tìm tôi. Trong bóng tối trước hiên nhà, chúng tôi ôm chầm lấy nhau vội vã.
Và rồi cũng vội vã buông nhau. Chúng tôi chia tay
Chuyện tình yêu kết thúc như vậy đó
Tôi còn gặp lại Ánh Hồng một lần nữa bảy năm sau. Thực ra chúng tôi chỉ nhìn thấy nhau nhưng không nói lời nào. Buổi chiều, tôi chở con gái qua biển, ghé ngang nhà thăm Mẹ. Ánh Hồng ngồi trong nhà cùng mẹ và em gái tôi. Khi nhận ra là em, tôi đã vội quay xe ra.
Ba mươi năm rồi không còn gặp nhau lần nào nữa. Không biết bây giờ em ở đâu và sống như thế nào
Ba mươi năm tôi vẫn đi lại trên các con phố thân quen nhưng chưa một lần nhìn thấy Ánh Hồng. Chỉ có con đường Thanh Thủy, Thanh Hải đã thay đổi và biển Thanh Bình, nơi tôi và em hay đến ngồi dưới rặng thông nghe gió hát là không còn nữa. Có thể em đã cùng gia đình phiêu bạt về nơi nào đó ở miền Bắc. Khu nhà tập thể trường cao đẳng sư phạm vẫn như cũ tại ngã tư Thống Nhất- Ngô Gia Tự nhưng tôi biết em không còn ở đó
Biết đâu ở một nơi nào đó, Ánh Hồng đọc được bài viết này và nhớ lại chuyện ba mươi lăm năm trước, đêm ba mươi Tết em đã cùng tôi chơi trò cầu hồn
Biết đâu em sẽ quay lại cùng tôi đặt ngón tay lên chiếc ly sứ nhỏ, chờ hồn về và hỏi thăm người lính chết trận năm xưa, bây giờ có được ai thắp cho nén nhang?
Được thế không ? Huỳnh Ánh Hồng
Ba mươi lăm năm, tôi không còn chơi trò cầu hồn một lần nào nữa

BÙI THANH XUÂN

LÃO THỢ CÚP

buithanhxuan

Cả nước có mấy chục ngàn Tiên sư giáo sỹ nhưng chẳng ai phong cho mấy lão thợ cúp tóc danh hiệu này thật là một thiếu sót lớn . Chuyện gì mấy ổng cũng biết
Mỗi ngày hớt được mấy cái đầu, đương nhiên mấy ổng biết được thêm chừng đó câu chuyện. Chẳng hạn như chuyện thời tiết, chuyện nắng mưa. Những người đến nghe diễn thuyết là khách hàng cũng tham gia sôi nỗi về nhiều vấn để tiểu sự đến đại sự quốc gia đến quốc tế. Kiến thức tầm tầm thì chuyện chó cán xe hay xe cán chó. Chuyện tình yêu dang dỡ, chuyện đánh đấm trong phim ảnh cũng như ngoài đời, chân dài chưn ngắn. Người hiểu biết hơn thì chuyện công sở, chuyện kinh doanh, chuyện ông này lên xe, bà kia xuống ngựa. Nhà buôn thì nói chuyện đất đai, chuyện xe cộ, hàng hóa, xăng nhớt. Mấy ông học thức cao hơn hay nói chuyện Cung trăng, sao hỏa, mặt trời, phi thuyền..
Ai không biết điều gì, cứ ra đó ngồi chờ đến phiên mình được dựa ngửa trên băng ghế, lắng nghe hay hỏi một điều gì đó, sẽ được giải đáp ngay tức thì.
Mấy ông sồn sồn, nhiều lúc rãnh quá không biết làm gì, lại chạy ra đây ngồi hóng chuyện. Nhưng muốn tham gia phải có một ít kiến thức nhất định, hoặc giả ngu ngồi nghe thiên hạ bàn luận chính trị, kinh tế văn hóa, thể thao, làm tình hay bất cứ đề tài, sự việc gì xảy ra trên trái đất này.
Mỗi tháng tôi tìm một quán hớt tóc lạ để hóng chuyện. Nghĩa là một năm tôi có mười hai kiểu đầu khác nhau. Lúc thì như thằng ku Ủn. Khi giống em búp bê, lúc ca rê, lúc như bãi đáp trực thăng.. Đường ngang ngỏ dọc nào tôi cũng tìm đến, hễ chổ nào có quán cúp là tôi sà vô để “truy cập “ đủ loại tin tức thời sự nóng hổi
Không biết mấy cái tiệm làm nail, uốn éo tóc dập của mấy bà có lắm chuyện như mấy tiệm hớt tóc nam, nơi nào nhiều chuyện hơn.
Tháng chạp, gần Tết là thời gian mần ăn của mấy lão thợ cúp. Tôi cũng muốn ủi cái đầu cho sạch để đón Xuân.
Quán khá sang, cửa kính bóng loáng
Lão chủ kiêm thợ cúp có đầu tóc như Robinson, thấy tôi bước vào, hất hàm : “ Cúp hả? “ Tôi đáp tỉnh bơ “ Không cúp, vô đây chi choa”. Lão cười “ Ngồi chờ xí. Còn hai người nữa. Lấy báo đọc đi..”
Ông khách đang nằm ngửa trên ghế, hai mắt riu riu, còn lão thợ cúp méo miệng, xoáy ánh sáng từ cái đèn gắn trên trán vào lỗ tai người khách, ngoáy. Ghế bên cạnh, ông khách khác đang cúi gằm, cằm đụng ngực cho một lão thợ tay cầm kéo xoẹt xoẹt, miệng liếng thoắng : “ Kì này ông X trúng chắc chức Tổng bí thư..” Ông khách gật gật đầu. Lão thợ nhắp nhắp cái kéo, tay kia đè đầu ông khách, ngụ ý chỉ việc nghe thôi chớ có mà gật đầu. Bay cái lỗ tai như chơi. Xoẹt! Một mớ tóc rơi xuống nền nhà. “ Tui đoán không sai mô. Ông X ngon hơn mấy lão kia. Dám nói, dám làm..” Ông khách lại ngửa đầu, lão thợ lại đè xuống. Xặp, xặp ! Tiếng kéo rít lên sát mang tai, cảnh cáo nhưng ông khách không chịu yên, ngẫng đầu lên “ Thì tui cũng nghĩ rứa. Nói thiệt, ông mô theo Mỹ là tui ưng. Bọn tàu thâm quá. Theo hắn có nước chết” Tôi xía vô : “ Răng ông biết?” Ông khách liếc xéo qua tôi một nhát bén ngọt hơn lưỡi dao lam
Lão thợ bên ngoài nhìn ra đường, than thở “ Mưa miết, Tết nhứt rồi không cho người ta mần ăn. Ông trời ác thiệt!” Người khách vào trước tôi đang ngồi chờ, lẩm bẩm : “ Người nghèo lúc mô cũng khổ. Tiên sư nó! Bọn chúng làm cái thứ chi mà giàu dễ sợ ” Tôi không hiểu ông này nói ai giàu dễ sợ.
“Xong!” Lão thợ hớt phía ngoài nhìn tôi “ Leo lên!” Tôi lật đật phóng lên ghế. “Hớt kiểu chi đây?”. “ Tỉa sơ thôi . Trời lạnh”
Xặp xặp, xoẹt xoẹt. Tôi nhìn vô gương, ngón tay trỏ và tay cái lão thợ nhắp liên tục
“Thằng” Bu tin trước sau chi cũng chết thôi. Ngu quá mà. Dám chống lại cả thế giới “ Lão thợ khòm lưng, nghiêng người nhìn vào đầu tôi ngắm nghía. “ Dân Nga rồi cũng không có cơm mà ăn” Ông khách ghế bên kia đứng dậy, phủi phủi vạt áo “ Còn đỡ hơn cái bọn I Ếch ( IS ). Tàn bạo quá!”
Đề tài bàn luận sôi nỗi nhất là tham nhũng. Hai ông khách đang ngồi chờ cũng nhào vô tham gia. Ông áo trắng “ Tui thấy mấy ông làm cán bộ nào cũng không khá nỗi. Toàn là giàu “ Tôi cà khịa “ Sao ông không giỏi đi mà làm cán bộ” Lão thợ bên trong ngứa miệng “ Bộ tưởng dễ, ông ?“
Lão thợ bên ngoài bật ghế cho tôi nằm ngửa. Lưỡi dao lam bén ngọt bắt đầu di chuyển trên mặt tôi. Lão cầm lỗ tai phải kéo căng ra “ Làm cán bộ thì ai làm không được. Nhưng dễ chi..” Lão bỏ lững câu nói, soạt soạt cạo vành tai “ Hôm trước có một ông cán bộ gần nhà tui vô đây hớt. Thằng cha này hắn làm trưởng phó ban chi đó về nhà đất. Ai cũng biết hắn giàu là nhờ tham nhũng..” Lưỡi dao lam di chuyển xuống cắm, gần trái khế “..Tui thấy hắn là gai con mắt rồi nên cà khịa cho bỏ ghét. Gỉa lơ như không biết, tui chửi cha mấy cái thằng tham nhũng, quơ cào vơ vét của dân..” Lưỡi dao chạy xuống ngang cổ “ Tui nói với hắn. “Tiên sư cái thằng làm dự án đền bù ở gần nhà tui. Anh biết không? Hắn có mấy cái nhà to tổ bố, cái mặt hắn câng câng. Đi ăn cướp của dân mà hắn láo “ Lão thợ hớt bỗng nhiên cười sặc sụa. Lưỡi dao dừng ngay cổ họng.Tôi nín thở. “Hắn hỏi nhà tui ở chổ mô. Tui nói ở đó đó. Thằng cha hớt xong trả tiền, lủi một hơi. Ha ha. Lần đầu cũng là lần cuối. Tui mất mẹ thằng khách ngon ăn “
Lão thợ ngưng cười, chồm người, kéo vành tai trái của tôi. Lưỡi dao cứa mấy sợi lông kêu lạo xạo. ” Mấy tháng sau tui đọc báo biết hắn bị truy tố. Sướng cái bụng..” Lão quay sang nói với ông khách bên kia. Lưỡi dao nhứ nhứ trên mặt tôi, gần mũi. “ Nói thiệt! Tui mà làm chủ tịch là tui tiêu diệt tham nhũng hết. Hốt hết..” Hai con mắt tôi trợn trừng nhìn theo cái dao đang xẹt qua, xẹt lại. Lúc thì kê sát miệng, lúc thì phớt cái mũi. Mu bàn tay của lão đè lên cằm tôi. Cái dao di chuyển theo âm lượng phát ra từ miệng lão thợ hớt đang ấm ức “ Đập chuột mà sợ vỡ cái bình thì làm răng mà đâp..” Lão huyên thuyên chuyện cái bình, không cần nhìn lưỡi dao đang nhẹ nhàng đáp xuống sóng mũi tôi. Căng cứng người, tôi thì thào : “ Choa! Cái mũi..” Không cần nhìn cũng chẳng nghe tôi nói, lưỡi dao bén ngọt chạy dọc xuống má, quẹt qua, quẹt lại mấy cái rồi dừng lại. Sóng tay lão chặn ngang cổ ”Mấy ông thấy không? Thời buổi chi mà lại đi ăn của dân nghèo “ Tôi phản đối lại câu nói khi biết chắc bàn tay cầm dao của lão thợ di chuyển xuống, nằm trên bụng mình “ Ông nói bậy đi..” Cái dao chuyển lên vai trái. Lưỡi dao dài tám phân lắc lắc nơi mang tai “ Bậy là bậy thế nào? Tui mới đọc báo Thanh Niên in rõ ràng. Lão bí thư huyện mô ngoài Bắc, ăn mười hai con dê của dân đó đó..”
Tôi im lăng không nói nữa khi lão thợ lấy đồ nghề ngoáy tai đặt lên ngực mình.Thường thì những lúc như vậy, tôi nhắm mắt để hưởng cảm giác sung sướng. Nhưng lúc này đây, cái đầu không xoay nhưng hai con mắt tôi liếc ngang, liếc dọc rồi mở trừng trừng đề phòng lão thợ hớt vừa ngoáy tai, vừa nói chuyện. Không dám mở miệng nói câu nào. Cha nội này mà bắt được đài là huyên thuyên, lỡ thọc luôn cái ngoáy tai từ bên này qua bên kia, có mà đi đám
Xong cái tai bên phải, lão kéo ghế qua bên trái. Không khí im lặng lâu quá, không ai lên tiếng, lão thợ lại nhập đồng khi thấy một người phụ nữ vừa băng ngang cửa kính “ Con mệ ni đẹp rứa mà bỏ chồng theo trai. Thời buổi loạn thiệt!” Chẳng ai hưởng ứng, lão chuyển qua chuyện khác “ Mụ bán trái cây ngoài chợ đang sung rứa tự nhiên nhảy cầu. Uổng thiệt!”
Tôi biết cái uổng thiệt của lão, định cà khịa nhưng sợ lủng màng nhĩ nên thôi
Cúp xong cái đầu ăn Tết, tôi bước ra khỏi ghế, sờ nắn quanh cổ, chà hai bàn tay lên mặt xem có vết cắt nào không. May quá! Cái mũi, cái tai vẫn còn nguyên. Móc túi lấy tiền trả. Khi mở cánh cửa kính bước ra ngoài, tôi còn kịp kính cẩn gập lưng, cúi đầu chào lão thợ cúp
“ Lạy choa ! Vĩnh biệt “

Tháng Chạp
BÙI THANH XUÂN

ĐỒ GHẺ NGỨA

buithanhxuan
 
Ngứa dã man! Ngứa tàn bạo ! Ngứa! Ngứa..Trời ơi! Ngứa
Nó tràn lan, tàn phá khắp thân thể ục ịch của gã đàn ông đang nằm trên chiếc giường đơn lót ván trong nhà tù. Khuôn mặt gã chảy xệ nhưng hốc hác. Miệng gã lẩm bẩm chửi tiên sư cái đồ ghẻ ngứa.
Mới ba tháng giam hãm, bọn chúng đã đánh hơi được thân thể màu mỡ của gã. Nó cào, nó cấu, nó cắn, hút máu. Nó đào khoét khắp hang cùng, ngõ hẹp.
Nó ! Nó đấy. Cái ghẻ ngứa

Tôi, tục danh là cái ghẻ ngứa. Tôi đàng hoàng sinh ra trong khu nhà ẩm mốc này  nên sống đời thoải mái. Cứ việc cào, cấu, cắn, hút. Tôi đàng hoàng xây dựng cơ đồ riêng của mình. Mặc kệ cái gọi là “người “ đang bị giam cầm nơi đây với tội danh tham nhũng. Chúng tôi sống bầy đàn và được quyền tung hoành, tàn phá thoải mái. Mặc kệ cái lão mập ú đang rên rỉ.
Tôi  cũng có đồng nghiệp . Nhiệm vụ của chúng tôi là chiếm lĩnh, phát triển và thống trị. Nhưng chúng tôi không hút máu lẫn nhau. Không như cái gã “ Người “ đang rên rĩ, chửi rủa kia
Tên tôi  Scarcoptes scabiei hominis. Không phải ai cũng biết và đọc được cái tên của tôi nên cái gọi là “ người “ thường phỉ báng ”đồ ghẻ ngứa”
Chúng tôi như vết dầu loang. Sống ký sinh trên thân thể này, gây các mụn rồi lớn dần. Chúng tôi lao động vất vả, chui rúc vào hang cùng ngõ hẽm, bụi rậm. Những nơi mà cái gọi “ người “cho là vùng nhạy cảm . Háng, nách, cửa hậu. Thậm chí những chỗ sang trọng như là mặt, mông, bụng,  cổ, tay, chân. Chúng tôi không chừa chỗ nào.
Từ từ nhưng mãnh liệt. Có khi lại như bão quét, sức tàn phá của chúng tôi thật kinh hoàng, lướt trên da như gió lốc tràn qua khu rừng rồi khoét sâu xuống gốc nang lông.
 
Trời ơi !
Ngứa kinh khủng. Ngứa cực kì ! Tàn bạo ngứa ! Dã man ngứa !
Nó âm ĩ.! Nó bùng nổ!
Gã đàn ông lại nhăn nhó..
 
Cứ rên siết đi ! Chẳng làm gì được chúng tôi.
Cứ than vãn đi ! Tôi mặc kệ
Loài “người” bảo tôi là “đồ ghẻ ngứa”. Có sao đâu. Kệ thây các “người”. Chung quanh tôi, trên dưới tôi biết bao cái ghẻ đang âm thầm thoải mái ngày đêm gặm nhấm, khoét háng đào hang
Người ta than vãn rồi lại chửi rủa. Cứ thoải mái. Ghẻ ngứa chúng tôi có tai đâu để nghe.
Rồi người ta lại cầu nguyện van xin. A ha ! Tôi đâu có trái tim để mềm lòng. Nếu có trái tim, thân phận chúng tôi đã làm  “ người “ chứ đâu là ghẻ để cho người phỉ nhổ. Tôi cần phải sống đàng hoàng như tên gọi là “cái ghẻ”. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn này muốn sống đàng hoàng, tôi cần phải vứt đi bộ não, lạnh lùng làm công việc của tôi. Mặc kệ cái thân xác rã rời, rên xiết kia. Càng cắn hút vào nó, càng nghe được được những bản hòa âm tuyệt diệu. Cái ghẻ tôi càng được sống thoải mái, no tròn, trắng trẻo.
Đâu riêng gì tôi. Trên thân thể này còn có hàng ngàn cái ghẻ như tôi ngày đêm âm thầm cắn hút. Sinh con đẻ cái đầy rẫy ra đấy rồi lại di tản qua một thân thể khác. Mạnh khỏe và mập ú hơn. Tinh vi và xảo quyệt hơn
Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng bình yên. Một vài cái ghẻ đã bị tiêu diêt. Có già, có trẻ, có lớn, có bé. Những cái ghẻ nghĩ mình không dễ bị đánh bật. Đó là lúc chúng nó dương dương tự đắc với những thứ mình đã cướp được. Chính là lúc sơ hở nhất
Gã “ Người “ có thuốc để ngăn chặn, trừng trị cái ghẻ mặc dù không hữu hiệu lắm nhưng có khối đứa cái ghẻ phải thân bại danh liệt . Như gã thân liệt danh bại nên phải nằm ở đây cho chúng tôi tàn phá.
“ Người “ gán cho chúng tôi là bọn ghẻ lỡ chỉ biết hút máu. Thật là quá đáng.  Cái gã được cho là “người “ này quá thiếu hiểu biết. Cái ghẻ bọn tôi có hút cũng là đang góp phần thanh lọc lại cơ thể rệu rã của cái gọi là “người” này. Chúng tôi khoét vách, đào hang đến sứt cả móng tay, móng chưn, xây dựng cơ đồ cho riêng mình là để tiêu diệt những loại ký sinh khác đang bám đầy từng lỗ chưn lông của người. Quét sạch trên cơ thể ấy những thứ dơ bẩn đang bu đầy bao lâu nay. Tẩy rửa bộ não đen tối, xấu xa của gã. Chúng tôi có hút là hút máu độc để tái sinh một loại máu khác cho cái “người” được khỏe mạnh. Tại sao cứ gọi chúng tôi là đồ ghẻ hút máu?
Đừng hòng hăm dọa chúng tôi bằng những thứ vũ khí dụ ruồi. Nào là “Thập vị bại độc thang” “Bạch hổ gia Quế chi thang” .“Ma hạnh ý cam thang” .“Tam vật Hoàng cầm thang”..Còn nhiều thứ vũ khí nữa mà “người” gọi là “thuốc trị ghẻ” mang ra chống đỡ, tiêu diệt tập đoàn ghẻ chúng tôi. Để đối phó lại, chúng tôi biết đoàn kết, che chở và chui sâu dưới gốc nang lông. Đố có thứ vũ khí nào tiêu diệt được
 
Gã đàn ông thiêm thiếp nhưng hai tay vẫn thoăn thoắt lên xuống khắp thân mình. Gã thọc tay vào háng gãi sồn sột, mặt nhăn lại
Gã không thèm quan tâm đến bọn ghẻ ngứa nữa. “ Kệ mẹ chúng mày. Ta đây đã một thời oanh liệt, tung hoành, kẻ tung người hô. Cũng đã từng dưới bùn rác leo lên vinh quang sự nghiệp. Ta thân bại danh liệt cũng vì cái con đàn bà khốn kiếp kia phản bội..”
“ Cứ cắn, cứ hút, đào hang khoét vách đi. Bọn ghẻ ngứa kia ơi! Bây giờ ta chẳng còn gì để mât “
 
Tại sao  lão gọi là “người” này lên án chúng tôi. Gã đàn ông đang nằm đây với tôi có khác gì nhau đâu chứ. Cũng chỉ là loài ghẻ ngứa như nhau thôi. Khác chăng, trước đây gã là “Người “ nhưng đã biến thái thành ghẻ. Thậm chí còn tồi tệ hơn bọn ghẻ chúng tôi. Gã là một loại ung nhọt của loài “ người”. Không như chúng tôi biết vì bầy đàn mà sống. Gã tham lam, lạnh lùng và xấu xa. Gã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cắn hút trên cơ thể đồng bào mình
Chúng nó là loại vi khuẩn luôn chực chờ cơ hội. Khi thời cơ đến, mụt nhọt xây dựng cơ đồ  to sừng sững. Nó làm cho bọn ghẻ chúng tôi phải ganh tị, nhức nhối, tránh xa. Nó sơn phết xanh đỏ lên cơ ngơi của mình. Chúng nó xây thành trì, làm hàng rào bảo vệ chặt chẽ không cho chúng tôi mon men lại gần. Chúng nó lớn nhanh để rồi tàn lụi nhưng gốc rễ nòi giống ấy khó mà tiêu diệt. Đã vậy còn được người ta mơn trớn, vuốt ve thoa dịu. Cũng là một loại ký sinh nhưng chúng tôi luôn bị phân biệt, khinh rẻ. Hàng ngày luôn phải chống đỡ biết bao cái cào, cái cấu cho đỡ ngứa của bọn người.
 
Nhưng có làm gì đi nữa thì cái ghẻ chúng tôi vẫn tồn tại, vẫn sinh nở, vẫn sống dai dẳng trên cơ thể này. Chúng tôi sinh ra không phải dễ bị tiêu diệt
Đừng chửi rủa cái ghẻ chúng tôi làm gì vô ích. Đừng căm ghét, thù hằn, ganh tị. Chẳng là chúng tôi đang làm cái việc mà gã đã làm trước đây. Là cào cắn, hút máu. Nhưng chúng tôi hút máu trên thân thể gã. Còn gã đi hút máu đồng bào mình.
Đừng than khóc nữa. Đừng “gato” làm gì vô ích. “Ga” gì cái loại như gã chứ. Buồn cười thật ! Loại như gã, khối đứa là ghẻ ngứa đấy thôi. Tôi nghe cái bọn là Người bảo vậy. “ Tham nhũng như ung nhọt, ghẻ ngứa “. So với các người, chúng tôi vẫn còn sang trong, lịch thiệp và nhân đạo hơn nhiều
 
Này ! Gã “người ” kia ơi! Cái ghẻ ngứa và bọn người  sống trên xương máu của đồng bào mình có khác nhau gì nào. Cũng cào, cũng cắn, hút như nhau thôi. Các người đâu sống bằng lương vậy mà cũng đàng hoàng, hợp pháp công khai xây nhà lầu, đất đai vài ba miếng. “Người “cho con di tản qua Mỹ, qua Tây dưới tên gọi là du học. “ Người “ lạnh lùng, vô cảm trước cái đau của đồng bào mình. Sự tham lam của “người “ vô độ quá. Không hút máu đồng bào mình, tiền đâu để “người “ có những chuyến du lịch qua Tàu qua Tây. Lấy gì nuôi con đàn bà phản trắc ấy.?
Tàn nhẫn quá !
Vậy thì đừng bao giờ gọi chúng tôi là “ Đồ ghẻ ngứa “ nữa nhé.
Hỡi cái gọi là “ người “ đang chôn đời còn lại trong bốn vách tường kia ơi! Không làm gì được chúng tôi đâu. Trời cao có mắt. Gieo gió thì gặp bão. Tội ác của “ người “ đã phải trả giá rồi đấy. Thời hoàng kim ăn bẩn nói phét qua rồi. Vậy thì im đi. Đừng kháng cự vô ích. Chúng tôi sẽ cào, sẽ cắn hút như “ người “ đã làm với đồng bào mình
 
Bởi chúng tôi là “ Đồ ghẻ ngứa” . Chúng tôi sang trọng, lịch thiệp và nhân đạo hơn “người “ gấp ngàn lần. Ghẻ ngứa không hút máu đồng loại mình
Hãy cứ chửi rủa, rên siết đi rồi nhìn lại mình có xứng đáng là cái ghẻ như chúng tôi không nhé!
Không ! Không đời nào “người “ có thể xứng đáng đứng ngang hàng cùng ghẻ ngứa chúng tôi đâu

Gã đàn ông hai tay nắm chặt song sắt, đầu gục xuống
Hỡi đồ ghẻ ngứa ! Hãy đợi đấy ! Tao sẽ tiêu diệt chúng mày
Đồ khốn nạn ! Tao sẽ giết chết chúng mày.
Đồ ghẻ ngứa !

BÙI THANH XUÂN

NẮNG ĐÔNG VỀ

buithanhxuan

Hoa lau nở chắc chắn sẽ không có cơn bão nào trong năm nữa. Thật vậy không.
Cái nắng ấm mùa đông phủ đầy các góc phố. Một mùa đông kì lạ. Bốn mùa trong một mùa. Thậm chí chỉ trong một ngày. Nó chẳng báo hiệu điều tốt lành nào. Đường phố bỗng thênh thang rộng. Người ta không còn phải chen lấn và vắng đi tiếng ầm ào xe cộ
Lạ quá! Hay cảm giác của người trở về thấy mình cô độc giữa con đường, tiếc nuối một thời tuổi trẻ vội qua nhanh
Này em! Con đường Thống Nhất ngày xưa bây giờ xa lạ quá!
Không còn bóng cây xa cừ sần sùi ta tựa gốc đứng chờ em ngoài sân trường
.
Những dãy phòng học và hàng cây bạc hà người ta đã thay vào một cao ốc tráng lệ. Những lớp kính phản chiếu nắng chiều bắn vào mắt anh như những tia lazer khi ngồi trước mặt cô Bác sỹ nhãn khoa xinh đẹp
.
Này em! Ta bần thần cột đèn xanh đỏ tìm lại tà áo trắng ngày xưa. Vỉa hè lát gạch sạch sẽ. Không còn nhấp nhô như lần vụng về vấp té khi đi bên em
.
Em! Nắng đông rực rỡ quá,
Ta nhớ ngày tầm tã hai đứa choàng chung tấm áo mưa lặng lẽ đi bên nhau dưới hàng cây ven sông vào một chiều đông đã xa. Bụi mưa giăng như màn sương mờ ảo. Em nói hai đứa khùng mới đi dưới mưa. Nhưng ta biết em tiếc nuối con đường sao lại ngắn ngũn như chuyện tình của mình. Phải không em?
Một chiều ta đưa em xuống biển. Biể dịu êm và lặng lẽ.
Những con đường ta thường đi qua, bây giờ trở nên rộng rãi và tráng lệ. Người ta cũng đã lấy đi bờ rào đầy hoa Tigon bao quanh những căn nhà trong khu cư xá. Họ thô bạo thay vào bằng những cao ốc đầy ô cửa kính như tổ ong
.
Kiến trúc có một định nghĩa riêng. Nó là một từ ghép nghĩa rối rắm và phức tạp. Những ngôi nhà được xây dựng thêm phức tạp và rối rắm.
Nhưng tình yêu thì rối rắm, phức tạp hơn nhiều! Định nghĩa tình yêu như một tổ chim.đan xen của hoa và cỏ.
Ta tìm nhau một đời để đánh mất nhau một giờ
.
Ta nhớ nắng! Ừ, Trong nắng ngạt ngào gió và nồng nàn bao nhiêu là hương.
Có chiều nắng nhạt ta chở em trên chiếc xe đạp không có yên sau. Chẳng là ta muốn ngửi mùi bồ kết trên tóc em ngược gió. Hờn dỗi trách ta sao không chở em trên chiếc xe Honda sáu bảy. Chẳng là lúc ngồi sau, em làm nóng lưng ta. Trên thanh ngang xe đạp tóc em thơm nhiều hơn, ta có thể ôm trọn em vào đôi tay mình
Em lại bảo trên thanh ngang xe đạp sẽ làm em đau cái mông. Thà em đau cái mông còn hơn phía sau ta có khối kẻ cơ hội đang chờ
Em ! Nắng đông rực rỡ quá.
Ta nhớ về một chiều hai đưa ngồi trong quán Quỳnh Châu ngạt ngào hương Ngọc Lan thoảng về từ ngôi biệt thự cạnh bên. Mùi Ngọc Lan quyến rũ em như mùi bồ kết khiến ta ngây ngất!
Một ngày giáp Tết hai đứa co ro trong căn phòng. Gió lạnh lùa về cuốn phăng đi tất cả phút giây ấm áp hẹn hò, tưởng chừng hạnh phúc sẽ vĩnh hằng. Cuốn phăng đi tình yêu ta dành cho nhau như cơn bão sắp lùa về thành phố
Rồi ta chia tay nhau trong một chiều buồn nghe Khánh ly hát Phôi pha!
Em đi và bỏ lại con đường. Ta bắt đầu uống và càng uống thì càng nhận ra hạnh phúc đơn giản là sự cảm nhận. Gầy Đi, bỏ những thứ sang trọng đã giúp ta quyến rũ, trở nên trầm lặng. Lại chiêm nghiệm mọi thứ qua ánh mắt già nua.
Khi người ta già, khó làm mình trẻ lại!
****
Kết thúc tạp văn .
Trong một chiều nắng đông không báo hiệu điều tốt lành. Cơn bão đang vẫn vũ ngoài kia gàm gừ dọa cuốn phăng đi tất cả
Tôi nhớ ngày xưa!
Phải dừng lại tạp văn này không có kết thúc. Cũng tò mò muốn biết gã đàn ông này định kể tiếp diễn biến chuyện tình của gã ra sao. Tò mò là một tính từ thuộc về cảm nhận, suy diễn theo cách của tôi. Nó có thể làm cho bạn hạnh phúc trong chốc lát
Trịnh dùng từ đắt giá hơn. Ông viết “ mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Nếu bạn nghĩ hạnh phúc là thứ gì đó lớn lao, bạn hãy nên vui mừng vì mình còn trẻ con quá!
Nắng Đông về !
Bạn hiểu như thế nào cũng được.
Với tôi, nó có nghĩa là những ngày nắng buồn.
Ngày mai tôi nghe theo Trịnh “ chọn một niềm vui” . Tôi sẽ viết tiếp câu chuyện trên nền tâm hồn khác.
Rất khác!
Nhìn nắng đông vàng đi! 
Bão về !
(Sửa lại từ NẮNG THU VÀNG)

BÙI THANH XUÂN

6/12/214

CÁI CỐI ĐÁ

buithanhxuan

Tôi là cái cối đá. Tôi thông thái và chuyện gì tôi cũng biết
Bà già mù ngồi cạnh tôi than vãn đủ thứ chuyện. Tôi với cây lộc vừng suốt ngày phải chịu trận không biết bao nhiêu cái hắt hơi sổ mũi của bà. Tôi là vật chứng ba đời nhà này và bây giờ vô dụng từ cái ngày người khai sinh ra tôi đã qua đời hơn hai mươi năm trước. Một ông chủ nông dân cần mẫn, quê mùa, thất học nhưng chân chất.
Bà già mù là vợ của ông.
Trước đây tôi sống trong chái bếp lợp tranh, cần mẫn làm công việc hằng ngày của mình là xay gạo. Rồi một ngày tôi theo bà già mù ra phố và nằm làm cảnh  bên gốc cây lộc vừng trong ngôi biệt thự lộng lẫy này. Người ta cào rứa, chà xát đến rách toạc cả da, mài nhẵn bóng loáng như khoác lên tôi một bộ áo mới cho hợp với ngôi nhà sang trọng và địa vị của ông chủ
Ông chủ sau này chính là con trai của bà già mù. Ông quyết tâm đưa bà mẹ của mình về sống tại đây để trả cái ơn bà đã đẻ ra mình, không cần biết bà thích hay không. Mặc kệ bà với những hoài cổ làng quê. Mặc kệ chuyện bà than vãn suốt ngày ngồi một mình bên cạnh chiếc cối đá là tôi trong ngôi biệt rộng thênh thang nhưng vắng vẻ. Cô gái giúp việc trẻ măng thỉnh thoảng đến dọn dẹp rồi về
Đừng nghĩ tôi chỉ là chiếc cối đá vô tri giác. Tôi biết nghe, biết nhìn và qua bao năm tháng sinh ra trên đời này tôi biết được nhiều thứ. Hiểu được thế nào là nhân tình thế thái. Tôi cũng có riêng một cuộc đời, một thân phận. Cũng chứa đựng được nhiều triết lý sống. Tôi đã xoay hàng triệu triệu lần trước khi ra chỗ này. Mỗi vòng xoay là một suy nghĩ, một trãi nghiệm. Tôi chiêm nghiệm cuộc đời qua từng vòng xoay, nhờ vậy mà tôi thông thái. Triết gia lẫy lừng cũng chỉ vậy thôi. Nhưng tôi khác họ. Lúc xoay vòng, tôi học hỏi. Khi nghỉ ngơi, tôi suy ngẫm
Chỗ của tôi là nơi làng quê. Có tiếng chim cu rúc mỗi trưa và tôi biết hoàn thành nhiệm vụ của mình.  Tôi không thích nằm chết dí ở chỗ này. Cũng như bà già mù. Tôi muốn về lại nơi làng quê củ.
Khi bóng tối bao trùm lên khu vườn và tiếng ồn ào bên ngoài cánh cổng sắt tôi lại chứng kiến biết bao chuyện không muốn nghe, chẳng muốn nhìn. Tôi nghe, tôi nhìn thấy hết. Thành phố thì không như làng quê. Nó ồn ào. Nó tráo trở, mất trật tự, đảo điên, lừa phỉnh. Người  hiền thì ít nhưng lắm kẻ gian manh. Đừng nhìn người đạo mạo mà nhầm. Có khi là đao phủ đấy. Người giàu người nghèo tách bạch rõ ràng.  Họ không chơi với nhau . Không như  khi tôi còn sống ở làng quê, có tình làng nghĩa xóm, thỉnh thoảng ngồi lại với nhau hát hò còn tôi có việc để làm nhiệm vụ của mình. Người thành phố sống chen chúc, rượt đuổi nhau mà sống. Họ luôn hối hả như bọn trẻ rượt chuột ngoài đồng.
 Một xã hội bệnh hoạn từ nhà ra phố, đạo đức băng hoại
Tội tình gì tôi bị phơi mưa nắng cạnh gốc cây lộc vừng, bị giam hãm bên trong tường rào xi măng cốt thép, chứng kiến bao điều chướng tai gai mắt. Hằng ngày lại phải nghe bà già mù rên rỉ, thở than, trách móc. Có khi lẩm bẩm, hồi tưởng thời còn con gái chạy rông khắp làng, rung rinh bộ ngực như hai cái gàu múc nước cho bọn trai quê ngắm nghía.
Ông chủ làm cái chức vụ, công việc gì tôi không rõ. Ít khi được nghe nói đến nhưng tôi biết ông cũng là người có uy quyền vì thấy lắm người xon xen, rụt rè, ngần ngại mỗi khi bước qua cánh cổng sắt màu xanh. Tôi thì tôi chẳng lạ gì, biết ông từ khi mới sinh ra. Lớn lên, biết ghẹo gái là lúc ông bị làng xóm sợ hãi vì tính ngông của mình. Khi làng quê yên ả rộ lên tin có cô gái hai mươi tuổi bị hiếp dâm, dìm chết dưới bùn cũng là lúc cậu trai mười sáu tuổi trốn đi biệt tích.
Bà chủ còn khá trẻ, tóc xoăn nữa mái, không đẹp nhưng được cái nước da trắng như bạch phiến, trông hơn hớn, liếng láy. Không giống như bà già mù, bà chủ hay mặc loại quần một ống ngắn tới bẹn. Buổi sáng màu xanh thì chắc chăn đến chiều phải màu hồng. Mỗi khi bà lái xe ra khỏi nhà là cối đá tôi co rúm. Bà thụt lui, tiến tới một hồi mới qua được khúc cua nơi tôi đang nằm như muốn đâm sầm, chà lên bà già mù tội nghiệp đang ngồi.
“ Mẹ kiếp! Choáng hết đường..”  Ngồi trong xe bà chủ lẩm bẩm nhưng tôi nghe rất rõ. Không biết chửi  tôi hay chửi bà mẹ chồng.
Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng ra đạo tặc. Đám người hay lui tới nhà chủ tôi nhận biết hết. Cũng giống như ông chủ, phần đông họ là đám người ngu dốt mang bộ mặt trí thức. Trưởng giả học làm sang. Trưởng giả, quyền uy nhưng ít học, dốt nát thường chơi ngông để chứng tỏ đẳng cấp. Họ trương ra đủ thứ trong nhà ngoài ngõ đến lố bịch, trơ trẽn. Trong phòng khách, trên kệ tủ thường là những chai rượu đắt tiền thay thế những cuốn sách . Họ nói về bia bọt, ăn uống, gái gú thay cho những con số và chữ nghĩa. Họ tự hào về sự lạnh lùng, vô cảm, ngu dốt của mình chẳng khác mấy với bọn cướp
Cũng vì cái sự ngu dốt đó mà thân tôi phải nằm tại đây, dưới gốc cây lộc vừng có giá mười ngàn đô la này.
Một ngày bỗng dưng ông chủ nằm liệt giường. Người ra vào thăm hỏi đông như hội nhưng rồi vài ba tháng sau thưa dần và đến bây giờ chẳng còn thấy ai đến nữa. Khách bà chủ lại nhiều hơn trước. Đàn ông, đàn bà đủ loại người. Thỉnh thoảng lại nghe bà già mù chửi đổng  “ Đồ mất nết!”
Ông chủ hay ngồi trên xe lăn, nhìn ra ngoài từ bên trong cửa kính, miệng méo xệch, đôi mắt dài dại. Dưới ánh điện lờ mờ bà chủ hơn hớn đang ngồi trên đùi gã đàn ông trẻ trong dưới mái hiên. Hai người đi đâu mới về nhưng gã đàn ông vẫn còn muốn nấn ná chưa chịu đi.Tôi nghe hết, thấy hết. Có tiếng cười rần rật, tiếng rên rin rít. Có tiếng ú ớ của ông chủ đằng sau kính. Gã đàn ông thì thầm : “ Mụ già đang nhìn kìa em”  Bà chủ hổn hển “ Kệ mụ! Mù làm gì thấy ”.
Bà già mù không thấy nhưng bà nghe, bà cảm nhận mọi thứ. Từ ngày ông chủ bại liệt đến nay bà thường ngồi ngoài sân đến khuya mới chịu vào ngủ . Tội nghiệp cho bà, chửi mắng lầm bầm trong miệng suốt ngày.
 Mà cũng đáng đời cho bà già mù. Chuyện lúc xưa gây ra bây giờ bà phải trả nợ. Con hư tại mẹ, con trai nhờ phước mẹ. Bà vô phước đẻ ra thằng con trai đồi bại, hư hỏng, mưu mô, xảo quyệt là cũng do bà. Nếu ngày trước bà không lẳng lơ, thông dâm với lão xã trưởng, phản bội ông chồng nông dân chất phát thì đâu có đẻ ra cái loại quái thai này. Chuyện này chỉ có bà và lão xã trưởng biết. Nhưng tôi là chiếc cối đá, chuyện gì tôi cũng biết.
Ông con trở về sau bốn năm trời  chạy trốn cái tội hiếp dâm, giết người, đi đâu, làm gì không ai biết nhưng khi quay về ai cũng ngán, cũng thấp thỏm vì sợ trả thù. Hằng ngày thấy ông ôm cặp kè kè, nhìn bà con làng xóm bằng cái đuôi mắt.  Rồi ông ra tỉnh làm việc. Rồi xe hơi nhà biệt thự, người đưa kẻ rước.
Nhà có hai cô con gái xấu như Chung vô diệm, còn đi học nhưng lại đú đởn nhiều hơn đọc sách
Bà già mù không kể cho ai nghe mấy cái chuyện riêng tư trong nhà mình nhưng tôi là chiếc cối đá, chuyện gì tôi cũng biết. Ông con hại không biết bao nhiêu người ra thân tàn ma dại.
“ Tiên sư chúng mày! Mã mẹ cái thằng đang đè con dâu tao. Mã cha cái loại đàn bà dâm đãng. Có hứng tình thì dẫn đi chổ khác mà mần ” Bà già mù rít lên trong cổ họng nghe như tiếng cối đá xay gạo kêu kin kít. Cũng tại bà già mù nên bà không biết. Còn tôi thì biết quá cái ngữ người này. Chúng nó vừa từ một khách sạn nào đó trở về. Dại gì lại trơ trét nơi cái sân nhà, ngay trước mũi lão chủ bại liệt kia cho chướng mắt.
Tôi là cái cối đá. Dưới tôi cũng là cái cối đá, một phần của tôi. Hai cái nằm chồng lên nhau thành một đôi tình nhân cối đá. Đã lâu lắm tôi không được xay, được lắc, không được chồm lên nhày xuống, cọ xát vuốt ve nhau nên phát ngấy khi nhìn mấy cái cảnh này lắm rồi. Tôi chán lắm phải nghe bà già mù hằng ngày lầm bầm than thở, chửi mắng trong cổ họng rồi lại xuýt xoa tiếc nuối thời con gái, cái thuở vụng trộm, nằm ngửa trong nhà, thèm thuồng được nghe tiếng giường tre kêu cót két, chờ lão xã trưởng đến vật ngửa mỗi khi ông chồng hiền lành chân chất vắng nhà
Tôi ngán ngẫm cái cảnh phải nhìn mụ vợ lẳng lơ đón người tình vào nhà ngay trước mặt , trước mũi lão chồng baị liệt đang tức tối ú ớ đến sùi bọt mép. Tôi ê chề, khó chịu khi nghe tiếng hu hú của hai cô con gái đú đỡn với bọn trai ranh ngay trước mặt bà già mù. Tôi ngột ngạt, ngưa ngứa lúc chúng cọ mông vào thân cối đá tôi làm chổ tựa mỗi khi chúng hứng tình
Tôi nghe, tôi nhìn thấy hết mọi thứ ba đời trong cái nhà này. Không như tôi trên dưới chung thủy một đời. Luân thường đạo lý xã hội điên đảo, gia đình tất phải đảo điên
Tôi muốn trở lại nơi sinh ra mình dưới mái tranh, làm công việc của mình.
Tôi vốn là cái cối đá, tôi thông thái nên chuyện gì tôi cũng biết
 
BÙI THANH XUÂN

THỜI KHỐN KHÓ MÀ VUI

buithanhxuan

Có ai lỡ cắc cớ hỏi tôi rằng thời gian nào trong đời cảm thấy hạnh phúc và thú vị nhất, tôi không ngần ngại mà trả lời rằng đó là khi mình và mọi người cùng đều khốn khổ như nhau.
Bạn sẽ bật cười khi nghe nói điều này nhưng hãy nghiệm lại thời gian sống của mình đã qua. Có thể bạn bất ngờ nhận ra điều này có ý nghĩa như thế nào với bạn. Biết đâu bạn cũng đang có cái thú vị như tôi vậy.
Đau thương cũng có cái thú của nó. Thú đau thương mà.
Ta thường ước mơ và thèm khát thứ mà mình không thể có hoặc có nhưng không đủ gọi là
Đó là những năm tháng sau 30/4 hay còn gọi là thời bao cấp
Tôi đã đi qua những tháng năm đó, đã trãi nghiệm bằng chính cuộc sống cuả mình và cảm nhận cái thú vị mà thế hệ con em chúng ta không có được.
Những năm đầu sau cuộc chiến ấy rất nhiều học sinh nam nữ không còn đến trường nữa vì mọi thứ thay đổi. Vì lí do này nọ, các bạn, những tiểu thư đài các, những yểu điệu thục nữ và những chàng trai mới lớn trước đây quen sống trong vật chất đầy đủ, được một nền giáo dục tốt đang dần thích nghi với cuộc sống mới. Những nàng thiên nga xinh đẹp lại biến thành vịt trời xấu xí. Những chàng trai thanh lịch một thời trở thành anh nông dân. Họ làm quen với cuốc xẽng, cày bừa hay lao động vất vã để sống.
Tôi là một trong số đó.
Gia đình tôi lúc ấy thật sự thiếu cái ăn. Ba mất sau ngày dứt chiến tranh hai tháng. Mẹ lăn lộn ra chợ đời còn anh chị em tôi tứ tán mỗi người mỗi phương.
Ngày trở lại thành phố người ta nhìn mình xa lạ nhưng rồi cũng quen dần với cuộc sống khó khăn. Với cái lí lịch tối thui của mình thì chuyện vào làm trong một cơ quan nhà nước là chuyện viễn tưởng nhưng không vì thế mà tôi nãn lòng. Vài lần làm lí lịch ra phường xác nhận đều được bảo về chờ chính quyền thẩm tra có khai đúng hay không. Vài ba tháng trở lại hỏi thăm, ông cán bộ có nước da vừa đen vừa tái bảo rằng bản khai lí lịch của tôi đã bị thất lạc. Vậy là làm lại cái khác.
Cuối cùng cũng nhận ra thân phận mình, tôi trở về chọn ngay góc ngã tư, che tấm ni lông mở nhà máy vá xe đạp. Lốp xe làm bảng hiệu treo tòong teng nơi trụ điện.
Những thân phận như tôi lúc ấy khá nhiều. Đều là những người có ăn học đàng hoàng nhưng chữ nghĩa không đổi thành cơm gạo được. Vậy thì liệu mà tìm ngã ba, ngã tư nào đó kiếm gạo đong cho chắc. Những con người đồng cảnh ngộ chia sẽ nhau từng điếu thuốc, li cà phê mới thấy tình cảm chân thật.
Vậy mà vui.
Thời bao cấp cái gì cũng thiếu. Khi chúng ta thiếu thốn thấy cái gì cũng quý, cũng có giá trị.
Được ăn no lúc đói khát mới thấy cái ngon ngọt của củ khoai lùi.
Sách cũng chẳng có nhiều để đọc. Văn học nước ngoài hầu như là sách của các nước xã hội chủ nghĩa. Thỉnh thoảng tìm được một cuốn truyện củ của ai đó còn dấu kỉ như báu vật là mặt mày rạng rỡ, hân hoan, hớn hở ngay . Thú vị vô cùng khi được ngấu nghiến từng trang sách truyện ấy.
Người thành phố thưa dần. Dân nông thôn ào ra như thác đổ. Họ là con, em, cháu chắt chít của mấy người “có công cách mạng”nên được vào làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp. Họ nghiễm nhiên trở thành tầng lớp trên dù cho họ có là người ít học, xuất thân từ vùng trung du heo hút. Loại thằng tôi lúc đó không đáng để cho họ liếc con mắt chứ đừng nói được đứng ngang hàng với giai cấp của họ. Tôi vác đơn xin việc khắp nơi. Từ công ty vệ sinh, vét cống cho đến các công trường xây dựng trong thành phố đều lắc đầu khi tôi chìa cái lí lịch có lời phê “ Cha là sỹ quan địch. Bản thân đương sự cũng theo địch..” Bó tay!.
Rồi ông Trời cũng thương. Tôi được nhận vào làm công nhân nấu kẹo trong một nhà máy thực phẩm nhờ cái việc rãnh quá không biết làm gì nên đi dạy…bổ túc. Ông giám đốc ở cạnh nhà thấy thằng thanh niên hiền lành, đẹp trai như tôi mà không dung cũng phí. Vậy là tôi lọt vô giữa rừng hoa. Nhà máy hết tám mươi phần trăm là nữ. Nữ thành phố, nữ ngoại ô, nữ nông thôn đầy một rừng đương nhiên tôi trở thành thiên thần. Tuy vậy, dù tôi có là thần tiên đi chăng nữa cũng chẳng dám dây vào mấy em có bàn tay to bè, chai cứng. Cặp giò thì còn hôi mùi bùn nhưng lại chãnh chọe hơn con nhà quan, nói năng trịch thượng. Tốt hơn hết là cứ mon men đến gần mấy em thành phố có thân phận như mình mà làm bạn
Sau hai tháng quậy mấy chậu kẹo to bà cố, tôi được thăng chức lên chạy vật tư nhờ có cái bằng Ai Bi Em. Lúc đó tôi được xếp vào loại có học thức cao nhất trong đám công nhân nam. Còn nữ thì khá nhiều em được học hành nhưng gia đình thuộc loại ..chờ xếp loại.
Tôi vi vu khắp nơi từ Nam ra Bắc. Mỗi nơi tôi đến đều có những kỉ niệm đáng nhớ.
Trong một chuyến đi Hà Nội, một tối tôi vào quán cà phê ở Khâm Thiên cùng cô em gái tên Hà. Ngồi hơn hai tiếng cảm thấy bụng dưới hơi nặng nên tôi đến hỏi cô gái ngồi quầy “ Ở đây có toa lét không cô? “ Cô gái nhướng đôi mắt long lanh nhìn tôi “Anh hỏi gì ạ?” Tôi ngập ngừng “ Có toa lét không?” Cô gái hơi ngạc nhiên khi nghe tôi nói giọng miền nam “ Dạ, không có. Loại đó ngoài này không ai bán..” Tôi chưa kịp hiểu ra sự nhầm lẫn, cô gái nói thêm “ Quán em chỉ có nước chè, cà phê và các loại kẹo thôi. Loại Ta lét anh nói, không có” Trời đất! Khi hiểu được chuyện, bụng dưới tôi tức lắm rồi. Không còn xấu hổ, tôi nói “ Ý tôi là có chổ để đi tiểu không ạ?” Dưới ánh đèn vàng nhạt khuôn mặt cô gái đỏ bừng, tay phải bụm miệng cười không ra tiếng, tay trái chỉ vào đường luồng ra sau nhà.
Một chuyến đi khác. Chuyến cuối cùng vào ngày mười tám tháng chạp âm lịch năm bảy chín. Ra đến Hà Nội lạnh kinh hoàng. Tám độ C. Tôi vội vã đón xe ôm về khu tập thể nhà máy điện Yên Phụ thăm Hà. Chỉ kịp nói với em vài câu rồi vội vã quay lại xe lên Sơn Tây nhận hàng. Hà lấy tấm chăn của mình cho tôi quấn quanh người đỡ rét. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Hà.
Tôi nợ em một chuyện ân tình, một tấm chăn và một lời xin lỗi.
Tôi còn nợ một cô gái khác nữa. Nợ đôi mắt cô gái Sơn Tây trên chiếc cầu treo băng qua con suối trong chuyến đi này
Trên đường trở về khi đến Quãng Bình trời gần tối, xe lại bị nổ lốp. Tài xế và phụ xe hì hục thay lốp còn tôi có nhiệm vụ đem nồi ra đốt lửa nấu cơm. Nước không có nên phải vào làng xin. Đang chạy lúp xúp trên đường đê, loay hoay với cái mũ lính Trung Quốc rộng rinh, rớt lên rớt xuống bỗng giật mình. Bảy tám người nông dân tay cầm gậy ùa ra vây chung quanh rồi hè nhau đè tôi xuống giữa ruộng, miệng hô “ Trói nó lại. Bọn tình báo Trung Quốc đấy!” Tôi bị đần cho một trận trước khi mấy con người điên cuồng này nhận ra tôi cùng “băng” với họ
TÔI ĐI LÀM GIẤY KẾT HÔN
Tôi là thằng ‘ba trời” nhưng nhờ phước đức ông bà để lại nên cuối cùng cũng có một em chịu lấy làm chồng. Chuyện như thế này
Chẳng là cũng nhờ cơ duyên lúc đó bọn Tàu với Việt Nam mình đánh nhau, đoàn thanh niên thành phố tổ chức một ngày chủ nhật lên núi Sơn Trà phá rừng, mở đường kéo pháo, chuẩn bị đối phó nếu bọn tàu cho máy bay vào không kích Đà Nẵng. Hôm đó tôi làm biếng, không muốn đi nên xì lốp xe đạp của mình, định xù. Mấy em gái trong xí nghiệp phản đối kịch liệt. ( có lẽ thiếu tôi mấy em buồn ). Vậy là một em làm ở phòng tài vụ được cử ra, giao xe cho tôi chở, hết thoát. Đoạn đường mười cây số đạp muốn xì khói nhưng tôi cũng ráng pha trò cho em vui. Tôi hỏi em “ Có biết bác học Ê đi xơn lấy vợ răng không? “ Em trả lời cộc lốc “ Biết, mà răng?” Tôi đùa “ Rứa thì tui cho em ba phút suy nghĩ rồi trả lời. Em có muốn mần vợ tui không”. Bụp! Bụp! Em đấm vô lưng tôi hai nhát rồi nhảy xuống đường, đẩy chiếc xe về phía trước. Tôi té chổng gọng, lọt gọn vô chiếc xích lô đang chạy bên cạnh còn em ngồi bệt xuống đường, xoa mông, miệng lẩm bẩm “ Qủy sứ! “
Thiệt tình ngày đó tôi chẳng có tình ý chi với em. Chỉ là một câu nói đùa cho vui, ai ngờ em ưng cái thằng “quỷ sứ ” tôi thiệt. Duyên nợ mô từ kiếp trước gỡ không ra.
Vậy là..
Hôm ra phường làm giấy kết hôn tôi run muốn xỉu. Cứ mỗi lần bước đến công đường phường, gặp mấy quan là hai đầu gối tôi đánh vào nhau lớp cớp, muốn sụm. Hai vợ chồng tôi được mời ngồi trên chiếc ghế cong cong như vành móng ngựa. Ông quan phó phường hỏi vài điều rồi đề nghị chúng tôi đứng lên, bắt đầu nghe tuyên ngôn vợ chồng.
Quan này khá lớn tuổi, mang kính lão dày cộm, cầm tờ giấy chứng nhận kết hôn xoay tới, xoay lui một hồi rồi nói giọng Quãng quê đặc sệt “ Thay mẹt chính quyền..” Tôi cố gắng để khỏi bật ra tiếng cười đang nén trong cổ họng. Ông quan phó ngước mắt nhìn tôi, đọc tiếp “ Tôi thay mẹt ủy boan phường đồng ý, công nhận anh..” Tiếng chít chít trong cổ họng tôi xì ra. Quan phó liếc xéo tôi cảnh cáo “ Nghiêm túc! “ Vừa nói, lão vừa nhìn vợ tôi đứng bên cạnh “ Tôi cảnh cáo anh..” Vợ tôi nhanh nhảu “ Dạ!” Quan nhìn qua tôi “ Tôi không núa với chị “ . Tôi gật đầu “ Dạ!”. Quan hét lên : “ Hai người đùa với tôi phải không? Có muốn tiếp tục không?“
Lúc này tôi chỉ muốn chạy ào ra đường mà cười một trận thiệt to cho đã. Trời đất ơi! Ông quan này bị lé. Nếu tiếp tục chắc chắn tôi sẽ không nín được nữa nhưng cũng cố kìm chế lại không để thoát ra mấy thứ đang ục ặc trong cổ họng. Quan đọc tiếp : “Anh Bùi Thanh Xuân, hai mươi sáu tuổi. Làm việc tại xí nghiệp bánh kẹo”. Hai con mắt quan chạy vòng vòng, lộn ngược..” Chị Lê Nguyệt Quế, làm việc tại xí nghiệp ..máy kéo “ Tôi đã cố gắng nín không bật ra tiếng rít giữa hai hàm răng trước đó nhưng khi nghe quan đọc hai chữ “ máy kéo “ tôi gập người, ôm bụng trước khi kịp bụm miệng không cho nước bọt bắn vào người quan. Cả chục người làm việc trong phường đều dừng lại nhìn tôi đang cúi đầu trên bàn, cười ha ha ha một cách sảng khoái, sung sướng. Quan phó phường đập bàn : “ Đồ mất dạy! Cút! Cút!..” Tôi nghĩ “ OK về thì về. Không làm được ở đây thì qua phường khác. Tui đâu ngán, quan lé ơi!”
Đời thuở nhà ai cả hai vợ chồng tôi cùng làm xí nghiệp bánh kẹo mà quan lại đọc vợ tôi công tác tại xí nghiệp..máy kéo.
Âm thầm ra công an chuyển hộ khẩu gấp. Hôm ra phường nơi gia đình vợ tôi đang sống để làm giấy kết hôn, tôi phải nhờ ông bạn của mình đi thế. Cái tính tôi hay cười. Vui buồn chi cũng cười. Nhỡ đứng trước quan phường nghe đọc bản án chung thân lại nhớ đến ông quan lé có lẽ tôi bị đuổi về lần nữa.
May mà thằng bạn tôi không phản phúc. Chỉ đóng vai chú rễ giả một cách có lương tri chứ không thôi tôi mất vợ như chơi
Chuyện ngày ấy có nhiều điều để nhớ. Thời khốn khó mà vui quý vị nợ.

BÙI THANH XUÂN

HOA TÍM BAO GIỜ NỞ

buithanhxuan

Không mang đến tặng người
Cành hoa tím lả lơi
Nên suốt đời vẫn nợ
Em tôi một nụ cười

Em bay vào cõi xa
Bỏ lại trước hiên nhà
Chiếc độc bình sương bụi
Tôi nhặt về cắm hoa

Hoa không nở bao giờ
Tôi thành người ngẩn ngơ
Chiếc độc bình nghiêng ngã
Chờ em trong cơn mơ

Trăm năm đợi có nhiều
Ngàn năm được bao nhiêu
Hoa tím bao giờ nở
Cho tôi nhặt nắng chiều

BÙI THANH XUÂN

TIẾNG CÒI TÀU

buithanhxuan

Mưa rả rích. Bức vách trống trước hở sau không che đủ kín căn nhà ọp ẹp nằm cạnh đường tàu. Gió tạt hơi lanh vào thổi tung bức màn ngăn đôi bên này, bên kia căn phòng không lớn dành cho ba người. Chị và đứa con trai bốn tuổi một bên. Phần còn lại là của anh.
Chiếc võng treo ở chái bếp phía dưới. Qúa nửa khuya rồi nhưng anh vẫn nằm đong đưa, mắt lim dim không ngủ chờ đến giờ chở chị về. Như người ở trọ. Hằng ngày anh có nhiệm vụ chở đi bất cứ đâu chị yêu cầu. Trông họ như vợ chồng nhưng thực ra không phải vậy. Cũng không phải mèo mã gà đồng hay rổ rá cạp lại. Cũng không là già nhân ngãi, non vợ chồng. Chỉ là những con người khốn khổ tìm dựa vào nhau mà sống.
Còn phải hơn một tiếng nữa chị mới xong ca đêm nay. Chiếc võng kêu cọt kẹt. Âm thanh nghe buốt tim. Anh đếm từng tiếng rít giữa sợi giây và cái móc sắt.
Bốn trăm mười ba. Bốn trăm mười bốn….
Hai mươi tuổi, anh lên đường gia nhập quân đội tham chiến tại Campuchea khi đang học năm thứ ba đại học Bách khoa. Ba năm lăn lộn trên chiến trường, rừng núi là nhà. Thỉnh thoảng cùng vài đồng đội vào buôn làng chọc ghẹo mấy cô gái Thượng. Xuất ngũ trở về bỗng nhiên ngẫn ngẫn ngơ ngơ, nửa khôn nửa dại.
Đây là đêm thứ bao nhiêu trong hơn một ngàn đêm anh chờ chị..
Chiếc võng đong đưa. Năm trăm hai bảy. Năm trăm hai tám..
Chị là một goá phụ, lớn hơn anh hai tuổi. Chồng chị chết trong trại cải tạo bốn năm trước . Hai mươi sáu tuổi, chị bơ vơ tuyệt vọng nhưng đứa con thơ dại thúc giục chị phải sống, phải chiến đấu từng ngày cho con được tồn tại. Một thời tiểu thư kiêu sa chân yếu tay mềm biết làm sao. Khốn khổ đẩy chị ra đường bán cái mình có. Khách hàng của chị thường là đám đàn ông lái xe, Nhất là đám quá cảnh sang Lào. Bọn này lắm tiền nhưng ít học lại ưa huyênh hoang, khoác lác. Thời hoàng kim của đám ít chữ nhưng may mắn. May mắn của bọn chúng cũng là một phần may mắn của chị
Anh nửa dại nửa khôn nhưng được cái hiền lành. Lúc khôn nói chuyện như nhà hiền triết. Lúc dại lại gọi tên Y’ Hien, Y’ Lo, Y’ Lắc đố mà biết anh gọi ai. Rồi họ gặp nhau, anh có thêm công việc chạy thồ còn chị đỡ tốn một khoản tiền khá lớn cho việc đi lại.
Ngày tháng qua. Cứ tưởng mọi việc như thế nhưng không dễ cho hai con người cô đơn sống gần nhau
Tủ thuốc lá đặt bên đường là bình phong cho cái sự cần cù, chân chính của chị. Hằng ngày chị ngồi ở đó. Thỉnh thoảng anh lại thay mặt những khi chị cần phải đi. Chiều nay chị co ro trong chiếc áo lạnh bạc màu, ho sù sụ. Đứng bên cạnh có tên tài xế nói giọng Bắc bảo cần chị đêm nay..
Cót két! Cót két! Tiếng võng cứa vào tim. Anh lầm bầm “ Đ. mẹ! Đời sao khốn nạn thế.”
Ba năm rồi anh sống chung trong căn nhà cùng chị và đứa trẻ. Những đêm yên lành, anh bên này chị bên kia không nghĩ ngợi, không ham muốn. Anh thản nhiên như không nghe không thấy mỗi lúc chị tiếp những gã đàn ông nhơ nhớp trên chiếc giường của chị. Tấm màn phất phơ tuột ra phơi bày trước mắt anh đôi chân chị xoạc dài nửa trên nửa dưới. Tiếng rên xiết, thở hì hục của gã đàn ông bóp chặt lồng ngực anh.
Có khi anh nhìn thấy gã đàn ông ôm ghì lấy chị thật chặt, từ hôm trước đến hôm sau ở trên giường với hắn. Làm tình, rồi nghỉ nói chuyện, chuyện chán lại làm tình. Anh biết chị bải hoải, chỉ hắn là sung sướng thỏa mãn. Một đêm là bao nhiêu cuộc mưa gió. Chị cố làm hắn thỏa mãn để ngày mai không phải sống trong địa ngục.
Anh đau thắt lồng ngực. Sờ xuống bụng dưới của mình, cười miễn cưỡng.
Anh trở mình trên võng, đạp chân vào vách. Chiếc võng lại đong đưa. Sao thế này? Đã bao lần anh mất ngủ lúc phải đợi chị về. Anh thương chị. Người phụ nữ mãnh mai, yếu đuối này buộc phải làm cái việc nhơ bẩn đáng khinh. Anh giận chị. Từ lâu anh đã khuyên chị bỏ nghề để anh đi làm nuôi chị và đứa trẻ. Chị bảo không muốn sống bám vào anh.
Mưa vẫn rơi đều đều, chậm rãi. Anh đang ngấu nghiến nỗi đau. Tiếng võng rít gắt gỏng như tiếng còi xe.
Nhưng rồi anh cũng chẳng làm được việc gì để giúp đỡ ngoài cái việc hằng ngày chở chị đi đến nơi nào đó. Nơi có gã đàn ông xa lạ giày xéo thân xác chị. Anh giận chị, không rõ nguyên nhân vì sao. Nhưng rõ ràng chuyện của chị như thế xảy ra hằng ngày là hiển nhiên. Anh thù hận những gã đàn ông ấy. Căm ghét chúng, những tên nằm đè trên bụng chị. Anh hình dung và ghê sợ chị còn phải chịu trận những kiểu hành hạ đòi hỏi quá đáng. Có phải đó là nhiệm vụ, là con đường duy nhất để tồn tại cho mỗi ngày qua đi.
Tiếng còi tàu thét lên trong đêm mưa. A! tiếng còi của chuyến tàu thứ tư vừa chạy qua đây. Gần đến giờ phải đi chở chị về.
Thôi được rồi, thưởng thức đi đã. Nỗi đau thân phận đâu có ngọt ngào.
Không có một tia hy vọng cho cả ba người, anh cũng cố tin và trân trọng vào những đồng tiền chị kiếm được mang về là lương thiện. Những món ăn đạm bạc hằng ngày có một mùi hấp dẫn như trên bàn tiệc nhà giàu sang trọng.
Ba ngàn hai trăm bốn bảy. Ba ngàn hai trăm bốn tám…
Tiếng cót két phát ra giữa sợi dây và chiếc móc sắt đều đều cứa ngọt trái tim anh. Mười lăm phút nữa anh sẽ bật dậy đi chở chị về.
Người ta nói tình yêu là thứ gì đó không thể giải thích được. Nhiều tối anh lại đong đưa trên chiếc võng rồi khóc, rồi cười. Tình cảm anh dành cho chị nó không rõ ràng như những thứ chị mang về. Nhưng có thứ gì đó đang vỡ trong lồng ngực khi anh nhớ lại đôi mắt đọng đầy nước mắt của chị sau đêm bị người đàn ông hành hạ vì không làm cho hắn thoả mãn. Trong mắt chị không hề có một hận thù nào mà chỉ toàn nỗi đau.
Ba ngàn ba trăm mười lăm. Ba ngàn ba trăm mười sáu..
Tiếng cót két nhỏ dần rồi im bặt. Anh lịm dần trong giấc ngủ mê
Cuộc đời sao quá bất công. Anh đã phí tuổi trẻ của mình trong những năm lăn lộn trong núi rừng. Không biết mình đã hi sinh giảng đường đại học cho cái gì. Dưới làn tên mũi đạn anh trở về hình hài nguyên vẹn nhưng lại mất đi nhiều thứ. Những thứ bình thường của một con người anh cũng chẳng còn được bao nhiêu. Đáng lẽ anh đã có một gia đình êm ấm, một người vợ xinh đẹp và một địa vị xã hội chứ không phải cái thân phận sống bám vào người phụ nữ làm đĩ. À, mà không! Chị là một con đĩ có học thức, có lương tri hơn khối con mẹ đỏng đãnh phết sơn, trong đầu đặc sệt những tính toán đời thường. Một con đĩ bất đắc dĩ như chị hơn khối mẹ khoác lác trí tuệ nhưng không biết mình đang nói gì. Những ngôn từ cao siêu phát ra từ những cái mồm thối tha, bẩn thỉu.
Với chi, anh biết cuộc chiến đã lùi xa và sự khủng khiếp để lại của nó là điều chị không thể hình dung và tưởng tượng ra trước đây. Điều đang xảy ra với chị bây giờ nó kinh khủng hơn vết thương lở loét bởi chiến tranh. Không có máu đổ, không băng bó nhưng lại đau đớn hơn ngàn vết cắt. Nó không là cơn sốt nhưng nóng rát. Không là cái rét nhưng tê dại. Nó là sự đánh mất nhân phẩm, giá tri. Nó tạo nên sự hỗn loạn, hoang mang của người thua cuộc chịu khuất phục bởi những kẻ cao ngạo đôi khi đến tàn độc của người chiến thắng. Chiến tranh chưa hẳn đã tàn độc. Con người là nhân tố tạo nên điều này.

Vĩnh Nguyên, tên thằng con trai sáu tuổi của chị cứ quấn lấy anh. Nó mừng rỡ gọi Ba khi anh đi đâu trở về. Có lẽ nó giống cha bởi nó có khuôn mặt không giống chị. Thằng bé đẹp như thiên thần, đáng yêu quá.
Anh bắt đầu nhớ mỗi khi chị vắng nhà. Chẳng biết vì sao anh lại nhớ người phụ nữ một con làm đĩ này. Chỉ biết rằng sau một lần cãi vã anh nhận ra rằng mình đã yêu chị nhưng lại không đủ can đảm tôn vinh cái hạnh phúc mà mình có thể với đến được. Một điểm sáng le lói thúc giục anh bước tới giành giật lại chị từ phía những người đàn ông khốn kiếp kia. Anh đã không đủ can đảm làm điều này để giành giật chị khỏi những bàn tay bẩn thỉu, đê tiện ấy
Phải quay về. Phải trở lại. Anh cần có một gia đình êm ấm. Chị cần có anh chở che và quên đi những tháng ngày cơ cực không được làm người tử tế.
Tiếng còi tàu thét vang!
Tiếng kẻng đánh thức trong doanh trại quân đội bên kia đường khiến anh choàng tỉnh. Tiếng vội vã của bánh sắt siết trên đường ray. Năm giờ sáng trời vẫn tối đen. Anh giật mình, hối hận vì đã lỡ ngủ quên, bật người đứng dậy, xô mạnh cánh cửa bước ra ngoài.
Có tiếng rên yếu ớt bên cạnh bụi cây dâm bụt trước nhà. Chị đang nằm vật dưới sân nền ẩm ướt, bàn tay nắm chặt nhánh cây đến bật gãy. Anh hốt hoảng chạy về phía chị, bế thốc thân hình mềm nhũn. Trong ánh đèn đường loang loáng dưới mưa anh nhận ra vết bầm trên khuôn mặt tái xanh. Ôm chặt chị vào lòng anh chạy như điên, băng qua hai ngã tư đến trạm xá. Anh gào lên khi hơi lạnh từ thân thể chị thấm vào cơ thể mình.
Chị bất động và có cái gì như đang vỡ, tan dần khi anh ôm chị bước qua cánh cửa trạm xá.
Mọi thứ lịm tắt. Nước mắt anh chảy trên khuôn mặt tái xanh và đôi mắt chưa kịp khép lại của chị.

*****
Ba mươi năm sau
Anh bây giờ là một doanh nhân thành đạt, đã có một gia đình hạnh phúc cùng người vợ thuỷ chung cùng hai con trai. Con trai đầu Trần Vĩnh Nguyên là kỹ sư xây dựng đi du học ở Pháp về, còn cậu em đang là sinh viên kiến trúc tại Singapore.
Ngôi nhà bên đường ray tàu lửa đã được sửa sang lại nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc cũ. Giữa nhà có bàn thờ của chị. Vợ chồng anh hằng ngày về nhang khói cho chị. Di ảnh người phụ nữ vẫn luôn nở nụ cười duyên dáng, đôi mắt long lanh ẩn sau cặp kiếng cận nhìn vợ chồng anh như muốn gởi gắm điều chị chưa làm được cho con mình.
Đôi khi lúc gần sáng anh một mình chạy xe về thắp nhang cho chị. Nghe tiếng bánh sắt siết trên đường ray lòng anh đau đớn lắm. Anh nhìn chân dung chị trên bàn thờ, vẫn mĩm cười không oán trách.
Tiếng còi tàu u u vang lên trong đêm gần sáng nhắc nhở anh tháng ngày khốc liệt đã qua. Nó vang mãi như bản giao hưởng dài vô tận.
Quên được không?
Thời gian trôi nhanh đi một khoảng dài trong đời người, anh vẫn khắc khoải đợi tiếng còi tàu. Nó mênh mang, day dứt năm này qua năm khác.
Làm sao quên !
Đà Nẵng 17/08/2014
Bùi Thanh Xuân

CÔ BA

buithanhxuan

( Truyện ngắn 2037 chữ )
Hai cái Tết rồi tôi mới gặp Thiên. Có lẽ nó bận rộn.
Thiên gọi giật ngược khi tôi đang chạy xe trên đường
-Thằng quỷ! Lâu quá. Uống với tao ly cà phê.
Mắt nó nháy liên tục. Tật bẩm sinh. Miệng cười toe toét
-Qua Tết bận quá mi. Khách đến liên tục, may hết tháng giêng mới rãnh gặp mi.
Thiên học chung lớp với tôi thời trung học tại một trường huyện, tỉnh K. Đó là chuyện của hơn bốn mươi năm trước.
Tôi ở thành phố khác, vì một lý do bất đắc dĩ nên bị Ba tôi “đày” một năm vào ngôi trường này. Với Thiên, ấn tượng đầu tiên của tôi về anh en nó là đi học có xe jeep quân đội đưa đón tận cổng trường. Được đặc ân như vậy vì ba Thiên là Trung tá quân đội Sài Gòn, chỉ huy trưởng một đơn vị. Nhà nó tường cao cổng kín. Bạn học không ai lui tới nhà nó được. Khi xây dựng, nhà Thiến án ngữ trước mặt một ngôi miếu thờ Cô Ba, cạnh đường quốc lộ.
Anh em nhà nó mẫu mực và học rất giỏi . Con nhà quan nên áo quần tươm tất, sạch sẽ. Thiên hiền lành nhưng khó gần, không chuyện trò với ai. Chẳng có đứa bạn nào vui đùa cùng chúng nó vì ngại chuyện này chuyện kia. Chưa bao giờ tôi trông thấy nó ăn quà vặt. Ba anh em quanh quẩn trong sân trường chờ đến giờ vào lớp. Lúc ra về chỉ việc nhảy phóc lên xe là xong.
Chưa hết năm học, không còn thấy chiếc Jeep lùn đậu trước cổng trường. Anh em Thiên đột ngột biến mất. Chẳng ai tò mò tìm hiểu vì sao nhưng tôi rất ngạc nhiên, hay thắc mắc nên có điều gì khác lạ lại chú ý. Chuyện anh em Thiên biến mất như là một sự kiện bất thường đối với tôi.
Rồi thời gian đi đày ở huyện cũng hết. Tôi trở lại thành phố của mình học tiếp năm cuối cùng trung học.
Một chiều đạp xe lang thang trên phố bỗng nghe tiếng gọi giật ngược. Tôi sững sờ khi thấy thằng bạn trường huyện cười toe bên kia đường. Mười bảy tuổi, Thiên cao to, trắng trẻo như con gái. Tôi nhận ra nó ngay và vui mừng gặp lại thằng bạn trường huyện. Thiên mặc áo thun màu vàng hơi củ. Thật khác xa với hình ảnh đứa bạn học cùng lớp với toi năm trước. Thiên cởi mở, dễ gần.
Đó là ấn tượng thứ hai tôi nghĩ về nó.
Thiên dẫn tôi vào nhà trong một hẽm cạn. Mẹ Thiên đang ngồi rầu rĩ trên chiếc ghế cũ kỹ kê sát tường nhìn tôi có vẽ ngạc nhiên. Bà không biết tôi nhưng tôi rất rõ về người mẹ của bạn học mình.
Chuyện trò với nhau, điều thú vị khiến tôi khá ngạc nhiên là Thiên vẫn nhớ về tôi. Nó cười: “ Mày là thằng chuyên xúi bậy ai mà không nhớ.”
Tôi bất ngờ khi biết Thiên sinh ra và đã có thời sống ở thành phố này. Thiên kể cho tôi nghe lý do vì sao nó trở về đây. Chẳng là ông Trung tá bị chuyển ra tác chiến. Hình như là sư đoàn hăm hai thì phải. Ông mất vì tai nạn khi lái xe về thăm nhà. Gia đình sa sút. Vậy là cả nhà khăn gói trở về quê ngoại
Năm bảy tư một lần nữa tôi lại lưu lạc, xa nhà. Quên luôn thằng bạn không thân cho đến ba năm sau. Từ rừng núi trở về, mùa hè năm bảy bảy tôi gặp lại Thiên trên hè phố. Cũng tiếng gọi giật ngược và nụ cười toe năm nào, Thiên và tôi vào quán cà phê tâm sự buồn vui. Tôi nói mới về phố nên chưa có công việc gì làm. Còn nó đang là chuyên gia vét cống. Tôi mừng cho nó. Thiên cười toe : “ Giáo sư tiến sỹ, con quan, con tướng làm nghề vét cống khá nhiều. Mi đi với tao. Có thằng vét được vàng rồi đó mi”
Tôi theo nó xuống mương được hai tuần. Không chịu nỗi mùi hôi thối, cũng chẳng được tí vàng nào nên thôi. Sữa chiếc xe đạp đi thồ, được hóng mát. Có khi “trúng” được mấy em xinh đẹp ngồi đằng sau tựa vai trông sang trọng hơn nhiều.
Thân phận bọt bèo của những người trẻ có hoàn cảnh như chúng tôi không ít. Sau thời gian ở rừng trở về tôi lại phải đối mặt với chuyện trở lại rừng. Gia đình tôi thuộc diện phải đi kinh tế mới. Nhà của Thiên cũng vậy.
Ba tôi đã mất sau 30/4 hai tháng. Mọi việc trong nhà bây giờ do tôi quyết định. Tôi treo bảng bán nhà. Mấy chục năm sau, khi nghĩ lại chuyện này tôi thấy mình vô cùng “ sáng suốt” và thỉnh thoảng đấm ngực tự khen “ Tôi phục tôi quá!”. Lúc đó mấy ông cán bộ phường, khóm thỉnh thoảng vào nhà nhắc nhở chuyện đi kinh tế mới, tôi chỉ vào tấm bảng to đùng “ Cần bán nhà gấp, giá rẻ.”. Giai đoạn này chẳng ai mua nhà làm gì. Nhưng có ai vào mua tôi lại hét giá trên trời. Vậy là thoát.
Gia đình Thiên không may mắn như tôi. Ba năm ở rừng kinh tế mới lại đào thoát trở về thành phố. Tôi gặp nó lang thang với với bộ áo quần rách tươm.
Tôi bảo nó đi xe đạp thồ kiếm sống. Nó lắc đầu. Trở lại nghề vét cống, đào mương. Một thời gian sau nhảy lên cái chức phụ hồ. Tôi nói đùa “ Mày có phước thật. Từ dưới cống được thăng lên giàn” Nó lại cười toe toét.
Mẹ Thiên sống với quá khứ vàng son của mình. Suốt ngày đắm chìm trong suy tư với bộ bài tứ sắc trong tay dù biết rằng không có ngày 30/4 thì cuộc sống của bà cũng sẽ như vậy rồi. Anh em Thiên rất sợ mẹ. Chỉ cần bà nhướng mắt đã chết khiếp. Một lần tôi nói thằng với bà là một người mẹ vô nhân đạo. Bà chỉ tay ra cửa gần rơi bản lề : “ Cút! Đồ mất dạy.” Vậy là tôi cút thẳng một hơi hơn hai mươi năm không gặp lại bà, mặc dù nhà tôi và nhà Thiên cùng ở một con đường, cách nhau hai trăm mét.
Trong thời gian đó thỉnh thoảng tôi có gặp Thiên . Sau mười năm lao động vất vã cuối cùng nó cũng được lên chức lần thứ hai. Không còn phải vác gạch, trộn hồ như trước. Được trèo cao hơn. Đôi khi còn được vào phòng làm việc hẳn hoi. Thiên làm thợ quét vôi.
Tôi lao vào công việc để kiếm sống, làm đủ thứ nghề. Thay đổi xoành xoạch. Thiên vẫn ngày ngày vác chổi quét vôi đi trên đường. Luôn luôn là đi bộ. Bốn mươi tuổi vẫn cứ đi bộ. Tôi hỏi : “ Sao mày không kiếm xe đạp mà chạy?” Nó cười toe : “ Có đi được éo đâu mà mua”. Thì ra những năm tháng ba Thiên còn tại vi, anh em nó quen ngồi xe jeep có người lái nên chẳng màng tập chạy xe. Đến khi lớn lại sợ quê và lúc già tập xe sợ bị tai nạn.
Ba mươi năm sau.
Thiên và tôi thỉnh thoảng chạm mặt nhau trên đường, gọi nó chỉ lắc đầu. “Thôi mi! Tao bận” Tôi biết nó không phải bận đến nỗi chẳng còn thời gian uống với tôi một ly cà phê. Nó mặc cảm. Thiên càng trốn tránh tôi càng chặn đường cho được. Cuối cùng nó phải chịu thua. Lần đó tôi bắt nó uống hai lon bia, say tuý luý. Thiên nói, mắt nhấp nháy liên hồi : “ Lon bia đầu tiên trong đời tao uống với mi “. Nó tâm sự : “ Đời tao sao khổ quá mi. Ngày Ba tao còn sống, lên xe xuống ngựa, ăn sung, mặc sướng. Vậy mà..”
Bốn mươi năm sau
Thiên là lão già hồng hào, phong độ. Vẫn sống độc thân. Tôi chọc “ Mày định để cho phụ nữ thèm chơi hay sao?” Thiên cười toe toét, hai mắt nháy liên hồi.
Tôi và Thiên bây giờ gần gũi và thân thiên với nhau hơn. Muốn uống cà phê với nó phải gọi điện thoại trước vài ngày. Vậy mà đôi khi nó lỡ hẹn vì những cuộc gặp quan trong hơn. Có lần bực quá, tôi chửi bậy “ Tiên sư mày! Còn hơn ông nội tao.”
Sau này tình cờ tôi biết được vì sao nó lỡ hẹn. Một lần hai đứa ngồi quán cà phê thao thao chuyện cũ. Chuyện trường xưa, chuyện đàn bà, trai gái, chuyện tào lao xịt bộp, bất ngờ có một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi bước vào quán. Trông thấy Thiên, chị ta cúi đầu kính cẩn : “ Chào Cô Ba!” Tôi nghe, muốn bật ngửa ra sau. Thiên mời cô ta ngồi và nghiêm nét mặt hỏi chuyện gia sự. Tôi lắng nghe, lờ mờ hiểu ra mọi chuyện. Thì ra ông bạn có khuôn mặt đẹp trai, nước da trắng hồng như con gái này là “Cô”. Lý do vì sao Thiên không lấy vợ.
Từ một cậu học trò, công tử nhà quan. Đẹp trai duyên dáng, ít nói, hiền như cục đất. Thời thế đổi thay trở thành chàng thanh niên không ngại khổ, làm đủ thứ việc kiếm sống. Rồi từ một chàng trung niên có đôi môi đỏ hồng như con gái, ăn nói bạt mạng. Từ mặt đất Thiên phóng một hơi lên tầng bình lưu. Một bước nhảy ngoạn mục. Nó vừa là gay, vừa là người ..cõi trên.
Tôi chọc : “ Mi lừa đảo mấy em phải không?”. Thiên nhăn nhó : ” Nói bậy cô giận” Tôi chưa tha :” Mi biết chi làm nghề ni ”. Thiên trợn mắt : ” Răng không biết! Mấy năm rồi. Hôm đó tao đang ngủ trưa ở chổ làm tự nhiên giựt nẩy người, rung bần bật. Vậy là Cô về luôn”. Nghe nó nói, không nín được cười. “ Người cõi trên sao mi “hôn” quá vây” Nó cười toe : “ Cô thăng mi nợ “
Hai cái Tết rồi tôi mới gặp Thiên. Nó bận rộn quá!
Bốn mươi năm sau.
Thiên vẫn cứ vậy. Ai kêu quét vôi đâu, làm đó. Thiên bảo “ Tao éo cần nhiều tiền để làm gì. Không nợ mà cũng chẳng nuôi ai. Tứ đổ tường không ham thì..” Nó hát “ Mai ta chết dưới cội đào. Khóc ta cứ nhổ bọt vào thiên thu. Ha ha ha..”.
Trong túi Thiên lúc nào cúng lận bộ bài năm hai con. Thỉnh thoảng ngồi quán cà phê rung đùi, mắt hấp háy , tay chia bài xoèn xoẹt, xem quẻ cho mấy em sồn sồn. Tôi hỏi : ” Sao mày không về nhà cho kín đáo”. Thiên cười toe : “ Nhà éo đâu mà về. Mười tám người chen chúc trong bốn bảy mét vuông. Ba thế hệ mi nợ “ Nghe Thiên nói tôi hơi chạnh lòng.
Ngày xưa nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ. Vậy mà giờ đây…
Lưu lạc trường huyện trở về tôi chỉ có Thiên là bạn. Vẫn luôn xem Thiên là một trong số bạn học thân của mình. Hiện nay nhìn nó sống vô tư, chẳng suy nghĩ, lo âu điều gì, cười toe toét mỗi lúc gặp nhau.
Thiên sống độc thân, đã biết đi xe đạp, trông cũng “phong lưu” lắm
Phải chăng “Cô Ba” Thiên đẹp trai, môi hồng, da trắng nõn nà nên chịu cảnh “ Hồng nhan bạc phận ”?

BÙI THANH XUÂN
28/3/2014