Em đi bỏ phố thình lình Chiều em đi ấy Phố mình đổ mưa Hoàng hoa mới nụ vừa vừa Đã tơi tả rụng để mùa xuân trơ. Thư phòng em nhện giăng tơ Đoản tình thi mất người thơ võ vàng…
Có người tri kỷ nhớ em Tìm sang không gặp ngổn ngang nỗi niềm. Về đâu? Hỡi trái tim hiền! Đêm hoang gió có cuồng bên phía người? Giang hồ chán lắm em ơi! Phải đâu thơ mộng cho đời thăng hoa! Sáng nay trời đất giao hòa Cầu mong em mãi nuột nà an nhiên.
Nhân ngày nhà thơ BÙI GIÁNG mất (7.10.1998).Tôi xin trích đăng bài viết : BÙI GIÁNG Một thiên tài kỳ dị trong tập Trần Gian Sầu Muộn như một nén nhang tưởng nhớ con người siêu đẳng sinh bất phùng thời
(Qua nhận xét của những nhà văn cùng thời với ông và những người viết trẻ lớp hậu bối) … Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ? (Vũ Đình Liên)
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nói rằng: “Nhiều người đang và sẽ viết về Bùi Giáng dưới nhiều góc độ khác nhau, thậm chí có người nhắc đến ông là để “tự nâng mình lên”. Không biết anh nói vậy có đúng hay không?
Viết về Bùi Giáng không hề là chuyện dễ nếu không đủ “nội công thâm hậu”, kiến thức uyên bác về các vấn đề liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông chứ không phải chuyện kể bên lề những lần gặp gỡ cùng những câu thơ ngẫu hứng ông viết trong quán cóc ven đường hay trong một lần tình cờ chạm mặt. Vì vậy có những người viết về Bùi Giáng đôi khi lại là “tự hạ mình xuống”.
Bài viết này chỉ ghi lại những nhận xét về Bùi Giáng của những nhà văn cùng thời và cũng là bạn của ông trong những thập niên trước 1975 và nhận xét của những người viết trẻ thuộc lớp hậu bối.(Những nhận xét được trích dẫn dưới đây với tư liệu ít ỏi mà chúng tôi có được.).
Bùi Giáng có quá nhiều giai thoại khi ông còn sống và cũng có rất nhiều huyền thoại khi ông đã mất. Thường thì người ta tôn vinh, viết những bài ca ngợi, kể những giai thoại hay những câu chuyện liên quan đến nhân vật nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó khi họ không còn nữa. Nhưng với Bùi Giáng thì là một ngoại lệ.
Nhiều tuyển tập sáng tác văn học, nhiều tờ nguyệt san, bán nguyệt san, trước và sau năm 1975 đã viết về ông, đã làm những đặc tuyển cho riêng ông khi ông còn sống cũng như những bài viết, phân tích về ông trên các tờ báo văn học trong nước và hải ngoại khi ông đã mất.
Người ta dùng nhiều tên gọi để gán cho Bùi Giáng, như: Hiện tượng của sự phá hủy, Nhà hiền triết, Trung niên thi sĩ, Bồ tát giáng trần…nhưng dù với bất cứ tên gọi nào thì ông vẫn là một người trần tục đến đây, cõi ta bà này để rong chơi và thưởng ngoạn…
Nhà biên khảo, dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến trong một bài viết đã nhận xét:“Bùi Giáng là bậc thượng trí, hầu như “vô sư tự ngộ”. Ở miền trung du hẻo lánh xứ Quảng đó ông chỉ đọc sách mà “phát minh tâm địa” như trường hợp thiền sư Huyền Giác đọc kinh Duy Ma Cật…” Anh viết: “Trước 1975 ông thường sống trong lô cốt trước viện Đại học Vạn Hạnh với các lon cơm bẩn thỉu. Lối sống kỳ dị đó cũng không ảnh hưởng đến sự sáng tạo phi thường của ông. Ngay vào giai đoạn người ta xem như ông bị điên nặng thì ông cho ra đời tập thơ: Bài ca Quần đảo mà theo nhà xuất bản thì đây là cả một đại dương thi ca” . Anh viết tiếp:“Như Kim Mao Sư vương Tạ Tốn đột nhiên xuất hiện trên Vương Bàn Sơn đảo dùng thần công vô địch trấn áp quần hùng và đoạt thanh đao Đồ Long của Thiên Ưng giáo gây chấn động kinh hoàng cho hai phe hắc bạch thì Bùi Giáng xuất hiện trong nền văn học miền Nam cũng bất ngờ như thế. Nhà thơ gầy gò nhỏ bé của xứ Quảng đã đột nhiên hiện ra sừng sững như một cây đại thụ giữa cõi thi ca và triết học Đông – Tây trên vùng đất “hàn lâm”mà xưa nay người ta nghĩ rằng chỉ dành riêng cho những kẻ học phiệt và khoa bảng .
Bùi Giáng với bút pháp tài hoa khi viết những câu thơ làm lay động lòng người :
“ Em về giũ áo mù sa Trút quần phong nhụy cho tà huy bay”
Nhưng ông lại viết những câu thơ thật dễ dãi, như :
“Gặp nàng, nàng ở Già Lam Gặp cô, cô ở Lê Quang Định đường”
Hoặc :
“Một con vịt, hai con gà Thêm ba con lợn gọi là chăn nuôi”
Đúng là ông đã bỡn cợt với thi ca mà Huỳnh Ngọc Chiến gọi là “đùa bỡn với thi ca đến độ quỷ khốc thần sầu”
Nhà văn Mai Thảo, người cùng thời và cũng là bạn của Bùi Giáng, viết: “…Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ (Giám đốc nhà xuất bản An Tiêm) chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản Bùi Giáng trước mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm, in ngày, in mệt nghỉ vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn, cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bến không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng của ông cũng vậy. ..
Vắn tắt là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bồng, hoàn toàn rong chơi.
Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi”
Mai Thảo môt nhà văn nổi tiếng, cùng thời và suýt soát tuổi với ông (Bùi Giáng hơn Mai Thảo một tuổi), đã “bàng hoàng, khiếp đảm” trước lực viết “tột đỉnh, không tiền khoáng hậu” là “ngàn người không một”, là “phi phàm, vô địch” của Bùi Giáng làm cho chúng ta vô cùng kinh ngạc như nhận xét của nhà thơ Đinh Hồi Tưởng:
“Thiền sư xuống núi bỏ chùa Dìu trăng cà rỡn mút mùa lang thang Huơ tay chọc thủng địa đàng Múa chân dẫm nát niết bàn nề chi
Hay : ……
“Một lời đảo lộn ngàn chương Trợn trừng đôi mắt mộng trường ngời xa Rong rêu giữa cõi ta bà Ngõ về im lặng đập ra não phiền Dấu tìm, rối rắm, thơ điên Siêu phàm nhập thánh, dĩ nhiên là Người (6)
Nhà văn Mai Thảo đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ông đem những thắc mắc của mình ra hỏi thầy Thanh Tuệ.
Thanh Tuệ nói : “Tôi cũng lấy làm lạ, anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Đêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Điều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả.
Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.”
Rồi Mai Thảo lại đem những thắc mắc này ra hỏi chính Bùi Giáng thì ông chỉ : « Cười cười, đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu, nói: “vui thôi mà”. “Ừ vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất cuả Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông, cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện thân của mênh mông nghìn ngã trăm phương ấy.”
Cho dù là Bồ tát giáng trần, cho dù là thiên tài kiệt xuất thì Bùi Giáng cũng chỉ là một con người nhưng là một con người phi thường mà bao nhiêu trăm năm nữa chúng ta mới có một người như vậy?
Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy để khép lại bài trích dẫn ngắn này:
“ Dẫu cho sinh bất phùng thời Còn trong thiên hạ những lời thơ bay…”
Bắt đầu một ngày với ly cafe góc chợ quê nhà. Bên cái nắng vàng rất vàng của ngày đầu tháng 10, bên từng cánh gió xao lá xao cây chuyển mình chờ hơi đông trở lại. Vài ngụm cafe, vài hơi thuốc, viết vài dòng tưởng nhớ đến hai nhà thơ lớn dù chênh lệch tuổi đời khi sinh, năm mất cũng cách nhau 21 năm, nhưng có cùng ngày mất,tháng mất. Đó là hai nhà thơ Bùi Giáng(1926-07.10.1998) và Du tử Lê(1942-07.10.2019)
Bài này tôi đã nhờ Fb chuyển đến những bạn bè thân hữu. Nhưng ngồi cafe, viết vội nên còn nhiều điều muốn nói mà chưa nói được, nên tôi thêm những cảm nghĩ, suy ngẫm của tôi ở đây như một bày tỏ…
Với tôi cũng như nhiều người khác chung thế hệ, it nhiều đều biết đến một vài tác phẩm hay gần như toàn bộ trước tác của hai nhà thơ cũng là điều dễ hiểu.
Với nhà thơ Bùi Giáng chúng ta còn được biết đến vài tên gọi khác là Trung niên đười ươi thi sĩ, nhà thơ điên, nhà thơ của những cuộc rong chơi, nhà thơ có nguồn nội lực vô bờ bến khi viết. Viết nhanh, viết mọi lúc, mọi nơi trên mọi chất liệu không cầu kỳ.
Với ông, cả cuộc đời Phụng Hiến*cho Thi ca nên ông luôn “… đặt trong bàn tay vạn vật. Quả tim mình nóng hổi những chờ mong”*. Từ đó ông yêu chuồn chuồn châu chấu, yêu “con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại. Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn”*
Sức sáng tạo của nhà thơ Bùi Giáng khó ai sánh kịp về số lượng được viết trong một quãng thời gian khi đem so với số đầu sách đã xuất bản.
Cùng với đó là cách vận dụng ngôn ngữ rất bình dân cửa miệng của người đời nhưng khi được ông đưa vào thơ lại mang một dáng dấp khác, một uy nghiêm khác. Ở đó, tất cả được ông ban cho sinh hồn, trái tim. Tất cả toát lên một chữ Tình. Tình của người với người. Tình của người với đời. Tình của người với muông chim sâu bọ, đất đá sông ghềnh, thị thành phồn hoa, ruộng đồng làng mạc. Trân trọng là vậy!
Với nhà thơ Du tử Lê,ngoài những tác phẩm thơ chúng ta còn được thưởng thức những ca khúc được các Nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của ông. Chính những ca khúc được nghe mỗi ngày đã đem cái tên Du tử Lê đến với chúng ta một cách phổ cập hơn, gần gũi hơn, thân thiết hơn.
Với tôi, sự kính trọng về tài năng và nhân cách của hai ông, qua những gì tôi được đọc, được nghe từ hồi mới lớn đến nay ít ra cũng nửa thế kỷ, khi tôi hiện tại đã sắp bước tới “…thất thập cổ lai hy”rồi ,vẫn nguyên vẹn cảm xúc vui buồn khi đọc lại những câu thơ, nghe lại những khúc tình ca như buổi ban đầu. Đó cũng có thể gọi là hạnh phúc chăng?
Ngoài những điều nói trên,tôi biết trong những gì tôi viết dù thơ hay nhạc sự ảnh hưởng từ hai nhà thơ đối với tôi là điều không tránh khỏi. Trong chừng mực nào đó,tôi vẫn thầm cám ơn hai ông. Còn thoát được hay không khi viết là do mình, chính mình để tạo cái riêng mà thôi.
Riêng trong lĩnh vực thư pháp, khi muốn gởi gắm một điều cần chuyển tải đến người thưởng ngoạn, tôi luôn tìm đến những câu thơ của hai ông để thay lời tôi muốn nói.
Về âm nhạc, tôi đã phổ cho nhiều bạn thơ bấy lâu nay, coi đó là niềm vui cộng hưởng của người làm thơ, người viết nhạc, tuyệt nhiên không dám coi mình là Nhạc sĩ này nọ. Càng không bao giờ có ý định sẽ phổ nhạc dù một bài của nhà thơ Du tử Lê. Nhưng khi nghe tin ông mất,tôi mạo muội phổ một bài,cũng là bài duy nhất.
Tôi chọn một bài ông viết khi đóng quân ở Pleiku trong những năm chiến tranh nhưng chỉ nói đến Pleiku, một Thị xã nhỏ nhắn với màu dã quỳ vàng ruộm mỗi mùa đông về. It nhiều, dã quỳ vàng đã là biểu tượng của người Pleiku chúng tôi từ đó và mãi sau này. Bài thơ tên PLEIKU VÀ HOA QUỲ.
Đó là cách tưởng nhớ riêng dành cho nhà thơ Du tử Lê.
…
Đến đây,chợt nhớ đã hai lần được gặp nhà thơ Du tử Lê. Lần thứ nhất là năm 2015, khi ông về TP Pleiku ra mắt tập thơ GIỎ HOA THỜI MỚI LỚN. Lần thứ hai,tháng 10/2018 ông và phu nhân là Nhà giáo Hạnh Tuyền, là cô giáo của nhiều thế hệ học trò Trung học ở Pleiku trước 1975. Về TP Kontum lần đó còn có vợ chồng anh Nguyễn Sơn-Đinh Liên, có cả Huỳnh Quang Vũ, là những người em nhà thơ Du tử Lê rất quý mến. Cuộc gặp gỡ chân tình, thân thiết tại phòng tranh của tôi (khi đó còn hoạt động ở Kontum) luôn là một kỷ niệm đẹp trong đời.
Nghĩ và nhớ về hai lần hội ngộ với nhà thơ Du tử Lê bỗng dưng chạnh lòng khôn tả. Vì đâu và vì sao?
Vì lần thứ nhất ở Pleiku có tôi cùng Khanh vẽ từ Kontum về. Đêm đó còn có Bùi Ngọc Thành nữa. Đến hôm nay, ngồi viết những mông lung này, Khanh vẽ, Bùi Ngọc Thành, anh Nguyễn Sơn và nhà thơ Du tử Lê, người trước, người sau đã bỏ đời sống này bay về miền cổ tích.
Còn riêng tôi… bao giờ để bao giờ?
Chạnh nghĩ… cuộc sống cho dù thế nào đi nữa,dòng đời vẫn trôi, trôi về phía trước theo một dòng chảy vô hình vô hạn. Chỉ con người là có dấu chấm hết cho cuộc hữu hạn mà thôi.
…
Một ngày rồi sẽ qua. Một tháng rồi sẽ qua. Một năm rồi sẽ qua. Nhiều năm, nhiều năm nữa sẽ qua.
Khi đó… như Trịnh công Sơn đã nói “Những người đến không vì mong.Những người chết không vì quên”.Vậy tại sao khi còn bên nhau cứ phải ganh ghét,tỵ hiềm?Tại sao không xích lại gần nhau hơn bởi “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”
…
Một ngày đầy nắng. Một ngày ngập gió. Một ngày của bao ngày trong cái Mất Còn muôn thuở luôn khuấy động lòng mình khi có điều gì đó gợi tưởng?
Hôm nay… một ngày như thế!
Hoài niệm đầy ắp trong tôi.
LÊ HÁT SƠN
07.10.2022
*Phụng Hiến, tên một bài thơ của Bùi Giáng và những câu được trích từ bài này.
Hồn tử sĩ chập chờn bay theo lửa Nơi quê nhà, Mẹ nghe tiếng sáo con không? (thơ Hạ Quốc Huy)
1.
Từ buổi đường trường cung kiếm gãy Muốn quên đi dĩ vãng rất phiêu bồng Lòng muốn thôi từ nay không nhớ nữa Chuyện sông hồ binh lửa đã xa xưa
2.
Từ buổi lạy Mẹ lên đường sông núi gọi Khoác chiến bào, xa nghiên bút thư sinh Có dặm trăng soi đêm rừng tay súng Có Mẹ nguyện cầu theo ánh trăng soi
3.
Từ buổi tử sinh treo đầu súng Trải đời xanh lưu máu giữ quê hương Tổ quốc xua quân. Tráng sĩ lên đường Sống. Giữ nước. Chết. Xương tàn dâng đất mẹ
4.
Từng thước đất sa trường thơm yên ngựa Những anh hùng vị quốc đã thân vong Hồn tử sĩ chập chờn bay theo lửa Nơi quê nhà, Mẹ nghe tiếng sáo con không?
5.
Rồi buổi đường cùng thân chiến bại Mẹ bên rừng, lau nước mắt mấy mùa qua Theo dấu chân lưu đày con vượn hú Mẹ gởi cho con khô héo giọt lệ già
6.
Từ buổi oan khiên tràn mạn ngược Gió của rừng thăm thẳm rít thâm u Thân lao ải thằng con lưu biệt xứ Vẫn Mẹ già còm cõi bới thăm nuôi
Con nhỏ bé đi làm sông làm núi Làm tù binh. Khiêng gánh nợ oán cừu Mẹ ẵm con ngày tay son hương sắc Nay Mẹ già, bạc trắng mái liêu xiêu
7.
Trên dốc đá người tù binh kiệt sức Qụy xó rừng. Nhớ vợ dại con thơ Núi chướng. Sương lam. Oán khí. Sao mờ Tiếng sáo trúc cõng câu thơ thành trang máu
8.
Ai hồi tưởng những ngày chinh chiến cũ Thuở ngang tàng thúc ngựa, bắt tên bay Tàn y xưa sụp xuống. Phủ mặt. Che mày Lòng tủi nhục. Oằn vai thân chiến bại
9.
Từ buổi khôn nguôi ngày bi đát Chiến địa năm nao gió cát bạt ngàn Khói ấm có cao miền đất lửa? Hay còn thương tiếc thuở mây tan?
10.
Chiến tích năm xưa những trận đánh kinh hoàng Vì Mẹ. Vì em. Vì đời. Xông lên vì tổ quốc Hoa lá. Thành đô. Dòng sông. Con nước Dõi từng ngày. Vọng ánh mắt trông theo Trong lao lung. Ai không xót quê nghèo ? Trong xiềng xích. Sao quên thời ngang dọc ?
11.
Từ buổi thẫn thờ lòng tan nát… Thương con đò tách bến, rẽ sông xưa Lòng muốn thôi từ nay không nhớ nữa Thì trách chi. Trăng lỗi hẹn. Em lỗi thề
12.
Từ buổi khôn nguôi đời kiếm bại Gấp chiến bào chôn sử tích hoang vu Ngọn gió có qua vùng hỏa tuyến Xin cúi đầu. Mặc niệm hận thiên thu
13.
Rồi buổi ngỡ ngàng qua ký ức Con đò về hiu hắt bếp sầu đông Cố nhân gởi tặng lòng nuối tiếc Thì đã muộn màng. Tình cũng hư không
14.
Ai mơ súng hú lòng như xé Lửa đạn năm xưa vẫn nồng nàn Có phải vì đời cung kiếm gãy Mà lòng cô quạnh với nhân gian? Hay bởi cái mùa tan tác đó Hóa thành mạt lộ giữa giang san!
15.
Đâu đây ngựa hí trong thiên hạ Cho gởi tang bồng hồ thỉ bay Hồ dễ quãng đời chinh chiến cũ Đong mãi không đầy bát rượu cay
16.
Rồi buổi mây rừng đơm tóc bạc Nàng xõa tóc huyền nghe chuyện biển dâu Dung nhan ơi hỡi xin dừng lại Một sợi tơ trời. Cũng nặng hồn đau
17.
Ai hẹn tơ duyên mùa thương tích Nợ ân tình, hương phấn trễ tràng nhau Nếu rủi mai sau không hội ngộ Xin đến giang đầu. Nguyệt thẹn đợi ngàn sau
18.
Con nói mai sau về nuôi Mẹ . Lau lách cơm chiều, khói rạ rơm quê Con nói mai sau con ngồi kể Khách tang bồng. Chuyện tráng sĩ ngày xưa Con nói mai sau về nuôi Mẹ Bên bếp hồng. Khóc kể lại đời con
19.
Rồi buổi Mẹ già không còn nữa Con còn xuôi ngược chốn mây xa Gió ơi thổi hết về thiên cổ Ngàn lạy muôn trùng. Ngàn lệ sa
20.
Từ buổi Mẹ già ra cát bụi Hồn đến bên rừng ngong ngóng con… Hồn ở lại rừng đợi bóng con…
HẠ QUỐC HUY 12.2016 California, USA (trích Mê Khúc Trên Mạt Lộ)
“Không có gì vĩnh cữu trong thế giới nầy. Kể cả những điều sầu muộn của chúng ta” Charlie Chaplin
Trên đường xuống núi Thiếu Thất, trong người mất hết võ công, thanh danh tàn tạ, Lệnh Hồ Xung biết rằng mỗi bước đi là đưa mình tới cõi chết. Các bên Hắc, Bạch , Chính, Tà, đều coi Lệnh Hồ Xung là kẻ tử thù. Y đứng giữa lưng chừng núi, nốc hết bầu rượu, lòng dâng lên bao niềm cảm khái: Ở đời có chi là quan trọng? đến cái chết cũng chẳng có gì là quan trọng. Ta là Lệnh Hồ Xung đây!
Trước khi rời chùa Thiếu Lâm tự, Lệnh Hồ Xung đến gặp Phương Chứng Đại sư Phương Trượng chùa Thiếu Lâm để tạ ơn đã hao phí nội lực dùng Dịch Cân Kinh là phương pháp bí truyền của bổn tự để chữa bệnh cho mình. Phương Chứng Đại sư nhìn Lệnh Hồ Xung : – Thiếu hiệp nhất định rời tệ thất xuống núi hay chăng? – Xin Đại sư nhận một lễ này. Tại hạ mong một ngày sẽ đền đáp được công ơn to lớn mà Đại sư đã dành cho. Phương Chứng nhìn Lệnh Hồ Xung, lắc đầu : – Nói làm chi đến chuyện ân cao đức cả, thù sâu hận lớn. Ân đức là cơ duyên còn cừu hận không nên để vào lòng. Mọi viêc trong trần tục đều như khói tỏa mây bay. Sau cuộc trăm năm còn đâu ân đức cừu thù.
Vừa xuống khỏi núi Thiếu thất, khi chứng kiến cảnh một lão phu to lớn, râu tóc xồm xoàm ngồi uống rượu một mình trong ngôi đình đổ nát mà chung quanh hàng ngàn người của các môn phái võ lâm siết chặt vòng vây trùng trùng điệp điêp hò hét vang trời đòi lấy mạng lão ta, Lệnh Hồ Xung nổi lên lòng cảm phục bèn dùng khinh công nhảy vào trong ngôi đình xin rượu uống rồi cùng chết với lão ta. Với một tâm hồn phóng khoáng Lệnh Hồ Xung đã thi triển Độc Cô cửu kiếm cùng với vị anh hùng kia tử chiến thoát khỏi vòng vây của các bang phái rồi kết nghĩa kim bằng dù không hề biết người đàn ông đó là ai… Mãi đến sau này Lệnh Hồ Xung mới biết lão anh hùng đó là Hướng Vấn Thiên, một Trưởng Lão của Triêu Dương thần giáo.
Cũng như Lệnh Hồ Xung- Kiều Phong một trang anh tài kiệt xuất đã dùng thần công vô địch ngăn cho hai bên Liêu-Tống không tàn sát lẫn nhau và, cuối cùng Kiều Phong đã dùng cái chết của mình để hai bên bãi chiến. Hình ảnh người anh hùng lãng tử Kiều Phong tự đâm vào tim mình tuẫn tiết trong một buổi chiều âm u, tuyết phủ trắng xóa cửa ải Nhạn Môn Quan với núi non hiểm trở, nơi chỉ có chim nhạn mới bay qua được cửa ải. Nhà thơ Quang Dũng đã cảm thán tâm trạng của nàng Chiêu quân khi qua Nhạn Môn Quan để về đất Hồ trong một buổi chiều ảm đạm : “...Đây Nhạn Môn Quan đường ải vắng. Trường thành xa lắm Hán Vương ơi!…‘
Từ hình ảnh bi hùng đó Nguyễn Bắc Sơn đã dùng ngòi bút của mình để nói lên niềm tiếc thương khôn cùng một tài năng xuất chúng có một không hai trong võ lâm:
Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015) quê Phan Thiết, Bình Thuận. Trước năm 1975 ông bị động viên đi lính trong quân đội VNCH. Ông là thi sĩ nổi tiếng với một tâm hồn lãng tử và khoáng đạt :
“…Có khi nghĩ trời sinh mỗi mình ta là đủ. Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời. Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn. Để quàng vai ấm áp cuộc rong chơi…”
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ông có một cái nhìn khác hẳn với cái nhìn của mọi người, cái nhìn của ông nhẹ nhàng như bỡn cợt:
“…Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội. Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng Đoàn quân đi như những bóng cọp vằn. Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt. Bốn chuyền di hành một ngày mệt ngất. Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi… Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo. Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo. Xem cuộc chiến như tai trời ách nước. Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước. Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi…”
Mặc dầu biết rằng :
“…Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi…”
Nhưng với trò chơi “bom đạn” đâu có biết chuyện gì sẽ đến và cuối cùng cái chết dù có đến thì cũng chẳng quan trọng gì:
“ …Mai ta đụng trận ta còn sống. Về ghé sông Mao phá phách chơi…”
Với một tâm hồn khoáng đạt, ông đã xem trần gian này như một nơi ghé lại, dừng chân trong phút chốc nên năm 15 tuổi ông vào nghĩa trang cắt gân và mạch máu nhưng được người ta phát hiện rồi cứu sống và 3 lần nhảy lầu sau đó cũng không thành công.
Tôi tự hỏi không biết thế giới ta bà có điều gì… “không phải” với những người tài hoa như Nguyễn Bắc Sơn hay Nguyễn Tất Nhiên để họ tìm cách “ lánh mặt” cõi trần gian này, nơi có quá nhiều bất trắc, đau thương và sầu muộn!?