Quán Biên Thùy

1.

Đêm Giao Thừa. Trên ngọn đồi 101, mà ai đã đặt cho cái tên là Quán Biên Thùy, cuộc vui vẫn đang tiếp tục. Đám người ngồi vây quanh bếp lửa. Ánh lửa đủ soi những gương mặt chập chờn và đỏ gay vì hơi rượu. Những người lính già thì yên lặng. Những người lính trẻ thì phấn kích hơn bao giờ. Lần này, họ đòi cho được Mỵ hát. Họ la: “Cô Mỵ phải hát cho chúng tôi nghe một bài. Cô Mỵ phải trổ tài.” Một người cầm cốc rượu đứng dậy, nói với người đại đội trưởng: “Đại úy phải nói làm sao để cô Mỵ hát cho chúng tôi nghe, nếu không, Đại úy phải bị phạt uống đền!” Sau đó, anh ta quay sang đám bạn, hỏi: “Phải không anh em? ” Cả bọn đồng đáp: “Phải!”. Rồi tiếng la gào cổ võ cực độ: “Cô Mỵ, hát đi, hát cho chúng tôi nghe đi cô Mỵ!” “Cho tràng pháo tay cổ động cô Mỵ đi anh em!” “Đại úy, 40 cốc đang chờ Đại úy!” Người đại đội trưởng chỉ biết nhìn cô em gái như cầu cứu “Em cứu anh với, Mỵ”.

Mỵ ngần ngại gật đầu. Người đại đội trưởng thở phào như trút cả một gánh nặng. Anh cảnh cáo:
– Chúng ta cùng vui Giao Thừa. Nhưng tôi xin anh em đừng uống nhiều. Anh em hẳn biết đơn vị chúng ta hiện ứng chiến cho sư đoàn. Sau đây tôi xin nhường lại cho cô em tôi…
Đám lính vỗ tay vang dội. Có người la lên:
– Cô Mỵ thương lính rồi, cô Mỵ hát bài lính chiến xa nhà đi cô Mỵ!

Riêng Mỵ, nàng đứng yên. Chưa lúc nào nàng cảm động như lúc này. Nàng đã có mặt tại một nơi mà nàng chỉ được nghe qua báo chí, hay những lời kể lại. Bởi vì Sài Gòn của nàng bình an quá! Bởi vì đời sống của nàng chỉ biết cuối tuần, chiếc áo dài tha thướt trên vỉa hè Lê Lợi, và ly nước mía ở đường Gia Long. Bởi vì mắt của nàng chỉ thấy bầu trời của Sài Gòn trên những phố lầu bình an, và rừng người yên ổn dạo chơi, không bao giờ bận tâm những gì ở xa, như ngọn đồi 101 này.

Rõ ràng, Sài Gòn của nàng chưa thật sự gần gũi cùng chiến tranh. Đêm nàng có thể trở về khuya và ngày vẫn yên tâm trên trang sách vở. Chiến tranh hình như chỉ xảy ra ở một cõi nào đó. Nàng chẳng bao giờ bận tâm thắc mắc. Nàng chẳng bao giờ lo âu về những tin tức từ chiến trường. Dù miền Quảng Trị nóng bỏng với đại lộ kinh hoàng, dù A Sao, A Lưới đã thấy bóng những chiến xa T54. Dù An Lộc, Bình Long, quân ta vẫn anh dũng trước lớp lớp hàng hàng kẻ thù. Dù bao binh đoàn Bắc quân đang tiếp tục theo đường mòn Hồ Chí Minh để tiến về miền Nam. Nàng vẫn chưa biết được sự thật, và cũng vì vậy nàng mới đánh điện tín ra ông anh. Nàng muốn xem cái Quán Biên Thùy mà anh nàng vẫn hằng nhắc ra thể nào. Tờ điện tín đã làm cho anh nàng phải điên đầu: “Em sẽ đón Giao Thừa ở Quán Biên Thùy. Stop. Đón em ở phi trường. Stop. Chuyến bay… Stop.” Anh nàng đã hiểu rõ được cái bướng bỉnh của cô em gái. Lúc nào nó muốn là nó làm. Nó không đợi một câu trả lời… Nó đã thật sự đặt cho anh nó vào một chuyện đã rồi.

Và chuyện đã rồi là cô gái Sài gòn đã đứng ở cửa phi cơ nhìn về khu nhà khách. Nàng mang bộ đồ lính màu hoa rừng, đuôi tóc cột sợi dây thun, đôi kính đen che gần phần trên của gương mặt. Trông nàng vừa có vẻ bướng bỉnh, vừa có vẻ kiêu hãnh. Người đại đội trưởng bảo với người trung đội trưởng: “Con bé cứng đầu bướng bỉnh kia đã đến rồi đấy!” Rồi anh ta cười: “Mày chịu nó không, để tao giới thiệu giùm cho.” Trọng, tên người trung đội trưởng, có vẻ xấu hổ. Dù cõi lòng chàng chợt nổi lên một sự rung động vô cớ. Chàng liên tưởng đến một cánh chim, một hôm nào đậu lại bên khung cửa của đời chàng. Ít ra, có một cánh chim xinh đẹp như thế trong cõi cô liêu này của chàng cũng là một nguồn an ủi lắm rồi. Chàng biết chàng đã bắt gặp một cái gì thân mến nhất mà chàng không thể cắt nghĩa nổi.

Người con gái Sài Gòn đã làm rộn ràng cả nhà đợi. Nàng liến thoắng và nhí nhảnh khác hẳn với đa số cô gái đồng tuổi, thùy mị và đoan trang. Người anh của nàng giới thiệu người đi cùng: “Đây là anh Trọng, Thiếu úy Trọng độc thân.” Anh ta nheo mắt nhìn Trọng. Mỵ đưa tay bắt tay Trọng, rồi nói: “Anh Hai của em có nhắc anh nhiều lần. Hôm nay em mới được gặp.”
– Tôi cũng hân hạnh được đón tiếp một cô gái Sài Gòn.
Trọng trả lời. Đến đây, Mỵ giục anh nàng: “Mau cho em về xem Quán Biên Thùy của anh đi!”
– Không phải của tao đâu, của anh Trọng đấy.
Nàng quay sang Trọng:
– Cắt nghĩa cho em tại sao anh lại đặt là Quán Biên Thùy? Nếu là quán thì phải có cô hàng. Quán anh có cô hàng nào chưa? Cho em biết với.
– Chờ cô Mỵ đấy – Trọng nói.
– Nếu vậy thì quán của anh sẽ bị lỗ nặng. Không tin anh hỏi anh Hai của em đi, có phải em là một tay ăn hàng…
– Chẳng những mày ăn hàng mà mày còn ăn vụng. Tao bắt tại trận nhớ không Mỵ?
– Em ăn vụng ở chỗ nào? Tại em xót thương mấy thức ăn ngon lành không ai làm ơn cứu độ mà thôi. Hứ, anh khó thấy mồ!
– Tao khó ở chỗ nào?
– Thế thì tại sao giờ này anh không có một cô nào? Này nhá, phải có gì cho em rồi em giúp…
Cả bọn cười vui trước câu nói của Mỵ.

Ngày cuối năm, ngày của trở về. Trên gương mặt của mỗi người hôm nay, dù đợi giờ lên phi cơ hay dù bước xuống tàu, đều hiện lên ánh mắt hân hoan và cảm động. Có lẽ lát nữa họ sẽ có mặt tại ngôi nhà cũ, gặp lại những người thân yêu, và sống lại những giờ khắc bé nhỏ như ngày xưa. Họ sẽ sống lại cùng thế giới của lòng mẹ, lòng cha, của ông bà nội ngoại, mà họ đã xa cách vì cuộc sống và vì chiến tranh. Nhưng với một người con gái Sài Gòn này, sự có mặt của nàng còn mang một ý nghĩa khác: Người đại đội trưởng có thể tìm lại qua nàng hình ảnh gia đình cùng cõi thân yêu cũ. Và Trọng, chàng bắt gặp ở nàng một niềm hạnh phúc thầm kín. Ít ra, vẫn còn có con chim Họa Mi tìm đến Quán Gió, hót lên tiếng hót, cho những đời trai miệt mài trong dòng cuồng lưu hung bạo.

Dọc đường, Mỵ nói chuyện huyên thuyên. Nơi này quả thật xa lạ và mới mẻ đối với người con gái Sài Gòn. Nàng hỏi anh nàng về từng tên của dòng sông, chiếc cầu, ngôi làng. Nàng bắt anh nàng phải kể về ngôi nhà thờ đổ nát mà anh nàng đã viết trong thư: “Không biết ông lão kéo chuông còn ở đấy không hở anh? Không biết những con sáo đen có còn trở về mỗi buổi chiều không hở anh? Không biết những xuồng ghe còn đổ về trong ngày phiên chợ không hở anh? Này anh, những cô thôn nữ chắc đẹp lắm, phải không anh?…” Và bởi vì nàng thắc mắc nhiều quá nên Hải, anh nàng, phải dùng Trọng để trả lời thay. “Anh Trọng biết nhiều lắm. Mày nên hỏi anh Trọng thì hơn. Để tao còn thì giờ lái xe”.

Đến khu rừng thưa, chợt Hải rồ máy, Trọng lên đạn cây M16 và chĩa ra bên đường. Chiếc xe Jeep phóng ào trên con lộ vắng, hai bên đường nổi lên những lùm tre, lùm dừa bất trắc… Hành động của hai người đã làm Mỵ run sợ, mặt mày tái mét. Nàng bấu chặt lấy tay Trọng, và im thin thít. Bây giờ nàng mới có thể hiểu về một nơi mà người ta gọi là chiến tranh, một nơi mà nàng chỉ nghe mà không hề thấy. Nàng đã bắt đầu chạm vào cái khối không gian của hiểm nguy và từng thước đất của đe dọa thường trực. Nàng nghe cái ớn lạnh như chiếm lấy cả da thịt đến nỗi nàng phải run lên. Những lùm cây đó, những bờ mương, bờ rạch đó, chúng quá vô tri, vô giác, tại sao chúng lại tỏa ra nỗi đe dọa không rời. Thì ra, nàng nhớ anh Hải vẫn hay nhắc về những con ma rình rập mà ngày ngày anh phải đối diện, có phải là những con ma này không. Bên cạnh, Trọng vẫn hờm súng. Chiếc xe vẫn tiếp tục thả hết tốc độ về phía trước, trên con đường ngập những ổ gà và bụi mù. Và Mỵ đã nép sát vào người Trọng lúc nào nàng cũng không hay.

Khi qua khỏi khu rừng thưa, thấy lại xóm nhà, Trọng mới bỏ súng xuống. Mỵ nói không ra hơi: “Các anh làm em sợ muốn đứng cả tim.” Trọng cười: “Chúng tôi chỉ đề phòng. Cái chỗ rừng thưa này, bọn nó hay về bắn tỉa, hoặc đón xe đò.” Lúc này Mỵ mới nhận ra mình đang cầm tay Trọng và nép sát vào người chàng. Nàng bẽn lẽn đến đỏ mặt. Nàng cắn ngọn tóc đang bay xòa trước mặt, và ngồi im không nói.

2.

… Bây giờ Mỵ đứng dậy. Dưới ánh lửa, nàng có thể nhìn những người lính già, thu mình trong chiếc áo ấm rộng thùng thình. Nàng không thể ngờ họ lại có mặt tại nơi này. Đáng lẽ ở cái tuổi của họ, đêm nay họ phải có mặt bên lũ cháu nội ngoại. Đáng lẽ giờ này họ sẽ mặc lại chiếc áo cổ truyền để thắp những thẻ nhang trước bàn thờ gia tiên. Nàng lại nhìn những người lính trẻ. Có gương mặt của ruộng đồng còn in trên nét phong sương. Có người râu và tóc mọc đầy. Có người mang kính cận thị. Và nàng cũng bắt gặp đôi mắt của Trọng nữa. Từ đôi mắt ấy, có cả một khối buồn, khối thao thức, bâng khuâng, dằn vặt của một người trí thức. Nàng nghe anh nói Trọng có cử nhân văn chương và hơn nữa, cái tên Quán Biên Thùy do chính chàng đặt ra. Chàng đã làm một bài thơ nói về một ngọn đồi nắng lửa, bốn bề là rừng tiếp rừng. Bài thơ được đại đội chuyền nhau đọc, và người đại đội trưởng quá thích, đã cho lính dựng lên tấm bảng đề Quán Biên Thùy ngay ở cổng trại. Phải, anh Trọng ơi, em phải cảm tạ anh vì anh đã làm cho em hiểu được những giọt mồ hôi của các anh, của định mệnh đang đè nặng lên đất nước chúng ta. Em ao ước được mang về những ngọn gió dịu dàng, tình tự đến cùng các anh.

Ánh lửa trước cơn gió đêm làm hình bóng những người ngồi trên sân trở nên chập chờn, có lúc sáng lên, có lúc mất đi vì gió đánh bạt. Và Mỵ ấp úng nói: “Thưa các anh, cám ơn các anh đã dành cho Mỵ nhiều cảm tình. Trong đời Mỵ, Mỵ chưa bao giờ có một đêm hạnh phúc như đêm nay. Mỵ mới hiểu rõ về nỗi hy sinh vô bờ của các anh. Giờ này, Sài Gòn của Mỵ đang làm lễ giao thừa. Nhưng giờ này, các anh đang ngồi đây bỏ quên những giờ phút thiêng liêng nhất…” Nàng nói đến đây, không còn cầm được nước mắt. Có phải nàng hiểu giá trị của một nỗi an bình là kết quả của bao nhiêu nỗi hy sinh quá thầm lặng từ những người đã có mặt, sống và chết vô danh?

Mọi người im lặng. Họ hiểu người con gái Sài Gòn đang quá chừng xúc động. Tiếng củi cháy kêu lách tách. Có bóng người lính cầm súng ở chòi canh. Những tiếng nổ rời rạc đâu đó. Đó là tiếng súng thay tiếng pháo. Và nàng bắt đầu cất lời hát. Nàng đã từng được tiếng là người hát hay nhất của trường. Trong các buổi văn nghệ ở nhà trường, mỗi lần tên nàng được giới thiệu là cả một rừng pháo tay vang động, và không bao giờ đám học trò bạn học lại không bắt nàng hát thêm bài thứ hai, thứ ba. Tuy nhiên, những lần hát như thế, nàng ít khi bắt gặp cái hồn của âm nhạc, cái cảm thông của người hát và người nghe. Nhưng bây giờ, tiếng hát là tiếng lòng đích thực. Tiếng hát cất lên như niềm cảm tạ, như nỗi tri ân, như lời vỗ về an ủi, như cả dòng lệ đẩy đưa cái nôi hoạn nạn gian khổ từ những con người, như u ẩn nỗi lòng của người cô phụ chờ chồng trở lại. Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng… Em ngồi đan áo… Ừ nhỉ, giao thừa sao lại buồn tàn thu. Nàng cũng không biết tại sao nàng lại cất lên nỗi niềm của người cô phụ? Phải rồi, mùa xuân vẫn còn có biết bao người cô phụ vẫn còn ngồi đan áo. Phải rồi, nhắm mắt lại, người con gái Sài Gòn còn thấy được những người ngoài sương gió, bỏ quên cuộc đời, bỏ quên tuổi trẻ, bỏ quên hiện tại, tương lai.

Bài hát đã hết, nhưng âm hưởng vẫn còn lắng lại vào tâm hồn người lính xa nhà, đến nỗi sau đó, là nỗi lặng yên đọng trên từng khối đêm như mặc niệm cùng quá khứ, như hoài niệm lấy dĩ vãng của mỗi người. Rồi trong một thảng thốt, tiếng vỗ tay như pháo nổ đồng loạt vang dậy, và tiếng la, tiếng hét tiếp tục. “Họa mi hát nữa đi, hát cho chúng tôi nghe thêm nữa đi!” Người con gái quay lại nhìn anh nàng. Hải vừa vỗ tay vừa nói với em: “Em hát thật xuất thần. Chưa bao giờ anh nghe em hát hay như thế!” Bỗng một tiếng nói cất lên từ trong một góc tối: “Tôi có đề nghị, chúng ta không thể để cho cô Mỵ hát một mình mãi. Đêm còn dài, chúng ta phải chứng tỏ ở Quán Biên Thùy có nhiều tài năng. Tôi biết có một người hát thật hay, chơi đàn cũng thật giỏi. Thiếu úy Trọng…”

Tiếng vỗ tay lại nổi dậy: “Phải đó. Mời Thiếu úy Trọng. Đừng để Quán Biên Thùy phải mất mặt bầu cua…” Mỵ nhìn Trọng, đôi mắt ngời sáng. Trọng lúng túng nhìn Mỵ rồi lắc đầu. Nhưng chàng không thể ngồi yên như vậy được. Những người ngồi xung quanh đang đòi chàng phải đại diện. Họ giục. Họ khuyến khích. Họ đưa mắt nhìn người trung đội trưởng chờ đợi. “Thôi Thiếu úy đừng xấu hổ nữa. Có em đây. Em đứng đằng sau Thiếu úy đây.” Một người lính trẻ cầm tay Trọng kéo dậy: “Thôi mà ông thầy, bộ ông thầy muốn làm mất mặt Quán Biên Thùy này sao?”

Cuối cùng Trọng phải đứng dậy. Hát cho ai. Hát cho người nào. Con chim từ đâu đã bay lại, đậu trên đồi một đêm. Con chim từ đâu đến đây làm tôi nhớ lại ngôi trường Văn Khoa, con đường Nguyễn Du cây xanh bóng mát. Và gió Bạch Đằng. Và nhà thờ Đức Bà. Và ly chanh đường. Uống môi em ngọt. Đêm càng khuya, sương càng dày, đồi càng lộng gió. Tiếng súng bắt đầu rộn ràng và đồng loạt. Giây phút Giao Thừa. Đợi chờ một phút, cho hoài niệm. Những tia đạn lửa xẹt ngang dọc cắt bóng tối. Ở chòi canh, người lính đã bắn súng mừng giao thừa. Trọng bắt đầu hát. Giọng chàng thật ấm. Từ trong đám đông, Mỵ nhìn người thanh niên. Nàng bỗng nghe thân thể nóng ran khi nhớ lại lần nắm chặt tay Trọng, cùng nép sát vào người Trọng. Có phải đó là dấu hiệu khởi đầu cho một tình yêu hay không?

3.

Đêm còn lại, Mỵ trằn trọc không thể nào chợp mắt. Hay tại vì nàng đang ở tại một nơi xa lạ, cách biệt hẳn cái thế giới quen thuộc của nàng? Không còn căn phòng với ánh đèn mờ nhạt. Không còn chiếc giường nệm và tủ áo dài, cái bàn trang điểm. Hay tại vì nàng đã chạm vào cái thế giới vừa tội nghiệp vừa bi tráng của Quán Biên Thùy? Hay tại vì người thanh niên có đôi mắt quá buồn, nhưng dáng dấp thì kiêu ngạo? Nàng vói tay lấy chiếc áo dạ nhà binh mặc vào người, rồi bước ra cửa hầm. Nàng bước co ro trong bóng tối. Đêm đặc quạnh, chỉ nghe tiếng gió đập vào mái tôn kêu lách cách. Đôi mắt nàng khốn khổ để làm quen với cõi lạ. Dưới đồi, sân bay quân sự và bản doanh của sư đoàn còn thấy những ngọn đèn nhiều nến, mờ nhạt trong sương đêm. Nàng đứng yên lặng. Lạnh. Run rẩy. Bỗng nhiên nàng nghe tiếng nói của người thanh niên. Tiếng nói như thân thiết tự một kiếp nào: “Cô Mỵ, cô chưa ngủ sao? Chắc là nơi này không quen với cô…” Mỵ quay sang nhìn Trọng: “Anh Trọng, em chưa muốn ngủ. Em muốn được hưởng một đêm trọn vẹn tuyệt vời như đêm nay.” Trọng lại hỏi Mỵ:
– Tại sao cô Mỵ lại lặn lội đến Quán Biên Thùy này? Cô Mỵ không sợ nguy hiểm sao?
– Bộ các anh coi chuyện chiến tranh chỉ dành riêng cho các anh hay sao?
– Nhưng nơi đây không thể hợp cho một người con gái Sài Gòn. Cô làm cho anh cô phải lo đến điên khùng khi nhận tấm điện tín của cô.
– Nhưng đêm nay là đêm giao thừa. Chiến tranh cả năm ít ra còn chừa một đêm ngừng bắn. Em nghe nói hai bên hưu chiến.
– Phải. Ít ra đêm nay người ta bỏ qua thù hận, chém giết.
– Cầu mong 365 đêm là 365 Giao Thừa.
– Cô Mỵ có ý kiến thật ngộ nghĩnh. Nếu thế thì đất nước ta là thiên đàng.
– Và mọi người trên thế giới sẽ nạp đơn xin về Việt Nam.

Mỵ cười thật vui. Lòng Trọng đâm ấm áp lạ lùng. Chàng hỏi Mỵ:
– Đi ngoài đêm, cô Mỵ có lạnh không?
– Em không lạnh. Em có cả chiếc áo dạ nhà binh trên người.
– Cô Mỵ à.
– Dạ, thưa anh.
– Văn Khoa của mình còn thầy T. dạy không?
– Dạ còn.
– Ông là vị thầy tôi kính nể. Nhờ ông mà tôi yêu văn chương. Mỗi lần ông giảng bài hay mỗi lần ông đọc thơ, là mỗi lần tôi phải ngồi chết trân. Ông đã giúp tôi tìm về chữ nghĩa. Một câu mà tôi vẫn nhớ mãi: “Văn chương là hơi thở.” Ngày ấy tôi vẫn còn nghi ngờ, nhưng giờ đây tôi mới biết. Hơi thở hụt hẫng từ những đêm những ngày của chiến tranh. Hơi thở ấy đến cả từng dấu chấm, dấu phết.
– Anh Hải nói như anh đang viết văn làm thơ.
– Phải, tôi dùng nó để mang hơi thở của tôi, của đồng đội tôi và tuổi trẻ của tôi.
– Và cả của em nữa, anh Trọng à!
– Thưa cô…
– Anh đọc cho em nghe một bài thơ của anh đi.
– Vâng, tôi làm nhiều thơ, nhưng không bao giờ thuộc hết. Để tôi rán nhớ xem… Vâng, tôi nhớ ra rồi. Bài Quán Biên Thùy.
Đồi đưa tôi lên tận mặt trời. Tôi lưng chảy dài những giọt mồ hôi. Mồ hôi tôi trộn vào nơi khói lửa. Tôi ở đây, một Quán Biên Thùy. Tôi là một tên tuổi trẻ lông bông. Thị tứ quá xa nên quán phải buồn. Không bàn ghế, không tách cà phê đắng. Tôi thổi khẩu cầm gọi bản gọi buôn…

Chợt một tiếng nổ lớn dội về. Tiếng nổ của trái hỏa châu. Rồi một vùng ánh sáng ngập lòa cả ngọn đồi. Tiếng nổ đã làm người con gái hoảng sợ, ôm chầm lấy người thanh niên. Người thanh niên dịu dàng nâng cằm người con gái lên. Chàng bắt gặp hai đốm sáng từ đôi mắt. Chàng nói trong hơi thở:
– Mỵ đừng sợ. Chỉ là tiếng nổ của trái hỏa châu. Họ mừng giao thừa trễ đấy!
Rồi chàng hôn lên mắt, lên trán của người con gái. Người con gái nhắm mắt lại. Nàng ngước đôi môi chờ đợi. Sau đó, họ hôn nhau cuồng bạo.

4.

Ngày hôm sau, giữa lúc Mỵ sửa soạn hành trang cho cuộc trở về thì đại đội được lệnh phải xuống đồi khẩn cấp. Địch đã chiếm một quận lỵ bên đèo vào sáng sớm mồng một và viên quận trưởng bị giết. Tiếng còi, tiếng kẻng tập họp khua liên hồi. Những người lính từ trong các dãy nhà tôn đổ ra, cùng với ba-lô, súng đạn nặng nề. Lúc này, Mỵ có thể thấy tận mắt thế nào là trận chiến, là binh lửa. Mọi người vẫn bình thản dưới ánh nắng đầu xuân. Mỵ nhìn Trọng. Người thanh niên đang đứng trước hàng quân. Người thượng sĩ già trung đội phó đang kiểm soát đạn dược súng ống. Con chó vàng vẫn tiếp tục vẫy đuôi cùng người này sang người khác. Những chiếc mũ rừng che những gương mặt rạm nắng. Những quả lựu đạn, hỏa tiễn M72 treo lủng lẳng trước ngực. Mỵ nhìn họ. Người ta đã từng kết án họ. Hãm hiếp. Mổ mật. Cắt xẻo lỗ tai. Nhưng Mỵ đã không bắt gặp một dáng dấp gì của đoàn quân đánh thuê, đánh mướn. Họ, những người rất bình thường, nông dân mộc mạc, hay những người lính già sạm đen, lưng trĩu nặng bởi cấp số đạn phụ trội, hay những người lính trẻ, đôi mắt sáng yêu đời nhưng chịu đựng và tuân phục trong hàng ngũ. Họ đang đứng nghiêm trước con mắt diều hâu của viên thượng sĩ thường vụ. Sau đó ông thượng sĩ thường vụ báo cáo với ông trung úy đại đội phó. Ông trung úy lại hô nghiêm, báo cáo với đại đội trưởng. Mỵ đã đặt thẳng câu hỏi cho Trọng, và Trọng nói:
– Trong một tập thể cả trăm người đôi khi cũng có một vài cá nhân làm xấu, dĩ nhiên. Mỵ hẳn biết, thú tính đôi khi phải cần để giải quyết chiến trường. Thú tính làm cho người lính không còn run sợ, khiến họ trở nên cọp beo sư tử. Có người nốc cả cốc rượu đế trước giờ lâm trận. Có người bị ám ảnh bởi khẩu súng phòng không của địch để được lên cấp. Có người bị ít tiền bạc trên xác chết…Có người vì hận thù địch đã tàn sát gia đình họ. Mới đây, có tên hành quân vào làng, lén dùng vũ lực hãm hiếp một cô thôn nữ. Chuyện đổ bể, cả làng biểu tình. Nó quì lạy khóc lóc. Nhưng cuối cùng, bọn anh cũng giải quyết. Anh Hải cử phái đoàn gồm có những người lính già như Trung sĩ nhất Kho, Thượng sĩ Tỏ, Trung sĩ nhất Mười và đám sĩ quan của đại đội đến làng mang cau mang trầu, trước hết là xin lỗi gia đình nạn nhân, sau xin làm đám cưới đàng hoàng. Bây giờ hai đứa đã trở thành vợ chồng.

… Bây giờ mấy chiếc xe GMC đã lên đỉnh đồi. Con chó vàng vừa cúp đuôi, vừa sủa inh ỏi. Trọng bước đến bên Mỵ: “Em trở về bình an. Cho anh gởi lời thăm Sài Gòn, thăm Văn Khoa, thăm chiều Chủ Nhật.” Mỵ nhìn đăm đăm người thanh niên, như muốn uống trọn vẹn hình ảnh của chàng trong buổi chia tay. Dáng Trọng gầy, chiếc mũ rừng chụp xuống, mái tóc dài, những ngón tay khẳng khiu. Chiếc quần trận màu xanh đã bạc, thấy có chỗ tươm rách. Mỵ thương chàng đến độ muốn ôm chầm chàng, để khóc òa như con nít. Mỵ muốn kể tất cả những gì mà con tim nàng đang trỗi dậy, đợi chờ một giây một phút cho cả cuộc đời con gái của nàng. Tuy nhiên nàng vẫn đứng chết trân, đôi mắt ướt nhòa, tóc mai phơ phất. Sau đó, không hiểu sao, nàng lại tháo chiếc trâm cài trên mái tóc của nàng rồi trao cho Trọng: “Anh Trọng, quà của em đây. Cầu xin cho anh được bình yên…” Rồi đoàn xe rồ máy xuống đồi. Bụi đã tung mù cả sân đại đội. Mỵ đứng yên nhìn theo.

Ngày mồng một đầu năm, trời thật xanh và trong. Những con chim én từ đâu bay lại, tiếp tục lượn vờn, nô giỡn trên giao thông hào. Người trung sĩ hậu cứ đã đến bên Mỵ: “Cô Mỵ, thôi mình xuống đồi thì vừa. Giờ này có chuyến xe đò chạy thẳng về tỉnh, không dừng lại dọc đường”. Nhưng Mỵ vẫn đứng yên. Nàng ao ước được làm cánh chim én trong bầu trời nắng vàng để bay theo đoàn xe, bay theo đoàn người, để mang tin lành, tin dữ về họ. Và nếu em có… Đến đây, tự nhiên nàng rùng mình. Cho nàng hay cho Trọng? Tại sao nàng lại nghĩ đến một điều ảm đạm trong buổi sáng mồng một này…”Và nếu em có mệnh hệ gì, em cũng xin được làm cánh chim…”. Nàng lắc đầu, cầm chiếc xắc tay, nhưng hai chân muốn chôn chặt. Có tiếng nói vô hình ở đâu đó như thúc hối nàng: Đừng đi. Đừng đi. Nhưng nàng vẫn bước lên xe Jeep. Ngồi trên băng mà mồ hôi thấm cả trán, cùng một con tim đang đập thình thịch. Hay nàng có một cái linh tính không may. Cho Trọng hay cho nàng? Có lẽ là cho Trọng, vì chàng là người trong cuộc. Chàng đang đối diện với tử sinh. Mỵ cứ nhắm mắt, van vái: “Anh Trọng ơi, cầu mong cho anh được bình an. Em lo sợ quá đi, anh Trọng ơi…”.

Chiếc xe đò vào ngày đầu năm như một cõi rộn ràng và thân mật. Hôm nay, mọi người dường như thân thiết gần gũi hơn mọi ngày. Những người con gái trong những chiếc áo mới, gương mặt tươi sáng, nụ cười cũng tươi. Những bà bán buôn có vẻ hiền từ, nhường nhịn, thay vì gắt gỏng do bận rộn trong những ngày thường. Và nhiều người thanh niên. Họ là lính về nhà ăn Tết muộn màng. Mỵ ngồi cùng với họ, nhưng dường như cách biệt hẳn họ, bởi vì Mỵ là một cô gái Sài Gòn xinh đẹp, áo quần thời trang: chiếc quần jean xanh và cái áo pull màu xanh đậm. Nàng lại mang chiếc kính đen che khuất cả phần trên của khuôn mặt. Nàng đã quên những gì đen tối trước đây nàng đã dự cảm. Bây giờ nàng đang chia xẻ cùng một niềm hạnh phúc chung của một ngày thiêng liêng nhất của dân tộc. Bỏ lại chiến tranh, chết chóc, thù hận đằng sau, để cùng tiếng cười tiếng nói và nỗi lòng rạo rực cho một cuộc sum họp.

Nắng vàng thắm cả đồng lúa bạt ngàn. Thỉnh thoảng, bên đường hiện lên những em nhỏ, các người đàn ông, đàn bà trong những bộ quần áo mới. Vài ông già mang áo dài khăn đóng lướt qua. Mỵ không thể tìm thấy cái không khí của chiến tranh, cái ve vuốt của bất trắc. Ngay cả những người thanh niên trong xe. Họ ngồi bên cửa, ló đầu ra ngoài, vô tư, bình thản.

Nhưng khi chiếc xe chạy đến khúc rừng thưa, nơi mà Trọng đã lên đạn, chĩa súng ra ngoài, và chiếc xe anh Hải rú ga ào phóng trên mặt lộ, thì một nhóm người trong bộ bà ba đen đã xuất hiện. Mỵ lại nhận ra họ còn mang cả súng. Bây giờ cả xe nhốn nháo. Gương mặt những người thanh niên tái mét. Nhưng họ đã bất lực. Họ đã bị sa vào cái bẫy vào ngày mà họ nghĩ là ngưng bắn, hưu chiến hay ít ra, thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam. Mỵ cũng vậy. Tim nàng như ngừng đập. Nàng nghẹt thở theo chiếc xe đò đang từ từ chậm lại, rồi ngừng hẳn.

Cuối cùng, cả một đoàn người được dẫn vào sâu trong bìa rừng, dưới hàng dừa bạt ngàn. Và người ta điều tra xem ai là lính quốc gia, bằng cách nhìn từng bàn chân một. Lính quốc gia dĩ nhiên là mang giày saut, bàn chân trắng không khô nứt. Có bốn người thanh niên được bắt trói ra một bên. Một người trong đám Việt Cộng, có lẽ là kẻ chỉ huy, đã đến trước Mỵ, nhìn chăm chăm nàng, rồi quát lên, giọng Bắc:
– Con này trước Cách Mạng mà còn mang kính đen của tư bản đế quốc đĩ điếm phản động!
Mỵ giật mình co rúm lại. Thì ra, vì sợ quá, nàng đã quên tháo chiếc kính che nắng của nàng.

Đó là dấu hiệu khởi đầu cho một điều dự cảm. Mỵ ngồi một bên, và chỉ mỗi một mình Mỵ là con gái, cùng với bốn người thanh niên đang bị trói, ngồi dưới gốc dừa. Rồi bài học tuyên truyền, rồi răn đe được tiếp tục nói lên từ một người bên kia. Rồi bốn người bị buộc tội là lính đánh thuê, đánh mướn, tàn sát nhân dân, bị bắn trực xạ bằng những phát súng lục trên đầu. Và sau đó, đến phiên Mỵ. Họ dẫn Mỵ vào khu nhà gạch đổ nát. Tay chỉ huy nói với người thuộc cấp: “Đồng chí ở ngoài canh chừng. Tôi phải làm việc với con bé này. Nó chắc là tay sai gián điệp Sài Gòn không chừng.” Người lính gật đầu: “Tuân lệnh anh Ba!” Sau đó hắn bước ra ngoài, đứng gác dưới cây bông sứ.

5.

Trong khi đó, đoàn xe 6 chiếc chở đại đội thám kích đã lên đèo An Khê. Xe trung đội Trọng chạy đầu tiên. Trọng như một người còn say men hạnh phúc. Hạnh phúc hay là định mệnh? Cánh chim từ đâu bay lại, hót bên thềm đời chàng, để lại những dấu chân hồng êm ái. Trong muôn ngàn cánh chim của mùa xuân bay lượn trên đồi, chàng đã tìm thấy một con chim yêu dấu. Đôi mắt sáng lung linh. Bờ ngực phập phồng sau làn vải lụa. Và hai bờ môi cắn bầm bằng nỗi cuồng nhiệt của tuổi trẻ.

Mùa xuân đã về đúng hẹn, và em là mùa xuân, mùa hạnh phúc, mùa ngọt lịm ân điển của địa đàng. Em đã mang tin lành, bình an, đến giữa cõi hoạn nạn. Em ở trên bầu trời xanh sẫm, đúng lúc, đúng hẹn, vô tư, đùa nghịch, vút lên cao, sà xuống thấp. Em, cánh chim mang mùa xuân về trời đất, núi rừng, dù không gian vẫn đầy những đe dọa gầm gừ. Ô kìa, một đàn chim én đang bay rợp trên đèo xám và rừng xanh. Trọng xúc động. Con họa mi của anh giờ này chắc trên chiếc xe đò xuôi về thành phố. Nhưng kia kìa, chàng muốn đứng thở khi nhận ra cả một đám chim mùa xuân, khi không sà xuống đoàn xe. Cứ hết con này, tiếp đến con khác. Chúng phóng xuống đường dễ chừng chúng đang làm một cuộc tự sát tập thể. Rồi trong một khắc giây nào đó, chàng nghe một tiếng rú như xé dội cả trùng trùng điệp điệp núi đèo, đẩy bật cả mấy tầng trời, gốc cây đại thụ, bạt cả bờ vách đá, sau đó là lời van lơn dồn dập: “Anh Trọng. Anh Trọng. Ngừng xe lại. Hãy ngừng xe lại. Anh Trọng ơi!…Nghe em đi, anh Trọng ơi!…”.

Trọng bủn rủn châu thân, nắm tay người tài xế, hối hả nói: “Anh ngừng xe nhanh lên!” Xe thắng giữa đèo. Đại bàng gọi máy hỏi sự tình. Trọng kể trong hơi thở về cái dự cảm của chàng. Đại bàng nói cũng nghe tiếng la rú. Rồi Đại bàng ra lệnh đại đội nhảy xuống xe, bố trí hai bên đường. Sau đó, một đoàn xe chở đạn pháo binh của Đồng Minh qua mặt. Chỉ trong mười phút ngắn ngủi, là sấm động ầm ầm của những quả mìn và tiếng súng lớn, sau đó là cả một khối lửa vĩ đại bừng dậy. Còn Trọng, chàng lom khom bò về hướng Đại bàng, nói không ra hơi: “Đại úy ơi, tôi có linh cảm Mỵ… Đại úy nói giùm tôi một câu. Một câu thôi để tôi yên lòng. Đại úy có nghe tiếng rú không?” Viên đại úy, dù đang bấn loạn, cũng cố an ủi Trọng: “Trọng, tin tao. Mỵ nó không hề gì đâu. Về lại trung đội mày đi. Chuẩn bị bọc hậu. Chừng năm phút nữa có trực thăng bay đến yểm trợ. “

Trần Hoài Thư
Thư Quán Bản Thảo Số 79 Tháng 4.2018
Chủ đề: Trần Hoài Thư Vẫn Còn Mãi Đam Mê

Người Cha

Bên trời. Ai đã gọi bên trời, lời thất thanh, đêm bật rách ròng ròng lệ đỏ. Ai đã gọi bên trời, ngựa đã nản chân bon, hí lên tiếng hí cuối cùng, và mây ngũ võng đưa ngựa già về miền tịch lặng. Bên trời, thời đại này, người có thể thấy mặt nhau từ xa vạn dậm, địa cầu gần gũi vô cùng, thư từ đến với nhau trong tích tắc, nhưng cũng có tín hiệu đến quá chậm quá tức tửi, quá đau. Tuần qua. Lúc con ở bên này ung dung lái xe trên xa lộ, ngày 8 tiếng trong hãng miệt mài, đêm ngủ yên lành trên nệm dày, trong chăn dạ, thì bên kia Ba lại bỏ đi Ba nhắm mắt. Ba không còn đợi thằng con, đứa cháu trở về. Và chấm hết.

Bên trời. Buổi sáng đến sở. Ngồi yên. Ba ơi, chưa bao giờ con lại cảm thấy cô đơn như bây giờ. Muốn bỏ mà đi. Muốn thèm một lần mếu máo. Muốn gọi một tiếng ba từ lâu chưa một lần được gọi Đi đâu bây giờ để khỏi đập đầu, khỏi đau quặn lồng ngực, để khỏi cắn miệng, cắn môi, mà nuốt dòng lệ mặn. Thì ra, bây giờ con mới hiểu thế nào là một nỗi mất mát của một đời ngườị Cái mất mát sẽ chẳng bao giờ được đền bù hay có thể được tìm trở lạị Dù là một hạt bụi đi nữa. Dù là một sợi tóc đi nữạ Cái mất mát mà ai cũng có một lần chấp nhận. Nhưng mà thưa ba, chiến tranh giờ đã tàn lụi, đâu còn nỗi mất mát nào như những nỗi mất mát như ngày xưa. Người chết giờ đây, dù sao cũng còn được an ủi. Có nghĩa là, trước khi nhắm mắt vẫn còn nhìn lại một lần những người thân yêu. Trừ ba. Thưa ba, bài này, con viết cho ba.

Trang giấy này con khóc cho ba. Một hai ngày, hay trăm ngàn ngày, con sẽ nói với ba, thầm thì với ba, kể lể với ba. Cái đau này con xin giữ lấy, cho riêng con. Không ai trong nhóm biết cái mất mát này. Con sẽ dấu, như chẳng bao giờ xin cái ngày phép tang chế thường lệ. Bởi vì, với con, ba không chết. Ba sống mãi. Ở mãi trong đời con.

Từ Quảng Bình, mồ mả ông bà ba bỏ lại. Bỏ lại, như lần đầu theo con tàu sắt ra khơi xuôi về Nam. Ba đã lựa chọn đời sống và tương lai cho con cháu. Nhưng vào ngày ấy, ba vẫn còn có một chỗ để mà đến. Dù những ngày đầu tiên lam lũ. Dù chiếc áo lương đen của ba càng lúc càng mờ phai giữa một thành nội đóng cửa Dù nghề thầy thuốc của ba càng lúc càng khó khăn tội tình giữa một thế giới Tây y. Ba đã chọn lựạ Đau đớn mà chọn lựa. Bỏ Quảng Bình, bỏ Đồng Hới, bỏ mồ mả ông bà, ba lạy ba lạỵ Bỏ cơ nghiệp, nhưng cơ nghiệp có gì ở cõi này, trừ tiếng gọi thầm lặng của một kiếp đời: Tự do yêu và ghét. Ngày ấy con còn quá nhỏ để hiểu tại sao người ta dám bỏ cả một phần đời quí báu nhất của con ngườị Tại sao người ta lại dám chấp nhận đến một nơi vô định, chấp nhận một phần đất lạ lẫm của miền xa. Tại sao người ta lại dám phủi tay, bỏ sạch của cải mồ hôi nước mắt, công lao mà mình đã cố tạo dựng, và cả một nơi chốn yêu dấu nhất của một con người gọi quê hương. Đêm nay, mấy mươi năm trở lại một thời gian, một không gian cũ, để lại càng hiểu hơn về nỗi đau bầm của một người bỏ quê nhà. Ba chưa một ngày dính líu với bộ máy. Ba cũng chưa một ngày tung hô đả đảo. Ba đứng bên lề: giản dị như chiếc áo lương đen ba mặc suốt năm suốt tháng. Cao quí như nghề thầy thuốc mà ba đã giúp đời, giúp bà con, lâng láng. Và khổ hạnh như một nhà tu. Và ung dung như một vị đồ nho. Và cô độc như người còn lại cuối cùng của một thế giới. Như vậy tại sao ba lại mang thân gà trống tục tục bầy con xuống con tàu hả mồm. Thì ra, ba đã tiên tri được sự thật. Một sự thật mà ngay cả thế hệ của con sau này cũng chẳng bao giờ biết nổi. Và chao ơi, đến khi biết được thì đã quá muộn màng.

Những ngày đầu tiên ở Huế, thì quá lam lũ. Huế có những ngày mưa dầm, có những buổi trời lạnh căm căm, và gió thì cắt bầm da thịt. Và ba đã đứng ở giữa Huế, đi ở giữa Huế, chống đỡ cùng đời sống ở Huế. Vẫn chiếc áo lương đen bạc màu. Vẫn chiếc áo tơi nylon màu sậm rêu đã rách. Và vẫn chiếc dù đen. Ba đã không những chống cự cùng cơm áo mà còn chống cự cùng cái nền văn minh đang mỗi ngày một lấn áp xã hội. Nhưng nếu cơm áo đã làm ba lao đao lận đận, thì cái nền văn minh kia đã làm ba cô độc hàng vạn lần. Ở đâu người ta cũng quay mặt. Ở đâu, khói bụi, và sản phẩm của những luồng gió từ phương Tây vẫn cuốn lốc, vẫn vần vũ. Ba đã đi tìm lại những người thân chủ cũ. Mong đợi họ để ba bấm tay xem lại kinh mạch, để ba kê toa thuốc, và cuối cùng là ít tiền công. Ba cũng đã đi qua những phòng mạch bác sĩ chen chúc người. Ba nhìn người ta đang bị đầu độc bởi khói xe, dầu mỡ, nước đá, trụ sinh. Và càng đau hơn nữa, ba phải nhìn những trang giấy kinh điển, những giòng chữ hiền nhân, những suy nghĩ vạn đại từ từ bay cuốn hay vùi dập dưới bước chân người không thương tiếc. Khi ấy ba chỉ biết cúi đầu, lưng khom xuống, và lượm và nhặt. Khi ấy ba buồn bã nhìn về phía Đại Nội, trường Quốc Tử Giám, nơi mà ngày xưa ba đã từng học những giòng chữ của thánh hiền. Huế vào những ngày đầu tiên, mây thì màu chì, và sũng nước. Những con quạ đen in bóng trên thành quách cũ, từ Thượng Tứ qua Đông Ba Huế vào những ngày đầu tiên, đêm thấp thoáng những ngọn đèn lu mờ giữa dòng sông Hương, và tiếng hò Nam Ai thỉnh thoảng cất lên ủ dột. Huế, học trò Đồng Khánh, Quốc Học, bãi học qua cầu như cả một đàn bướm. Huế có đài phát thanh bên cầu, còn nghe âm vang tiếng đôi song ca Ngọc Cẩm và Nguyễn hữu Thiết. Huế có tiếng rao hàng rong não nuột trong bóng tối âm u từ đường Trương Định về Hàng Đoát. Và Huế có một mình ba, đứng lại, còn lại một mình.

Nhưng ba không bao giờ chịu làm kẻ thua cuộc. Ba vẫn mặc chiếc áo lương đen, mang chiếc dù đen, chiếc áo tơi màu rêu sậm, và đi bộ, đi mãi, đi miết. Từ Morin về Đập Đá. Từ Morin lên Phủ Cam. Từ Morin qua cầu Trường Tiền, qua Đông Ba, Thượng Tứ, vào Hồ Tịnh Tâm, ngược lên Bến Ngự. Dáng ba nhỏ, gầy. Hai chân ba khẳng khiu, vai hơi khom xuống. Đôi khi một chiếc xe phóng qua vũng nước, và cả người ba bị nước bắn tung tóe. Đôi khi những con chó hung dữ sẵn sàng nhảy bổ vào người ba, nếu không nhờ cây dù bên người, chắc ba sẽ phải bỏ cuộc. Rồi ba trở về cùng con. Mái nhà tôn nào bên đường Trương Định, nền nhà đất thịt, chiếc giường tre nương tựa cơ hàn. Những đêm mùa đông năm ấy, Huế trở trời, lạnh căm căm da thịt. Vì lạ lẫm, và vì hơi lạnh buốt bốc lên từ nền đất, thấm qua tấm chiếu, qua cả chiếc mền dạ nhà binh, khiến con không thể nào ngủ được. Và ba cũng vậy, nằm bên con, mắt mở. Chúng ta đã không thể tưởng tượng có một ngày chúng ta phải nương thân tại nhà của một người khác, trong khi ở quê nhà, chúng ta có cả ngôi nhà gạch khang trang, có nền xi măng, giường rộng, chiếu hoa. Chúng ta không thể tưởng tượng một ngày ba dẫn con đi tìm quán ăn nghèo nàn bên chợ đông ba, để nghe mệ chủ quán bĩu môi nói trắng trợn: Quán tôi dơ bẩn, ông nên tìm chỗ khác, chỉ vì ba cẩn thận lấy tờ giấy mang trong mình lau đôi đũa, cái chén. Mắt ba đã mở trong đêm, nhìn lên chiếc mùng, hay đang trở về cùng quá khứ. Với ba, con biết, lệ thầm ấy là quá khứ. Và với con, lệ thầm ấy là mền không đủ ấm, là khoảng đêm dày dặc, là gió bên ngoài hú từng cơn, đập vào mái tôn kêu âm ỉ, là cả thân thể co rúm lại trước cái lạnh bốc xuống từ mái tôn, bốc lên từ đất…Phải, với ba, lệ thầm ấy là quá khứ. Con người ba đã nặng trĩu quá khứ. Ngay ở hiện tại này, ba cũng là ngọn đèn của quá khứ. Ngày xưa, mỗi lần ba ngủ không được, ba vẫn trở dậy pha trà và đọc sách thánh hiền, hay ngâm những vần thơ cổ. Bây giờ không ai cho phép ba trở dậy, để ngồi độc ẩm cùng bóng đêm. Người ta đang ngủ. Nếu có thức chăng là những hồn ma từ những thành quách rêu rong.

Chúng thức để mà khóc cho một thời đại. Nhưng dù sao, chúng vẫn là hồn ma. Còn ba, ba lại là con người thật. So với chúng, ai khổ hơn aỉ

Vâng, ai khổ hơn ai. Dù sao những hồn ma kia cũng vẫn còn bầu bạn. Còn ba, một người còn sót lại cuối cùng, quá chừng lẽ loi, và cô độc. Nếu có bạn chăng là con quạ đen trên nhánh cây phượng gầy bên Thành Nội hay tiếng dế khóc than dưới mấy tầng gạch cổ. Từ một xóm nghèo bên Morin, ba lại dẫn con đi nương nhờ tại Đập Đá, rồi qua Bến Ngự, rồi về Phủ Cam, rồi qua Thành Nội… Cơm áo cuối cùng cũng xong. Những bà chủ nhà nghiệt ngã cuối cùng cũng xong. Những dốc lên dốc xuống cuối cùng cũng xong. Những ngày hừng hực nóng và những đêm buốt tận xương tủy cuối cùng cũng xong. Dòng sông Hương vẫn xanh lơ. Đêm Nam Ai, Nam Bình vẫn bềnh bồng trên những chuyến đò côi cút. Người di cư bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống mới. Ông Bá đã trở thành một người thân tín của chế độ, và được giao một nhiệm vụ cao cấp của đảng chính quyền. Anh Trinh được lên Trung sĩ nhất. Bác Cấn được phong trung sĩ nhất hậu cần. Ông Phán lên làm Phó Tỉnh trưởng hành chánh. Bây giờ những người di cư mới tìm lại ba như ngày xưa họ đã tìm đến. Thân chủ của ba đã không còn bao gồm trong thành phố Huế mà đã được bung ra đến Đà Nẵng, Hội An. Người ta cuối cùng đã tìm đến một vị thầy sau bao năm ngoảnh mặt. Và trong lòng chiếc xe hàng Phi Long, Tiến Lực màu vàng da cam ấy, ba vượt đèo Hải Vân, xuống bến xe, và lại đi bộ, đi hoài đi mãi. Áo lương đen, chiếc mũ dạ, chiếc dù đen. Và cái túi áo mỗi lúc mỗi đầy những trang giấy thánh hiền. Phố lầu cao che mái ra bờ lề, bóng ba lẽ loi giữa chợ người. Ngày mưa cũng như ngày nắng. Ngày lạnh căm căm cũng như ngày lửa oi nồng, một mình đông tay nam bắc, bước tới, đi tới. Để làm gì. Hai trăm đồng học phí một tháng cho lớp Đệ Ngũ của trường Việt Hương. Ba trăm đồng học phí cho lớp Đệ Tứ của trường Bán Công, để con tiếp tục đến trường. Và đêm đêm, ba ngồi viết hàng trăm verbe qui tắc hay bất qui tắc, những demander à hay demander pour, thành ngữ, văn phạm trên cuốn sổ tay bìa đỏ. Ba hãnh diện nhắc lại ngày ba cứu dân làng thoát khỏi lần bố ráp của Tây bởi vì ba là người nói và viết được tiếng Pháp. “Ông quan ba đọc xong thơ của ba, bèn kêu ba tới và bắt tay kêu ba là monsieur”. Ba nói về cuốn tự điển Larousse dày cả ngàn trang mà ba thuộc lòng. Người ta thường nói về một người mẹ như một hình ảnh yêu quí nhất, tôn thờ nhất, dịu hiền nhất, nhưng với ba, cho con được ngừng lại một giây, một phút, để cho nước mắt cứ tuôn, để đôi mắt con mờ nhạt, để hiểu rằng con được tự hào có một người cha còn tuyệt vời hơn cả một người mẹ nữa. Có lần con thấy con gà trống dẫn đàn con đi kiếm mồi, con vật sao cô dơn quá. Nó có mồng, cựa, bộ lông sặc sở, uy dũng hiên ngang làm sao, thế mà cứ mỗi lần tìm được mồi, nó lại kêu tục tục, gọi đàn con đến… Cũng như ba. Tục tục hoài. Hết tay này quạt lại đến tay kia quạt trong những đêm mùa hè dưới mái nhà tôn. Chiếc mền đắp lại trên người con, trong đêm giá buốt. Và đôi khi, giữa đêm, con còn nghe tiếng ba nằm mớ. Ú ớ. Một ác mộng cũng nên. Tại sao ba không bao giờ kể cho con nghe về cái ác mộng ấy để con hiểu thế nào là lịch sử, những biến cố của đất nước hay cái thảm kịch của chính ba ? Phải, ba đã dấu con. Ba đã dấu về một người đàn bà mà ba đã cưới về làm vợ, về một người nào mà lẽ ra con còn được gọi cái tiếng mẹ như mọi người. Ba đã dấu, chẳng bao giờ nhắc nhở, hờn giận. Nhưng ba không thể dấu nỗi những tiếng mớ u uẩn trong đêm. Rằng, nỗi buồn câm nín mà ba mang theo trên hai vai gầy guộc của một ông đồ, một người đàn ông, một người cha hẩm hiu đã trở thành tiếng ú ớ buồn thảm.

Cuối cùng, ba vẫn là người để người ta tìm đến, sau khi bệnh tình của họ, và người thân, bác sĩ đã bó tay. Vợ họ hiếm muộn con cái. Con trai họ mộng tinh di tinh trầm trọng. Có người bị mất ngủ kinh niên. Và mỗi lần kê toa thuốc xong, ba không bao giờ quên một câu dặn dò: Nhớ là đừng bao giờ dùng nước đá. Nước đá hàn, uống vào sẽ hại không ít thì nhiều. Ba đã dặn bệnh nhân của ba như vậy là vì lương tâm của vị thầy thuốc hay là vì cái nền văn minh kỹ thuật đang cuốc lốc mọi thứ cổ truyền mà ba tìm cách chối bỏ? Với con, cả hai. Ba vui mừng khi thấy con bệnh mà ba chữa trị đã bình phục, nhưng ba đau khổ không ít khi nhìn cốc nước đá lạnh mà người ta đã mời ba. Ba đã cố giải thích với họ về một nền văn minh chết người, đang tìm cách làm hủy diệt loài người. Tại sao những người xưa sống lâu cả trăm tuổi ? Tại sao người ta mắc bệnh tâm thần ngày càng nhiều ? Thuốc trụ sinh là gì chẳng qua là nấm? Và cả bao nhiêu loại thuốc men khác cũng bắt nguồn từ cây cỏ? Đôi khi gặp một vài người tri kỷ, ba lại nói về cái độc hại và phá sản của một nền văn hóa ngoại lai. Nó làm băng hoại gia đình và xã hội. Ba trách thế hệ trẻ tuổi sa đọa, quên hết cội nguồn, thương mây khóc gió, không còn biết trọng thánh hiền. Nhưng ba không biết, con đang ở trong thế hệ trẻ tuổi mà ba đã kết án. Ba không biết tuổi trẻ của con đang nổi loạn. Tuổi trẻ của con đầy những xâu xé, giành giựt, bị hành hạ bởi ý thức. Qua sách vở con đọc, qua lịch sử mà con đã sống và lớn lên để thừa hưởng, qua xứ Huế mà con đã cô đơn, qua cha mẹ phân ly, qua tình yêu mà con đã vấp phải, qua mấy bức tường thành mà con bị giam hãm. Ý thức đẩy con xa ba, và càng xa, ba càng buồn vì con hơn ai hết. Ba muốn con lập thân, có nghĩa là đậu bằng cấp, có chức vụ để người đời trọng nể. Nhưng con thì lại khác, ngồi trong thư viện, đọc trang sách của Sartre mà lạc loài, mà hư vô, mà nôn mửa. Đời là gì. Chiến tranh ở đâu đó, trên những trang nhật báo mỗi ngày. Con đọc Tội ác và Hình Phạt mà tìm hình bóng con qua người trẻ tuổi. Tại sao ? Đầu óc con muốn nổ bùng. Con lê dép Nhật, để tóc dài, như thách đố cùng Huế, cùng xã hội. Con bỏ lại sách vở, bằng cấp ở phía sau, để coi đời là áng mây trắng. Con đuổi theo áng mây ảo tưởng. Con coi đời là cuộc chơi. Chẳng cần thắc mắc. Khi người ta bắn con, viên đạn phá toạc da thịt con, những mảnh lựu đạn cắm sâu trong thịt con, con vẫn nhìn lên bầu trời, không oán trách, giận hờn hay đổ tộị Rồi ở đâu, trong cõi này, những áng mây sẽ dịu dàng đậu lại, nương nhờ nhau, che chở nhaụ Rồi ở đâu, cũng có ngày người Nam ôm kẻ Bắc, người Bắc ôm kẻ Nam…Nhưng cuối cùng, con đã hiểu Người thật thà không thể sống chung với ma quỉ.

Thôi thì đành ra đi Ở Việt Nam đâu còn gì nữa để mà nói về con người, về tình tự, về mây trắng. Nhưng khi bỏ đi, thì phải bỏ những gì yêu dấu nhất trong đờị Bao nhiêu năm trong nước con cứ hẹn lần hồi một ngày về phép thăm ba, thăm Huế, để nói với ba rằng con vẫn còn bình an, và để nhìn lên lư nhang đầy ngập tro và trăm ngàn que nhang tàn chen chúc, nhưng cuối cùng chỉ là một lời vỗ về hoang tưởng. Cháu nội của ba vẫn chưa được thấy mặt nộị Giấc mơ nào về quê, để ba nhìn cháu nội đã vỡ vụn tan tành. Và giờ đây, con lại xa ba thêm một nửa vòng trái đất. Lại còn phải thêm một lần nếm mùi bỏ xứ ra đị Lại thêm một lần, bóp còi cho tiếng còi lạc vào chốn mịt mùng. Lại thêm một lần, những bánh xe cứ lăn hoài không biết ngày nào trở về cố hương. Ba thì lại xa Nói gì về một lời tiên tri cũ để chợt giật mình. Thì ra tóc con cũng đã nhuốm bạc rồị Tin nhà cuối cùng cũng phải đến như qui luật của vũ trụ nhân sinh. Con đang nhắm mắt đây, bởi vì, con biết Đất Trời Tiên Phật đang bao bọc ba, dìu dẫn ba, và chưa chắc, ba đang có mặt tại chốn nàỵ Con nhắm mắt, giòng lệ nóng tuôn trào, không ai biết, mà chẳng cần ai biết. Bởi vì chỉ có ba biết con và con biết ba là đủ. Con biết có một người can đảm nhất trên đời, đạo hạnh nhất trên đời, và cũng buồn bã nhất trên đờị Tháng ba hay tháng chạp, năm này hay năm khác, đêm xứ Mỹ hay ngày xứ Mỹ, qua thị trấn này hay về thị trấn khác, những con đường hun hút mênh mông rồi cũng cuối cùng về lại một điểm. Cái điểm đó, có ba mái tóc bạc phơ, bộ áo lụa trắng, đôi mắt mù lòa, hun hút trong dòng thiên cổ.

Trần Hoài Thư

trước giờ tiếp viện

Nửa đêm kẻng giục, quân ra trận
Kinh động cả lòng đêm tối bưng
Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy
Không buồn chỉ một chút bâng khuâng

Ðời ta là con số không vô tận
May trên đầu còn chiếc mũ rừng
Mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ
Chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân

Người lính sao anh còn ngái ngủ
Anh có lo gì một chuyến đi
Anh có mang theo lòng thống hận
Hay là cái nghiệp buổi sinh ly

Anh có buồn không, giữa cõi đêm
Mỗi lần xuống núi, về mông mênh
Lên xe, bỏ lại đồi thiên cổ
Bỏ trại gia binh lạnh ánh đèn

Thì đi, lầm lũi đi vô định
Ở cuối trời kia, vẫn cuộc chơi
Hỏi ông thượng sĩ Nùng, xin rượu
Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi …

Trần Hoài Thư

CHẠY

Một buổi trưa mùa hạ
Có một cuộc chạy đua
Một Mỹ một Việt Nam
Khởi hành từ đỉnh núi
Cuộc đua thật hào hứng
Đạn đuổi ở đàng sau
Trước mặt là hố sâu
Xung quanh là chó dữ
Thắng là ra cõi tử
Thua là nằm phơi thây

Cuộc đua vào giờ G
Giờ bắt đầu lọt ổ
Chàng Mỹ là hạ sĩ
Thầy hắn đã tử thương
Nằm sóng soải trên đồi
Bên những người lính Thượng

Chàng Việt trung đội trưởng
Kiêm thêm là nhà thơ
Bút hiệu Trần Hoài Thư
Các chị em đều biết

Hai kẻ cùng chạy riết
Từ đỉnh xuống dưới chân
đồi Bình Định trọc lông
Đá hang hầm tràn ngập
Xuống đồi, bạn không gặp
Chỉ gặp mấy chòi không
Nhưng không dám ngừng chân
Sợ vùng này Việt Cọng

Thế là ta cứ chạy
Dù muốn rả hai chân
Chạy hơn cả marathon
Mâc đầm lày mương rạch
Mặc đồng sâu đồng cạn
Mặc ngực đập thùng thùng
Ta còn chân còn chạy !

Tội cho chàng lính Mỹ
Chỉ nhìn quanh : Vi Xi !
Thấy mặc bà ba đen
Tưởng Vi Xi, chạy tiếp !

Tẩu vi là thượng sách
Ông bà dạy mà hay
Chạy để mà thoát thân
Để không vào tay địch

Để giờ đây được nhận
Hàng chữ đỏ triện son
Thầy thưởng kỳ Final!


Trần Hoài Thư

Đôi mắt La Ronda

Nhà văn Trần Hoài Thư
Lão ngồi khâu di sản
Kim đâm mà không hay (THT)

Ngày cuối cùng trước buổi hội luận “Chiến tranh Vietnam và hậu quả xã hội” tại Đại Học Massachusetts, tôi đã ngõ ý với La Ronda, người nữ đồng nghiệp, dành cho tôi nửa tiếng đồng hồ. Tôi kể đến buổi hội luận mà tôi sắp sửa có mặt và tầm mức quan trọng của cuộc thuyết trình… Về phía những người đến từ trong nước, họ đã có sẵn thông dịch viên. Còn chúng tôi phải tự một mình xoay sở bằng môi miệng mình nhưng ngôn ngữ người. Đây là một danh dự, không phải cho riêng cá nhân tôi, mà cho một tập thể.

La Ronda đồng ý. Cô viết tờ giấy với hàng chữ: “Room in conference, don’t bother” và dán ngoài cửa phòng. Sau đó cô ngồi đối diện, nghiêm trang như một cô giáo. Trên bàn là sổ tay, và cô cầm cây viết chì, sẵn sàng ghi note. Trong kinh nghiệm nghề nghiệp tôi là người đi trước cô, nhưng bây giờ tôi là học trò của cô. Thú thật, tôi đã từng nhiều lần đứng thuyết trình và đã từng trải qua khoá học về kỹ thuật thuyết trình, nhưng chưa bao giờ tôi lại lo âu như lần này. Tôi nhìn chăm vào cô và nghĩ là đang nói trước một cử toạ đông đảo. Tôi đọc chậm và rõ. Cô không nói, chỉ note trên trang giấy. Cuối cùng sau tám phút đọc, tôi ngước nhìn cô. Tôi thấy đôi mắt cô đỏ và long lanh nước mắt. Cô khóc. Cô nói so wonderful. So wonderful… Sau đó, cô đã chỉ tôi vài chỗ cần thiết để nhấn giọng hay ngừng lại. Cô đã làm cho tôi tự tin hơn bao giờ. Dù vậy tôi cũng không thể đo lường được con tim của cô. Có lẽ cô nói để khuyến khích tôi, giúp cho tôi tự tin hơn hoặc vì phép lịch sự giữa những người đồng nghiệp với nhau.

*

Ba giờ rưỡi sáng, tôi lên xe rời thị trấn. Phải mất 5 tiếng đồng hồ lái xe mới lên Boston. Những người trên ấy muốn tôi lên càng sớm càng tốt để gặp nhau chuẩn bị. Trời đầy sương. Đôi mắt ráo khô, thần kinh căng thẳng. Tôi kéo cửa kính xe xuống. Gió sớm mơn man. Chỉ những cột đèn bầu bạn. Chỉ có thành phố ngái ngủ. Chỉ có con đường xa lộ dài hun hút, và những mảng đèn pha mờ nhạt trong sương.

Vâng, thì lên đường. Ngày xưa, tôi có những chuyến đi về sáng như thế. Nhảy vào mật khu, tiếp viện hay tăng phái cho một chiến trường. Nhưng ngày xưa, bên tôi là đồng đội, là súng đạn, là những dắt dìu, bảo bọc nhau… Ngày xưa, nửa đêm kẻng dục quân ra trận. Kinh động cả lòng đêm tối bưng. Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy. Không buồn chỉ một chút bâng khuâng. (thơ THT) Ngày xưa, và bây giờ có khác gì đâu. Bởi vì từ lâu nay, cái nơi ấy vẫn được xem là nơi bất khả xâm phạm, không một nhà văn nhà thơ Việt Nam hải ngoại nào được quyền nói lên tiếng nói. Bởi vì nói đến văn chương chiến tranh, người Mỹ chỉ biết đến những cuốn sách của Bảo Ninh, Lê Lựu, Ngụy Ngữ, Thu Bồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Sáng. Không ai biết giòng văn chương miền Nam thời chiến qua 35 năm lâm chiến… Chẳng ai cần biết một kho tàng sách báo bị đốt hủy. Chẳng ai biết một nền văn học lẫy lừng hừng hực lửa, trái phá đã bị bức tử. Nơi này chỉ dành một Lê Lựu, Ngụy Ngữ, Nguyễn Quang Sáng, đã một lần đến đây, rồi trở về nước viết bài chửi rủa mạt sát những người văn nghệ sĩ hải ngoại không chừa một mống.

Chẳng ai cần thắc mắc về sự thật của những cây viết mà họ xem là trung thực về chiến tranh như Bảo Ninh khi tả cảnh toán thám báo đột nhập mật khu bắt ba chị nuôi hãm hiếp rồi trấn nước, trong khi vai trò của thám báo chỉ là săn tin, phối kiểm tin tức tình bào, phải tự mình bảo vệ lấy mình giữa lòng địch. Chẳng ai cần thắc mắc một Ngụy Ngữ, nhà văn một thời mang bộ đồng phục miền Nam, được miền Nam ưu đãi, không đi tác chiến một ngày lại bôi nhọ chửi rũa lính miền Nam gọi thương phế binh miền Nam là bọn què quặt, kể lính rằn ri mỗi lần về phố là quán xá đóng cửa cài then, nhục mạ thậm tê người đã chết là cố đại úy Nguyễn văn Đương là tên sĩ quan dù… ngay trên những số báo Vấn Đề do Vũ Khắc Khoan và Mai Thảo chủ trương…

Vâng, họ đã bị lừa bịp bởi những nhà văn thiếu tư cách, vô liêm sĩ mà họ không hề biết.

Tôi đã dừng tạm ở một Trạm Nghỉ. Quá mệt, và quá buồn ngủ… Trời đã sáng. Tôi lên đồi cây. Đứng yên. Trong nỗi cô liêu hiu quạnh, với những hàng thông, hàng sồi san sát, với màn sương còn che khuất những dãy núi bên kia đường, tôi lại liên tưởng đến bạn bè đồng đội của mình. Những thân cây che chở mạng người. Những hòn đá câm. Và mây trắng như ngày xưa chứng kiến những con ngựa chiến chinh bay về trời. Mười mấy năm chiến tranh đã hàng hàng lớp lớp những con ngựa bay về trời như thế. Tức tửi.

*

Xin được đi lại một đoạn của bài tôi thuyết trình:

Quí vị hỏi tôi viết gì. Trước năm 1975, tôi viết về cuộc chiến tranh, trong đó tôi và thế hệ của tôi đã lao vào, đã chiến đấu, đã bảo vệ cho quê hương tôi. Tôi viết bằng ngay cả máu lệ của chính bản thân mình. Có những bài văn tôi viết trong hầm phòng thủ. Có bài tôi viết khi bằng cảm giác hơn là lý trí. Đó là lúc tôi trùm poncho, trùm cả chiếc mền, bật đèn pin và viết trong giờ chờ giặc. Khi ấy, cảm giác đã đẩy ngòi bút, và hơi thở của tôi điều khiển tôi. Có bài tôi viết khi nằm trong bệnh viện, giữa những tiếng rên la quằn quại của những người lính thuộc đại đội tôi. Tôi đã hiểu thế nào là tiếng nổ của trái phá, và sự khủng khiếp của nó là như thế nào. Tôi muốn dùng những kinh nghiệm có thật của mình để nói về một cuộc chiến quá dài, quá kỳ lạ, tàn bạo hơn bất cứ cuộc chiến nào trên thế giới mà khí giới được nhập từ Nga Sô Trung Cộng và Hoa Kỳ. Nhưng trong tiếng gào thét của chiến tranh ấy, giữa những trang đầy máu của hai phe, và thêm những xác của trẻ con vô tội, tôi cũng viết về những điều hết sức kỳ diệu mà tôi đã gặp trong chiến tranh. Đó là lòng từ tâm của người lính VNCH. Điều ấy tôi đã được thấy khi sau khi một trận đánh kết thúc. Đó là lúc vai trò người lính của tôi không còn nữa mà nhường lại là vai trò của người viết văn.

Tôi đã thấy lính tôi mời tù binh những điếu thuốc hay dìu họ lên trực thăng để tải về quân y viện. Tôi đã thấy trong bệnh xá những người thương binh Nam và Bắc ngồi lại nhau để chơi cờ, đàn hát cho nhau nghe những bài tình ca. Tôi đã hiểu là dân tộc tôi quá hiền từ thời đại này qua thời đại khác. Từ đó tôi tin rằng ai cũng có con tim. Rồi sẽ có một ngày người Nam kẻ Bắc sẽ bỏ hết hận thù sẽ quên đi quá khứ, bởi vì tuổi trẻ chúng tôi chỉ là những nạn nhân từ các thế lực chủ nghĩa. Một ngày nào, chúng tôi sẽ vùng dậy, sẽ lột mặt những tay đồ tể chiến tranh, sẽ nối lại vòng tay như qua bài hát cuả Trịnh Công Sơn: Từ Bắc vô Nam nối liền cánh tay. Nhưng giấc mơ của một người viết văn ấy đã bị tan vỡ sau 1975. Bởi vì tôi đã nhận ra rằng cái hậu quả của chiến tranh đã không ngừng lại ở đây, để đồng bào tôi, bạn bè con cháu tôi được sống an ổn trong những ngày hoà bình còn lại. Mà trái lại, đồng bào tôi lại trở thành một nạn nhân của hậu quả khác. Hậu quả từ những trái tim được nuôi dưỡng bằng một thứ chủ nghĩa chỉ được xây dựng bằng căm hờn và bạo lực. Đó là chủ nghĩa Cộng Sản.

Thưa quí vị,

Tôi có thật nhiều điều để muốn tỏ bày cùng quí vị về một nỗi đau khổ khủng khiếp của một người viết văn. Đó là lúc anh ta muốn viết mà không dám viết, muốn nói mà không được nói. Quí vị được may mắn là có thể viết tất cả những gì mà quí vị muốn, trình bày tất cả nỗi buồn vui của quí vị cùng độc giả. Nhưng có một nơi, văn chương được xem là một tai họa. Người ta đã tìm mọi cách để tận diệt văn chương. Bằng chứng, riêng cá nhân tôi, đây là những đứa con tinh thần của tôi, không phải tôi mang từ quê hương tôi qua, mà tôi đã thu thập chúng từ một thư viện của đại học Cornell Hoa Kỳ. Chúng vẫn còn sống sót cũng như bản thân tôi vẫn còn sống sót sau một cuộc chiến, sau những năm tháng tù tội. Vâng tôi là kẻ được may mắn được thoát khỏi cõi im lặng khủng khiếp ấy. Nhưng còn biết bao nhiêu người viết văn làm thơ khác của miền Nam với biết bao công trình văn chương đồ sộ của thời chiến tranh. Họ đã mất tiếng nói. Họ đã bị quên lãng bởi loài người. Họ không được nhắc nhở. Bằng chứng là hôm nay, quí vị không thấy họ mà chỉ thấy những người viết văn làm thơ trong hàng ngũ thắng trận. Như vậy đâu là công bằng, đâu là tiếng nói trung thật của văn chương, nhất là nền văn chương về chiến tranh VN?“

*

Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, thì một người đàn bà bản xứ đã tiến đến bên tôi. Trên tay bà vẫn còn cầm cuốn sổ tay ghi những note. Bà ngước nhìn tôi. Và tôi bỗng thấy lại đôi mắt của La Ronda. Cũng đỏ hoe. Cũng ngấn lệ. Bà cám ơn tôi. Một tay bà đưa ra và siết chặt lấy bàn tay tôi. Bây giờ tôi mới hiểu rằng La Ronda không phải nói để lấy lòng tôi như phép lịch sự của những người đồng nghiệp với nhau.


Trần Hoài Thư

Nguồn: tranhoaithu.wordpress.com

CHI MING WANG

Tôi trở lại trường với cặp mắt mờ và một trí nhớ hao mòn qua năm tháng. Tìm lại một chỗ ngồi, nhìn lại chiếc bảng xanh, và nghe lại những lời giảng của giáo sư, sống lại cùng một thế giới đã mất. Điều đó khiến tôi bồi hồi cảm động. Nhưng cớ sao tôi lại cảm thấy bơ vơ lạc lõng vô cùng. Hình như mắt tôi cay. Tôi cũng không hiểu nổi. Hay bởi cặp mắt yếu của tôi đã điều tiết quá nhiều. Không đâu. Thế giới vẫn là thế giới xưa. Những trang giấy vừa lật ra. Thêm một chương mới vừa bắt đầu, và thêm một ngày nữa cho một cuộc hành trình không bao giờ ngưng nghỉ. Cũng lớp học ở lầu hai. Cũng những bàn những ghế. Cũng lò sưởi bên khung cửa sổ. Cũng một hoàng hôn trên dòng Hudson. Cũng vài gương mặt của khóa học trước. Phải rồi. Tôi biết. Một người nào đã bỏ đi. Và thêm một thân thiết nhất vừa vuột mất. Như thể một cơn mơ. Như thể một làn hương quý. Như một giây mà cả trăm năm.

Làm sao tôi có thể quên được cơn mơ ấy. Như thể hôm qua, cũng những hàng dẻ, hàng sồi mùa thu lá vàng phủ ngập sân trường. Cũng vẫn một dòng sông vào hoàng hôn, với những đàn chim biển đậu dưới bến cảng. Cũng vẫn thành phố Nữu Ước bên kia bờ, với chập chùng mái lầu, và muôn con mắt điện màu rực rỡ. Từ phía Manhattan, Chinatown, Broadway, Queen. Cũng vẫn hai tòa lầu chọc trời Twin Towers ở phía phải, và tòa Empire State Building chót vót ở trung tâm thành phố.

Năm nào cũng vậy. Mùa thu về đúng hẹn. Đám mây trên sông bàng bạc như mong manh cho một hơi thở của ngày. Và xa hơn, sườn cầu Pulaski mờ sẫm. Và sông nước còn gượng chút ráng chiều. Chim biển trắng phau gọi nhau náo loạn. Mây mời gọi. Sông cũng mời gọi. Mây và sông chở lại một kinh thành. Huế. Người sinh viên cũ năm nào đã từng đứng yên trên hành lang văn khoa, để nhìn con sông vào hoàng hôn. Người con gái ở phía cạnh cũng nhìn xuống con đường Lê Lợi. Mái tóc chảy lai láng bờ vai. Dáng dấp thì hao gầy. Không ngờ, nơi ấy đã trở thành một hoài niệm. Sau mấy mươi năm giờ đây tôi lại gặp lại một lần. Một thời. Bỏ quên những mệt lả của miếng cơm manh áo. Những bánh xe lăn của thời gian. Những cuống cuồng trong một thế giới kỹ thuật và máy móc. Bỏ quên tôi với đôi mắt yếu mờ, vầng trán nhăn, mái tóc sắp bạc cả đầu. Bỏ quên tay sinh viên già đang đến trường tranh đua cùng tuổi trẻ. Người sinh viên già cô đơn giữa lớp học. Sách vở làm sao xóa đi nỗi buồn. Bạn bè, đồng đội, người thân yêu, những vết cằn của chiến tranh, tù tội, vượt biển. Sách vở mở mang kiến thức nhưng sách vở càng mệt mỏi giữa chốn hồng trần. Con tính đã trở thành khó khăn. Những beta, gamma, những limit, Markov chains sao mà nhớ cho hết. Lời giảng của vị thầy đã rơi vào một bộ óc quá đầy, quá cặn. Người sinh viên già cố trừng con mắt, căng thẳng chiếc tai còn sót lại. Người sinh viên không cười không nói, không ai hàn huyên thăm hỏi. Dòng chữ viết trên trang giấy run rẩy hơn, vì tuổi đời hay vì sợi gân tay đã liệt. Gắng lên con hỡi! Học phí này hãng đài thọ một trăm phần trăm. Một môn học trên dưới hai ngàn đô la. Gắng lên con. Mày chưa phải là già. Con tim mày vẫn xôn xao, con mắt mày vẫn còn tham lam ham hố. Gắng lên con! Cái việc, cái nhà, chiếc xe, học phí cho con. Gắng, để tên sinh viên già đến trường mỗi tuần hai buổi, vượt xa lộ, qua đồi núi, gần hai tiếng đồng hồ. Ngày tuyết cũng như ngày mưa. Ngày đoàn xe kẹt không sao nhúc nhích trước khi vào hầm Holland hay êm ả lăn những vòng xe, qua phi trường Newark, nhớ về phi trường Qui Nhơn. Ngày tìm gì cho tâm hồn thôi bâng khuâng xào xạc khi mùa thu lá cứ tiếp tục rụng đầy trên sân trường.

Mùa học vẫn như thường lệ. Giờ đầu tiên, ông giáo sư viết trên bảng vài hàng về chương trình, thi cử. Lớp học khoảng mười lăm người. Hai da vàng. Ba bốn Ấn Độ. Và còn lại là da trắng. Ông giáo sư trẻ, phát âm giọng Anh, áo quần xốc xếch, đầu tóc rối bù. Hay ông ta lập dị. Ông muốn chứng tỏ ông là một nhà toán học đúng điệu. Hay Toán học đã làm thay đổi bản chất con người. Ông cũng chẳng cần giới thiệu ông cho đám sinh viên. Ông bắt đầu ngay bài giảng. Lại bắt đầu một cuộc chạy đua. Tai căng. Mắt điều tiết. Những hàng chữ nhỏ mờ trên giấy trên bản. Câu hỏi. Câu trả lời. Chiều đã nhường cho bóng đêm. Lúc này không còn thao thức, nhớ nhung, dằn vặt, âu lo, tính toán. Lúc này, biến số trở thành lời giải. Giả thiết trở thành kết luận. Lúc này những ký hiệu trở thành linh động, dẫn đưa đến bến bờ kiến thức. Rồi mười phút nghỉ. Xếp qua sự đuổi bắt. Người sinh viên già đứng dậy, tựa vào cửa sổ. Dòng Hudson lấp lánh những ánh đèn từ những chiếc tàu đêm. Trên bờ xa, là cả một Nữu Ước rực rỡ như một khối đá kim cương vĩ đại của địa cầu. Tôi đã nhìn thành phố biết bao lần, nhưng mỗi lần đôi mắt tôi càng thêm no nê trước triệu ức ánh đèn đan kết phản ánh trên đáy nước, hay mờ ẩn trong sương mù. Cả một Nữu Ước ban ngày cuống cuồng hối hả bây giờ đã biến thành một hòn đảo linh động bừng rộ hoa đăng…
Nàng đến bên cạnh tôi, cùng nhìn xuống dòng Hudson. Mái tóc nàng hớt ngắn. Gương mặt nàng thanh tú. Đôi mắt sáng đầy thông minh. Nàng chào tôi, và tôi chào lại. Nàng hỏi tôi:
– Ông là sinh viên du học?
– Không, tôi ở Mỹ, mười năm.
– Ông đến từ nước nào?
– Việt Nam.
– Ô, Việt Nam. Tôi nghe nói nhiều về Việt Nam. Bắc hay Nam Việt Nam hở ông?
– Thì ra cô biết Việt Nam có hai miền.
– Vâng. Tôi biết Việt Nam có chiến tranh. Rồi Bắc Việt Nam chiếm đóng Nam Việt Nam. Rồi cả triệu người vượt biển. Như vậy ông cũng là một người vượt biển.
Tôi cảm động. Thì ra nàng hiểu một phần nào lịch sử của đất nước tôi, về một cuộc chiến tranh tương tàn trong mấy mươi năm.
– Tôi đến từ miền Nam. Còn cô? Xin lỗi, Đài Loan hay Hoa Lục?
– Tôi đến từ Hoa Lục.
– Cô là sinh viên du học?
– Vâng.
Tôi ngần ngại. Hình như có một khoảng cách vô hình ngăn chia giữa tôi và nàng. Có lẽ đầu óc tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi lịch sử. Nhưng nàng đã nói một câu mà tôi không thể tin nổi:
– Việt Nam và Trung Quốc đều có nỗi bất hạnh chung.
Tôi thật sự xúc động. Thì ra chúng tôi cũng vẫn có cùng chung cảnh ngộ. Việt Nam, Trung Quốc, Liên Sô, Cao Miên, Cuba, và các nước Đông Âu.
Tôi nhìn thẳng mắt nàng rồi nói:
– Vâng. Cả hai.
Lớp học tiếp tục trở lại. Lại những lời giảng khô khan. Lại những gương mặt đăm đăm nhìn lên bản. Gió từ sông thổi vào phòng, gây gây lạnh. Lòng tôi nao nao. Ước gì tóc còn xanh và mắt còn no nê tuổi trẻ. Gương mặt của người thiếu nữ Trung quốc vẫn còn chập chờn. ánh đèn neon làm gương mặt nàng sáng láng. ễ đấy tôi tìm ra cả một tuổi thanh xuân cùng sự say đắm lẫn cả sự thao thức của tuổi trẻ. Tôi cũng từng là một người trẻ như nàng mấy mươi năm về trước.

Từ đấy, tình bạn giữa tôi và nàng trở nên thân thiết. Tôi biết rõ hơn về nàng. Nàng nguyên là giáo sư phụ khảo về Toán Học ở Đại Học Thượng Hải. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi thấy trình độ về Toán Học của nàng vượt hẳn lên mọi người. Bên cạnh tôi, nàng chỉ nhìn lên bản, ít khi ghi chép. Đôi khi nàng nhắc giáo sư về một công thức thiếu sót hay về một lời giải không được hoàn chỉnh, để ông thầy phải cám ơn rối rít. Còn tôi thì sao? Bài giảng buồn đến muốn khóc. Đến chừng nấy tuổi đời, sách vở đâu có ích gì, trong khi bạn bè hiểu lầm tôi bị sa vào cái vòng cơm áo. Trí óc tôi chỉ lênh đênh những áng mây hoài niệm. Cơm áo. Ngày xưa tôi bất cần, từng ngủ trên mui xe đò ở bến An Đông, hay dùng lau cỏ làm nệm trong những ngày tù tội. Ngày xưa tôi cũng đã từng ăn cơm chỉ xì dầu nước tương trong quán cơm chay tại đường Phan thanh Giản. Nhưng bây giờ, guồng máy bóp tôi, bắt tôi nghẹt thở. Cơm áo, áo cơm, bằng cấp, học lực. Nghề nghiệp phải luôn luôn trau dồi. Dừng lại có nghĩa là đầu hàng. Ngày xưa tôi viết văn. Bây giờ tôi làm toán. May mà tôi còn có một người bạn gái. Người thiếu nữ mà tôi gọi là Rose de Chine. Nàng bắt tôi phải đến lớp sớm và nấn ná khi lớp học tan. Nàng làm tôi phải lái xe mất hai tiếng đồng hồ, mỗi tuần hai buổi, mà không còn nghĩ đến những dặm dài hay những đoàn xe bị kẹt trên cầu Pulaski nữa. Tôi như thể một tên tình si. Mong được đến lớp, để được ngồi cạnh nhau, để trao ngỏ vu vơ, hay để cùng nhau nhìn ra bóng đêm, xuống dòng Hudson và cả thành phố Nữu Ước. Chúng tôi đã nói về Ami Tan, nhà văn nữ người Mỹ gốc Trung Hoa, về lối hành văn giản dị, nhẹ nhàng nhưng cay đắng của bà. Chúng tôi cũng kể về đời sống Mỹ, với những thực tế bi thảm mà người di dân gặp phải. Từ văn hóa đến tập quán. Từ truyền thống đến di sản. Từ sự xung đột giữa thế hệ già và thế hệ trẻ. Vợ và chồng. Cha mẹ và con cái. Có những người già mang nỗi buồn héo hắt trong bốn bức tường. Họ là người tù chung thân không hơn không kém. Tại sao? Chi Ming Wang rất thông minh để giải thích:
– Tất cả đều bắt nguồn từ truyền thống tự do. Chính vì truyền thống ấy mà đất Mỹ mới hiện diện trên quả địa cầu. Tự do đã biến nước Mỹ thành một nước hùng mạnh. Nhưng tự do một khi không kèm với luân lý, đạo đức thì quả rất nguy hiểm…
Tôi đồng ý với những nhận xét của người bạn gái Trung Hoa. Và chúng tôi kể về những ước mơ. Về Trung Quốc. Về Việt Nam. Chỉ có tự do trên căn bản đạo đức mới không tiếp tục bánh xe băng hoại của Tây Phương, mới mang Trung Quốc và Việt Nam hùng mạnh cùng năm châu thế giới. Với tôi, một ngày Việt Nam không còn sống trong hãi sợ; ngu dốt, kiêu căng không còn thống trị; một ngày nhân phẩm con người được tôn trọng. Với nàng, một ngày người dân Trung Quốc vùng dậy đòi lại quyền làm người. Nàng lạc quan, đôi mắt ngời sáng.
– Ông Trần à, bây giờ Trung Quốc đã ý thức thế nào là dân chủ, và quyền được làm người. Khắp nơi, từ đại học đến nhà máy, các phong trào đòi lại quyền tự do và dân chủ đã bành trướng và lớn mạnh.
Tôi thì bi quan:
– Nhưng những người cộng sản sẽ không từ bỏ bất cứ một hành động nào để duy trì chế độ. Họ đã đổ bao nhiêu công sức để tạo dựng chế độ, tất nhiên họ sẽ cố mà bảo vệ. Cho dù họ có giết hàng triệu người.
Nàng không đồng ý:
– Trung Quốc sẽ dũng cảm để đứng dậy. Rồi ông Trần sẽ thấy. Có những chuyển biến mà lịch sử sẽ phải ghi đậm.
Chúng tôi đã nói với nhau bao đề tài. Có khi vu vơ như một ngày mưa ngày nắng. Có khi sôi nổi như đề tài chính trị. Có khi trẻ con như hai đứa học trò tiểu học, lười biếng nhìn thời gian trôi qua mà ngỡ như cả thế kỷ. Đôi khi chúng tôi cùng ngồi trong thư viện, cùng nhau giải chung một bài toán khó. Mái tóc ngắn và đen mượt tựa mun của nàng choáng ngợp lấy đôi mắt mệt mỏi của tôi. Nàng quả là một sinh viên ưu tú, cộng thêm cái kinh nghiệm dạy học của nàng. Trung Quốc vẫn được tiếng đứng nhất nhì thế giới về toán học. Có lần tôi hỏi nàng:
– Chi Ming Wang, toán học quá khô khan, tại sao cô lại chọn toán?
Nàng ngừng suy nghĩ, trán hơi nhăn, và đôi mắt ngời sáng như đôi mắt sóc:
– Như vậy toán học chỉ dành cho đàn ông hay sao, hở ông?
– Nhưng toán chỉ là những lý luận cứng ngắc, không một chút gì tình cảm. Với một người có con tim như cô, tôi thật ngạc nhiên.
– Vậy tôi có nhiều tình cảm lắm sao? Ông lầm rồi, ông Trần. Tim tôi là một khối sắt.
Tôi cười chịu thua. ễ vào cái tuổi sắp bước vào năm mươi như tôi, được một người bạn gái Đông phương, vừa tinh nghịch, vừa say đắm, vừa dạt dào tình cảm, và nhiệt thành tuổi trẻ, thì quả là hạnh phúc lắm rồi. Chúng tôi tìm đến nhau không một mảy may xác thịt. Chúng tôi như hai người lớn, cùng trở lại kiếp học trò đã mất từ lâu.

Cuối cùng, ngày thi cuối khóa lại đến. Mùa thu đã sắp tàn. Khuôn viên trường đầy ngập lá vàng. Hôm nào, những nhánh cây che ngang khung cửa lớp ngày nào còn màu xanh, bây giờ đã trơ trụi in trên nền trời bàng bạc màu xám trắng. Dòng Hudson chìm trong một vùng trời hắt hiu xa vắng, ít còn thấy ráng đỏ. Trong khuôn viên, bức tượng bằng đồng vẫn nhìn xuống dòng sông, nhưng màu hình như sẫm tối hơn mọi ngày. Hôm nào, những cơn gió gây gây chớm thu nay đã nghe hơi rét lạnh. Bãi sân trường đã không còn thấy những trận thể thao. Sinh viên bắt đầu vào thư viện, bên những chồng sách vở. Giờ thư viện cũng được thay đổi. 24 trên 24.
Tôi và Chi Ming Wang cũng là những người trong đám sinh viên ấy. Nàng là sinh viên fulltime (toàn phần), lấy đến bốn môn cho cả khóa học. Vì thế, nàng phải bù đầu vào sách vở hơn tôi nhiều. Tuy vậy chúng tôi vẫn còn có thì giờ để gặp nhau, cùng kéo nhau xuống phố, để tìm một nhà hàng. Đây là Hoboken, quê hương của Frank Sinatra, một thành phố nghệ sĩ như cái tên của người ca sĩ Mỹ. Từ những con đường hai bên xe đậu nghẹt lối. Từ những quán cà phê lộ thiên. Từ những dãy lầu mái ngói đỏ sẫm. Từ những đàn bồ câu không sợ bóng người. Chúng tôi theo đường Sinatra, xuống đường Broad. Chúng tôi tìm một quán Pizza. Chúng tôi gọi và ăn hối hả. Tôi nghe mãi tiếng cười khúc khích của nàng khi nàng nhìn những cọng bánh còn vướng trên miệng tôi. Tôi vẫn còn nhớ đến hàm răng đều và trắng khi nàng cắn lấy miếng pizza vàng ngậy. Sau đó, chúng tôi trở lại con đường Sinatra. Tôi đi cạnh nàng. Nàng trở nên bé nhỏ trong chiếc áo dạ đen. Mái tóc nàng còn đọng những hạt mưa còn sót lại trên cành cây. Tôi nhắm mắt ước con đường dài vô tận.
Nhưng thời gian đã không bao giờ dừng lại. Con đường mang tên Sinatra cũng không dài vô tận. Buổi chiều trước giờ thi cuối khóa, tôi gặp lại nàng trên hành lang. Nàng trao tôi cái Resumé của nàng:
– Ông Trần. Ông có thể giúp tôi tìm một công việc tại hãng ông được không? Tôi muốn ở lại Mỹ. ít ra ở đây vẫn có cơ hội để tôi tiến lên. Đây là cái resumé của tôi. Ông có thể tùy nghi thay đổi.
Tôi gật đầu. Tôi nhìn đăm đăm vào gương mặt thanh tú. Tôi nghĩ tôi sẽ cố gắng hết mình để còn được gần gũi với nàng. Tôi mong có phép lạ để cứu lấy nàng. Trăm người sinh viên du học, chắc trăm người đều muốn ở lại. Tôi cố gắng an ủi nàng:
– Tôi tin rằng hãng tôi rất cần những chuyên gia toán học. Bởi toán gia bây giờ rất khan hiếm.
Nàng nói, một lần nữa, đầy khẩn cầu:
– Nhờ ông cố gắng giúp đỡ tôi. Tôi muốn ở lại Mỹ. Tôi sợ phải trở lại cùng Trung quốc.
Giờ thi xong, tôi và nàng thả bộ xuống bờ sông. Đêm đầy sao chi chít. Thành phố bên kia sông bừng lên với muôn ngàn ánh đèn rực rỡ. Quên đi hai tiếng đồng hồ cho một bài thi ác nghiệt. Quên đi cái gương mặt như thám tử của ông thầy. Hãy sống cùng giờ phút vĩnh cửu. Đừng nghĩ đến hôm qua, cũng đừng nghĩ đến ngày mai. Như giòng sông này, cứ ngàn đời yên lặng, bên sự thay đổi của con người, của Nữu Ước, của nền văn minh kỹ thuật. Gió lùa ngọn tóc của người con gái. Aịnh điện neon nhiều nến làm đôi mắt nàng lung linh. Rose de Chine. Bản nhạc xa vắng nào nghe vọng lại, như từ kiếp nào. Nàng Trung Hoa xinh… Nàng không nói gì. Và tôi cũng vậy. Bởi chúng tôi có thật nhiều điều đáng gìn giữ hơn là những lời vu vơ. Bởi lúc này con tim tôi đang nói nhiều quá. Làm sao tôi có thể có một phép lạ để giữ nàng bên tôi mãi mãi.

Trở lại hãng, tôi giúp nàng sửa lại tờ Resumé. Tôi nắn nót từng hàng, từng chữ. Chưa bao giờ tôi lại để tâm vào một việc làm như lúc này. Rồi in ra, rồi đọc lại, rồi không bằng lòng, rồi viết lại. Chi Ming Wang ơi, tôi run sợ để nghĩ về một lần sa ngã. Tôi đang mềm yếu để nghĩ đến một nụ hôn, một lần gục đầu, một lần cắn bầm da thịt. Tại sao gặp mặt rồi lại chia tay? Tại sao gót chân ai một hôm nào đạp lên khu vườn già nua cũ mục? Sau đó, tôi in thành nhiều bản, một mặt gởi về địa chỉ của nàng, một mặt gởi đến một vài người quen. Và chờ đợi.

Một người nguyên là cựu nhóm trưởng trong những năm đầu tôi làm việc, đồng ý phỏng vấn nàng. Tôi quá đỗi vui mừng, gọi điện thoại cho nàng. Nhưng điện thoại đã bị cắt. Tôi lái xe tìm đến căn phòng tạm trú của nàng nhưng nàng không còn ở đấy nữa. Người ở phòng bên cạnh cho tôi biết nàng đã trở lại Trung Quốc.
Một tháng sau, tôi nhận được tờ thư đầu tiên của người bạn gái. Trong thơ, nàng viết về một Trung Quốc mới, về phong trào nổi dậy đòi hỏi tự do và dân chủ của sinh viên, thợ thuyền, trí thức. Nàng còn chép gởi tặng cho tôi bài thơ của nàng, được dịch sang tiếng Anh: Từ những con đường hầm không thấy ánh sáng mặt trời. Từ những tường thành ngàn năm cằn tiếng nấc. Từ những quảng trường chỉ biết những lời tung hô lên không trung. Từ những đám mây chưa bao giờ được bay về biển. Chúng ta tụ hội về quảng trường. Thiên an môn. Thiên an môn của tương lai hy vọng. Thiên an môn của tuổi trẻ lên đường…Hầm sẽ gặp lại ánh sáng! Tường thành sẽ được phá đập cho sự thật phơi bày! Gió sẽ góp lại thành bão! Thiên an môn!
Tôi muốn rưng rưng nước mắt. Thì ra tôi đã hiểu tại sao nàng lại chọn con đường trở về. Tôi đã hiểu tại sao có người lại dám bỏ tất cả, giàu sang, địa vị, danh vọng để sống cho lý tưởng của mình.
Và cuối cùng, tôi đã ngồi bao ngày bao đêm trước màn ảnh truyền hình. Nhịp tim Trung Quốc chính là nhịp tim của tôi. Nhịp tim ấy đang chuyển động khắp lục địa và chuyển thức cả địa cầu. Tôi ngưỡng mộ những rừng người tuổi trẻ đang ngồi trên quảng trường, đang ùn ùn đổ về thành lũy của đảng. Cuối cùng sự thật cũng phơi bầy. Như bài thơ của người bạn gái của tôi.
Nhưng âm binh đã biến cả quảng trường thành một biển máu. Thiên An Môn. Thế giới òa khóc vì Thiên An Môn. Thế giới kinh hoàng vì Thiên An Môn. Đêm ma trơi quỉ rú. Đêm man rợ âm hồn. Đêm xé tan tấm thân mềm mại của những người con gái. Đêm xe tăng nghiến những xác người thanh niên.

Bây giờ, lâu lắm tôi chưa nhận được một lá thư của Chi Ming Wang. Một khóa học nữa lại bắt đầu. Và một lần nữa tôi lại trở về cùng ngôi trường bên dòng sông Hudson. Dòng sông vẫn muôn đời như thế. Vẫn những đám mây trắng bàng bạc. Vẫn những con chim biển gọi chiều về. Vẫn hàng cây lá bắt đầu nhuộm vàng. Vẫn một hoàng hôn trên thành phố Nữu Ước. Nhưng người xưa, bây giờ ở đâu? Chỉ còn lại tôi với nỗi chờ đợi ở bến sông này.

TRẦN HOÀI THƯ

M ỘT NGÀY KHÔNG HÀNH QUÂN

 

Xin cô hàng thêm một két bia
Hôm nay lãnh lương tôi dành đãi hết
Cô hàng ơi, một mai tôi chết
Ai tiêu dùm, ba tháng tiền lương

Hôm qua tôi dừng chợ Bồng Sơn
Mẹ thằng bạn ôm tôi mà khóc
Tôi nói làm sao qua giòng nước mắt
Thị trấn này vừa mất thằng con

Tôi quá buồn ra đứng bờ sông
Sông Lại Giang ráng chiều đỏ sậm
Nhớ nó ngã nhào trên bờ đá xám
Thấy cả ngọn đồi những xác Bắc Nam

Cô hàng ơi cho một ly không
Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ

Trên đồi cao, mây vẫn xanh lơ
Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng
Tôi với hắn, đâu có gì thống hận
Bài thơ nào cũng viết để yêu em

Xin cô hàng thêm một chút từ tâm
Tôi quen đập đầu mỗi khi say rượu
Đừng sợ cô em, những thằng đánh giặc
Nhảy Diều Hâu nhưng thật yếu mềm

Em có đôi hàng lông mi thật đen
Tôi bỗng nhớ người tôi yêu, quá đỗi
Đôi mắt nàng cả một trời vô tội
Sao lòng nàng lại tàn nhẫn vô tâm

Khi tôi buồn tôi nói trăm năm
Có nghĩa là tôi vẫn còn muốn sống
Đừng nhắc cùng tôi người tôi yêu dấu
Kẻo tôi lại sầu, mửa hết mật xanh

Trần Hoài Thư

THẾ HỆ CHIẾN TRANH

 

 

Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm
Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân

Thế hệ chúng tôi loài ngựa thồ bị xích
Hai mắt buồn che bởi tấm da trâu
Quá khứ tương lai, tháng ngày mất tích
Đàn ngựa rũ bờm, không biết về đâu

Thế hệ chúng tôi chỉ thấy toàn lệ máu
Chưa bao giờ thấy được một ngày vui
Thời chiến giày saut, lao vào cõi chết
Hòa bình phận tù, trâu ngựa khổ sai

Thế hệ chúng tôi già như quả đất
Râu tóc mỗi ngày mọc những hoang mang
Ngoài phẫn nộ, trong chán chường ẩn khuất
Đếm những nỗi buồn bằng lời nhạc Trịnh Công Sơn…

 

Trần Hoài Thư

ĐÊM MƠ

 

Buổi học đầu của lớp Toán Cao học. Người thiếu nữ đã đến lớp từ lâu, và người đàn ông, ngồi đằng sau, biết mình sắp chết đuối về bờ vai mềm và cái dáng dấp nhỏ bé rất Đông Phương ấy. Ông giáo sư già vào lớp, ngồi trên chiếc ghế và rảo mắt nhìn đám sinh viên. Sáu người học trò. Ông trao tờ giấy điểm danh xuống người ngồi hàng đầu. Tên tuổi. ID. Nhan thi Nguyen. Đến phiên người đàn ông. Việt Nam. Niềm vui nho nhỏ dấy lên. Nguyễn thị Nhàn hay Nguyễn thị Nhân. Nhàn hay Nhân. Nhàn. Tôi thầm thì. Tên của một người xưa. Tên mà tôi viết cả ngàn lần trong những đêm ngày nhớ nhung chất ngất. Tên tôi gọi khi tôi quằn quại cùng vết thương, khi tôi đứng trên cao để nhớ đồi Nam Ô, và nhìn xuống thấp để nhớ về biển xanh dưới chân đèo Hải Vân. Tên trên phong bì, trên trang thơ, trên những giờ, những phút trải trong lòng nhật ký từ một nơi nào của thành phố Đà Nẵng.Tôi nhắm mắt lại. Con tim già nua hôm nay bỗng nhiên rạo rực lại rồi. Tôi nhìn lên, gặp đôi bờ vai nhỏ. Ngày xưa, em cũng gầy guộc, em cũng dịu dàng, em cũng mong manh. Ngày xưa, Nhàn ơi, anh về phép, đội mưa ngoài cổng, để em phải bối rối tội tình trong chiếc áo mưa màu tím hoa cà. Ngày xưa cổng trường Phan Châu Trinh, học trò con gái khúc khích cười trước một cây si cổ thụ. Ngày xưa người về một ngày rồi lại bỏ đi, người đợi một ngày rồi lại ôm mặt khóc.Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu. Để cuộc tình chìm mau…Ông giáo sư bắt đầu giảng bài. Ông dùng vụ án O J để chứng minh về vai trò quan trọng của Toán học. Ông đùa: “Bọn mày xem, bây giờ ai ai cũng trở thành toán gia. Luật sư, bác sĩ, ông quan toà, bồi thẩm đoàn, những tên không bao giờ thích Toán học bây giờ luôn luôn nói về xác xuất probability trong việc thử máu, và dùng toán thống kê để chứng minh… Sự thật là tuyệt đối. Cho dù xác xuất sai là 1 phần tỉ tỉ đi nữa, kết quả vẫn không phải là sự thật. Có nghĩa là không thể chứng minh OJ phạm tội.  Phải nhờ Toán học O J mới thắng. Còn nữa, Unabomber, cái ông toán gia làm điên đầu FBI cả hai mươi năm qua…” Ông già nói liên tu bất tận. Có lẽ ông muốn trút hết nỗi hẩm hiu của một lớp quá chừng ít ỏi cũng như cái kiếp toán gia bạc bẽo của ông. Thật vậy, trong khi các lớp cao học khác, học trò chen lấn, đông đúc, thì mỗi lớp Toán, vỏn vẹn vài sinh viên. Cái thê thảm của một xã hội kim tiền. Có phải vậy không?

Cuối giờ, ông giáo sư đọc một mạch những bài homework cho kỳ đến. Tôi thấy Nhàn bối rối, chừng như không bắt kịp câu nói của vị thầy. Rồi lớp học tan. Bọn sinh viên mấy người hối hả đứng dậy. Chỉ còn Nhàn. Em ngồi lại. Như một con nai nhỏ tội tình. Vâng, tôi biết, ngày xưa, tôi cũng đã từng có những giờ phút khốn khổ như em hôm nay. Giờ đầu tiên tôi cũng đã từng tuyệt vọng nghĩ đến một cuộc đầu hàng. Tôi đến bên người con gái đồng hương, thăm hỏi. Nỗi buồn đến tội nghiệp. Và em đã bấu viú vào tôi.

 

Người đã gọi bên trời. Con sáo đã sổ lồng. Con sáo qua sông. Tôi như thằng bé nào cầm chiếc lồng trống trơn buồn so bên dòng sông đỏ máu. Hai toà lầu Twin Towers. Toà Empire State Building. Chinatown. Holland Tunnel. Tượng Nữ thần Tự Do. Cầu Pulaski Skyway. Những ngày hôm qua, tôi và người và Nữu Ước. Hôm nào trời Nữu Uớc mưa bụi. Mưa làm dòng Hudson mờ đi, để buổi học đêm, bên kia bờ, triệu triệu ánh đèn phải trở thành những con mắt ràn rụa lệ. Để giờ break time, người và tôi, đứng trên lầu cao, và nhìn qua thành phố. Tôi kể những gì tôi biết về Nữu Ước. Tôi kể về một đêm đứng trên chóp đỉnh của toà Twin Towers mà nhìn xuống những con đường ngang dọc đan kết những chuỗi kim cương ngọc ngà, ngời sáng hầu như bất tận. “Nhàn biết không? Đó là những đoàn tắc xi Nữu Ước”. Tôi kể về quả cầu được thả xuống tại khu Times Square vào lúc giao thừa duơng lịch với hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ xô về. Trai gái hôn nhau. Những chiếc hôn dài của mùa hạnh phúc.  Và tiếng còi xe, tiếng kèn giấy, tiếng phong cầm, và rượu chát, rượu mạnh, nút chai bật tung như pháo nổ. Và người ta nắm tay nhau khiêu vũ… Em thốt lên: “Vui quá hả ông? Ông có bao giờ đến đấy tham dự chưa?” “Chưa cô à. Nếu cô muốn, tôi sẵn sàng làm người hướng dẫn”. “Vâng, thế nào em cũng nhờ ông”.  Nhàn ơi, tôi nhắm mắt lại đây. Cám ơn em, cho tuổi trẻ của tôi một lần trở dậy. Đêm nào như đêm hôm qua, khi tuyết trắng xoá phủ xuống Nữu Ước, khi muôn triệu ánh đèn kinh thành càng làm màu tuyết lung linh hơn, và rực rỡ hơn. Đêm cuối năm, em xa nhà, và tôi cũng xa quê hương. Xe chờ em ngoài khu nội trú. Em khoác chiếc áo dạ đen. Mưa tuyết dập dìu trên đầu. Mưa tuyết óng ánh dưới ánh điện nhiều nến. Khu nội trú nhiều cửa sổ đèn tắt. Chắc hầu hết sinh viên đã trở lại nhà. Tôi mở cửa xe. Mở thêm quạt tuyết. Xe theo con đường chánh của quê hương Frank Sinatra. “Nhàn ơi, Nhàn có bao giờ nghe Frank Sinatra hát chưa?.” “Frank Sinatra là ai hở ông?”  “Là một danh ca nổi tiếng của Mỹ. Ông ta có giọng hát thật ấm. Nơi đây là nơi ông lớn lên. Cả thành phố đều hãnh diện vì ông. Các quán cà phê, nhà hàng đều treo hình có cả chữ ký của ông nữa.” “Thế thì được làm ca sĩ hạnh phúc quá ông nhỉ?” “Vâng, bởi vì ít ra ông cũng mang hạnh phúc cho một số người.” FM106.7. Âm hưởng của một bản nhạc Giáng Sinh Holy Night. Vâng Đêm Thánh Vô cùng. Đêm ngày xưa hay là đêm nay. Cửa xe mở ra và em ngồi thu mình như con mèo nhỏ. Trời lạnh, nhưng hồn tôi ấm lắm. Xe chạy dưới mưa tuyết. Chiều cuối năm, khác với quê nhà, không có cảnh hối hả bồi hồi cho một cuộc trở về. Hay là tại lòng tôi, quá quen đến dửng dưng. Hơn mười năm xa quê hương, thời gian quá dài để làm chai sạn những nỗi nhớ nhung quay quắt. Con tim ngỡ đã ngủ yên. Bây giờ tự dưng em làm con tim tôi thức dậy. Em hay Nhàn xa xôi vời vợi  ngàn trùng. Em hay Nhàn một thời để yêu và một thời để chết. Em làm tôi cứ nghĩ đến một người.

 

 

Xe đã ra ngoài xa lộ. Nhàn co ro. Đôi mắt mở lớn nhìn đêm. Đêm sáng lòa như tấm thảm kim cương mờ nhạt lệ mềm. Đêm đẩy đưa hai kẻ không quen bỗng nhiên gặp. Em có biết là tôi quá hạnh phúc không. “Nhàn muốn nghe nhạc không?” “Ông có nhạc Bảo Yến không?” ” Không. Tôi chỉ biết Lệ Thu, Khánh Ly, Mai Hương, Thái Thanh.” “Họ hát ở bên này, phải không ông?” “Không. Họ là những ca sĩ nổi tiếng tại miền Nam trước 1975.” “Thế ư?” Rồi tiếng hát cất lên. Nhắm mắt. Cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Nhàn có vẻ thờ ơ, lơ đãng nhìn ra ngoài đêm. Mưa tuyết rơi để đua tranh cùng cây quạt nước. Hàng xe đang chờ đợi nối đuôi. Dưới cầu phía Nam là phi trường Newark. “Nhàn thấy gì không, phi trường quốc tế Newark, đèn đuốc sáng trưng, cứ năm phút là mỗi chuyến bay đáp xuống hay cất cánh”. Tôi nói. “Quả thật vậy, thưa ông?” “ Vâng. Như vậy làm sao đủ thì giờ để người ta từ biệt, phải không ông?” “ Vâng, đời sống ở xứ sở này đều hối hả, gấp rút, ngay cả nỗi chia ly. Không còn cảnh người đứng trên ngôi nhà gió nhìn ra phi đạo, thấy bóng người thân yêu của mình lẩn khuất vào lòng tàu”. “Ông ơi. Chắc ông có nhiều người để ông phải đưa tiễn.” “Tại sao Nhàn lại hỏi thế. Vâng, thì trong đời của bất cứ một ai đều có một lần từ ly.” “Thế ông đã có lần từ ly nào để mà ghi nhớ ? “Tại sao Nhàn lại hỏi như thế. Vâng, tôi đang nhớ đây. Nhớ một người tên Nhàn. Nhớ một người mong manh như sương như khói. Nhớ người nào luống cuống bên tôi, má au hồng, đêm đêm viết về tôi bao nhiêu giòng nhật ký…Nhớ để mà hiểu rằng, có nhiều chuyện không thể ngờ nổi, tưởng tượng nổi. Như Nhàn của một thời bây giờ lại trở lại bão bùng…

Rồi tiếng hỏi bên tai.

“Ông ơi, có phải hai tòa lầu chọc trời kia là Twin Towers?

“Vâng.”

“Tại sao gọi là Twin?”

“Tại vì chúng giống nhau như đúc. Chúng sinh đôi. Tại vì người ta không muốn thấy chúng lẻ loi. Nếu lẻ loi, chắc chúng buồn lắm…”

Người con gái không nói. Em làm sao hiểu được thế nào là nỗi lẻ loi của một đời người. Muốn đọc lại câu thơ của Thanh Tâm Tuyền: ôi những người khóc lẻ loi một mình, nhưng không dám. Tuổi em không phải là tuổi tôi. Không thể mang nỗi buồn rầu của thế hệ tôi về thế hệ em.

 

 

Xe vào khu Chinatown lúc hơn 8 giờ tối. Giờ này hầu như khu phố Tàu trở nên vắng vẻ. Chúng tôi tìm một quán ăn Việt Nam. Nhàn ăn rất ngon miệng. Tôi vừa uống bia vừa nhìn nàng. Cảm tạ Đất Trời đã cho tôi được gặp lại một bóng hình. Cảm tạ gương mặt thanh tú, mái tóc cắt ngắn, đôi vai gầy mảnh mai, để đêm nay, tâm hồn tôi phải ấm áp. Đêm cuối năm, tôi thèm phà khói thuốc để mờ đi gương mặt của người bạn học. Để bóng hình như hình sương và bóng khói. Như niềm hạnh phúc mà tôi bắt gặp đêm nay.

 

Sau đó chúng tôi lái xe đến Twin Towers. Trời đã bớt tuyết, nhưng gió từ sông Hudson thổi về lồng lộng giữa hai dãy lầu cao khiến chúng tôi phải co rúm lại trước những cơn gió thốc. Hơi thở thành khói. Dưới hàng hiên, một người homeless đang nằm ngủ. Không hiểu sao y lại ngủ được giữa cái giá rét cũng như náo nhiệt của một đêm cuối năm. Trong một quán cà phê, những mái đầu chạm nhau. Xe cộ vẫn tấp nập. Không khí của đêm giao thừa ở đây khác với quê nhà. – đây hình như người ta đổ xô ra đường. Còn ở quê nhà, người ta về bên trong cánh cửa của đoàn tụ, của giây phút gần gũi giữa người sống và người khuất. – đây niềm vui mở ra trên những vỉa hè tấp nập người, trên những con đường tấp nập xe cộ, trên những tiếng cười nói rộn ràng và tiếng nhạc vui mừng rộn ràng cả lòng phố. Nhất là ở khu vực World Trade Center này. Hình như người ta từ các nơi khác dùng xe bus, xe điện ngầm để về đây, rồi chuyển xe để về Times Square. Và trước khi đến Times Square họ muốn nhìn cả một New York về đêm. Bởi vậy, chúng tôi phải vất vả lắm mới tìm một bải đậu xe. Sau đó chúng tôi hướng về Twin Towers. Hai bên đường, hầu hết các cửa tiệm đã  đóng cửa. Những đoàn tắc xi vàng tiếp tục nối đuôi trên đường Church, Broadway, Chambers. Từ dưới chân tòa lầu chọc trời, nhìn lên muốn chóng mặt. Rồi mua vé. Rồi thang máy mở ra. Người phụ trách bấm nút. Thang máy vụt phóng lên, đưa người chạm với tầng không. Rồi cửa mở. Hơi lạnh ùa vào. Hai tai đã nghe hơi ù và một cảm giác hụt hẩng như ta đang ở trong vùng không trọng lực. Mắt người bạn gái chợt sáng lên như bắt gặp một niềm kinh ngạc thích thú. Tầng cuối cùng 110 như chạm lấy trời. Trên cao, một  chấm sáng rất mờ nhạt giữa cõi. Không biết là  ngọn đèn của chuyến bay đêm hay là một tinh cầu lạc lỏng.  Nhìn xuống, nhìn quanh, cả Nữu Ước như ngập cả một biển kim cương lộng lẫy xen kẽ những mái nhà tuyết trắng như tấm thảm óng ánh bạc. Dưới nữa là những con đường xen kẽ dày đặc, với hằng hà ngọn đèn sáng rực như đuổi nhau không bao giờ dứt. Nhàn reo lên: “New York. Đẹp quá ông ơi…” Tôi chỉ nàng Tượng Nữ Thần Tự Do nằm bên sông Hudson. Tôi chỉ nàng hướng cửa biển, kể với nàng về những con tàu mang người di dân đến Nữu Ước đầu tiên. Tôi chỉ cho nàng cầu treo Brooklyn, với những sợi cable khổng lồ. “Nhàn biết không, đêm nay New York không ngủ. New York làm cả một nước Mỹ cũng không ngủ luôn”. “Tại sao vậy, thưa ông”“Tại vì mọi người đang hướng về New York trong đêm giao thừa. Có lẽ mọi người đều mở máy truyền hình để nhìn quả cầu khổng lồ ở Times Square được thả xuống đúng vào lúc đêm bước sang năm mới… Nhàn có thấy dưới đường kia không. Đại lộ American và đường số 5, rộng đến 6 lanes. Nhàn thấy cả đoàn xe đứng yên”. “Sao ông biết?” “Bởi vì chúng ta không thấy những ngọn đèn kia di động nữa”. “Đúng rồi. Ông hay quá. Chắc ông yêu New York lắm phải không?” “ Vâng. Nó làm tôi tìm lại một Sài Gòn xưa. Nó cũng có Phố Tàu, cũng có những quán cà phê lộ thiên, những vỉa hè đông như hội. Khi mình bước đi, mình không còn là mình nữa. Mình hòa nhập vào đám đông như dự phần vào một cuộc đại khiêu vũ…” “Chao ơi, ông kể làm Nhàn muốn chảy cả nước miếng…” “Nhàn ơi.” “Dạ. Thưa ông.” “Nhàn hãy tìm dùm tôi hướng nào là Việt Nam của mình.” Tôi hỏi Nhàn. Nhàn nhìn vào cõi đêm. “Thưa ông, hướng nào là Việt Nam. Em tìm không ra. Còn ông?” Tôi im lặng. Muốn nhìn thẳng vào đôi mắt để nói: “Tôi tìm được rồi.  Qua đôi mắt của em, qua giọng nói Việt Nam của em”.


Nhàn nhìn xuống thành phố. Người bạn gái nhỏ bé chắc buồn. Đôi mắt nàng long lanh. Hay là màu rực rỡ của New York phản chiếu. Nhàn hãy đứng yên để tôi chụp một tấm hình. Tôi nói. Nhàn nghe lời. Tôi điều chỉnh ống kính. Phía sau nàng, là cả một thành phố với muôn triệu ức ngọn nến đêm lung linh trang điểm như một bức tranh vĩ đại. Nhàn ơi, em biết không, tay tôi đang run đây. Tim tôi đang đập đây. Lòng tôi đang bồi hồi đây. Hãy cười. Hãy lung linh đôi mắt. Hãy co ro trong chiếc áo lạnh. Để tôi không bao giờ quên có một cơn mơ, một giấc chiêm bao trên tận cùng của chóp đỉnh Twin Towers, đêm cuối năm huyền nhiệm này.

 

Đêm còn lại, hai người đã hoà mình vào dòng thác người đông như kiến cỏ. Hầu như người mọi nơi đều đổ xô về Times Square. Đêm lạnh căm căm cùng những cơn gió lồng lộng thổi về từ sông Hudson. Trái cầu khổng lồ vẫn chờ đợi ở trên dàn. Đường Broadway, đường số 5, 6, 7 không còn di chuyển xe cộ được nữa. Nhạc Giáng Sinh tiếp tục lướt thướt từ những khu shopping gần đấy. Trời không tuyết nhưng trời lạnh xuống dưới độ đông. Hai người cầm tay nhau để khỏi lạc.  Không ngượng ngùng. Không có cả một áng mây vẩn đục che xám cõi lòng. Đêm nay. Đêm của điều ao ước. Đêm của rượu nồng hạnh phúc cho cả năm và cả đời. Đêm của resolution. Dù phương Tây hay phương Đông. Thì ra ở đâu, nhân lọai vẫn có những giây phút hướng về hy vọng. Dẹp nỗi buồn sang một bên. U uẩn mãi có ích gì.Nhàn ơi, cám ơn cô bạn nhỏ, cám ơn tuổi trẻ, cám ơn cái giây phút mầu nhiệm, để mọi điều chân thiện mỹ, hạnh phúc, tốt đẹp, bình an, len nhập vào trái tim của mỗi con người. Cám ơn Nữu Ước, thành phố không phải là quả táo mà là trái tim…Rồi quả bóng khổng lồ đã được thả xuống thật chậm. Chiếc kim đồng hồ to lớn trên khu Times Square vẫn tiếp tục nhích từng giây, cùng theo tiếng đếm vang rền: ten, nine, eight, seven, six, five, four, three, two, và one. Rồi một tiếng pháo nổ lớn cùng cả muôn hàng tia pháo bông rực rỡ in trên bầu trời đen đặc, tiếp theo là cả một tràng sấm động của mừng vui, của muôn lời chúc tụng, của bài hát Auld lang syne:  Should old acquaintance be forgot and never brought to mind.  Should all acquaintance be forgot and auld lang syne. Và trong giây phút ngất ngây kỳ diệu, tôi và Nhàn đã ôm choàng lấy nhau. Rõ ràng chúng tôi đã không thể cưỡng chống lại cùng niềm kích ngất này. Có chất rượu nào say hơn. Tôi nhìn vào đôi mắt của người con gái: “Nhàn có ước ao gì cho năm mới không?” Người con gái nhắm mắt lại. Ánh sáng từ những tia pháo bông làm gương mặt nàng sáng lung linh. “Em ao ước...” Nàng ngừng nói. Tôi hiểu. Rất hiểu. Ai cũng có một người rất thân yêu được cất giữ trong con tim. Và Nhàn cũng vậy. Tôi cũng vậy. Cũng có một người nữ, đến với tôi bằng tất cả linh hồn và thể xác. Nàng đã ngửng mặt, ngửng đầu vì tình yêu, không bao giờ đặt những câu hỏi. Tôi nói với người bạn học: “Vâng, tôi xin tôn trọng niềm ao ước của Nhàn. Này, Nhàn hãy đặt một bàn tay lên tim và ao ước đi… Cả những gì Nhàn muốn thực hiện… Đêm nay linh thiêng lắm. Dường như mọi lời ao ước của chúng ta đều được các thiên thần lắng nghe..”. “Thật như vậy, phải không ông?” “Vâng. Nhàn thấy cả trăm ngàn người Mỹ đổ về đây đêm nay”  “Vâng, thì em sẽ ước. Ông đừng nhìn, em mắc cỡ lắm đó” Rồi Nhàn nhắm mắt lại. Thành khẩn. Dịu dàng. Như một người nào. Xa xưa lắm. Mênh mông lắm. Vô lượng lắm. Phải. Em đã lay động con tim ngỡ một lần chai sạn. Ngày ấy, anh đã nằm trên giường bệnh xá, để quằn quại với vết thương, để đau đớn với những cơn đau nhức, để cắn môi bụm miệng mà giữ chặt nỗi cô đơn cho khỏi trào ra, biến thành nỗi hẩm hiu chai cứng. Mùi ê te hăng hắc. Chai nước biển bên cạnh đầu giường càng lúc càng vơi dần. Người y tá gốc thiểu số mỗi ngày đẩy chiếc xe dụng cụ y tế đến giường, thay băng. Viên bác sĩ với cặp kính cận thị đầy soi mói, lục tìm dưới gối những viên thuốc ngủ… Vâng, qua em, tôi thấy lại một người. Tội cho tôi, sương thì sương, suơng che tầm mắt, nhưng người thì hiện bên trời. Dịu dàng như ngưòi nữ tu buớc vào cửa thánh. Mềm yếu như áng mây trời, loãng đi, loãng dần trong vùng suơng và khói. Mong manh như chút hạt sương. Người đã gọi tôi bên trời. Ai nói với tôi một câu: “Nhàn vẫn đẹp như dạo nào, vẫn thánh thiện như dạo nào.” Trời ơi, tại sao tôi lại tàn bạo đến như vậy. Đến gần cuối cuộc đời, cả lòng tôi vẫn còn sân si. Tôi nhắm mắt trong một giây một phút. Cái kiêu hãnh của một tên đàn ông nay đã tàn lụi. Tôi phải làm gì để tạ tình, để hết gọi kêu giữa trùng thẫm, để thôi chạy Đông chạy Tây bắt chụp lấy hình. Tôi phải làm gì để trải con tim của tôi cho một lần, rồi thôi rồi hết. Tôi phải làm gì để một lần nào đó, khi tôi nhắm mắt, khi tôi khép lại cánh cửa thế gian, thì lòng tôi sẽ phải bình thản, vì có người sẽ tha thứ cho tôi, từ bi từ độ vì tôi. Vâng. Tôi đã biết lỗi rồi. Con ma ám chướng đã qui hàng ngã quị rồi. Vết thương lòng từ lâu ngỡ đã được vá lành giờ đây lại thêm một lần bị vỡ nhọt. Vâng, Nhàn ơi, anh hiểu rồi. Và đêm nay, anh cũng xin ao ước như mọi người. Không tiền bạc. Không sang giàu. Không nhà nhiều phòng, xe tốt. Chỉ có một điều. Duy nhất. Cầu chúc những người gặp nhau sẽ không bao giờ chia xa…

 

Bây giờ lại thêm một ngày cuối năm nữa lại về trên đất khách. Trở lại dòng sông này mấy bận. Bên kia thành phố đã lên đèn. Cơn mưa nhòa nhạt hoàng hôn lạnh. Chiều cuối năm trời mau tối thêm. Đàn chim biển trên bến phà gọi nhau náo lọan. Những con tàu nằm bất động bên bờ xa. Đằng sau tôi, dãy building nội trú im lìm. Vài ô cửa thấy thấp thoáng ánh đèn. Tôi biết hầu hết sinh viên đều trở lại nhà trong mùa Season greetings này. Tôi tìm trên ấy một ô cửa. Ô cửa đã không còn ánh đèn. Ô cửa đã đóng lại, bởi vì người bạn học nhỏ bé ấy đã bỏ trường bỏ lớp để trở lại cùng quê hương.Tôi đang thấy lại người. Người đứng ở bên này sông, sông mờ theo mây thấp, và tóc người bay cuống quít, và những ngón tay người giữ lấy những sợi mây mềm. Tôi đang nghe tiếng nói của người. Tôi thấy dáng dấp của người. Trong phòng lớp. Từ chiếc ghế đầu bàn. Trong thư viện. Bên này, bên kia, bàn xanh, và hồn sách vở. Trong nhà ăn, trưa đói cồn cào, mệt lả sau giờ lab, và những cọng french fries vàng ngậy giữa hai bờ môi xinh. Trong câu lạc bộ sinh viên người lạc lỏng không bạn bè, đứng áp mình vào khung cửa kính, nhìn dòng Hudson. Dưới ánh đèn đường vàng vọt của con đường Sinatra, dẫn xuống phố. Gió sông thổi lạnh người, tôi thấy hai vì sao, và bờ vai gầy run rẩy. Và một đêm trên Twin Towers. Một Twin Towers đã bị bức tử trước cái thù hận ác độc của một lũ người man di mọi rợ. Một Twin Towers chỉ còn là giấc chiêm bao mà em như đứng đó như cả trăm năm trong đời tôi. Và một đêm giao thừa trên Times Square. Và cái giây phút vĩnh cửu khi chúng tôi cùng chúc tụng cho nhau những lời chúc thành thật nhất, yêu dấu nhất. Chắc là những gì mà người con gái ao ước khi nàng nhắm mắt lại, giờ đã được toại nguyện. Còn tôi, cuối cùng, vẫn là một giấc mơ. Cánh chim đã bay về miền Nam, tìm nơi có nắng ấm. Chỉ còn lại một mình tôi. Chờ đợi ai. Chờ đợi điều gì trên bờ sông Hudson của ngày cuối năm này.

Trần Hoài Thư
6/12/1996 – 10/2001

Một ngày tháng chín

Thôi cũng tạ từ nhau tháng chín
Tạ từ. Người có nhớ gì không?
Một lần sum họp rồi hai ngả
Hai nhánh sông xa đến não nùng

Tháng chín. Trời ơi là tháng chín
Để đồi vàng lá ở bên sông
Để sông hun hút bờ vô tận
Để nhớ nhung nhung nhớ chập chùng

Mênh mông. Còn lại đây lòng lạnh
Dường như có những dấu chân êm
Dường như có cả mồ phong diệp
Trên bãi lòng ta đang ngủ yên

Tháng chín. Ừ. tháng này tháng chín
Ngày này như ngày khác. Thời gian!
Sao ta thì khác, ta thì khác
Mùa thu về ai tặng vết thương!

Tặng ta ánh nắng hoàng hôn lụa
Bờ vai gầy, đôi mắt nọ, bờ môi…
Tặng ta cái bóng thời si dại
Tràn ngập lòng xe ấm chỗ ngồi

Giờ đây, tháng chín vàng bên ấy
Bên này, có kẻ lại bâng khuâng
Cầu xưa mấy nhịp dài sông nước
Có nối dùm ta nỗi nhớ mong

TRẦN HOÀI THƯ