Món Quà Ngày Chủ Nhật

Trong những năm gần đây ở Sài gòn các vị lãnh đạo tôn giáo đua nhau xuống đường biểu tình loạn xà ngầu khiến tôi đâm ra ngao ngán coi nhẹ tôn giáo và xem thường đức tin của mình.  Tôi là Phật tử nhưng chỉ đi chùa khi phải đưa mẹ đi, giỏi lắm là một năm ba lần:  Tết nguyên đán, lễ Phật đản, và lễ Vu lan.  Tôi cũng đi nhà thờ Công giáo một năm đôi ba lần khi có bạn rủ đi.  Giáng sinh đi lễ nửa đêm là dịp đáng nhớ nhất:  Hai phe đồng ý hưu chiến, lệnh giới nghiêm tạm đình chỉ, và mọi người đổ xô ra đường hưởng đêm “Sài gòn không giới nghiêm” ngắn ngủi.  Những lần đó, các bạn gọi nhạo tôi là dân “đạo dòng” – đi lòng dzòng mua vui.

Tôi chưa bao giờ đi nhà thờ Tin lành và hầu như không biết gì về đạo này.  Ngoại trừ các bạn người Mỹ, tín đồ Tin lành duy nhất tôi quen là Thanh Phú, người yêu cũ của thằng Tú bạn tôi.  Nàng dịu dàng và hiền lành, không bao giờ than vãn điều gì hay trách cứ ai, và đặt đức tin tuyệt đối vào đấng tối cao,

“Chúa an bài mọi việc, mỗi việc Người sắp đặt đều có mục đích riêng, và làm con của Người trên thế gian phải tin tưởng vào sự sáng suốt của Người.”

Tôi nhớ ngày tôi lên tám, học lớp nhì (lớp 4) trường Vinh Sanh thuộc nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn, và trên đường đi học về, đi ngang qua một bãi đất trống và tò mò dừng lại xem cặp vợ chồng mục sư Tin lành người Mỹ giảng đạo với đám đông gồm trẻ em và người nghèo khổ rách rưới.  Sau khi phân phát các gói bột bắp lớn và một đống áo quần cũ màu sắc lòe loẹt rộng thùng thình, ông mục sư nhắm tít mắt, đưa hai tay thành chữ V lên trời, và cất cao giọng nói tiếng Việt lơ lớ,

            “Các con hãy đến đây, hãy cùng ta ca ngợi Đức Chúa Trời.  Hãy tin vào Chúa, hãy làm con của Ngài.  Để được Ngài cứu rỗi, và linh hồn được giải thoát.  Đến đây, đến đây!”

Những kẻ khốn khó co ro đứng sắp hàng “tin vào Chúa” để lãnh 20 đồng, món tiền vừa đủ mua năm cuốn vở học trò 100 trang.  Bao bột bắp tôi lãnh về nhà lần đầu bị mẹ bắt đi đổ vì “để chật nhà” và không biết dùng làm gì.  Áo quần cũ người lớn lãnh về có lẽ cũng chịu chung số phận.  Những tuần lễ kế tiếp, ông mục sư tiếp tục rao mời như trước, và hàng người xin “được cứu rỗi” vẫn là những người đã lãnh tiền tuần trước, và tuần trước nữa.  Hình như đối với ông bà mục sư, khuôn mặt An nam nghèo đói xác xơ nào cũng giống nhau.  Tôi kể lại với mẹ giữa lúc mẹ đang nói chuyện với mấy bà bạn hàng xóm.  Một bà nhổ phẹt bãi nước trầu, lấy ngón tay vét môi, và cười khì khì,

            “Mấy chị ơi, đạo giáo chi mà cho phép cha cố lấy vợ đẻ con?  Đêm lục đục với vợ mệt phờ râu và ngày lo cơm nước gạo tiền cho vợ con thì còn đâu tinh thần mà dẫn dắt con chiên?”

            “Chị nói y hịch ý tui!  Muốn có vợ thì dù là cha cố cũng phải ve vãn kén chọn cô này cô nọ, tránh sao khỏi ba cái dzụ mèo chuột ghen tương.  Tưởng tượng ông cha đứng giảng kinh trong khi mấy cô chửi bới giành ‘cha’ ầm ỹ bên dưới, tui tức cười bể bụng,” một bà khác bập bập điếu thuốc Cẩm lệ bàn góp.

Chuyện ấy, tôi nhớ mãi.  Nhưng trời không chiều lòng người, ghét của nào trời trao của ấy.  Mặc dù tôi nhất định không dính dáng tới các cơ quan thiện nguyện đại diện tôn giáo, cơ duyên dun rủi khiến tôi được Cơ quan Di trú và Tỵ nạn Lutheran của đạo Tin lành tìm kiếm để bảo trợ.  Lúc ở bên nhà, tôi nghe nói mục sư Tin lành “Baptist” truyền giáo cho người Thượng trên vùng cao nguyên, nhưng chưa hề nghe tên “Lutheran.”  Trong trại Trại Pendleton, tôi học được Lutheran là giáo phái Tin lành lớn gắn bó chặt chẽ với giáo huấn của nhà thần học người Đức Martin Luther (1483 – 1546).  Ông là người đầu tiên hô hào phong trào cải cách đạo Thiên chúa, bác bỏ uy quyền của Giáo hội Công giáo La Mã và giáo hoàng, và khởi nguyên đạo Tin lành.

Lutheran và Baptist, cùng với sáu giáo phái khác như Adventist, Anglican, và Methodist là tám giáo phái Tin lành chính ở Hoa kỳ.  Ngoài ra, còn có trên một chục giáo phái Tin lành nhỏ hơn như Quaker và Irvingian, và vô số tòng phái.  Các tòng phái rất đa dạng, thường bắt buộc hay khuyến khích giáo đồ theo một nếp sống khác biệt nào đó, và hành đạo dưới nhiều danh xưng khác nhau như “nhà thờ,” “quy ước,” “hội đồng,” “nhà,” “liên minh,” và “hội tín hữu.”  Những giáo phái và tòng phái Tin lành hoạt động riêng rẽ, độc lập với nhau, và có quy luật, tín điều, và cách thờ phượng riêng, tuy tất cả đều tin Chúa Giê-su là đấng cứu thế.

Hôm nay là Chủ Nhật, ngày thứ ba tôi ở Bismarck.  Buổi sáng, ông Gardner đến đón gia đình tôi đi nhà thờ và cho biết tôi sẽ có một tiết mục trong buổi lễ.  Nhà thờ Ba ngôi Lutheran nằm cùng một khu phố với nhà tôi ở, qua khỏi sân sau là tới bãi đậu xe của nhà thờ.  Gia đình tôi ngồi ở hàng ghế dài đầu tiên trong nhà thờ với ông bà Gardner, ông là Chủ tịch ban Trị sự của nhà thờ Ba ngôi Lutheran.  Trong bộ áo lễ màu trắng viền đen trang trọng, Mục sư Nielsen đứng chủ lễ.  Lễ Tin lành ít theo nghi thức hơn lễ Công giáo tôi có dịp dự, và tín đồ hát thánh ca nhiều hơn.  Trong tiếng đàn đại phong cầm, lời thánh ca thanh thoát nhẹ nhàng mà tôn nghiêm.  Bài giảng của mục sư chú trọng quanh nghĩa vụ của tín hữu Thiên chúa giáo giúp đỡ những kẻ khốn khó mà không mong đợi được đền đáp.  Đặc biệt, ông nói, những người cần giúp đỡ hiện tại là gia đình tỵ nạn Việt nam mới tới; đó là chúng tôi.

Cuối bài giảng, ông Nielsen cầm một số báo Newsweek và đưa lên cao.  Cùng với tờ Time, Newsweek là một trong hai tuần san nổi tiếng phát hành tại Hoa kỳ và lưu hành khắp thế giới.  Số Newsweek đăng bài viết của Shana Alexander (1925 – 2005) về người tỵ nạn Việt nam, cô ký giả lo ngại họ chưa biết sử dụng máy giặt và máy sấy quần áo và không biết Michelangelo là ai thì làm sao sống nổi ở đất Mỹ.  Ông mục sư lên giọng,

Bài báo này tượng trưng cho sự hợm hĩnh và lòng ích kỷ mà Chúa dạy phải lánh xa.  Hôm qua, Bà Nielsen và tôi thù tiếp gia đình tỵ nạn của chúng ta và được hưởng một buổi tối thú vị.  Họ là những người thông minh nhất mà tôi gặp, và hai cô gái nấu ăn tuyệt vời.  Ba Hoa, chúng tôi may mắn được có gia đình anh ở đây.

Trên bục giảng kinh, ông Nielsen quay mặt xuống nhìn tôi; “Bà Nielsen” là bà Lorene vợ ông.  Tôi suy nghĩ về bài báo và nhủ thầm, học cách sử dụng máy giặt máy sấy không thể mất hơn dăm ba phút đồng hồ, sao làm như ghê gớm lắm?  Michelangelo là điêu khắc gia, họa sĩ, kiến trúc sư, và thi sĩ người Ý Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475 – 1564) sống vào thời Phục hưng ở Âu châu, công trình của ông gây ảnh hưởng vô song vào sự phát triển nghệ thuật tây phương.  Nhưng có phải người Mỹ nào cũng biết đến nhà nghệ sĩ đại tài này đâu, phần nào thôi chứ!

Tiếp theo, ông Gardner lên trình bày vắn tắt cuộc hành trình tìm tự do của gia đình tôi, ca ngợi chúng tôi là “những kẻ can đảm nhất,” gọi tôi là “người anh hùng” đã dẫn dắt gia đình đến nơi chốn an toàn, và cho biết cha mẹ đang ở trong trại Đồn Chaffee ở tiểu bang Arkansas và,

Nhà thờ Ba ngôi sẽ tiến hành việc bảo trợ ông bà ra đoàn tụ với các con, một khi Ba Hoa kiếm được việc làm bảo đảm sự ổn định kinh tế cho gia đình.

Nghĩa là muốn sớm gặp lại mẹ, tôi sẽ phải có việc làm càng sớm càng tốt.  Đến lượt tôi, tôi giới thiệu Quỳnh Châu và các em, cám ơn họ đạo đã bảo trợ và giúp đỡ chúng tôi trong bước đầu sống nơi xứ lạ, và ước vọng,

Hôm nay chúng tôi là người tỵ nạn, nhưng chắc chắn ngày mai chúng tôi sẽ là những công dân xứng đáng, góp sức xây dựng Hiệp chúng quốc Hoa kỳ ngày càng tốt đẹp hơn.

Sau lễ, chúng tôi theo ông Gardner xuống tầng hầm nhà thờ, vào một phòng hội lớn, dùng bánh ngọt và rượu táo hâm nóng và cà-phê, và gặp gỡ các người trong họ đạo.  Vừa vào phòng, các em tôi được mấy nhóm thanh niên trẻ cùng trang lứa chào đón và đưa về bàn mình trò chuyện.  Riêng Bình, không hổ là giáo sinh ban Anh văn của một đại học uy tín ở Việt nam, em duyên dáng và lưu loát kể chuyện di tản, và những người bạn mới kính phục nhìn em như muốn uống từng lời nói.  Ước chi tôi chụp được tấm hình cảnh nói chuyện đó để gửi cho tờ Newsweek.

Tôi và Quỳnh Châu tiếp những người lớn tuổi hơn.  Họ bắt tay chúng tôi và chào mừng, chúc mừng, và chúc may mắn trong những ngày sắp tới.  Sau cùng, một anh khoảng ba mươi tuổi, người cao lớn dềnh dàng, và giọng nói oang oang đến tự giới thiệu là Mike (tên tắt của Michael).  Anh làm giáo sư trường trung học Bismarck và tuần tới sẽ lo việc ghi tên cho hai em Lâm và Trọng đi học; anh hỏi tôi,

            “Tôi đọc tập sách về người tỵ nạn Đông dương do bộ Ngoại giao phân phối thì thấy nói phần lớn người Việt ở trong những túp lều tranh ở ngoài đồng.  Điều này có đúng không?”

            “Đúng, nhưng vào khoảng . . . ba hay bốn trăm năm trước, ngày Hoa kỳ chưa ra đời.  Lúc ở trong trại tỵ nạn, tôi cũng đọc tập sách đó và vô cùng ngạc nhiên khi thấy một tài liệu do chính phủ Hoa kỳ ấn hành mà lại chứa nhiều dữ kiện quá ư lỗi thời đến thế.  Tôi xem phần tài liệu tham khảo thì thấy tác giả dùng toàn sách cổ do người Pháp viết từ thế kỷ thứ 17 hay 18,” tôi cười nửa miệng lắc đầu.

            “Tôi cũng thấy nói khi gặp các em bé thì không được xoa đầu vì đó là điều tối kỵ.  Tại sao?” Mike hỏi thêm.

            “Tôi không biết, có lẽ là tục kỵ vào một thời xa xưa nào đó.  Dầu sao cũng không nên xoa đầu một cậu bé và làm rối bù mái tóc của cậu ta,” tôi nói đùa.

“Tôi không lấy làm lạ đâu Ba Hoa.  Ở xứ Mỹ này, ai cũng nói công chức quan liêu của chính phủ liên bang chẳng mấy khi làm được việc gì cho đàng hoàng,” Mike kết luận.

Chiều Chủ Nhật, khách tới nhà tôi nườm nượp.  Người trong họ đạo mang tặng chúng tôi đủ thứ áo quần và đồ dùng trong nhà.  Áo quần được giặt sạch và gấp xếp thẳng thớm hay nằm ngay ngắn trên móc áo, phần lớn đã dùng một vài lần, nhưng có một số còn mới toanh và còn nguyên nhãn – với giá tiền đã được cẩn thận lấy ra.  Trong số các đồ dùng, những dụng cụ nhỏ như máy đánh trứng làm bánh, máy xay trái cây, bàn ủi, v.v. được đóng gói trong hộp nguyên thủy và còn tờ chỉ dẫn cách sử dụng.  Quà tặng đi kèm theo với những lời chúc lành thiết tha, những câu an ủy chí tình, và lời lẽ khiêm tốn khiến chúng tôi cảm động vô cùng.  Có người cám ơn chúng tôi đã đến và cho người Mỹ thấy tự do không phải tự nhiên mà có.  Một ông trạc dưới bốn mươi (sau này tôi mới biết làm bác sĩ) đưa cho tôi chiếc phong bì đựng tờ bạc một trăm đô la kẹp trong tấm thiệp ghi “A gift of love” (Món quà yêu thương).  Ông mong tôi nhận tiền mà đừng phiền lòng, vì đáng lẽ ông phải đưa tôi đi mua đôi giày mới.  (Có lẽ ông thấy đôi giày há mõm lúc tôi lên phát biểu ở nhà thờ.)

Lần đầu tiên tôi hiểu thấm thía câu ngạn ngữ Pháp “Cách cho còn hơn của đem cho” (La façon de donner vaut mieux que ce qu’on donne), câu nói của nhà soạn kịch người Pháp Pierre Corneille (1606 – 1684).  Cùng với Molière và Racine, Corneille là một trong ba nhà soạn kịch vĩ đại nhất của Pháp vào thế kỷ thứ 17.  Từ cách cho của họ đạo, món quà quý giá nhất tôi nhận được hôm nay là tấm lòng nhân ái giữa người và người, không phải giữa người bảo trợ và người tỵ nạn.  Món quà ấy tôi dùng mãi dùng hoài trong đời, không bao giờ vơi cạn.

Riêng về “món quà” phủ đầu của Shana Alexander, tôi cũng luôn luôn mang theo trong mình.  Nhờ cô mà trong suốt 37 năm làm việc và đi học ở North Dakota, tôi nguyện với lòng lúc nào cũng phải giỏi hơn người Mỹ trong hoàn cảnh tương tự – và tôi đã thành công.  Nhưng tôi không biết ơn cô hay tờ Newsweek.

Nguyễn Ngọc Hoa                       

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s