Tiểu thuyết
Từ những câu chuyện có thực
Nắm bàn tay năm ngón
Đếm từng ngón tay buồn
Những quyết định đau thương
Từng chương của cuộc đời
Chương ngón cái mạnh mẽ
Ra đi, ra đi
Tiếng lòng SÔNG NÚI
Việt mang một cảm giác rạo rực khó tả, đã ba giờ sáng mà vẫn chưa chợp mắt được, dù tự ru mình bằng Triết Lý An Vi từ giữa khuya. Cuốn sách Chữ Thời (Triết Lý An Vi) của thầy Kim Định* bấy lâu nay anh gối đầu giường cùng với những cuốn Các Cuộc Hoại Thoại Của Socrates**, The Republic của Platon***; Chính Trị Luận của Aristotle****… (*Lương Kim Định (1915 – 1997) – Giáo sư, Linh mục, Triết gia miền Nam Việt Nam, sau 1975 ông định cư tại Hoa Kỳ; **Socrates (469 TCN – 399 TCN), ***Platon (427 TCN – 347 TCN), ****Aristotle (384 TCN – 322 TCN): 3 Triết gia lỗi lạc của Hy Lạp cổ đại). Thực chất thì anh chưa đọc kỹ, chưa hiểu sâu được An Vi của Thầy cũng như các cuốn khác, chỉ để đó mà nâng niu, mà lật dở từng trang giấy thơm tho rồi mộng tưởng và dành cho mai sau. Trong Việt tồn tại vùng mộng mơ như sương khói lãng đãng bao phủ rất rộng, sương khói hiển hiện thực tại chứ không hư vô, vô tác dụng trong cuộc sống, nó phù hợp với ý tưởng kết nối triết học hàn lâm với cuộc đời, một cách nhìn triết học không gì là quá cao siêu, không vượt quá sự hiều biết bình thường, những con người bình dị chứ không cần phải có một bộ óc thông thái cũng có thể hiều rõ và vận dụng. Đây cũng là những ý dễ hiều hơn ở cuốn Nhân Bản cũng thầy Kim Định.
Xét theo khía cạnh cảm xúc, trong Việt mang một thái độ hiện sinh thì đúng hơn. Chỉ là một thái độ chứ chủ nghĩa thì không, Việt không thích những điều to tát, chủ nghĩa nghe lớn lao vô cùng. Cũng như anh thích sự tự do nhưng chưa bao giờ gán ghép từ chủ nghĩa vào từ này. Chủ nghĩa, người ta đem gán ghép vào nhiều ý niệm khác dễ dàng lừa mị nhau, dễ dàng đồng hóa những cá thể riêng biệt.
Nửa giờ sau thì Việt cũng chìm được vào giấc ngủ mơ mơ màng màng. Cũng chẳng lâu lắm thì anh thức giấc. Việt chợp mắt được một tiếng rưỡi đồng hồ. Song, anh chẳng thấy mệt mỏi vì sự thiếu ngủ thường hay gặp, vẫn sảng khoái như vừa thức dậy với cơn ngủ thiệt sâu.
Việt bước ra trước ban công, bầu không khí yên bình và trong lành càng làm anh sảng khoái hơn nữa. Ngôi nhà của Việt ở đầu khu phố, chính xác hơn là đầu ngôi làng, có hẳn tên là làng hoa hoặc làng rau Cây Trâm* mà. (*Làng Cây Trâm thuộc Gò Vấp, Gia Định xưa). Ngôi làng nhà còn thưa thớt và phần nhiều là nhà trệt lợp ngói vảy cá, một số xưa hơn thì lợp ngói âm dương, hầu hết các nhà đều có vườn tượt, những ngôi nhà lấp ló phía sau hàng rào cây dâm bụt tươi tốt, xanh rì với những bông hoa đỏ chót đó đây tô điềm và một khoảng sân rộng cùng các loại cây trái trồng xung quanh như nhãn, khế, vú sữa, xoài, chuối, lồng mứt, nhiều hơn hết là những cây bông mai… Đất trồng bông, trồng rau thì bạt ngàn.
Việt hít thở thiệt sâu, hương hoa, hương cỏ lá lấp đầy lồng ngực thì làm sao mà không lâng lâng cho được. Và trời bắt đầu hừng sáng. Ở trên cao anh nhìn được bao quát, nhìn thấy phía xa xa một vùng ửng màu cam cùng những tia sáng chiếu lên nơi chỗ mặt trời sắp mọc. Bầu không khí càng trong hơn và có màu vàng vàng tựa mùa thu mặc dù nơi đây những mùa màng đều không rõ rệt, chỉ rõ về hai mùa mưa nắng. Việt đang tìm từ ngữ để đặt tên cho bầu trời, anh nảy ra được ý và rất tâm đắc với nó, đó là bầu trời khai sáng, bầu trời khai sáng buổi nguyên thủy khi đã bị màn đêm chế ngự bằng một màu tăm tối.
Lý ra, với buổi bình minh tuyệt vời như thế này thì Việt sẽ chế một ly cà phê, vừa nhấm nháp vừa tận hưởng. Nhưng bữa nay anh có lý do khác nên dễ bề bứt ra được sức quyến rũ khai sáng, có lý do quan trọng hơn nhiều, lý do anh chờ đợi đã từ lâu lắm rồi.
Việt bước xuống gian nhà bếp, gặp mẹ anh đang lui cui nơi này. Bà hỏi:
“Bữa nay con ăn sáng ở nhà hay ở ngoài. Ở nhà thì ăn gì nè?”
Việt bóp bóp vai mẹ:
“Dạ, con ăn ở nhà, nhưng để con tự làm, Má khỏi phải lo.”
Bà nói kiều hờn dỗi nhưng thực tình là mắng yêu:
“Cha bây chớ, giỏi rồi hen, đâu cần cái thân già này nữa.”
Việt tựa đầu vào vai bà:
“Má cũng phải để cho tụi con lớn lên chớ, biết tự lập một chút, chớ Ba Má bảo bọc riết thì biết làm gì mà ăn.”
Bà nói vẫn với giọng cũ:
“Ờ, bây lớn lên đủ lông đủ cánh rồi thì bay mất, mất tiêu luôn thôi.”
Việt cười khì:
“Dạ, bay cao luôn, bay mất tiêu… thẳng vô cái ổ của Má luôn.”
Bà đứng dậy:
“Giỏi nịnh lắm. Thôi, muốn tự làm thì làm đi. Má ra ngoài vườn đây.”
Việt lục lạo và lào xào trong bếp một chặp thì có chảo cơm nguội chiên cùng với trứng và một ít cá khô ăn ngon lành, bữa nay anh khoái mặn mòi hơn nên không xài cá hộp. Món cơm nguội là bạn đường của các chàng học sĩ qua từng năm tháng. Nhứt là với những anh chàng sẵn sàng ga lăng hết cỡ với bạn bè, dĩ nhiên đặc biệt là với các bạn gái nên túi tiền rất dễ ư là vô thiên… lủng, lủng túi theo nghĩa bóng chứ không phải là nghĩa đen của vô thiên là rất nhiều.
Lấp đầy cái bao tử, Việt dắt con “chiến mã” láng mượt nhờ anh lau chùi hàng ngày ra nổ máy chạy đi. Con chiến mã của Ba tặng mừng nỗ lực học tập của chàng Tú Tài I* cách đây một năm, chiếc Honda 67 mơ ước của những ước mơ. (*Gọi là Tú Tài Một hoặc Tú Tài Bán Phần: chứng chỉ được cấp sau khi thi đậu cuối năm lớp Đệ Nhị tức lớp11; Tú Tài II là Tú Tài Hai hoặc Tú Tài Đôi hay Tú Tài Toàn Phần: chứng chỉ được cấp sau khi thi đậu cuối năm lớp Đệ Nhứt tức lớp 12)
Việt chạy đều đều, chầm chậm, phố xá bữa nay bỗng sáng hơn, đẹp hơn, người người vui hơn, mọi khi anh vẫn dòm ngó phố xá nhưng không thấy đặc biệt như hôm nay. Anh không dám chạy nhanh, trong người cảm giác đang bay bay với con chiến mã, đang bay bỗng giữa những đám mây… phố phường, đang bay bay về phía chưn trời, bay về phía khai sáng có màu cam ửng đỏ tuyệt đẹp còn đọng trong tâm trí.
Rồi Việt cũng tới được nơi cần tới, đây là đường chưn trời, nơi khai sáng trong đời thực của anh. Cánh cổng trường đại học chính là nó, là đường chân trời, cánh cổng đã mở toang chào đón sự cần khai sáng, chào đón phía trong là một bầu trời đầy ánh sáng hân hoan. Việt dắt xe qua cánh cổng cũng chẳng khác gì tâm trạng lúc đang chạy xe, còn hơn thế nữa, anh đang bước đi trong mây bồng bềnh, những thiên thần ẩn hiện đó đây trước mắt Việt.
Trường còn rất vắng. Còn lâu mới tới giờ làm việc mà. Chẳng sao cả, chẳng hề gì cả, anh còn có thêm thời gian chiêm ngưỡng nơi truyền cho mình dâng trào niềm háo hức. Việt lang thang trong sân trường, thang thang qua từng dãy nhà, qua từng phòng học. Nơi nào cũng lạ lẫm, lạ lẫm vô cùng từ ngay ngoài cánh cổng.
Một điều rất là kỳ lạ, rằng tại sao anh lại có cảm giác lạ lẫm này? lạ lùng vô cùng, lạ đến là khó hiểu. Nơi đây đâu có gì là lạ với đôi mắt của Việt. Đã hai năm trời nay, từ ngày hướng tới nơi chưn trời này, anh yêu mến nó, nhớ nhung nó, chí ít một lần trong tuần Việt chạy qua rồi chạy lại ngang cánh cổng. Anh chẳng hề nề hà sự xa xôi, chẳng nề hà sự mất thời gian. Từ ngôi trường cùa mình, ngôi trường Petrus Ký* (*Trường Lê Hồng Phong ngày nay) ngôi trường mang tên nhà thông thái, nhà bác học Trương Vĩnh Ký mà anh rất thần tượng, anh có thể chạy một vèo về ngay nhà mình rất nhanh theo cạnh huyền của tam giác vuông, chứ lý nào lại thích đi xa xôi hơn trong cả lúc nắng gay gắt, lúc mưa dầm lê thê, đi bằng hai cạnh góc vuông, một cạnh là con đường từ trường đi thằng xuống, đó là con đường Hồng Thập Tự* (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay), con đường vuông góc, con đường Cường Để* (đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay) là cạnh vuông góc còn lại. Ngay góc vuông Việt quẹo phải, một đoạn thôi, chỉ chừng một trăm thước thôi, đối diện bên kia đường là đường chưn trời của anh, Việt thỏa tích nhìn ngắm nó rồi anh chạy thẳng tiếp một đoạn đường với mấy hàng cây dầu to cao vút, mấy hàng cây tỏa bóng râm kín cả con đường mà miên man một chút, song, quay ngược xe trở về chạy ngang nhìn lại thêm một lần nữa. Có bữa Việt ngừng hẳn xe ngay trước đường chưn trời để nhìn một hồi thật lâu vào bên trong. Hai con đường và ngôi trường trở thành quen thuộc với Việt mà có lúc anh ngỡ đã là ngôi trường của mình, có lúc anh tính đi con đường khác, khi đi lại chạy trùng lặp hai con đường này.
Bây giờ thì lại lạ lẫm. Ngôi trường một chút nữa đây thôi sẽ chính thức là của Việt. Có lẽ rằng trong sự háo hức, sự hân hoan vẫn còn một nỗi lo lắng ẩn náu. Sự hòa quyện những trạng thái làm Việt lơ lửng.
Rồi cánh cửa phòng đăng ký mở ra. Việt chạy tới ngay, là một trong những người tới đầu tiên. Những gương mặt của những anh chàng những cô nàng làm cho căn phòng bay bỗng, làm cho căn phòng lơ lửng, căn phòng mới trước ít phút có vẻ đìu hiu, buồn một nỗi buồn cô đơn thì nay rạng rỡ, một đóa cúc vàng nở bừng lên với ánh sáng ùa nhanh vào. Việt đăng ký ngay tức thì, trong phút chốc anh đã có tên trong sổ. Việt sẽ là tân sinh viên của khóa tới, của ngôi trường Văn Khoa tiếng tăm lắm chứ* (*trường Đại học Văn Khoa, ngày nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Nỗi lo âu ẩn nấp bây giờ đã lặn mất tăm hơi về một cõi nào đó thiệt sâu thẳm, nhường hẳn chỗ cho niềm vui sướng tột đỉnh trong anh.
Việt đăng ký vào ban Triết không một chút đắn đo.
Trước đây thì Việt có sự đắn đo. Anh đắn đo giữa sự lựa chọn vào ban Văn chương hay ban Triết. Một miền đam mê văn chương mãnh liệt trong Việt thì không có gì bàn cãi. Nhưng hơn thế nữa, Việt cũng không đến nỗi tệ trong lãnh vực này, những bài thơ của anh chẳng được chuyền tay nhau và được tán thưởng đó sao, chẳng được đứng vào hàng đầu bảng của trường đó sao, bạn bè anh chẳng kỳ vọng anh rồi sẽ thành những Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Sơn… đó sao?! Những người mà Việt mê mẩn, những nhà thơ xuất thân ngay từ ngôi trường này, cùng những những nhà văn nữa, đó là Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng… Những nhạc sĩ, ca sĩ nữa chứ, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, nhạc Sĩ Đức Huy, Ca sĩ Hoành Oanh, ca sĩ Thanh Lan… Ngay cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, tuy không mang đời sinh viên ở ngôi trường “thần thánh” của anh, nhưng cũng đã chọn nơi đây làm sân khấu biểu diễn nhiều lần.
Nhưng rồi triết làm cho anh bừng tỉnh, như cách triết dân dã đã nói ở trên. Đôi khi Việt cảm thấy mình u mê, đôi khi thấy mình quá mụ mị, triết cho Việt nhặt nhạnh được những tia sáng lia qua sự u mê, mụ mị này.
Một lần Việt thấy ánh trăng chiếu vào một vùng mịt mờ, không chỉ vùng này thơ mộng hẳn ra mà ngay cả ánh trăng cũng sáng hẳn lên. Từ đó Việt ước vọng mình là người cầm những tia sáng quét vào đêm tối. Giống như thầy Kim Định, thầy Nguyễn Duy Cần, thầy Bửu Dưỡng, thầy Lê Tôn Nghiêm… Một điều Việt rất tâm đắc khi nhận ra rằng, trong triết có văn chương và ngược lại, trong văn chương có triết thì văn chương càng lấp lánh. Các thầy của ban Triết nhưng vẫn để văn chương chảy trong máu mình đó thôi chứ đâu phải cứ hễ triết là một sự lạnh lùng, một sự nghiêm nghị, một sự cao đạo… Văn chương còn chảy lênh láng, vượt tràn trong thầy Trần Bích Lan, những bài thơ đặc sắc của ông được ký dưới bút danh Nguyên Sa làm không biết bao người say đắm!
Việt nhảy chân sáo ngay nơi hành làng khi vừa bước ra khỏi nơi đăng ký, không có vẻ gì là ngại ngùng, không có vẻ gì là sợ gièm pha. Đối với Việt, tất cả xung quanh anh bây giờ là một bầy chim đang ríu rít, anh là con chim chiền chiện vút lên hạ xuống, là chim sáo hồn nhiên của những hồn nhiên.
***
Việt ngồi nhìn xa xăm gần như bất động, nhưng tâm trạng anh không thấy bản thân mình yên lặng, anh cảm thấy xung quanh có những sự chuyển động liên tục, chuyển động xoay vòng rất nhanh của vũ trụ, và anh cũng chuyển động với trạng thái không trọng lực trong đó, trong vũ trụ chuyển dịch liên hồi. Bất biến của vũ trụ chỉ dành cho những bộ óc ù lì, những bộ óc nhìn đường thẳng thì nó sẽ là đường thẳng, nhìn đường cong thì nó sẽ là đường cong, không cần biết phía cuối những con đường mà ta không nhìn thấy được nó ra làm sao, nó như thế nào.
Việt lơ lửng xoay hết phía này rồi phía khác, anh xoay tìm cho mình những tia sáng. Anh muốn sở hữu nó để đi xuyên qua tâm thức của con người, thay đổi nhận thức của con người.
Đôi khi Việt tự hỏi đây có phải là công dã tràng? có thể thay đổi được nhận thức chăng? hay ý thức là một bản chất tồn tại ấn định cho từng cá thể?
Việt không nghĩ vậy nữa khi liên hệ với bản thân và có câu trả lời. Chính anh, anh đã từng hấp thụ được không khí hòa trộn của hừng đông, để rồi anh đã được dạy cho một bài học khai phóng trong mình, đã được dạy cho một bài học nhân bản, những bài học quý giá vô cùng. Anh thay đổi hành động của mình khá nhiều từ đây. Trước đó Việt chăm chú hành động vụ lợi riêng, chăm chú những hàng động rất thực tế, Việt đã từng ghét cay ghét đắng những hành động phi thực tế, mỗi hành động đều phải hướng tới sự hưởng lợi của bản thân, có thể nói những hành động rất là vị kỷ. Những hành động được gọi là Hữu Vi.
Anh đã tìm được hành động An Vi. Một sự dung hòa giữa hành động Hữu Vi và Vô Vi. An Vi cũng hành động sát với thực tế chứ không rời bỏ cuộc sống như Vô Vi. Vô Vi luôn chối bỏ cuộc sống vì cho rằng thực tại vô giá trị, thực tại của cuộc sống chỉ là sự hư ảo, hư vô, Vô Vi không hành động gì cả dù có lợi cho bản thân, có thể nói Vô Vi là sự phó mặc cuộc đời, phó thác cuộc đời cho cuộc đời, không có hành động can dự nào cả.
Nói là một sự dung hòa cũng không đúng hẳn, chỉ là một ít thôi. Một ít hư ảo, hư vô cho những suy nghĩ mộng mơ thuộc Vô Vi, chứ Vô Vi có hành động gì cho cam. Một ít này để cho An Vi nhẹ nhàng cùng hành động, hành động tuy vẫn thực tế của cuộc sống nhưng hướng về một ý nghĩa cao cả, hướng về những kiếp nhân sinh chứ không vị kỷ, những kiếp nhân sinh cần phải có cuộc sống được hưởng thụ hạnh phúc và an lành trọn vẹn.
Việt mới hấp thụ hừng đông chứ chưa đủ khả năng tầm soát. Do đó anh đang cố gắng học hỏi để sở hữu những tia sáng, mong một ngày sẽ phát sáng An Vi.
“Làm gì mà suy tư quá vậy? Một mình trên giảng đường rộng thênh giống như một mình một ngựa băng qua sa mạc mênh mông để đến chiến trường quá hen.” – Một anh chàng vỗ vai Việt làm anh giựt mình. Sau đó thì Việt thực sự ở trong trạng thái yên lặng, bất động luôn ấy chứ. Anh rơi vào một khoảng thời gian vô thức. Người bạn nói tiếp và kéo Việt Đứng dậy:
“Đi, đi ra đây chơi.”
Việt bước đi theo bạn vẫn ở trạng thái vô thức. Ra khỏi cửa giảng đường anh mới sực tỉnh. Anh hỏi:
“Đi đâu đây?”
Bạn đáp:
“Cứ đi đi rồi biết. Chỗ này hay lắm đó.”
Người bạn kéo Việt đi ra con đường bên hông trường. Thì ra ở cuối con đường Thống Nhứt* (*đường Lê Duẫn ngày nay) giáp ngay cổng Sở Thú* này (*Thảo Cầm Viên), quẹo phải theo đường Nguyễn Bỉnh Khiêm* (*xưa nay vẫn là Nguyễn Bỉnh Khiêm) một đoạn thì có trường Nữ Trung học Trưng Vương. Các chàng Văn Khoa và cả các chàng Nông Lâm Súc* (*Tiền thân là trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc, năm 1974 đổi tên trường ĐH Nông Nghiệp Sài Gòn nhưng nhiều người vẫn quen với tên gọi cũ là Nông Lâm Súc), các chàng Dược Khoa*, (*trường Đại học Dược Khoa Sài Gòn, nay là Đại học Y Dược) các chàng ngụ cư ở phía đối diện cũng lãng vãng để mà tìm con đường tình tứ cho mình.
Vậy, trường Trưng Vương có gì đặc biệt ngoài là trường nữ? khi muốn tới được trường này phải qua một trường trung học nữa, đó là Trung Học Võ Trường Toản cũng rất nổi tiếng. Có đấy chứ. Có câu chuyện để các chàng ta ngân nga:
“Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ
Này Cô em tóc demi garcon
Chiều hôm nay xuống đường đón gió
Cô có tình cờ
Nhìn thấy anh không?…”
(Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ – thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy)
Câu chuyện rằng, trường vốn được chuyển từ Hà Nội vào đây ngay sau hiệp định Genève – 1954. Những cô bé Bắc kỳ nho nhỏ, xinh xinh vẫn nối tiếp học ở trường đã có tên từ miền ngoài này. Và, tất cả những gì lạ lẫm đều mang đến sự lôi cuốn, mang đến sự quyến rũ lạ kỳ.
Người bạn kéo Việt đi trong một tư tâm thế khá là hãnh diện. Hãy chấp nhận cho điều đó. Bởi, dù có thể hiện ra sao đi nữa, các chàng Nông Lâm Súc, các chàng Dược Khoa cũng làm sao sánh được với các chàng lãng tử hào hoa Văn Khoa. Các chàng đã để lại dấu ấn trên những con đường vốn là nơi thuộc về các nàng thong dong trong bộ áo dài thướt tha, khoan thai với cái cặp táp phía trước ngực:
“…Hỡi người tình Văn Khoa, bóng người trên hè phố
Lá đổ để đưa đường, hỡi người tình Trưng Vương…”
(Con Đường Tình Ta Đi – nhạc Phạm Duy)
Các chàng trai ngân nga, các chàng trai lẽo đẽo bước theo sau các cô gái mà tán hươu tán vượn. Rồi các chàng Văn Khoa trổ tài của mình. Các chàng sáng tác, sáng tác nhạc, sáng tác thơ, sáng tác văn. Các chàng giả đánh rơi đây đó, và các chàng ghim những bài thơ, những câu thơ đủ thể loại trên hàng cây cổ thụ, như thể cây cối là chứng nhân cho họ. Tất cả bắt đầu từ một mối, không thể khác được, phải lừ mối tơ lòng :
Hỡi người em gái Trưng Vương
Nhìn em chưa kịp (đã) vội thương suốt đời!
Ôi! người em gái Trưng Vương
Vừa ngang giáp mặt đã dường trăm năm!
Trưng Vương em gái Trưng Vương
Ngày đêm in dấu bóng hường trong ta!
…Rồi các chàng ta để lại địa chỉ:
Ơi người em gái Trưng Vương
Anh tên là… bên trường Văn Khoa
Trưng Vương em gái đẹp xinh
Anh tên là… xóm Đình nghen em
…Việt cũng mon men theo con đường tơ. Anh cũng dán hai câu vào thân cây sao:
Hỡi người em gái Trưng Vương
Em là cơn gió vô thường trong ta!
Cơn gió Trưng Vương vô thường mang nghĩa bóng đến với Việt. Cơn gió thoáng qua, cơn gió bay vào vùng quên lãng rất nhanh. Cơn gió đã thành cơn gió Vô Vi. Có một cơn gió khác đã níu chưn anh, trói người anh đã từ hơn một năm trước. Cơn gió bay bay trên con đường thẳng của tam giác vuông. Chính cánh cổng đường chưn trời là cầu nối anh đến với cơn gió. Cơn gió ở ngôi trường mang tên vì vua đã thống nhứt thiên hạ:
“… Hỡi người tình Gia Long*, hỡi người tình cuộc sống
Con đường này xin dâng, cho người bình thường…”
(Con Đường Tình Ta Đi – nhạc Phạm Duy)
(*Trường Nữ Trung học Gia Long, nay là Nguyễn Thị Minh Khai)
Hơn một năm trước, lúc trên đường từ Petrus Ký tới ngắm Văn Khoa, khoảng giữa con đường này anh đã bị một tà áo dài phất phơ trong gió ẩn trong cả mấy trăm tà áo tuyệt đẹp chiếu bí, đúng như những gì mà các chàng thi sĩ vui tánh hay trêu ghẹo:
Hỡi người em gái Gia Long
Nhìn em là thấy tơ… lòng thòng ra
Sợi dây tơ của Việt biến anh thành cái đuôi của một tà áo. Cái đuôi cả tháng trời, không thể nào tà áo tìm cách dứt ra được. Mọi cách rồi cũng “công cốc La Mã”, mọi con đường đều về La Mã, Việt thuộc lòng câu này như bao chàng trai, bao dũng tướng mang chiêng mang gươm đi chinh phục. Mấy bận liền cái đuôi dắt chứ không cỡi con chiến mã lẽo đẽo theo ngay từ cổng trường về tới tận khu Dakao. Tà áo mấy bận thử thử lòng cứ chầm chậm từng bước từng bước dù trời nắng, dù trời mưa bay lất phất.
‘Đường dài mới biết ngựa hay’. Những con ngựa dai sức, bền bỉ sẽ làm nên chiến tích. Việt đã từng bước từng bước “kìm cương ngựa chiến” đi đến cuối con đường để rồi được cắm lá cờ chiến thắng có điểm đích là cây cầu Sắt hùng vĩ* (*Nay là cầu Bùi Hữu Nghĩa), anh hoàn toàn chinh phục được sự nghi ngờ để đổi lấy lòng tin tuyệt đối, chinh phục niềm kiêu hãnh để có được nụ cười hiền hòa rạng rỡ. Việt đặt tên cho tà áo là Nụ Tím Gia Long. Nụ hoa chuẩn bị bung nở, nụ cười một thời bí hiểm, một thời kênh kiệu bởi mang sự mỹ miều, nay đã rất bao dung, rất hòa nhã. Tím thì thuộc một rừng tà áo tím như một cánh rừng hoa sim* (*Nữ sinh Gia Long ngày xưa bận áo dài tím truyền thống).
***
Bất ngờ là một phần của cuộc sống. Bất ngờ làm bật nảy hoặc đè bẹp cán cân cảm xúc trong con người. Bất ngời đôi khi mang lại thú vị, mang lại niềm vui sướng tột đỉnh, đôi khi mang lại buồn đau, đôi khi mang lại nỗi trằn trọc, hoang mang, sợ hãi…
Tuổi 20 của Việt, chàng sinh viên năm thứ hai Văn Khoa hào hoa bỗng dưng bị đánh dấu bằng một câu hỏi lớn. Câu hỏi đến một cách bất ngờ, rất bất ngờ. Câu hỏi chắn ngay lối con đường Việt đang đi rất suông sẻ, chưa gặp phải một chướng ngại nào, chưa gặp phải một vật cản, một lực cản nào cả. Câu hỏi mà trong khoảng thời gian này, khoảng thời chỉ chú tâm đi tìm những tia sáng chưa một lần xuất hiện trong anh, chưa một lần dù là mảy may. Sự mảy may, dễ liên tưởng tới những bông cỏ may, những bông cỏ tưởng chừng tượng trưng cho sự yếu mềm lại tựa hồ gai góc, dễ dàng đâm xuyên và dính chặt vô những tấm vải được dệt kín bưng.
Đó là một buổi sáng vừa qua hừng đông, Việt bước vào một quán cà phê khá đông đúc, đang dò tìm chỗ ngồi thì một người trạc tuổi đeo cặp kiếng cận dày cộp dịch ghế xích vào và kéo một ghế khác, anh ta đưa bàn tay chỉ vào ghế:
“Ngồi đây đi ông bạn.”
Việt cảm ơn và ngồi xuống. Anh bạn kiếng cận nhanh nhảu búng tay cái chóc, nói với vô trong quầy rồi mới hỏi mà như nói với Việt:
“Cà phê đi. Chắc chắn là cà phê chứ gì phải không ông bạn?”
Việt gật đầu:
“Ừ, cà phê. Hay lắm, hay lắm ông bạn, đoán như thần.”
Anh bạn kiếng cận cười xòa:
“Không là hai ly về cả ta.”
Lôi gói thuốc lá trong túi ra và kéo lòi nửa điếu, anh bạn kính cận mời:
“OK Salem?”* (*tiếng lóng, ý đồng ý chứ? Salem: một loại thuốc lá của Mỹ)”
Thấy Việt còn chần chừ, anh bạn tiếp:
“Cầm đi, hút cho thơm râu. Vài ba điếu thuốc mời nhau nhằm nhò gì ba lẻ tẻ. Ui, thứ gì thì thứ chứ thứ “mấy em làm anh sướng”* này nhà tui có đầy, ba tui là lính Quân tiếp vụ mà (*diễn dịch theo cách viết tắt, theo nghĩa tiếng Việt và đọc ngược từ Salem – melaS).
Việt rít một hơi, mấy sợi khói anh nhả ra bay tỏa xung quanh những chữ o của anh bạn phả lên nhìn rất đẹp. Việt hỏi:
“Ông bạn là…?”
Anh bạn kiếng cận cắt ngang:
“Ui da, đừng hỏi mà tui mang nhục” – chỉ chỉ vào cặp kiếng, anh tiếp: “Ngó vậy chứ chẳng phải vậy, chẳng ra giống ôn gì đâu. Còn ông bạn vừa từ Đà Lạt về hả?”
Việt nhíu mày, phải chăng vì anh có nước da trắng nhưng có phần tai tái? Con trai Đà Lạt đa số là vậy, đâu trắng tươi như các nàng. Việt đáp:
“Ồ, không đâu. Tui dân Sài Gòn chánh hiệu con nai vàng. Dân Triết Văn Khoa.”
Anh bạn kiếng cận có chùng xuống một chút, một chút thất vọng, nhưng rồi anh cũng lấy lại sự hồ hỡi:
“Ồ, xin ngã mũ, ngã mũ với giáo sư tương lai đây. Nhưng thú thiệt tui khoái tướng tá của ông bạn, ước chi tui có được tui đăng lính* ngay (*đăng ký tình nguyện vào quân đội, còn gọi là quân dịch).” – anh cười hihi: “Tui bước chưa tới cửa đã bị đuổi về rồi. Dáng vóc còm cõi, tội nghiệp quá mà. Trong khi đó lại cứ mơ được là một chàng lính dù, chàng lính oai phong như ngự lâm quân.”
À, thì ra anh bạn nghĩ Việt đang học trường Võ Bị Đà Lạt*(*trường chuyên đào tạo sĩ quan quân đội). Anh bạn kiếng cận đứng dậy:
“Thôi, chào giáo sư nhé. Tui đến lớp, ráng gạo* (*học chăm chỉ) thêm may ra năm tới đăng ký được lớp dự bị. Chúc sức khỏe giáo sư.
Việt đưa tay bắt và chào lại:
“Chào ông bạn. Chắc chắn ông bạn sẽ thỏa ước nguyện mà thôi. Không làm việc này thì làm việc khác, việc nào cũng hay hết. Cảm ơn ông bạn rất nhiều!”
Anh bạn mắt kiếng bước đi để lại một niềm vui trong Việt. Một cảm giác là lạ bởi đây là lần đầu anh được nghe nói tới hai từ giáo sư, mình sẽ là giáo sư. Việt chưa hề nghĩ tới điều này. Anh thấy vui vì trong mình phải có ít nhiều tố chất nào đó bộc lộ ra bên ngoài, như vậy anh bạn mới nhận được chân tướng.
Nhưng rồi niềm vui không được bao nhiêu lâu, đã phải nhường chỗ cho nỗi bâng khuâng. Nỗi bâng khuâng kéo ập tới, che phủ lấp niềm vui cũng từ chỗ chân tướng này. Tướng tá anh vượt trội với bạn đồng trang lứa, Việt cao to, vạm vỡ. Ư, mà không chỉ là đồng trang lứa, anh cao to hơn tất thảy người bình thường đã trưởng thành. Ngay cả hàm râu của Việt cũng vượt trội, một hàm râu quai nón sẽ rậm rì nếu Việt để chứ không cạo nhẵn. Cách hai ba bữa thì Việt lại phải đứng trước gương với đồ nghề cạo râu cùng hộp kem xịt ra thoa chứ không thì cạo thiệt khó đứt những sợi râu cứng như cước. Nếu Việt để râu dài, đầu tóc phủ một chút thì chắc danh xưng giáo sư đã có rồi chứ không cần đến anh bạn mắt kiếng.
Giáo sư Triết học thiệt cao siêu. Nghĩ tới sự thể cao siêu, dĩ nhiên sự cao siêu nào không được được trọng vọng, một sự trọng vọng lớn lao xuất hiện vẫn không làm mất đi sự bâng khuâng, không lấy lại được niềm vui cho Việt. Một câu hỏi liên quan tới sự thể này lởn vởn ngay trước mắt và còn khá lâu nữa trong anh. Câu hỏi rằng: “Tại sao anh không đăng lính?”, tại sao chưa hề nghĩ tới đăng lính? không đăng để trở thành một chàng ngự lâm, một chàng lính dù cũng rất chi là oách? Không những vậy, nó còn thể hiện hết tinh thần, khí khái của một con người khi được ban cho một ân sủng nào đó. Đặc ân của Việt là một hình thể khá tuyệt vời, cao to và rất cân đối.
Vũ trụ vẫn biến chuyển và Việt vẫn chuyển động trong đó. Anh tìm ra được vài tia sáng. Lần này Việt không suy nghĩ sâu xa, không vội tìm cách để tia sáng tỏa ra các nơi, anh xoay hướng chuyển nó quay vào ngay chính mình. Anh muốn nó trước tiên phải xóa đi vùng u tối trong mình. Anh muốn nó phải trả lời được câu hỏi tưởng chừng rất dễ có lời đáp này. Cứ mỗi lần truy lục, truy vấn tâm tưởng thì lại xuất hiện những biện giải. Có sực hài lòng với biện giải lẫn không hài lòng.
Việt ngồi trên chiến mã sắt thấy mình đúng là khá oai vệ. Có được sự trầm trồ khá nhiều, nhưng Việt không thấy được sự ngưỡng mộ. Ngay cả anh chàng mắt kiếng, Việt nhận ra rằng anh sẽ quên ngay mình khi bước ra khỏi quán cà phê. Sự trầm trồ sẽ qua nhanh, hình ảnh đập ngay vào mắt tạo ra sự trầm trồ rồi thoáng qua và biếng mất dễ dàng chứ không đọng lại lâu, không lưu kỹ bằng sự ngưỡng mộ trong ký ức con người, trừ những hình ảnh thiệt sự ấn tượng, có một không hai và xuất hiện hiếm hoi trong một khoảng khắc nào đó. Sự ngưỡng mộ có từ một quá trình phán đoán, dò xét, suy luận,… rồi mới đi đến hồi chốt lại kết quả.
Song, Việt cũng cho rằng mình cũng đâu có quá chú tâm đến vẻ bên ngoài, đâu quan tâm lắm tới sự trầm trồ, anh luôn tự khuyên mình phải đi tìm sự ngưỡng mộ, sự ngưỡng mộ thiệt lòng, nói trắng ra là anh luôn buộc mình đi trên con đường hướng tới thành nhà Hiền Triết. Con đường đi đó đâu phải dễ dàng nếu không muốn nói là rất chông gai, chông chênh bờ thác. Con đường đi không phải ngày một ngày hai để có được kết quả cho sự ngưỡng mộ.
Việt rõ lắm chứ, những nhà Hiền Triết họ để lại đâu phải là sự mô tả về thân thể, mô tả về dáng dấp, có chăng thì cũng sơ lược là với một vẻ khôi ngô, tuấn tú hoặc dị tướng, dị hình, không giống người bình thường để tôn vinh thêm sự thông thái, tôn vinh công việc, sự nghiệp của họ để lại.
Sự biện giải nâng cao hơn một bậc nữa, Việt đã loại bỏ được sự sân si, loại bỏ được tự ái, loại bỏ được những bản tánh cố hữu trong con người rất khó bứt ra. Anh đã âm thầm đi trên con đường chông gai, không chọn sự ân sủng mà sẽ dễ dàng có được sự ngưỡng mộ.
Ấy dà, nhưng đó là sự biện giải khi anh có câu hỏi, chứ trước đó anh có chú tâm gì tới nó đâu, anh bị hút sâu vào con đường anh đi kia mà. Còn có thể bẻ lại sự biện giải, anh đã mang Vô Vi trong mình, vì bị cuốn hút mà anh quên các hoạt động khác. Điều này có thể tha thứ, nó tới tự nhiên chứ không phải cố tình, quá chú tâm một nơi thì sanh vô tâm với nơi khác. Nhưng không trách móc thì không thể.
Việt thử rời bỏ con chiến mã sắt thử xem sao. Dĩ nhiên sự trầm trồ có giảm xuống. Nhưng cốt không phải ở điều này, anh đã liệt sự trầm trồ vào khối Vô Vi, anh chỉ muốn thời gian đi chậm lại. Ôi! thời gian cũng có nhanh chậm và ta tạo ra như vậy được nữa sao? chứ không phải 24 tiếng đồng hồ là một ngày đêm, một tiếng đồng hồ là 60 phút,… được phân định hữu hạn vậy sao? Phân định hữu hạn thì không thay đổi, nhưng Việt đã thử nghiệm riêng cho mình, anh đi thụt lùi thì thấy thời gian đi thụt lùi theo mình, với đôi bánh xe của chiến mã sắt lăn tròn vù vù thì kéo thời gian đi vù vù, lăn tròn chầm chậm của những ngày lẽo đẽo theo sau Nụ Tím Gia Long thì nó dài bất tận… Việt tạo cây thước đo thời gian mới, đó là đôi chưn của anh, đôi chưn mang thân thể đi tới trường, mang thân thể lang thang đây đó… Thời gian dĩ nhiên chậm lại theo thước đo và kéo theo những tia sáng chiếu chậm lại. Những tia sáng có thời gian quét vào vùng u tối, quét vào các ngóc ngách mà bấy lâu nay nó bay vùn vụt.
Bước kế tiếp này không đi đến đâu, thời gian chậm càng làm lê thê thêm, giống như một sự trì hoãn để tìm thêm biện giải. Trớ trêu thay xuất hiện ngay sự so sánh, rằng tựa như sự hoãn binh. Binh nghiệp của anh ở đâu? Lấy tư cách gì để anh sử dụng? Việt chẳng muốn sử dụng nhưng hai chữ cứ lẩn quẩn trong đầu, xua đi không nổi.
Tâm trạng Việt rối bời. Anh đâu hay bị rối bời như vậy. Được một điều, Việt biết kìm chế. Nhưng có dấu cách mấy cũng không thể che được hết, nhứt là đối với phụ nữ, đặc biệt là người gần gũi.
Sọt sọt muỗng cho đá bào tan ra trong ly chè* (*chè đá bào, đá được bào mịn như tuyết), Nụ Tím Gia Long hỏi:
“Có chuyện gì xảy ra hở? chuyện gì mà buồn buồn vậy?”
Việt nhún vai, giả lả:
“Ơ, có gì đâu. Chẳng có gì hết. Chỉ là bài vở không được như ý thôi. Buồn chút thôi mà.”
Nụ Tím Gia Long hồn nhiên:
“Vậy hở. Tưởng gì chớ, vậy thì có nhằm gì với người tài cán ha. Chẳng mấy chốc lấy lại thôi.”
Sự hồn nhiên của nàng làm nỗi buồn hiện bên ngoài Việt tạm đi mất. Việt vui vẻ và anh muốn cuốn vào đây để nó biến mất hẳn, chí ít trong lúc này:
“Ôi! chè ngon quá!”
Nụ Tím gật đầu:
“Chè ở đây nổi tiếng mà.”
Những câu chuyện bắt đầu từ ly chè được kể, chuyện trường chuyện lớp của nàng Nụ Tím mà Việt khưi gợi nên. Anh có một khoảng thời gian hồn nhiên thiệt dài. Cây thước đo thời gian lúc này Việt muốn kéo càng dài để tận hưởng là ngồi, ngồi và ngồi, thời gian cũng rất biết chiều lòng, ngồi lại thiệt lâu với đôi bạn trẻ.
Nhưng, khi rời khỏi thời gian ngồi thì Việt lại buồn. Những buổi chiều Việt càng thấm buồn.
Buổi chiều cũng hay buồn. Buổi chiều buồn là buổi chiều chiều, buổi tiến gần tới hoàng hôn. Ánh nắng buổi này đã nhạt, chuyển màu vàng vàng và man mác.
Buồn của Việt và buổi chiều không có mối liên lạc gì với nhau. Chì có điểm chung là cả hai cùng thấm nên rất là buồn. Khác nhau nhiều là buồn của Việt rất chán chường, buồn của buổi chiều thấy nhẹ tênh, có cảm giác nhiều người khoái cảm với nó nữa ấy chứ! Hổng lẽ có nỗi buồn khoan khoái nữa sao? Với Việt như vậy rất lạ lùng, nhưng anh vẫn thích dù không nói ra với ai.
Việt dự định leo ra ban công phía sau nhà để nhìn về hướng Tây, nhìn buổi chiều buồn, biết đâu buồn này sẽ lấp buồn kia. Ui mà, Việt quên mất, phía sau không có ban công, tiếp nối với căn nhà chánh phía trước là căn nhà trệt mà thôi.
Vậy là anh leo lên cây vú sữa già. Ngồi trên cây vú sữa thấy có vẻ sao sao, giống con thú to bự nào đó rất là kỳ cục, nên Việt bước qua ngồi trên mái nhà. Rất may, phía sau khá vắng vẻ, nhưng nếu có ai dòm thấy thì sẽ cho rằng Việt đang sửa mái nhà chứ có gì ghê gớm đâu. Việt nghĩ vậy thì thấy thoải mái, anh lòm còm bước nhẹ nhàng lại chỗ tiếp giáp giữa mái và chái nhà cho chắc chắn và gần trên đỉnh mái cho cao cao một chút, tấm thân hộ pháp của anh mà ngồi chỗ yếu yếu dễ lủng ngói, gãy cả rui mè.
Nắng vàng bắt đầu nhường chỗ cho buổi hoàng hôn. Buổi hoàng hôn với một mảng ửng sáng gồm nhiều màng màu nhỏ xen lẫn, chồng lên nhau rất đẹp, một chút xanh xanh ngả tím, một chút nâu nâu, nhiều hơn một chút là màu vàng, nhiều hơn hết là màu cam làm cho ta ngỡ cả mảng là màu cam nếu không nhìn kỹ. Mảng màu ửng nhưng không rực rỡ lắm, không bừng sáng như buổi bình minh, không thấy những tia sáng nên có lẽ nó vậy và cũng có lẽ do nó mất dần, lụi tàn dần, bị màn đêm dần dần chiếm trọn chỗ. Những mất mát dễ gây cho ta nỗi buồn, dễ gây nỗi thương nhớ, tiếc rẻ những gì đã bị đánh mất.
Việt nhìn ở một góc độ khác, anh thấy đây là một cuộc chiến tranh. Chiến tranh giữa bầu trời và phía khuất sau đường chưn trời. Chiến tranh giữa ánh sáng và bóng tối. Những kẻ dấu mặt, xài thủ thuật của bóng tối dễ chiến thắng hơn người ở ngoài ánh sáng. Chiến tranh không đại diện cho số đông, tức dân chúng. Chiến tranh chỉ đại diện cho những kẻ hiếu chiến, đại diện cho những kẻ muốn làm bá chủ, muốn xưng hùm xưng bá, những kẻ độc tôn độc tài, những kẻ này lại hay núp trong bóng tối và sẽ nhân danh một điều gì đó, chẳng hạn nhân danh đại diện cho dân chúng để lừa mị, để sử dụng bạo lực mà thực hiện ý đồ của mình.
Chiến tranh thì luôn đem lại sự mất mát, luôn mang đến đau thương. Việt có thêm một biện giải, anh không thích chiến tranh, anh chống lại chiến tranh mãi đó thôi. Ngay con người anh ở đời thường, chưa ai thấy anh động tay động chưn bao giờ, anh là một cục đất hiền khô, luôn nở nụ cưới hiền hòa trong mắt mọi người. Vậy hà cớ gì anh phải đăng lính? Hà cớ gì phải cầm súng để gây đau thương? Hà cớ gì anh không tiếp tục con đường tìm ánh sáng đề triệt tiêu bóng tối?
Việt nguôi ngoai với biện giải này, anh dần tươi tỉnh hơn. Bỗng dưng, một cơn gió mạnh ào qua, gió lay cây vú sữa kêu lào rào, tán lá quạt vào mái ngói làm Việt lạnh người bởi từ nãy giờ trời rất yên tĩnh. Đang nghĩ về chiến tranh, Viêt giựt mình ngỡ chiến tranh đang ập tới, chiếm trọn tất cả. Gió qua đi, trời yên ắng trở lại nhưng câu hỏi khác lại đến: “Trong lúc ngay cả mình còn mù mờ, còn chưa tự khai sáng nỗi, còn đi tìm tia sáng thì chiến tranh nó đã thống lãnh thì sao?” – Con đường đi tìm tia sáng và phát sáng đâu phải ngày một ngày hai, thậm chí phải đánh đổi bằng mạng sống như Triết gia Socrates ngày xưa.
Và Việt nhớ tiếp một câu nói người ta cũng rất thường nói: “Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” hay “Muốn kết thúc chiến tranh không gì bằng một cuộc chiến”. Như vậy có mâu thuẫn quá chăng? Không. Chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Chuẩn bị một cuộc chiến như là cuộc chiến cuối cùng để dập tắt chiến tranh, một cuộc chiến chống lại chứ không phải là gây chiến triền miên khói lửa.
Lúc này trong đầu Việt văng vẳng tiếng của các cụ ngày xưa, tiếng văng vẵng nhưng rất dứt khoát: “Đánh. Đánh.” – Dĩ nhiên ai cũng biết đây là tiếng hô đồng lòng của các Bô Lão tại hội nghị Diên Hồng. Tiếng hô dậy núi sông nhưng không hề là tiếng hô của sự hiếu chiến như những kẻ phương Bắc, chuyên đi xâm lấn và hà hiếp nước yếu, nước nhỏ.
Tiếng hô biểu thị cho điều gì? Đó chắc chắn là tinh thần ái quốc đứng đầu. Đó là tinh thần không nhu nhược, không hèn nhát trước kẻ thù bạo tàn, đó là danh dự. Những cụ già còn mang danh dự thì một kẻ thanh niên trai tráng lại yếu hèn hay sao? Câu hỏi này không thể không có trong Việt. Và đó là trách nhiệm với Núi Sông này, không thể phó thác cho ai khác. Phải cùng nhau gách vác. Việt đã thấy khá nhiều lần câu biều ngữ: “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm” đó thôi. Anh cũng đã được dạy và đã thuộc lòng bài hát Nhà Của Ta của nhạc sĩ Phan Quang Nhàn:
Cái nhà là nhà của ta
Công khó Ông Cha lập ra
Cháu con phài gìn giữ lấy
Muôn năm với Nước Non nhà
Xóm làng là làng cùa ta
Xương máu Ông Cha làm ra
Chúng ta phải gìn giữ lấy
Muôn năm với Nước Non nhà
Cánh đồng đơm đầy hương hoa
Công khó Dân ta làm ra
Quyết tâm ta gìn giữ lấy
Nuôi nhau chung sống một nhà
Xóm giềng là tình quê hương
Chung sống vui bên ruộng nương
Có nhau để cùng chung sức
Vươn lên Non Nước hùng cường
Cõi đời là đời của ta
Nuôi dưỡng công lao Mẹ Cha
Lớn khôn để gìn giữ nước
Thay nhau xây đắp Sơn Hà
Việt nhẩm nhẩm hát đi hát lại mấy bận. Người anh bắt đầu thực sự loại bỏ được cơn buồn. Và anh đã có câu trả lời.
Không còn đắn đo, dò hỏi chi nữa, Việt nắm bàn tay, đưa ngón tay cái lên quyết định rất dứt khoát. Lúc này thì người Việt sảng khoái, anh trèo xuống khỏi mái nhà mà tưởng chừng đang bay rất ư là nhẹ nhõm xuống đất.
***
Vẫn ở quán chè đá quen thuộc, ở “… Nơi chúng ta thường hẹn, rồi bập bềnh buông tâm trí…”* (*Chiều Trên Phá Tam Giang – thơ Tô Thùy Yên, nhạc Trần Thiện Thanh), và cũng có chính lời bài hát này nho nhỏ phát ra từ máy hát dĩa Akai ngay tại quán, nhưng hai ly chè không được Nụ Tím Gia Long sọt sọt hồn nhiên như mọi lần, mà tâm trạng của cô nàng tựa hồ như lời bài hát, “… em dòng lệ bất giác chảy tuôn, nghĩ đến một điều em không rõ, nghĩ đến một người em sợ không dám nghĩ, đến một người đi giữa chiến tranh…”. Hai ly chè đá lạnh băng băng tuyết, người Nụ Tím Gia Long thì nóng hổi, không ngăn được cảm xúc của tuyến lệ, cô nàng cứ để cho hai dòng nước mắt chảy tự nhiên, không quẹt cũng chẳng lau chùi, một lúc sau mới thổn thức:
“Chứ sao nói ghét chiến tranh lắm mà. Ghét súng ống, ghét giết chóc lắm mà.”
“Thì ghét lắm chứ sao!”
Việt đáp lời và nhẹ nhàng giải thích theo cách nghĩ lúc ngồi trên mái nhà ngắm nghía hoàng hôn. Kết thúc anh nói:
“Rồi anh sẽ về, chắc chắn anh sẽ về với em.”
Nụ Tím Gia Long dương đôi mắt to tròn nhìn Việt một lúc rồi gục đầu, áp mặt vào bắp tay, hai bàn tay ghì chặt cánh tay anh, cô nàng thì thào cảm xúc của đọc thơ:
“Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa. Anh trở về trên chiếc băng ca. Trên trực thăng sơn màu tang trắng… Anh trở về trên đôi nạng gỗ… hở?*
Việt khẽ cười buồn:
“Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân**. Hay chúng ta cứ theo: Anh trở về nhìn nhau xa lạ. Anh trở về dang dở đời em. Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen. Cố quên đi một lời trăn trối, em ơi!***” (*, **, ***Kỷ Vật Cho Em – thơ Linh Phương, nhạc Phạm Duy)”
Cô nàng lại ngước đôi mắt long lanh nhìn Việt:
“Bộ dễ rũ bỏ hết lắm sao?”
Nước mắt của Nụ Tím Gia Long thấm vào bắp tay, Việt cảm thấy sự ấm áp lan tỏa khắp cơ thể. Anh xoa mái tóc cô nàng, quả quyết:
“Anh trở về, anh sẽ trở về lành lặng, và anh sẽ bù đắp bằng sự bằng an cho chúng ta.”
Đôi bạn trẻ thủ thỉ khá lâu nữa trong ánh đèn vàng vọt. Bên ngoài, đèn đường cũng vàng vọt, những hàng cây xanh um dưới ánh sáng ban ngày bây giờ thành một khối màu u tối, bóng của nó in xuống mặt đường đen thủi, khung cảnh thiệt là trầm mặc, trầm tư lắm lắm.
Lê Đắc Đồng Vọng
2/Trẻ học Triết-giống như Cụ Non?
Nhưng mê-Việt cứ theo cho sướng…
Cho thỏa mộng Lý Luận cuộc sống…
Nhân sinh quan cái nhìn tận cùng…
Cho thấu đáo chuyện đời vui buồn…
Biết thế nào”Thế-Thái-Nhân-Tình?”
Rõ tâm lý người để -Đối nhân…
Hiểu rủi may-người chỗ tối sáng…
….Việt yêu hội họa cả thơ văn.
Thích thơ Nguyên Sa-Trần Bích Lan
”Em đi từ đấy phòng anh vắng!
Bút rỉ hồn tan sách bụi ngầu!
Mực bỗng khô khan tâm bỗng héo!
Can tràng bỗng chịu vết thương đau!”
Ôi! Thi sĩ với những lời thơ…
Làm say lòng Việt-mộng cùng mơ…
….Việt như chim chiền chiện,chim sáo
Nhảy tung tăng-yêu đời xiết bao!
Học hành mộng ước,ôm hoài bão…
Thành Triết gia-vươn lên đỉnh Cao?
Sẽ sung sướng rất đổi Tự Hào…
Giấc mơ , ý muốn lòng đã toại…
Trí thức có đời sốngTinh Thần
Rất phong phú rất đẹp tâm hồn.
Đầy Lý Lẽ thuyết phục Nhân Tâm?
….Những gì qua trở thành Dĩ Vãng…
Việt nhớ trường Pétrus Ký-Lê Hồng Phong
Trường Trương Vĩnh Ký đó Thần Tượng
-Nhà thông thái,nhà bác học họ Trương…
Học lên cao, chuyển trường-chọn Ban…
– Văn Khoa-ban Triết,mới con đường…?
Thời sinh viên bạn bè chung trường
Nhiều kỹ niệm đẹp rất dễ thương..
Với nữ sinh áo tím Gia Long
Nguyễn thị Minh Khai,đó cũng trường..
Đổi tên vẫn vậy-Nụ Tím Thương!
…..@Tình yêu thuở ấy nhiều mơ mộng.
Đôi trái tim yêu bỗng chớm buồn!
Cuộc chiến đau thương chuyện mất còn!
Buồn lên đôi mắt trót yêu đương!
1/Triết lý An Vi?
Bình an trong thế giới nhỏ.
Nhỏ trong lớn,ngoài lớn trong nhỏ
Tuần tự như thế đó kỳ lạ!?
Triết thuyết thế giới con người ta…
Yên phận -thư thả…
Vươn xa-khổ qua ải Hành…
Gian nan ĐI suốt hành trình..
Tồn còn dấu chấm.
Hạt bụi tro tàn-VÔ VI…
Vẫn còn đó để Đi…
Đời cứ thế Vòng quay…
…..Tự do Đi-hiện sinh cho thấy…
Thân con người nếm trải…
Đủ mùi tân toan khổ ải!
Việt đang Học Triết đang còn…
Nhiều điều thắc mắc vấn vương trong lòng…
Suy nghĩ vẫn còn nổi nông…
Tuổi đời còn trẻ còn mộng Ái Tình!
Vẫn thích tự do Hiện Sinh.
Vẫn yêu cuộc sống”Tâm Tình Nụ Tím”
Vẫn nóng bỏng Con Tim.
Tìm về kỹ niệm…
Nơi làng Gò Vấp-Cây Trâm.
Nơi có ngôi nhà Âm Dương
”Mái lợp ngói đỏ nhuộm phong sương….”
Chỗ có hàng rào Dâm bụt xanh um.
Có Cây Mai cổ thụ to lớn.
Có rau Bạt ngàn trong vườn
….Và có hai mùa Mưa Nắng
Bầu trời Nguyên Thủy khai sáng.
Có nhiều thứ để quan tâm.
Để ý những thứ chung quanh…
Giản dị nhưng có tình…
Từ đôi mắt cảm nhận…
Thấy thiết thân yêu thương.
Còn một thứ vô giá trong cuộc sống
Đó Tình Thương mẹ con!
Việt yêu ,cảm thấy sung sướng..
Được Làm Người sống thụ hưởng…
”Hạnh phúc trong Bình Thường”
2/