
Chương ngón giữa dặm trường
TANG TÓC vương muôn nẻo
Theo người – neo quê hương?
Việt lục trong kho lấy hai khẩu súng M16 vắt vai, mấy thùng đạn và một thùng xăng anh cột phía sau yên xe, trực chỉ quê nhà mà rồ ga chạy.
Việt chạy băng băng. Không chỉ con đường nhỏ anh chạy tắt không qua thị trấn Ninh Hòa mà ra tới Quốc lộ, đường xá chỗ nào cũng vắng ngắt. Tới thành phố Nha Trang cũng vậy, người ra đường rất thưa thớt chứ không sầm uất như trước đây gây khá ngỡ ngàng cho anh, rồi dần vào các thị trấn Cam Ranh, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, thị xã Phan Thiết cũng không khá gì hơn.
Việt cắm đầu chạy miết, chạy miết, cho bánh xe cuốn tròn con đường mỗi lúc càng nhanh hơn, anh bỏ lại sau lưng tất cả, chỉ một hướng hướng tới phía trước. Lâu lâu Việt dừng xe, do gặp phải trạm gác chặn lại xét hỏi giấy tờ, song thì kéo barie cho qua nhanh.
Chạy về tới Bảo Định, cửa ngõ của thị xã Xuân Lộc* (*Thị xã Long Khánh ngày nay), không chỉ bị chặn xét sơ ở bên barie, Việt bị đưa vào thẩm vấn khá lâu trong một căn phòng. Gần hai tiếng đồng hồ sau thì mới xong. Đưa anh ra ngoài, ông Đại úy cười mà trong khoảng thời gian cùng thẩm vấn với mấy người nữa sắc mặt ai cũng rất nghiêm trang, ông vỗ vai anh và nói:
“Xin lỗi cậu! Tình thế đang rất căng thẳng, buộc chúng tôi phải giữ cậu khá lâu để minh xác. Mong cậu không phiền chi.”
Việt đáp lời:
“Dạ thưa Đại úy, không có gì. Em còn có được bài học về tinh thần trách nhiệm.”
Đại úy hỏi:
“Bây giờ khá tối rồi, cậu về luôn hay sao? Hay để tôi thu xếp chỗ nghỉ qua đêm, sáng mai về cho an toàn?”
Việt nóng lòng về nhà, anh trả lời:
“Dạ thưa, em về luôn. Cảm ơn Đại úy!”
Chào Đại úy theo kiểu nhà binh, Việt bước đi. Được mấy bước thì anh suy nghĩ lại, quay lại hỏi:
“Dạ thưa, hồi nãy em nghe Đại úy tình hình rất căng thẳng, Đại úy cho em biết sơ được không?
Đại úy gật đầu:
“Chúng ta thất thủ nhiều nơi. Xuân Lộc bây giờ là chốt chặn, cửa ngõ trấn giữ Đô Thành* (*Đô Thành Sài Gòn), thông tin nay mai Cộng quân sẽ tấn công phá vỡ phòng tuyến này, chúng tôi đang ráo riết chuẩn bị phòng thủ. Cậu đi đường nên cẩn thận, đoạn đèo Mẹ Bồng Con, Trảng bom rất vắng vẻ.”
Việt cảm ơn lần nữa, nhưng rồi anh lưỡng lự không muốn đi, anh hỏi:
“Dạ thưa Đại úy,… em… em có thể… ở lại góp chút sức…”
Đại úy cắt ngang:
“Thôi, thôi, cậu nên về đi, dù gì cũng cảm ơn cậu! Chúc cậu may mắn nhé cậu… trẻ cậu triết.”
Đại úy bước đi. Ông thực sự không muốn một chàng trai trẻ tham gia vào cuộc này, ông không muốn mất đi một chàng còn đầy tương lai phía trước, một anh chàng có thể trở thành một triết gia. Nghe giọng nói cùa ông, Việt hiểu điều đó, nên anh tần ngần một chút, nhưng rồi anh vẫn chạy theo:
“Dạ thưa Đại úy, em không thể đi như thế này, xin Đại úy hiểu cho, em không muốn làm anh hùng, cũng chẳng bao giờ thích chiến trận nhưng tình thế rất nguy cấp, một chút sức mọn cũng có ích, vả lại không thể quá hèn như thế này, xin Đại úy thu nạp, cho em ở lại.”
Bây giờ thì Đại úy lưỡng lự. Việt nói cứng rắn hơn:
“Dạ thưa, đây là quyết định của em, dù ra sao em cũng chấp nhận, không liên quan gì tới Đại úy, xin Đại úy đừng phân vân và đừng khuyên em trở về. Nếu không gia nhập nơi này em cũng sẽ gia nhập nơi khác.”
Đại úy nhìn thẳng vào mắt Việt một hồi, ánh mắt Việt rất dứt khoát trong quyết định, nhưng ông vẫn hỏi lại:
“Cậu chắc chứ?”
Việt gật đầu ngay:
“Dạ, thưa, chắc chắn.”
Đại úy đành gật đầu nhẹ:
“Thôi được. Cậu cứ tạm ở lại, nhưng muốn đi lúc nào thì cứ hãy đi nhé. Để tôi gọi người lo liệu chỗ cho cậu.”
Đại úy đi về phòng mình, rất cảm khái tinh thần của Việt, song ông không hề vui chút nào.
***
Hai ngày lặng lẽ trôi qua. Thị xã Xuân Lộc không vắng lặng như các nơi trên đường Việt đi qua nhưng cũng không hẳn được bình thường, dân chúng vẫn nghe ngóng tin tức, và có hạn chế ra đường.
Sang ngày thứ ba, trời chưa ửng sáng thì khắp nơi trong thị tứ nhỏ bé yên lành bấy lâu nay đột ngột rung chuyển, rung chuyển kinh hoàng vì bị pháo kích dữ dội của Cộng quân. Đạn pháo hạng nặng bắn rào rào như mưa vào thị. Đạn pháo bất chấp nơi nào, chúng không có mắt, cứ có đường thì chúng đi, đường trên không thì vô lối, và cũng không có gì ngăn cản được đường đi của những quả đại bác, đạn pháo thản nhiên đi vào nhà dân, đi vô chợ búa, trường học, đùa giỡn ở chốn đình thờ, ở chùa chiền, ở nhà thờ, ở công sở,… dĩ nhiên làm sao nó bỏ qua những căn cứ quân sự, đó là những điểm nó nhắm tiến đến đầu tiên. Đạn pháo liên tiếp nổ ầm ầm tưởng chừng không bao giờ dứt.
Việt được Đại úy gọi lên. Ổng nói:
“Chúng ta bị pháo kích tấn công ai cũng biết rồi. Tin tức cấp báo dân chúng bị nạn rất nhiều và đang chạy nạn. Đã có lịnh cho một số đơn vị quân đội giúp dân sơ tán. Cậu có chiếc xe, vậy hãy tham gia vào nhóm Hồng Thập Tự mà đi cứu giúp dân lành nhé.”
Việt lưỡng lự, vì anh muốn ở lại và nghĩ Đại úy trao cho anh cơ hội để tránh cầm súng:
“Dạ thưa Đại úy, em… xin ở lại chiến đấu…”
Đại úy bước tới vỗ vai Việt:
“Tôi hiểu ý cậu, rất xứng đáng là một quân nhân. Nhưng trong thị xã bây giờ cũng đã là chiến trường rồi đó, không còn là nơi chốn yên tĩnh của dân chúng nữa, sau đợt pháo kích địch chắc chắn sẽ tấn công bộ binh, vào đó có khi phải cầm súng chống giặc chứ không chỉ là cứu thương, giúp dân sơ tán. Vả lại đi cứu nạn không phải là hành động trốn tránh trách nhiệm, là hèn nhát, với tôi còn là việc quan trọng trên hết. Hẳn cậu rất rõ rằng “cứu người như cứu hỏa”, hay “cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”. Thứ nữa, phải biết thời điển nào, công việc gì là phù hợp nhứt. Ngày xưa, tôi cũng không khác gì cậu, nhưng giáp trận đầu tiên, tôi lính quýnh không biết làm sao nạp đạn, không biết lên đạn thế nào, rồi run cầm cập và phân vân không biết có nên bóp cò, có nên giết người không nữa. Chỉ chắn chắn có một điều, thấy người bị nạn, dù có ghê sợ, dù có ớn óc, nhưng rồi sẽ mau chóng bỏ lại sau lưng để lao tới cứu mà thôi.”
Nghe lời giảng giải từ tốn của vị Đại úy, Việt ngộ ra, anh đưa tay theo điều lịnh:
“Dạ thưa, xin tuân lịnh Đại úy.”
Việt chở theo một quân y y sĩ chạy vào thị xã.
Thị xã hỗn loạn còn hơn bị cơn đại hồng thủy. Tiếng xe rú ga, tiếng bước chưn người rầm rập thi nhau tìm nơi chạy trốn, tiếng la hét thất thanh, tiếng khóc, gào rú tuyệt vọng, những trái pháo dội xuống thì những nóc nhà bị hất tung vào không trung, vật liệu, đất cát, khói lửa bay mịt mùng, đổ nát chồng chất lên đổ nát, xác người chết chồng lên xác người, xác người, xác gia súc tan nát văng tung tóe, người bị thương nằm rên la vất vưởng…
Việt bàng hoàng, đồng đội anh bàng hoàng. Không thể, không thể có một ai đó không bàng hoàng với cảnh tượng này. Việt còn hơn thế nữa, anh thất thần, anh run lẩy bẩy, anh đứng như trời trồng cả buổi lâu không biết làm gì. Một quả đạn pháo dội xuống, nổ một tiếng uỳnh lớn cách vài chục bước chưn trước mặt, người đồng đội kéo anh ngã dúi anh mới bừng tỉnh. Rồi bắt đầu như một cái máy, làm theo hiệu lịnh của đồng đội, anh ẵm bồng những người bị thương vào những nơi còn có chỗ che chắn để băng bó, không ẵm bồng nỗi thì anh cố hết sức kéo vô, sau đó chở đi những nơi tập kết. Người thương nhẹ dìu và vịn vào nhau, người không bị thương lo cho người bị thương nặng…
Suýt soát trên dưới hai tiếng đồng hồ từ lúc khai mào quả đầu tiên thì tiếng pháo ngưng. Cả mấy ngàn trái pháo dội tan tác thị xã. Và đúng như lời đoán của vị Đại úy, Cộng quân tấn công bộ binh ngay sau đó.
Tai của Việt đã khản đặc và đang tập trung hết sức nên anh không nghe được tiếng súng tấn công nữa. Anh chỉ nghe kể lại rằng quân Việt cộng đông như kiến cỏ, xung phong hàng hàng lớp lớp, và cũng hàng hàng những chiến sĩ bị bắn ngã gục xuống trong đó có những người lính trẻ măng, mặt còn bấm ra sữa, có thể không quá mười bảy tuổi, có khi chỉ mười sáu không chừng. Họ ngã xuống như vậy chứ vẫn không ngừng hô xung phong và tiến, hăng máu tiến như vũ bão và lại bị ngã xuống như rạ. Việt không rõ lắm cuộc chiến kéo dài bao lâu. Toàn thị xã bị bao vậy, bị tấn công tứ phía nhưng các phòng tuyến vẫn trụ vững, không để bị chiếm. Duy nhứt tiền đồn Bảo Định, nơi anh đầu quân bị đẩy lui về ngã ba Tân Phong.
Việt cùng đồng đội được ngã lưng dựa vào bức tường loang lỗ ám khói khói thở dốc, nghỉ ngơi chút và gặm nhắm những ổ bánh mì khô cứng trong quang cảnh xung quanh đầy mùi thuốc súng khét lẹt thì mặt trời đã đi quá xế chiều, sau đó tiếp tục kéo về lo cho đồng đội thương vong. Trở về, Việt rất mừng, dĩ nhiên ai cũng mừng, do chuẩn bị hầm trú ẩn khá kỹ nên thương vong không nhiều.
Đêm, bầu không khí tĩnh mịch như đêm ba mươi Tết, là thời khắc chuẩn bị đón giao thừa nên mọi hoạt động thường chững lại, có chăng thì cũng rón rén, nhẹ nhàng. Ở đây, lúc này thì chững lại để trốn để lánh, để nghe ngóng tin tức, để chuẩn bị nghe tiếng dội pháo chứ không phải chuẩn bị nghe tiếng pháo báo hiệu thời khắc giao thời, tiễn năm cũ đi đón năm mới tới. Và cả buổi sáng sớm nghe rền rã đạn bom, bây giờ không có nữa, thì bầu không khí dường như có vẻ yên ắng lạ thường. Nguyên đêm, không một tiếng đạn pháo nào dội xuống. Nhiều lính tráng mệt mỏi vật mình ngủ vùi ngay giao thông hào. Người Việt rã rời như hồi những ngày đầu ở thao trường, mắt anh cứ chực quíu xuống nhưng không tài nào ngủ được, chẳng phải những câu hỏi ập tới trong cái đầu vốn thường suy nghĩ miên man, chẳng hạn như tại sao cứ phải dùng tới súng đạn, tại sao giết chóc, tại sao thế này thế kia… Trạng thái của Việt lúc này là gì cũng khó thể biết, có thể là trạng thái lưng chừng, cơ thể gần như bất động nhưng bộ não chưa mất kiểm soát nên chưa thể là vô thức.
Anh bạn quân y nằm cạnh bên rút gói thuốc lá lắc lắc cho lòi ra chừng một phần ba điếu đưa qua Việt, anh nói:
“Ám ảnh quá hải hông. Mình cũng đã từng bị ở những lần đầu. Bây giờ cũng vẫn còn nhưng đã đỡ hơn, mệt quá thì chìm được vào giấc ngủ.”
Đúng rồi. Nỗi ám ảnh. Ám ảnh kinh hoàng, Việt ngước nhìn lên trời, bầu trời tối đen nhưng vẫn chờn vờn những dòng máu loang, những mảng thịt bầy nhầy, những đường cắt da thịt tới tận xương tủy xé bành ra, lòi những miếng mỡ trắng phếu.
Việt nhấc cánh tay nhức buốt rút một điếu thuốc, anh quân y cũng rút một điếu và châm lửa, anh nói tiếp, có bông lơn để xua tan bớt không khí nặng nề:
“Rít thiệt sâu, sâu hết cỡ thợ mộc, rồi thở ra cũng hết cỡ… hết cỡ thợ gì ta? Thở ra hết cỡ thợ mộc còn rít sâu phải hết cỡ thợ đào giếng chứ hen. Như vậy có thể làm người đỡ hơn. Không hút thuốc cũng nên hít thở mạnh sẽ nhẹ nhõm người.”
Nói thêm được vài câu thì thào nữa thì anh quân y ngủ, điếu thuốc vẫn còn cháy dở giữa hai ngón tay. Việt thì vẫn không cho dù sau đó anh hút gần nửa gói thuốc. Khoảng bốn giờ sáng, người bắt đầu lơ mơ, có lẽ những làn khói được rít mạnh bay lên tới tận óc, len lõi vào và quần tụ trong đó, đâu có lối thoát nên làm cho nó mụ mị, Việt mới chợp mắt được.
Chợp mắt chưa được bao lâu, chừng một tiếng rưỡi đồng hồ thì Việt giựt mình bừng tỉnh ngay, cũng vào sáng sớm, giấc này như hôm qua, pháo lại ầm ầm đội xuống và tiếp nối các đợt tấn công vũ bão.
Ngày kế tiếp, sáng sớm không có động tĩnh gì. Ngỡ rằng là một ngày ngừng pháo kích để tính toán gì chăng thì khoảng bảy giờ sáng đạn pháo nổ tung tóe. Hơn một tiếng đồng hồ sau thì như hai ngày đầu, pháo ngưng thì bộ binh tiến lên khai hỏa.
Các phòng tuyết vẫn không bị phá vỡ. Các đợt tấn công đều bị đẩy lùi.
Việt và nhóm Hồng Thập Tự vẫn ngược xuôi với công việc của mình. Thương vong đã giảm nhiều, dân chúng còn bám trụ trong thị xã đa số có hầm kiên cố, và sơ tán khi không còn pháo kích. Gần như những người cố bám trụ cuối cùng cũng phải chịu dời đi. Thị xã vắng hoe, không một bóng thường dân, chỉ có hoang tàn, lửa khói đó đây âm ỉ chực chờ bùng lên, bùng lên trong chốc lát rồi trở lại âm ỉ bởi không còn mấy thứ trong đống đổ nát để nó thiêu rụi nữa.
Chiến trận bước sang ngày thứ tư.
Tin vui được báo vể, quân nhảy dù tiếp viện nhảy xuống đánh chiếm lại được Bảo Định, đẩy lui Cộng quân ra xa dần và tiếp tục cả ngày thứ năm.
Ngày thứ sáu, chiến trường yên ắng. Không có những trận tiến quân qui mô. Đó đây chỉ có những trận chiến lẻ tẻ.
Binh tướng bắt đầu tự tin kháo nhau Cộng quân sẽ không thể đánh chiếm được thị xã, và như vậy cửa ngõ sẽ được an toàn.
Nhưng, mọi chuyện không diễn ra như vậy. Cộng quân chuyển hướng tấn công vào Trảng Bom, Biên Hòa.
Trong ba ngày sau, nơi này im bặt tiếng đạn bom, dĩ nhiên đạn bắn lẻ tẻ lúc này đâu còn tính nữa, chỉ còn nghe tiếng rền vang vọng và thấy những ngọn khói bốc cao.
Đến ngày thứ tư thì một số quân được máy bay đón, đưa về lập phòng tuyến mới ở Trảng Bon, Biên Hòa.
Đơn vị của Việt vẫn đóng tại Tân Phong. Việt tham gia giúp dân ở trại sơ tán lên máy bay di tản. Công việc tất bật, anh cũng không rõ di tản đi đâu, có thể xuống Ô Cấp* (*Vũng Tàu) hoặc đi Sài Gòn.
Chuyến bay cuối cùng cất cánh thì trời đã vào chiều dịu mát. Lý ra Việt đã ở trên chuyến bay này, anh đã lừng khừng, nửa muốn bước lên nửa muốn ở lại, cuối cùng quyết định ở lại. Vẫn còn nhiều người dân chưa sơ tán, chưa đi tản. Hiện tại thì vẫn còn một đơn vị chốt lại cùng địa phương quân và các toán lính dù chưa rút ra hết. Việt quay trở về tuyến phòng thủ.
Đang bon bon chạy với những miên man hỗn loạn trong đầu, những ý nghĩ không rõ ràng cứ chập chờn nhảy múa, chúng xáo trộn, đan xen, ngắt quãng lẫn nhau trong Việt, bỗng anh giựt mình vì tiếng người la ới ới. Việt cho xe chạy chầm chậm và ngoái đầu vào một con đường đất đỏ thông ra đường chánh gần đó, thì anh thấy một người đàng ông hớt hải vừa chạy ra vừa ngoắc tay:
“Chú lính ơi, chú lính ơi…”
Việt ngừng xe, bước xuống đứng đợi. Người đàn ông chạy tới thì muốn đổ gục. Ông gập người thở hổn hểnh. Chờ cho người đàn ông tạm bớt cơn mệt, Việt hỏi:
“Dạ, có gì hông chú?”
“Dạ… dạ… chú lính… chú lính làm ơn giúp với…”
“Chú cứ nói, giúp được gì trong khả năng, con sẽ cố hết sức.”
“Dạ, tôi… vợ chồng tôi và con cái đi di tản, nhưng ở xa quá, bây giờ mới tới được đây, chú cho hỏi tập trung ở đâu vậy?”
“Dạ, tập trung ở cách đây chừng hai cây số. Nhưng…”
“Nhưng sao hả chú?”
“Dạ… nhưng… nhưng chuyến bay cuối cùng đã cất cánh.”
Vừa nghe xong thì người đàn ông ngồi thụp xuống. Cũng vừa lúc ấy vợ ông cùng bốn đứa con nheo nhóc chạy tới, thấy ông rũ rượi, bà hốt hoảng:
“Có chuyện gì hả mình? Có chuyện gì?”
Ông ôm đầu, một chập sau mới lên tiếng:
“Hết đường đi rồi, biết làm sao đây?”
Bà hỏi liền:
“Dạ, hết đường rồi hả chú lính?”
Việt bối rối trả lời:
“Dạ, máy bay cất cánh chuyền cuối rồi.”
“Hông còn xe cộ gì hết hả chú?”
“Dạ, dạ… xe cộ cũng thấy vắng hoe, cũng chạy hết trơn.”
Bà cũng ngồi thụp xuống, còn khóc huhu:
“Trời ơi Trời! sao khổ dữ vậy Trời! giặc giã miết, chạy giặc miết, rồi cũng hết đường chạy. Các con ôi! biết làm sao đây?”
Những đứa trẻ đứng nhìn ngơ ngác, có chút biểu hiện hoang mang. Chợt Việt nảy ra ý:
“Dạ, hay như vầy, chú thím cứ lấy xe con mà đi, ráng chen chúc chở các cháu mà đi, cứ chạy về hướng Ô Cấp. Có lẽ dưới đó chưa bị tấn công.”
Bà sáng mắt lên. Nhưng ông thì xua tay:
“Dạ, đâu được, chúng tôi đâu dám. Thôi, cứ đi bộ, tới đâu hay tới đó.”
Bà tiu nghỉu, nhưng bà cũng đồng tình:
“Dạ, chú còn làm nhiệm vụ.”
Việt bước lại tháo cái ba lô và vài vật dụng cần thiết:
“Dạ, nhiệm vụ sắp tới cũng không còn cần kíp xe lắm nữa rồi. Chú thím cứ lấy đưa gia đình đi cho an toàn.”
Đôi vợ chồng còn tần ngần. Việt lấy tư trang của họ cột vào xe. Anh làm rất dứt khoát, nên đôi vợ chồng khó cản. Nhưng ông vẫn nói:
“Dạ, làm vậy… coi sao được… làm…”
Việt ngắt lời:
“Dạ, không sao hết. Bảo vệ dân, cứu dân cũng là trách nhiệm của tụi con. Chú thím đi từ từ, cẩn thận. Chúc chú thím và các cháu bằng an.”
Ông chồng bắt tay Việt, nói lời cảm ơn trong nấc nghẹn, còn bà vợ thì xá liên hồi mấy xá.
Việt quay đầu bước đi nhanh, bước đi như chạy, một phần anh muốn nhanh về đơn vị, một phần anh không muốn những câu hỏi về đủ thứ lởn vởn trong đầu.
***
Việt trở lại chiến hào khoảng 7 giờ tối, chỉ còn hai đại đội đóng quân, đang chờ các tiểu đoàn dù với thông tin chừng hai hoặc ba tiếng đồng hồ nữa sẽ hợp tại đây rồi cùng rút theo đường bộ về Phước Tuy* (*Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay). Đây là toán rút quân cuối cùng, là lực lượng tập hậu. Vẫn còn dân chúng các xóm Đạo, Bảo Định, Bảo Hòa và Bảo Toàn chờ củng đi với Địa phương quân.
Trước đó, vào chập tối, một lượng lớn quân đã âm thầm di chuyển. Dân chúng nghe được tin quân sẽ rút, nên cũng chuẩn bị gói gém hành trang để theo chưn di tản.
Việt ngả lưng, tựa vào những bao cát chất cao làm lô cốt phòng thủ. Người bắt đầu thấm mệt, bắt đầu thấy rệu rã, đôi mắt cứ muốn cụp xuống, Việt cố gắn giữ ở trạng thái lim dim.
Một chiến hữu đem tới cho anh một cà mèn cơm, và nói:
“Ăn đi anh bạn. Ăn xong nhắm mắt được một chút thì tốt, để chuẩn bị sức đi trong đêm.”
Việt cảm ơn. Anh mở hộp cơm ra, vừa định xúc ăn thì chợt trào nghẹn, rồi rùng mình và muốn ói. Trong hộp, Việt vừa thấy những hột cơm trắng muốt, thì vụt đã chuyển sang màu đỏ, những dòng máu đỏ phun xối xả, chảy ào ào trộn lẫn vào cơm, những miếng thịt những mảng da bầy nhầy văng bay tung tóe cũng văng vào đây, và cả những khúc xương nức gãy còn dính những miếng mỡ trắng phếu, chỗ đầu xương bị gãy có những hình như những mũi giáo răng cưa nhọn hoắc lớn nhỏ xen kẻ nhau lỉa chỉa, bên trong ống xương dòng tủy phụt bắn ra ngoài, mùi cơm vừa hít hửi được thơm tho thì cũng chuyển sang mùi tanh tưởi, tanh tưởi kinh người.
Việt không tài nào xúc được muỗng cơm đưa lên miệng. Anh đóng nắp cà mèn, ngồi thở dốc. Chờ một lát sau thì anh cố mở lại. Nhưng lần này cũng không khác gì, vẫn những hình ảnh như vậy chình ình trước mắt. Và tệ hại hơn nữa, anh không kìm được cơn buồn mữa, không kịp chạy đi ra bên ngoài, anh tuông ói ngay tại chỗ, lộn ruột ói ra tới mấy bận. Qua những cơn ói, người Việt run bắn lên, anh cảm thấy lạnh run và thở hổn hển trong khi bên ngoài thì mồ hôi túa ra.
Người chiến hữu thấy vậy, chạy lại đỡ Việt, anh ngoắc thêm một chiến hữu nữa và nói:
“Ông bạn này chắc bị gió má gì rồi, mau đưa vô chỗ kín gió một chút.”
Hai chiến hữu khiêng Việt xuống giao thông hào. Cơ thể Việt càng run bắn, nhưng sờ bên ngoài thì nóng hầm hập. Người chiến hữu nói:
“Chắc bị sốt, lên cơn sốt. Trước mắt anh chạy lấy dùm cái khăn nhúng nước lạnh, đắp lên trán để hạ nhiệt, sau chạy vào kiếm vài viên thuốc.”
Đắp khăn một hồi thì Việt đỡ lại. Người chiến hữu nói tiếp:
“Ráng ăn một chút rồi uống viên thuốc.”
Việt không còn cách nào khác, anh phải mở nắp cà mèn nhưng không dám nhìn vào nó, cứ mò mẫm mà xúc cơm rồi ngấu nghiến. Việt cũng khổng hiểu vì sao những hình ảnh này lại ám vào cà mèn cơm. Anh nghĩ, có lẽ bữa cơm rất nhạy cảm với mùi và hình ảnh ghê rợn. Việt cũng không dám hé môi kể với chiến hữu của mình. Một phần anh sợ tâm lý này sẽ lây lan, một phần cũng vì xấu hổ cho tâm lý dễ bị ám ảnh, không vững của mình.
Uống thuốc một hồi thì Việt thiếp đi hồi nào hông hay. Lúc anh sực tỉnh thì khá ngơ ngác, không hiểu chuyện gì xảy ra khi thấy sự chộn rộn xung quanh, anh còn không nhận biết được đang ở nơi nào. Người chiến hữu chạy lại, hỏi:
“Thức rồi hả? còn mệt lắm hông? Có khỏe tí nào hông?”
Việt vẫn ngơ ngác:
“Mình đang ở đâu? Mấy giờ rồi?”
“Gần 9h rồi. Ông bạn đang ở chiến hào, hổng nhớ gì sao?”
Việt vuốt mặt vuốt mày thì trí nhớ dần trở lại. Anh hỏi:
“À, chuẩn bị rút quân phải hông?”
“Ừ, lính dù đã ra tới, bà con cô bác cũng đã tập hợp hết rồi, chuẩn bị đi đó, đi nổi hông hay chắc phải lên xe rồi. Để tôi dìu ông bạn tới xe, chắc sắp có lịnh xuất phát.”
Người chiến hữu vừa dứt lời thì một tiếng uỳnh thiệt lớn nổ ra cách chừng một trăm thước mà chấn động cảm nhận rõ tại nơi này. Trong ánh sáng mờ mờ, Việt lại thấy mọi thứ bay tứ tung, nghe tiếng la hét thất thanh, tiếng khóc thét vang lên, những bước chân chạy loạn xạ, và tiếng hô: “Đạn cối, đạn cối, núp đi, tìm chỗ núp đi…” nối tiếp nhau. Mọi người chưa định thần thì kế tiếp liền là một tiếng uỳnh nữa, nhưng không cách xa mấy mà ngay chỗ Việt, anh choáng váng bởi đất trời như rung chuyển bần bật trước mặt, dưới chưn mình. Người chiến hữu kéo anh cùng một số người nữa nhảy vào cái hố lớn mà tiếng uỳnh vừa tạo ra. Việt cắm đầu xuống đất, nghe theo lời của các chiến hữu như một cái máy. Mấy tiếng uỳnh uỳnh nữa liên tục dội xuống, Việt nghe văng vẳng trước khi vật ngã nằm ngang bất tỉnh, do người còn thấm mệt mà chấn động lại quá dày đặc: “Pháo kích, chúng pháo kích ngay vào dân thường, chúng giết dân thường không gớm tay, dân chết nhiều quá, quá sức man rợ!”
***
Việt không thấy thân mình nặng chịch, uể oải như mấy ngày nay, anh thấy mình nhẹ hẫng bay bay trong không trung. Anh rất thích thú, cảm giác như những sợi mây trắng lững thững trôi, lững thững mơ màng, không màng gì tới điều gì khác. Trong không trung rất êm dịu như thế này thì còn gì bằng nữa mà không cảm thích. Lâu lâu chỉ có một chút mùi khen khét làm khó chịu mà thôi.
Nhưng rồi, một bóng dáng chợt bay vụt qua, hai ba bóng dáng nữa bay vụt vụt, mỗi lần như vậy là mỗi lần Việt giựt thót người, không hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Chưa kịp tìm hiểu, chưa kịp hiểu thì một bóng dáng bay ngay tới ngừng ngay trước mặt, và hỏi:
“Thân mình tôi đâu, anh có biết hông?”
Việt nhìn kỹ, thì ra bóng dáng chỉ có mỗi cái đầu, cái đầu mang bộ tóc rũ rượi, cùng đôi mắt mở trừng trừng, dòm thấy hầu như là tròng trắng. Việt ớn lạnh, dĩ nhiên anh không biết, anh đáp:
“Dạ, hông, hông biết.”
Bóng cái đầu buồn rầu bay đi. Việt cũng buồn rầu không kém, nhìn theo bóng dáng chưa khuất thì bóng một cánh tay xoay xoay như chong chóng trước mặt, cùng với câu hỏi đó, có khác là hỏi thêm cái đầu. Việt chưa biết trả lời thế nào cho vơi bớt sự thất vọng cho bóng dáng thì liên tục những câu hỏi tương tự xoay quang anh cùng những bóng dáng thiếu hụt thể xác. Bóng dáng một cẳng chưn xoay tròn như cánh tay, bóng dáng một nửa thân mình phía trên, một nửa thân mình phía dưới, một nửa thân mình theo trục dọc, bóng dáng một cái đầu bị tuốt mất phần da còn như cái đầu lâu, bóng dáng một bộ xương cũng bị tróc gần hết bộ da… Và những bóng dáng khác, cùng với những lời sầu bi không thể nào thê thảm hơn nữa: “Trời ơi! ruột gan của tui, ruột gan của tui sao đổ hết ra ngoài thế này?”, “Con mắt của tui đâu, có ai lượm được con mắt của tui hông?”, “Tui khó thở quá, tui ngột thở rồi, cho tui chút hơi thở đi, Trời ơi!”, “Cứu với, cứu với, Trời ơi! cứu tui…”… Cùng với lời kêu than là hành động của các bóng đáng, hốt ruột gan nhét lại vào trong bụng, cố hả họng để tìm chút ô xy, chút khí trời…
Việt càng ớn lạnh, nãy giờ đã run lẩy bẩy thì càng run bần bật hơn nữa. Anh trả lời lớn, như thể một câu chung:
“Dạ, hông biết, chẳng biết gì cả.”
Việt nhìn kỹ lại mình, anh không bị là sao cả. Anh không hiểu chuyện gì xảy ra hết cả. Anh suy nghĩ được gì để tìm hiểu tại sao. Trong anh bây giờ chỉ có nỗi sợ hãi, hãi hùng trùm hết người mình.
Nỗi sợ càng lúc càng lớn dần, anh sợ sẽ còn nhiều bóng dáng bay tới nữa, Việt muốn bay trốn, muốn trốn thiệt nhanh. Anh tìm những đám mây lớn để ẩn mình vào trong đó, những đám mây đen càng tốt. Nhưng quẩn quanh không có một đám mây nào. Chỉ có bóng đen tăm tối bao phủ. Không có một nơi nào trốn tránh được. Anh cứ xà quần xà quần mãi. Các tiếng thở than, các câu hỏi dần dần vơi bớt. Việt không vui mừng, anh chỉ cầu mong không phải nghe thêm mà thôi.
Cầu mong của Việt không được toại nguyện. Anh không còn nghe tiếng kêu than, nghe những câu hỏi nữa, nhưng thay vào đó là tiếng rên rỉ, rên rỉ hừ hừ từng tràng kéo dài, rên rỉ buốt tới tận óc. Khó chịu đựng quá đỗi, Việt bức bối và nổi nóng bất tử, một cử chỉ hiếm có trong anh, Việt la lớn:
“Thôi đi… im đi… im ngay đi…”
Tiếng rên im đi. Kế tiếp thì có giọng khàn khàn nhưng nghe như tiếng rên:
“Dậy đi ông bạn. Dậy đi, đừng mê man nữa, ráng dậy đi, đừng mê man mà đi luôn, bỏ tui một mình bơ vơ nơi này.”
Nói xong, lại có tiếng rên hừ hừ. Việt cảm giác như có ai đang vịn vào người, lay người mình. Và đúng như vậy, Việt bất tỉnh, gần như chết rồi, anh bay bay là hồn anh đang bay đó thôi. Bay bay, anh gặp những hồn đã lìa khỏi xác bị thương tật kinh hoànhg. Kề bên anh bây giờ là một người chiến hữu bị thương lết được lại đây nằm kề và rên rỉ đã lay lay người anh. Việt tỉnh được, tỉnh khỏi cơn mê man. Người chiến hữu mừng rỡ:
“Ồ! Ông bạn tỉnh được rồi. May quá, không thì một mình tui chết ở đây thiệt sầu quá.”
Việt đã bớt mơ hồ, anh dần dần nhớ lại. Lâu lâu có mùi khét, À đó là mùi thuốc súng, mùi cháy khét của chiến trường đã tan dần đó thôi, anh đã biết mình đang ở chiến hào. Anh bật ngồi dậy:
“Anh bị thương ở đâu, để tui băng bó cho anh. Anh đợi một chút nhé.”
Việt chạy vào các dãy lán trại, lục tìm được hộp cứu thương. Anh quay lại băng bó nhiều vết thương khắp mình mẩy người chiến hữu, nặng nhứt là ở chưn, bị gãy ngang đoạn xương ống quyển. Việt hỏi:
“Mình hình như bất tỉnh ở đây, chẳng biết mô tê gì, chúng ta bị pháo kích thì phải?”
Người chiến hữu đáp trong nghẹn ngào:
“Đúng vậy. Hơn cả chục quả đạn cối dội ầm ầm xuống, không chỉ lính trận mà bà con theo di tản bị chết nhiều lắm, chết đau thương, xác không còn nguyên vẹn, như bị phanh thây. Kinh khủng tận cùng của sự dã man.”
Việt lắc đầu mệt mỏi:
“Anh nằm đây chút nhé, tui đi xem, coi có ai còn sống không.”
Đi một vòng, Việt trở lại:
“Không thấy một dấu hiệu nào của sự sống, kể cả cây cỏ, một bãi tha ma, toàn mộ mùi chết chóc. Có lẽ mọi người nghĩ hai ta cũng đã chết, nên đã nhanh chóng rút đi rồi.”
“Có lẽ vậy.”
Người chiến hữu đã đỡ đau hơn đôi chút nhờ những viên thuốc giảm đau. Việt nói:
“Ta rời khỏi đây thôi. Để tui dìu anh đi.”
Việt loay hoay dìu người chiến hữu, nhưng không tài lên nổi cái hố sâu hoắm, người chiến hữu cố lắm cũng không nhích chưn lên được, Việt xoay qua cõng cũng không thể. Anh đặt chiến hữu nằm ngửa,và nói:
“Xin lỗi anh bạn, không còn cách nào khác, tui phải kéo anh lên, ráng chịu đau một chút.”
Việt kéo từng chút, nhích từng chút, cuối cùng cũng lên được khỏi hố, anh và chiến hữu vật ngửa người nằm thở dốc. Người chiến hữu còn một chưn nguyên vẹn cũng ráng chòi đạp xuống đất nên mệt phờ, quên bớt cơn đau từ những vết thương tứa máu.
Nghỉ ngơi khỏe lại, Việt đỡ chiến hữu lên, dìu anh đi từng bước chầm chậm. Đi được chừng hai cây số, lúc này Việt thấy khỏe lại, anh xoay qua cõng người chiến hữu, ráng cõng chừng một cây số thì cùng ngồi nghỉ, sau đó cùng dìu nhau đi tiếp, khỏe chút thì cõng tiếp, cứ như vậy ráng lê lết dần dần con đường Tỉnh lộ 2* (Quốc lộ 56 ngày nay).
Đã trải qua khoảng ba tiếng đồng hồ, đã qua chừng mười cây số, Việt vừa dìu chiến hữu đi vừa trò chuyện, hỏi han gia cảnh của nhau để vơi bớt nỗi đau. Đường đi vắng vẻ, con đường dường như rất ít được sử dụng nên nhìn rất hoang phế dù đường không đến nỗi xấu, đó đây có những hố bom hố đạn, và rừng cây rậm rạp, nhiều cành cây, cỏ dại phủ ra hai bên đường. Lâu lâu tiếng súng lại rộ lên, vang vọng tới. Rồi từng tràng tiếng súng nghe rất rõ ở phía trước. Ngừng lại nghe ngóng, người chiến hữu nói:
“Phía trước không xa lắm là đồn Long Giao. Có lẽ có chạm trán ở nơi đó.”
Việt tần ngần:
“Bây giờ làm sao đây? hông biết có còn con đường nào nữa hông?”
Anh vửa dứt lời thì có hai người lính ôm súng ở phía ngược hướng hớt hải chạy tới.
Việt hỏi:
“Giao tranh phía trước hả anh?”
Anh đáp:
“Bị phục kích, đoàn rút quân tụi tui bị phục kích. Đồn Long giao cũng đã bị thất thủ.”
Người chiến hữu bị thương nói:
“Khắp nơi đã bị bao vây, bao vây tứ phía rồi quá.”
Việt đồng tình, rồi hỏi:
“Có lẽ vậy. Nhưng hai anh đang định chạy đi đâu?”
Một trong hai người trả lời:
“Bị bất ngờ, bị bắn rát quá, một số thương vong, quân tan đàn xẻ nghé, chạy tán loạn hết, hai tui cắm đầu chạy đại chứ chưa rõ đi đâu. Bây giờ mới định thần, chạy hướng này cũng đâu có được, phía đó ta vừa đi mà. Chắc phải băng rừng mà đi, không đi ngời ngời ngoài đường như thế này được.”
Cả bốn đồng tình, chuyển vào rừng và nhắm hướng đi. Họ di chuyển rất chậm, chậm chạp đến độ dễ sốt ruột nếu trong hoàn cảnh bình thường. Bởi vừa dìu người bị thương vừa khe khẽ vạch đường vạch lối, luồn cuối trong rừng rậm, tìm đường trong rừng nguyên sinh đầy gai góc, đầy nhánh cây tua tủa đan xen và cả những bụi cỏ cao ngất bon chen. Họ không dám gây tiếng động lớn, thậm chí là sợ đánh động những đàn chim, những con thú rừng.
Đã ba ngày trôi qua, trước mặt họ vẫn rừng là rừng. Họ không biết đã đi được bao xa. Đêm không dám đốt lửa, tìm những hốc đá hoặc hốc cây lớn mà trú ngụ. May còn những túi ngủ nên chống chọi được với muỗi mồng dày đặc. Ba người lành lặn thay nhau gác đêm. Thực sự thì cũng chỉ là cẩn thận không thừa, chứ trước mặt chỉ là một màn đen tối như mực. Trong cái tối này và giữa rừng, tưởng chừng như một ánh lửa nhỏ sẽ không tồn tại. Không ai dại gì rọi đèn để soi tìm, đó là cách tự tố giác vị trí của mình mà thôi, hoặc có dùng ánh đèn để đánh lạc hướng cũng không mấy hiệu quả.
Việt ngủ rất lơ mơ, chập chờn, nhưng anh không nghĩ ngợi gì, kể cả lúc thức, nỗi ám ảnh bị phục kích cứ thường trực trong đầu. Và họ rất dè sẻn, dè sẻn từng chút thức ăn, phải tìm lá, tìm trái cây ăn dặm thêm. Phía trước là một bức màn mịt mùng, họ đâu biết hành trình bao giờ kết thúc, bao giờ được thoát ra. Thú rừng nhiều vô kể nhưng họ không dám săn bắt, có bắt được thú một cách không gây náo loạn đi chăng nữa cũng không thể ăn thịt sống. Họ chưa tới mức độ này.
Đi tới gặp một dòng suối nhỏ. Dòng nước mát lạnh xăm xắp ngang mắt cá chưn trong vắt chảy qua những hòn đá cuội, chảy qua những lớp sỏi nằm bên dưới, có những đụn cát rải rác đó đây cũng giống như bên lở bên bồi ở các dòng sông. Đá cuội và sỏi được mài nhẵn, sáng bóng. Những hòn đá lớn nằm cạnh bờ mới có chỗ bị rong rêu bám vào.
Bốn người lính bê bết, tả tơi vốc nước thỏa thuê lên mặt, lên cổ. Họ có được phút giây sảng khoái. Tình cờ, lúc ngước mặt lên để tận hưởng hết sự sảng khoái, Việt thấy được rất nhiều những chùm bông tím trên những cành cây có xen lẫn những lá đã chuyển màu cam cam, vàng vàng. À, anh nhớ ra, đó là những bông bằng lăng đúng mùa nở rộ. Những lá cam cam, vàng vàng làm cho nơi đây giống mùa thu của các xứ lạnh, mùa thu tay lá. Bất chợt, Việt ước cuộc đời phải chi được như ở dòng suối này. Nó tuyệt đẹp, nó trong sáng, nó thanh bình, nó gột rửa và nó được gột rửa. Dòng nước gột rửa, những viên đá cuội, những hòn sỏi được gột rửa. Gột rửa, Việt thấy thêm được một hình thái khai sáng, như anh đã thấy ánh sáng chiếu vào vùng u tối. Ừ, nơi đây có cả những tia sáng chiếu xuyên qua rừng cây tán lá, đúng hơn là những luồng sáng chứ không chỉ là tia, những luồng sáng tới đây thiệt dịu, thiệt nhẹ nhàng. Anh nghĩ, nếu thoát ra được nơi này, rồi sẽ có một ngày anh trở lại khi nơi đây không còn là chiến trường. Ừ, mà phải là tất cả các nơi đều không còn chiến trường.
Việt thấy một người định vốc nước uống. Tìm thức trong anh thức tỉnh, anh vội ngăn lại:
“Ui, khoan, khoan đã, khoan vội uống.”
Cả ba chiến hữu ngạc nhiên:
“Sao vậy?”
“À, trong nước có thể có ký sinh trùng, uống vào có thể gây một số bịnh.”
“Vậy phải làm sao đây? Nước mát quá và chắc là rất ngọt.”
Việt làm cử chỉ trấn an. Anh lấy ra con dao găm, tìm một đụn cát ẩm, rồi đào một cái hố nhỏ. Một lúc sau thì những mạch nước nhỉ ra, nước cũng trong veo và mát lạnh. Anh nói:
“Nước đã được cát lọc bớt, uống an toàn hơn.”
Bốn người họ vốc nước uống ngon lành. Một người nói:
“Đúng là Biệt động quân có khác.”
Việt cười gượng gạo:
“Biệt động quân thiếu chuẩn, Biệt động quân thiếu beret”
Lấy nước đầy các bi đông, chuẩn bị tiếp tục hành trình, thì… nơi ngọt ngào trở thành đắng chát. Ừ. Phải, người ta thường nói nơi nguy hiểm nhứt là nơi an toàn nhứt đó thôi. Việt chợt nhớ, những người đi săn thường phục ở những nơi như thế này để rình rập, để chờ đợi những con thú ra uống nước hoặc tìm thức ăn.
Những một loạt đạn bay tới cùng những tiếng hô lớn:
“Buông súng, bước lên đầu hàng đi, chúng bây đã bị bao vây.”
“Bao vây chúng, tiểu đội chúng ở hết dưới suối.”
Việt chưa kịp phản ứng gì, anh nhảy lại núp sau một tảng đá để quan sát, một chiến hữu theo bên anh, còn một thì tách ra cách một đoạn, nhưng sực nhớ tới chiến hữu bị thương, Việt nói:
“Anh bắn trả đi, để tui lui đỡ anh bạn.”
Việt bước lồm cồm lại kéo chiến hữu bị thương tới chỗ núp trong khi người chiến hữu bên tảng đá lia một loạt đạn dài, anh phía bên kia cũng bắn tới tấp. Việt cũng nghe hai loạt đạn đáp trả. Khi về lại chỗ, anh nhận định:
“Có lẽ họ có hai người hoặc ba thôi. Họ nghĩ ta đông, cả tiểu đội. Chúng ta bắn rát một loạt nữa xem sao.”
Người chiến hữu đồng tình. Việt chẳng thể hiểu nổi tại sao mình bỗng dưng như kẻ dày dạn trận mạc. Có lẽ rằng, không chỉ chiến trường mới biến con người ta trở thành như vậy. Bị dồn vào những thảm cảnh đau thương, những gai góc của cuộc đời nó cũng biến con người ta mau chóng thu nạp kinh nghiệp và nhạy bén nữa.
Cả hai cùng xiếc cò, và ra dấu nên người chiến hữu phía bên kia xiếc cò theo. Tiếp tục có hai loạt đạn đáp trả. Tạm nghỉ để coi thế nào và nạp thêm đạn, song, Việt ra dấu bắn tiếp. Không nghe tiếng đạn bắn trả mà chỉ nghe một tiếng đạn lẻ, và cũng không nghe chiến hữu bên kia bắn tiếp, Việt quay qua thì… hỡi ơi! người chiến hữu bên kia đã đổ gục, nằm bật ngửa dưới dòng suối, máu loang đỏ rồi hòa vào dòng nước nhỏ, nhạt dần trôi đi. Việt lồm cồm chạy lại, người hữu tiếp tục bắn xối xả, anh rờ mạch rồi ôm đầu, rồi bưng mặt, rồi lắc đầu…
Việt quay lại chỗ núp, không còn nghe tiếng súng khá lâu, anh nói:
“Ảnh đi rồi. Và chắc họ ít người thiệt, nên cũng đã rút. Ta tranh thủ đi nhanh thôi.”
Người chiến hữu hỏi:
“Bỏ ảnh nằm đây sao?”
Việt thở ra rất mạnh:
“Trong tình thế này thì không thể khác rồi.”
Người chiến hữu cũng thở dài, tiếng thở dài chầm chậm chạy theo dòng nước nhẹ còn loang máu màu hồng, bịn rịn một tí rồi anh đành gật đâu.
Việt cố tỏ ra cứng rắn, không cứng rắn thì nơi đây không chỉ có một cái xác từ từ mục ruỗng mà sẽ có tới bốn cái xác chứ không đùa được. Anh cố nén cảm xúc vừa chực chờ, đành để chiến hữu nằm cô độc ở đây mà không có nỗi một nấm mồ dù lạnh giá. Hy vọng, nếu may mắn hơn thì anh có được nơi an nghỉ tươm tất.
Người chiến hữu nói:
“Xin lỗi anh bạn, tụi tui đành đi thôi. Đi nhanh thôi.”
Việt vừa xốc chiến hữu bị thương chuẩn bị đưa lên vai thì nghe có tiếng kêu cứu:
“Cứu tôi với, cứu với…”
Việt và chiên hữu khá tần ngần, và anh đặt người chiến hữu bị thương xuống và nói:
“Có lẽ họ cũng bị thương.”
Người chiến hữu nói:
“Coi chừng là cái bẫy.”
Việt gục gật, nhưng rồi anh không can tâm:
“Lỡ họ bị thiệt thì sao? Ta đâu thể bỏ mặc được, họ cũng là con người.”
Người chiến hữu im lăng. Việt nói tiếp:
“Anh ở đây canh chừng, tui dò xét xem sao.”
Việt luồng đi nhanh và rất nhẹ nhàng, đây là sở trường của anh được huấn luyện. Cánh rừng vắng lặng, vắng đến rợn người sau những loạt tiếng đạn kinh động. Rồi Việt nghe tiếng rên rỉ. Bằng trực giác và quan sát thêm Việt chắc rằng kẻ đối đầu vừa rồi đã bị thương. Anh lần tới, quả đúng là như vậy, và đó là địa phương quân, anh ta mặc bộ bà ba đen. Thấy Việt, anh ta có vẻ hốt hoảng, anh ta thều thào:
“Đừng bắn, đừng bắn tôi.”
Việt đưa tay lên môi suỵt sụyt:
“Tui không bắn anh, nhưng anh đã bị thương vẫn còn bẫy tôi sao?”
Anh ta nhúc nhích nhẹ đầu, ý muốn lắc đầu:
“Không. Tôi không bẫy anh đâu. Chúng tôi chỉ có hai người thôi, chúng tôi chỉ là trinh sát, đang ở xa căn cứ nhưng ham lập công, khi tôi bị thương, người đồng chí đã bắn phát đạn ân huệ tưởng rằng tôi đã chết, đã chạy chắc rất xa rồi.”
Việt khá sững sờ. Anh hỏi lại:
“Thiệt chứ?”
“Người sắp chết không thể nói dối.”
Việt bồng anh ta lên, đưa xuống suối, và nói:
“Anh không phải chết. Tụi tui sẽ cứu anh.”
Đến suối, Việt thuật nhanh lại câu chuyện, rồi anh nói người chiến hữu:
“Anh lục lấy dùm hộp cứu cấp.”
Việt tiêm cho anh ta một mũi thuốc. Người chiến hữu lấy bông băng. Bỗng anh ta thều thào cản lại:
“Đừng, đừng… đừng băng bó những… thứ đó cho tôi…”
“Chúng tôi bằng bó cho anh rồi đưa anh ra khỏi đây.”
“Không… không, làm ơn… đừng… tôi sẽ không sống được lâu nữa…”
“Anh sẽ sống…”
“Không… tôi biết sức mình… biết được cái chết đang đến, xin… các anh… có gì ăn thì… cho tôi ăn, tôi không muốn làm… ma đói…”
Người chiến hữu gật đầu ngay:
“Được, được.”
Anh nhanh tay lục lấy hộp cơm sấy trút ra cà mèn, đổ nước từ bi đông vào, cơm nở thì anh nhẹ nhàng bón từng muỗng cho anh ta. Ăn một hồi thì anh ta nói với gương mặt đượm buồn:
“Cảm ơn các anh… Tôi chết không… thành… ma đói nhờ kẻ thù của mình… nhờ cơm của đế quốc Mỹ.”
Việt đáp lại:
“Tất cả là do hoàn cảnh. Chúng ta bị bắt buộc như vậy mà thôi, bây giờ ở đây tụi tui và anh là những con người.”
Anh ta nhích cười có chút mỉa mai:
“Xin các anh một điều nữa, các anh hãy… xé áo của tôi mà băng cho tôi, đừng… lấy bông băng Mỹ – Ngụy, các đồng chí… của tôi tìm được xác thì nguy, tôi trở thành kẻ tội đồ, hèn nhát… đầu hàng giặc…”
Việt và người chiến hữu ngỡ ngàng, không thể hiểu nổi. Người chiến hữu thở dài:
“Trời ơi! tới nước này mà còn như thế này, ngay chính người của mình hạ sát không thương tiếc mình mà còn đồng chí. Họ bị nhồi cái triết lý quái quỷ gì thế này.”
Anh ta ưa ứa nước mắt, nói tiếp:
“Các anh đi đi…”
Việt cản lại:
“Tụi tui sẽ đưa anh cùng đi.”
“Không… tôi chỉ còn vài giây phút nữa thôi.” – Anh ta cố đưa tay lên chỉ: “Các… anh nên đi hướng này, hướng… khá an toàn.”
Việt móc gói thuốc lá:
“Anh làm một điếu được chứ? Đây cũng là thuốc lá Mỹ đó.”
Mắt anh ta sáng lên, anh ta mấp môi, cử chỉ không chỉ đồng ý mà còn mừng rỡ. Việt đốt điếu thuốc đưa lên môi cho anh ta, anh ta rít sảng khoái:
“Cảm ơn… cảm ơn…”
Người chiến hữu hỏi:
“Bao giờ thì đồng đội anh trở lại?
Anh ta đáp:
“Sẽ không trở lại.”
“Chắc chứ?”
“Căn cứ… ở xa lắm, đây… đây… cũng không phải điểm trọng yếu… tôi xin thề… Cảm… cảm… – Nói chưa hết được lời cảm ơn thì anh ta quẹo đầu sang bên.
Bần thần trong giây phút, rồi Việt nhận định:
“Người chết, dù gì đi nữa cũng không nói dối, họ sẽ không trở lại. Ta phải chôn cất đàng hoàng hai thi thể này thôi.”
Tìm được chỗ, Việt và người chiến hữu đào huyệt, rồi đắp mồ. Họ lấy những tảng đá lớn đặt ở đầu mộ thay cho tấm bia. Người chiến hữu nói:
“Trước đây chừng tiếng đồng hồ, họ là kẻ thù của nhau, cố giết nhau, bây giờ lại nằm cạnh bên nhau. Mong cho họ có được sự bằng an ở thế giới bên kia, và là bạn bè, không còn chỉa súng bên nhau.”
Việt và chiến hữu bị thương gật đầu. Cả ba chào theo điều lịnh quân đội. Rồi Việt xốc người chiến hữu bị thương lên vai:
“Đi thôi. Theo hướng anh ta chỉ thôi.”
***
Người chiến hữu nhảy lên bờ qua dòng suối, phạt và đạp cành cây rào rào, rừng chỗ này thưa hơn một chút, nên có thể chạy chậm được, Việt vác người chiến hữu bị thương băng theo sau mà anh thấy nhẹ tênh, không hề nặng nhọc lắm.
Ý chí con người quả là có sức mạnh hơn sức mạnh thể xác khi cần kíp.
Chạy phải hai cây số thì họ mới ngừng nghỉ, cũng bởi vừa thấy được một hốc đá khá kín kẽ.
Bấy giờ họ mới ngồi thở dốc. Người chiến hữu bị thương thì rũ rượi, máu tươi rướm ra khắp các vết thương, ngồi tựa vào tảng đá mà đầu cuối gục, gần như bất động. Việt lay lay vai anh:
“Ráng lên anh bạn, rồi sẽ tìm được đường ra.”
Chiến hữu bị thương cố ngước đầu lên nói thều thào:
“Hai anh đi đi.”
Người chiến hữu kia nói liền:
“Hông được. Đi cùng đi, ở cùng ở.”
Việt đồng tình. Người chiến bị thương nói tiếp:
“Hai anh nên đi. Ở lại chỉ có chết chung.”
“Ừ, thì chết cùng chết, sống cùng sống.”
“Tại sao phải phí cuộc sống như vậy? Tại sao phải đánh đổi hai mạng sống vì một mạng sắp chết. Hai anh đi vẫn còn hy vọng. Vả lại như lúc chúng ta tâm sự ở dọc đường, anh đã biết rồi đó, tui là đứa trẻ mồ côi, không còn gì để mất, hai anh còn quá nhiều thứ để mất mát. Tấm thịnh tình của các anh xin ghi tạc, xin cảm ơn các anh đã không rời bỏ đồng đội, dù chúng ta là các không cùng đơn vị. Xin hai anh, hai anh đi để kẻ này nằm lại được nhắm mắt yên lòng.”
Việt và người chiến hữu vẫn nhứt quyết không rời đi. Và chuẩn bị để tiếp tục thì người chiến hữu bị thương nói:
“Hai anh cho xin vài phút riêng tư, chỉ vài phút, vài phút suy nghĩ nhé.”
Việt và Người chiến hữu bước ra bên ngoài, cũng là để dò xét tình hình. Rồi một… tiếng đùng chát chúa vang lên bên tai. Tiếng đùng dội vào vách đá vang vọng, Việt và người chiến hữu đã giựt thót thì càng rợn người hơn nữa bởi tiếng vọng kéo dài nhiều tiếng, tiếng vọng như thể đi về một nơi nào đó hun hút, đi về một nơi thăm thẳm.
Họ lại chứng kiến cảnh máu loang. Máu đã loang muôn nơi. Máu loang trên đất, máu loang trên cát, máu loang trên đường, máu loang trên thềm, máu loang trên nước, máu loang trên cỏ cây hoa lá, và bây giờ máu loang trên đá.
Họ quỳ phục bên thi thể, bên dòng máu loang của người bạn. Họ gần như bất động. Họ muốn thét lên, nhưng cũng chỉ phát ra được tiếng “Trời ơi!” nho nhỏ, chẳng khác gì tiếng rên. Cả lồng ngực họ đã ngập nỗi ức nghẹn. Mắt họ đỏ hoe và những dòng lệ tự động chảy tuông, không kìm nén được.
Việt cũng muốn bắn vào họng của mình. Anh muốn kết thúc nỗi thống khổ, giải thoát khỏi nỗi thống khổ, anh muốn đi theo tiếng vọng xa thăm thẳm chứ không còn muốn nghe nó nữa, không còn muốn thấy dòng máu loang nữa. Anh kinh sợ dòng máu loang lắm rồi, anh sợ nó không bao giờ kết thúc.
Người chiến hữu vội gạt ngang khẩu súng, ôm chầm lấy anh. Hai con người có lúc mạnh mẽ tưởng chừng như cơn bão, tưởng chừng như không có gì có thể quật ngã họ được rung lên bần bật, nước mắt tuông ra chảy dài…
Họ cứ mặc kệ, cứ để nước mắt chảy dài, họ không nói gì, lặng lẽ đưa xác chiến hữu bị thương đi chôn. Họ ngã người nằm ngửa với đầu gối lên nấm mộ với gương mặt như đứa trẻ nít khóc lớn, nước mắt nước mũi chảy dài và lem luốt bởi cánh tay, bàn tay quẹt ngang. Họ không buồn lau sạch và chẳng nói một lời, không còn lời để thốt ra nữa.
Rồi họ đứng dậy, bá vai dìu nhau đi. Hai thân thể thất thểu bước đi như hai bóng dáng vô hồn.
***
Hai cái xác vô hồn lẩn quẩn trong rừng thêm bốn ngày. Rồi cũng ra được khỏi rừng mà không bị phục kích lần nào nữa. Ra đến được Quốc lộ 15* (*Quốc lộ 51 ngày nay) ở đoạn phía dưới, qua cả xã Phước Lễ* (Tỉnh lỵ Phước Tuy – thành phố Bà Rịa ngày nay) mà họ cũng không thể biết vì sao ra được đến đó.
Việt và chiến hữu đang lừng khừng, chưa định được nên đi tiếp về hướng Ô Cấp hay đi ngược lại Phước Lễ, thì một chiếc GMC chở một toán lính chừng một tiểu đội chạy tới, xe rề rề lại, những người lính ngoắc và đưa ta kéo họ lên.
Lên xe rồi Việt mới biết Phước Lễ đã về tay Cộng quân.
Xe tiến thẳng về cửa biển Vũng Tàu. Tại đây có những chiếc tàu nhỏ đưa quân nhân ra Dương vận hạm đang neo ngoài khơi. Rất nhiều tàu đánh cá chở dân chúng cũng chạy ra theo xin di tản. Hạm trưởng đã nhận được lịnh được di tản tự do.
Việt và người chiến hữuđược ăn một bữa no nê. Anh lên bon tàu, kiếm một chỗ khá vắng thả người nằm dài. Bây giờ anh mới cảm nhận được cơn mệt mỏi chất chứa, nhưng không ngủ được, Việt đành trở tư thế ngồi tựa lưng. Anh nhìn biển cả mênh mông, nhìn nước biển trong xanh với cặp mắt không hiểu sao vẫn cứ trơ trơ, không cảm nhận được điều gì. Có lẽ đầu óc trống rỗng, không có chút suy nghĩ nào hiện diện, thay vào đó đã bị trạng thái vô thức lấp đầy được gây ra từ sự mệt mỏi, nên đầu óc không còn điều khiển được điều gì cả. Những hành động lúc này thuộc về bản năng sinh tồn. Anh còn không biết chiếc hạm đang đón thêm dày đặc người ùn ùn kéo tới, còn không biết có cả những chiếc trực thăng chở đầy người đáp xuống, mà tiếng nổ máy của trực thăng đâu phải là nhỏ, cánh quạt của nó xoay khùng khục tạo ra gió rần rật cả một khoảng không gian rộng chứ đâu vừa.
Nếu trong hoàn cảnh bình thường, thì người ta dễ cho rằng đây là một trạng thái vô cảm, một trạng thái trơ trơ gỗ đá của trái tim trong con người này. Ưm, nhưng trạng thái vô thức của Việt cũng không hẳn hết do sự mệt mỏi gây nên, nó còn từ những chấn động tinh thần, chấn động liên tục, liên tục, liên tục đến nỗi tinh thần bị dồn ép thành một khối cứng đờ, tưởng tượng được rằng, giả sử nó nổ tung thì nó nổ không thua gì tiếng đạn cối và nó vang vọng trong không trung không thua gì tiếng súng vang trong vách đá. Nhưng nó không thể nổ, nó đã kết tinh như vật thể kết tinh nằm sâu trong lòng đất, ngay khi được người ta đào đưa ra khỏi nơi kìm nén từ rất lâu nó cũng không thể nổ.
Từ gần trưa, Việt ngồi gần như bất động cho đến tối. Khi ánh đèn được bật lên, Việt nhìn chằm chằm vào những tia sáng, không phải anh thấy nó giống những tia sáng hừng đông, những tia sáng khai sáng, mà bởi nó có một sức hút kỳ lạ, như những tia sáng thôi miên. Ánh đèn thôi miên Việt không lâu thì anh vô thức hoàn toàn, giấc ngủ kéo tới phủ kín người anh.
Và anh ngủ một mạch cho tới khi Dương vận hạm khởi hành mới thức giấc. Anh nghe người ta kháo nhau, chiếc hạm xuất phát đi Phú Quốc.
Vệ sinh thân thể sạch sẽ, Việt lấy lại được phần nào sự tươi tỉnh. Dương vận hạm lúc này khá đông người. Việt len ra phía sau đuôi tàu. Anh tựa lan can dòm dòng nước trắng xóa mà chiếc hạm rẽ làm đôi như hai luồng nước nổi chạy ngược và thấy lớn dần chứ không nhỏ bởi càng lúc càng xa. Ngoài hai luồng nước, chiếc hạm thiệt lớn cho nên sóng biển trở thành những con sóng lăn tăn. Rồi Việt thấy một đợt sóng lớn hơn cuộn cuộn kéo tới hướng cắt ngang chiếc hạm. Đợt sóng này so với chiếc hạm cũng không là gì nhưng tự dưng trong lòng Việt lại cuộn lên như sóng, làm anh thấy sóng cuồn cuộn tiến lại càng lúc càng lớn, rất lớn. Anh lại thấy mờ mờ, ảo ảnh nhiều thứ phía trước con sóng, thấy những dãy nhà, thấy những làng quê, thấy những cánh đồng rau, thấy những cánh đồng đầy bông hoa, thấy những con người nhộn nhịp đi lại, làm lụng, thấy những ngôi trường với những tà áo trắng, nhứt là những tà áo dài tung bay, và rồi anh vừa thấy tà áo tím thì đợt sóng lao tới cuốn phăng đi tất cả…
Tìm thức lại tỉnh ngủ. Anh chưa nghĩ về quê nhà, về gia đình, về Nàng Nụ Tím Gia Long, về trường lớp… bởi anh chưa biết Dương Vận Hạm sẽ đưa về đâu, sẽ làm gì, nhưng bây giờ anh biết, mỗi phút chiếc hạm rẽ nước lao đi là mỗi phút anh nhòa dần những hình ảnh mà tìm thức khơi dậy, anh sẽ mất chúng.
Vửa lúc này thì có chộn rộn. Chiếc hạm neo lại, đã ở gần Đảo Ngọc* (*Phú Quốc) và đó thêm một số người nữa từ các ghe đánh cà vừa cập mạn. Bất chợt có người nói lớn:
– Thưa Hạm trưởng, tôi cho tôi xuống tàu cá, tôi xin trở về đất liền, tôi không đi nữa, tàu cá lúc này đã bỏ không.
Hạm trưởng lại gần, hỏi lại:
– Anh vừa nói gì vậy?
Anh ta nhắc lại và nói thêm với ánh mắt đỏ hoe:
– Tôi không thể rời xa quê hương. Xin cho tôi trở lại. Xin lỗi Hạm trưởng.
– Anh chắc chứ?
– Dạ thưa, chắc. Tôi cũng không thể rời bỏ vợ con ở quê nhà.
Một số người cũng xin trở về. Người Hạm trưởng cương nghị, nhưng ông cũng đã chớp chớp đôi mắt, ông chớp thêm mấy cái nữa, cố tình che lấp sự xúc động. Ông hội ý với vài sĩ quan, song, ông nói:
– Thôi được, ai muốn rời tàu trở về thì tập hợp lại. Tôi sẽ cho lo liệu nguyên liệu và thức ăn nước uống đủ để trở về.
Dòng người khoảng bốn, băm mươi người, từng người bước tới cảm ơn Hạm trưởng, cảm ơn các sĩ quan và thủy thủ đoàn, và được đưa xuống ghe cá. Việt cũng hòa vào dòng người này. Tự lúc nào không biết, anh đã đưa ngón tay thứ ba lên quyết định – Trở về.
***
Việt bước tới phía đuôi ghe đánh cá hướng về Dương Vận Hạm. Một người đàn ông bước lại hỏi:
“Thưa sĩ quan, sĩ quan còn phân vân không biết quyết định của mình có đúng không?”
Việt lắc đầu:
“Dạ thưa, hông phải vậy. Em chỉ dò tìm coi có thấy người chiến hữu không mà thôi, bởi lúc nãy quên chào từ biệt.”
Thực ra thì anh không có thời gian để nhớ, không có thời gian để tìm người chiến hữu. Lên trên chiếc hạm Việt cố tình tạm xa lánh để không phải bị ẩn hiện những cảnh vừa trải qua. Lúc này chúng lại xuất hiện. Dòng rẽ nước của ghe cá Việt không thấy màu trắng lại thấy đỏ ối, thấy loang loang và cuộn sóng. Những gương mặt chết đau thương đó đây chờn vờn phía trên dòng máu, nhứt là gương mặt của người chiến hữu bị thương tự sát, anh thấy hiện rõ mồm một, gương mặt đau buồn nhưng được một chút an ủi, chết một cách khí khái chứ không hèn nhát, chết khá thanh thản lương tâm và không biểu hiện oán giận gì ai, oán hờn gì cuộc đời, đó là điều anh lo sợ, điều lo sợ nhứt đã không xảy ra.
“Sĩ quan có lo lắng? Trở về sẽ bị trừng phạt.” – Người đàn ông vẫn còn đứng kề bên hỏi tiếp, đưa Việt về với thực tại. Anh Đáp:
“À, dạ không. Em chưa nghĩ gì tới chuyện này. Trong tâm trí, gia đình, làng quê đã choáng hết chỗ cùng với những ám ảnh của những ngày qua. Khi rời khỏi Dương Vận Hạm bước xuống ghe như có một động lực nào đó dẫn lối. Hổm rày ý thức rất kém. Và đôi khi chuyện này cũng có thoáng qua, nhưng nghe có chánh sách khoang hồng, hòa hợp hòa giải nên chắc chẳng sao, hông có chuyện gì ghê gớm xảy ra đâu.”
Người đàn ông gật đầu và hỏi nữa:
“Sĩ quan thuộc binh chủng nào vậy? Có phải Thủy quân lục chiến?”
Nãy giờ Việt quên đính chánh. Giờ nhìn kỹ mới nhớ người đàn ông là người xin xuống ghe đầu tiên, anh chắc ông không rành về nhà binh, và Việt nghĩ ông đang muốn nhường quyền thuyền trưởng lại cho anh. Việt nói và trả lời:
“Dạ thưa, em không phải là sĩ quan, chưa kịp xong khóa huấn luyện nữa chứ, chỉ buộc phải chiến đấu, sự tàn khốc của cuộc chiến biến thành như những kẻ dày dạn trận mạc vậy. Và em thuộc Biệt động quân. Đây là lần đầu đi xa trên biển nhứt, một vài lần chỉ đi chơi gần bờ, hầu như em hông biết gì về biển cả. Em cũng xin được trú dưới khoang tàu, tránh thấy dòng nước nó dễ gợi tới dòng… máu đổ…”
Người đàn ông hiểu ý, ông tỏ vẻ rất tôn trọng, ông cười:
“Biện động quân thì… đặc biệt nhứt rồi. Thôi, anh nghỉ ngơi dưới khoang nhé.”
Việt thay bộ bồ savin. Anh vứt bộ đồ lính và những gì liên quan xuống biển, anh nghĩ không cần tới nó nữa rồi, hãy để lòng biển sâu chôn vùi nó cũng như những hình ảnh ám ảm rợn người. Việt nhốt mình dưới khoang cho tới lúc ghe cập đất liền.
Trong khoảng không nhỏ bé và có phần mờ tối, Việt để tâm hết vào những hình ảnh gia đìmh, làng quê, ngôi trường, cả những quan cảnh xung quanh ngôi trường Văn Khoa, ngôi trường chắc chắn anh sẽ trở lại trong niên khóa tới, và dĩ nhiên đậm nhứt là hình ảnh nàng Nụ Tím Gia Long.
LÊ ĐẮC ĐỒNG VỌNG