CÂY SI

Đinh Tấn Khương

some_tree_painting_by_stingo128-d2z0ys1

Thường khi nói đến cây cỏ, người ta hay gán cho nó là loại trung tính, thế nhưng riêng cây si thì bao giờ cũng mang một giới tính rõ rệt, thường là ‘He’, đôi khi là’She’ nhưng rất hiếm.
Đây là loại cây mọc bốn mùa và không kỵ thổ nhưỡng. Nơi nào có hơi thở ấm áp của con người là nó có thể mọc một cách tự nhiên, thoải mái.

Lật tự điển tìm ở phần cây thì không thấy cây si. Lật qua phần si thì chỉ thấy si cuồng, si dại, si mê, si ngốc, si tình… phải chăng những cái si này gộp lại để thành cây si???.
Chắc là không rồi, vì cây si ngoài những đặc tính trên còn mang rất nhều ưu điểm khác. Đó là một trái tim nồng nàn đầy tình cảm, một sự can đảm vô biên và một sức chịu đựng dẻo dai, bền bĩ. Loại cây kỳ diệu này mới thấy mọc đó mà thoạt nhìn cứ tưởng như là đã 18-20 tuổi và nhiều khi còn già hơn nữa.

Cây si thường mọc trước cổng nhà, ngoài đầu ngõ, trên những con đường dẫn đến trường hay trong những quán cà phê có cô chủ xinh xinh, hách hách nhưng lúc nào trên môi cũng có nụ cười như hoa nở. Cây si cũng có số trời, nếu may mắn thì được người ta đem vào nhà làm cây cột, cây trụ. Còn nếu thiếu may mắn thì bị biến thành kỳ đà đáng ghét. Tệ hơn nữa thì bị người ta đem ra mổ xẻ chẳng chút tiếc thương.

Là người ngoài cuộc, khi nhìn thấy cây si ta không nên ngắm nghía, tò mò. Vì cây si bao giờ cũng mang rất nhiều mặc cảm và không muốn bị nhận diện. Làm cây si có nghĩa là đã ôm cả trời đau khổ nên cần phải được cảm thông, tôn trọng.

Có bao giờ bạn thấy cây si đứng lặng hàng giờ, mặc cho nắng mưa sương gió. Hay một mình đi tới đi lui trên một đoạn đường từ sáng đến trưa, từ chiều đến tối? Cũng có cây si tự mình biến thành tài xế không lương cho cả gia đình người ta bất kể ngày đêm. Cây si thường suy nghĩ và hành động rất tự chủ. Cho nên ‘dù ai nói ngã nói nghiêng, cây si vẫn vững như kiền ba chân’.
Ôi! Làm người bình thường có hai chân cũng đủ vững lắm rồi, mà cây si có đến ba chân thì đố ai mà lay cho nổi.

Trông các chị dễ thương là thế, dịu dàng là thế nhưng hầu như mỗi lần trông thấy cây si là mấy chị cứ muốn vặt hết lá, bẻ hết cành và bứng cho hết gốc. Nhưng không ít những cây si ban đầu bị ghét bỏ, sau dần quen mắt, rồi được nhớ nhung để cuối cùng trở thành cây ‘của nợ’ hoặc cây ‘oan gia’ muôn đời yêu quí…

Tình cờ đọc được bài ” Tản Mạn Về Cây Si ” trên đây trong tập đặc san CĐ &NTH Quinhơn năm 2000 khiến tôi nhớ đến hai cây si “ngồ ngộ” của trường Đại Học Nông Lâm Súc Sàigòn cách nay hơn 40 năm về trước.

Cây si thứ nhất:

Đây là cây si được trồng ở phía trước trường Đại Học Dược Khoa Sài gòn vào những năm 1971-1972. Biết đến cây si này vì những ngày cuối tuần tôi thường đến chơi với thằng bạn (cùng lớp thời trug học) đang theo học và ngụ tại ký túc xá Đại Học Nông Lâm Súc, sát bên cạnh trường Đại Học Dược Khoa. Cây si đó là của một sinh viên Nông Lâm Súc, học sau bạn tôi một năm. Anh ta giỏi cả về học vấn lẫn âm nhạc. Anh vừa đàn hay mà hát thì cũng hay. Anh  đã trồng ‘cây si’ với một cô nữ sinh năm thứ nhất trường Dược.

Theo lời kể, cô ta có vẻ đẹp đài các, là con của một sĩ quan cấp Tá thời bấy giờ. Cô được xe nhà đưa đến sát cổng trường vào mỗi buổi sáng và cũng được đón về như thế vào cuối những buổi học. Ngày nào cũng vậy, chàng ta đứng chờ ở trước cổng trường dược khoa để mong nhìn thấy được cái khuôn mặt dễ thương nơi người tình ‘một chiều’ của anh, dù chỉ lờ mờ qua cửa kính của chiếc xe jeep . Chỉ có thế, vì anh không có một cơ hội nào để được tiếp cận!

Tên của hai người đã được anh trân trọng khắc vào các thân của hai hàng cây dọc lề đường nối liền giữa hai trường đại học. Anh đã bỏ rất nhiều thì giờ và công sức, để tìm gỡ những viên gạch lót các đường bộ hành rồi  mang về trang trí cho những gốc cây này. Anh lại còn bỏ công trồng rất nhiều loại hoa, quanh những gốc cây ấy nữa.

Hằng đêm, sau khi anh đã quét sạch cái đoạn đường này, anh lặn lội đi hái những cánh hoa sứ màu vàng tỏa mùi hương thơm, mang về rải dọc theo lối đi giữa hai trường đại học. Chàng ta đã làm như thế như một thói quen hằng ngày.

Xong xuôi đâu đó thì anh lại bắt đầu cầm đàn và hát những bài hát trữ tình, mang tâm trạng của anh lúc bấy giờ.
Quả thật đó là một cây si vĩ đại!

Năm 1973 thì bạn tôi đã ra trường và tôi không có dịp để trở lại ký túc xá ĐH NLS nữa. Không biết bây giờ cái ‘cây si’ này hiện đang ở đâu và có được cô Dược sĩ ấy mang vào nhà để ‘nâng niu’ hoặc ’xài xể’ hay chăng?

Tôi đoán rằng ‘cây si’ đó chắc đã bị đốn bỏ hay bị cho chết lâu rồi!

Tôi không biết trong số các chị dược sĩ tại hải ngoại bây giờ có ai là cô sinh viên của cái ‘cây si’ trong những ngày tháng xa xưa  ấy hay chăng?

Cây si thứ hai:

Cây si thứ hai mà tôi sắp kể ra đây thì có phần ‘ngộ nghĩnh’ hơn nhiều so với cây si kể trên nhưng hậu quả thì lại phát triển khá tốt. Cây si trước cổng trường Dược thì được trồng ở dưới đất, rất bình thường như bao cây si khác. Nhưng cây si thứ hai này thì lại được trồng trên mái nhà tôn.. mới là lạ chứ!

Cây si này là của một anh chàng cùng xuất thân từ trường ĐH NLS, bạn đồng môn với người bạn (kể trên) của tôi lúc ấy. Sau khi tốt nghiêp thì hai bạn được bổ nhiệm về làm giảng viên tại trường Đại Học ở Miền Nam.

Một lần, tôi đến thăm họ và ở lại qua đêm. Lúc ấy hai người bạn này thuê tầng lầu của một căn nhà tại phố, nơi mà các căn nhà bên cạnh có vách tường chung nhau, cửa sổ của căn lầu mở ra ngang tầm cái mái nhà tắm của căn sát bên.

Đêm hôm ấy, sau bữa ăn tối không lâu, vô tình nhìn ra cửa sổ và tôi phát hiện anh bạn đang nằm dài trên mái nhà tôn, trong bóng tối. Hình như anh ta chăm chú theo dõi một việc gì đang xảy ra bên đưới.Tôi tính lên tiếng hỏi xem anh ta đang thấy gì, thì thằng bạn cùng quê kịp ngăn tôi lại và cho tôi biết, nhà bên cạnh có một cô gái góa chồng, cô ta là vợ của một sĩ quan trẻ vừa tử trận chừng một năm qua. Mỗi buổi tối, cô luôn đi tắm rất đúng giờ và thời gian tắm lúc nào cũng kéo dài khá lâu. Vì thế mà người bạn ấy cũng nằm sấp trên mái nhà tắm cả tiếng đồng hồ, kể cả những đêm mưa gió khí trời buốt giá, hay là sau những buổi chiều nắng gắt mà mái tôn vẫn còn lưu sức nóng!

Cây si được trồng trên mái nhà tôn như thế mà lại mọc rễ rất vững chắc, có lẽ vì gần nước(trên nhà tắm mà!). Sau này tôi nghe tin cây si ấy được chính thức cho mang vào trong nhà của cô ta.
Một thời gian không lâu, thằng bạn tôi bị ung thư và qua đời. Tôi không có dịp gặp lại anh bạn đã trồng cây si ấy nữa cho nên tôi không biết tin gì thêm về họ.

Cầu mong cho cây si của anh bạn được mãi xanh tươi, như những ngày còn trên mái nhà tắm năm xưa!

Sau đây tôi xin kèm một bài thơ mà tác giả là chủ nhân của một vườn “cây si” trù phú:

RỪNG SI

Thuở mới yêu, tôi chẳng biết gì
Vô tình, tôi cắm một cây si
Mới hai, ba bữa mà cây đã
Cành gốc xum xuê, lá xanh rì..
Từ đó trong tôi bừng tham vọng
Đem những ngày xanh tuổi xuân thì
Lang thang đây đó tôi mãi cắm
Nơi nào cũng mọc cả rừng si

Như quý vị đã biết, trồng mỗi một cây si thì đã khốn khổ biết bao rồi! Thế mà cũng có người trồng được cả rừng si thì mới là đáng phục!

đinh tấn khương

19 thoughts on “CÂY SI

  1. Lâu quá không thấy bóng dáng anh ĐTK cũng thấy nhớ …
    Thì ra lâu nay anh bận đi trồng rừng …si…
    Tui chạy mất dép rồi nghe bà con !

  2. ”Từ đó trong tôi bừng tham vọng!”Thả trôi Si nhỏ trôi theo giòng…Lạ quá Si nầy như đước tràm!Bám đất là mọc lan nhanh như rừng…Rừng Si dưới nước đầy ngập mặn!Chẵng cần trên đất hay nhà tắm..Cứ thả trên sông trôi lang thang..Gió nắng mưa vùi là thành rừng…Si …!

  3. Vũ Hạ nói:

    Bài viết rất hay, vui. Hoan hô anh Đinh Tấn Khương

  4. Ni Na nói:

    Cái hình minh họa thật bắt mắt đó nghen .
    Còn câu chuyện của nhà cây cối học Đinh Tấn Khương thì Ni Na cười từ đầu đến cuối.

    • đinh tấn khương nói:

      Cám ơn BBT về hình minh họa
      Cám ơn Nina đã đọc và cười
      Tôi tính theo học ngành lâm nghiệp để biết cách nuôi dưỡng cây si, nhưng vừa nghe lời khuyên của Tạ Chí Thân cho nên đã bỏ ý định đó rồi, sẽ không đạt tới cái danh xưng “nhà cậy cối học” như từng mong ước!!

  5. Chi mà cho mệt dzậy hè! Mình yêu mà không được đáp lại thì mình DỖ, DỖ không được thì DỤ, DỤ không được thì DỌA, DỌA mà vẫn không áp phê thì mình DÔNG! Si với siết… Chán mớ đời!

    • đinh tấn khương nói:

      Chắc là hai nhân vật trong truyện kể là kỷ sư nông lâm rành chuyện trồng cây nên (trồng cây si) làm chuyện chán mớ đời dzậy mà. Cứ như ông Tạ là thượng sách!

  6. Xin anh ĐTK cho địa chỉ cây si hiện nay như trong bài viết anh viết,để cho các em sau này học tập kinh nghiệm

    • đinh tấn khương nói:

      Lạc mất rồi anh Nghĩa ơi, hổng có manh mối nào để tìm lại hết.
      Anh chàng trồng cây si thứ nhất thì không quen (chỉ gặp & biết mặt thôi). Còn cây si thứ hai thì cũng bặt tin luôn vì sau ngày thằng bạn chết vì căn bệnh quái ác (ung thư tủy) cho nên không còn dịp gặp lại nhân vật nầy nữa.

  7. Nguyên Vi nói:

    Anh Khương ơi, cho NV góp vào khu rừng si 1 cây nhé!

  8. Chu Thụy Nguyên nói:

    Đinh Tấn Khương ơi ! mình khoái cây si thứ nhì hơn vì khá hấp dẫn, và dễ gì có được. Nhưng bạn có biết biến thể của cây si là gì không ?
    Khi cây si trở nên lì lợm, nó không được gọi là cây si nữa, nhất là trường hợp với các nàng kênh kiệu, cây si sẽ bị gọi là ” Cái Đuôi ” . Và khi bị gọi như thế, đa số các nàng chỉ muốn tìm cách cắt phăng cái đuôi đi …

    • đinh tấn khương nói:

      Dạ, đúng vậy anh Chu Thụy Nguyên ạ, dễ gì có được cơ hội giống vậy phải không anh?
      Bị cắt cái đuôi thì còn đỡ đấy, có khi bị bằm nát nữa mới khốn anh à!?

  9. Lệ Thanh nói:

    Loại cây này nghe đâu bây giờ đã tiệt giống rồi. Tụi nhỏ kể cho nhau nghe vẻ đẹp kì lạ của si (sau khi đọc bài viết của anh ĐTK) rồi lắc đầu bảo nhau rằng nó chỉ mọc và sinh sôi trong huyền thoại hoặc cổ tích mà thôi.

    • đinh tấn khương nói:

      Chắc là đúng như vậy rồi Lệ Thanh à, khác biệt về thời gian & không gian thì chắc sẽ có những khác biệt về lối sống, cách thố lộ tình yêu?

  10. Vâng , vô cùng thán phục .

Comment