CHUYẾN TAXI CUỐI CÙNG

dinhtankhuong

Không lâu sau cái ngày giã từ công việc dọn dẹp vệ sinh để bắt đầu theo đuổi chặng đường “tìm lại những gì đã mất” thì có nhiều khó khăn phát sinh. Người ta thường nói “có thực mới vực được đạo” quả không sai một mảy may chút nào
Bước chân vào trường, ngoài những khó khăn chung như bất kỳ một sinh viên y khoa nào khác thì riêng tôi lại còn có thêm những khó khăn như tuổi tác, ngôn ngữ, tài chính… Phải thú nhận rằng, khó khăn về mặt tài chính là điều quan tâm lớn nhất và đã gây ảnh hưởng đến việc học (của tôi) nhiều nhất. Sách học và dụng cụ thực tập là những gì quá đắt đỏ trong hoàn cảnh như tôi. Tiền trợ cấp đi học và tiền an sinh xã hội cộng với tiền “ngồi nhịp chân” của vợ không đủ trang trải (thêm) cho những thứ ấy trong suốt một quãng đường dài, bởi vợ không thể xin việc toàn thời vì cần dành nhiều thời giờ chăm sóc đứa con trai (và thêm một đứa nữa sẽ chào đời).
Vừa rời khỏi giảng đường sau những buổi học là phải nhanh chân chạy ngay đến tiệm sách cũ, có khi một ngày phải tranh thủ ghé lại chỗ đó đến hai hay là ba lần, săn lùng những quyển sách (cũ) do các sinh viên đem bán lại với giá bằng một nửa của sách mới, cũng may tiệm sách này nằm ngay bên trong khuôn viên trường đại học, không xa khoa y cho lắm. Nhưng có khi, sách mới tái bản đã có những thay đổi cập nhật mà mình không biết vì thế (đôi lúc) sách cũ cũng là những trở ngại không nhỏ trong việc học tập!
Cái khó bắt mình phải tìm cho ra lối thoát bằng mọi cách, hạ quyết tâm thoát khỏi cảnh túng quẩn. Tìm việc làm bán thời thì không dễ mà lại không phù hợp với khóa học toàn thời, tìm việc làm vào hai ngày cuối tuần thì càng khó hơn. Thế là quyết định chọn nghề lái taxi, do việc làm nầy mang tính co giãn không bị ràng buộc bởi công việc hay bởi chủ nhân, ngày nào muốn lái thì chỉ việc tới công ty thuê một chiếc taxi là được, trong thời gian thi cử hay những lúc bài vở chất chồng thì được quyền “gát tay lái” mà quay sang lo chuyện sách đèn!

Thủ tục hồ sơ thi lấy bằng lái taxi, phải nhờ đến một đồng nghiệp (đã ra trường và đang hành nghề) cấp cho một tờ chứng xác nhận (đã biết) mình là người có tâm (không cần có tầm và có tài). Ông bạn cầm lá đơn lật qua lật lại, dòm tới dòm lui mấy lần rồi (nhỏ nhẹ) ngỏ lời khuyên:
-May mắn lắm mới thi đậu vào trường y, nên dành toàn bộ thời gian tập trung vào việc học, bạn có biết là rất nhiều người bị rớt mỗi năm hay không, hơn 25/170 (tổng số) sinh viên bị rớt mỗi năm đấy nhé, chỉ cần rớt một môn là coi như rớt luôn năm học ấy, năm sau phải học và thi lại tất cả mặc dù những môn đó đã đạt được điểm đậu.Nhưng điều đáng sợ nhất đó là, trong 3 năm học đầu tiên mà rớt tới hai lần (dù không liên tiếp) thì coi như phải rời khỏi trường, liệu đó mà lo học bạn à!
Lời khuyên của người bạn khiến cho tôi suy nghĩ lung lắm nhưng không đủ sức thuyết phục, cố phân trần:
– Lời khuyên của ông chắc chắn là rất đúng nhưng có lẽ tôi cần một việc làm để tránh không bị khủng hoảng tinh thần do bởi khủng hoảng tài chánh, ông làm ơn làm phước ký dùm cho tôi đi, rồi sẽ liệu mà tính sau!
Ông bạn do dự một hồi rồi cầm bút (lưỡng lự) ký tên vào tờ đơn theo sau một tiếng thở dài.

Thủ tục hồ sơ đã hoàn tất, bước kế tiếp thì không dễ chút nào, để lấy được cái bằng lái taxi cần phải vượt qua hai kỳ thi: lý thuyết & thực hành. Kỳ thi lý thuyết thì có bốn phần, phần khó nhất là “tìm đoạn đường ngắn nhất để đi từ nơi nầy đến nơi khác” (nhằm tránh tình trạng chạy lòng vòng rồi bắt hành khách phải trả một số tiền cao hơn, lúc đó chưa có GPS). Muốn có bài “tủ” của phần thi nầy thì phải ghi danh theo học ở một trung tâm luyện thi, lệ phí cao cho nên đành phải tự học. Cũng may, giờ chót có quới nhơn giúp đỡ, được một người bạn trẻ cho mượn tập tài liệu nầy, nhờ thế mà đậu ngay phần lý thuyết (đúng là chó ngáp phải ruồi!?).
Kế tiếp là phần thi thực hành, thường thì ít có ai đậu ngay trong lần thi đầu tiên mặc dù ai cũng đã rành việc lái xe (có lẽ cái bằng gì mà kiếm được tiền là bị làm khó làm dễ đấy chăng?) Nhủ lòng, một lần không đậu thì hai lần, hai lần không đậu thì ba lần… chắc rổi cũng sẽ được đậu thôi mà, hà cớ gì mà phải lo cho mệt trí!
Hôm đi thi thời tiết trở lạnh bất thường, ngồi ôm tay lái (ngay địa điểm chỉ định) chờ vị giám khảo tới, một người đàn ông tuổi độ lục tuần bước dần tới xe với một điệu bộ chậm chạp, có vẻ như đau ở một bên chân. Mở cửa bước vào, giới thiệu là giám khảo và xin lỗi đã để tôi phải chờ lâu (trễ chừng 10 phút). Tôi cười (tỏ vẻ không phiền hà) và bắt đầu làm những động tác (giả) như sửa lại kính chiếu hậu, kiểm soát các cửa đã đóng, quan sát dây an toàn đã cài, rà soát chức năng thắng tay (lúc xe đậu) và thắng chân (lúc xe chạy)…trong lúc đó thì vị giám khảo đang lấy mấy viên thuốc từ trong lọ ra uống. Liếc nhanh, tôi biết chắc là ông đang uống những viên thuốc trị bệnh thấp khớp, như một phản ứng tự nhiên, tôi hỏi:
– Thời tiết thay đổi nhanh chóng như thế nầy dễ khiến cho bệnh thấp khớp trở nên tồi tệ hơn. Dường như ông đang chịu đựng cơn đau nơi đầu gối bên trái, và ông đang uống những viên thuốc có khà năng gây chảy máu bao tử cũng như dễ dẫn đến bệnh tiểu đường, loãng xương do phản ừng phụ của chúng?
Giật mình nhớ ra rằng ông là vị giám khảo, người góp phần quyết định tương lai của mình đây, tôi vội ngỏ lời xin lỗi vì đã nói những điều không thích hợp. Ông nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, hỏi:
– Sao cậu biết về căn bệnh và thuốc men rõ ràng như vậy, còn trẻ mà cũng mắc phải chứng bệnh này sao?”
– Không, tôi đang theo học y khoa thưa ông!
– Năm thứ mấy?
– Năm thứ ba!
– Năm thứ ba mà đã hiểu rõ về bệnh lý và dược lý vậy sao?
– Dạ, tôi đã tốt nghiệp tại quê nhà rồi, thưa ông!
– Tại sao lại muốn lấy bằng lái taxi, không tính học tiếp nữa à?
– Đối với những người mới đến Úc như chúng tôi, khó khăn về mặt tài chánh là điều không tránh khỏi và đó chính là trở ngại lớn nhất trong suốt học trình, thưa ông. Tôi cần tiền mua sách và dụng cụ thực tập trong khi đó vợ tôi thì đang mang thai, tiền trợ cấp an sinh xã hội và tiền phụ cấp đi học không đủ trang trải cho tất cả mọi thứ, thiết nghĩ lái taxi (vào cuối tuần) sẽ giúp cho tôi được an tâm (về mặt tài chánh) để có thể tập trung vào việc học!
Suốt đoạn đường dài, ông chỉ hỏi tôi về chuyện gia cảnh, chuyện học hành, những thắc mắc về căn bệnh của ông…mà không nghe thấy gì liên quan đến việc thi (thực hành) lấy bằng lái taxi. Một chặp sau, ông chỉ định cho tôi quay trở về nơi xuất phát, trước khi rời khỏi xe ông quay sang nhìn tôi rồi hỏi:
– Cậu nghĩ sao, cậu có nghĩ là được chấm đậu (hôm nay) hay không?
– Làm sao dám đoán, nhưng có một điều chắc chắn mà tôi biết đó là, tương lai của tôi đang nằm trong tay của ông đấy, thưa ông!
– Vào phòng đợi, chờ đến khi được gọi tên nhé!
Hồi hộp ngồi chờ ở phòng đợi, nghe gọi tên mình, vội bước tới gần thì vị giám khảo đưa cho tôi một phong bì và nói lời chúc mừng cũng như chúc thành đạt trong việc học. Cõi lòng tràn ngập niềm vui suốt đoạn đường dài, chạy ngay về nhà báo tin vui cho vợ, vợ quyết định tạm dừng “ngồi nhịp chân” để chuẩn bị cho một bữa (tiệc) ăn mừng. Đứa con trai 7 tuổi chẳng hiểu gì nhưng chắc là thấy ba mẹ nó vui lại thêm một bữa ăn ngon cho nên cũng vui theo!
****
Taxi có 2 shifts chạy, mỗi shift 12 giờ: một là từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều, hai là từ 3 giờ chiều cho tới 3 giờ sáng. Tôi quyết định chọn shift từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Hỏi thăm, theo kinh nghiệm của nhiều tài xế thì một shift chạy có thể bỏ túi ít nhất là 100 đô, may mắn thì có thể trên dưới 200 đô (kể luôn tiền típ)
Hôm ấy là sáng thứ bảy, ngày đầu tiên (trong đời) hành nghề lái taxi, chuông đồng hồ báo thức vào lúc 2 giờ sáng, uống xong ly cà phê nóng, (do dự) hỏi xin vợ 50 đô (phòng hờ phải bù lỗ) rồi “xuất quân” trong niềm hy vọng xen lẫn chút bở ngỡ và lo âu!
Thuê xe xong, lái đến trạm taxi gần nhà thì đã có hành khách chờ sẵn, nơi đến là một vùng xa lạ đối với tôi (lúc ấy) mặc dù đoạn đường không phải xa lắm. Hành khách đầu tiên vừa bước xuống thì đã có một cụ bà bước lại yêu cầu chở tới một nursing home trong vùng. Vì là vùng lạ cho nên lo lắng lắm, bèn nói bịa:
– Thưa cụ, tôi thường chạy ở vùng phố chính (city) nhưng vừa có người khách yêu cầu chở tới đây, lần đầu tiên đến nơi này cho nên không rành đường cho lắm, xin bà làm ơn chỉ hộ.
– Không hề gì, chạy theo hướng dẫn của tôi nhé!
Thế là lái chạy theo sự hướng đạo của bà: tới kia quẹo trái, chạy thẳng đi, rồi quẹo phải, quẹo trái, chạy thẳng, quẹo trái, quẹo phải…cứ thế hết quẹo trái rồi lại quẹo phải, hết quẹo phải rồi quẹo trái, chẳng thấy gì ngoài chùm ánh sáng yếu ớt phát ra từ chiếc taxi, len lỏi vào bóng tối dày đặc của một buổi sáng còn vắng bóng mặt trời. Bà cụ bước xuống xe, không quên hỏi:
– Cậu có nhớ được đường quay ra không nào?
– Chắc là nhớ, cụ tử tế quá cám ơn cụ rất nhiều!
Cố moi trí nhớ để quẹo trái, quẹo phải, chạy thẳng, trái trái phải phải …một hồi thì lạc đường, mất hơn nửa tiếng đồng hồ mới quay lại được bến đậu (lúc nầy là giờ cao điểm, mất hơn nửa tiếng là mất mấy chục đô rồi). Nghĩ rằng, ngày đầu xuất quân mà lại không được may mắn lắm cho nên gặp phải bà cụ nầy!?
Thế nhưng, kết quả cuối ngày đầu tiên không tệ lắm, mang về được 60 đô (không lỗ tiền thuê xe và tiền đổ gas là lên tinh thần lắm rồi).
Bẵng đi vài tháng, cũng tại bến taxi nầy, một người khách yêu cầu chở đến cái nursing home mà trong ngày đầu xuất quân đã tới, cũng lập lại cái câu nói bịa:
– Tôi lái ở vùng city, đây là lần đầu tiên tôi đến đây cho nên không quen đường…
– Vậy à, nhớ mấy tháng trước đã gặp cậu rồi, cũng nghe cậu nói giống y chang như vậy, nhưng mà không sao cứ chạy theo sự hướng dẫn nhé.
Lúc ấy, tôi muốn độn thổ cho khỏi “quê”, là bà cụ hôm nọ nhưng tôi lại không nhận ra trong khi đó thì bà còn nhớ rõ cái bộ mặt ngớ ngẩn và đã phát hiện ra câu nói bịa của tôi nữa. Tuy nhiên, thái độ của cụ rất bình thản vẫn đối xử tử tế mà lại còn cho thêm tiền típ hậu hĩ, cộng thêm lời nhắn nhủ:
– Ráng nhớ đường nhé, nhưng cũng đừng có lo lắm, nếu lần sau mà còn quên thì sẽ chỉ tiếp cho, không hề gì!
Bổng dưng trong lòng tôi như đang nẩy mầm một thứ tình cảm thật trân quý đối với vị khách lớn tuổi và tử tế nầy. Và phải chăng là cơ duyên, những tháng năm sau vẫn thường gặp lại, những con đường dẫn tới nursing home quen thuộc cùng với những mẫu chuyện ngắn ngủi được trao đổi đã in sâu vào tiềm thức của tôi, mấy chục năm rồi mà vẫn chưa phai nhạt!
Thời gian trôi nhanh, vào giữa tháng 11 năm 1989 hoàn tất học trình sau kỳ thi tốt nghiệp, nhận được quyết định bổ nhiệm làm việc tại hai bệnh viện cách nhà không xa lắm, sẽ bắt đầu vào ngày đầu của năm dương lịch. Tranh thủ thời gian còn lại để kiếm thêm chút tiền chuẩn bị cho những ngày Tết sắp tới (lúc nầy đã có thêm một cháu gái, vợ không còn làm thêm) cho nên tôi quyết định tìm việc toàn thời, ở một cơ sở cung cấp rau tươi cho các nhà hàng và tiếp tục chạy taxi vào hai ngày cuối tuần (những ngày cuối năm là thời gian đắt khách cho nên không thể thuê xe taxi chạy trọn tuần được, chủ nhân luôn dành ưu tiên cho những tài xế toàn thời).
Chủ Nhật ngày 31 tháng 12 năm 1989 ngày cuối của năm và cũng là ngày cuối cùng (kết thúc) nghề lái taxi của tôi. Cũng tại bến đậu đó và cũng lại gặp bà cụ như trong ngày khởi đầu, tôi lẩm nhẩm một mình:
– Lạ thật, là cơ duyên hay sao, buổi lái đầu tiên và buổi lái cuối cùng (của mình) cũng đều gặp bà cụ nầy!
Hôm ấy trông bà có vẻ gầy yếu nhiều hơn, khác hẳn với lần gặp trước cách đó mấy tháng. Chờ cho cụ ngồi yên vào ghế, tôi bắt đầu chạy theo lộ trình như mọi khi, nhưng bà vội nói:
– Không phải về lại nursing home như mọi khi nữa đâu, chạy theo hướng chỉ dẫn của tôi nhé.
Giọng nói của cụ cũng thay đổi khá nhiều, vẻ bên ngoài và giọng nói đó đã báo cho tôi biết rằng, dường như cụ đang lâm trọng bệnh. Ra hiệu cho tôi dừng lại trước cổng một ngôi thánh đường và căn dặn:
– Chờ chừng 30 phút nhé!
Bước đi không vững nhưng cụ từ chối sự giúp đỡ. Quay lại xe ngồi chờ, nghĩ mông lung về cuộc đời, đời người và đời mình…một chút gì đó tựa như làn khói mỏng vướng lẫn vào tâm hồn. Tiếng đồng hồ tính tiền đều đặn phát ra mỗi lần nhảy số, không lớn lắm nhưng dường như đang đánh thức, như khơi dậy cõi lòng trĩu nặng nghĩ về cuộc sống vô thường trước mắt!
Bước ra từ ngôi thánh đường, dường như tinh thần cụ có vẻ phấn chấn và tự tin hơn. Cụ chỉ đường cho tôi chạy tiếp, dẫn về một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố, không gian thật yên tĩnh, môi trường trong lành, căn nhà dường như vắng người cũng đã khá lâu, lá vàng rơi rụng và những ngọn cỏ mọc cao chung quanh khu vườn đã nói lên điều đó. Nhờ mang hộ chiếc va ly xách tay (hơi nặng) vào nhà, tay cụ run run tra chiếc chìa khóa mở cửa, đẩy cánh cửa và ra hiệu cho tôi vào nhà. Bước theo vào hẳn bên trong nơi phòng khách, thấy trên tường có treo một phóng ảnh của một thanh niên mặc bộ quân phục trong độ tuổi đoán chừng trên dưới 30. Trên mặt bàn đối diện có hai lá cờ được cắm chung trong một chiếc bình làm bằng vỏ đạn: một lá cờ Úc và một lá cờ vàng ba sọc đỏ, hình ảnh nầy làm cho tôi không khỏi ngạc nhiên!
Chưa kịp hỏi thì bà cụ đã chỉ tay vào bức hình và nói lẫn cùng hai dòng lệ:
– Thằng con trai duy nhất của tôi đấy, nó chết lâu rồi!
– Anh ấy đã tham chiến ở Việt Nam và hy sinh bên đó?
– Không, có lần đụng độ với Việt Cọng nhưng nó không chết, chỉ bị thương xoàng thôi!
– Thế, anh ấy chết vì một căn bệnh hiểm nghèo?
– Vâng, cứ coi là như vậy! Trở về từ chiến trường Việt Nam thì hôn nhân bị đổ vỡ, có lẽ chiến tranh đã khiến tính tình của nó thay đổi khá nhiều, dẫn đến những thay đổi (tệ hại) cho cuộc đời về sau của nó và kết thúc bởi chứng trầm cảm rất nặng do không phát hiện kịp thời!
– Xin lỗi cụ, (miền Nam) Việt Nam đã nợ mẹ con cụ một món nợ lớn!
– Không đâu, bọn phản chiến trong nước (Úc) là kẻ mắc nợ chúng tôi. Những đứa sinh viên rảnh việc bị xúi giục cộng thêm vài chính trị gia cánh tả đã phản bội lại những người như con tôi, những người đã hy sinh tương lai để góp phần chận đứng sự lan tràn của làn sóng đỏ.
Tôi chợt nhớ tới hình ảnh mấy năm trước đó, lần ghé vào tham quan trường đại học, thấy một cậu sinh viên Úc mặt còn non choẹt (chừng 18 tuổi đời) tay cầm cái tấm bảng nhỏ với mấy chữ viết bằng tay ngoằn nghèo, ngắn ngủi: “PEACE, NO WAR, USA: DIS-ARM!”, cậu mang nó đi tới đi lui nhưng chẳng gây được một sự chú ý nào từ đám đông sinh viên, cho đến lúc tôi tiến tới gần và hỏi hắn:
– Why don’t you ask Russia and China to be dis-armed, but America?
Cậu thanh niên đứng lớ ngớ không biết trả lời làm sao trong khi đó thì có nhiều tiếng vỗ tay và tiếng cười vang cả một góc sân trường, rồi cậu ta vội bước nhanh ra khỏi đám đông đang vây quanh. Sau nầy tôi mới biết cậu ta là sinh viên mới chập chững bước vào ngưỡng cửa đại học, bị ru ngủ và lôi kéo vào những hoạt động phản chiến của đoàn thanh niên sinh viên cọng sản (Úc), một tổ chức hợp pháp và đã tự nó tan rã, cùng chung số phận với đảng cọng sản Úc cũng như tại nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới, kể từ những năm sau1988.
Bàn tay yếu ớt của bà lay nhẹ cánh tay tôi, đánh thức tôi trở về với thực tại. Bà cầm tờ giấy bạc nhét vào tay tôi, nhìn tờ giấy bạc có mệnh giá lớn, bèn tìm lời từ chối:
– Tờ bạc lớn quá, không có đủ tiền thối lại, thưa cụ. Thôi, cụ cứ giữ dùm khi nào gặp lại tôi sẽ nhận.
– Hãy cầm lấy đi, có lẽ đây là chuyến taxi cuối cùng của đời tôi, cầu xin Chúa ban phước lành cho cậu!
Nhiều ngày sau đó (và cho đến hôm nay) tôi mãi còn thắc mắc:
– Chuyến taxi cuối cùng, sao lại có sự trùng hợp như thế!?
*****
Phiên trực đêm 26 tháng Giêng năm 1990 nhằm ngày Quốc Khánh (của nước Úc), rơi đúng vào ngày cuối năm âm lịch. Không còn bao lâu nữa phiên trực sẽ chấm dứt (đúng ngay giờ giao thừa, khoảnh khắc bước qua năm mới canh Ngọ) thì nghe báo có một trường hợp cấp cứu ở khu điều trị ung thư do chứng thiếu máu cấp tính, vội chạy tới ngay. Cũng lại là bà cụ hành khách thường xuyên của tôi trước đây, ánh mắt mệt mỏi nhưng không dấu được vẻ ngạc nhiên, cụ nhìn tôi chăm chăm rồi thì thào trong hơi thở yếu ớt:
– Có phải là cậu, là tài xế taxi? Ồ không, tôi lầm rồi, xin lỗi bác sĩ!
– Đúng là tôi đây, chúng ta vẫn còn (cơ hội) gặp lại đây mà, thưa cụ!
– Nhưng hôm ấy, là chuyến taxi cuối cùng của đời tôi cậu ạ!
– Vâng, cũng là chuyến taxi cuối cùng của tôi nữa, thưa cụ!
Nhìn qua hồ sơ bệnh lý biết được cụ đã nhập viện khẩn cấp vì chứng thiếu máu do căn bệnh ung thư bao tử ở giai đoạn cuối, nhập viện ngay cái hôm mà tôi đã đưa cụ về thăm nhà, cái ngày được ghi nhớ như “chuyến taxi cuối cùng” trong đời cụ và nghề nghiệp của tôi!
Tôi bắt đầu mọi thủ tục cấp cứu trước khi khám lâm sàng, lấy mẫu máu gởi xét nghiệm và báo cáo cho bác sĩ chuyên khoa trực. Xong xuôi công việc thì đã qua khỏi giờ giao thừa, năm cũ đã qua và năm mới đã tới, bàn giao ca bệnh lại cho một bác sĩ ngoại trú (resident). Sức khỏe cụ lúc nầy khá yếu cho nên không tiện nói gì thêm, hẹn với cụ là sẽ đến thăm vào ngày hôm sau, ánh mắt như đã nói cho tôi hiểu rằng cụ cũng mong chờ như thế!
Vào chiều hôm sau, đến bệnh viện sớm hơn để có cơ hội gặp lại vị hành khách tử tế, một người mẹ đáng thương và cũng là bệnh nhân qua đêm của tôi. Choáng váng khi được cho biết, bệnh ung thư bao tử ở giai đoạn cuối không cho phép bác sĩ thực hiện thủ thuật nhằm ngăn chận chứng chảy máu cấp tính, nguyên nhân đã cướp đi sinh mệnh của người bệnh.
Lửng thửng bước về phòng cất giữ tử thi, xin phép được nhìn mặt cụ lần cuối, khuôn mặt quen thuộc với đôi mắt chưa khép kín. Đưa tay vuốt nhẹ và thầm cầu nguyện cho linh hồn người quá cố sớm về nước Chúa!

Viết xong ngày 24/01/2014
ĐINH TẤN KHƯƠNG

Advertisement

LẠI HỎI CHÍNH MÌNH “THẾ NÀY LÀ THẾ NÀO?”

dinhtankhuong

Có lẽ tới tuổi xế chiều cho nên cái đầu nó cứ lẩn quẩn đến mấy câu chuyện (khó quên) đã từng xảy ra trong quá khứ. Không biết tại sao mà hôm nay bổng dưng tôi lại nhớ đến những ngày của 39 năm về trước, nhớ cái hôm mà cả trường y khoa Sài Gòn (gồm giáo sư, giảng viên, bác sĩ và sinh viên y khoa) tham dự một buổi “học tập chính trị đại trà”. Có lẽ số người tham dự quá đông, không có giảng đường nào chứa đủ ngần ấy người cho nên tham dự viên phải ngồi chật cả dãy hành lang chạy dài trước căn tin và khoản sân rộng phía trước.

Hôm ấy trời quang mây tạnh có mặt trời chiếu sáng, càng về trưa thì sức nắng lại càng tăng nhiệt trong khi chính trị viên thì hăng say (quên cả giờ giấc) giảng giải về tính ưu việt của XHCN: “XHCN là một xã hội dân chủ hơn gấp triệu lần so với những nước tư bản đang giãy chết, XHCN là một xã hội không còn giai cấp bóc lột và giai cấp bị trị, XHCN là một xã hội mà ở đó mọi người đều được bình đẳng”. Có lẽ ngồi lâu cho nên mọi người (tham dự viên) nóng lòng chờ đợi cái giây phút được cho nghỉ giải lao (giữa giờ).

Chuyện gì tới cũng phải tới, vừa cho phép nghỉ thì gần như hầu hết mọi người đều tiến nhanh đến cửa toilets cho nên đã thấy một hàng dài chờ đợi phiên mình. Đâu đó nghe ai nói: “người ta xả thân để cứu nước, mình thì cần xả nước để cứu thân”, tiếng cười vang lên một góc hành lang tạo sự chú ý cho mọi người (trong số đó có những cán bộ giảng huấn chính trị).
Có vài người than phiền vì phải chờ đợi quá lâu sợ không kềm được, bổng dưng đâu đó lại phát ra cái câu nói (vừa đủ cho nhiều người nghe): “ tiêu tiểu cũng phải ưu tiên cho gia đình liệt sĩ đấy nhé!” tiếp theo đó là những tiếng cười lớn hơn và vang xa hơn.

Thế là kể từ giờ phút ấy trở đi, buổi học chính trị đã trở thành buổi “giáo dục cách mạng” khiến cho tham dự viên càng thêm lo sợ và mệt mỏi (bởi không ai chỉ điểm người phát ngôn câu nói gây phẫn nộ (cho những cán bộ chính trị của thành phố). Nghe có vài người xầm xì “chuyện chẳng có gì mà sao lại dị ứng nhiều thế!?”

**********

Cũng vừa mới xem qua cái video clip cùng bản tin là ngày hôm qua (chủ nhật 8/6/14) có một người trung niên quảy gánh nước vào vườn Tao Đàn mời mọi người uống nước miễn phí. Ông này lại còn cầm theo và giơ cho mọi người thấy hai tấm giấy, một tấm viết là: “NƯỚC NHÀ KHÔNG BÁN, CHỈ MỜI LẤY THÔI” và một tấm khác với câu: “MẤT NƯỚC LÀ CHẾT”.

Không lâu sau đó thì lực lượng dân phòng kéo đến và đòi dẫn độ ông nầy về công an phường, nhưng nhờ có nhiều người đi đường phản đối mãnh liệt cho nên cuối cùng thì ông cũng quảy được gánh nước qua phía bên kia đường để mời người ta uông nước trà xanh miễn phí.

Coi xong video clip, tôi không biết là tại sao những “cán bộ cách mạng” lại dễ bị dị ứng với những câu nói chẳng có gì đụng chạm tới XHCN hết trơn.

Và tôi cũng lại tự hỏi chính mình “thế nầy là thế nào!?”

ĐINH TẤN KHƯƠNG

THẾ NẦY LÀ THẾ NÀO!?

dinhtankhuong

Nhớ lại những ngày của 39 năm về trước (sau ngày miền Nam được “giải phóng”) trong một lần tọa đàm, cán bộ chính trị đã cho biết người miền Bắc (XHCN) không biết chửi thề, nếu (ai đó) lỡ miệng mà chửi thề thì phải chịu môt hình phạt nghe rất nhẹ nhàng nhưng rất khiếp sợ, đó là phải đổ đầy hai thùng nước lớn được gánh bằng hai chai dẩu Nhị Thiên Đường múc lên từ cái giếng làng. Cũng có lần nghe một đoàn viên thanh niên Cọng Sản (học cùng khóa) tự hào về văn minh XHCN, anh ta nói như đinh đóng cột rằng sẽ không quá mười năm (tới đây) học trò tiểu học VN sẽ biết rõ một cách thông suốt sự vận hành cỗ máy của một chiếc “máy bay lên thẳng”! Thêm nữa, có ông tập kết ra Bắc trở về, quả quyết rằng quân đội nhân dân VN có sức mạnh xếp hàng thứ nhì trên thế giới, sau Liên Xô. dẫn chứng rằng, quân đội nhân dân VN đã đánh bại hai đế quốc lớn (Pháp & Mỹ) và được tờ báo Sự Thật (của Xô Viết) đánh giá như vậy!

Thú thật, chỉ nghe mấy câu chuyện này thôi là tôi đã mê XHCN như điếu đổ. Thử nghĩ xem, cái xã hội mà trong đó mọi người đều bình đẳng, một xã hội thật văn minh, văn hóa và có sức mạnh quân sự như vậy mà không mê sao được. Mê thì mê nhưng do bởi cái thói quen nhớ lời mẹ dạy (từ lúc còn con nít) là không được dối gạt người khác, không được chém gió… chính lời dạy này đã là một trở lực lớn, ngăn cản bước đường phấn đấu của bản thân tôi thời đó, lắm lúc nghĩ tới mà giận mẹ mình quá đỗi!

Tương lai như bị bế tắt, bổng dưng một phút yếu lòng, lỡ dại nghe theo lời dụ dỗ để rồi phải đứt ruột ra đi, rời bỏ cái xã hội đã từng chết mê chết mệt. Nỗi buồn xa quê thì ít mà nỗi buồn xa lìa một xã hội văn minh, văn hóa như XHCN (VN) thì nhiều. Thế nhưng, cuộc sống mới tại xứ người, cái nơi mà bọn chủ nhân giàu có luôn bóc lột sức lao động của đám công nhân nghèo khổ (như chúng tôi), đã khiến cho bộ não của tôi không đủ thì giờ mà hồi tưởng nỗi buồn của chính mình!. Có lúc tự vấn, ra đi để tìm tự do như thế nầy sao, tự do gì mà luật lệ quá chặt chẽ luôn ràng buộc con người bằng đủ thứ luật. XHCN đâu có nhiều luật như vậy, xã hội XHCN giải quyết chuyện gì cũng “có tình có lý”, quả là một xã hội ưu việt!?

Thời gian qua nhanh nhưng ký ức về một XHCN tốt đẹp thì mãi tồn tại trong tôi. Nhờ chút rảnh rỗi ở tuổi xế chiều, đôi lúc cũng dành thì giờ nghe & đọc tin tức quê nhà (dĩ nhiên là tôi chỉ đọc những bản tin từ trong nước, vì biết rằng những bản tin ở xứ người không bao giờ trung thực!)

Đọc tin, mấy lúc gần đây lại nghe nhắc đến nhiều thứ “văn hóa lạ” như văn hóa phong bì trong giao tiếp, văn hóa chửi trong ẩm thực… đang thịnh hành tại VN. Tôi cứ thắc mắc, làm gì có chuyện như vậy lại xảy ra trong cái xã hội mà có nhiều đỉnh cao trí tuệ, một xã hội văn minh và văn hóa mà tôi đã từng mê mệt (cho đến thời điểm nầy thì chỉ còn mệt chứ không còn mê, do bởi tuổi già sức yếu!).

Lại giật thót mình khi thấy bản tin sáng nay (trên trang điện tử Vnexpress) có cái tít đã gây nhiều ngạc nhiên (cho tôi), đó là

Công chức Hà Nội bị cấm nói tục, tiếng lóng

Ngôn ngữ trong giao tiếp với đồng nghiệp phải chuẩn mực, rõ ràng mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt nhân dân.

Quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố Hà Nội được Chánh văn phòng Nguyễn Thịnh Thành ký ngày 29/5.

(hết trích)

Đọc xong, tôi lại hỏi chính mình: “Thế nầy là thế nào, đâu là sự thật!?”

Nghĩ mãi mà không tìm ra câu trả lời, tôi tính google tìm trang tin Sự Thật xem thử hư thực ra sao nhưng lại sợ đọc tiếng Nga không được, đành ôm ấp một nỗi buồn không biết tỏ cùng ai!!!

ĐINH TẤN KHƯƠNG

BẪY TÌNH

dinhtankhuong

Thanh vừa hiền, lại đẹp và có một mái ấm gia đình rất hạnh phúc, nhờ vào thành quả học tập của con cái cũng như những thành công về mặt tài chánh do người chồng biết lo lắng làm ăn và rất mẫu mực trong cuộc sống.
Vinh, chồng Thanh, xuất thân trong một gia đình rất khuôn mẫu, gia đình mà mấy đời đã được nhiều người biết đến, đều khen ngợi là gia đình kiểu mẫu “một vợ một chồng” dù có trải qua biết bao sóng gió, trước cuộc sống dẫy đầy khó khăn và nhiều cạm bẩy.Vinh luôn là người đứng về cùng phía để bảo vệ Thanh trước những mâu thuẫn xảy ra hằng ngày. Tình yêu, nghĩa vợ chồng giữa Vinh và Thanh không hề giảm sút, dẫu chút ít, suốt trong mấy chục năm chung sống cho dù đã trải qua rất nhiều đổi thay theo thời gian và hoàn cảnh. Điều nầy khiến cho Thanh tin tưởng tuyệt đối vào người chồng của mình, và cũng chính vì vậy màThanh luôn cố gắng mang lại niềm vui, qua thái độ tương kính.

******

Người phụ nữ trẻ dắt tay đứa con gái độ chừng vài năm tuổi đến xin hẹn gặp luật sư Vinh, nhờ lo thủ tục ly hôn. Đang lúc, có một thân chủ vừa xin đổi lại giờ hẹn, Vinh nhận tiếp ngay người phụ nữ nầy.
Liễu, tên người phụ nữ, dáng thanh với nét mặt đượm chút buồn lo cùng cặp mắt đen tròn luôn ngấn lệ. Vinh đã có nhều năm làm việc, đã tiếp xúc với nhiều thân chủ nhưng đây là lần đầu tiên Vinh cảm nhận một chút gì khác lạ ở người phụ nữ nầy, nhưng với chức năng nghề nghiệp, Vinh không cho phép mình được nghĩ gì xa hơn là làm công việc trợ giúp pháp lý.
Vinh nhìn thẳng vào mặt Liễu và đặt một câu hỏi thông thường:
– Tôi có thể giúp gì cho cô?
Vẫn lặng im, người phụ nữ không trả lời câu hỏi của Vinh. Với tay rút vội miếng khăn giấy và đưa lên mắt thấm khô hai dòng lệ chảy dài đồng thời kéo sát đứa con gái vào lòng. Đứa bé ngơ ngác ngước lên nhìn mặt mẹ mình rồi quay qua nhìn Vinh như muốn tìm hiểu một điều gì. Với tính nhạy bén nghề nghiệp, Vinh có cảm giác rằng đứa bé đang trách mình là tại sao đã làm cho mẹ nó phải khóc như thế!?
– Thưa luật sư, em đến để nhờ luật sư trợ giúp pháp lý trong thủ tục ly hôn.
– Không thể hàn gắn được hay sao mà lại dẫn đến quyết định ly hôn như vậy. Đây là một quyết định tệ hại nhất dành cho tất cả những người trong cuộc, cô đã hiểu rõ hậu quả như thế nào một khi chọn lấy quyết định nầy hay chưa? Vinh kiên nhẫn đợi chờ một câu trả lời.
– Thưa luật sư, em không có quyền lựa chọn và đó không phải là quyết định của em!
– Xin cô nói rõ hơn một chút, được không?
– Thưa luật sư, chồng em đã dứt khoát như thế. Có lẽ do lỗi tại em, vì đã không chu toàn bổn phận của một người vợ cũng như một người tình đối với anh ấy.
– Có nghĩa, cô đã không còn yêu anh ấy nữa? Nếu không còn tình yêu dành cho chồng mình thì quyết định ly hôn phải là của chính mình đấy chứ!?
– Thưa luật sư, em vẫn yêu anh ấy như tự thuở nào cho dù em đã biết, bây giờ, anh ấy đang có một người phụ nữ khác. Em vẫn chấp nhận như thế, vì em nghĩ, yêu là cho đi tất cả mà không đòi hỏi ở người mình yêu một thứ gì!?

Suy nghĩ một lát, Vinh nhìn vào khuôn mặt, ngây thơ đến thật tội nghiệp của một thân chủ mà từ trước tới nay chưa bao giờ gặp một ai như vậy.
– Có được một người vợ giàu lòng bao dung và có một tình yêu cao cả như thế mà lại không biết giữ lấy, thật đáng tiếc!?
– Thưa luật sư, có lẽ người ta thích đi tìm một thứ gì đó khác hơn là cái mà mình đang sở hữu. Em không dám nói ra, nhưng tin chắc là đa phần đàn ông đều như vây!?
Vinh tính nói, niềm tin ấy của cô đã không hoàn toàn đúng bởi Vinh đang liên tưởng đến chính mình, nhưng chuyện nầy không có liên hệ gì đến chức năng nghề nghiệp nên thôi.
Vinh dò xét:
– Tài sản có những gì và cô muốn được phân chia ra sao. Cô cứ nói hết ý của mình rồi tôi sẽ giải thích và sẽ cho cô biết quyền lợi được thừa hưởng sau khi ly hôn theo quy định pháp lý hiện hành.
– Thưa luật sư, tài sản không có nhiều. Nhưng dù nhiều hay ít, em vẫn không màn đến vật chất, những thứ mà theo em, chỉ mang lại lắm phiền toái cho con người!?
Cái mà em cần đến, đó là tình yêu. Thế mà anh ấy đâu có chịu chia cho em thứ nầy và luật pháp cũng không bảo vệ được quyền lợi đó cho em, phải không thưa luật sư!?
Vinh suýt bật cười vì những câu nói thật ngớ ngẩn đó, nhưng đã vội kềm chế. Vinh đùa:
– Nếu được luật pháp bảo vệ thì cô muốn được chia bao nhiêu phần trăm tình yêu của người chồng, đang phản bội mình!?
– Dạ, thưa luật sư, tình yêu không phải đong, đo, cân, đếm và được tính bằng những con số như toán học, cho nên em không thể trả lời cụ thể câu hỏi của luật sư. Em chỉ muốn có một người nào đó yêu mình là đủ lắm rồi, em sẽ không bao giờ đòi hỏi một thứ gì khác hơn thế nữa!
Cuối câu nói, Liễu ngước mặt lên, nhìn Vinh như muốn gởi gắm vào mắt chàng một thông điệp bí ẩn nào đó. Vinh cố lấy lại bình tĩnh:
– Bây giờ, cô cung cấp cho tôi những dữ kiện và chứng từ có liên quan đến tài sản. Và dĩ nhiên cô cũng muốn được dành quyền chăm sóc cháu gái nầy phải không?
Liễu lại khóc, nàng ngước nhìn Vinh như muốn dò xét, như muốn nói một điều gì đó rất quan trọng, rồi từ tốn gật đầu để trả lời câu hỏi củaVinh.
Ánh mắt Liễu như muốn thôi miên người luật sư trong độ tuổi ngũ tuần với một trái tim chưa bao giờ lỗi nhịp trước bất cứ một người phụ nữ xa lạ nào (Vinh luôn tự hào và thường nói với Thanh như vậy).
– Cô về được rồi, nhớ lấy hẹn gặp lại tôi vài hôm nữa. Tôi cần xem xét mọi giấy tờ trước khi tiến hành thủ tục ly hôn.
Liễu vẫn ngồi yên, mắt lại ngấn lệ và nhìn Vinh như van lơn một sự chia sẻ khiến cho Vinh hơi bối rối. Vinh biết rõ là một luật sư giỏi sẽ không bao giờ để cho người khác đọc được cảm xúc, biểu lộ qua khuôn mặt hay là thái độ bất thường của mình. Nhưng trước Liễu, Vinh đã không làm được như thế!?

Suốt mấy ngày nay. Vinh không hiểu tại sao ánh mắt của Liễu cứ luôn ám ảnh lấy mình như vậy. Nó ám ảnh đến độ thôi thúc Vinh muốn gặp lại Liễu sớm hơn, chắc chắn không phải là để thảo luận về thủ tục ly hôn, bởi Vinh biết rằng mình chưa đọc hết những văn bản mà Liễu cung cấp kia mà.
Lòng mình thì muốn gặp sớm nhưng cô thư ký đã sắp xếp giờ hẹn hẳn hoi, cho nên Vinh chẳng dám làm xáo trộn với một lý do không hợp lý.

***********

Liễu mang con đến nhà trẻ như mọi ngày rồi bước nhanh cho kịp giờ hẹn với luật sư. Cũng với nét mặt và đôi mắt ấy khiến Vinh lại xao lòng khi bắt gặp!
Vinh kéo ghế rồi ra hiệu cho Liễu ngồi xuống đối diện mình. Mở đầu bằng một câu hỏi như để chia sẻ hơn là câu hỏi mang tính chức nghiệp:
– Liễu có vơi bớt nỗi buồn của mình chưa, đã chấp nhận quyết định thì phải can đảm đối diện với nó thôi!?
Không nghe Liễu trả lời, Vinh do dự:
– Liễu vẫn còn trẻ và có nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời của mình mà!?
Liễu không nói gì, hai tay cứ vân vê tà áo, mắt nhìn xa xăm cùng hai dòng lệ chảy dài trên khuôn mặt đượm vẻ buồn man mác. Cứ như thế, Liễu mãi khóc mà không nói gì hết. Vinh rút nhanh miếng khăn giấy rồi đưa qua cho Liễu nhưng Liễu vẫn ngồi yên bất động.
Vinh đẩy nhẹ ghế, đứng dậy, bước tới đứng sát bên Liễu và thấm khô hai dòng lệ chảy dài. Liễu lí nhí:
– Cám ơn luật sư!
Vừa nói những lời ngắn ngủi ấy, Liễu đưa tay tiếp nhận mảnh khăn giấy và làm như vô tình chạm vào mấy ngón tay của Vinh, Vinh tính rút lại nhưng không biết tại sao lại cứ muốn được để yên như thế, thật lâu.
– Cám ơn luật sư, anh đã xoa dịu phần nào nỗi buồn trong em!
Liếc mắt nhìn Vinh, ánh mắt ấy dường như đang xuyên thủng trái tim và che mờ lý trí của Vinh lúc ấy. Nghề nghiệp, gia đình, và danh dự cá nhân đã nhắc cho Vinh quay lại chính mình. Trở về chỗ ngồi, Vinh bắt đầu giải thích mọi vấn đề liên quan đến thủ tục ly hôn, quyền lợi được hưởng và tiến trình hòa giải là bước đầu cần phải thực hiện. Nếu bất thành, sự việc sẽ được mang ra tòa xét xử.
– Cô còn gì thắc mắc hay cần tôi giải thích điều gì thêm nữa hay không? Nếu không thì cô về được rồi, có gì thay đổi hay cần tới thì tôi sẽ gọi điện báo cho cô.
Liễu chần chừ, kéo ghế đứng dậy, Vinh cũng rời ghế bước lại tính mở cửa tiễn Liễu ra về. Bất chợt Liễu xoay nhanh người lại, dang rộng đôi tay như chờ đón vòng tay chia sẻ của Vinh. Vình ghì chặt thân nàng sát vào lòng mình, bốn mắt nhắm nghiền và cả hai đều yên lặng một lúc khá lâu.
– Cám ơn luật sư đã hết lòng vì em, làm sao em quên được ơn nầy của anh đây!?
– Liễu yên tâm tôi sẽ làm hết khả năng mình để mang lại tối đa quyền lợi mà mẹ con em được quyền thụ hưởng.
Ánh mắt Liễu như dõi nhìn vào chốn xa xăm:
– Chớ quá bận tâm đến mớ vật chất vốn dĩ vô thường đó đi, cái mà em đang cần chính là tình yêu, thưa luật sư!
– Tôi sẽ liên lạc với cô khi cần thêm chứng từ. Nếu thay đổi quyết định thì cô nhớ gọi báo cho tôi biết qua số di động mà tôi đã ghi, như thế sẽ tiện hơn.
Dáng buồn thảm xen lẫn nét vui vui trên khuôn mặt trái soan của Liễu lúc ra về đã khiến cho lòng Vinh gợn sóng.Suy nghĩ mông lung, Vinh thừa nhận rằng chưa bao giờ trí óc mình bị cảm xúc đè nén, mãnh liệt đến độ như vậy.
Nhớ lại trong suốt mấy mươi năm hành nghề, đây là lần đầu tiên Vinh tiếp xúc với một thân chủ không hề bận tâm về khoản tài sản được phân chia, mặc dù Vinh biết rõ quyền lợi đó không có là bao, dựa theo những dữ liệu đã cung cấp.

*****

Vinh điện thoại cho Liễu nhưng không gặp, yêu cầu để lại lời nhắn. Vinh nói vội:
– Luật sư Vinh đây, tôi đang cần giấy chứng nhận kết hôn để hoàn tất thủ tục pháp lý. Hãy gọi lại cho tôi sớm.
Vinh chờ suốt cả buổi chiều nhưng Liễu vẫn chưa gọi lại. Vinh nóng ruột, bước ra phòng ngoài thì thấy cô thư ký đang thu dọn giấy tờ cuối ngày, Vinh hỏi:
– Có ai để lại lời nhắn cho tôi không?
Hơi ngạc nhiên với câu hỏi khác thường của Vinh
– Dạ, không có lời nhắn nào cho luật sư hôm nay, có gì quan trọng không, thưa luật sư?
– Ồ, không có gì quan trọng, chỉ hỏi vậy mà.
Cô thư ký chào Vinh, Vinh đang mở ngăn kéo vơ lấy chùm chìa khóa phòng và chìa khóa xe để chuẩn bị ra về thì có chuông điện thoại reo vang. Vinh tính không nhấc ống nghe vì thường gặp phải những câu hỏi liên quan đến lệ phí, rất khó trả lời. Những trường hợp như thế thì sẽ được cô thư ký giải quyết để không làm phiền lòng những khách hàng tính toán chi li, đồng thời cũng không làm giảm giá trị của một luật sư.
Nhưng Vinh nghĩ, có thể là điện thoại của Liễu. Vinh nhấc ống nghe, quả thật bên kia đầu dây là giọng nói nhỏ nhẹ của Liễu:
– Chào luật sư, em xin lỗi đã không gọi sớm hơn. Hôm nay cháu gái bị bệnh nên em phải đưa cháu đến gặp bác sĩ. Vừa mới về đến nhà, gọi ngay cho luật sư đây. Mong luật sư thông cảm!
Vinh nghe rõ tiếng khóc thút thít bên kia đầu dây, Vinh an ủi:
– Không sao đâu, tôi chỉ cần giấy kết hôn để hoàn tất thủ tục gởi đi vào ngày mai.Tưởng chừng chiều nay cô mang lại được thì xong hết rồi, sáng mai cô có thể mang đến sớm cho tôi được không!?
– Dạ, em không biết nữa vì con gái của em đang bệnh nặng nên không biết phải làm sao. Đâu dám để cháu ở nhà một mình, mà mang cháu ra ngoài thì lại không nên!? Để xem, liệu em có thể nhờ người bạn nào đó ghé lại nhà lấy rồi mang đến cho luật sư được không?
Lại nghe tiếp những tiếng khóc thút thít bên kia đầu dây
– Nhưng có đứa bạn nào chịu giúp mình đâu. Lúc mình sa sút thì bạn bè tránh né hết, luật sư có hiểu được sự thật quá phũ phàng như vậy hay chăng!?
– Vâng, có thể là tôi ghé lại nhà cô bây giờ, cũng trên đường về đấy mà.
– Cám ơn luật sư đã thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của em. Nếu luật sư có ghé lại thì nhớ đậu xe cách vài con đường để được an toàn, nhớ như vậy nghe luật sư.
Làm đúng như lời dặn, Vinh đậu xe và thả bộ băng qua mấy con đường, tìm tới nhà Liễu. Vinh không lạ gì cái khu nầy vì có một người bạn của Thanh cũng ở gần đây.
Vinh chưa kịp bấm chuông thì cửa đã mở cửa, Liễu đứng né sang một bên rồi mời Vinh vào trong. Vinh định không vào nhà, muốn nói với Liễu đưa giấy tờ như yêu cầu, rồi về ngay. Nhưng bắt gặp ánh mắt của Liễu, Vinh không còn do dự rồi bước hẳn vào trong. Thật sự thì Vinh muốn gặp Liễu có phải vì cần đến cái giấy hôn thú đó đâu!?
Liễu kéo ghế mời Vinh ngồi
– Thưa luật sư, mời luật sư uống tách trà nóng cho ấm lòng. Xin chờ em giây lát để tìm cái giấy mà luật sư đã yêu cầu. Lâu quá, em cũng không còn nhớ là nó được cất ở đâu nữa. Phiền luật sư một chút nhé!
– Không sao, cứ tự nhiên. Tôi cũng quen kiên nhẫn trong công việc thường ngày đó mà.
Liễu bước ra với tấm giấy trên tay, đôi mắt vẫn còn ngấn lệ
– Em không biết tại sao người ta lại bắt mình phải ký vào cái giấy nầy nhỉ, cái giấy mà ai cũng có thể xé bỏ lúc nào cũng được!?
– Nó là chứng từ hợp đồng hôn phối giữa hai người. Xét về mặt pháp lý, nó cũng rất quan trọng như trong trường hợp của Liễu bây giờ vậy.
Liễu không nói gì thêm, hai mắt nhìn xa xăm, gương mặt đượm nét u buồn.
Vinh phá tan cái không khí tĩnh lặng ấy bằng câu hỏi:
– Tôi cũng có người quen ở gần đây, nghe nói vùng nầy rất yên mà sao Liễu lại dặn tôi phải đậu xe cách mấy con đường cho được an toàn?

Liễu ấp úng, liếc nhìn Vinh như chia sẻ
– Dạ, vùng nầy rất bình yên, nhưng em không muốn ai đó vô tình nhận biết là luật sư đã đến với em sau giờ làm việc. Tính em thường lo xa, không muốn gây bất an cho những ai có lòng với mình vậy mà. Ồ, đã gần 7 giờ rồi, luật sư hãy về sớm đừng để chị chờ cơm lâu hơn. Luật sư phải hiểu rằng, người vợ nào cũng muốn chồng của mình về tới nhà kịp giờ cơm.
Nói xong Liễu vội đứng lên làm Vinh hơi ngượng, tưởng chừng như Liễu muốn đuổi khéo mình. Vinh kéo lui ghế, đứng dậy rồi bước theo chân Liễu tiến gần tới cửa. Liễu xoay người lại, dang rộng đôi tay chờ đợi. Đôi vòng tay siết chặc, Liễu rướn người lên, áp miệng mình sát tai Vinh thì thầm:
– Đừng nghĩ là em đuổi khéo luật sư đấy nhé. Có anh bên cạnh là một hạnh phúc đối với em. Nhưng em không muốn vì hạnh phúc của riêng mình mà có người lại không vui. Mong anh hiểu!?
Liễu đẩy nhẹ, nhìn thẳng vào mắt Vinh mà không nói gì thêm nữa, rồi nghiêng người vói tay mở cửa, đẩy Vinh ra ngoài, nói thật nhỏ:
– Luật sư về đi kẻo chị chờ cơm lâu, phiền lòng chị rồi lại khổ thân anh!?
Trên đường về nhà, Vinh suy nghĩ rất nhiều về những câu nói vừa rồi của Liễu. Vinh có cảm nhận, luôn được an toàn khi giao tiếp với một tuýp người như thế. Vinh cũng không thể nào quên được cái vòng tay siết chặc cùng đôi mắt đượm nét đa tình đã dành cho mình dù chỉ là một thoáng, vừa qua!
Nhưng đáng cho Vinh nhớ nhất, đó là cái rướn người của Liễu, tấm thân mảnh mai đầy sức sống của nàng như đổ hẳn, trượt sát và truyền luồng hơi ấm vào người Vinh. Hình ảnh ấy, cảm giác đó cứ mãi ám ảnh Vinh suốt những ngày kế tiếp.

********

Thời gian qua nhanh, thủ tục ly hôn rồi cũng đã hoàn tất nhưng mối quan hệ tình cảm giữa Liễu và Vinh thì chỉ mới bắt đầu.
Không phải vì tình yêu thương, nghĩa vơ chồng giữa Vinh và Thanh bị sút giảm cho nên đã đẩy Vinh đến gần với Liễu. Vinh biết rõ rằng mối quan hệ giữa hai người chỉ là để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Liễu đang cô đơn và cần có người để giải bày tâm sự. Và với bản chất của một người đàn ông, Vinh không thể ích kỷ với Liễu.
Vinh vẫn biết rõ mình đang có gia đình, có vợ đẹp con xinh cùng với một sự nghiệp vững vàng. Biết bao nhiêu người đã mơ ước để có được một phần như thế, Vinh đâu đến nỗi dại khờ để rời xa những gì mà mình đang có được.
Đến với Liễu, Vinh nghĩ đó chỉ là một quan hệ hổ tương, mang lại niềm vui cho nhau, để tô điểm cho cuộc sống mà không hề ảnh hưởng gì đến mái ấm gia đình của chính mình. Vinh nhớ lời Liễu đã từng nhắc:
– Anh Vinh à, đừng vì em mà anh lại quên đi bổn phận làm chồng, làm cha. Hiểu rõ nỗi đau của mình và của đứa con gái riêng em, cho nên em xin anh hãy giữ kín mối quan hệ của chúng ta để không xảy ra trường hợp khiến chị Thanh phải buồn lòng và con anh phải chịu đựng những niềm đau như thế. Hạnh phúc chỉ đến với em khi mà mọi người đều chung hưởng niềm vui.
Liễu không chỉ nói suông mà đã đứng ra ký hợp đồng 6 tháng, thuê một căn apartment sát biển, nơi có nhiều du khách qua lại. Đây là tổ ấm bí mật của hai người. Liễu không nói dù Vinh đã nhiều lần gặn hỏi, nhưng Vinh đoán biết tiền thuê căn qapartment này trong 6 tháng đã nuốt trọn gần hết 20% tổng số tiền mà Liễu vừa nhận được từ vụ ly hôn, thế mà Liễu không hề tính toán với Vinh. Liễu nói:
– Tiền bạc có thể kiếm được và rồi cũng sẽ mất đi, chỉ có kỷ niệm của tình yêu mới tồn tại mãi trong em, anh à!. Anh nên biết thì giờ và tình cảm của anh đang dành cho em còn đáng giá hơn thế rất nhiều, anh có biết vậy không!?
Rồi nàng dúi đầu sát vào ngực Vinh, nói tiếp:
– Với sự trợ giúp hết lòng của luật sư thì em cũng phải biết làm thế nào để trả công xứng đáng phải không, thưa luật sư!?
Vinh luôn cảm nhận một niềm hạnh phúc vô biên khi có Liễu bên cạnh.

*******

Dưới cặp mắt của Vinh thì Liễu là một người phụ nữ thông minh, có nhiều tài năng và rất kín đáo, nhưng Liễu chỉ kín đáo với bên ngoài mà thôi. Ngược lại, Liễu rất cởi mở và rất “nóng” khi nằm trong vòng tay của Vinh.
Khác với Liễu,Thanh cũng kín đáo nhưng luôn kín đáo ở mọi nơi, mọi lúc. Thanh cũng thông minh nhưng không khéo xử thế như Liễu, không có một tấm lòng mở rộng giống như Liễu, Vinh nghĩ vậy!
Liễu là người luôn bảo vệ những gì mà Vinh đang có, Liễu không muốn những thứ đó biến mất khỏi Vinh. Còn Thanh, Vinh có một cảm nhận rằng, Thanh luôn cần đến sự bảo vệ của Vinh mà một đôi khi dường như rất ích kỷ.Thanh không cần biết đến những mất mát của Vinh một khi phải đứng về cùng phía. Vinh đã có những mất mát lớn lao trong mối liên hệ gia đình, tình cảm bạn bè của mình nhưng Vinh đành phải chấp nhận, vì muốn duy trì hạnh phúc gia đình mà Vinh không bao giờ than trách!
Trước nay, Vinh luôn nghĩ người phụ nữ nào cũng thế, cũng giống như Thanh vậy. Nhưng từ khi gặp Liễu, Vinh mới nhận biết được rằng điều mà mình nghĩ trước kia không hoàn toàn đúng. Vinh đâm ra trách Thanh và quí Liễu nhiều hơn.
Liễu luôn nhắc nhở Vinh là đừng bao giờ dùng điện thoại để liên lạc. Liễu mở một địa chỉ điện thư và chọn một mật mã chung cho cả hai cùng sử dụng. Liễu cũng căn dặn Vinh là đừng bao giờ nhắc đến tên mình trong đó.
Hãy thử đọc một đoạn ngắn, được lưu giữ trong hộp thơ của hai người, qua đó những mẫu đối thoại không hề để lại cho người đọc xa lạ một mối nghi ngờ gì cả. Đọc qua, nó tựa như một bài luận văn của đứa học trò tiểu học. Vinh rất nể Liễu, đã bày ra một cách liên lạc rất thông minh, kín đáo và gợi nhiều thích thú như vậy.
Mỗi đoạn ngắn sau đây là lời bày tỏ tâm lòng, cũng như để trao đổi tin tức cho nhau của từng người:

Hôm nay, ngày đầu tiên đến trường, em rất thich, thích nhất là được cô giáo ôm chặc em vào lòng và khen em thật ngoan. Em hứa với lòng mình là sẽ luôn đem nhiều niềm vui dâng tặng cho cô.

Cô giáo phải khen vì em đã rất nhiệt tình trong việc học. Bài học vỡ lòng đã tạo một ấn tượng rất lớn trong cô!?

Em ao ước được gặp cô giáo mỗi ngày, để được nhận những lời khen cùng vòng tay ôm thật chặc, thật ấm áp của cô. Nhưng em biết, cô rất bận vì cô còn phải dạy ở những lớp khác. Cô cũng phải làm thêm nhiều việc để trang trải cho cuộc sống của gia đình nữa chứ. Thôi thì, mỗi tuần gặp cô một lần nơi lớp học như thế là em cũng thấy toại nguyện lắm rồi!

Chắc chắn là cô cũng rất vui khi có em trong lớp dạy. Cô cũng nói rất muốn đến lớp thường xuyên hơn, muốn được ôm em vào lòng và khen ngợi những thành quả xuất sắc của em. Nhưng cô rất bận và chỉ được đến lớp mỗi tuần một lần mà thôi. Cô hứa, sẽ cố gắng sắp xếp với nhà trường để tăng thêm giờ dạy nhưng chắc là không dễ gì được chấp nhận như ý mong!

Không gì vui cho bằng khi nghe được những tình cảm mà cô đã dành riêng cho em như vậy!

Tuần nầy cô có việc riêng nên phải đổi tiết dạy hai ngày trước đó. Cô bảo, cũng thấy vui khi được gặp lại em sớm hơn. Cô muốn hỏi em nghĩ thế nào?

Trời ơi, còn gì nữa mà cô lại hỏi như vậy chứ. Được gặp lại cô sớm hơn là một ước mơ lớn nhất của em đó mà. Không biết tại sao mà em lại thích được gặp cô đến độ như vậy, có lẽ em mê cái môn dạy của cô mất rồi!?
………..
………..

Và cứ như vậy hai người đã liên lạc thường xuyên qua hộp thơ thế đấy. Và họ cũng không bao giờ đi chung với nhau vì Liễu không muốn cho ai thấy rồi nhận ra mối liên hệ của hai người.
Vinh và Liễu chỉ gặp nhau trên mạng và trong cái tổ ấm kín đáo kia mà thôi. Vinh viện cớ là phải ra tòa thường xuyên để có dịp gặp Liễu nhiều hơn. Vì ở nơi đó, tiếng sóng biển đã hòa nhập vào tiếng lòng của hai người tạo một cảm giác tuyệt vời mà Vinh chưa bao giờ có được, suốt đời mình trước kia!?
Mấy lúc sau nầy, không biết tại saoThanh lại tỏ vẻ nghi ngờ và cho rằng Vinh đang thay đổi tính tình, nhiều lầnThanh đã gần xa nói thế. Vinh cố giữ vẻ bình thường mặc dù rất bực tức vì những câu nói nửa úp nửa mở, thật khó hiểu của Thanh.
Càng ngày, Vinh càng nhận rõ nơi Thanh , một người phụ nữ luôn mang nặng tính ích kỷ vì chỉ biết nghĩ riêng cho mình mà thôi. Vinh nghĩ, nếu quả thật Thanh có biết được sự liên hệ của mình với Liễu thì điều đó đâu có làm giảm đi bổn phận của Vinh đối với gia đình. Vinh thấy rõ, Liễu không hề lợi dụng tiền bạc của mình. Đã thế mà Liễu lại còn bỏ ra một ngân khoản không nhỏ để tạo cơ hội cho cả hai găp nhau. Liễu cũng luôn nhắc Vinh nên về sớm để kịp giờ cơm gia đình, cho dù lúc đó Vinh lại muốn được ở gần bên Liễu lâu hơn!
Bắt đầu từ những nghi ngờ vô cớ, dẫn tới mối bất hòa giữa Thanh và Vinh rồi những cuộc cãi vả đã trở nên thường xuyên hơn, trong chính cái căn nhà mà trước kia luôn bình lặng.
Vinh chán nản tột cùng, và lần nào cũng vậy, khi nghe lời than vãn, Liễu luôn khuyến khích Vinh phải biết kiên nhẫn để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Và cũng đã nhiều lần Liễu đề nghị nên cắt đứt mối quan hệ để trả Vinh về lại cho Thanh. Nhưng Vinh không đồng ý, vì nghĩ rằng Liễu không là nguyên nhân của sự bất hòa giữa Vinh và Thanh trong lúc nầy!?
Sự nghi ngờ, trộn lẫn ghen tương càng đẩy Vinh ra xa Thanh hơn. Và chỉ có Liễu và cái tổ ấm kín đáo kia là những gì mà Vinh đang cần đến, trong lúc lòng mình thật chơi vơi. Nghĩ như vậy và sự ồn ào của Thanh đã dẫn Vinh đến gặp Liễu thường xuyên hơn. Vinh không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình, với gia đình mình. Vinh chỉ biết rõ một điều là ra khỏi cái căn nhà bất an cũng như tránh xa một con người ích kỷ như Thanh, chỉ vậy thôi!
Chuyện gì phải đến rồi cũng đã đến. Thanh và Vinh đi đến cái quyết định mà trước đây Vinh luôn hỏi lại thân chủ, là đã nghĩ thật kỹ hay chưa. Đó là quyết định ly dị, phân chia tài sản và quyền được nuôi con.
Ra tòa xong, Vinh công khai sống chung với Liễu và tin chắc rằng sẽ không bao giờ hối tiếc cho quyết định đó của mình.
Liễu luôn tỏ vẻ không vui và thường nói với Vinh:
– Em mãi bị ám ảnh bởi cái mặc cảm là đã làm cho gia đình của anh đổ vỡ. Những niềm đau mang lại cho em bởi sự đổ vỡ chính mình đã không cho phép em để cho một ai khác đi vào cái hoàn cảnh xót xa như vậy, mong anh hiểu em!
– Không, em hãy gạt bỏ những suy nghĩ ấy đi, anh hiểu rất rõ lòng em. Không có gì để chúng ta phải hối tiếc đâu em!?
Liễu dụi đầu sát vào ngực Vinh, nói thầm với chính mình:
– Lại một con mồi nữa bị sập “BẪY TÌNH” mà chưa biết!?
Vinh ôm chặc Liễu hơn và cảm nhận một niềm hạnh phúc tràn trề, tưởng chừng như sẽ không bao giờ cạn!!!

ĐINH TẤN KHƯƠNG

NGƯỜI VỀ ĐÂU, SAO TÔI VẪN CÒN ĐÂY?

Đinh Tấn Khương

UnfortunateCircumstanceRD

Nói thật lòng thì lúc đó, từ khi rời bỏ cái công việc dọn dẹp vệ sinh cho một công ty bảo hiểm đã khiến cho tôi cảm thấy tiên tiếc làm sao ấy, cái cảm giác tiên tiếc đó thật khó mà giải thích cho được!
Công việc làm nầy, mới nghe qua thì ai cũng coi như là một công việc hạ tiện. Nhưng nói có Trời làm chứng, lúc ấy thì tôi lại thích cái công việc hạ tiện như vậy đấy, thích gấp bội lần so với công việc trước đó, công việc mà phải chạy theo cái máy trong một hãng đóng gói bao bì sách báo quảng cáo. Thực tình mà nói, công việc ở hãng đóng gói bao bì nọ thì không có gì để gọi là khó, chỉ cần nhanh tay và dai sức, hai điều kiện nầy thì tôi hội đủ cả hai. Nhưng điều làm cho tôi khó chịu là lúc nào cũng phải nhìn thấy cái bản mặt của thằng Tàu (Lục Địa) giữ nhiệm vụ coi máy, cứ dòm dòm ngó ngó và sẵn sàng đổ lỗi nếu cái máy bị hỏng (dù là lỗi của máy). Thêm nữa, ca làm thì bắt đầu từ 3 giờ chiều cho tới 11 giờ đêm, xong việc mà về tới nhà thì đã giữa khuya. Lúc đó thường thì vợ con đã ngủ say, chỉ có phần cơm thì còn đang nằm chờ (trên bàn ăn) bên trong căn bếp lạnh. Cũng có khi, nhìn thấy được mặt vợ còn đang (thao) thức (mà không phải đang trằn trọc chờ đợi chồng về) vào những lúc đồ may gia công cần phải giao gấp nhưng chưa kịp hoàn tất, hay là những hôm có lô hàng nào đó đã nhỡ may không khéo bị trả lại để bắt sửa Tiếp tục đọc

TẾT TA XỨ NGƯỜI

Đinh Tấn Khương

cuc-van-tho-1

Hôm nay, tính ra thì còn đúng một tháng nữa là tới Tết (Ta), không phải tự dưng cho tới giờ nầy mới chợt nhớ, mà thật ra cách nay ba tháng chúng tôi đã nhẩm tính thử xem Tết ta năm nay sẽ rơi đúng vào ngày nào theo lịch của Tây, tính ngày để biết thời gian bắt đầu gieo bông vạn thọ cho kịp mừng Xuân đấy mà! Ai đời lại mừng Xuân bằng bông vạn thọ, nghe có vẻ tầm thường quá phải không? Người ta nói nhà giàu mừng Xuân với mai với đào, nghèo mới mừng Xuân bằng bông vạn thọ? Mà nói vậy thì cũng không đúng lắm, nhớ lại hồi xưa nhà tôi nghèo mà cũng sở hữu được một chậu mai vàng tám cánh, năm nào cũng nở đúng vào ngày đầu năm: Hên?, cũng chẳng đúng nữa bởi vì sau cuộc đổi thay gia đình tôi luôn gặp nhiều điều không hên chút nào hết! Hên xui may rủi trong cuộc sống đâu phải do bởi một hiện tượng nào?

Có người lại nói đầu năm chưng bông vạn thọ là mong được sống lâu chứ chưng mai chưng đào sao nghe mảnh mai, (liễu yếu) đào tơ quá đi!, nhà nghèo mà nghe nói như vậy thì cũng cảm thấy ít nhiều an ủi!? Nói thật lòng, chúng tôi trồng bông vạn thọ không phải vì tin vào những lời nói đó, mà là để cúng Phật và gia tổ cũng như mang lên mộ mẹ, sau nữa là được thấy vườn nhà có đủ màu thêm sắc trong những ngày Tết. Người ta nói bông vạn thọ cúng Phật là tốt nhất, đúng hay sai thì không biết nhưng chúng tôi thấy hoa vạn thọ là một trong những giống hoa dễ trồng mà lại dễ chăm sóc, có phải cái gì mà dễ thì sẽ không được coi là quí Tiếp tục đọc

NĂM CON NGỰA… TẢN MẠN VỀ NGỰA

Đinh Tấn Khương

hoc_tu_dien_tich_ngua_quen_duong_cu20130424163254

Ngựa đứng vào hàng thứ bảy trong thứ tự 12 con giáp và được đánh giá cao: “Ngựa không chỉ là con vật trung thành nhất, mà cũng còn là con vật mang lại sự may mắn, tài lộc…”
Chẳng biêt những điều nói về ngựa như thế có đúng hay không, nhưng cứ như Mao chủ tịch đã dạy cho các đồng chí của đảng mình rằng “điều gì, cái gì dù là không bao giờ có thật nhưng cứ nói mãi sẽ khiến cho người nghe, nghe mãi rồi sẽ tin (tưởng) là có thật”.
Tôi phục người bạn láng giềng của nước ta nhất, nào là phong thủy, tử vi, nào là những thứ như rễ, củ, thân, lá, hoa, quả (của cây) nào là lông, sừng, da, xương và các bộ phận (của con vật) đều được đem rao bán như những món thuốc…tất cả những thứ đó (phong thủy, tử vi, thuốc) bây giờ hầu như đa số ai cũng tin cũng mua và làm theo, ngay cả những người ở những xứ sở văn minh nhất. Người bạn láng giềng của nước ta hốt bộn bạc vì những thứ “không ai biết đúng hay sai mà cũng tin” như thế Tiếp tục đọc

ĐÊM GIÁNG SINH

Đinh Tấn Khương

IMG6785-S

Không phải vì ngoại đạo mà Hiếu đã không tin vào sự hiện hữu của Chúa trên thế gian nầy. Bởi lập luận rằng, nếu Chúa đã đến để cứu rỗi, để tha thứ cho những lỗi lầm của loài người thì tại sao mẹ con Hiếu lại phải chịu đựng nhiều nỗi khốn khổ như bấy giờ!?

Cái chết do bịnh lao phổi của người cha cách đây hai năm, tiếp theo đó là căn bệnh tiểu đường và cao huyết áp , do thiếu thuốc, dẫn đến biến chứng liệt nửa thân của người mẹ đã đẩy mẹ con Hiếu đến tận cùng vực thẳm của cuộc sống. Mọi sinh hoạt thường ngày của mẹ Hiếu, phần lớn đều lệ thuộc vào những giúp đỡ từ đứa con trai duy nhất của mình, trong lúc còn ở độ tuổi “chưa biết lo” như hầu hết những đứa trẻ vừa tròn cái tuổi 13.

Nhưng Hiếu thì khác, cha chết lúc 11 tuổi, phải bỏ dở chuyện học vào giữa năm lớp 6, ở nhà phụ giúp người mẹ ốm đau. Tiền bạc thì vốn dĩ đã thường bị túng quẩn mà lại còn bị hao hụt trầm trọng, theo sau cái chết của cha cũng như căn bệnh kinh niên của mẹ. Gánh nặng tài chánh được đặt lên vai của Hiếu, là người duy nhất kiếm tiền để trang trải cuộc sống cho cả hai mẹ con.

Nhìn mẹ nằm bẹp trên giường, với một thân hình gầy gò ốm yếu đã khiến Hiếu đau lòng. Hiếu mãi băn khoăn:

– Lấy đâu ra tiền để chạy thuốc cho mẹ và đủ cơm cho hai miệng ăn?

Trong độ tuổi non nớt như Hiếu thì biết làm thế nào để kiếm tiền nuôi sống qua ngày là một điều cực kỳ khó khăn chứ nói chi đến cái chuyện chạy thêm thuốc men cho người mẹ nữa.

Nội, Ngoại không còn ai, trừ một vài người bà con liên hệ gần xa của mẹ, ở mãi tận vùng quê, mà họ thì cũng lại rất nghèo cho nên mẹ con Hiếu không hề nhận được một sự giúp đỡ nào cả. Mới đầu, vài người hàng xóm còn thương tình đem lòng bảo bọc, nhưng lần hồi chuyện giúp đỡ đó cũng vơi dần đi bởi gia cảnh của họ cũng chẳng khấm khá giả gì hơn Tiếp tục đọc

VÔ THƯỜNG

Đinh Tấn Khương

390988_286086318095943_69867505_n_809434206

Chị được sinh ra trong một gia đình trung lưu lại có nét đẹp thuần hậu và học giỏi ngay từ nhỏ cho nên được nhiều người quí mến và khen ngợi .Ai cũng tưởng rằng chị sẽ học cao hơn, nhưng không ngờ chị lại chọn ngành nữ hộ sinh để theo học, nhiều người biết được thì tiếc dùm cho chị .

Chị ra trường với thứ hạng cao và lập gia đình với một bác sĩ, lớn hơn chị chừng vài năm tuổi. Lắm người nghe tin, mừng cho chị .

Hầu hết mọi người nghĩ rằng chị rất may mắn, nhất là những năm sau nầy chị kiếm được nhiều tiền. Chị đã mở một bảo sanh viện và mời vài bác sĩ ở bệnh viện phụ sản nơi chị phục vụ trước kia cùng cộng tác. Không ít người ganh ghét và ác miệng lại bảo rằng, chị giàu nhanh là nhờ phá thai !?

Chị rất buồn, không phải buồn vì mấy cái lời xuất phát từ lòng ganh tức ấy, bởi đâu có ai dám nói thẳng với chị để chị biết mà buồn. Nỗi buồn của chị chính là chưa có được một mụn con nào sau mấy năm lấy chồng. Có người nói xéo “giàu mà không có con, khi chết bỏ của cho ai ăn!? Tiếp tục đọc

CHỮ TÌNH

Đinh Tấn Khương
1361218023dasfb

Ngay từ hồi mới lớn, tôi đã thuộc nằm lòng câu nói: “Tu là cội phúc, Tình là dây oan”. Thuộc nằm lòng là bởi vì cứ nghe nhắc đi nhắc lại mãi, ai ai cũng nói như thế, mà lạ thiệt, nói thì như vậy nhưng lại thấy chẳng có ai muốn thoát khỏi cái “dây oan” đó cả!? Lúc ấy chúng tôi thường hay đùa rằng “Tu là cội phúc, Tình là cõi tiên”, tuổi trẻ không hình dung được cội phúc là gì, nhưng nghĩ về cõi tiên: người đẹp như tiên, đẹp như cảnh tiên, sướng như tiên v.v.. nghe mà phát ham, có phải vì thế mà ai cũng muốn chạy theo Tình để được thấy cảnh tiên?

Tôi cứ thắc mắc mãi, chữ TÌNH nó ngắn ngủn như vậy mà làm sao có thể cột được hai con người(to lớn) lại với nhau, cột cả thể xác lẫn tâm hồn, mà còn cột chặt đến độ khó rời nhau như thế!?

Ấy vậy, mà tôi cũng còn nghe nói đến lưới tình, mạng tình nhền nhện, có sức mạnh kinh hồn hơn nữa. Nghe người ta truyền miệng rằng, nếu ai mà dính vô đó thì coi như toi mạng, chẳng khác gì mấy con cá bị mắc lưới, như mấy con ruồi bị dính mạng nhện, khiếp như thế mà có thấy ai sợ gì đâu!?

Quả là chữ TÌNH có sức thu hút mãnh liệt & ghê gớm thiệt, nhưng cũng may, hồi còn trai trẻ, tính tôi thì nhát cho nên chẳng dám vướng sâu, chỉ mé mé thôi, thế mà cũng khiến cho tôi cứ bị ám ảnh về cái chữ nầy, mãi cho tới bây giờ!

Cứ nghe nhắc đi nhắc lại mãi cái oan nghiệt của chữ TÌNH, bây giờ tới tuổi chớm già, tóc thì đang đổi màu từ đen sang trắng, răng thì nhiều cái đã lung lay (muốn) trốc gốc, vài cái thì đã bị nhổ bỏ từ lâu, mắt thì lèm nhèm nhìn không còn rõ, sức thì mỗi ngày một kém… bởi thế cho nên tôi đã quyết định là phải “buông” cái chữ Tình oan nghiệt đó cho rồi, những mong lòng mình được nhẹ bớt phần nào nỗi khổ (không thể tránh khỏi) trong những ngày cuối đời.

Lạ quá, loay hoay mãi mà sao tôi cũng chỉ có buông được vỏn vẹn mỗi một cái dấu huyền đấy thôi, lòng thì đã quyết mà sao khó buông quá, ráng mãi mà không xong. Thú thật, tôi sợ cái chữ TINH nầy còn hơn là cái chữ TÌNH kia nữa!

Đầu óc rối rắm, tâm bất ổn, bèn đến gặp Thầy mong nhờ chỉ giúp.

– Thưa Thầy, con muốn buông TÌNH, nhưng cố gắng lắm mà chỉ mới bỏ được mỗi một cái dấu huyền, bây giờ thì con lại vướng với chữ TINH, không buông được nữa, kính xin Thầy chỉ giáo cho con!

– Tại sao con lại muốn buông TÌNH?

– Tại vì TÌNH là dây oan, thưa Thầy!

– Con có thể làm khô được biển cả?
– Thưa không, tại sao Thầy hỏi thế?
– Đúng vậy, không ai có thể làm khô được biển cả con ạ. Những gì đang chứa đựng trong tàng thức của con , thì cũng vậy, con không thể xóa mất nó được. Con chỉ biết làm thế nào để tâm con không bị dậy sóng (như biển cả) mà mọi thứ vẫn còn nguyên trong đó.
– Xin Thầy chỉ rõ cho con!
– Không, con về đi và tự tìm lấy câu trả lời. Thầy nhắc là, chỉ cần một thay đổi nhỏ mà thôi, chẳng cần phải buông một chữ nào hết.

Chào Thầy ra về, nhập thiền một ngày mà tâm vẫn còn loạn bởi hai cái chữ TÌNH & TINH cứ mãi nhảy múa trong đầu. Miên man đi tìm đáp án mà lòng cứ phân vân “nặng TÌNH thì khổ mà gặp TINH thì khiếp”, nhủ lòng rằng, thà khổ sở vì nặng tình còn hơn là nỗi khiếp sợ khi gặp tinh? mãi theo đuổi ý tưởng đó, bất chợt một tia sáng lóe lên trong đầu, vội chạy tới trình Thầy

– Thưa Thầy, con đã tìm ra đáp án rồi, rất cám ơn Thầy.

– Gì nào?

– Buông dấu huyền và thêm vào đó cái dấu nặng thì được TỊNH, thưa Thầy!

– Khá lắm, cái ranh giới giữa TÌNH và TỊNH rất mong manh nhưng lại rất khó xóa bỏ con ạ!

– Chữ Việt huyền diệu quá, chỉ thay một cái dấu nhỏ mà có thể đổi được ý tưởng lớn, phải không thưa Thầy?

– Đúng vậy, con nhớ dâng lời cảm tạ đến với ngài Alexandre de Rhodes, chớ dùng cái tâm phân biệt và ngã mạn của mình mà bội ơn, con nhé!

– Dạ, cám ơn lời Thầy đã nhắc!

– Nào, hãy vào đây uống trà cùng Thầy.

Chợt thấy tâm mình an lạc lạ thường, hơn bao giờ hết!

ĐINH TẤN KHUƠNG