Bà Triệu Ẩu

 

Bà Triệu Ẩu có nick name là Lady Trieu, tên thật là Triệu Thị Trinh, là một trong những người con gái hùng dũng lạ thường. Bà sinh năm 225 và mất năm 248, nếu như 200 năm trước bà sinh ra trong gia đình Bà Trưng thì lịch sử có thể sẽ được viết lại là Ba Bà Trưng thay vì Hai Bà Trưng như hiện giờ.
Thuở nhỏ Bà đã có tính ẩu, làm cái gì cũng ẩu, không những ẩu một lần mà còn ẩu đi ẩu lại ẩu cho tới lúc lớn cũng ẩu, nên bà con cô bác mới phong cho bà danh hiệu là Triệu Ẩu.
Cha mẹ mất bà vể ở với anh và chị dâu. Thấy chị dâu làm ẩu với anh, bà làm ẩu giết chị dâu, xong nhảy núi theo du kích phất cờ khởi nghĩa giải phóng bà con.
Từ chiến khu vùng Nưa và Yên Định, bà dẫn quân du kích chiếm quận lỵ Tư Phố xong thừa thắng tiến chiếm toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Được tin nhắn cuộc nổi dậy của bà lan nhanh, chủ tịch Tôn Quyền cử ngay Lục Dận mang hơn 8000 lính thuỷ đánh bộ kéo xuống đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Vừa đến nơi Lục Dận liền dùng vàng và đô la hủ hoá cán bộ địa phương để thứ nhất làm suy yếu và thứ nhì chia rẽ lực lượng nghĩa quân.
Quân bà Triệu với quân Lục Dận đánh với nhau rất ác liệt tại căn cứ Bồ Điền. Song do lực lượng tuy không quá chênh lệch nhưng bị cán bộ hủ hoá, chỉ chịu ăn không chịu đánh, sau 2 tháng căn cứ Bồ Điền bị tràn ngập. Bà và một số nghĩa binh rút lui và chống đỡ với quân Tàu được hơn sáu tháng thì thua. Bà Triệu tuẫn tiết trên núi Tùng. Bà mất năm 23 tuổi.
Bà mất đi là nước Việt lại bị nước Tàu đô hộ cho đến năm 265.


Bài học của Bà Triệu cho tới giờ này là thế kỷ 21 mà nhiều người vẫn chưa thông. Bắc thuộc lần thứ 5 có nguy cơ xảy ra. Việt Nam nay tuy có Bà Tưng, Bà Ngọc Trinh, nhưng hai bà này chỉ lo show hàng với selfie. Có đâu như Bà Triệu Thị Trinh, năm 19 tuổi đã biết viết status như thế này:
“Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”

LƯU THY NGUYỄN

Advertisement

Thần Đèn Hột Vịt

luuthy

 

Một lão ông tướng tá tiên phong đạo cốt, râu dài chấm đất, mặt mũi cô hồn, tay phải cầm đả cẩu bổng tay trái nắm cái đèn hột vịt mạ vàng bóng loáng bước vào quán nhậu.
Cả quán nhậu đang xí xô xí xào dô dô dô, thấy ông lão dị kỳ bước vào quán, cùng ngưng nhậu 5 phút, trố mắt nhìn ông già vừa kinh ngạc vừa khâm phục. Ông chủ quán bước ngay tới đón khách mời khách ngồi, xong chỉ cái đèn hột vịt tò mò hỏi:
– Ông cầm cái gì trên tay vậy?
Ông lão để cây đèn hột vịt lên bàn không thèm nhìn ông chủ quán trả lời:
– Ta đây xưa giờ chưa bao giờ làm cái gì nói cái chi trả lời việc gì mà không được trả công!
Ông chủ quán nghe xong mới đề nghị:
– Một chai bia với dĩa đồ nhắm? OK?
Ông lão gật đầu. Chủ quán cho gọi ngay người phục vụ đem tới dĩa đồ nhắm với chai bia tới trước bàn ông lão.
– Đây là cây đèn thần.
Nói xong ông lão cầm chai bia nốc ba hơi, xong thanh toán qua dĩa đồ nhắm.
– Xạo quá ông già ơi, thần cái gì mà thần đèn. Thần cái ông cố nội tui!
Ông lão trả lời:
– Không tin hả? Lão mà làm ông tin, ông có chịu mang thêm lên hai chai bia khác với hai dĩa mồi không đây?
Ông chủ quán mới đầu hơi ngập ngừng rồi gật đầu. Ông lão cầm cây đèn hột vịt vừa xoa xoa vừa lẩm nhẩm khấn. Đùng một cái 100 cái tô lớn nhỏ xuất hiện trên mặt bàn trước mặt ông chủ quán và mọi người.
Ông chủ quán cầm tô gõ gõ kiểm soát thực hư xong mới chịu phục ngoắt tay kêu phục vụ đem thêm lên 2 chai bia và 2 dĩa đồ nhắm theo yêu cầu của ông lão.
Ông chủ quán bắt ghế ngồi bên cạnh ông lão ngắm ngắm cái đèn thần hột vịt mạ vàng một lúc xong năn nĩ:
– Ông cho tui mượn xài một lúc được không dị?
Ông lão ra điều kiện:
– Chỉ một lần thôi nghen. Thêm 10 chai bia với 5 dĩa đồ nhắm!
Ông chủ tiệm ra dấu cho phục vụ đem bia với đồ ăn tới, xong cầm đèn hỏi:
– Sử dụng làm sao đây?
Ông lão giải thích:
– Hai tay vừa xoa xoa cái chân đèn còn miệng thì thầm ước cái mình muốn.
Ông chủ quán làm theo lời ông lão, hai tay xoa chân đèn miệng lẩm nhẩm khấn vái.
Ông vừa bỏ tay ra thì trên màn ảnh tivi trong tiệm tự nhiên chuyển qua đài CNN, chiếu trực tiếp hình ảnh dân Mỹ xuống đường biểu tình đòi truất phế ông Trump.
Ông chủ tiệm coi xong khiếu nại với ông lão:
– Tui đâu có ước cái này ở Mỹ. Tui ước ở Việt Nam mà?
Ông lão đưa cái chân đèn dí sát vào mắt ông chủ tiệm coi rồi nói:
– Cái này “Made in China”! Nếu ước gì được nấy thì lão đâu có cần tới đây kiếm bia với đồ nhắm. Lão ước bia nó không chịu ra bia, vừa rồi lão biểu diễn ước tờ 100 đô nó ra 100 cái tô. Lão ước có bia lão phải ra cái quán nhậu của ông lão diễn trò, còn mấy ông mấy ông ước có tự do dân chủ, mấy ông ước cho Formosa nó đóng cửa, mấy ông ước cho mấy thằng mấy con ăn trên ngồi trước nó bỏ ghế nó xuống nó về hưu, thì mấy ông bỏ quán nhậu kéo ra đường mà đòi hỏi, ngồi đó mà xoa xoa chai bia với con chuột, thì thầm nhỏ to với gõ bàn phím cốc cốc, thì làm sao mà có được.

LƯU THY NGUYỄN

Sticker

luuthy

Người nào tới Mỹ là cũng đều có một nhận xét như nhau là thứ nhất trời đất quỷ thần ơi, cái xứ gì mà toàn xe với xe, xe chạy đầy đường và chạy từ sáng đến tối, 24/24 và 24/7 7 ngày mỗi tuần, ngày nào cũng như ngày đó. Và thứ hai là thầy chạy với cái xứ Mỹ này, gia đình nào cũng có ít nhất một chiếc xe, cha một chiếc, mẹ một chiếc, và mỗi đứa con thì mỗi đứa một chiếc.
Dân Mỹ không những thích chạy xe mà còn thích dán sticker sau xe. Sticker là tấm giấy có keo mặt sau, và mặt trước in đủ thứ hình ảnh chữ viết để “trình bày quan điểm” của chủ chiếc xe.
Có người chủ xe quí xe đến mức chơi luôn hàng chữ “Don’t touch my car” kèm cái hình cái búa với cái đầu lâu máu me nhỏ giọt. Lại cũng có người thương con, cẩn thận dán cái sticker “Baby on board”, “Baby in Car”. Dân mê cá thì “Fishaholic”, tay ghiền sushi “I love Sushi”, tay muốn khoe con thì không gì bằng với cái sticker “Proud Parent of Medical Student”, hay “My Child is an Honor Student at…”. Ông hàng xóm mê chó nhưng lại ghét đứa con bà hàng xóm, chơi ngay cái sticker “My Dog is Smarter than Your Honor Student”.
Cứ mỗi 4 năm là mấy chiếc xe có sticker lại dán thêm cái sticker bầu cử. Chủ xe khoái Obama thì dán hình Obama, thích Romney thì Romney, Reagan, Clinton, Bush, Al Gore. Cái xứ tự do mà, nên anh muốn dán muốn ủng hộ và ngay cả muốn bôi xấu bôi bẩn chửi tục chửi thề cái ứng cử viên tổng thống kia cũng tự do tha hồ phát biểu.
Những mùa trước là như vậy, nhưng tới cái mùa này thì thị trường sticker phá sản. Dân Houston không còn mê dán sticker bầu cử? Dù có chạy xe đàng đông, lên phương bắc, về nam rẻ qua tây, hay vòng vòng mấy cái loop 610, 8, 6, du khách cũng sẽ không thấy một chiếc xe nào có dán sticker ông Trump với bà Hillary. Không sticker ủng hộ, không sticker chống đối hay nhạo báng.
Thấy lạ tui mới hỏi nhà thơ quen ở Cali, bên đó có như vậy không.
Nhà thơ trả lời mấy lúc này bận làm thơ, ít ra đường, mà dù có ra đường chạy xe, mắt chỉ đăm đăm mấy cái đèn xanh đèn đỏ, nhìn chi mấy cái sticker.
Nhà thơ bảo có khi nào dân cao bồi Texas giờ biết sợ. Tui hỏi sợ gì, nhà thơ trả lời:
– Sợ nếu dán sticker ủng hộ Trump, dân Mễ lậu nó sẽ đập bể kính xe, phụ nữ con nhà lành sẽ nhét môi son vô ổ khoá cửa, dân Hồi giáo cực đoan gài ngay cái bom nổ chậm dưới gầm xe là tiêu tùng. Ai biểu gây thù chuốc oán chi cho nhiều rồi giờ gánh hậu quả.
Nhà thơ nói nghe cũng có lý, nhưng mà có cái gì đó không ổn, tui mới hỏi lại:
– Đúng là dán sticker Trump sẽ “gây nên hậu quả nghiêm trọng” cho chiếc xe, nhưng tại sao dân ủng hộ Hillary cũng không dán sticker ủng hộ Hillary là sao?
Nhà thơ mới nhìn tui lắc đầu nói:
-You đúng là đồ điên đồ dumb. Bộ mấy tháng trời nay you không đọc báo nghe tin tức coi mấy cái status trên facebook sao? Dân Việt Nam còn biết, người ở tận dưới down under là nước Australia còn hay, mà you là người ở tận đây, cứ như là người ngoài hành tinh.
Tui hỏi tại sao, nhà thơ mới trả lời như thế này:
– Ai mà không biết Trump là thứ côn đồ, không những côn đồ mà còn nham hiểm nữa. Dán cái sticker ủng hộ Hillary, rồi đi shopping, đi chợ, đi vô phòng khám bác sĩ, đi làm… đậu chiếc xe ngoài parking, thì ai biết đâu được, lỡ như… lỡ như… Trump đi ngang qua đó, thấy cái sticker ủng hộ Hillary, chả lấy đinh chả đâm lủng bốn cái bánh xe, …thì có nước mà chịu chết.

LƯU THY NGUYỄN

Made in USA

luuthy

images1759459_hilldonal
Tên Côn Đồ và Nữ Hoàng Nói Dối

Chỉ còn 3 tuần lễ nữa là nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới. Có nhiều người mong ông Trump thua, có không ít người hy vọng ông Donald không thắng và có rất nhiều là nhiều người muốn ai thắng cũng được trừ ông Donald Trump ra.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 rốt cuộc là cuộc bầu cử của ông Donald Trump. Cả thế giới hướng về ông Trump, truyền thông báo chí ra rả về ông Trump, tên ông Trump xuất hiện khắp nơi, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ cửa miệng của những nhà bình luận chính trị tiếng tăm tên tuổi tới cửa miệng của những tay nát rượu.
“Cái nước Mỹ gì mà kỳ khôi! Bộ hết người rồi sao mà lại đi chọn ông này, một tên côn đồ!” Có người cẩn thận nắn nót viết rõ ràng lên facebook. Người viết không cà rỡn, người viết là người rất rất ư là nghiêm túc, có học vị, và chưa từng chọc ghẹo ai bao giờ.
Nước Mỹ có gì đâu mà kỳ với lạ, tổng thống Mỹ có chi đâu mà ghê với gớm, trở thành tổng thống Mỹ có gì mà là khó khăn! Chỉ cần 20 năm tuổi trẻ cọng với 15 năm tuổi đời, 14 năm nằm dầm nằm dề trên đất Mỹ, và nơi chôn nhau cắt rún là cái đất hợp chủng quốc Huê Kỳ là đủ. Không đòi hỏi phải có bằng C Anh Văn, bằng B Vi Tính, và có ngoại hình đẹp. Không có điều kiện nào bắt buộc tổng thống Mỹ phải có lý lịch 5 đời bần cố nông, 4 đời cách mạng, 3 đời con ông cháu cha, người miền Bắc và có ní nuận. Không có điều nào bắt buộc tổng thống phải ít nhất 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày ngồi tụng kinh gõ mõ, thấy gái đẹp không nổi máu dê, không được chửi thề ĐM, không được nói láo, lúc nào cũng phải thành thật khai báo, có trí nhớ siêu phàm, làm gì nhớ nấy, nói gì là không quên, không có cái chuyện “I don’t remember” “I don’t recall”.
Thế cho nên… tám năm trước nếu như một người không có tí xíu xìu xiu nào hết về kinh nghiệm, không có thành tích ghê gớm nào hết để ghi trong lý lịch trích ngang trích dọc, là tổng thống Obama bây giờ, mà còn trở thành tổng thống Mỹ, thì tại sao một tên “côn đồ” như ông Trump hay một “liar queen” như bà Hillary, lại không thể trở thành tổng thống Mỹ.
Có tổng thống xứ nào như tổng thống cái xứ Mỹ không nào, chưa kịp kéo ghế ngồi làm việc, chưa kịp ký tên đóng dấu nhận nhiệm sở, mà đã được Uỷ ban danh giá Nobel Na Uy trao ngay cho cái giải Nobel Hoà Bình.
Cái nước Mỹ là như vậy! Người dân Mỹ là như vậy! Có như vậy nó mới là Mỹ, nó mới là Made in USA!
Cho nên sau 3 tuần lễ tới, nếu bạn nghe tin ai đó là tổng thống Mỹ thứ 45, xin bạn đừng ngạc nhiên, vui mừng hay nổi giận, mà hãy thông cảm cho dân Mỹ, hãy thương cho cái xứ Mỹ, hãy rộng lượng và cảm thông, bỏ chút thì giờ vô facebook của Donald Trump hay Hillary Clinton… like giùm cho một cái.

LƯU THY NGUYỄN

Văn Chương

luuthy

Sau khi nhận được tin Bob Dylan được giải Nobel Văn Chương 2016, nhiều người ngỡ ngàng dụi mắt dụi tai không tin là thật. Không những trong giới viết lách mà còn cả trong giới bình dân học vụ.
Nói tới hai chữ Văn Chương là mọi người đều nghĩ tới văn với thơ, nghĩ tới nhà văn với nhà thơ, nghĩ tới những cuốn sách chữ nhiều hơn ô trống, những tập thơ với ô trống nhiều hơn ô chữ, nên nay nghe nói Bob Dylan được giải Nobel Văn Chương ai cũng giật cái mình không tin.
Văn Chương mà chỉ thuần tuý chữ với chữ là xưa rồi… Diễm. Văn Chương kiểu đó là thứ Văn Chương thời thế chiến thứ II. Nay thế giới đã tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên cõi trên, khoa học kỹ thuật giờ đã là then chốt trong cuộc sống, nên Văn Chương cũng phải theo trào lưu mà đi theo. Văn Chương bây giờ không hẳn chỉ gồm những tập truyện của nhà văn Twain, Fitzgerald, những bài thơ của nhà thơ Frost, mà còn là những bức tranh của hoạ sĩ Jackson Pollock, những bản nhạc của ca nhạc sĩ Chuck Berry, của điện thoại smart phone iPhone, Samsung, của máy tính bảng iPad, của nòng súng Winchester, Colt, M16, AK47, và ngay cả nghệ thuật diễn xuất của nghệ sĩ chuyên trị phim 3X là Linda Lovelace nay cũng đều được gọi là Văn Chương.
Văn chương bây giờ được định nghĩa gồm tất cả những gì không những được viết ra, mà còn được nghe nói, được thấy, được nhìn, được sờ, và được chế tạo ra, với bất cứ hình thức thể loại nào.
Với định nghĩa Văn Chương là như vậy, nên những tấm bản đồ cũng là Văn Chương, tranh hí hoạ cũng là Văn Chương, những bài diễn văn cũng là Văn Chương, hình chụp cũng là Văn Chương, phim ảnh cũng là Văn Chương, lời hay ý đẹp cũng là Văn Chương, status và comment trên Facebook cũng là Văn Chương, và đương nhiên chuyện tiếu lâm từ giờ trở đi, sẽ đi lên một tầm cao mới, chuyện tiếu lâm cũng là Văn Chương.
Bob Dylan không phải là lần đầu tiên được đề cử và thắng ngay giải Nobel Văn Chương 2016. Đã từ rất lâu, từ những năm mà hai chữ Văn Chương được định nghĩa lại, từ năm 1996 cho đến nay, năm nào Bob Dylan cũng được đề cử cho giải Nobel Văn Chương. Kiên nhẫn là mẹ của thành công, nên từ từ tà tà, 20 năm sau Bob Dylan cũng thắng được cái giải Nobel Văn Chương.
Hy vọng sang năm tới, năm 2017, Việt Nam ta sẽ có người thắng giải Nobel Văn Chương. Những tập thơ phá kỷ lục Ghi Nét của ta, những cái bánh chưng bánh dày to khủng, những cuốn chả giò dài hàng trăm thước, của Việt Nam không gọi là Văn Chương thì còn gọi là cái gì?

LƯU THY NGUYỄN

You! Tui kể cho You nghe…

luuthy

You! Tui kể cho You nghe câu chuyện như thế này:

Trong một ngôi làng nọ có một cái xóm nọ, trong cái xóm nọ có một ngôi nhà nọ, trong ngôi nhà nọ có hai người phụ nữ nọ. Hai người phụ nữ nọ một người lớn tuổi là mẹ chồng một người nhỏ tuổi là nàng dâu.

Một ngày nọ cả xóm nghe tiếng la hét ầm ĩ của người phụ nữ trẻ là nàng dâu. Cả xóm bu lại xem. Không những xem mà còn nghe. Có người chỉ dùng hai tai để nghe, có người yếu tai dùng máy nghe, có người mạnh tai vừa nghe vừa ghé tai vô radio theo dõi Đài Tiếng Nói Việt Nam… phát đi từ Hà Nội… thủ đô nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Bên trong nhà, nàng dâu vừa la hét kể tội bà mẹ chồng vừa thu dọn đồ đoàn tính chuyện ra đi, còn bà mẹ chồng thì vừa kể tội nàng dâu vừa cầm cuộn băng keo tính muốn bịt miệng cô nàng.

Bên ngoài nhà, bà con hàng xóm cũng chia thành hai phe.

Một phe bênh vực nàng dâu vừa vỗ tay vừa ồ le ồ lé ồ lè bảo nàng dâu kể tiếp, kể thêm, kể cho nhiều vào, kể càng nhiều càng tốt càng hấp dẫn mê ly rùng rợn.

Còn phe kia thì bênh vực bà mẹ chồng, xúi bà mẹ chồng dùng băng keo bịt ngay cái miệng nàng dâu, khoá ngay cái mỏ con đĩ thúi đó, cái con mất dạy, đồ vô văn hoá không công dung ngôn hạnh, không nhường dưới kính trên, cái thứ ăn hàng ngoài chợ, đồ đá cá lăn dưa. Bịt miệng nó đi, kêu công an tới thộp cổ nó, đưa ngay nó ra đường, cột vô cái cây đa làng, đập cho nó một trận, ném đá nó, tùng xẻo nó, cắt ngay cái lưỡi ăn gian nói dối, nói không bằng cớ chẳng có đường link.

Nàng dâu la hét xong, đóng cửa cái rầm rồi cuốn gói ra đi. Trước khi đi, còn giơ tay bái bai hàng xóm.

Một nửa những cánh tay hàng xóm giơ lên vẫy chào nàng dâu, hẹn nàng ngày tái ngộ see you again.

Một nửa những cánh tay còn lại giơ lên với ngón tay giữa chĩa lên trời chửi thề ĐM.

Bà mẹ chồng cầm cuộn băng keo dán ngay bốn cái miệng bốn đứa cháu bốn đứa con của nàng dâu, xong cột tay cột chân xóc vô hai bên đòn gánh, quảy lên đồn công an, báo cáo với công an, cái đứa con dâu trốn nhà theo trai, cạy tủ lấy của bà cái tượng đầu ông chồng bằng vàng rỗng ruột, trong chứa ba trăm năm mươi hai hột kim cương.

(còn tiếp…)

Lưu Thy

Trứng Gà Cali

luuthy
Mỹ có hai tiểu bang giống như mèo với chuột là Cali và Texas.

Cali luôn luôn bầu cho Dân Chủ còn Texas thì bao giờ cũng Cộng Hoà.

Dân Cali mê đóng thuế, từ thuế nhà, thuế đường, thuế xăng, thuế cộ, thuế xe, thuế khói, thuế môi trường, thuế bia, rượu, cà phê, thuốc lá, thuế công đoàn, công viên, trường học, city, county … cho đến thuế liên bang với tiểu bang. Thuế liên bang tiểu bang nào mà khỏi đóng, nhưng tiểu bang thì còn tuỳ, Texas thì khác, thuế nào thì thuế, chứ thuế tiểu bang thì không, không, nhất định là không.

Texas bị dân Cali gọi là nhà quê, miệt vườn, bảo thủ, sùng đạo, còn Cali thì bao giờ cũng cấp tiến, bao giờ cũng cầm cờ đỏ xung phong đi đầu. Xăng Cali phải khác xăng Texas, xe Cali phải khác xe Texas, xe Texas mang qua Cali là bỏ đi, smog check sẽ fail và no pass. Xăng Cali sạch nên điện với gas cũng phải sạch, xe Cali nhả ít khói, nhà cửa Cali hút ít máy lạnh và thổi bớt mùi gas, nên không khí Cali trong lành hơn, tầng khí quyển Cali ít lủng lổ hơn Texas, nơi mà xe cộ tha hồ thải khói độc, máy lạnh máy sưởi chạy suốt ngày, gây ô nhiễm môi trường, phá hoại tài nguyên, phung phí nhiên liệu trời cho.

Texas xưa là tiểu bang miền Nam, nơi nuôi dưỡng chế độ nô lệ, nơi con người bị giới chủ nhân bóc lột, lợi dụng để thu lợi nhuận. Con người Texas đã vậy huống chi là con vật, nên con bò, con ngựa, con heo đến ngay cả con gà, con vịt Texas cũng bị giới chủ nhân bóc lột thậm tệ.

Con người ở Cali được bảo vệ hết mình, không phân biệt trắng đen vàng đỏ, không đối xử giàu nghèo, không phân loại người có quốc tịch, dân thường trú thẻ xanh, người ở lậu có màu da trắng, đen, vàng, đỏ, tím, nâu, hay sần sùi. Dân ở lậu ở Cali luôn luôn được đối đãi tử tế, cho công ăn việc làm, sức khoẻ chăm sóc miễn phí, con cái được xe đón tới trường, không phải khai thuế lợi tức mỗi năm, được cấp cái bằng lái để tha hồ mà lái xe đi làm, đi chơi, và đi đây đi đó.

Công nhân Cali có công đoàn nhà máy bảo vệ, nhà giáo có công đoàn nhà giáo, công chức tiểu bang cũng được sự bảo vệ của công đoàn công chức. Trâu, bò, chó, mèo, rùa, ngựa và nay đến cả con gà cũng được Hội Bảo Vệ Súc Vật bảo vệ đến cùng.

Năm 2008, Hội Bảo Vệ Súc Vật đưa ra một dự luật cho dân Cali bầu, dân Cali thông qua, quốc hội Cali định ngày, và năm 2015 là năm mà dự luật này bắt đầu được áp dụng.

Theo dự luật này, những con gà nuôi trong chuồng của những trại gà lâu nay bị giới chủ nhân bắt ép đứng quá sát, không có chỗ để cựa mình, không thể quay qua phải, nhích qua trái, đi tới đi lui, đừng nói chi là xoè đôi cánh, nên nay giới chủ nhân cần phải cải thiện đời sống môi trường sinh hoạt của gà nuôi trong chuồng, số lượng gà trong chuồng phải ít đi đi. Để chi?… Để cho gà có cơ hội quay qua phải, xoay qua trái, bước tới bước lui, và xoè đôi cánh… gà!

Một chuồng gà trước kia chứa 1 triệu 500 ngàn con, nay chỉ còn được phép chứa 700 ngàn con gà mái. Thiếu 800 ngàn con gà mái làm giới chủ nhân trại gà “bức xúc”. “Bức xúc” không phải vì số lượng trứng gà bớt đi, ở đâu thì ở, 800 ngàn con gà mái cũng sản xuất 1 triệu 600 ngàn quả trứng gà mỗi ngày, “bức xúc” là “bức xúc” cái chuyện phải tốn thêm tiền gas lò sưởi để sưởi ấm gà vào mùa đông lạnh giá. “Khi xưa gà tụi nó ở đông thì có đông thật, chật thì có chật thật, nhưng con này đứng sát con kia, con kia úm con nọ nên chúng chuyền hơi ấm cho nhau, nay chúng phải đứng xa nhau thì chúng lạnh.” Một ông chủ trại gà giải thích như vậy.

Chi phí cho một chuồng gà thì nay phải thành hai chuồng. Chi phí tăng thì giá thành sản phẩm là trứng gà phải tăng, và giá thành tăng thì giá cả trứng gà trên thị trường cũng sẽ theo đó mà tăng theo.

Giá trứng gà sẽ tăng từ 10% đến 40% trên thị trường không những chỉ Cali mà còn ở các tiểu bang khác, dù có hay không luật housing gà, bởi Cali là tiểu bang tiêu thụ trứng gà nhiều nhất nước Mỹ, nhập hơn 30% trứng từ những tiểu bang khác, và nếu muốn trứng gà được bán ở Cali, phải theo luật Cali, luật Cali buộc trứng phải được đẻ ra từ con gà nuôi trong chuồng theo đúng luật housing gà của Cali.

Không những chỉ có xăng là khác, trứng gà Cali cũng khác!


Lưu Thy

Phỏng Vấn Thi Quốc Tịch

luuthy

-Good morning cô. Tôi xin tự giới thiệu tôi tên là John, J giống như John, O giống như Obama, H giống như Honda và N giống như Nada. Tôi là nhân viên sở di trú, sẽ interview thi quốc tịch cho cô ngày hôm nay.
-Good morning ông John!
-Cô Loan có khoẻ không?
-Dạ em khoẻ!
-Tên cô là Loan Lờ on lon giống như cái lon cocacola phải không?
-Dạ không phải, Loan em có A giống như apple.
-À há, lon applejuice chứ không phải lon cocacola.
-…
-Cô cho tôi biết tên ngài phó tổng thống hiện nay là gì?
-Dạ Michelle Obama.
-Theo hiến pháp nước Mỹ, chính phủ liên bang có một số quyền nào đó. Trong số những quyền này cô thích nhất là quyền gì?
-Dạ quyền in tiền.
-Theo hiến pháp nước Mỹ, các tiểu bang cũng có một số quyền. Cô thích nhất quyền gì?
-Dạ quyền cấp bằng lái xe.
-Về quyền hạn và bổn phận của công dân Hoa Kỳ, xin cô cho biết ai được quyền có bầu?
-Dạ phụ nữ.
-Cô có khai và đóng thuế cho nước Mỹ chưa?
-Dạ năm nào em cũng chờ tới ngày 15 tháng 4 em mới khai.
-Cô có trốn thuế lần nào chưa?
-Dạ em phải khai thiệt hay khai theo bài học?
-Cô phải khai thật. Công dân Mỹ không những phải trung thành với tổ quốc mà còn phải thành thật với sở thuế.
-Dạ vài ba lần.
-Xin cô cho biết ai là cha đẻ của nước Mỹ?
-Dạ người da đỏ.
-Trong thời chiến tranh lạnh, quan tâm chính của Hoa Kỳ là gì?
-Dạ Chủ Nghĩa Cộng Sản.
-Còn bây giờ?
-Dạ ISIS.
-Cô viết xuống giấy câu này: “Today is Monday”
-Dạ… “Today is Friday”
-Tại sao Friday?
-Dạ hôm nay Friday chứ không phải Monday.
-Cô bao nhiêu tuổi?
-…
-Nhà cô ở đâu?
-…
-Cô cho tôi xin số phone!
-…
-Tại sao cô không trả lời?
-Dạ, người lịch sự không đi hỏi tuổi đàn bà con gái. Má em dặn không bao giờ cho số phone với địa chỉ nhà người lạ. Ông thông cảm.
-Xin chúc mừng cô. Cô đã đậu quốc tịch Hoa Kỳ. Từ một tới hai tuần nữa, cô sẽ nhận được giấy hẹn đi tuyên thệ. Tuyên thệ xong cô sẽ nhận được bằng quốc tịch, với giấy ghi danh đi bầu. Với bằng quốc tịch cô tới ngay bưu điện cô làm passport đi du lịch… Cô Lon nhớ nhá, đi du lịch cô Lon phải nhớ đem theo tiền. Mà… mà này, cô Lon có thích đi bầu không? Cơ hội 4 năm một lần đấy nhá!
-Dạ em thích lắm ạ! Em phải làm sao ạ?
-Dễ lắm…Cô Lon điền vô cái giấy ghi danh đi bầu, cô Lon ghi tên, tuổi ngày sanh tháng đẻ, địa chỉ email, địa chỉ nhà… Cô Lon nhớ ghi cô Lon là Asian, xong cô Lon chọn Con Lừa, Con Voi, hay …
-Em không thích Con Lừa với Con Voi!
-Ôi, chuyện nhỏ, cô Lon không thích Con Lừa Democratic hay Con Voi Republican, cô Lon cứ chọn Con Giun trung dung Independent. Chọn xong cô Lon cứ việc gửi đi khỏi ký tên đóng dấu. Tháng 11 cô Lon sẽ có bầu.
-Tháng 11 em sẽ đi bầu, em sẽ bầu cho ông Dumb.
-Donald Trump?
-Dạ phải rồi, ông Donald Trump, em thích ông này… Ông này nói chuyện nghe không chán ông ơi, mấy ông mấy bà khác nói xạo bà cố luôn á. Em có anh bạn dạy đại học, ảnh nghe em nói em sẽ bầu cho ông Dump này, ảnh chửi em quá trời ông ơi. Ngày nào ảnh cũng gửi đường link mấy bài báo phê bình phân tích với mổ xẻ ông Dump cho em coi. Coi xong em vẫn khăng khăng bầu cho ông này, ảnh chửi em dumb, em stupid, em crazy. Ảnh chửi em quá trời ông ơi!
-Cô Lon thích ai cô Lon cứ bầu cho người đó, dù ai nói ngã nói nghiêng cô Lon cứ như kiềng ba chân. Mà… cô Lon biết gì không?
-Dạ không, ông!
-Cô Lon rất xứng đáng là công dân Mỹ, cô Lon biết sử dụng lá phiếu, cô Lon bầu cho người cô Lon thích, còn hơn biết bao nhiêu là người, cầm lá phiếu mà chỉ được phép bầu cho người đã được bên trên chọn lựa trước. Cô Lon không dumb, những người kia mới dumb.
-Bye cô Lon, no see you again.
-Chào ông, no see ông again.

LƯU THY NGUYỄN

Romeo & Juliet

luuthy

Romeo và Juliet là một trong những vở kịch nổi tiếng của W. Shakespeare, dựa vào một tác phẩm của Luigi Da Porto kể về một mối tình oan trái Romeo và Giulietta của hai gia đình thù nghịch Montecchi và Capuleti có thật xảy ra ở nước Ý thời Trung Cổ.

Câu chuyện bắt đầu tại thành phố Verona, nơi có hai dòng họ có mối thù truyền kiếp là Montague và Capulet. Romeo là con trai dòng họ Montague và Juliet là con gái nhà họ Capulet. Định mệnh oái oăm đã đưa hai người đến với nhau, yêu nhau say đắm, bí mật đến nhà thờ làm lễ cưới, rồi lại vì bạn mà Romeo lỡ tay giết chết người anh họ của người tình Juliet.

Romeo bị lưu đày biệt xứ, Juliet bị gán ép lấy người chồng không hề muốn. Đám cưới Juliet được dàn dựng trở thành đám tang. Rồi cái chết giả của Juliet lại trở thành cái chết thật của cả hai người.

Cái chết bi thương của đôi bạn trẻ giờ mới thức tỉnh được hai dòng họ thù nghịch nhau. Bên xác hai người thân yêu, hai dòng họ tuy đã quên đi mối thù truyền kiếp, bắt tay nhau giảng hoà, nhưng câu chuyện tình yêu ngang trái ấy vẫn mãi mãi là nỗi đau đớn đè nặng trong lòng họ.

Câu chuyện xảy ra ở Verona, nơi mà ngày nay, du khách nào tới nước Ý, có ghé qua, trong chương trình du lịch bao giờ cũng có căn nhà cũ kỹ từ thế kỷ 12 ở số 23 Via Capello, mà một thời thuộc về gia đình Capello. Casa di Giulietta, Nhà Juliet, là một trong những điểm du lịch du khách hay tìm đến nhất tại Verona.

Đến ngay căn nhà số 23, du khách sẽ thấy ngay hàng chữ “Juliet sống ở đây, hãy viết cho cô ta” bằng 5 thứ tiếng Ý, Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha, ngay trên hộp thư treo trước nhà. Nếu muốn, bạn cứ viết rồi bỏ vào đó. Đừng quên để lại địa chỉ, bạn sẽ nhận được thư trả lời từ Juliet. Và… chưa hết, mỗi năm vào đúng ngày Valentine, có thể lá thư của bạn sẽ được chọn là lá thư hay nhất trong năm.

Ngoài cách này ra, du khách cũng còn có thể bày tỏ niềm cảm thông với mối tình ngang trái bằng cách để lại những bức thư ghim thẳng trên tường hay có thể dùng bất cứ vật liệu gì, viết hoặc khắc thẳng lên Bức Tường Juliet.

Vườn sau toà nhà còn đó cái ban công mà thời nào Juliet đứng chờ ngóng người tình Romeo yêu dấu, và nay người ta còn thêm vào đó bức tượng đồng tạc hình Juliet. Ngực phải bức tượng đồng bóng láng một cách khác thường? Tại sao vậy? Người ta đồn rằng nếu bạn chạm tay vào ngực phải của bức tượng, bạn sẽ gặp may mắn trong tình yêu. Có cặp tình nhân nào mà mong muốn cho tình yêu dang dở! “Tình chỉ đẹp khi còn dở dang” ư? Hình như không hề có câu này trong đầu bất kỳ một người du khách nào ở đây, nơi này, ngay tại chính căn nhà xưa của Juliet.

Tại sao phải chạm vào ngực phải mà không là ngực trái? Trái tim của Juliet nằm trong lồng ngực phải à?

Bên trong toà nhà Juliet trưng bày toàn hình ảnh poster về Romeo và Juliet, những kịch bản của Shakespear và có ngay cả computer, để nếu muốn bạn có thể email tại chỗ cho Juliet. Bạn chịu khó chờ và nhớ check mail, Juliet chắc chắn sẽ trả lời cho bạn.

Căn nhà có thật là của Giulietta hay Juliet trong vở kịch của W. Shakespeare? Không thấy ai muốn lên tiếng để làm rõ điều này. Mà có thật sự cần không, khi mà biết bao nhiêu là du khách khắp nơi trên thế giới đã đổ về đây, bao nhiêu là tiền bạc đã đổ vào cho thành phố Verona. Chỉ cần 3 Euro cho vé vào cửa, 7 Euro cho tour trọn gói, và hoàn toàn miễn phí nếu bạn chỉ thích dạo ngắm ngoài vườn và thăm viếng quanh nhà. Căn nhà Juliet hiện đang là tài sản của quốc gia, mở cửa cho du khách vào xem từ 9 giờ sáng cho tới 7 giờ tối, 7 ngày trong tuần, chỉ trừ ngày thứ Hai chỉ mở cửa vào buổi chiều.

Đây là nhà của Juliet, còn căn nhà của Romeo chỉ cách đó vài con đường, căn số 4 Via Arche Scaligere, trên tường có gắn một tấm bảng nhỏ ghi “Đây là căn nhà xưa của Romeo”. Căn nhà hiện là tài sản của tư nhân, đang có người ở nên du khách khó mà được phép vào bên trong thăm viếng và chụp hình.

Bao nhiêu du khách đến, rồi đi, xong rồi quay trở lại. Không ai thắc mắc đây có đúng là căn nhà của Juliet trong vở bi kịch Romeo & Juliet của Shakespeare hay không. Người ta không cần biết sự thật, người ta đến chỉ để bày tỏ nỗi lòng của mình với mối tình ngang trái của anh chàng Romeo và cô nàng Juliet. Mối tình này không phải là mối tình có một không hai, chỉ xảy ra bên phương trời Tây xa lắc. Tình yêu ngang trái là tình yêu muôn thời muôn thuở muôn nơi. Việt Nam cũng có, cũng có Trương Chi Mỵ Nương, cũng có Mỵ Châu Trọng Thuỷ, rồi Thuý Kiều Kim Trọng, … Nhưng du khách có đi khắp nước Việt Nam, có tìm khắp hang cùng ngõ hẻm, cũng chẳng thấy đâu là nhà của Thuý Kiều, chỗ ở của Mỵ Nương, nơi nào có chiếc thuyền cũ bên bến sông xưa có chàng Trương Chi thổi sáo… Du khách chỉ thấy toàn là những nấm mồ, những lăng tẩm, những đền đài của những kẻ lúc sinh thời hét ra lửa, nắm quyền sinh sát trong tay, và ít khi phải chịu cái nỗi đau khổ của Romeo, cái đớn đau cùng tột của Juliet. Du khách coi để mà coi, nhìn để mà thấy, nên cũng chẳng nên thắc mắc so sánh tại sao với một cô nàng Juliet tầm thường như thế mà quá là bao nhiêu người hâm mộ đến mức viết ra giấy, dán lên tường, bỏ tiền ra mua vé vào xem, còn với những danh nhân vang lừng khét tiếng một thời, dù có không tốn một xu, có thời còn được tặng thêm ổ bánh mì, vào xem mà mắt cứ trơ trơ, mặt cứ vô cảm và lòng cứ dửng dưng.

Tâm hồn tâm tính con người bình thường hình như thời nào ở đâu vẫn vậy: bao giờ cũng bênh vực, đứng về phía những kẻ thế cô!

Lưu Thy

Khỉ Gió!

luuthy

Ngày xửa ngày xưa… Thuở ông trời khai thiên lập địa, tạo dựng muôn loài, đào sông nắn biển, cuốc đất trồng cây nuôi cỏ tạo nên rừng. Có rừng phải có rú, có muôn thú phải có muôn chim.

Rừng nào thú đó, rừng nào khỉ nọ, nên trong một khu rừng kia, ông Trời cũng cho sinh ra một bầy… khỉ.

Bầy khỉ sống theo đàn, sinh hoạt theo “cá thân,” con nào con nấy là cả một thế giới khỉ riêng. Có con khỉ buồn đời leo lên tuốt ngọn cây nhìn trời xanh mây trắng mà làm thơ. Có con khỉ rủ nhau chui vô bụi rậm mà làm trò… khỉ. Có con khỉ đít đỏ, có con khỉ đít vàng, có con khỉ đít nửa đỏ nửa xanh.

Rất đặc biệt, rất đậm đà bản sắc… khỉ!

Trong đàn khỉ có một con khỉ, cứ tạm gọi là Khỉ Gió, không thích làm thơ, không thích mần trò khỉ, không thích leo cây, mà chỉ thích đọc sách và làm lãnh tụ. Sách đâu mà đọc ở cái thời khai thiên lập địa! Sách đâu mà đọc ở cái thời cái bánh xe chưa quay quay! Khỉ Gió bỏ giấc mơ đọc sách mà xoay qua cái giấc mơ làm lãnh tụ.

Khỉ Gió bỏ đàn khỉ, bỏ rừng xanh, leo đèo, lội suối, đi tìm quân sư. Xin thì sẽ được, tìm thì sẽ gặp, gõ thì sẽ mở, nên Khỉ Gió rồi cuối cùng cũng gặp được quân sư.

Câu đầu tiên Khỉ Gió hỏi quân sư “Làm thế nào để trở thành lãnh tụ?”

Quân sư trả lời “Ai gõ ta sẽ mở, ai xin ta sẽ cho, ai hỏi ta sẽ trả lời!”

Câu thứ hai Khỉ Gió hỏi “Làm thế nào để trở thành lãnh tụ?”

Quân sư trả lời “Ngươi chỉ nên nghe những gì ta nói nhưng đừng làm theo những gì ta làm!”

Câu thứ ba Khỉ Gió hỏi “Làm thế nào để trở thành lãnh tụ?”

Quân sư trả lời câu thứ ba rất là dài, dài toàn tập, dài đến nổi Khỉ Gió phải hốt cả lá rừng viết lên lời thầy dạy.

Khỉ Gió nhai lá rừng nuốt lời thầy vô bụng, cho đến hết chiếc lá cuối cùng, mới lại chịu leo đèo, lội suối, lại băng rừng, xuống ruộng, mang cái bụng bầu chứa đầy lá rừng ghi lời thầy, về lại khu rừng xanh để làm lãnh tụ.

Về tới rừng, nhập lại đàn, Khỉ Gió ngó lại đám khỉ xưa, ngẫm theo lời thầy dạy, Khỉ Gió mới sáng mắt sáng lòng, mới thấy trong đám khỉ có con đít đỏ, có con đít vàng, có con đít nửa đỏ nửa xanh. Chỉ có mình Khỉ Gió là không đỏ không xanh cũng không vàng.

Đàn khỉ không còn “giản đơn” như Khỉ Gió lâu này thường nghĩ, nó ô hợp vô tổ chức, nó theo bè kết phái, con đít đỏ chỉ chơi với con đít đỏ, con đít vàng qua lại với con đít vàng, còn con đít nửa xanh nửa đỏ làm thân với con đít nửa đỏ nửa xanh.

Chỉ có con khỉ đui, mới khi thì đi theo nhóm này, khi thì đi theo nhóm nọ, khi thì ngồi lê đôi mách với nhóm kia. Khỉ Gió áp dụng ngay lời thầy dạy, kết nạp Khỉ Đui vào Ban Lãnh Đạo. Lời thầy vẫn còn như in mồn một trong bụng Khỉ Gió, “Muốn thành lãnh tụ cần phải làm cách mạng, cách mạng thành công phải cần người biết vận động quần chúng, biết len lỏi, biết khi thì chiều nhóm này khi thì theo nhóm kia.” Cho nên, có con khỉ nào mà hợp cho bằng con Khỉ Đui. Khỉ Gió kết nạp Khỉ Đui là vì vậy!

“Biết chiều chuộng, biết cuốn theo chiều gió, biết kết hợp vận động quần chúng khỉ, mà nhút nhác, sợ sệt, không dám làm dám chịu, thì cũng như không, cách mạng chết ngay từ trứng nước. Lãnh đạo cần phải có con khỉ có cá tính liều, điếc không sợ súng.” Lời thầy đã dạy như vậy sao Khỉ Gió lại không theo, Khỉ Gió chọn ngay trong đám khỉ đít đỏ một con khỉ điếc kết nạp ngay vào Ban Lãnh Đạo.

“Cách mạng cũng cần phải có kỷ luật, phải biết vâng lời, biết gật.” Ứng viên thứ ba và cuối cùng đưa vào Ban Lãnh Đạo là Khỉ Câm.

Giờ Ban Lãnh Đạo Cách Mạng Rừng Xanh đã có chủ tịch là Khỉ Gió, với ba cánh tay mặt, tay trái, tay nối dài là Khỉ Đui, Khỉ Điếc và Khỉ Câm.

Đêm ra mắt Ban Lãnh Đạo Cuộc Cách Mạng Rừng Xanh diễn ra đúng như dự liệu của Khỉ Gió. Trên bầu trời đêm hôm đó, bốn ngôi sao trong chòm sao Aries sáng rực. Khỉ Gió giơ tay chào đám khỉ bu chung quanh mình rồi bắt đầu khọt khẹt phát biểu. Mỗi một lời của Khỉ Gió phát ra, Khỉ Điếc lập lại lần thứ nhất, rồi Khỉ Câm lập lại lần thứ hai, nên nó echo vang dội khắp rừng xanh. Còn Khỉ Đui? Khỉ Đui đi qua đi lại, vừa lắng tai nghe lời chủ tịch, vừa nghe ngóng lời xầm xì của quần chúng, mắt láo liên theo dõi từng động tác, từng hành vi của những phần tử khỉ phản động.

Khỉ Gió thao thao bất tuyệt, mỗi lúc mỗi hăng, bao nhiêu lời vàng ngọc của thầy Khỉ Gió cứ vậy mà sao y bản chánh tuôn ra.

Đàn khỉ bu xung quanh bắt đầu mất tập trung, không còn trật tự lớp lang như lúc khởi đầu đại hội. Tiếng khọt khẹt ồn ào, nhốn nháo, la ó, bắt đầu xảy ra.

Lời Khỉ Gió vang vọng núi rừng đã động tới nỗi đau của nhóm khỉ đít vàng. Lời Khỉ Gió đã xúc phạm tới niềm kiêu hãnh của khỉ đít đỏ. Lời Khỉ Gió không làm rung động được tâm hồn của khỉ đít nửa đỏ nửa xanh. Cách mạng rừng xanh của Khỉ Gió làm tan nát thế giới riêng của từng con khỉ một. Con khỉ thích làm thơ không còn cơ hội leo tuốt ngọn cây cao nhìn trời xanh mây trắng. Con khỉ thích chui vô bụi rậm làm trò khỉ giờ sẽ phải lấm la lấm lét nhìn trước nhìn sau. Sẽ không còn cái chuyện đơn giản nhỏ nhặt nhất của một con khỉ bình thường, là được khọt khẹt, được vểnh tai nghe tiếng lá rơi xào xạc, được tận mắt tận tay cầm trái chuối chín vàng ửng lột vỏ bỏ vô miệng nhai. Giờ phải đi theo con đường Khỉ Đui dẫn đạo, thấy màu sắc tương lai qua con mắt của Khỉ Mù, nghe tiếng gầm hú, tiếng gà gáy ó o, tiếng sấm tiếng chớp, tiếng lá vàng rơi, theo cái tai của Khỉ Điếc, và chỉ được phép mở miệng khọt khẹt theo đúng giọng của Khỉ Câm.

Không được! Không được! Đàn khỉ chuyền tai nhau lời bất mãn, đàn khỉ chuyền tai nhau lời thật mất lòng Ban Lãnh Đạo Cách Mạng, rồi không cần rủ mà đồng lòng tất cả cùng bỏ đi.

Khỉ Gió mắt vẫn nhắm nghiền lim dim, miệng vẫn cứ thốt ra lời vàng ngọc, với bốn đại biểu cuối cùng còn lại là Khỉ Gió, Khỉ Câm, Khỉ Điếc và Khỉ Đui.

Đại hội cách mạng rừng xanh thất bại hoàn toàn, dù trên bầu trời đêm đêm ấy bốn ngôi sao trong chòm sao Aries vẫn còn sáng rực.

Suốt cả đêm Khỉ Gió ngủ không được, cứ trăn tới trở lui, gãi đầu gãi đuôi, lầm bầm khọt khẹt muốn tìm cho ra nguyên nhân cách mạng không thành công. Khỉ Gió đã làm theo rất “đúng quy trình,” cứ xong bước đầu là tiếp nối ngay bước hai, bước ba, bước bốn. Ngay cả ông trời cũng đồng hành cùng Khỉ Gió. Không phải bốn ngôi sao bổn mạng của Khỉ Gió Khỉ Câm Khỉ Điếc Khỉ Đui trong chòm sao Aries sáng rực đó sao. Ông trời cũng đi theo “đúng quy trình.” Thế thì tại vì sao? Bởi vì đâu và do ai? Mà ra nông nổi!

Đám gà bên khu rừng hàng xóm vừa mới ò ó o gáy tiếng đầu tiên, Khỉ Gió đã dựng đầu ba đồng chí Khỉ Điếc Khỉ Đui Khỉ Câm dậy, sửa soạn khăn gói quả mướp lên đường, leo đèo, lội suối, lên đồng, xuống ruộng đi gặp quân sư để hỏi cho ra lẽ.

Vừa tới nơi, không chờ quân sư mời ngồi, không chờ quân sư mời xơi nước ăn chuối, cả bốn đã ngồi vắt chân lên ghế bốc chuối ăn “vô tư”.

Quân sư kiên nhẫn chờ cả 4 ăn uống no nê xong mới hỏi:

“Bốn đứa tới đây có chuyện gì? Đã là lãnh tụ sao không ở nhà lo chuyện khỉ mà lại rủ nhau tới đây ăn với nhậu?”

Khỉ gió nhìn quân sư mặt mày buồn thiu, thiểu não, miệng lắp ba lắp bắp, nói không ra lời:

“Em làm đúng theo lời quân sư dạy, không sai chữ nào, không thêm bớt chữ mô, vậy mà… vậy mà… bọn chúng lại không đứa nào chịu nghe, càng mở miệng bọn nó càng bỏ đi. Rốt cuộc giờ chỉ còn lại bốn đứa em.”

Quân sư ngạc nhiên không khác gì Khỉ Gió, đi tới đi lui, đi qua đi lại, nhắm mắt, bịt tai, mím miệng, tay gõ gõ lên đầu, tham thiền nhập định. 5 phút, 10 phút rồi 20 phút trôi qua, quân sư vẫn không tìm ra lý do. Quân sư lắc lắc đầu thất vọng.

Khỉ Gió hỏi “Thầy đã kiếm ra chưa?”

Quân sư khịt khịt mũi nhíu mày! Quân sư lắc đầu!

Khỉ Câm ú ớ ý muốn nói “Thầy đã kiếm ra chưa?”

Quân sư lại nhíu mày khịt khịt mũi. Lại lắc đầu!

Khỉ Điếc hỏi “Thầy đã kiếm ra chưa?”

Quân sư lắc đầu, khịt khịt mũi, nhíu mày.

“Thầy đã kiếm ra chưa?” Khỉ Đui hỏi.

Lần này quân sư không những nhíu mày, khịt mũi, mà còn vỗ trán mừng rỡ.

Quân sư đã tìm ra nguyên nhân. Quân sư đã biết tại sao. Quân sư kéo cả đám Khỉ Gió, Khỉ Câm, Khỉ Điếc với Khỉ Đui ra đám mít sau nhà, đích thân leo lên một cây mít ngon nhất, tay vỗ bịch bịch, chọn trái mít thơm lừng đãi cả bọn cái món mít đặc sản của nhà: hột mít lùi tro.

Vừa ăn quân sư vừa dùng miệng vừa làm dấu, cầm hột mít lùi tro hỏi “Có thấy gì không?”

Khỉ Gió, Khỉ Câm, Khỉ Điếc gật đầu, Khỉ Đui nói không.

Quân sư khỏ khỏ hột mít lên mặt bàn, “Có nghe thấy gì không?”

Khỉ Gió, Khỉ Câm, Khỉ Đui gật, chỉ có Khỉ Điếc là lắc đầu.

Quân sư ngồi im, không cầm hột mít, không khỏ khỏ mặt bàn, nín thở, lấy hơi, vận khí xuống đan điền, xì ra một tiếng, xong mới hỏi “Có ngửi thấy gì không?”

Không gian im lặng như tờ, cả bốn con khỉ ngồi yên không nhúc nhích, nhắm mắt, bịt tai, mím miệng, tay gõ gõ lên đầu, không nói, không gật, không lắc, cũng không gật gù ú ớ…

Khỉ Gió, Khỉ Câm, Khỉ Điếc, Khỉ Đui cùng có chung một khả năng thiên phú trời cho! Cả bốn đều không biết ngửi!

Quân sư tiễn bốn con khỉ về lại rừng xanh, bắt đuôi từng con một, và chúc cho bốn con, Khỉ Gió, Khỉ Câm, Khỉ Điếc, Khỉ Đui được thượng lộ bình an, sau khi ban bố lời huấn từ “Mặc dù bốn đứa ngươi cùng có chung một khả năng rất đặc biệt, rất trời cho, không biết ngửi, nhưng ta khuyên, bốn đứa ngươi, hãy nên về lại rừng xanh, hãy sống lại cuộc sống bình thường, bình thường như mọi con khỉ bình thường khác, và chớ nên mở miệng hay làm cái gì khiến nó bốc mùi mà quần chúng khỉ bỏ chạy!”


Lưu Thy