Vỡ nát giấc mơ hoài
Chương ngón áp út NGỤC TÙ
Hết ưu tư – từ giã
Có những người dễ đắm mình vào các trạng thái , trạng thái tư lự, ánh mắt nhìn xa xăm, nhìn vô định, hoặc lim dim hay nhắm mắt nhưng không ngủ… thường những người này thuộc tuýp người sống nội tâm, họ suy nghĩ nhiều, họ tập trung suy tưởng để tìm một con đường giải quyết một vấn đề nan giải nào đó, hoặc tìm con đường đi cho mình, tìm con đường đi tốt đẹp cho những ai thấy nó là tốt, họ cũng thường thuộc tuýp người sống vì cộng đồng, vì xã hội.
Nhắm mắt mà tìm con đường ư?
Ừ, phải. Con đường đó là con đường hư ảo, chứ không phải là con đường để người ta bước đi hiện hữu. Nó giống con đường mơ ước, con đường ánh sáng của Việt.
Con đường ước mơ của Việt mãi mãi sẽ là con đường mơ ước. Anh nghĩ sẽ trở lại với nó nhung không bao giờ được. Con đường ánh sáng của Việt đã bị lọt, bị cuốn vào một lỗ đen như lỗ đen vũ trụ, một lỗ đen mênh mông, thăm thẳm do chính con người tạo nên, những con người có cái gọi là người Cộng sản.
Người Cộng sản với sự khát máu cuồng điên, bằng mọi giá, bằng mọi thủ đoạn đã tràn vào thôn tính miền Nam. Họ bắt đầu thiết lập nên một xã hội có cái gọi là xã hội mới.
Tiếp theo ngay sau đó, lỗ đen được hình thành từ những cái đầu đen tối của họ. Nó là một nấm mồ tập thể chôn tinh thần xã hội họ vừa thôn tính. Với họ đây là một xã hội mang toàn những định kiến sai lầm, một xã hội Mỹ – Ngụy độc ác, tàn bạo, xấu xa, dối trá… đó là điều dĩ nhiên được áp đặt. Họ chôn sống nó tức thì, chôn không để lại một dấu vết, không để lại một tàn dư.
Sự độc ác, độc tài càng lớn thì đi kèm song song là nỗi sợ hãi cũng lớn như vậy. Nỗi sợ vô hình, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nơm nớp lo sợ bị trả thù, nỗi sợ thường trực mọi lúc mọi nơi, cho nên không thể để lại một mần mống nào cho sự sanh trưởng. Phải vùi lấp nó, phải thui cháy nó thành tro tàn, chôn cả tro tàn. Họ đã hành động để có được như vậy.
Hành động chôn không khác mấy ở bầu không khí chiến trường, cũng những người lính lăm le súng ống, hơn thế nữa còn có sự tham gia của du kích, của dân quân địa phương, cũng những gương mặt đằng đằng sát khí, cũng sặc mùi oi bức, sặc mùi nghẹt thở…
Những nhát búa báng bổ vào những bức tượng, vào những đền đài mang hình di chuyển của con lắc ngược hướng, con lắc hướng lên chứ không bị trọng lực kéo xuống, khi đường đi xé gió hướng tới chạm vào tượng, vào đền đài nó phát ra tiếng chát chúa, tiếng của tinh thần hăng say ầm ầm đập phá bằng bàn tay cần lao, khi đi ngược trở lại nó kéo theo tiếng dội vào quá khứ, thinh không vang vọng không ngớt tiếng kêu gào đau xót của lịch sử.
Người Cộng sản không cần lịch sử. Họ tự tiện chặn đứng bánh xe lịch sử đang quay, dùng bất cứ thứ gì có thể được để nghiền nát bánh xe lịch sử, chôn vùi luôn lịch sử. Nhưng không thể được, vì lịch sử còn khắc ghi trên bia miệng dân gian chứ không chỉ trên bia đá, dấu tích không thể phai mờ. Không thể nghiền nát thì bóp méo hết sức có thể, báng bổ lịch sử chân thực hết sức có thể, họ viết lại lịch sử cho riêng mình.
Cũng như thế, không thể chôn xác, thể xác sống của con người trong xã hội Mỹ – Ngụy, chứ nếu có thể thì họ cũng đã thi hành.
Điều này có quá đáng chăng? Suy nghĩ của kẻ không có lòng vị tha, của kẻ đầy hận thù, áp đặt chăng?
Việt cũng đã từng nghĩ như vậy. Anh đã từng nghe kể lại khá nhiều, nhưng chưa bao giờ tin hoàn toàn.
Chuyện những người già kể từ thời Việt Minh, ở những vùng thôn quê, nhứt là những vùng xa xôi, người Quốc Gia không quản lý hết, người Việt Minh dễ dàng trà trộn vào đây. Những vùng này còn gọi là vùng “xôi đậu” theo nghĩa bóng là vùng lẫn lộn, vùng ban ngày của Quốc Gia còn ban đêm thuộc về Việt Minh, về sau là Cộng Sản. Việt Minh tuyên truyền phủ dụ ráo riết ở những nơi này.
Những người không theo Việt Minh mặc dù không theo ai cả, họ chỉ lặng lẽ theo cuộc sanh tồn, sẽ có một kết cục không thể nào tệ hơn. Họ bị bắt và sau đó được tìm thấy thi thể có thể là bị một nhát cuốc vào đầu, có thể là một cây gậy vạt nhọn đâm xuyên người, có thể là những vòng kẽm gai trói quật tay rồi thả trôi sông, có khi hai ba thi thể trôi sông dính chùm bởi những sợi kẽm gai đâm xuyên lòng bàn tay tiếp nối…
Những người có chức sắc, ở vùng quê thì dĩ nhiên là các chức sắc nhỏ bé, chức sắc làng trở thành những kẻ ác ôn, những kẻ nợ máu với nhân dân. Những người khá giả thôi đã bị quy thành địa chủ cường hào, thì những người giàu có, có người ăn kẻ ở, có tá điền mà thường được gọi là bạn, ở làng ruộng rẫy là bạn đồng, ở các làng chài là bạn thuyền,… Việt Minh không chấp nhận cách gọi này, họ cho rằng đó là những người nô bộc bị bóc lột tận xương tủy, thì không thể náo khác hơn, còn bị áp đặt những ngôn từ nguyền rủa kinh tận, những kẻ địa chủ cường hào ác bá, tham lam, phong kiến, trịnh thượng… Sự thanh trừng họ nói ra rợn tóc gáy, lạnh sống lưng, kể lại mà muốn lộn mửa, họ bị chặt đầu, cắm đầu trên cọc nhọn đem bêu giữa chợ, giữa đình…
Thời gian sau đó là lời kể của những người di cư khi đất nước bị chia cắt thành hai miền bằng vĩ tuyến 17.
Gần một triệu người đã di cư vào Nam. Họ mang theo gần cả triệu câu chuyện của riêng mình. Và những câu chuyện gần giống nhau, coi như đó là câu chuyện chung. Chuyện về cải cách ruộng đất của chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việt Minh là đứa con của Việt Cộng. Sau những lần diễn những tấn tuồng thành lập và giải tán,… thì bây giờ nó mang một cái danh khác, đảng Lao động Việt Nam. Dù có mang tên nào nó vẫn là đảng Cộng sản.
Cải tổ ruộng đất phải là duy ý chí của Việt Cộng, nó đồng nghĩa với một ý chí duy nhứt cần phải kiên định theo đuổi, cần phải tiến hành triệt để, tiến hành đồng loạt, cần phải bảo vệ tới cùng. Nó là điều đúng đắn tuyệt đối, nó tuyệt đối không thể sai, cho dù nó chưa qua một trải nghiệm nào. Cải cách ruộng đất mang hình hài bằng câu từ mỹ miều, cải cách đất đai, lấy của người giàu chia cho dân nghèo. Nó cũng đồng nghĩa bất cứ nhà giàu là xấu xa, là độc ác, là địa chủ như thời Việt Minh ở vùng “xôi đậu”. Nó không cần biết người người ta giàu bằng cách nào. Người ta giàu bằng mồ hôi nước mắt, bằng sự cần cù, người ta giàu bằng tiết kiệm, bằng chắt mót, người ta giàu bằng khối óc có suy tính… cũng mặc kệ. Mặc kệ sự ai oán, mặc kệ tất cả.
Chủ nghĩa Cộng sản không có khái niệm ai oán. Chủ nghĩa Cộng sản phải là chủ nghĩa tự tôn, tự hào. Chủ nghĩa mang lại cho những người theo nó luôn luôn vỗ ngực tinh tướng. Tinh tướng trong sự… hãnh tiến(!)
Sự trừng phạt những kẻ duy ý chí làm giàu, làm địa chủ trong mắt những con người tinh tướng làm sao tránh khỏi, và để chặt đứt sự ai oán, triệt tiêu ai oán. Hơn thế nữa, nó không còn núp bóng trong vùng tối, nó được thực thi ở ngoài áng sáng, giữa ban ngày.
Địa chủ bị lôi xoành xoạch ra giữa chợ, giữa đình, giữa bất cứ đâu có chỗ trống để có thể tập hợp được những kẻ cần lao, có chỗ căng những biểu ngữ với ngôn ngữ hận thù, lên án, mạt sát thậm tệ, có thể kê một vài cái bàn để dựng nên một phiên xét xử. Thực chất đây là phiên đấu tố với tội trạng đã rõ, đã được ghi sẵn để đọc mà thôi, những bản tội trạng được đúc ra từ một cái khuôn duy nhứt. Thậm chí không cần phiên xét xử, cứ lôi địa chủ ra giữa đàng mà đấu tố.
Tại đây, những kẻ cần lao tự do đấu tố, phải nói là được tuyên truyền, bị nhồi nhét vào đầu sự tự do đấu tố. Đấu tố càng hùng hồn, càng dữ tợn, càng đông đảo càng được vinh danh. Những kẻ cần lao nổi máu xỉ vả, nhiếc mắng không thương tiếc, được quyền tát tai, đá đít, quất roi thoải mái mà chẳng ngại gì. Không nhìn thấy tội tình gì xưa nay thì phải tìm kiếm cho được một tội mà áp đặt. Tội tình cho một số người không muốn làm những chuyện này, lương tri còn tồn tại trong họ, nhưng không thể, họ có thể bị đấu tố vì đi ngược hướng duy ý chí cách mạng, dám bao che cho “tội ác” hay sao, dám kích động nổi loạn hay sao, dám bày tỏ, dám rũ lòng thương kẻ “tội đồ” hay sao(?!)
Đấu tố xong, mọi chuyện tưởng rằng xong. Không, không có chuyện đó, đâu có dễ dàng với “tội lỗi” như vậy. Địa chủ phải chết, phải không được tồn tại trong bầu không khí của cần lao, bầu không khí của cách mạng vô sản ban cho. Họ cần phải chết theo một cách khốn khổ khốn nạn nhứt, chứ không thể có cái chết với chỉ một phát đạn, một nhát chém, chết như vậy không “xứng”. Nó không đủ răn đe, không đủ diệt đi mần móng đi ngược duy ý chí vô sản. Họ phải bị chết phanh thay, bị tùng xẻo, bị trừng trị theo phương cách từ thời cổ đại. Có những người bị chôn sống, nhưng chưa phải bị chôn sống cho chết ngay tức thì, bị chôn hết thân mình, chừa phần đầu giữa nắng cháy, giữa mưa sa, giữa những bêu rếu, nhục mạ hết sức có thể của những kẻ cần lao cùng với sự hô hào của cán bộ, sau đó họ mới giả từ trần gian trong đói, trong khát, trong nắng cháy, trong bùn lầy. Có thể nói họ đã thấy được địa ngục trần gian. Nhưng chưa phải là hết, còn tận cùng của địa ngục, cái đầu ló lên khỏi mặt đất của họ còn bị những nhát cày lấp mớ đất cho ngạt thở từ từ đi qua, bị những nhát bừa, những bàn chưn của trâu bò kéo cày kéo bừa bương qua làm tuông máu…
Khốn khổ khốn nạn tận cùng của sự đấu tố, đấu tố lẫn nhau của những người thân trong cùng một gia đình, trong cùng một dòng họ, chứ không hẳn chỉ là người dưng. Con cái hỗn hào với cha mẹ, dám đánh đập cha mẹ là điều Trời không dung đất không tha, nhưng nó vẫn xảy ra ở chốn đấu tố này. Đừng nhắc tới mối liên hệ gia phả xa hơn, anh em, ông bà cháu chắt, chú bác cô dì… có nghĩa là gì nữa đâu(!)
Trong khối óc của những con người này, bây giờ nó chỉ chất chứa một thứ duy nhứt, chất chứa duy ý chí vô sản. Nó không còn biết có cội nguồn, nó không còn biết có mối liên hệ máu mủ, ruột thịt. Nó tự cho mình có thể tử lỗ nẻ nứt lên. Nhưng có chui ra từ vết nứt của lòng đất, của những tảng đá… nó cũng chẳng cần mang ơn đất, đá. Nó cho rằng hiển nhiên mình phải có mặt trên đời, hiển nhiên mình phải thực thi những nhiệm vụ hiển nhiên. Không hiển nhiên sanh ra từ lỗ nẻ thì hiển nhiên tiến hóa từ loài khỉ, loài khỉ tiến hóa thành nhiều giống loài người, nhưng nó là loại bậc cao, được quyền thao túng hành động. Người ta chưa thấy loài khỉ “đấu tố”, người ta thấy tình mẫu tử của loài này rất mạnh mẽ.
Không còn cảnh nào rùng rợn hơn nữa. Không có tận cùng địa ngục nào khốn khổ khốn nạn hơn nữa. Nó lại ở ngay trần gian.
Việt không thể tin như vậy, không thể tin cho dù anh cũng không thể không tin lời của những người kể lại. Họ dối trá để làm gì? Anh thấy sự chân thành, sự thành thật hết mức ở họ. Họ kể trong nấc nghẹn, trong đau đớn dằn vặt. Họ kể lại chỉ một lần trong đời để cho biết vì sao phải rời bỏ quê hương, tại sao phải trốn chạy, họ không muốn nhắc lại lần thứ hai cảnh địa ngục trần gian, không muốn ai biên chép lại, không muốn gây thêm hận thù, không muốn trả thù, họ sẵn sàng tha thứ cho những tội ác kinh hoàng. Họ chỉ muốn có một cuộc sống bình yên.
Có một điều làm minh chứng, những cảnh địa ngục trần gian này được ghi lại từ những ống kính. Nhưng lạ thay, nó cũng chưa đủ thuyết phục để Việt tin vào. Khi cầm những tấm hình trên, Việt luôn săm soi, coi hoài coi mãi và tự hỏi, chúng có thiệt hay không? chúng có thiệt như thế này hay sao?
Mười mấy năm sau, sau ngày những người dân bên kia vĩ tuyến di cư mang theo câu chuyện kinh hoàng vào miền Nam, thì chính một số nơi ở miền Nam gặp những cảnh người bị chôn sống, bị đập đầu, bị chôn tập thể trong những cái hố sâu hoắm…
Đó là vào năm 1968, nhằm vào Tết Mậu Thân. Những cảnh này chàng thiếu niên Việt thấy nhiều trên báo chí. Tang hoang những vùng đất rộng lớn, những xác người, những bộ xương, những đầu sọ lăn lóc… đầy trên đây như những bãi tha ma là lúc khai quật những hố chôn khổng lồ ở Cố Đô. Những vành khăn tang trắng xóa trên đầu của người dân thành phố Huế mộng mơ ken đặc. Có thể ví như những điểm trắng của những con cò trong đàn cò đông nghịt trên cánh đồng bao la, màu trắng lấn át cả màu xanh của cánh đồng.
Ờ Sài gòn không có cảnh này, nhưng xác chết thì không thiếu. Ba của Việt kể lại, phần lớn là xác của bộ đội mặt mũi còn non choẹt, và số ít hơn là của những người lính Việt Nam Cộng hòa, cùng dân thường. Anh không được bước ra khỏi nhà, bị dúi đầu vào trong căn căn hầm ở nhà cho đến khi bên ngoài yên tĩnh và dọn dẹp sạch sẽ, nên không thể chứng kiến. Nhưng tiếng pháo kích vào sân bay thì nghe khá rõ ngay vào lúc giao thừa, kéo dài vài ngày sau, tức những ngày Tết. Tính theo đường chim bay thì làng của Việt khá gần với sân bay Tân Sơn Nhứt, nơi bị tập trung pháo kích nhiều nhứt. Ba anh cũng nói rằng, pháo kích là của Cộng quân từ hai miền Nam và Bắc. Miền Nam họ không công khai lấy tên Việt Cộng nhưng hai thực thể cũng chính là một, cùng một đầu não lãnh đạo. Họ nhân danh giải phóng, giải phóng… vùng tự do thì đó chỉ là sự lừa mị trong nhân danh. Họ nhân danh nhân dân để tấn công… đồng bào trong thời khắc thiêng liêng, thời khắc đón chào năm mới, đón Tết Nguyên Đán của dân tộc Việt. Mặc dù trước đó chính họ đưa ra thông điệp ngừng bắn trong dịp Tết. Thiệt là những hành động tráo trở.
Ở ngay nơi mình đang sống thì Việt tin, nhưng các nơi khác anh vẫn mơ hồ khả nghi. Anh hầu như không dám đọc hết các bài báo, những câu chuyện, đôi khi sự hồ nghi bảo rằng sự việc đã bị thổi phồng quá lên và người ta cũng có thể ngụy tạo thêm lắm chứ.
Và rồi cuối cùng Việt cũng phải công nhận tất cả là sự thực. Những hình ảnh gần như trên đập vào chính đôi mắt anh.
Anh đi tìm nàng Nụ Tím Gia Long, anh không gặp được nàng, nhà nàng đã khóa cửa im ỉm. Đây cũng là lần duy nhứt anh đi tìm. Bởi từ đây cuộc đời Việt đã rẽ một hướng khác, hướng chịu đựng ở trong lỗ đen.
Tìm không gặp, anh lang thang qua ngôi trường tìm chút kỷ niệm. Ngôi trường bị một bức màn đen bao phủ, nó u ám xám xịt, màu tường vôi vàng như chìm hút, như ghi lên hai chữ đã là quá khứ. Người ta đã xóa đi cái bảng tên trường, không thể có… thằng Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà” được tồn tại. Áo dài mang màu tím bị cuốn ngược theo hai chữ quá khứ.
Tà áo dài may mắn bị cuốn thôi chứ không bị cấu xé, cắt cho te tua như những loại áo quần theo mốt.
Những chàng trai cô gái ăn vận mốt bị chặn ngay giữa đường, người ta xỉ vả hết lời về thói lai căng, thói học đòi theo văn hóa của thằng Tây, thằng Mỹ mũi lõ mắt xanh, một thứ văn hóa ngoại lai làm sao chấp nhận được trong xã hội mới, một xã hội cấp tiến nhứt của loài người tiến hóa từ khỉ đột chỉ cần phủ bộ lông che thân thể.
Sau màn đấu tố là màn hành động, người ta xé áo xé quần được thì xé bởi thiếu kéo để xẻ, có kẻ tận thu những cây dao của người bán hàng bên đường để cắt. Tận thu cho cách mạng, phải biết hy sinh vật chất cho cách mạng, phải biết đó là niềm vinh dự lớn lao.
Một anh chàng bị một đường xẻ từ dưới lai ót một phát lên tận lưng quần, cái quần ống loe loe bay phất phới, lộ ra bên trong cái quần lót. Mấy người cán bộ, bộ đội, du kích ngạc nhiên hết sức, họ nhíu mày suy nghĩ. Cuối cùng có một người phát hiện ra điều lạ lùng, anh ta nói lớn lên như thể vừa có phát minh:
“Ối giời ơi! Tớ phát hiện ra rồi nhá, biết rồi nhá. Cái ấy, đấy, đấy là thứ mà từ mấy hôm nay chúng ta thấy, ấy là những cái đít của những cô cậu ấy, chúng tạo ra đít có… gân ấy. Chẳng có những cái mông đít thanh niên miền Nam tự dưng có hiện tượng tự tạo ra gân gì cả đâu ấy.”
Mấy chú nhóc cười ha ha, có đứa cười lăn lộn giữa lộ, chúng bu xung quanh những cảnh này là thường tình. Những cảnh khác, chúng im lặng đứng nhìn hoặc xầm xì to nhỏ, các các bộ oai phong càng thấy mình như thần thánh. Cảnh này thì không xong rồi, cán bộ quát tháo ngay: “Im lặng nhá, im lặng cho chúng tôi thi hành công việc nhá. Công việc này là công việc quan trọng bậc nhất, công việc loại văn hóa lai căng, văn hóa đồi trụy, văn hóa phản động ra khỏi chế độ ta”.
Ngoài văn hóa lai căn của thằng Tây thằng Mỹ, còn có văn hóa của thằng Diệm, thằng Thiệu bẩn thỉu. Ông Ngô Đình Diệm và ông Nguyễn Văn Thiệu là tổng thống hai đời của Việt Nam Cộng hòa, còn gọi là Đệ nhứt và Đệ nhị Cộng hòa. Bất cứ ai của chế độ bị gọi là tay sai đều bị gọi bằng thằng, bằng mày và xưng ông xưng tao, xưng chúng tao, chúng ta…
Cái kéo là đồ nghề dễ xọc vào áo quần để xẻ cho rách nhứt, nay nó mang thêm một công năng nên không còn đủ sử dụng. Nó vào tay cán bộ văn hóa biến cán bộ thành thợ hớt tóc. Cũng như bài trừ ăn bận mốt, nó diễn ra bất cứ nơi đâu, bất cứ nơi nào có người để đầu tóc mốt, ở giữa đường, giữa phố, giữa chợ hay ở nhà họ cũng xọc vào mà: “Để bọn tao xử lý nhá”. Những mái tóc xù lông nhím của các cô gái là: “Ôi, gì mà giống như bọn Mỹ da đen nhớp nhúa quá nhẩy”, thế thì phải bị xởn đầu tiên. Rồi tới những mái tóc của các anh chàng để thiệt dài theo phong trào Híp py* (*Happy)…
Đi ngang gặp một cảnh như vậy, bất giác Việt đưa tay lên sờ mái tóc mình, anh không theo phong trào nào cả, chỉ vì ngày còn là sinh viên, Việt cũng để mái tóc dài lãng tử. May cho anh, ừ, từ ngày vào quân trường, anh đã nhẵn nhụi mày râu.
Lang thang, thang thang vô định, bởi những câu hỏi mà Việt chưa tài nào lý giải nổi, tại sao lại có những cảnh kỳ lạ như vậy? Cần nhiều suy nghĩ để giải đáp, nó dường như là phương hướng chỉ đường, cứ bước đi, bước đi tới đi tới, rồi tới một hướng sẽ có đích, sẽ có giải đáp.
Những lời đồn đoán cách đây không bao lâu hiện về. Người ta sẽ xài văn hóa rừng rú, văn hóa khỉ khọt, ai để móng tay dài, ai sơn móng tay sẽ bị rút móng đó chứ đừng có giỡn chơi… Những lời đồn đoán, Việt cũng như một số người cho rằng đó là tuyên truyền, là quấy phá, là bôi nhọ, cũng như chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng tuyên truyền rằng Việt Cộng là những con người ốm đói, đi còn không nổi, bảy kẻ Việt Cộng đu tàu lá chuối, tàu lá chuối còn nguyên đó thôi. Những lời đồn đoán khó tin. Nhưng bây giờ Việt đã tin. Lời đồn đoán là sẽ gây nên thương tích, gây nên đau thương thì đâu ai dám để, nên nó không xảy ra. Nếu có chắc nó cũng như vậy chứ không đùa bỡn được. Xởn tóc xởn quần áo không gây thương tích thân thể nhưng nó gây thương tích tâm hồn, một vết thương tâm hồn khắc sâu vào người từ những đường kéo, đường dao…
Việt lại lang thang, lang thang vô định.
Một đám đông ồn ào đánh thức lối đi vô định trong đầu Việt. Những vụ xởn vừa xảy ra có kéo theo hiếu kỳ, có đùa giỡn, có bình phẩm… nhưng chưa bằng đám đông này. Và những đám đông kia anh cũng đã khá quen thuộc, tụ đám đông xong rồi tan, đám đông này di chuyển khắp phố phường, con nít chạy theo reo hò, hô la vô thức.
Một anh chàng tanh niên chưa biết chuyện gì xảy ra giống như Việt, anh ta hỏi:
“Dạ, chuyện gì vậy?”
Một số người biết nhưng không muốn, có lẽ là không dám trả lời. Có người nói:
“Lên trên mà coi thử chuyện gì.”
Anh chàng chạy lên, chen chưn vào coi. Anh chàng là kẻ tiếu táo. Gặp chuyện nực cười anh ta càng tiếu táo, anh ta quay trở lại vừa lắc đầu vừa cười khì khì và luôn miệng kêu “nô xì ta que, nô xì ta que…”, mà thường người ta dùng tiếng bồi, tiếng lóng này để biểu thị “không sao đâu, không có gì”, đó là do anh ta dùng nó để mượn từ nô:
“Nô xì ta que, nô xì ta que… nô hiểu, nô hiểu… người ta bắt anh chàng mê nhảy đầm đi diễn phố bêu rếu.”
“Sao biết được? cán bộ nói hả?”
“Cần gì nói, anh ta bị tròng cái bảng treo tòng tèng trước ngực kìa, đeo bảng mê nhảy đầm có kèm tên tuổi hẳn hòi kìa.”
Nhiều người lẩm bẩm theo: “Nô xì ta que…”
Mọi chuyện không qua mắt được cán bộ đứng gần đó. Một kết cục cho sự tiếu táo được biến thành tuyên truyền sai lệch với chủ trương đúng đắn cùa xã hội mới, anh ta… được diễn hành chung với anh chàng mê thiệt sự. Cái bảng anh ta có khác, “Kẻ tuyên truyền lệch lạc, tiếp tay văn hóa đồi trụy, phản động”. Các tiếng “nô xì ta que…” dĩ nhiên im bặt, xầm xì của người lớn cũng im bặt, chỉ còn tiếng con nít nháo nhào…
Việt cũng lẩm bẩm, nhưng để nó trong đầu chứ không cho thoát ra khỏi miệng, “nô xì ta que, nô xì ta que…”. “Nô xì ta que” bây giờ cũng đã trở thành không hiểu nổi trong anh, và dẫn anh tiếp tục trên những con đường vô định.
Đi rất lâu, như thể Việt không còn khái niệm thời gian. Rồi anh tưởng chừng như đêm đã buông xuống vì ánh sáng sáng lên, ánh đèn điện cùng lúc được bật chiếu sáng cho sanh hoạt thường nhựt chứ bây giờ trong đầu Việt không còn chỗ cho ý niệm luồng ánh sáng khai sáng, nhưng không phải, đó là ánh sáng của một ngọn lửa lớn, ngọn lửa bùng lên dữ dội trước một cổng trường.
Người ta tưởng đâu là cháy ở cổng trường, nháo nhào cùng chạy lại tìm cách chữa cháy. Không, không phải tai nạn bốc hỏa mà ngọn lửa từ tay con người châm nên. Những bàn tay gồng lên hết sức dù chỉ là bật lửa, châm lửa. Phải thôi, người ta còn cắn chặc môi, trừng mắt vào đống văn hóa phẩm đồi trụy nằm chình ình như thể là cái gai trong mắt. Đống văn hóa phẩm chất cao muốn lút đầu người là món mồi ngon cho ngọn lửa.
Ngọn lửa bừng bừng bốc cao, nó tỏa sức nóng làm Việt hoa mắt, mắt Việt chỉ còn thấy một làn ảo ảnh dợn dợn bay trước mặt. Anh thấy ngọn lửa cười khoái trá, đúng hơn là những gương mặt của những người đốt đống lửa in trong làn ảo ảnh này cười khoái trá, khoái trá một cách nham nhở, ngược lại thì những gương mặt thất thần, những gương mặt méo mó, sầu thảm và kìm hết mức chứ không dám biểu lộ của một số người đứng chứng kiến. Rồi Việt thấy những dòng chữ đang bò ra kêu cứu, những dòng ‘Tâm Hồn Cao Thượng’, “Học Làm Người’, ‘Quẳng Gánh Lo Âu Đi Mà Vui Sống’, hay đơn giản hơn là ‘Lịch Sử’, ‘Địa Lý’, ‘Việt Ngữ’, “Hình Học’, ‘Đại Số’, ‘Vạn Vật’… Các dòng chữ vừa kêu cứu vừa kêu gào đau đớn mỗi khi ngọn lửa thiêu bừng mạnh hơn. Thực sự thì đó là lúc những bàn tay gồng hết sức có thể để khưi cái đống mà họ coi là đống rác rưởi tanh tưởi cho cháy thiệt nhanh.
Việt không dám nhìn nữa, anh sợ mình không thể kìm được, sẽ nhảy vào cứu chúng. Và chắc chắn anh cũng sẽ bị thiêu rụi thành đống tro tàn. Việt còn ý thức được đôi chút, anh chúi mũi bỏ đi tiếp.
Không có chỗ nào bình yên.
Việt lại gặp cảnh người ta xúm xít, túm tụm lại coi một sự vụ đang diễn ra.
Lần này, đám đông có cách xa chỗ xảy ra sự vụ một chút. Bởi tiếng thình thình của những nhát búa và các mảnh vở bay tung tóe. Việt nhận ra những mảnh vỡ là từ bức tượng ông Võ Tánh trắng toát được nhà chức trách và dân chúng dựng nên tôn thờ.
Ông Võ Tánh, cùng với hai ông Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp hiệp nên Gia Định tam hùng thuở xưa.
“Tam hùng à?”, “Ối giời ơi, tam với chả tứ, thằng Tánh chỉ là thằng theo phò thằng Gia Long nhá, là thằng bợt đít thằng Nguyễn Ánh nhá, sao ngu thế nhỉ, sao chả chịu theo phò người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ nhỉ? Còn hai thằng này… ư… ư… thằng Gia Long là thằng vua ta biết nhá, thằng Nguyễn Ánh là thằng nào nhể?”
Không có ai trả lời, làm gì có ai dám trả lời.
Uỳnh, uỳnh, uỳnh… những nhát búa tiếp tục.
“Ối giời ơi, mặc xác chúng nó, biết làm đéo gì, thằng nào láo thằng nào lếu, chúng ông cũng bổ cho tan xác chúng mày.”
“Ơ… ơ… này anh kia, cái anh to tướng kia, to tướng khỏe mạnh thế mà không lao động là phí lắm chứ lị. Nào, vào đây phụ bổ với chúng ông cái nào… nào…”
Việt dòm quanh, đích thị là chỉ mình rồi chứ không ai khác nữa. Anh lần lữa một chút, phân vân một chút, rồi nỗi lo sợ trỗi dậy nên định nhấc đôi chưn đi vào, nhưng ngay lúc đó Việt trấn tỉnh lại được, dù có như thế nào anh cũng không thể để đôi tay mình làm cái việc xấu xa đó, anh quay đầu, cắm cổ chạy, cắm cổ phóng, anh phóng qua có lẽ là hai pha bức tường gì đó, vài chướng ngại gì đó mà anh không nhìn rõ lắm, cắm cổ bỏ lại phía sau tiếng “réo rắc”: “Ơ… ơ… cái thằng, cái thằng chó má, cái thằng phản động, ông bắn cho bỏ bu bây chừ, đồ láo toét…”
Chạy lâu lắm, lâu lắm, có lẽ cả tiếng đồng hồ. Anh chạy có lẽ phải mười mấy cây số. Mệt nhoài, Việt tìm được một chỗ khá kín đáo và vắng vẻ để ngả lưng một tí. Rồi anh lại trở lại trạng thái dẫn dắt đi vô định.
Trạng thái này tiếp tục bị đánh thức bằng mấy tiếng đoàng, đoàng, đoàng… Mấy tiếng nổ phát ra chát chúa, ký ức về tiếng súng không thể xóa nhòa trong Việt, nghe, anh biết ngay nó là tiếng súng. Phản xạ tự nhiên, anh nhảy vào gốc cây ven đường ẩn núp, và nghĩ đâu đó có một trận đánh. Chờ khá lâu, không có tiếng súng nào nữa, anh lồm cồm bò ra khỏi, con đường trước mặt vắng tanh, không một biểu hiện gì là có đánh trận. Dáo dát dòm quanh, Việt thấy người ta tụ tập khá đông ở cuối con đường, nơi có một ngã ba, cuối con đường cũng là một bức tường chắn chạy dọc theo con đường cắt ngang.
Bước tới nơi này, trên bức tường người ta giăng mấy biểu ngữ, “Phiên tòa nhân dân”, “Kiên quyết trừng trị bọn phản động”, “Cương quyết trừng trị bọn gây tội ác với cách mạng, với nhân dân”. Và phía trước những tấm biểu ngữ là xác một người đổ gục, máu loang ra dĩ nhiên còn tươi.
Việt ớn lạnh, nhưng anh cũng ráng dừng lại, hòa vào đám đông để dò xét thực hư. Những người tụ tập bàn tán to nhỏ: “Phiên tòa nhân dân sao đâu thấy nhân nào?”, “Phiên tòa Cộng sản chứ phiên tòa nhân dân cái gì”, “Có thấy xét xử gì đâu? Có thấy cho nói gì đâu, có thấy ai bào chữa cho gì đâu ? Bịt mắt cột tay, lôi cổ ra, đọc vài câu phán tội là bắn đùng đùng ngay, vậy cũng gọi là phiên tòa được sao?”, “Ở đây còn có biểu ngữ để người ta biết, hôm qua tui chứng kiến ở cầu Ba Cẳng, chẳng có gì ráo, chỉ có cái chảng ba từ ba cây tre cắm cho đứng được trên chưn cầu, rồi họ trói người vào đó và hô bắn luôn”…. Thiệt là kinh hoàng, rùng rợn cho dù ai đó có một lá gan sắt đá đi nữa.
Không bao lâu sau đó, một người nữa bị lôi ra. Một người đứng ra đọc mấy dòng từ một tờ giấy, gồm tên tuổi và tội trạng y như trên tấm biểu ngữ, và phán tội xử bắn. Mấy người đang chống súng dưới đất nâng lên và bước đối diện với “kẻ tội đồ”…
Việt không thể chứng kiến, anh quay đầu và bước gấp gáp. Rồi anh phóng chạy, kiếm những con đường vắng mà chạy. Văng vẳng sau lưng là tiếng đoàng, đoàng, đoàng…
Bây giờ thì Việt tê liệt suy nghĩ thiệt sự, cứ vô thức chạy sâm sấp, và như ngựa quen đường cũ, đôi chưn anh đưa anh về nhà.
Việt vật nằm trong xó nhà, trong chổ u tối nhứt. Anh muốn nhờ màn đen tăm tối che khuất những gương mặt anh vừa thấy. Nhưng màn đêm không thể theo ý của Việt được. Chức năng của nó đâu phải như vậy. Nó đâu che được suy tư của con người, đâu xóa được ám ảnh dùm cho con người.
Những gương mặt được gọi là cán bộ, những bộ đội, những du kích, và cả những dân quân tự dưng Việt không thấy ghê sợ bằng những gương mặt cơ hội. Dù gì đi nữa, dù họ có hăng máu như thế nào đi nữa Việt cũng có thể thông cảm cho họ, cũng bởi họ bị nhồi nhét quá sâu, nhồi nhét từ trong trứng nước, và họ hầu hết còn khá trẻ, những sợi lông măng lún phún trên gương mặt non choẹt còn chưa sậm màu.
Những gương mặt cơ hội nham nhở nhảy múa trước mắt Việt. Đó là những gương mặt ở trường anh, ở một số trường khác mà anh biết, có cả sinh viên và có cả những ông thầy giáo, những gương mặt nghe tới câu “Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm” là mặt xanh như tàu lá chuối, những gương mặt tìm mọi cách để trốn quân dịch hoặc nghe kêu gọi đi biểu tình của những người đấu tranh cách mạng công khai thì trốn chui trốn nhủi.
Những gương mặt cơ hội được ủ mầm trong xã hội tự do để rồi tiếp tay giết tự do kể cả cho mình và người khác. Trong xã hội tự do ở mức tối thỉu, người ta vẫn bị bắt bớ, tù đày, bị tra tấn đánh đập bởi đi ngược quy tắc của chánh thể đó là một chánh thể không Cộng sản, bởi nổi loạn bằng bạo lực, bằng khủng bố… nhưng con người trong xã hội đó vẫn được bày tỏ chính kiến, vẫn được tự do biểu tình ôn hòa, báo chí vẫn không bị rõ mõm, bịt miệng…
Những gương mặt cơ hội kinh tởm trở nên mạnh mẽ do đã tìm được nới ăn bám, bỗng dưng hùng hùng hổ hổ, mạnh miệng hô hào đến khản cổ cần tiêu diệt những kẻ phản động, phản đối, phá rối, chỉ có một con đường tiến lên là con đường Cộng sản.
Việt nằm ình ra đó, và xã hội mới của người Cộng sản lại ình ra trước mặt anh. Xã hội chỉ có một con đường, tất cả phải đi trên con đường này với tinh thần hăng say, tinh thần kiên cường, anh dũng, bất khuất, kể cả tinh thần đạp trên máu mà đi…
Nội tâm hay không nội tâm ư? Hồn nhiên hay không hồn nhiên ư? Mộng mơ hay còn gọi là lãng mạn, có hay không ư? Ung dung tự tại hay không ư? Mạnh mẽ sôi nổi hay không ư?… Tất cả bây giờ không còn là câu hỏi nữa, không tìm kiếm cho dù riêng tư nữa, chúng phải bị vùi chôn dưới nấm mồ vĩnh viễn.
Trớ trêu thay, tinh thần của xã hội bị chôn vùi nhưng vật chất của xã hội được gọi là ghê tởm đó thì được âm thầm chiếm lấy sử dụng. Cũng đúng thôi, đó chân lý của con đường, chân lý lấy vật chất quyết định ý thức, vật chất quyết định tất cả chứ không còn chỗ cho trái tim.
***
Nằm mãi trong xó tối, người Việt muốn tê liệt.
Một buổi sớm, anh định bước ra ban công để dòm ánh sáng nơi chưn trời, trong đầu anh lúc này không còn nghĩ tới con đường ánh sáng, ý định rằng xem nó bị sụp đổ, bị phủ đen như thế nào mà thôi, nhưng chưa kịp thì nghe tiếng réo giựt ngược, tiếng gọi đanh thép nhưng người ta thường nói rằng cần phải hùng hồn, cần phải mạnh mẽ, buộc Việt phải ra nhận thông báo được mang đến từ người hàng xóm cách vài căn nhà.
Cầm thông báo trên tay Việt khá ngỡ ngàng, anh không hiểu điều gì. Thông báo gọn trong mấy dòng, phải ra trình diện của Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định để đi học tập cải tạo, học tập tư tưởng xã hội mới. Địa điểm trình diện là một trường học.
Hai hôm sau, khi anh đến đây, cả một sân trường đã đã gần như chật cứng người. Việt được đưa vào một phòng học cũng chật người. Kiếm một chỗ để yên vị, và nghe loáng qua các trao đổi thì Việt nằm trong số phải mang theo thức ăn hoặc tiền bạc, cùng với giấy bút, và tư trang sử dụng trong một tháng. Đó là dành cho những bậc sĩ quan, hoặc các vị công chức hành chánh có chức tước.
Những người bên ngoài sân thì chỉ đem theo với số lượng 10 ngày. Đó là những người lính hoặc những nhân viên hành chánh, những người có dính liếu tới các cơ quan, công sở nhà nước, ngay như những người làm lao công ở những nơi này cũng phải ra học tập. Họ học tập tại chỗ, ngay tại sân trường. Và thực tế thi họ phải học tập từ mười ngày tới một tháng rồi được về nhà.
Việt quá sức ngỡ ngàng. Anh không hiểu vì sao một kẻ chưa được đội cái beret nâu lại nằm trong số sĩ quan. Điều này, về sau mới được rõ, Biệt động quân là lính đặc biệt, là thứ ghê gớm trong mắt những người chế độ mới cho dù là gì đi chăng nữa. Sự ghê gớm cũng có thêm phần xuất phát từ đôi mắt của người hàng xóm đưa thông báo, người hoạt động nằm vùng mà không ai biết, không ai rõ. Người không hiểu Việt đã ở đâu, nhưng anh đã bị qui kết là phần tử phản động đứng đầu. Không phải vậy sao tới tận mấy ngày sau anh mới trở về? Chỉ cần đặt ra câu hỏi đó thì ông ta được quyền minh định theo ý của mình.
Đêm, Việt bị đẩy lên chiếc Motolova. Chiếc xe bị nhồi nhét nhét đầy người ì ạch lăn bánh, nặng nề nghiêng qua ngả lại y như những cái đầu nặng chịnh chất chứa bao nhiêu điều của những người trên xe. Không biết xe đi về đâu.
***
Nhưng cũng không lâu lắm, Việt được ngắm bầu trời, ngắm sao đêm trong rạng thái lắc lư khoảng hai tiếng đồng hồ thì đoàn xe đi vào một cánh cổng rồi đổ xịch. Mọi người bị lôi cổ xuống, bị chia ra và đẩy vào các căn nhà lờ mờ ánh đèn. Cả trăm người bị dồn vào trong căn phòng dành cho khoảng mười người. Thay kệ, nhiều người mệt mỏi ngã phịch rồi ngáy khò liền ngay. Những người còn thức thì “tận hưởng” bầu không khí dày đặc bởi khói thuốc lá hòa quyện với những tiếng thở dài thườn thượt, tưởng chừng như chúng cứ lảng vảng trước mặt, chúng uốn éo khiêu khích chứ không muốn bay đi, thực sự thì chúng nặng chịch và bị bịt bùng nên khó có lối thoát. Vài người muốn nói hoặc hỏi chuyện phải xầm xì nho nhỏ, đôi lúc nghe như tiếng rên rỉ…
Buổi sáng, thông tin truyền miệng, mọi người mới biết rằng nơi đây là Suối Máu. Một con suối ngập máu, ngập xác người trong một cuộc chiến đã quá nổi tiếng để trở thành địa danh ở vùng Biên Hòa này. Nhưng, kể từ bây giờ, không một ai được nhắc tới cái tên đó, lời của cán bộ quản giáo đã răng đe như vậy, phải gọi là trại tập trung cải tạo Tân Hiệp, Biên Hòa. Địa danh cũ bị cấm tiệt nhắc tới đủ hiểu rằng máu và xác của ai. Trong thâm tâm Việt và những người bị tập trung ở đây cũng chẳng lấy làm vinh hạnh gì từ điều rùng rợn, kinh khiếp này, nên hầu như ai cũng coi sự cấm kỵ là điều nên. Việt chỉ nhắc tới nó khi cần nhắc và với những ai không biết đến Tân Hiệp. Tân Hiệp vốn cũng là một trại tù.
Và bây giờ, đối với những sĩ quan cùng lẻ loi một kẻ còn chưa được coi là hạ sĩ quan của chế độ “thối rửa” trong mắt chế độ mới, chế độ những kẻ chiến thắng tự nhận, nó đâu khác gì trại tù, nó chỉ được thay thế bằng một cái tên mỹ miều mà thôi.
***
Muốn thay đổi những gì không thích
Đạp đổ bằng vũ lực thẳng tay
Những cái ghét phản chiếu ngược lại
Thân dính nhiều thêm những tệ hại!
…Tư tưởng rừng rú loạn phô bày..
Tay cần lao đập phá tượng đài
Đền xưa di tích chẳng rõ ai
Phá cũ theo nghĩ mới rõ hay?
…Bình đẳng san bằng cho rõ thấy…
No ấm sung sướng ai như ai?
Tư tưởng suy nghĩ ngang tầm trí
Sướng ngang bằng”tay làm hàm nhai”?
…Xa hoa xa xỉ Kéo cắt đây
Quần áo ăn vận đến tóc tai
Nhảy nhót thực dụng cho mà thấy..
Bàn tay san bằng luật triệt để…
….Mở mắt cho nhìn ánh sáng mê
Đốt sách văn hóa phẩm đồi trụy.
Cải cách ruộng đất sống đề huề
”Cần Lao con đường chính đua thi…”
….Sống cho cái Thể hơn cái Trí
Chủ Ý đả thông tư tưởng mê…
Những ai còn vướng tư riêng Ý..
Cải tạo cho rõ thấu đường Đi…
…Việt giữa giao thời như quẩn trí…
Cái gì cũng lạ cũng mê ly!
Tân Hiệp-Biên Hòa trại Tù ấy!
Ra còn mãi nhớ khi nhắc lại…
*Một thời ngu dốt-quân dịch chi?!
Để nếm đủ mùi Thời với Thế?
Dốt ngu chi nhỉ Đi rồi Về…
Ngậm ngùi tự hỏi Làm Người chi???
Nụ Tím đi rồi buồn quá thể!
Còn Việt buồn hiu mê còn mê…!
Gia Long cũ quá mới cũng chê!
Minh Khai cho đẹp hợp hiện tại?
Mai mốt qui cũ sẽ sao đây?hihi….
Thôi kể kể nữa nói dài dài…hihihi…