Nghĩ về thơ



(Nhân chuyện một ông nhà thơ chửi thơ mấy nhà thơ được cái giải kia quá xá, rồi bị mấy nhà thơ kia chửi lại quà xa)

Một vài nhà thơ cách tân từng phát biểu đại ý “Nếu cứ tiếp tục làm thơ ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát… thì đọc làm gì cho mất công, cứ quay lại đọc thơ Đường, Nguyễn Du”, và được vài cây bút tập tò nhắc lại, như một “tuyên ngôn” về cách phá chữ, phá dòng, phá tiết tấu, giai điệu… trong các bài gọi là thơ của mình.

Chứng minh câu nói trên sai rất dễ. Lấy ví dụ thể lục bát. Cả Huy Cận, Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư… đều xem Nguyễn Du như bậc thầy. Nhưng các thi sĩ này đều làm nhiều thơ lục bát. Nếu họ cũng nghĩ y như vậy, chúng ta sẽ không có Ngậm Ngùi ý vị của Huy Cận, Lỡ Bước Sang Ngang hồn hậu của Nguyễn Bính, lạ lùng, quyến rũ, sâu thẳm của thơ Bùi Giáng hay lãng mạn, đượm vị thiền mà vẫn ái ân như lục bát Phạm Thiên Thư.

Thơ, quan trọng với người đọc là cái đọng lại. Bất kể hình thức. Ví dụ thi sĩ Thanh Tâm Tuyền cách tân thơ từ rất sớm, mà khi ông viết trong Phục sinh:

Tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều – sao vỡ vào chuông giáo đường

thì chúng ta, những người đọc, như thấy hiện lên cả một không gian cụ thể mà hư vô, nhưng cái cô đơn đầy hiện sinh của con người được nhấn mạnh, đọng lại trong từng câu chữ.

Viết như thế nào, hình thức nào là chọn lựa cá nhân của thi sĩ. Nhưng nếu thơ mà chỉ chú trọng hình thức, ngoa ngôn, sử dụng ngôn ngữ cao xa mà vô nghĩa, đọc xong chẳng nhớ được gì, chỉ băng nhóm gật gù với nhau thì cũng ngang với loại thơ tầm thường, vần vè, dễ dãi.

Nguyễn Đình Bổn

Comment