DI CHÚC ĐỂ LẠI

Vĩnh Hiền

Blue-Abstract-painting-by-Simon-Brushfield1

Tôi cầm sổ khám bệnh của công ty đi ra gần đến cổng thì trời lại mưa xuống ầm ầm. Dịch vật! Đài dự báo bão xa. Chờ mấy ngày rồi chẳng thấy bão đâu lại nghe báo bão suy giảm thành cơn áp suất nhiệt đới rồi áp suất giảm báo thời tiết bình thường, ngày có nắng và mưa nhẹ vài nơi. Ầm một cái mưa đổ xuống liên tục cả hai ngày …nay. Thật là… giận báo thời tiết!
Tôi bận áo mưa vào, quyết định đạp xe xông đại trong màn mưa dày đặc đến trung tâm y tế làm cho xong thủ tục khám chửa bệnh để còn ráng kiếm được mấy ngày nghỉ cho khỏe cái thân già. Nghỉ khỏe vẫn được hưởng lương 70 phần trăm mà. Đang hì hục đạp thì sên lại bị trật. Ôi cái xe đạp cà rịch cà tàng này hành hạ tôi liên tiếp cũng như ông trời vậy. Hể trời âm u là xương cốt tôi nhức mỏi rả rời. Hể đạp xe đi công chuyện tí đỉnh là có ngay sự cố. Không xì lốp thì trật sên, không trật sên thì đứt thắng. Tôi đã bốn mốt tuổi đầu rồi chớ còn ít ỏi gì nữa? Làm công nhân cho công ty dịch vụ công cộng này cũng trên chục năm rồi. Được cái tôi ngó vậy mà dẻo dai như cục kẹo cao su, đố xưa nay có bệnh tật gì, cảm, ho, sổ mũi, đau bụng loàng xoàng cũng không hề dính tới. Vậy mà gần một năm nay hể trở trời là trong xương cốt tôi có con quái quỉ gì đó đục khoét lung tung miết. Làm cái nghề công nhân hốt rác nếu không dẻo dai thì chịu đựng sao nổi? Hơn chục năm nay, tôi lăn lộn trong môi trường độc hại xú uế này mà cứ tỉnh queo chớ có sá gì đâu? Chẳng lẽ mới qua tứ tuần mà đã bị phong tê thấp hay thoái hóa cột sống?
Tôi chưa vợ chẳng con, mình trần thân trụi, sống một mình một cõi trong ngôi nhà tồi tàn ông già để lại làm tài sản độc nhất vô nhị trên đời. A! Vậy mà lâm bệnh bất tử kiểu này dễ té cái rật đi luôn à nghen! Lỡ chết thình lình thì ngôi nhà mình biết để lại cho ai đây? Tứ cố vô thân, một mình một bóng, không hàng không họ, quạnh quẻ đìu hiu. Chẳng lẽ để lại cho mấy thằng bạn nhậu? Chớ biết ai nữa bây giờ nè? Như vậy thì mình phải lo viết di chúc ngay. Kẻo chết trở thành mồ hoang vô chủ, để người ở đâu đâu vô chỉếm dụng làm nhà chùa à?
Chà! Nhà tôi cấp bốn rưỡi, tường long mái lở, chu vi sáu mét vuông, có dư hai mét rưỡi ở phía hậu đủ làm một nhà bếp và một nhà cầu. Nó cũ đáng hàng lão tướng trong thành phố này mà. Chắc xây đâu từ thời ông vua Duy Tân lận kìa! Ậy! Coi nó tàng tàng vậy mà đem rao bán cũng được giá quá đi chớ! Hẻo lắm cũng được chục cây! Thời buổi này đất đai nhà cửa mắc mỏ lắm. Ơ! Nhưng tôi biết viết di chúc để lại ngôi nhà này cho ai? Tôi thật chẳng bạn bè gì với ai ngoài mấy thằng làm chung tổ hốt rác. Xong ca thì kéo ra quán cóc nhậu sương sương vài xị giải lao vậy thôi chớ cũng chẳng thân thiết gì nhau lắm đến mức mày tao chi tớ, chén chú chén anh, tửu phùng tri kỷ! Để di chúc lại cho mấy thằng ôn vật này thì uổng quá! Toàn là đồ, ờ, đồ củ đụi!
Ôi trời! Sau cùng tôi cũng đã lọt được vào trong nhà thương. Trời mưa mà sao bệnh nhân kéo đến khám bệnh đông ken vậy kìa? Tôi xin thẻ rồi chen vào giữa khoảng bốn chục người khác. Tôi nhìn số thẻ trên tay. 72. Trời! Đợi kêu tới số 72 thì hết giờ làm việc mẹ nó rồi còn gì? Lâu lắm rồi tôi đâu có chui vô nhà thương, nhà khổ làm gì, trừ cái lần lâu lắc đưa má vô, rồi bốn năm trước đưa ba vô, nhưng lúc đó đưa vô cấp cứu, chưa đầy nửa tiếng lại lo đưa xác ba về lo tang ma chôn cất. Lâu mới ló mặt vô trong này. Chà! Coi bộ khác xưa nhiều lắm. Bự ra, tân tiến hiện đại ra, nhưng chắc kiểu tỉếp đón đối xử với bệnh nhân thì cũng còn hơi cũ. Là nghe mấy thằng bợm nhậu nói vậy. Y đức bị lép vế trước kim tiền đức. Bảo hiểm y tế mà không có bảo hiểm kinh tế thì thua ngay!
Một ông mặt buồn rười rượi ngồi bên cạnh quay qua hỏi gì đó. “Hả?” tôi hỏi lại. “Anh số mấy?” “Số mấy? Số mấy gì?” “Ờ,” ông mặt buồn chỉ vào số thẻ trên tay tôi. “À! Tôi số 72. Còn anh?” “Tôi 64.” “Kỳ há. Số sao khó hiểu, lộn xộn quá.”
Tôi ngồi nhẩm đếm số bệnh nhân hiên diện trong phòng. Đúng 39 kể cả tôi. À, có nghĩa là đã có trên ba chục người vào khám và đi về rồi. Vậy là tôi còn may! “Bây giờ bác sĩ khám bệnh lạ lắm,” ông mặt buồn lại nói, “Anh để ý xem. Ai được gọi vào trỏng thì chỉ môt lát là ra liền. Khám qua loa đại khái vậy mà. Mình dân nghèo thành thị thì hơi đâu họ khám cho kỹ hả anh?” “Ờ đúng, hơi đâu,” tôi chặc lưỡi nói, “Ai biểu nghèo làm chi!”
Sau 1975, tôi bỏ học lớp 11 nhảy đại ra đời làm đủ thứ nghề = phụ hồ, thợ quét vôi, thợ đốt lò đường, thợ mài ốc, phu bốc vác. Chẳng có chỗ nào trụ được quá một năm. Thời buổi khốn khó kiếm cơm ăn thật mệt thở. Tôi cứ lăn xả vào đời, đụng gì làm nấy, không những để kiếm cơm ăn mà còn để kiếm thêm tiền phụ ba tôi chạy thuốc thang cho má tôi bi bán thân bất toại sau cơn đột quị vì tai biến mạch máu não. Năm 82, má mất sau cơn bệnh trầm kha suốt mấy năm trời. Ba tiếp tục đạp chiếc xích lô cũ mèm của ông, còn tôi nhảy xuống bến chợ xin được một chân bốc vác. Làm ở đó được gần một năm lại bị đuổi tại đập lộn với thằng tổ phó. Nó say ăn nói bậy bạ với mấy chị bán hàng rong, đập nó một trận là đúng rồi. Tôi bị đuổi việc thì cũng đúng rồi, vì thằng tổ phó là cháu bà trưởng ban quản lý chợ mà!
Vậy…đang lông bông thất nghiệp, tôi vào một quán cóc ven đường làm một xị rượu giải sầu thì bất đồ thằng Tường chạy xe ngang qua. Tường nhận ả tôi bèn cua xe lại vào quán. Tường là bạn học cùng tôi lớp 11C năm xưa. Sở dĩ tôi tôi còn nhớ đến hắn tại hồi đó tôi và hăn cùng để ý đến Lệ Hoa, cô bạn học có cái nốt ruồi xinh xắn đậu bên mép trái. Dè đâu Tường bây giờ là một cán bộ thuộc phòng vật tư kỹ thuật của công ty dịch vụ công cộng. Chỗ bạn bè xưa, hắn xin cho tôi vào làm trong công ty, thuộc tổ hốt rác. Kệ! Hốt rác thì hốt rác! Nhằm nhò gì?! Tôi đâu có bị hội chứng mắc cỡ mắc cung gì mà phải né cái nghề hốt rác? Vậy là tôi nhảy vào làm cho công ty từ năm 91 tới nay. Hàng ngày ra vào công ty, tôi vẫn trông thấy Tường chạy xe gắn máy, áo bỏ vô quần, đi giày xăng đan nghiêm cẩn đường hoàng bước vào văn phòng vật tư kỹ thuật. Ôi dào! Đời mà! Phải biêt người biết ta. Tường giờ ở vế khác, tôi vế khác. Chỗ bạn bè cũ hắn giúp tôi vào làm công nhân ở đây là quá tốt rồi. Thôi, đừng có thấy hắn mà đến bắt chuyện. Lơ đi là hơn. Hắn đang là một cán bộ, mày chỉ là một anh công nhân hốt rác quèn. Không nên quan hệ để mà còn giữ thể diện, uy tín của Tường. Vậy nhưng mỗi dịp lễ Tết hay lễ Trung Thu, Tường vẫn đến bắt tay thăm hỏi tôi rất văn minh lịch sự, và chỉ đến mức đó thôi. Dừng lại ở mức đó là đủ. Chậc! Đúng phép tắc rồi còn gì nữa!?
Tôi ngồi suy nghĩ lan man quên để ý, chợt một hồi nhận ra ông mặt buồn ngồi cạnh đã đi đâu mất rồi. Chà! Vậy là sắp đến lượt tôi rồi đa! Ơn trời! Cuối cùng tôi cũng bước chân được vào trong phòng khám.
Tôi đứng xớ rớ giữa phòng. Cô y tá nói gọn, “Ngồi!” Tôi kéo ghế ngồi xuống trước bàn của cô hay bà bác sĩ gì đó. Bác sĩ đang cúi xem sổ khám bệnh của tôi , của công ty ,ghi ghi chép chép gì gì đó mấy chữ, đoạn ngẩng đầu lên. Tôi bắt gặp cái nốt ruồi xinh xắn đậu bên mép trái của bác sĩ. Tôi chớp chớp mắt bảy hay tám cái gì đó, bác sĩ cũng chớp mắt hai cái rồi khẽ hỏi, “Anh Hoạt phải không?” “Ơ…a…chào bác sĩ, chào Lệ Hoa.”
Lệ Hoa khám cho tôi khá kỹ, viết đơn thuốc, cho thuốc đủ loại và cấp cho tôi đến bốn ngày nghỉ dưỡng bệnh. Cô bạn học ngày xưa nói chuyện rất thân tình, hơi có vẻ bề trên một chút. Thì đúng rồi! Cô ấy là bác sĩ, còn tôi chỉ là một anh công nhân hốt rác quèn.
Tôi đạp xe về nhà mà đầu óc cứ lơ lơ lửng lửng. Té ra Lệ Hoa là vợ của Lê Tường. Quả là oan gia đường hẹp gặp nhau. Thật đúng là đời! Đời cho ai nấy dạ. Số phần tôi cũng xin tạ cao xanh!
Tối hôm đó, tôi ngồi viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình: căn nhà cấp bốn rưỡi, sáu mét vuông có rẻo đất hậu hai mét rưỡi cho ông Lê Tường, kỹ sư, và vợ là trần Lệ Hoa, bác sĩ, những người bạn học cũ gần gũi nhất với tôi trên cõi đời này…

VĨNH HIỀN

Advertisement

5 thoughts on “DI CHÚC ĐỂ LẠI

  1. Thanh Xuân nói:

    Tui mà được như ông Vĩnh Hiền sướng mớ đời. Sáu mét vuông quá thừa cho cái thân già rồi còn gì. Không vướng bận chi ai. Nếu muốn ra đi thanh thản thì cho mấy người vô gia cư, mắc chi di chúc cho cái tên đối thủ tình yêu đó.

  2. đinh tấn khương nói:

    Hai nhân vật Tường & Lệ Hoa đã có danh phận & giàu mà lại còn được thêm cái di chúc đó nữa
    Người ta nói “tiền nịnh tiền”, quả không sai?

  3. Đài khí tượng báo bão mà không bão-May quá-không cảm ơn Ông Trời còn trách là sao?Tối ngày lo nhậu-ở một mình sướng chán!?Bạn bè có danh có phận-Còn mình cukiGia tài có căn nhà -Vậy thì bán lập chùa tu- thành đại sư trụ trì cũng danh phận sướng chán!?

  4. Nguyên Vi nói:

    Từ của ngành khí tượng thủy văn là “áp thấp nhiệt đới”, bạn VH!
    Bạn viết di chúc tiền bán nhà lập Quỹ từ thiện Vĩnh Hiền cho oai! He he…

  5. Ni Na nói:

    Ở một mình một cái nhà mà còn than gì trời !

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s