THẰNG NGỌNG

nguyenvi

“Đang mần cái ngữ gì mà cứ lui cui từ nãy giờ vậy, anh bạn?”. “Ử?”. “Tui hỏi cậu đang làm gì, cậu lại đáp ử là sao?”. “À, ui àm ơ!”. Mẹ ơi, té ra hắn mần thơ.
Cũng may là hắn chỉ mần thơ, chứ nếu hắn hứng chí lên lại khoái ngâm thơ thì dù có đại hội toàn thể các bầu sô toàn quốc cũng chịu, không biết mỗi sô diễn phải trả cát-sê cho hắn bao nhiêu là vừa đủ. Trong đám bạn từ cù lần than tới cù lần lửa, tôi được tiếng là tay mê thơ số một. Bởi thế hễ biết ai làm được thơ là tôi cứ phục sát đất, phục lăn. Nhưng với cái giọng nói thường ngày của hắn, mà lỡ hắn đưa luôn vào thơ thì chắc chết, nên tôi dù đang phục cũng có hơi nghi. Và dù chả có động lực gì thúc hối, vào những lúc thư giãn tôi cũng cất công lùng đọc bằng được những sáng tác của hắn. Cốt để báo cáo cho tính ưa tò mò của chính mình, của một tên thường nhìn lén các diễn viên cải lương đang hóa trang hoặc nhẫm ôn vai diễn phía sau cánh gà hơn là thích ngắm họ trực diện khoe sắc phô hương trước ánh đèn sân khấu.
Hắn chưa từng mần thơ. Hay cũng có thể được dăm ba bài gì đó nhưng thảy đều chưa sạch nước cản nên không ai biết hoặc chẳng ai buồn nhớ. Thơ truyền thống Việt khó mần quá chăng? Nào là tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, song thất lục bát, vân vân và vân vân. Mệt! Cho tới một ngày, hắn đọc đâu đó được mấy cái văn bản gọi là “thơ” đăng trên vài tờ báo in và báo mạng. Hắn mừng húm. A, cứu cánh đây rồi. Con đường thơ của hắn là đây, và không thể là con đường nào khác.
Mặc dù vậy, hay dở chi tính sau, mần được thơ thì tốt quá đi chớ. Nhưng trời đất quỷ thần ơi, hắn bập vô mần cái thứ thơ mà ai đó đã gọi là thơ ngọng, thơ nấc cụt. Này là ặc ặc ồn ồn. Kia là một câu chữ đang chạy ngon ơ bỗng sụp hố một cách cũng ngon ơ, tự nguyện. Cảm nhận về thứ thơ này, một thi sỹ vườn đã ứng tác mấy câu lòng ruột: Chữ thơ như ghẻ lở/ Chè hẻ rồi chò hỏ/ Ngâm chỉ tổ hôi mồm/ Đọc e đau mắt đỏ. (!)
Đời thuở nào chưa? Không chỉ dừng lại ở thứ thơ nấc cụt, hay mắc nghẹn cũng rứa, hắn còn hứng chí trai tơ trững mỡ mần cả thơ sex nữa. Bớ trời. Có câu hắn viết, đọc lên cứ rõ mồn một tiếng sột soạt trút bỏ xiêm y của một ả giang hồ. Lại có những khổ thơ tả cánh núi đồi, thung lũng, khe suối hẳn hoi mà tuyệt nhiên chắng thấy bóng dáng cây cối, chim thú đâu cả, chỉ có mấy vạt cỏ chỉ lún phún mọc rất trêu ngươi các nhà địa chất học. Chắc là hắn đang tả cảnh núi đồi từ một hành tinh nào xa lắc lơ ngoài hệ Thái Dương, ngoài dãi Ngân Hà.
Tôi ngó vậy mà cũng lãng đãng ra phết, có bài thơ hắn viết tôi đọc đến mấy lần cũng có thấy bóng dáng con lợn con heo nào đâu. Thế mà thằng bạn tôi mới trình độ làm sao, vừa lướt mắt qua một dạo hắn đã nhận ra được tiếng lũ heo kêu en éc chắc đang bị trói chờ đưa vào lò mổ. Lúc lúc lại phát hiện tiếng ằng ặc của bọn heo ăn tham đang đoạn sặc cám khô. Tài thật. Đúng là một cây làm chẳng nên non, nhiều cây lâm tặc ngó dòm xăm soi.
Là bạn bè văn nghệ, thi thoảng cũng gặp nhau, thường tại các cuộc nhậu bình dân. Hắn, đôi lúc có nhắc tới thứ thơ nấc cụt + sex + đời thường ấy và bảo đó là thơ theo trào lưu tân hình thức, là hậu hiện đại.
Hắn lý sự, rằng thơ Việt xuất hiện đã từ rất lẩu rất lâu rồi nhưng thế giới có mấy ai biết. Rằng thơ Việt truyền thống khó dịch sang tiếng nước ngoài, thế nên dịch bài thơ nào thì gần như bài thơ chết toi. Khổ thế. Và như vậy, để dễ dịch thơ ta sang tiếng Anh, tiếng Mỹ, tiếng Bồ, tiếng Thái để giao lưu với độc giả khắp năm châu thì nhà thơ phải viết câu thơ như nói, thấy dài dài đọc hơi mỏi mồm thì cứ xuống dòng cái rụp là xong.
Trời đất ơi, thế thì cái câu của nhà thơ Ê-li-ốt, được tặng giải Nô-ben văn chương năm 1948, có còn đáng cho lớp hậu bối lật ra để tham khảo hay không nhỉ?. “Trong số những trách nhiệm mà nhà thơ tự đặt cho mình trước nhân dân, trước tiên phải nói trách nhiệm trước ngôn ngữ: thứ nhất – bảo vệ ngôn ngữ này, và thứ hai, hoàn thiện nó, làm giàu thêm cho nó…”.
Dẫu tôi không tán thành với lý luận của hắn, nhưng tôi vẫn tôn trọng những sự thể nghiệm tìm tòi cái gọi là mới của hắn và những ai cùng quan điểm đó, về thơ. Có thể rồi văn học sử nước nhà sẽ quay lưng. Cũng có thể sẽ dành cho loại thơ này một góc thật trang trọng và xứng đáng. Biết đâu được!.
Riêng tôi, ngậm buồn. Ca dao và hát ru giờ đã dần thu mình chui tọt vào thư viện và các viện nghiên cứu hết rồi. Sẽ tới lúc thơ rồi chắc chỉ còn nằm trên giá sách. Ai mà có can đảm nằm ngồi cùng chiếc tràng kỷ, hay trên cánh võng ngâm ngợi bên ấm trà để thưởng lãm cái thứ thơ mà đại diện là thằng bạn tôi đang ra sức cổ súy không còn biết tiếc gì.

NGUYÊN VI

15 thoughts on “THẰNG NGỌNG

  1. aitrinhngoctran nói:

    Mần thơ , ngậm cú thơ ,làm thịt thơ.Thằng Ngọng bị trêu chọc ..Vẫn cười tươi roi rói.Bởi trót ngọng nghịu !Trời không thương bắt tội đành chịu..Hiểu ..,làm thơ, nghiên cứu, mổ xẻ thơ..Nghe ai giải thích,nói rõ một hồi chuyện thơ..Chắc là Ngọng chịu không nổi!Nên đành chọn cách ,tốt riêng cho mình theo kiểu..Mình mần thơ, mình nói ..Ai hiểu thì hiểu !Không hiểu thì thôi!Huề vốn!Miễn là Ngọng thấy khỏe re khi được mần thơ..Bởi Ngọng nghe ai đã nói rằng”Nói không ai hiểu ,tức mình mần thơ sẽ hết tức”Vậy đó!Mà thơ có vần điệu mới ác chiến !.Đọc ngăn ngắn nhớ lâu lâu.Buồn buồn lẩm bẩm vài câu..Hát ru không được cũng đỡ rầu.?Nên Ngọng cần phái trau chuốt ..Sao cho giống xưa xưa.Hiện đại mới quá dài quá .Giống như mấy ca sĩ nhạc tân thời Ngọng thấy chóng mặt! Nên chọn mần thơ ,ngâm cú thơ ,làm thịt thơ kiểu”xưa như trái đất!”

  2. Quỳnh Đỏ nói:

    Anh NV ơi, em cũng biết “nói ngọng” khi ngâm thơ, anh ah..:D

  3. đinh tấn khương nói:

    Nguyên Vi ơi, ngọng mà làm thơ được là hơn tui rồi đấy, một khi tui muốn làm thơ thì bị ngọng liền.Sao kỳ dzậy ta!?

  4. Bạn nhỏ Nguyên Vi… Tui khẻo từ lâu! Ma Nương… nó không chịu lớn!

    • Nguyên Vi nói:

      Vui với anh! Mấy cây hoa ma nương cứ để nó lớn tự nhiên, anh đừng bứt đầu nó lên nhé! Chúc khỏe, thân ái anh!

  5. Võ Xuân Đào nói:

    uống rượu làm thơ, nhậu làm thơ, ngắm trăng làm thơ, uống cafe làm thơ, cà lăm làm thơ, ngọng cũng làm thơ. Ai cũng làm thơ và trở thành nhà thơ; nhiều nhà thơ thành nhà thờ phải không NV? Chúc NV vui.

  6. Trần thị Trúc Hạ nói:

    Bây giờ sao nghe nhà nhà làm thơ…người người làm thơ…ngay cả Thằng Ngọng cũng làn thơ….Vì chẳng biết làm gì Nguyên Vi ơi !…

    • Nguyên Vi nói:

      Giống chị, NV cũng…chịu, đành chấp nhận thực trạng này thôi chị TH ơi! Thân ái chị.

  7. Ui , đọc những tuyên ngôn về thơ tui nhức cái đầu luôn . Theo tui thơ chỉ có một sứ mệnh bé nhỏ là CHẠM vào tim thôi
    Mùa này Hoa Ma Nương đã nở ??? Tặng ông Bùi Thanh Xuân một ma nương đi !

    • Nguyên Vi nói:

      Mong chị TD giảm nhanh chứng đau đầu, kẻo NV phải mắc vạ!
      Hoa ma nương nở quanh năm, chị TD ơi.
      Còn ma nương thì…vật vờ bốn cõi, NV không được sở hữu nên không có tư cách để tặng, chị TD nói ông Bùi Thanh Xuân tự tìm vậy nhé! Thân ái chị.

Comment