THẾ NẦY LÀ THẾ NÀO!?

dinhtankhuong

Nhớ lại những ngày của 39 năm về trước (sau ngày miền Nam được “giải phóng”) trong một lần tọa đàm, cán bộ chính trị đã cho biết người miền Bắc (XHCN) không biết chửi thề, nếu (ai đó) lỡ miệng mà chửi thề thì phải chịu môt hình phạt nghe rất nhẹ nhàng nhưng rất khiếp sợ, đó là phải đổ đầy hai thùng nước lớn được gánh bằng hai chai dẩu Nhị Thiên Đường múc lên từ cái giếng làng. Cũng có lần nghe một đoàn viên thanh niên Cọng Sản (học cùng khóa) tự hào về văn minh XHCN, anh ta nói như đinh đóng cột rằng sẽ không quá mười năm (tới đây) học trò tiểu học VN sẽ biết rõ một cách thông suốt sự vận hành cỗ máy của một chiếc “máy bay lên thẳng”! Thêm nữa, có ông tập kết ra Bắc trở về, quả quyết rằng quân đội nhân dân VN có sức mạnh xếp hàng thứ nhì trên thế giới, sau Liên Xô. dẫn chứng rằng, quân đội nhân dân VN đã đánh bại hai đế quốc lớn (Pháp & Mỹ) và được tờ báo Sự Thật (của Xô Viết) đánh giá như vậy!

Thú thật, chỉ nghe mấy câu chuyện này thôi là tôi đã mê XHCN như điếu đổ. Thử nghĩ xem, cái xã hội mà trong đó mọi người đều bình đẳng, một xã hội thật văn minh, văn hóa và có sức mạnh quân sự như vậy mà không mê sao được. Mê thì mê nhưng do bởi cái thói quen nhớ lời mẹ dạy (từ lúc còn con nít) là không được dối gạt người khác, không được chém gió… chính lời dạy này đã là một trở lực lớn, ngăn cản bước đường phấn đấu của bản thân tôi thời đó, lắm lúc nghĩ tới mà giận mẹ mình quá đỗi!

Tương lai như bị bế tắt, bổng dưng một phút yếu lòng, lỡ dại nghe theo lời dụ dỗ để rồi phải đứt ruột ra đi, rời bỏ cái xã hội đã từng chết mê chết mệt. Nỗi buồn xa quê thì ít mà nỗi buồn xa lìa một xã hội văn minh, văn hóa như XHCN (VN) thì nhiều. Thế nhưng, cuộc sống mới tại xứ người, cái nơi mà bọn chủ nhân giàu có luôn bóc lột sức lao động của đám công nhân nghèo khổ (như chúng tôi), đã khiến cho bộ não của tôi không đủ thì giờ mà hồi tưởng nỗi buồn của chính mình!. Có lúc tự vấn, ra đi để tìm tự do như thế nầy sao, tự do gì mà luật lệ quá chặt chẽ luôn ràng buộc con người bằng đủ thứ luật. XHCN đâu có nhiều luật như vậy, xã hội XHCN giải quyết chuyện gì cũng “có tình có lý”, quả là một xã hội ưu việt!?

Thời gian qua nhanh nhưng ký ức về một XHCN tốt đẹp thì mãi tồn tại trong tôi. Nhờ chút rảnh rỗi ở tuổi xế chiều, đôi lúc cũng dành thì giờ nghe & đọc tin tức quê nhà (dĩ nhiên là tôi chỉ đọc những bản tin từ trong nước, vì biết rằng những bản tin ở xứ người không bao giờ trung thực!)

Đọc tin, mấy lúc gần đây lại nghe nhắc đến nhiều thứ “văn hóa lạ” như văn hóa phong bì trong giao tiếp, văn hóa chửi trong ẩm thực… đang thịnh hành tại VN. Tôi cứ thắc mắc, làm gì có chuyện như vậy lại xảy ra trong cái xã hội mà có nhiều đỉnh cao trí tuệ, một xã hội văn minh và văn hóa mà tôi đã từng mê mệt (cho đến thời điểm nầy thì chỉ còn mệt chứ không còn mê, do bởi tuổi già sức yếu!).

Lại giật thót mình khi thấy bản tin sáng nay (trên trang điện tử Vnexpress) có cái tít đã gây nhiều ngạc nhiên (cho tôi), đó là

Công chức Hà Nội bị cấm nói tục, tiếng lóng

Ngôn ngữ trong giao tiếp với đồng nghiệp phải chuẩn mực, rõ ràng mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt nhân dân.

Quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố Hà Nội được Chánh văn phòng Nguyễn Thịnh Thành ký ngày 29/5.

(hết trích)

Đọc xong, tôi lại hỏi chính mình: “Thế nầy là thế nào, đâu là sự thật!?”

Nghĩ mãi mà không tìm ra câu trả lời, tôi tính google tìm trang tin Sự Thật xem thử hư thực ra sao nhưng lại sợ đọc tiếng Nga không được, đành ôm ấp một nỗi buồn không biết tỏ cùng ai!!!

ĐINH TẤN KHƯƠNG

11 thoughts on “THẾ NẦY LÀ THẾ NÀO!?

  1. phamlehuy nói:

    Tôi cũng có một chuyện “Thế này là thế nào !?” nữa.
    Vào năm 1978, hai cha con tôi ra Hà Nội, trước là thăm chú tôi ở Cư Xá Khương Thượng, sau là dạo chơi cho biết Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường với người ta, vì hồi nào giờ chỉ nghe nói chớ chưa thấy.
    Trước khi ra phố Hà Nội, chú tôi dặn nếu đi xích lô thì chỉ tốn 30 đồng cho 1 cuốc 2 người thôi. Còn nếu tản bộ dạo mát thì cũng được vì chẳng xa gì mấy. Gặp ông xích lô, ba tôi hỏi, ổng lịch sự nhỏ nhẹ nói : “Vâng, nhà cháu chỉ xin bác 90 đồng thôi ạ !”. Ba tôi lắc đầu : “Sao mắc quá vậy ? Người nhà dặn chỉ có 30 đồng thôi !”. Ông xích lô hạ giá : “Thế thì 70 nhá !”.
    Thấy ớn quá, tôi bàn với ba tôi : “Thôi mình đi bộ đi ba. Lỡ ổng chở mình tấp vô xó hẻm nào thì chết !”. Ba tôi nói : “Thôi cám ơn anh, chúng tôi dạo bộ cho mát cũng được”.
    Bất ngờ ông xích lô xẵng giọng với ba tôi : “Thế mày muốn bao nhiêu hở mày !?”.

  2. Ai biểu anh đọc Vnexpress chi cho tức tối , anh đọc VinaNEST hay ho hơn nhiều .

    • đinh tấn khương nói:

      Tui chỉ thắc mắc chứ có tức tối chi mô mà Thu Dung lại nói rứa.
      Tui google trang VinaNEST để đọc mà hổng thấy tin tức gì cả, chỉ là công ty yến sào thôi mà!?

  3. Nguyên Vi nói:

    Anh Khương viết thế này là…thế nào nhỉ! He he…

  4. Tìm hiểu chi cho mệt, về bển sống vài tháng là biết liền hè!

    • đinh tấn khương nói:

      Cũng có nhiều người ở bển cả đời mà cũng còn chưa biết (như tui) đó ông Tạ ơi!

  5. Thế nầy là thế nào?Làm sao là làm sao?Biết phải nói thế nào?Biết phải trả lời sao?Những điều nghe và thấy…Thắc mắc biết hỏi ai?Những cái đúng cái sai?Những điều dở điều hay?Buồn quá không tự giải! Buồn thêm buồn uể oải! Nào biết tỏ cùng ai?!Chỉ biết..Sống trên đời nầy..Thẳng thắn thật lòng người cho dại?Ừ dại với khờ mặc kệ lời ai !Chỉ biết ..Đôi khi có những khúc quanh cần lèo lái Phải thật tài..Để không gây nguy hại.một ai!.Bằng xảo ngôn bọc hình thức lịch sự Cho những trường hợp”Nói dối không có tội” -Một sự ngoại lệ cho tình huống gặp phải.Một thí dụ điển hình”Bệnh nhân và thầy thuốc” chẵng hạn..Nói dối để níu kéo sự sống cho người tuyệt vọng Và bao giờ cũng cần lời nói dịu dàng..Còn về vấn đề ..Cách nói hơi bị ”dị”trong cuộc sống xã hội nay.Người lịch sự xưa sẽ bị”sốc”ngay!Chứng tỏ thói quen tạo tính cách riêng Một khi đã ăn sâu vào người khó thay đổi!Đó là thực tế ngoài đời cần nghiêm túc chỉnh chu .Sao cho đúng tác phong con người lịch sự.Còn trong thơ văn có biến thái dị kỳ trong ngôn ngữ của tác giả..Điều đó không thể kết luận vôi”Văn là người” Bởi cuộc sống tâm hồn rất đa dạng, biến hóa kỳ lạ theo từng cảm xúc gặp phải.Cái thật chỉ nửa và có khi hoàn toàn còn tùy…Xem đó như là cách sáng tạo diệu huyền của con người văn thi sĩ.Mà ai thì không biết! Chứ riêng tôi dễ xúc động thật.Nên có lẽ vì thế cứ mãi khờ!?Cho nên mình chấp nhận người chịu ngọt”Nói ngọt lọt xương”Hậu quả tới đâu tới..Vô tư…, trong cái suy nghĩ”Thế nầy là thế nào?”

Comment