GHEN NGƯỢC!

nguyenhoangquy

Họp mặt kỷ niệm 20 năm ra trường lớp 12 của Vân vắng nhiều bạn và thầy cô mặc dầu ban liên lạc chuẩn bị từ mấy tháng trước. Chỉ có 5 thầy cô ở gần và hơn 20 bạn trên tổng số gần 50 khi vào lớp 10! Hai mươi năm, đây là lần mà Vân nghĩ sẽ đông, các lần kỷ niệm 10, 15 năm trước ai cũng hứa hẹn sẽ về, vậy mà ai cũng xin lỗi vì kẹt việc này việc khác!
Họp mặt vui và cảm động, kết thúc bữa tiệc, nhóm Vân ngày xưa, thân nhau từ ngày mới vào PTTH rủ nhau đi café tâm tình riêng, hỏi thăm nhau, hỏi thăm bạn bè và vài thầy cô cũ. Một bạn từ Ban Mê Thuộc về hỏi thăm vợ chồng thầy Quang mà họ chỉ biết là thầy cô đã về sống ở Sài Gòn từ 5 năm trước, thầy Quang dạy lớp năm 11, 12. Tuy dạy môn phụ và khó tính nhưng tình thương yêu và lo lắng của thầy cho học sinh các bạn đều trân trọng. Khi nói về thầy, một bạn khác hỏi Vân một chuyện rất tế nhị mà ngày ấy ai cũng thắc mắc và tin là hỏi Vân thì sẽ có câu trả lời vì nhà Vân đối diện với nhà thầy trên con đường lớn chạy qua thị trấn.

Chiều hai tám Tết năm ấy Vân đang ngồi phụ mẹ coi quán tạp hóa nhỏ của gia đình trong lúc cả nhà ai cũng lăng xăng việc này việc khác, kẻ lau dọn bàn thờ, người canh lửa nồi bánh chưng, Vân thấy vợ chồng thầy Quang khóa cổng lấy xe ra khỏi nhà, Vân nghĩ chắc là xuống thành phố mua sắm thêm những gì còn thiếu hoặc thăm viếng phải không vào dịp cuối năm. Không lâu sau thì thấy cô Lâm, cô giáo tiếng Anh dừng xe trước nhà và…leo qua cổng!. Tò mò, Vân nhìn qua, thấy trên tay cô cầm theo con dao chặt đá, đập bể toàn bộ kính cửa chính và phòng lồi ở mặt tiền. Gia đình thầy Quang vào ở nhà mới này, căn nhà được xem là đẹp và sang nhất xóm Vân ngày ấy, chỉ mới hơn một tuần trước đó, sau gần ½ năm xây dựng. Vân chạy qua, vài nhà kế bên thấy lạ cũng đến và không lâu sau, cổng nhà thầy có hàng vài chục người hiếu kỳ cả người lớn lẫn trẻ con đứng xem. Với vẻ mặt hằm hằm nhưng cô rất bình tĩnh leo qua cổng và câu trả lời của cô cho những thắc mắc của mọi người là “Vợ chồng này nợ tiền tôi đã lâu, hẹn trả nhiều lần mà đến cuối năm cũng không nói gì, tôi cảnh cáo!” rồi cô chạy xe về.

Điều làm mọi người thắc mắc là hai gia đình cô Lâm và thầy Quang thân thiết đã nhiều năm, hàng tuần các chiều thứ 2, 4, 6 người ta thấy cô Lâm đến nhà thầy Quang và họ chở nhau đi, chín mười giờ tối lại chở về. Nghe nói cô đi dạy lớp Anh ở trung tâm do thầy Quang tổ chức.
Năm ấy ngày 29 âm lịch là cuối năm nên rồi ai cũng lo Tết và quên chuyện xãy ra hôm trước nhưng sáng 29 Vân thấy chồng cô Lâm đến chở thầy Quang đi, khi về họ đem theo kính và hai ông loay hoay ráp, ba mẹ Vân nghĩ và nói trong nhà: vậy là lỗi ở phía cô Lâm! (vì không lý do gì có sự đền bù này!).

Ngày vợ chồng Quang về trường này là lúc “nhan sắc” Quang xuống cấp trầm trọng do anh phải chèo chống bao nhiêu khó khăn đến với gia đình, không biết có phải do ăn uống thiếu chất khi dạy ở miền núi và về đồng bằng trong thời bao cấp khó khăn nên lâu lâu bệnh sốt rét hành hạ, anh xanh xao, ốm yếu, vợ anh cũng không hơn gì mà cô Lâm sau này bảo với Quang: Hôm chào cờ đầu tuần thấy anh ngồi ở hàng ghế giáo viên lần đầu em cứ như thấy một sinh viên du học nào đó mới về. “Sinh viên du học hồi hương” mà thế thì hỏng thật và anh không biết đây có phải là câu trích trong sách cẩm nang dành cho các bà…tán tỉnh hay là câu nói thật lòng nhưng Quang còn nhớ khi nghe đến anh cũng thấy lòng hân hoan!.

Dạo ấy là ½ sau thập niên 80, những năm cuối bao cấp, giáo viên ở xa chưa ai có nhà mà đều ở khu tập thể trong trường, cả độc thân lẫn có gia đình. Giáo viên có gia đình hơn chục cặp, họ hoặc là Bắc- Bắc, Nam-Bắc, thuần túy Nam-Nam chỉ có 5 cặp, dễ thân nhau. Vợ Quang và cô Lâm là đồng hương nên có nhiều chuyện để chia sẻ.

Là đồng nghiệp, xưng hô anh-em nhưng Quang hơn Lâm hàng chục tuổi, vai vế thầy trò.
Có lần, buổi tối gần nghỉ hè, trời nóng, Quang đi bộ ra ngoài sân, trên cửa sổ trước nhà, Lâm ôm đàn ngồi hát, anh nói đùa: “Thật tiếc cho ông Chương, có cô vợ hát hay, ôm đàn ngồi hát như thế mà không biết thưởng thức!”. Cô Lâm là “cây văn nghệ” trong trường, biết nhiều nhạc, nhất là nhạc xưa nhờ các anh cô đều là “dân văn nghệ”, cô hát hay, biết cả việc của một biên đạo múa nên trong các cuộc thi văn nghệ ở trường tổ chức nhân các ngày lễ, lớp cô bao giờ cũng chiếm nhiều giải.

Sau vài năm, nhìn cách cư xử của họ với nhau, lại nghe cư dân trong khu tập thể kể lại Quang mới biết rằng hôn nhân của vợ chồng Lâm không bắt đầu từ tình yêu mà chỉ là lấy cho có trong thời buổi khó khăn kinh tế và khủng hoảng tinh thần của từng con người do thời cuộc đem lại, Quang cũng biết tại sao Lâm vẫn hay có mặt trong những lần nhóm bạn nam của một cô giáo trẻ cũng đồng hương thỉnh thoảng từ thành phố đến chơi, đàn hát, đọc thơ như là bù đắp những phần thiếu trong tâm hồn cô giáo vừa hơn tuổi ba mươi này. Và sau cùng, biết tại sao Lâm có cảm tình với một chàng đã qua một đời vợ vì có lần cả hai rời nhóm đi dạo riêng hay đi đâu đó vào một đêm trăng sáng. Quang nghĩ, phải cứu cô này theo cách thừa trong nhà mới ra bề ngoài!

Ngày vợ chồng Quang làm được nửa sau ngôi nhà bây giờ, Quang đi làm về, nghe vợ kể rằng cô Lâm có đến thăm và mừng thật lòng khi thấy “vợ chồng anh chị có một nơi riêng tư, không phải đụng chạm với nhiều phức tạp trong khu tập thể”. Nghe chuyện, Quang rất vui và cảm động khi có một người bạn chia sẻ niềm vui của mình vì ngày ấy, việc có một nơi ở riêng trong khi mấy chục giáo viên từ nơi khác đến dạy trường này phải ở tập thể là chuyện không dễ!

Rồi việc gì đến, phải đến! Quang và Lâm trở nên thân thiết hơn xưa, khi Quang mở trung tâm Anh ngữ đêm thì Lâm là giáo viên nòng cốt, họ chở nhau đi đi về về trong các buổi tối, Lâm đi dạy, Quang lo quản lý và họ đến với nhau, không biết tự lúc nào?

Quan hệ của họ dưới mắt nhìn của ông Chương và vợ Quang cũng như đồng nghiệp, học trò đều chính danh, cả hai gia đình nhỏ đều êm ấm, hai gia đình đều thân nhau từ lâu thì việc hai người chở nhau đi chiều chiều tối tối là đi làm thêm, chính đáng quá đi chứ, có ai đó nghi ngờ thì rõ là người ghen ăn tức ở!

Cho đến một ngày… Quang ở trường về, vợ anh bảo khoan hãy thay áo quần mà chở giúp cô ấy đi công việc. Họ lên xe,vợ Quang bảo chạy về hướng thành phố, Quang hỏi đi đâu, cô trả lời cứ đến nơi sẽ biết, chưa đến 1/3 đoạn đường xuống phố, chừng hơn 3km thì vợ Quang yêu cầu dừng xe trước một quán café ven đường nhưng là quán café vườn, bên trong rộng mênh mông, loại quán đèn mờ, nơi những cặp tình nhân hẹn hò ít bị quấy rối! Quang hiểu ra vấn đề vì đó là nơi anh và Lâm vẫn thường ngồi với nhau sau khi hết giờ ở trung tâm ngoại ngữ. Quang bảo vợ: “Anh biết rồi! Có gì về nhà nói chuyện với nhau”, và hai vợ chồng quay về.
Tối hôm đó, ăn cơm xong, vợ Quang mời anh ra phòng khách nói chuyện, con họ đứa học bài trên lầu, đứa trọ học ở thành phố nên không biết gì, vợ anh rất tự chủ, bình tỉnh và thẳng thắn kể rằng một học trò cũ đi với người yêu vào đây, nhìn thấy đến 2 lần, vì thương cô nên em báo để cô biết để đề phòng! Rất ngắn gọn và lịch sự vợ anh tiếc là đã quá tin tưởng ở chồng và bạn nên không hề nghi ngờ gì và hỏi Quang muốn xử sự thế nào. Đến “nước” này Quang biết nói gì hơn ngoài việc xin lỗi vợ con và hứa sẽ cắt đứt mối quan hệ không tốt đẹp này với tư cách một người có học!

Kể lại cho Lâm nghe mọi chuyện, cô ấy có vẻ điềm nhiên chừng như biết trước rồi cũng sẽ có ngày này, lại còn động viên Quang và cũng (chừng như) định rút vào…bí mật trong khi từ sâu thẳm lòng mình, Quang muốn trở lại ngày xưa, ngày họ coi nhau như đồng nghiệp, như bạn bè và xa hơn, như anh em.

Quyết định như trên vì Quang xưa nay vốn sống đàng hoàng, coi trọng gia đình và thật sự, trong thời gian có Lâm, lắm lúc anh cảm thấy bị áp lực vì những yêu cầu (mà anh cho là) quá đáng của Lâm.
Nhớ lại những kỷ niệm từ ngày họ đến với nhau, tất cả không chỉ là màu hồng mà đôi lúc còn có màu xám khi Lâm buộc Quang chỉ được chở vợ trên xe Quang thường chở Lâm khi nào đi bệnh viện trong trường hợp cấp cứu! Sắm một chiếc divan hay giường riêng để ngủ nghĩa là… không chung giường với vợ! Lại có lần, Quang được nhờ điều hành chương trình lễ cưới em gái Lâm vì Quang quen biết cả họ nhà trai lẫn nhà gái, Lâm nói cô rất vui vì “anh cùng em đứng trước bàn thờ tổ tiên của em như một sự chứng giám của gia đình em cho tình yêu hai đứa!”. Nghe xong, Quang thấy sợ!
Sau này, Quang tâm sự với những người bạn biết chuyện và hỏi thăm một cách chân tình hơn là tọc mạch rằng anh chỉ muốn thử xem công lực mình còn được mấy thành sau bao lần bỉ cực và rằng anh vốn lãng đãng nhưng luôn tỉnh thức để lỡ đi lạc cũng còn biết lối quay về!.
Vốn tiếp xúc với văn hóa Âu Tây, nhiễm cách sống người Tây qua phim ảnh, sách báo, lại có thể do tính cách con người, Quang “biết gallant”, luôn luôn cư xử theo tinh thần “Lady first” bất kể “lady” đó là vợ, đồng nghiệp, học trò con gái, một người bà con ở xa ghé thăm nhà, kể cả một bà phụ huynh già đến nhà hỏi thăm chuyện con cái học hành qua việc ân cần, quay đầu xe, dắt xe khi tiễn khách ra cổng…và giúp đỡ phụ nữ khi có thể. Vì vậy, đôi lúc cũng gặp vài hiểu lầm nhưng về lâu dài, người ta hiểu rằng tính thầy trước sau đều thế!

Chuyện xãy ra chiều 28 Tết trước nhà thầy Vân không nghe ai nói đi nói lại gì, có thể vì người ta không nói chuyện cũ trong năm mới, cũng có thể vì người ta lo vui Tết hoặc là họ nễ vợ chồng thầy Quang nên âm thầm tìm hiểu rồi cứ thế đi vào lãng quên. Có điều hơn mười năm sau, tâm tình với vài anh chị lớp lớn hơn Vân biết chuyện và hỏi trong một dịp họ mời đi uống café, cô Lâm bảo rằng: Ông ấy mà yêu thương nỗi gì, không biết thế nào là tình yêu đích thực, chẳng qua là muốn tìm cảm xúc lạ, muốn biết cảm xúc của loại quan hệ ngoài hôn nhân thế nào chứ nếu không thì đã không bị cô xử như thế!

Nghe anh chị kể lại chuyện này, Vân tự nhủ, cô giáo mình kính trọng trước đây mà cư xử như côn đồ, đã ngoại tình mà còn ngụy biện, chắc chắn nếu còn học với cô, Vân chỉ học cô chữ nghĩa, riêng chuyện này thì không, còn mẹ Vân thì bảo rằng đó là…ghen ngược!

NGUYỄN HOÀNG QUÍ

1 thoughts on “GHEN NGƯỢC!

  1. aitrinhngoctran nói:

    Người có giáo dục mà còn ghen như thế! Làm sao người thường không tệ hơn nhiều!?Yêu ích kỷ phát rồ và ghen làm cho thỏa ý..Học chữ nghĩa,chừa học lễ -Những hành vi không đẹp ..Thật buồn khi có một người gương mẫu .chưa hoàn hảo,chưa như ý cần có trong ngành giáo!?

Comment