NHỮNG NGÀY NÀY BỐN MƯƠI BỐN NĂM TRƯỚC.

1. Cô bạn post lên wall FB tấm hình cũ có ba người đứng chung trên một cầu tàu ở ngoại quốc. Ai cũng trẻ trung và xinh đẹp và cô bạn thì nổi bật hơn. Họ phục sức theo phong cách thời trang cuối những năm 70 thế kỷ trước với lời giới thiệu: “One day when we were young”. Không hiểu sao tôi viết ngay một cmt trong ngoặc kép (“…”) “One wonderful morning in May. You told me, you loved me, when we was young one day”. Trong bữa cơm trưa, kể chuyện này với vợ mình, cô ấy nói cô vừa share một bài viết về bản nhạc “One Day” này. Thế là một chuỗi liên tưởng ồ ạt kéo về . . .

Khoảng năm 1973-74, khi đang học ở Huế, tôi gửi nhờ người đi Sài Gòn mua “Cuốn band thứ tư của nhà phát hành nhạc Mây Hồng gồm 24 bản tình ca bất tử trên khắp thế giới do Phạm Duy, Y Vân chọn lọc và viết lời Việt” . Hồi đó là band cassette. Có band nhạc trong tay, tôi và vài người bạn mê nhạc nghe miệt mài, nghe đến độ thuộc lòng lời Việt, nào là La Paloma, Back to Sorriento, Tristesse, Sombre Dimanche, Le beau Danube bleu, Les flots du Danube, Les feuilles morte. . . rồi Cánh đồng xanh, Chiều tà, Dạ khúc . . .

Lúc nghỉ trưa, tôi vào Youtube để nghe lại vài bản trong số này. Bất ngờ lại được nghe thêm Bang Bang, nhạc Pháp, bản nhạc mà trước 1975 có nhạc sĩ viết lời Việt lấy tựa đề là “Khi xưa ta bé”. Bang Bang là bản nhạc mà ngày xưa, khi nói chuyện với tôi NL rất thích. Và nghe bài này, một trời kỷ niệm về em theo về.

2. Khi tôi học năm cuối, em học năm III cùng trường, ban Pháp văn, em có bằng trung học Tây vì theo học trường Tây từ nhỏ. Ở Huế, em ở cư xá Jeane D’Arc cùng một người bạn khác là em gái người bạn của chị tôi và chúng tôi biết nhau trước đó. Qua cô bạn này, tôi biết NL có cảm tình với mình, điều này tôi cũng đọc được trong mắt em mỗi khi vô tình gặp nhau trên hành lang trường VK hay SP. Em thâm trầm, kín đáo và có duyên, hay mặc jube màu xanh biển khi đến trường.

Hồi đó, các trường thường tổ chức đêm văn nghệ cuối năm. Tôi gặp em trong đêm Y khoa, hai đứa cùng coi văn nghệ rồi tôi đưa em về trước khi chương trình kết thúc. Nơi em ở là phía sau Trung tâm Lục huyền cầm đường Mai Thúc Loan bên Thành Nội. Đi bộ qua cầu Mới trong cái lạnh cuối năm của Huế và rì rầm trò chuyện với em thiệt không có gì dễ thương và thú vị bằng. Chỉ một lần duy nhất như vậy, rồi thôi. Tôi ra trường, đi dạy xa, không nói được với em một lời tạm biệt.

Tôi quý và thương em nhưng “rút quân trong lặng lẽ” vì hai gia đình không tương xứng về kinh tế!. Ba em là một doanh nhân tầm cỡ, những thứ ông sở hữu tôi biết qua lời kể của người anh họ em, bạn tôi nay đã qua đời, là khách sạn ở Nha Trang, rạp Ciné ở Huế, nhà máy khí đốt ở Đà Nẵng, có nhà ở Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn và vài ngân hàng rãi rác ở Huế và các tỉnh. Tôi chỉ là một SV con nhà giàu nhưng gia sản ruộng vườn nhà tôi bỏ lại tất cả trong quê khi chạy giặc.

3. Nhận nhiệm sở ở Sở Học chánh Cam Ranh khi ra trường, anh chủ sự hỏi đích danh tôi là . . . có quen với em khi học ở Huế không? Vợ anh là chị cô cậu với nàng.

Những ngày này 44 năm trước, khi chạy loạn từ Nha Trang về Sài Gòn lúc đó cũng đầy xáo động, tôi tìm đến một biệt thự nhỏ trên đường Cộng Hòa (cũ) để thăm em. Có một chút thờ ơ, xa cách ở em dù đủ phép lịch sự thông thường, tôi biết có chuyện không bình thường, em không là NL của Huế xưa nữa rồi nên từ giả sớm.

Mấy ngày sau, khi đang đi cùng đứa em họ qua cầu Công Lý, thấy em ngồi sau xe Lambretta do một chàng trai ngang lứa chạy phía trước, linh cảm cho tôi biết chuyện gì và lấy giấy bút ghi nhanh số xe rồi nhét vào ví. Rồi thôi. Và bặt tin nhau cho đến . . .

4. Năm 1978, tôi cưới vợ, đó là những năm khó khăn mọi thứ mọi thứ nhưng vẫn lên Đà Lạt in thiệp cưới. Trên chuyến xe đò Minh Tâm, xe Peugeot 403 có 7 chỗ từ Đà Lạt về Cam Ranh mà hành lý quan trọng nhất trong túi xách là . . . thiệp cưới, tôi gặp lại em ngồi cùng ba em phía sau, cách tôi một hàng ghế. Khi xe dừng lại mua ngo dầu, tôi xin phép ông đổi chỗ để chúng tôi được ngồi chung, ông bằng lòng và chúng tôi ngồi với nhau một hành trình hơn trăm cây số. Năm đó tôi 28 tuổi và em cũng vào tuổi 25. Ngồi với nhau, em thể hiện nét buồn thấy rõ, cho tôi coi những tấm hình chụp từng năm (bốn năm sau 1975), tấm nào cũng không tìm thấy nét vui! Và tôi, còn làm gì, nói gì được lúc này khi “thuyền (đã) ra cửa biển”?, khi trong túi xách là thiệp cưới và lễ cưới sẽ tiến hành vài tháng sau đó? Tôi chỉ rút từ ví ra mẫu giấy nhỏ có ghi số xe mấy năm trước và hỏi em có biết số xe này? Em nói nhỏ với giọng buồn: “Khi rời Huế, anh có nói gì với em đâu, và cũng chẳng hề để lại cho em lời hứa hẹn nào! Hãy về Cam Ranh hỏi chị Ch. thì biết”. Tôi không nói gì thêm vì biết nói gì lúc này?

5. Xuống xe, tôi không về nhà mà về ngay nhà chị Ch. Hỏi chuyện, chị kể rằng chính em đã nhờ vợ chồng chị và người em kề chị săn sóc cho tôi. Đó là lý do vì sao anh chủ sự sở Học Chánh khi thấy tên tôi ngày về trình diện đã hỏi. Ba em ở Nha Trang cũng biết chuyện chúng tôi và nói với chị rằng nếu muốn đi xa hơn, bảo tôi ra gặp để ông tính. Chị không làm việc này vì lúc đó nghĩ rằng tôi quen biết nhiều, biết có còn thương và nghĩ đến em mình như xưa. Và như thế, tôi lỡ một chuyến đò! Một “chuyến đò lỡ” mà phần lỗi không thuộc về mình để rồi khi biết chuyện, lòng cứ bâng khuâng ray rức một thời gian khá dài.

Sau này, hỏi thăm chị Ch về NL, nghe chị nói em làm công việc phiên dịch các tài liệu tiếng Anh, Pháp ở Sài Gòn và chờ “đến khi nào gặp được một người dáng dấp và tính cách như” tôi thì “mới lấy làm chồng”. Cám ơn em đã có những ý nghĩ đẹp về anh NL nhé. Xa nhau đã lâu, anh vẫn khó quên em về dáng dấp, tính cách, sự hiền hòa và khiêm tốn mà ít ai có cả nhan sắc, sở học và gia thế như em có thể có được.

Không chắc gì lấy được nhau chúng ta sẽ sống chung hạnh phúc. Cũng không chắc gì người này sẽ như mẫu hình người kia mong muốn và lại càng không gì chắc rằng tình gia đình sẽ đẹp như những rung động thời sinh viên vì cuộc sống dân MNVN sau 1975 không như quan niệm và suy nghĩ thời VNCH nhưng tiếc một “người đi qua đời tôi”, tiếc một chuyện tình vẫn lưu lại trong hồn những ký ức đẹp thì ai nỡ cấm cản mình?.

NGUYỄN HOÀNG QUÝ

Sài Gòn 28.4.2019

Advertisement

VÀI KỶ NIỆM VỀ NHẠC VŨ THÀNH AN.

1. Tôi biết đến nhạc Vũ Thành An từ năm 1969 khi đang học dự bị MPC Đại học Khoa học Đà Lạt. Hè năm ấy, SV Đại học Đà Lạt được gửi xuống Quân trường Lam Sơn gần Dục Mỹ, cách Nha Trang 45km để học quân sự trong chương trình Quân sự Học đường, chuẩn bị kiến thức cho SV khi phải cầm súng.

Từ Đà Lạt, vào phi trường Cam Ly đi máy bay C123 xuống phi trường Nha Trang rồi xe quân sự chở ngay ra Lam Sơn. Chương trình kéo dài 5 tuần lễ, học các kiến thức quân sự căn bản để trở thành một người lính như sử dụng vũ khí, bắn súng, chiến thuật, cách đọc và dùng bản đồ địa hình . . . Nam SV các khoa sắp xếp thành một tiểu đoàn, mỗi khoa là một đại đội, học hành, ăn ở như một tân binh quân trường.

Hôm ấy chúng tôi học chiến thuật vào ban đêm. Sau bữa cơm chiều, trước giờ học, tiểu đoàn đốt lửa trại sinh hoạt, anh tiểu đoàn trưởng là SV năm tư Chính trị Kinh doanh lên hát góp vui bài “Tình khúc thứ nhất” của Vũ Thành An. Giữa núi rừng đêm, bên ánh lửa bập bùng, tiếng đàn guitare thùng và giọng hát trầm ấm của anh lôi cuốn tôi – một người yêu âm nhạc, biết và thuộc khá nhiều nhạc tiền chiến, dân ca và cả giòng nhạc Bolero 1960-65 – một cách khá đặc biệt, nhất là khi luôn trong tâm trạng nhớ nhà, nhớ thành phố, không người tâm sự ngoài bạn học cùng lớp nay trở thành đồng đội. “Tình vui, theo gió mây trôi, ý sầu rơi xuống đời. Lệ rơi, lấp mấy tuổi tôi mấy tuổi xa người. .”, “Tình vui, trong phút giây thôi, ý sầu nuôi suốt đời, “Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai. . .” những câu hát cứ làm tôi bâng khuâng, xao xuyến mà không hiểu vì sao?.

Năm sau về Huế học, tôi có nhiều dịp nghe nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này và thuộc được khá nhiều “bài không tên” bên cạnh bài “Tình khúc thứ nhất”. Khi biết rằng có hai bản nhạc Vũ Thành An phổ thơ Nguyễn Đình Toàn (“Tình khúc thứ nhất” và “Anh đến thăm em đêm ba mươi”sáng tác khi đang ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa) tôi càng thích thú hơn vì tinh thần triết Đông với tư tưởng “Âm trung hữu dương căn/ Dương trung hữu âm căn” thấm đẫm trong từng ý nhạc.

2. Năm 1973, tại đêm sinh hoạt Đại Hội Liên Đoàn SV Công Giáo Huế, tôi mới được gặp Vũ Thành An. Anh cao lớn, đẹp trai, râu quai nón, với giọng Bắc trầm ấm, anh hát hai bài tặng những người có mặt “và riêng tặng các chị cư xá Mai Khôi”(Cư xá Jeane D’Arc ngày ấy). Đó là “Anh đến thăm em đêm ba mươi” và một sáng tác mới “Một lần nào cho tôi gặp lại em”. Được gặp một nhạc sĩ mình mến mộ, được nghe anh hát, với tôi là một hân hạnh. Có lẽ đây cũng là tâm trạng chung của những người sinh viên yêu âm nhạc ngày ấy. Hãy tưởng tượng, bạn đến thăm nàng “đêm ba mươi”, tận cùng năm, tận cùng tháng, tận cùng ngày, không gặp nàng nên phải “nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”. Lãng mạn và đa tình quá phải không?

3. Từ một “Phó tế” ở Mỹ, Vũ Thành An về Việt Nam theo đuổi một số công việc từ thiện. Dịp này, Vũ Mạnh Hà phỏng vấn ông và gửi cho BBC Vietnamese (*) mà tôi có duyên được đọc. Từ đây, điều ngày xưa nhóm bạn chúng tôi thường nhận định về ông được xác nhận: ông là người “khổ vì tình”. Điều này thể hiện qua nhiều tình khúc của ông, nhất là qua chuỗi những “Bài không tên”. Những trích dẫn dưới đây trong ca từ của một số bài nói lên điều này: (số đứng đầu mỗi đoạn trích là số của các “bài không tên”).

3. Đêm sâu mái tóc em dài
Buông xuôi, xuôi theo dòng đời
Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau

4. Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?

5, Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

6. Chờ nhau, xót xa chờ nhau, hắt hiu chờ nhau,
Năm vàng ngày héọ

7. Bao nhiêu mộng mơ đó
đã tan theo một cơn gió
bơ vơ dòng tóc vỡ
trôi dạt về bến nghìn đời.

Khi được hỏi có phải ông khổ vì tình, Vũ Thành An nói: “Cuộc đời của tôi khổ vì tình chứ. Mình thất tình. Tất cả là tôi thất tình không à. Là khi yêu mình không lượng sức. Mình đặt niềm tin vô quá cái sức của mình, nên là mình thất bại thôi”

Bốn câu trích trong 4&5 là những câu bây giờ người ta hay dùng để nói với nhau khi trong câu chuyện có nội dung phù hợp cho thấy sức cuốn hút trong âm nhạc của ông cũng như việc nó đi vào lòng người yêu nhạc là điều không thể chối cải, chỉ là tính quảng đại của nó hẹp hơn nhạc Trịnh Công Sơn.

4. Qua bài phỏng vấn tôi được biết thêm là trong bài không tên cuối cùng ông viết năm 1965 và đến 1991 viết lời 2 “Bài không tên cuối cùng tiếp nối” có sửa chữa nội dung vì sợ hại cho người ngày xưa ông yêu. Mời các bạn đọc đoạn trả lời dưới đây thay cho lời kết của bài viết này:

“Cái ý chính là thế này, Bài không tên cuối cùng tôi viết: “Con đường em đi đó đúng hay sao em/ Mưa bên chồng có làm em khóc/ Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng…” Thì cũng hay nhưng nó lại hại cho người đó. Tự nhiên người ta cứ đi chỗ này chỗ kia hát như vậy thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình của cô đó. Ông chồng đó cứ nghe cái đó là nổi nóng lên.

Cho nên tôi hối hận là đã viết câu đó. Nhất là trong thời gian tôi cải tạo từ 1975 cho đến 1985. Nhưng đến khi tôi được ra, được tự do nói lại, thì tôi nói thêm một cái lời như lời xin lỗi cùng người bạn đó: “Này em hỡi con đường em đi đó/ Con đường em theo đó đúng đấy em ơi/ Nếu chúng mình có thành đôi lứa/ Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau…”.

PS: Khi tôi tìm thêm một số thông tin cho bài viết này thì được biết thêm rằng, ca sĩ Lệ Quyên mà tôi từng ca ngợi trong vài bài viết về cô và giòng nhạc Bolero cũng là người “mê” và thành công với các nhạc phẩm của Vũ Thành An. Tôi thật sự vui vì điều này.

NGUYỄN HOÀNG QUÝ

Sài Gòn tháng 3/2019

(*)https://www.bbc.com/vietnamese/world-47550216

VẪN LUÔN CUỐN HÚT HỒN NGƯỜI.

 

1. Từ thứ 5 tuần trước (22/6), người yêu nhạc Bolero không còn cái nao nức chờ đến 20h30 để coi chương trình “Thần tượng Bolero” (mùa 3) phát trên VTV3 nữa. Chương trình đã chọn được quán quân. Tôi không có ý kiến về việc người đoạt giải xứng đáng hay không như sự không đồng tình trên báo chí sau khi chương trình khép lại. Với tôi, cả bốn người vào chung kết đều là quán quân, đều là “thần tượng”. Các bạn ấy và nhiều bạn trước mà tôi được nghe hát (chưa đến 10 đêm các thứ 5 hàng tuần) đều là những người tôi quý mến. Trước hết, vì họ thích nhạc Bolero, hát được và truyền tải được phần nào cái hồn cốt của thể loại nhạc này mà ngày xưa tôi cho là “sến”, “cải lương”, “nhảm” . . . nhưng họ đã giữ được cái giòng chảy của âm nhạc miền Nam trước 1975, đến nay.

Năm năm trước. tôi đọc được “Nhạc tình miền Nam và những nhạc sĩ tôi yêu” trên Rose Pham’s blog. Cô không nói nhiều đến nhạc lính, nhạc bolero nhưng với tôi, rất đáng trân trọng. Một người chỉ mười tuổi khi sự kiện 30/4 xãy ra mà cảm nhận, diễn đạt tình cảm của mình với nhạc vàng đến thế thì khi đọc, không thể không vui, niềm vui y hệt như bây giờ. Tôi đã viết ý kiến riêng của mình và gửi email cho cô ấy. Bài viết này cô ấy đăng lên blog của mình sau đó.

2. Ngày nay, có rất nhiều cách để nghe lại tất cả nhạc xưa nếu mình muốn. Tôi cũng có thể chọn những bản mình thích, tải về điện thoại hoặc laptop và nghe lại bất cứ lúc nào nhưng theo dõi “Thần tượng Bolero” như tôi đã viết trước đây (1) có thú vị là được nghe các HLV (giám khảo) là những ca sĩ, nhạc sĩ nổi danh nhận xét và giành giật thí sinh về với đội mình bằng những cách dụ dỗ rất dễ thương và tài tình.

Qua những bài hát trong chương trình này, những kỷ niệm thời thơ ấu và sinh viên lần lượt hiện về. Ngày ấy, những năm 1955 – 62, gia đình tôi sống thanh bình ở làng quê với bà con, họ tộc, láng giềng sau thời kỳ Việt minh đầy khó khăn ngột ngạt và nghi kỵ lẫn nhau do chính sách cô lập địa chủ trước đó. Anh chị tôi đều chơi mandoline giỏi và nhà tôi cũng có radio sớm nhất xã. Từ các anh chị, tôi được nghe những bản Chuyến đò vĩ tuyến, Bức tâm thư (Lam Phương), Hướng về miền Nam (Trọng Khương). Sau đó được nghe Chiều mưa biên giới, Sắc hoa màu nhớ (Nguyễn Văn Đông), Mấy độ thu về, Biệt kinh kỳ, Nếu một mai anh biệt kinh kỳ (Minh Kỳ & Hoài Linh), Nhớ một người (Mạnh Phát & Hoài Linh), Cánh buồm chuyển bến (Hoài Linh), Các anh về (Hoàng Thi Thơ). . . và hàng trăm bản nhạc khác mà cả ca từ lẫn nhạc điệu đều cuốn hút người nghe bởi sự dặt dìu của âm điệu và dễ thương, nhân ái trong lời ca.

3. Khi tuổi đã về chiều, mỗi lần nghe hoặc hát lại, tôi thường ngẫm nghĩ về ý nghĩa lời ca và chợt giật mình tự hỏi những nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc nói trên có viết theo “đơn đặt hàng” của bộ Thông Tin, Tổng cục Chiến Tranh Chính trị hay bộ Dân Vận Chiêu hồi sau này? Lý do dễ hiểu là nội dung (có bài) đề cao tinh thần phục vụ tổ quốc của người lính, biết xếp tình riêng để lo việc nước non và tuyên truyền cho cuộc sống no ấm của miền Nam.

Đến bây giờ, câu trả lời của tôi vẫn là: KHÔNG. Họ sáng tác theo cảm hứng và sự rung động tự nhiên của con tim mình. Có hai lý do giải thích điều này: Ở miền Nam, trong những năm 1955 – 75, người nghệ sĩ hoàn toàn tự do trong sáng tác VHNT, không bị ràng buộc bởi bất cứ tổ chức, chỉ thị, nghị định nào vì nghệ thuật miền Nam tự do hoàn toàn. . . vị nghệ thuật!.

Những phần sau, mời các bạn tham khảo những trích đoạn nhạc của các tác giả dẫn thượng để rõ vấn đề:

Tâm tình người lính của Nguyễn Văn Đông trong “Chiều mưa biên giới” là:

“Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi”

Cũng thế, trong “Sắc hoa màu nhớ”, người lính ấy nói về mình:

“Đời tôi quân nhân, chút tình duyên gởi núi sông
Yêu màu gợi niềm thủy chung
Nhung rồi vẫn nhớ một trời vẫn nhớ đời đời
Phượng rơi, rơi trong lòng tôi “.

Trong “Chuyến đò vĩ tuyến”, nhạc sĩ Lam Phương hóa thân vào một cô lái đò đưa người qua sông Bến Hải để vào miền Nam, nơi ấy “sống thanh bình”, nơi ấy “tình ngát hương nồng thắm”:

“Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng”

Miền Nam ấy, với nhạc sĩ Trọng Khương là giàu có, bao dung và đầy ắp tình người:

“Đi về miền Nam
Miền thân yêu hương lúa tràn ngập đầy đồng
Đi về miền Nam
Miền thân yêu đất rộng cùng chung đời sống”.

Với hàng trăm bài hát viết về người lính tôi được nghe, hầu như chưa có bài nào kích động giết chóc, hận thù mà chỉ là:

“Rồi ngày mai ra đi
Chốn biên thùy anh sá chi gian nguy
Có bao giờ anh nhớ chăng
Đêm nào nằm gần nhau
Hồn xây mộng ước mai sau” (Tình anh lính chiến – Lam Phương) (2)

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong nhạc phẩm “Các anh về” khi kể niềm vui của xóm làng đón mừng những người lính chiến thắng trở về cũng không hề có lời nào mô tả lòng tự mãn của người “bên thắng cuộc” mà là:

“Anh ơi anh ơi! Biết rằng đời là tranh đấu
Xóm làng hận thù khắc sâu bao câu
Nhưng đôi mắt ai, mỗi lần nhìn nắng Thu buồn
Nỗi sầu về chiếm tâm hồn bơ vơ”

Trừ nhạc sĩ Hoài Linh sinh năm 1920, (người được đánh giá là có lời ca đơn sơ bay bướm, văn hoa, có vần có điệu. “Mỗi lần soạn nhạc, ông viết ra giấy cả một lô danh từ hay tính từ cùng vần với câu trên để ông để lựa chọn. Hoài Linh thích sử dụng từ Hán Việt. Nhiều nhạc sĩ đã nhờ ông viết lời nhạc của mình như Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Tấn An, Song Ngọc, Mạnh Phát, Văn Phụng, Nguyễn Hiền…”) (3), các nhạc sĩ nói trên đều sinh trong những năm từ 1926 – 1937 độ tuổi phải đi quân dịch, việc họ trở thành sĩ quan, giữ cấp bậc và chức vụ cao là thường tình, nhất là khi họ có tài. Lam Phương nhập ngũ từ 1958, về lại dân sự một thời gian rồi trở lại quân ngũ. “Ông gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An. Sau khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương cho đến ngày 30/4/75” (4). Nguyễn Văn Đông đi lính từ thời Pháp, qua QLVNCH năm 1955 và “sau ngày Đảo chính 1/11/1963, ông được thăng cấp Thiếu tá và được chuyển về Bộ Tổng Tham mưu phục vụ ở Khối Lãnh thổ. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng cấp Trung tá phụ trách một Phòng trong Khối Lãnh thổ. Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1972, ông được thăng cấp Đại tá chuyển sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu Phó. Ông đã ở chức vụ này cho đến cuối tháng 4 năm 1975” (5). Hoàng Thi Thơ “là người duy nhất được Bộ Thông tin và Tổng cục Chiến tranh Chính trị Việt Nam Cộng hòa nhiều lần cử thành lập và dẫn các đoàn văn nghệ Việt Nam sang Châu Âu trình diễn. Sau năm 1975, tại Việt Nam, ông cùng với nhạc sĩ Phạm Duy là hai người bị cấm về nhân thân (cấm toàn bộ tác phẩm)[2], đến đầu năm 2009, một số bài hát của ông mới được Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép phổ biến trở lại” (6).

Việc một nhạc sĩ viết nhạc và ký thác tâm tình về những gì liên quan đến công việc như họ đã viết về đời lính cũng là chuyện thường. Trong thực tế ngày ấy, lương sĩ quan, tác quyền âm nhạc, mở các hãng đĩa nhạc đã làm cho họ quá giàu có để không cần phải sáng tác theo đơn đặt hàng.

4. Sau đó vài năm, khi chiến tranh Việt Nam sôi động dần, tôi nghe “Tâm sự của em” – Anh Bằng & Huy Cường, phần điệp khúc có tâm sự của người vợ khi chồng ra trận – khi người chồng trách là “xa anh nhiều rồi em quên nụ cười”, là “phai lạt màu phấn hoa đào”, là “nét môi thắm đượm sầu đau” – cũng rất nũng nịu, dịu hiền và dễ thương rất mực để không làm “nãn lòng chiến sĩ”:

“Không không trăm lần không ngàn lân không
Không không trăm lần không vạn lần không
Anh cứ vui tranh đấu cho quê hương hoà bình
xây đắp cho tương lai đời mình
đó là ước nguyện của em và của anh”

Bản nhạc “Giấc ngủ cô đơn” của Anh Bằng & Hoài Linh có hai câu có hơi hướng chiêu hồi nhưng cũng không hẵn:

“Anh, người bên vĩ tuyến, xin nhớ quay về..
khung trời miền Nam sống trong tình thương”

Trong “Cánh buồm chuyển bến” nhạc sĩ Hoài Linh nói về những người lầm đường lạc lối theo cộng sản, quay về với Quốc Gia như những “cánh buồm”. Ở lời 2 ông viết:

Có những cánh buồm chuyển bến quay về, về với quê hương
Phương Nam mong chờ giờ đã neo bờ mừng hoen đôi mi”.

Còn có thể dẫn ra nhiều chỗ trong nhiều sáng tác của các nhạc sĩ giai đoạn 1956-62 mà tôi yêu mến để làm chứng rằng yêu cầu tư tưởng (nếu có) trong tác phẩm là do tự thân tác giả hơn là theo đơn đặt hàng. Ngược lại thì quả là họ quá tài tình để không trơ trẽn, lộ liễu mà lời ca thật sự đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Bởi đó, nó tồn tại với thời gian và vẫn mãi cuốn hút hồn người, đến nay, sau hơn sáu mươi năm.

NGUYỄN HOÀNG QUÝ

(1) https://www.facebook.com/quy.nguyenhoang/posts/1481730591846796

(2) https://tuongtri.com/2016/02/22/tinh-anh-linh-chien/

(3), (4), (5), (6) theo Wikipedia

NGÀY NÀY, BỐN MƯƠI MỐT NĂM TRƯỚC.

nguyenhoangquy

Giữa tháng 4.1975, tôi về đến Sài Gòn. Quân giải phóng tiếp quản Nha Trang, Cam Ranh từ 02/4. Những ngày này ở Sài Gòn, tôi và người em họ xách xe đi khắp nơi, phần lớn để hỏi thăm gia đình, người thân và bạn bè ở Huế, Đà Nẵng, ai vào được, ai kẹt lại.

Hồi ấy Bộ Giáo Dục VNCH mở Trung Tâm Liên lạc Giáo chức di tản ở cuối đường Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần để biết ai đã về đến, trả lương 6 tháng liền và chuẩn bị bố trí công việc mới. Chúng tôi cũng hay tới đó gặp gỡ bạn bè.

Một buổi sáng, ghé Trung Tâm , TN đến tìm tôi, lúc đó em đang học năm 3 ĐHSP ở Huế. Hỏi chuyện, biết cả nhà em đã về đến Sài Gòn khi Huế sắp mất và hiện đang tá túc ở một căn nhà trống do bà con cho mượn. Em bảo tôi: “Chiều nay anh ghé nhà, có chuyện quan trọng TN cần nói với anh. Anh không đến thì sau này đừng ân hận”. Nhìn nét mặt và thái độ nghiêm túc của em, tôi biết TN không đùa. Theo địa chỉ em cho ở đường Bà Hạt trong Chợ Lớn, chiều đó tôi đến, em tiếp tôi tự nhiên, bình thường rồi lát sau bảo rằng: “Anh ạ, ngày mai TN lấy chồng. mẹ đã đồng ý để người ta đem lễ vật tới nhà đám hỏi và xin cưới em sau đó ít ngày, chuyện rất gấp”. Tôi khá ngạc nhiên và sững sờ dầu rằng vài ngày trước đó cũng từng nghe nói đã diễn ra ở thành phố những đám cưới kiểu này.

Hỏi chuyện, biết chồng sắp cưới của em là một thẩm phán, hai gia đình trước đó có quen biết nhau: “Mạ em bảo nên cưới gấp nếu không mai mốt VC chiếm thành phố sẽ bắt con gái lấy thương binh”. Tôi ngớ người nên chả biết nói gì với em ngoài câu hỏi, tại sao lại như thế, tại sao lại gấp gáp thế, tại sao em lại quyết định nghe lời mạ vội vàng đến thế? TN lặng buồn nhìn tôi và trả lời chỉ câu đầu trong bài ca dao rồi bỏ lững: “Ba đồng một mớ trầu cay…”. Nói thêm vài câu rồi tôi lấy xe ra về, trên đường, nhìn thấy ai cũng như thù địch.

Khi TN học năm nhất và tôi học năm ba thì tôi quen em, tôi ủng hộ liên danh tranh cử Ban Đại diện SV ĐHSP của vài người bạn năm cuối. Họ không thuộc đảng phái chính trị nào mà chỉ thuần túy tôn thờ lý tưởng Quốc Gia. Em là thành viên trong đó. Liên danh này thắng cử, tình thân của chúng tôi về sau lớn dần.

Rất khó quên những buổi sáng đi học cùng qua cầu Trường Tiền trong cái lạnh ngọt ngào của mùa đông Huế, những buổi trưa cùng ăn ở Quán cơm Sinh viên ngay thư viện Đại học có gió mát thổi từ sông Hương lên, vừa nghe nhạc hòa tấu Paul Mauriat vừa bàn kế hoạch kiếm phiếu, nghe chừng như rất lãng mạn!.

Lại có một buổi trưa em và tôi học cùng môn nhiệm ý, giáo sư Sài Gòn ra chưa kịp, hai đứa rủ nhau đi ăn chè Chùa. Chè Chùa và chè Cồn như một thú thời thượng của SV ngày ấy với món chè bông cau ngọt và thơm nổi tiếng. Khi ăn xong, em tế nhị lấy cặp sách đưa tôi và bảo “Anh lấy tiền trong cặp mà trả, mạ vừa cho em trưa nay”. Nếu coi em là “người đi qua đời tôi” như lời một bản nhạc của Vũ Thành An thì trong số những người đã, em là người có đôi mắt đẹp, đôi mắt luôn cười và biết nói. Chuyện chúng tôi không đi xa hơn khi tôi ra trường, em tiếp tục học cho đến khi gặp lại em ở Sài Gòn lần này.

Đó là lần gặp cuối cùng giữa chúng tôi. Sau này, nghe bạn bè kể chàng thẩm phán chồng em vốn “là người không ra gì”, tôi thấy xót xa và buồn, cho dầu không là gì của nhau thì tôi vẫn luôn mong em có một cuộc sống gia đình êm ấm vì cuộc hôn nhân của em không bắt đầu như em mong ước. Năm năm sau, nghe tin người anh của em là bác sĩ làm việc ở một bệnh viện khu vực cách trường tôi dạy chừng ba chục cây số, tôi đến tìm, anh đã chuyển đi xa. Từ đó tôi bặt tin em dầu rất nhiều lần hỏi thăm bạn bè, không ai biết.

Bốn mốt năm đã qua, số phận mỗi người có lúc điêu linh theo vận nước, nếu em không yên ổn trong cuộc sống gia đình riêng thì tôi nghĩ, ít nhiều em cũng là nạn nhân của thời cuộc. Rồi lại tự nghĩ rằng trong cuộc đổi đời khắc nghiệt năm 1975, biết bao người dân miền Nam phải chịu những hoàn cảnh éo le hơn nhiều thì sá gì chuyện cỏn con đó.

Tôi đặt tên ở nhà cho con gái đầu lòng của tôi theo tên gọi ở nhà của em. Cũng là một cách nhớ về và cám ơn một cô bạn thời đi học có đôi mắt biết cười mà chắc chắn ngày ấy đã dành cho tôi những tình cảm nhiều hơn tôi nghĩ.

QUY.NGUYENHOANG.

TÌNH ANH LÍNH CHIẾN.

nguyenhoangquy

1. Hai năm cuối tiểu học và bắt đầu vào trung học, khi đã bắt đầu biết nghe nhạc, tôi không thích bài hát này. Từ ấu thơ, tôi đã nghe anh chị ở nhà chơi đàn mandolin và hát những bản nhạc tiền chiến mà nhạc điệu và ca từ trong cảm nhận mơ hồ và non nớt của tôi ngày ấy là “không chê vào đâu được”!: Hòn Vọng phu, Bến cũ, Thiên Thai, Trường ca sông Lô, Hoài cảm…Do vậy, nghe bài này cũng như nghe Bức tâm thư của Lam Phương, “Vài hàng gửi anh trìu mến…đi quân dịch là thương nòi giống”, như nghe Lối về xóm nhỏ của Trịnh Hưng, “Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca, ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà…”.Lên sinh viên, những bài hát này chúng tôi liệt vào dòng nhạc lính, nhạc sến!

Vài năm trước cho đến lúc này, bài này tôi hát nhiều, lâu lâu hát lại, chàng con rễ bảo “Ông bố rền rỉ nhạc sến hoài!”. Khi hát, tôi nói với vợ lý do và kể cô ấy nghe những kỷ niệm gắn bó với mình. Đó là sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương: “Tình Anh Lính Chiến”.Thật lòng thì hồi tiểu học tôi không hiểu nổi câu đầu: “Xuyên lá cành trăng lên lều vải”, chưa bao giờ đi trại, có nghe ai nói đến cái lều bao giờ, làm gì đã biết đến “Uncle Tom’s cabin” của Harriet Beacher Stowe và cứ tưởng “lá cành” là… danh từ, có lúc nghĩ cái cành đâm xuyên khóm lá!

Học đệ thất, nghe kể thầy Võ Hành dạy Lý Hóa ở trường thương chị Xuyên học đệ tứ. Hồi đó nữ sinh đệ tứ lớn lắm. Thế là anh chị lớp lớn nhại rằng “Xuyên với Hành thương nhau nhiều quá!.

Thời sinh viên, tôi trọ học ở Cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng của hội Ái hữu Đồng châu Quảng Nam dành cho SV trong Quảng ra Huế học. Năm 1973, một trận bão lụt không lớn nhưng cũng làm hư hại nhiều nhà dân ở các quận Duy Xuyên, Đại Lộc (hồi đó không gọi là huyện như bây giờ). Ở Duy Xuyên, nặng nhất là vùng gần Trà Kiệu, thánh địa ngày xưa của vương quốc Champa. Sinh viên cư xá chúng tôi về đó giúp dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa,vườn tược và nhận tôle, cement, tiền của ty Xã hội Quảng Nam về phân phát cho đồng bào. Cùng đi với chúng tôi có cả các bạn dân Quảng ở cư xá Nam Giao, Đội Cung, trường Cán sự Y tế, trường Nữ Hộ sinh Quốc gia Huế làm thành một đoàn hơn ba mươi người.

Sau mấy ngày hăng say làm việc với tinh thần thiện nguyện, chúng tôi khá bằng lòng với thành quả của mình và chiều cuối cùng xuống Hội An để sáng hôm sau về lại Huế. Tối, tổ chức đêm lửa trại chia tay các bạn ở các cư xá khác. Không cắm trại nhưng một đống lửa đốt ngay trên bãi cỏ ngoài sân ty Xã hội Quảng Nam cũng tạo được cái không khí bập bùng làm giảm cái se lạnh của những ngày cuối Đông năm ấy. Và ở đây, đến cuối buổi sinh hoạt, nếu hát bài Shalom Severim hay Rời tay phút chia ly, bạn ơi vui lên nhé thì cũng… vô cùng thích hợp!. Anh Chủ tịch Cư xá cũng là trưởng đoàn tổng kết chuyến đi cứu trợ, cám ơn các bạn tham dự đợt này rồi chúng tôi cùng hát, những bài dân ca, những bài hát cộng đồng phổ biến ngày ấy.

Đang ngồi thành vòng tròn vừa vỗ tay vừa hát tôi nghe có ai vỗ vai mình từ phía sau. Ngoái đầu nhìn lại, đứng sau tôi là Hồng Vân cười và nói nhỏ vào tai tôi: “Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối, đừng quên nhé những ngày bên nhau Q. nhé!”. Vân nói cả thành lời lẫn bằng mắt. Cái tâm trạng những ngày vui, sống hết mình với công việc và bạn bè đã qua và phải chia tay, thật buồn. Tôi lặng người, cầm tay em bóp nhẹ và gật đầu. Có thể nói gì hơn trong lúc này và mọi lời nói đều thừa hoặc không cần thiết.

Hồng Vân dân Hội An gốc, học năm cuối NHSQG, khuôn mặt sáng rưng, đôi mắt to, tròn và biết nói. Những dịp sinh hoạt chung trước đó chúng tôi quen rồi thân nhau nhưng chỉ dừng lại ở liên hệ bạn bè vì lúc đó tôi đang có người yêu. Không thể kết luận đều này chở theo tín hiệu gì nhưng tình cảm tự nhiên và chân thành của Hồng Vân làm tôi rất xúc động.
Ra trường, chúng tôi mất dấu nhau cho đến bây giờ nhưng “những ngày bên nhau” thì khó quên được dầu “đời (đã) ngăn chia ngàn lối”. Bài hát theo tôi những khi nhớ về kỷ niệm thời đi học đã qua gần nữa thế kỷ.

Kỷ niệm riêng tư, không kể làm gì nếu không có một việc khác liên hệ đến nhạc phẩm này.

2. Năm 2014 tập 1 của cuốn sách Ride The Thunder (A Vietnam War Story Of Honor and Triumph) của Richard Botkin, bản Việt dịch của nhóm 4 dịch giả Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu và Trịnh Bình An tựa đề là Cưỡi ngọn sấm (Một câu chuyện về vinh dự và chiến thắng trong cuộc chiến Việt Nam) xuất bản ở Mỹ (*).Chuẩn tướng James Joy TQLC Hoa Kỳ đã về hưu viết trong lời tựa như sau: “Câu chuyện của hai người chiến binh vĩ đại (đại úy Riply và thiếu tá Lê Bá Bình, hai nhân vật chính có thật của quân chủng TQLC) cùng phục vụ cho một mục đích chung thật là hiển nhiên. Nếu đã có thêm nhiều người như Lê Bá Bình thì chắc chắn kết quả của cuộc chiến đã khác hẵn”. Đại tướng Walter E. Boomer TQLC Hoa Kỳ hồi hưu cũng viết trong lời giới thiệu cuốn sách này “…”Cưỡi ngọn sấm” là một câu chuyện xứng đáng được chia sẻ với các thế hệ tiếp nối của nước Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp họ hiểu được cái giá mà cha ông họ phải trả nhằm bảo tồn nền tự do mà ngày nay họ đang được hưởng”.

Sau 12 năm bị tù ở VN, Lê Bá Bình định cư ở Mỹ. Trong lễ nhận huy chương Silver Star của TQLC Mỹ, “huy chương cao quý nhất dành cho quân đội đồng minh về những công trạng ngoài mặt trận”, Bình gặp, quen biết và trở thành bạn thân của tác giả, cũng là cựu thiếu tá TQLC.
Chuyện của Bình là niềm phấn khích để tác giả bỏ thì giờ sưu tầm tài liệu về chiến tranh VN, phỏng vấn hàng trăm nhân vật liên quan và đi thực tế ở VN nơi xãy ra các trận giao tranh đề cập đến trong tác phẩm. Có lẽ nhờ vậy nên tôi hơi bất ngờ khi đọc được ở chương 3, tập 1 (Đại úy Ripley- Đại đội Lima) trang 57, 58, 59 nói về nền âm nhạc cận đại VN thời đó, như một người trưởng thành yêu thích âm nhạc và sống ở miền Nam. Tác giả viết: “Từ năm 1962 trở về sau, âm nhạc được phát triển cùng với nhịp độ ngày càng gia tăng của cuộc xung đột. Giọng ca ủy mỵ và diễn xuất tuyệt vời của Hoàng Oanh trong bản “Tình Anh Lính Chiến” (The Love of a Fighting Man) được biết đến và ghi khắc trong lòng của mỗi quân nhân cũng như những phụ nữ đang chờ đợi họ. Trong bài hát, người lính đi chiến đấu ngoài mặt trận và người yêu thì ở lại hậu phương. Trong màn đêm, chàng trai ngắm trăng tròn và tự hỏi, giống như mọi chiến binh khắp nơi, không biết người yêu có đang ngắm cùng một vầng trăng với mình hay không?”.

Ở một đoạn khác, tác giả khen ngợi thêm: “Đối với những người Mỹ yêu nước thuộc thế hệ xưa, những người thích trung sĩ Barry Sadler với bài “Ballad of the Green Berets” nếu như họ biết thì có lẽ “Tình Anh Lính Chiến” sẽ hấp dẫn và quen thuộc với họ hơn”.

Về giòng nhạc miền Nam 1954- 63, các tác giả đã đề cập trong nhiều bài viết nhưng mang tính chuyên môn, có hệ thống và giá trị khái quát cao thì tôi chưa đọc được. Dù sao thì những gì Richard Botkin đề cập đến trong Ride The Thunder cũng giúp độc giả ngoại quốc và cả người Việt thế hệ sau biết thêm về chế độ Cộng Hòa, cách riêng, nền nhạc Việt giai đoạn đó.
Với những người miền Nam sinh vào thập niên 1940-50, được đọc tác phẩm này là được sống với những năm tháng hào hùng, được nhắc nhớ những kỷ niệm về những người lính của một binh chủng oai hùng: Thủy Quân Lục Chiến. Tác phẩm đáng được làm tài liệu tham khảo khách quan của một tác giả ngoại quốc cho những ai nghiên cứu quân sử sau này. Với người viết, đây là một bản anh hùng ca rất đáng dành thì giờ để đọc.

NGUYỄN HOÀNG QUÝ

(*) Trang tuongtri.com đã đăng nhiều kỳ từ đầu tháng 6/2015. Tập 2 đã phát hành đầu năm 2016. “Cưỡi ngọn sấm” cũng đã được đạo diễn Fred Coster dựng thành phim và chiếu ra mắt tại Wesminster, CA 3/2015.

ĐỌC TRUYỆN NGẮN PHẠM TÍN AN NINH.

nguyenhoangquy

Tôi biết đến nhà văn Phạm Tín An Ninh khi đọc truyện của anh lần đầu cách đây hơn 3 năm. (Hồi đó không hiểu sao không thử gõ tên anh trên Google để tìm thêm mà sau này, đọc được một số truyện nữa mới nghĩ ra?).
Vừa rồi, trang tuongtri.com được anh báo qua email cho đăng các truyện trên website chính thức của anh, báo tin hai tập truyện ngắn: “Ở cuối hai con đường” và “Rừng khóc giữa mùa Xuân”vừa xuất bản ở ngoại quốc, tôi nhắn tin xin người cháu ở Mỹ. Không ngờ cháu và tác giả quen biết nhau từ trước, anh ký và viết lời đề tặng vợ chồng tôi. Tôi viết thư cám ơn. Lại nghĩ rằng, để đáp lại điều mà người xưa gọi là “duyên tri ngộ”, tôi ghi lại một số suy nghĩ về truyện anh viết dầu rằng đã có nhiều người làm việc này.

Truyện ngắn đầu tiên của Phạm Tín An Ninh tôi đọc được là “Về cái chết oan khuất của nhạc sĩ Minh Kỳ”, tác giả của hai bài hát về Nha Trang mà tôi say mê từ những năm trung học. Tôi đọc đi đọc lại không biết bao lần. Từ đó, tên tác giả hằn trong tâm trí tôi với sự quý mến đặc biệt vì bài viết vừa mang tính thông tin vừa chia sẻ tâm trạng.

Tiếp tục tìm đọc các truyện ngắn khác của anh, tôi gặp được nhiều truyện rất ấn tượng mà hai trong số đó là “Cậu bé đánh giày người Nghĩa Lộ” và “Ở cuối hai con đường” liên quan đến những năm tác giả ở tù ngoài Bắc. Có hai tập truyện trong tay, càng tìm thấy nhiều truyện hay, đánh động sâu sắc lên tâm hồn mình mà ít có nhà văn nào, kể cả những nhà văn nổi tiếng tôi đọc nhiều từ trước đến nay được như vậy. Tôi nghĩ cái chính là do điều mà tôi gọi là “chia sẻ tâm trạng”. Truyện của anh đánh động tâm tưởng mình vì nội dung xoay quanh vết thương tâm hồn của người lính VNCH, quanh niềm căm phẩn vì người bạn đồng minh phản bội để những người lính kiêu hùng của quân đội phải buông súng một cách bất ngờ và đầy tức tưởi. Truyện của anh cũng, nơi này nơi khác, lúc này lúc khác kể về tâm trạng những người Việt Nam xa xứ, mơ một ngày về lại quê hương nhưng quệ hương ngày càng mịt mù và xa tít vì không thấy sự hòa giải dân tộc như nhà nước tuyên truyền trong khi tuổi tác những người vượt biển và đến Mỹ theo diện HO đều trên 70, 80 (“Những đàn chim thiên di”), (“Những điều mơ ước”).

PTAN không viết theo đơn đặt hàng của những người chống cộng ở ngoại quốc mà viết để bộc bạch tâm tư, kể lại những trăn trở của mình trong những tháng năm cầm súng mà “Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm” luôn là lý tưởng hàng đầu, về những tháng năm tù tội và cả sau này, khi sinh sống ở vùng đất tự do. Suốt những tháng năm đó, tình bạn nổi lên rõ nét bao nhiêu thì niềm căm thù của người lính đối với sự phi nhân của cộng sản sau khi chiếm miền Nam cũng rõ nét bấy nhiêu. Tình bạn trong chiến đấu của Trần Công Lam, Đặng Trung Đức, Phùng trong “Người con gái Phú Hòa”, với Lê Minh Thống trong “Đà Lạt trời mưa”, với Di trong “Chiếc nhẫn”, với Lâm Ni trong “Chuyện người bạn học” và bàng bạc trong một số truyện khác đều đẹp vô ngần. Tình bạn giữa Narziss và Goldman trong “Đôi bạn chân tình” của Herman Hess hay tình bạn giữa các nhân vật trong “Chiến hữu” (Les Camarades) của Erich Maria Remarque cũng chỉ đến thế.

Tôi cũng rất cảm phục tấm lòng của một viên hạ sĩ, là tài xế (của Di) đối với của viên sĩ quan chỉ huy ngày xưa của mình trong “Chiếc nhẫn”. Ở đời, rất khó kiếm một người trung thành như Lắm, tên anh, sống ở Cần Thơ nơi có ông chủ nhà giàu Hồng Hương là cơ sở “cách mạng”. Anh đã ba lần giúp đỡ “ông thầy” của mình, lần đầu khi Di vừa bị bắt đưa đến nhà giam, lần tiếp theo khi dắt Hồng (vợ Di) tìm đến trại thứ hai thăm Di, giúp lần thứ ba là ra đến Nha Trang tìm Nguyệt, em gái của Di rồi đón Nguyệt và mẹ vào Cần Thơ để xin đứa con của Di về. Những giúp đỡ trên cùng với việc giấu Hồng, đưa lên Rạch Giá tìm cách để cô ấy vượt biên đã đưa đến cho Lắm một kết cục bi thảm: bị bắt và tra tấn đến chết!.

Đọc PTAN, độc giả còn thấy một sự giằng co, giành giật giữa lằn ranh Quốc – Cộng mà nạn nhân là những nông dân hiền hòa do sự phản bội hiệp định Genève 1954 của chính quyền miền Bắc. Đó là trường hợp của chị Ngà, một lòng sắt son với chồng trong “Chị Ngà”, của gia đình ông bác Hai, vừa nhận bằng liệt sĩ chưa bao lâu thì lo chôn người con cả là sĩ quan QLVNCH về hưu chết vì đói và sốt rét trong tù (“Giòng sông tuổi thơ” tr. 111). Một người khác là ông Năm Giăng có lúc là bác sĩ của cụ Hồ, về thăm quê, chở anh Cả đi thăm mộ của cha mẹ, gia đình, thắp nhang và khấn vái trước cả mộ thằng cháu mới chết. “Đứng trước các mộ bia, ông đều thì thầm với người đã khuất. Nhưng không ai nghe được là ông đã nói điều gì, nhất là với anh em con cháu đã chết dưới tay những đồng chí của ông”.(sđd, tr.111)

Tác giả không nói thẳng nhưng qua những truyện đọc được, dầu đã qua bốn mươi năm, hình ảnh người sĩ quan VNCH, cách riêng, những người xuất thân trừ trường Võ Bị QGVN luôn được nhắc đến với niềm kính phục sâu sắc. Sự kính phục về tư cách, năng lực, tinh thần chiến đấu và nhất là lý tưởng quốc gia nơi họ. Khi mô tả trại tù ở Thượng Sơn, Nghĩa Lộ tác giả viết: “…Và cũng là nơi đã từng nhốt nhiều tù cải tạo từ miền Nam chuyển ra, từ anh binh nhì TQLC bị bắt trận Hà Lào, cho đến hơn ba mươi tướng lãnh mà đa số đã không bỏ rơi đồng đội mình vào giờ thứ hai mươi lăm” (“Thằng bé đánh giày…” tr.141) Đặc biệt, truyện ngắn “Những cánh đại bàng qua cơn bão lửa” là bằng chứng hùng hồn nhất về tấm lòng tác giả đối với lớp người này nhân dịp dự họp mặt “Bảy mươi tuổi đời – Năm mươi tuổi lính” của những cựu sĩ quan VBQGVN khóa 17.

Anh PTAN nhiều lần nói với bạn bè, kể cả trong email gửi cho tôi rằng anh không có tham vọng trở thành nhà văn. Điều này có lẽ rất thật. Anh viết như kể chuyện, như ôn lại những quá vãng cả đớn đau lẫn vàng son của mình, không than van, ít trách cứ, cứ như một người ở xa nhìn vào hơn là người trong cuộc dầu cái đớn đau gặm nhắm tâm hồn anh không ít và vết thương quá khứ lâu lâu lại tấy lên mỗi khi có điều kiện tái hiện. Văn anh không trau chuốt, không dụng công như của những nhà văn chuyên nghiệp làm người đọc có cảm giác như anh bất ngờ gặp lại một đồng đội cũ, kéo nhau vào một quán cóc ven đường kể chuyện ngày qua hơn là nghe anh đọc diễn văn trước hội nghị. Và có lẽ chính điều này, chính sự tự nhiên, mộc mạc cùng với những tình tiết bất ngờ, hấp dẫn và lôi cuốn độc giả để cứ muốn đọc hết truyện này qua truyện khác mà không thả sách xuống được.

Tôi cứ ao ước những tên như (bà) Vương Chu Khánh Hà, anh Nguyễn Văn Thà, nàng “Sylvie Vartan” Jacqueline Cuvéro Gauthier, Giáng Vân… là tên những con người thật, kể cả hai nhân vật tác giả đã tự đổi tên theo yêu cầu của họ: Nhất Anh, Nhị Anh là có thật. Có thật để cuộc đời này đẹp hơn, để những người trải lòng với cuộc đời được nhận từ cuộc đời những tưởng thưởng xứng đáng, để người đọc, dầu chưa hề quan tâm gì đến giáo lý nhà Phật thấy được lẽ nhân quả báo ứng, lý vô thường và thuyết nhân duyên. “Trời đất bao la” không dễ gì tác giả gặp lại mộ người yêu xưa khi xe hỏng trong một chuyến đi ngang qua nước Pháp!. Và chỉ có tấm lòng đối với Người bán sách trên bãi biển Nha Trang mà tác giả tìm lại mộ An Bình, cô em gái mà những lần tìm trước ngỡ như vô vọng. Những cơ duyên, những trùng hợp quá bất ngờ để khó tin là thật.

Từ câu nói ngây ngô của Thằng bé đánh giày…: “Bạn đồng đội của chú chắc là những người tốt”, từ lời hứa – rất trịnh trọng – với tác giả là ba thằng sẽ thường xuyên rủ nhau đến nghĩa trang quân đội Biên Hòa khi bốn người ghé thăm trên đường đi Vũng Tàu về, tôi nghĩ đây là một chi tiết tác giả cố ý đưa vào, rất tài tình, làm nên giá trị thật của truyện này. Xếp sách lại, tôi cứ mong rằng, trong một ngày không xa, bản dịch sang tiếng Anh của hai tập truyện sẽ được phát hành rộng rãi để các thế hệ F1, F2 của người Việt ở ngoại quốc hiểu thêm về một thời kỳ đau buồn trong lịch sử Việt Nam, đất nước mà ông bà cha mẹ các cháu phải bỏ đi dầu biết trước phải đối đầu với muôn vàn khó khăn, kể cả cái chết.

Một số kết cục trong các truyện là buồn, tất nhiên, nhưng với lời ghi cuối truyện, như là nói lên tâm trạng của mình, tác giả đã giúp người đọc vơi đi những cảm thương lẫn bức xúc. Nhờ đó, truyện của Phạm Tín An Ninh đi vào lòng người nhẹ nhàng, thoải mái và độc giả luôn mong nhờ những sáng tác mới của anh.

NGUYỄN HOÀNG QUÝ
Tháng 01.2016

HỌC TRÒ CŨ.

nguyenhoangquy
 
Bước vào đầu năm học 1978 – 1979, vợ chồng tôi nhận quyết định đổi đi một trường miền núi ở Tây Bắc tỉnh, cách trường đang dạy gần 250km khi vợ tôi mang thai con đầu lòng mới 3 tháng. Xa một nơi ngỡ sẽ định cư lâu dài, một nơi gắn bó với chúng tôi quá nhiều kỷ niệm, cả những vàng son khi mới ra trường trước và những đen tối muộn phiền sau 1975, thấy hụt hẫng và buồn. Chia tay với đất, với người và chỉ quay lại thăm hàng mấy tháng hoặc cả năm sau đó, vợ chồng tôi mất dấu nhiều học trò trong đó có em vì chúng tôi rời đi khi các em đang nghỉ hè!
 
Mười bảy năm sau tôi về lại nơi này, sống ở đây hơn 10 năm trong một công việc khác, chỉ về nhà cách 48 cây số vào cuối tuần từ trưa thứ 6 đến sáng thứ 2. Lứa học trò ngày ấy còn lại ở đây ít quá, đã trở thành những ông này bà nọ, trừ một số giữ liên lạc thường xuyên, phần lớn không gặp (hoặc gặp không nhớ), có em không nhận ra thầy, lại có em không hề quay trở lại vùng ký ức mênh mang sâu thẳm mà thời cuộc và sinh kế đã làm mờ nhạt đi nếu không có điều kiện hoặc ai đó nhắc nhớ dầu tôi là người biết trân trọng kỷ niệm, cả vui lẫn buồn. Em cũng ở trong số những học trò chúng tôi không nhớ đến.
 
Vài mươi năm gần đây, mối dây liên lạc với học trò ngày xưa được “lần” trở lại, nối lại và xiết chặt ngày một nhiều khi các em đã vào tuổi trung niên, thành đạt, con cái lớn khôn, bắt đầu những hồi tưởng, một việc rất bình thường và tự nhiên theo độ tuổi, khi cuộc sống khá dần lên, khi các họp mặt nhóm, lớp, khối, trường … ngày một nhiều, khi giao thông liên lạc ngày một thuận tiện và nhất là khi Internet phát triển.
 
Một lần trước Tết âm lịch không lâu, khi vào Facebook, vợ tôi nhìn thấy trên trang nhà của mình hình ảnh một bàn tiệc trong tiệc cưới do học trò lứa 75-78 upload lên có một hình ảnh quen, cô ấy tìm hiểu và nói với tôi rằng đã thấy … trên FB, cô ấy nói tên em. Khi nghe nhắc tên em, tôi hình dung ra khuôn mặt đầy thánh thiện, lễ phép, dễ thương và rất ngoan hiền ngày ấy nhưng vài ngày sau tôi mới quay lại FB, nhìn thấy em, khuôn mặt không khác xưa là bao nếu không nói là đẹp mặn mà hơn trước. Vợ tôi add friend với em, cô trò comment qua, reply lại với nhau có vẻ rất tâm đắc vì nghe thấy cô nhắc đến em nhiều sau đó. Trước khi tôi vào lại Sài Gòn vợ tôi gửi message cho tôi số phone của em, nói rằng em rất muốn gặp trong những ngày tôi ở đây.
 
Gần qua lại bên này, tôi  gọi và sau đó biết rằng em và một số bạn cùng khối sẽ đến nhà con trai tôi, nơi tôi đang ở để thăm. Sài Gòn từ 16h30 là giờ “cao điểm” kẹt xe, nhất là những tuyến huyết mạch, đúng là có kẹt xe nhưng các em vẫn đến, ra đầu hẽm đón, nhìn thấy em ngồi trên xe bạn chở, tôi hình hình dung ra ngay và gọi tên em. Vào đến nhà, chào hỏi nhau, các em nói lý do đến trễ và chỉ với lý do đó, tôi đã thấy rất quý cuộc gặp này: Các em ở rất xa nhau và xa nơi tôi ở, em đến nhà một bạn khác và cả hai đi hai tuyến xe bus mới đến được trong lúc các bạn khác đi xe máy dầu các em được báo rằng chiều tối đó tôi có một lời mời ăn tối không thể từ chối! Câu đầu tiên em hỏi tôi sau khi ngồi: Có bao giờ thầy làm điều gì để cô của em buồn? “Cô của em”, “Thầy của em”, “Thầy Cô của em” là cụm từ duy nhất chỉ có em là học trò dùng trong tất cả comment trên FB khi em viết và trả lời cho vợ tôi và tôi, sau này khi tôi add friend. Không biết đó có phải là cách xưng hô với tất cả những thầy cô cũ của em nhưng cũng không hề gì, chỉ biết rằng có cái gì đó rất dễ thương tôi cảm nhận được trong tình cảm em dành cho chúng tôi! Cám ơn em vì điều đó!
 
Có lần thấy trên status của em một bài thơ post kèm tấm hình em đứng một mình, ở một nơi vắng vẻ, lời thơ trau chuốt, ý thơ man mác buồn như niềm tiếc nuối về một cuộc tình đã mất, tôi chỉ gõ vài hàng cmt và gửi message riêng nói qua suy nghĩ của mình. Em kể lại cho tôi những đẩy đưa cuả số phận để em không có một hôn nhân như mơ ước, (em và người bạn trên một lớp yêu nhau, đã ăn hỏi nhưng không rõ hai gia đình xích mích thế nào nên nhà trai trả lễ, vài tháng sau em đi lấy chồng qua mai mối, dĩ nhiên với người mình không yêu còn chàng thì đến nay vẫn chưa tìm được ai xứng đáng như em để lấy làm vợ), biết điều này chúng tôi rất chạnh lòng!. Bây giờ, em và chồng cũ không ở với nhau đã lâu, con cái đã lớn, tôi cứ nghĩ nếu họ quay lại với nhau thì dầu không thể có được những mặn nồng của thời trai trẻ nhưng chia sẻ với nhau ở tuổi sau sáu mươi vẫn là đều hợp lý nên vẫn cầu mong điều đó  dầu không biết có phải mình quá đa đoan?
Nghĩ mãi mà không thể viết được chút gì, như một an ủi, một khuyên lơn để em nhìn nhận một cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn trước những nghiệt ngã của cuộc đời. Vợ tôi bảo em là tín đồ Thiên Chúa giáo, tôi không biết đúng sai nhưng chừng như em đọc, nhận ra một số vấn đề căn bản trong Phật pháp, hiểu các khái niệm vô thường, nhân duyên sinh diệt, tôi thấy lòng mình vui và cứ mãi mong em sống và hành xử như những gì em hiểu.
 
Sau mấy mươi năm theo nghề, số học trò đi qua đời chúng tôi không ít, vợ chồng tôi còn lại một số học trò thân tín, “ruột rà”, đa số là con gái,  nhiều thế hệ. Thầy trò, cô trò hiểu nhau, có thể chia sẻ cho nhau nhiều tâm sự ở những chặng đời của nhau. Có điều lạ là những em xinh đẹp, ngoan ngoãn, tài hoa, con nhà, có tâm hồn, học giỏi hay vài ba tố chất kia gộp lại thường không mấy suông sẻ trong hôn nhân gia đình, điều mà thầy bói gọi là “lận đận tình duyên”. Có em con nhà, nhan sắc khá, làm thơ, vẽ tranh, viết văn đều hay, đẹp,  không hiểu sao chả gặp được người;  có em nhà giàu, vừa đẹp vừa sang trọng, đài các, ly dị chồng khi hãy còn xuân sắc, nuôi hai con, thời gian sau tái giá với một người trẻ hơn mình thì con lâm vào nghiện ngập;  lại có em lận đận lao đao thế nào nay đang sống với người chồng thứ tư nhưng không rõ gia đình mới này có êm ả hoặc êm ả bao lâu. Chúng tôi cũng tiếc một em khác, từ năm đệ tứ như là một minh tinh, lên đệ tam nhan sắc rực rỡ, thể hình cao ráo được công nhận như một trong những ngôi sao của trường, sắc đẹp đó bây giờ vẫn còn lưu lại trên khuôn mặt, lấy chồng ba chục năm nay lại không có con!
 
Vẫn nhớ đến thuyết “Tài mệnh tương đố”, vẫn hiểu câu “Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân” và như cụ Tố Như trong mấy câu kết truyện Kiều từng nói: “Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao” nhưng không hiểu sao lòng mình vẫn cứ thấy bâng khuâng mỗi lần nghĩ về các em. Và em,  cũng không thoát khỏi lẽ thường tình ấy vì chừng như trong trường hợp vừa bị “đành đòi một” lẫn “đành họa hai” theo kiểu “trời xanh quen thói…”.
Nghĩ, và nhiều lúc trong chuyện trò đề cập đến như một an ủi mơ hồ, rồi lại nghĩ, biết đâu cũng là một cách trả nghiệp từ vô lượng tiền kiếp theo cách của từng em.
 
PS: Tôi cũng nhận được từ em một thư khá dài có đoạn này:
 “Thầy của Em ! Thật xúc động khi biết Thầy yêu thương học trò nên luôn mong muốn các em bước đi trên con đường bằng phẳng ..giá như có phép màu Thầy sẽ cho các em 10 điểm tròn cuộc đời ..để Thầy không phải trăn trở.. xót xa khi nghĩ  về các em.. Riêng em ..bước đi hơn nửa đời người mới ngộ ra một điều : không có ai hạnh phúc và cũng không có ai đau khổ ..mà chỉ là cách nhìn nhận của mình ở ngay từng thời khắc đó ..nên em luôn bằng lòng với những điều mình đang có ..mặc dù em không tránh khỏi những phút yếu lòng ..khóc như trẻ con.. Và rồi sau đó, lại cũng tự mình đứng dậy .không dựa ..không chờ một bàn tay ..thế là học trò của Thầy  mạnh mẽ bước tiếp …”
25.4.2015
 

 

Chuyện về những lá thư.

nguyenhoangquy

Tôi không nhớ lần sau cùng ra bưu điện mua tem gửi thư cho ai, lúc nào và viết gì trong đó trừ một lần cách đây gần 3 năm ở Sài Gòn khi đi gửi chuyển phát nhanh một tập thơ của một người bạn nhờ gửi tặng cho một người bạn khác. Cũng là gửi thư nhưng không chính thức. Tôi nghĩ ra việc này nhân lúc nhìn lịch thấy chỉ còn 3 ngày nữa là hết năm, nhận email một cô cháu trước Giáng sinh rất lâu, chưa trả lời được dầu lòng vẫn nghĩ là nên viết xong trước năm mới 2015.
Nghĩ lại, chiều 30 hay 31 viết cũng không sao,chỉ cần một cái click chuột là thư đến, còn việc mở máy đọc lúc nào lại là việc của cháu. Với việc này, “con rùa bưu điện” không thể can thiệp vào chuyện cậu cháu tôi và với đà này, e rằng sẽ có một ngày không xa khái niệm “con rùa bưu điện” không còn được thế hệ trẻ biết đến như tem phiếu, sổ gạo… cũng như không biết gì về thời bao cấp! Tôi nghĩ đến số phận của những lá thư viết tay trên giấy gửi qua đường bưu điện trong thời đại IT này chắc sẽ có ngày bị lãng quên. Và bỗng nhớ về … ngày xưa!.
Học đệ lục (lớp 7) trường huyện, một thầy giáo tôi rất yêu thương đi quân dịch, thầy cho riêng tôi một tấm hình 6×9 của thầy, tôi vui và rất tự hào vì mình học hành không xuất sắc gì, thầy còn ghi cho tôi cái địa chỉ nhà “để em thích thì viết thư về đó cho thầy”. Tôi nhận, lí nhí nói lời cám ơn và sau vài tuần, tôi viết thư, nắn nót từng chữ từng hàng kể chuyện trường, chuyện phố huyện, chuyện học hành của mình. Hình như đó là thư đầu đời tôi đã viết và gửi qua bưu điện. Thầy không trả lời vì sau đó được về dạy lại do không đủ sức khỏe!
Việc viết thư, viết đơn được dạy trong môn Văn của trường trung học nhưng tôi chẳng học được gì nhiều. Do vậy, hiểu biết của mình về “món” này thật hạn chế, sau này đọc thấy người ta dùng nhiều tên: cánh thư, lá thư, bức thư, có chỗ còn dùng tờ thư. (1)
Kính, kính mến, thân mến, thương mến, mến thương, yêu dấu, dấu yêu, nhỏ… là những chữ đầu tiên kèm theo chữ dùng để xưng hô với người mình muốn viết, kính bác, kính anh chị, Kim Anh yêu dấu…, cũng có khi từ chỉ vị trí của người nhận đưa lên trước: Ba mạ kính mến, bạn thân mến, Nhỏ dấu yêu của anh…
Thư cũng như một bài tập làm văn, có đủ các phần nhập đề, thân bài, kết luận. Thư tỏ tình thì kết luận luôn là : “Anh yêu em nhiều lắm”; thư xin tiền học thì: “Mong ba mẹ gửi sớm cho con”; thư phân trần thì: “Xin chú thím hết sức cảm thông cho cháu!” hoặc : “Em phải tin rằng đó chỉ là hiểu lầm để tha thứ và thông cảm cho anh”.., Hihi! Nhưng cái nhập đề mới là thú vị, những người sống ở nông thôn, ít học, chân thật thường hay dùng chữ “Đầu thư” (cũng như khi kết luận hay dùng chữ “Cuối thư “ có khi thêm cả cụm từ “không gì hơn…”) và cũng thích nói văn hoa, ví dụ: mượn bút thay lời. Do vậy mới có chuyện vui là một anh đi bộ đội viết thư về nhà bắt đầu bằng câu Kg (kính gửi) bố mẹ yêu dấu, đầu thư, con mượn bút thay lời viết thư này thăm bố mẹ. Đứa em đọc tới đó, bà mẹ buộc đọc tiếp: mày đọc nhanh xem nó có gửi mì chính về được ít nhiều mà bảo là kilogram. Ông bố mới vừa nhả xong một hơi thuốc lào thì phán: Từ từ đã, mới mua cho một cây bút Hồng Hà trước khi đi mà lơ đễnh thế nào để mất giờ đã mượn bút (thay lời) của người ta rồi!!
Phần kết lá thư thường nhắc lại những vấn đề đã nói ở trước, nhấn mạnh thêm và nếu là với những người yêu nhau thì thường kết thúc bằng những câu : “Ngàn đời yêu em”, “yêu em mãi mãi” hoặc sến sến chút chút thì “Yêu em chết bỏ!”, với chuyện xin tiền thì “Đừng quên mẹ nhé”, “Quên thì chết con đấy nhé bố!” rồi còn chua thêm mấy chữ Tàu: “Thư bất tận ngôn”(2), chữ Việt hơi sến sến: “Giấy vắn tình dài!”
Có những khi thư viết đã xong, lại nhớ còn có việc quên chưa nói, phải viết thêm phần Tái bút. Nhiều người thấy rằng tái bút dài dòng viết ngay 2 mẫu tự liền nhau: PS dầu không biết đó là chữ viết tắt của một từ tiếng la tinh có cùng nghĩa: Post Scriptum.
Ngày xưa, thư tình thường được viết trên giấy có mùi thơm hoặc người viết tẩm nước hoa vào, nếu là loại đắt tiền thì hương thoang thoảng và chậm mất mùi, nếu là rẻ tiền thì mùi nặng, có người còn ép vào thư một bông hoa. Tôi không biết “Lá thư” trong nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn – Từ Linh thơm vì bỏ thứ gì vào mà ngào ngạt hương (Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương)? Dụng cụ đựng thư người ta gọi chung là bì thư nhưng cũng còn chữ dùng khác là bao thư, phong thư. Thời tôi đi học bì thư thường in hàng chữ: Par Avion hay Via Air Mail hiểu là thư chuyển bằng đường hàng không mà muốn được thế thì dán nhiều tem hơn. Bì thư thời VNCH rất đa dạng, sau này còn có hình phong cảnh đất nước, hình các loài hoa, góc trái trên In chữ Người gửi…., ở giữa in: Người nhận, lại có bì góc trái in From…, ở giữa in To … Bì thư nào không in thì người gửi thư tùy ý, thường với người có chút chữ nghĩa thường thấy ghi ở góc trái trên chữ Exp: …. Đó là chữ Expéditeur (tiếng Pháp) hoặc Expeditor (tiếng Anh) là người gửi. Giữa bì thư thì tùy quan hệ mà ghi: Kính gửi, thân gửi, mến gửi, thương gửi, gửi đến, thư đến, đôi lúc chỉ một chữ : Về hoặc: Thương gửi về… xập xí xập ngầu, đủ cả! Lâu rồi không dùng đến bì thư, không biết đã có thêm những đổi thay gì?
Ở trên, đã nói đến thư đầu tiên tôi viết, thư sau cùng (cho đến nay) tôi nhận được, có lẽ đây cũng là thư cuối cùng qua đường bưu điện, là thư một người bạn gửi từ Hà Nội đến Bangkok hai năm trước, cô bạn viết và gửi vì chìu tôi để anh biết nét chữ của em như anh yêu cầu. Trong thư cô than phiền là đã lâu không cầm bút, không viết thư trên giấy nên sau 3 lần viết, xé, cuối cùng thì hay dở gì cũng để y nguyên như vậy. Nhận được, tôi rất vui!
Có một thứ văn hóa không có sách vở nào dạy nhưng xã hội thừa nhận ngày ấy là Văn hóa thư tín . Thứ văn hóa này chi phối nhiều đối tượng: ngành bưu điện, bưu điện nơi đi, nơi đến, nhân viên phát thư, người nhận thư rồi chuyển giúp và cả người viết, người nhận… Ví dụ trả lời sớm một lá thư thăm hỏi của người lớn tuổi hơn, ngôn ngữ xưng hô với họ lễ phép là có văn hóa, thư tay nhờ chuyển mà dán bì, đọc trộm thư của người nhờ chuyển đều là những biểu hiện thiếu văn hóa. Luật pháp cũng bảo hộ sự an toàn thư tín với việc xử phạt những người cố tình xé thư người khác để đọc.
Ngày đi học, tôi sống ở cư xá, mỗi tuần vào thứ 3 và thứ 5 người phát thư bưu điện đến phát khoảng 10h30- 11h30 lúc sinh viên đã ở trường về, không khí những lúc đó đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố nhất là với những người trông giấy báo nhận tiền nhà gửi, mong thư người yêu mà lẽ ra đã đến từ tuần trước. Có người chờ hoài không có thư người yêu bỏ cơm trưa lên phòng đắp mền nằm, khi xuống mắt…đỏ hoe. Có người không bao giờ có thư lại thường ra phòng khách sớm chờ người phát thư đến, nhận hộ tất cả thư tình và thư thường, dùng thư làm vật trao đổi với café, thuốc lá, không thỏa thuận được, thế là đánh nhau!
Tôi thấy có người nhận thư, xé hoặc gỡ ngay phần keo dán, đọc vội đọc vàng rồi nhét vào túi. Tôi thì khác, nhận thư bất kể là gia đình, bạn bè hay người yêu, không đọc vội mà bình tĩnh (dầu rất nóng lòng muốn biết trong thư viết gì) quét phòng ở sạch sẻ, trải lại ra nệm trên giường cho phẳng phiu, xếp lại đống sách vở bừa bộn trên bàn học, đi rửa mặt rồi mới… ung dung đọc. Tuy cầu kỳ nhưng với tôi, là sự trân trọng người viết và cũng là một cái thú!
Ngày xưa, có người sưu tầm được nhiều bức thư tình viết hay và có ý nghĩa của những nhà văn, nhà thơ, danh nhân, tập hợp lại xuất bản thành sách tựa đề là “Những bức thư tình hay nhất thế giới”, tôi nhớ trong đó hình như có cả thư của hoàng đế Napoléon gửi người tình Joséphine của mình. Nhà toán học nổi tiếng Nguyễn Xuân Vinh cũng đã phát hành một quyển sách của ông, cuốn “Đời phi công” lấy tên tác giả là Toàn Phong, dưới dạng những bức thư của một phi công gửi cho người yêu của mình, quyển sách được rất nhiều người tìm đọc.
Khi viết lại những chuyện này tôi nhớ sau ngày đậu Tú Tài, đi Sài Gòn thi đại học, rồi lên học Đà Lạt, cô bạn gái ở gần nhà đang học đệ tam, quen biết chưa lâu, tôi lại học đệ nhị cấp xa nhà, chỉ về vào cuối tuần, ít gặp nhau nên giao tình chưa đậm xin địa chỉ tôi từ một đứa em họ, gửi qua bưu điện một lá thư viết rất ngắn gọn. Qua bao nhiêu dâu bể cuộc đời, không còn giữ được “thủ bút của tác giả” nhưng tôi vẫn nhớ như in những câu này: “Ở trường về thật buồn, chiều nay bỗng dưng nhìn về kỷ niệm nhiều hơn, niềm an ủi như có dịp vỗ cánh bay xa. Một lần nào đó, trong những ngày nắng hạ lên cao, nhìn dáng sắp đi xa và nghe nói sẽ viết nhiều. Tất cả giờ đây hiện về với khá nhiều mất mát. Nghe chừng như có một cái gì quý báu đang vuột khỏi tầm tay!” Khi nhận được thư này, tôi thấy lòng mình lâng lâng và tự hỏi: phải chăng đây là một thông điệp? Có phải đây là một lá thư tình? Và nếu đó là thư tỏ tình thật thì chính là thư đầu tiên tôi nhận được trong đời, tuổi mười chín!
Có một chuyện tiếu lâm tôi đọc được hồi nhỏ kể rằng, ngày xưa, lính tiền đồn thường rất mong nhận thư và siêng viết thư cho gia đình, cuối tuần, trong đơn vị có người gom hết thư đem về bỏ thùng thư bưu điện ở phố. Có anh lính nọ gặp hoàn cảnh mẹ ruột và vợ sống chung nhà nhưng không hòa thuận với nhau. Do vậy, anh luôn tìm cách dung hòa tình cảm giữa mẹ và vợ. Ngày cuối tuần kia, người nhận thư cho đơn vị đến nhận và đi gấp để kịp xe, anh luống cuống thế nào bỏ nhầm thư cho vợ vào bì của mẹ và thư cho mẹ vào bì của vợ. Khi thư đến nhà, người vợ đọc được có đoạn rằng: “Mẹ ơi, con biết rằng mẹ rất buồn khi phải sống với một con dâu hư thân mất nết và hỗn láo. Nó có gì không phải, mẹ nhớ lấy để ngày về phép, con đập một trận cho nó biết thân để mẹ vui mẹ nhé!”. Trong khi đó, người mẹ đọc được một đoạn rằng: “Em yêu dấu, thật bất hạnh cho em khi phải làm dâu vào một gia đình có mẹ chồng hắc ám như mẹ anh, anh cũng chẳng vui thú gì, chỉ biết ngày đêm cầu nguyện cho bà ấy sớm chết đi để vợ chồng mình sống hạnh phúc và thanh thản với nhau!”. Không nói tiếp thì người đọc cũng biết kết cục chuyện này khi người lính về phép.
Không hình dung được khi việc gửi thư qua đường bưu điện mất hẵn thì xã hội sẽ buồn thế nào? chỉ biết rằng ở bưu điện các tỉnh thành, “ngành viễn” đã phải nuôi “ngành bưu” từ nhiều năm nay. Việc in tem thư sẽ ít dần, khi phát hành các bộ tem mới không còn đóng dấu ngày phát hành đầu tiên cho những người sưu tầm và việc chơi tem, một thú vui tao nhã, bổ ích cũng sẽ không còn ai biết đến, nghề viết thư thuê mà ta thường thấy ở Bưu điện Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trước đây không còn nữa. Con người không còn được sống với cảm giác lâng lâng khi nhìn thấy nét chữ người thân yêu mà hình dung ra khuôn mặt và tâm trạng của họ khi nắn nót viết cho mình, thay vào đó là những font chữ vô hồn của máy tính, Ipad, cell phone… Cho hay, để xã hội ngày càng đi lên, cần chấp nhận rằng để được cái này phải mất cái khác!

Chú thích
(1).Dân quê các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú hay dùng chữ lá thơ. Lúc nhỏ tôi nghe câu hát ru con này: “Buồn tình cha chả buồn tình/ Không ai đi Huế cho mình gởi thơ/ Gởi thơ ra thăm cha ngoài Huế/ Gởi thơ về thăm mệ Quảng Nam” (gởi thơ = gửi thư, mệ = mẹ) hoặc “Thương chi cho bõ công trình/ Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ/ Bơ vơ thì mặc bơ vơ/ Nẫu về xứ nẫu viết thơ cho mình” (nẫu = họ, người khác, từ địa phương Phú Yên)
(2). Có lẽ người ta dùng nhầm, chữ “thư” trong câu này là sách (thư viện) hơn là lá thư.

NGUYỄN HOÀNG QUÝ

TẢN MẠN VỀ HUẾ CỦA ANH “HỌC TRÒ TRONG QUẢNG”

nguyenhoangquy

1. Khi nói về cái nhìn của chàng học trò xứ Quảng với những người đẹp đất thần kinh tôi nghe nhiều lần hai câu: Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
Có lẽ vì mặc cảm thua sút, thấp cơ so với người đẹp, chàng học trò xứ Quảng nói lại bằng cách thay chữ “Thấy” bằng chữ “Mấy” để vớt vát: Học trò trong Quảng ra thi
Mấy cô gái Huế chân đi không đành.
Tôi là dân Quảng, nhìn nhận theo cách riêng và thuần cảm tính của mình, rất khách quan và thật lòng, vẫn nghiêng về hai câu trước ít nhất là dựa trên sự chiêm nghiệm của mình trong 5 năm sống và học hành ở Huế chỉ vì một điều rất dễ hiểu là tôi đã ở vào tình trạng “chân đi không đành” khá nhiều lần!.
Cho đến bây giờ, đã bốn mươi năm xa Huế, hẵn là hai chữ “thấy” và “mấy” vẫn là vấn đề tiếp tục được nói đến, được mổ xẻ để giành phần hơn cho trai Quảng hoặc gái Huế. Không chắc rằng hai câu này có phải là ca dao hay không, tôi gõ câu đầu vào Google, không tin được là tôi nhận được 4.590.000 câu trả lời chỉ trong 0.55”!.

2. Tôi đến Huế hai lần năm lên chín, một lần theo mẹ thăm người quen và lần khác thăm cha tôi bệnh điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, tôi cũng sống với Huế cùng nhân vật trong truyện “Trong gia đình” được phóng tác từ “En Famille” của Hector Malot lấy bối cảnh không gian là Huế, một lần ở lại mấy ngày trong trường NHSQG bên đường Ngô Quyền khi thăm chị tôi làm việc ở đó và thực sự sống nhiều năm ở cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng số 127 đường cùng tên, ngày xưa còn có tên là đường Hàng Bè. Địa chỉ này là tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc này đang được quản lý bởi Hội Ái hữu Đồng châu QuảngNam tại Huế do ông Nam Thiên có nhà trước cửa Thượng Tứ phụ trách.

Sinh viên cư xá dưới 40 người gồm dân các quận của Quảng Tín, Quảng Nam và Đà Nẵng, mỗi năm chừng bốn năm người ra trường, cư xá lại nhận thêm con số đó thay vào. Năm năm sống ở cư xá tôi hiểu tính cục bộ địa phương trong tâm tư chàng sinh viên xứ Quảng, một số người là dân quận huyện, thời gian đầu chưa am hiểu nhiều về đất và người của Huế nên khá mặc cảm, nhất là trước các cô gái Huế, chưa nói đến những Tôn Nữ con nhà!

3. Gần bốn mươi chàng trai đó sống ở cư xá cả trên dưới lầu mỗi tầng hai dãy giường có lối đi ở giữa, hai người một ô, mỗi dãy bốn ô, tính chung một tầng là 16 người, có thêm một gác xép và một phòng nhỏ sau phòng khách khoảng 8 người nữa. “Cơm đùm gạo bới” đi học nên chỉ tập trung vào việc dùi mài kinh sử, lộ trình chính là từ nơi ở đến trường và ngược lại, thời gian đầu thường ngại tiếp xúc ngoại trừ bạn cùng lớp trong khoa. Tuy vậy, máu Quảng Nam vẫn rần rật trong tư tưởng họ, có lần, ngồi hóng mát trước hành lang phòng khách cư xá, sát lề đường, chứng kiến hai anh bạn chọc ghẹo hai cô gái đi qua, tôi can không kịp vì việc này luôn được Ban Đại diện cư xá nhắc nhỡ thường xuyên trong các buổi họp thường kỳ: không nên để dân địa phương đánh giá thấp sinh viên nội trú và có những việc làm khiến cư xá nói chung và sinh viên Quảng Nam nói riêng mang tiếng xấu. Các cô gái có lẽ từng gặp chuyện này nên thủ sẵn vũ khí loại hàng độc, khi bị chọc, một cô nói ngay: Chiếu không? đó là từ người Quảng Nam cho là bị xúc phạm vì khi người Huế chê dân Quảng thì thường dùng ba chữ mang tính miệt thị: dân bán chiếu. Tôi chưa gặp nhưng nghe nói là có rất nhiều người dân Quảng gánh chiếu đến các vùng quê và cả đi vào các ngỏ hẽm phố phường để bán. Hai anh bạn này là sinh viên năm hai, có lẽ do đàn anh truyền kinh nghiệm nên hỏi ngay: Bán chiếu để trãi dưới đò à? Ác đến thế, đốp chác đến thế là cùng!

Từ thập niên 70, bên tả ngạn sông Hương có 34 vạn đò sống trên sông nước với nhiều nghề nghiệp khác nhau,từ Phu Vân Lâu, Thương Bạc xuống đến chợ Đông Ba, rẽ về sông Đông Ba có một số đò là nơi kinh doanh thân xác phụ nữ phần lớn phục vụ khách làng chơi là những người lính về từ “địa đầu giới tuyến”. Dân Huế nói chung và phụ nữ Huế nói riêng, tôi biết, không chấp nhận chuyện này! Đò Huế không còn là nơi để những đêm trăng sáng, chèo ra giữa sông Hương nghe câu “mái nhì mái đẩy”, không phải là nơi bạn bè tri kỷ gặp nhau cùng ngược dòng Hương Giang vừa thưởng thức khúc “Nam ai Nam bình” vừa uống rượu ngăm trăng, qua khỏi Tuần đến Tả Trạch Hữu Trạch tìm mùi thơm của hoa Thạch xương bồ, mùi thơm khó quên nên người Pháp đặt tên sông là Rivière de Parfume mà đò Huế trở thành chốn Bình Khang được biết đến trên cả nước không khác gì “Number 9” thường nghe gọi là “năm bờ nay” tức cây số 9, Cam Ranh.

4. Không có số liệu chính xác về số sinh viên Quảng Nam học ở 5 khoa của Đại học Huế, những người học ở trường Cán sự Y tế, Nữ hộ sinh Quốc gia hay Trung học Nông Lâm Súc, những trường không mở ở Quảng Nam Đà Nẵng nhưng nếu tính cả vào lúc tôi ở Huế sẽ có con số phỏng chừng dưới 200. Cư xá Nam Giao, Đội Cung, Xavier, Jeanne D’Arc, Huỳnh Thúc Kháng, cư xá của hai trường y tế là những nơi cư trú của họ trong những năm đi học, số còn lại thuê nhà ở hoặc dạy kèm ở ngoài. Năm năm tôi sống ở nơi này, chưa nghe thấy ai có đóng góp hoặc cống hiến gì nổi bật ở các trường hay trong các hội đoàn ngoại trừ đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh chống Mỹ của các đô thị miền Nam mà cư xá tôi ở, con số tham gia lên đến gần chục người! Có lẽ lo học nhiều nên kết quả của các chàng sinh viên xứ Quảng khá khả quan và điều này làm họ lọt vào mắt xanh của những người đẹp, khóa Huỳnh Thúc Kháng của tôi cũng có người rước được người đẹp về làm dâu đến tận Tam Kỳ!

5. Khá nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu người Huế đã viết về tình thương yêu và nhớ nhung của họ khi sống xa thành phố nắng nẻ đất, mưa trắng trời này, đó là giáo sư Cao Huy Thuần, là giáo sư Nguyễn Tường Bách, là nhà văn Trần Kiêm Đoàn… Ngày tôi về thăm Huế, Thanh Nhã tặng mấy cuốn sách trong đó có “Từ ngõ Huế xưa” một quyển sách chọn lựa những bài hay nhất về Huế của Trần Kiêm Đoàn, bài nào đọc cũng không thể không xúc động, trong bài Mưa Huế (trang 36) anh trích một đoạn trong Nhớ Huế (năm 1995) của nhà văn Nguyễn Mộng Giác mà anh dùng là “người bên kia đèo Hải Vân” như sau: “Mưa tê tái, mưa lạnh lùng nhưng ngay trong cái tê tái nhợt nhạt ấy, Huế vẫn cứ thơ…Tình yêu của Huế không cần viện đến nắng vàng, trời trong, mây xanh.
Ủ dột u ám cũng có nét đẹp của nó”.

Bạn bè tôi, những con dân sinh ra và lớn lên trên đất thần kinh luôn âm ỉ trong lòng một niềm tự hào về đất và người xứ Huế, nơi đã là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng: nhà Nguyễn, cũng không ít người khi nghe ai đó ngợi ca Huế đã có những phản ứng trái chiều dầu những ngợi ca đó được số đông ủng hộ vì đã có cái nhìn sâu sắc đến mức có thể đi vào văn học sử như hai câu nổi tiếng của nhà thơ Thu Bồn:
Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Hay: Huế đẹp, Huế thơ, Huế mơ, Huế mộng họ liền thêm vào 5 chữ đầy ác ý và giễu cợt, chưa bàn đến đúng, sai: Huế tộng bộng hai đầu!
Lại nữa, từ câu ca dao về sông Hương núi Ngự như :
Núi Ngự bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đực mưa trong.
Họ trả lời ngay: Núi Ngự không cây chim ngủ đất
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời

6. Hồi sống ở cư xá, có lần tôi được nghe một đàn anh kể lại một chuyện tình trai Quảng – gái Huế, không cần thẩm định mức độ khả tín của câu chuyện nhưng tôi biết anh và không tin đây là chuyện đùa. Anh kể rằng, có một chàng trai Quảng ra học đại học, ở trọ và kiếm tiền phụ thêm tiền nhà chu cấp hàng tháng bằng việc kèm trẻ (hồi ấy gọi là précepteur). Không rõ nhan sắc và sức học của cô học trò thế nào nhưng cô là con của một chủ tiệm buôn lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Có tình yêu nảy nở sau quan hệ thầy trò này không hay chàng trai này có ý “đào mỏ” hau không cũng không rõ nhưng một thời gian sau cô học trò này… có bầu! Cha cô bé đề nghị chàng sinh viên làm rễ mình, sẽ tổ chức một đám cưới xứng tầm với gia sản và vị thế của ông trong giới doanh nhân và hứa hẹn sẽ cho hai vợ chồng trẻ một căn nhà riêng trong phố. Chừng như ý thức được “thế thượng phong” của mình, chàng trai đòi hỏi thêm một chiếc xe hơi và vốn liếng. Ở đời, “già néo đứt dây”, sau nhiều lần “đàm phán” không tìm được mẫu số chung, ông chủ quyết định đưa con vào Sài Gòn sống chờ ngay sinh nở. Không biết “cái hậu” thế nào, những nhân vật trong chuyện này ra sao nhưng nếu là chuyện tình thì nó thiếu cái happy end!
Các bậc tiền bối Quảng Nam ra học, ở lại làm quan, làm việc ở Huế nhiều thế hệ khác nhau đã có nhiều đóng góp cho triều đại nhà Nguyễn, cho Huế nhưng đọc một bài viết của tác giả Phạm Phú Phong (1) tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng về việc đối xử của chính quyền hiện tại với những danh nhân, những di tích liên quan mà nơi tôi ở, cư xá SV Huỳnh Thúc Kháng ngày xưa bây giờ hoang tàn đổ nát vì chính quyền giao cho Đại Học Y làm nơi ở của cán bộ, họ cơi nới, chia nhỏ, thậm chí có người dùng cho thuê mặt bằng buôn bán là một thực tế đắng lòng!

Sau Mậu thân, Huế đổ nát, điêu tàn do bom đạn, Huế tang thương với hàng ngàn vành tang trắng do thành tựu “giải phóng” qua các mồ chôn tập thể, coi phóng sự trên tivi về các buổi khai quật những mồ chôn này, phóng sự luôn kết thúc bằng bản nhạc “Thương về cố đô” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà mỗi lần nghe, tôi nhớ – dầu chỉ mới đến Huế vài ba lần – minh đã không cầm được nước mắt!
Sau này, khi lập gia đình, tôi lại lần nữa gắn bó với Huế tuy vợ tôi chỉ lớn lên ở Huế từ thuở lên năm lên sáu. Và bởi đó, tôi luôn giữ trong tim lòng biết ơn xứ Huế nơi một anh, một chị tôi đã học và làm việc, nơi cha tôi trút hơi thở cuối cùng, nơi tôi sống suốt thời sinh viên sôi nổi, nơi tôi đã không ít lần thấy lòng mình dậy lên những xôn xao về một nét đẹp Huế, một giọng nói Huế, một ánh mắt Huế, một tấm lòng Huế… cho tôi nhiều người bạn Huế vô cùng dễ thương và sau cùng, ít nhiều cũng cho các con tôi một …chút chất Huế trong người.

NGUYỄN HOÀNG QUÝ

NHỚ… TỪ MỘT LẦN COI PHIM.

nguyenhoangquy

Sau cuộc tấn công đợt 2 Mậu Thân, nhà tôi cháy rụi. Khi lên Đà Lạt học, tôi phải xin tá túc ở nhà cô tôi ở cuối đường Phan Đình Phùng. Mỗi chúa nhật, tôi và người em họ ra phố đều nhìn thấy những hình ảnh oai hùng và đẹp mắt: sinh viên sĩ quan (SVSQ) trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam và trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị đi phố cuối tuần!

Thỉnh thoảng tôi cũng gặp người cháu gọi bằng cậu đang học khóa 25 trường Võ Bị ghé thăm. Cháu lớn tuổi hơn tôi, con đời trước của chồng người chị cô cậu nhưng xưng hô với mọi người trong gia đình tôi như các cháu con đời sau của anh chị. Khi lên học Đà Lạt ghé thăm cô dượng tôi cũng xưng hô với cô dượng bằng ông bà, các em tôi bằng cậu dì, như ruột thịt.

Nhân coi phim The Longest Day, đến đoạn người con trai tướng Eisenhower xin ra chiến trường sau khi trị thương ổn định, chỉ huy của anh ta không bằng lòng vì chưa thể chiến đấu như người bình thường được. Vợ tôi bảo: đâu phải con ông Tướng muốn gì cũng được! (dầu là muốn đi chiến đấu) trong khi ở Việt Nam thì …??
Chuyện lan man với vợ làm tôi liên tưởng đến người cháu dễ thương đã quá cố này, đến những kỷ niệm với cháu hơn 45 năm trước ở Đà Lạt. Sáng nay, lại đọc trên BM blog bài viết “Chuyện ở Học viện Quân sự West Point”. Rất thú vị và điều này thúc đẩy tôi viết lại vài hàng những kỷ niệm với cháu và những điều tôi biết về trường.

Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam nhận sinh viên đã có bằng tú tài II, trúng tuyển sau khi thi đậu vào trường, có thời kỳ phải vượt qua cả kỳ thi vấn đáp (Oral). Khóa sinh được gửi học ở quân trường Quang Trung Sài Gòn 3 tháng để tiếp thu phần huấn luyện cơ bản. Quang Trung là TTHL cho tất cả những người lính bình thường!

“Sau khi xong ở Quang Trung, bọn cháu (khóa 25) được xe đón về trường ở Đà Lạt để học chính thức. Khi xe vào đến cổng trường, một lễ đón tiếp tân khóa sinh diễn ra long trọng, có cả quân nhạc oai hùng, ai cũng rơm rớm nước mắt, cứ như tổ quốc đã giao vận mạng đất nước vào tay mình nhưng khi vượt qua bảng ghi khẩu hiệu “Tự thắng để chỉ huy” trước cổng, lệnh từ chỉ huy ban xuống: “Vất ba lô, tất cả chạy quanh vũ đình trường ba vòng!”. Ba vòng vũ đình trường là 3 cây số! Và từ đó, bắt đầu thời kỳ… huấn nhục”diễn ra trong 56 ngày với những thử thách cực kỳ cam go mà nếu không dốc lòng chắc khó mà tồn tại”. Cháu kể cho tôi nghe những ngày mới về trường như thế. Có lần, cháu ghé thăm, khi tôi lấy xe đưa về, cháu giành chạy xe, tôi bảo, đường lạ để mình chạy, cháu bảo SVSQ Võ bị không để người khác chở trừ phi là những người cùng trường. SVSQ cũng không được đi xe lam, không được ngồi quán cóc, không ăn uống ở lề đường, ở các quán xá bình dân mà phải vào nhà hàng, tiệm ăn sang trọng. Đó là tinh thần “Tự thắng để chỉ huy”, tôi nghe mà ngạc nhiên pha lẫn thích thú.

Mỗi cuối tuần, phố phường Đà Lạt bỗng đẹp thêm và sang trọng nhất là khu Hòa Bình nhờ có các SVSQ vừa VBQG vừa CTCT đi phép. Nghe kể mỗi sinh viên đều có bốn bộ complet là lễ phục gồm 2 bộ tiểu lễ và 2 bộ đại lễ, hai cho mùa đông và hai cho mùa hè. Chỉ đến khi SV xong thời kỳ huấn nhục, được “gắn alpha” thì mới được đi phép ra phố với lễ phục, mới “được tôn trọng” như con người, mới được cư xử theo hiến pháp và luật pháp. Còn huấn nhục thì cứ gọi là bị đày đọa đến cùng và bị ít nhiều là tùy …hên/xui.
Chuyện bị sĩ quan chỉ huy hay huấn luyện viên phạt là bình thường nhưng việc bị khóa đàn anh phạt mới là cắc cớ, mới là kinh hoàng, là ác mộng, và việc này có thể xãy ra ngay trong tiệm ăn, nhà hàng, giữa khu Hòa Bình Đà Lạt, năm hai phạt năm một, khóa 24 phạt khóa 25 là …chuyện thường.

Sau Mậu thân, do tình hình an ninh sau biến cố này, các trường khuyến cáo SVSQ không nên đi quá Ngã Ba Chùa trên đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng cũng thế.

Có lần tôi theo cháu vào thăm trường, cậu cháu vào câu lạc bộ uống café, khi vào nơi này phải đi ngang nhà ăn, ở đó treo tại các vị trí trang trọng ảnh của các khóa sinh từ khóa I là những vị tướng nổi tiếng và đang tại nhiệm của quân lực VNCH. Cũng ở nhà ăn, cháu kể khi ngồi vào bàn ăn, từ động tác bưng chén cơm, đưa vào miệng đến đặt lại xuống bàn đều phải theo hình thể hình học và theo các phương vuông góc với nhau. Không hiểu người ta thực hiện việc này nhằm mục đích gì nhưng nghe kể thật là thú vị và điều này giúp người nghe hình dung được hình ảnh người sĩ quan quân lực VNCH mang lon thiếu úy khi ra trường!.

Từ ngoài cổng đi vào, ghi nhận đầu tiên và cũng là sự thán phục của tôi là mọi nơi đều sạch sẻ, ngăn nắp, nhà cửa, phòng học, đường đi lối lại được bố trí ngay ngắn, sạch đẹp hơn cả công viên và chắc chắn đây là do bàn tay chăm sóc của khóa sinh (chỉ khi so sánh với hai nơi tôi đã từng biết: Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn ở Ninh Hòa và Trung tâm Huấn luyện Đống Đa ở Phú Bài – Huế).
Cháu cũng được nghe các niên trưởng kể lại rằng đêm trước ngày làm lễ ra trường cho các khóa tốt nghiệp, các SVSQ trực ở Đài Tử Sĩ giữa khuya thường nghe tiếng chào nhau, tiếng chân mang giày đi trận về đi rầm rập nhưng không thấy người, hỏi đơn vị trước đây của nhau của vong hồn các sĩ quan đã tử trận nên ai cũng sợ phải trực ở đó! Không biết thực hư thế nào?

Chuyện tôi được nghe kể nhiều, không chỉ riêng từ cháu là nội dung đào tạo và áp lực khi học trong trường. Từ năm 1966, trường VBQGVN thực hiện học trình 4 năm, bằng tốt nghiệp được công nhận có giá trị như bằng cử nhân dân sự nhưng tôi biết, khi ra trường họ là một sĩ quan đa năng đa hiệu, biết lái xe, biết chèo thuyền, biết sữa chữa nhỏ khi xe hay ca nô hỏng hóc, biết nhảy đầm, biết mưu sinh thoát hiểm, biết tổ chức một chương trình văn nghệ hay một đêm vũ hội hóa trang…Điều này làm tôi liên tưởng đến trường Võ bị West Point ở Mỹ và khi tìm hiểu thì đúng là trường học tập mô hình đào tạo của West Point. Mời bạn đọc những trích đoạn này trên BM blog:
“Ở Mỹ nghe ai nói tao từng học ở West Point, người ta nhìn mình từ trên xuống dưới, như 1 thực thể lạ, một con người hoàn hảo. Không xếp hạng được vì nó không có thể có tiêu chuẩn để xếp”
.
“Chương trình học từ thiên văn vũ trụ đến cách bắt tay, cách uống rượu vẫn tỉnh táo, cách gấp mùng mền chiếu gối đến tranh luận các tác phẩm của Victor Hugo. Trên thông thiên văn, dưới tường địa chất, giữa thấu nhân tâm”.

“Ở West Point, có một slogan là cứ đưa cho tôi một người không phải tâm thần, tôi đều có thể đào tạo thành 1 công dân ưu tú”.

Trích dẫn trên làm tôi liên tưởng tới slogan chữ to đặt ngay trước trường Đào tạo Người nhái ở bán đảo Cam Ranh trước 1975 đại để là: “Việc gì người thường không làm được, người nhái phải làm được!”.

Tôi không ở gần cháu được lâu vì không còn học ở Đà Lạt năm sau nhưng sau này nghe gia đình kể lại rằng, trước ngày ra trường, người anh em cột chèo với ba cháu là một dân biểu có thế lực ở Sài Gòn có nhã ý đề nghị vận động cháu về làm việc ở Nha Quân pháp bộ Quốc Phòng để khỏi đi chiến đấu nhưng cháu lễ phép cám ơn và từ chối với lý do là không thể phụ lòng tin và mong mỏi của trường. Cả nhà không đồng tình nhưng nễ cháu và không tiếc lời ca ngợi nhà trường.

Ra trường, cháu về đơn vị tác chiến của SĐ2 BB (đóng ở Quảng Ngãi mà mùa hè đỏ lửa 1972 cũng đã xãy ra những trân kịch chiến với Bắc quân), đó là điều mà cháu lấy làm tiếc vì khi ghi danh vào các binh chủng lừng danh như Thủy quân luc chiến, Biệt động quân, Nhảy dù…đã có những đồng môn đỗ cao hơn chọn trước và hết chỗ! Khi cuộc chiến kết thúc, cháu đã mang quân hàm đại úy. Đẹp!

Sau 1975, khi cháu đi tù về, thỉnh thoảng tôi có gặp đôi lần, vẫn như xưa với nụ cười hiền và mắt sáng khi cười, vẫn lễ phép, nhã nhặn, sau đó lại nghe cháu về Sài Gòn làm việc cho một HTX của bạn cùng khóa, hợp tác xã này ưu tiên và ưu đãi cho tất cả đồng đội ở tù về. Sau này, rất vô tình, tôi lại gặp một cựu sinh viên khóa này ở thị trấn tôi làm việc, vậy là anh ta gọi tôi bằng “cậu” và kể lại câu chuyện trên cùng những chia sẻ về sau khi cháu bệnh ở Sài Gòn rồi qua đời và khóa 25 đã giúp đỡ vợ con cháu như thế nào.

Vẫn biết rằng, “La comparaison n’est pas raison” (mọi sự so sánh đều khập khiểng), đem so sánh trường West Point thành lập từ 1802 với trường VBQGVN ra đời ở Đập Đá, Huế năm 1950 (nhưng chỉ với học trình 9 tháng rồi tăng dần lên 4 năm từ năm 1966) là không ổn nhưng tôi nghĩ, sinh viên VBQGVN cũng không khác gì West Point như mô tả dưới đây:
“Nhìn các học viên WP đánh đàn, nhảy, khiêu vũ, võ thuật, hát, ảo thuật, thám hiểm, vẽ…hay thậm chí tỉ mỉ ngồi cắt tỉa giấy để rèn luyện đôi tay khéo léo, bạn sẽ thấy mình sẽ phải cố gắng thật nhiều. Một ngày chỉ có 24h, là công bằng cho tất cả mọi người. Chúng ta phải ngủ 6-8 tiếng, ai cũng chỉ còn 16h trong ngày. Nên phải chia ra, làm gì, học gì trong quỹ thời gian ít ỏi đó. Một WPer nếu sáng sớm không nộp được bảng mô tả công việc trong ngày (daily to-do list) cho bạn trưởng nhóm, thì coi như nắm chắc suất cuốn gói về quê”.

Với tuổi đời chỉ ¼ thế kỷ, chương trình và nội dung đào tạo lúc đầu theo mô hình Pháp rồi Mỹ nhưng trường đã góp phần không nhỏ cho sự lớn mạnh và làm rạng danh quân lực Việt Nam Cộng Hòa với những chiến công lẫy lừng của những sĩ quan đã từ đó ra đi, đã làm những cố vấn Mỹ và sĩ quan đồng minh chiến đấu chung chiến hào không tiếc lời ca ngợi và người của “bên thắng cuộc”… sau khi chiến tranh chấm dứt vẫn còn nễ phục kể cả khi họ chỉ là một tù nhân đang bị đày đọa trong các trại tù.

NGUYỄN HOÀNG QUÝ