VÙNG ĐẤT ĐÃ NGỦ YÊN

vukhue

(Ký sự)
Hẹn chị tại quán cà phê Hồ con rùa! Tôi dân Nha trang, mới từ công trường Tây Ninh về. Chị cũng dân ngoài đó, vào Sài Gòn được mấy hôm, thăm đứa con học trong này. Sài Gòn mùa này đầy nắng, nắng vàng choáng. Vừa bước chân ra đường như hớp phải ngụm bia nóng. Tháng mười hai, mới chín giờ sáng! Thành phố đã giãy nãy trong cái nắng .
Hai mái đầu đã lốm đốm bạc. Người ở ngưỡng năm lăm. Kẻ ngưỡng năm mươi. Hai ly cà phê đá, quán cà phê góc phố, hai kẻ lữ hành ngồi khảo chuyện đời. Ngẫu nhiên câu chuyện lại lạc vào đề tài Nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Chị bảo: “_ Thôi xuống đó ! Đi cho biết!”. Thế là đi…. Đối với chúng tôi, những người ở lứa tuổi ngũ tuần , cuộc chiến đã lùi xa gần bốn mươi năm!
****
Xa lộ Biên Hòa nay đã mở rộng, nhưng cũng không đủ chỗ cho lưu lượng giao thông dày đặc. Làn xe cộ và dòng người mưu sinh như bất tận. Không gian ồn ả tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng người…Dư vị cuộc sống chảy tràn trên mặt đường, len lỏi cả vào những ngóc ngách hai bên đường, dồn ứ ở mỗi ngã tư khi ngọn đèn giao thông có tín hiệu màu đỏ. Dưới cái nắng gắt gỏng của buổi trưa, từng cột bụi như được khuấy lên.
Xuống đến chân cầu Biên Hòa, ngược lên lại, chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ có tên Thống Nhất. Nhà cửa hai bên đứng san sát. Thỉnh thoảng một nhà cao tầng vụt lên, vẻ sung túc. Phía bên trái có một cơ xưởng lớn của Xí Nghiệp Ô tô Sài gòn. Chị ngồi sau bảo “_ Gần mười hai giờ rồi! Tới thắp nhang giờ này mới linh!” . Tôi cười khì, miệng đắng vị bụi.
Con đường láng nhựa dài khoảng bốn trăm met dẫn đến một ngã ba. Một hàng dài bốn, năm chiếc xe container đang đậu ven lề. Gần như khuất lấp trong những tán lá xà cừ rũ xuống, là mái vòm của cổng Tam Quan với hàng chữ Đền Tử Sĩ, thiếu mất chữ Ư, hiện diện như một định nghĩa của phế tích và thời gian.
Để chị một mình loay hoay với cái máy hình, tôi dắt xe vào cái quán gần đó gửi , tiện thể lấy bó nhang. Khoảng bốn, năm thanh niên; có lẽ là cánh tài xế, đang túm tụm ăn trưa. Thấy tôi bước vào đánh tiếng, họ ngước mắt nhìn. Ánh mắt khác lạ! “ Lên đồi hả?” Anh chủ quán với giọng Bắc hỏi. “_ Dạ, gửi xe đây tí nghe anh?”. “_ Ừ, cứ để đó không sao đâu!” Người chủ quán nói.
1. Đền tử sĩ và thảm lá vàng
Bước qua cổng Tam quan, cái cổng lớn mang lối kiến trúc cổ của những đình chùa Việt, được cách tân bằng những cái trụ vuông vức. Màu sơn hiếm thấy. nâu đỏ, tiệp với màu đất, trông như còn mới. Đọ sức bền bỉ với mưa nắng, thời gian, va chạm.
Không khí mát mẻ hẳn so với bên ngoài bởi tán của những cây xà cừ cao vút, đứng vững chãi. Tàn cây rộng , tỉ mẩn chắt lọc ánh sáng mặt trời để làm nền cho một bức họa u trầm .Trên những bậc cấp dẫn đến đền Tử Sĩ trên kia, là thảm lá vàng, khô ròn. Bước chân chúng tôi, gây nên những âm thanh lách tách, nhè nhẹ. Bao lâu rồi? Bao nhiêu chiếc lá cho tấm thảm dầy thế này. Không ai nói lời nào. Cứ miên man, miên man tựa đang bước lên thời gian…..
Đền Tử Sĩ hiện ra thấp thoáng, sau những tàn lá, như một ngôi chùa cổ. Tuy cấu trúc còn tráng kiện với sứ mệnh gánh vác nhưng không phủ nhận được một vẻ ngoài nhem nhuốc, bỏ phế và đã lâu không được bàn tay con người tu bổ. Một vài trụ bị sứt mẻ do tác động .Những bức vách được xây lên để làm nơi trú ngụ. Sự hiện diện của con người qua chiếc chiếu manh, chiếc võng rách bên ngoài, chiếc nón bảo hiểm chõng chơ cho thấy gia chủ cũng thuộc hạng “tứ cố, vô thân”. Trên bức tường phía ngoài nghệch ngoạc một bài thơ vô đề, như một cảm tác về thân phận, cuộc sống và cái chết.
Qua cánh cửa bằng hẹp bằng gỗ , sơn xanh, có những lá sách xếp chồng_ dạng cửa đã xưa, chúng tôi bắt gặp một chiếc bàn lớn. Trên có một bình bát, chi chút những chân tăm đầy bụi bặm. Sàn nhà trên lớp gạch bông, cũng đầy bụi. Vài mảnh giẻ rách vương vãi. Trong góc , dăm ba cái trang thờ thần tài, ông địa; có lẽ của những người dân địa phương đem lên bỏ đây. Căn phòng bụi bặm đóng dày. Bụi bặm khỏa lấp tất những gì chúng tôi những tưởng háo hức mong gặp. Bụi bặm không lơ lửng . Bụi bặm đã lắng xuống theo thời gian, . Bụi bặm ru ngủ cảm xúc, lý trí. Nơi đây, chúng tôi bắt gặp sự yên ngủ của vạn vật. Không gian tịch mịch_ Không cơn gió thoảng. không một tiếng chim, con sóc…Những chiếc lá vàng chao mình không trọng lượng, mất khoảng thời gian khá lâu trước khi trở về cội đất và những hạt bụi nhỏ nhoi trong cấu trúc tế vi, dường như cũng tìm được sự bình an của mình sau hành trình dài kiếp nhân sinh, đầy sự hỗn loạn của bao biến cố…
Chúng tôi đi loanh quanh ngôi đền một lúc. Tay sờ vào những vết sứt mẻ của từng chiếc cột. Miết đi miết lại dấu vân tay của mình trên những phiến đá mòn lẳn. Chị chỉ lên những chấm tròn đỏ trên trần ngôi đền, hỏi “_ Những chấm này mang ý nghĩa gì nhỉ?”. Tiếng chị nhỏ, nhưng âm thanh vang khá xa. Một thoáng, bài thơ của tác giả vô danh trên bức tường bất chợt quay về :
“ Sinh ra trong đời cùng vạn vật
Tách lìa sao đặng mọi chúng sanh…”
Biết là thế, nhưng tận sâu thẳm, chúng tôi vẫn cầu mong không một sự xáo trộn nào cho vạn vật nơi đây_ trên ngọn đồi cô độc, dường như bị bỏ phế này. Vì cả thế hệ chúng tôi_ những đứa trẻ mới chín ,mười tuổi khi cuộc chiến chấm dứt, cũng hiểu được rằng, tất cả đã quá nhọc nhoài!
….

2. Thanh gươm gãy và ngôi mộ người lính vô danh:
Chị nói linh thiệt ! Đúng mười hai giờ bọn tôi mới có mặt trước nghĩa trang nhân dân Bình An. Chuyện đăng ký rườm rà với tay bảo vệ ngoài cổng, phải mất hơn mười phút sau chúng tôi mới được phép vào.
Một khoảng đường tráng nhựa đưa chúng tôi vào thẳng Nghĩa dũng đài. Quầng khăn tang vẫn còn , hoen màu rêu nhưng thanh gươm đã gãy. Đứng từ xa, thanh gươm còn một nửa, hướng lên bầu trời xanh, mang nỗi bi tráng của kẻ ngã ngựa. Chếch tí về phía tay phải là một tấm bia bằng đá đen khá lớn còn mới, một lư hương cao cỡ tầm người được sơn thếp vàng, một hương án và hai bên là hai bình hoa còn tươi . Mấy bậc tam cấp dường như cũng vừa được trùng tu. Bên trong Nghĩa dũng đài, những khóm cây không tên và loại trâm ổi được trồng, khoe sắc sặc sỡ dưới cái nắng. Chừng như tất cả có bàn tay con người chăm sóc thường xuyên. Lên đến thềm đá, chị dừng lại bảo : “ Thôi, mình đốt nhang đi !”.
Nghĩa trang được chia làm tám khu, theo thứ tự từ A đến I (Không có khu F), chiếm những cung tròn đều đặn, tâm là Nghĩa dũng Đài. Mỗi khu có 5 lô. Mỗi lô có khoảng 500 ngôi mộ.
Những người lính tử trận vào khoảng năm 68- 69 có 8 lô.
Vào năm 70-71 có 8 lô.
Vào năm 72-73 có 16 lô.
Vào năm 74-75 có 8 lô.
Những ngôi mộ nằm san sát theo hàng, dưới tán những cây dầu hoặc xà cừ. Một số được thân nhân xây lại khá chỉn chiu với đá hoa cương. Đa phần còn lại chỉ là những tấm đan đúc bằng xi măng hoặc những ụ đất mới được đắp đỏ hỏn. Một số có bia, số khác đã hoàn toàn biến mất. Ở những ngôi mộ còn bia, chúng tôi có thể tìm thấy những dung ảnh, dòng thông tin về đơn vị, ngày sinh, ngày mất. Đa phần những người lính nằm xuống khá trẻ khoảng hai mươi, hai mấy vào những năm 1968, 1969…Đó là năm tôi mới ra đời. Bốn mươi mấy năm! Thời gian đã làm mờ những ký ức ở một thế hệ về những người cha, người anh đã cung hiến tuổi trẻ của mình cho một cuộc chiến_ dù đó là sự tận tâm hay bất đắc dĩ.
Chúng tôi chia những nén nhang để cắm nơi những ngôi mộ không tên _Những người lính không dung ảnh, không số quân, không đơn vị. Sự hiện diện của một phận người giờ chỉ đơn giản là một nấm đất. Niềm vui còn lại bây giờ chỉ là vài cọng cỏ dại với cánh hoa nhạt luôn lay động . Con rắn mối nằm im lặng sưởi nắng…. Khói nhang quấn quanh những mụm đất đỏ đã rữa màu. Chúng tôi đứng lặng yên. Những lời cầu nguyện không bật nên tiếng nhưng mong nói lên sự thành tâm về một cõi siêu thoát.
Tôi đứng nhìn quanh, chợt nhớ tới ba tôi. Ông mất vào tuổi 63. Ngày trước ông đi lính không quân, đóng tại phi trường Đà Nẵng. Sau 30 tháng 4, ông trở về làm một chân bưu tá tại Bưu điện Nha Trang. Những hình ảnh tôi còn có được ở ông ngày đó là người đàn ông trong chiếc áo Jacket lính rộng thùng thình, đôi giày cao cổ đi lộp cộp, chiếc nón sắt không quai và đôi mắt trẻ trung, sáng rực. Đôi mắt tựa như có một cái gì đang cháy. Dường như có quá nhiều thứ để nuôi dưỡng ngọn lửa đó_ Bao hoài bão, lý tưởng, tình yêu…..Có lần ông nói với tôi chỉ mơ được học tiếp. Ông học chưa xong trung học đệ nhị cấp!….Nhưng sau này về già, mỗi lúc nhìn vào mắt ông, tôi chỉ thấy một nhúm tro tàn, lạnh ngắt. Ai cũng có một thời tuổi trẻ! …Tôi nghiệm vậy.
Nghĩa trang không chỉ có riêng chúng tôi. Một vài người luống tuổi, dân địa phương, đang làm cỏ cho mấy ngôi mộ. Một bác hỏi han vẻ ân cần: “ _ Tìm thân nhân hả con? Tên gì, mất năm mấy để qua chỉ cho?”. Chị lắc đầu “ _ Dạ không! Tụi con chỉ đi thắp nhang ”. Một chị khoảng năm mấy, trong nhóm, sự sành sõi làm tôi ngạc nghiên“_ Có đến mười lăm ngàn ba trăm mười tám ngôi mộ trong này!” … Qua tâm sự, chúng tôi biết họ đến đây, chăm sóc không công và nhận thù lao từ những thân nhân viếng mộ.
Sự năng động của một người dẫn chúng tôi đến một nấm mộ khá đặc biệt. Nấm mồ có tấm bia mang hình ảnh của pho tượng “ Thương tiếc” , của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu ngày trước đặt trước ngã ba Xa lộ Biên Hòa,. Dù tấm hình không rõ lắm, nhưng cũng khắc lại trong tâm trí chúng tôi một vẻ mặt buồn, đôi mắt đăm chiêu ngó về một nơi vô định của một người lính. Tấm bia chỉ vẻn vẹn vài chữ “ CHIẾN SĨ VÔ DANH” _ Hy sinh: 7-6-1968; An táng: 16-6-1968. Có lẽ trong trận Mậu Thân lần hai!
Chia tay với những người chăm sóc nghĩa trang, chúng tôi quay ra phía cổng. Trong ánh nắng buổi chiều nghiêng vàng, xô cái bóng của thanh gươm trên Nghĩa dũng đài tạo thành một vệt dài trên những nấm mồ . Làn hương nghi ngút từ lư trầm vẫn đuổi theo sau quấn quít. Một cảm giác ấm lòng đến với chúng tôi, khi thấy khuôn diện của nghĩa trang phần nào đó thay đổi, khang trang hơn. Những ngôi mộ dù đã được xây đá hay chỉ là một nấm đất bình dị, cũng đã được bàn tay người chăm sóc sạch sẽ. Dưới những nấm mồ, hẳn những linh hồn đang triền miên trong giấc ngủ , cũng không còn thấy lẻ loi với những cái bóng thỉnh thoảng đan xen của một bà mẹ hoặc người chị . Những người đàn bà đang tỉ mỉ, tẩm mẩn nhổ từng cọng cỏ, thu dọn từng đống lá vàng.
Ra đến gần cuối con đường, điều cuối cùng chúng tôi làm là quay lại, lạy tạ những người đàn bà. Cái dáng liêu xiêu của bà mẹ, người chị Việt giữa những nấm mồ đất đỏ , sau những hàng cây _ qua ngần ấy năm, in lại trong tâm trí chúng tôi với sự khắc khoải.
Và điều đó như còn ám ảnh, day dứt mãi ngay cả khi chúng tôi chạm mặt với không gian sống động, ồn ả phía bên ngoài.
Trời Sài Gòn vẫn còn nắng!….

Sài gòn, ngày 15 tháng 12 năm 2013
VŨ KHUÊ

9 thoughts on “VÙNG ĐẤT ĐÃ NGỦ YÊN

  1. Buồn thương thê thảm lá vàng bay..!Tình theo con chữ thả đầy trang xưa…Những người lính trận vô danh ấy!Thanh gươm đã gảy còn đây nỗi niềm…

  2. Nguyên Vi nói:

    Sống gởi, thác về…, VK ơi! Chỉ là không tham gia cuộc chơi nữa, vậy thôi. Thân ái.

  3. Khuê ơi . Em đi cùng Đào thị Thanh Tuyền phải không ? Chị nghe Tuyền kể .

  4. Xin nghiêng mình ngưỡng phục Vũ Khuê!!!

  5. QUY. NGUYENHOANG nói:

    Những người sinh ở thập niên 1960 mà có những suy nghĩ, việc làm thế này thật đáng trân trọng! Tôi đã đọc, nghe kể nhiều về Nghĩa trang Quân đội này, rất muốn đến thăm mà chưa đi được. Cám ơn bạn Vũ Khuê.

Comment