GA LỘC NINH TRONG KÝ ỨC TUỔI THƠ

dangchaulong

1
Sau mấy ngày bị Nhật quản thúc tại Lộc Ninh, 4 giờ sáng ngày 1 tháng 10 năm 1945 Toàn quyền Decoux rời Lộc Ninh được quân Nhật hộ tống về Thủ dầu Một để chờ chuyến bay của Anh đưa sang Calcutta . Hai ngày sau, tại phi trường Tân Sơn Nhất, Decoux ra đi không kèn không trống, không một viên chức ra tiễn, dù máy bay và hành khách đã phải chờ ông suốt 3 giờ liền với lý do được thông báo “trục trặc kỹ thuật”.
Đó là những gì đã xảy ra cuối cùng cho Decoux lưu lại trên trang mạng ondasie. Việt nam đang bước qua một giai đoạn lịch sử khác.
Hơn nửa thế kỷ nhìn lại ký ức thuở ấu thơ tại thị trấn nhỏ bé Lộc Ninh này thật chẳng dễ dàng chút nào nếu không có sự thôi thúc nhờ cái duyên gặp trên trang blog một bài viết kể về chuyến xe lửa cuối cùng của tuyến Lộc ninh – Sài Gòn vào mùa hè 1960, ngày 05-09-1960 chuyến xe lửa trên đó có Ba tôi, chị Phượng, Chị Hà. tôi, em Oanh và em Đạt rời xa Lộc ninh.Vĩnh viễn. Sẽ chẳng còn những chuyến xe lửa đi về trên tuyến này kể từ chuyến giã từ này.
Tuyến Sài Gòn-Lộc Ninh được Pháp hình thành và đưa vào hoạt động năm 1933: Rappelons qu’entre-temps, en 1933, fut ouverte à l’ex­ploitation la ligne de Phnom Penh à la frontière siamoise, dont nous avons déjà souligné les avantages qui en étaient résultés pour l’économie du Cambodge. Enfin, deux lignes se greffant sur la ligne Saigon-Nha Trang, Tourcham-Dalat et Saigon-Lôc Ninh (la ligne du caoutchouc), ont été mises en service à la même époque.(ongasie).
Đây là một tuyến đường được thành lập đồng thời với hệ thống Phnompenh – Thailand, kết nối từ các đầu biên giới các nước. Người ta còn gọi là tuyến đường caoutchouc vì đó mới chính là đối tượng được quan tâm nhiều nhất trên tuyến đường này. Vì thế, đoạn kết thúc của tuyến bên Cambodge là đồn điền Mimot.
Riêng tuyến Sàigon – Lộc Ninh dài 141 km. Trụ km 141 nằm ở cuối thanh ray chót tuyến, cạnh một barrìere chắn ngang đường sắt để báo hiệu chấm dứt tuyến đường. Đây là một địa điểm gần chợ Lộc Ninh và cũng gần với chiếc cầu quay đầu máy xe lửa mỗi chuyến đi về bằng phương pháp bán thủ công.
Để hình thành được tuyến này, Pháp đã phát hành rộng rãi trái phiếu trên toàn nước Pháp và Đông Dương. Khi tôi xem lại một chiếc hình cũ với chú thích « ga Lộc Ninh thời Pháp », tôi biết ngay là không đúng về thời điểm. Toàn bộ những ga hỏa xa Việt Nam khi mới xây dựng không có ga nào xấu về mặt kiến trúc cả. Thời tôi đến, ga Hớn Quản vẫn còn nguyên vẹn sau chiến tranh, và vẫn có dáng vẻ bề thế dù kiến trúc qui mô nhỏ. Ga Lộc Ninh có lẽ đã bị hủy hoại trong chiến tranh, và chiếc ga cất vội , đơn sơ trong hình, chính là ga tôi đã thấy và tới lui cùng nó mỗi ngày.
Khoảng giữa năm 1958, Ba tôi đang làm Trưởng ga Sài Gòn Hành Khách, được lệnh thuyên chuyển đi Lộc Ninh nhận chức Trưởng Hạt 1 Khai Thác Lộc Ninh, phụ trách toàn bộ các ga trên tuyến đường Hỏa Xa Sài gòn – Lộc Ninh.
Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Long thật sự xa lạ đối với chúng tôi, dù chỉ cách Sài gòn đúng 141 km đường sắt. Chúng tôi còn quá nhỏ để cảm nhận sự thay đổi lớn lao này, dường như với chúng tôi chỉ là một cuộc du lịch hay phiêu lưu nào đó mà thôi.
Ba má tôi đã bán lại căn nhà mang số 19 trong Cư Xá Hùng Vương khu B ở đường Nguyễn Hoàng quận 5 Sài gòn để bắt đầu cuộc đời mới trong 2 căn nhà chức vụ: một ở số 01 đường Huyện Quờn Bình Dương và một ở Biệt thự gỗ trên đồi cao su gần ga và Dépôt xe lửa Lộc Ninh.
Tỉnh Bình Long là một tỉnh mới vừa được thành lập năm 1957, tách ra từ Thủ Dầu Một. Tỉnh mới có 2 quận : An lộc (Hớn Quản cũ) và Lộc Ninh. Nếu An Lộc mới lác đác một số đơn vị hành chánh, trường học, y tế còn nhờ vào hệ thống bác sĩ của Đồn Điền Quản Lợi, thì Lộc Ninh càng khiêm tốn hơn, đìu hiu hơn.
Con số 18 xã, 95 ấp không nói lên sự trù phú của Lộc Ninh. Ngoài sự bao la bạt ngàn của cao su, Lộc ninh chẳng khác nào một buôn sóc nhỏ nào đó nơi vùng sâu heo hút, buồn thỉu buồn thiu.
Cư dân sống rải rác, co cụm trong khuôn viên xóm nhỏ mình sống. Cả quận không có lấy một chiếc xe lam công cộng, chỉ duy nhất một xe đò tả nát thời…Gia Long bôn tẩu, mà anh em chúng tôi gọi là xe Kà rom -cho có phong cách vùng cao- sáng cõng người đi An Lộc, chiều cõng người về.
Ngôi biệt thự Ba tôi sống và làm việc rất rộng. Chiều dài khoảng 20m, rộng khoảng 10m, biệt thự là một nhà gác, phần dưới bằng gạch nhưng sàn gỗ, gác gỗ. Anh em chúng tôi, lớn nhất là tôi , 9 tuổi, các em Oanh chỉ mới 6 tuổi và Đạt, 5 tuổi. Chị Phượng vả chị Hà thì phải học ở Trung Học Bình Long. Mỗi tuần chị em tôi gặp lại nhau trên chuyến xe lửa sáng để cùng về Bình Dương xum họp với Má, 2 anh Điệp, Sơn và Út Đông.
Từ trên gác nơi chúng tôi ở, có thể nhìn được hoạt động của ga Lộc Ninh và dépôt xe lửa vì chúng tôi ở trên vùng đất cao, hai mặt tiếp giáp với rừng cao su với bực cao hơn khu nhà tôi 3 mét . Phóng tầm mắt nhìn xa hơn ga, lại thấp hơn vùng đất khu ga một bậc nữa, đó là khu xã Lộc Thiện, ấp Xóm Búng. Cứ như những bậc tam cấp khổng lồ.
Buổi chiều nơi rừng núi thâm u quả ngắn ngủi, mới16 giờ 30 trời đã nhá nhem. Cảm giác cô độc giữa bạt ngàn cao su thật kinh khủng với 3 đứa trẻ thơ chúng tôi. Bốn giờ chiều là phải lo đi đóng hết cửa lớn cửa nhỏ của ba gian nhà rộng mênh mông đó, rồi nép mình vào chung một căn phòng để giảm bớt cảm giác phập phồng khi bóng tối bủa vây.
Quanh nhà tôi là một khu đất rộng , nếu tính từ mép rừng cao su sau nhà chạy sát mép quốc lộ 13 cũng khoảng 100m và chiều rộng khoảng 50m. Cây cối chỉ được trồng phía sau nhà, cạnh lô cao su già cỗi. Những cây xoài cát, bưởi, mít lại quá lớn, quá cao. Chúng tôi thì quá nhỏ để có thể hái chúng. Mỗi mùa xoài mít chín, đêm chỉ chực nghe tiếng rụng để sáng mai ra sân sau “thu hoạch” hoặc chờ anh Sơn, anh Điệp từ Bình Dương về leo hái mà thôi.
Tiếc vườn rộng mà đất bỏ không, nên mỗi khi ba tôi rảnh việc, bốn cha con lại chung tay dọn cỏ, dọn kim biên -một giống mắc cở có xuất xứ Brasile, các đồn điền thường trồng để diệt cỏ dại-. Dọn tới đâu, chúng tôi lại xin chuối con trồng đến đó. Chẳng bao lâu, khu đất trước nhà đã xum xuê những hàng chuối tốt tươi.
Để đi xuống Dépôt xe lửa, chúng tôi xử dụng con đường đất bazan pha trộn những trầm tích dạng đá ong li ti ngay trước căn biệt thự. Và một con đường nữa phía bên trái hông nhà, băng ra quốc lộ 13 để đi xuống ga Lộc Ninh. Tất cả các công trình ga Lộc Ninh chỉ cách nhà tôi một Quốc Lộ 13.
2
Ga Lộc Ninh nằm ở tầng thấp thứ ba của địa hình ở đó. Nhà ga nhỏ, đơn sơ. Khu vực đón khách rộng khoảng 50 m2 bao tường gạch thấp có lưới bọc trên, văn phòng Trưởng ga và khu vực bán vé tàu chiếm nửa diện tích còn lại.
Hàng ngày, mỗi sáng, mỗi trưa xe lửa Lộc Ninh lại đón khách, lại bắt đầu xuất phát đi Bình Dương, Sài gòn. Và mỗi trưa, mỗi chiều lại đưa khách vào ga với những đoàn tàu vận hành bằng đầu máy hơi nước.
Lịch trình tàu chạy, tàu đến chúng tôi nắm trong lòng bàn tay. Từ trên nhà, chúng tôi có thể nhìn thấy đoàn tàu từ xa tiến vào sân ga. Suốt hai năm học tại trường Tiểu Học Lộc Ninh, biết bao nhiêu lần chúng tôi “dựa hơi” xe lửa để rút ngắn hành trình đến trường của mình. Sáng sớm, đầu máy đã ra khỏi dépôt để bắt đầu mi nơ (manoeuvre) kết nối những toa xe chuẩn bị cho cuộc hành trình mới. Chúng tôi chỉ việc mang cặp sách leo lên toa ra đến tận thanh ray cuối có cột cây số 141 cách ga hơn một cây số. Chúng tôi xuống xe, băng qua chợ Lộc Ninh, đi dọc tuyến quốc lộ 13 để đến trường Lộc Ninh gần Tòa hành chánh quận Lộc Ninh. Dọc đường chỉ có những tòa biệt thự nằm đơn lẻ giữa những khu đất mênh mông. Trước khi đến sân bay dã chiến Lộc Ninh là một ngôi biệt thự của đồn điền cao su Lộc Ninh, đặc biệt giữa vườn có cây đa cao ngất ngưởng, giữa thân cây đa mọc lên một cây chà là cao ngất ngưởng hơn và lại chẻ ra hai ngọn. Bây giờ nhớ lại đoạn đường gần bốn cây số đến trường sao xa thế, lũ trẻ lóc nhóc chúng tôi cứ đi bộ một mình trong suốt thời gian học tại đó và chưa bao giờ than phiền khoảng cách xa xôi đó.
Tan học buổi trưa, lại men theo đường cũ về nhà, đầu máy xe lửa lúc này đã từ Sài gòn về đến và đang ở cầu quay để làm động tác quay đầu chuẩn bị cho chuyến trở về Sài Gòn. Chúng tôi lại chực nơi cầu quay, mê mẩn xem đầu máy vào giữa vòng tròn có bánh răng vô tận. Khi đầu máy đã nằm yên trong hai đường sắt của cầu quay, người nhân viên của ga bắt đầu dùng tay quay volant để chuyển động toàn bộ vòng sắt khổng lồ đó đi nửa vòng tròn để trả đầu máy về vị thế hướng về Sàigòn.
Sau này về ga Nhatrang, xem đầu máy quay đầu chẳng có gì thú vị, vì nó chỉ cần đi một vòng lớn trong sân ga là có thể quay ngược lại. Có lẽ rất ít người có thể chứng kiến cảnh quay đầu máy trong cầu quay hàng ngày như lũ nhóc chúng tôi.
Khi đầu máy rời cầu quay là lúc chúng tôi cũng đã leo lên phòng đốt lò của tài xế để về lại ga Lộc Ninh. Đại gia cũng không thể có phương tiện đưa rước khổng lồ như anh em chúng tôi dạo đó.
Dépôt xe lửa Lộc Ninh với anh em chúng tôi chẳng xa lại gì. Vì dù không bao giờ muốn bước vào chốn đầy bụi than đá đó, nhưng má tôi mỗi khi từ Bình Dương lên Lộc Ninh chơi đúng vào mùa măng le rừng thì bà mua cho bằng được càng nhiều càng tốt để dành ăn, để biếu bạn bè bà con…Mỗi khi có người miền cao gùi măng đi ngang, má tôi lại sai chúng tôi gọi mua. Măng le rừng khi những người Thượng mang về đã được lột sạch nên chỉ cần chẻ hai, luộc chín sơ là đủ. Măng vớt ra để ráo, xếp vào những chiếc “dừng” to. Buổi chiều ,hai anh em tôi khệ nệ khiêng qua đừơng quốc lộ 13 vắng như chùa bà Đanh để từng bước leo xuống dốc đất của dépôt cao khoảng hơn 3m. Vào dépôt, các chú trong dépôt đã quá rành sáu câu chuyện này, vội đỡ giúp cái dừng to đùng so với cơ thể hai nhóc và leo lên đặt nó trên nồi chaudìere của đầu máy. Lúc này, đầu máy đã ngưng hoạt động, không còn đốt than, nhưng sức nóng từ nồi hơi vẫn còn cao nên dư sức sấy khô dừng măng của má tôi. Nếu xét cho cùng thì má tôi cũng hơi “lạm dụng” sức lao động ngoài giờ của “ông” đầu máy hơi nước rồi đó.
Sáng sớm hôm sau, hai anh em chúng tôi lại xuống dépôt nhận những tấm măng khô ráo và mang về cho má vào những thùng sữa hộp chuẩn bị mang về Bình Dương. Sau này khi không có má ở Lộc Ninh, chúng tôi vẫn hay mua măng, luộc và sấy khô và chuyển về Bình Dương cho má.
Nhà ga Lộc Ninh chỉ được chiều dài, chiều rộng thì không có bao nhiêu, chỉ đủ hai làn đường sắt và một chút sân ga cho khách lên xuống đi về. Bước qua khỏi đường sắt một chút là lọt xuống hụp khu xóm ga đầy kỷ niệm của riêng tôi, một thời đồng hành cùng xe lửa đến trường.
3
Từ trường Tiểu học Đỗ Hữu Phương Chợ Lớn chuyển sang trường Tiểu Học Lộc Ninh với tôi là một dấu ấn lớn trong cuộc đời học sinh tuổi thơ. Ngày trước, mỗi chiều về, ba thường đón ba chị em chúng tôi bằng chiếc xe đạp peugeot với những chiếc thắng tay là cây kim loại. Đi dọc đường Thành Thái, Nguyễn Hoàng về Cư Xá Hùng Vương B đôi khi ghé lại mua pomme hay khô mực (mà chúng tôi gọi là râu ông trời) cho chúng tôi nhắm nháp theo đường.
Bây giờ, ở xứ đìu hiu đất đỏ này chỉ có tôi lớn nhất, đi học, nấu ăn đều phải tự lo. Sáng cùng các em đến trường, trưa nấu ăn chút gì đó cho 4 cha con qua bữa. Có lẽ vì giai đoạn này mà trong ăn uống sau này tôi dễ dãi, không kén chọn, cầu kỳ. Thời gian buổi chiều khi rỗi rãnh, chạy lên chợ chồm hổm cách nhà khoảng 200m mua cà, đu đủ, trứng…về để sẵn. Hôm nào có Ba thì dọn lên bàn ăn, ngày ba đi công việc trên tàu thì một thau 3 muỗng là xong bữa.
Thị trấn Lộc Ninh mênh mông cao su, mênh mông đất đỏ. Chỉ khoảng 1 cây số từ nhà đến chợ Lộc Ninh mới có dân cư . Từ đầu đường nhà tôi là một quán chuyên bán tạp phẩm, đặc biệt là lá trà xanh, cho đến xóm thợ rèn là giới hạn cư dân, đoạn đường còn lại chỉ là những khoảng đất mênh mông của biệt thự, của phi trường vắng ngắt. Thời đó, có khi trên đường đi học về chúng tôi còn có dịp ngắm một con cọp bị bắn hạ mang về bỏ trước xóm Lò rèn.
Trường chúng tôi học, trường Tiểu học Lộc Ninh chỉ mới xây dựng khoảng 1, 2 năm thôi. Chỉ đơn giản là một dãy trường dài gồm 5 lớp học và một văn phòng tí xíu, không công trình phụ, không toilet, không rào và không cả cây cối. Phía sau trường dựa theo một mô đất cao khoảng 2 mét. Nơi đó có một hố dã chiến bọc sơ sau lớp Nhất để học sinh sử dụng làm nơi vệ sinh.
Đơn giản, trần trụi, thiếu thốn như vậy, nhưng chúng tôi đầy ắp tiếng cười và kỷ niệm khi sống bên nhau. Thày Hiệu Trưởng năm đó là Thày Cao Bá Trường, thày còn rất trẻ, năng động và luôn vui vẻ . Lớp Oanh, Đạt học, tôi chỉ còn nhớ cô Lành vì thỉnh thoảng cô hay đạp xe ghé nhà thăm và trò chuyện cùng chúng tôi. Năm lớp Nhì tôi học thày Tính, đến năm lớp nhất lại sang học thày Nhân. Thày Tính xuề xòa nhưng thày Nhân lại nghiêm nghị. Lớp học chúng tôi cũng hơi hằm bà lằng vì lứa tuổi học sinh tính ra có thể chênh lệch nhau 4,5 tuổi là thường. Trưởng lớp năm đó là Lê văn Bay, lớn hơn tôi 2 tuổi. Bay có 2 người em nữa là Lê văn Xa cùng học một lớp và Lê văn Chạy học sau chúng tôi một lớp. Ba anh em nhà ở xóm Búng cách nhà chúng tôi gần một cây số. Trong ba anh em, tôi thân với Xa nhất, Sáng nào Xa cũng đi sớm, tạt qua nhà rủ anh em tôi đi học. Có nhiều khi thả hai em Oanh, Đạt đi với các bạn khác để tôi và Xa có dịp tung tăng vào khu đồn điền cao su, ghé piscine bơi lội thỏa thích trước khi về, hoặc lang thang qua nhà Bay, Xa, Chạy, để chơi đùa, hái chôm chôm cây trái….Vùng nhà của Xa ngộ lắm, đi trên đất mà cứ tưởng như đi trên nệm. Bước xuống thì lún, dở chân thì đất lại bồng lên như cũ. Trong vườn nhà có hai ba cái mội nước. Gọi là mội nước vì đó là những mạch nước tự phun trào, Nó không phun lên, nhưng trào ra như vòi nước ta hay dùng, Người dân vùng đó chỉ cần dùng ống tre chọt đúng chỗ là có nước xài. Có khi hai đứa lại lang thang vào chợ Lộc Ninh. Chợ vùng đìu hiu này buồn lắm, lưa thưa người, Kinh Thượng như nhau, mua bán trao đổi xong thì nhờ vào các chuyến xe lửa chuyển về các thị thành lân cận.
Các bạn trong lớp, tôi còn nhớ được bạn Lê văn Tước, Kim Hoàng,Tuyết Mai, Dương văn An, Giáp..Tôi còn như nghe văng vẳng đâu đây lời ca ghẹo An khi các bạn gặp nhau “An Dương ơi Tuyết Mai nó kêu mày đó, kêu mày đó An Dương” (nhại theo bài suy tôn Ngô Tổng Thống), nhưng đặc biệt là bạn Lê văn Tước vì nhà cách tôi khoảng 300m và cha của Tước là ông Lê Thành Điếng cũng là nhân viên Hỏa xa phục vụ trong ga Lộc Ninh. Nhiệm vụ của ông là dồn toa mỗi ngày cho các chuyến đi về của đoàn xe lửa Lộc Ninh Sài Gòn. Có thể nói chúng tôi gặp ông mỗi ngày cũng không ngoa.
Ba Má Tước cũng thường ghé nhà chơi. Có khi là vì công việc với Ba tôi, hoặc cũng có khi không là gì cả, chỉ là chuyện vãn hàng ngày. Càng ngày, nhóm lóc nhóc học sinh chúng tôi ở xóm ga cùng đi học càng đông, nên tôi cũng yên tâm…giao hai em cho đoàn “xe” đưa đón học sinh” đó để xé lẻ cùng Tước, Giáp, Chạy, Xa đi ngao du thám sát vùng hoang sơ đất đỏ này.
Năm tôi học, cạnh văn phòng ngoài sân trường có duy nhất xe bánh mì bán ăn sáng. Anh em chúng tôi là khách hàng thân thiết của xe bánh mì mỗi ngày, mỗi ngày. Giá một bánh mì thịt khi ấy là 0,50 đồng (năm cắc). Mà ngộ lắm, không biết có phải thiếu tiền lẻ lưu thông hay sao đó mà tờ giấy bạc một đồng màu xanh dương – có hình Thảo Cầm Viên, ở giữa có cây cột- được phép xé hai để biến thành giá trị năm cắc. Sau này về Tuy Hòa tôi không còn thấy lưu hành những tờ tiền một nửa đó.
Ngày bãi trường năm lớp nhất cũng là năm đáng nhớ, vì đó là năm toàn quốc bắt đầu được miễn thi Tiểu Học, là năm cuối của chúng tôi với trường Tiểu Học Lộc Ninh, và cũng là năm tôi vĩnh viễn rời bỏ Lộc Ninh vì đường sắt bị hủy bỏ. Năm ấy, lớp chúng tôi diễn vở Hội Nghị Diên Hồng theo hình thức hoạt cảnh, Thày Nhân đạo diễn, Lê văn Bay làm Vua, chúng tôi làm lính và bô lão.Những phân đoạn trong bài hát cũng hợp để chia từng nhóm hát. Chúng tôi xúm lại làm gươm, làm loa, làm râu, làm gậy. Rồi chia nhau kiếm mượn áo the, áo màu cho vua… vui lắm..Sau này khi lớn lên, có dịp tiếp xúc lại với bài hát Hội Nghị Diên Hồng, tôi mới thấy không có một đoạn trong vở diễn ngày xưa, hay là thày Nhân tự chế biến thêm để vở hoạt cảnh thêm đậm đà?. Trong hoạt cảnh của chúng tôi có phần thêm ở trước phần cuối là:
Muôn dân khắp nơi đồng tâm phò vua cơn biến. Vào Diên Hồng cầu xin Minh Đế xuất chinh. Đem tấm thân thanh niên gìn non sông vững bền. Ta ra giúp nước thi gan phá tan giặc Nguyên. Cùng là cùng đi tới, ca nào ca vang lên. Vung mau hùng gươm, Cờ bay phất phới kêu gọi đấng anh tài. Đường dù cho dài lòng không nài quyết chí ta ra đi vai chen vai. Hy sinh (sau đó mới là: Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà…)
Ngày nhận chứng chỉ Tiểu Học, cũng là ngày chúng tôi rời xa Lộc Ninh. Bao giờ có dịp về lại vùng đất đỏ thân thương ngày cũ?

Hai chị tôi, -Chị Phượng và chị Hà- tuy được học vùng thị tứ An Lộc dập dìu xe cộ, nhưng chưa chắc có nhưng thú vui hoang sơ như chúng tôi. Nhiều khi có dịp, hai chị về Lộc Ninh, tôi kể chuyện….mọi có đuôi cho nghe, hai chị cứ trợn tròn mắt, thán phục tôi, có lẽ trong thâm tâm hai chị đang nghĩ : Ước gì…….

4
Thiên hạ thất kinh
Là chợ Hớn Quản
Xe thổ mộ dọc ngang
Là chợ Thủ dầu Một
Khỏi lo ngập lụt
Là chợ Bưng Cầu

Những ví von ngộ nghỉnh của mấy câu vè các chợ khiến chúng ta như có thể mường tượng lại được giòng chảy mộc mạc, an bình ngày xưa. Ngày xưa, thời tôi ở Lộc Ninh hoang sơ, Bình Dương bình dị, lâu lâu có dịp về Thủ Dầu Một là thả sức đi thăm khám phá mọi nơi. Nhưng nơi tôi thường tới lui nhất vẫn là các phòng trưng bày của các xưởng sơn mài Trần Hà, Thành Lễ hay Sông Gianh. Điều đó cũng dễ hiểu, vì từ số 1 Huyện Quờn nhà tôi đến Thành Lễ, Trần Hà chỉ một đoạn ngắn khoảng 100m trên cùng con đường Huyện Quờn. Thành Lễ phía trái, Trần Hà phía phải, Sông Gianh thì quẹo phải đi thêm vài trăm thước nữa về hướng chợ Thủ Dầu Một, cùng đường với Nhà Thờ Phú Cường và Tòa Hành Chính Thủ Dầu Một. Đối diện với Thành Lễ bên kia đường là trường Tư thục Nguyễn Trải, nơi tôi từng tạm học năm Đệ Thất vài tháng trong lúc Ba chờ chỉ định nhiệm sở mới sau khi rời Lộc Ninh.
Tuy có nhà ở Bình Dương, nhưng tôi không có nhiều kỷ niệm với nó, vì nơi đây chỉ là nơi chốn đi về xum họp cùng mẹ tôi và gia đình hàng tuần mà thôi. Lộc Ninh vẫn là nơi nhốt cả hồn tôi trong khung thời gian tuổi nhỏ và trường bé nhỏ Tiểu Học Lộc Ninh chiếm gần trọn thời khóa biểu hàng ngày của tôi. Lộc Ninh bé xíu nên cư dân cũng dễ tìm đến nhau hơn, các thày cô khi rỗi rãnh cũng hay ghé qua các học trò mình để cùng chia sẻ buồn vui trong việc học cũng như trong chuyện đời. Ba tôi ít nói, nhưng thường hay để ý mọi việc. Khi Ba thấy trường chưa có hàng rào, Ba vận động bên ga, bên dépôt, bên Ốc lộ tìm những cuộn kẽm gai, những cột gỗ mang đến bình thường như mình đang làm việc của nhà. Những bình dị của người bình thường đến nay tôi chưa tìm lại được.
Những lúc rỗi rãnh, anh em chúng tôi lại bày trò để cho qua thời gian giữa không gian bao la bát ngát này. Rất nhiều lúc chúng tôi leo lên khu rừng cao su cạnh nhà, lang thang nhặt hột cao su mang về, dù cũng chẳng làm gì với cái thứ ở đây nơi nào cũng có. Chà sát hột cao su dí vào tay để có cảm giác nóng rát, đục hột làm chong chóng mãi cũng nhàm, chúng tôi lại chơi trò trồng cao su trên bãi đất góc sau nhà, cạnh vườn cao su. Báo hại vài tháng sau nơi này thành rừng cao su um tùm vì mật độ trồng sát quá cỡ thợ mộc của đám “thợ trẻ”. Ba tôi có kiềng riềng chút chút nhưng cũng để y vì chỗ đó cũng chưa có kế hoạch trồng gì. Chúng tôi lại đổi “ nghề” . Khi vào rừng, thấy mấy người phu cạo mủ thu hoạch cao su, cũng bắt chước thu hoạch. Mới đầu lấy miếng mủ trong chén, bên ngoài đã ráo mặt những bên trong vẫn còn ướt, mang về, mùi thúi của nhựa cao su tươi làm chúng tôi phải mang chúng đi thanh toán ngay. Lần sau kinh nghiệm, chúng tôi chỉ kéo mấy sợi mủ đọng trên thân cây chạy theo đường cạo sẵn thôi. Số mủ sợi này cứ quấn tròn là chúng tôi có được quả banh với độ bồng lý tưởng. Đi đêm, lâu lâu cũng gặp ma, khi thấp thoáng bóng phu cạo mủ hoặc xe đồn điền chạy qua, chúng tôi lại “ làm khôn” ngồi xuống giả bộ như đang….làm quận công với cục dây mủ bỏ phía sau. Đôi khi vội quá, ngồi vào lùm kim biên cũng phải ráng “ngậm nghe” chờ tai qua nạn khỏi. May mà gai kim biên mềm nhũn như con chi chi.
Nhà tôi sàn gỗ, phòng trống đầu tiên là nơi chúng tôi ít sử dụng nên lũ ong ruồi kéo đến đóng tổ. Lâu lâu ba lại cạy tấm ván lên, thu hoạch mật ong. Mà lũ ong này ngoan lắm, cho mật hoài nhưng chưa giận bao giờ.
Giữa năm 1960, tôi vừa học xong lớp nhất, nhận chứng chỉ miễn thi Tiểu Học từ tay thày Hiệu Trưởng Cao Bá Trường, thì cũng là lúc chúng tôi hay tin bãi bỏ tuyến đường sắt Sài gòn Lộc Ninh. Thật ra mật độ phá hoại đường sắt lúc này chỉ mới bẻ cong ray,có lúc đốt vài toa xe cao su chứ chưa bị đặt mìn như thời kỳ tôi ra Tuy Hòa.
Hồi đó, nhìn thanh ray bị bẻ cong ai cũng ngạc nhiên không biết dùng công cụ gì mà bẻ nổi. Bây giờ tôi đã rõ, chính xác khi tình cờ xem được phương pháp phá hoại trong trang web cpv thì ra :
a) Chồng chất củi gỗ lên trên đường sắt đốt lên; nếu có những toa xe gần đó thì đẩy vào đốt một thể; khi đốt cần kiếm một ít dầu tây hay rơm rạ, cỏ khô để làm mồi dẫn hoả.
b) Tháo đanh ốc ra, rồi buộc dây thừng vào đường sắt, dùng ngựa hay trâu kéo làm cho đường sắt cong đi.
Ngày cuối thật buồn, ba và chúng tôi đã thu xếp hết những thứ cần mang theo và nhờ anh em bên hỏa xa mang vào goong bít bùng chuyên chở hàng hóa chiều hôm trước. Thực ra cũng chẳng nhiều nhỏi gì, chỉ là tư trang, còn nhà hỏa xa thì nơi nào cũng meublé sẵn.
Ngoài goong thu phát, các goong khác chỉ là goong hành lý, hành lý nhà ai thì gia đình đó theo trên goong. Hôm nay, trong đoàn nhân viên hỏa xa Lộc Ninh từ giã ga Lộc Ninh còn có gia đình ông Lê Thành Điếng, ba của Lê văn Tước. Sau này tôi và bạn Tước như một mối duyên chưa dứt, gặp nhau trên nhiều chặng đường đời, nhưng đó là chuyện sau.
Cái cảm tưởng dứt khoát phải bỏ đi một thực thể thân yêu nào đó thật là khó chịu. Hai năm không là nhiều, nhưng cũng đủ cho tôi kịp hòa những niềm vui, nỗi buồn, nỗi cô đơn vào vùng đất hoang sơ chơn chất này. Đứng trên goong hành lý, tôi chậm nhìn từng kỷ niệm quanh tôi, như muốn thu hết những hình ảnh vào tận đáy ký ức thơ dại của mình.
Tàu hú còi lần ba, cột khói trên đầu máy hơi nước già cỗi vụt phun cao ngọn đậm đặc như một cái vẫy chào lần cuối cùng phố thị buồn thiu. Tàu vượt qua trạm Kalahon, tiến vào ga Hớn Quản, chúng tôi đón nhận thêm hai thành viên của gia đình vào toa: Chị Phượng và chị Hà. Hôm nay hai chị cũng giã từ An Lộc, giã từ thày bạn trường Trung học Bình Long để cùng gia đình khám phá một nơi chốn mới,Hạt 7 Khai Thác Tuy Hòa, nơi Ba sẽ đáo nhậm sau Hạt 1 Khai Thác Lộc Ninh. Bây giờ thì tạm thời chúng tôi vẫn ở số 1 Huyện Quờn Bình Dương để chờ đợi tương lai.
Tạm biệt hay vĩnh biệt ? tạm biệt Lộc Ninh, Kalahon, Hớn Quản, Chơn Thành, Chánh Lưu, Bàu Lòng, Bàu Bàng, Bến Cát, Bến Đồng Sổ, Bình Dương, những ga mà hình ảnh sẽ nhòa trong ký ức mọi người, và riêng tôi cũng phải xếp vào trong tâm tưởng.
Hai tháng sau, ba tôi được bổ nhậm làm Trưởng Hạt 7 Khai Thác Hỏa Xa Tuy Hòa, cách Sài Gòn hơn 550 km. Tương lai nào đang vẫy gọi tôi? Vì không ổn định nơi chốn nên năm nay tôi không thi vào trường nhà nước để theo gót hai anh Điệp, Sơn vào học trường dòng: Trường Trung Học Đặng Đức Tuấn của dòng Giu Se và sau này vào Nhatrang theo học Trường Lasan Bá Ninh. Âu cũng tròn duyên số*

ĐẶNG CHÂU LONG

đính kèm: trái phiếu xây dựng đường sắt Sài gòn Lộc Ninh

ihiyorsc5kfj9mgngdziha

10 thoughts on “GA LỘC NINH TRONG KÝ ỨC TUỔI THƠ

  1. và đây là những gì còn xót lại của Ga xe lửa Lộc Ninh http://lnk.pics/v-2879308 xin mời cả nhà xem cho vui

  2. Cảm ơn anh .Tôi sống trong Làng 10 và có vài lần được đi xe lửa về SG

  3. Kỷ niệm đọng đầy trong ký ức tuổi thơ.Buồn buồn kể lại chuyện ngày xa xưa…Con người theo giòng chảy thời gian…. Không ngừng thay đổi.!Cuộc sống không bình yên .!.Một lần đi một lần trôi nổi….Buồn!

  4. CHUYEN BAI NAY QUA FB DUNG NHE. THANKS

  5. Nguyên Vi nói:

    Tác giả có trí nhớ tuyệt vời vì trang văn toàn là những ký ức của thời thơ ấu!

  6. hungPt nói:

    Giọng văn sao ngộ quá! Đọc hai lần mà vẫn thấy buồn thiu! Rồi tự nhiên lại nhớ…ngày xưa!

  7. Những mẫu chuyện xưa … kể hoài không hết và vẫn còn hay, cảm ơn anh Long. Nhờ vậy đời sau mới biết.

Comment