
được làm giọt biển chắc vui
giỡn cùng con sóng
ngàn khơi bồng bềnh
tung hê thế sự chông chênh
mang mang lồng lộng
trùng xanh mặn nồng
(đặng châu long, chút tơ vui)
Đại ngàn và biển cả là hai nơi tôi đặc biệt yêu thích và nhớ về mỗi khi có thời gian. Vẻ mênh mông, u tịch của rừng và biển đã làm choáng ngợp hồn tôi mỗi khi được cùng hòa mình vào. Ngày xưa, khi còn nhỏ, cùng bạn bè Thanh Niên Hồng Thập Tự Khánh Hòa ngồi quanh lửa trại hát những bài ca khoáng đạt ca tụng thiên nhiên: ..Rừng muôn cây xanh cao âm u ngàn gió lá, khuất bóng ánh trăng sao, ngồi chung quanh phiến đá ta khơi lửa hồng bập bùng bập bùng trong đêm thâu…(Hoàng Quý, Đêm trong rừng) hoặc cùng các bạn ca đòan Bá Ninh hát lên bài ca Trùng dương lớp lớp mây trời cuộn bay của Phạm Duy: Triều dâng, triều dâng, ngọn sóng, ngọn sóng theo trăng Theo trăng vào bờ, ôm lớp phù sa, theo trăng vào bờ …nghe thật sảng khoái.
Đại dương đã thật sự quá gần gũi cùng tôi khi tôi chuyển từ Tuy Hòa về học tại Nha trang, Trường Lasan Bá Ninh chỉ nằm cách những cụm dương hình khối trước biển một con đường, đường Duy Tân chạy dài gần bảy cây số đến tận Chutt, Cầu Đá, trên đó, ngôi nhà tôi sống chỉ cách trường khoảng hơn hai trăm mét, cạnh Dòng Chúa Cứu Thế mà bây giờ đã là Khách sạn Hải Yến.
Đêm đầu tiên ngủ trong ngôi biệt thự Hỏa Xa cũ xưa đó, tôi đã ngủ cùng tiếng sóng vỗ ầm ì rền rĩ suốt đêm. Nhiều giấc mơ đã dẫn biển theo vào cơn mê hoặc mộng ảo đó, đôi khi thấy mình như bị khối sóng cao lừng lững vồ dập ngộp chìm trong cơn mê. Buổi tối chạy ra đứng trước biển, cảm nhận giữa đêm đen cái sức mạnh huyền bí biển, thông qua từng đợt sóng âm u đều đặn phả bờ, mang theo những tiếng òa vỡ ầm vang của từng con sóng vô hình. Cảm giác nhỏ nhoi trước mênh mông biển đó khiến ta thu bớt cái cao ngạo của con người, để hòa cùng kỳ ảo biển xanh thâm tạ thiên nhiên đã thể hiện ra hùng lực của mình.
Buổi sáng, chạy dọc dài bờ xanh Nha Trang, con sóng nhỏ lăn tăn dịu nhẹ vỗ về như lời mẹ ru canh giấc ngủ sâu, “Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương.”(Phạm Duy, Mẹ Trùng Dương). Không gì sảng khoái bằng giấc tinh mơ một mình chạy chầm chậm dọc biển, giữa mênh mông cát vàng chỉ có rải rác từng nhà nhỏ bát giác làm phòng thay đồ cho khách nhàn du. Dừa và dương như cùng ta vẫy gọi lời mừng chút ngọn gió hây hây còn đọng cơn ngáy ngủ giữa bình minh. Đôi khi trong cơn sảng khoái, cùng người bạn thân, chạy tấp vô lò bánh mì nhỏ ở đường song song gần đó mua cái bánh mì nóng hổi, kẹp thêm một que cà rem lạnh buốt vừa chạy vừa ăn để nghe ra cơn lạnh buốt từ tâm hòa quyện cùng cái nóng dòn tan của bánh mì cầm giữa bàn tay mà lòng như rộng mở thênh thang.
Những ngày sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, sân banh trong trường không còn trống chỗ, thày trò lớp tôi lại dắt nhau ra biển, mang theo trái banh basket cùng chơi water-polo trên biển. Những tiếng hò reo, giọng cười giòn giã hòa cùng bọt sóng trắng xóa một vùng.
Những ngày mưa nguồn dầm dề cũng là những ngày biển héo ủ ê. Giòng phù sa vàng đặc màu bùn theo giòng sông Cái đổ hòa vào biển làm giòng xanh trở nên khó ưa, Rác rưởi cuốn theo những uế tạp làm biển xanh không còn dáng vẻ uy nghi thường hằng. Nhưng cũng chưa bằng ngày gió bão. Tiếng gầm gừ biển như rên xiết nỗi lòng. Bao nhiêu thứ trên đời đều hiện diện và phô bày trần trụi theo từng đợt sóng xô bờ. Lang thang trên biển vào ngày này ta sẽ nghe ra nỗi đớn đau biển khi cố gắng đẩy đưa những ô trược trả lại bờ. Biển hung hăng phả lên đường Duy Tân từng đợt cát đọng dài sau cơn sóng. Biển vùi dập lôi xiêu vẹo từng dãy nhà Xóm Cồn vốn dĩ đã quá mỏng manh như kiếp dân chài chỉ cần kiếm đủ cho hôm nay. Không năm nào chúng tôi không đi cứu trợ Xóm Cồn và cũng chưa bao giờ thấy cư dân ở đây làm lại ngôi nhà nào kiên cố khả dĩ chống chỏi cơn giận dữ trùng khơi. Chỉ như một kiếp sống bồng bềnh không cần chống trả lại. Chỉ cần biển rộng lượng cho những ngày rong thuyền tìm chút sản vật đại dương đắp đổi ngày thường.
Và thế đó. Vòng cung đại dương trải bao năm vẫn ấp ủ thành phố Nha Trang mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Có đi xa, có ghé nhiều phố biển mới ngộ ra rằng không đâu sở hữu được một kho báu biển xanh hiền hòa như Nha trang vốn có, để hàng đêm người lữ thứ chạnh lòng quê cồn cào nhớ tiếng sóng ngày thơ.
@
Khi biển đã quá quen thuộc cùng tôi mỗi sáng mỗi chiều thì cánh rừng thâm u vẫn còn là một bí mật chưa từng được khai phá. Ngay cả những chuyến di hành vào Hòn Hèo, Chín Khúc, Đá Hang, Đá Bàn, Núi Chúa cũng chỉ là cỡi ngựa xem hoa dù đôi khi vẫn bị núi rừng mê hoặc lôi níu bước chân, nhiều khi mấy anh lính mang máy theo tôi hỏi: “bộ ông không sợ chết sao?” Tôi chỉ lơ đãng nói tửng tửng: “bị thương là chưa chết, mà chết thì …hết biết, có gì mà sợ” . Cái triết lý “chết nghĩa là hết thở” của tôi vậy mà hiệu nghiệm, chẳng cần giải thích dông dài cho tật ghiền khám phá rừng của mình.
Rồi vận may đã đến cùng tôi, nghe ra lại thấy buồn cười. Tôi được lệnh đưa hai khẩu pháo lên ngọn đồi trên Buôn Ea Thi, nơi giáp ranh đèo Phụng Hoàng và Đèo Dốc Cao, để thay thế cho đơn vị bạn trong ba tháng. Núi rừng, đèo dốc vây quanh, cách Ninh Hòa 35 cây số, cách Khánh Dương 25 cây số. Bạn cùng tôi là một con đường quốc lộ, một cái buôn nhỏ Ea Thi và một con suối ngay dưới chân đồi. Tôi có cảm giác như bay bỗng cùng núi rừng đại ngàn đó.
Một cái tiền đồn hắt hiu nằm giữa rừng núi hiu hắt này nghe ra ngày rất dài và đêm cũng chẳng ngắn. Buổi sáng nghe khỉ hú, chim kêu mãi cũng nhàm. Ngồi gõ domino hoài cũng phát chán. Tôi bắt đầu lang thang cùng vợ và con gái đầu chưa đầy tuổi, còn tay ẳm tay bồng. Mới đầu chỉ là những chuyến ghé thăm buôn Ea Thi cho qua thời gian. Bạn gần gũi nhất cũa chúng tôi là gia đình một già làng, bác Luk. Chúng tôi đem chia sẻ cho bác và cư dân quanh buôn Ea Thi những loại thuốc sốt rét và thuốc thông thường, và đôi khi là mì gói, cá khô. Bác và những con bác hay cùng chúng tôi chuyện trò về tập tục, đời sống trong buôn. Có thể nói gia đình bác Luk rất tiến bộ trong nếp nghĩ và lối sống. Con bác nói về mái nhà sàn của gia đình, nhà duy nhất mái lợp bằng tôle: “Sống phải theo tục lệ, chứ không đã làm nhà theo kiểu miền xuôi cho thoải mái”. Gia đình bác thường mời chúng tôi dự những dịp vui của buôn, có khi là lễ tạ thần rừng sau chuyến đi săn được nai, có khi là dịp cúng giàng khai ché rượu cần. Có cùng sinh hoạt mới thấy hết những nét chơn chất đáng mến của những con người đơn sơ này. Ngày cúng thần rừng, bác Luk lên mời tôi, tôi cứ ngỡ vật hiến cúng là một con ma-nú (gà) mập bự. Tôi bước lên nhà sàn, bước qua tấm phản dọc hông nhà dài cỡ gần 20m mà có lần bác khoe để làm được nó, bác phải cùng dân buôn làng vào trong rừng chặt hạ, đẽo bằng rựa suốt một tháng ròng rã, cuối cùng dùng voi kéo về nhà. Gần bên bếp giữa nhà là một chiếc dừng, trên đó có một cái chén và một ngọn đèn dầu nhỏ, Trong chén có một con bằng cỡ con chim sẻ, hỏi ra mới biết là con ma-nú con, Hóa ra người miền cao thường cúng bằng những phẩm vật nhỏ: gà con, heo con, chứ không như người miền xuôi. Con nào cũng là con, họ không có quan niệm lớn nhỏ, ngay cà khi trao đổi mua bán, một nải chuối lớn hay chuối chót giá cũng như nhau. Chiếc nia lớn cuối cùng được mang ra với khối thịt đã được thái nhỏ bày trên những tàu lá chuối. Chỉ có vậy. Riêng chúng tôi được gia đình bác phát cho mỗi người một cái chén và một đôi đũa. Dân làng lần lượt đến, lần lượt qua nia thịt bốc mỗi người một nhúm. Có người “hiện đại” hơn, móc trong túi ra một túi ni lon bỏ thịt vào. Thời đó chỉ mới dùng túi ni lon nên chưa phổ thông như bây giờ. Hai chiếc ché đã được đổ đầy nước đặt cách nhau không xa, Chúng tôi cùng gia đình bác dùng 1 ché, còn lại là những người tham dự. Bác giải thích cho tôi thủ tục uống rượu này, trước tiên là chủ nhà sẽ uống 3 lon nước châm, nghĩa là mực ché bao giờ cũng đầy ngang. Nguyên do chủ nhà uống trước để khách an lòng về độ an toàn của ché rượu mà thôi. Sau đó là khách, cũng 3 lon nước châm mỗi người, không hơn không kém.
Đôi lúc không quen tập tục vùng cao cũng làm mình ngộ nhận, may là tôi thường dè dặt thăm hỏi mới tránh những ngỡ ngàng. Một buổi sáng, tôi và bà xã mang hai thùng hỏa pháo bằng sắt ra suối múc nước uống mang về, dọc con suối có một cô gái trong buôn đi ngược chiều, tay mang một trái bầu khô dùng đựng nước nhỏ. Khi ngang qua chợt một mùi như mùi tử khí từ mái tóc vừa gội còn sũng nước của họ ập qua mũi, làm tôi và bà xã có cảm giác vô cùng khó chịu. Ngày hôm đó chúng tôi phải lên thật cao múc nước, không dám múc nước chỗ thường ngày, vì biết những cô gái trong buôn khi gội đầu bao giờ cũng gội nơi nguồn cao hơn nơi tắm. Chúng tôi cứ phân vân họ gội đầu bằng gì mà mùi quá khó chịu vậy. Nghe chúng tôi kể lại, con bác Luk bỗng cười và nói đó là nước vo gạo để ủ mấy đêm nên có mùi như vậy, tuy hôi, nhưng rất mượt tóc. À ra là vậy, thảo nào….
Có một tục lệ hơi dị đoan vẫn còn tồn tại ngày ấy là tục dời buôn. Khi trong buôn có vài người chết gần nhau thì họ lục tục bỏ đi kiếm nơi lập buôn mới và không còn bao giờ quay đầu về nơi cũ dù chỉ ghé qua.
Những lúc rỗi rảnh không ghé Buôn Ea Thi, vợ chồng tôi lại dạo rừng. Mấy ngày này con gái đầu đã được đưa về Diên Khánh ở với Ngoại để bỏ bú nên tha hồ đi xa. Chui qua những tán lá um tùm, hòa cùng thiên nhiên hoang dã, hái măng le, rau má, tàu bay. Đi xa hơn nữa, phát giác ra cái buôn cũ đã bị bỏ phế, chúng tôi dè dặt bước vào như ngại động chạm linh hồn những người từng sống nơi đây. Những giàn nhà sàn hoang phế lẫn khuất trong cây cỏ bủa vây, những đường làng chỉ còn đọng chút viền dấu tích. Tịch lặng. Trong chốn này dường như còn sót lại chút hồn thu thảo như Bà Huyện Thanh Quan hoài cảm nhớ về chốn rêu phong thành cổ trong thơ. Dần dần chúng tôi cũng quên đi chuyện lý do người vùng cao bỏ làng, những vạt trầu vẫn đậm nét tốt tươi, những cây rau trộn trong cỏ hoang dại đã khơi dậy lòng ham thích “thu hoạch”. Tôi hái thật nhiều như chưa từng hái, nhất là trầu, dù chưa biết làm gì. Ôi thiên nhiên rừng rú, ta muốn “cắn” vào ngươi.
Vừa lặt lè mang “chiến lợi phẩm” về bỗng thấy dưới hầm ngủ có dáng một cô bé bồng Trân, con gái đầu của vợ chồng tôi. Thì ra là Dung, em Hạnh, năm nay 14 tuổi ở cùng ngoại. Dung kể lại bé Trân lì quá, mấy ngày qua cứ khóc, khóc mãi, bà ngoại ngán quá bào Dung ẳm ra Ninh Hòa giao lại vợ chồng tôi. Bà vẫn chưa biết tôi chuyển lên Phụng Hoàng. Hai dì cháu đi xe đò lên Núi Cấm Ninh Hòa không gặp, Dung òa lên khóc làm anh Tú, người thay thế tôi ở đơn vị đó cứ hỏi mãi lý do. Cuối cùng mới rõ bà ngoại chỉ cho tiền xe vòng đi vì yên trí vòng về có vợ chồng tôi. Tú cười xòa nói “yên trí, tôi cũng như anh Long, không sao anh sẽ đưa hai dì cháu tới nơi an toàn.” Tú gọi máy cho đơn vị tôi để ra đón, lấy xe chở hai dì cháu ra bến xe gởi tiền tài xế và dặn cho xuống đúng chân đèo Dốc Cao-Phụng Hoàng, nơi đã có trạm kiểm soát hổn hợp. Hú vía hai dì cháu, tới nơi bình an. Có lẽ bé Trân chỉ nhớ hơi mẹ, qua một đêm, ngày hôm sau cai hẳn sữa, Cám ơn thần rừng.Tiễn Dung về lại Diên Khánh, gởi thêm hai thùng trầu và trái đỏ, kỷ niệm chiến tích những ngày lê lết núi rừng.
Sáng 30 tết năm ấy tôi tự cấp phép cho mình về Nhatrang một ngày. Hôm sau lên đồi anh em kể lại, bác Luk mang lên một bao bí bầu bắp khoai và một tô gạo lúa rẫy tặng tôi ăn tết, không có tôi bác lại quẩy mang về. Tôi vội vã chạy xuống buôn xin lỗi vì vắng mặt. Bác háy tôi mội cái rõ dài và buông nụ cười đại ngàn tha thứ. Người miền cao ngày ấy đơn giản và đôn hậu như vậy đó. Như rừng già chỉ biết chở che.
Biển còn đôi khi cuồng nộ. Rừng im lặng không nói, như người vùng cao chơn chất, gói những muộn phiền để tung theo cơn gió ngàn bay.
Ngày tôi từ giã núi rừng Phụng Hoàng, gia đình bác Luk dẫn nhau ra tiễn, bác tặng tôi một trái bầu khô cùng lời chúc an bình, Cám ơn đại ngàn, cám ơn tấm lòng người vùng cao đã cùng nhau phơi trải một thời
ĐẶNG CHÂU LONG
21-03-2014