KHI KÝ ỨC TƯƠM MẬT

VŨ KHUÊ

watercolor-1-watercolor

Tiếng phanh xe hơi thắng két trước căn nhà cổ có vườn sapoche um tùm. Hắn trả số, tắt máy. Ngồi trong xe, hắn quay đầu tới lui, xem có chỗ nào đậu tốt hơn. Có lẽ thất vọng vì chỗ đậu xe chiếm gần một phần ba con đường. Giờ này, mấy chiếc Hon da ngang qua ngang lại, đám trâu bò đến giờ kéo nhau ra đồng, đám con nít táy máy…có thể làm xước nước sơn hoặc bể cái đèn xi nhan như chơi. Hắn ngồi một lúc, suy nghĩ có nên bước ra hay nổ máy đi tiếp. Rồi trong một cố gắng vượt bực, trườn lên trên sự lười biếng. Hắn uể oải đẩy cửa xe, ra ngoài. Đứng tần ngần bên cái cổng có giàn hoa giấy lấm tấm, hắn đưa tay vuốt mấy sợi tóc còn lại trên cái trán hói, chậm rãi bước vào. Trời còn sớm, gió từ cánh đồng lúa xanh rờn trước nhà, thổi qua lành lạnh cả gáy.

Lâu lắm, hắn mới lại bước chân về căn nhà này. Thành phố cách đây không xa, khoảng dăm chục cây số, nhưng trăm công nhìn việc từ sở làm đến gia đình trói riết hắn lại ở đó. Ngày tám tiếng với cái bàn giấy, chiều về còn phải lo coi cái tiệm tạp hóa cho vợ, tính toán tiền nong cho cái quán Net mới mở, đi ngoại giao với mấy đứa bạn…Biết bao thứ toan tính của dân thị thành. Ngay cả trong những ngày Tết, công việc và sự bận bịu cũng không tha thứ cho hắn. Chúc Tết nhà Xếp, bù khú với đám bạn bè…_Ba năm! Đúng ba năm! Hắn lẩm bẩm trong miệng.
Con đường đất dẫn vào nhà vẫn thế! Chân hắn run run, gần như loạng choạng. Đất nâu dẻ, quánh lại sau trận mưa hồi đêm. Dậu bìm bìm leo trên giàn, không biết qua mấy mùa rồi, đầy những xương cây vàng khuộm. Luống huệ đất ra hoa đỏ hồng, chạy dọc theo những viên gạch xếp chênh chếch theo hình răng cưa. Mấy chậu sứ già , thân u nần, uốn khúc như con trăn, phủ đầy hoa đỏ. Đứng giữa bụi bông giấy, hai cái đôn mang hình hai con voi sành, vẫn nguyên đó. Con voi bên trái mất cái vòi, vẫn để một lỗ trống toang hoác hướng lên trời. Vết thương này, hồi nhỏ do hắn nghịch gây ra. Hắn đứng lại nhìn nó một lúc, đầu nhung nhúc những kỷ niệm…

Khu vườn sapoche sạch loáng. Những chiếc lá rụng đã được gom thành đống. Vài vệt chổi xương làm xước vết thịt nâu loáng, chứng tỏ vừa sớm đã có người quét vườn. Những thân cây sapoche già cội, gẫy gập, thân đóng rêu xanh. Tán lá xanh xum xuê. Cái giống sapoche không cao được. Cao lắm chỉ bằng cây xoài trung, nhưng tán của nó rất rộng. Những nhánh cây dài ngoẵng, bò trườn trên đất. Ôm lấy đất, che chở cho đất. Vườn rộng, nhưng chỉ cần vài chục cây là chiếm hết đất. Bóng nó rậm nên khó có thứ cỏ dại nào mọc được dưới gốc. Mùa nào cũng vậy, đi chân không vô vườn, cảm thấy đất nuột nà, mát lạnh dưới gan bàn chân. Về mùa này, đúng mùa cây ra trái. Cành trên, cành dưới lúc nhúc những trái to bằng quả trứng gà, áo màu nâu già, cũng màu đất. Cái giống cây cũng lạ! Trái đậu trên cành như những hòn đất vo tròn cắm lên. Khác với bọn xoài ,khế, bưởi , chùm quân…trong vườn thường đổi màu, lộ hình khi đến tuổi ngọt ngào, căng mẩy nhất của một lứa trái, phút giây chưng diện hiếm hoi của một đời cây. Cái giống này từ lúc tượng hình đến lúc chín nẫu, sắc vỏ ngoài cũng không thay đổi. Cũng nâu màu đất, da nhám xịt, lùi xùi. Chỉ khác nó căng ra, mềm hơn và tỏa mùi. Tay sờ mới biết, ngửi mới hay. Có thể vì vậy nên lúc ăn, nó có cái vị riêng biệt , đặc trưng của nó. Thơm đậm, vị ngọt dịu và mát; Mát ẩm như hơi của đất. Thứ trái gần gụi, giản dị, dễ hiểu như đất!
Cái cần vọt đưa lên, hạ xuống phía giếng… Hắn xoay người, bước về phía đó. Sau mấy bụi mía mây tím sẫm là bóng một người đàn bà mặc chiếc áo nâu đang múc nước. Cái lưng còng gập. Mỗi lúc cái cần vọt ngóc lên, thân tre lâu ngày xỉn màu, in thật rõ trên nền trời xanh, cong nhu một chữ C. Người đàn bà đổ nước vào cái lu, rồi đứng lên, kéo dọc cây tre để thả gàu xuống. Cái gầu tôn kêu xủng xoẻng khi va chạm vào những hòn gạch lát giếng. Trong tư thế rướn lên, tấm lưng cong như thanh cây bị gẫy dập. Màu của chiếc áo nâu, tiệp màu với những viên gạch sành ngậm nước, màu của đất quanh đó, những trái sapoche triu trĩu… nhòe nhòe với bối cảnh chung quanh. Hắn gọi lớn:
_ Chị Hai!
Người đàn bà ngẩng lên. Khuôn mặt nhăn nheo không biểu lộ một cảm xúc gì. Chỉ đôi mắt lèm nhèm, đục lờ, hấp háy mấy cái. Bàn tay với những ngón khô, to như những cái vấu cứng ngắc đang bám vào cái cần vọt buông thõng xuống. Cái gầu rớt lại xuống giếng đánh rầm. Thanh tre cong oằn ,lắc lư….
****
Hắn bước theo chân người đàn bà vào nhà. Đứng trên bậc cấp, hắn ngập ngừng một lúc, lại cắm cúi bước vào. Ngôi nhà cũ, cửa thấp lè tè, hắn suýt cụng phải đầu. Nền gạch lồi lõm đã biến dạng theo thời gian. Trần nhà cao lợp ngói lá, mát lạnh và cũng tối om om. Bóng tối phủ quầng lên mắt hắn. Hắn ngưng lại, tay vịn vào chiếc cột bên cạnh. Người đàn bà quay lại:
_ Đi được không đó. Hay lâu quá không lên, coi chừng té!
Hắn giả vờ, đáp: _ Chị khéo lo! Nhưng trong bụng lại bật cười thầm. Tính chị vẫn vậy. Cũng cái giọng mắng khéo như thời con nít.
Một vài luồng sáng, chảy qua miếng ngói bể, đổ vào gian nhà, pha ánh sáng thành một màu đùng đục. Rồi mắt hắn quen dần, hắn từ từ định hình tất cả. Gian nhà vẫn như trước. Những thứ đồ đạc, vị trí của nó vẫn mắc míu ở những nơi mà ký ức mang máng của hắn đang hoạch tả lại. Cái bàn thờ ông bà bằng gỗ gụ vẫn nằm nơi gian giữa. Phía sau nó có cái khoảng trống, nơi hắn vẫn trốn với trò “Năm mười” ngày xưa cùng mấy đứa bạn. Tấm mành tre đầy bụi, ngăn cách để bên trong làm gian để đồ. Bộ phản cẩm lai lên nước bên phải cánh gà. Phía bên kia , sau tấm màn là miếng cót cũ quây lại làm nơi chứa lúa. Mùi lúa mới thơm hức, lảng vãng. Sau nữa là nơi chứa cày, bừa, cuốc , thuổng trong góc….Lối đi hẹp dẫn đến phòng chị…
Hắn kéo ghế ngồi xuống. Người đàn bà với lấy cái bình tích. Cái bình trà với hình mấy cô tiên uốn lượn màu hồng và đám chữ tàu rậm ri. Thân bình vẫn sáng láng như còn mới nhưng chất trà đã nhuộm thâm đen phần sứ nơi đầu vòi. Lâu quá rồi!
_ Ngồi đó nghỉ chút đi. Tao xuống pha nước. Nhà chỉ có một mình nên tao chỉ uống nước lọc.
Giọng chị chậm , kéo dài. Phần hơi nặng nề chiếm mất phần âm. Giọng nói đã phản ảnh tuổi tác.
Người đàn bà bước lại mở toang mấy cánh cửa sổ. Ánh sáng ùa vào đầy ngập. Mắt hắn đâm nhức nhối vì những bức tường đen đúa, lở lói chung quanh. Hắn xoay người nhìn khắp. Sau đó nhắm mắt lại….
****
Sau cái tang ba hắn, nhà chỉ còn hai chị em sống thui thủi với nhau. Lúc đó hắn lên mười hai, còn chị hắn mười bảy. Mẹ hắn mất sớm, từ khi sinh hắn. Vì vậy những ký ức trang trọng dành cho người mẹ trong hắn được thay thế bằng hình ảnh của người chị. Từ cái tuổi còn nằm nôi cho đến khi lẩm chẩm biết đi. Những ngày đói sữa, những đêm khóc thét vì đói hơi mẹ; hắn đã nhận được từ bàn tay người chị từng muỗng nước đường pha loãng thay thế cho sữa. Từ những câu hát ru, câu được câu mất của cái giọng đặc sệt con nít đến cái cùi chõ gấy nhom, bám lủng lẳng tí thịt, để đêm đêm sờ soạng mường tượng cho cái bầu vú. Mông hắn quen đi với cục xương hông nhọn hoắc. Cái dáng lệch nghiêng một bên để giữ thăng bằng, khi chị hắn bồng hắn đi rong khắp xóm xin cơm. Miếng lá chuối khô ram ráp, mấy ngón tay con nít cào nhẹ dưới “lỗ ra”, khi hắn nhai bậy thứ trái xanh nào đó, đau riết róng trong bụng….
Là con trai duy nhất trong nhà. Theo gia phả, hắn được thừa kế ngôi nhà và miếng đất để lo việc hương hỏa, cúng kính với tổ tiên. Hắn nhớ lời ba hắn trăn trối, ghi lại trong miếng giấy…” Nhà có căn nhà, miếng đất. Con là con trai trưởng, phải biết lo giữ cho dòng họ. Còn con Thơm nó là con gái. Rồi cũng đi lấy chồng, về nhà chồng…”
Sau cái tang, nhà đâm ra túng bấn hơn. Mấy đám ruộng, miếng vườn đều bán cho người khác để trả nợ. Chỉ còn độc căn nhà và miếng đất phía trước. Mảnh đất với khoảng chục cây sapoche, thu nhập không bao nhiêu, nên chị phải làm thêm kiếm sống , nuôi hắn. Thỉnh thoảng, những người trong họ thấy cảnh vất vả của hai chị em, cũng qua lại giúp đỡ. Nhưng cũng chỉ được một ngày, hai ngày rồi ai về nhà nấy. “ Giúp thì giúp được bữa cơm, đâu ai giúp được cả đời!” . Nhiều lúc thấy chị ngồi lẩm bẩm, tay chống cằm nghĩ ngợi, hắn thấy rất thương. Hắn bàn với chị, nên nghỉ học, ở nhà giúp đỡ gia đình. Nhưng chị hắn gạt đi “_ Mày phải lo học hành. Tao học hành dỡ dang rồi. Khổ một người là đủ. Tao ráng kiếm tiền nuôi mày ăn học. Tao đã hứa với ba như vậy!” Thấy suy nghĩ của mình bị gạt đi, hắn không nói nữa, lao đầu vô việc học. Trong lúc đó, chị hắn ngày đi làm công, tối về thức đêm dệt chiếu, chằm nón thêm…. Công việc đồng áng trên nắng, dưới nước. Cái cảnh người đàn bà xoãi hai chân như hai nhành cây bắt chéo hình chữ V cắm xuống mặt bùn, lưng còng gập hứng cái nắng đổ lửa của đất miền Trung này, hắn đã từng biết. Thêm vào đó là những nỗi lo toan khi trời không chiều lòng người, cho một mùa cây trái đơm bông thảo hiền. Những trận lũ lụt nước trên nguồn đổ về trắng bạc. Cả cánh đồng lúa đang ngậm đòng chết lụt. Đứng nhìn những bông lúa như những bàn tay chới với giữa sóng nước, biết rằng sẽ chết nhưng không cứu được, thấy mà chảy nước mắt. Nước gột da người hếu ra, bục rữa như nhúng trong thùng chất kiềm. Hết lụt lại đến hạn hán. Nắng nung đất nứt nẻ. Khuôn mặt người nông dân như rạn ra, biến dạng với những dấu chân chim. Trời già không thương người, đóng những dấu ấn khổ ải lên những khuôn mặt chừng vốn chịu quá nhiều nỗi khổ ải. Những dấu ấn cứ chen chúc cho đến một ngày, nhìn lại những khuôn mặt tưởng chừng như đó là một thứ trái cây chín héo, màu tái nhợt, nhăn nhúm lắc lư trong cơn gió, mang giấc mơ triền miên về phận người không một thời viên mãn, căng tròn.
Và chị hắn cũng vậy! …những đêm thức trắng với cái khung dệt chiếu cọc cạch đã vắt như kiệt sức lực ở lứa tuổi hai mươi của chị. Người chị đen đúa , nhỏ thó như đứa con nít bị đẹn, lưng oằn xuống như thanh sắt bị vặn. Giữa những chị cùng lứa, chị trông như đứa nhỏ mười lăm, mười sáu. Đôi môi thâm sì, khô rốc chưa biết đến một câu hát tình.
Năm hắn đậu mười hai, có một anh thanh niên trong làng cũng tới ngấp nghé. Tối anh thường sang chơi, cùng ngồi dệt chiếu với chị. Ngồi học bài trong phòng, nghe tiếng hai người nói chuyện với nhau rì rầm, hắn cũng vui. Cảnh gia đình neo đơn, hắn cũng muốn có một người anh đỡ đần. Cũng mừng cho chị , có chốn nương tựa, khỏi phí đời con gái. Chị hắn năm ấy đã hai lăm. Ở quê , con gái đến tuổi ấy đã già, ở giá như không. Nhưng niềm vui trong hắn chưa đậu được bao lâu. Một hôm, hắn gặp người thanh niên đang ngồi uống rượu. Bằng cái giọng buồn bã, anh tâm sự:
_ “ Chị em nói, anh có thương thì ráng đợi. chị còn phải nuôi em ăn học thành người. Lúc trước chị em có hứa với ba em rồi. Nhưng nhà anh thì kẹt. Má anh bịnh hoạn hoài không ai chăm sóc, nhà cửa không ai lo. Thương chị Thơm, anh cũng thương thiệt tình. Nhưng anh còn hoàn cảnh gia đình….”
Hắn về nài nỉ chị. Nói hết tiếng. Lạy lục, vật vã. Làm mình làm mẩy với chị. Chỉ mong sao chị có nơi, có chốn; nhưng không lay chuyên được gì.
Chị nói “_ Lấy chồng thì con ra. Còn lo cho chồng, gia đình chồng… bao nhiêu chuyện. Để tao kiếm tiền nuôi mày đã. Mày lo học đi , sau này sẽ tính.”
Sau bữa đó, hắn thấy chị buồn buồn, ngồi thờ thẩn mấy hôm liền. Mắt thỉnh thoảng cứ ngó ra cánh đồng, lạc đi…Ít lâu sau, có tin anh thanh niên lấy một chị ở thôn khác. Hắn đậu đại học, vào Sài gòn.
****
Nải chuối già hương nằm trên cái đĩa sắt tráng men, tỏa mùi say say của mật ứ, mùi hương của nhang trầm. Từ trong những trái chuối to bằng cườm tay, lớp vỏ ngoài vàng chanh lấm tấm tàn nhang, hơi nóng ung lại hừng hực. Mấy miếng lá chuối khô, màu sậm như giấy sấy, lót dưới đáy cho khỏi bị dập.
Những ngón tay to, cục cằn như mắt tre khô, sẽ đẩy nải chuối về phía hắn.
_ Chuối già dú nhang đó! Thứ này hồi trước mày thích_ Người đàn bà chậm rãi nói. Đôi mắt đục lờ, buồn bã, nhìn trân ra vườn_ Vườn năm nay chỉ được chuối. Bán trọn cho đám lái. Còn mấy buồng ngoài giếng để ăn.
_ Bán được khá không chị? Hắn hỏi, tay bẻ trái chuối. Chuối mềm nhưng không nhão. Vỏ lột, thơm nứt bên trong.
_ Cũng được vài trăm. Còn vườn sapoche nữa kia. Chỉ mới thấy chín lác đác. Năm nay trời lạnh, chắc chậm hơn.
Hắn ăn hết trái chuối, thấy thòm thèm, bẻ thêm trái nữa.
Chuối đúng lứa, buồng xanh đậm, da căng ra. Trái nào trái nấy to đều, tăm tắp bám quanh cùi. Cả cây bị kéo trĩu lệch như người mẹ bồng con. Lắm lúc phải chống bằng nạng để gió thổi khỏi gãy. Khi thấy cắt được, lấy liềm xớt cả buồng.Mang vô nhà, tách ra từng nải. Cái khạp sành dọn cho sạch sẽ, lấy lá chuối kho lót dưới. Đoạn xếp chuối lên trên thành vòng tròn, cuống quay về tâm khạp. Lớp này trên lớp kia. Giữa chèn lá cho khỏi dập. Một thạp khéo xếp được cả chục nải. Nhang trầm lấy một nén khoảng chục cây, đốt lên, cắm vô giữa cùi. Xong đâu đó, kiếm cái bao bố gai trùm kín miệng, khiêng cái lu bỏ vào góc nhà. Để khoảng một hai ngày, dở ra. Chuối chín , thơm nhức mũi, nóng hực. Chuối dú nhang ăn lành, không độc như dú khí đá ( CaC2) . Khi ăn có mùi thơm của mật được ủ chín, hương nồng đậm của nhang trầm. Ở quê, không chỉ chuối mà những thứ trái cây khác cũng đều được dú theo kiểu này….Hắn nhớ hồi có ông già trong xóm ngồi nhậu , giải thích “_ Trái là con của cây, nên nó cũng có sự sống. Lúc ngắt vô dú, nó cũng giống như đứa nhỏ phải xa mẹ. Còn nhang trầm, ngoài hương liệu, nó còn do bàn tay người đàn bà nhồi lăn. Vì hễ tới làng nhang, hiếm khi thấy đàn ông làm mấy việc đó. Mồ hôi, hơi tay của người đàn bà thấm vào nhang, nên khi đốt lên, nó có sức nóng của người mẹ. Trái cây hấp thụ hơi đó nơi chín rất lành.” Sau này lăn lóc trên đường đời nhiều, lúc nghĩ lại, hắn lại cho câu nói đó thật chí lý.
_ Còn cậu. Vợ mày, tụi nhỏ khỏe không? Công việc làm ăn dưới đó ra sao? Sao lâu quá không thấy mày về. Đám giỗ ba, má cũng vậy! Người đàn bà hỏi, giọng không hàm ý nặng nề.
Câu hỏi như xoay vần tâm trí hắn. Hắn bắt đầu kể. Kể một cách say sưa về công việc hắn ở sở, con đường tiến thân của hắn gặp phải những trở ngại gì, cái ghế còn trống của tay xếp sắp sửa chuyển đi, thói quen càm ràm của vợ hắn về tiền lương hắn đưa hàng tháng để nuôi gia đình cùng sự cáu kỉnh mỗi lúc hắn đi nhậu tăng hai, tăng ba với đám bạn; món tiền vay mượn cho đứa con gái sắp sửa đi du học bên Úc, về miếng đất mới mua ở ngã tư giá hời ra sao?…Hắn như ngụp lặn trong sự những vấn đề riêng tư, quên mất người đối diện có hiểu gì không. Giọng hắn lúc líu ríu như một sự trút bỏ, đôi lúc hằn học, đè nghiến….Người đàn bà im lặng ngồi nghe, mặt không biểu lộ sắc thái, đôi tròng mắt mờ đục, vẫn nhìn trân ra đường.
Có tiếng gọi ngoài rào, ngắt lời hắn. Giọng con nít “_ Bà Hai ơi! Con có mớ cá mương tát được cho bà nấu canh nè!”
Người đàn bà đúng dậy đi ra. Trong luồng ánh sáng hắt vào nơi cửa, cái dáng như thân cây gẫy dập hiện ra, rõ mồm một. Hắn như thấy bị nghẹn. Sự xấu hổ chèn lên trong hắn. Tâm thức hắn như bị đẩy bật trở về bởi một sợi dây sung, khiến hắn rơi lại vào môi trường cũ. Hắn đảo mắt nhìn quanh nhà, như được trở về từ đâu đó xa lắm. Hắn thở dài, đầu ngã ra sau.
… Rồi hắn ra trường, tay cầm mảnh bằng. Thành phố với những thứ lạ lẫm và cơn xoáy lốc vật chất cuốn hút hắn như ánh đèn điện thôi miên con thiêu thân. Hắn xin vào làm một cơ quan nhà nước. Ngày hai bữa, mỗi bữa tám tiếng xách cặp đi, xách cặp về. Cuộc sống bắt đầu dạy cho hắn những bài học về sự khôn ngoan. Hắn học hỏi rất nhanh. Đường thăng tiến của hắn như một xa lộ phẳng lì đến cái chức phó giám đốc. Những ước mơ liên tiếp mọc lên trong đầu hắn và hắn dành tất cả thời gian, tâm trí, sức lực cho việc thực hiện những ước mơ đó. Rồi cuộc sống cứ thế! Cứ quay cuồng, đánh bạc với những cái mới lạ. Những cái mode thời thượng ngày xuất hiện càng nhiều. Đầu óc hắn nhung nhúc với những con tính, những con số lên đến trăm triệu, cả tỉ….
Cái dáng còng gập xuất hiện trước mắt hắn lúc nào không biết. Hắn giật mình khi nghe tiếng người chị:
_ Mệt mỏi, ngủ mê hả? Ra giếng tắm rửa rồi vô nằm cho mát. Để tao nấu món canh rau má, cá rô cho mày ăn. Hồi nhỏ, tao nhớ mỗi lần ăn cơm với nó, mày ăn tới bốn , năm chén. Cái bụng căng như cái trống. Tao phải chạy đi xin thuốc tiêu. Cá thằng cháu ông Mười mới tát đìa, tươi lắm!
Hắn nhìn mấy con cá rô thóc xanh thẫm, đầu to sụ. Mấy con cá trầu bằng cỡ ba ngón tay, giẫy rồn rột trong cái rá tre. Mắt hắn sáng lên với tô canh cá mương, rau má nóng hổi, ngọt lừ. Chén cơm với hạt gạo lúa mới trong như thạch, thơm nức. Mũi hắn phập phồng. Nước miếng trong miệng hắn ứa ra….Nhưng rồi câu nói của vợ hắn, văng vẳng lại trong tai :” …Ông lo đi sớm rồi về nghe! Căn nhà đang xây không ai ngó. Mấy thằng thợ hồ nó xây non bức tường. Mai mốt sập, ông ráng mà ghánh”. Khuôn mặt lạnh với tròng mắt trắng như cao lanh, long lên khiến hắn phát sợ. Hắn ngập ngừng một lúc, sự giằng co khiến cặp môi run run.
_ Thôi chị à! Để lúc khác rãnh em lên chơi. Hôm nay bận bịu quá. Ráng lắm mới ghé thăm chị được. Mua cho chị chút quà!
Vẻ mặt người đàn bà không có vẻ buồn hơn cái buồn vốn có, chỉ thấy hơi tối lại:
_ Mày không ở lại được với chị một ngày sao. Ba năm rồi chớ ngày bữa gì thấy mặt nhau. Tại chị yếu người. Không xuống thăm vợ chồng mày được. Chứ không chị cũng ráng”
Sự giằng xé càng mãnh liệt hơn trong hắn, khiến khuôn mặt hắn dại đi. Hắn cố gằn giọng, nhưng vẫn khàn đục.
_ Em biết, em có lỗi. Nhưng để bữa khác em lên chơi. Bữa nay gấp quá!
Người đàn bà không ép nữa, thở dài.
_ Thôi để tao vô sắp mấy thứ trái cây về làm quà cho sắp nhỏ. Nhà không có gì. Chỉ có trái cây. Nói tụi nó đừng buồn.
Người đàn bà quay vô trong. Trong bóng tối . chỉ thấy cái bóng gãy đôi của chiếc áo nâu già. Những cử chỉ chậm chạp, run run. Mắt hắn chợt ứ đầy nước….
****
Hắn phóng xe ào ào, bươn qua những ổ gà, ổ trâu mấp mô, sâu hoăm hoắm. Bùn đất bắn tóe bám đầy nắp capo, kính chắn. Hai chiếc cần gạt nước làm việc cật lưc. Chân hắn dại đi trong sự vô thức của việc nhấn ga rồi nhả. Cũng may con đường làng giờ này ít người qua lại, chứ không hắn đã gây nên tai nạn. Hắn như đang chạy trốn. Hắn trốn cái gì, trốn ai không rõ. Sau lưng hắn không ai đuổi theo, cũng chẳng có tiếng la thét nào vẳng lại.
Hắn cảm thấy yên lòng hơn khi con đường nhựa êm êm trãi dưới bánh xe. Tay hắn bớt run, hơi thở trở nên từ tốn . Một mùi hương tỏa ra từ cái giỏ nhựa nặng trĩu, nằm dưới sàn xe. Cái mùi hương đánh thức tri óc đông đặc, mờ mịt của hắn. Mùi trái cây… hắn chợt nhớ. Một tay cầm lái, tay hắn vạch lớp lá chuối che trên miệng giỏ. Hai nải chuối già, hơn chục trái sapoche. Do xóc và chèn bên dưới, những trái sapoche bị dập nát,méo mó. Nước mật ứa rỉ, nhơm nhớp….
Hăn tấp xe vô bãi cỏ bên vệ đường. Làn gió thoáng từ cánh đồng gần đó phất vào mặt làm hắn cảm thấy dễ chịu. Hắn quay sang bên, xách cái giỏ nhựa , mở cửa xe, lôi ra ngoài. Ngồi ngay trên mô đất gần đó, hắn đưa tay bới mấy trái sapoche từ đáy giỏ lên. Những trái sapoche gần như nứt đôi. Nước mật bầm ứa, dính tay hắn như kẹo. Mùi thơm dịu bốc lên. Cái mùi của đất, của mủ cây đã ủ chín thành mật, mồ hôi từ bàn tay người đàn bà, những nén nhang trầm, sự nung hơi của thời gian… không hiểu sao những khái niệm ấy lại ùn ùn kéo về trong hắn. Không bóc vỏ, hắn cho luôn từng miếng sapoche to tướng vào trong miệng. Hắn ăn như ngậm. Như đứa trẻ nút từng ngụm sữa lớn từ bầu vú. Từng múi thịt màu nâu đất, ngọt ngào tan ra trong miệng hắn. Nước mật từ những trái chín nhễu thành dòng xuống tay, chạy dài, chui vào tận nách áo. Cái áo semi đắt tiền của hắn, giờ đọng lỗ chỗ những chấm lớn màu nâu sẫm. Nhưng hắn mặc kệ! Hắn mặc kệ cả những cặp mắt của những người đi đường đang nhìn hắn, ngạc nhiên lẫn thương hại. Duy chỉ hắn biết, một phần người trong hắn đang ngoạm những mảng lớn từ những mẫu ký ức bầm dập, tươm mật. Từ khóe mắt hắn, những giọt nước mắt từ từ tuôn ra.
Người ta nhìn thấy một người đàn ông đứng tuổi, ngồi bên vệ đường với cái giỏ trái cây , chiếc xe hơi đắt tiền bên cạnh_ Vừa ăn, vừa khóc….

Sài gòn, 09.02.2014
VŨ KHUÊ

8 thoughts on “KHI KÝ ỨC TƯƠM MẬT

  1. Ký ức đẹp nao lòng!Mật ngọt tinh tươm còn trong…Nước mắt lưng tròng..Buồn theo cuộc sống..Long đong đời hoài vọng…

  2. đinh tấn khương nói:

    Một câu chuyện rất đời thường nhưng đáng suy gẫm & gây xúc động cho người đọc!
    Cám ơn tác giả Vũ khuê

    • đinh tấn khương nói:

      Một câu chuyện rất đời thường nhưng đáng suy gẫm & gây xúc động cho người đọc!
      Cám ơn tác giả Vũ Khuê

  3. Nguyên Vi nói:

    Một trang văn đáng đọc…Xin cảm ơn!

  4. Có Người đã kéo tôi về với những bức chân dung đã rạn của một thời. Thời mà hôm nay, ta chỉ se sẽ với nụ cười và nói với người đối diện như nói với chính ta_ Ngày tháng nào….

    • Tôi về soi bóng tôi
      Mảnh gương đời rạn vỡ …
      phải không Người Giao Chỉ ??? ( mà Người Giao Chỉ là ai vậy ta ???)

      • Trần thị Trúc Hạ nói:

        Người Giao Chỉ chính là Ta chứ ai Chị Dung, Làm sao để chạy trốn được chính Ta ?!….
        Kí ức tươm mật của Vũ Khuê làm em ứa nước mắt, hình như trong cuộc đời cũng có đôi lần ta chạy trốn…

  5. Chào mừng người bạn mới đến cùng tương tri với một bài viết gây nhiều ấn tượng .

Comment