Bà nội

ĐOÀN THỊ LỆ THANH

real-1

Khi không còn ai để gọi là bà nội bà ngoại thì đến lượt chúng ta lên chức bà. Tôi làm bà nội đã gần hai năm. Lúc cháu nội tôi mới chào đời, bạn bè người thân xúm lại chúc mừng “bà nội” nghe thật oai, thật đáng hãnh diện, nhưng đang  say sưa trong niềm vui “ lên chức”, tự dưng tôi giật mình “ thì ra mình đã lên hạng lão bà rồi!”. Tuy nhiên ngắm mấy bà nội bà ngoại bạn và ngay cả tôi, tôi thấy dường như không giống “bà” cho lắm, ai cũng còn tươi tắn, trang phục trẻ trung hợp thời, không váy đầm, áo hai dây, thì cũng quần jean, quần lửng. Trong thời đại này, thời công nghệ thông tin phát triển một cách thần kì trong từng giây từng phút, những bà nội bà ngoại ngày càng trẻ ra, sành điệu và thức thời, thật khác xa với hình ảnh bà nội tôi trong kí ức.

Tôi cố lau lớp bụi mờ trong kí ức để xem hình ảnh bà nội hiện hữu ở giai đoạn nào trong cuộc đời của tôi, có lẽ là khi tôi lên năm lên sáu. Nhẩm tính lúc đó, bà nội khoảng trên dưới năm mươi, nhưng  trong tâm tưởng ngây thơ của tôi, bà nội không giống như ba má, “bà nội” nghĩa là “ bà đã già và cổ xưa”. Bà thân quen nhưng cũng lạ lẫm, từ lời nói, đồ dùng cho đến hành vi cử chỉ. Bà nói “sớm mơi” chứ không phải sớm mai, “uống nát” thay vì uống nước, “ đồng giờ” mà đáng lẽ phải là  đồng hồ, tôi nói “quét nhà” thì bà nói “ xuốt nhà”, “sợ kinh khủng” thì dùng phép so sánh “ sợ đứt miếng thịt” v.v….và nhiều từ khó hiểu khác nữa. Tôi thích sờ mó lục lọi những vật dụng của bà nội trong cái rương có đôi chỗ đã rỉ sét, khoảng không gian chật hẹp ấy luôn dẫn trí tưởng tượng của tôi đi vẩn vơ về một thời xa xưa ở một nơi xa xôi nào đó mà tôi không thể đến. Có một cái hộp bánh Champagne cũ đựng những vật dụng trang điểm.  Cầm chiếc gương soi nhỏ, bọc ngoài là lớp đồng vàng đã xỉn đen, nổi lên những đường uốn lượn mềm mại, gương có tay cầm thuôn thuôn, nét chạm khắc đã mờ nhiều, phảng phất hình dáng của một người phụ nữ – chắc là rất đẹp – đội vương miện, tôi thường thì thầm với niềm mơ ước huyễn hoặc “Gương ơi, mày có phải là gương thần không hử?”. Tôi thích ngắm cây son môi màu đồng có những sọc nhỏ như cây cột của đền Athen ở Hi Lạp, xoay cái nắp mở ra, lớp son đỏ mòn vẹt chỉ nhú lên một tí thoang thoảng một mùi thơm cũ kĩ. Mỗi lần đi chùa hay đi thăm viếng họ hàng, bà mặc áo dài, cổ đeo kiềng, tai đeo đôi bông tai vàng cẩn cẩm thạch, môi bà tô đỏ sẫm, trông bà đẹp ra ( vì nói đúng sự thật là bà không đẹp lắm) và sang trọng như các mệnh phụ hoàng gia mà tôi thấy trong các hình vẽ sử sách. Lại có một cái ví khác xếp thẳng thớm những tờ giấy bạc thời trước, tiền giấy in hình bà đầm ( sau này khi được học Pháp văn, tôi đọc được dòng chữ phía trên có nghĩa là Ngân hàng Đông dương), vài tờ tiền năm đồng, mười đồng Ngân hàng quốc gia Việt Nam, đó là tiền giấy thời tổng thống Ngô Đình Diệm, sau này tôi biết, thời đó tờ giấy bạc lớn nhất là năm trăm đồng- so với bây giờ là năm trăm ngàn thì rõ là đồng tiền bây giờ mất  giá đến cỡ nào. Trong góc ví xủng xẻng nhiều đồng xu bằng bạc thật bà nội dùng để cạo gió. Sau năm 1975, bộ sưu tập của bà nội lại có thêm một vài tờ bạc một đồng màu xanh và tờ năm trăm hình con cọp ( cũng là tờ bạc lớn , sau có thêm tờ một ngàn, nhưng chỉ lưu hành một thời gian ngắn thì…than ôi, toàn quân toàn dân di tản chiến thuật!). Như một con khỉ con, tôi thường lẽo đẽo theo bà nội, tò mò quan sát những cử chỉ động tác của bà để bắt chước…..Mỗi sáng, bà nội đứng trước hàng hiên chải tóc, bàn tay cầm lược đưa nhẹ nhàng từ đỉnh đầu xuống đuôi tóc, rồi vuốt nhẹ chiếc lược lấy những sợi tóc rụng, kéo những sợi tóc cho thẳng đều, lấy giấy gói lại và bỏ vào một cái hộp. Hẳn bà không muốn làm bẩn hàng hiên, nhưng sao lại cất giữ cẩn thận như vậy? Hỏi thì bà chỉ ậm ừ “ để làm công chuyện” ( Hồi đó người lớn ít khi trả lời thỏa đáng những thắc mắc của trẻ con). Khi tóc đã  suôn, bà vấn thành một búi đầy đặn sau ót, không quên lấy một ít dầu dừa vuốt cho mượt. Tôi cũng chải tóc nhưng chiếc lược nhỏ của tôi chải đến ót thì hụt hẫng thất vọng, vì mái tóc bombé của tôi không thể đủ cho một cái búi con con. Bà nội thật sự là “một bà nội” bởi khi cười bà khoe hàm răng đều đặn đen nâu như những hạt mãng cầu. Tôi thuộc bài ca dao có câu “Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua”, nhưng thời ấy giờ, răng lánh hạt huyền đã không còn đẹp nữa rồi, duy có điều màu răng đen nom chắc khỏe hơn răng trắng. Bà nội là phải ăn trầu, tất nhiên. Cái  âu trầu của bà nội như một kho lưu trữ kì thú mà mọi thứ trong đó đều ẩn tàng một câu chuyện, bí hiểm đầy kiêng kị như ông bình vôi, nồng nàn mà bi thương như  trầu, cau…Lại thêm những thứ dụng cụ lạ mắt như dao bửa cau, dao têm trầu, cây chìa vôi …. Để có miếng trầu ngon, bà nội phải bận rộn từ vài ngày đến vài tuần. Đến mùa cau rẻ, má mua cả một buồng cau to, bà nội trẩy ra, rồi gọt vỏ.  Bà gọt vỏ cau rất nhanh, tay cầm dao, tay xoay quả cau, hết một vòng thì quả cau thành một anh chàng ở trần bụng bự đội mũ chóp xanh. Bà lại xoay con dao một vòng, cái mũ bật ra, để lộ một phần hột cau trắng trong mà lưỡi dao không để lại dấu vết gì quanh phần hột. Bổ cau thành sáu múi nhỏ trải ra nia, bà đem phơi nắng. Trái cau dầy (hạt cau đầy và trắng ngà), trái cau non

(phần giữa lõm và trong) , trái cau già (hạt rời vỏ và hơi nhăn)…bà phân loại trong ba cái nia, khi khô ráo, lớp vỏ trắng chuyển ngà, lớp hạt trắng chuyển nâu, ngon lành như miếng kẹo dòn thơm, thì tôi giúp bà bỏ vô ba cái hộp bánh Lu. Nếu cau tươi rẻ, bà ăn cau tươi. Không có cau tươi, bà dùng cau khô,  những miếng cau non, cau già ăn trước, miếng cau dầy thì để dành đãi bạn.  Mỗi sáng bà nội lấy miếng vỏ cau để đánh răng chứ không dùng bàn chải và kem, sau đó súc miệng và đưa ngón trỏ chà răng từ trong ra ngoài. Có lần ba tôi bắt gặp tôi đánh răng kiểu đó thì cấm tôi không được bắt chước bà như thế, vì “ bà nội răng đen còn con thì răng trắng”, tôi suy nghĩ….và  tôi không thể hiểu! Mỗi lần đi chợ, má tôi đều  không quên mua trầu cho bà nội. Không phải lá trầu nào cũng nhai được, phải lựa trầu không già không non, có màu tươi xanh, cuống lá hãy còn cứng. Mỗi sáng, nhận xấp lá trầu từ tay má, bà nội rửa sạch sẽ, để trên rổ cho khô ráo rồi mới têm. Bà nhẹ nhàng để miếng trầu trên tay, nâng niu từng chiếc lá mỏng hình trái tim xanh biếc, nhẹ nhàng quẹt một lớp vôi đỏ, vừa phải thôi vì nhiều thì cay, ít thì nhạt, rồi nhẹ tay cuốn lại gọn gàng, lấy chìa vôi dùi một cái lỗ nhỏ, xuyên cuống lá đã chuốt nhọn để giữ chặt miếng trầu, xếp vào một chiếc hộp nhỏ, miếng nào cũng đều tăm tắp như nhau. Bà lại lấy con dao khác cắt dây vỏ chay màu nâu thành từng  khúc ngăn ngắn, xếp xen kẽ miếng trầu xanh.   Nếu có cau tươi, bà lại thoăn thoắt biến quả cau thành anh hề bụng bự và hất mũ của anh ta để lộ  cái đầu trọc, bổ ra làm sáu miếng xếp xen kẽ miếng vỏ chay và trầu. Tôi say mê nhìn bà nội chuẩn bị miếng trầu ăn chơi mà trang trọng khéo léo không kém gì một nghệ nhân. Người Nhật xem uống trà như một tôn giáo, nay hồi tưởng cách ăn trầu của bà nội, tôi nghĩ hồ như có một nghi thức ngẫu nhiên nào đó, tuy không cầu kì bằng trà đạo, nhưng cũng thận trọng chu đáo không kém…. Bà lấy một miếng trầu, một miếng cau cặp lại với nhau bỏ vô miệng nhai trước, sau đó là miếng vỏ chay. Nhìn cách bà nhai thong thả, nước trầu đỏ viền quanh môi như một kiểu trang điểm phá cách, má bà hồng hồng, bà nghiêng đầu cẩn trọng nhổ nước cốt trầu vào ống nhổ, tôi thầm khen bà nội nhai trầu rất đẹp, hai bên mép không lem luốc nước trầu hay nhồm nhoàm luộm thuộm như mấy bà già tôi gặp ngoài chợ. Bà nội còn nghiện thuốc Cẩm lệ….Bà không thích loại bán sẵn, những sợi thuốc thô cứng và lẫn lộn tạp chất. Bà chọn loại lá thuốc phơi vừa tới, phủi sạch bụi cát, lấy vài lá, cuốn chặt và xắt thành những sợi nhỏ xíu, nhuyễn mỏng như sợi chỉ tơ màu mật ong lâu năm. Bà gói kĩ cất trên giàn bếp, chỉ lấy một ít bỏ vô cái bao nhỏ cất trong túi kèm với giấy hút thuốc.  Sau mỗi bữa ăn, bà nội ngồi trên phản, dựa lưng vào tường, một chân duỗi, một chân co, tay gác lên đầu gối, lấy một dúm thuốc bỏ vào giấy, cuốn thành một điếu thuốc nhỏ xinh như búp măng non, nhả khói từng ngụm nhỏ. Thỉnh thoảng bà còn lấy dầu Nhị thiên đường chậm lên điếu thuốc, khiến khói thuốc thoang thoảng mùi dầu rất đặc biệt, mùi của bà. Hồi đó chưa ai ý thức được tác hại của việc hút thuốc lá thụ động, nên dù tôi có hít bao nhiêu khói thuốc của bà, ba má tôi cũng chẳng lo ngại. Hút còn một phần ba điếu, bà dán lên cột nhà bếp, được  khoảng chục cái thì dồn mấy cái tàn lại, xé giấy lấy thuốc ra vấn thành một điếu thuốc mới. Má tôi rất phiền với mấy cái tàn thuốc dán mất vệ sinh này, nhưng không dám phản đối. Má dọa bà rằng hút tàn thuốc sẽ bị ho lao, ba cũng cằn nhằn bà nhiều lần, thì bà đành bỏ tật “hút lại” ấy.Tuy nhiên với chị em chúng tôi, mọi công việc trầu thuốc của bà nội đều lạ mắt, lôi cuốn thú vị. Chúng tôi thường bắt chước bà hút thuốc bằng bánh quế, nhai từ từ cho cái bánh quế ngắn lại, hoặc cuốn giấy tập thành điếu thuốc-tất nhiên không mồi lửa- rồi bập bập trên môi, nhai cho điếu thuốc ngắn lại, lấy chewing- gum giả làm trầu, nhai nhóp nhép, thỉnh thoảng lấy hai ngón tay vuốt hai bên mép như lau nước cốt trầu. Chúng tôi thích thú vì thấy mình oai và người lớn  như bà nội…  Tôi lớn hơn một chút thôi, độ mười bốn mười lăm, thì bà nội thật sự già, vì những người bà người mẹ thời trước trên dưới sáu mươi đã được cung kính gọi là bà cụ. Tóc bà đã thưa, cái búi tóc sau ót nhỏ lại bằng trái cau, thì bà lại đem cái bao tóc rụng ra. Qua bàn tay khéo léo tỉ mỉ của bà, những sợi tóc rụng  đã thành một lọn nhỏ, một đầu cái lọn tóc ấy được cột gọn gàng chặt chẽ cũng bằng những sợi tóc. Thế là những sợi tóc cũ màu đen và những sợi tóc mới màu trắng lại quyện chặt với nhau thành cái búi tóc đầy đặn! Thế là những băn khoăn thời tuổi nhỏ đã được giải đáp!

Người quen thường gọi bà nội là bà Tham, không phải tên của bà, mà là chức vụ của ông nội. Ông cố sinh ra bà nội giữ một chức vụ kha khá trong làng mà mọi người quen gọi là quan, ép gả bà cho ông nội, được bốn người con – Cô Hai, ba tôi, cô Tư và cô Út. Sau khi Nhật bại trận, Pháp trở lại Đông Dương, ông nội nhậm chức phó sứ (tương đương phó tỉnh trưởng – trên là công sứ người Pháp), còn gọi là tham thị, của một tỉnh miền cao nguyên. Việt Minh buộc ông nội phải từ chức, đưa ông nội về quản thúc ở Huế. Một đêm nọ, một nhóm người tới “ mời ông đi họp”, ông nội từ giã mọi người, dặn dò như trăng trối, và không bao giờ trở về nữa. Bà nội không biết ông nội bị giết ngày nào, chỉ biết lấy ngày ông nội bị bắt làm ngày giỗ. Ông nội mất, như cái nhà gãy cây cột chính, bà nội, vừa mới qua tuổi ba mươi, tay dắt tay bồng các con bơ vơ ngơ ngác bước qua một quãng đời khác, không nghề nghiệp, không của nả, không nhà cửa. Mẹ góa con côi đành phải  về làng nương nhờ ông bà cố – ba mẹ chồng của bà nội. Hình ảnh “ Làng tôi” của Chung Quân rất giống làng của tôi, một dòng sông xanh trong ôm ấp đất làng, chỉ khác là làng tôi không có cây đa cao ngất mà chỉ có những vườn cau xanh. Làng tôi không có ruộng đất, dân làng sống bằng  nghề trồng cau lấy trái hoặc nghề gốm, là những cái trách (om đất, nồi đất) và đột (lu đựng nước). Bà nội làm bánh bột lọc, bánh in đem bán ở chợ Mỹ Chánh nuôi ba và các cô tôi. Nhưng vốn là bà Tham, quen sống nhàn rỗi, đánh bài giết thời giờ, và chỉ biết sai kẻ ăn người ở, nên bà buôn bán lỗ lã, các cô phải nghỉ học sớm để phụ giúp bà và giúp ba tôi học hành, khi ở làng, khi ở Huế, lúc Đà Nẵng. Sau ngày kí hiệp định Genève, các cô đã yên bề gia thất, ba tìm được công ăn việc làm và lập gia đình, chuyển về Nha Trang, bà nội về sống với ba, đúng như “Tử viết : tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Trải qua những vùi dập của biến cố đau thương, bà nội trở nên chăm chỉ cần mẫn. Trước nhà có một khoảnh đất trống, bà nội đã biến thành một mảnh vườn nhỏ, có cây mãng xầu xiêm, mãng cầu dai, lựu, đậu phụng, sắn (khoai mì). Chúng tôi thường được ăn đậu phụng luộc nóng hổi còn hăng  mùi đất cát, những trái mãng cầu dai chín cây ngọt lịm thơm mùi nắng biển… Nhưng những bụi sắn úc núc mới thật sự  làm khổ bà. Luộc sắn để ăn đã mất nhiều công sức, làm bột sắn lọc còn cực hơn. Má giúp bà lột vỏ, ngâm nước cơm, rồi mài, rồi bỏ vô bao đăng cho ráo, rồi đem phơi nắng thành những vốc bột trắng mịn màng,thơm mát để dành làm bánh bột lọc, nấu cháo bánh canh….  Nhưng chúng tôi không biết và cũng không để ý là mỗi chiều, bà nội một mình lủi thủi xách một cái thùng đi tưới từ đầu luống đất này cho đến luống đất kia, không biết bao nhiêu lượt như thế, đến sẫm tối mới vô nhà. Thấy bà nội vất vả, ba tôi không cho bà trồng trọt nữa, đất thì để một góc chúng tôi trồng hoa, một góc để cho vài cây ăn trái như mãng cầu hay lựu, còn lại thì ba cho tráng xi măng. Bây giờ thì bà nội rảnh rang hơn, buổi sáng bà quét sân, phụ má tôi làm cơm, từ trưa đến chiều thì sang chơi tứ sắc với bạn hàng xóm. Đến khi có phong trào chơi số đề, thì bà nội lại chơi số đề. Bà có một cuốn sổ và một cây bút chì để ghi những con số dự tính sẽ đánh hoặc những điềm báo mơ hồ trong giấc mộng viễn vông của bà và của mọi người. Ba má cằn nhằn thì bà cười xởi lởi “ Chơi chút đỉnh cho vui, mô có thua nhiều”. Thỉnh thoảng trúng số, bà nội hớn hở mua bánh kẹo khao cả nhà, những lúc thua, bà cũng giả bộ vui vẻ. Bà còn mắc nợ nữa chứ, má phải giấu ba trả nợ giúp bà. Nghĩ lại, cuộc đời bà nội đâu có thú vui gì khác. Bà đâu có đi xem ciné phim Pháp như ba má, có những ông Tây bà Đầm hay gắn môi vô nhau “thiệt dị òm”, hoặc như mấy em tôi, say mê coi TV phim “Combat”, “Bonaza” súng bắn đì đoành người chết lăn quay “sợ đứt miếng thịt”, bà cũng đâu có thiết diện áo quần đi bát phố như tôi. Tối, khi ba má và chị em chúng tôi xem TV, hoặc đùa giỡn ầm ĩ ngoài phòng khách, bà thắp hương bàn thờ, rồi vô phòng một mình ngồi lần tràng hạt, hoặc ngồi yên trong bóng tối, điếu thuốc trên tay lập lòe những đốm lửa hồng nhỏ yếu ớt. Bà biết tìm nguồn vui ở đâu, bà biết dùng thời giờ làm gì ngoài thú giải trí đỏ đen?

Mỗi năm, độ rằm tháng chạp, má và bà nội bắt đầu tính toán số đậu nếp phải mua. Đậu nếp được khuân về, bà nội lại bận rộn, khi thì sảy đậu cho sạch mày, khi thì sàng nếp để bỏ tấm, bỏ thóc lấy hạt nếp nguyên. Hai tay bà nhẹ nhàng xoay tròn cái sàng để những hạt thóc tụm lại một dúm ở giữa. Tôi cố học mà không thể được, thóc nếp cứ văng tứ tung khiến bà cười xua tôi đi chỗ khác chơi. Khoảng 26,27 Tết thì nhà tôi rộn rịp gói bánh tét. Thấy bà nội trải chiếu, mấy đứa em tôi xô đẩy nhau xí chỗ ngồi, nhất là được chỗ gần khay nhân đậu xanh, không còn chỗ cho bà nội. Bà nhìn mấy đứa nó rồi khoát tay “ Thôi mấy đứa bay gói hí, tau đi chơi đây”. Lúc đó thì mấy đứa em mới tản ra ngoài chiếu, nhưng ngồi bên cạnh hay sau lưng tôi- vì tôi có nhiệm vụ nắn đậu xanh thành những thỏi nhân, dài và lớn bằng ba ngón giữa  chụm lại. Thỉnh thoảng tôi có việc sai vặt, thì lũ em lại nhanh nhẩu tranh nhau giúp để được trả công bằng một dúm đậu xanh béo thơm. Bà nội vừa gói bánh vừa kể chuyện đời xưa. Không phải là “Tấm Cám” hay “Bạch Tuyết bảy chú lùn” …mà là chuyện làng chuyện nước. Chuyện ông nội rất nghiêm, trong bữa cơm không ai được nói chuyện, đi học về, tay chân ba tôi dính mực lấm lem là bị ông nội khẻ tay; chuyện bà nội tờ mờ sáng đi chợ Mỹ Chánh gặp ma; chuyện làng có cây thị ngàn năm, thân cây có một cái hốc to, nghe đồn là vua Hàm Nghi dẫn quân qua làng tạm lánh quân Pháp, trốn trong hốc cây đó, tụi Tây nhìn vô mà không thấy một ai; chuyện làng chuyên làm nồi đất để tiến cung, mỗi bữa vua ngự thiện xong là người ta đập cái nồi cơm đã nấu cho vua, nên nghề gốm phát triển hưng thịnh và cũng là niềm kiêu hãnh của dân làng.

Tính bà nội hiền lành, tôi chưa từng thấy bà nội cãi cọ với ai, cũng chưa từng thấy bà nội trách mắng ba má tôi. Tiếng là mẹ chồng nhưng tôi thấy bà nội có phần nể má tôi, còn đối với ba tôi, bà nội vừa thương vừa sợ. Với chị em chúng tôi, bà nội không hay âu yếm vuốt ve, bà thương theo kiểu “ để trong bụng”. Mỗi khi chúng tôi có việc nhờ , bà nội hăng hái vui vẻ giúp,  khi chúng tôi bị ba má la rầy, bà rụt rè lên tiếng bênh vực, chúng tôi có lỗi lầm gì, bà nội cũng không mách lại ba má tôi. Vì thế chúng tôi không mấy sợ bà nội, đôi khi còn cãi lại. Lúc tôi quen với nhà tôi bây giờ, ba má tôi phản đối, mấy em tôi, đứa thì còn nhỏ, đứa thì xa nhà, đồng minh duy nhất của tôi là bà nội. Mỗi lần buồn, tôi lại tâm sự với bà nội, bà im lặng nhưng tôi không nghĩ rằng bà hiểu được tình cảm của lớp trẻ như tôi, chỉ vì bà muốn tôi được vui. Có lần tôi hỏi trêu bà nội “ Ông nội nghiêm rứa thì bà nội có yêu ông nội không?”. Bà nội cười ngu ngơ “ Yêu là chi?”, bà nội không thể hiểu nghĩa từ “yêu” hiện đại đó, và chắc cũng chẳng hiểu tình là cái chi chi. Tình cảm của bà với ông nội, có lẽ chỉ là kính nể.

Khi tôi lập gia đình và đi dạy xa thì bà nội đã yếu. Bà nội không còn đánh tứ sắc hay chơi số đề được nữa, răng bà cái rụng cái lung lay nên bà cũng không còn thèm nhai trầu, bà lại hay húng hắng ho nên ba bắt bà phải cai thuốc. Mỗi năm, tôi và con trai tôi chỉ mong cho chóng đến hè hay Tết để về Sài Gòn thăm nhà. Sau giấc ngủ ngắn, tôi lại ngồi buồn nhìn ra hiên nắng, bâng khuâng nhớ nhà, thật lạ, về nhà mình mà lại nhớ nhà tôi, quả đúng là “ Nữ sinh ngoại tộc”, “ con gái là vợ người ta”,  bà nội đến bên hỏi tôi có muốn ăn hàng không, rồi loay hoay mở cây kim băng cài túi áo trong lấy ra một cái gói, một lớp nilon, một lớp giấy, rồi một cái bao nilon, đó là gói tiền của bà. Tôi lấy tiền cho vui lòng bà, mua kem về, mời bà thời (ăn), nhưng bà lắc đầu “ lạnh, kiên (ê) răng lắm”, và vui vẻ nhìn tôi ăn kem. Đến khi từ giã, tôi lại dúi cho bà một vài tờ hai chục ngàn, bà cười hiền lành , lấy cái bọc gia tài ra, gói ghém kĩ lưỡng “ Để đứa mô thiếu tiền tiêu thì nội cho hắn mượn”. Tiền bà nội được gom từ những “kế hoạch nhỏ”, bà nội nhặt những bao nilon gói thức ăn, giặt giũ sạc sẽ và xếp cẩn thận thành từng bó, giấy báo hoặc giấy vở học trò của các em cột lại thành xấp, cơm nguội phơi khô bỏ vô bao. Khi thứ đồ phế thải ấy đã gom được kha khá thì kêu chị mua ve chai nhôm nhựa vô bán. Mặc dù ba má tôi chăm sóc bà chu đáo để bà không thiếu thốn gì, hàng tháng má vẫn biếu tiền bà tiêu vặt, nhưng bà lầm lũi kiếm tiền như con kiến nhỏ tha những hạt tấm hạt cám bò tới bò lui trong góc bếp. Thế mà một vài đứa em tôi lại là con nợ của bà nội! Hễ cậu ta ngồi bên thầm thì nhỏ to thì thể nào bà nội cũng sẽ lần túi áo mở cây kim băng.

Tết, tôi lại về thăm nhà, không thấy bà nội ra cửa đón như thường lệ. Má tôi chỉ tay về phía phòng bà nội  “Nội đang ngủ”. Má kể, vài tuần trước,  bà nội đi ra chợ chơi, từ sáng đến xế trưa không thấy về. Cả nhà hoảng hốt túa đi tìm, cuối cùng ra đến công an phường, thấy bà nội thất thần  ngồi đó. Hỏi sao bà không về nhà, bà ngơ ngác, nói là đi uống nước mía rồi không biết sao lại ngồi ở đây. Thì ra bà nội tự nhiên không nhớ đường về nhà, đi lạc rồi ngồi nhờ nhà người ta, hỏi, bà nội không nhớ số nhà nên họ dẫn ra công an phường. Hôm sau, bà nội sốt, đau bụng, rồi yếu hẳn luôn cho tới giờ. Bác sĩ đến khám cho biết bà không bị bệnh gì cả. Bà đã tiêu dùng hết thời gian sống của mình, đến lúc héo, đến lúc tàn. Tôi đến bên giường hỏi thăm, bà mở mắt nhìn tôi, yếu ớt hỏi “ Đứa mô đó bây, con Bé hỉ? Mi ở Đà Lạt về đó à?”.  Rồi bà gắng gượng đưa bàn tay gầy nhăn nheo khô ráp nắm lấy tay tôi. Mái tóc bà đã cắt ngắn cho dễ gội chải, cái búi tóc tròn trịa nửa trắng nửa đen thật sự nằm im trong cát bụi rồi. Bà chỉ ăn được cháo, buổi sáng thì ăn bột gạo lức pha sữa như em bé, nhưng bà rất ngoan, dù ăn ít nhưng không bỏ bữa bao giờ. Tôi hỏi “ Ngày mô cũng ăn hoài một món bột như ri bà nội có ớn không?”. Bà cười ngây ngô như trẻ nít “ Ớn chi cũng phải ăn con nợ”. Thiệt tội, tôi muốn khóc vì thương bà. Đến hè, đáng lí tôi đưa con trai về  thăm nhà vào đầu tháng sáu như lệ thường, nhưng có vài công việc chưa giải quyết xong, tôi chưa kịp về thì có điện tín báo tin bà nội mất. Tôi về không kịp gặp bà lần cuối. Nhìn hình bà nội trên bàn thờ, gương mặt buồn buồn, hai má hóp, chỉ đôi môi vẫn đỏ sẫm như mấy bà mệnh phụ hoàng gia, tôi đứng im mà nước mắt chảy ràn rụa. Má tôi nói bà nội sống lặng lẽ hiền lành, ra đi cũng nhẹ nhàng thanh thản. Tôi hoàn toàn tin lời má tôi, nhưng dường như không hẳn thế.

Đám tang bà nội không có mặt em trai kế tôi và mấy cô tôi vì mấy bà con đang ở Quảng Bình tìm mồ chôn tập thể của ông nội. Rất nhiều năm qua, gần 50 năm, ba tôi và các cô tôi vẫn dò la về cái chết bí mật của ông nội. Vài tháng trước  khi bà nội mất, tình cờ sao, cô Út tôi gặp một người quen kể lại vụ hành hình ông nội và đưa cô tôi đến gặp một người ở Quảng Bình, chính người này đã chứng kiến toàn bộ vụ hành hình dã man ấy. Chúng đưa ông nội và bốn người khác đến bên bờ một con sông của tỉnh Quảng Bình, đêm đó đã đến trọ tại nhà của ông ta, mài dao xoen xoét sau hè cho đến nửa đêm. Chúng bắt năm người đào một cái hố, sau đó chém đầu rồi đạp họ xuống. Biết mồ chôn ông tôi là bên bờ sông Quảng Bình, nhưng mấy cô của tôi không biết đích xác là chỗ nào. Đêm đó cô Hai nằm mơ, thấy bà nội mặc áo trắng, chỉ ngay một bụi cây và nói “ Ở chỗ ni”. Sáng hôm sau, mọi người đến bụi cây như trong mộng, đào lên thì quả là có năm bộ xương đã lẫn lộn cùng nhau. Em tôi không thể lấy hài cốt của ông nội về an táng tại làng vì còn bốn bộ hài cốt kia chưa gặp được thân nhân, thành thử em cùng mấy cô xây mộ lập bia cho ông nội tại chỗ đó.

Năm sau thì ba tôi mất, mất thình lình. Tôi nhận điện thoại lúc sáu giờ chiều, đau đớn gần như không còn sức đứng dậy. Nhà tôi và con trai tôi cùng tôi tức tốc đón xe đi suốt đêm về Sài Gòn. Má tôi kể trước khi ba mất độ hai ba ngày, thì ba bị cảm. Chú tôi-em họ của ba- tới thăm, lúc chú từ giã, ba nói nửa giỡn nửa thiệt “ Chú về hí,  rồi ba bữa nữa trở lại đưa đám tui”. Không ai biết vì sao ba nói gở khi bệnh tình không có gì trầm trọng, bác sĩ bảo vì stroke  (tai biến mạch máu não). Cách đó mười năm, ba tôi bị stroke một lần, và liệt nửa người bên phải. Nhờ ý chí, ba tôi đi lại được, tuy vẫn còn khập khiễng và phải dùng tay trái, ba quán xuyến việc nhà , kể cả chuyện chăm sóc bà nội khi cả nhà đi làm vắng. Hôm đó, chỉ có em trai út tôi đi làm về sớm. Nguyên do là vì em tôi tự dưng nhức đầu không chịu nổi. Em nằm ôm đầu thiếp đi, thì thấy bà nội mặc áo vàng, đứng bên cạnh vỗ vai gọi dậy. Em giật mình choàng tỉnh thấy sốt ruột, chỉ muốn đi về. Quả nhiên may mà có em ở nhà để gọi xe cấp cứu và báo tin cho mọi người trong nhà. Sau đó thì không còn giấc mơ nào đặc biệt cả. Chắc rằng bà nội đã hoàn tất mọi tâm nguyện nên bây giờ bà đang sum họp vui vẻ với ông nội và ba, không cần phải trở về trong những giấc mơ nữa.

Đã hai mươi năm từ ngày bà nội ra đi, tôi không nghĩ là đã lâu đến như thế. Mỗi lần về nhà, thấy hình bà nội trên bàn thờ, tôi luôn có cảm giác ray rức ăn năn. Trong cuốn phim kí ức của tôi, hình ảnh của bà luôn là một bóng hình mờ nhạt, thấp thoáng đâu đó, như một diễn viên quần chúng, nhỏ bé và lặng lẽ, không ai biết bà đang suy nghĩ gì, bà đang buồn hay vui. Bây giờ tôi mới hiểu thương một người không phải làm tròn bổn phận là đủ, một người thân mất đi rồi mới thấy hiện ra cái sợi dây ràng buộc. Trong những dịp sum họp, má tôi và mấy chị em tôi đều gợi nhắc những kỉ niệm về ba, về bà nội như tô dậm thêm cho bức tranh đã phai nhạt đường nét màu sắc, như phục chế cuốn phim nhựa đã trầy xước. Nếu ba là hình ảnh của trái tim từ phụ, thì tôi luôn nhớ bà nội như biểu tượng của sự phục tùng và nỗi cô đơn, một cảm nhận làm trái tim tôi se thắt, làm đôi mắt tôi cay mà tôi không thể khóc.

ĐOÀN THỊ LỆ THANH

16 thoughts on “Bà nội

  1. Hương Thuỷ nói:

    Thương bà quá. Không biết sau này cócháu nào nhớ mình như mình nhớ bà không Thanh hí. Quê Thanh là làng Phước Tích gần cầu Mỹ Chánh đó em.

  2. đinh tấn khương nói:

    Bức tranh Bà Nội của Lệ Thanh thật đẹp và dễ thương.

    Chẳng biết có phải bà nội nào cũng dễ thương hay không mà có lần đi shop, gặp con của một người bạn, chào và nói “hôm nay con đưa bà nội đi mua sắm bác ạ). Nhìn quanh chẳng thấy bà nội của nó đâu cả, chỉ thấy vợ nó bên cạnh, đang húc cùi chỏ vào lưng nó và cả hai cùng cười!

    • Lệ Thanh nói:

      Bà nội bà ngoại hiện đại ai cũng đẹp và dễ thương đó anh Khương…Đôi khi chưa thành bà nội cũng muốn làm bà nội của …ông xã như vợ của cậu con trai người bạn anh.

  3. Trần Văn Nghĩa nói:

    Cám ơn Lệ Thanh đã nhắc đến hình ảnh Bà nội trong truyện.Mình mồ côi cha từ lúc chưa 1 tuổi, mẹ làm ăn tỉnh xa .Thuở nhỏ chỉ sống với Bà Nội ở Phan Thiết và được thương yêu vô vàn. Bà mất năm 1978 và ngôi nhà cũ cũng đã bán lại cho người khác năm 81.Hình ảnh Bà nội và ngôi nhà xưa ko bao giờ quên được trong kí ức của mình.Chúc Lệ Thanh luôn vui khỏe ,nhất là với nhiệm vụ mới !

    • Lệ Thanh nói:

      Em chào anh Trần Văn Nghĩa. Khi làm bà nội rồi, mới hiểu tình thương của bà nội dành cho mình. Nhưng lúc hiểu thì bà đâu còn nữa….Em xin chia sẻ với anh nỗi nhớ thương bà nội. Những người thân chỉ ra đi chứ không bao giờ mất vì hình ảnh họ luôn được ấp ủ trong tim “Hình ảnh Bà nội và ngôi nhà xưa ko bao giờ quên được trong kí ức của mình”. Em cám ơn anh đã đọc, xin chúc anh một năm mới An Khang.

  4. Tôi có hân hạnh quen biết thân thiết với 2 Bà Nội đẹp ơi là đẹp
    và dễ thương ơi là dễ thương …đến nỗi có nhiều người hỏi tôi là có phải ngày xưa ngoài tiêu chuẩn công giáo , ngoan ngoãn , học giỏi …các Soeurs còn lựa ai đẹp mới được vào học Thánh Tâm không???
    Tôi chỉ mỉm cười bí ẩn chớ không dám nói gì , vì có một sự thật phủ phàng mà tôi là ví dụ điển hình nhất…
    Quên giới thiệu 2 Bà Nội mà tôi muốn khoe khoang là : Thanh Duyên và Lệ Thanh nè !!! 😀 😀 😀

    • Lệ Thanh nói:

      Thu Dung khiêm nhường thôi, hồi đó Thu Dung là hình ảnh tượng trưng cho người đẹp trong họa và trong thơ: Tóc dài bay trong gió, mắt kính cận, răng khểnh, vai em gầy guộc nhỏ, học giỏi, làm thơ hay…Thu Dung không phải là Bà Nội đẹp, mà sẽ là BÀ NGOẠI ĐẸP….

    • Nguyen Duyen nói:

      chết thiệt , trái tim mới thổn thức , mới ửng hồng vội vàng dấu biệt
      vì ” bà ơi cháu rất yêu bà / Đi đâu bà cũng mua qua cho con ”
      Thu Dung ơi , Lệ Thanh ơi ,
      thanh duyen luôn hứa cố gắng sống vui vẻ làm bà ngoan của Cháu Nội , cháu Ngoại
      .

  5. Nguyễn Hoàng Quý nói:

    Chuyện kể của Lệ Thanh về bà nội thiệt dễ thương và cảm động. Có những chi tiết mà anh đọc cứ ngỡ như ai đó viết về bà nội mình:
    “Tiếng là mẹ chồng nhưng tôi thấy bà nội có phần nể má tôi, còn đối với ba tôi, bà nội vừa thương vừa sợ”
    “Trong cuốn phim kí ức của tôi, hình ảnh của bà luôn là một bóng hình mờ nhạt, thấp thoáng đâu đó, như một diễn viên quần chúng, nhỏ bé và lặng lẽ”. Ngày xưa bà anh và mẹ anh, đôi lúc “cùng phe” trong cư xử với ông anh và sau đó là cha anh. Cám ơn Lệ Thanh về bài viết này.

    • Lệ Thanh nói:

      Anh Quý ơi, anh chị vẫn khỏe chứ? Nói như NV, bà nội nào cũng giống nhau , những bà nội cùng xứ sở lại càng giống nhau hơn. Bà nội và má em cũng thường thầm thì to nhỏ ” nói xấu” ba em đó anh. Bà nội mất rồi em mới thương bà, mới thấy tiếc là em đã quá thờ ơ với bà. Cám ơn anh đã đọc.

  6. Chuyện của Lệ Thanh nhè nhẹ như mây… như cuộc đời của bà nội!

    • Lệ Thanh nói:

      Anh Tạ ơi, mấy bữa nay theo dõi bước chân anh theo chuyến viễn du hồi hương, đi từ Nam ra Bắc, xúc động bồi hồi với sứ mệnh thiêng liêng mà Thu Dung tin cậy giao cho. Nay hoan nghệnh anh chị đã trở về bình an, mạnh khỏe để đọc và còm bài của LT, rất vui khi thấy anh xuất hiện trên TT.(Về VN cũng là về, về Mỹ cũng là về…nhớ lại bài viết của
      anh ..)

  7. Nguyên Vi nói:

    Đọc chị Thanh, NV nhớ bà nội mình thật tình. Bà mất lâu rồi nhưng NV vẫn còn đậm những hình ảnh cũ, chỉ không nhớ nhiều và viết hay bằng chị Thanh thôi. Các…bà nội ngày xưa sao giống nhau quá vậy không biết, chỉ có điều bà nội NV khong hút thuốc lá thôi.
    Hồi gọi là thời bao cấp, khi đã là “cán bộ” nhà nước rồi, NV và dúm bạn vẫn còn sử dụng chiêu thức của bà nội chị Thanh – xé những điếu thuốc đã hút thừa trước đó, quấn lại thành điếu thuốc mới để hút tiếp – và món này được NV đặt tên là…RÊ THỨ !
    À tí xíu thì quên, kính chúc chị Thanh lên chức lão bà bà! He he…

    • Lệ Thanh nói:

      Cái tên “RÊ THỨ ” mà NV đặt cho cái kiểu hút thuốc …hơi mất vệ sinh này thiệt nghệ sĩ…Bà nội LT có tính hà tiện, hà tiện tiền và hà tiện công xắt thuốc. Bây giờ bà mất rồi mới biết thương bà nội, Nghiệm ra hình như bà nội cũng có chút …nghệ sĩ tính

Comment