Nails, nails, nails….

doanthilethanh

Ở bên nhà, nghề làm nails có từ xa xưa và cũng chỉ là một nghề như bao nghề lương thiện khác, không bị ai coi thường đến nỗi truyền đời báo danh trong thành ngữ như nghề ca sĩ “ xướng ca vô loài”. Cho đến khi di cư qua Mỹ theo bước chân của người Việt tha hương thì tự nhiên nghề lương thiện này bị dư luận xì xầm dè bỉu. Bởi vậy, khi cuộc sống mới của tôi chưa định hình rõ rệt, tôi đã dứt khoát không bước chân vô tiệm nails để trau chuốt bộ móng (tất nhiên, đâu phải như ở xứ mình, làm một móng thiệt đẹp cũng chỉ tốn vài chục ngàn, tính ra chỉ vài dollar), và càng không phải để chà gót tỉa móng cho thiên hạ. Lúc đó, khi nghe hai tiếng “làm nails”, tôi còn cảm nhận một dư âm tội nghiệp và rẻ rúng. Cùng là dân nhập cư, nhưng mỗi dân tộc chiếm lĩnh một phường kinh doanh. Người Tàu thường là những ông chủ bà chủ nhà hàng. Đôi khi tôi cũng đi ăn ở một vài nhà hàng vào những dịp đặc biệt. Tại nhà hàng Mỹ, hay Mễ, thái độ của nhân viên phục vụ thường là lịch sự và thân thiện; vào nhà hàng Ý, tôi cảm thấy được chìu chuộng, được chăm sóc và tôn trọng. Nơi tôi ở, nhà hàng Tàu chiếm đa số mà lúc nào cũng thấy khách hàng kiên nhẫn xếp hàng chờ. Nhân viên phục vụ đến bàn nhận đặt món với gương mặt mệt mỏi vô hồn, và những ngôn từ lạnh lùng miễn cưỡng, có lẽ vì họ quá bận rộn và mệt mỏi, đôi khi tôi cảm thấy áy náy vì đã làm phiền họ khi ngồi ăn ở đó. Thế mà tôi chưa nghe ai than phiền về cái cách phục vụ bất cần ấy. Chủ cây xăng nhất định là người Ấn Độ, dù đó là Valero, Texas, hay Exon hoặc Chevron. Tôi cũng đã quen với cái cách tiếp đón của họ cũng như đã quen cái mùi hắc hắc của loại gia vị có nhiều nghệ và cà ri. Ở đó, người thâu ngân chẳng buồn chào hỏi khách, nhận tiền xong cũng chẳng có chút biểu cảm nào gọi là cám ơn, khách dù hèn hay sang gì thì tự cầm vòi đổ cho đầy bình xăng của xe mình. Còn người Việt mình từ lúc nhập cư vào Mỹ đã khiến ngành nails phồn thịnh tưng bừng. Tiệm nails mỗi lúc một chi chít, một đoạn đường ngắn mà có tới sáu bảy tiệm là thường. Nhưng dường như cắm lưng cắm cổ chà gót bóp chân cho đủ bàng dân thiên hạ, thì cũng chẳng vẻ vang chi, có phải? Lại thêm tiếng lành không có, tiếng dữ thì nhiều. Những bản tin trên báo vẽ ra trong trí tưởng của tôi một thế giới nhộn nhạo xô bồ, tranh giành ganh ghét nhau, là một ô hợp những người kiếm tiền dễ dàng không sang mà chảnh…..Không dấu gì, tôi cũng có chút đỉnh thành kiến đối với nghề làm nails.
Thì ra thế giới có màu sắc hình dạng ra sao là tuỳ ở chỗ đứng của mình.
Vậy mà rốt cuộc tôi đã thật sự là một thợ nails! Nguyên nhân vì sao thì chắc ai cũng biết, tôi có khai ra cũng bằng thừa! Biết mình biết ta (nhưng không thắng trận nào hết), tôi là một thợ nails dở ẹt. Tôi trở thành một thợ sửa móng khi chưa học xong khoá đào tạo nào. Mùa hè là thời vụ của nghề nails, nên tiệm nào cũng cần thợ. Tôi gọi điện cho một tiệm đang treo bảng kiếm thợ. Mặc dù tôi thú thật chưa từng đi làm nơi nào cả, cô chủ vẫn vui vẻ “ Tới tiệm đi rồi em luyện cho chị”. Tôi tới liền. Ngày đầu tiên chỉ là để làm quen với những quy định, các cách thức làm tay (manicure) – mà mới ngày đầu tôi nghe là “ làm me”, làm chân (pedicure) và quan sát các chị thợ ”tác nghiệp”. Hôm sau, khách vô ra tấp nập, cô chủ vừa đon đả chào khách, vừa hối tôi lấy đồ nghề đi làm chân. Tôi giật bắn người, giống như hồi còn đi học, bị thầy kêu đích danh dò bài mà thót tim, ôm tập vở lên bàn thầy như ôm trái tim bị trúng đạn. Tôi rán giả bộ điềm nhiên đi tới chỗ để các vật dụng làm móng, ra vẻ ta đây cũng rất chuyên nghiệp, để các chị thợ ma cũ kia đừng khinh thường lính mới. Chà, nhiều thứ quá, tôi tần ngần đứng nhìn, nhẩm lại “bài” coi phải lấy bao nhiêu thứ. 5 thứ, buffer, giũa, bàn chà sắt, miếng chà gót, bàn chải nhỏ, bộ kềm cắt da và cắt móng. Tôi tới ghế của bà khách đang chờ, chào và ngồi xuống chiếc ghế nhỏ của thợ. Chị thợ đang làm cho bà khách bên cạnh nhìn tôi cười hiền. Chị vừa làm vừa thầm thì nhắc tuồng cho tôi. Các bước rửa nước sơn hay chà cát thì cũng dễ, tôi sợ nhất là phần cắt da. Cây kềm trên tay tôi run bần bật theo nhịp massage của cái ghế. Tôi cố giữ chặt kềm, cầm ngón chân út của bà khách nhìn lên nhìn xuống, nhìn qua nhìn về không biết chỗ nào cần cắt (da), đúng ra là cắt cuticle, da viền quanh móng. Tôi nghĩ, cái gì không biết thì đừng làm cho nó lành, cứ làm cách nào mà móng sạch sẽ là được chứ gì. Tôi lấy cây xủi móng, xủi cho sạch lớp da chết trên móng, lấy kềm cắt những chỗ da cộm lên hai bên móng. Xong bước cắt da, nhìn lại thấy mười cái móng cũng tạm được, liếc sang bên cạnh, tôi mất tự tin khi nhìn thấy chị thợ bạn tay thoăn thoắt, mũi kềm ứ đầy những cọng da chết, mười móng chân của khách trắng tinh sạch sẽ. Bà khách của tôi nhìn xuống chân, cười khen rối rít “Ồ, tôi không muốn cắt cuticle đâu, như thế là sạch rồi”. Tạ ơn Chúa lòng lành! Tôi yên tâm làm nốt những việc còn lại, chà gót kĩ lưỡng, rửa chân rồi massage. Tôi thường xem cách massage chân trên you tube, bây giờ cố nhớ lại và thực hành. Cuối cùng là sơn móng. Tôi hồi hộp cắm cúi cày cục trên mười ngón chân trắng muốt của bà khách, điểm trang cho các em thêm mỹ miều sáng bóng. Hãy hình dung một em bé gò lưng tập viết và tập tô màu, mím môi mím lợi mà những chữ, những màu vẫn lem luốt, thiệt tội. Hãy hình dung một tôi tóc tai bơ phờ, mồ hôi ướt đẫm tấm lưng còng để cho ra một cái gọi là thứ phẩm, với móng chân cái bị sọc và dày cui như đắp một lớp bột màu. Trước khi ra bàn ngồi hơ chân, bà khách ghé qua bàn cô chủ nói nhỏ gì đó. Tim tôi lại vừa nhẩy vừa đập trống, cô chủ kêu tôi lại bàn làm việc của cổ, nói nhỏ “ Bả nói chị sơn không đẹp, nhưng bả không chịu để em sơn lại. Chị kéo nước sơn chậm nên không đều, vừa bị sọc vừa dày”. Tôi líu ríu tới bên cạnh bà, xin lỗi rối rít. Bà lịch sự trả lời “ Không sao. Chị tên gì để lần sau tôi tới tìm chị nữa”. Trước khi về, bà vẫn “tip” hậu hĩnh và “Thank you, see you next time” nữa chứ. Trời ơi, bà khách này thiệt là biết cách chửi thiên hạ, giá bả chê tôi vài tiếng hoặc hầm hầm bỏ đi không trả tiền, chắc tôi đỡ phần nào áy náy xấu hổ. Những ngày sau đó, cô chủ và chị thợ bạn hết lòng “kềm cặp”, tôi ghi hết cẩm nang vào một cuốn sổ tay, chùi nước sơn không phải cứ cầm bông gòn mà quẹt, nước sơn tèm lem ra da trông rất dơ, nhất là sơn đỏ; cắt da làm sao cho khỏi đứt chân; chà gót như thế nào để không làm chảy máu; khi sơn phải cầm ngón chân theo cách nào ; làm đẹp thì phải cẩn thận và tất nhiên là phải đẹp….Tay nghề tôi có phần cứng cát, nghĩa là không còn run.. chớ không phải chuyên nghiệp hơn! Một chị khác trong tiệm, tính có phần bộc trực, mỗi lần tôi cầm kềm chuẩn bị “ cạo móng chân”, chị cười (tôi thật tình không hiểu cho lắm kiểu cười này), “ Thấy cái kềm trong tay của bả mà ớn, cứ chỉa chỉa vô người ta, ở Mỹ này họ dạy cầm kềm khác bên mình há!”. Nhưng “người ta” không phải là thợ làm nails, nên “người ta” không sợ cái kềm của binh- nhì -thợ- nails- tôi, “người ta” hoặc lim dim mắt tận hưởng giây phút được chăm sóc như em bé, hoặc chăm chú bấm bấm trên iphone, ipad, phó mặc hai bàn chân cho tôi chà nạo (như cạo phó mát), hay vò bóp như vắt sữa đậu nành. Hơn nữa, tôi biết mình là học trò dốt nên cố “cần cù bù khả năng”, hết sức tận dụng trí nhớ và hai bàn tay để thực hành xuất sắc những bài học (lóm) trên you tube bạn hiền, hầu giúp quý bà quên đi chút sơn còn lem hai bên viền móng như vết quẹt của mấy bà già trầu luộm thuộm, hay những sọc sơn chỗ đậm chỗ nhạt như vó dưa leo.
Những ngày trong tuần không làm ở tiệm, tôi chăm chỉ học hành chờ ngày ứng thí. Ba tháng sau tôi ra nghề. Không biết sao tiệm tự dưng văng vắng, Có những ngày cuối tuần mấy chị em ngồi nhìn nhau, rồi rủ nhau vào bếp coi có gì ăn, hoặc người này sơn móng cho người kia. Tôi lo lắng tự chất vấn, hay là tay nghề vụng về của mình đã đuổi khách người ta đi. Thôi chi bằng ra đi còn hơn cứ tự hỏi và tự trách như thế này thì tổn thọ lắm. Rồi tôi ngậm ngùi cầm tấm bằng mới lãnh từ biệt những đồng nghiệp – có người tốt nhiều, có người tốt ít- . Dù cô chủ cứ an ủi và lưu luyến giữ tôi ở lại, tôi vẫn quyết ra đi.
Tôi lại gọi điện tới một tiệm khác theo lời mách của một người quen. Giọng của cô chủ này ngọt như khoai lang mật “ Em làm ngay ngày mai được không?”. Được chứ. Sáng hôm sau tôi rụt rè bước vào một căn tiệm nhỏ khá dễ thương. Cô chủ “chị em”với tôi rất thân mật, nhưng thật ra cũng trạc tuổi tôi mà thôi. Lần đầu gặp mặt, tôi đã có cảm tình với cô, bởi đôi mắt có đuôi biết cười. Sau vài câu thăm hỏi, tôi biết cô vốn là học sinh trường Sương Nguyệt Ánh, Sài Gòn. Cô có cái tên khá lạ, Ngọc Lang. Theo lời giải thích của ông nội cô, Ngọc là đá quý, thu hút người ta không vì trị giá vật chất mà ở vẻ đẹp vẻ sáng bất diệt. Vì thế, vàng thì có giá nhưng ngọc muôn đời vô giá; Lang theo nghĩa thông thường, là khoai lang, loại lương thực hiền lành bình dị của người Việt mình. Cho nên số cô sau nay sẽ giàu có no đủ suốt đời. Hồi còn nhỏ cứ bị bạn bè chế giễu là củ khoai lang, cô chán cái tên -giàu -có no- đủ này lắm, mấy lần khóc lóc đòi ba đổi tên – Ngọc Lan dòng suối tơ vương, hay Dạ Lan Hương đêm thơm như một dòng sữa chi đó, nhưng ông nội quyết liệt phản đối. Bây giờ thì cô tự hào với cái tên hàng độc hàng hiếm của mình lắm.
Ngoài cô chủ, tiệm có một chú thợ làm bột, một cô thợ trẻ và một chú thợ khác làm cuối tuần. Chú thợ làm bột tay nghề thuộc loại siêu đẳng, lần đầu tiên thấy chú cầm kềm cắt da cuticle thoăn thoắt như máy, tôi phải kinh ngạc dừng tay để nhìn, trong lòng thầm thán phục và ngán ngẩm cho tay nghề của mình. Trong khi tôi rị mọ chưa xong một bàn chân thì chú ta đã rửa sạch sẽ hai bàn chân khách của chú rồi. Đôi khi khách chờ đông, mà tôi thì cứ thận trọng nhấp từng nhát kềm, chú sốt ruột “ Cô để con sơn dùm cho nhanh, qua bắt cái chân kia mà làm.” Thì ra đâu phải thợ nails nào cũng chỉ biết có tranh giành ganh tị!
Không ở đâu mà khách chủ tình thương mến thương như ở tiệm nails. Khách chủ ôm nhau thắm thiết khi tới cũng như khi về, hẹn hò lưu luyến. Và phần lớn họ đều đến hẹn lại tới, tình chung thuỷ tính đến hàng chục năm chứ không ít. Ai cũng một lòng một dạ trao chân gởi phận, dù máu đổ (do bị cắt phạm) hay thịt rơi (bàn chà bén quá cắt luôn gót) vẫn chung thuỷ không dời (sang làm tiệm khác). Phải chăng các bà các cô đến tiệm nails không chỉ với mục đích làm đẹp. Phần lớn trong số họ thích nói chuyện – với nhau hoặc với thợ. Có những cô, bà nói chuyện tía lia với nhau như tri âm tri kỉ từ tiền kiếp, hoá ra lần đầu tiên mới ngồi bên nhau. Có người kể hết mọi chuyện riêng tư thân thiết với thợ như nói với người trong nhà mình. Tôi thường đến tiệm sớm. Vừa mở cửa, đã có bà xăm xăm bước vào, “Tôi muốn sơn móng tay và móng chân màu tím hồng để tiệp với màu áo của con gái tôi”. Chỉ sau vài câu hỏi chiếu lệ của tôi, bà huyên thuyên khoe con gái vừa giỏi và vừa xinh của bà. Thì ra cái sự khoe con khoe cháu này thì người nước Tây cũng giống như người xứ Việt mình. Khách trưa trưa xế xế là những bà cụ về hưu đến cùng với chồng, với con gái hay cháu gái. Một bà thường đến với con gái, tóc bà như mây trời lúc hoàng hôn, không trắng bạc, mà anh ánh sắc vàng, đi đứng khập khiễng thận trọng vì một chân của bà bị teo cơ. Lần đầu gặp bà, tự dưng tôi nhớ mẹ, mặc dầu bà không giống mẹ tôi một chút nào, tất nhiên. Mái tóc bà cũng uốn lượn sóng ôm khuôn mặt hiền từ và đôi môi bà tô son thắm màu đỏ mặt trời. Hay vì bà là người khách lớn tuổi nhất từ khi tôi khởi nghiệp nails? Tôi vuốt ve đôi chân gầy guộc của bà bằng đôi tay thương nhớ mẹ, tôi chưa bao giờ chăm sóc tay chân cho mẹ tôi như thế này. Bà hỏi tôi là người nước nào, tại sao qua đây sinh sống, bên nhà còn những ai. Tôi kể cho bà rằng mẹ tôi sống với người em út, cậu em đi làm suốt ngày nên mẹ tôi rất cô đơn. Bà hỏi bên VN có nhà dưỡng lão như bên này không. Bà khoe nhà dưỡng lão nơi bà đang sống rất vui vì có nhiều hoạt động giúp người già quên muộn phiền của gia đình và tuổi tác. Đưa bà tới bàn hơ móng chân, tôi vội vã quay về bồn để lau rửa, bà kéo tay tôi và ôm nhẹ vai tôi, “ Khi nào nói chuyện với mẹ cháu, nhớ cho tôi gửi lời hỏi thăm. Tôi tên Marlene”. Tôi nói tên tôi đồng âm với lời cám ơn của tiếng Anh, còn tên bà giống như tên của người Pháp, bà nói bà gốc người Ireland.
Hai tuần sau bà trở lại và chờ tôi. Trong khi làm chân cho bà, tôi kể rằng mẹ tôi sẽ đến ở với một người em trai khác, em dâu và cháu tôi sẽ giúp mẹ tôi đỡ buồn hơn và mẹ cũng được chăm sóc chu đáo hơn, bà vui mừng bảo đó là quyết định sáng suốt. Theo thường lệ, hai tuần sau bà lại đến, bà hỏi mẹ tôi có vui khi thay đổi chỗ ở không. Tôi ngẩn người, ủa sao bà lại biết chuyện này? Thiệt tệ, tôi đáng tuổi con bà nhưng lẩm cẩm như mẹ của bà. Người nói thì thường quên những gì mình nói, còn người nghe thì nhớ rất lâu. Tôi cảm động cám ơn bà đã hỏi thăm, và thất vọng nói với bà rằng mẹ tôi không muốn bất cứ sự thay đổi nào – dù nhỏ nhặt- trong đời sống buồn tẻ của mẹ. Bà an ủi tôi, bà cũng vậy, bà thích sự quen thuộc dù nó nhàm chán. Ôi, Marlene, tôi yêu bà biết bao.
Đến chiều chiều cuối tuần thì bà 39 tới. Không phải bà 39 tuổi mà vì bà thường trả 39 đồng vừa tip vừa tiền làm chân hoặc tay. Maria đã hơn 60 nhưng vẫn còn rất đẹp, dáng dấp thon thả như thiếu nữ. Bà thường mặc áo không cổ không tay bó sát người làm bộ ngực thả lỏng cứ vênh lên khiêu khích, và phía dưới cánh tay lấp ló một phần da thịt rám nâu hấp dẫn theo cách nửa kín nửa hở. Ngọc Lang thường cười mỉm, nàng cười mỉm cũng rất duyên, “ Đồ giả thường đẹp hơn đồ thiệt”. Trước đây, bà 39 không vui, thường ngồi buồn mơ màng lãng mạn trên ghế làm chân, đôi khi nhắm mắt lặng lẽ tận hưởng nhịp đưa đẩy của ghế dựa massage, đôi khi khóc thút thít. Ngọc Lang kể bà 39 hay bị thất tình, thất tình thì chắc chắn là chưa có chồng ở thì hiện tại. Hình như bà cũng chưa có con, vì nếu có, bà đã khoe. Độ sau này, Maria không buồn bã âu sầu nữa, bà cười cười nói nói vui vẻ trẻ trung. Thường bà hay nói chuyện với chú thợ – vốn là kĩ sư điện tử, làm ở sở năm ngày và còn cố đi làm nails hai ngày cuối tuần cho vui. Chú có tay nghề massage khiến các cô các bà hâm mộ. Hình ảnh chú bóp nắn vuốt ve mấy cẳng chân trắng thon, hay gầy ngoẵng, hay bự chảng như cột đình khiến tôi liên tưởng tới những nhạc sĩ đang gảy đàn harpe. Mắt chú nhắm, đầu hơi cúi xuống, hai tay nhẹ nhàng nâng niu trân quý những đôi chân như các tông đồ rửa chân Chúa. Chú hay kể chuyện vượt biên của gia đình chú, vô vàn hiểm nguy và gian khó, còn bà thì kể chuyện đi du lịch, khi thì Carribean, khi thì Florida, khi thì Châu Âu…Cả hai ý hợp tâm đầu đầm ấm lắm khiến tiệm thêm phần rộn ràng hào hứng. Mỗi ngày Maria càng đẹp hơn và siêng làm đẹp hơn, cứ cuối tuần thì tung tăng bước vào tiệm, hớn hở cười chào mọi người. À, thì ra Maria đã có người yêu, đẹp trai và trẻ hơn bà gần chục tuổi, bà khoe hình cho mọi người trong tiệm xem, ai cũng thật lòng chúc mừng cho người đẹp…
Có khi thầy thợ đang làm vệ sinh cuối ngày thì một vài cô da màu tới, rụt rè hỏi tiệm sắp đóng cửa chưa, xuýt xoa xin lỗi tới trễ vì mới đi làm về. Hôm đó cô Janet cũng đến tiệm khá muộn. Cô không hẳn đen, thân hình to lớn dềnh dàng như bất kì người Mỹ da màu nào, mái tóc lơ thơ ép sát vào cái đầu hơi méo làm lộ hai gò má cao to thô kệch. “ Lâu lắm không thấy cô tới”, tôi đon đả. Cô uể oải ngồi lên ghế, vừa kéo tay ghế xuống vừa nói, đôi mắt rưng rưng “ Mẹ tôi vừa mất tháng trước”. Tôi xuýt xoa chia buồn, thì cô được dịp thổn thức tâm sự. Cô làm hai công việc từ nhiều năm nay vì phải nuôi cha mẹ. Cha cô mất ba năm trước, bây giờ thì mẹ cô cũng theo cha cô. Chị em cô rất đông, chín người, nhưng ai cũng thờ ơ khi cha mẹ đau yếu. Tôi an ủi cô “Mình sống hiếu thảo thì khi cha mẹ mất đi mình không có gì ân hận hối tiếc”. Giọng nói cô nghe nặng trong cổ và đôi mắt cô ướt sũng “Tôi thương mẹ nên chỉ muốn ở bên cạnh bà, tôi đã nghỉ làm thêm để dành thì giờ cho mẹ. Bây giờ mẹ đi rồi, tôi thấy trống trải quá”. Gương mặt thô kệch nhuốm nỗi buồn hiếu thảo tự dưng trở nên dịu hiền và xinh xắn. Với vốn liếng tiếng Anh ít ỏi, tôi không hiểu hết những gì cô kể lể, nhưng tôi thấu cảm những gì cô nghĩ, cô yêu thương. Quá giờ đóng cửa tiệm đã lâu, nhưng vẫn cố chăm sóc đôi chân nặng nề và sần sùi của cô thật kĩ lưỡng, dù tay nghề vụng về, tôi cũng đã sơn vẽ những móng chân vẹo vọ của cô trở nên đẹp tuyệt.
Hôm khác, một cô Mễ đến khi tiệm chuẩn bị đóng cửa. Cô khoe hôm nay làm đẹp để mừng căn nhà mới mua. Căn nhà này cô tậu được nhờ …..bị chồng bỏ. Một bữa tối, chồng cô nói với cô rằng, “Anh đã lỡ yêu một người, bây giờ anh không biết chọn ai, em hay cô ấy” . Cô không cần suy nghĩ, quát vào mặt tên chồng mặt dê tim lợn “Tôi không cần anh chọn, tôi bỏ anh”. Và hôm sau, anh ta bỏ nhà đi theo cô đồng nghiệp người Nga trẻ đẹp chân dài. Tôi và chị thợ bạn có cùng phản ứng là “ há…” một tiếng thật to. Cô nói rằng cô cũng muốn “há…” như vậy khi nghe anh ta thú thật chuyện mèo mỡ ớn ngấy đó. nhưng cố giữ chặt nó trong cổ. Những ngày sau đó, cô không buồn, chỉ bất ngờ đến sửng sốt vì không tưởng được cuộc chia tay sau vài chục năm chung sống lại chóng vánh đến lạ lùng như thế. Cô cười cười nói “Bây giờ thì tôi quên hẳn thằng cha khốn nạn đó rồi. Hắn để tôi bán căn nhà cũ và tôi lấy hết tiền mua lại một căn nhà khác, nhỏ hơn nhưng mới hơn và đẹp hơn. Tôi còn có một con cún cưng, tôi sẽ tận hưởng cuộc sống mới, sẽ chăm sóc mình cho đẹp hơn”. Tôi tán đồng “ Phải đó, thứ đàn ông đó không đáng cho mình phải đau khổ đến nỗi già cỗi đi. Cô còn trẻ, và xinh như vậy, thế nào cũng gặp được người đàn ông tốt”. Cô chán nản lắc đầu “Tôi không tin trên đời này còn có loại đàn ông tốt. Tôi không cần đàn ông nữa, tôi sẽ quên tất cả chuyện buồn”. Tôi không cho rằng cô đã quên câu chuyện tình duyên buồn chết người đó. Nếu cô quên được thì đâu có huyên thuyên kể chuyện bằng giọng của bà thím bị phụ tình, và đâu cần ra vẻ bất cần đàn ông. Sau khi cô đi khỏi tiệm, tôi chợt buồn bã như vừa bị chồng bỏ, chợt thấy căm ghét những ông chồng đã già mà ham gái trẻ, tự hỏi có phải trên đời này đàn ông tốt bị mấy cô gái trẻ tiêu diệt hết rồi chăng. Thôi dù sao cũng cầu cho cô thật sự vui trong căn nhà mới với chú chó trung thành.
Khi kể những chuyện này, tôi đã xa căn tiệm nho nhỏ của cô chủ có đôi mắt biết cười theo khuôn miệng duyên dáng. Mười đầu ngón tay tôi cứ bị bong da rồi nứt chảy máu nên tôi phải nghỉ làm nails. Tôi rất nhớ không khí ấm áp của tiệm, nhớ Marlene, nhớ bà 39, nhớ Janet, ….. Có thể họ quên tôi rồi, vì họ vẫn còn có thể tâm sự với những người thợ khác như với người thân. Được lắng nghe và thấu hiểu chẳng phải là một phương thuốc hữu hiệu sao. Tôi vẫn thường tự an ủi, dù vụng về và chậm chạp, tôi đã làm nghề với tất cả tấm lòng thành, thì có gì phải xấu hổ với nghề làm nails?

LỆ THANH

Advertisement

Bà nội

ĐOÀN THỊ LỆ THANH

real-1

Khi không còn ai để gọi là bà nội bà ngoại thì đến lượt chúng ta lên chức bà. Tôi làm bà nội đã gần hai năm. Lúc cháu nội tôi mới chào đời, bạn bè người thân xúm lại chúc mừng “bà nội” nghe thật oai, thật đáng hãnh diện, nhưng đang  say sưa trong niềm vui “ lên chức”, tự dưng tôi giật mình “ thì ra mình đã lên hạng lão bà rồi!”. Tuy nhiên ngắm mấy bà nội bà ngoại bạn và ngay cả tôi, tôi thấy dường như không giống “bà” cho lắm, ai cũng còn tươi tắn, trang phục trẻ trung hợp thời, không váy đầm, áo hai dây, thì cũng quần jean, quần lửng. Trong thời đại này, thời công nghệ thông tin phát triển một cách thần kì trong từng giây từng phút, những bà nội bà ngoại ngày càng trẻ ra, sành điệu và thức thời, thật khác xa với hình ảnh bà nội tôi trong kí ức Tiếp tục đọc

Người Việt tử tế

Đoàn Thị Lệ Thanh

homndfdk
Trước khi từ biệt quê nhà yêu dấu, tôi thường hỏi những người quen (là Việt kiều ) về cách cư xử của người Việt hải ngoại, với ai tôi cũng được trả lời bằng một cái bĩu môi dài (như vừa được phẫu thuật thẩm mỹ bơm môi) kèm theo nhiều cái lắc đầu ngao ngán, sau đó là vài ba chục câu than thở : “Người ta định giá trị của mình bằng cái xe mình đi, cái áo mình mặc, đôi giày mình mang…”; “ Ở xứ lạ quê người thì phải đùm bọc nhau chớ, như người Tàu đó, đâu cũng có China Town, đố ai mà ăn hiếp được một người Tàu nào. Đằng này, còn lừa nhau, chơi nhau tận cùng bằng số”; “Hãng nào có nhiều  người Việt là lu bù phe phái bè cánh, còn phải biết chị ..chị..em …em, quà cáp sớm trưa mới mong không bị lay off ”. Khi qua Mỹ rồi, lại thêm nhiều răn đe: “Mua xe hử? Nhớ nghen, chớ ..chớ …chớ bao giờ tìm tới body shop của người Việt”; “Mua nhà hử, nè nè, tìm khu Mỹ trắng mà ở, hàng xóm người Việt nó dòm ngó nhiều chuyện lắm…” v.v và v.v……( Chà, lại nghe nói Mỹ trắng thấy người Việt mình dọn tới làm bạn hàng xóm là họ bán nhà chạy trốn, vậy thì ở đâu cho yên thân đây?)

Nghe riết thành nhập tâm, cho nên hành trang tôi đem theo qua Mỹ còn có thêm một cái ba lô  vô hình chứa đầy ắp những thành kiến về người Việt, tự nhiên tôi đâm ra kì thị với ngay cả đồng hương mình.  Những ngày đầu mới định cư, giao tiếp với người bản xứ thì tôi cởi mở thân tình, ra vẻ ta đây là dân Mỹ gốc Việt thứ thiệt, lịch sự dư dả không kém gì dân Tây, nhưng với đồng hương thì “cảnh giác cao độ”, thấy người nào tóc vàng, da vàng, mũi (sửa) cao là …né,  cần thiết thì chào hỏi dăm ba câu trong tinh thần thủ thế. Thời gian đầu, tôi ở nhờ nhà vợ chồng đứa cháu gọi ông xã tôi là bác ruột, các cháu đối xử với chúng tôi hiếu thảo như với cha mẹ ruột các cháu. Dần dà, mối dây liên lạc được nối dài, tôi tìm được bạn Hiền Hậu thời trung học, ông xã tôi tìm lại được một vài đồng đội trong khóa SVSQ Thủ Đức, chỉ biết tên, bây giờ mới rõ mặt, rồi quen biết thêm những anh chị khác trong giáo xứ, trong cộng đồng. Các bạn, các anh chị ấy sẵn sàng giúp chúng tôi – những người chân còn ướt chưa kịp ráo –  nhanh chóng bước kịp với cuộc sống mới, bạn Hiền Hậu giúp tìm việc làm, anh Chinh dạy hai vợ chồng tôi lái xe, anh Liêu giúp khai thuế, chị Duyên chị Hải Triều giúp tôi kinh nghiệm đi chợ, đi mua sắm… Có người sẽ bảo: “ Đã là bạn hữu, tất nhiên phải tốt với nhau, đâu phải chuyện hiếm hoi lạ lùng gì! Còn chuyện cư xử với nhau cho ra một cộng đồng tốt đẹp như cộng đồng người Hoa mới đáng nói chứ! Người Tàu họ tự hào về cái town này lắm đó!”. A, lại có thêm chuyện tự hào dân tộc nữa. Tôi làm trong cafeteria của một trường Tiểu học mà một nửa là học sinh Việt. Vì trường cho phép học sinh Việt chọn sinh ngữ phụ là tiếng mẹ đẻ nên phần lớn các cháu đều nói tiếng Việt rất sỏi. Đứng làm cashier để thu tiền hoặc scan thẻ ăn, tôi phải luôn miệng “ Hi, how are you doing today?” hoặc “Thank you, honey…Thank you, sweety”, và luôn tay bấm nút “account” (nếu thiếu tiền ăn) hay “stend” (nếu có đủ tiền trong account)  để các cháu di chuyển nhanh chóng cho kịp giờ ăn trưa, đâu có thì giờ coi cháu nào người Việt, cháu nào Mỹ hay Mễ để chuyển ngữ. Thế mà có cháu không chịu, lần nào đi ngang cũng hỏi “Bà có biết nói tiếng Việt không?”. Có cháu hãnh diện khoe với tôi “ Con là người Việt, mẹ con là người Việt, ba con cũng là người Việt, bạn con đây nè, cũng người Việt”. Trẻ con thường láu táu nên có lúc cầm nhầm thẻ của bạn, vì vậy tôi gọi tên các cháu để tránh nhầm lẫn “Thank you, Heavenly….Thank you, Mignone…” Tiếp tục đọc

Về nhà

Đoàn Thị Lệ Thanh

Screen Shot 2013-06-13 at 11.57.03 AM

Joana Gelazyte, Il pianista della vita

Nhiên vừa đặt cái giỏ thức ăn xuống sàn bếp, thì chuông điện thoại rung. Nhấc máy, Nhiên nghe giọng cu Toàn nghẹn ngào:

– Mẹ, con nè. Mẹ biết tin gì về ba chưa?

Nhiên nghe tim mình bỗng đập hụt mất một nhịp:

– Ba sao hả con?

– Mẹ ơi, ba bị ung thư giai đoạn cuối.

Nhiên thảng thốt, buột miệng :

– Hả, ung thư?

Giọng cu Toàn đều đều:

– Ba bị ung thư tuyến tiền liệt đã di căn vô xương, bây giờ chờ hóa trị và xạ trị. Nếu phát hiện sớm thì còn hi vọng, nhưng tình trạng ba thì có lẽ cũng đã trễ , bên Na Uy, y tế họ tiến bộ hơn Việt Nam mình chắc họ có cách chữa trị.

Tiếng thở dài của con trai nức nở như khóc khiến bàn tay cầm máy của Nhiên cũng run rẩy…

Gác máy, Nhiên thẫn thờ buông mình xuống ghế. Đã mười lăm năm không gặp, không liên lạc chuyện trò, không một lời chào hỏi xã giao. Giữa hai người luôn là một quãng không xa mù khơi, trước là Việt Nam – Mỹ, rồi sau đó Mỹ – Na Uy, mà đâu phải đến mười lăm năm, chỉ sau ba năm chung sống, mỗi người đi về hai hướng ngược nhau. Mảnh vỡ của cuộc hôn nhân vẫn nằm yên trong tim Nhiên, đợi khi nghe đến tên Hoài thì đâm lén mấy cái, tuy khẽ nhưng nhoi nhói đau rất lâu. Chị bảo với con “Đừng nhắc tên ba khi nói chuyện với mẹ”, tuy nhiên chị vẫn lẳng lặng nghe khi con kể chuyện Hoài. Vài năm sau khi đến Mỹ, Nhiên nghe “ Mẹ, ba vượt biên rồi. Ba không cần con nữa, bây giờ con chỉ còn một mình . Mẹ đi, ba cũng đi, ai cũng bỏ con”. Nhiên lặng lẽ khóc thương con. Vài năm sau nữa, Nhiên nghe “ Mẹ, ba rớt thanh lọc bị trả về Việt Nam rồi” . Rồi vài năm sau “ Mẹ, ba lấy vợ, trẻ hơn ba mười tuổi, và qua Na Uy sống rồi.”. Nhiên nghe hờn tức chẹn ngang cổ. Rồi hôm nay “ Mẹ, ba bị ….”, Nhiên choáng váng tựa như khi Hoài đồng ý chia tay. Thoạt tiên có một chút băn khoăn, hay là vì mình nhiều lần rủa xả người ta “ Trời tru đất diệt”, rồi sau đó là ân hận, là hồi nhớ. Dáng người Hoài tầm thước, không vạm vỡ, nhưng không đến nỗi gầy gò, từ lúc nhận nhiệm sở tại trường PTTH Ban Mê Thuột, ít khi Hoài xin nghỉ bệnh. Lần bệnh nặng nhất là sau khi ăn mừng sinh nhật Nhiên, khách mời là cả tổ Sử Địa. Không biết do thức ăn không sạch, hay ăn quá nhiều (dấu hiệu của bệnh tiểu đường mà bây giờ Hoài đang mắc phải), Hoài bị tiêu chảy, nằm liệt giường hai ba ngày phải nhờ Nhiên phải dạy thay. Thấy Hoài nằm bẹp, mặt mũi bơ phờ hốc hác, Nhiên thương tình nấu cháo đem qua. Hoài không ngồi dậy nổi, Nhiên phải kê đầu anh vào chiếc gối đặt hơi cao vào đầu giường rồi bón từng muỗng cháo cho anh. Nghe y tá của trường bảo phải cho người bệnh uống nhiều nước pha muối và đường, Nhiên cặm cụi pha chế, rồi tỉ tê nhắc Hoài uống….Khi khỏe lại, Hoài đến lớp được, nhưng vẫn than với Nhiên không muốn ăn cơm, cơm ở bếp ăn tập thể khó nuốt quá. Vậy là Nhiên lại ngày đêm suy nghĩ xem đi chợ nên mua gì về tẩm bổ cho bệnh nhân. Rồi Hoài “ăn cơm tháng” với Nhiên, rồi Hoài và Nhiên thân thiết như đôi bạn, rồi tha thiết như đôi tình nhân. Sau mỗi bữa cơm chiều, Hoài nán lại phòng Nhiên, cầm đàn chơi một vài bản classic, thỉnh thoảng hát một vài bài do anh sáng tác. Hoài thường kể cho Nhiên nghe về tuổi thơ phá phách, nghịch ngợm, đầy bất mãn mặc dù anh luôn thương yêu và kính sợ cha mẹ Tiếp tục đọc

Huế của tôi (2)

Đoàn Thị Lệ Thanh

TobaMika005

Toba Mika

(tiếp theo)

Sau khi tốt nghiệp lớp 12- năm 1974- tôi về Huế, thi đậu vô trường Đại Học Sư Phạm thì ở lại luôn. Nỗi lo thi cử và nỗi mừng khoa bảng trôi qua thì nỗi nhớ nhà , nhớ biển dày vò tôi tàn nhẫn. Thêm nữa, tiếng nhạc từ mấy quán chè bên kia đường cứ than vãn hằng đêm “ Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về….” . Nhatrang êm ả, nhưng vui hơn Huế.  Mỗi sáng đạp xe ra biển tắm, mỗi tối cũng đạp xe ra biển hóng gió, cuối tuần xếp hàng ở quầy vé Tân Tân, Minh Châu, chiều chiều rủ bạn ngồi nghe nhạc, ăn kem. Không có mục gì đặc biệt thì diện thiệt đẹp, lượn lên lượn xuống trên phố Độc lập, tạt vô nhà sách Văn Lang coi sách, nhất là những cuốn tạp chí in hình ca sĩ, tài tử ciné; hay vô mấy tiệm Ấn độ ngắm vải vóc, son phấn, nước hoa, cũng thú vị lắm. Huế cũng có rạp Tân Tân như Nha Trang, nhưng cũ kĩ hơn, và không nhộn nhịp bằng.  Qua bên kia cầu Tràng Tiền là phố, có nhà sách, có chợ Đông Ba, tiệm kem, tiệm chè nhưng không sầm uất như chợ Đầm. Tôi nhớ Nha Trang nên chưa mấy yêu Huế, quả là ở quê hương mà nhớ quê nhà. Thương tôi không bạn bè, lại xa gia đình, nên cả nhà ngoại chìu chuộng tôi đủ cách. Trong nhà, người ít chất Huế nhất là Cậu Hoàng. Cậu đang chờ ngày nhận nhiệm sở nên khá rảnh rỗi. Tôi ngưỡng mộ cậu lắm, đối với tôi, cậu là một nghệ sĩ, không chỉ ở ngón đàn Flamenco hoặc cổ điển tuyệt hay- nhờ cậu mà tôi được thưởng thức những bản nhạc bất hủ  như  “Jeux interdit” (Romance),  “ Rain and tears”, “Granada”– mà còn ở tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, lại dễ dãi xuề xòa. Nhưng với ông bà ngoại, cậu là đứa con có máu “nổi loạn” mà bà ngoại hay dùng từ “ bất trị” mỗi khi la rầy cậu. Tôi nghe kể năm cậu 17 tuổi, sau Tết Mậu Thân, cậu trốn nhà đi mấy ngày, tình nguyện xúc cát vô bao  để người ta xây hầm trốn pháo kích. Mấy ngày liền bà ngoại đau khổ ngồi ở hiên nhà ngóng cậu về. Sau này, khi nghe tin Ban Mê Thuộc thất thủ, tôi tận mắt thấy dáng vẻ còm cõi rũ rượi chờ đợi của bà ngoại.  Bà không ăn, không ngủ, ngồi bên cửa sổ, tay cầm cái radio nhỏ để nghe tin tức. Hễ bản tin đã hết, thì bà lại quay sang hỏi ông ngoại về tình hình chiến sự. Nhiều lúc tôi tưởng như bà ngoại bị mất trí. Trở lại chuyện cậu Hoàng . Cậu mê âm nhạc hơn ngồi chăm chỉ “tụng” bài,  cậu lén ghi danh học thêm vào buổi tối ở trường Âm Nhạc Huế, rồi thành lập ban nhạc. Ngoại rầy la dữ lắm mới bỏ ban nhạc trở lại học hành tử tế, đậu Tú tài, rồi đậu vô ĐHSP khoa sử địa, ra trường đậu cũng khá nên được chọn nhiệm sở ở  Ban Mê Thuột, thành phố gần Huế hơn cả trong danh sách lựa chọn. Cậu lại có trí nhớ đặc biệt, sách truyện thơ, đọc qua  một vài lần là nhớ làu làu. Mỗi bữa cơm hay lúc rảnh rỗi, cậu kể chuyện Tam quốc, Thủy hử, Tây du….. rành rọt như cầm sách đọc. Vì vậy cậu khá đào hoa, nhiều cô viết thư tán tỉnh cậu (Tôi không nghĩ rằng con gái Huế thì nhút nhát và kín đáo đâu ). Có lần, cậu kêu tôi và hai dì vô phòng, trải hai lá thư ra bàn, cười hì hì biểu ba chúng tôi đọc. Lạ một điều là hai lá thư của hai cô không quen biết nhau, mà viết cho cậu tôi lời lẽ y khuôn: “ Anh đến với em nhẹ nhàng và êm đềm như bướm lượn trên hoa”. Dì Trà và dì Thanh cùng cười phá lên: “ Sến dễ sợ, không biết chép chỗ mô ra rứa”. Hiện nay cậu sống ở Na Uy và đang chống chọi những cơn đau đớn của bệnh ung thư. Dù đối mặt với tử thần, cậu vẫn cười giỡn mỗi khi gọi cho tôi : “Ê con, Noel vui không? Cậu đi nhậu mấy bữa nay….” ( Cậu không uống được bia rượu, nhưng hay dùng từ “nhậu” để thay từ “ ăn”). Gần đây, cậu đã phải dùng morphin liều cao, nhưng giọng vẫn cứ vui: “ Ê, con…Phục sinh có chi vui không? Cậu bị shock thuốc phải vô nhà thương, uổng quá, mất mấy chầu nhậu! Mấy bữa ni cậu đau dữ dội lắm, con nhớ cầu nguyện cho cậu nghen”.  Rồi cười hà hà…Tôi nghe cậu cười mà chảy nước mắt Tiếp tục đọc

Huế của tôi (1)

ĐOÀN THỊ LỆ THANH.

Mai Nemesis, Inversely

Mai Nemesis, Inversely

.

Tôi sinh ra ở Huế, nhưng thời gian sống ở Huế không nhiều lắm. Ba mạ tôi kết hôn tại Huế, sau đó ba tôi thuyên chuyển nhiều nơi, Đà Nẵng, Sài Gòn rồi Nhatrang. Nhưng mỗi hè mạ tôi vẫn thường đưa chị em tôi về thăm ngoại.  Huế  trở thành kí ức của tôi kể từ năm tôi lên 5,6 tuổi. Đó chỉ là những nét chấm phá về  không gian cổ kính, hoang vắng và bí ẩn của Cung An Định, nhà của ngoại. Cung An Định, thuộc vùng An Cựu, vốn là cung điện vãng lai của  các hoàng thái tử, từ hoàng tử Bửu Đảo (vua Khải Định), đến Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) và cuối cùng là Bửu Long. Khi vua Bảo Đại sống lưu vong bên Pháp, Cung An Định  bị tịch thu làm nơi ở cho các giáo sư và nhân viên thuộc Viện Đại Học Huế. Ông ngoại tôi làm phát ngân viên của Viện nên cả gia đình được ở đó. Mặt tiền cung có một cổng chính ít khi mở, và hai cổng phụ. Hai bên cổng phụ là hai cây ngọc lan sum suê, quanh năm xanh tốt. Dì Kim Kê của tôi- lúc đó khoảng 13,14 tuổi- thường hay dắt tôi ra ngồi dưới gốc cây, dì đọc truyện hay viết lách gì đó, trên tóc cài một búp ngọc lan trắng muốt. Sáng sớm thì dì một mình ra cổng, leo lên tường rồi chuyền theo cành lớn hái mấy búp còn ngậm sương đem để trên bàn học. (Chuyện này tôi thì tôi không nhớ, tôi nghe mấy dì kể lại, có lẽ vì tôi còn quá nhỏ để biết yêu hoa. Ngược lại, hai cây ngọc lan này là kỉ niệm biết tỏa hương của hai dì Tố Nga và Kim Kê). Qua khỏi cổng là một khoảng sân rộng, chính giữa có một ngôi nhà che cho bức tượng vua Khải Định bằng đồng đen (Sau này cậu Hoàng tôi giảng cho tôi nghe là cổng chính xây theo lối tam quan, còn ngôi nhà xây theo hình bát giác này gọi là Đình Trung Lập, bức tượng vua Khải Định được đúc từ năm 1920 theo tỉ lệ bằng người thật). Mỗi hè, có gia đình tôi và gia đình dì Quỳnh Hoa- em kế mạ tôi ở Quảng Ngãi -về thăm, cả nhà ra ngôi nhà bát giác đó để chụp hình. Tôi thấy mạ tôi và mấy dì, lần lượt leo lên đài, đứng cạnh vua cười rồi bước xuống, lòng cứ thắc mắc không biết tại sao ai cũng phải cười trước ống kính. Cho nên, trong hình, bên cạnh những quý bà quý cô xinh đẹp rạng rỡ gồm bà ngoại, mạ và mấy dì là cái tôi cau có, luôn nép một nửa người bên cạnh ai đó. Còn hai ông cậu nghịch ngợm của tôi lúc đó khoảng 9,10 tuổi – cậu Hoàng và cậu Khánh- cũng không cười, mà làm mắt lé, hoặc lè lưỡi, hoặc chỉa hai ngón tay lên đầu làm sừng.  Sau ngôi nhà có tượng vua là tòa lâu đài to lớn ( nhìn qua đôi mắt bé con) nơi vua ngự . Sau tòa lâu đài này là hí trường, mà mấy cậu dì tôi hay gọi là “ Lầu Bể” vì bị bom đạn đánh sạt mất một góc (sau này tôi biết tòa lâu đài đó tên là Khởi Tường Lâu, hí trường có tên là Cửu Tư Đài). Hai bên tòa lâu đài là hai dãy nhà dài, nhà của ngoại ở bên trái.

Cách nhà không xa là chuồng nuôi thú rất rộng. Chuồng có nhiều ngăn, mỗi ngăn có chấn song sắt to bằng cổ tay người lớn. Mỗi lần đi chợ không để mắt được tới hai ông cậu của tôi , bà ngoại tôi nhốt hai cậu vô đó. Tôi đứng ở cửa phòng nhìn vào thấy hai cậu rất tội nghiệp. Trái lại, hai cậu hết nhìn nhau cười hi hí, lại chỉa hai ngón tay từ khóe miệng giả làm rang nanh dọa tôi. Chờ bà ngoại đi chợ về , tôi chạy tới ôm chân bà ngoại, phụng phịu chỉ tay về “phòng giam”, bà ngoại quát: “Không được chọc cháu, hai cái thằng tê!” (làm sao mà  “hai cái thằng tê”  nghe được nhưng tôi cũng lấy làm hả dạ), rồi dắt tay tôi về căn bếp thơm nồng mùi khói, cho tôi một trái chuối sấy, hay một cái bánh bích quy Tiếp tục đọc