ĐẦU NĂM, RỘN RỊP CÚNG ĐÌNH, CÚNG MIẾU

Phạm Nga

Đáo lệ hằng năm, cứ  sau cái “tháng Giêng là tháng ăn chơi” ròn rã với nào là Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, nào là vía Bà Thiên Hậu…, qua tháng Hai âm lịch thì thiên hạ lại nô nức đi dự hai lễ hội dân gian lớn nhất ở toàn vùng Nam bộ, là vía Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc và vía Cô ở Dinh Cô vùng Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ở cấp vùng, miền là thế, còn ở cấp phường, xã nhỏ bé hơn thì rõ ràng là với các kỳ cúng đình, cúng miếu, không khí lễ hội, cúng kiếng cũng không hề kém phần rộn rịp.

Trong tiếng Việt, chúng ta đã quá quen với tỉnh từ “nổi đình nổi đám”, thường được dùng để miêu tả tính chất náo nhiệt, mức độ tưng bừng của một sự kiện, một cảnh tượng có đông người tham dự… Cũng dễ hiểu khi trong hình dung từ rất giàu hình ảnh này có chữ đình – với chữ đám bổ trợ – vì xưa nay, theo kinh nghiệm thông thường của mọi người, từ già đến trẻ, những đám cúng đình mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tham dự ở ngay tại làng xóm, quê nhà của mình hay ở địa phương mình đến sinh sống, làm ăn…, bao giờ cũng huyên náo, rộn rịp, tấp nập bà con lối xóm và  khách thập phương cùng đến dự.

via cô Longhải

(Vía Cô ở Dinh Cô (Long Hải – Bà Rịa)

VÍA KỲ YÊN, VÍA ÔNG, VÍA BÀ

Xưa nay, theo tập tục cổ truyền Việt Nam, chùa là nơi thờ Phật và đình, miếu (hay miễu) dành để thờ thần. Rồi theo kiểu thờ  “quần tiên, chư thần”, ở ngôi đình, cỗ miếu nào cũng có nhiều bệ thờ, trang thờ để thờ cho đầy đủ từ Thành hoàng, Phật mẫu, Quan Thánh đế, Ngũ Hành nương nương, Linh Sơn thánh mẫu cho đến Thổ Địa, Tài Thần, Táo công, Tiền hiền, Hậu hiền.v.v… Từ tín ngưỡng phồn tạp này, các thế hệ dân VN tiếp nối nhau tạo thành một nền “vǎn hoá đình” có tính đa dạng, “siêu thần” , có mặt gần như đủ hết các mẫu hình thờ phượng của cả 3 tôn giáo Khổng-Lão-Phật cùng tín ngưỡng dân gian. Do đó, hằng năm ở mỗi ngôi đình, cỗ miếu luôn có nhiều kỳ vía, hết vía Ông (các nam thần) lại vía Bà (các nữ tiên) và lễ vía “siêu thần”, quan trọng nhất đối với tất cả mọi nơi chính là lễ kỳ yên (hay kỳ an, tức cầu cho quốc thái dân an).

Ở những ngôi đình lớn, nổi tiếng ở đất Sài Gòn xưa nay, như đình Minh Hương (ở quận 5), đình Phong Phú  (quận 9), đình Phú Nhuận, đình An Phú (quận 12).v.v…, lễ kỳ yên được tổ chức rất trọng thể, tưng bừng. Còn với những ngôi đình, miếu nhỏ bé, do khách dự lễ thường chỉ bó hẹp là bổn đạo và dân địa phương nên qui mô tổ chức cúng kiếng – dù là cúng kỳ yên và hay cúng vía các thần  – đều có phần khiêm tốn hơn, mức độ tưng bừng so sánh giữa các kỳ cúng với nhau thì không hơn kém nhau nhiều lắm. Như ở đình An Hội (quận Gò Vấp), nội tháng Giêng ÂL như hiện nay, những rạp che, giàn giáo đã được dọn cất sau kỳ cúng Ông (Quan Thánh) vào ngày 13 và cúng Bà (Chúa Ngọc nương nương) ngày 15, bao giờ cũng ở tình trạng sẵn sàng được đem ra dựng lại để sử dụng cho lễ vía kỳ yên vào đầu tháng Hai ÂL tới.

LỄ, TẾ THEO TẬP TỤC CỔ TRUYỀN

cúng dinh An hội

Vía Bà ở đình An Hội (Gò Vấp)

Có dịp đến dự các lễ hội như cúng Ông, cúng Bà vừa qua ở đình An Hội, khách dự lễ có thể nhận ra là tuy không nguy nga, đồ sộ, nhưng ngôi đình này vẫn hội đủ những nét đặc trưng của kiểu đình làng VN xưa, điển hình là kiểu mái lợp ngói âm dương thật cổ kính.

Vừa thô mộc vừa tỉ mỉ, những người thợ thủ công, chạm khắc vô danh – xuất thân từ đám nông dân đất Gia Định xưa –  đã trang trí khắp trong, ngoài đình vừa bằng những hình ảnh gần gũi với cuộc sống thôn dã (như hoa lá, cây kiểng, chim thú), vừa với hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) tức những con vật huyền thoại.  Bước vào chánh điện trong đình, khách thấy ngay một cái khám thờ nhỏ có lọng che, dùng để thờ sắc thần vua ban, hai bên là hai giá ngũ bộ (năm loại binh khí). Ở bái đường (nơi trải chiếu làm lễ), bên phải có giá treo trống, bên trái có giá treo chiêng, ở giữa có tấm bảng lớn đề danh hiệu của đình.

Ở phía sau bái đường lại có một cái khám thờ khác đề một chữ “Thần” to lớn, chính là nơi dâng lễ vật tế tự. Theo tục xưa thì  lễ vật chính để tế thần là cỗ tam sinh (trâu, bò, dê hoặc lợn) vốn là những sản phẩm nông nghiệp, nhưng ngày nay được châm chế, chỉ còn là một chú heo hơi được cạo lông sạch sẽ nằm cạnh những mâm heo quay tiến cúng, kèm theo khay rượu, các mâm xôi, bánh, ngũ quả (5 loại trái cây).

Đứng vào các vị trí riêng, ban tế – mặc áo thụng xanh hoặc đỏ – gồm các vị: chánh niệm hương, chánh tế, bồi tế, chủ xướng, đông hiến, tây hiến, và các chấp sự lo việc tiếp nhang đèn, gõ trống, đánh chiêng. v.v…

Khởi chinh cổ!”, vị chủ xướng – giữ vai trò như  MC trong các buổi lễ hay sự kiện văn hóa, xã hội hiện nay – hô lớn vào micro, cho trống, chiêng đánh lên ba hồi mở đầu buổi tế…

Nhìn chung, do tục xưa để lại, diễn tiến của một buổi tế ở ngôi đình nào cũng khá giống nhau. Cũng chủ xướng hô lên cúc cung (vòng tay đưa thẳng trước ngực), bái (xá, vái), phủ phục (quì xuống, cúi đầu, tay chạm đất, lạy), bình thân (hai tay chống gối, đứng lên), cho ban tế bái lạy, dâng rượu, dâng trà, đọc văn tế.v.v…Cũng ban nhạc sanh thổi kèn lá, kéo đàn cò, nhưng ngày nay thường có thêm các nhạc công chơi ghi-ta điện tử.

Trong mọi buổi tế, nghi thức sống động, đẹp mắt nhất là học trò lễ (ngoài Trung gọi là đi điện), Đó là hai nhóm tả, hữu (từ 2 – 4 người) mặc áo xanh (hoặc vàng)  đội mão mang hia, dẫn đầu mỗi nhóm là một tế quan mặc đồ võ tướng. Mỗi lượt đi điện từ trước chánh điện đến bái đường, hai nhóm tế bưng chân đèn cầy, khay rượu hay hộp trầm hương. Trong tiếng trống nhạc inh ỏi, họ co chân bước tới theo từng nhịp đỉnh đạc, khoan thai, Đến bái đường, tế quan trao phẩm vật cho vị chủ tế đặt lên bàn thờ rồi cùng bái lạy.

Học trò lễ thường là do các nhóm tế chuyên nghiệp được thuê biểu diễn trong chính lễ. Riêng tại các đình, miếu mà dân chúng gọi tắt là miếu Bà, chùa Bà – chẳng hạn như miếu Bà Bửu Thọ ở gần Ngã năm Gia Định – học trò lễ bao giờ cũng có nữ tài, y trang giống hệt các tiểu thư, tiên nữ trong tuồng cổ. Các nữ tài chỉ bước bình thường, không co chân, đá giáp như các ông tế quan.

ĐÔNG NHƯ… COI HÁT ĐÌNH

Bao giờ cũng dài thậm thượt là cái bài văn (văn tế) do vị chánh tế  đọc ê a, ngắt ngứ. Được viết bằng tiếng Hán Việt (có chen vài tiếng nôm, như:  giai quì, khởi chiêng), bài tế chào mừng, khấn cầu cả một danh sách dài những thần linh các nơi, từ bậc cao như Ngọc hoàng, Phật mẫu, Quan thánh, Phước đức chánh thần, đến bậc thấp như Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, Bạch mã thái giám, Đông trù táo phủ, các thần Ngũ phương – Ngũ thổ – Ngũ cốc, kể cả các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn và thập loại cô hồn.

Không chờ bài tế kết thúc để vị chủ xướng sung sướng hô to “lễ tất!”, quan khách đã ngồi đầy các bàn ngoài sân đình. Ngoài trà nước, các món chiêu đãi cũng đơn sơ, như: xôi, bún cà ri, rau sống, đồ xào, thịt nướng.v.v…

Và, đúng là do bản sắc nông thôn Nam bộ được lưu truyền bền bĩ trong tục cúng đình, trong các món tiếp khách của đình An Hội có cả một món rất đơn sơ, dân dã là món mắm sặc (để nguyên con) ăn với thịt luộc. Còn đối với rất nhiều ngôi đình, cỗ miếu ở thành phố Sài Gòn, rượu đế hiện vẫn luôn luôn là món uống chủ đạo trong mọi dịp lễ cúng kiếng.

Trở lại với đình An Hội thì trong lúc ban trị sự, các hội viên và quan khách khề khà, trò chuyện mưa nắng thì bà con trong phường – đông nhất là đám con nít chộn rộn – cũng đã nhanh chóng chiếm hết ghế trước cái sân khấu dã chiến để coi hát bội. Năm nay cũng là nhóm nghệ sĩ Kim Dung với vở tuồng ruột là “Chung Vô Diệm”.

Hể cúng đình là thường có hát bội cho bà con xem miễn phí. Như hôm 12 tháng Hai ÂL năm kia, đình Phước Đức, còn gọi là miếu Ông Địa (phường 3, quận Gò Vấp) tổ chức cúng kỳ yên hai ngày liền, có tới bốn xuất diễn của nhóm hát chầu Bạch Hoa Phượng. “Chơi sang” như vậy là nhờ trong ban trị sự đình có một số hội viên vốn là các chủ tiệm vàng, thợ kim hoàn làm ăn ở khu vực Bà Chiểu – Gò Vấp -Thị Nghè.  Ngoài việc đóng góp hậu hĩ, số hội viên giàu có này còn hùn nhau dựng trong sân miếu một nhà thờ vị tổ của ngành kim hoàn thật khang trang. Hiện nay, dù trong hai năm gần đây khuôn viên miếu Ông Địa đã hẹp đi rất nhiều do bị giải tỏa bởi công trình đại lộ Phạm Văn Đồng nên không còn chỗ dựng sân khấu, nhưng hể cúng kỳ yên hay giỗ tổ kim hoàn là bao giờ cũng đầy đủ heo quay, heo hơi, tế nhạc sanh, học trò lễ..v.v…

Mieu ONG DIA

Vía Ông ở miếu Ông Địa ( Gò Vấp)

PHẠM NGA

8 thoughts on “ĐẦU NĂM, RỘN RỊP CÚNG ĐÌNH, CÚNG MIẾU

  1. phạm nga nói:

    Anh Đ T Khương và Phục An mến, từ lâu mình có ước mong ‘lần sân’ sang lãnh vực phong tục học – đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng dân gian người Việt mình, nhưng không đủ sức nghiên cứu + tích lũy kiến thức về lãnh vực này. Cũng đã viết được một số bài nhưng vẫn ở dạng ký sự , thấy+cảm gì nói nấy chứ không phải nghiên cứu nghiêm chỉnh… Cám ơn các bạn đã khuyến khích.

  2. vivi099 nói:

    Dân đang sống dưới Chế Độ Việt Cộng vô thần, mà lại cúng vái cầu khẩn thế giới vô hình, đi ngược lại với Duy Vật . Cũng lạ ?

    • VN giờ chỗ nào cũng cúng kiến, cầu xin… hơn bao giờ hết vivi099 ơi! Cuộc sống vô định hướng thì phải dựa vào thần linh thôi.

      • phamlehuy nói:

        Tuần nào tui cũng mua vé số… Cứ lầm bầm lẩm bẩm khấn vái cầu xin hoài cho trúng một miếng… Nhưng có trúng miếng nào đâu… Thiệt tình !

        • Lưu Thy nói:

          “Khi con người phải cầu xin với thế giới vô hình hay thế giới có hình là con người đó đã đánh mất niềm tin nơi chính mình.”
          (Nguyễn Thị Thu Dung trong Ngày Tháng Nào)
          Anh phamlehuy mua vé số mà phải cầu xin trúng sẽ không bao giờ trúng vì anh đã không tự tin là mình trúng số.

  3. Cúng đình ,cúng miểu…Chỗ nào cũng cúng! Cúng từ trong ra ngoài từ ngoài vào trong…Cúng cầu khấn vái van tài lộc phần đông!May mắn như ý đỗ đạt thành công..Dựa dẫm ,mua chuộc thế giới vô hình…Cúng!Càng cúng càng chứng tỏ tinh thần ủy mị bên trong…Lụn tàn ý chí là cái chắc!

  4. đinh tấn khương nói:

    Cám ơn bài viết của tác giả Phạm Nga, giúp hiểu thêm một số nghi lễ (sinh hoạt) trong những ngày Tết mà trước đây chưa có dịp biết tới!

  5. âu thị phục an nói:

    Hay quá ông anh của tui ơi, đúng là nhà báo, có con mắt quan sát, biết cách lấy tư liệu, viết gì cũng tỉ mỉ tỉ mẫn, rành 6 câu luôn…, hoan nghinh!

Comment