Nhớ ‘Chú Bé Đánh Trống’ Mùa Noel

 

1.

Năm nào cũng vậy, không khí mùa Giáng sinh đến sớm nhất với mọi người là qua nhạc Noel. Ngoài đường phố, các nơi còn chưa trang trí, làm đẹp bên trong, bên ngoài thì nhiều quán cà phê, siêu thị, trung tâm thương mại… đã bắt đầu rộn ràng phát dòng nhạc vui tươi ấy. Cả những chiếc xe đẩy, xe ba gác xập xệ bán đĩa nhạc rong, ngày ngày chuyên lặn lội vào những con hẽm xóm lao động, phát toàn nhạc não tình hay điệu bolero ‘lính chiến’, cũng ‘độn’ vào vài bản nhạc Noel lời Việt và phát đi phát lại mãi hai bản mà giới bình dân hay trí thức gì cũng đều thích là ‘Đêm thánh vô cùng’ và ‘Chuông ngân vang’.

Trong dòng nhạc Noel quốc tế phổ biến xưa nay, đã quá quen thuộc là các bản: Silent Night, Jingle Bells, We Wish You A Merry Christmas, Little Drummer Boy, Feliz Navidad,.v.v…. Trong đó, riêng bản Little Drummer Boy tuy hơi ít người biết nhưng vẫn hay tuyệt vời. Xuất hiện từ thập niên 60, nhạc phẩm thuộc dòng nhạc Noel kinh điển này đã từng được trình diễn hòa tấu hoặc hợp ca bởi những tên tuổi lớn trong giới âm nhạc quốc tế, như với dàn nhạc giao hưởng London Symphony Orchestra; với các ca sĩ, nhóm ca thượng thặng một thời như Frank Sinatra, Boney M., ABBA, cả với ca/nhạc sĩ độc đáo bên nhạc country Johnny Cash, hay với các ban hợp xướng acapella danh tiếng như Vienna Boys Choir, Pentatonix… Trong phim hoạt hình hay phim búp-bê, bản nhạc lại được tấu lên với những nhạc khí bằng gỗ thật đơn sơ thời Trung Đông cổ đại xen lẫn câu chuyện kể về đêm Giáng sinh nguyên thủy, về thời khắc Chúa hài đồng ra đời trong hang đá…

Từ thời trẻ trai, đã in đậm trong tâm tưởng tôi là hình ảnh chú bé đánh trống, hình tượng tinh khôi gắn liền với bản Little Drummer Boy cùng điệp khúc “Pa rum pum pum pum ! … Pa rum pum pum pum!”, mang tính chất một sứ điệp háo hức báo Tin Mừng cho trần thế. Tiếng trống của chú bé dõng dạc vang vọng đén mọi chốn gần, xa nhưng vẫn khoan thai, ung dung, như thể chú đang đánh trống trình diễn trước mắt mọi người mà chẳng khác gì chú đang tập trống, vui chơi một mình, cho riêng mình nghe.

2.

Một mùa Noel nào đó cuối thập niên 60 ở Sài Gòn, tình cờ tôi được mấy bạn người Mỹ – nhân viên dân sự, giáo viên Anh ngữ, nhà truyền giáo… – mời dự tiệc đêm Giáng sinh. Hồi đó chưa có trò hát karaoke nhưng một ban nhạc nhạc nhẹ – chỉ hai cây guitar và cái trống caisse claire – của chủ nhà cũng đủ cho mọi người tha hồ chơi nhạc, ca hát thật ‘xôm tụ’. Sau khi tất cả cùng hát bài Silent Night thật trầm lắng, rồi rộn ràng bài Jingle Bells, có người đề nghị hát bài Little Drummer Boy. Tôi lên tiếng rằng mình không biết lời (lyric) bài này thì trên giá nhạc đặt trên bục sân khấu mini, tập thánh ca đã mở ra ngay trang cần tìm cho mỗi mình tôi xem. Được lên bục đứng cạnh anh bạn chơi guitar, tôi có thể vừa góp giọng vừa tiện thể theo dõi toàn ban hợp ca nghiệp dư đề huề Mỹ – Việt đứng bên dưới.

Không hiểu sao người Mỹ – ít nhất là trong thời điểm lễ hội, họp mặt vui vẻ, thong dong như lúc này – họ tỏ ra vô cùng yêu đời, vui sống đến thế?

“Come they told me, pa rum pum pum pum / A new born king to see, pa rum pum pum pum!…”, các người bạn Mỹ – kể cả vài người đã lớn tuổi – ngẩng mặt lên hoặc quay nhìn nhau, cùng say sưa phồng má, bậm môi mà hát, khoan khoái lập đi lập lại ở cuối mỗi chi câu trong lời hát những nốt nhạc thể hiện những tiếng trống rập rình ấy. Có anh còn vừa “búm bum” một cách đả đời, vừa thích thú làm động tác của nhạc công chơi trống, chân dậm nhịp, tay cầm dùi gõ vào khoảng không.

Cứ như âm nhạc – đúng hơn là nhạc Giáng sinh – đang bao trùm căn phòng khách, nơi diễn ra bữa tiệc Noel vui vẻ, ấm cúng này. Thời buổi ấy, đêm đêm tiếng đại bác vẫn thường vọng về từ các vùng lân cận Sài Gòn. Đối với chúng tôi – những cư dân sống và làm việc trong đô thành nhìn chung còn an lành, đó là một nỗi ám ảnh không thể nào nguôi quên về thực tế chiến tranh, chết chóc, mất mát…vẫn đang còn tiếp diễn ngày đêm, khốc liệt và tàn nhẫn thời đó.

Vào dịp lễ mừng Chúa ra đời như đêm nay, những người bạn mắt xanh, tóc vàng kia như đã tạm quên lãng cuộc chiến, sống hết mình cho thực tế trước mắt là buổi họp mặt Noel, là tình bạn bè, đồng nghiệp, là đàn hát với nhau cho thật vui, thật nhộn, không khác một đám trẻ thơ hồn nhiên tụ tập, chơi đùa. Hiểu theo tín lý Thiên Chúa giáo, tâm trạng lạc quan này vô hình trung lại thể hiện sinh động cho ý nghĩa cao vời của sự kiện Chúa giáng sinh – điềm báo về sự mở đầu cho Mùa ‘Bình An Dưới Thế’. Đây cũng là niềm hy vọng thiết tha của người trần thế ký thác vào tính thiêng liêng của sự kiện Chúa ra đời. Theo lẽ thường, tình cảnh khó khăn, khổ đau càng kéo dài thì ai cũng cần có hy vọng để sống.

 

3.

Sau 30 – 4, thời ‘ăn độn’ chật vật, thiếu thốn cũng qua đi, thời ‘mở cửa’ đến thì cuộc sống tương đối có phần dễ thở hơn, cho phép vào các dịp cuối năm, dân Sài Gòn – cả tín đồ Thiên Chúa giáo cũng như người đạo khác – có thể tổ chức ăn mừng lễ Giáng sinh đàng hoàng, đầy đủ hơn theo truyền thống đã có từ thời chế độ cũ.

Ở tuổi ngũ tuần của mình, trước lễ Noel tôi cũng thấy vui vui nhè nhẹ trong lòng nhưng không thể nào còn cái háo hức của tuổi thanh niên ngày xưa, là rậm rực lo chuyện quần áo đẹp, xe xịn, cả bạn gái dắt đi chơi Noel nữa. Gọi là ‘chơi Noel’, tối 24 vợ chồng tôi chuẩn bị một chai rượu chát ngon khi nhận lời mời của một anh bạn Công giáo, ngụ ở một con hẻm gần nhà thờ Tân Việt, quận Tân Bình.

Tại bàn tiệc vô vàn thân ái và rất ngon miệng, tôi được anh bạn xếp ngồi bên cạnh bác Nguyệt, cha vợ anh. Bố Nguyệt tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn còn khỏe, còn rất minh mẩn cũng như thường ra giúp công việc lặt vặt cho cha xứ ở nhà thờ gần nhà. Tàn tiệc, chuyển ra salon uống trà hay cà phê, bố Nguyệt kể mình nguyên là lính quân nhạc chế độ cũ, còn vụ học chơi kèn Tây và trống caisse claire thì phải nói là từ thời…Bảo Đại. Tình cờ may mắn gặp được ‘người trong cuộc’, lại vào đúng thời khắc mừng Giáng sinh, tôi không thể nào không đề cập với bố Nguyệt về bản Little Drummer Boy, bản-nhạc-Noel-của-tôi.

Sau 30- 4, đã mấy chục năm trôi qua, người cựu lính quân nhạc già nua ngồi trước mặt tôi hiển nhiên đã trải qua bao nhiêu là khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống. Bố Nguyệt im lặng một lát như tâm tưởng chợt quay về thời dĩ vãng, rồi khẽ hỏi lại tôi: “Có phải cái bài tên là Chú bé đánh trống không? Tên tiếng Anh thì bác không rành…”. Tôi lại không thể ngăn mình kềm lại sự láu táu rất trẻ con, cứ vung vẩy hai tay trong không khí khi tìm cách ‘thuyết minh’ thêm cho rõ hơn về chú bé chơi trống – biểu tượng dấu yêu trong lòng mình về bài hát: “Dạ, dạ, đúng rồi, tên tiếng Việt đúng là Chú bé đánh trống. Có nhiều đoạn cứ lập lại pa rum pum pum pum, pa rum pum pum pum bác ạ!” Bố Nguyệt liền đưa nắm tay ra đánh nhịp trong khoảng không và thử xướng âm: “Có phải e nhạc như thế này không cháu? Là là la la la pa rum pum pum pum?” Tôi chỉ còn biết gật đầu lia lịa, như sướng rên vì chợt gặp người đồng điệu, tức người cùng biết, cùng thích bài hát này như mình, mà như những anh bạn người Mỹ ngày xưa, hễ mở miệng hát là không thể không vung tay như đánh trống vào không khí để minh họa cho lời hát.

Hai bác cháu chúng tôi cười hể hả, vui không thể tưởng. Rồi trước khi chia tay, bố Nguyệt đã tâm sự: “Năm nào cũng thế, cứ gần Noel mà nghe bài ấy phát lên rộn ràng ở đâu đó thì lòng bác cứ như lặng đi, nhớ lại một thời mình chơi trống trong ban nhạc, đã từng tham gia trình diễn ở rất nhiều nơi, không biết bao nhiêu lần bài này và các bài Noel khác…”.

Cho đến mùa Noel năm nay, tôi vẫn âm thầm tìm nghe trên net, cũng như rất vui khi tình cờ được nghe bản Little Drummer Boy ngoài đường phố hay bất kỳ là ở đâu. Hơi tiếc là ở cái quán cà phê quen thuộc gần nhà tôi lại không có cái bản nhạc Noel đã kém phổ biến này. Nhưng cũng vui là cậu chủ quán tử tế, tự xưng rất rành nhạc xưa, đã hứa sẽ sớm bổ sung vào liste nhạc Noel tại quán cái bản “cậu bé đánh trống bùm bum bùm bum gì đấy!”.

PHẠM NGA

(Cận Giáng sinh 2019)

 

Advertisement

TẢN MẠN VỀ CON ĐƯỜNG ĐẸP NHẤT, SANG NHẤT SÀI GÒN XƯA

1.
Xưa nay, đường Tự Do (tên hiện naylà Đồng Khởi) ở khu trung tâm Quận 1 Sài Gòn dù chỉ là một con đường ngắn và hẹp nhưng vẫn được tiếng là con đường đẹp nhất, sang nhất thành phố Sài Gòn xa xưa và cũng có thể nói như thế về quãng sau tháng 4-75 cho đến nay.
Vừa qua, trên trang trithucvn.net (*), trong bút ký tựa là “Văn Hóa Không Tên Tạo Nên Linh Hồn Của Sài Gòn Xưa”, nhà văn Văn Quang đã ghi nhận rằng trên con đường Tự Do đẹp, sang ấy lại có một chuỗi 3 nhà hàng/quán cà phê là La Pagode, Givral, Brodard đã giữ vai một cái trục văn hóa tốt đẹp, vui sống, cởi mở hết mực của đất Sài Gòn xưa.
Văn Quang kể:
“Nói đến La Pagode, Givral, Brodard… chắc chắn những người đã từng sống, từng ghé qua Sài Gòn chưa ai quên. Nhất là những văn nghệ sĩ, nhà báo, dân biểu, thường ngồi ở đấy làm nơi trao đổi tin tức nghề nghiệp. Còn một số lớn khách du lịch, sĩ quan, quân nhân, công tư chức làm việc tại “thủ đô miền Nam” và các bạn trẻ Sài Gòn thập niên 60-75 cũng hay lui tới nơi này.”
Và:
“Ba nhà hàng ấy là 3 sắc thái riêng biệt làm nên cái trục “văn hóa không tên”, cái linh hồn của Sài Gòn, khó phai mờ trong ký ức của những người Sài Gòn”
Khi nói về 3 “đệ nhất” nhà hàng/quán cà phê trên đường Tự Do xưa, nhà văn Văn Quang đã nêu những nhận xét thật sâu sắc, thấu đáo vào phần hồn văn hóa cố cựu của Sài Gòn, chứ không bám vào phần vỏ kinh tế bên ngoài của Sài Gòn, mặc dù trải qua các chế độ khác nhau, thành phố này luôn ở đỉnh cao phồn vinh nhất Việt Nam. Cũng cách nhận xét ấy đã cho thấy trong giới văn nghệ sĩ đất Sài Gòn cũ, tác giả cuốn tiểu thuyết ‘Đời chưa trang điểm’ quả là một đàn anh, một ‘chuyên gia’ về khoản lê la cà phê bia bọt, tán dóc vỉa hè, trước là giải trí /sau là lấy thông tin…
2.
Theo chọn lựa của Văn Quang, được nhắc trước tiên là nhà hàng La Pagode, nằm ở ngã tư Tự Do – Lê Thánh Tôn. Tên gọi ‘Cái chùa’ (nghĩa tiếng Việt của từ ‘la pagode’ tiếng Pháp) cũng khá thông dụng.
Nhà văn Văn Quang kể:
“Trước hết phải kể đến nhà hàng La Pagode, tôi cho là “cổ kính” nhất. Ngay từ những năm 1953, khi tôi mới biết taxi là “cái giống gì” (bởi ở miến Bắc hồi đó chưa có taxi), tôi đã biết La Pagode. Hồi đó Pagode còn bày hàng ghế salon bọc da ra ngoài hành lang, theo lời ông Nguyên Sa thì nó giống hệt nhiều nhà hàng ở Paris. Ngồi ở đây thoáng đãng. Khách đến thường chỉ dùng một ly cà phê, ngồi từ chiều đến tối mịt.”
Đúng là một nhà hàng “cổ kính” khi từ bàn ghế, màu da bọc ghế cho đến quầy, kệ nội thất đều có màu chủ đạo là nâu, rõ hơn là các gam màu nâu cũ kỷ, lâu đời. Riêng về các mặt vách bằng kính thật dày cho phép khách nhìn ngắm đường phố, điều hay ho nữa là loại vách này ngăn được phần lớn tiếng động, tiếng xe cộ ồn ào bên ngoài. Như khi trời mưa lớn, bên ngoài ướt át, lạnh lẽo, sấm chớp rền vang…, nhưng bên trong quán, nhờ các vách kính dày, khách ngồi nhâm nhi tách cà phê hay tách trà lipton chanh nóng (món uống rất thường được khách gọi) thì vô cùng ấm áp, khô ráo, và có ồn ào gì đó là do tiếng tranh luận, cười nói từ các bàn bên cạnh.
Văn Quang viết tiếp:
“Khách hàng của La Pagode hầu hết là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là tụ tập lại đây. Tất nhiên cũng ngồi thành nhóm. Những ngày đầu tôi thường đi cùng Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư và đến đây thường gặp các anh Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Mặc Thu, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Tạ Quang Khôi, Viên Linh, Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn, Anh Ngọc, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đình Toàn… Quá nhiều, tôi không thể nhớ hết.”
Ngoài giới văn nghệ sĩ ‘khách quen’ như trên, tất nhiên trong La Pagode còn thường có một số khách khác, như khác du lịch quốc tế, quân nhân, công tư chức và các bạn trẻ. Có điều là, như một nhà văn đã ghi nhận, cũng lai rai có hiện tượng ‘làm dáng trí thức’, như trên tay một số khách vào quán thường lấp ló những đầu sách – cả nguyên bản lẫn sách dịch – đang hot, đang gây nhiều tranh cải thời ấy, như ‘Hố Thẳm Của Tư Tưởng’ của Phạm Công Thiện, ‘Tropic Of Cancer’ của Henri Miller, ‘Zen Buddhism’ của D.T.Suzuki, ‘Dịch Hạch’ (tiếng Pháp: La Peste) của Albert Camus… Hay ít ra cũng là những tạp chí, tuần báo, nguyệt san Anh ngữ, Pháp ngữ thời danh như Times, Newsweek, L’Express, Salut Les Copains… mà có lẽ người ta vừa mua ở Book Shop, tiệm chuyên bán sách báo ngoại quốc gần ngã tư Tự Do – Nguyễn Văn Thinh, tức cách La Pagode chừng 400m.
Kế tiếp là nhà hàng Givral, cũng 2 mặt tiền toàn vách kính, nằm ở ngã tư Tự Do – Lê Lợi, thuộc hành lang Eden (tiếng Pháp: passage Eden). Từ ‘hành lang’ nghe không qui mô, không bề thế bằng từ ‘thương xá’ – như thương xá Tax gần đó – nhưng khi phục hiện cái không khí văn hóa phong phú, đặc sắc của Sài Gòn, Văn Quang đi sâu vào một chi tiết đặc biệt, rằng trong khu Eden có một hiệu sách nổi tiếng hàng đầu Sài Gòn cũ, không kém cạnh nhà sách Khai Trí bên đường Lê Lợi chút nào, đó là nhà sách Xuân Thu. Xuân Thu nổi tiếng về các đầu sách ngoại văn (nhất là sách nghiên cứu văn hóa – văn minh Pháp và sách giáo khoa chương trình phổ thông trường Pháp) mà giới trí thức, nhà giáo, sinh viên Sài Gòn thời ấy khi cần là có thể đến lục tìm, hay đặt cho nhà sách mua dùm từ châu Âu, châu Mỹ.
Hơn thế, giới ‘chữ nghĩa’ ở Sài Gòn đã không khỏi ngưỡng mộ khi nhìn lên lầu 2 của nhà sách Xuân Thu, nơi khoa chính trị kinh doanh (Science politique) của đại học Đà Lạt tổ chức lớp cao học ‘Science-po.’, ngành học nâng cao à la mode nhất của giới SV đã xong cử nhân một số ngành về khoa học nhân văn tại Việt Nam vào thời từ 1970 trở đi.
Văn Quang viết:
“Givral là một địa điểm trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho mọi việc, từ hẹn hò, mua sắm vài thứ, đợi giờ vào rạp chiếu phim, hoặc chỉ đi “bát phố”( … ). Hơn thế, thương hiệu bánh ngọt Gival rất nổi tiếng, thu hút nhiều khách sành ăn. Mấy bà đi ngang qua Lê Lợi – Tự Do ghé vào mua vài cái bánh mang về cho chồng con là chuyện bình thường”.
Cũng phải, dân Sài Gòn ưa ăn bánh Givral bởi nét tao nhã, tinh tế của nền văn hóa ẩm thực Pháp đã tồn tại gần 60 năm tại VN. Givral nổi tiếng với dòng bánh tươi, không dùng chất bảo quản và chất phụ gia độc hại hay không có lợi cho sức khỏe. Và “cái hậu” tốt đẹp của dòng bánh lành, sạch này là là ‘phiên bản’ sau tháng 4-75 mang tên ‘Công ty Cổ phần Bánh Givral, khá có tiếng là bánh ngon, tuy giá cả khá cao chứ không bình dân, với lò sản xuất bánh hiện ở khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, Q. Tân Phú, Tp HCM.
Cuối cùng là về nhà hàng Brodard, Văn Quang ghi nhận:
“Còn nhà hàng Brodard nằm ở góc Tự Do – Nguyễn Thiệp, nhìn sang bên kia là vũ trường Tự Do của ông Cường (…). Ở đây lại đông vui vào những buổi sáng muộn và buổi tối khi “gà lên chuồng”. Nơi lui tới của những“dân đi chơi đêm” Sài Thành. Những anh hùng “hảo hớn” như Khê – Thăng Long Xích Thố, anh em ông Kim đầu bạc, Kính tennis, Chương Marine cũng lui tới ngồi tán chuyện giang hồ. Các “đại gia, tiểu gia” thời đó không nhiều, chỉ vỏn vẹn một số ông dược sĩ, tu bíp, doanh nhân có “xế bốn bánh” đủ để chở các em đi ăn đêm.”
Như thế, thành phần khách đến Brodard có tính chất một đại chúng rất đời thường, nặng về ưu thế vật chất và dân đến đây không khỏi ít nhiều có thái độ hãnh tiến, khoe mẻ về sự giàu có, khả năng mua vui, hưởng thụ cuộc đời của mình. So với Givral và La Pagode – nhất là so với La Pagode, nơi ‘đóng đô’ thường xuyên của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ trình diễn… – Brodard có vẻ ít chất văn nghệ, chữ nghĩa hơn.
Theo một ông công chức làm việc ở Phòng Thương Mại Sài Gòn (nằm ở phía cuối đường Tự Do, cách Brodard chừng 300m), đã nhiểu năm hay cùng các đồng nghiệp và gia đình vào Brodard thì với cách trang trí dùng nhiều màu trắng và các màu sáng khác, nhà hàng này giống một tiệm kem, một tiệm bánh ngọt, một quán giải khát hơn một quán cà phê đúng nghĩa giành cho dân ghiền cà phê “chuyên nghiệp”. Tính chất hiền lành, ngọt ngào – thay vì đắng chát như vị cà phê! – càng tỏa lan trong bầu không khí yên tĩnh của Brodard qua một kiểu phục vụ bánh ngọt rất đặc biệt. Khách cứ ngồi tại bàn mà lên tiếng hay ra dấu, nhân viên nhà hàng sẽ mang đến tận bàn một khay lớn bày rất nhiều bánh ngọt, bánh kem kiểu Pháp, như bánh choux, Polonais, mille feuilles… để khách chọn. Như các cô khách, cậu khách nhí, sau khi được ba mẹ gật đầu, sẽ sướng rơn khi cứ thoải mái chỉ vào cái bánh mình thích là bánh sẽ được lấy bỏ vào đĩa nhỏ, dọn ra trước mặt mình…
3.
Ngoài 3 nhà hàng/cà phê La Pagode, Givral và Brodard, đường Tự Do càng hào nhoáng, đẹp mặt hơn – nhất là khi có ánh sáng đèn đóm đủ màu vào ban đêm – khi còn có quán Cafetaria Disco, các phòng trà Tự Do, Maxim’s và Đêm Màu Hồng. chưa kể khách sạn Continental Palace và khách sạn Caravelle nằm 2 bên tòa Quốc hội/Hạ nghị viên, cùng khách sạn Majestic (ở cuối đường, nhìn ra bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn) đều có các đại sảnh cực kỳ tráng lệ, sang trọng mà ở nhiều vị trí, khách ngồi ghế mây, ghế bành nhâm nhi cà phê hay bia lạnh đều có view nhìn ra đường phố đẹp mắt, nhất là khi chợt có cơn mưa nhỏ…

(*)https://trithucvn.net/van-hoa/van-hoa-khong-ten-tao-nen-linh-hon-cua-sai-gon-xua.html

PHẠM NGA thực hiện

SÀI GÒN MÙA NOEL, TỪ KHU PHỐ GIÀU ĐẾN CON HẺM NGHÈO

1.
Hằng năm, cứ khi khí trời chợt se lạnh, vào sáng sớm vài khi còn có những làn sương mỏng lãng đãng ngoài đường phố, nguời dân Sài Gòn không khỏi chợt nhớ “Noel đến rồi!”. Nhiều ngõ ngách, phố phường ‘Hòn ngọc Viễn Đông’- như mỹ danh thật xưa mà người Pháp đã trìu mến đặt cho thủ đô cũ của Việt Nam – bắt đầu có vẻ đổi khác, sinh động hẳn lên bởi việc chuẩn bị đón mừng mùa Giáng sinh, cũng là đón năm dương lịch mới.
Hướng về lễ Giáng sinh sớm nhất vẫn là giới kinh doanh, buôn bán. Mới khoảng tháng 11, từ vùng Sài Gòn đến vùng Chợ Lớn đã đồng loạt đỏ thắm sắc màu của thiệp mừng và đồ trang trí Noel 2018 cùng Năm Mới 2019. Riêng những khu phố xá giàu có như trung tâm Quận 1, dù năm nay nhà thờ Đức Bà tạm đóng cửa để sửa chữa nhưng đường Đồng Khởi (Tự Do cũ), như các năm qua, lại cũng lối trang trí đèn L.E.A.D sáng nhấp nháy giăng lên khắp những hàng cây trên vỉa hè, tạo nên một khung cảnh đẹp huyền ảo vào ban đêm. Các mặt tiền, cả những ô cửa sổ trên lầu một số khách sạn, nhà hàng được thiết kế thành những bức ảnh động của các chú người tuyết mang trên tay những thông điệp mừng Giáng sinh. Riêng những đại sảnh của các trung tâm thương mại, khách sạn lớn, như: Vincom Center Đồng Khởi, Oscar, Sheraton Saigon, Caravelle, … thì mùa Noel/Tết Tây nào cũng được trang trí vô cùng lộng lẫy, tráng lệ.
Sài Gòn còn có một địa điểm vui chơi nữa cũng rất náo nhiệt, được nhiều người chấm là địa điểm đẹp nhất Sài Gòn để chụp ảnh vào mùa Noel – đó là khu mặt tiền cao ốc Diamond Plaza, kéo dài đến góc ngã tư Lê Duẩn – Phạm Ngọc Thạch (Q.1). Năm nào ở đây cũng có tượng Ông già Noel khá lớn cùng cỗ xe tuần lộc thật rộng rãi cho trẻ em lên ngồi chơi cùng các mô hình trang trí độc đáo, sắc màu rực rỡ, như những hộp quà khổng lồ màu vàng nhũ, những cây kẹo ba-ton 2 màu đỏ/trắng, các chú lính chì và bong bóng màu đỏ, vài bãi tuyết trắng tinh…
Để đón mừng ngày Chúa giáng sinh, giới kinh doanh, mại bản ở Sài Gòn đã sớm chưng dọn cơ ngơi một cách hào nhoáng, có qui mô rình rang, tốn kém đến thế, còn các ‘nhà của Chúa’ tức các nhà thờ thì sao? Từ các tháng cận Noel, những nghệ nhân và thợ tô làm việc ở các tiệm chuyên tô đắp tượng Chúa và các thánh ở khu Chợ Ga (phường 9 Phú Nhuận) đã phải tăng tốc, thậm chí làm cả ban đêm, để kịp hoàn thành những pho tượng mới hay chỉnh trang cho xong số tượng cũ mà một số nhà thờ đã đặt làm và muốn khánh thành tượng mới hay dựng tượng trở lại chỗ cũ nhất định phải vào trước ngày 24 -12. Một số nhà thờ khác, như nhà thờ Gò Vấp (ở phường 4), nhà thờ Bác Ái (gần chợ Cây Quéo, quận Bình Thạnh)…, còn nhờ các anh em thợ tô tượng đem đồ nghề đến để làm mới lại toàn bộ số tượng bày trong thánh đường và khuôn viên.
Ở Quận 1, nổi tiếng lớn nhất, đẹp nhất vốn có hai nhà thờ cùng một kiểu mẫu thì năm nay nhà thờ Đức Bà đã tạm đóng cửa, còn lại nhà thờ Tân Định. Thánh đường khánh thành năm 1876 (tức là công trình kiến trúc Thiên Chúa giáo được xây dựng sớm nhất ở Sài Gòn) này năm nào cũng hoàn tất việc giăng đèn, sao và bày hang đá Bê-lem rất sớm.Với màu hồng đặc trưng (nhà thờ được sơn lại hết bên ngoài, bên trong hồi năm 2000) và tháp chuông cao vút, nhà thờ Tân Định luôn nổi bật trên nền trời xanh thẳm, trông càng đẹp mắt hơn vào mùa Noel. Hơn thế, khi còn hơn 1 tháng nữa là tới lễ Giáng Sinh, phố Tân Định đã nhộn nhịp hẳn lên với các cửa hiệu chuyên buôn bán hàng hàng trí Noel nằm dọc theo đường Hai Bà Trưng và đường Võ Thị Sáu.

2.
Tất nhiên, Sài Gòn không chỉ toàn là phố xá sang trọng, giàu có như quang cảnh sinh hoạt của riêng những khu kinh doanh, thương mại bề thế, hoành tráng tọa lạc tập trung nơi các quận trung tâm thành phố là quận 1, quận 3 hay quận 5, cũng như bộ mặt lễ hội Giáng sinh hằng năm của Sài Gòn không phải chỉ được biểu trưng bởi muôn đèn, sao lộng lẫy, những cây thông nhũ bạc cao ngất, những hang đá đồ sộ… được đem trang trí riêng cho những tòa cao ốc, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng hay các nhà thờ lớn. Ở những quận ven hay vùng ngoại ô, trong những xóm dân lao động, khu phố đông người nghèo và người nhập cư cơ khổ, bằng những cách khiêm tốn hơn rất nhiều, người Sài Gòn lớp nghèo hoặc ít khá giã vẫn đón mừng ngày Chúa ra đời.
Càng gần đến Noel, tại nhà các gia đình giáo dân càng bận rộn việc chuẩn bị đón Giáng sinh, kể cả một số gia đình theo đạo khác cũng tham gia ‘chơi Noel’ cho vui nhà, vui cửa. Ở nhiều gia đình, để tiết kiệm tiền mua đồ mới, những hang đá, dây đèn L.E.A.D, ngôi sao, cây thông nhựa, bộ trái châu, dây kim tuyến.v.v…, đã được chủ nhà dọn cất sau mùa Noel năm ngoái lại được lấy ra, đem phủi bụi, lau rửa, uốn chỉnh…, nghĩa là ‘tân trang’ lại cho thẳng thớm, đẹp đẽ để bày ra phòng khách.
Như ở gần nơi những người thợ tô tượng sinh sống, làm ăn ở phường 9 Phú Nhuận là khu chợ Ga, có một con hẽm nhỏ hẹp gọi là ‘hẽm 112 đường Hồ Văn Huê’ mà từ xa xưa, về sống tại hẽm có những gia đình theo đạo, họp thành giáo họ Phê rô (thuộc giáo xứ Phát Diệm). Với gốc gác chung là người Bắc di cư lớp nghèo, vào năm 1971 ban điều hành giáo họ đã cố gắng kêu gọi mỗi nhà anh chị em hùn góp chút công, chút của và dần hồi xây được một đài Đức Mẹ Fatima giản dị, mộc mạc ở một quãng trống giữa con hẽm. Đến năm 2001, đài được trùng tu cho khang trang hơn. Không bỏ sót mùa Giáng sinh năm nào, cứ vào khoảng các ngày 10 – 15 tháng 12, mỗi nhà lại hùn chút ít và công cán cũng do người trong giáo họ góp vào để cùng sửa sang, quét sơn mới, trang trí cho đài Đức Mẹ. Giáo họ còn làm thêm một hang đá nho nhỏ, có đầy đủ Chúa hài đồng, Đức Mẹ, thánh Giuse, ba vua, dê, cừu… dưới chân đài, và giăng đèn dọc theo con hẽm ra đến đường Hồ Văn Huê. Tối đến, khi các dây đèn trên đài Đức Mẹ, trong hang đá và dọc dài theo hẽm được mở sáng đồng loạt, cửa nẻo nhà nhà đều rộng mở, mọi người trò chuyện rôm rả, tách trà, chén nước mời nhau trong tiếng cười, tiếng nói…
Sự đồng tâm nhất trí để cùng làm chút công đức hướng về ngày Chúa ra đời của một cộng đồng giáo dân ‘ngỏ hẽm’ kiểu giáo họ Phê rô nói trên cũng được tìm thấy trong con hẽm số 48 đường Lê Lợi, quận Gò Vấp. Một đài Đức Mẹ Mân Côi đã được dựng lên thật trang trọng, tươi tắn như một vườn hoa nhỏ ở một khúc quanh trong hẽm là do anh chị em thuộc giáo xứ Sao Mai (hiện nay gọi là giáo xứ Gò Vầp) góp công sức mà thành. Ngoài việc thường xuyên quét tước, thay hoa tươi và dọn tro bát hương thờ Đức Mẹ, cứ vào mùa Giáng sinh là giáo dân ngụ trong hẽm 48 lại cùng nhau làm hang đá, giăng đèn và treo các ngôi sao cỡ lớn để trang hoàng cho đài Đức Mẹ thật đẹp đẽ. Năm nay, đến cận ngày 24, có người nêu ý kiến là dưới chân bệ tượng, tấm đồng khắc dòng chữ “Ave Maria” đã bị ố vàng bởi mưa nắng thì bà con tán thành thay luôn bằng một tấm bảng mới sáng choang…

PHẠM NGA

Vài Trang Biên Sử Về Cà Phê Sài Gòn

Năm tháng trôi qua, cứ ăn-chắc-mặc-bền, cà phê bình dân thầm lặng phục vụ cho giới người nghèo, dân lao động nơi nơi, tại những quán cóc trong hóc hẽm hay các sạp, tủ bán cà phê /nước giải khát trên vỉa hè, trong bến xe, trước cửa các trường học, nhà thương, rạp hát, chỗ làm giấy tờ… Có điều là cách pha cà phê đã dần hồi đổi khác…

1. Cà Phê “Vợt” Hạng Bình Dân
Trong cõi nhân sinh đầy triền phược, bất công này lại có một điều bình đẳng thật hay ho là mọi người chúng ta, bất kể giàu hay nghèo, đều có thể uống cà phê. Từ những người nghèo, thật nghèo hèn như anh xe ôm, cậu sinh viên, dân lượm ve chai cho đến những người giàu, thật giàu có như ngài tổng giám đốc ngân hàng, ông chủ hãng xe hơi, vị trưởng phòng kinh doanh công ty nước ngoài…, đến cơn ghiền hay khi chợt nghĩ mình nên đi uống cà phê, hoặc vào bất cứ lúc nào đó rảnh rang, đều có thể đi một mình hay cùng bạn bè, đồng nghiệp ghé một quán cóc thật xập xệ bên đường hay một quán cà phê giá vửa phải hoặc một quán máy lạnh thật sang trọng, để mỗi người có thể nhâm nhi, thưởng thức món cà phê theo ý mình.
Ngày xưa, cà phê giao diện bình dân, nhà nghèo – theo nghĩa giá rẻ, giá hạ, hợp với túi tiền của người nghèo, giới bình dân – từ gần 100 năm về trước ở Sài Gòn đã gắn liền với cà phê vợt, tức cách pha cà phê theo truyền thống Nam bộ. Pha vợt là dùng chiếc vợt có túm vải lược (giống chiếc vớ nên có tên gọi nữa là cà phê vớ hay cà phê bít-tất) đựng cà phê bột rồi bỏ vào cái siêu đất sét – Vâng, đúng là cái siêu xắc thuốc Bắc còn có công dụng nữa là pha cà phê.
Cũng từ xa xưa, cà phê vợt đi liền với những nơi chốn bình dân, tập trung là các quán cóc trong ngỏ hẽm. Ở Sài Gòn, hơn 80 về trước quán Cheo Leo tại vùng Bàn Cờ đã nổi tiếng tiêu biểu cho cà phê vợt và ngày nay vẫn tồn tại đến đời chủ thứ 3. Cũng truyền đến 3 đời là một quán café vợt khác trong một con hẽm đường Phan Đình Phùng của ông Đặng Ngọc Côn (nay đã gần 90 tuổi).
Bên cạnh đó, cà phê pha phin (từ tiếng Pháp “filtre”, có nghĩa là vật dụng dùng để lọc) cũng đã lai rai xuất hiện ở Sài Gòn khoảng đầu thập niên 60 thế kỷ trước, như có ngay ở quán Năm Dưỡng, gần quán Cheo Leo, cùng ở vùng Bàn Cờ.
Hình thức pha chế cà phê kiểu Tây, với cái phin nhôm – hay đẹp hơn là cái phin inox sáng loáng – tất nhiên mang vẻ tân thời hơn cái siêu đất thô kệch vốn tiêu biểu cho cà phê bình dân, giá rẻ. Nhưng có một điều đáng chú ý là ngay từ hơn 80 năm trước, ông Vĩnh Ngô, người mở quán Cheo Leo, đã chủ trương chọn cà phê ngon, hiệu Meilleur Gout, Jean Martin danh giá chứ không phải thứ cà phê dở, giá rẻ mạt nào khác đem pha vợt, có nghĩa là giá thành ly cà phê vợt ở Cheo Leo khá cao chứ không thấp. Nhưng do từ một mẻ cà phê bột đã chín bởi nước sôi là được chắt từ cái siêu pha qua cái siêu trữ để từ từ mà cho ra nhiều ly, giá cà phê vợt đã có thể hạ, tức thấp hơn giá cà phê phin là thứ phải pha riêng từng ly. Vậy, ngay buổi ban đầu, cà phê vợt của quán Cheo Leo – điển hình của cà phê vợt Việt Nam – dù chủ nhân chơi sang, chọn nguồn cà phê mắc mỏ để pha bán cho khách nhưng vẫn thuộc về giao diện cà phê bình dân.
Trên Facebook, nhà thơ Linh Phương cho biết, theo ông nhớ thì ở Sài Gòn thời 1960-1970, cà phê vợt giá 1 đồng VNCH một ly. Còn ông Đặng Sơn, nhà sưu tầm tranh, chủ studio Tự Do (ở quận 1, đã ngưng hoạt động) cho hay vào năm 1955, một ly xây chừng (cà phê đen ly nhỏ) chỉ 5 hào và thời này thì cứ xé tờ 1 đồng ra làm hai thành 2 miếng “5 hào” mà trả thoải mái.
Rồi chiến cuộc ngày càng khốc liệt đã khiến đồng tiền VNCH bị phá giá liên tục và nặng nề. “Điểm tâm một buổi sáng nào đó trong khoảng các năm 1974 – 1975, một tô mì nước $120, một dĩa cơm $80, ly càfe sữa $50, không tính 2 điếu Capstan kèm theo…”, một nhà giáo lớn tuổi đang sống ở Mỹ, đã nhớ lại.
Năm tháng trôi qua, cứ ăn chắc mặc bền, cà phê bình dân tiếp tục phục vụ cho giới người nghèo, dân lao động nơi nơi, tại những quán cóc trong hóc hẽm hay các sạp, tủ bán cà phê /nước giải khát trên vỉa hè, trong bến xe, trước cửa trường học, nhà thương, rạp hát, chỗ làm giấy tờ…, có điều là cách pha cà phê đã dần hồi đổi khác.
Ngay từ cuối thập niên 60 thế kỷ trước, nhiều quán, sạp cà phê ở Sài Gòn đã bỏ kiểu pha vợt để chỉ bán cà phê phin, hay vẫn giữ cách pha cà phê vợt nhưng thay cái siêu đất sét bằng cái bình bằng nhôm, hay bỏ vợt, dùng cái phin nhôm loại lớn, có thể một lượt ra cà phê cho nhiều khách. Tuy nhiên, nhiều người sành uống cà phê cho rằng cà phê vợt cứ nên pha bằng siêu đất và càng hay khi đun nước sôi bằng cũi (kiểu quán Cheo Leo một thời), mùi vị cà phê mới ngon, theo nghĩa người uống sẽ cảm thấy có hương vị gì đó thô mộc, dân dã – quả là thật hợp với giao diện cà phê nhà nghèo.
Có một điều không hay ho lắm là do cà phê bình dân thì giá rẻ, khách uống khó đòi hỏi chất lượng phải thật ngon; đã vậy, ở một số quán quá nghèo hay chủ quán “trùm xò”, phần xác cà phê đã pha có thể bị chế nước sôi 1 – 2 lần nữa để chủ quán bán được thêm vài ly. Tất nhiên, đây là nước dảo cà phê chứ không phải cà phê nên rất kém hương vị. Hơn thế, vào cái thời đầy khó khăn sau biến cố 30 tháng 4 và cả ngày nay cũng còn, cà phê ngoài đường phố hễ giá rẻ thỉ nhất định bị pha bắp, cau… Thôi thì, dân ghiền cà phê mà nghèo, ít tiền thì nhiều lúc phải chịu thiệt thòi, chỉ được tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng dỏm…
Xưa nay, có lẽ không có thành phố nào ở Việt Nam có nhiều quán cà phê đủ loại, đủ hạng, đủ phong cách bằng Sài Gòn, trong đó nhiều nhất vẫn là cà phê bình dân. Tiêu biểu cho dạng cà phê nhà nghèo này (gồm cả pha vợt lẫn pha phin) được đánh giá là “uống được” hay “uống được lắm” vào ngày xưa là các quán Cheo Leo, Năm Dưỡng, Phong, quán ông Đặng Ngọc Côn cùng ở khu Bàn Cờ/ Phan Đình Phùng, quán “lá me” ở đường Nguyễn Du và quán anh Năm trong một ngỏ hẽm đường Gia Long cùng thuộc quận 1, một quán (quên tên) nằm trên đường Nguyễn Văn Thành cũ, gần chợ Bà Chiểu…
Và ngày nay, với giá trị của đồng bạc hiện hành, giao diện cà phê bình dân được hình dung ở mức giá 10,000 – 15,000 đồng /ly, gồm cả khi bạn uống trong quán cóc hay khi mua về từ những điểm bán coffee take away ngoài đường phố. Riêng về cà phê vợt, những người Sài Gòn lớn tuổi, nặng lòng hoài cổ với cà phê vợt chỉ còn có thể nhắc đến quán Cheo Leo cố cựu (ở quận 3), quán ông Thanh ở phía sau khu chợ Thiếc (quận 11) và một quán nào đó nghe nói ở trước chợ Phú Nhuận, nay đã đóng cửa.
Cũng từ xa xưa, đặc biệt gây ấn tượng cho dân nghèo-ghiền-cà-phê là những tiệm nước, tiệm hủ tíu bình dân của người Tàu. Ở những “cơ sở kinh doanh ăn uống” (từ thường dùng của ngành thuế, quản lý thị trường sau 30-4) ấy, nhiều khi trên bàn, dưới sàn nhà nhớp nháp, dơ bẩn đến phát khiếp, ngày xưa khi khách vừa cho biết uống gì thì lập tức các chú Ba thường lớn tiếng hô cho chỗ pha chế phía sau nghe những tiếng Quảng Đông nghe rất vui, như: xây chừng dách cô (nghĩa: đen nhỏ một ly), tài chừng (ly lớn), dịt phé (cà phê đen), nại phé (cà phê sữa), sủi phé (cà phê đá). Ngày nay thì rất hiếm khi được nghe những người phục vụ trong các tiệm, quán trong Chợ Lớn hò, hét tên món uống như thế mà họ chỉ hỏi khách rồi lặng lẽ ghi nhớ trong đầu hay biên vào giấy… Cách uống ly cà phê đen hay sữa nóng bốc khói cũng rất ngộ: để làm nguội ly cà phê cho dễ uống, từng lần một người ta rót cà phê ra cái đĩa lót tách cà phê, rồi thổi, rồi húp!
Đúng ra, bao đời nay đối với giới bình dân, lao động chân tay, công/tư chức lương thấp và cả đám sinh viên – học sinh, ở đâu cũng vậy, luôn luôn có những cái quán cà phê ngoài đường, trong hẽm hay mang những tên gọi giản dị, gọn lõn, dễ nhớ, chẳng hạn như: quán Chị Ba, quán Anh Sáu, quán Bà Tám, quán Chú Cón…, thậm chí tên nghe còn bâng quơ, sơ sài hơn nữa, như quán Cây Khế, quán Cây Ổi, quán Cột Đèn, quán Đường Rầy…
Từ xưa, người lao động có thói quen thức dậy rất sớm để ra đầu ngõ uống cà phê, gồm cả người già lẫn trung niên và thanh niên. Cả ngày đến đêm, họ sẵn sàng ra những địa điểm quen thuộc ấy– và thân thương nữa khi chủ quán cho… ghi sổ – khi cần uống cà phê hay khi rủ rê, hú nhau đi uống nước, xả hơi, bởi cà phê các loại ở những quán xập xệ này như hiện nay chỉ quanh quẩn 10,000 – 15,000 đồng/ly.
Một điều nữa, được mọi người uống nhiều nhất phải nói là cà phê đá. Trong giới ghiền cà phê nói chung, không phân biệt giàu nghèo, thường xuyên uống cà phê bất kể ban ngày hay ban đêm, có thể có đến 80 – 85% thích uống cà phê đá, tức cà phê lạnh, cũng bất chấp trời nắng trời mưa, thời tiết nóng hay lạnh.
Theo nhiều người, căn nguyên làm nên xu hướng “uống đồ lạnh” quá phổ biến này cũng khá đơn giản, dễ hiểu. Một là, ở xứ nóng như Việt Nam, người dân uống cái chi lạnh, có nước đá thì cũng đã hơn uống nóng. Hai là, ngoài số nam giới khoái cà phê đá, ngày càng có thêm nhiều phụ nữ thích uống cà phê mà hầu hết quý bà, quý cô ấy đều chọn cà phê đá, nhất là từ khi dạng fast food tiện lợi, cà phê pha máy xuất hiện tại VN. Ba là, trên thị trường – nhất là ở các điểm bán cà phê – giải khát vỉa hè, dã chiến ngoài đường phố, hỏi cà phê đá là có ngay, còn hỏi cà phê nóng thì hay bị lắc đầu, bởi người bán thường chỉ chuẩn bị, trữ hàng cho món cà phê đá, vừa gọn, nhẹ vừa dễ bán bởi luôn có đông khách uống.
Cũng nên xếp vào giao diện cà phê bình dân dạng cà phê đang rất phổ biến ở Việt Nam: cà phê đem về (take away). Các quán, quầy, xe đẩy, tủ gỗ, thậm chí yên sau xe Honda nhan nhản ngoài đường phố, đều chỉ bán từ 10,000 đến 15,000 đồng một ly cà phê đen hay sữa tùy khách gọi.
Cùng thuộc giao diện cà phê bình dân là một loại cà phê không cần mặt bằng mở quán, cũng chẳng cần bàn ghế nhưng giới trẻ Sài Gòn rất ưa chuộng, đó là cà phê bệt. Đầu tiên là khoảng năm 2000, đám sinh viên trường ĐH Kiến Trúc và ĐH Kinh Tế TP thường lủ khủ ngồi bệt trên vỉa hè các con đường Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần (quận 3) với những ly cà phê nhựa để luôn trên nền xi măng, giá chỉ 8000 – 10,000 đồng. Sau đó, lai rai ẩn hiện cho đến ngày nay, dân cà phê bệt – hầu hết là giới trẻ – chiếm cứ Công viên Thống Nhất và khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sát bên, đông nhất là vào các ngày chủ nhật, ngày lễ…

Tình yêu tinh khôi, hồn hậu đã khiến cái ly nhựa đựng cà phê bình dân, giá bèo kia bỗng ngon lên gấp bội, bỗng ngào ngạt hương vị không kém gì cái tách sứ kiêu kỳ chứa loại cà phê thượng hảo hạng…

2. Cà Phê Hạng Trung Trung Và Hạng Sang Trọng
Về cà phê hạng trung trung, có thể hình dung đó là những quán giá cả trung bình, vừa phải, phần trang trí cũng giản dị. Trong quán có thể có mở nhạc hay… im lìm, bởi tâm lý thành phần khách đến các quán này là để uống cà phê, còn ngồi máy lạnh cho mát, nghe nhạc, ngắm tranh, ngắm cô ngồi caisse… đều không thành vấn đề hay chỉ là chuyện phụ. Như ở Saigon trước năm Mậu Thân, 1968 thế kỷ trước, quán café chưa nhiều, đã có các quán: Thu Hương ở đường Hai Bà Trưng và Chi ở đường Nguyễn Phi Khanh cùng vùng Đa Kao – Tân Định, Hồng ở đường Pasteur (quận 1), Thăng Long ở đường Nghĩa Phát (quận Tân Bình)… Đặc biệt có vài quán khá nổi tiếng do có tổ chức những sinh hoạt văn hóa – văn nghệ thường là có theo chủ đề, như ca nhạc, đọc thơ, giới thiệu sách…, nên thành phần trí thức, nhà văn, nhà báo hay tụ tập, đó là Gió Nam ở khu Bắc Hải (gần Ngã 3 Ông Tạ), Thằng Bờm ở đường Đề Thám (quận 1); Tre của nhóm Vũ Thành An/Hoàng Ngọc Tuấn ở đường Lê Thánh Tôn – nơi Khánh Ly từ Đà Lạt xuống, cùng Trịnh Công Sơn hát lần đầu tiên ở Sài Gòn (khoảng năm 1965-66 thế kỷ trước) và (hội quán) Cây Tre của Khánh Ly mở ở đường Đinh Tiên Hoàng, cùng thuộc quận 1 Sài Gòn cũ (*).
Đến sau năm Mậu Thân 1968, các quán chuyên kinh doanh cà phê mới bắt đầu rầm rộ, nối tiếp nhau ra đời ở Sài Gòn. Đáng chú ý là phần nhạc mở trong quán, có quán chuyên chơi nhạc Mỹ – Pháp, như cà phê Văn Hoa ở Đakao, quán của Jo Marcel ở đường Nguyễn Huệ cùng ở quận 1; có quán chỉ độc nhất nhạc Trịnh Công Sơn – Khánh Ly rỉ rả cả ngày như quán Bình Minh trên đường Bàn Cờ; hay ở các quán Hân, Duyên Anh ở Đakao, quán Bố Già ở đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) thì nhạc mở đa dạng, từ hòa tấu, giao hưởng, pop rock Mỹ cho đến nhạc tiền chiến, Ca khúc Da Vàng TCS (*).

Còn nói về nhóm cà phê sang trọng thì cũng dễ hình dung. Thời trước năm 75 thế kỷ XX, ai dù không khá giả, tiền bạc ít ỏi cũng đều có thể vài dịp bước vào các quán cà phê sang trọng hay vào uống cà phê trong các nhà hàng, đại sảnh khách sạn, phòng trà tập trung ở khu vực quận 1 Sài Gòn, như: Continental, Caravelle, Brodard, La Pagode, Queenbee, Maxim’s, Cafetaria Disco …
Sau biến cố 30- 4, khoảng từ thập niên 90 thế kỷ trước cho đến ngày nay, ở Sài Gòn lần hồi đã xuất hiện nhiều quán cà phê nhà giàu đúng nghĩa. Những quán cà phê loại này luôn luôn được đầu tư nặng vốn, như mặt bằng phải là các biệt thự có khuôn viên đẹp, nội thất đẹp, gắn máy lạnh, phần trang trí kỳ mỹ – trong đó có dạng cà phê sân vườn, cà phê sinh thái, thiết kế không gian xanh mát, như kiểu hoa viên hay cảnh đồng nội thu nhỏ, hồ nước có cầu bắt qua, hòn giả sơn, suối Thiên Thai, vườn Địa Đàng.v.v… Ở Tp. HCM, những quán cà phê sang trọng kiểu trên xuất hiện khá sớm, có thể kể là: Café Runam D’or, Terrace Café, Miyama, Đen Đá, 81 Café (Quận 1), Suối Đá, Siena (quận 3), Du Miên, NetViet (Phú Nhuận), Oasis, Country House (Gò Vấp)… với giá cà phê phin chung chung 45,000 – 50,000đồng/ly, cà phê đen đá/sữa đá uống liền 35,000 – 40,000 đồng/ly.
Chừng trên dưới 10 năm gần đây, ở những “khu đất vàng” tức địa điểm rất đắt giá bởi sang trọng, sầm uất nhất thành phố này, đến lượt các chuỗi cà phê nước ngoài (các thương hiệu quốc tế nổi danh) và trong nước lần lượt xuất hiện, như: HighLand, Starbucks, Urban Station, Coffe Bean&Tea Leaf, Gloria Jean, Mop, MCCafé, Trung Nguyên, Phúc Long Coffee&Tea House, Holy, Lux Đại Phát,v.v…
Tất nhiên, từ những ngày đầu cho đến ngày nay, nhiều dân ghiền cà phê mà tiền bạc có hạn vẫn cảm thấy không an tâm cho lắm khi có dịp bước vào những cửa hàng thuộc các chuỗi thương hiệu cà phê cao cấp nói trên. Nào ghế êm, trang trí đẹp, nào không gian thoáng mát, thành phần khách hàng xung quanh thanh lịch đấy nhưng giá cả các loại cà phê pha máy, từ expresso, cappuchino cho đến late, blach double…, thì khó chấp nhận bởi cao đến gấp 4 – 5 lần so với cà phê cũng “uống được”, có khi còn ngon hơn ở quán chú Năm hay quán chị Ba thân quen trong xóm!

Sâu xa hơn, giữa các giao diện cà phê bình dân, trung trung hay sang trọng lại không có ranh giới cứng nhắc để phân biệt thật rạch ròi vì ai cũng biết chân giá trị của giàu nghèo nằm cả bên phía tinh thẩn, tâm hồn chứ không riêng phía vật chất, kinh tế.
Như một đôi tình nhân học trò, gặp một cơn mưa lớn giữa buổi hẹn hò, chỉ đủ tiền mời nhau cốc cà phê bình dân ở một quán vỉa hè là nơi hai đứa trú mưa… Nghèo quá rồi còn gì, nhưng thật ra đôi lứa này đang rất giàu có về mặt tâm hồn, bởi tình yêu tinh khôi, hồn hậu đã khiến cái ly nhựa đựng cà phê bình dân, giá bèo kia bỗng ngon lên gấp bội, bỗng ngào ngạt hương vị không kém gì cái tách sứ kiêu kỳ chứa loại cà phê thượng hảo hạng giành riêng cho giới doanh nhân, đại phú gia chiêu đãi nhau.
Còn ai kia, một cô tiểu thư hay cậu thiếu gia con nhà đại phú nào đó, lâu nay vẫn quen lui tới toàn những nhà hàng sang trọng, cỡ Continental, Brodard… nằm giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ, giờ thì cũng ở cái góc bàn có view nhìn ra phố ngoạn mục nhất ấy, phải ngồi một mình với tách cà phê đã nguội lạnh để gậm nhấm nỗi đau của cuộc tình vừa đổ vỡ, thì quả là cô tiểu thư, cậu thiếu gia con nhà đại phú này đang quá nghèo hạnh phúc, quá nghèo niềm vui…
(*) Có một số data từ 2 nguồn: Kênh 14 và Coffeetree.vn.

PHAM NGA
(Cuối mùa mưa 2018)

Cà phê mưa 2

1.
Trong cuộc sống, chỉ rất bình thường là chuyện mưa nắng nhưng nhiều lúc, khi trời đổ mưa là mang đến cho những cư dân thành phố chúng ta những vui buồn xen lẫn vào nhau. Như khi Sài Gòn có mưa sẩm chiều và đêm, ở khu trung tâm và các phố thương mai và dịch vụ, vô vàn ánh đèn đủ màu đủ sắc, đầu đường cuối phố, trên cao dưới thấp nhập nhòa trong màn mưa đã khiến cho Sài Gòn trong cơn mưa đêm trông có vẻ như đẹp hơn, một vẻ lộng lẫy mơ hồ…
Thành phố đẹp hơn khi có mưa đêm nhưng dù ngày hay đêm, mưa trời đã làm cuộc sống của nhiều người trong chúng ta phải nhọc nhằn, vất vã hơn. Mùa mưa đến xua đi cái oi bức khó chịu của mùa khô, mát mẻ hơn đấy nhưng lại bắt đầu diễn ra đủ thứ chuyện không hay ho gì. Như ướt át, nước ngập, kẹt xe… gây khó khăn, trở ngại cho việc đi đến chỗ làm và ra về khi tan sở, việc đưa rước con cái đi học, chở hàng đi giao, gánh hàng rong đi bán .v.v… Nhiều công việc, sinh hoạt sẽ trở nên mất nhiều thì giờ hơn, hiệu quả lại giảm sút, năng suất xuống dốc, hàng hóa ế ẩm…, nhất là đối với những người ngày đêm phải thường xuyên có mặt ngoài đường phố, bám lấy đường phố để sinh nhai.
Tuy nhiên, cũng có lúc – đối với bạn và tôi – trời mưa lại là một món quà tặng hậu hĩnh của thiên nhiên. Thôi nói luôn cho rồi: trời mưa thì đi uống cà phê rất thú vị.
Trước tiên, có thể hình dung những người đang lầm lũi bán hàng rong ngoài đường hay những anh thợ hồ, thợ sơn đang làm việc trên giàn giáo ngoài trời, trời chợt đổ mưa lớn thì phải ngưng việc, đi tìm chỗ trú. Ngay lúc này, ở mái hiên ké né núp mưa chợt có một tủ bán thuốc lá – cà phê, hay ngay cổng công trường có luôn cái quán cóc của chị Ba, chú Tư…, có một cái cà phê nóng lúc này sẽ rất ngon và đã đời, nhất là với người quần áo đã ướt sủng nước mưa đến lạnh run.

2.
Cũng không tệ lắm cái chuyện những người bán hàng rong, những anh thợ xây dựng đã được cà phê an ủi nhiều vào lúc phải khổ sở dừng công việc vì trời đổ mưa đột ngột. Còn những người xưa nay đã sẵn ghiền cà phê như bạn và tôi thì sao khi mưa đổ ngoài trời?
Vào cái thời còn lui tới giảng đường Văn Khoa, đám sinh viên đầy mơ mộng tụi tôi rất khoái trời mưa. Thấy sấm chớp nổi lên, mưa vừa rớt hột thì thiên hạ lo chạy đi tìm chỗ trú hay chạy vội về nhà để tránh cơn mưa, còn tụi tôi thì làm ngược lại – chạy…ra đường. Có gì đâu, chỉ là kiếm tìm nhau để đi uống café. Địa điểm rất ít khi thay đổi là quán Hân ở vùng Đakao. Nếu trời đổ mưa đang lúc cả bọn có mặt tại trường thì càng dễ rủ rê vì quán này chỉ cách trường vài trăm mét. Chỉ cần tên nào đó lên tiếng là cả đám đồng loạt xếp sách vở, xuống sân lấy xe. Có khi đi bộ luôn trên đường Đinh Tiên Hoàng dưới cơn mưa – cho thêm phần…lãng mạn.
Đúng hơn là dân ghiền, thích cà phê như chúng tôi đều đi ngồi café – ngồi lâu dài, ngồi nhẵn mặt ở cái quán quen thuộc của mình. Đến quán, an vị rồi thì lơ đãng nghe nhạc trong khi chờ món cà phê mình gọi được mang ra. Nhạc ở Hân rất tuyệt, từ nhạc Việt, nhạc ngoại quốc cho đến nhạc giao hưởng. Sau một lát trao đổi vài đề tài nhẹ nhàng, ai nấy đều trở nên thinh lặng và lười cử động. Mỗi người như đều tách khỏi câu chuyện bạn bè để riêng mình theo đuổi cái cảm giác bình yên, ấm cúng đang choáng ngợp thân tâm lúc này. Qua mơ màng khói thuốc, có thể ung dung ngắm mưa ngoài đường hay thầm lén ngắm trộm cô bạn học ngồi trước mặt đang rón rén thưởng thức ly nước cam vắt. Hình như khi thướt tha áo dài, buông lơi tóc thả vào lúc trời đổ mưa, cô bạn trở nên duyên dáng lạ thường.
Nguyên có một cô bé SV mới xong năm dự bị, tức dưới tôi gần nguyên học kỳ cử nhân 4 năm, nhưng trong nhóm, số bạn SV cao học như tôi lại ngầm xem cô bé “đàn em” này ngang hàng bởi họ thấy giữa tôi và cô bé đã có hình-như-là-tình-yêu với nhau, Trong một lần hẹn hò đi cà phê với cô nàng rồi trúng trời mưa, tôi đã bàng hoàng đến muốn bay bổng lên mây!
Lần ấy, hai đứa hẹn ở quán La Pagode, theo tiếng Pháp nghĩa là cái chùa, ở đường Tự Do. Tôi đến muộn, quần áo thì ướt đẫm nước mưa. Nhà hàng sang trọng này có hai mặt tiền bằng vách kính dày, mưa càng lớn thì khách ngồi bên trong càng cảm thấy ấm áp, khô ráo, nhưng tôi thì đã thấm lạnh, khó chịu trong người, mặc dù máy lạnh chỉ ở mức điều hòa không khí. Co ro trước tách café nóng và mơ mơ màng màng qua những vờn khói thuốc, tôi chợt nhận ra người con gái đang ngồi kề bên chợt xinh đẹp diệu kỳ. Từ ánh mắt lúng liếng, nụ cười thẹn thùng, suối tóc mây êm ả, cho đến chiếc áo dài – vừa huyền hoặc như chợt thoát ra từ lời hát thiết tha của bản Ngàn Thu Áo Tím, vừa thẳng thớm, tề chỉnh như đang được mặc trong vũ hội – tất cả như chợt hợp điệu thành một vẻ đẹp toàn bích, trang trọng đến tuyệt vời. Chính là cơn mưa lớn đã dửng dưng làm tôi ướt át, khổ sở, nhưng đổi lại, mưa lại hào phóng nâng lên vẻ duyên dáng của người con gái – cái bờ bến yêu kiều, bình yên, tạnh ráo mà gã thư sinh mấy độ phong sương, lạc nẽo lý tưởng chỉ mong được phép ghé vào tá túc, tìm chút hơi ấm nồng nàn trong cơn mưa gió.
Sâu xa hơn thì tình yêu có một loại phong vũ biểu đặc biệt dành cho ai đó – rất riêng tư mà sẵn sàng hòa điệu với mưa trời. Lời xưa có nói: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách / Sắc bất ba đào dị nịch nhân”, tạm dịch là “Mưa trời đâu có kềm trói ai nhưng vẫn có thể giữ chân người và sắc đẹp đâu có sóng to (ba) sóng nhỏ (đào) đâu mà vẫn nhấn chìm người”. Trời chợt đổ mưa thì có thể gây khó khăn, trễ nãi cho ai đó chứ đối với những đôi tình nhân, đi uống cà phê với nhau lỡ trời mưa và mưa lại kéo dài thì… càng tốt thôi! Đôi lứa yêu nhau cứ lấy cớ trời mưa giữ chân họ mãi trong quán, nên họ phải… tha hồ ở bên nhau mà tình tự, nghĩa là mưa càng kéo dài thì càng ơn ích cho những cặp tình nhân.

3.
Bởi chút hạnh phúc nhỏ bé mà ai cũng có thể tìm thấy ở những tách cà phê nhâm nhi dưới mưa như thế, sau bao năm tháng cà phê cà pháo với nhau, hằng năm hễ đến lúc giữa thinh không chợt có sấm chớp báo hiệu cơn mưa đầu mùa xuất hiện thì đám bạn già chúng tôi thường vội vàng rủ rê, hú gọi nhau, nán chờ nhau họp mặt ở một quán cà phê quen, càng đủ mặt càng ấm cúng thân tình bè bạn.

PHẠM NGA
(Cuối mùa mưa 2018)

Những Dòng Sông Tuổi Nhỏ


*Tưởng nhớ BÙI DIỆP (1963 – 2018)

1.
Mấy ngày mưa liên tục này, bị chứng đau-lưng-bởi-thời-khí-ẩm-ướt hành hạ, cũng làm như thể mình là một đạo sĩ trong truyện Tàu thất chí mà ẩn mình vào mật thất để tịnh tu, tôi nằm nhà đọc lại cuốn tản văn Về Ngang Quán Không của Bùi Diệp quá cố. Nhà thơ/người viết tản văn tài hoa, nhân hậu này, dù với riêng tôi thì chỉ có được vài năm kết giao thật ngắn ngủi trên FB nhưng đã thầm lặng thành bạn vong niên tri kỷ mà tôi vô cùng quý trọng trong giới thi ca, viết lách.
Trong tập tản văn, nhiều lần Bùi Diệp đã nhiều lần nhắc đến dòng sông Dinh đầy ấn tượng ở đất quê Phan Rang của anh. Nhà thơ trìu mến và trân trọng nhận đây là dòng sông tuổi nhỏ của anh, nơi mà “Vẻ thôn dã và hoang dại của bờ sông, đồng ruộng, trảng cát, của nắng gió trời cho luôn gợi về môt không gian quê mùa và thanh bình”(1), hay “Dòng sông quê và buổi chiều đông sẽ ở lại mãi nơi miền ký ức dù đôi chân ta dẫu có đi suốt một đời người cũng không tới tận cùng sông.”(2).

2.
Đúng ra, khi ra đời ở đất biển Nha Trang là cũng gốc quê miềnTrung với Bùi Diệp, nhưng do hoàn cảnh và thời cuộc, bố mẹ tôi bị viên tỉnh trưởng quốc tịch Pháp thời đó ra lịnh tống xuất vĩnh viễn khỏi tỉnh Khánh Hòa, nên mới 2-3 tuổi tôi đã phải theo hai đấng sinh thành tội đồ của mình vào đất Sài Gòn nương thân – cho đến mãi tận ngày nay. Do vậy, tuổi nhỏ tôi không may mắn như tuổi nhỏ của Bùi Diệp là được có một dòng sông ngay nơi mảnh đất mình ra đời – dòng sông thân thương đóng vai chứng nhân rồi để sau này chiếm luôn một mảng vô cùng lớn trong kho ký ức tuổi nhỏ gồm đầy những nỗi vui buồn, những trò vụng dại, những cảm xúc và ước mơ đầu đời hay chuẩn bị vào đời…
Đến thời 10 – 11 tuổi tôi mới được trở lại đất Nha Trang. Đó là vào các dịp nghỉ hè hằng năm, tôi thường được về cả 2- 3 tháng ở nhà bà dỉ ruột nằm ở thôn Phường Cũi, phía đông Nha Trang xưa, sau này là phường nội thành Phương Sài.
Lãng đãng trong trí nhớ tôi là con sông Phường Cũi – một nhánh nhỏ của sông Cái chảy qua cái thôn đông dân lao động, toàn nhà cửa lụp xụp, ngày xưa chỉ được coi là gần như một vạt ngoại ô nghèo nàn của thành phố Nha Trang phồn thịnh. Do chưa có những luật lệ nghiêm nhặt như ngày nay về vệ sinh – môi trường trong khu dân cư nên thời đó trong phường có một vài nhà làm nước mắm, bà con quen gọi là nhà thùng, cứ ung dung tỏa cái mùi khăm khắm của xác cá phân hũy nửa vời trong muối hột vào khắp những lối đi đầy cát hay lát đá xanh trong xóm làng.
Thôn làng bị ô nhiễm môi trường là thế nhưng tôi, cậu bé ngày ấy vẫn có nhiều cảm tình đối với con sông Phường Cũi, dù ở một bên bờ sông từ xa xưa đã có một cái bến cá đầy rác rến và nhầy nhụa bùn sình, quanh năm lai láng nước thải tanh hôi… Sát bên cái bến cá lại có một cây cầu gỗ cũ kỹ, xấu xí bởi được chắp vá bởi đủ loại gỗ mới, cũ hay phế thải. Ngày ngày, bọn tôi cứ quần xà lỏn, đa số ở trần và đi chân không ra cầu chơi, nghịch đủ trò.
Tôi đã thường cùng những đứa trẻ khác mang theo cần câu, mà thú vị nhất là câu cá bóng cát. Đặc biệt khi muốn bắt loại cá này, bọn tôi phải chỏng khu hay nằm mẹp trên mặt sàn cầu, cắm cúi nhìn xuống gầm cầu, đúng hơn là những cây trụ cầu bằng gỗ chìm dưới nước, để cố tìm cho ra những con cá bóng cát bám ở thân trụ. Loài cá có thân mình trắng trong này cứ như dán mình vào cây trụ theo chiều đứng, đầu hướng lên mặt nước, nằm im lìm như ngủ mê, nhưng khi bọn trẻ rê cái lưỡi câu với mồi trùng hay tôm chết đến gần là bập một cái, chúng há họng táp gọn, cứ giật lên là dính, rất hiếm khi sẩy. Bữa nào câu cá được kha khá, bọn tôi làm thêm một trò nữa là lội ra một cái doi cát nhỏ, lau sậy mọc um tùm ở giữa một khúc sông phía dưới Phường Cũi một chút để tìm hái đọt ráng, một loại rau mềm mại, hơi nhớt chút xíu nhưng ngọt ngon cực kỳ. Cá bóng cát đem về cho mấy chị kho tiêu xong xuôi rồi đem đọt ráng luộc ra chấm thì nồi cơm lớn cỡ nào cũng hết sạch bon!
Cũng tại cây cầu gỗ, sau khi tắm sông đả đời, bọn tôi hay đứng hay ngồi thòng chân xuống nước, căng mắt nhìn xuống dòng nước chảy để cố gắng phát hiện một loài cua, còng nhỏ bằng hai đầu ngón tay – tên địa phương là con rạm – trôi dật dờ gần mặt nước, nhiều nhất là vào lúc nước lớn. Rồi những đứa bơi, lặn giỏi nhảy ùm xuống, lặn một hơi là tóm được mấy chú rạm ham rong chơi theo dòng chảy này. Rạm bắt được nhiều thì về nhà đưa các chị ram với chút mỡ để thêm món mặn ăn cơm, còn được ít quá thì quăng trả lại dòng sông. Bọn nhóc chúng tôi đã chơi trò bắt rạm với đủ thứ cảm xúc háo hức, thích thú, thất vọng, hờn giận … Chỉ vậy thôi nhưng sau này, khi hơi lớn là ngồi lớp đệ tam C, chơi thi văn đoàn, tôi đã nhớ lại những cảm xúc hồi đi bắt rạm ngày ấy, cộng thêm nỗi thất vọng bãng lãng trong mối tình đơn phương buông thả về phía một cô bạn học, tẩn mẩn viết thành một bài thật ngắn, kiểu nửa tùy bút nửa nhật ký mà tôi nghĩ mãi mới ra cái tựa “Như Rạm Trôi Sông”.

3.
Song song với con sông Phường Cũi ở miền quê Nha Trang chỉ chiếm cứ những mùa nghỉ hè các năm đầu trung học của tôi xưa kia, sông cầu Bông ở Sài Gòn, quê hương thứ nhì của tôi, mới là dòng sông ghi dấu cả một thời niên thiếu của tôi.
Những năm đầu thập niên 60, cậu nhỏ dân nhập cư đất Sài Gòn là tôi chỉ nghe nói cầu Bông bắt qua rạch Thị Nghè ở vùng hạ lưu đổ ra sông Sài Gòn, chứ chưa nghe nói con rạch quanh co này thuộc hệ thống “kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè” như sau năm 1975. Thời đó, do nhà ở đường Trần Quang Khải quận 1, coi như ở giữa khu Đakao -Tân Định, nên tôi cùng bọn trẻ hàng xóm mò xuống chơi ở cầu Bông (thuộc Đakao) là khá gần. Bọn tôi thường vô cái xóm nhỏ bên sông, có ngõ hẹp dẫn xuống gẩm cầu để lội bùn tìm bắt những con cua càng đỏ hay rượt những con cá thòi lòi. Nghịch phá vậy thôi chứ cả bọn không hề có ý săn bắt hai loài này để đem về ăn.
Rồi trước tình hình tốt đẹp của nước sông cầu Bông thời 1960-70 là còn sạch, còn rõ rệt có màu trong xanh, chứ chưa hề đen thẳm và hôi hám đến mức bị kết luận là ô nhiễm nặng như vài năm sau 1975 (chỉ đỡ đen, đỡ hôi hơn từ năm 2012 khi khởi động trạm bơm thu gom nước thải ở lưu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, sau đó đổ ra sông Sài Gòn), nên dân Đa Kao – Tân Định, con nít người lớn gì thời đó nếu thích cũng đều có thể tắm sông thoải mái, tắm giờ giấc nào cũng được mà không hề sợ ngứa da hay sinh ghẻ. Có điều là do sông cầu Bông, Sài Gòn sâu hơn sông Phường Cũi, Nha Trang, mấy đứa biết bơi vừa đủ như tôi ít dám ra giữa dòng, lại càng không dám a dua mấy đứa bơi lặn giỏi, tình cờ thấy ghe máy chở mía chạy ngang cầu là nhảy ùm xuống nước bơi ra thật lẹ, lặn một đỗi đến sát be ghe là trồi lên, êm ái rút vài cây mía rổi bơi sãi vô bờ.
Sau biến cố tháng 4-75, giống như bao người dân Sài Gòn khác, tôi – gã thiếu úy học tập cải tạo về – không thể tránh khỏi đủ loại khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống. Một dạo rất bất đắc chí, tôi hay nhậu ở nhà một người bạn cũng SQ học cải tạo về, kiểu nhà nửa nhà sản nửa nhà gỗ dựng ở sát mé nước sông cầu Bông. Trong đám bạn nhậu thường có một anh đã hơn 70 tuổi, tên Robert Hạnh nhưng mọi người cứ gọi tắt “anh Be”, cựu SQ cảnh sát áo trắng, nguyên là một công tử con nhà giàu cố cựu lâu đời ở vùng Đa Kao. Anh Be kể rất rành rẽ, thú vị về lịch sử hình thành và phát triển của vùng Đất Hộ, một tên khác của Đa Kao. Riêng về rạch Thị Nghè chảy bên dưới cầu Bông, anh xác nhận là ngày xưa nước con rạch rất sạch, trong veo và có nhiều cá – tất cả là nhờ nước thủy triều ra vào từ sông Sài Gòn rất thông thoáng và dân còn thưa, có xả rác và nước thải xuống rạch thì cũng còn ít, không đáng kể.
Anh Be kể là hồi còn thanh niên, anh đã cùng vài thằng bạn rất chịu chơi, cùng “diện” quần tắm vải rằn ri, ra đứng trên cầu rồi bắt chước Johnny Weissmuller, tài tử Mỹ điển trai đã thủ vai chính trong các phim về Tarzan ban đầu (thời 1932), hú một tiếng dài rồi lao mình xuống sông, bơi xuôi về cầu Thị Nghè, hướng ra sông Saigon… Tôi đã mê mẩn nghe anh Be kể truyện. Một đàn anh, một người Sài Gòn cố cựu đã cho thấy cái sông cầu Bông hiền hòa, rồi kênh nước đen đầy tai tiếng Nhiêu Lộc – Thị Nghè xem vậy mà cũng đã từng toát lên những nét hoành tráng, kỳ vĩ, hình ảnh của chuyển động thủy triều cùng sông lớn, một nét vẽ thêm rất có duyên cho bản địa đồ Sài Gòn.

4.
Người xưa từng thở dài khi nhận ra thời gian luôn qua nhanh, chẳng khác “bóng ngựa non chạy lướt qua cửa sổ”. Thấm thoát đã gần 70 năm trôi qua kể từ lúc tôi được ba mẹ bồng bế, rời bỏ đất quê Nha Trang lánh vào đất Sài Gòn làm dân nhập cư. Vừa qua, vào một lúc an thân tĩnh tại ở đất Sài Gòn đầy bao dung này mà hoài niệm quá khứ, tôi đã bắt gặp câu “Dòng sông thời gian trôi chập chờn trong tâm thức kẻ xa quê là không có tuổi” (3) thật ý nhị của Bùi Diệp. Dòng tản văn thật ngắn này cho thấy nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc về chiều kích thời gian/thời tính “không có tuổi” của những con sông ngọt dịu thương yêu, chất ngất kỷ niệm một khi chúng có mặt trong tuổi nhỏ, thời niên thiếu của mỗi đời người chúng ta.

PHẠM NGA
(mùa mưa 2018)

(1) Trang 23 tản văn “Về Ngang Quán Không”, Bùi Diệp, NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2017.
(2) Trang 38 sách đã dẫn.
( 3) Trang 37 sách đã dẫn.

“GIANG HỒ VẶT” THỜI TUỔI NHỎ

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt,
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

*Phạm Hữu Quang

1.
Hồi tôi 11 – 12 tuổi, tức khoảng các năm1960 – 61, ba mẹ tôi ngụ ở quãng giữa đường Trần Quang Khải, khu Tân Định, thời đó vẫn thuộc quận Nhứt, đô thành Sài Gòn. Hằng ngày, ngoài việc đi học ở trường Les Lauriers bên đường Đinh Công Tráng, thỉnh thoảng tôi hay rong chơi loanh quanh các khu phố gần nhà. Tôi thường đi với vài đứa hàng xóm, có khi có cả Dũng, đứa em trai kế của tôi.
Tất nhiên, ở lứa tuổi thiếu niên của bất cứ thời đại nào, dù đi một mình hay đi với người cùng lứa, đứa trẻ nào cũng thường thích rong chơi theo ý riêng của mình hay do gợi ý của anh em, bè bạn, mà điều này thì khộng phải lúc nào cũng được cha mẹ tán thành và cho phép. Trường hợp quá đáng, trẻ sẽ bị khép vào lỗi hoang đàng, ham rong chơi. Riêng mẹ tôi, gốc người Nha Trang thì nói giọng địa phương là “quang”, thay vì “hoang”. Có lần bà nói:“Thằng con bà Ba quang lắm, dám một mình đạp xe ra tới xa lộ Biên Hòa…”. Mẹ tôi có biết đâu, tôi – thằng con lớn của mẹ, dù khi ấy chưa được ba mẹ sắm cho xe đạp, đi chơi theo ý riêng thì toàn lết bộ nhưng tôi cũng đã một lần lén đi bộ cả hơn 2 cây số mới ra đến cầu Phan Thanh Giản, Dakao, tức đầu xa lộ Biên Hòa, lúc nghe tin cái đại lộ lớn nhất Sài Gòn thời đó khánh thành (năm 1961).
Thật ưu ái cho bọn trẻ ham rong chơi bọn tôi, thời đó khu Tân Định – Dakao ngẫu nhiên có rất nhiều địa điểm đến chơi thì rất thú vị.
Đầu tiên là các rạp chiếu bóng, như bên Tân Định có rạp Kinh Thành ở đường Hai Bà Trưng, rạp Moderne ở đường Trần Văn Thạch (hồi đó rạp Văn Hoa chưa cất xong bên đường Trần Quang Khải); còn dưới Dakao có rạp Casino Dakao và rạp Asam cùng ở đường Đinh Tiên Hoàng. Không có tiền mua vé vào xem phim hay gặp phim xem rồi thì bọn tôi lân la ngắm ảnh các ngôi sao màn bạc treo trên tường hay các tấm pa-nô, bích chương quảng cáo các phim đang chiếu, sắp chiếu. Cũng có khi, gặp ngay lúc xuất chiếu sắp vãng, nhân viên rạp thường chịu chơi vén hoác màn sang bên cho ai nấy tha hồ chạy vô xem chùa đọan kết phim…
Cũng rất gây tò mò là các ngôi đình, cảnh chùa. Sát bên nhà tôi là đình Nghĩa Hòa, đặc biệt trong đình có gánh hát bội Công Thành Ban ăn tập tại chỗ và y trang nghèo nàn nhưng diễn tuồng Hồ Quảng rất hay; kế là đình Sơn Trà ở đường Nguyễn Phi Khanh, và đình Nam Chơn cùng ở đường Trần Quang Khải, đình Hòa Mỹ ở đường Trương Hán Siêu (cắt ngang chợ Dakao), đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo (đúng hơn phải gọi là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) ở đường Hiền Vương và chùa Ngọc Hoàng ở đường Phạm Đăng Hưng.
Đã là con nít, tụi tôi rủ nhau đến các đền, chùa tôn nghiêm tất nhiên không phải để thắp nhang lạy Phật, lạy thần gì cả mà chỉ nhằm, hể gặp dịp lễ vía thì được coi ké hát bội và cảnh tế “học trò lễ”, còn ngày thường thì rờ rẩm các tượng Ông Cọp, Ông Thiện, Ông Ác…, riêng ở chùa Ngọc Hoàng thì tìm cách cho mấy con rùa nuôi ở hồ nước ăn lá cây hay hoa sứ.
Sau cùng, tụi tôi cũng thích mò vào khu Đất Thánh Tây và khu Đất Thánh Chà nằm đối diện nhau ở quãng đầu đường Hiền Vương. Cảnh trí mồ mã ở hai nơi này nhất định là vắng vẻ, tịch mịch, buồn hơn cả sân chùa, nhưng cứ coi như đây là những công viên cây xanh gần nhà bọn tôi nhất, nơi sẵn sàng cung cấp thật nhiều bóng râm và những mặt đá cẩm thạch mát rượi để nằm chơi, ngó mông lung lên trời xanh.
Ngày đó, có thể gọi tụi nhỏ rong chơi này là bọn vô-sản-chân-chính, bởi trong hầu hết các buổi rong chơi, chẳng đứa nào có đồng bạc nào trong túi, có khát nước khô cả họng thì cũng chẳng tiền đâu mà mua nước mía, nước sâm, nên cả bọn tìm cách giải khát miễn phí là ghé miệng vào các vòi nước công cộng trong các chợ hay ở phông-tên nước công cộng duy nhất thời đó đặt ở gần ngã tư Trần Quang Khải – Đinh Tiên Hoàng cho người dân gánh nước xài. Còn các mâm trà tiếp khách trong các đình, chùa thì tụi “khách” thiếu niên không hề dám hỗn mà rớ vào. Họa hiếm là khi đứa nào cũng có được vài đồng thì tụi tôi kéo nhau đi nhấm nháp những món đồ lạnh, đổ chua cay thật khoái khẩu ở hãng kem Vi Bổn gần chợ Dakao, tiệm thạch chè Hiển Khánh sát bên rạp xi nê Casino Dakao hay xe gỏi đu đủ – thịt bò khô gần cổng trường tôi học ở ngã ba Đinh Công Tráng – Lý Trần Quán.

2.
Đến tuổi trưởng thành, tôi mới biết cái kiểu bọn trẻ tụi tôi đi chơi rong gần gần nhà, kiểu muốn đi là đi, cảm thấy thích là rủ nhau đi, không cần chuẩn bị gì trước… nhiều người – nhất là giới văn nghệ, viết lách – có thể gọi vui là “giang hồ vặt”, có điều là “giang hồ vặt” đúng nghĩa thì mức độ tùy hứng cao hơn nhiều, cũng như đã là người trưởng thành mà có máu thích “giang hồ vặt’ thì thì hiếm ai ngại những chuyến đi đi dài ngày và đi xa nhà, cũng chẳng sợ phải lên non xuống biển, lặn lội chốn đất khách, quê người.
Tuy nhiên, hồi đó dù chỉ là bọn trẻ ham vui, tập sự “giang hồ vặt”, rong chơi gần gần nhà với điều kiện phòng thân sơ sài, bọn tôi đã từng gặp phải chuyện không hay ngoài đường phố, tất nhiên lúc đó không có cha mẹ, người lớn nào bên cạnh.
Như có một buổi chiều, tôi và em Dũng mò vô đất Thánh Tây chơi, lúc quay về đến đường Hiền Vương thì trời đổ mưa lớn bèn chạy vào đục ở mái hiên trường mẫu giáo Michelet. Hai anh em ướt sủng và lạnh run, em Dũng còn bị trượt chân ở một bậc xi măng ngã nhoài đến chợt da bàn chân, đổ máu nên khóc mếu máo. Mưa lớn, sấm chớp đùng đùng, trời tối rất nhanh, anh em tôi bối rối cùng cực, nhưng cái đáng sợ nhất lại chính là … nỗi sợ hãi đủ thứ chuyện, sợ đến quên cả chuyện hai đứa đang vừa đói vừa khát. Một là sợ bị ba mẹ phạt cái tội đi không kịp về nhà trước sẩm tối, hai là sợ phải đến tạnh mưa mới có thể chạy được về nhà thì như thế cũng sẽ rất trễ, chắc chắn sẽ bị đòn nhiều hơn, và ba thì chắc là nặng tội hơn hết: vết thương chảy máu ở chân em Dũng, chắc chắn sẽ khiến thằng anh là tôi mắc thêm tôi dắt em đi hoang, để nó té…
Mãi đến ngày nay, tuổi đã “thất thập cổ lai hi”, trí nhớ mỏi mòn nhưng tôi vẫn nhớ như in nỗi sợ kinh khủng của mình thời niên thiếu ấy.
Trong cơn mưa tai kiếp ngày ấy, cậu nhỏ 12 tuổi tôi đây đã khổ sở cảm nhận sao cuộc sống quá khó sống đến thế. Tôi đã quá chán nãn, tự nhũ một là sẽ không bao giờ đi chơi đâu nữa, hay ít ra có đi cũng không dắt thằng em theo, phiền quá; hai là tôi đã chợt thấy nhà mình ở quả là một nơi chốn quý giá hết sức, vì ở đó bình an nhất, vừa ấm áp vừa khô ráo, không có mưa gió lạnh lẽo, ướt át, không có tại nạn té ngã đổ máu. Cái đầu óc thơ ngây của tôi còn nghiệm ra một điều nữa đã khiến cái nhà mình ở bao giờ cũng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong cuộc sống, đúng là nơi chốn tốt đẹp nhất trên đời – đó là: nhà mình ở luôn là nơi bảo đảm cho mình được ăn được uống, khỏi bị những cơn đói khát hành hạ. Thì ở cái tuổi đang lớn háo ăn khi ấy, cứ chiều xuống là tôi luôn đói bụng rất sớm trước giờ ăn tối.

3.
Thời đó, có vài dịp khác nữa giúp tôi sớm hiểu ý nghĩa của mái ấm gia đình. Như hồi mùa Tết tôi được 12 tuổi, vào sáng mùng 2 , như thường lệ mẹ tôi cho phép chị nấu bếp được nghỉ để về nhà ăn tết và quay lại làm việc vào mùng 4 hay mùng 6 tùy năm. Trước Tết chị bếp có kể sơ cho ba mẹ và anh em tôi nghe về căn nhà của gia đình chị nằm ở một con đường rất đông người Hoa trong vùng Chợ Lớn,. Chị mô tả ngày Tết chỗ này rất vui vì có múa lân xập xình cả ngày và các hàng đồ ăn uống, bánh trái – nhất là xe hủ tíu – cùng các sòng bầu cua cá cọp hoạt động tới khuya luôn. Riêng ở nhà chị thì anh chị em, bà con về nhà chơi Tết, mừng tuổi ba má chị rất đông. Chị bếp đã cười, nói với tôi “Nè, cậu hai có muốn theo về nhà chị cho biết tết trong Chợ Lớn của người Tàu vui cỡ nào hôn? Một bữa thôi mà. Cậu ngủ lại đêm mùng 2 rồi sáng mùng ba chị đón xe cho cậu về nhà thì vẫn còn Tết chớ. Nếu chịu thì xin phép ông bà chủ đi, chị dẫn câu đi”. Kết quả là mẹ tôi chuyển ý kiến từ “không”sang “có” khi nghe nhận xét phóng khoáng của bố tôi, rằng “Đúng là từ trước tới nay vợ chồng mình chưa hề dẫn các con vô cho biết Chợ Lớn lần nào. Thôi thằng Hòa cũng hơi lớn rồi, cho nó lần này đi chơi Tết một mình, xa nhà 1 ngày 1 đêm xem sao. Để nó đi một đàng học một sàng khôn mà em!”. Mẹ tôi cho tôi thêm một ít tiền để “muốn ăn gì ăn” đồng thời dặn tôi rất kỹ rằng phải lễ phép chào hỏi người lớn, khi ai đó cho lì xì thì nói “cám ơn” thôi, không được nhận và không được đem tiền đánh bầu cua.
Vậy là mùa Tết năm 12 tuổi, do quá tò mò đối với vùng Chợ Lớn, tôi đã làm chuyến rong chơi, gần như giang hồ vặt đầu tiên đời mình, dám tìm đến một nơi chốn hoàn toàn xa lạ với mình. Khoảng 9 giờ sáng mùng 2, xe xích lô máy vừa chạy đến gần khu phố nhà chị bếp thì đã nghe vang lên tiếng trống và thanh la múa lân chụp chụp cheng cheng rộn rang, đường phố thì đang rất đông người dạo chơi, buôn bán, ăn uống, xả rác. Bước vào nhà, chào hỏi người lớn vừa xong là tôi bị người này người nọ gợi ý, thậm chí là ép ăn, uống đủ thứ món ngày Tết. Sau một đỗi ngồi nhìn gia đình nhà này gầy một sòng bài nhỏ, ồn ào chơi bài cào, bài phé gì đó, tôi xin phép bước ra đường dạo chơi một lát. Tôi được đi một mình, do chị bếp muốn dẫn tôi đi nhưng vừa lúc có mấy đứa em của chị đến chúc Tết. Chị phải ngồi lại để tiếp khách nhưng cố gắng dặn tôi không nên quá xa khu phố trước mặt nhà, đồng thời hễ đói (?) thì đã có sẵn mâm cơm cùng bánh trái ở nhà dưới, cứ một mình thoải mái giở lồng bàn ra lấy ăn thoải mái, còn hể buồn ngủ thì đã có cái ghế bố trải ra sẵn ở gian phòng sau.
Đường phố Chợ Lớn ngày Tết thật vui vẻ, náo nhiệt. Nhiều nhà người ta chỉ mở hé cửa do vẫn còn nghỉ buôn bán, làm ăn nhưng ngoài đường thì đông nghẹt người và xe cộ, đồng thời trong nhà gia đình chị bếp cũng đang rất vui nhộn vì đông người và nhiều trò vui chơi. Nhưng tôi lại cảm thấy rõ ràng là dù ngoại cảnh xung quanh mình vui nhộn như thế và dù mình đang có tiền đầy trong túi, muốn ăn uống thứ gì cũng có, mình vẫn đang không hạnh phúc, trái lại còn bị rơi vào một nỗi cô đơn, cô độc rất to tát và sâu đậm.
Buồn quá, tôi tưởng tưởng giờ này ba mẹ ở nhà đang dọn ra bữa cơm mùng 2 Tết vô cùng thịnh soạn, đặc biệt có hai món tôi vô cùng ưa thích, vào ngày thường chỉ có trong các đám giỗ, đó là giò heo hầm măng khô và thịt đông ăn với dưa cải chua, và hể ngồi vào bàn là y như rằng mẹ tôi sẽ âu yếm múc ngay vào chén tôi cái móng heo nhiều gân sụn, cũng vốn là món hảo lâu nay của tôi. Hình ảnh bữa cơm gia đình ngon lành, ngọt ngào thương yêu như tôi mới tưởng tượng đã giục tôi sớm lên tiếng báo với chị bếp là muốn được quay về nhà ngay sau bữa cơm trưa.
Vừa ngạc nhiên vừa thất vọng về kết quả ít ỏi, nghèo nàn của cái gọi là “Tết người Tàu trong Chợ Lớn” đối với cậu nhóc mà mới hôm qua đã tỏ ra rất háo hức được “vô Chợ Lớn”, chị bếp đành gọi một chú xích lô máy quen, hàng xóm của gia đình. Người phụ nữ tốt bụng đã dặn chú xích lô máy rất kỹ càng, chi tiết về vị trí nhà ba má tôi trên đường Trần Quang Khải, quận 1, cũng như khẳng định tiền xe do chị trả sau, chú chạy xe khỏi nhận từ ba má tôi.
Vâng, nếu chuyện “giang hồ vặt” thường được người ta quyết định thật nhanh chóng, tùy hứng – cảm thấy thích là lao vào, không thích nữa là dạt ra, không chút do dự, cân nhắc gì – thì vào năm 12 tuổi, tôi đã rất hồn nhiên, thơ ngây, nặng trỉu cảm tính khi bắt đầu và kết thúc đều thật chóng vánh chuyến đi có thể tạm gọi là “giang hồ vặt” đầu tiên của đời mình.

PHAM NGA
Tháng 5-2018

Có một cái “30 tháng 4” thu nhỏ

 

1.

Ủy ban phường vừa mời một số hộ trong khu phố lên họp để nghe ngành đường sắt công bố lịch cắm mốc giới tuyến đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng. Đúng hơn đây là buổi thông báo gián tiếp về tình hình giải tỏa nhà đất ở phường, sẽ thực hiện nhằm phục vụ dự án làm đường hành lang an toàn song song đoạn đường sắt chạy ngang đất phường mà việc cắm mốc nay mai là để xác định trước vùng cần giải tỏa.

Theo dự án, từ tâm đường sắt tùy chỗ sẽ lấy vô 15 hay 20 mét, nghĩa là hàng trăm căn nhà xưa nay nằm cạnh đường ray gần ga Xóm Thơm sẽ mất mặt tiền hay phần nhà phía trước hoặc bên hông. Riêng nhà ông Hòa cùng mấy chục nhà hàng xóm phải chịu giải tỏa trọn lọn – tức mất trắng, do lọt vào một khu vực dự định cất nhà ga, trạm khách cho tuyến metro trong tương lai, nên từ tâm đường sắt sẽ lấy vô sâu tới 50 mét. Oái ăm nhà ông Hòa nằm cách đường sắt chỉ khoảng 30 mét.

Anh đại diện ngành đường sắt cho biết lịnh giải tỏa và mức đền bù nhà đất sẽ được công bố vào khoảng năm 2020 nhưng chắc sẽ trễ hơn, do chưa có dấu hiệu gì cho thấy ngành đường sắt đã tìm được chỗ vay vốn làm dự án. Lập tức anh đại diện UB phường lên tiếng an ủi: “Còn lâu mà, vậy bà con cứ về an tâm cư trú, làm ăn. Nhà nước sẽ đền bồi thích đáng, sát với giá đất trên thị trường”.

Như thường lệ, ngay trên đường về, nhiều người cùng dự buổi họp đã thản nhiên bàn tán, như “Ối còn lâu mà!”, “Mấy ổng nói vậy chớ Tết công gô mới làm!”, hay ít thản nhiên hơn thì “Chà, hổng biết chừng nào chớ từ bây giờ, đất đã quy hoạch giải tỏa rồi thì mình không được phép sửa nhà, nới rộng, cất lầu gì được. Muốn bán nhà cũng khó có ai mua!”.

Thói thường bấy lâu nay trong bất cứ vụ giải tỏa nhà đất nào cũng đều có người vui kẻ buồn. Có người vui, phấn khởi ra mặt vì tự nhiên nhờ ông nhà nước mở đường mà cái nhà thúc thủ trong hẻm lâu nay của mình được ra mặt tiền đường cái. Hay, nhà mình chỉ bị thụt vô vài mét nhưng lại có cái con đường lớn, công trình lớn như chung cư, trung tâm thương mại, nhà ga metro… mọc lên sát bên, lập tức nhà mình có giá trị hẳn lên, giá đất cũng nóng lên ngay. Ngược lại, nhà nào bị giải tỏa toàn bộ thì chủ nó không khỏi buồn phiền, khổ đau… Như trường hợp nhà ông Hòa, ông đau khổ, tiếc đến quặn đau cõi lòng khi nhận ra rằng bản đồ quy hoạch chỉ cần khác đi một chút, mấy ổng chỉ cần vẽ đường ranh ngắn lại là chừng 20 mét, hoặc lệch sang trái hay sang phải độ 30 mét thì nhà ông đã không dính giải tỏa hay chỉ bị mất vài mét ở đuôi nhà. Và hơn thế, ông sẽ còn như trúng số cá cặp: khúc hẻm không còn nữa, căn nhà dấu mặt của ông sẽ rỡ ràng nhìn ra một khu công trình hoành tráng, nguy nga – đó là nhà ga metro tương lai.

Nhưng đó là “nếu như…”, còn hiện nay – nói theo kiểu bác sĩ chữa ung thư, tiên lượng căn nhà thương yêu sẽ mất trong vòng 2 – 3 năm nữa!

 

2.

Những ngày sau đó, vợ chồng ông Hòa buồn xo, biếng ăn biếng ngủ. Có muốn bán nhà ngay lúc này như một cách đào thoát khỏi cái tương lai 99% mất nhà kia thì cũng không kịp nữa rồi. Có ai khờ đến nổi đi mua nhà, dù rẻ mắc gì mà không tìm cách tìm hiểu, dò hỏi cho được tình trạng căn nhà mình tính mua có bị dính quy hoạch, rằng sẽ bị giải tỏa, mất một phần, mất trắng hay không? Hơn thế, dù trong tương lai, giá đền bù đất có “thích đáng, gần bằng giá đất thị trường’ như ông phường an ủi, kể cả suất tái định cư – được mua căn hộ chung cư giá rẻ ở vùng nào đó, thì dân đi mua nhà cũng vẫn thấy bấp bênh, không có gì là chắc chắn, thà bỏ tiền ra mua loại nhà có tương lai sở hữu ổn định vẫn hơn.

Không còn nhà nữa rồi! Ông Hòa thường lẩm bẩm. Đâu phải chỉ có câu “bị mất nhà” mới đau, trong cách nói “không còn nhà” có chữ “không” nghe như đất sụp dưới chân, như Hư Vô tràn đến phủ ngập cuộc đời con người.

Thấm thoát đã 30 năm trôi qua kể từ dạo vợ chồng ông nhờ làm lụng vất vả, chắt mót dành dụm mới có thể mua được căn nhà cấp 4 này, để ra riêng từ căn nhà cũ mèm của bố mẹ ông. Hiện nhà của ông đã xuống cấp, đã vài lần sửa chữa nhỏ nhưng vẫn còn nhiều chỗ tường nứt hay tróc vôi, mái tôn đã có chỗ nát, dột. Nhưng dù sao mặc lòng, căn nhà nhỏ đơn sơ này đã chất chứa, ghi khắc không biết bao nhiêu là thăng trầm, vui buồn trong cuộc sống, vốn là nơi ông bà chia sẻ nhau từ hạt muối đến hạt đường, là nơi chớm bệnh đau lưng thẩn kinh tọa với huyết áp cao, là nơi dựng vợ gã chồng cho con cái, cũng là nơi đón tin người già mất đi hay trẻ con ra đời… Đối với ông Hòa, căn nhà nhỏ sớm tối đi về này chính là cả khung trời bao dung của đất Sài Gòn quê hương thứ hai của ông, chính là nơi nuôi dưỡng nghiệp viết lách không-thể-nào-khác-đi của ông, nhất là đang ở cái tuổi 70 xế bóng cuộc đời…

Ông Hòa buồn lắm, mới hiểu tại sao y học đã ghi một trong những thủ phạm gây stress, gây chứng trầm cảm chính là biến cố mất nhà, phải dọn nhà hay thay đổi chỗ ở.

Khoảng 15 năm trước, lúc đường Phạm Văn Đồng gần nhà bắt đầu được thi công, vợ chồng ông Hòa rất vui vì chẳng bao lâu nữa con hẻm nhà mình, thay vì dẫn ra con đường Lê Lợi 6 mét chật hẹp và đã xuống cấp, sẽ dẫn ra một đại lộ mới, rộng đến 60 mét thật hiện đại, được cho là đẹp nhất thành phố. Nhưng, hình như đã có một điềm gở gì đó…

Ông Hòa nhớ rất rõ là thời ấy, ngày ngày đi ngang một dãy nhà đã bị đập phá và bỏ hoang, tình cờ ông thấy một chú chim chích chòe bay lượn một mình hay nhập vào đám chim sẻ kiếm ăn. Hỏi bà con gần đó mới biết đây là chú chim được một gia đình nọ nuôi theo kiểu thả tự do cho chim bay nhảy ngoài lồng. Rồi không rõ lý do gì, khi đập nhà rồi dọn đi, gia đình này không mang chú chim theo qua chỗ ở mới của họ. Do quen bay nhảy ở khu vực có cỏ cây vắng vẻ, chú chích chòe cứ lẩn quẩn ở đây mãi. Lúc ấy, ông Hòa bâng khuâng mãi về tình cảnh lạc loài của chú chim, tự hỏi nếu giờ không có ai đưa nó về nhà nuôi thì không biết số phận nó sẽ ra sao khi các ngôi nhà mới được xây xong, không còn khung cảnh nhiều cây xanh, bụi cỏ, vốn thích hợp cho loài chim sinh sống.

Ông Hòa còn nghĩ, khi các công trình đô thị hóa được thực hiện, tức giải tỏa đất đai, xây nhà phố mới, thường người bị mất nhà, mất đất chỉ nhận lấy một cục tiền đền bù rồi sau đó phải vất vả tự lo liệu nơi ăn chốn ở mới, nhiều khi họ không biết đi ở đâu và làm gì tiếp tục để sinh nhai… Có nghĩa là người ta còn chưa giải quyết được chu đáo cho cuộc sống của nhiều người, nhất là người nghèo khi họ phải xa lìa chỗ ở cố cựu của họ, nói gì đến số phận của những vật nuôi bị bỏ lại ở khu xóm giải tỏa trắng, ví dụ như một con chim chích chòe nhỏ bé, lạc loài kia?

Thấy thương con chim, ông Hòa viết một bài tạp bút về chuyện bắt gặp chú chim chích chòe bị chủ nuôi bỏ lại trong cảnh gạch ngói hoang tàn khi gia đình họ phải chuyển đi nơi khác bởi nhà họ bị giải tỏa trắng, nghĩa là chú chim đã bị mất chỗ ở quen thuộc bên chủ nó… Nào ngờ gần 15 năm sau, đến lượt ông Hòa cũng rơi vào tình trạng sắp mất chỗ ở, không biết đi đâu…

 

3.

Đã 43 năm về trước, đối với nhiều số phận người dân Sài Gòn cùng gia đình họ – như ông Hòa, gốc sĩ quan chế độ cũ, khách quan hay chủ quan gì cũng thế, ngày 30 tháng 4 đã là một biến cố khó có thể gọi là vui, phấn khởi được. Mất nhà, mất chỗ làm, mất tài sản, mất địa vị xã hội, mất người thân và bạn bè, bị tập trung học tập cải tạo, bị chỉ định cư trú khu kinh tế mới… Đã dù ít dù nhiều đều bị mất mát, chia lìa, thua thiệt như thế, cuộc sống xuống cấp thấy rõ, đổi đời kiểu này thì làm sao bảo họ là “vui” được? Dù sao, hơn 40 năm trôi qua, cũng giống như bao người Sài Gòn khác, sau những mất mát này khác thì ông Hòa đã cố gắng tìm cách hòa nhập với thời thế, lao động một cách lương thiện để kiếm sống cho gia đình mình cho đến tuổi về hưu.

Vừa rổi, cũng chính vào thời điểm tháng 4, thời tiết đang rất oi bức này, ông Hòa lại được thông báo nhà mình ở sẽ bị giải tỏa, nói đơn giản là sẽ mất nhà, thì đối với ông, biến cố ấy có khác gì một cái “30 tháng 4” thu nhỏ lại và trớ trêu xảy đến lần nữa trên số phận hẩm hiu của gia đình ông cùng cả trăm bà con hàng xóm.

Đêm nay, thêm một đêm ông Hòa chập chờn nửa ngủ nửa thức. Đến gần sáng, ông nghe văng vẳng từ đầu hẻm tiếng kèn đám ma, tình cờ là bản Một cõi đi về của TCS. Về ở căn nhà cấp 4 này từ thuở trung niên còn khương cường để cày kiếm sống, đã bao sớm hôm đi về con ngõ hẹp, nay đã thuộc lứa thất thập cổ lai hy mỏi mòn, ông Hòa chợt ngậm ngùi, không thể nào nhớ nổi đã bao đêm về sáng mình đã thao thức nghe tiếng kèn đám ma, đưa người quá cố vĩnh viễn rời khỏi căn nhà họ từng cư ngụ, rời xóm phố họ từng sống lúc sinh tiền…

 

PHẠM NGA

(Trong oi nồng tháng 4-2018)

Vô rẫy uống rượu đế với thịt trăn  

 

 

 

1.

– Nó giết mấy con gà, nó sát sinh. Rồi mấy cậu giết nó, còn ăn nó nữa chớ… Tới phiên mấy cậu cũng mang tội sát sinh!

Tôi cảm thấy khó chịu, xốn xang. Ánh nắng xế trưa chiếu xuyên qua tán lá cây mít, vẽ những đốm sáng lay lắt lên đỉnh đầu, gò má bọn tôi nhưng đám bợm chẳng tên nào thèm để ý mà sửa thế ngồi cho tránh chói. Tựa lưng vào gốc cây, tôi uể oải đưa tầm mắt ra xa vượt khỏi khu vườn còi cọc của Thường, nhìn về núi Dinh Cố. Bên dưới vài đám mây trắng lóa bởi nắng đang rất gắt giấc này, sườn núi xanh rờn màu cây lá, lác đác vài chỗ chợt sẫm tối bởi bóng mây.

Dân nhậu hay nói trời nắng nóng mà uống rượu đế thì rất mệt người, phải vật vã, nhăn nhó như Phan Thanh Giản uống thuốc độc nhưng nảy giờ, cái bình toong quân nhu cũ mèm, đựng gần năm xị đế cũng đã nhẹ tưng từ hồi nào dù chỉ có hai bợm ngồi ‘cưa’ đôi, đưa qua đẩy lại.

Thật lòng tôi có ray rức vì lời buộc tội vừa rồi của cháu gái Thường nên cố gắng phân bua:

-Để cậu nói cho con nghe. Con trăn này bữa nay nuốt mấy con gà, nếu nó còn sống thì mai mốt thế nào nó ăn thêm gà thêm vịt nữa. Rồi nếu… ốm nhách, nặng chưa tới ba chục ký lô như con mà ra đồng một mình, lỡ gặp nó, đúng lúc nó đang đói, kiếm không ra mồi, thì sự thể sẽ ra sao đây? Dù con nói gì thì rõ ràng nó đã là sát sinh… Thôi để cậu gọi nó là “sát thủ” nhe, y như trong bộ băng Bao Thanh Thiên bên nhà bác Tư mướn về coi hoài đó? Ừ, “sát thủ” lạ mặt này đã giết mấy con gà nhà mình. Nó phải bị trảm! Hai cậu không còn cách xử nào khác hơn. Không chịu thì con đi hỏi bà ngoại đi. À mà con hãy từ bi hỉ xã bỏ qua cho mấy cậu cái tội ăn luôn “sát thủ” nghe con…

Con trăn dài gần hai mét, đường kính vòng thân mình cỡ lon sửa bò. Về lý lịch con trăn thì tôi đồng ý với Thường, rằng vùng đất rẫy An Ngãi này đã bị giải tỏa gần hết, mấy con đường nhựa đã làm xong, cỏ hoang và cây dại đâu còn bao nhiêu mà rắn rít, sóc, chuột đồng… còn chỗ sống; rằng hơn nữa con này không phải rắn mà là trăn dài thượt như vậy thì chắc gốc gác nó phải là từ phía núi kia, run rủi sao mà bò vô tới miếng rẫy này…

Cứ như vừa rồi miếng rẫy của Thường chợt hóa thành công đường xử án lưu động của Bao đại nhân, Thường khề khà kể tiếp về diễn tiến vụ việc với giọng lạnh lùng kiểu “ký sự pháp đình” nhưng không khỏi thêm thắt chút đỉnh. Tội danh của “sát thủ”: giết bằng cách nuốt sống ba con gà của gia đình Thường, nhưng số “kẻ bị hại” có thể nhiều hơn nếu bỏ công đi hỏi bà con hàng xóm xung quanh đây. Hiện trường:  đám cỏ tranh. Thời gian gây án: không rõ, chắc đã mấy ngày rồi. Chủ tọa hội đồng xét xử: ông Thường, chủ rẫy. Hội thẩm nhân dân: mấy phụ nữ đứng vòng ngoài, đã không hề có ý khoan hồng. Luật sư tình nguyện bào chữa: con gái Thường.

Sau khi tội danh thành lập, án đã được thi hành ngay lập tức. Đặc biệt là Thường – ông chủ tọa hội đồng xét xử, cũng xăng xái tham gia vào “đội thi hành án” nhưng thực ra, ông ta chỉ đứng xa xa, tay quơ quơ cái cuốc, miệng la hét om sòm gọi là chỉ huy. Cả đội cứ xà quần, dày xéo đám cỏ tranh khá lâu mà kẻ thủ ác vẫn luồn lách, tìm đường trốn chạy. Rốt cuộc, vì nghe ồn ào, một thằng cháu lâu nay bệnh khật khùng của Thường ở rẫy bên cạnh đã chạy qua và lẵng lặng tự bổ sung ngay vô đội. Nhát cuốc duy nhất của anh khùng bổ xuống, chính xác vào ngay đầu sát thủ.

 

2.

Nếu không có tôi tình cờ từ Sài Gòn xuống đúng lúc vụ án xảy ra thì “sát thủ” đã được đem chôn cất tử tế. Vì, một là có người bàn việc lột bộ da con trăn phơi khô rồi kiếm chỗ bán, nhưng da đã hư nát vì nhiều nhát cuốc, nhát rựa “ăn theo”. Hai là trong nhà không có ai biết ăn thịt rắn – nay là trăn thì cũng vậy thôi – trừ mỗi mình Thường, tiếc là bạn tôi tuy đã từng ăn và thích ăn thịt rắn nhưng lại không biết làm bếp, nhất là không hề có chút ý niệm nào về “lộ trình” chế biến thịt loài bò sát còn ghê gớm hơn rắn này. Còn lý do thứ ba chính là sự lên án của đứa cháu gái Thường đối với cả hai lý do có trước, nên phải lẽ hơn hết là đem chôn cất con vật cho đàng hoàng, cũng là để làm phước đối với một sinh linh vừa rời bỏ cuộc sống thế gian.

Do đó, khi tôi lên tiếng mọi người muốn chôn con trăn thì cứ chôn, chỉ cần để tôi chặt ngay giữa mình con trăn để lấy – cho tôi và tất nhiên cả cho ông chủ nhà – một khúc khoảng hai kílô, rồi tôi sẽ làm thịt trăn thành món nhậu. Lập tức trước mắt mọi người, tôi – cái gã dân thành phố văn minh – chợt có cái vẻ gì đó như dân man dã ăn tạp, tức ác đức hơn rất nhiều so với dân ở rẫy, nhiều lắm là chỉ thô lỗ, cục mịch thôi!

Sau 30 tháng 4, xong một năm đi học cải tạo về “tội” làm cán bộ xây dựng và bình định nông thôn, rồi hết phương kiếm sống ở thị xã, Thường đành cùng cả gia đình ba mẹ, chị em lui về miếng đất rẫy hẻo lánh này. Muốn đến vạt đất khô cằn này thì phải vượt qua 2 cây số đường mòn gập ghềnh, quanh co đi về phía chân núi Dinh Cố, một đoạn đường thường xuyên rất vắng người, cỏ hoang cây dại um tùm. Tỷ dụ như ai xui xẻo bị rắn cắn dọc đường thì rất ngặt nghèo vì phải lết đi mấy trăm thước mới thấy căn nhà lá nào đó.

Thấm thoát mấy chục năm đã trôi qua… Hiện giờ ở rẫy của Thường vẫn nhà tranh, vách đất, vẫn đèn dầu, nước giếng, cây trái còi cọc ngoài vườn – nghĩa là vẫn nghèo. Lâu lâu, vì ngặt nghèo quá, có khi Thường phải lén cắt tranh “lộn” bên đất người ta để bán kiếm tiền đong gạo. Mỗi lần từ Sài Gòn xuống, phải kẹt tiền lắm tôi mới để thiếu thứ quà thực tế – thức ăn. Với bọn tôi, lần nào cũng là manh chiếu rách trải dưới tàng cây mít với thứ rượu đế rẻ mạt đựng trong bình toong nhà binh, vài miếng ổi chát hay con khô mặn…

Bữa nay, có khúc thịt trăn, tôi đưa tiền cho đứa cháu nhỏ chạy u ra cái quán gần nhà, được tiếng là xa chợ mà cũng có bán đủ thứ. Như ngũ vị hương là thứ rất cần cho món trăn xào, nhưng xả, ớt đã sẵn có dư dả ngoài vườn. Và dĩ nhiên, không thể thiếu một bình toong rượu cùng với nước đá chữa lửa. Cái chái bếp tồi tàn, lạnh lẽo, vừa thấp vừa tối của nhà Thường bỗng trở nên ấm cúng, nhộn nhịp, chộn rộn tiếng nói tiếng cười, khác hẳn ngày thường.

Làm bếp xong, việc dọn bãi đáp đã có chủ nhà nên tôi thong thả ra tắm cạnh cái giếng trong vườn. Gió thổi rào rạt đến phát lạnh, nước giếng cũng lạnh ngắt nhưng ngay gáo nước đầu, xác thịt chợt được kích thích lạ lùng. Khó có thể diễn tả được cái cảm giác thống khoái kỳ cục, nặng trĩu nhục cảm. Tắm xong, bọn tôi xà vào chiếc chiếu rách quen thuộc đã được trải dưới gốc mít …

Phần còn lại của thi thể con trăn “sát thủ”- như đã nói – giờ là đĩa xào ngũ vị thơm phức. Mấy con chó xớ rớ gần đó bị đuổi chạy cho xa vì người ta cử kiêng, không bao giờ cho chúng ăn xương rắn, xương lươn. Xương trăn cũng vậy thôi. Cảm giác sảng khoái một lần nữa lại lan tỏa khắp người, dĩ nhiên bắt đầu từ vị giác. Thứ rượu dỏm, hôi như mùi cao su cháy hay mùi giẽ rách lau bàn, mấy ngụm đầu tiên lại chợt ngon lạ lùng. Có khi hạnh phúc chỉ đơn sơ quá đỗi và bé mọn đến tội nghiệp như thế.

 

3.

Vậy mà đứa cháu gái Thường đang kết tội tụi tôi sát sinh: một “nhóm sát thủ” này giết một “sát thủ” khác, bạo tàn hơn là còn ăn luôn cả một phần thi thể. Riêng Thường, có nhỏ nhẹ phân bua rằng hành vi ăn thịt luôn “sát thủ” thì trong trường hợp này nó lại là một con vật nên con người không mắc tội sát sinh, do ông bà mình từ xưa đã có chủ trương “vật dưỡng nhơn”. Vậy ở đây, lời buộc tội không xác đáng: không sát sinh đối với “vật” thì con người làm sao được “dưỡng” từ “vật”? Rõ ràng tụi tôi đã cố gắng giải thích, mong mỏi sự đồng cảm từ “luật sư” bào chữa cho con trăn “sát thủ”.

Bất giác tôi ngước mặt lên nhìn đứa cháu gái của Thường. Đó là một cô nhỏ ốm yếu, đen đũi, gương mặt không đến nổi xấu gái nhưng trông thật tối, đã 18 tuổi rồi mà thân thể cứ khô đét, không một chút gì nở nang, tròn trịa. Những khó khăn, túng thiếu kéo dài ở gia đình này đã khiến cô nhỏ chỉ biết mang những suy nghĩ, hoài vọng bế tắc của mình đến cửa những am, chùa, miếu, cốc… đầy dẫy ở vùng đất khô cằn này. Rồi niềm an ủi có thể chợt đến từ lời giảng dong dài của một ni cô trẻ vô chùa vì thất tình hay từ một ông sư già đi tu bởi thua đề mất nhà nào đó. Hẳn là cô nhỏ được dạy rằng, sống ở đời, có nghèo khổ thì chỉ là do số mạng, do nghiệp báo không thể tránh khỏi. Hơn nữa, sống ở đời là phải nhẫn, luôn chịu nhận lấy phần thua thiệt về mình. Như về chuyện con trăn giết, nuốt mấy con gà – phải nói là một biến cố, mất mát khá lớn bởi đây là cả một tài sản chắt chiu của cái gia đình nghèo quá nghèo này – thì cô nhỏ vẫn nhất định không kết án con trăn, cũng như không chịu cho ai trị tội “sát thủ”. Hãy tha thứ cho kẻ ác! Đừng chấp! Hãy ẩn nhẫn và chịu đựng trước cái ác, cái tội lỗi!

Tôi nhìn lại đĩa thịt trăn. Chỉ là một niềm vui nhỏ bé, chung rượu hạ bạc khi vô thăm bạn nghèo ở cái đất rẫy đìu hiu này mà cuộc đời vẫn không cho phép?

Thôi, bữa nay hoàn cảnh không vui, men rượu không đủ gây hứng cảm –  dù là một chút lãng đãng chiêm bao – để nhắc Thường trở vô nhà lấy ra cây ghi-ta như mọi lần. Trời mới về chiều mà tôi đã nghĩ đến sáng mai trở về thành phố, bình lặng trở lại công việc kiếm sống. Cũng như bạn tôi phải lầm lũi trở lại với mấy gốc mảng cầu, gốc mít cùng đám cỏ tranh. Chỉ có “sát thủ” là đã đi vào Hư Vô…

Phạm Nga

Đà Lạt, Phiêu Lãng Giáng Sinh Xưa

 

1.

Tôi biết bản “Bài thánh ca buồn” của nhạc sĩ Nguyễn Vũ đâu hồi mới 15 tuổi, thời học đệ tam C trường Pétrus Ký. Ông nhạc sĩ tài hoa đã kể thuở còn một cậu bé 14 tuổi sống trên Đà Lạt, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con Gà thì tình cờ gặp một cô gái rất xinh. Mở lời làm quen thì biết cô ấy lớn hơn mình 2 tuổi nhưng trái tim vụng dại của cậu con trai mới lớn vẫn đập loạn nhịp trước bóng dáng thiếu nữ có mái tóc dài buông thả, đẹp như mộng ảo giữa cảnh sắc đồi thông Đà Lạt sương mù.

Tôi mê mẩn trước lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, rằng có một lần tan lễ Giáng sinh thì trời đổ mưa, cô gái nép vội vào mái hiên ngôi nhà nọ gần nhà thờ, ông cũng đứng trú bên cạnh. Những kỷ niệm và xúc cảm thiết tha lần ấy chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên bản “Bài thánh ca buồn” sau này.

Năm tôi ngồi lớp đệ nhị C là 1965, tôi lại càng thích bản “Bài thánh ca buồn” bởi bắt đầu quen Huyền ở Sài Gòn, bởi ngẫu nhiên Huyền cũng là người gốc Đà Lạt, cũng lớn hơn tôi 2 tuổi, cũng duyên dáng, cũng tóc dài, nghĩa là có khá nhiều điểm giống cô gái trong chuyện tình dịu ngọt thời thơ dại của nhạc sĩ Nguyễn Vũ …

Cuối tháng 12 năm ấy chợt có kỳ trại đặc biệt được Bộ Giáo dục thời đó tổ chức vào dịp Giáng sinh, ưu ái dành cho ban đại diện học sinh và các lớp trưởng khối đệ nhị cấp của riêng bốn trường lớn nhất Sài Gòn là Pétrus Ký, Chu Văn An, Gia Long và Trưng Vương được đi chơi Đà Lạt 5 ngày. Tôi là lớp trưởng nên được dự kỳ trại có tên gọi thật đẹp là trại Anh Đào này.

Vậy là tôi đã có cơ hội lần đầu tiên lên Đà Lạt, lại trúng ngay mùa Noel, mùa đẹp nhất để du khách viếng thành phố ngàn hoa. Tôi nghĩ ngay đến Huyền, bởi khi đó tôi chỉ có Huyền là người quen/bạn duy nhất có nhà ở Đà Lạt.

2.

Đỗ tú tài nhất xong, Huyền từ biệt bố mẹ xuống Sài Gòn học sư phạm mẫu giáo. Do người bà con giới thiệu, cô gái đến ở trọ trong trường Mạnh Mẫu, một trường mẫu giáo nổi tiếng ở khu Tân Định, nơi em gái út của tôi đang theo học. Một lần nọ, vào giờ tan học buổi chiều, anh tài xế ở nhà lái xe đi rước con bé, tôi rảnh nên cũng theo chơi. Đang thơ thẩn ngồi chờ trước sân chơi xích đu, cầu tuột, tôi thấy một cô gái thật trẻ ra phụ các cô giáo trông chừng bọn học sinh lí lắc hay leo trèo, nhảy nhót quá đáng. Gương mặt cô gái không trang điểm nhưng vẫn thùy mị dịu dàng, mái tóc huyền xỏa ngang vai, giọng khuyên bảo bọn trẻ nghe ngọt như mật …, Huyền thu hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Rồi thư viết cho nhau đã nhiểu nhưng ngồi bên nhau trong khuôn viên nhà trường thì còn ít bởi để giữ gìn cho các thiếu nữ ở trọ, qui định về khách thăm viếng ở đây kia rất nghiêm nhặt.

Huyền nhận lời hẹn gặp và cho tôi địa chỉ ở Đà Lạt. Tôi sung sướng đến muốn bay bổng lên trời xanh. Thế là đến tuổi 16 tôi mới được thỏa mơ ước cháy bõng từ thời thiếu niên là được lên Đà Lạt, đặt chân đến Thành Phố Của Ngàn Hoa, Thành Phố Sương Mù… như văn chương, âm nhạc thường ngợi ca. Càng sung sướng hơn là trong chuyến du lịch miễn phí diệu kỳ này, tôi sẽ có dịp gần gũi hơn với cô bạn xinh đẹp vào đúng dịp Giáng sinh, nghĩa là gần như tôi sẽ được thể nhập trọn vẹn – chứ không phải ngồi tưởng tượng nữa – vào khung trời lãng mạn tuyệt vời của bản “Bài thánh ca buồn”.

3.

Trời mới rạng đông, trại viên trại Anh Đào được đưa ra phi trường TSN, ngồi máy bay quân sự C123 lên Đà Lạt. Mờ sáng đã đến phi trường Liên Khàng, thời tiết thật tuyệt diệu, không quá lạnh như tôi tưởng tượng.  Có chuyện hơi buồn cười là suốt 5 ngày trại, toàn thể bọn trại viên con trai được cho về ở chỗ… con gái –  trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Ổn định chỗ ở xong, bọn tôi được tự do ra phố vài tiếng, chỉ cần 11 giờ 30 phải về lại trường để đi ăn cơm trưa.

Theo một nhóm bạn xuống đến bờ hồ Xuân Hương thì tôi tách ra, nói với tụi nó là cần đi tìm, thăm nhà bà con. Tôi đứng bên lề đường, dáo dác kiếm taxi. Ở Sài Gòn thời ấy có một tập quán hay hay về việc sử dụng xe taxi ngoài đường phố, đó là bạn có thể quắt bất cứ chiếc taxi chạy ngang đang chở khách nhưng vẫn còn ghế trống, thường là xe sẽ dừng lại để tài xế hỏi bạn đi đâu. Nếu lộ trình bạn cần đi thuận chiều với lộ trình của khách đã ngồi trước trên xe thì tài xế sẽ đồng ý chở bạn đi chung, ai xuống trước cứ trả phần tiền xe của mình… Tôi vừa quắt trúng chiếc taxi đã có hai sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt ngồi ghế sau. Cửa xe vừa đóng là tôi vội vàng nói ngay, cố ý cho cả ba người trên xe cùng nghe:

-Chào các anh, làm ơn chỉ dùm và cho tôi đến địa chỉ này, số 23 đường Biệt Thự, bờ hồ Xuân Hương. Tôi ở Sài Gòn, đây là lần đầu tiên lên Đà Lạt, muốn ghé thăm người bà con…

Một anh SVSQ ngồi phía sau vui vẻ trả lời ngay:

-Hên cho anh rồi, đường Biệt Thự ở ngay phía bờ mờ mờ bên kia, đây vòng qua đó chừng 10 – 12 phút thôi, phải không bác tài?

Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, tôi vừa hí hửng vừa nôn nao đầy lòng. Chiếc taxi dừng lại cạnh một bãi cỏ thật xanh bên đường, tôi hỏi bác tài tiền xe bao nhiêu thì bác ta lại quay nhìn hai người khách phía ghế sau. Cũng cái anh SVSQ vui tính lại nhanh miệng nói:

-Có bao nhiêu đâu anh bạn. Đúng ra ở Đà Lạt rất ít người đi chung xe taxi như kiểu ở Sài Gòn nên hiếm có ai quắt xe đã có khách như anh vừa rồi. Thôi, rất vui nghe anh học ở Sài Gòn, lên dự trại thăm Đà Lạt. Để tụi tôi tính cho, coi như cho anh quá giang. Lo đi tìm nhà người bà con đi.

Tôi không ngờ ngày đầu tiên ở Đà Lạt mình đã may mắn gặp được người tử tế như vậy nên xăng xái bắt tay cám ơn hai anh SVSQ, cám ơn cả bác tài. Họ cười, chúc tôi vui vẻ trọn những ngày ở Đà Lạt.

Từ lề đường nhìn lên chỉ thấy dốc đồi thoai thoải, lối đi ngoằn nghèo chạy giữa những bãi cỏ xanh rờn cùng những mái nhà thưa thớt, ẩn mình giữa những cây thông cao vút nên ở đâu cũng đầy bóng râm. Nhà số 23 nằm khuất ở một sườn đồi cách đường lộ bên dưới khá xa nên có vẻ đìu hiu, vắng lặng. Gõ cửa rất lâu Huyền mới ra mở cửa với nụ cười thật phấn khích, vẻ bất ngờ vươn đầy ánh mắt…

Huyền mời tôi vào nhà, rót tách trà actixô bảo tôi uống liền cho ấm. Nhà đang chỉ có mỗi mình Huyền. Ngồi chốc lát là tôi đã khẽ đề nghị cô bạn hãy cùng tôi ra ngoài, ngồi chơi ở bãi cỏ trên sườn đồi thoai thoải phía trước cổng nhà.

Có thể coi đây là một trường đoạn phim trữ tình, thơ mộng nhất mà cậu con trai tuổi 16 đã khổ công vẽ vời sẵn từ những đêm cậu mình bỏ ngủ, nằm tưởng tưởng đủ điều trước ngày đi trại Anh Đào.

Ở lần gặp trước gần đây nhất, tôi đã vừa hỏi Huyền xin địa chỉ ở Đà Lạt vừa hỏi nàng có về nhà nghỉ mùa Giáng sinh không. May mắn là Huyền sẽ về nhà trước cả ngày trại Anh Đào khai mạc và tận sau Tết dương lịch mới trở xuống Sài Gòn. Tuy nhiên, khi ấy tôi chỉ nói là sẽ cố gắng, sắp xếp thời gian trong kỳ trại để tìm đến nhà Huyền, gọi là gặp nhau ở nhà nàng, quê hương nàng cho thân thương hơn. Do đó khi thấy tôi ở cửa, Huyền nói ngay bất ngờ quá đi!  Giờ ngồi trên bãi cỏ, Huyền giải thích thêm rằng dù có đồng ý cái hẹn “để trống ngày giờ” nhưng trong thâm tâm nàng lại cảm thấy biết đâu sẽ có trở ngại này khác khiến tôi không thể sắp xếp, thực hiện được chuyện hai đứa gặp nhau được trên Đà Lạt, nhất là vào dịp đặc biệt là Giáng sinh này.

Giờ đây tôi đang ngồi với cô bạn gái trên bãi cỏ ngập lá vàng khô. Hoàn toàn chỉ có hai đứa, không có con mắt dòm ngó nào của thiên hạ xung quanh.

Huyền vẫn thùy mị, dễ yêu, mái tóc buông dài ma mị. Đặc biệt là khi trở về với khí hậu Đà Lạt, đôi má của Huyền trở nên hồng hào thật quyến rũ, không còn màu trắng, xanh nhàn nhạt bình thường như lúc ở Sài Gòn.

Thỉnh thoảng bờ vai hai đứa chạm khẽ vào nhau. Đã nói mới là “bạn” thôi thì dễ gì có cái cớ hợp tình hợp lý nào đó để được nắm tay? Thú thật tôi còn mong, thèm nhiều hơn nữa, như ôm Huyền vào lòng và tất nhiên, được hôn nàng thì chắc còn hơn trúng số độc đắc nữa…

Huyền, trong thực tế là cô bạn gái lớn hơn tôi 2 tuổi, học cũng trên lớp, nhưng trong “kịch bản” của tôi, nàng đã mơ hồ hóa thành người yêu bé bỏng. Tôi thêu dệt, lý tưởng hóa kịch bản này đến nổi theo thực tế hôm đó, do gặp nhau đột ngột, cô gái có sửa soạn gì đâu mà chỉ mặc bộ đồ bộ bình thường ở nhà, gương mặt không trang điểm phấn son gì nhưng tôi vẫn thấy Huyền thật đẹp và quyến rũ.

Được ngồi sát bên Huyền, tôi đã hết sức sung sướng bởi hai lẽ, một là được gần gũi Huyền với mối cảm xúc ngất ngây hình-như-là-tình-yêu đang lên ngôi dù tôi chưa hề tỏ tình, hai là được thưởng thức cảnh tượng lãng mạn do chính mình tô vẽ từ trước giờ đã thành hiện thực.

Tôi kể Huyền nghe hiện tôi đang “tạm trú” ở một nơi khá đặc biệt, đó là trường con gái. Mỗi tổ nam sinh được đưa vào một lớp học để tự động ghép bàn làm chỗ ngủ, ba-lô túi xách cứ để bừa trên ghế, nhà vệ sinh chung thì ở cuối dãy… Cô bạn cười ha ha, trêu tôi là hãy biết mang ơn ban tổ chức trại, hãy ráng tìm trong các hộc bàn coi có cái kẹp tóc, gói muối ớt cùng miếng ổi xanh nào không, hay lãng mạn hơn thì một sợi tóc dài thiệt dài nào đó rồi ráng mà tưởng tượng đó là của một cô bé dân Đà Lạt thiệt xinh… Tôi trêu lại nàng, hỏi khẽ “Xinh như Huyền phải không? Có Huyền đây rồi thì mình còn phải đi tìm cô nào khác nữa?”. Cô bạn gái, hốt nhiên hóa thành nửa-bạn-nửa-người-yêu, thẹn thùng đỏ hồng đôi má hơn nữa và cúi mặt cười tủm tỉm, cũng để tránh cái nhìn ma đạo của tên bạn trai. Rồi hai đứa im lặng thật lâu. Có cảm xúc gì đó chợt thật ngọt ngào êm ái thấm sâu vào tâm tưởng…

Nhờ tôi có cẩn thận bảo trước với Huyền rằng cần tập trung về cái trường con gái ấy trước 11 giờ 30 nên dù hai đứa mê mãi thủ thỉ chuyện trò, cô bạn vẫn kịp nhắc tôi. Huyền đưa tôi xuống đến lề đường, hai đứa đều có vẻ bâng khuâng, bàng hoàng như vừa tỉnh một cơn mộng huyền ảo giữa ban ngày. Tôi âu yếm bắt tay Huyền, nàng để yên cho tôi xiết nhẹ bàn tay mình. Hình như tôi cố tìm thêm hơi ấm từ người con gái, nhưng khi nói lời từ biệt thì tôi lại không thể nói hẹn gặp lại lần nữa tại Đà Lạt này, bởi tôi chạnh nghĩ mình chỉ còn bốn ngày trại với chương trình đặc kín sáng chiều về các nơi thăm viếng…

4.

Một, hai năm sau, tình bạn của tôi và Huyền vẫn cứ thế, không tiến triển thành tình yêu. Huyền vẫn khoan hòa, tế nhị như có ý chờ đợi tôi, còn tôi vẫn thấy không ổn, vẫn ngại tỏ tình với người con gái lớn hơn hai tuổi và còn vào đời, trưởng thành sớm hơn mình nữa.

Nói chung, ngày đó tôi vẫn tiếp tục là một tên con trai nhát gái, vẫn hay mộng tưởng với loại tình yêu “duy tâm”, chỉ được cái là về viết thư tình, tôi có thêm kinh nghiệm để viết hay hơn – theo nghĩa lâm ly hơn, tạo ấn tượng hơn để con gái chịu bóc xem các lá thư kế tiếp…

Có lần tôi đem chuyện lên Đà Lạt gặp Huyển kể cho một thằng bạn học lớn hơn tôi cũng 2 tuổi, từng trải nhiều mối tình và thuộc hạng hơi Casanova Sở Khanh một chút. Nghe xong chuyện, hắn không thèm hỏi lại câu nào mà chỉ cười nhếch mép, phân tích chỉ dạy cho tôi hai khía cạnh hay và dở đối lập nhau của vấn đề. Một là, vào các dịp Noel thì bọn con trai luôn ước mơ có được có đủ những thứ quí giá, như có xe máy mới, được mời dự dạ vũ cùng tiệc réveillon và quí hơn hết là có đào xinh xắn, là bạn gái hay người yêu đều được, để cùng đi chơi Noel – điều này thì vào dịp Noel năm đó, cái hay của tôi là dù còn khờ, tôi vẫn may mắn có đào tuy phải mò lên đến tận xứ sở sương mù. Hai là, cái dở của tôi là lúc đó đúng là tôi khờ quá, còn con nít quá, không biết lợi dụng ngay hoàn cảnh chỉ có một mình cô gái ở nhà, chỉ biết rủ nhau ra ngồi bãi cõ, tựa vai nhau nói chuyện chay thì hiền quá!

Tất nhiên, có bị đàn anh về chuyện bồ bịch, yêu đương kia chê là “con nít”, “khờ” gì thì cũng ráng mà chịu nhưng tôi đã rây lọc, chỉ tiếp thu ý kiến nào nghe đứng đắn, lương thiện từ thằng bạn nổi tiếng là Casanova bạc tình kia.

Dù sao, tôi đã nhận ra là vào mùa Giáng sinh phiêu lãng trên Đà Lạt năm nào,  tâm hồn tôi đã thầm lặng mãn nguyện. Không biết có bị ảnh hưởng bởi tiểu thuyết, phim ảnh trữ tình nào đó không, cậu con trai 16 tuổi ấy đã tưởng tượng trước cái cảnh tượng vô cùng ngọt ngào là mình và cô bạn gái ngồi kề vai bên nhau, thủ thỉ chuyện trò trên đồi thông đầy lá rụng giữa sương mù Đà Lạt. Đây là hình ảnh hẹn hò tình yêu lãng mạn nhất mà cậu con trai mới lớn đã phóng rọi và thăng hoa cho một tình bạn thắm thiết với một thiếu nữ nết na, mà dù sau này không bay bổng thành tình yêu đi nữa thì cũng vẫn luôn là một tình bạn thật thuần khiết, trong sáng đến muôn đời…

 

PHẠM NGA

(Cận Giáng sinh 2017)