Lời Cuối Cho Một Bộ Trường Thiên

Nguyễn Mộng Giác

MuaBienDong

Phải chờ đến bảy năm bốn tháng, cuối cùng tôi mới viết được ba dòng chữ đơn giản sau đây vào trang bản thảo:

HẾT

Bắt đầu viết ngày 28 – 01 – 1982 tại đảo Kuku, Nam Dương.

Viết xong ngày 02 – 06 – 1989 tại Orange county, Hoa Kỳ.

Hồn tôi ngây ngây như người nhọc nhằn leo núi, lúc lên tới đỉnh chỉ thấy những khối đá tảng xù xì rêu phong, và nhìn trở xuống là một vực thẳm đầy mây. Viết xong bộ trường thiên Mùa Biển Động sau hơn bảy năm nhiều đổi thay nhất, tôi không biết mình đang buồn hay đang vui.

Tôi đang ngồi trên chiếc Toyota pick up đậu dưới một tàn cây cao ở công viên El Dorado thành phố Long Beach. Chính trên cái bàn viết di động tiện lợi này, dưới bóng cây công viên xanh mát này, tôi đã viết ba tập cuối cùng của bộ trường thiên. Khu công viên rộng rãi với những cây thông cao và những thảm cỏ xanh giúp tâm hồn tôi bình an để sống trọn với thế giới tiểu thuyết. Công viên thường vắng vẻ vào năm ngày thường trong tuần: bên này, chỗ tôi đậu xe ngồi viết Mùa Biển Động là khu bình dân dành cho những người già cả lái xe van ra đây nằm ngủ, những cặp tình nhân thiếu chỗ hẹn ra đây tình tự, những thanh niên thiếu nữ trẻ đầy sinh lực ra đây chạy bộ, chơi tennis, tập thể thao; bên kia hàng rào lưới là sân golf dành cho dân thượng Iưu. Khung cảnh ấy đã nhắc nhở cho tôi nhiều điều. Suốt ba năm nhìn thấy trước mắt bấy nhiêu cảnh vật quen thuộc, tôi khám phá ra rằng ngay những cảnh trí tưởng là đơn giản êm ả như khu công viên này cũng mang tính chất hàm hồ, phức tạp của đời sống. Cây cối bốn mùa thay đổi quanh tôi. Những cụ già đậu xe bên tôi bật cái tivi nhỏ đen trắng lên cho có hình và tiếng nói, rồi ngủ khì để bớt cảm thấy cô đơn. Những học sinh khỏe mạnh hiếu động tập thể thao trước tầm mắt tôi. Những cặp tình nhân khác màu da (thường chàng da đen và nàng da trắng tóc vàng) hôn hít đùa giỡn dưới một rặng thông xanh đằng xa, thì ngay trước mũi xe tôi, trên tấm xi măng Iề đường, ai đó dùng sơn xịt hàng chữ NIGGER GO…!

Tôi đã mỉm cười thích thú khi vô tình khám phá ra hàng chữ này. Có thể một cậu nhỏ da trắng nào đó không thích những nàng tóc vàng hôn hít trửng giỡn với những chàng da den tóc quăn, đã viết những dòng chữ kỳ thị này. Cậu ấn ngón tay trỏ vào nắp hộp sơn xịt thành chữ NIGGER, rồi chữ GO. Đến khi sắp xịt chữ HOME, cậu mới nhớ ra rằng nêu đuổi những người da đen đi, thì họ đi đâu? Quê hương của những người khác màu da với cậu – những người da đen – cũng là quê hương cậu. Nigger go home! Cậu muốn thế chứ gì? Xin hãy tìm cho ra quê hương rồi hãy hoàn tất lời ước! Một là cậu chấp nhận cái thực tại sống chung ở phía bên này, hãy thoải mái tự nhiên tập thể thao bên cạnh những chiếc xe van của các cụ già hồi hưu, bên cạnh cái ông da vàng trưa nào cũng đậu chiếc pick up ở góc cây rồi hì hục viết, bên cạnh những cặp tình nhân khác màu da, bên cạnh những kẻ vô gia cư cầm xiêng cầm túi đi nhặt lon nhôm và giấy báo, hai là cậu rán học để nhập vào giới trung lưu yuppie đang chơi golf bên kia.

Công viên lặng lẽ đơn sơ nhưng nhắc nhở cho tôi nhớ rằng những vấn đề của đời sống luôn luôn còn đó, không bao giờ giải quyết tron vẹn được: có cái ngăn nắp trật tự của những người chơi golf thì cũng có cái phù du bất trắc của dân vô gia cư, có những thanh niên khỏe mạnh thì phải có những cụ già chờ chết, có cái rành mạch hợp lý thì cũng có cái hàm hồ phi lý. Dưới những bóng cây xanh, trên thảm cỏ mầu sắc đổi theo mùa, mọi sự tồn tại với tất cả phức tạp và huyền nhiệm. Tôi đã rán hết sức để viết cho thật gần với cuộc sống phức tạp này, cuộc sống đầy đủ tốt xấu, bần tiện và cao thượng, hèn nhát và can đảm, yếu đuối và rắn rỏi, tuyệt vọng và hy vọng, đam mê và chán chường. Cái tham vọng ngây thơ của tôi ban đầu Ià làm sao ghi lại tâm tình của thế hệ tôi, thế hệ lớn lên đã bị cuốn vào chiến tranh, rồi cũng bị chiến tranh vùi dập chưa biết cho tới lúc nào. Khi nắn nót viết dòng chữ: “Bắt đầu viết ngày 28-01-1982 tại đảo Kuku, Nam Dương”, tôi hăm hở rộn rã như con chim sổ lồng cứ nghĩ đã ra khỏi tù ngục rồi thì làm cái gì cũng phải được, bầu trời nào cũng cao và hiền. Tôi quên mất khả năng của tôi có hạn, kinh nghiệm sống không nhiều, kiến thức chỉ là hạt cát trong biển học.

Nhớ lại những ngày hăm hở ban đầu, tôi bây giờ thấy thương cho tôi lúc đó. Trước mặt tôi là cuốn vở học trò tôi đã viết cuốn 1 “Những Đợt Sóng Ngầm” của bộ trường thiên.

Sau nhiều lần toan tính ra đi thất bại, đến lần thứ năm tôi mới rời khỏi quê hương. Ngày đó không bao giờ tôi quên: 29 – 11 – 1981. Khi chiếc ghe nhỏ đã ra tới ngoài khơi, nhìn vào bờ thấy ngọn hải đăng Vũng Tàu ngày càng xa, lòng tôi quặn thắt, có một phần thân thể và tâm hồn tôi đã chết. Tôi ngồi khóc lặng lẽ, quên cả nỗi sợ chết vì lúc đó sóng dữ, chiếc ghe khi bị đưa cao lên đầu ngọn sóng, khi bị đẩy chúi xuống lũng nước sâu. Sau năm ngày sáu đêm trôi trên mặt biển mênh mông, chúng tôi được tàu giàn khoan vớt và đưa vào đảo Kuku Nam Dương ngày 06 – 12 – 1981.

Đây là hòn đảo không người ở chính quyền Nam Dương dùng làm trạm đầu tiếp đón những người Việt vượt biển, trước khi chuyển họ tới trại tị nạn Galang giao cho Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Thường thường cứ cách độ hai tuần, chiếc tàu lớn Seasweep từ Galang qua Kuku chở người tị nạn về. Ghe chúng tôi đến đảo vào cuối năm, chiếc Seasweep phải nằm ụ để tu sửa thường niên trong khi thủy thủ đoàn về quê ăn Tết Tây, nên chúng tôi phải ở Kuku hơn hai tháng.

Hai tháng nằm chờ trên hòn đảo cô quạnh và thơ mộng đó, là thời kỳ sáng tác hào hứng và sung sức nhất của đời tôi. Chưa bao giờ tôi viết hăng say như thời gian này. Từ 06 – 12 – 1981 đến 08 – 02 – 1982 ngày rời đảo qua Galang, tôi đã viết được mười sáu truyện ngắn (sau này xuất bản thành tập Ngựa Nản Chân Bon và một phần của tập Xuôi Dòng) và tập 1 của bộ Mùa Biển Động. Sau bảy năm sống tù túng gò bó không thể viết lên giấy những điều mình nghĩ, tôi say sưa ghi lại những đau thương dồn nén lâu ngày thành truyện. Lúc đó tôi không biết gì về sinh hoạt chữ nghĩa ở hải ngoại. Chúng tôi không được phép viết thư và nhận thư, trên đảo cũng không có sách báo gì, ai nhặt được một mảnh báo Straight Times của Singapore thủy thủ đoàn dùng gói đồ vứt lại, là cả đảo xúm lại đọc. Tôi không hề hy vọng những truyện tôi viết sẽ được in ra, phổ biến tới bạn đọc. Tôi viết cho tôi, viết để giải tỏa những uẩn ức như muốn giải quyết cho xong một mối nợ cũ dể chuẩn bị gánh những món nợ mới. Điều thích thú bất ngờ là tự nhiên tôi trở thành người giúp vui cho cả đảo. Gần hai trăm người sống thấp thỏm chở tàu không có gì đọc, thèm chữ viết, cho nên truyện tôi viết xong là có người mượn đọc liền, đọc xong chuyền hết lán này sang lều khác. Có thể vì vậy mà tôi càng hăng viết. Trại luôn luôn chật chội ồn ào, tôi tìm gỗ lên chỗ dốc rừng đóng một cái bàn, từ sáng tới tối ngồi bên nén nhang trừ muỗi vui buồn với các nhân vật truyện. Để có giấy, tôi phải nhín bớt gạo do Cao Ủy cấp đem đổi những cuốn vở học trò ở cái quán tạp hóa người Nam Dương lập trên đảo. Có lần giấy còn nhưng cây viết Bic đã hết mực, tôi đã làm một điều không lương thiện: tôi giả vờ xem chọn những cây viết Bic ở quán, rồi lén tráo cây viết đã hết mực đổi cây viết mới.

Tôi dài dòng kể lể để bạn đọc thấy tâm trạng hăm hở của tôi lúc bắt đầu viết bộ trường thiên này. Tôi tham lam và ngây thơ đến độ quên tự lường khả năng mình, liều lĩnh làm chuyện đội đá vá trời. Ngày 28-01-1982 tôi khởi viết cuốn 1 Những Đợt Sóng Ngầm. Ngày 07 – 02 1982, trước hôm lên tàu Seasweep qua Galang, tôi viết xong hai trăm trang bản thảo. Mười ngày xong một tập truyện. Tôi hí hửng nghĩ cứ theo cái đà này, chừng một năm là tôi hoàn tất bộ trường thiên. Tôi tự đặt thời gian hoàn tất hơi lâu vì đã bắt đầu thấy khó khăn của việc viết một bộ trường thiên có nhiều tính thời sự.

Trước khi viết, theo kinh nghiệm bốn năm tôi viết bộ trường thiên Sông Côn Mùa Lũ về cuộc đời Vua Quang Trung, tôi cũng lập một bảng phổ hệ và lý lịch chi tiết của từng nhân vật chính. Tôi muốn qua cuộc đời thăng trầm của ba gia đình phản ảnh giai đoạn có nhiều thăng trầm bể dâu nhất của người miền Nam, từ lúc chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ cho đến ngày tôi vượt biên. Tôi biết viết về một giai đoạn dài gần hai mươi năm thì phải “quán xuyến” lo lắng cho nhỉều nhân vật, nếu không làm kỹ bản lý lịch thì không tránh được chuyện đầu sách nhân vật đó da trắng như tuyết, cuối sách da lại ngăm ngăm đen, trang trước nốt ruồi mọc ở cằm, vài trang sau nó tự tiện đổi chỗ lên nằm ở trán. Cách tốt nhất để tránh những “tai nạn nghề nghiệp” đó, là lấy hình dáng những người mình quen biết làm mẫu. Tôi chỉ lấy hình dáng và một vài chi tiết của đời họ làm mẫu cho dễ viết mà thôi, chứ nếu đem cuộc đời thực của họ so với cuộc dời nhân vật truyện, thì khác nhau xa lắm. Chẳng hạn nhiều người vẫn nghĩ nhân vật Tường của Mùa Biển Động là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Quả tình tôi có lấy một vài hoạt động của Hoàng Phủ Ngọc Tường thời kỳ tranh đấu Phật giáo hoặc một vài chi tiết khác của cuộc đời anh mà cho vào truyện, nhưng nhân vật Tường của Mùa Biển Động không liên quan gì tới nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường hiện ở Huế. Những nhân vật khác cũng vậy. Đôi lúc tôi mượn tạm cái mũi của cô bạn gái này, ghép với đôi môi của một người bạn gái khác để sửa sang sắc đẹp cho một nhân vật nữ. Gặp lúc phải tìm tên cho một nhân vật ngoại quốc, tôi “phóng tay” thoải mái hơn. Khi cần tìm tên cho chàng sinh viên thiện chí sau này trở thành chồng của Quỳnh Như, tôi lấy ngay tên ông chủ nhà mỗi tháng tôi phải ký chỉ phiếu trả tiền thuê. Tên một nhà báo, tôi đặt ngay Newsman cho tiện. Trong cuốn ba, thuật lại trận Tết Mậu Thân cần quá nhiều tên cho quân nhân Mỹ, tôi phải lật niên giám điện thoại ra lựa ẩu vài cái tên cho nó xong đi. Dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ, các nhân vật ấy đáng yêu hay đáng ghét, họ đều là sản phẩm tưởng tượng của tôi. Tôi phải nhắc đi nhắc lại điều này, vì biết vô tình tôi đã làm buồn lòng rất nhiều người. Để gắng làm sao cho truyện có vẻ như thực, tôi không thể viết “ở tỉnh X…, vào ngày Y…, chuyện thế này thế này đã xảy ra”. Tôi phải tạm xác định rõ thời gian, không gian và sự kiện. Hậu quả: những người đúng vào lúc đó, ở đó, làm chức vụ đó… cảm thấy bị tôi xúc phạm danh dự. Tôi đã gặp những than phiền hoặc chỉ trích do điều này. Cho nên nếu sau khi hoàn tất bộ truyện tôi không long trọng xác nhận những nhân vật tôi nói tới đều là giả tưởng, thì trước hết tôi đã thiếu sòng phẳng đối với những bạn bè tôi quen, sau đó tôi đã xúc phạm tới danh dự nhiều người. Vài mươi năm nữa, khi những vết thương cũ đã hoàn toàn liền da, khi vinh nhục họa phúc của mấy mươi năm chỉ còn nhẹ như cơn gió thoảng, có lẽ lúc đó nhiều bạn đọc sẽ đọc Mùa Biển Động một cách thoải mái hơn. Tôi đã vô tình khơi lại một số kỷ niệm buồn nhiều người muốn quên đi. Lúc khởi viết, tôi đã quên mất điều này.

Do hăm hở tôi cũng đã quên mất một điều quan trọng khác: là cái khó khăn khi viết về những người tầm thường. Từ 1977 đến 1981 viết bộ trường thiên Sông Côn Mùa Lũ về cuộc đời Nguyễn Huệ, tôi không gặp cái khó đó. Cuộc đời người anh hùng áo vải Tây Sơn vốn đã đầy những kỳ tích, viết về ông tôi lại có cái kiêu hãnh rất trẻ con là nơi chốn quê hương tôi cũng là quê hương Nguyễn Huệ, hai làng chỉ cách nhau một dòng sông thì hương thơm của hai trăm năm trước tôi còn được chút hơi hướm. Nắm chéo áo bào của bậc anh hùng mà viết, tôi yên tâm. Nhưng viết về những con người tầm thường như chính tôi, viết làm sao đây? Cuộc đời họ, cuộc đời tôi, cuộc đời thân nhân bạn bè tôi, không hề có những kỳ tích đáng ghi vào lịch sử. Họ không hề làm nên lịch sử. Họ chịu đựng lịch sử. Đôi lúc họ cũng có tỏ ra chân thành, cao thượng, có tinh thần trách nhiệm, biết phân biệt tốt xấu, nhưng nhiều khi họ thụ động, yếu đuối, để cho hoàn cảnh đẩy đưa. Họ là đám đông góp phần lớn vào các chuyển biển của lịch sử, nhưng họ chưa đáng được nhắc tới, dù là một dòng, trong những cuốn sách sử. Tôi cũng thuộc vào cái đám đông tội nghiệp đó. Tôi cảm thấy “bị lịch sử bỏ quên”. Trong hăm hở ngây thơ, tôi nghĩ mình cần phải viết một cuốn sách thật dày về tâm tình của họ, những niềm vui nỗi buồn nhỏ nhoi của họ, những yếu đuối lẫn lẫm liệt của họ. Các sử gia chỉ chú tâm đến bậc anh hùng hoặc kẻ có quyền thế thì tôi phải chú tâm tới đám đa số thiếu tiếng nói. Tôi quên mất là lúc nào cũng có những người thiện chí muốn mỗi chữ viết là một viên đạn, mỗi câu văn là một trận xung phong. Đọc cả một bộ trường thiên, gấp sách lại rồi thở dài, thì ích lợi gì? Vâng, quả thật là vô ích, nếu tiếng khóc trên đời không còn.

***

Qua Galang, tôi mới biết truyện mình viết có thể phổ biến dễ dàng vì báo chí ở hải ngoại đang phát triển mạnh. Các truyện ngắn tôi viết ở Kuku lần lượt được đăng trên bán nguyệt san Tự Do, tờ báo in ronéo của trại tị nạn, do linh mục Domonici làm chủ nhiệm. Suốt mười một tháng ở trại Galang bận lo làm báo tôi viết ít lại, bản thảo cuốn 1 Mùa Biển Động vẫn nằm yên đó, không thêm được chữ nào. Qua định cư ở Hoa Kỳ, nghề chuyên môn không có, trình độ Anh ngữ kém, cuộc sống đưa đẩy tôi vào nghiệp báo bổ thêm bốn năm nữa. Làm báo biếu ở hải ngoại là một nghề nhọc nhằn vì phải ôm đồm đủ loại công việc, mỗi buổi sáng dở tờ nhật báo Mỹ dày cộm ra đọc là phải lo tìm xem bức ảnh nào còn tốt để cắt dán vào báo mình, tin tức thì ngoài tin ông tổng thống này ra lệnh gửi quân đi đâu còn phải tìm cả những mục “Thì thầm bên gối”, “Nghệ thuật ái ân” để cho vào phụ trang phụ nữ gia đình. Bộ truyện trường thiên cứ nằm yên đó suốt hai năm. Cắm đầu cắm cổ viết bài dịch bài mà trám không hết những trang báo bị rút quảng cáo, tôi phải đem cuốn 1 bộ trường thiên ra in từng kỳ để trám chỗ. In đã hết, vẫn không có hăng hái để viết phần tiếp cho cuốn 2. Bèn nghĩ là thôi cứ in thành sách đi, biết đâu sách in ra, chữ gọi chữ, có hứng lại viết cuốn 2 nhan đề dự định là Bão Nổi.

Cuốn 1 Những Đợt Sóng Ngầm in xong đầu năm 1984, phát hành đã lâu mà tôi có cảm tưởng tác phẩm đã rơi vào hư không. Tôi tự biết cuốn đầu vì chỉ mới là dàn chuyện, giới thiệu các nhân vật chính, sơ lược nêu ra một số vấn đề sẽ khai triển trong các cuốn sau, nên chắc chắn sẽ không có sức lôi cuốn nhiều. Để tự an ủi, tôi thường nghĩ đến năm mươi trang đầu của cuốn Bác Sĩ Zivago, năm mươi trang rời rạc, lê thê, ai không kiên nhẫn thì bỏ cuộc, nhưng nếu đọc quá năm mươi trang đó thì bị cuốn hút vào một không khí vừa thơ mộng vừa bi thảm không ngưng lại được. Dù sao, nhờ cuốn 1 ra đời nên tôi cũng có hứng bắt đầu viết cuốn 2.

Đột nhiên, một năm sau khi cuốn 1 Những Đợt Sóng Ngầm được phát hành, nhiều tờ báo đem cuốn sách ra chỉ trích, chửi bới. Ngay tại nơi tôi ở, một tờ tuần báo mở chiến dịch công kích tác phẩm và tác giả suốt nhiều tháng liền, vị họa sĩ tổng thư ký còn vẽ tranh biếm họa nhiều kỳ in ngay trang bìa. Một dịch giả lão thành viết hai bài chỉ trích tác phẩm. Một ông mục sư tiến sĩ thông thạo cả Anh ngữ lẫn Pháp ngữ (sau này có viết một thiên khảo cứu công – phu – đặc – sắc về Vũ Trọng Phụng) không biết sưu khảo tài liệu ở đâu, còn viết bài tố cáo tôi có hành động sàm sỡ với một cô tên T. ở trại tị nạn. Một tờ báo khác phổ biến rộng rãi cũng đem tác phẩm lên bàn mổ đều đều suốt hai năm. Thú thực, ban đầu tôi ngẩn ngơ không hiểu. Tôi tự hỏi có lẽ đầu óc mình lú lẫn chăng? Tại sao mình trơ trẽn làm điều sàm sỡ với phụ nữ ở Galang mà mình không nhớ? Tôi đi hỏi các bạn từng ở Galang vớí tôi thời gian đó, họ cũng không nhớ. Cô T. là cô nào? Hay cô đó là vợ ông mục sư, cô bị làm nhục nhưng trong cơn giận nhìn gà hóa cuốc? Tôi còn ngơ ngẩn nhiều hơn khi biết nhiều vị như dịch giả lão thành nọ viết bài chỉ trích tác phẩm của tôi nhưng cũng thành thật thú nhận trên bài báo rằng ông chưa có thì giờ đọc tôi viết gì, chỉ đọc mấy trang người nhờ cụ viết bài Xerox cho thôi. Cả vị họa sĩ về sau tôi gặp tặng sách cũng bảo anh chưa có thì giờ đọc. Thế là thế nào? Bộ môn phê bình văn học ở hải ngoại đã tiến đến mức viết phê bình mà không cần đọc tác phẩm?

Sau một thời gian ngẩn ngơ kinh ngạc, tôi bình tĩnh lại, tìm hiểu thì mới thấy mình đã vô tình đụng chạm tới một số vết thương chưa lành. Những người chịu nhiều ân huệ của chế độ Ngô Đình Diệm mới dọc hết cuốn 1 tưởng tôi viết bộ trường thiên này nhằm bôi xấu thần tượng của họ. Một số quân nhân đọc đoạn tôi mô tả Lãng cảm thấy danh dự binh chủng bị xúc phạm. Tôi không trả lời họ, Vì biết trả lời thế nào! Tôi quan niệm không có con người nào hoàn hảo, ai cũng vừa tốt vừa xấu, vừa thiện vừa ác, nhân vật tiểu thuyết thì có lúc hoang đàng có lúc đứng đắn, có lúc hèn yếu có lúc can đảm mới giống với con người bất toàn đa diện ngoài đời. Lỗi chính là do tôi, vì đáng lý tôi phải viết xong cả bộ trường thiên mới xuất bản một lần để tránh ngộ nhận. Làm sao tôi thực hiện điều đó được? Tiền bạc đâu? Thì giờ đâu?

Nhưng cái rủi lại mang theo cái may. Tập truyện mỏng không đầy hai trăm trang – kết quả của mười ngày hăm hở – trở thành đề tài thời sự. Tôi thích thú nhận ra rằng không có phương cách quảng cáo nào hữu hiệu cho bằng đem món hàng đó ra chửi bới. Nhiều người không hề sờ tới quyển sách tò mò tìm mua Những Đợt Sóng Ngầm, so sánh các bài báo chửi bới với nội dung sách, từ đó trở thành độc giả trung thành của tôi. Được khích lệ (dù là thứ khích lệ bất đắc dĩ), tôi hăng hái, tự tin cho in cuốn 2 Bão Nổi năm 1985, cuốn 3 Mùa Biển Động năm 1986. Năm 1987 tôi không làm báo thuê để mưu sinh nữa, lo âu cho đời sống bấp bênh, bỡ ngỡ vì công việc học nghề mới nên lỗi hẹn với bạn đọc, phải chờ đến mùa hè năm 1988 mới viết và in cuốn 4 Bèo Giạt. Ở trang cuối mỗi cuốn trong bộ Mùa Biển Động tôi đều hẹn với độc giả thời gian sẽ in cuốn kế, như một cách đặt cho mình một mục tiêu phải đạt cho được. Cuốn 5 Tha Hương phát hành mùa hè 1989 đúng hẹn như tôi đã hứa năm trước. Nhìn lại 1800 trang bản thảo của hơn bảy năm dài, tôi không ngờ mình Iiều lĩnh đến như vậy!

***

Phải, quả thật tôi đã quá liều lĩnh. Bản tính tôi nhút nhát, vụng về trước đám đông, không dễ tạo cảm tình nơi người khác lúc sơ giao. Những người có sẵn thiện cảm với tôi như nhà văn Võ Phiến thì rộng lượng cho rằng tôi “cẩn trọng từ tốn, không dàn trải mình ra bên ngoài, không bộc lộ náo nhiệt, cuộc sống thu lắng cả vào bên trong”. Những người có thành kiến xấu chắc chắn sẽ nghĩ tôi lãnh đạm, khó khăn. Bản tính vui buồn, nhanh chậm thuộc về bẩm sinh, tôi không can thiệp vào được. Tôi chịu nhiều thua thiệt do bản tính đó, nhưng đôi lúc nhờ ít nói cũng tránh được những lầm lẫn ngông cuồng. Càng ít nói càng đỡ lỡ lời. Thế mà tôi lại dại dột liều lĩnh viết mấy nghìn trang sách đề cập tới rất nhiều hạng người, khơi lại hàng triệu vết thương đớn đau, nhắc lại nhiều kỷ niệm nhiều người muốn chôn cho sâu vào dĩ vãng. Muốn yên tĩnh khuất lấp mà tôi lại gây chuyện náo nhiệt. Anh em quân nhân binh chủng Dù đã phản ứng. Những người say mê cố tổng thống Diệm đã phản ứng. Biết đâu từ đây về sau còn có những người thuộc nhiều giới khác phản ứng: những cụ giáo nhăn mày chê cô Nam con nhà gia giáo mà lại trao thân cho người yêu ở chỗ trống trải, những nhà hoạt động chính trị giận dữ vì tôi không đưa ra một mẫu người hùng, những người nhiệt tín hiếu động trách tôi tại sao không bậm môi trợn mắt hét to mà chỉ cau mày, những “người trong cuộc” chê tôi xuyên tạc sự thật, vân vân… và vân vân… Sẽ có những phản ứng giải thích được, nhưng cũng có những phản ứng khó hiểu. Tác phẩm ra đời như những hạt bụi theo gió bay đi khắp phương, tôi làm sao tiên liệu được trường hợp những người mang bệnh dị ứng. Tôi biết có những trường hợp dị ứng rất lạ lùng: có người sợ soi gương, có người không chịu được mùi phấn hoa. Tôi có người bạn có thể ăn được thứ rau có mùi tanh như rau giấp cá, nhưng lại không chịu được mùi chuối.

Vì liều lĩnh không tự lượng sức mình nên càng viết tôi càng sợ, như một người mù liều lĩnh lái xe trên xa lộ. Kinh nghiệm sống của tôi hạn hẹp, tôi phải cầu viện đến sách vở hoặc kinh nghiệm sống của những bạn bè thân quen. Chắc bạn đọc đã nhận ra, mỗi lần viết tới chiến tranh là ngòi bút tôi trở nên ngập ngừng, lúng túng. Tôi thiếu những kiến thức và kinh nghiệm cụ thể về quân sự. Vì vậy khi viết cuốn 3 Mùa Biển Động, tôi đã phải dựa rất nhiều vào cuốn “Battle for Huế Tết 1968” của Keith William Nolan cùng tài liệu quân sử Việt Nam Cộng Hòa. Đọc sách sử để viết sử khác với đọc sử để viết tiểu thuyết. Điều tôi cần không phải chỉ là các sự kiện, diễn tiến của lịch sử, mà quan trọng hơn cho tiểu thuyết là các chi tiết của đời sống con người lúc đó, cái không khí tâm tình lúc đó. Những chi tiết tầm thường bị sử gia vứt đi nhiều lúc lại cần cho tôi. Những cuốn tổng luận tràng giang về lịch sử đôi khi không quý bằng vài trang nhật ký hay một cuốn hồi ký của người trong cuộc.

Tôi đã mừng rỡ biết chừng nào khi đọc được thiên hồi ký “Tháng Ba Gãy Súng” của Cao Xuân Huy khi anh cho đăng từng kỳ trên tờ Đồng Nai, cũng như đọc đoạn hồi ký về cuộc rút lui bi thảm trên Liên tỉnh lộ 7 của Hoàng Khởi Phong in trong “Ngửng Mặt Nhìn Trăng Sáng”. Nội dung hai tập hồi ký ấy đúng là điều tôi muốn tìm mà tìm không thấy trong các cuốn sách sử. Tôi đã được hai nhà văn quân nhân này giúp đỡ tận tình suốt thời gian viết Mùa Biển Động. Những chi tiết về vũ khí, hành quân, tâm tình, đời sống quân nhân… tôi đều nhờ hai anh chỉ dẫn. Đọc “Tháng Ba Gãy Súng”, tôi đã phải cho nhân vật Lãng đổi binh chủng từ Dù qua Thuỷ Quân Lục Chiến, để đến tập 5 Tha Hương, có thể qua nhân vật này tôi sử dụng được các kinh nghiệm quý giá của nhà văn Cao Xuân Huy. Cũng như sau khi đọc đoạn hồi ký của nhà thơ Hoàng Khởi Phong (sau này anh viết thêm thành cuốn Ngày N+… vừa xuất bản), tôi đã cho nhân vật Ngữ đổi nhiệm sở từ Qui Nhơn lên Phú Bổn, để đến đoạn chót, Ngữ được ở bên ông đại úy Quân Cảnh chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc rút lui hỗn loạn mở màn sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Có thể nói rằng Cao Xuân Huy và Hoàng Khởi Phong là đồng tác giả với tôi trong hai đoạn viết về cuộc rút lui trên Liên tỉnh lộ 7 và cuộc tan hàng ở Thừa Thiên năm 1975. Không có hai nhà văn quân đội này, chắc chắn tôi còn phạm nhiều sơ sót hơn khi viết về chiến tranh, về quân đội.

Nói như vậy không có nghĩa là ở những phần khác tôi không sơ sót. Đọc lại toàn bộ Mùa Biển Động, nhiều lúc tôi đỏ mặt vì những lầm lẫn sơ sót của mình. Nói đâu xa. Ngay chương đầu, tuy trong phiếu lý lịch tôi đã ghi năm sinh của Tường là 1939 để theo đó mà tính tuổi viết cho đúng các diễn tiến nghề nghiệp và tâm tình, thế mà tôi lại cho ông bà Thanh Tuyến bố mẹ của Tường quen nhau lấy nhau hồi tản cư vào vùng kháng chiến. Bộ truyện có vô số những chi tiết không đúng mà bạn hữu đã chỉ dẫn giùm: như cách ăn mặc của các cô các bà không đúng kiểu, loại phi cơ phản lực Boeing 737 không thể bay đường xa, hồi 1971 lúc Dale về Berkeley thăm nhà chưa có loại xe Ford Bronco (đúng ra là loại Ford Scout), mà hệ thống xe điện ngầm BART cũng chưa có. Nhiều tên người tên đất in sai (như tên đại tá Đàm Quang Yêu, tên nhà văn Robbe Grillet, tên phim Les Dimanches de ville d’Avray), chưa kể không biết cơ man nào những lỗi chính tả. Tôi không biết làm gì hơn là xin lỗi bạn đọc và long trọng hứa trong lần tái bản toàn bộ tập trường thiên, tôi sẽ sửa lại các sai sót ấy. Xin thông cảm cho tôi: từ bảy năm nay tôi vừa viết, vừa lo đánh máy vừa tự bỏ tiền in lấy bộ truyện dài này, trong khi vẫn phải dành thì giờ cho việc kiếm sống, sức người có hạn, sai sót không thể tránh. Xin bạn đọc hiểu cho rằng đây là tim óc tôi, là mồ hôi của tôi, là máu của tôi. Viết ra được là nhọc nhằn, mà tự lo in ra cả bộ trường thiên dài trên 1.800 trang để gửi tới bạn đọc cũng nhọc nhằn. Xin rộng lượng cho những sai sót ngoài ý tôi muốn.

Tôi chờ đợi cái giây phút được viết câu:

“Viết xong ngày 02 – 06 – 1989 tại Orange County Hoa Kỳ”

đã bao năm nay, cứ lo không bao giờ viết được câu đó. Bây giờ, dưới bóng cây xanh của công viên vắng vẻ này, tôi đã viết được câu đó. Viết xong, tôi cảm thấy gì? Không vui, không buồn. Chưa dứt được lo âu. Tôi tạo ra những đứa con, có đứa may mắn, nhiều đứa rủi ro. Tôi vui buồn với đàn con yêu suốt bảy năm qua. Nhưng phải tới lúc tôi dừng lại theo cái chết của nhân vật chính. Cỏ trên mộ Ngữ chắc cũng đã xanh như cỏ công viên này. Ngữ đã yên phận. Nhưng còn những nhân vật khác, còn thế hệ tiếp nối theo cái thế hệ thất bại của lớp tuổi tôi? Hai đứa con của Ngữ, một đứa ở hải ngoại và một đứa ở trong nước, tương lai chúng ra sao? Rồi bạn bè thân nhân của Ngữ, đời họ sẽ về đâu?

Tôi tự hỏi: liệu mình còn liều lĩnh dám viết một bộ trường thiên khác cho một cuộc hành trình khác hay không?

Một chiếc lá vàng rơi trên trang giấy tôi đang viết!

NGUYỄN MỘNG GIÁC

(Công viên El Dorado, Long Beach, California 02-06-1989)

12 thoughts on “Lời Cuối Cho Một Bộ Trường Thiên

  1. Viết! Viết! Ta viết cả đời!-Chỉ mong lời cuối cho tôi được tròn.-Một dấu chấm hết thật son-”Trường thiên một bộ” trong lòng người xem.

  2. đinh tấn khương nói:

    Nhờ bài viết của Thầy Giác mà Tương Tri đã được một trang mạng lớn biết tới và giới thiệu đường link

    http://anhbasam04.wordpress.com/2013/05/10/tin-thu-sau-10-5-2013/

    VĂN HÓA-THỂ THAO

    – Nguyễn Mộng Giác: Lời Cuối Cho Một Bộ Trường Thiên (Tương Tri).

  3. Đọc những hàng chữ thân thương… ngỡ như Thầy vẫn còn đâu đây với nụ cười hiền hòa!!!

  4. Một nhà văn chân chính phải yêu quý ,trân trọng,và có trách nhiệm với từng chữ mình đã viết…như thế mới tỏ rõ cái nhân cách đáng quý của một nhà văn, mới xứng đáng để độc giả yêu quý và trân trọng.

  5. Thanh Doan nói:

    Một tấm gương lớn về trách nhiệm của người cầm bút, một nhân cách lớn cần noi gương.

  6. Doan Thanh nói:

    Thầy Giác là người có nhân cách lớn!

  7. Quỳnh nói:

    絕句
    二句三年得,
    一吟雙淚流。
    知音如不賞,
    歸臥故山秋。

    TUYỆT CÚ ( GIẢ ĐẢO)
    Nhị cú tam niên đắc,
    Nhất ngâm song lệ lưu.
    Tri âm như bất thưởng,
    Quy ngoạ cố sơn thu.

    TUYỆT CÚ (TRẦN TRỌNG SAN dịch)
    Hai câu làm mất ba năm,
    Một ngâm, lã chã hai hàng lệ rơi.
    Tri âm nếu chẳng đoái hoài,
    Trở về núi cũ, nằm dài với thu.

    DỊCH NGHĨA
    Ba năm mới làm được hai câu
    Ngâm lên một tiếng, hai dòng lệ rơi không cầm được.
    Người tri âm nếu không cùng hưởng
    Mùa thu sang ta về núi cũ nằm.

  8. Nguyên Vi nói:

    Những tâm tình đầy xúc cảm của một người viết văn, ông thật tôn trọng bạn đọc của mình…Trân trọng!

Comment