gieo xuống tháp chuông hồng

 

nắng gieo xuống tháp chuông hồng
ai gieo em xuống thung buồn gọi tôi
môi cười gieo xuống cuộc chơi
tôi gieo tôi xuống tay người mà reo
gọi nhau qua suối qua đèo
con hoàng dương đã mang theo lời rừng
câu đùa chững lại rưng rưng
thì ra gió vẫn chưa từng qua đây
sớm mai chúa nhật hao gầy
góc nhà thờ mọc một cây bồ đề.

trần thiên thị

Advertisement

nói thầm với bậu thôi nghe…

thương nhau chẳng thể cắn nhau
trời xanh xa biết chốn nào mà thương
bay đi nào gió ngàn phương
nghe từng ni tấc am tường cơn đau
này em giữ lại về sau
phía hai con mắt gởi sầu vào mây
này em giữ lại bàn tay
ngày uyên ương vạch mây bay tìm về
nói thầm với bậu thôi nghe
cắn vào đâu để cơn mê không tàn
trần thiên thị

CÙNG “GÃ BÙ NHÌN” TRẦN THIÊN THỊ “ĐI TÌM THÂN THÍCH”

Thật lòng, người viết chưa biết gì về tác giả tập thơ cho đến trước khi nhận tuyển thơ đầy đặn “Bản thảo thơ Trần Thiên Thị”. Đọc và ngạc nhiên sao trước đây chưa từng biết đến “bản thảo” này ?! Người viết bắt gặp ở đây một lối tỏ bày giàu tính đối thoại, mở rộng trường liên tưởng và khéo léo dẫn người đọc chạm đến mạch ngầm văn bản. Tác giả chẳng cần cố công gọt bàn chân khoáng đạt của ngôn ngữ, hình ảnh cho vừa chiếc hài thi pháp hay cấu trúc ngữ pháp, thậm chí ngạo mạn cả với những vụn vặt chính tả như cái khoát tay cho qua. Nhưng độc giả thì chẳng nên xuề xòa như thế, mà hãy ôm bản thảo trĩu nặng suy tư bằng hai tay để mắt rơi vào từng trang sách cẩn thận, vì lẽ hợp tuyển gồm các tập thơ kết lại: 1. Đi gõ cửa tình; 2. Biên tập nụ cười; 3. Như cỏ đã từng xanh; 4. Nơi đám mây đã chết; 5. Lục bát già và nàng thơ trẻ; 6. Anh hàng xén và chị đồng nát.
Và nâng sách bằng đôi tay, tôi đọc trang đầu tiên của bản thảo trong một đêm rằm. Lại ngẫu nhiên chạm mắt vào đúng vầng trăng sáng lung linh giữa những câu thơ:
“Con trăng bạc cứ rằm lại đến
Em nói rằng thương
Mà như gió giữa trời”
Ừ thì lời nói gió bay ! Ừ thì, trăng thanh gió mát hợp cảnh hò hẹn! Chứ thi nhân thừa hiểu chẳng nên mong đợi gì ở lời thương. Cơn cớ chi mà đòi phẫu thuật thẩm mĩ cái cần cổ ?. Vì lẽ dài cổ trông đợi hay rát họng “mà gọi: người ơi” ? Hồ Dzếnh đã từng nhắn nhủ người nữ đấy thôi “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Thì cứ kiên trì chờ cho đến khi cần cổ ủ rũ như tàu lá héo thì hãy tìm nơi “Giải phẫu cái cần cổ” cho vừa lòng nhau:
“Ai chỉ dùm cho chỗ giải phẫu thẩm mỹ
Cần phải đi sửa lại cái cổ
Chờ nhau đã cạn tháng giêng rồi”
Thơ Trần Thiên Thị hiếm khi giản đơn, một chiều theo kiểu dắt tay độc giả. Nhà thơ không định co kéo trì níu người đọc nhưng biên độ tứ thơ giãn nở không cùng. Có khi lời thơ đã khép nhưng hồn thơ vẫn mở. Có khi ý thơ miên man dẫn người đọc đi khắp nẻo đường. Vừa mới thấy dáng em ở chợ mai – chợ chiều “Chợ mai bán một mặt trời/ con gà ngửa cổ bán lời o…o/ có em bán một hẹn hò/ và tôi bán cái ngây ngô của mình”, lại thoáng thấy bóng người ở Duy Sơn (Chiều Duy Sơn), vượt đèo Giàng đèo Gió ở Cao Bằng rồi xuôi đèo Ba Dội (Qua đèo Ba Dội mà yêu) … Thoắt cái đã thấy “đưa người về với Hội An”. Như một lãng tử cuồng hành túng chân, nợ nần những chuyến lên đường từ tiền kiếp, hình ảnh bàn chân gợi nhắc hành trình lên rừng xuống biển, du lãng đến thôn cùng xóm vắng cứ bày ra đều đặn trong cả mấy phần thi phẩm:
“Bàn chân nằm nhớ con đường
Tóc tai nằm nhớ gió sương cận kề”
(Lục bát chưa đặt tựa)
Ngỡ ngàng không chỉ vì cách gieo chữ hiệp vần hồn nhiên, người đọc còn bắt gặp điều giản đơn thần tình trong thi ảnh này đây: “Đường xa mấy suối mấy sông/ Đôi giày nằm ngó bàn chân mà buồn”. Chắc nhà thơ buồn chân muốn đi, chớ e chẳng buồn lòng. Còn người đọc đến đây hẳn hơi ngả đầu ra sau cho đỡ mỏi cổ (cần chi phải “sửa lại cái cổ” cho mệt !) và tủm tủm cười với hình ảnh đôi giày ngao ngán nhìn bàn chân quen nết rủ rê nhau. Ý tưởng xê dịch như là ẩn ức bẩm sinh, mời gọi tác giả lên đường. Không đi thì cùn chân đến nóng lòng bỏng dạ. Không đi không đành. Đến nỗi phải “chạm vào lòng bàn chân/ để người nhớ lối mà về”.
Vẫy tay mà biệt với rừng
Hai bàn chân nhớ đã từng qua đây
Thơ Trần Thiên Thị có những bài, những câu gai góc ngang tàng nhưng đây đó, người đọc vẫn lượm được đôi câu thủ thỉ ngọt ngào như mật nằm lẫn giữa thơm thảo lối hoa hay lấp lánh trên đường trăng: “Xin cúi xuống tạ ơn đôi hài nhỏ/ Như trăng vàng về thắp buổi buồn ta/ như lòng gần/ ngắn lại những đường xa/ (….) / Gót sen hồng/ đánh động những đường hoa ” (Mùng sáu thật trăng). Thật ra, vầng trăng xẻ đôi trong Truyện Kiều hay trăn trở chia ly đôi ngã trong ca dao đã quá đau xót :
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trần ai rẽ ngược xuôi hỡi chàng”
Vậy mà thi nhân đòi cắn vỡ trăng (Tôi giật mình/ Tưởng đã cắn vỡ vầng trăng). Xẻ, chí ít trăng chỉ chia đôi mà vẫn còn nguyên mảnh. Trăng bị cắn vỡ bao nhiêu mảnh, thi nhân cũng nát lòng bấy nhiêu ! Can cớ chi mà vọng động, rồi mộng mị một vầng trăng lên ngôi viên mãn:
Dỗ dành tôi
“Vầng trăng vẫn còn nguyên vẹn
Một vầng trăng đầu mùa hò hẹn
Đang sáng dần thắp lại những đêm anh”
Say trăng hay chếnh choáng men tình, men rượu chỉ “gã làm thơ” họ Trần mới tỏ. Bởi chắc gì người thơ đã say mà có mấy câu thơ tỉnh đến thế ! “Điều khổ tâm thứ nhất/ Là khi con người quá đỗi chân thành/ Điều khổ tâm thứ hai/ Là giữa cơn say/ Gã làm thơ được khải huyền phong thánh”. Khổ tâm còn lại, không nói thành câu thành chữ được, phải chăng là ngoài làm thơ thi nhân còn biết làm gì ngoài sinh sự với mình ? Phải rã lòng nát dạ lắm mới ngán ngẩm chính mình, mà nói bằng giọng dửng dưng như thể bàng quan, xa lạ với cái tôi ngã mạn: “Và tôi cũng ớn tôi rồi/ Trách chi em bỏ lại người mà đi”. Làm sao vô ngã vô chấp khi thi nhân còn đau đời thương người đến thế !
Đời vẽ chi con ngựa hồng ?
Ta vẽ thêm vào ria với mão
Rồi ngồi mà khóc long đong
Vẽ thanh roi cày thành kiếm sắc
(….)
Không chỉ riêng ta đau đời
Không chỉ riêng ta một thời”
Tiệm cận hiện thực không có nghĩa là triệt tiêu cảm xúc thẩm mĩ mà có thể cảm nhận đối tượng ở những chiều kích khác nhau, để dò được độ sâu trong vẻ đẹp tiềm ẩn của sự vật, con người. Sáng tạo đích thực phải là khơi dậy trong đống tro than chút tàn lửa để nhóm lên ý thơ vừa mới tượng hình: “Khi người ta giơ nắm đấm/ đánh vào lồng ngực/ tiếng kêu vang/ tiếng trống bịt da người (…)/ không thể nhân danh ai/ để đánh lên tiếng trống bịt da người”. Những tiếng trống thơ dội vào thịt da đau tức !. Đánh vào tiếng trống hay cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trước bạo quyền, nơi cái ác nhân danh những lời hoa mĩ sáo rỗng như “cứu cánh biện minh cho phương tiện” ? Nhà thơ bị vấp liên tục trước những nghịch lý mà hiện thực phũ phàng bày biện ra từ năm này qua tháng nọ:
“Thương chi con ngựa già sứt móng
Giữa truông dài một tiếng hí khan”
(Bài của năm trước)
Có thể vì niềm thương bi tráng nên “con ngựa già” chẳng cần chốn dừng chân cố định, chỉ muốn buông cương rủ bờm gõ móng, như thuyền lòng cứ chực chờ xuôi dòng hải lưu mà lướt sóng ra khơi “Không biết dòng sông sẽ chảy như thế nào/ trong lòng biển khơi/ thế mà những con nước muôn đời hăm hở/ rủ rê nhau căng buồm” (Biên dạng một hải lưu).
Thơ tình Trần Thiên Thị ngai ngái buồn, có sự hòa hợp giữa những trào cảm lẫn sầu muộn có ý thức. Hầu hết là những dùng dằng tình tứ “vịn vai”, “tựa đầu” “ôm mòn tay áo”, “ôm chân”, “vẽ vào tay” … mà ôi thôi vẫn bị dính mắc vào nỗi sầu dai dẳng:
Buồn em cộng với buồn ta
Hôm nay cộng với hôm qua cũng buồn
Thật ra, cũng nhờ nỗi buồn lay tỉnh mà thơ cùng cháy hết lòng với người. Như ngọn bấc tưởng đã lụi tàn được châm thêm dầu thêm lửa “Sầu đã đủ/ Năm cùng tháng tận/ Giữ lại trái tim nhịp đập yêu người”. Kệ thôi !
“Ừ thì
Buồn ấy không nói được
ừ thì
Buồn ấy không chia được” nên tôi “trả lại em nguyên vẹn một em buồn”. Có sao đâu !. Sông vẫn sống đời sông. Gió vẫn nói lời gió. Can chi đến thời tiết nắng mưa mà đổ tại “nắng mưa rụng xuống bao nhiêu lần buồn”. Cứ mặc cho lòng nghiêng xuống đón bước người, gác ngoài tai chuyện sông hồ dâu bể: “Giang hồ ta chỉ thằng hóng hớt/ Chẳng thiết núi sông chỉ mê người” (Gối đầu vào đây mà ngủ). Mà, thì, là cớ gì người viết lại liên tưởng đến mấy câu hay thôi rồi của Phạm Hữu Quang:
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.
Trần Thiên Thị không giang hồ vặt, bởi chất phiêu bạt đã hòa vào máu thịt. Trong bất cứ bài thơ nào, ta cũng bắt gặp thi sĩ đang rong chơi, đã hoặc sắp sửa lên đường. Thử chung toa tàu, chuyến xe với nhà thơ xem ông có thể lang thang đến đâu. Ai chẳng thích rong chơi đây đó khi “sầu đã đầy tháng ngày”: Chiều Duy Sơn; Qua đèo Ba Dội mà yêu; Đưa người về với Hội An; Viết ở rừng cổ chi; Tháng ba ở rừng Tân Hạnh; Ở một góc chợ mới ba xã; Gởi Pleiku; Rao em trên chợ Nổi (Cần Thơ); Mưa Sài Gòn; Viết trên vé xe 1; Về bến Cấm; Bữa đau ở Quy Nhơn; Ở chân đền Mỹ Sơn …
Thỉnh thoảng giữa hành trình xuôi ngược đa đoan, thơ Trần Thiên Thị đánh rơi dáng dấp ngang tàng cố hữu bên đường, chỉ còn lại trên vạt cỏ chú dế cơm, con thuyền giấy và bạn mèo hen tội nghiệp được đặt vào đãy thơ chừng đó món hành trang ít ỏi: “Em đã nhặt chiếc thuyền, chú mèo và con dế cơm bỏ vào câu thơ làm của riêng (…)/ Con dế cơm hồn nhiên hát ca giữa biềng cỏ biếc/ Ta và những con thuyền không thể ra khơi”. Những câu thơ, bài thơ trong tập “Bản thảo” gần như biết cách chừa một khoảng xanh cho thiên nhiên ghé lại. Khoảng xanh của bầu trời, rừng cây, đồi cỏ, dòng sông, … như tóc ai xanh, “như cỏ đã từng xanh”. Cần gì phải đặt lại tên cho cỏ ?! Đôi hài cỏ em đi tự nó đã gọi về những biềng cỏ đẫm sương đêm:
Một đôi dép cỏ mùa xuân
Đi từ dạo cỏ trên truông còn vàng
Người ta lãng mạn viễn vông với nhẫn cỏ, thi nhân mơ mộng “sến súa” (chữ dùng của Trần Thiên Thị) với cỏ áo phù dung buổi “ngã lưng bờ cỏ lạ”. Cỏ úa vì khô hạn thì đành tìm một khoảng xanh gần gụi mà xa vời khác “Quay về phía núi nhìn cây/ Bao nhiêu nắng/ Để lá bày biện xanh”. Thiệt tình mà nói, bài thơ “Nắm lấy tay mình” có những câu hữu ý, hữu tình kì lạ và hoang hoải dày dặt hơn cỏ xanh nhiều lắm. Ví như “Tôi ngồi gặm nhấm lại tôi/ Nhìn vai tìm dấu tay người đã vin (…)/ Ngày vui cắn lấy vai người/ Như giông đánh dấu xuống đồi cỏ khô”. Thì thôi đành “nắm lấy tay mình”, dẫu có ai nắm được bàn tay của mình thật lâu bền nên hãy tự nhiên như nhiên tựa lời hoa cỏ. Vì nỗi buồn không cần tư biện. Tự thân phiền trược sẽ thất lạc trên đường đời xa ngái, cần chi những tác động ngoại giới:
“Buổi chiều còn lại tôi và
Hồn nhiên cây cỏ nở hoa ven đường”
Tôi – hồn nhiên được kết nối mật thiết bởi chữ “và” nhờ cây cỏ. Dòng thơ ngẫu nhiên đột khởi tách hàng để lòng thơ chan hòa cùng hoa cỏ mùa xuân. Bạn đọc cho rằng những câu thơ dễ thương nhất của thi nhân không phải là những câu ca tụng người nữ (kiểu như “Này bàn chân hồng bé nhỏ”; “Gươm liễu liêu xiêu cặp chân mày”; “Da hồng ngọc cháy lời của lửa”…), mà là những dòng viết về cỏ, về những kỷ niệm tuổi thơ xanh trong, hồn hậu: “Một đôi cánh sáp vân vi/ Hoa trên đất trích/ Yêu vì ải mây/ Giá như cầm được trên tay/ Một mùa xuân/ Tặng em bày cuộc chơi” (Bay trên đôi cánh sáp). Trò chơi cò cò, ô ăn quan, oẳn tù tì … (Trả cho em hòn mạng) cứ tự nhiên rồng rắn kéo về những hồn nhiên trong ngần tuổi thơ, khiến cấu trúc bài thơ ở khổ cuối láy lại khổ đầu và mở ra mênh mang hoài niệm:
“Trả cho em hòn mạng
Để em quay về sân cò cò
Đi canh một canh hai (…)
Ta tặng em chiếc gương chiếc lược
Trả em về
Chơi tiếp cuộc cô dâu”.
Có những thi ảnh sáng tạo khiến người đọc giật mình bỡ ngỡ:
“Chở em đi trên chiếc thuyền vỏ trấu/ Qua lòng Ba Bể mênh mông” hoặc thả những ước mơ lên bầu trời cao rộng trong chuyến đi xa của con diều giấy “Lòng cứ muốn bay lên/ Nên tôi chép những vần thơ/ Có hình dáng một cánh diều …”.
Và cỏ, đã từng rất xanh:
“Con dế cơm hồn nhiên hát ca giữa biềng cỏ biếc
Ta và những con thuyền không thể ra khơi”
Và nỗi buồn tinh khôi, cũng đã từng biết mấy trong veo:
“Quá vãng lại về
Thơm tho mùi dủ giẻ
Ta thì rong ruổi trên con ngựa lá dừa
Phi hoài không tới đích
Em thì cầm cánh diều với sợi dây dài một sải tay
Chạy mòn vẹt bàn chân
Mà cánh diều chỉ bay ngang mái tóc”
(Nhớ về Mộ Dung Phục)
Những câu thơ ngọt như những viên kẹo óng ánh màu sắc mang ta về tuổi thơ vàng son, với trò hái lá mít làm mũ mão, kết lá dừa làm ngựa. Trong “Thiên long bát bộ”, họ Mộ Dung thuộc dòng dõi thế gia, khí chất hơn người. Mộ Dung Phục thiên tư thông minh nhưng tâm tính cao ngạo, chấp mê bất ngộ, nên kết thúc trò chơi chính trị (cùng giấc mộng phục quốc, mà tài năng và thời thế chưa chín muồi) y hóa rồ dại. Một người võ công cái thế, thiên bẩm sáng láng về cuối đời đội mũ miện làm bằng giấy, dùng kẹo bột dụ bọn trẻ trong làng làm quần thần, tôn y làm vua và tung hô vạn tuế. Người đọc bất giác xót xa thương cảm. Tuy thế, bài thơ là món quà tinh thần giúp ta tạm quên những phiền trược trong cõi hồng trần tục lụy, để lắng lòng đúc kết: “Chính trị, (…), chiến tranh/ Thực chất là trò chơi của bọn nhà giàu/ Và xương máu đổ ra cho cuộc chơi này là của người nghèo” (Này ngồi lại đây với tôi). Đôi khi phát điên như Mộ Dung Phục biết đâu lại hay không kém hành động lánh đời về làm “ngư, tiều, canh, mục” thời loạn. Làm mục tử cưỡi trâu như Lý Nhĩ, thành Tô Vũ chăn dê hay thất chí mà hóa dại như Mộ Dung biết đâu lại thanh thản ?!.
“Này ta tặng em khu rừng tháng tám
Cỏ đã lên xanh
Bầy dê non tình tự”
(Bài ca người chăn dê)
Dẫu biết rằng mai sau “Còn lại một tôi già/ Và cỏ xanh nguyên vẹn” (Nghé ngọ) thì độc giả mến thơ tình Trần Thiên Thị hẳn còn vì những câu thơ dễ thương như thuở nụ trà mi còn thơm lừng hương cỏ, hương xuân: “Tầm hương trên đóa trà mi/ Con ong mõn sức cũng vì mùa xuân”. Chỉ cần một chữ “Mõn” gieo đúng ở câu thứ hai, cả ý thơ đã chinh phục được những người đọc thơ cẩn trọng, khó tính. Thế nên, bạn đọc dễ gì ngán món thơ độc đáo mà nhà thơ đã mời tặng bằng cách tự trào:
“Bây giờ tôi ớn cả tôi
Trách chi chúng nó bỏ rơi một người”.
Có thể, người đọc thơ mải vui chân theo thi nhân mà lạc giữa cơn giông gió trái khoáy vào buổi chiều tháng năm, như đã từng lưu lạc theo dòng sông quê nhà tìm dấu vết cỏ xanh ngày trước. Nhưng chẳng bao lâu sẽ nghiệm thấy như tôi rằng: thơ Trần Thiên Thị không chỉ có vầng trăng huyền ảo mộng mị, những chuyến đi xuôi nam ngược bắc để thỏa chí tang bồng, những trò chơi trẻ thơ như chú dế cơm náu mình trong biềng cỏ non thanh lành, những câu thơ thỉnh thoảng cố ý không thành vần điệu, ẩn trong thi ảnh giàu cá tính sáng tạo là những thông điệp vô ngôn đầy ám ảnh … Đọc thơ Trần Thiên Thị, ta còn kịp thoáng thấy nỗi buồn thân phận u uẩn trong những cuộc rượu tàn canh, như trong thi phẩm “Uống nào bé nhỏ”:
Chiều nay uống với mây ngoài núi
Chén rượu như chừng có cả giông
Em uống với ta nào bé nhỏ
Sầu chi
Sầu chi
Mà đau lòng.
Còn bạn, có đau lòng cùng “ta” không ?
(P/S: Viết giữa cơn giông chiều tháng 5/ 2017.
Cảm ơn nhà thơ Trần Thiên Thị)
*Chú thích: Nhan đề là tên một bài thơ trong tập “Bản thảo” của thi sĩ Trần Thiên Thị.

NGUYỄN THOẠI VY

nắm lấy tay mình

tranthienthi

tôi ngồi gặm nhấm lấy tôi
nhìn vai tìm dấu tay người đã vin

tôi ngồi lục lọi tìm em
ngày thì mỏng mảnh
và đêm thì dày
quay về phía núi nhìn cây
bao nhiêu nắng
để lá bày biện xanh

tôi ngồi nắm lấy tay mình
nghe chừng máu chảy đã thành cuồng lưu
ngày vui cắn lấy vai người
như giông đánh dấu xuống đồi cỏ khô

bây giờ
nhìn lại bây giờ
mông  lung một vết ghi hờ chân mây
thì thôi nắng đã nhiều ngày
và mưa cũng đã dắt dây triều cường

hôn vào tay áo mà thương
một người xa
một con đường rất xa
buổi chiều còn lại tôi và
hồn nhiên cây cỏ nở hoa ven đường

Trần Thiên Thị

Đầu năm lang thang sài gòn

tranthienthi
thượng đế đã sáng tạo ra mùa xuân
còn người làm ra cái tết
sản phẩm cuối cùng của họ là rác rưởi
Chúa Trời tạo ra em và giao cho mẹ
phần em thêm vào là mớ giẻ rách
suốt ngày đi đi bán rẽ khuôn mặt mỹ miều cho cửa hàng son phấn

lang thang trên đương sài gòn những ngày đầu năm
như con xúc xăc lăn lóc cóc trong miệng chén
chẳng biết dừng phía nào
bên tài bên xỉu
hẹn với vũ trọng quang rồi mỗi người ngồi chờ nhau trong một cái hẽm khác nhau
người nào cũng ngong ngóng trông nhau
công phu như loài người dựng nên cái tháp babel

bạn đưa vê ngồi bên lề đường sương nguyệt ánh
vương vãi những bông hoa được vứt ra từ ba ngày tết
năm bảy chai bia và một đĩa đậu khuôn rán
một ông già gần tám mươi khuôn mặt khó đăm đăm như mộ dung phục
ngồi mơ về một phiên thiết triều cuối cùng
bao nhiêu năm trời với mỗi một chiêu : gậy ông đập lưng ông
quần thần lề đường vài đứa ăn theo vỗ đùi ké
ngồi tung hô một anh gàn thất thổ

qua đêm ở cái nhà trọ gần ga cho tiện đường
cô gái của năm ngoái vui vẻ chạy dến chuyện trò
đêm hiện tiền đào nguyên
cho đến lúc tôi đi đái
nàng mở điện thoại tôi mày mò đọc tin nhắn và gây gổ
nửa đêm gọi taxi và đi
còn lại tôi
nằm ôm khư khư nỗi niềm tự do thiểu não

gọi điện nhắn hai người bạn trẻ 10 năm không gặp về cùng ăn trưa
bây giờ đứa nào cũng ngoài ba mươi
tôi tin chúng nó vẫn còn trinh tiết
lặn lội từ nghệ an
theo chân ông hồ vào sài gòn
tìm đường cứu nước
cô gái nhà thơ mơ màng nhìn những ngọn đèn đường
liên tưởng đến những quả trứng của bà âu cơ được ấp ủ trong khoi bụi sài gòn
chờ đến ngày nở ra con rồng con phượng

có một mặt xúc xắc áp vào lòng đĩa
như một cuộc hẹn hò không ai chờ đợi
nàng đang ẩn chỗ nào đó với áo quần son phấn
mê man sửa soạn chụp hình trông giữ lại một thời xuân sắc
(Trong khi nàng chỉ ưa nhìn khi ở truồng )
sau lưng nàng
thời gian như một thằng ăn cắp
chờ chực lấy đi từng sợi lông mày

mấy người bạn trong cái ban liên lạc học sinh cũ đến chào
mời gọi nhau trở về những ngày xưa thân ái
nhậu
Và bàn tiếp về cuộc nhậu mai sau
tôi lăn tròn
và em không ngừng lắc
mọi người thì quay lưng lại với mùa xuân
phùng mang trợn má bảo vệ cho cái quyền được ăn tết
và xã rác

trần thiên thị

GỞI CHO THU THẢO

tranthienthi

1.
bỏ quên ấn tín bên đường
trên người còn mỗi thanh gươm đã cùn
trời cho gió bấc mưa phùn
em cho ta một vết thương thật thà
giặt giùm chiếc áo trăng hoa
tạ em giữ lại giùm ta hơi người


2.
bỏ quên là bỏ quên tôi
sáu mươi năm trước à ơi giữa đường
bây giờ nghe sắp vào xuân
sá chi em một mùa đông cận kề
trời còn mưa bão nhiêu khê
còn đêm trừ tịch ta về với nhau


3.
có đôi là có đôi sầu
nhớ nhau hát khúc ví dầu có đôi
hỏi nhau ngàn bận chưa rồi
sầu em cộng với sầu tôi cũng sầu
à ơi hát khúc thương nhau
ngày xưa đã rụng
ngày sau chưa về


4.
bỏ quên gió lại chân đê
bỏ quên khăn gói ta về mình ta
năm nhuần thêm tháng mười ba
nách mầm còn đợi nở hoa cho mùa
gởi cho nắng
gởi cho mưa
gởi cho thu thảo ngàn xưa một người

trần thiên thị

CHUYẾN ĐI CỦA MỘT DÒNG SÔNG

tranthienthi

quay lưng lại với loài người
để nhìn một người
chưa tường làn mi cong

mặt trời không hề ác tâm buổi đốt cháy mình
lời ban mai thỏ thẻ
về tình yêu của mùa lá xanh

về chuyến đi của một dòng sông
mê man xuôi về biển cả
một vết thương bỏ lại thượng nguồn

quay lưng lại với rừng
loài đỗ quyên chưa đủ hồng cho một ban mai
buổi tóc người chảy tràn như thác

gió thổi ngược dự báo một mùa bão lớn
dòng sông sẽ xuôi
mùa phù sa người và cánh đồng tôi

mắt như hạt giữa mùa chín tới
gieo xuống đồng đất cày đã ải
thức với nhau và đợi nẩy mầm

kể tôi nghe này lời khe suối
môi thơm ơi
này khúc giang trình

này bài ca mục đồng
có buổi chiều chiền chiện
em thổi hồn vào tiếng hát long lanh

TRẦN THIÊN THỊ

LẬP THU

tranthienthi

không có chiếc lá vàng nào xào xạc
không có con nai vàng nào ngơ ngác
mà trời vẫn lập thu

lá cây hạnh ngân di thực vẫn xanh
chỉ có em cảm lạnh từ ngày hôm qua
còn nằm ho thổn thức

không có cuộc chia tay nào đủ lý do làm dáng
chủ nhật liu điu chẳng màng ra phố
ngồi đây buồn lất lây

mùa thu còn ít ỏi trong ký ức lưu dân
cứ rộ lên như là bệnh cúm
cổ họng ngứa dần dần

trời mù chẳng chờ trăng mờ với trăng lu
chẳng biết còn sống nổi đến ngày đưa nhau về Huế
mà xem cây ngô đồng

chẳng có chiếc lá vàng nào lót cho em nằm
thôi thì chờ anh trải chiếu
thiên hạ bất cộng tri thu

những con nai vàng đổ dồn xuống phố
mùa lá rụng cô phụ chờ thay áo
rạo rực cùng bà tưng

rót rượu hoàng hoa mà đổ xuống rừng
vàng mắt dõi tìm nhất diệp lạc
thôi thì
em đi đâu thì đi

trần thiên thị

Sỗ sàng đậu xuống vai người

tranthienthi
1.
sỗ sàng một tiếng tôi rơi
luân xuân đậu xuống vai người đòi yêu
này hai con mắt buồn hiu
nói gì đi
nắng sắp chiều rồi em
cái buồn cứ ngỡ rằng quen
bao nhiêu năm cứ nặng thêm vai người
sỗ sàng một tiếng tôi rơi
yêu nhau đi kẻo chiều vơi mất rồi

2.
đê đầu bái tạ mùa vui
người mang đi hết
còn tôi
và buồn
chiều nay nửa chén rượu suông
cụng ly vào trán mà trông ráng chiều
sỗ sàng tôi
sỗ sàng yêu
đê đầu bái tạ cô liêu một lần

trần thiên thị