Xuân Quá Khứ

 
Ngủ quên đời mộng tưởng
Hồn ta chim én bay
Vì em là xuân sớm
vừa hôn nhẹ gió mây
Trên đồi hoa quỳ vàng
Em nhìn hoa chớm nở
Ước làm mây lang thang
Qua đồng hoa rực rỡ
Trên đồi hoa quỳ thơm
tình đầu ta bở ngỡ
áo em làn gió xanh
cành non chim rộn rã
một phút ta quên đời
nhánh rong thân phiêu lãng
một phút môi ngậm cười
nhớ xuân nào đã vắng.
Tôn Nữ Thu Nga
Advertisement

Giao Thừa

Vượt qua Đại Tây Dương

tonnuthunga

Buổi sáng, ngồi nhặt lại những mảnh vụn của cơn mơ. Nỗi buồn như còn đó, khuôn mặt người đã khuất, giọng cười nói trẻ thơ, giành chơi những viên sỏi nhỏ, vấn vương một giọng ầu ơ.
Buổi sáng mặt trời đi vắng, trùng dương sóng cũng bạc đầu, thẩn thờ nhìn ta tóc trắng , gương soi một cuộc bể dâu.
Buổi sáng nhớ lại cơn mơ, trái tim dường như khô héo.
Buổi trưa ngồi ngắm trời mây, tan tác theo từng cơn gió, quanh mình biển rộng bao la, dập dồn triệu con sóng vỗ.
Không một bóng chim tăm cá, tại sao ta đến nơi này? Tam giác Bermuda huyền bí, hồn mình đi mất không hay.
Buổi tối bàn chân lướt nhẹ, trên sàn nhảy ngã nghiêng chơi, sóng lấy mất đi một nhịp, cha cha rộn rã tiếng cười.
Đèn màu quay cuồng điên đảo, giúp quên đi một quãng đời. Đêm về vùi đầu trên gối, cố tìm giấc mộng tả tơi.

Tôn Nữ Thu Nga
Atlantic 10/30/16

Ngọc Lan Hương.

tonnuthunga

Dạ Hương thoang thoảng bên song,
Ngọc Lan nở dưới trăng rằm.
Dạ Hương ôm lòng huyệt tối
Ngọc Lan tàn giữa mùa đông.
Chơi vơi trong đời ảo mộng
Tan như một chút bụi hồng.

Ngọc Lan của ngày tháng cũ
Tóc huyền bạt gió ngàn khơi.
Dạ Hương xưa còn ngào ngạt
Cho ta quyến luyến một đời.

Mong manh Ngọc Lan mình hạc
Dạ Hương một cánh xương mai.
Nắm tay đi về sương khói
Tóc bay lồng lộng trên vai.

Tôn Nữ Thu Nga

Tháng 8- ngày con thỏ chết.

tonnuthunga

Tháng tám kéo dài như bất tận,
Ngày qua, ngày tới quá mơ hồ!
Ngọn lá, cành cây không chuyển động,
Chân buồn theo lối nắng ngây ngô.

Tháng tám ngồi nhìn con thỏ chết,
Lòng buồn ray rứt mãi không nguôi
Tháng tám đàn chim không thấy tới,
Chiều hoang chầm chậm phủ quanh đời.

Tháng tám trời hồng, cây bén lửa
Núi đồi khói tím trở thành mây
Có phải quanh ta là địa ngục?
U minh từ chốn thế gian này.

Tháng tám mùa hè trôi uể oải,
Đêm nằm chong mắt ngó trời cao.
Mưa sao băng rơi ngoài vũ trụ
Thầm xin cho mấy trận mưa rào.

Tháng tám, đêm có mưa sao băng.
Buồn ơi, sao cứ giữ trong lòng?

Tôn Nữ Thu Nga
San Dimas

Bueno Aires – Ngồi bên ngọn cây du

tonnuthunga

Buổi sáng, tiếng động cơ cần trục đang xây dựng nhà cửa thức tôi dậy. Nắng đã chan hòa trên thành phố.Thời tiết ở đây gợi nhớ Sài Gòn, một buổi sáng nhiệt đới năm xưa, tôi cũng thức giấc với những tiếng động tương tự lẫn với tiếng còi xe inh ỏi trên con đường Lê Thánh Tôn. Buenos Aires không nhiều xe gắn máy, phần lớn là ô tô và họ chạy thong thả trong các đường phố rợp bóng cây xanh. Không ai bấm còi để phá vỡ sự yên tỉnh của không gian êm đềm cả. Bây giờ đang mùa hạ, nhiệt độ không tệ lắm vào buổi sáng, trời trong xanh lờ lững vài cụm mây trắng mỏng, trôi thật nhanh theo cơn gió hiu hiu. Độ ẩm khá cao nhưng chưa làm tôi đổ những hạt mồ hôi – những hạt mồ hôi hiếm hoi- ngày còn tại Cali, tôi phải tập thể dục cả giờ hoặc đạp xe mấy chục dặm mới có được.
Hôm qua, vừa xuống khỏi máy bay, tôi cũng đã được hưởng cái khí hậu ẩm ướt và oi ả, những cảm giác tôi ít khi nhớ đến. Chổ ngồi mới của tôi trên lan can lầu bốn, căn nhà nho nhỏ tại Palermo, thành phố Bueno Aires, bên ngọn cây du. Cành lá cây du xanh tươi, run nhè nhẹ, xao xác êm êm dưới chân các chú chim sẻ. Nắng vàng lung linh xuyên qua cành cây xanh, tự dưng lòng man mác, thật sự không hiểu được mình đang buồn hay vui.
Thành phố này có rất nhiều cây, trên lề đường, những đốm nắng roi qua cành lá; “vạt nắng bên thềm” nhà nào cũng có, và cũng không ít nam nhân dựa tường phì phèo điếu thuốc, nhìn người đẹp đi nhanh như gió, vui vẻ cười nói líu lo bằng tiếng Tây Ban Nha với nhau. Dù ít hiểu tiếng Anh, họ rất thân thiện và luôn luôn cố gắng đàm thoại với bạn khi được hỏi thăm. Vì thế dù chỉ biết nói lỏm bỏm các danh từ phổ thông, tôi vẫn được nhiều người khen và rất vui vẻ giúp tôi học thêm từ ngữ mới.
Mấy hôm nay hưởng lại khí hậu nóng, trái lại với mấy ngày lạnh lẻo lúc tôi rời Los Angeles. Qua ngày thứ ba trời bổng đổ mưa, sấm chớp đì đùng, gió mưa dữ dằn như những cơn bảo nhiệt đới ngày xưa. Tôi nằm quấn chăn, nghe cây du vẩy vùng gào khóc, nghe tiếng sấm như tiếng đại bác thâu đêm và các tia chớp như hỏa châu bùng cháy. Đêm ấy, giấc ngủ tôi triền miên ác mộng, những lần thức giấc cố nhớ nơi mình đang ở, thế rồi lại thiếp đi trong tiếng mưa rơi. Sáng dậy, nắng lại chan hòa, lá cây du xanh hơn và long lanh những giọt mưa, những chú chim sẻ mập nhảy sột soạt làm rơi những giọt mưa trên đầu bộ hành hoặc lộp bộp trên cánh dù rộng mở. Khí hậu mát hẳn như những ngày hè đã chào tạm biệt vì mùa thu vừa mới đến. Các chuyến mạo hiểm của chúng tôi cũng dể chịu hơn và đường xá cũng sạch sẽ, bớt bụi bậm.
Nơi chúng tôi trú ngụ là căn nhà của Carlo thuở anh còn độc thân. Anh có một bộ ghế bành cũ bằng da, rất êm ái. Lúc rảnh rổi hoặc khi đi chơi rong về, hai đứa tôi duỗi dài trong lòng ghế, uống một ly đá lạnh, lim dim nhìn tượng ông Phúc đứng giữa bàn hoặc mông lung nhìn ra ngoài balcony. Cây du vươn những cành lá xanh, long lanh giọt nắng, thỉnh thoảng giao động dưới những bàn chân của lũ chim sẻ, chuyền cành và líu lo nói chuyện với nhau. Không biết chim có ngôn ngữ không? Chúng nói tiếng Tây Ban Nha như dân địa phương hay vì bay từ chổ này qua chổ nọ nên chúng dùng Esperanto? Theo ý của Carlo thì mọi người ở đây nói tiếng Argentinien.
Carlo rất tự hào và yêu thương quê hương của mình. Anh cũng thích Á Châu vì anh có làm việc bên Tàu và Nhật mấy năm, nhờ thế anh bưng được cô Ngọc Anh về làm vợ và dắt díu nhau về sống tại Bueno Aires.
Ngọc Anh có một studio dạy các môn thể dục, khiêu vũ, múa cột, múa lụa. Mổi lần xem cô biểu diễn, cứ như là đi xem hát xiếc. Có nhiều đêm sau khi đi chơi và ăn tối về, chúng tôi xuống phòng tập học nhảy Tango Argentino. Tôi không được “sáng dạ” lắm trong nghệ thuật khiêu vũ nên không nhớ bước phải, bước trái, bước xéo, bước ngang chi cả, cứ bị thầy bắt tập đi tập lại hoài. Carlo tập cho chúng tôi nghe tiếng nhạc, phải để hết tâm hồn vào tiếng nhạc, và anh bảo rằng: tango là những bước chân không bao giờ dứt ?!?, nếu không có đủ chổ trống trên sàn nhảy, người ta chỉ cần ôm nhau mà nhúc nhích những bước nho nhỏ cũng được. Vì chưa thấm được cái tư tưởng cao siêu đó, tôi chép miệng than thầm: Nếu biết điều này thì thôi tôi ở lại nhà, ôm ông xã mà nhảy “ xì lô mông cổ” cho khỏi phải nhọc công bay ngàn dặm xuống Argentine.
Thế nhưng sau năm ngày chơi, ngủ, tập nhảy đầm tôi cũng vượt qua nỗi thống khổ của người vốn có “hai chân trái”. Carlo và Ngọc Anh an ủi tôi mãi mỗi khi tôi đi những bước sai lầm và hôm cuối cùng thì họ dẫn chúng tôi đi ra phòng trà ca nhạc để tập nhảy. Hôm ấy, chúng tôi phải mặc quần áo đẹp, đến nhà Carlos và Ngọc Anh ăn thịt nướng do chính tay chủ nhân làm, trước khi đi.
Vũ trường rộng, khách đến thật đông, sàn nhảy ở giữa, chung quanh là bàn ghế. Có nhiều người độc thân đến đây mời nhau nhảy. Họ có những ám hiệu thông thường để mời mặc dù ngồi rất xa nhau. Phần đông là khách lớn tuổi, đàn ông ăn mặc đàng hoàng sạch sẽ, các bà thì diêm dúa hơn và ai cũng mang giày gót cao nhọn hoắc. Những đôi giày ấy làm tôi rất sợ, cứ tưởng tượng bị người ta giẫm lên chân, thế nhưng sau buổi nhảy, tôi thoát nạn, không bị ai giẫm nát chân mình cả. Có nhiều lần chúng tôi bị vài mụ già đanh đá la vì cản đường đi của họ. Ngọc Anh bảo đó là mấy mụ du khách, nhảy không rành, không biết tránh kẻ khác; người dân Argentina rất chiêu đãi, nếu thấy mình mới tập nhảy lúc nào họ cũng khuyến khích chứ không sừng sộ như mấy người du khách nọ. Sàn nhảy rất đông người, tôi vừa đi theo nhạc vừa dòm chừng Ngọc Anh và Carlo, không nghe quở trách gì cả mà lại được khuyến khích ra sàn nhảy mãi nên tôi cũng hơi yên chí khi bước những bước tầm bậy tầm bạ. Thường thì ban nhạc chơi năm bản nhạc, khách phải khiêu vũ hết năm bản mới được về lại ghế. Đôi khi thấy quá đông người, chúng tôi chỉ đi vài ba bản rồi bỏ cuộc chạy về bàn ngồi xoa đầu gối. Sau nữa đêm, chúng tôi thuê taxi về nhà, rón rén, nhẹ nhàng về phòng sợ làm ồn láng giềng, ai ngờ láng giềng đang có tiệc khuya, mùi bánh nướng trong lò thơm cả hành lang.
Những ngày Bueno Aires của chúng tôi thật vui, tôi cảm thấy căn hộ độc thân của Carlo từ từ biến thành tổ ấm của mình. Chúng tôi như những con chim sẻ, chọn cây du làm tổ ấm của chúng. Ngồi trên ban công lầu bốn, bên ngọn cây du, tôi nghe đời trôi nhẹ nhàng như đám mây trắng lơ lững trong bầu trời xanh thẳm của Bueno Aires.

Bueno Aires (3/22/2016- 3/29/2016)
Tôn Nữ Thu Nga

Kiếp văn chương

tonnuthunga

Tay bưng tách cà phê nóng hổi và thơm phức, Tú nhẹ nhàng mở cửa căn phòng tối, bật công tắc điện. Tú thu dọn sơ sài mấy tờ giấy nháp, mấy cuốn tạp chí ngổn ngang, tìm chỗ đặt cốc cà phê lên bàn. Kéo ghế, ngồi xuống trước máy vi tính, Tú thở phào nhẹ nhõm, nhấp ngụm cà phê nồng nàn, mỉm cười nhìn màn ảnh sáng lên, rồi những hàng chữ từ bài văn đang viết dở dang từ từ hiện ra trước mặt. Tú đặt tay lên bàn phím chữ, thầm ước những ngón tay thô kệch của mình được thêm nhanh lẹ để ghi lại các ý tưởng trong đầu đang thoát ra một cách linh hoạt như dòng suối mát mùa xuân, tuôn chảy từ lòng rừng. Tú vừa gõ gõ các mẩu tự, vừa chăm chú nhìn xuống mấy ngón tay:
Lisa nhẹ nhàng tháo tấm áo lụa tím ra khỏi chiếc móc áo. Làn vải êm ái, mịn màng, mát như làn gió đầu xuân đang run rẩy, đong đưa ngọn cỏ non trên sườn đồi. Áp tấm áo bên má, mơn man, thơm ngát mùi nước hoa đắc tiền; nàng nhắm hờ đôi mắt, lắng nghe một nỗi rạo rực không tên tỏa nóng trên da thịt..
– Bố thằng Cu ơi, lại trốn vào trong phòng com pu tơ rồi đấy hử… chả có nhờ được điều gì cả, suốt ngày cứ chúi nhủi vào trong ấy, con cái khóc la cũng mặc kệ, cỏ kiết mọc như cái rừng hoang cũng chẳng thèm để ý, cái gì cũng để mặc cho con vợ này nó lo, chán ôi là chán!…
Tú nhắm mắt, tay bịt kín hai tai, cố quên đi giọng mụ vợ già chì chiết trong bếp. Hết lải nhải, mụ bắt đầu cạo nồi, cạo xoong loảng xoảng, lanh canh nhức cả óc. Tiếp đến, mụ lấy cái dao phay, chặt ầm ầm trên cái thớt gổ…
Tú làm ngơ, trán anh nhăn nhíu, cố gắng nhớ lại ý tưởng vừa nảy ra trong óc, hai ngón tay anh lại gõ gõ trên phím chữ:
Tiếng nhạc cổ điển dịu dàng vương vấn trong không gian, dưới ánh đèn vàng ấm, Lisa mơ màng nhìn ngắm dung nhan mình phản chiếu lại từ tấm kính, đôi mắt nâu long lanh dưới hàng mi đen mượt. Nàng mỉm cười vòng tay ôm bờ vai…
– Bố ơi, bố ơi…
Thằng Bò giật ống quần Tú, tay cầm chiếc xe tăng bằng sắt, đập cành cạch vào chân ghế; không biết thằng bé chui vào phòng từ lúc nào? Tú ngừng đánh máy, nhìn xuống thằng con, thằng bé quệt hai dòng nước mũi xanh vào cánh tay, mặt mày lem luốt, ngước đôi mắt tròn xoe nhìn chàng:
-Đi chơi nha bố, đi MacDonald…
Ánh mắt thằng Bò đầy hy vọng, bàn tay mũm mĩm chỉ ra cửa. Tú thở dài, nhấc bổng đứa con trai nhỏ lên, lấy tờ giấy mềm lau mủi cho con. Thằng Bò giẫy dụa, quay đầu trốn tránh, hai tay vung vẫy:
– Đi Mac Donald.
Tú lắc đầu:
– Không đi Mac Donald được, bố bận và mẹ đang nấu cơm.
Thằng Bò mếu máo, nước mắt ứa ra trên mi. Tú mở ngăn kéo, tìm hộp kẹo anh dấu dưới mấy tờ báo cũ. Anh lấy cây kẹo mút, lột giấy đưa cho thằng bé. Có kẹo, thằng Bò ngồi yên trên đùi bố, mút lia lịa. Tú lại đặt tay trên phím chữ, cố gắng nối lại giòng tư tưởng:
Ngoài sân, trời xuân dịu dàng mát mẻ, nàng nghe tiếng lá cây lao xao trong gió nhè nhẹ, mơ hồ. Ngọn đồi thoai thoải sau nhà lốm đốm hoa vàng trên cỏ xanh, ánh chiều yếu đuối, mơn trớn những ngón tay cuối cùng trong khe núi. Đám mây tím ẻo lả, vương vấn giăng ngang chân trời như tấm lụa mong manh, cố tình che giấu mặt trời tròn trỉnh, trần truồng huy hoàng như viên ngọc đỏ, chầm chầm trầm mình xuống chân trời…
-Eo ôi, gớm ghiếc quá!
Tú nhăn mặt, nhìn xuống bàn phím, nước dãi từ mồm thằng Bò pha trộn với chất dẻo của kẹo từ hai bàn tay nó đã trét bê bết trên bàn. Nó còn dùng nhùng ngón tay bụ bẫm, nhớp nhúa, dẻo nhẹo; đập lên bàn phím theo bố nó. Nghe giọng Tú, nó ngước nhìn anh, nhoẽn cười, lấy cái kẹo nhễ nhãi nước miếng trong miệng mình dưa lên mời bố.
Tú thở dài, lẳng lặng bế con, đứng dậy, bước vào phòng tắm. Đặt thằng Bò ngồi cạnh chậu rửa mặt, Tú lấy chiếc khăn treo lủng lẳng bên vách, mở vòi nước. Bò thấy nước chảy, thích thú thò bàn chân vào chậu, đá nước tung tóe. Bò cười khanh khách:
– Tắm, bố tắm…
– Ừ thôi, cho mày tắm luôn, thằng dơ dáy này, bỏ vào bồn cho mày chơi nhé!
Tú mở vòi nước ấm, cởi áo quần cho con, đặt thằng Bò vào bồn tắm. Bò thích thú tay chân đập lia lịa làm nước văng đầy cả đầu bố nó.
– Ái chà, thằng bé này nghịch quá.
Tú lấy con vịt cao su đưa cho con, Bò lắc đầu, tay chỉ vào mấy tập sách plastic xanh đỏ cạnh bồn tắm:
– Bò muốn sách.
Tú cầm lên một mảnh ba bốn tờ giấy nhựa lẹp xẹp; đây là một cuốn sách làm cho bọn trẻ con đọc trong lúc tắm cho khỏi hư ướt. Thằng Bò gật gù cái đầu ướt nhẹp, chỉ tay vào hình con bò vàng. Con bò mập mạp, ngộ nghĩnh nhảy nhót, miệng cười toe, nhe mấy cái răng bò to tổ bố. Thằng Bò lấy ngón tay chỉ trỏ, nghiêng nghiêng nhìn Tú:
– Bố, cow, cow mooo…
Đôi môi hồng của thằng bé chu tròn xoe, dễ ghét hết sức. Tú thở dài:
– Thôi chắc tao hy sinh cái nghiệp văn chương cho mày, bây giờ mầy đọc cuốn sách này, biết đâu mai mốt mầy thành văn sĩ nổi tiếng, không chừng mày thắng giải Pulitzer thì tao cũng hãnh diện vậy!
Anh đứng dậy cởi áo, trèo vào bồn , mở thêm nước rồi nằm dài trong bồn tắm, nhắm nghiền đôi mắt. Thằng Bò cười khanh khách, nhảy lên bụng bố, cầm cuốn sách đập lép bép lên đầu Tú.
-Bố chết, bố chết…
Bò tưởng Tú đang chơi trò giả chết với anh em nó khi bắn súng giả. Bò cù cù vào nách Tú, anh nhột quá cười vang:
-Tổ cha mày, tao chưa chết, nhưng cái nghiệp văn chương của tao thế nào cũng chết với mẹ con mày!!!.

Tôn Nữ Thu Nga ( Thế Kỷ 21)

Mùa đông

tonnuthunga

Gió đông hú qua hẻm vực
Căn nhà nhỏ tựa bên đồi
Run rẩy buồn nấp sau cửa
Tiếng buồn vang dội trong tôi

lá xôn xao theo cánh gió
Cây ngất ngưởng trong cơn say.
Dấu cô đơn sau cánh cửa.
Thả hồn mình theo lá bay.

Thảng thốt nghe tiếng nhạc buồn
Chim về ríu rít cành đen,
Âm xưa chợt tràn tâm tưởng
Xóa nhoà một thưở bình yên…

Yên lặng ai nhìn mây xám
Giăng phủ suốt một đời người
Bóng ai vẫn còn lẫn quẩn
Xin người ra khỏi đời tôi.

Lạnh lùng mùa đông đã đến
Giọt mưa lơ lửng ngang trời
Núi che đầu bằng tuyết trắng
Tình yêu cũng giá băng thôi.

Tôn Nữ Thu Nga

Giáng Sinh

tonnuthunga

Đêm Giáng sinh trăng tròn kỳ diệu,
Soi đường đi cho kẻ không nhà
Tìm nơi trú như ngàn năm trước
Theo lối mòn trôi dạt phương xa.

Đêm Giáng Sinh người người vui vẻ
Ăn đầy mâm những món ngon lành
Dưới trăng rằm có người lạnh lẽo,
Co quắp nằm không một tấm chăn.

Đêm Giáng Sinh trăng soi đường nhỏ,
Ai ngậm ngùi cúi xuống nhìn con,
Những đứa bé vẫn còn thiếu thốn,
Bụng đói đêm nay dưới ánh trăng vàng

Nhìn đèn hoa sáng tươi rực rỡ,
Có ai nghe giai điệu điêu tàn,
Bom đạn phá quách thành rạng vỡ,
Những mảnh đời nay đã tan hoang!

Có ai nghe tiếng rơi của lệ?
Giọt lệ buồn lăn xuống cho con,
Thiên thần đâu chẳng còn hộ mạng.
Tặng cõi đời một chút hào quang.

Ngàn năm xưa có ngôi sao lạ,
Chắc là không sáng như đêm nay?
Trong bóng tối có người lữ khách,
Đi tìm hoài một chút hương phai.

Tôn Nữ Thu Nga

Bên sông.

tonnuthunga

Con về đây bên bờ sông Trà Khúc
Dáng ai qua như mẹ hao gầy
Gió hiu hắt đong đưa lau sậy
Man mác buồn con gọi mẹ ơi.

Chiều hôm nay, hoàng hôn tím quá
Sông lặng lờ, cồn cát cô đơn
Chiếc ghe nhỏ xuôi dòng êm ái
Nhưng lòng con, sóng dậy cuồng điên.

Tìm về nhà, một chuyến hành hương
Như anh Lưu Nguyễn mất thiên đường
Con ngơ ngác tìm hoài dáng mẹ
Đi xa rồi mờ nhạt trong sương.

Con xuôi bờ tìm một bụi tre,
Con đi quanh tìm một túp lều
Nơi năm xưa mẹ ru con ngủ
Giọng buồn tênh trong những đêm hè.

Không còn gì cho con kỷ niệm
Không còn gì để mẹ nâng niu
Con xa vắng từ ngàn năm cũ
Mẹ xa con tim mẹ tiêu điều.

Con về đây bên bờ Trà Khúc
Chiều nắng vàng, lau sậy hắt hiu
Bóng ai gầy như là bóng mẹ
Con âm thầm khẽ gọi ….mẹ yêu.

Tôn Nữ Thu Nga