ĐỌC THỦY TINH TAN VỠ CỦA TÔN NỮ THU DUNG

 

 

Thời chinh chiến mặc dù tôi đã qua tuổi vị thành niên từ lâu nhưng thói quen thời học trò không thay đổi. Trong ba lô của mỗi lần hành quân thế nào tôi cũng lận theo vài ba quyển Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc loại hoa tím để mỗi lúc dừng quân ven con suối nào đó lấy ra đọc. Tôi biết cô nhà văn Tôn Nữ Thu Dung từ đó qua những câu chuyện tình hay những bài thơ đăng trên những tập san kia. Biết để mà ngưỡng mộ vì không quen. Cho mãi sau này khi đã qua tuổi xuân thì lâu thật lâu chúng tôi lại gặp nhau trên Facebook và lần này tuy chưa có cơ duyên gặp mặt nhưng hai anh em chúng tôi thân nhau hơn.

Thân nhau hơn cũng vì cùng đi chung trên chiếc cầu thơ văn và cũng vì hai anh em cùng đồng hương chung thành phố biển Nha Trang. Văn Tôn Nữ Thu Dung mà tôi rất mến mộ của đâu chừng  50 năm về trước cho mãi đến bây giờ vẫn êm ả như mặt nước hồ cho dù chừng ấy năm giòng đời không hề êm ả sau khi mảnh đất miền Nam rơi vào tay của những người thắng trận miền Bắc.  Số phận tuổi trẻ của chúng tôi là số phận của những thanh niên sanh nhằm cuộc chiến.  Nam hay nữ không là ngoại lệ.  Tôn Nữ Thu Dung là một trong số đó. Cô sinh viên đang chạm cửa giảng đường đại học đầy phơi phới tương lai đành gác lại để tập tễnh bước vào đời bằng chiếc cuốc cầm tay với những ngày lao động ở những nông trường và những vùng đất khô cằn mà bom đạn của chiến tranh vẫn còn. Cho dù trong muôn vàn khốn khó như thế nhưng câu thơ của Herman Hesse ” dù đau đớn quằn quại tôi vẫn yêu thiết tha trần gian điên dại này ” vẫn theo nhân vật Diệp của Tôn Nữ Thu Dung trong Thủy Tinh Tan Vỡ. Đó cũng là câu thơ mà tôi chép trong quyển nhật ký hành quân cách đây gần 50 của thời còn trẻ. Năm 75 sau khi thua trận phải đun đẩy số phần vào trong các trại lao cải, câu thơ của Herman Hesse vẫn theo tôi trong mỗi khi tuyệt vọng. Nay gặp lại trong Thủy Tinh Tan Vỡ của Tôn Nữ Thu Dung khiến cho tôi xúc động vì đồng bệnh tương lân.  Tôi liền đọc một lèo bản thảo do Tôn Nữ gửi.  Sau đó tôi tắt computer rồi đi đâu đó để cho hồn mình lắng đọng.  Mãi hai ngày sau tôi ngồi đọc lại. Lần này thì đọc từ từ chậm rãi từng chương một

Thủy Tinh Tan Vỡ là số phận của cô sinh viên tên Diệp sau năm 75 bị cuốn theo lịch sử bi thương của đất nước. Một gia đình êm ấm trong phút chốc đổ nhào giữa tiếng reo vang của những kẻ thắng trận. Người cha cột trụ trong gia đình bị tập trung lên rừng khổ sai để rồi chết âm thầm bỏ lại gia đình cùng những trách nhiệm chưa tròn. Từ một cô sinh viên ăn chưa no lo chưa tới Diệp bị cuốn hút vào khát vọng tự do và phải đánh đổi muôn vàn khốn khổ trong những lần vượt biên và tổ chức vượt biên. Càng khốn khó cô sinh viên Diệp càng ngẩng cao, càng cứng cỏi

Tôi chưa hề là một nhà văn cũng chưa hề là một nhà thơ, tôi chỉ là độc giả của Tôn Nữ Thu Dung của 50 năm trước và bây giờ vẫn thế. Do đó những gì tôi viết xuống đây không phải là những lời phê bình văn học mà là những gì tôi cảm nhận được của một người đọc dành cho một tác phẩm. Tác phẩm Thuỷ Tinh Tan Vỡ được viết từ ký ức

Ký ức là nhiên liệu mà cuộc đời là những chiếc xe. Những chiếc xe chạy cần nhiên liệu. Thủy Tinh Tan Vỡ là nhiên liệu đổ vào bình chiếc xe đời. Những chiếc xe chạy trong những cơn bão cuồng nộ của lịch sử. Chạy trong vùng kinh khủng và đau buồn. Đó là “… anh Quang chết trong một trận lũ khi bơi thuyền qua sông cứu mấy đứa học trò “. Đó là ” …được gọi đến Bệnh Viện Tỉnh để ký giấy mang ba về nhà chôn cất“. Đó là “…Cao lăn xuống đồi trước khi tôi nghe tiếng súng hay gần như tôi không hề nghe tiếng súng

Để đau buồn dành cho người còn lại. Cám ơn người còn ở lại đã đi qua hết cuộc đời và cảm ơn cuộc đời đã vì Diệp mà đau buồn. Trong một đất nước khi lịch sử đã chọn kẻ ác làm người chiến thắng, biết bao biến cố tang thương dồn dập đổ ập xuống khiến những người bị trị chỉ muốn trở thành vô tri cho nên Diệp rất may mắn khi vẫn còn cảm xúc để được đau buồn. Nhờ những đau buồn đó mà trong văn học Việt Nam mới có hồi niệm Thủy Tinh Tan Vỡ

Trong chương ba khi cô sinh viên Diệp vào thăm nuôi cha ở trại lao động khổ sai tác giả tả lại hình ảnh người cha của mình như sau …. “Ông quay lưng đi, anh Thiện cúi xuống lượm chiếc rựa ông quên nhặt … Bóng hai người dềnh dàng đi trong chiều âm u … những sợi nắng quái rơi rớt trên từng đám cây rừng đe dọa một đêm mưa tầm tả … Ước chi ba tôi quay lại một lần, nhưng ông không hề quay lại… tôi ngồi xuống, khóc nức nở”

“Tôi không thể tưởng tượng nỗi là ba tôi đã ra đi, vĩnh viễn ra đi… Không một tin tức nào cho đến khi tôi được gọi đến Bệnh Viện Tỉnh để ký giấy mang ba về nhà chôn cất ….  “

Tôn Nữ Thu Dung đã khơi động lại trong tôi những hình ảnh mà tôi đã từng trải qua, cứ những tưởng thời gian lâu quá rồi đã làm cho nhạt nhoà. Hình ảnh ba của Diệp dềnh dàng đi trong chiều âm u của trại lao động khổ sai cũng chính là hình ảnh của tôi trong những năm tháng đó.

Nên tôi hiểu được tâm trạng của người thua trận. Chỉ những muốn chết đi để khỏi di luỵ đến gia đình cùng những người thân yêu nhưng lại không đủ can đảm. Cái chết không đáng sợ bằng sợ cái chết nên đành phải chấp nhận tù tội chia ly và đau cắt. Sau 75 tôi cũng từng đi ở tù sáu năm và trong khoảng thời gian đó đứa con đầu lòng của tôi sanh năm 75 bị mất khi lên bốn tuổi. Con tôi mất không có tôi bên cạnh cũng như ba của Diệp mất không có ai bên cạnh

Nên tôi hiểu được cái cảm giác mà Diệp tưởng rằng chai cứng. Thật ra đó là những vết sẹo không bao giờ lành da chỉ cần một cơn chuyển gió trở trời là vết sẹo đó lại mưng mủ

Thuỷ Tinh Tan Vỡ cũng ghi lại mối tình của hai kẻ cứng đầu giữa Diệp và Cao. Nếu như đất nước không có cái ngày 30/04 oan nghiệt thì đây là một mối tình có hậu. Nhưng bởi vì đất nước có cái ngày đó nên hai anh chị thay vì hẹn hò nhau thơ mộng lại mỗi lần gặp nhau là toàn bàn chuyện vượt biển tìm tự do. Tuy thế bản chất nhân bản của những người được lớn lên phía Nam vẫn không tránh khỏi nên hai anh chị cũng có những giờ phút đắm chìm trong lãng mạn

…. ” Giữa những công việc bận rộn của Cao, anh thường tìm đến tôi như một chốn nghỉ ngơi êm ả nhất… những buổi tối ngồi trên xích đu dưới giàn Huỳnh Anh chờ trăng lên bên kia cư xá nghe thoảng hương Dạ Lý từ khu vườn bên cạnh… Đêm thơm như một dòng sữa… đêm yên tĩnh lạ lùng như những đêm xưa…  “

Tôi thấy thơ phảng phất trong khung cảnh này. Được biết Thuỷ Tinh Tan Vỡ được in chung một số thơ cùng tác giả do đó không lấy gì làm ngạc nhiên khi bắt gặp ở đâu đó trong những đoạn văn có thơ

Đêm rơi vỡ những vì sao mê hoặc
Hứng trên tay buốt lạnh hạt sương buồn
Người cũng thế… chia cùng tôi ngọt đắng
Bên kia bờ còn đau đáu vết thương
(Ký Ức Tháng Tư /TNTD)

Thủy Tinh Tan Vỡ gồm 19 chương. Mỗi chương là mỗi đoạn khúc tự sinh tồn của lớp tuổi thanh niên miền Nam cuối thập niên 70 sau khi quân lính Bắc phương dùng vũ lưc chiếm đóng thành công. Tác giả đã kết thúc những đoạn khúc đó ở chương thứ 19 đầy bi thương sau khi chuyến đi cuối của Cao lại thêm một lần thất bại và đánh đổi bằng sinh mạng của mình

Nhưng không còn một nguy hiểm nào đe dọa tôi được nữa… Tôi đã chia chung với anh những giờ hạnh phúc và tôi phải chịu chung cùng anh cả những phút nguy nan… Tôi không để ý đến hai chân không vấp vào những cạnh đá xanh rướm máu, Tôi không còn sức để chạy nên lết đến bên anh, một tên du kích quay lại khóa chặt tay tôi

Trong cuộc sống của mỗi một chúng ta, ngoài tình yêu nam nữ ra còn có nhiều thứ tình bao dung hơn mà nếu chữ tình đó đem thả xuống dòng nước thì sẽ bị nước cuốn trôi đi. Nếu khắc trên trời xanh thì một ngày nào đó sẽ có những chòm mây bay ngang qua che khuất. Nếu khắc lên hy vọng thì sẽ bị chông gai gập ghềnh trong cuộc sống cản ngăn trắc trở. Chỉ có khắc lên trái tim thì chữ tình kia mới sẽ cùng ta vĩnh cửu. Tôi tin rằng trong trái tim của Diệp hình bóng người con trai tên Cao đã hằn chung cùng với những tháng ngày sẻ chia hoạn nạn. Hai người đó vừa là bạn, vừa là anh em, vừa là tri kỷ, vừa là tri âm và cũng vừa là được hiện hữu để dành cho nhau hai trái tim cùng chung nhịp đập.

Và tôi suốt đời chẳng lẽ
Làm con ốc nhỏ chơi rong
Mà ôm trong lòng tiếng sóng
Ôm trong lòng cả đại dương…
(Tự Tình Với Biển /TNTD)

Hy vọng là một viên thần dược mà trên căn bản nó không hề tồn tại, nhưng điều thần kỳ là mọi người đều tin vào nó.  Tôi cũng tin vào nó. Bạn biết sao không? Tại vì mọi người đều muốn có một khát khao mãnh liệt tin vào một điều gì cho dù không thay đổi được lịch sử nhưng ít nhất cũng không để kẻ ác lợi dụng sự sai lầm của lịch sử thay đổi mình. Tôi tin Tôn Nữ Thu Dung cũng như tôi tin vào viên thần dược diệu kỳ kia cho dù không tồn tại. Bởi có niềm tin nên Thuỷ Tinh Tan Vỡ đã ra đời.  Tôi cũng tin rằng lớp thế hệ sau cuộc chiến hiểu được những điều mà tác giả gửi trong tác phẩm vì đó là sự thật trong một giai đoạn lịch sử. Lịch sử có thể sai nhưng sự thật không ai có quyền che đậy. Bởi đó là khát vọng

Và cuối cùng tôi xin dùng một đoạn văn và một đoạn thơ của chính tác giả để nói về Thuỷ Tinh Tan Vỡ mà Tôn Nữ Thu Dung, cô nhà văn nhà thơ chung thành phố biển Nha Trang đã ưu ái dành cho tôi đọc khi còn trong bản thảo

…Tôi vuột khỏi tay Sư bà, chạy vội theo anh, tôi sẽ ngã vào tay anh, tôi sẽ úp mặt vào ngực anh thơm mùi khói thuốc, tôi sẽ nói: Cao ơi, cho Diệp theo anh, cho Diệp đi với mà anh!

 

Khi không thể chia cùng nhau khổ nạn
Thắp cho người ngọn nến cháy rưng rưng
Từng giọt nến rơi vào đêm tan nát
Mái hiên khuya- gió tạt…
buốt căn phần
(Vọng Âm Buồn /TNTD)

New Orleans tháng 5/2019

Quan Dương

Advertisement

CÀ PHÊ ĐẮNG

Ta với nhớ ngồi thu lu một góc
Phin cà phê nằm khóc trên mặt bàn
Giọt nước mắt đen thùi rơi xuống tách
Nắng hạ về đứng đợi ở ngoài sân

Rằng tất cả đang cùng ta thinh lặng
Để tiễn đưa lần cuối những cuộc tình
Nếu khói thuốc không cựa mình chuyển động
Tưởng cơ hồ ngày đã nhuốm hoàng hôn

Trưa lặng lẽ thời gian như dừng lại
Không chiêm bao vẫn thấy em hiện về
Đang ngồi đó . Tách cà phê đắng nghét
Cái gạt tàn còn vương lại nhúm tro

Người yêu dấu giá như hồi đó đó
Đừng xả thân làm con cá cắn mồi
Thì cái gã câu tình kia đâu phải
Thóp tim mình treo ngược móc lưỡi câu

Kể từ buổi thất tình lần không nhớ
Thề lần này cương quyết không yêu thêm
Bao kinh nghiệm khổ đau chừng đã đủ
Làm hành trang mang tận cuối trời quên

Quan Dương

VIẾT VỀ ANH NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Hôm nay là ngày giỗ 4 năm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Anh Phạm Tín An Ninh gợi ý tôi viết một điều gì đó cho Đặc san Võ Tánh Nữ trung Học Nha Trang của năm 2015 để tưởng niệm cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cũng là một cựu học sinh Võ Tánh Nha Trang năm xưa . Điều tưởng rằng đơn giản kia nhưng khi ngồi xuống để lắng nghe dòng cảm xúc thì lại khó khăn , bởi vì anh Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam thời đương đại . Có quá nhiều bạn bè trong giới văn thơ hải ngoại cũng như trong nước viết về anh ấy . Dùng ngôn ngữ để bày tỏ sự thương mến của mình dành cho anh ấy e rằng không đủ ngôn từ và cũng dễ trùng lấp vào những bài viết khác

Anh Nguyễn Xuân Hoàng mất cũng đã tròn 4 năm . Mộ của anh chắc giờ cũng đã xanh cỏ . Tháng 5 năm 2014 khi nghe anh Song Thao báo tin anh Nguyễn Xuân Hoàng bị vướng vào một căn bệnh hiểm nghèo mà sự sống có thể đếm được từng tuần thậm chí từng ngày làm tôi bàng hoàng và bất ngờ quá sức . Mới năm 2012 đây thôi nhân một chuyến đi Cali đến tham dự chương trình âm nhạc những sáng tác mới tại Le Petit Trianon Theatre, San Jose tôi còn gặp anh Hoàng và chị Vy tươi rói và khoẻ mạnh . Lần không hẹn nhưng tình cờ gặp lại đó anh tỏ ra mừng rỡ thân tình . Nhớ lại lần đầu tiên tôi còn chân ướt chân ráo từ New Orleans bay lên San Jose được anh đón tiếp cũng y như vậỵ . Anh dư biết tôi là dân nhà quê lên tỉnh, để tránh cho tôi khỏi bỡ ngỡ , anh đã ân cần chu đáo như thể là anh từng quen biết tôi từ thời lâu lơ lâu lắc . Ngay lần đó tôi đâm ra cảm mến và cả nễ . Anh Nguyễn Xuân Hoàng là vậy , lúc nào cũng niềm nỡ nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy trong cuộc sống của anh có rất nhiều bạn bè thương mến . Với tôi anh Hoàng đặc biệt hơn người khác vì gốc gác của anh là dân Ninh Hòa , địa danh này cũng chính là nơi tôi được sinh ra và lớn lên . Anh cũng là cựu học sinh Trường Võ Tánh Nha Trang thời trung học , đó cũng là ngôi trường cuối cùng của tôi trước khi bỏ lại giữa đời chiếc áo trắng quần xanh để khoác vào người chiếc áo nhà binh . Suy ra giữa tôi và anh Nguyễn Xuân Hoàng là người cùng quê quán và học cùng một trường dù anh ra đời trước tôi gần một thế hệ . Nếu tính thế hệ thì tôi là học trò của anh . May mắn cho tôi là quen biết anh như giữa hai người cầm bút khi anh phụ trách chủ bút cho tạp chí Văn tại hải ngoại mà tôi là người cộng tác nên được anh xem là bạn văn .

Từ ngày được qua Mỹ định cư muộn màng , tôi kiếm sống bằng nghề công nhân . Tôi làm việc bằng tay chân cho một hãng xưởng đóng tàu , do đó công việc viết lách phải dùng đầu óc đối với tôi không phải là một công việc dễ dàng . Tôi hiểu điều đó bằng kiến thức vô cùng hạn hẹp của mình . Nhưng tôi thích thơ văn , đôi lúc rảnh rang không biết làm gì tôi cũng tập tành viết lách với mục đích giải tỏa bớt những suy nghĩ lan man thỉnh thoảng mắc míu trong cảm xúc của mình . Nhờ anh, tôi làm quen với tạp chí Văn , tôi có thêm nhiều bằng hữu, bạn bè dể thương mà trước đó tôi không hề nghĩ đến . Những lần nói chuyện qua phone với anh, anh luôn tạo cho tôi một cảm giác an tâm và thân thiện . Giọng nói của anh hiền lành từ tốn pha chất tếu của người Nha Trang . Anh luôn tỏ ra lạc quan và bình thản dù đôi khi trên con đường anh đi gặp phải không ít tiếng chì tiếng bấc của những người không cảm hiểu được anh . Với tôi anh là một người khiêm cung dạt dào tình cảm .

Trên một võ đài hai võ sĩ cùng múa may quay cuồng cố tung cho nhau những cú đấm rất là hung hăng , khán giả vỗ tay rầm rầm khen ngợi khiến ta có cảm tưởng hai võ sĩ đó đều là cao thủ mà tất cả ngón nghề trong thiên hạ đều nằm trong tầm tay của họ . Nhưng một võ sư không làm thế . Một võ sư chỉ ngồi im lặng quan sát . Anh Nguyễn Xuân Hoàng đối với tôi là một võ sư . Ngay cả những ngày tháng này có thể gọi là từng những giây phút còn lại trên đời này , anh vẫn lạc quan để đón nhận . Nhìn nét mặt anh bình thản qua những tấm hình chụp trên giường bệnh không ai nói rằng đó là một người sợ phải ra đi . Tôi chưa bao giờ được chết cho nên không có kinh nghiệm nói về điều đó, nhưng tôi đã từng được sống và trên thế gian này nếu sống chỉ là một sinh hoạt theo nhu cầu ngày hai buổi và cứ thế tiếp diễn đến ngày nằm xuống gọi là cái chết thì sống và chết có gì khác nhau ? Vì thế cái chết chưa chắc hẳn đã là điều phải sợ

Nghe tin anh bệnh nan y trong khi vì công việc kiếm cơm tôi phải theo chiếc hộ tống hạm LPD 25 ra khơi trong vùng vịnh Mexico một tuần lễ để thử trước khi giao nó lại cho Hải quân vì đã hoàn tất . Chiếc chiến hạm này mà một số sắt dùng để đóng nó được lấy từ chiếc máy bay United Airlines Flight 93 bị khủng bố khống chế rơi ở Pennsylvania nhân sự kiện 9/11/2001 . Khi ra đến hải phận quốc tế mọi tín hiệu sẽ nằm ngoài vùng phủ sóng . Như vậy có nghĩa là tôi không có phương tiện để liên lạc được với bạn bè trong bờ để biết tin tức về anh .

Những ngày lênh đênh trên biển theo con tàu , mình tôi giũa biển trời mây nước bao la, trong tận cùng của một tia hy vọng nhỏ nhoi tôi cầu nguyện Phật trời sẽ ban cho anh một nhiệm mầu . Đó là diều duy nhất tôi có thể làm được cho anh . Nhưng điều nhiệm mầu đó đã không xảy ra . Ngày 13/09/2014 anh đã ra đi để lại bao tiếc thương cho bạn bè và gia đình . Tội nghiệp cho chị Vy vốn là người yếu đuối , bệnh hoạn trường kỳ luôn tựa vào vai anh . Trên Facebook có thể gặp chị Vy hằng ngày nhưng ít khi thấy chị được khoẻ mạnh . Hầu như lúc nào cũng thấy chị online khi nằm trong bệnh viện . Trong cuộc sống bạn có thể quên đi những từng cùng nhau vui vẻ , nhưng bạn không thể bao giờ quên được những từng khóc cùng nhau . Chị Vy là người đã những từng khóc cùng nhau với anh Nguyễn Xuân Hoàng . Còn tôi và những ai thương mến anh thì dù sao cũng chỉ là người từng cùng nhau vui vẻ

Vào một ngày nào đó thời gian sẽ nguôi ngoai vào quên lãng mọi thứ , nhưng những gì anh để lại cho văn học Việt Nam mãi mãi sinh tồn . Cũng như tình cảm tôi dành cho anh không phải là một công tắc điện muốn bật là bật muốn tắt là tắt . Tình cảm khi đã bật lên rồi thì khó mà tắt được . Anh như một người anh lớn đã có cùng tôi nhiều kỷ niệm . Chắc chắn một điều mỗi khi tối trời bước vào căn nhà thơ văn đầy bóng tối , tôi chỉ bật mở công tắc ra thì anh lại trở về .

Quan Dương

Trong hình trái qua phải : anh Nguyễn Đình Toàn – cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng – Quan Dương – Lê Thu Ba – cố nhà thơ Cao Đông Khánh – nhà văn Phạm Ngũ Yên

KỂ CHUYỆN VỀ MÁ TÔI

 

Khi quân Bắc vào cào xé miền Nam
Má mắc u lòng lên đôi vai gánh
Bảy thằng con trai, năm thằng là lính
Lần lượt vô tù bỏ má héo khô

Gió tụ đông về lạnh nhíu bờ da
Đỏ mắt má mòn chậm dòng lệ khổ
Năm thằng con trai, chiến tranh năm ngã
Khi đi ở tù, năm đứa năm nơi

Má xẻ làm năm giọt lệ già nua
Má trải chia đều ba miền đất nước
Những giọt già nua quặn từng khúc ruột
Má tưới thân gầy lên con mong manh

Tóc má trắng dày theo cuộc điêu linh
Núm ruột má mang làn dao ai cắt
Khi tôi ra tù lăn thân cầu thực
Bỏ má đoạn đành bỏ nước mà đi

Má nuốt ngậm ngùi má hiểu vì đâu
Thằng con cam lòng làm chim xa tổ
Má gầy hom như ngọn đèn trước gió
Nuối đợi thằng con, gượng lắt leo vàng

Thằng con thất thời trôi giạt tha phương
Bì bõm xăn quần lội dòng cơm áo
Vũng nước phù trầm rẽ năm, rẽ bảy
Cắn xé lòng đời lội mãi không qua

Để giọt má buồn buổi con đi xa
Ngập cả hồn con chuỗi ngày lưu xứ
Đất lạ quê xa cuối đời thấm hiểu
Hình bóng má giờ đã mất còn đâu

Quan Dương

LÝ SỰ ĐI VÀ VỀ

 

 

Sau 25 năm ta về từ chỗ ta đi
Nơi ta đi giờ không còn về đến
Nếu ai hỏi nơi nào quê hương của bạn
Xin trả lời quê hương là nơi này

Như vậy thì phải xét lại câu thơ
” Quê hương mỗi người chỉ một ”
câu thơ của một nhà thơ trong nước
“Ai không hiểu không lớn nổi thành người”

Ta nghĩ thầm có đúng vậy không đây
Việt Nam ở bên kia nửa vòng trái đất
Khi ta chết xác thân này sẽ lấp
Đất Mỹ này là nơi ta vùi xương

Nơi cuối đời đó chính là quê hương
Nếu nói một chưa chắc rằng đã đúng
Lịch sử sai lầm bởi từ thiên mệnh
Biết bao người quê hương trở thành hai

Giờ quay sang bàn luận chuyện đúng sai
Giữa hai chữ đi và về nhập nhằng chưa rõ
Mấy người bạn nhiều khi hỏi nhỏ
Khi nào thì ông về Việt Nam

Nhà cửa ta trên đất Mỹ rõ ràng
Hỏi ngược ngạo muốn vặn cho trẹo họng
Nhớ uốn lưỡi để hỏi sao cho đúng
Đi Việt Nam không thể gọi là về

Nói rõ hơn nơi đó giờ đã xa
Kể từ lúc chúng tràn vào cướp đất
Nơi không có nhà nên gọi về là trật
Hiểu đúng hơn phải nói là đi

Ai cũng biết quê hương là nơi có nhà
Là nơi mỗi lần chân gối mỏi
Là mái ấm chở che ta quay lại
Là vòng tay ôm chặt lúc ta về

Nói lòng vòng chỉ tóm lại một câu
Đi Việt Nam mà nói về sai bét
Lý sư kiểu này sẽ có nhiều kẻ ghét
Nhưng đâu có lý nào em lại hiểu không ra

11/04/2018
Quan Dương

KỂ LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH HỒI ĐÓ

 

Ngày xưa có hai đứa bé sống ở ven sông
Thường ra ngồi nhìn lục bình trôi trên mặt nước
Con bé muốn thằng nhóc vớt cho bằng được…
Những đám lục bình tim tím để làm vòng hoa

Thằng nhóc dại khờ kết vương miện cô dâu
Đâu biết hoa sẽ tàn sau khi rời thân nước
Con bé dỗi hờn
Dậm chân muốn khóc
Rồi vứt vòng hoa trả lại dòng sông

Thời gian trôi.
Hai đứa cùng lớn khôn
Người con trai lên đường.
Quê hương sa vào tay gìặc
Cô gái mỗi chiều nhìn theo con nước
Dõi mắt trông tìm vòng hoa tím
Ngày xưa
Cho dẫu cuộc đời chỉ là giấc nam kha
Nhưng cũng đủ đã tím trôi từ đó

Năm 2000. Khi lái xe băng qua xa lộ
Gã đàn ông giật mình khi bắt gặp màu hoa xưa
Gã tấp vào lề, lội xuống nước vớt được vòng hoa
Ứa nước mắt nhìn về phương trời xa
Lặng lẽ …

Người cảnh sát không cùng màu da hú còi ngừng lại
Rất thản nhiên phạt gã một ticket màu vàng
(cái tội cản trở lưu thông)…

Quan Dương

LỤC BÌNH HẠ UYÊN

 

Giữa màu trăng sáng trong hồn gió
Con đợi ba về hạ uyên nguyên
Bao năm biệt xứ sầu không ngớt
đau nhói lòng theo mỗi khúc đường

Từ lúc quê nhà cơn bão rớt
Ba đã không về vuốt mắt con
Từng nhát búa gào lên khẩn thiết
trên nắp quan tài tiếng đinh rên

Ba đã đoạn trường không trở lại
Cho trọn tình con dẫu một lần
Hai tay ba bẻ đôi giọt lệ
lời thơ ụa máu sau chấn song

lời thơ ba viết là di chúc
vọng mãi đời sau tiếng búa buồn
Còn lại thời gian là nỗi nhớ
theo ba đi hết quãng đời còn.

QUAN DƯƠNG

NGẬM NGÙI

 

Chiếc xe đò rùng mình nín thở
Quẳng xuống đường một nhúm xương khô
Gã lính ngụy lưu đày ngơ ngác
Chưa dám tin mình đã trở về

Gã băng qua mùa đông vào phố
Nắng loe hoe đọng ngã ba đường
Chiều ngủ vùi trên manh áo vá
Có con chim cất tiếng chào buồn

Dãy bạc hà ngang Trần Bình Trọng
gió thều thào lúc gã đi qua
Vàng thiêm thiếp thẫn thờ lá đợi
Chút mong manh xuân ấm chợt về

Chiếc cầu Trạm tuổi thơ đánh rớt
Ðám lục bình khóc ướt dòng sông
Còn sót lại chút gì ký ức?
đường cắt ngang như nhát dao buồn

Cây trụ điện đứng nơi góc chợ
Gánh cặp loa ruột thắt gan bầm
Hát ra rả ngàn lời mị ngữ
Còn riêng mình mòn mỏi tháng năm

Gã tha thẩn mò vào xóm cũ
Người quen xưa tản lạc muôn phương
Trời lồng lộng cao không vói tới
Giẫm cuộc đời nát vụn dưới chân

Con chó già ngồi chơi trước cửa
Ngửi hơi xưa lúc lắc đuôi chào
Chiếc áo mặc tróc bươm từng mảng
Con ruồi bay quanh mũi lao xao

Người công an trông coi khu vực
Biết gã về mang súng đến thăm
Con chó nản nhắm nghiền mắt đói
Chuyện thường ngày lâu thét thành quen

QUAN DƯƠNG

NỢ MỘT ĐIỀU KHÔNG NÓI

 

Núi kết núi dáng em nằm xõa tóc
Đợi chờ ai mà năm tháng mõi mòn
Thành phớ biển cùng em trong tiềm ức
Ta nhớ mình còn có một cố hương

Cố hương với cánh chim trời bay lạc
vào hồn ta hót tiếng hót nhẹ nhàng
Chia tóc em thành hai bờ trái đất
Nửa ở bên này nửa ở Nha Trang

Nửa ở bên này dòng sông em chảy
Len êm đềm qua ngõ ngách đời ta
Có chuỗi nắng ai xâu từ ký ức
Đeo nụ hôn lên gò má trắng ngà

Có giọt biển xưa chạy vòng khoé mắt
Như bóng hoàng hôn quanh quẩn nỗi sầu
Từ New Orleans ngồi nhớ về cổ tháp
Nối nụ buồn vào mắc xích hư vô

Chiều xa xứ vàng hồn ai vật vã
Rót thời gian xuống dòng nước xanh trong
Con đường cũ hỏi khi nào trở lại
Để bao giờ biển mặn được vầng trăng

Mơ một giấc mơ về một thành phố
Cổng nhà ta xưa dĩ vãng chứa đầy
Có tiếng guốc em đi từ một buổi
Cùng lời thề ước nguyện ở đâu đây

Cuộc sống vốn có nhiều điều khác biệt
Cuộc đời ta và em chẳng giống nhau
Ta có một tuổi thơ đầy khánh kiệt
Tuổi thơ em dòng sữa ngọt ca dao

Ta trải qua thời chiến tranh khốn khổ
Thành trái cây lột vỏ vứt ngoài đường
Em là giọt sương bón ta nhú rễ
Nứt xuân thì trên cuối biển đầu non

Rừng hành quân xưa mùa này sim nở
Nghe bên tai tiếng bìm bịp kêu chiều
Nỗi thấm đó giải thích sao em hiểu
Dĩ vãng của ta buồn như tương lai

Mưa xuống núi trôi Nha Trang ra biển
Xưa bày em môn đánh lưới ái tình
Tay lớ ngớ bủa ra ngoài vô vọng
Mõi mắt trông vời đã mấy mươi năm

Ta mắc nợ em một điều không nói
Cuộc sống khiến ta phá sản ngôn từ
Đêm chắc lưỡi tiếng thạch sùng quá khứ
Nếu có luân hồi xin hẹn kiếp sau

Quan Dương

BAO NHIÊU NĂM RỒI

 

Bao nhiêu năm rồi má có bao giờ vui ?
Kể từ khi Bắc Nam hai miền thống nhất
Tháng tư này ở phương trời xa lắc
Có một người ngồi vọng nhớ cố hương

Bao nhiêu năm rồi con sóng đại dương
Vẫn chưa trả thằng con mất nước
Để má với tuổi già đơn độc
Quặn từng ngày mang nặng đẻ đau

Có một ngày vào cuối tháng tư
Má yên giấc nghe giữa miền đất lạnh
Tiếng thở nhẹ của một loài cây cỏ muộn
Đưa bình yên theo gió thoảng đưa xa

Biết bao giờ con trở lại quê xưa
Bên mộ má cô đơn quá thể
Kẻ chiến thắng với tiếng cười ngạo nghễ
Vọng mãi trong con một nhát dao buồn

Lũ cai thầu mị ngữ nhân danh
một chủ nghĩa làm đau lòng giấy trắng
Làn roi thù cướp luôn giọt nắng
Trùm bóng đêm vô tận lên non

Biết bao giờ tìm lại được vầng trang
của thuở thơ ấu còn vòng tay má
Đã lâu rồi một dòng sông chảy nhẹ
đợi con thuyền lắng tiếng hò đưa

Tháng tư này con lại viết bài thơ
Sau bao nhiêu năm nước mình đã mất
Con biết má chưa bao giờ nhắm mắt
Bởi con không về từ buổi má đi xa

Quan Duong