Hôm nay là ngày giỗ 4 năm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
Anh Phạm Tín An Ninh gợi ý tôi viết một điều gì đó cho Đặc san Võ Tánh Nữ trung Học Nha Trang của năm 2015 để tưởng niệm cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cũng là một cựu học sinh Võ Tánh Nha Trang năm xưa . Điều tưởng rằng đơn giản kia nhưng khi ngồi xuống để lắng nghe dòng cảm xúc thì lại khó khăn , bởi vì anh Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam thời đương đại . Có quá nhiều bạn bè trong giới văn thơ hải ngoại cũng như trong nước viết về anh ấy . Dùng ngôn ngữ để bày tỏ sự thương mến của mình dành cho anh ấy e rằng không đủ ngôn từ và cũng dễ trùng lấp vào những bài viết khác
Anh Nguyễn Xuân Hoàng mất cũng đã tròn 4 năm . Mộ của anh chắc giờ cũng đã xanh cỏ . Tháng 5 năm 2014 khi nghe anh Song Thao báo tin anh Nguyễn Xuân Hoàng bị vướng vào một căn bệnh hiểm nghèo mà sự sống có thể đếm được từng tuần thậm chí từng ngày làm tôi bàng hoàng và bất ngờ quá sức . Mới năm 2012 đây thôi nhân một chuyến đi Cali đến tham dự chương trình âm nhạc những sáng tác mới tại Le Petit Trianon Theatre, San Jose tôi còn gặp anh Hoàng và chị Vy tươi rói và khoẻ mạnh . Lần không hẹn nhưng tình cờ gặp lại đó anh tỏ ra mừng rỡ thân tình . Nhớ lại lần đầu tiên tôi còn chân ướt chân ráo từ New Orleans bay lên San Jose được anh đón tiếp cũng y như vậỵ . Anh dư biết tôi là dân nhà quê lên tỉnh, để tránh cho tôi khỏi bỡ ngỡ , anh đã ân cần chu đáo như thể là anh từng quen biết tôi từ thời lâu lơ lâu lắc . Ngay lần đó tôi đâm ra cảm mến và cả nễ . Anh Nguyễn Xuân Hoàng là vậy , lúc nào cũng niềm nỡ nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy trong cuộc sống của anh có rất nhiều bạn bè thương mến . Với tôi anh Hoàng đặc biệt hơn người khác vì gốc gác của anh là dân Ninh Hòa , địa danh này cũng chính là nơi tôi được sinh ra và lớn lên . Anh cũng là cựu học sinh Trường Võ Tánh Nha Trang thời trung học , đó cũng là ngôi trường cuối cùng của tôi trước khi bỏ lại giữa đời chiếc áo trắng quần xanh để khoác vào người chiếc áo nhà binh . Suy ra giữa tôi và anh Nguyễn Xuân Hoàng là người cùng quê quán và học cùng một trường dù anh ra đời trước tôi gần một thế hệ . Nếu tính thế hệ thì tôi là học trò của anh . May mắn cho tôi là quen biết anh như giữa hai người cầm bút khi anh phụ trách chủ bút cho tạp chí Văn tại hải ngoại mà tôi là người cộng tác nên được anh xem là bạn văn .
Từ ngày được qua Mỹ định cư muộn màng , tôi kiếm sống bằng nghề công nhân . Tôi làm việc bằng tay chân cho một hãng xưởng đóng tàu , do đó công việc viết lách phải dùng đầu óc đối với tôi không phải là một công việc dễ dàng . Tôi hiểu điều đó bằng kiến thức vô cùng hạn hẹp của mình . Nhưng tôi thích thơ văn , đôi lúc rảnh rang không biết làm gì tôi cũng tập tành viết lách với mục đích giải tỏa bớt những suy nghĩ lan man thỉnh thoảng mắc míu trong cảm xúc của mình . Nhờ anh, tôi làm quen với tạp chí Văn , tôi có thêm nhiều bằng hữu, bạn bè dể thương mà trước đó tôi không hề nghĩ đến . Những lần nói chuyện qua phone với anh, anh luôn tạo cho tôi một cảm giác an tâm và thân thiện . Giọng nói của anh hiền lành từ tốn pha chất tếu của người Nha Trang . Anh luôn tỏ ra lạc quan và bình thản dù đôi khi trên con đường anh đi gặp phải không ít tiếng chì tiếng bấc của những người không cảm hiểu được anh . Với tôi anh là một người khiêm cung dạt dào tình cảm .
Trên một võ đài hai võ sĩ cùng múa may quay cuồng cố tung cho nhau những cú đấm rất là hung hăng , khán giả vỗ tay rầm rầm khen ngợi khiến ta có cảm tưởng hai võ sĩ đó đều là cao thủ mà tất cả ngón nghề trong thiên hạ đều nằm trong tầm tay của họ . Nhưng một võ sư không làm thế . Một võ sư chỉ ngồi im lặng quan sát . Anh Nguyễn Xuân Hoàng đối với tôi là một võ sư . Ngay cả những ngày tháng này có thể gọi là từng những giây phút còn lại trên đời này , anh vẫn lạc quan để đón nhận . Nhìn nét mặt anh bình thản qua những tấm hình chụp trên giường bệnh không ai nói rằng đó là một người sợ phải ra đi . Tôi chưa bao giờ được chết cho nên không có kinh nghiệm nói về điều đó, nhưng tôi đã từng được sống và trên thế gian này nếu sống chỉ là một sinh hoạt theo nhu cầu ngày hai buổi và cứ thế tiếp diễn đến ngày nằm xuống gọi là cái chết thì sống và chết có gì khác nhau ? Vì thế cái chết chưa chắc hẳn đã là điều phải sợ
Nghe tin anh bệnh nan y trong khi vì công việc kiếm cơm tôi phải theo chiếc hộ tống hạm LPD 25 ra khơi trong vùng vịnh Mexico một tuần lễ để thử trước khi giao nó lại cho Hải quân vì đã hoàn tất . Chiếc chiến hạm này mà một số sắt dùng để đóng nó được lấy từ chiếc máy bay United Airlines Flight 93 bị khủng bố khống chế rơi ở Pennsylvania nhân sự kiện 9/11/2001 . Khi ra đến hải phận quốc tế mọi tín hiệu sẽ nằm ngoài vùng phủ sóng . Như vậy có nghĩa là tôi không có phương tiện để liên lạc được với bạn bè trong bờ để biết tin tức về anh .
Những ngày lênh đênh trên biển theo con tàu , mình tôi giũa biển trời mây nước bao la, trong tận cùng của một tia hy vọng nhỏ nhoi tôi cầu nguyện Phật trời sẽ ban cho anh một nhiệm mầu . Đó là diều duy nhất tôi có thể làm được cho anh . Nhưng điều nhiệm mầu đó đã không xảy ra . Ngày 13/09/2014 anh đã ra đi để lại bao tiếc thương cho bạn bè và gia đình . Tội nghiệp cho chị Vy vốn là người yếu đuối , bệnh hoạn trường kỳ luôn tựa vào vai anh . Trên Facebook có thể gặp chị Vy hằng ngày nhưng ít khi thấy chị được khoẻ mạnh . Hầu như lúc nào cũng thấy chị online khi nằm trong bệnh viện . Trong cuộc sống bạn có thể quên đi những từng cùng nhau vui vẻ , nhưng bạn không thể bao giờ quên được những từng khóc cùng nhau . Chị Vy là người đã những từng khóc cùng nhau với anh Nguyễn Xuân Hoàng . Còn tôi và những ai thương mến anh thì dù sao cũng chỉ là người từng cùng nhau vui vẻ
Vào một ngày nào đó thời gian sẽ nguôi ngoai vào quên lãng mọi thứ , nhưng những gì anh để lại cho văn học Việt Nam mãi mãi sinh tồn . Cũng như tình cảm tôi dành cho anh không phải là một công tắc điện muốn bật là bật muốn tắt là tắt . Tình cảm khi đã bật lên rồi thì khó mà tắt được . Anh như một người anh lớn đã có cùng tôi nhiều kỷ niệm . Chắc chắn một điều mỗi khi tối trời bước vào căn nhà thơ văn đầy bóng tối , tôi chỉ bật mở công tắc ra thì anh lại trở về .
Quan Dương
Trong hình trái qua phải : anh Nguyễn Đình Toàn – cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng – Quan Dương – Lê Thu Ba – cố nhà thơ Cao Đông Khánh – nhà văn Phạm Ngũ Yên
Nguyễn Xuân Hoàng anh đây sao?
”Đường xưa hoa Sữa đi vào kỹ niệm…
Gió mang hơi thở dịu êm.
Mùi hoa hương sắc nhớ tình người xa…”
…Lời Văn không quên đọc qua…
Cả tên tác giả rất là Mùa Xuân.
Ấm áp tình cảm nhẹ nhàng.
Văn phong luôn thế thâm trầm sâu kín.
….Lời như tự sự trần tình….
Nghe như một trời hoài niệm nhớ xưa.
Dù chỉ đoản văn nho nhỏ.
Cũng gây cảm xúc”Văn như Người đây!”