DẠO KHÚC 35

trận đánh bi thương diễn ra
dưới chân pho tượng mỉm cười
bao nhiêu máu chảy
bao nhiêu xương phơi
bao nhiêu người vĩnh biệt người

trận đánh hoàng hôn tung bay cát bụi chân đồi
bao nhiêu hoa rụng
vào chốn tàn phai
là bao vẻ đẹp qua đời

trận đánh mê say diễn ra giữa lưng chừng trời
bao nhiêu đau xót
bao nhiêu ngậm ngùi
để hồn mây trắng tả tơi

nhưng tất cả muôn nghìn trận đánh
vẫn hằng diễn ra giữa con người với con người
cũng không sao bằng trận đánh
âm thầm trong cõi lòng tôi

NGUYỄN QUANG TẤN

Advertisement

DẠO KHÚC 46

con dế nhỏ- chiếc đàn và những vì sao
hoa thơm ngát hồn thơ ấu
ngày nào
lối về bằn bặt khép
còn gì để nói nữa đâu…

tôi kể rằng tôi đã theo sau đám tang
một con dế nhỏ
không gian vỡ đổ tiếng đàn
nghìn sao mắt lệ
êm đềm hoa rụng chẳng lời than.

tôi kể rằng tôi đã đứng rất lâu dưới trời cao rộng
đợi hồi chuông mở lối tới vô cùng
này bàn tay đã cho đời tháng năm nằm mộng
còn gì tôi nói nữa không?

Nguyễn Quang Tấn

Dạo Khúc 40

Tôi sẽ không nói với ai về nỗi buồn này
Cho dù đêm nay trầm hương đã cháy
Và linh hồn ướt đẫm rượu say…

Tôi sẽ không nói với ai
Về những gì tôi đã nhìn thấy
Sau chuyến viễn du dài
Tới miền xa khơi
Mắt xưa vời vợi
Không lời…

Tôi không để cho ai nhặt được
Bông hoa úa tàn
Kẻ nào để lại
Trong lòng dĩ vãng
Dĩ vãng nào cũng đẹp như vàng…

Tôi sẽ không kể cho ai nghe chuyện tình dị kỳ
Công chúa Bạch Vân và tài hoa thi sĩ
Dù biết rằng bầy ma và lũ quỉ
Chẳng bao giờ lấy được mối tình đi

Tôi không cho ai nghe tiếng khóc lạc loài
Của con nai rất nhỏ – rất thơ ngây
Đêm qua lạc mẹ
Xa bầy…
Rừng thiên thai lửa cháy ngập trời…

Đêm nay trầm hương tan nát khói
Chén rượu này tôi uống chỉ mình tôi

Nguyễn Quang Tấn

DẠO KHÚC

xin hãy gọi tôi về bên em
trong đêm tơi tả
trong gió cuồng điên
khi máu xương khổ đau tìm đến
hãy gọi tôi bằng tiếng gọi mẹ hiền.

xin hãy gọi tôi về bên em
này bàn tay ấm
này mắt trời xanh
để những cánh rừng đào chết lạnh
sẽ đơm hoa kết trái đầy cành.

xin hãy gọi tôi về bên em
dù đường xa từng bước tật nguyền
dù đường xa ngăn dòng sông lớn
đôi mắt em là bóng con thuyền.

đêm còn tơi tả
gió vẫn cuồng điên …

Nguyễn Quang Tấn

DẠO KHÚC

 

chỉ có thiên thần hiểu tôi yêu thương ra sao
chỉ có quỷ ma hiểu tôi hận thù thế nào
nhưng một vài con đom đóm
sẽ không bao giờ hiểu được ánh sáng trăng sao
và một giọt nước cũng không bao giờ hiểu được
trùng dương
sóng
gió
dạt dào …

chỉ có dòng sông biết số phận rong bèo
chỉ có không gian biết tình mất về đâu
nhưng em chẳng bao giờ em biết
linh hồn tôi đốt lửa đêm thâu.

phải đứng trên đỉnh cao ta mới nhìn thấy vực sâu
phải lặng yên mới nghe được tiếng gió gào
nhưng trong cõi nhân gian nào mấy kẻ
nghe những lời ta nói với nhau.

chỉ có anh hôn bức tường in bóng dáng em
chỉ có em tràn đầy trong trí nhớ anh
xin đừng hỏi ai là người duy nhất
gọi em – mây trắng vô danh.

Nguyễn Quang Tấn

DẠO KHÚC 9

Tôi không còn đồng bạc nào
đặt lên bàn tay
người bạn ăn mày
ngoài chút ảo mộng
với chút tình phai…

Tôi không còn hạt lúa nào
cho cánh chim đói khổ
bay về đây từ chốn xa xôi
bay về đây chờ đợi
bay về đậu trước túp lều tôi.

Sương lạnh đầy trời
xin vào sưởi ấm
này cánh chim đói khổ
ăn mày lạc loài.

Ta đốt ảo mộng
thắp sáng tình phai…

Nguyễn Quang Tấn

Nguyễn Bính – Yêu quá mất rồi

 

 

nguyen_binh_2

Thi sĩ Nguyễn Bính (1918-1966)

 

Những người sáng tác, và cả những nhạc công đều đồng ý với nhau: Kỹ thuật càng phức tạp, thì tính biểu cảm của tác phẩm càng bị giới hạn. Tư tưởng, tình cảm của người sáng tạo thì bát ngát mà cứ phải co cụm trong cái rọ của những khuôn này phép nọ, niêm với luật, vần với điệu… Vì thế, nẩy sinh ra những phá cách, phá thể. Thơ tự do ra đời có lẽ là do suy nghĩ ấy, và trường phái Hậu Hiện Đại với chủ trương: Mọi bảng cấm đều được hạ xuống, mọi ngôn từ đều bình đẳng, và nhóm Dada với khẩu hiệu ngộ nghĩnh: Những gì nghệ sĩ khạc nhổ ra đều là nghệ thuật.

Nguyễn Bính chỉ làm thơ lục bát và thất ngôn, và không những ông tuân thủ triệt để niêm luật của loại thơ này, ông còn làm khó chính ông bằng cách tự đan cho mình những cái rọ. Thử đọc một đoạn trong bài “Viếng Hồn Trinh Nữ”:

Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi
Đem đi một chiếc quan tài trắng
Và những vòng hoa trắng lạnh người
Theo bước những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi…

Nguyễn Bính ra lệnh cho chính ông: Mỗi câu đều phải dùng một từ trắng, và từ này khiến cho người đọc liên tưởng tới màu trắng của những bức tường bệnh viện, nhà xác, màu trắng của khăn liệm, màu trắng của những hàng thập tự trong nghĩa trang. Có thể nói đùa rằng đây là bài thơ không dành cho những người yếu bóng vía hoặc ghi chú: Thơ đọc vào lúc 0 giờ. Ta không biết người nằm trong áo quan là ai nhưng ta lại có cảm giác đau buồn như đang theo bước những người khăn áo trắng, đưa tiễn một người thân yêu của mình vào nơi an nghỉ sau cùng. Trong cái rọ chật hẹp như thế, Nguyễn Bính vẫn có thể tung tăng múa lượn như ở giữa một cánh đồng, hay như một cao thủ võ lâm dù bị trói nhưng vẫn thi triển được những tuyệt chiêu. Ông còn bắt mình đếm ngược:

Nhà em cách bốn ngọn đồi
Cách ba con suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em…

Em van anh đấy, anh đừng yêu em” câu này nếu đứng độc lập sẽ là một câu thơ rất “ỏn ẻn”, rất “sến” nhưng nằm trong ngữ cảnh của toàn bài, ta lại thấy nó như những tiếng đàn làm trẻ lại những tâm hồn đã già cỗi, đã khô cằn. Em nói anh đừng yêu em nhưng thật ra, em lại muốn anh hãy yêu em nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Tiếng lòng em mời gọi.

Có người hỏi nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn rằng, ngoài âm nhạc ra ông có lưu tâm đến những bộ môn nghệ thuật nào khác không, ông trả lời đại ý: “Nếu chỉ lưu tâm đến nhạc không thôi thì cái nhạc ấy không thể nào bốc lên cao được, cứ loẹt quẹt mãi ở tầng trệt.” Thật vậy, nếu một người chơi nhạc F. Chopin hoặc F. Tarrega mà không bằng tâm hồn của một nhà thơ thì sẽ chơi không đạt, không ra được cái hồn của tác phẩm. Chưa ai nghe Nguyễn Bính nói gì về hội họa, nhưng hãy xem một bức tranh của ông:

Có lần tôi thấy một mẹ già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng in bóng xuống sân ga …

Đoạn thơ không nói gì đến thời gian, nhưng ta lại thấy lúc đó trời vừa tối, sân ga vắng vừa lên đèn, ánh đèn hắt bóng người mẹ gầy gò xuống sân ga, đôi mắt già nua nhìn theo con tàu khuất ở cuối chân trời…

Và một bức tranh khác:

Sao đêm còn có đêm quên mọc
Anh chẳng đêm nào không nhớ em…
 *

Trời đêm như một tấm nhung đen gắn những hạt sao lấp lánh, trong cái huyền ảo đó, tình nhân đang nhớ tình nhân… Tình và Cảnh hòa quyện với nhau rất kỳ diệu. Trong thơ Nguyễn Bính, những hình tượng như thế nhiều lắm. Nhan nhản. Nguyễn Bính không vẽ tranh bằng cọ, và có lẽ ông cũng không am hiểu gì về hội họa, nhưng chắc chắn, ông phải có cái Tâm của một họa sĩ thì mới có thể vẽ được những bức tranh bằng chữ gây xúc động lòng người đến vậy. Những bức tranh này đôi khi nó lại chuyển động như trong một đoạn phim:

Hôm qua trên bến dưới đò
Nhìn nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm…

Người sành văn chương thì cho rằng câu cuối cùng là tài hoa, là xuất thần, nhưng người đang mang trong lòng nỗi niềm thì chỉ thấy một cánh buồm đang nhỏ dần… nhỏ dần trên sóng, nhỏ dần rồi mất hút…Cánh buồm mang đi cả một quãng đời tươi đẹp, quãng đời ta sống bên nhau. Có nhà phê bình cho rằng chỉ với bốn câu lục bát, Nguyễn Bính đã lay động được hồn người, khác với những bài thơ ngồn ngộn những chữ mà chẳng có tác dụng gì (Nguyễn Hưng Quốc).

Có người thoáng đọc Nguyễn Bính vội vã đưa ra nhận xét “Thơ như thế này thì có gì…” (Hoài Thanh – Thi nhân hiện đại). Điều này đúng. Nhìn vào một ly thủy tinh đầy nước lọc: Không có gì thật. Không đường, không muối, không phẩm màu, không vi trùng, vi khuẩn, không tạp chất, nhưng để có được một ly nước như thế, kẻ làm ra nó đã phải tốn không biết bao nhiêu công sức để xử lý, để thanh lọc. Và điều lạ lùng, cái loại nước trong veo, trong vắt không men rượu ấy lại làm ta say, làm ta vui buồn. Đọc lại một đoạn thơ quen thuộc, ai cũng biết:

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi…!

Chắc chắn là những ai lần đầu đọc bốn câu thơ này cũng phải cười, không cười ra tiếng cũng phải cười mỉm hay cười thầm. Nàng thì lượt là nhung lụa như tiểu thư con quan tể tướng. Còn mình, một gã trai làng áo rách vai, quần có hai miếng vá, làm gì mà không khổ! Đấy là những câu thơ vui, còn những câu thơ làm người ta buồn thì vô kể:

Rồi có đêm mưa nơi quán trọ
Đầu tôi lại gối cánh tay tôi
 *

Quán trọ không phải là nhà, cánh tay tôi chứ không phải cánh tay người tình, mưa đêm thì ray rứt…

Trong bài thơ “Lỡ Bước Sang Ngang”, Nguyễn Bính vào vai một người chị dặn dò em gái trước khi đi lấy chồng:

Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường đắng cay…

Đã có người phê bình: “Thơ này chỉ có đàn bà mới thích”. Nhưng thông tin dưới đây chứng tỏ là nhận định ấy sai lầm:

Vào thập niên 40 (không nhớ năm nào) Thủ tướng chính phủ Nam Kỳ Tự Trị Nguyễn văn Thinh ra thông báo: “Ai mời gọi được Nguyễn Bính, tác giả Lỡ Bước Sang Ngang về với Quốc Gia sẽ được thưởng 1000 đồng.” Rồi máy bay lượn trên bầu trời Kiên Giang, vùng Nguyễn Bính đang sống rải truyền đơn kêu gọi ông, nhưng ông vẫn gia nhập mặt trận Việt Minh chống Pháp. Khi ông gia nhập, tướng Trần Văn Trà căn dặn thuộc hạ phải đối xử với ông thật chu đáo. Nguyễn Bính không những chinh phục đàn bà mà cả đàn ông, kể cả đàn ông thủ tướng và đàn ông tướng lãnh. Với lại, chỉ chinh phục đàn bà không thôi thì đã chinh phục được nửa thế giới rồi còn gì. Có đàn ông nào mà lại không thích chinh phục đàn bà?

Sau khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính vẫn làm thơ, nhưng hình như ông không có “năng khiếu” về cái loại thơ làm theo “lệnh trên” nên những gì ông viết ra đều rất miễn cưỡng.

Cách đây nhiều thập niên, ở miền Nam Việt Nam có phong trào thơ Thiền. Một nhà thơ muốn được xem là hiện đại, trong thơ anh ta buộc phải có chất Thiền. Vì thế, những người làm thơ đều nhồi nhét cho kỳ được những thuật ngữ Phật giáo Thiền tông vào thơ của mình, cho dù, đôi khi cả tác giả lẫn độc giả đều không hiểu những thuật ngữ Phật giáo cho lắm. Đến khi phong trào thơ Thiền tàn lụi, các nhà thơ này cũng biến mất, biến không tăm tích. Còn người nặng tâm huyết với văn học nước nhà thì kêu lên cay đắng: Những mùa văn học mất trắng. (Nguyễn Hưng Quốc) Tiếp theo phong trào thơ Thiền là phong trào thơ Tráng Sĩ (tạm gọi như thế vì không biết gọi là gì). Hình như những người theo phong trào này chỉ mong sao cho tác phẩm của mình được trở thành bản sao của bài thơ “Hồ Trường”. Vì thế, trong thơ của họ đầy rẫy những từ: Uống Rượu, Múa Gươm, Kinh Kha, Sông Dịch … Tiếc một điều là sau khi đã cạn mấy Hồ Trường rồi chẳng có tráng sĩ nào dám qua sông cả.

Sau ngày 30 Tháng Tư, cùng với mốt mặc quần hở rốn, nữ sĩ viết truyện tình dục, một mốt thơ khác lại bắt đầu. Phong trào này không biết gọi là gì. Đương đại? Hiện đại? Hậu hiện đại? Các nhà thơ của phong trào này lại nỗ lực đưa vào tác phẩm của mình những thuật ngữ cùa ngành giải phẫu. Nhưng bây giờ, những từ ngữ ấy đã trở nên những sáo ngữ, đã mòn vẹt. Loại văn thơ này đã tàn mùa. Có người còn cho rằng đọc những câu thơ, câu văn có những từ này nghe còn sến, còn lạc hậu hơn cả những câu: Ngắt nụ hoa vàng biết mình đã yêu… Em đi trong mưa… mưa rơi…mưa ướt đôi vai gầy…vv… Chúng đã chung số phận với những bài thơ Thiền, thơ Tráng Sĩ: Bị Đào Thải.

Lại một mùa văn học mất trắng nữa chăng?

Nguyễn Bính cũng theo mốt. Mốt ấy là: Chỉ dùng những từ thuần Việt, ngôn ngữ đặc thù của giới quê mùa, bình dân. Khó lòng mà tìm thấy trong thơ ông những từ hàn lâm, kinh viện. Nhưng không phải cứ đi theo con đường này là sẽ thành công đâu. Nhiều người đã bị loại ra khỏi cuộc chơi lắm rồi, may mà còn sót lại được vài người như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, nhưng thành quả của các vị này cũng rất giới hạn. Nguyễn Bính vượt trội hẳn bởi vì tác phẩm của ông nhiều mầu sắc, khả năng chiếm lĩnh, chinh phục người đọc của ông rất cao. Tóm tắt: Ông là người có tài, có thực tài. Cách sử dụng ngôn ngữ bình dân của Nguyễn Bính như thế nào? Như thế này:

Lòng Mẹ

Gái nhớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không?
Nín đi mặc áo ra chào họ,
Rõ quý con tôi, các chị trông!

Ương ương, dở dở quá đi thôi,
Cô có còn thương đến chúng tôi,
Thì đứng lên nào, lau nước mắt,
Mình cô làm khổ mấy mươi người

Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương, này lược, này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai, đã kém ai?

Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái,
Nuôi dạy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả
Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương?!

Đưa con ra đến cửa buồng thôi,
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ, đêm nay mình mẹ khóc,
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi…

Suốt bài thơ chỉ là một tràng kể lể của một bà già nhà quê lắm miệng mồm, không liên quan gì đến thơ phú cả. Thế mà nó lại làm cho người ta cảm động với những câu: Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả. Nợ nần nhiều lắm, nhưng mà mẹ vẫn cố chạy ngược chạy xuôi cho con manh quần tấm áo, đôi hoa tai trong ngày cưới để được bằng chị bằng em. Và đoạn sau cùng làm ta thấm thía nỗi đau của người mẹ khi nhìn đứa con mình đứt ruột đẻ ra đi làm con người khác, không biết nơi nó đến đục trong, sướng khổ thế nào. Thật ra, chỉ có những người dân hoặc những người đã sống nhiều năm ở miền Đồng Bằng Bắc Bộ mới hiểu được trọn vẹn cái hay của bài thơ và tài năng của tác giả, một tiếng thơ đứng vững trên thi đàn hơn 70 năm.

Suy cho cùng, dù thành công hay thất bại, lưu danh hậu thế hay rơi vào quên lãng cũng chỉ vì lòng yêu thơ quá đấy thôi. Yêu lắm…

Thế nghĩa là yêu quá mất rồi! **

 

 

Nguyễn Quang Tấn

* Viết theo trí nhớ, nên có thể sai một vài từ.

** Thế nghĩa là ghen quá đấy thôi / Thế nghĩa là yêu quá mất rồi. (Ghen)

Dạo khúc 24

 

Từ cửa sổ nhìn ra nghĩa trang
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại
Kể cả những người đàn bà quên trang điểm trước giờ hấp hối
Hay những thai nhi – chưa sinh ra – đã lìa đời.

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại
Kể cả những tình nhân chết đêm vượt biển
Xác đàn ông nằm im dưới đáy
Xác đàn bà chẳng biết trôi đâu
Ngày sau sống lại – sẽ tìm nhau.

NGUYỄN QUANG TẤN

Dạo Khúc 58

Những lời hai kẻ yêu nhau chưa kịp nói với nhau
Thì ngày đã tắt
Nắng đã phai mầu
Thời gian phơi thành muối trắng
Rơi xuống vũng sâu
Biển đã mặn lại càng thêm mặn
Bầy cá ngỡ ngàng chẳng hiểu vì đâu…

Những lời em nói bên anh trong lần gặp gỡ ban đầu
Bây giờ biêng biếc ánh sao
Đêm hè xanh ngắt
Muốn rơi như nước mắt em ngày nào
Lòng anh chẳng hiểu vì đâu…

Nguyễn Quang Tấn