BÓNG ĐÊM

https://www.apu.edu/feature_images/dct/15657dl_header_image.jpg

Cơn đại dịch quét ngang bầu trời gây tai ương cho nhân loại, từ vật chất đến tinh thần. Để tránh lây lan, chính phủ các nước kêu gọi dân chúng tự giác tự cô lập ngay tại nhà. Hiện nay, một nửa dân số trên thế giới đã tự cách ly tại nhà. Nếu ra đường cần cách giãn. Bác sĩ, y tá, và các nhân viên y tế túc trực ngày đêm tại bệnh viện để cứu các nạn nhân. Con số nạn nhân bị nhiễm đã hơn một triệu, tỷ lệ tử vong là 5.5%. Các nhà khoa học bi quan tiên đoán rằng nếu không tự cô lập, nếu không có thuốc ngừa hoặc thuốc chữa, tỷ lệ lây nhiễm có thể lên đến 60% dân số thế giới; nghĩa là khoảng 4,5 tỷ người.

Bóng đêm đang bao trùm lấy nhân loại. Tuy thế, con người vùng vẫy nhưng luôn nuôi giữ niềm hy vọng.

Hai nghìn năm trước, một người đàn ông cũng vùng vẫy nhưng không hề tuyệt vọng.

Ngay cả lúc quỳ bên tảng đá trong vườn Giếtsimani để cầu nguyện, người đàn ông hầu như chìm trong nỗi tuyệt vọng. Sự cô đơn và nỗi lo sợ khủng khiếp bủa chụp lên người đến nỗi xảy ra hiện tượng hemahidrosis; khi mồ hôi đổ ra đượm màu hồng. Đây là sự kiện hiếm hoi được y học giải thích rằng sự sợ hãi cùng cực làm nứt các mạch máu và máu thấm vào tuyến mồ hôi, nên gây ra màu hồng. Hiện tượng thường xảy ra cho binh sĩ trước khi giao tranh, hoặc tử tội trước giờ hành quyết.

Bóng đêm của cô đơn và lo sợ đang vây bủa người đàn ông là Đức Giêsu. Người công giáo tôn vinh Đức Giêsu là Thiên Chúa, và Chủ nhật vừa qua toàn thể Giáo hội mừng lễ Lá, kỷ niệm ngày Đức Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem trên lưng lừa giữa muôn tiếng reo hò của dân Do-thái, trên tay họ vung vẩy cành cọ, miệng la to: “Hosanna! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.” Một nghi thức chỉ dành riêng để đón tiếp các bậc vua chúa.

Nhưng nghi thức huy hoàng chỉ kéo dài trong giây lát. Giáo dân dự lễ tay cầm cành cọ như dân Do-thái xưa, tiến vào nhà thờ (năm nay xem lễ trực tuyến nên không có cành cọ cầm tay). Vị linh mục đọc đoạn Phúc âm diễn tả khung cảnh huy hoàng khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Đoạn Phúc âm dài hơn 10 đoạn, chưa tới 200 chữ, kéo dài chừng hơn phút. Toàn bộ phần còn lại của lễ Lá dành để diễn tả cái chết đau thương và nhục nhã của Đức Giêsu.

Năm đó, Đức Giêsu khoảng chừng 33 tuổi. Một thanh niên đang ở giai đoạn sung mãn nhất của đời người. Vậy mà chỉ cần chưa đến một ngày, từ vườn Giếtsimani vào khuya đêm thứ Năm đến xế trưa ngày thứ Sáu, thân hình Đức Giêsu rách nát, tơi tả treo trần truồng trên cây thập tự với hình phạt tàn khốc nhất của đế quốc La-mã.

Đức Giêsu bị bắt vào khoảng giữa khuya đêm thứ Năm. Ngài bị dẫn đến tư dinh quan Annas, vị thượng tế già nua nhưng đầy quyền lực. Theo luật Do-thái, tòa án Sanhedrin, gồm 71 thành viên, có quyền định đoạt số phận của tội nhân. Vì thế, thầy Annas gửi lệnh truyền cấp bách đến từng nhà các thầy thượng tế, kỳ mục, và kinh sư. Tòa án Sanhedrin cần phải triệu tập gấp để quyết định số phận của Đức Giêsu.

Trong khi chờ trời sáng, bọn lính dẫn Đức Giêsu ra một góc sân. Chúng bịt mắt Đức Giêsu, và bắt đầu cười nhạo, thay phiên đấm đá thẳng tay đến mệt mới thôi. Tảng sáng, thầy cả thượng phẩm Caipha, người đứng đầu toà án Sanhedrin, chủ toạ buổi hỏi cung, và thầy nhanh chóng kết án tử hình Đức Giêsu. Vì dân Do-thái đang bị đế quốc La-mã thống trị nên mọi sự đều phải được phép quan tổng trấn Philatô, kẻ thay mặt hoàng đế Tiberius, cai quản cả ba miền Giuđêa, Samaria, và Galilê. Bà vợ quan Philatô khuyến cáo chồng không nên dính máu Đức Giêsu nên quan đẩy Ngài sang dinh quan Hêrôđê Antipas để tránh trách nhiệm. Quan Hêrôđê cười cợt và chế giễu Đức Giêsu thật chán chê rồi khoác chiếc áo choàng màu đỏ lên người Ngài, màu dành riêng cho vua chúa, với ngụ ý chế nhạo Ngài là vua dân Do-thái, và trả về dinh quan Philatô.

Tại dinh quan Philatô, Đức Giêsu bị đánh đòn, hình phạt khởi đầu trước khi đem đi xử tử.

Hai cổ tay bị treo lên đầu cột, Đức Giêsu đứng trần truồng gần như ôm lấy cột. Hai tên lính La-mã đứng chênh chếch khoảng 45 độ phía sau, làm thành một góc vuông. Tay cầm ngọn roi (flagrum) cán gỗ. Đầu cán roi gắn ba sợi dây da dài chừng 1m, bện xoắn chặt ở cuối dây, và tủa ra ba sợi ở đầu. Mỏm dây gắn nhiều viên bi sắt, bên dưới gắn thêm những mẩu xương cừu có móc. Chính móc này sẽ cấu ra một mẩu thịt khi tên lính rút roi về. Máu cứ theo đó mà chảy ra ngoài. Bi sắt có tác dụng làm chảy máu bên trong nhưng không đến nỗi làm tội nhân chết, vì phải để dành sức cho tội nhân vác thanh gỗ ngang (patibulum) đến chỗ hành hình. Với sức quật từ trên xuống, những viên bi sắt đập vỡ mạch máu chạy chằng chịt trên lưng, gây chảy máu bên trong. Thường nạn chân chỉ chịu chừng 20 roi thì ngất xỉu.

Cái cảm giác bỏng rát chạy ngang lưng từ vai đến hông khi sợi dây da vụt đi với tốc độ thật nhanh, [về sau khảo cứu cho thấy vận tốc của ngọn roi phải nhanh hơn tốc độ của âm thanh, 340m/s, nên mới tạo ra âm thanh xé gió (sonic boom)]. Những viên bi sắt đập vào lưng tạo cảm giác ê ẩm lan ra khắp cơ thể. Mẩu xương có móc cắm phập vào lưng tạo cảm giác như kim đâm nhưng khi ngọn roi được kéo về Đức Giêsu cảm thấy đau nhói. Phải mất chừng vài giây cả thân hình mới ngấm được cái đau đớn, sự bỏng rát của ngọn roi, và dịu dần đi. Nhưng sự đau đớn không có thời gian để thấm, dịu, và phai dần, vì ngọn thứ hai lại đập vào lưng ngay sau khi ngọn trước vừa thu về. Hai tên lính đứng chéo luân phiên vụt roi nên khoảng thời gian giữa hai lần roi hầu như rút ngắn lại. Nhịp nhàng và đều đặn như một màn biểu diễn của các vũ công. Thân hình Đức Giêsu vừa oằn xuống lại cong lên hứng chịu ngọn roi. Đầu, lưng, mông, và mặt sau của chân đỏ dần, hiện tượng chảy máu bên trong. Tĩnh mạch và động mạch bị dập, nứt, và vỡ. Máu ướt đẫm lưng, nhỏ từng giọt xuống sàn gạch, đỏ loang tạo thành một vũng sền sệt.

Sự đau đớn về thân xác tưởng đã chấm dứt, nhưng không, đây mới chỉ là phần giáo đầu Cuộc Thương khó của Đức Giêsu. Phần cuối, cao điểm của Cuộc Thương khó, là cái chết trần truồng treo trên thập giá. Chính cái chết đó mới nói hết sự sỉ nhục, đau đớn khôn cùng mà Đức Giêsu phải gánh chịu.

Tính ra, khi bị đóng đinh và treo trên thập giá vào lúc 9 giờ sáng (Mc 15:22-25) đến lúc trút hơi thở cuối cùng vào lúc 3 giờ chiều (Lc 23:44-46), Đức Giêsu đã trải qua 6 tiếng trong tận cùng đau đớn về thân xác. Tiếng Anh gọi những giờ cuối cùng của cuộc đời Đức Giêsu là “passion,” có gốc Latinh “passionem,” có nghĩa là “chịu đau đớn.”

Nên phân tích cái chết của Đức Giêsu dưới cái nhìn của y học, để thấy sự đau đớn trong 6 tiếng đồng hồ đến thế nào, và tự hỏi làm thế nào một con người bình thường có thể chịu đựng được một hình phạt khủng khiếp đến vậy. Tiến sĩ Cahleen Shrier, giáo sư phân khoa Sinh Hoá tại ĐH Azusa Pacific, giải thích chi tiết cái chết của Đức Giêsu cho các sinh viên ngành Sinh học, một cách học hỏi môn cơ thể học. Sau đây là cái chết được mổ xẻ qua kiến thức về cơ thể học của một nữ giáo sư chuyên ngành.

Cần biết một điều quan trọng là Đức Giêsu đang ở trong tình trạng thể chất tuyệt vời. Thân cao tầm 1,7m, nặng chừng 68kg. Vì cha nuôi là thánh Giuse làm nghề thợ mộc, Đức Giêsu đã biết lao động chân tay ngay từ thuở nhỏ. Nghề mộc cần sức lực khiêng vác, nên thân hình Đức Giêsu tuy không vạm vỡ nhưng sức lực dẻo dai. Hơn nữa, trong suốt 3 năm giảng dạy, Ngài đi bộ trên khắp ba miền Giuđêa, Samaria, và Galilê… ước chừng trên 5 nghìn km, một cách rèn luyện sức khoẻ và sức chịu đựng. Người ta nghiệm ra một điều, nếu sự tra tấn phá nát thân thể một người đàn ông có thể lực tốt như vậy thì hình phạt thật vượt quá sự hiểu biết bình thường của con người, và sức chịu đựng của Ngài thật phi thường.

Matthêu 26:36-46, Marcô 14:37-42, Luca 22:39-44

Sau lễ Vượt qua, Đức Giêsu đưa các môn đệ của Ngài đến Giếtsimani để cầu nguyện. Trong lúc cầu nguyện lo lắng về những sự kiện sắp tới, Đức Giêsu đổ mồ hôi máu. Đây là hiện tượng hemahedrosis, khi các mạch máu nuôi dưỡng các tuyến mồ hôi bị vỡ. Máu thoát ra từ các mạch trộn lẫn với mồ hôi; do đó, những giọt mồ hôi trở nên màu hồng. Tình trạng này là do sự thống khổ về tinh thần hoặc sự lo lắng cao độ, một trạng thái mà Đức Giêsu thể hiện qua lời cầu nguyện, “tâm hồn Thầy buồn đến chết được,” (Matthêu 26:38). Hemahidrosis làm cho da mềm hơn, do đó, tình trạng thể chất của Đức Giêsu trở nên tồi tệ hơn một chút.

Matthêu 26:67-75, Marcô 14:61-72, Luca 22:54-71, 23:1-25, Gioan 18:16-27

Bị dẫn từ dinh quan Philatô đến dinh quan Hêrôđê và trở ngược lại, Đức Giêsu bước khoảng hơn 3km. Cả đêm bọn lính thay phiên chế giễu và đánh đập nên Ngài không thể ngủ, (Luca 22:63-65). Tính ra, đã hơn một ngày Đức Giêsu chưa chợp mắt một chút nào. Ngoài ra, làn da của Ngài vẫn còn mềm do hemahedrosis. Tình trạng thể chất của Đức Giêsu xấu dần đi.

Matthêu 27:26-32, Marcô 15:15-21, Luca 23:25-26, Gioan 19:1-28

Philatô ra lệnh đánh đòn Đức Giêsu chiếu theo luật La-mã trước khi đem đi đóng đinh. Hình phạt đánh đòn dã man ở chỗ tội nhân có muốn chết cũng không thể chết, nhưng đau đớn thấu xương tuỷ. Theo truyền thống, tội nhân đứng trần truồng, hai tay bị trói vào cột, để lộ vai, lưng, và phần sau của cặp đùi. Cán roi ngắn, vừa cầm tay. Những hòn bi sắt hoặc chì bện dọc theo 3 sợi dây da dài khoảng 1m, cuối mỗi sợi dây được gắn thêm những mẩu xương cừu. Người ta đoán Đức Giêsu chịu ít nhất 100 roi, căn cứ vào dấu vết còn để lại trên tấm vải liệm Turin, hiện được cất giữ tại Vương cung Thánh đường Turin, Piedmond, miền Bắc Ý.

Lính La-mã lực lưỡng, cao tầm 1,68m hoặc hơn, nặng cỡ 80kg; thể lực rất khoẻ, binh khí và áo giáp nặng tầm 40kg, và thao luyện mỗi ngày bước hơn 30 cây số. Vì thế, ngọn roi phóng ra với lực mạnh vũ bão. Những mẩu xương cừu cắm phập vào người Đức Giêsu do vận tốc xé gió của ngọn roi. Lúc kéo roi về, những mẩu xương kéo theo một mẩu da và chút thịt. Cứ thế, máu chảy ra từ những vết thương này. Chịu chừng 20 roi, lưng và đùi của Đức Giêsu đã hằn những vết roi đỏ tươi, nằm chằng chịt. Đến thời điểm này, Đức Giêsu đã mất một lượng máu lớn khiến huyết áp tụt thấp. Do cơ thể cố gắng cân bằng tình trạng mất máu nên Đức Giêsu khát nước, (Gioan 19:28). Gần nửa ngày, Ngài chưa uống một hớp nước nào. Nếu được uống nước trong lúc này, lượng máu của Ngài sẽ tăng lên.

Lính La-mã đặt một mão gai trên đầu và choàng áo trên lưng Đức Giêsu, (Matthêu 27:28-29). Áo choàng giúp máu đông (giống như lúc băng bó cầm máu) và Ngài không bị mất máu nhiều hơn. Khi lính đánh vào đầu Đức Giêsu (Matthêu 27:30), những chiếc gai đâm sâu vào da gây chảy máu đầm đìa. Những chiếc gai đâm trúng dây thần kinh chạy đến khuôn mặt, gây đau đớn dữ dội từ mặt xuống cổ. Khi chế nhạo Ngài, bọn lính thản nhiên khạc nhổ vào mặt Đức Giêsu, (Matthêu 27:30). Chúng xé toạc chiếc áo choàng ra khỏi lưng Đức Giêsu làm vỡ vết thương và máu lại chảy ra như trước.

Tình trạng thể chất của Đức Giêsu trở nên nguy kịch. Do mất máu quá nhiều, Ngài không còn hơi sức đâu nữa. Đức Giêsu vác thanh gỗ thật vất vả lên đồi Sọ nằm ngoài thành Giêrusalem, nhưng Ngài may mắn được ông Simon xứ Cyrene vác đỡ một đoạn đường (Matthêu 27:32).

Matthêu 27:33-56, Marcô 15:22-41, Luca 23:27-49, Gioan 19:17-37

Người Ba Tư phát minh khổ hình đóng đinh vào khoảng năm 300-400 trước CN. Có lẽ đây là hình phạt gây cái chết đau đớn nhất trong lịch sử nhân loại. Cái chết đau đớn, chậm chạp, kéo dài và thách thức sức chịu đựng của tội nhân. Như Đức Giêsu phải chịu đau đớn như thế trong suốt 6 tiếng, từ 9 giờ sáng (Marcô 15:22-25) đến 3 giờ chiều (Luca 23:44-46). Hình phạt này chỉ dành cho đám nô lệ, người ngoại quốc, bọn nổi loạn, và những tên tội phạm tàn ác nhất. Tội nhân bị đóng đinh vào thập tự; tuy nhiên, thập giá của Đức Giêsu có lẽ không phải là hình chữ thập theo kiểu Latinh, mà là chữ thập Tau (T), giống chữ t trong ký tự Hy lạp. Cây cột gỗ đứng (stipes) được chôn vĩnh viễn trên ngọn đồi. Tội nhân chỉ vác thanh gỗ ngang (patibulum) lên đồi. Thanh gỗ đặc chỉ nặng 34-57kg, nhưng cả cây thập tự theo kiểu Latinh nặng cỡ 136kg.

Tính từ lúc bị bắt đến lúc vác thanh gỗ đặc, Đức Giêsu đã thất thểu bước chừng 4km, nhưng chặng đường cuối 1km từ dinh quan Philatô đến đồi Sọ mới thật đau thương, vì Ngài đã mất máu quá nhiều; lại thêm bị đánh đòn đến bầm dập cả người, chưa kể đòn đấm đá của bọn lính La-mã khiến thân hình rã rệu, mềm như bún.

Trên đỉnh của patibulum gắn một bảng gỗ, ngụ ý tội nhân bị kết án tử hình vì vi phạm luật pháp. Trường hợp của Đức Giêsu, biển gỗ khắc hàng chữ, “Đây là Vua dân Do Thái”, (Luca 23:38). Tội nhân bị đóng đinh vào patibulum trong tư thế nằm, nên Đức Giêsu bị bọn lính thẳng tay lột hết quần áo và xô ngã xuống đất. Lớp vải thấm máu vừa đủ khô thì bị bóc trần, miệng vết thương mở toang, máu cứ thế rỉ ra ngoài. Hai tên lính kéo căng cánh tay của Đức Giêsu và đóng một cây đinh dài chừng 15cm. Chắc chắn Đức Giêsu bị đóng đinh vào cổ tay, vì nếu đóng đinh vào lòng bàn tay, sức nặng của thân hình sẽ kéo toạc lớp thịt dễ dàng. Cây đinh làm vỡ hoặc làm đứt dây thần kinh dẫn đến bàn tay. Điều này gây đau đớn liên tục lên cả hai cánh tay của Đức Giêsu.

Sau khi đóng hai cây đinh vào hai cổ tay, bọn lính kéo lê khúc gỗ patibulum đến cột gỗ đã trồng đứng. Khi nâng lên, toàn bộ trọng lượng cơ thể của Đức Giêsu bị kéo xuống và giữ thẳng nhờ hai cây đinh ở cổ tay. Điều này khiến vai và khuỷu tay bị trật khớp (Tv 22:14). Ở vị trí này, cánh tay của Ngài bị kéo dài tối thiểu 15cm so với chiều dài ban đầu.

Hai bàn chân của Đức Giêsu bị đóng đinh thẳng lên trên cây gỗ đứng như thường thấy trong hình. Ở vị trí này (đầu gối phải uốn cong khoảng 90 độ), trọng lượng của cơ thể đẩy xuống cây đinh ở bàn chân và tử tội phải dùng hai mắt cá chân để hỗ trợ trọng lượng. Đinh không xé toạc lớp thịt mềm ở bàn chân. Một lần nữa, cây đinh làm vỡ hoặc làm đứt dây thần kinh (nó cắt đứt động mạch bàn chân) và gây đau đớn khôn cùng.

Thông thường, để hít vào, hoành cách mô (cơ lớn nằm giữa khoang ngực với khoang bụng) phải ép xuống. Điều này giúp mở rộng khoang ngực và không khí tự động di chuyển vào hai buồng phổi (hít vào). Để thở ra, cơ hoành nâng lên, nén không khí trong phổi, đồng thời đẩy không khí ra ngoài (thở ra). Khi Đức Giêsu bị treo trên thập tự, sức nặng của cơ thể đè nặng lên cơ hoành và không khí di chuyển vào buồng phổi và nằm ứ ở đó. Muốn thở ra, Ngài phải dùng hai cây đinh ở bàn chân làm bàn đạp để rướn người lên và đẩy cơ hoành lên trên. Vì thế, hai bàn chân của Đức Giêsu đau đớn đến tê dại mỗi khi muốn thở ra. Và thao tác thở ra gây đau đớn như thế trong suốt 6 tiếng đồng hồ. Nếu tính trung bình Đức Giêsu nén hơi và thở ra trong 30 giây, Ngài phải chịu cơn đau 720 lần, liên tục, không ngừng nghỉ vì không thể ngưng thở, chưa kể sự đau buốt ở hai bàn tay và toàn thân thể.

Để nói, không khí phải đi qua thanh quản trong lúc thở ra. Kinh thánh cho thấy Đức Giêsu đã nói 7 lần từ trên cây thập tự. Thật không hiểu nổi trong cơn đau đớn mà Ngài vẫn cố gắng nói, nhưng xúc động nhất là khi Đức Giêsu rướn người lên để nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”, (Luca 23:34).

Sự khó khăn của thao tác thở ra dẫn đến một dạng nghẹt thở chầm chậm. Khí carbon dioxide (CO2) tích tụ trong máu, dẫn đến nồng độ axit carbonic (H2CO3) trong máu cao. Cơ thể phản ứng theo bản năng, kích hoạt sự ham muốn thở. Đồng thời, tim đập nhanh hơn để khí ôxy đang có sẵn được lưu thông. Lượng ôxy giảm (do khó khăn khi thở ra) gây thương tích cho các mô và mao mạch bắt đầu rò rỉ chất lỏng từ máu vào mô. Điều này dẫn đến sự tích tụ chất lỏng xung quanh tim (tràn dịch màng tim) và phổi (tràn dịch màng phổi). Phổi suy sụp, tim cũng suy, cơ thể mất nước và không có khả năng cung cấp đủ ôxy cho các mô là nguyên nhân cốt yếu làm tội nhân nghẹt thở. Lượng ôxy giảm cũng gây tác hại cho chính tim (nhồi máu cơ tim) dẫn đến tim ngừng đập. Trường hợp nghiêm trọng khi tim quá căng thẳng, tim thậm chí có thể vỡ nát; y học gọi là rách tim. Đức Giêsu rất có thể chết vì một cơn truỵ tim.

Sau khi Đức Giêsu chết, tên lính đập gãy chân của hai tên tội phạm bị đóng đinh hai bên, (Gioan 19:32). Khi hai chân tội nhân bị gãy, cả thân hình không còn gì chống đỡ, nên sức nặng của thân thể kéo trì xuống, kéo theo cơ hoành và tội nhân không thể thở ra được nữa. Điều này gây nghẹt thở. Thường tội nhân sẽ chết chỉ sau vài phút. Khi tên lính đến trước cây thập tư treo Đức Giêsu, thấy Ngài đã chết nên hắn không đập gãy chân, (Gioan 19:33). Nhưng muốn chắc chắn, tên lính cầm giáo đâm vào ngực, (Gioan 19:34). Kinh thánh thuật lại hành động này, “tức thì máu và nước chảy ra,” (Gioan 19:34), vì chất lỏng tích tụ quanh tim và phổi.

Thật nhức nhối khi mô tả một vụ giết người tàn bạo, nhưng chính chiều sâu của sự đau đớn khôn lường của Đức Kitô nhấn mạnh đến mức độ yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người. Dựa trên sinh lý học để miêu tả từng chi tiết về cái chết của Đức Kitô như một lời nhắc nhở tha thiết về tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với nhân loại đã được thể hiện cách đây hơn hai nghìn năm trên đồi Sọ. Sự hiểu biết tường tận từng chi tiết về cái chết Đức Kitô giúp tôi tham dự thánh lễ sốt sáng hơn, luôn tưởng nhớ đến sự hy sinh của Ngài, với một lòng biết ơn vô vàn. Tôi choáng ngợp cứ mỗi lần nhận thức được rằng, Đức Giêsu với con người bằng xương bằng thịt như tôi, Ngài đã hy sinh cho nhân loại từng tế bào, từng thớ thịt của thân thể qua cái chết trên cây thập giá. Có tình yêu nào dành cho bạn hữu lớn hơn thế này không, thưa quý bạn?

* * *

Bóng đêm bao phủ vườn Giếtsimani, ánh trăng thượng tuần mờ nhạt. Bóng tối tràn ngập tâm hồn Giuđa, kẻ phản bội. Khi Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, bóng tối bao trùm nhân loại, cho dù lúc đó chỉ mới 3 giờ chiều. Bóng ma cơn đại dịch đang phủ ập lên thế giới đang vũng vẫy cố ngoi lên tìm sự sống. Trong bài giảng lễ Lá vừa qua do Đức cha Robert Barron chủ tế, tổng giáo phận Los Angeles, ngài nói về bóng đêm u buồn. Ngài chia sẻ, “nhưng cái chết của Đức Kitô như ánh sáng đem đến cho nhân loại niềm hy vọng, vì chính Ngài là sự sáng. Khi đầm mình vào bóng đêm tội lỗi, Đức Kitô mang ánh sáng vô tận đến cho loài người. Vì hễ nơi nào có ánh sáng, bóng tối lập tức thoái lui. Khi Đức Kitô phục sinh, chính là lúc ánh sáng bùng phát từ ngay trong bóng đêm, xua tan màn tối của trần gian.”

Và xua tan cả bóng đêm của cơn đại dịch. Amen.

https://www.apu.edu/articles/the-science-of-the-crucifixion/

Advertisement

ĐOẠN TANG

Xả tang, người bình dân gọi thế. Đoạn hay xả đều có nghĩa là cắt đứt, bỏ đi. Anh em tôi, dâu rể, con cháu quay về VN để dự lễ đoạn tang của ông cụ. Sao không xả tang ở Mỹ, có người hỏi tôi. Thưa vì bà cụ muốn thế, và vì ông cụ hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang của một họ đạo.

Phong tục VN cho phép con cái đoạn tang sau một thời gian dăm ba năm. Trong thời gian này, con cái hạn chế những cuộc vui chơi, hội hè vì đang chịu tang lớn trong gia đình, và để tỏ lòng hiếu thảo. Sau lễ đoạn tang (tục xưa con cháu bỏ hết khăn tang vào một hũ hớn và đốt cháy ra tro), con cái vui vẻ quay trở lại nếp sống sinh hoạt bình thường. Đoạn tang mang ý nghĩa đó, chứ không phải dứt tang là cắt đứt mối liên hệ với kẻ quá cố. Theo đức tin, con cái phải luôn cầu nguyện cho cha mẹ đã nằm xuống cho đến lúc chết, vì đó là bổn phận theo điều răn thứ bốn, là hiếu thảo theo truyền thống văn hóa VN.

Phi trường TSN vẫn chật ních người. Nhà nước không lường được số lượng quá tải khi mở rộng vòng đai phi trường. Đường sá chỉ đến đó, trục lộ giao thông không kham nổi một lượng xe cộ chạy rầm rập ngày lẫn đêm. Tầm nhìn của những kẻ có trách nhiệm ở đâu đó chỉ một vài năm ngắn hạn. Cả một Saigòn bức nóng, ồn ào, ngột ngạt hơi thở như hai năm trước khi tôi về để tang ông cụ. Tất cả vẫn vậy, chẳng có gì thay đổi.

Vậy mà tôi nhận ra một thay đổi. Anh thuế quan xét giấy nhập cảnh tại hàng rào an ninh là một người miền Nam. Người Bắc dọn vào miền Nam sinh sống khá đông sau 75, nhưng chỉ có phi trường là nơi tập trung nhiều người Bắc nhất. Họ nắm giữ các chức vụ then chốt, chỉ nhường lại những công việc tầm thường cho người địa phương. Những lần trước về, khi bước đến quầy thuế quan, tôi đều bắt gặp ánh mắt dò xét, và giọng nói dấm dẳn thật lạ tai của người miền Bắc. Cặp mắt anh loang loáng đầy nghi kỵ đến nỗi tôi cứ tưởng mặt tôi dính nhọ. Cung cách hỏi của anh, “về làm gì, ở đâu,” (thường không có chủ từ) “ở bao lâu,” như quan tòa ngồi ngất ngưởng trên cao hạch sách phạm nhân. Tôi là công dân Mỹ lương thiện nên cứ bình thản trả lời từng câu hỏi cộc lốc. Cũng ngắn, gọn, vừa phải. Giọng vừa đủ nghe, nói không thêm, không bớt. Riêng âm giọng anh cao ngất, xoáy vào tai nghe như búa bổ. Bởi thế, những lần trước cứ bước ra khỏi hàng rào an ninh là đầu tôi nhức nhối khó chịu.

Lần này khác hẳn, anh thuế quan người miền Nam cất tiếng chào hỏi vợ chồng tôi thật lịch sự. Cũng từng ấy câu hỏi nhưng giọng anh nhã nhặn, nếu không nói là lễ phép. Không vồn vã, cũng không lãnh đạm, đúng cung cách của một người làm việc tại cửa công. Về nhà hỏi lại mấy chú em về dự lễ giỗ và được biết người xét giấy nhập cảnh đều là người miền Nam. Lúc về lại Mỹ, khi trình giấy tờ tôi cũng gặp một cô gái người miền Nam. Hóa ra hàng rào an ninh bây giờ hầu hết là người địa phương. Một thay đổi bất ngờ.

Giỗ đoạn tang xong, cả mấy anh em kéo nhau đi chơi Phú Quốc. Sân bay nội địa từ trước đến nay đều là người miền Nam. Tôi bắt gặp được sự thân quen thuở nào. Đáp máy bay nội địa lần đầu sau gần nửa thế kỷ, thế mà tôi có cảm giác như mới hôm qua, như tôi chưa hề rời mảnh đất thân yêu, dù chỉ một lần. Giọng anh tiếp viên của hãng VietJet trầm bổng bằng 2 thứ tiếng, Anh và Việt, thuần thục và trôi chảy như nhau. Dĩ nhiên, tôi khỏi cần giới thiệu, anh là người miền Nam chính gốc.

Ở Phú Quốc tôi được tin bà con Lộc Hưng bị cưỡng chế đất đai qua mạng FB. Hình ảnh một đứa bé ngồi trên bao tải đựng quần áo dưới mái hiên xiêu vẹo khiến lòng tôi chùng xuống. Đúng ra em được ngồi trên một chiếc ghế nào đó, kế chiếc bàn học. Đáng lẽ quần áo trong bao tải được treo lên móc. Nhưng nhà cửa không còn thì làm gì còn ghế. Tủ quần áo gẫy vụn nằm tả tơi trên nền đất khô thì làm gì còn móc để treo. Cả một cảnh hoang tàn trên một diện tích 220m vuông. Hơn một trăm gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, như vừa qua một trận thiên tai. Không, nhân tai. Ông trời hình như chịu thua cái ác của con người, ngoảnh mặt đi. Tết gần kề, gần nghìn nạn nhân không còn chỗ nương thân, nói gì hưởng Xuân. Chỉ thấy nỗi đau như hơn 50 năm về trước, Tết Mậu Thân. Màu tang trắng thấm máu đỏ nhuộm khắp xứ Huế. Lộc Hưng, 2019, cũng một màu trắng oan khiên. Những giọt nước mắt màu trắng đục rơi lã chã trên vùng đất bị cưỡng chế bởi nhà cầm quyền.

Phú Quốc sống cho khách du lịch. Nhà hàng, khách sạn, kể cả những resort, mọc lên san sát dọc theo bờ biển khu Dương Đông. Chợ Đêm rộn ràng tấp nập từ sẩm tối, một sắc thái đặc biệt của hòn đảo cực nam. Hải sản tươi rói, giá cả phải chăng, ăn ngon miệng. Tuy vậy, hòn đảo này còn khá hoang vu. Dọc trên đường từ phi trường về khách sạn, những khu rừng nhỏ còn đậm nét thiên nhiên chạy đều hai bên đường. Hệ thống du lịch hình như chưa phát triển đúng bài bản. Nhiều bãi biển vẫn còn buôn thúng bán bưng, chưa đi vào kế hoạch tầm cỡ. Có thể vì tầm nhìn của các viên chức nhà nước hạn chế, hoặc giả Phú Quốc sửa soạn trở thành đặc khu của Tàu nên nhà cầm quyền thấy không cần phát triển, dành việc phát triển cho nhà nước Tàu.

Vậy mà tôi cố ý tìm vẫn không thấy bóng một người Tàu nào. Có thể vì tôi chưa đến những khu resort đắt tiền, $500/đêm. Quanh tôi, chỉ thấy người miền Bắc. Họ từ miền cực bắc, lặn lội đến hòn đảo cực nam để kiếm sống. Tôi nhờ nhân viên khách sạn gọi một cuốc taxi đến cửa hàng ngọc trai Ngọc Hiền. Tài xế là một anh miền Bắc, trắng trẻo, mập mạp, thân nặng trĩu trên ghế. Anh hỏi tôi dấm dẳn, mặt lạnh lùng. Đoạn đường ngắn, chưa đến 4km nên tài xế và khách miệng ngậm hột thị. Đến nơi, tôi hỏi bao nhiêu? Anh chỉ ngón tay vào đồng hồ, chẳng buồn vén môi nói số tiền. Tôi trả tiền và biếu anh số tiền lẻ. Anh chộp lấy tờ giấy bạc không một lời cám ơn. Trên đường về, tôi gặp anh tài xế đen đủi, khẳng khiu. Giọng anh đơn đớt vùng Rạch Giá. Tôi lân la hỏi chuyện làm ăn. Anh tâm sự, mỗi ngày phải trả cho chủ (người miền Bắc) khoảng 450 nghìn, và ký một hợp đồng khoảng 5 tháng. Có ngày dư dả nuôi vợ và hai con, có ngày thiếu hụt phải oằn lưng trả nợ chủ. Không thể trả xe nếu chưa hết hạn hợp đồng. Bất thường, như cuộc sống của anh. Tiền trả chuyến về cũng bằng tiền chuyến đi. Dĩ nhiên, tôi biếu số tiền lẻ như ban sáng. Anh cám ơn chân tình. Xuống xe, tôi móc túi biếu anh thêm. Anh nắm lấy tay tôi cám ơn nồng nàn.

Trầm mình trong nước biển ấm vào buổi sáng trời se lạnh, nhìn về hướng Đông, nơi quê hương thứ hai đã ân cần nắm lấy tay tôi và chợt nghĩ ai sẽ nắm lấy những bàn tay gầy guộc của đồng bào Lộc Hưng? Tôi cố quên Lộc Hưng và dành thì giờ trọn vẹn với gia đình. Những ngày vui qua mau. Bay về đất liền sau mấy ngày đầm mình trong vũng nước mặn quê hương. Vừa bước ra khỏi cửa Tân Sơn Nhất đã nghe tiếng ồn ào của 2 thanh niên miền Bắc. “Bay lâu thế, tao chờ mày vãi l…” Lần đầu tiên tôi nghe nguyên văn một câu trách quá lạ tai. Anh nói oang oang, thật tự nhiên, thoải mái giữa chốn công cọng. Ông tiến sĩ tình dục học Thiên Nguyên đã khẳng định đó là nét văn hóa đặc thù (cứ tìm trên mạng sẽ thấy bài nói chuyện của ông tiến sĩ này) của người dân sống trong lòng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa “vãi l…” xuất phát từ miền Bắc sau 75 và du nhập vào Nam. Xem ra người miền Nam chẳng mặn mà gì với nét văn hóa đó. Sự vật biến đổi không ngừng, như tinh túy của nền văn hóa qua bốn nghìn năm kết tụ thành nền văn hóa vãi l…

Sàigòn vẫn sinh hoạt nhộn nhịp. Không một ai nói đến Lộc Hưng. Mấy người em tôi cũng chẳng biết gì về một khu đất vừa bị cưỡng chế. Tất cả đều im lìm, như tiếng than van uất nghẹn của dân Lộc Hưng.

Ngày tôi bỏ tang xuống cũng là ngày đồng bào Lộc Hưng khoác lên người mảnh khăn trắng của bất công, của uất ức, và của oan khiên.

Xin thêm lời cầu nguyện cho họ.

HẠ NGÔN

SILENT NIGHT

Đúng ngày hôm nay, cách đây 200 năm, vào đêm áp lễ Giáng sinh – 24 tháng 12, 1818 – trong một nhà thờ nhỏ bé tại vùng quê thuộc nước Áo, bài thơ Stille Nacht được đem phổ nhạc lần đầu và không ngờ bài hát đó trở thành một trong những bản thánh ca được nhiều người yêu thích nhất.

Lễ nửa đêm năm đó, Stille Nacht (Silent Night) được hát lần đầu tiên tại nhà thờ Thánh Nicholas tại Oberndorf, một ngôi làng nằm sát biên giới của đế quốc Áo và Đức. Bài thơ do cha Joseph Mohr, một linh mục trẻ và được một nhạc sĩ đàn ống (organ), Francis Xavier Gruber, sáng tác.

Truyền thuyết cho rằng chiếc đàn ống trong nhà thờ bị hư nên cha Mohr nhờ ông hiệu trưởng kiêm nhạc sĩ đàn ống Gruber phổ nhạc bài hát, nguyên thủy bằng tiếng Đức, cho đờn guitar để hát vào lễ nửa đêm. Câu chuyện thêm thắt rằng khi khám phá ra chiếc đàn ống hư hỏng (theo truyền thống thánh lễ phải có tiếng đàn ống, và bằng tiếng Latinh), vị linh mục trẻ hoảng hốt không biết xoay xở thế nào thì chợt nhớ đến bài thơ và nhờ ông Gruber phổ nhạc chỉ vài tiếng trước thánh lễ nửa đêm.

Thật sự cha Mohr viết lời thơ Stille Nacht vào năm 1816, tại Mariapfarr, một thị trấn nằm gần Salzburg, thuộc nước Áo. Hai năm sau, 1818, ngài được bổ về phục vụ tại nhà thờ Thánh Nicholas thuộc Oberndorf, và ngài nhờ ông Gruber phổ nhạc. Chuyện tuần tự xảy ra và đơn giản như thế. Có lẽ vì bài hát quá nổi tiếng nên người ta thêm thắt một vài huyền thoại để tăng thêm nét bi hùng cho bản nhạc. Điểm chính xác là bài hát lần đầu tiên hát trong thánh lễ nửa đêm Vọng Giáng sinh năm 1818.

Kể từ đêm 24/12/1818 đó, bài thánh ca lan dần sang các làng mạc xung quanh trong nước Áo và dần dần được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Bài thơ Stille Nacht thật đơn sơ, hiền hòa. Gruber phổ nhạc với một giai điệu cũng bình thường, không cầu kỳ phức tạp. Thế mà tính đến đầu thế kỷ 20, Stille Nacht được hát và trình diễn trên khắp năm châu và không một nhà thờ nào mà không hát bản nhạc này trong đêm Giáng sinh. Hiện nay, bài hát đã được dịch ra hơn 300 ngôn ngữ và thổ ngữ.

Giáo sư Thánh nhạc Sara Pecknold thuộc Đại học Catholic University of America nhận định, “Cha Mohr sáng tác bài thơ trong bối cảnh thật đặc biệt. Hậu quả của cuộc chiến (1803-1815) do Napoleon phát động vẫn còn đè nặng trong tâm trí con người. Bài thơ diễn tả sự tĩnh lặng và an bình trong một đêm đông buốt giá, khi Chúa Hài đồng được sinh ra đơn sơ và nghèo hèn trong chuồng gia súc. Bài hát mời gọi sự thinh lặng của tâm hồn, rũ bỏ mọi ưu tư để đắm chìm trong sự an bình đích thực mà Ngôi Hai mang đến cho nhân loại.

Trong thinh lặng và thầm thì hát bản nhạc này, ai cũng cảm nhận được một sự bình an lạ lùng. Thơ và nhạc quyện vào nhau êm ả như một lời ru khiến lòng bồi hồi khó tả. Trong Thế chiến I, quân Pháp và Anh đóng chốt ở giao thông hào, ghìm nhau khốc liệt từng giờ với quân Đức. Đó là đêm Vọng Giáng sinh năm 1914, trời đông buốt giá, tuyết rơi phủ đầy mặt đất. Bất ngờ đâu đó có tiếng ai ngân lên bài Stille Nacht. Tiếng hát ban đầu mỏng như sợi tơ và rồi lạ lùng thay, binh lính hai bên cùng nhau hát theo thật tự nhiên. Ngoài súng đạn hận thù, Stille Nacht là ngôn ngữ yêu thương duy nhất của binh sĩ của hai đầu chiến tuyến. Bài hát Stille Nacht vang lừng khắp hai thông hào, dội vào đêm khuya như tiếng chuông ngân kêu gọi một thế giới vun đắp tình thương. Ngày hôm sau, tất cả binh lính nhỏm dậy từ hai chiến tuyến, bước đến chào hỏi bắt tay nhau. Đôi bên không hẹn trước, đã bỏ hết hận thù, cùng nhau vui chơi suốt một ngày.

Bài hát được chuyển sang tiếng Anh nhờ linh mục Anh giáo John Freeman Young năm 1859. Ngài chỉ giữ 3 phiên khúc so với 6 của bài thơ nguyên thủy. Đã có rất nhiều ca sĩ hát và thu âm bài hát nhưng chỉ riêng đĩa mang tiếng hát của ca sĩ Bing Crosby phát hành năm 1935 được xếp hạng Ba với số lượng bán chạy và nhiều nhất trong lịch sử ngành đĩa thu âm của Hoa kỳ.

Cho đến nay, bài hát vẫn nổi tiếng và phổ biến hơn bao giờ. Theo một cuộc khảo sát của báo Time, bài Silent Night được thu âm nhiều nhất tại Mỹ, và bài Joy to the World xếp hạng nhì nhưng cách bản Silent Night rất xa. Năm 2011, UNESCO tuyên bố bản nhạc Stille Nacht là “di sản văn hóa.” Stille Nacht được cố nhạc sĩ Hùng Lân dịch sang tiếng Việt mang tên Đêm Thánh Vô Cùng. Cố nhạc sĩ Nguyễn văn Đông cũng dịch ra lời Việt mang cùng tên.

Trong bối cảnh thế giới nhiễu nhương ngày nay, bài Stille Nacht càng mang một ý nghĩa đích thực về sự an bình trong cõi lòng mỗi người, để thế giới thật sự hưởng được nền Hòa Bình chân chính. Rũ bỏ hết mọi tị hiềm, thù hằn, ganh ghét để Tâm mỗi người được bình an, và thế giới sẽ được an bình, như lời của Đức Phật, “Tâm Bình, Thế Giới Bình.”

Cầu chúc mọi người một đêm Giáng Sinh an lành.

HẠ NGÔN

HIỆU ỨNG BẦY ĐÀN

hangon

Luật lệ trong xã hội được tao ra do quy ước hoặc bất quy ước. Dù muốn dù không, con người sống trong xã hội bị chi phối bởi những luật lệ đặt ra để bảo vệ trật tự, và đồng thời bị ảnh hưởng bởi những “luật lệ” bất quy ước. Đó là những “luật lệ” phát sinh từ thói quen, tập tục, và truyền thống. Luật (tục) lệ theo kiểu này nên viết trong ngoặc kép, vì nó không hẳn là luật lệ do con người đặt ra kèm theo hình phạt. Chẳng hạn như chuyện dựng vợ gả chồng, phải có trầu cau, có lễ gia tiên, có rước dâu…v..v.. trong quan hôn tang tế. Luật pháp chẳng bắt buộc nhưng ai cũng phải làm chỉ vì tập tục. Ngoài luật lệ và tục lệ, đời sống của con người cũng bị ảnh hưởng bởi tình huống xã hội, tạo ra do sự va chạm trong cuộc sống, hoặc do nếp sống kết hợp thành nhóm. Tuy không ý thức được nhưng con người vẫn bị ràng buộc; đôi khi nó chặt chẽ như một định luật. Nói khác đi, con người bị ràng buộc một cách vô ý thức. Môn Tâm lý Xã hội được hình thành là để tìm hiểu bản chất và nguyên nhân tạo ra phản ứng cá nhân trong những tình huống xã hội như thế (theo Baron, Byrne & Suls). Môn khoa học này đào sâu những hiện tượng tâm lý xã hội như quan niệm về bản thân, nhận thức, ảnh hưởng, và phản ứng xã hội, thành kiến và kỳ thị, định kiến…v..v.

Một trong những trạng thái tâm lý xã hội là Hiệu Ứng Bầy Đàn (HƯBĐ).
Nói nôm na, hiệu ứng bầy đàn là phản ứng của một cá nhân bị chi phối bởi đám đông. Đám đông không cần nhiều, chỉ cần hai người là đủ áp đặt ảnh hưởng lên người kia. Phản ứng của cá nhân đều phù thuộc vào lối suy nghĩ và hành động của đám đông. Mỗi cá nhân đều mong muốn trở thành một phần tử trong tập thể. Vì nếu hành động khác đi, cá nhân đó có thể bị loại trừ khỏi đám đông, trở thành một phần tử lẻ loi. Nhu cầu bầy đàn mãnh liệt nằm trong tiềm thức, và chính tiềm thức hướng dẫn hành động tương ứng của mỗi cá nhân.

Một triết gia cổ Hy-lạp, kể lại một câu chuyện rất lý thú. Một người sinh ra có cái sừng mọc ngay giữa trán. Từ khi lớn lên, anh xấu hổ vì không giống ai. Nỗi đau khổ vì sự khác biệt với mọi người chung quanh dằn vặt anh suốt một thời gian dài. Một buổi sáng kia, anh thức dậy và chợt nhận ra cái sừng mọc giữa trán của anh… biến mất. Anh sững người không tin khi nhìn hình mình trong gương. Sự sung sướng làm anh ngạt thở không thốt nên lời. Một lúc sau, anh hoàn hồn, mở cửa chạy ra ngoài hét lên sung sướng. Anh muốn chia sẻ niềm hạnh phúc mất sừng vì từ đây anh có thể sống bình thường như mọi người. Ra ngoài đường, anh bàng hoàng khi thấy mọi người bây giờ lại có một cái sừng mọc ngay giữa trán. Anh đau khổ. Cuối cùng, anh vẫn là một cá nhân lẻ loi giữa đám đông, vì một lẽ anh vẫn khác biệt với mọi người.

Xã hội Hy-lạp phát triển có hệ thống, mang màu sắc dân chủ kể từ năm 500 BC. Các triết gia nổi tiếng như Socrate, Aristotle, Plato, Diogenes… sống trong thời đại phát triển dân chủ cực thịnh đó nhưng không hiểu người đặt ra câu chuyện này có hiểu gì về hiệu ứng bầy đàn không. Nhưng rõ ràng câu chuyện biểu hiện nhu cầu kết đàn, sự cần thiết đồng hóa của một cá nhân khi sống trong xã hội. Từ đó, ta có thể hiểu HƯBĐ là nhu cầu tâm lý của con người muốn đồng hóa với mọi người, từ đó phản ứng và hành động rập khuôn như những người chung quanh. Bản năng đã thôi thúc con người thích nghi vào môi trường và hoàn cảnh đang sống.

Cần phân biệt sự thích nghi vào môi sinh tạo ra sự biến đổi về thể lý và sự thích nghi vào hoàn cảnh sống của con người do tác động tâm lý.

1. Sự thích nghi (adaptation) là một tiến trình thay đổi thể lý của động vật nhằm thích nghi với môi trường sống. Gấu bắc cực phát triển bộ lông dày hơn gấu ở miền nhiệt đới để giữ thân nhiệt. Sinh vật ở dưới nước chân có màng giúp cho bợi lội dễ dàng. Những động vật ăn thịt lại có móng sắc để giết mồi, răng nhọn để xé thịt… những biến đổi này một phần được giải thích qua thuyết Tiến hóa của Darwin. Tục ngữ ta có câu, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.” Sự thích nghi của thực vật trong nông nghiệp cũng tạo ra những hoa quả có hình dáng lạ mắt. Ngày nay, các nông gia ở Nhật và ở Việtnam đã trồng được những quả dưa hấu hình vuông, bưởi hồ lô, dưa thỏi vàng (http://www.instructables.com/id/Grow-a-square-watermelon/; http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/221386/nua-ty-dong-khong-mua-duoc-150-cap-dua-hau-thoi-vang.html)

2. Sự thích ứng (conformity) là kết quả của một phản ứng tâm lý của con người trước áp lực của đám đông. Dưới áp lực này – đôi khi cụ thể qua sự khuyến khích bằng lời nói trực tiếp – mỗi cá nhân có khuynh hướng hành động rập khuôn theo đám đông; nhưng đôi khi áp lực của đám đông diễn ra âm thầm, gián tiếp nhưng vẫn dẫn đến một kết quả giống nhau. Tục ngữ ta có câu, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nhằm khuyến cáo con người về HƯBĐ.

Một thí nghiệm phổ biến của Solomon Asch (1907-1996), một tâm lý gia đi tiên phong về ngành tâm lý xã hội minh chứng HƯBĐ của con người dưới áp lực của đám đông (peer pressure, or group pressure). Trong thí nghiệm này, Asch gom một nhóm gồm 8-10 người, trong đó tất cả (all accomplices, tạm gọi là X) – trừ một người là nhân vật thí nghiệm (subject of the experiment, tạm gọi là Y) – đều cố ý trả lời sai hay đúng theo yêu cầu của Asch. Dĩ nhiên, nhân vật chính của cuộc thí nghiệm không hề biết những người kia (X) làm việc cho Asch. Cuộc thí nghiệm rất đơn giản, Asch đưa ra một bảng gồm 4 đường thẳng đứng, một bên (Exibit 1) là một đường thẳng mẫu, bên phải gồm 3 đường dài ngắn khác nhau có tên A, B, và C (Exibit 2), trong đó có một đường dài bằng đường bên trái. Câu hỏi cũng đơn giản, đường A, B, hay C dài bằng đường bên trái? Cả cuộc thí nghiệm gồm 18 bảng khác nhau, và 3 đường thẳng A, B, và C cũng được thay đổi thứ tự và độ dài 18 lần khác nhau. Điều kiện đặt ra là nhóm X luôn trả lời trước, và thường Y xếp ngồi ở gần cuối.

Screen Shot 2016-03-08 at 12.57.27 AM

Hai lần đầu, X trả lời đúng câu hỏi, và Y cũng trả lời đúng. Những lần sau (16 lần) X cố ý trả lời sai, và Y cũng trả lời sai. Đoạn phim ghi lại cuộc thí nghiệm cho thấy Y lưỡng lự trước khi trả lời vì Y biết câu trả lời của nhóm là sai, nhưng cuối cùng cũng trả lời (sai) giống như X (https://www.youtube.com/watch?v=NyDDyT1lDhA). Thí nghiệm này được lập đi lập lại với nhiều Y khác nhau và kết quả thật bất ngờ.

Trong 50 lần thí nghiệm với 18 câu hỏi cho mỗi lần và với 50 nhân vật thí nghiệm Y khác nhau, 37 lần Y trả lời sai theo X ít nhất là 1 lần và 14 Y trả lời sai theo X hơn 6 lần. Sau cuộc thí nghiệm, một số Y tiết lộ rằng họ biết X sai nhưng vì đa số nên (đành) phải trả lời theo; một số Y khác nghĩ rằng đa số (X) chắc chắn phải đúng nên đành hy sinh nhận xét riêng mình. Một tình huống ta thường gặp nhằm giải thích hiện tượng này. Khi vào một bữa tiệc, ta thấy muỗng nĩa hai ba loại đặt cạnh đĩa. Món ăn dọn ra, và người không biết phải dùng muỗng hay nĩa nào thích hợp với món ăn, thường nhìn các thực khách và bắt chước để dùng đúng loại muỗng (nĩa). Nhiều người làm giống nhau, ta làm theo đám đông thì chắc chắn đúng.

– Thêm một điểm quan trọng nữa là số người của nhóm càng tăng, HƯBĐ tác dụng càng cao. Nếu nhóm chỉ có 2 người (một X và một Y), nhân vật thí nghiệm sai chỉ có 3.6%; nhóm 3 người, sai 13.6%; nhóm 4 người, sai nhảy vọt lên 31.8%; nhóm 5 người, sai 35.1%; nhóm 7 người, sai 35.2%; nhóm 8 người, 37.1%; nhóm 10 người, 35.1%; và nhóm 15 người, 31.2%.

– Chỉ cần một trong số người X trả lời khác với nhóm, thì nhân vật thí nghiệm Y lại trung thành với nhận xét của mình. Nói khác đi số câu sai giảm thiểu đáng kể. Như thế, HƯBĐ gây hiệu quả lớn nhất khi tuyệt đại đa số đứng về một phía, một người còn lại sẽ cảm thấy áp lực nặng nề và nhu cầu muốn được đồng hóa càng mãnh liệt.

Các nhà tâm lý xã hội rút ra những lý do tại sao mỗi cá nhân (cần) phải đồng hóa với cả nhóm:

1. đạt được sự chấp nhận là một thành viên trong nhóm
2. đạt được mục tiêu mà nhóm theo đuổi
3. đạt được mục tiêu cá nhân khi theo đuổi mục tiêu của nhóm
4. thụ hưởng sự tham gia vào các sinh hoạt nhóm và muốn bảo đảm sự tiếp nối của nhóm

Như thế HƯBĐ là một hiện tượng tâm lý xảy ra hằng ngày do sự chung đụng với đám đông. Nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của mỗi cá nhân sống trong xã hội và chính hiện tượng tâm lý này đã hướng dẫn mọi hành động và quyết định của cá nhân đó.

Hãy cùng nhau tìm hiểu HƯBĐ gây ảnh hưởng thế nào trong một vài lãnh vực sau đây và từ đó chúng ta rút tỉa được những bài học gì:

I. Giáo dục. Ông bà ta chẳng hiểu gì về HƯBĐ nhưng răn đe con cháu thật rõ ràng, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” hoặc “Chọn bạn mà chơi.” Ngạn ngữ có câu, “Hãy cho tôi biết bạn của anh, và tôi sẽ cho biết anh là người thế nào. Show me your friends, and I’ll tell you who you are.” Trong Kinh thánh cũng nói đến HƯBĐ, “Đi với người khôn, ắt sẽ nên khôn, chơi cùng kẻ dại, sẽ mang lấy hoạ.” (Châm ngôn 13:20).

Sự ảnh hưởng của bạn bè ở thời niên thiếu rất lớn. HƯBĐ có lẽ đã ảnh hưởng từ khi biết kết bạn ngay từ thời tiểu học, nghĩa là khoảng 9-10 tuổi. Những con số thống kê cho ta thấy sự nguy hiểm của HƯBĐ. Tại Hoa kỳ, theo một nghiên cứu của National Center on Addiction and Substance Abuse tại ĐH Columbia, 75% thiếu niên có dính đến ma túy và rượu tuổi từ 12 đến 17 thú nhận rằng chính áp lực của bạn bè là nguyên nhân đưa đến tình trạng nghiện ngập hiện tại. Một cuộc khảo cứu khác từ National Drug Agency tại Mã lai cho thấy trong số 26,841 thiếu niên nghiện ngập, 55% bắt đầu nếm thử là do bạn bè. Tại Đại hàn, con số nhảy vọt lên 95% theo báo Korea Times.

Sự nguy hiểm của áp lực bạn bè, hay nói khác đi HƯBĐ tác động lên con trẻ ngay từ thuở thiếu thời. Bởi thế, cha mẹ phải để ý đến bạn bè của con cái, đưa chúng vào những môi trường lành mạnh như Hướng đạo, hoặc đoàn thể tôn giáo vì từ những môi trường này số bạn bè xấu rất ít và cơ may đứa trẻ lớn lên thành người hữu dụng cho xã hội sẽ cao hơn nhiều.

II. Kinh tế. Cuộc khủng hoảng dotcom năm 2000 làm tiêu tán tài sản của một số người không nhỏ cũng phát xuất từ HƯBĐ. Để đầu tư vững chắc trên thị trường chứng khoán, sự hiểu biết về thị trường, về kinh tế, và nhất là thu nhập và chi tiêu của công ty đó. Khi thị trường chứng khoán bị thổi phồng, mọi người đổ xô bỏ tiền vào đầu tư mà chẳng có một chút kiến thức gì cả. Thấy mọi người bỏ tiền mua trăm cổ phần, ngày hôm sau kiếm được vài ngàn. Dễ đến thế thì tại sao không làm. Mà lời thật, chỉ trong vòng vài tháng, trương mục cổ phần tăng vọt 100%. Thế là mọi người như con thiêu thân, lấy hết tiền lời của căn nhà bỏ hết vào canh bạc… bịp. Kết quả thì ai cũng biết rồi, giữa năm 2000, cơn sốt chứng khoán xì hơi và rất nhiều người mất hết của cải, trở thành trắng tay chỉ sau một năm đầu tư theo HƯBĐ.

Chưa hết, thị trường địa ốc làm bùng nổ cơn khủng hoảng tài chánh năm 2008. Bài học chỉ sau 8 năm vẫn chưa có người học thuộc. Họ lấy tiền lời của căn nhà đang ở và mua thêm vài căn nữa. Một cặp vợ chồng với thu nhập dưới 100K, thế mà “cả gan” làm chủ một lúc 5 căn nhà. Chuyện tưởng như thần thoại, thế mà nó lại xảy ra nhan nhản vào những năm đó. Một lần nữa, HƯBĐ tác động mạnh lên tâm lý của con người. Lòng tham là một nhân tố, nhưng HƯBĐ đã đóng một vai trò quan trọng trong 2 cuộc khủng hoảng xảy ra chỉ cách nhau 8 năm.

Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay ở xã hội Tàu & Việt nam là thức ăn độc hại. Kiếm được một món ăn tinh sạch thật hiếm. Dĩ nhiên, vấn đề chính phát xuất từ lòng tham nhưng HƯBĐ vẫn có tác dụng trên những kẻ buôn bán. Mới đây, tôi được dịp nói chuyện với một linh mục ở VN. Ngài kể rằng khi đi mua rau cho nhà dòng, đến một cửa tiệm của một người công giáo. Anh ta nói thẳng, “tiệm con không bán rau sạch, vì giá quá cao không thể cạnh tranh với những tiệm bên cạnh…” Anh ta thêm, “tuy biết bán rau tẩm thuốc là không tốt nhưng mọi người chung quanh đều làm nên con cũng phải làm theo để kiếm sống.” Vị linh mục này kết luận, “những người công giáo đã được khuyến cáo mỗi tuần qua lời khuyên của các cha trên tòa giảng, thế mà họ vẫn phải làm. Thế thì những người khác, chưa bao giờ nghe một lời khuyên nào thì họ sẽ không từ nan bất cứ phương tiện nào để kiếm lợi nhuận cao nhất.” Đó là một thực tại đau lòng cho xã hội VN bây giờ.

Ngay cả chúng ta, đôi khi cũng tự biện hộ, “mình không làm thì người khác cũng làm.” chỉ vì cái lợi vật chất trước mắt. Nói đơn giản đi, vì nhiều người làm nên tôi làm, cho dù sai. Biết bao vụ lừa đảo về tiền trợ cấp được phanh phui tại Hoa kỳ cũng từ câu nói ngụy biện này. Năm ngoái, trong một bữa giỗ, tôi nói chuyện với một anh tầm tầm 60. Anh ta vừa được con bảo lãnh sang Mỹ được chừng vài tháng. Ở VN, anh giữ chức Phó phòng Mặt trận Tổ quốc của phường. Nói chuyện lan man một lúc, sang đến chuyện hối lộ, anh thẳng thừng, “Hối lộ là chuyện bình thường. Một chút tiền khôn đi trước để công việc suôn sẻ không thể gọi là hối lộ.” Anh còn bồi thêm, “Phường nào cũng làm thế, có phường nào hay cơ quan nào mà không làm.” Khi tôi hỏi, “anh có biết hối lộ ở Mỹ là một trọng tội không?” Anh trả lời, “Ở Mỹ thì tôi không biết, nhưng ở VN ai cũng dùng tiền để chạy việc nên tôi nghĩ chẳng sai.” Hóa ra một việc sai nhưng nhiều người làm nên trở thành đúng. Hành động của đám đông cuốn hút những người khác làm theo, như thí nghiệm của Asch ở trên. Nguy hiểm là ở chỗ đó. Ý thức về sự sai trái (về tội) không còn nữa. Não trạng của họ không còn phân biệt được đâu là đúng và đâu là sai. Đức Giáo hoàng Piô XII khuyến cáo, “Cái đau khổ lớn nhất của nhân loại ở thế kỷ 20 không phải ở chỗ phạm những tội tày trời, nhưng ở chỗ con người đang đánh mất dần ý thức về tội.” Khi con người mất hẳn khái niệm căn bản về đạo đức (đúng và sai) thì không còn gì kiềm chế được hành động của họ nữa. Họ không còn phân biệt được trắng hay đen nhưng não trạng họ chỉ còn là một màu xám tro nhợt nhạt.

III. Chính trị. Năm 1953, Stalin chết và cả triệu người túa ra đường bày tỏ lòng thương tiếc. Có người khóc, có kẻ chẳng nhỏ một giọt nước mắt nhưng khuôn mặt người nào cũng lộ vẻ buồn sầu (https://www.youtube.com/watch?v=2ze0gzwZQJY). Không thể chối cãi một sự thật là có hàng triệu người khóc nhưng trong số đó chắc chắn một số khóc theo vì HƯBĐ. Một số người khác không khóc được nên phải dùng một vài thủ thuật trông giống như đang khóc. Năm 2013, trang mạng “Russia Beyond the Headlines” phỏng vấn một số người sống vào thời điểm Stalin chết và ghi lại một vài trường hợp đáng chú ý. Viktor Yerkovich, 74 tuổi thú nhận dùng nước miếng bôi lên mặt cho ươn ướt. Felix Kvasha, 79 tuổi, thú nhận không thể khóc. Dalila Avanesova, 73 tuổi, kể lại cả nhà vui hẳn lên nhưng phải kín miệng. Đây là một số nhỏ trong hàng triệu người khóc lóc về cái chết của một “người cha”, “người thầy”, “vị anh hùng”.

Mao chết năm 1976, cũng hàng triệu triệu người khóc lóc. Khóc trong nhà, khóc ngoài đường, khóc nơi công sở. Cả nước chìm trong màu tang. Yu Hua viết một cuốn sách khá nổi tiếng, “China in Ten Words” gồm 10 chương, mỗi chương là một chữ tiêu biểu cho xã hội Tàu. Chương thứ hai ông viết về “Lãnh tụ”, và dĩ nhiên nói đến cái ngày Mao lìa cõi đời. Năm đó, Yu Hua đang học trung học và tất cả học sinh được lệnh phải có mặt tại hội trường lúc 9 giờ. Hơn nghìn học sinh lục đục đứng dậy mang ghế đến hội trường. Ngay sau khi báo tin Mao chủ tịch vừa chết, cả hội trường chìm trong tiếng rền rĩ và than van. Yu cũng nước mắt đoanh tròng. Cả một đám đông chìm trong nước mắt. Nhưng khi tiếng khóc bùng lên, tiếng than van gào lớn khắp hội trường, tiếng kể lể xen lẫn với tiếng ho sùng sục, tiếng thở hổn hển khi nuốt hơi lấy sức để tiếp tục than vãn thì Yu ngưng tiếng khóc và cảm thấy buồn cười. Yu viết, “nếu chỉ chừng vài ba người khóc thì còn hiểu được, đằng này cả một hội trường lớn bé từng ấy người khóc lóc thảm thiết như phường chèo (cacophony) nên tôi cảm thấy buồn cười. Vì buồn cười, tôi bật ra tiếng cười nhưng tôi cố mím chặt môi. Cười trong lúc này chắc chắn bị quy tội phản cách mạng và rất dễ mất mạng. Tôi càng cố, áp lực của sức cười dồn ứ trong phổi khiến tôi khó chịu. Cuối cùng tôi phải chồm người tới trước, ôm chặt thành ghế, gục đầu vào 2 cánh tay mà cười rung người. Sau này bạn bè bảo tôi khóc thương Mao chủ tịch một cách đặc biệt, không giống một đứa nào.”

Năm 1969, tình cờ tôi cầm được tờ báo Time của ông cậu, trên đó chụp hình một người đàn bà trẻ khóc sướt mướt, nước mắt nước mũi ràn rụa, phía trên chạy hàng chữ Ho chi Minh Died. Năm đó tôi đủ lớn để biết thương, biết nhớ, biết buồn, biết khổ nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao chị ta khóc đau đớn đến thế. Nhà tôi chưa bao giờ có tang nhưng tôi đã chứng kiến nhiều đám ma của những người lính và thấy thân nhân họ hàng khóc lóc thảm thiết. Khi lớn lên tìm hiểu và tôi nhận ra đó là những giọt nước mắt chân thành. Chị khóc thương ông Hồ thật tình, thật lòng. Ở đây tôi không bàn đến cả một hệ thống tinh vi đánh bóng thân thế và sự nghiệp của ông, và tạo cho ông một huyền thoại có một không hai trong lịch sử Việt nhưng tôi chỉ muốn nói đến cảm xúc của những người khác khi nghe tin ông Hồ chết. Ngoài chị ra, chắc chắn có một số không thể khóc, cố bật ra tiếng khóc mà không được. Một số người khác thấy đám đông khóc và họ khóc theo. Áp lực của đám đông đã làm những giọt nước mắt rơi.

Riêng cái chết của cha con nhà họ Kim ở Bắc Hàn là những trường hợp hết sức dị thường, vượt quá tầm hiểu biết của con người. Nó trái ngược với sự suy nghĩ bình thường. Hành động của dân Bắc Hàn không nằm trong tự điển của loài người. Nó tách biệt, lạ lẫm, xa cách như nếp sống ẩn dật của một bộ lạc hiếm hoi trong rừng rậm Amazon.

Mỗi cái chết của họ Kim là nước mắt của cả nước, đủ nam phụ lão ấu, trừ con nít chưa biết nói. Như trường hợp khóc thương các lãnh tụ khác, vẫn có những giọt nước mắt chân thành. Thế còn áp lực của đám đông? Không, không thể gọi là HƯBĐ bình thường nữa, mà là sự kích động cuồng loạn của đám đông (mass hysteria). Darcie Sims, một chuyên viên nghiên cứu về sự chế ngự buồn sầu và giám đốc của American Grief Academy tại Seattle, cho biết. “Sự kích động của đám đông lây lan rất nhanh như nạn cháy rừng. Chỉ cần vài ba người thôi là đủ gây ảnh hưởng đến số người còn lại.” Nhân tố cuối cùng vắt hết nước mắt của dân Bắc hàn là sự sợ hãi. Đám đông sợ cái gì? Thưa họ sợ khóc chưa đủ và nếu bị kết tội, hình phạt 6 tháng ở các trại khổ sai đang chờ đợi họ. “Khóc chưa đủ” là một hình tội. Tất cả đua nhau khóc, giống như vào một cuộc đua chạy việt dã. Ai cũng phải cố chạy thật nhanh để đến đích trước mọi người. Thi đua nhau khóc (competetive crying) là một hiện tượng tâm lý quái đản còn tồn tại đến tận ngày nay và chỉ hiện diện tại mỗi Bắc Hàn, theo Anthony Daniels, một nhà tâm lý.

Một điểm son không có nước mắt về HƯBĐ trong lãnh vực chính trị là sức ép của đám đông trên các mạng xã hội. Năm 2012, công nghệ điện thoại thông minh chế là một ứng dụng nhằm khuyến khích mọi người đi bầu và được các ứng cử viên Cộng hòa & Dân chủ sử dụng triệt để. Mỗi khi bầu xong, một người có thể khoe thành tích của mình ngay trên mạng Facebook, Twitter, hoặc Instegram. Những người đã bầu khuyến khích và thúc dục bạn bè trong cùng mạng lưới đi bầu. Một số người không muốn đi bầu nhưng vì áp lực của đám đông trên mạng lưới, họ đi bầu. TT Obama chiếm 60% số phiếu của giới trẻ cũng nhờ ứng dụng này. Năm nay, 2016, là năm bầu cử và chắc chắn bà Hillary và ông Trump sẽ dùng ứng dụng này triệt để, (tôi đoán họ sẽ là 2 ứng viên Tổng thống của 2 đảng chứ chưa hẳn đúng).

IV. Tôn giáo. Với chủ trương tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, và vô tôn giáo chủ nghĩa cộng sản luôn tìm cách tiêu diệt tôn giáo và hủy hoại giá trị gia đình, riềng mối chòm xóm láng giềng, vã dĩ nhiên cả những giá trị căn bản của xã hội nữa. Vô gia đình vì tất cả cho đảng, và đảng chính là đại gia đình. Vô tổ quốc vì họ tin tưởng chủ nghĩa cộng sản sẽ toàn thắng và thế giới trở thành đại đồng. Một khi đại đồng thì biên giới nước này nước nọ sẽ không còn nữa. Tại sao họ chủ trương vô tôn giáo? Theo thuyết duy vật biện chứng của Marx thì bất cứ một sự kiện nào đều có mâu thuẫn nội tại. Chính sự xung đột của mâu thuẫn nội tại nảy sinh một cái mới, tiến bộ hơn (ví dụ con gà và quả trứng nhằm biện minh cho mâu thuẫn này). Rồi chính cái mới lại có mâu thuẫn nội tại nữa. Cứ thế sự vật biến đổi không ngừng. Cái mới sẽ tiếp tục nảy sinh từ cái cũ và khi đạt được chủ nghĩa cộng sản thì ngưng, vì chủ nghĩa này là đích điểm cuối cùng (không còn mâu thuẫn nữa). Tinh hoa của con người, của lịch sử nhân loại là chủ nghĩa cộng sản. Vì thế phải đấu tranh, phải dùng bạo lực để tiếp tục tạo ra cái mới. Còn giáo lý tôn giáo dạy dỗ sống đời này là “nhân” để gặt “quả” ở đời sau. Công giáo cũng tin có thiên đàng sau khi chết. Giáo hữu được dạy dỗ đời này chỉ là tạm bợ, đời sống đích thực là sau khi chết đi. Marx không chấp nhận vì ông kêu gọi đấu tranh để bột phát cái mới. Nếu chủ trương đời này tạm bợ thì lấy ai đấu tranh. Nếu có thiên đàng thì thiên đàng là ở đời này. Chủ nghĩa cộng sản chính là thiên đàng hạ giới của nhân loại. Do đó, Marx kết luận tôn giáo là thuốc phiện nhằm ru ngủ (sự đấu tranh) của quần chúng.

Khi đặt nền móng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc từ 1954 đến 1975, nhà nước đã cô lập và tìm cách tiêu diệt tôn giáo một cách có hệ thống. Nhưng sau 21 năm, nhà nước đã thất bại vì những làng công giáo ngoài Bắc dứt khoát không hợp tác với chính quyền, nhất là vùng đất Nghệ Tĩnh Bình, vùng Thái bình, Phát diệm (khu tự trị cũ của ĐC Lê Hữu Từ). Họ chấp nhận con cái dốt chữ chứ không thể dốt giáo lý. Họ giữ đạo thầm lặng như thế trong suốt 21 năm.

Một cơ quan của nhà nước được thành lập năm 1955 lấy tên Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc do linh mục Vũ Xuân Kỷ làm chủ tịch. Ngoài một vài linh mục tham gia Ủy ban, còn hầu hết tất cả giáo dân bất hợp tác. Họ khốn khổ, khốn nạn với tổ chức phá đạo này nhưng đồng thời họ tỏ thái độ dè bỉu, nếu không nói là khinh bỉ. Trong thời kỳ đó, tổ chức này sinh hoạt lèo tèo, có dăm ba linh mục, vài giáo dân xách cặp đi họp thường xuyên với cán bộ Ủy ban. Mãi đến năm 1983, tổ chức phá đạo này được đổi thành Ủy ban Đoàn kết Công giáo mà giáo dân thường gọi chệch đi là Ủy ban Đàn két. Trong cuốn hồi ký “Chứng Từ Của Một Giám mục” của cố GM. Lê Đắc Trọng, Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà nội, ngài nói đáng lẽ Ủy ban này chết rồi nhưng biến cố 30/4 đã giúp nó sống lại. Ngài cho rằng, khi du nhập Ủy ban này vào miền Nam, các giám mục và linh mục trong Nam với mặc cảm thua trận (tr. 261, sđd) nên vồ vập lấy Ủy ban này xem như lẽ sống, cái kiểu đem đạo vào đời. Thật vậy, các ngài không có một kinh nghiệm gì về chủ trương của cộng sản, chứ giáo dân miền Bắc đã rõ mục đích của Ủy ban này từ lâu.

Nhà nước cộng sản rất khôn ngoan trong việc lũng đoạn các tổ chức. Cấm đạo không được vì giáo dân sẵn sàng chết. Trà trộn để phá đạo cũng không xong vì giáo dân biết rõ mặt từng người. Cách duy nhất là dùng người công giáo để phá công giáo, kiểu dùng “gậy ông đập lưng ông”. Cách này rất hiệu quả vì trong giáo hội vẫn có những linh mục không đạo đức (tr. 261, sđd), vụng tu sẵn sàng “hiến thân” làm thân trâu ngựa cho đảng. Linh mục có tòa giảng, mỗi tuần giảng lời Chúa mươi lăm phút, đồng thời truyền đạt tư tưởng của nhà nước luôn thể. Những cán bộ tuyên huấn rất thèm tòa giảng này. Họ có lần hỏi các cha rằng các cụ chỉ có 15 phút mỗi tuần mà nói gì giáo dân cũng nghe, chúng tôi tổ chức học tập ngày này qua tháng nọ mà dân vẫn không nghe. Lời nói của linh mục ở nhà thờ rất quan trọng. Nắm được linh mục là nắm được cả giáo xứ nhưng tốt nhất vẫn là nắm cho bằng được giám mục vì giám mục cai quản cả trăm họ đạo.

Giáo dân gọi những linh mục gia nhập Ủy ban Đoàn kết, một đơn vị thuộc Mặt trận Tổ quốc, là linh mục quốc doanh. Phần lớn những linh mục này là đảng viên. Họ thường được đề cử vào chức vụ đại biểu trong các khóa của Quốc hội, khiến cuộc đời linh mục càng lún sâu vào con đường tục hóa. Theo trang mạng Wiki, tính đến năm 2007, Ủy ban Đoàn kết thành lập được 39 ban trên toàn quốc và quy tụ được 470 linh mục quồc doanh. Cũng năm 2007, tổng số linh mục là 3721 vị. Như thế, tỷ lệ các linh mục quốc doanh mến Chúa yêu… đảng là 12.6%. Một tỷ lệ đáng sợ.

Những công tác mục vụ của những linh mục này tất nhiên giảm sút vì họ dành thì giờ để họp hành, học thuộc nghị định, nghị quyết, và vạch kế hoạch để thực thi đường lối của đảng. Và cái đáng sợ nhất là khi gia nhập cái Ủy ban Đoàn kết để phá đạo, các linh mục quốc doanh ngày càng thoái hóa, tha hóa, biến chất, ngang nhiên lỗi các lời thề của thiên chức linh mục gồm Vâng lời, Khó nghèo, và Khiết tịnh. Hiệu Ứng Bầy Đàn đã đưa đến một hậu quả thật đau lòng.

Một số linh mục quốc doanh lạc quan (tếu) cho rằng phải mang đạo vào đời, phải hợp tác với nhà nước để truyền đạo, trước để cảm hóa và sau là đồng hóa họ theo đường lối Tin mừng. Sự thật là trước khi họ mon men cảm hóa các cán bộ, chính họ đã bị đồng hóa. Ông bà ta bảo,“Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.” Họ, những linh mục quốc doanh, định khoác mảnh áo cà sa lên người cộng sản thì chính họ đã mặc áo giấy từ lâu. Họ “mặc áo giấy” vì suy nghĩ và hành động như một người cộng sản. Cái tệ nhất là nếp sống tha hóa của họ mới là gương mù gương xấu không những cho giáo dân, mà còn cả lương dân nữa. Chính môi trường đã đồng hóa các linh mục không đạo đức này (chữ của cố GM Lê Đắc Trọng). HƯBĐ tác dụng lên họ một cách dễ dàng. Dễ thế nào? Thưa chỉ cần vướng vào một trong những tệ đoan như rượu, tiền, và sắc. Ban bố một chút chức danh, và chụp thêm vài tấm hình lưu trữ ở thư khố thì họ – các linh mục quốc doanh – sẵn sàng làm nô bộc cho đảng và nhà nước đến suốt đời.

Một trường hợp điển hình về HƯBĐ của những linh mục biến chất là ông Phan khắc Từ, chánh xứ Vườn Xoài. Trước 75 ông có hỗn danh là linh mục hốt rác, vì tự nguyện làm công nhân hốt rác ở Sở Vệ sinh SG; tham gia đấu tranh quyền lợi cho công nhân hãng pin Con Ó. Ông xuống đường hốt rác, nhưng ông cũng thường xuyên xuống đường chống chính phủ. Năm 75, ông lộ nguyên hình là một đảng viên cộng sản. Ông ngang nhiên có vợ là bà Ngô Thanh Thủy, một sinh viên (Luật?) chuyên đấu tranh trước 75. Ông và bà Thủy có 2 con gái hiện đang học và sống ở Pháp. Ngày ăn thôi nôi con đầu lòng, ông mời toàn bộ cán bộ thuộc Thành ủy HCM đến ăn mừng. Mọi người đến mừng mà không biết con của ai, cứ nghĩ con của một cán bộ nào đó trong thành ủy. Mãi đến khi ra về mới ngã ngữa ra đó là con của ông PKTừ. Chân Tín, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế, cũng nằm trong hàng ngũ đấu tranh với ông Từ trước 75 đã thẳng thắn đề nghị ông nên hoàn tục để sống đời sống gia đình. Nhưng đến nay ông vẫn ngày làm linh mục, tối làm giáo dân ngang nhiên thách thức quyền bính của giáo hội. Tổng giáo phận SG không thể kỷ luật ông Từ được vì ông Tổng quản của Tòa Giám mục lại là một ông quốc doanh khác, quyền thế hơn, uy lực hơn. Đó là ông Huỳnh công Minh, một đảng viên gộc.

Screen Shot 2016-03-08 at 1.03.30 AM

Ngày 28/6/2010, nhân ngày lễ Gia đình Việt nam tại giáo xứ Vườn Xoài, bà Thủy (bí danh Tư Liên) công khai tuyên bố bà là vợ ông Từ. Bà nói, “Tôi là vợ chính thức, có hôn thú với ông Phan Khắc Từ. Tôi đã có 2 con với ông ấy. Chúng tôi sống rất hạnh phúc…” Khi được hỏi ông Từ có ý định cởi áo dòng để chính thức sống với bà không thì bà trả lời:

– Chuyện gia đình tôi là chuyện riêng tư. Quý vị nên nhớ, trong đạo anh Từ là linh mục nhưng ngoài đời anh ấy là một đảng viên… Anh ấy giúp đạo thì phải có bổn phận phục vụ đảng chứ…
Bà Tư Liên còn hãnh diện:

– Tôi xin hỏi quý vị… Ngày hôm nay là ngày gì? Có phải chủ trương 1 vợ 1 chồng để gia đình hạnh phúc không? Nếu thế thì chúng tôi (anh Từ và tôi) đã đạt được mục đích của phong trào… Còn những ông giám mục, linh mục đang sờ sờ trước mắt kia, đang thậm thụt vợ nọ con kia, gái bao đủ thứ chuyện. Tôi hỏi ai phải ai trái?

Lại được hỏi: “Bà có can đảm chỉ đích danh các vi giám mục, linh mục ấy không?” Bà nói: “Tôi sợ gì mà không nói, nhưng bây giờ chưa phải lúc!” Có phải bà Thủy thổi phồng sự kiện để bêu xấu giáo hội? Thưa không, bà nói đúng lắm. Theo tìm hiểu riêng của tôi và qua chuyện trò với một vài linh mục từ VN cho biết danh sách các linh mục lăng nhăng, con rơi, rượu chè be bét… khá dài.

Đơn cử một trường hợp khác ở hạt Phú Yên, linh mục Nguyễn Cấp là người nát rượu, suốt ngày say xỉn, kể cả lúc cử hành thánh lễ. Từ nát rượu đến con rơi là một bước ngắn. Một bạn học cũ của tôi có con chịu chức linh mục, hớn hở đến gặp thầy cũ để báo tin vui. Đến nơi chỉ thấy một ông già say sưa, ngồi nhậu với các cán bộ ở nhà xứ. Bạn tôi ra về lòng buồn rười rượi. Đọc vi-thư của người bạn, tôi không ngạc nhiên lắm vì hơn 10 năm trước, tôi đã gặp ông khi ông qua Mỹ để xin tiền xây nhà thờ. Vì là thầy dạy cũ, tôi đến gặp để đóng góp và thấy tay ông đang cầm chai bia, giọng lè nhè (không biết đã uống mấy chai rồi) và nghe ông mở miệng chưởi tục không thua gì một tay anh chị. Tôi lẳng lặng ký ngân phiếu và ra về ngay. Ít nhất có 2 linh mục khác có mặt với tôi lần đó và lên tiếng chỉ trích cách ăn nói của ông Cấp. Dĩ nhiên, quý vị nhắm mắt đoán mò cũng biết ngay ông Cấp là linh mục quốc doanh. Ở Giáo phận Vinh lại có linh mục Nguyễn thái Từ, ông này chối có đạo. Ngày xưa, các giáo hữu chỉ cần nói tôi bỏ đạo đã được tha nhưng rồi họ can đảm nhận cái chết chứ không chối, cho dù chỉ là một lời nói suông. Ngày nay có linh mục thẳng thắn chối đạo. Một lần nữa, quý vị cũng đoán ra ông này là linh mục quốc doanh.

Screen Shot 2016-03-08 at 1.04.42 AM

Có thể ông PKTừ muốn hoàn tục để tránh lời thị phi. Có thể những linh mục quốc doanh khác cũng muốn trả áo dòng hầu bảo vệ thanh danh giáo hội. Mục đích của nhà nước là muốn bêu xấu giáo hội nên chắc chắn không cho phép họ hoàn tục. Phải có một ông linh mục sống sượng có vợ, trắng trợn đi ngược lại đường lối của giáo hội, như thế mới tỏ được quyền lực của nhà nước; đồng thời cũng là bài học răn đe những tu sĩ khác, kể cả giám mục. Thuận tôi thì sống, nghịch tôi thì chết. Giữa đường lối của nhà nước và đường lối của giáo hội, đường lối của giáo hội bị xem nhẹ. Giữa thần quyền và thế quyền, thế quyền hơn hẳn. Thật ra, nếu những ông này cứ can đảm, trả áo dòng hoàn tục thì nhà nước cũng chẳng làm được gì. Nhưng vì những lợi lộc vật chất đi kèm (tiền bạc, bổng lộc, chức tước), hoặc những tội lỡ phạm (sắc dục) mà nhà nước có bằng chứng trong tay, tất cả những thứ này là vòng kim cô siết chặt cổ họ đến nghẹt thở. Bởi vậy cố GM. Lê đắc Trọng mới bảo họ là những linh mục không đạo đức (không, chứ chẳng phải kém; nghĩa là zêrô, vô đạo đức). Ngài báo trước hậu quả, “Nhưng một khi đã trót rồi, không thể rút ra được nữa. Kinh nghiệm xưa là thế, nay vẫn thế. Nào là mất quyền lợi, nào nguy cơ tưởng tượng, nào sĩ diện…”, (tr. 262, sđd). Những lầm lỡ trong quá khứ có bằng chứng, những lợi lộc vật chất như cái ách đè lên cổ con trâu, và khi nghe tiếng roi vun vút sau lưng, con trâu lầm lũi bước tới, cày xới tung mảnh đất hoa màu chưa gặt hái mà giáo hội ươm trồng và gìn giữ qua suốt bao nhiêu thế kỷ. Những linh mục này mãi mãi làm tôi tớ cho ma quỷ cho đến ngày bị vắt kiệt nước. Lúc đó, họ như một múi chanh bị ném vào sọt rác.

Nói cho cùng, một linh mục sa ngã cũng là chuyện thường tình. Nhưng phải dứt khoát với lòng mình. Hoàn tục để lập gia đình chẳng có gì sai cả, vì tu trì là một ơn gọi, hôn nhân cũng là một ơn gọi khác. Cả hai đều là Bí tích và được xem cao trọng ngang nhau. Đời sống mục vụ của linh mục là dành trọn thì giờ lo cho giáo dân, không thể dính dáng đến chính trị, càng không thể là đại biểu quốc hội. Linh mục Jean-Bertrand Aristide thuộc dòng Don Bosco chuyên tranh đấu cho người nghèo tại Haiti đã hoàn tục để ra tranh cử và đắc cử chức vị Tổng thống đến 3 lần. Ông này phân biệt rõ rệt trắng đen chứ không như số linh mục quốc doanh phá đạo kia.

Từ 1945 đến nay, lịch sử của Giáo hội Công giáo VN chưa ghi nhận được một linh mục nào cảm hóa được một cán bộ cộng sản mà chỉ thấy chủ nghĩa cộng sản đã cảm hóa được rất nhiều linh mục, (cần mở một ngoặc kép ở đây, là tôi có thể sai… nếu ai biết được một trường hợp nào cụ thể, xin cho tôi biết để củng cố đức tin). Trừ một người. Đó là Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận (cháu của TT Ngô đình Diệm, gọi bằng ông cậu). Suốt 13 năm ngài còn là Giám mục và bị giam lỏng tại làng Giang xá, thuộc ngoại ô Hà-nội, đời sống đạo đức của ngài đã cảm hóa được rất nhiều anh công an có nhiệm vụ canh gác ngài. Chính ngài đã rửa tội cho những cán bộ cộng sản trung kiên này. Mãi rồi nhà nước không dám đưa một cán bộ nào đến canh gác nữa. Cuốn sách “Đường Hy Vọng” ngài lén lút viết trong tù trên những tờ giấy lịch và được bí mật chuyển ra ngoài đã được dịch ra trên 15 ngôn ngữ. Đây là cuốn sách viết lại hành trình đức tin của ngài trong suốt những năm tù đày và giam lỏng. Rõ ràng ngài đã cảm hóa đám đông, chứ đám đông không hề cảm hóa được ngài. HƯBĐ của đám đông đã có tác dụng ngược, và chỉ mỗi trường hợp đặc biệt này.

HƯBĐ có tác dụng hai chiều: cá nhân đồng hóa môi trường hoặc môi trường đồng hóa cá nhân. Tưởng rằng cảm hóa được những người cộng sản nhưng không, họ đã đồng hóa các linh mục quốc doanh trước. Môi trường đã làm những linh mục quốc doanh sa đọa, biến chất, không còn tinh tuyền như thân thể của Đức Kitô. Bà Brigitte Gabriel, Chủ tịch Phong trào Act for America, đưa ra một nhận xét hết sức chí lý: “Không phải tất cả những người Hồi giáo đều là khủng bố, nhưng tất cả những kẻ khủng bố đều là Hồi giáo.” Tôi cũng xin nói, “Không phải tất cả các linh mục đều biến chất nhưng tất cả các linh mục biến chất đều là linh mục quốc doanh.”

Tôi có bi quan với số lượng 460 linh mục quốc doanh (con số này còn nhiều hơn tính đến năm 2016) không? Thưa không. Cho dù là 12.6% tổng số linh mục là quốc doanh, cho dù con số lên đến 50%, tôi vẫn vững tin vào ơn Chúa Thánh thần chỉ vì Đức Giêsu đã nói với vị Giáo hoàng tiên khởi, “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực Satan không thể nào thắng nổi,” (Matthêu 16:18). Chủ nghĩa cộng sản đồng hành với Satan nhưng họ không thể mạnh hơn Satan. Bằng chứng là Satan vẫn còn quấy nhiễu nhưng chủ nghĩa cộng sản đã chết từ lâu rồi. Tuy vậy, Hội thánh cần kinh qua những thử thách để hun đúc đức tin và tôi luyện giáo dân. Giáo hội tiên khởi đã bị bách hại từ thời hoàng đế La mã Nêron (năm 64) đến Sắc lệnh của vua Costantine (năm 313) tính ra kéo dài gần 3 thế kỷ. Giáo hội hoàn vũ cũng đang bị đau khổ khắp nơi, đặc biệt tại các nước Hồi giáo. Riêng Giáo hội Công giáo bị các vua chúa bách hại trong hơn 4 thế kỷ, nhưng sứ điệp Tin Mừng vẫn được loan truyền, đức tin của giáo dân vẫn triển nở như hoa quả đầu mùa, vẫn được củng cố mãi cho đến bây giờ, và còn tiếp tục cho đến khi nước Cha trị đến. Cho dù cuộc bách hại có tinh vi hơn, hệ thống hơn vì có những linh mục biến chất, phá đạo từ bên trong, nhưng chủ nghĩa cộng sản (đã biến thái) không thể nào tiêu diệt tôn giáo được. Họ có thể thắng một hai trận chiến nhỏ trong vài giai đoạn nhất thời, nhưng trường kỳ họ sẽ bị Thiên Chúa khuất phục.

Bài học rút tỉa được qua sự kiện này là gì? Xin thưa đừng đánh giá mình quá cao, và cũng đừng đánh giá kẻ khác quá thấp. Quan sát và đánh giá môi trường thật kỹ. Nên tự lượng sức mình, nhận ra khả năng của chính mình. Biết chỗ đứng và nên chu toàn nhiệm vụ theo lý tưởng mình đã chọn. Đừng mập mờ nhưng hãy phân biệt rõ trắng đen.

Lời cuối. Phần kết của HƯBĐ, tôi xin bàn đến sự tiến trình đồng hóa của môi trường. Thường thì ai cũng đánh hơi được sự nguy hiểm khi nó hiện rõ nét. Nhưng có sự nguy hiểm đến từ từ để cho nạn nhân quen dần, để cuối cùng khi nó hiện nguyên hình là một con quái vật thì lúc đó đã muộn. Môi trường nuốt chửng lấy nạn nhân, và khi nó mửa ra, nạn nhân đã hoàn toàn lột xác từ hình dáng đến suy nghĩ, từ hành động đến cư xử, tất cả đều bị biến thái rập khuôn theo đám đông. Những người cộng sản rất quỷ quyệt trong tiến trình đồng hóa môi trường.

Năm 1869, nhà sinh lý học Đức, Friedrich Goltz thực hiện một cuộc thí nghiệm về khả năng tiếp nhận môi trường của loài ếch (The Boiling Frog). Ông bỏ một con ếch vào nồi nước rồi đun sôi dần. Đến 25 độ C thì nó cảm thấy nóng và nhảy ra ngoài. Edward W. Scripture, y sĩ và tâm lý gia tại ĐH Yale, lập lại thí nghiệm này vào năm 1897. Ông tăng nhiệt độ từ từ, cứ 0.002 độ C mỗi giây và sau 2 tiếng rưỡi, con ếch vẫn nằm yên cho đến khi bị luộc chín. Nhiệt độ lúc đó là 82 độ C.

Gần đây, tiến sĩ Karl S. Kruszelnicki, nhà khoa học Úc, bác bỏ kết quả của thí nghiệm này. Ông chứng minh khi độ nóng tăng lên một điểm nào đó, chất đạm ở 4 chân ếch bị chín cứng tạo thành một màng trắng cột chặt con ếch vào đáy nồi. Nó giống như khi ta thả lòng trắng trứng (đầy chất đạm) vào nước sôi, lập tức lòng trắng chín cứng lại. Vì thế, dù muốn hay không, con ếch vẫn không thể nhảy ra ngoài được. Lập luận này được tiến sĩ George R. Zug, thuộc American Museum of Natural History, và giáo sư Doug Melton tại ĐH Harvard tán thành.

Như thế, về phương diện sinh học, thí nghiệm “The Boiling Frog” không thích dụng. Nhưng về phương diện tâm lý thì sao. Các nhà tâm lý xã hội học nhận xét “The Boiling Frog” qua một lăng kính khác. Họ nhận xét rằng đôi khi chúng ta cũng bị môi trường luộc chín từ từ mà không nhận ra. Nó thay đổi từ từ để chúng ta thích ứng, làm quen dần để đến một lúc nào đó, khi cả môi trường sôi bỏng thì không kịp trở tay nữa. Nạn nhân sẽ bị luộc chín. Các linh mục quốc doanh đang bị môi trường chính trị (ỦB Đoàn kết) luộc chín dần mà không nhận ra.

Riêng chúng ta, hãy tỉnh thức với môi trường chung quanh. Nên tập nhạy bén với tình hình. Mở mắt to, mở tai lớn và dè chừng môi trường. Nó có thể như một viên thuốc độc bọc đường. Nó có thể là một bàn tay sắt bọc nhung. Cứ hòa đồng với đám đông nhưng đừng để bị đồng hóa với cái xấu.

HƯBĐ là một hiện tượng tâm lý đáng để chúng ta suy nghĩ và nên luôn luôn cảnh giác.

HẠ NGÔN

_________________________

Tài liệu tham khảo
http://www.age-of-the-sage.org/psychology/social/asch_conformity.html
http://www.correntewire.com/basic_sociology_group_behavior
https://www.uky.edu/~drlane/teams/pavitt/ch6.htm
http://www.simplypsychology.org/social-psychology.html
http://www.koreatimes.co.kr/www/news/nation/2011/04/117_63695.html
https://www.elementsbehavioralhealth.com/addiction/study-examines-peer-pressure-and-addiction/
http://www.narconon.org/blog/narconon/a-new-kind-of-peer-pressure-that-is-fueling-addiction/
http://www.digitaltrends.com/social-media/forget-social-media-this-was-the-peer-pressure-election/
http://www.danchimviet.info/archives/71021/thuc-trang-giao-hoi-thien-chua-giao-mien-bac-tu-1945-1975/2012/12
http://chemgiocatuan.blogspot.com/2014/04/hot-hot-linh-muc-phan-khac-tu-co-vo.html
http://chungnhan.org/giaoxu/event/Viet-Nam/Thu-ngo-cua-Linh-muc-Chan-Tin-gui-anh-Phan-Khac-Tu-230/
https://vi.wikipedia.org/wiki/%E1%BB%A6y_ban_%C4%90o%C3%A0n_k%E1%BA%BFt_C%C3%B4ng_gi%C3%A1o_Vi%E1%BB%87t_Nam
http://hdgmvietnam.org/thong-ke-linh-muc-cong-giao-tren-the-gioi-va-tai-viet-nam/448.43.13.aspx
https://yeumensuthat.wordpress.com/2011/07/04/%E1%BB%A7y-ban-doan-k%E1%BA%BFt-cong-giao-bao-gi%E1%BB%9D-d%E1%BA%BFn-h%E1%BB%93i-k%E1%BA%BFt/
http://www.britannica.com/biography/Jean-Bertrand-Aristide
http://www.nguyenvanthuan.com/hiswritings.html
http://conservationmagazine.org/2011/03/frog-fable-brought-to-boil/
China in Ten Words, Yu Hua. Pantheon Books of Random House Inc., New York, 2011
Chứng Từ Của Một Giám mục, cố GM Lê Đắc Trọng. Diễn đàn Giáo dân

CHỦ NGHĨA MÁC Ở NHÀ THỜ

hangon

Đúng ra tôi không muốn đi vào đề tài này làm gì, vì nó trật đường rầy ngay từ khi tiếng nói của GM Khảm vang lên trong nhà thờ dẫn dụ về cánh chung luận của học thuyết Mác. Nhưng vì bài viết của một số người bênh vực về lời giảng của GM Khảm nên tôi phải lên tiếng.

1. đành rằng triết học Mác có cánh chung luận nhưng đó là một cánh chung luận đáng đem bỏ vào sọt rác. Tôi phải nói ngay, nói thẳng, nói xoáy vào trung tâm điểm của sự việc một cách thẳng thừng như thế. Nói đến cánh chung (cứu cánh) là nói đến một hữu thể, một điểm đích mà ai cũng mường tượng được. Tuy nó ở đàng xa, nhưng mọi người đều cảm nhận được vì thấy nó khả thi. Cánh chung là một hình ảnh hết sức cụ thể, tươi đẹp mà mỗi khi nghĩ đến con người cảm thấy hứng khởi. Người công giáo nghĩ đến một cứu cánh nước Trời mà phấn khởi vác thánh giá (hy sinh) ở đời này. Mặc dù nước Trời chúng ta không (chưa) thấy được nhưng nhờ đức tin chúng ta tin tưởng nó hiện hữu, nó có thật. Cứu cánh của triết học Mác vẽ ra những viễn tượng:

– không còn cảnh người bóc lột người. Lòng tham của con người thúc đẩy sự bóc lột. Tham, Sân, Si và lục dục nó thấm vào máu của từng người. Phật giáo (PG) cổ võ con người diệt dục để không còn cảnh người bóc lột người. Công giáo (CG) không bó buộc phải diệt dục nhưng lại có luật yêu thương. Mà khi đã yêu thương thì làm sao lại có thể bóc lột nhau. Đành rằng vẫn có những vị chân tu đã thật sự diệt được lòng dục (hoặc hết lòng yêu người như bên CG) nhưng đối với đại đa số con người, việc diệt dục khó lắm. Rất khó. Chính vì lòng tham (dục) không thể (khó) từ bỏ nên xã hội mới đặt ra luật lệ để kiềm chế lòng tham của con người. Mác mong muốn một xã hội bình đẳng, trong đó lòng dục con người bị triệt tiêu. Trong khi Phật giáo đề ra một phần thưởng của đời sau theo thuyết luân hồi và một Niết bàn hoặc Công giáo nói đến nước Trời thì phần thưởng của Mác chính là thiên đường ở trần gian này. Xem ra cứu cánh của Mác khác hẳn với cứu cánh của PG & CG. Một bên ở đời sau, một đàng ở ngay đời này. Cứu cánh của Mác tuy đẹp (trong một chừng mực nào đó) nhưng ý nghĩa của cứu cánh lại hoàn toàn khác hẳn, nếu không nói đi ngược lại học thuyết của CG. Vậy mà ngài lại đem ra làm ví dụ ở nhà thờ, trên bục giảng, giữa đám giáo dân với nhiều trình độ khác nhau. Sự ngộ nhận rất dễ xảy ra với số giáo dân (tin cha như tin Chúa) sẽ xem đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Nước Trời thì xa quá (cần có đức tin để củng cố), trong khi xã hội thì ở ngay trước mắt và giáo dân (nhẹ dạ) sẽ cố xây dựng cho bằng được thiên đường ở hạ giới này. Và khi xem thiên đường hạ giới là cứu cánh, con người sẽ không từ bỏ một thủ đoạn nào để hưởng thụ cho bằng được. Vì chết là hết, mất tất cả. Nên khi sống, phải sống cho xứng đáng, phải tận hưởng.

Chủ nghĩa hiện sinh cũng bước theo con đường của Mác. Sartre, Simon de Beauvoir, và nhất là Nietzsche cổ võ một lối sống không cần Thượng đế. Nietzsche thốt lên một câu để đời: Thiên Chúa đã chết rồi. Cả hai chủ nghĩa Mác và hiện sinh thoạt trông qua không thấy có gì trục trặc cả, nhưng rõ ràng nó âm mưu tục hóa tất cả mọi tôn giáo, làm mất đi tính chất thần thiêng của từng mỗi tôn giáo. Những điều tôn giáo dạy chúng ta qua con mắt đức tin đối với Mác và Sartre đều trở thành phù phiếm. Phương châm của hai chủ thuyết này là: hãy thụ hưởng ngay đời này, không hề có đời sau. Tôi biết âm mưu của chủ nghĩa vô thần này, không lẽ GM Khảm lại không biết?

Ngài vô tình (hay cố ý?) đồng hóa cứu cánh của CG và của Mác, như người ta so sánh quả táo với trái cam, cho dù chúng cũng là trái cây. Khi nhập nhằng trộn lẫn giữa cánh chung của Mác và CG, ngài đã xiển dương sự tục hóa một cách trắng trợn nhất. Đó là chưa kể đến thực tại của một xã hội bát nháo hiện nay ở VN. Cảnh người bóc lột người dã man hơn lúc nào hết, tàn bạo còn hơn bọn tư bản, khốc liệt hơn trong lịch sử của nhân loại khi bọn CS ráp nối đầu xã hội chủ nghĩa vào thân mình của tư bản chủ nghĩa qua nhãn hiêu: định hướng xã hội chủ nghĩa.

– làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu. Ai cũng biết chuyện này không thể nào xảy ra trong lịch sử của loài người. Làm bao nhiêu không cần biết nhưng muốn xài bao nhiêu cũng được. Khi nói ra dòng chữ này, một người có sức học trung bình cũng biết ngay là KHÔNG TƯỞNG. Xã hội Sô-viết nhận thấy thực tại của một chủ nghĩa mà họ theo đuổi trong suốt 77 năm chỉ đưa đất nước đến một điểm đích mơ hồ, trong đó chủ nghĩa Mác được tô điểm thêm bạo lực cách mạng của Lênin, nên nhân dân quyết định từ bỏ không thương tiếc. Dân tộc Sô-viết đã khốn đốn hơn 3/4 thế kỷ khi mò mẫm trên một con đường với ước mơ một ngày vinh quang cho dòng giống Bạch Nga, và cuối cùng họ phải thú nhận rằng con đường đó sai, sai ngay từ trong trứng nước.

Không có gì khốn nạn hơn là đi lạc đường. Đi mà không biết mình đi về đâu. Bốn phương tám hướng nhưng đường nào dẫn ta đến đích. Thuở vượt biển, ai cũng biết là chiếc hải bàn sẽ quyết định số mạng của những thuyền nhân. Không thiếu những con tàu không có (mất) hải bàn và lênh đênh trên biển cho đến khi cạn thức ăn, nước uống rồi chết. Nếu dân Do-thái phải loanh quanh trong sa mạc hơn 40 năm mới đến Đất Hứa thì ở thế kỷ 21 vẫn còn một vài quốc gia loay hoay với con đường dẫn đến một tương lai xán lạn cho dân tộc. VN là một trong những quốc gia đó. May cho dân tộc Do-thái, vì họ chỉ mất 40 năm đã đến Đất Hứa, tuy lâu nhưng cuối cùng cũng đến. Khốn nạn thay cho dân tộc VN, vì họ đã dọ dẫm trên con đường của chủ thuyết Mác gần 40 năm mà thân phận của nhân dân vẫn còn lầm than hơn số phận của loài vật.

2. Lấy chủ thuyết Mác làm ví dụ trong nhà thờ xem ra không ổn nhưng thôi, cứ tạm cho là được đi. Có thể hiểu rằng trong một phút ngẫu hứng, GM Khảm lên tiếng bênh vực cái cứu cánh của chủ thuyết Mác là tuyệt vời (trên lý thuyết), là tuyệt đích trí tuệ của nhân loại. Tôi cắn răng chấp nhận chuyện đó đi. Nhưng cái SAI TRÁI nhất là sau đó, GM Khảm đã khuyến khích giáo dân hy sinh cho một điểm đích huyễn hoặc, mơ hồ, bất khả thi. Hãy đọc lời nói xúi bẩy đó như sau:

trích: …thì mỗi cá nhân ở trong lịch sử đó khám phá ra cái ý nghĩa của một sự hy sinh mình chịu. Tôi chết đi nhưng sự nghiệp của tôi vẫn còn tồn tại mãi trong nhân dân. Tôi hy sinh nhưng mà sự hy sinh đấy không vô nghĩa, bởi vì nó xây dựng cho thế hệ tương lai.

Một vài người cho rằng GM Khảm chỉ đề cập đến cánh chung luận của Mác chứ không hề ca tụng chế độ CS khi đứng trên tòa giảng. Không cần phải ca tụng chế độ, thưa các ông, nhưng chỉ cần xúi giáo dân hy sinh cho một cứu cánh vô thần như lời nói trên đây là đủ chết rồi. Cái xã hội xảo ngôn, lừa lọc, dối trá, ích kỷ, hèn nhát ở VN bây giờ (tôi không cần phải dẫn chứng) thì có gì mà phải hy sinh để vun xới, để xây dựng nó. Xã hội VN bây giờ đầy dẫy bất công, công lý bị chà đạp, trí tuệ bị mai một, thanh thiếu niên sa đọa cùng cực (đừng hỏi tôi về bằng chứng nhé). Không lẽ chúng ta phải cổ võ sự ác hay sao? Sự nghiệp nào của GM Khảm sẽ tồn tại mãi trong nhân dân? (chưa kể câu nói “Tôi chết đi nhưng sự nghiệp…” sặc mùi Vẹm). Ngài đã hy sinh cái gì cho cái xã hội mà người đối xử với người còn thua cả con vật? Còn nếu ngài khoe khoang sự nghiệp của mấy tên cọng sản chóp bu bây giờ thì lại càng vô lý. Từ 75 đến giờ, chúng đã làm gì cho đất nước khi tổ quốc mất dần từng cây số đất và lãnh hải bị xâm phạm trắng trợn? Đừng nói với tôi là VN bây giờ lớn mạnh khi nhìn một vài công trình bên hào nhoáng bên ngoài để ca tụng chế độ nhé (do your own homework). GM Khảm không lẽ không thấy những điều đó sao? Không lẽ hàng GM bây giờ cũng VÔ CẢM như bọn VC gộc? Đã vô cảm mà lại còn xúi giáo dân vô cảm nữa thì thật không thể hiểu nổi.

Giáo dân sẽ nghe theo lời GM Khảm tiếp tục hy sinh để xây dựng một thiên đường hạ giới? Ôi, thiên đường hạ giới này sẽ không bao giờ có, điểm đích của chủ thuyết Mác sẽ không bao giờ đạt được, và đường đi sẽ không bao giờ đến. Chắn chắn một nghìn năm nữa, hoặc nói rõ hơn cho đến ngày tận thế, thiên đường của Mác sẽ không bao giờ xảy ra trên cõi trần gian này. Thế thì tại sao ngài lại khuyên bảo giáo dân hãy hy sinh để xây dựng một cứu cánh vô lý, vô nghĩa, bất khả thi? Đứng trên tòa giảng, với cương vị là một GM, với vốn liếng thần học và tài hùng biện, ngài đã khuyến khích giáo dân hãy nhìn về một tương lại (không tưởng) mà hy sinh, mà vác thánh giá. Ôi! không còn cái hại nào bằng cái hại của những người ở địa vị cao mà không lựa lời nói, tuyên truyền một chủ thuyết mà chính LS Cù Hà Huy Vũ và biết bao nhiêu đảng viên CS khác đã thở dài thức tỉnh.

Giáo dân từ trước đến nay đặt trọn niềm tin vào các linh mục và với lời giới thiệu đầy “hào khí” của GM Khảm (Đức cha nhé, còn hơn cả linh muc nữa) về một chủ thuyết vô thần ở một nơi tin có hữu thần, những tín đồ nhẹ dạ sẽ thấy vô thần và hữu thần cũng không khác nhau gì mấy. Bằng chứng là ông GM phó của một thành phố lớn nói sang sảng ở giữa nhà thờ đấy thôi. Mỗi năm ngài chỉ cần giới thiệu đôi dòng về chủ nghĩa Mác, dần dần giáo dân sẽ quen đi, và cỡ chừng vài năm sau, không chừng ngài lại là một học giả uyên bác chuyên bênh vực cho chủ nghĩa Mác. Cái hay của bọn VC bây giờ là ở điểm này, đào tạo một ông GM trở thành nhà hùng biện tài giỏi cho chủ thuyết Mác. Rồi một buổi lễ nào đó trong tương lai, người ta sẽ không lạ gì khi GM Khảm mang luôn học thuyết bạo lực của Lênin (đấu tranh đổ máu dành quyền lực) rao giảng trong trong nhà thờ nữa thì tôi sẽ cúi đầu bái phục bọn VC vô cùng.

Tôi hy vọng những giáo dân ngày hôm đó đủ khôn ngoan sẽ không nghe theo lời GM Khảm hy sinh vác thánh giá cho một tương lai VN đầy dẫy bất công, dối trá, lọc lừa nhưng phải cố gắng đứng ra ngoài vòng tục lụy, sống cho đúng ý nghĩa của một giáo dân giữa trần gian này.

Đang khi đó, ở cách xa tòa giảng của GM Khảm khoảng hơn nghìn cây số, ở Thái Hà, một nơi thờ phượng đang bị chiếm đoạt để trở thành những tụ điểm ôm nhau đú đởn, tiếng cầu kinh vang lên trầm mặc nghe ai oán, một người anh em linh mục bị hành hạ dã man, giáo dân bị bắt bớ đánh đập vô lý thì những lời giảng về chủ thuyết Mác của GM Khảm vang lên giữa nhà thờ trong ngày lễ Chúa Kitô Vua nghe lại càng trơ trẽn và sống sượng hơn bao giờ.

HẠ NGÔN

THÔNG ĐIỆP MÙA GIÁNG SINH

Tặng quà là một thói quen của nhiều người trong mùa lễ, nhất là vào 2 tháng cuối năm. Theo dự đoán của National Retail Federation (NRF), số tiền mua sắm trong 2 tháng 11 và 12 là $620,000 triệu, chiếm gần 20% của tổng số $3,194,318 triệu tiền thu bán lẻ trong cả năm. Năm ngoái, con số tiêu thụ quà cáp cũng khoảng đó, $592,660 triệu so với $3,083,319 triệu của toàn năm. American Research Group, Inc. ước tính trung bình một người Mỹ tiêu khoảng $1,051 cho năm 2014, $846 năm 2013, $950 năm 2012…v..v.
Người ta hồi hộp chờ Black Friday, ngay sau lễ Tạ Ơn, một dịp khuyến mãi hơn 50%. Mọi người háo hức mong dịp hạ giá cuối tuần vì hầu như các cửa hàng bán lẻ đua nhau (đại) hạ giá từng ngày. Từ đầu tháng 12, ai nấy đều hỏi thăm nhau đã mua sắm gì chưa cho lễ Giáng sinh. Trong suốt tháng 12, nhất là 12 ngày trước lễ Noel, bắt đầu từ ngày hôm qua 13/12, hầu như các cửa hàng đều đổ hàng ra bán với giá hời không ngờ. Tôi quen một ông bà nọ, có 8 người con đã lập gia đình. Bà than mỗi năm vào dịp Noel, con cái kéo đến nhà ăn reveillon, mang theo quà cáp chất ngập cây thông Noel. Tôi hỏi sao quà đâu nhiều thế. Bà nói tính ra cha mẹ mua cho mỗi đứa con một món quà, nhưng chúng nó vẫn có lệ đổi quà, nghĩa là một gia đình vẫn phải mua quà cho từng ấy đứa cháu. Bà kể thêm, trung bình mỗi gia đình 2 đứa con, mỗi đứa nhận gần 10 món quà từ ông bà, cha mẹ, bác, chú, dì, cậu. Khuya khi ra về, đứa bé khệ nệ khiêng từng ấy món quà ra xe… nhiều lần. Quà cáp xếp chồng lên còn cao hơn đứa bé. Sau đêm Vọng Giáng sinh, ông bà nhìn thấy giấy bao quà, hộp quà để lại chất đầy một góc phòng mà ngao ngán vì phải dọn dẹp. Cha mẹ mải mê sắm quà, con cái nôn nao nhận quà… và quên đi ý nghĩa đích thực của mùa Giáng sinh.
Hơn 2000 năm trước, một Hài nhi sinh ra nơi cánh đồng vào một mùa đông lạnh lẽo. Đợt kiểm tra dân số theo lệnh của hoàng đế Ceasar Augustus khiến cha mẹ Hài nhi phải về nguyên quán để khai báo. Trên đường đi, bà Maria đã đến lúc mãn nguyệt khai hoa nhưng không kiếm được chỗ trú. Nhà trọ thì đông vì dân tứ xứ đổ về, nên ông bà phải tạm trú trong hang của mục đồng ở lại qua đêm để canh chừng súc vật, và chính nơi tồi tàn hôi hám đó, bà đã sinh hạ một Hài nhi, đặt tên là Giêsu, (xem Luca 2:1-20).
Khách đầu tiên đến thăm Hài nhi là các mục đồng, sau nữa là 3 nhà chiêm tinh ở phương Đông mang đến vàng, nhũ hương, và mộc dược. Đây là 3 món quà đầu tiên của Hài nhi. Lệ tặng quà cho trẻ em thịnh hành từ thế kỷ 14 ở Âu-châu, theo truyền thuyết thánh Nicholas chui qua ống khói để tặng quà vào ngày 6 tháng 12. Tục lệ này theo chân những người di dân sang Tân Thế giới và thịnh hành vào đầu thế kỷ 19 với tên mới Santa Claus, biến thể từ chữ “Sinterklaas”, nghĩa là thánh Nicholas. Rồi tục lệ này phổ biến rộng rãi khắp Hoa kỳ, và những nhà sản xuất dựa vào để tung ra những sản phẩm với giá hạ để khuyến khích người tiêu thụ. Và con người dần dần đắm mình vào quà cáp, vào sự tiêu thụ.
Ý nghĩa đích thực của Giáng sinh là sự nghèo khó, bắt đầu từ bài giảng trên núi của Đức Giêsu thuộc vùng Capharnaum, Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước Trời là của họ, (Mt. 5:2-12). Tinh thần nghèo khó là cho đi, chứ không nhận.
Hôm 9 tháng 12, thành phố Tarrant, bang Alabama, cảnh sát viên William Stacy bắt một người đàn bà ăn cắp một hộp tá trứng thuộc cửa hàng Dollar. Bà bị ông chủ tiệm bắt chận với tang vật trên tay. Anh nhận diện ngay người đàn bà vì trước đây đã có khiếu nại từ khu nhà bà ta ở, và anh biết tình trạng gia đình của bà đang gặp khó khăn. Ông chủ tiệm thấy tá trứng cũng chẳng đáng gì nên quyết định không truy tố, viên cảnh sát móc tiền túi trả tiền tá trứng cho chủ tiệm. Bà khẩn khoản trả tiền lại cho viên cảnh sát nhưng anh không nhận. Anh chỉ nói, “cách hay nhất bà trả ơn tôi là đừng ăn cắp nữa.” Một người khác quay cảnh viên cảnh sát William ôm lấy người đàn bà đang nước mắt ràn rụa và phóng lên Facebook. Chỉ trong một ngày, đã có 265,000 lượt xem với nhiều lời bình tán dương hành động nhân bản của viên cảnh sát. Ông cảnh sát trưởng Dennis Reno cũng không tiếc lời khen ngợi William đã cư xử thật đúng với danh dự của một viên cảnh sát.
Trước đó vài ngày, ở cửa hàng Walmart tại thành phố Rotterdam, bang New York, Jenny Karpen, nhân viên tính tiền gặp phải một tình huống khá tế nhị. Một ông lão lụm khụm đẩy xe chất thức ăn của người và chó đến quầy tính tiền. Jenny tính ra ông hụt $40. Lục mãi trong túi không còn đồng nào để trả, ông xin lỗi và lấy từng món ra khỏi xe cho vừa đủ tiền. Nhìn cảnh ông già lụ khụ, đơn chiếc, Jenny quyết định trả dùm ông số tiền thiếu hụt. Ông đẩy xe đi không nói một lời cám ơn vì già lẩm cẩm chẳng hiểu việc Jenny vừa biếu ông $40. Jenny mỉm cười chúc ngày lễ bình an. Nhưng hành động đó không qua được sự quan sát của người đứng sau ông lão và bà muốn trả $40 cho cô nhân viên tính tiền. Jenny từ chối. Cô chỉ mong hành động nhân từ này sẽ khuyến khích những người khác bắt chước, nhất là trong mùa Giáng sinh.
Cho đi nghĩa là bản thân mình phải mất, phải thua thiệt. Nhưng không hẳn “cho đi” lúc nào cũng mất. Có những cái chúng ta cho đi nhưng chẳng mất mát gì. Chẳng hạn như nụ cười. Mẹ Têrêsa Calcutta có lần bảo một chị sửa soạn đi giúp những người vô gia cư bệnh tật trong khi chị đang có chuyện buồn nên nét mặt không vui, “những người nghèo khổ rất cần những nụ cười vì đời họ đã có quá nhiều buồn khổ, khi chúng ta đến săn sóc họ nên mang theo nụ cười và niềm vui, nếu chị đang có chuyện buồn thì nên ở nhà làm những việc khác.” Nụ cười không tốn người cho một xu. Bắt đầu từ nụ cười giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, rồi lan ra những người chung quanh. Chuyện nhỏ, đơn giản nhưng tác dụng của nó thì vô vàn.
Khi môi nở một nụ cười, chúng ta đã là người tử tế. Một việc nhỏ thôi, nhưng nếu làm cho những người chung quanh, đó là hành động tử tế. Hai chữ “tử tế” có một thời chẳng nghe ai nói đến, chứ đừng nói đến có người hiểu được ý nghĩa của nó. Tử có nghĩa là nhỏ. Tế là việc bình thường. Ngay định nghĩa của chữ “tử tế” đã nói lên nghĩa nhỏ bé và thường tình. Nó đơn giản, không lớn lao, không đòi hỏi phải hy sinh quá sức. Việc làm của người tử tế nên hiểu rộng hơn là một nụ cười.
Một cuộc khảo sát ở trong nước hỏi các bạn trẻ thế nào là “tử tế”? Thật ngạc nhiên khi các bạn trẻ quan niệm tử tế như biết cho đi và không cần nhận lại; là tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông; là ăn mặc phù hợp, đúng nơi đúng chỗ; là chấp nhận khuyết điểm của người khác; là ngăn bạn làm điều xấu…v..v. Khi lái xe chấp hành luật giao thông là tử tế với xã hội. Ngay cả đến cách ăn mặc cũng thể hiện tinh thần tử tế. Vào những nơi trang nghiêm, nên ăn mặc kín đáo, biểu lộ lòng kính trọng thần thiêng, là tử tế với những bậc đáng kính. Các em Hướng đạo dành một buổi chiều đến dọn bữa cho những kẻ vô gia cư là một việc làm tử tế. Khi một người làm mình phật lòng bằng lời nói, bằng hành động, người tử tế nên bỏ qua. Tha thứ là một hành động tử tế. Trong một ngày, chúng ta có rất nhiều cơ hội để biểu lộ sự tử tế.
Sự tử tế không chỉ dành riêng nơi những người tốt, mà ngay những kẻ xấu vẫn có thể biểu lộ lòng tử tế. Al Capone, một tay găng-tơ nổi tiếng ở Chicago vào đầu thập niên 30, từng có những hành động tử tế. Thời đó, Hoa kỳ lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp hằng ngày nên số người vô gia cư nhiều không kể xiết. Capone mở ra những quán ăn tiếp nhận họ, những chỗ tạm trú cho những kẻ sa cơ. Capone còn thuê mướn khoảng mười ngàn người ở Chicago và trả tiền công xứng đáng và sòng phẳng. Capone còn phát không vé vào cửa những trận thể thao tại địa phương cho những trẻ em tàn tật. Nếu những kẻ ác còn làm được những việc tử tế thì huống gì chúng ta, những người hiểu được ý nghĩa của hai chữ tử tế.
Xã hội sẽ lành mạnh hơn khi ngày càng có nhiều người tử tế. Cộng đồng sẽ giữ được hòa khí nếu chúng ta đối xử tế với nhau. Bạn bè, người thân cũng thế. Tình thân sẽ kết chặt thêm khi cùng nhau cư xử tử tế. Trong mùa Giáng sinh, để chào mừng Đấng Cứu thế, chúng ta bắt đầu cư xử tử tế với nhau, bằng nụ cười, bằng lòng quảng đại, bằng nghĩa hiệp, và bằng mọi cách tử tế có thể.
Như thế, thông điệp của mùa Giáng sinh đã được gửi đi.

HẠ NGÔN

TÂN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ I

HẠ NGÔN

bergoglio

HABEMUS PAPAM!

Khoảng 7 giờ tối ngày thứ Tư, 13 tháng 3 tại Rome, khói trắng tỏa ra từ ống khói của Nhà Nguyện Sistine, đồng thời tất cả chuông tại Nguyện đường Thánh Phêrô reo dồn dập, báo hiệu 115 Hồng y từ khắp nơi trên thế giới tụ họp tại Vatican đã chọn được vị giáo hoàng mới.

Khoảng 1 giờ 5 phút sau khi bắt đầu có khói trắng, ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng Phó tế, xuất hiện tại bao lơn đền thờ thánh Phêrô, giữa tiếng reo hò vui mừng của mọi người, long trọng tuyên bố: “Tôi loan báo cho anh chị em một tin vui lớn: Habemus Papam! (Chúng ta đã có Giáo Hoàng). Đó là ĐHY Jorge Bergoglio. Ngài lấy danh hiệu là Phanxicô. Vị Giáo hoàng đến từ châu Mỹ La-tinh, nơi số tín hữu chiếm 42% trong số 1 tỷ 2 tín hữu trên toàn thế giới.

Những ngày trước khi các Hồng y bước vào Mật viện để chọn vị giáo hoàng mới, giới báo chí, truyền hình, và truyền thanh đã bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu, tìm hiểu những khuôn mặt sáng giá có thể đắc cử ngôi giáo hoàng thứ 266. Công trình nghiên cứu thật kỹ lưỡng căn cứ vào kinh nghiệm, tri thức, quá trình hoạt động mục vụ tại quê hương và sự liên hệ với Tòa thánh Vatican. Các bĩnh bút của những tờ báo nổi tiếng ở châu Âu và châu Mỹ nêu ra 8 Hồng y sáng giá nhất như sau Tiếp tục đọc