
Cơn đại dịch quét ngang bầu trời gây tai ương cho nhân loại, từ vật chất đến tinh thần. Để tránh lây lan, chính phủ các nước kêu gọi dân chúng tự giác tự cô lập ngay tại nhà. Hiện nay, một nửa dân số trên thế giới đã tự cách ly tại nhà. Nếu ra đường cần cách giãn. Bác sĩ, y tá, và các nhân viên y tế túc trực ngày đêm tại bệnh viện để cứu các nạn nhân. Con số nạn nhân bị nhiễm đã hơn một triệu, tỷ lệ tử vong là 5.5%. Các nhà khoa học bi quan tiên đoán rằng nếu không tự cô lập, nếu không có thuốc ngừa hoặc thuốc chữa, tỷ lệ lây nhiễm có thể lên đến 60% dân số thế giới; nghĩa là khoảng 4,5 tỷ người.
Bóng đêm đang bao trùm lấy nhân loại. Tuy thế, con người vùng vẫy nhưng luôn nuôi giữ niềm hy vọng.
Hai nghìn năm trước, một người đàn ông cũng vùng vẫy nhưng không hề tuyệt vọng.
Ngay cả lúc quỳ bên tảng đá trong vườn Giếtsimani để cầu nguyện, người đàn ông hầu như chìm trong nỗi tuyệt vọng. Sự cô đơn và nỗi lo sợ khủng khiếp bủa chụp lên người đến nỗi xảy ra hiện tượng hemahidrosis; khi mồ hôi đổ ra đượm màu hồng. Đây là sự kiện hiếm hoi được y học giải thích rằng sự sợ hãi cùng cực làm nứt các mạch máu và máu thấm vào tuyến mồ hôi, nên gây ra màu hồng. Hiện tượng thường xảy ra cho binh sĩ trước khi giao tranh, hoặc tử tội trước giờ hành quyết.
Bóng đêm của cô đơn và lo sợ đang vây bủa người đàn ông là Đức Giêsu. Người công giáo tôn vinh Đức Giêsu là Thiên Chúa, và Chủ nhật vừa qua toàn thể Giáo hội mừng lễ Lá, kỷ niệm ngày Đức Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem trên lưng lừa giữa muôn tiếng reo hò của dân Do-thái, trên tay họ vung vẩy cành cọ, miệng la to: “Hosanna! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.” Một nghi thức chỉ dành riêng để đón tiếp các bậc vua chúa.
Nhưng nghi thức huy hoàng chỉ kéo dài trong giây lát. Giáo dân dự lễ tay cầm cành cọ như dân Do-thái xưa, tiến vào nhà thờ (năm nay xem lễ trực tuyến nên không có cành cọ cầm tay). Vị linh mục đọc đoạn Phúc âm diễn tả khung cảnh huy hoàng khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Đoạn Phúc âm dài hơn 10 đoạn, chưa tới 200 chữ, kéo dài chừng hơn phút. Toàn bộ phần còn lại của lễ Lá dành để diễn tả cái chết đau thương và nhục nhã của Đức Giêsu.
Năm đó, Đức Giêsu khoảng chừng 33 tuổi. Một thanh niên đang ở giai đoạn sung mãn nhất của đời người. Vậy mà chỉ cần chưa đến một ngày, từ vườn Giếtsimani vào khuya đêm thứ Năm đến xế trưa ngày thứ Sáu, thân hình Đức Giêsu rách nát, tơi tả treo trần truồng trên cây thập tự với hình phạt tàn khốc nhất của đế quốc La-mã.
Đức Giêsu bị bắt vào khoảng giữa khuya đêm thứ Năm. Ngài bị dẫn đến tư dinh quan Annas, vị thượng tế già nua nhưng đầy quyền lực. Theo luật Do-thái, tòa án Sanhedrin, gồm 71 thành viên, có quyền định đoạt số phận của tội nhân. Vì thế, thầy Annas gửi lệnh truyền cấp bách đến từng nhà các thầy thượng tế, kỳ mục, và kinh sư. Tòa án Sanhedrin cần phải triệu tập gấp để quyết định số phận của Đức Giêsu.
Trong khi chờ trời sáng, bọn lính dẫn Đức Giêsu ra một góc sân. Chúng bịt mắt Đức Giêsu, và bắt đầu cười nhạo, thay phiên đấm đá thẳng tay đến mệt mới thôi. Tảng sáng, thầy cả thượng phẩm Caipha, người đứng đầu toà án Sanhedrin, chủ toạ buổi hỏi cung, và thầy nhanh chóng kết án tử hình Đức Giêsu. Vì dân Do-thái đang bị đế quốc La-mã thống trị nên mọi sự đều phải được phép quan tổng trấn Philatô, kẻ thay mặt hoàng đế Tiberius, cai quản cả ba miền Giuđêa, Samaria, và Galilê. Bà vợ quan Philatô khuyến cáo chồng không nên dính máu Đức Giêsu nên quan đẩy Ngài sang dinh quan Hêrôđê Antipas để tránh trách nhiệm. Quan Hêrôđê cười cợt và chế giễu Đức Giêsu thật chán chê rồi khoác chiếc áo choàng màu đỏ lên người Ngài, màu dành riêng cho vua chúa, với ngụ ý chế nhạo Ngài là vua dân Do-thái, và trả về dinh quan Philatô.
Tại dinh quan Philatô, Đức Giêsu bị đánh đòn, hình phạt khởi đầu trước khi đem đi xử tử.
Hai cổ tay bị treo lên đầu cột, Đức Giêsu đứng trần truồng gần như ôm lấy cột. Hai tên lính La-mã đứng chênh chếch khoảng 45 độ phía sau, làm thành một góc vuông. Tay cầm ngọn roi (flagrum) cán gỗ. Đầu cán roi gắn ba sợi dây da dài chừng 1m, bện xoắn chặt ở cuối dây, và tủa ra ba sợi ở đầu. Mỏm dây gắn nhiều viên bi sắt, bên dưới gắn thêm những mẩu xương cừu có móc. Chính móc này sẽ cấu ra một mẩu thịt khi tên lính rút roi về. Máu cứ theo đó mà chảy ra ngoài. Bi sắt có tác dụng làm chảy máu bên trong nhưng không đến nỗi làm tội nhân chết, vì phải để dành sức cho tội nhân vác thanh gỗ ngang (patibulum) đến chỗ hành hình. Với sức quật từ trên xuống, những viên bi sắt đập vỡ mạch máu chạy chằng chịt trên lưng, gây chảy máu bên trong. Thường nạn chân chỉ chịu chừng 20 roi thì ngất xỉu.
Cái cảm giác bỏng rát chạy ngang lưng từ vai đến hông khi sợi dây da vụt đi với tốc độ thật nhanh, [về sau khảo cứu cho thấy vận tốc của ngọn roi phải nhanh hơn tốc độ của âm thanh, 340m/s, nên mới tạo ra âm thanh xé gió (sonic boom)]. Những viên bi sắt đập vào lưng tạo cảm giác ê ẩm lan ra khắp cơ thể. Mẩu xương có móc cắm phập vào lưng tạo cảm giác như kim đâm nhưng khi ngọn roi được kéo về Đức Giêsu cảm thấy đau nhói. Phải mất chừng vài giây cả thân hình mới ngấm được cái đau đớn, sự bỏng rát của ngọn roi, và dịu dần đi. Nhưng sự đau đớn không có thời gian để thấm, dịu, và phai dần, vì ngọn thứ hai lại đập vào lưng ngay sau khi ngọn trước vừa thu về. Hai tên lính đứng chéo luân phiên vụt roi nên khoảng thời gian giữa hai lần roi hầu như rút ngắn lại. Nhịp nhàng và đều đặn như một màn biểu diễn của các vũ công. Thân hình Đức Giêsu vừa oằn xuống lại cong lên hứng chịu ngọn roi. Đầu, lưng, mông, và mặt sau của chân đỏ dần, hiện tượng chảy máu bên trong. Tĩnh mạch và động mạch bị dập, nứt, và vỡ. Máu ướt đẫm lưng, nhỏ từng giọt xuống sàn gạch, đỏ loang tạo thành một vũng sền sệt.
Sự đau đớn về thân xác tưởng đã chấm dứt, nhưng không, đây mới chỉ là phần giáo đầu Cuộc Thương khó của Đức Giêsu. Phần cuối, cao điểm của Cuộc Thương khó, là cái chết trần truồng treo trên thập giá. Chính cái chết đó mới nói hết sự sỉ nhục, đau đớn khôn cùng mà Đức Giêsu phải gánh chịu.
Tính ra, khi bị đóng đinh và treo trên thập giá vào lúc 9 giờ sáng (Mc 15:22-25) đến lúc trút hơi thở cuối cùng vào lúc 3 giờ chiều (Lc 23:44-46), Đức Giêsu đã trải qua 6 tiếng trong tận cùng đau đớn về thân xác. Tiếng Anh gọi những giờ cuối cùng của cuộc đời Đức Giêsu là “passion,” có gốc Latinh “passionem,” có nghĩa là “chịu đau đớn.”
Nên phân tích cái chết của Đức Giêsu dưới cái nhìn của y học, để thấy sự đau đớn trong 6 tiếng đồng hồ đến thế nào, và tự hỏi làm thế nào một con người bình thường có thể chịu đựng được một hình phạt khủng khiếp đến vậy. Tiến sĩ Cahleen Shrier, giáo sư phân khoa Sinh Hoá tại ĐH Azusa Pacific, giải thích chi tiết cái chết của Đức Giêsu cho các sinh viên ngành Sinh học, một cách học hỏi môn cơ thể học. Sau đây là cái chết được mổ xẻ qua kiến thức về cơ thể học của một nữ giáo sư chuyên ngành.
Cần biết một điều quan trọng là Đức Giêsu đang ở trong tình trạng thể chất tuyệt vời. Thân cao tầm 1,7m, nặng chừng 68kg. Vì cha nuôi là thánh Giuse làm nghề thợ mộc, Đức Giêsu đã biết lao động chân tay ngay từ thuở nhỏ. Nghề mộc cần sức lực khiêng vác, nên thân hình Đức Giêsu tuy không vạm vỡ nhưng sức lực dẻo dai. Hơn nữa, trong suốt 3 năm giảng dạy, Ngài đi bộ trên khắp ba miền Giuđêa, Samaria, và Galilê… ước chừng trên 5 nghìn km, một cách rèn luyện sức khoẻ và sức chịu đựng. Người ta nghiệm ra một điều, nếu sự tra tấn phá nát thân thể một người đàn ông có thể lực tốt như vậy thì hình phạt thật vượt quá sự hiểu biết bình thường của con người, và sức chịu đựng của Ngài thật phi thường.
Matthêu 26:36-46, Marcô 14:37-42, Luca 22:39-44
Sau lễ Vượt qua, Đức Giêsu đưa các môn đệ của Ngài đến Giếtsimani để cầu nguyện. Trong lúc cầu nguyện lo lắng về những sự kiện sắp tới, Đức Giêsu đổ mồ hôi máu. Đây là hiện tượng hemahedrosis, khi các mạch máu nuôi dưỡng các tuyến mồ hôi bị vỡ. Máu thoát ra từ các mạch trộn lẫn với mồ hôi; do đó, những giọt mồ hôi trở nên màu hồng. Tình trạng này là do sự thống khổ về tinh thần hoặc sự lo lắng cao độ, một trạng thái mà Đức Giêsu thể hiện qua lời cầu nguyện, “tâm hồn Thầy buồn đến chết được,” (Matthêu 26:38). Hemahidrosis làm cho da mềm hơn, do đó, tình trạng thể chất của Đức Giêsu trở nên tồi tệ hơn một chút.
Matthêu 26:67-75, Marcô 14:61-72, Luca 22:54-71, 23:1-25, Gioan 18:16-27
Bị dẫn từ dinh quan Philatô đến dinh quan Hêrôđê và trở ngược lại, Đức Giêsu bước khoảng hơn 3km. Cả đêm bọn lính thay phiên chế giễu và đánh đập nên Ngài không thể ngủ, (Luca 22:63-65). Tính ra, đã hơn một ngày Đức Giêsu chưa chợp mắt một chút nào. Ngoài ra, làn da của Ngài vẫn còn mềm do hemahedrosis. Tình trạng thể chất của Đức Giêsu xấu dần đi.
Matthêu 27:26-32, Marcô 15:15-21, Luca 23:25-26, Gioan 19:1-28
Philatô ra lệnh đánh đòn Đức Giêsu chiếu theo luật La-mã trước khi đem đi đóng đinh. Hình phạt đánh đòn dã man ở chỗ tội nhân có muốn chết cũng không thể chết, nhưng đau đớn thấu xương tuỷ. Theo truyền thống, tội nhân đứng trần truồng, hai tay bị trói vào cột, để lộ vai, lưng, và phần sau của cặp đùi. Cán roi ngắn, vừa cầm tay. Những hòn bi sắt hoặc chì bện dọc theo 3 sợi dây da dài khoảng 1m, cuối mỗi sợi dây được gắn thêm những mẩu xương cừu. Người ta đoán Đức Giêsu chịu ít nhất 100 roi, căn cứ vào dấu vết còn để lại trên tấm vải liệm Turin, hiện được cất giữ tại Vương cung Thánh đường Turin, Piedmond, miền Bắc Ý.

Lính La-mã lực lưỡng, cao tầm 1,68m hoặc hơn, nặng cỡ 80kg; thể lực rất khoẻ, binh khí và áo giáp nặng tầm 40kg, và thao luyện mỗi ngày bước hơn 30 cây số. Vì thế, ngọn roi phóng ra với lực mạnh vũ bão. Những mẩu xương cừu cắm phập vào người Đức Giêsu do vận tốc xé gió của ngọn roi. Lúc kéo roi về, những mẩu xương kéo theo một mẩu da và chút thịt. Cứ thế, máu chảy ra từ những vết thương này. Chịu chừng 20 roi, lưng và đùi của Đức Giêsu đã hằn những vết roi đỏ tươi, nằm chằng chịt. Đến thời điểm này, Đức Giêsu đã mất một lượng máu lớn khiến huyết áp tụt thấp. Do cơ thể cố gắng cân bằng tình trạng mất máu nên Đức Giêsu khát nước, (Gioan 19:28). Gần nửa ngày, Ngài chưa uống một hớp nước nào. Nếu được uống nước trong lúc này, lượng máu của Ngài sẽ tăng lên.
Lính La-mã đặt một mão gai trên đầu và choàng áo trên lưng Đức Giêsu, (Matthêu 27:28-29). Áo choàng giúp máu đông (giống như lúc băng bó cầm máu) và Ngài không bị mất máu nhiều hơn. Khi lính đánh vào đầu Đức Giêsu (Matthêu 27:30), những chiếc gai đâm sâu vào da gây chảy máu đầm đìa. Những chiếc gai đâm trúng dây thần kinh chạy đến khuôn mặt, gây đau đớn dữ dội từ mặt xuống cổ. Khi chế nhạo Ngài, bọn lính thản nhiên khạc nhổ vào mặt Đức Giêsu, (Matthêu 27:30). Chúng xé toạc chiếc áo choàng ra khỏi lưng Đức Giêsu làm vỡ vết thương và máu lại chảy ra như trước.
Tình trạng thể chất của Đức Giêsu trở nên nguy kịch. Do mất máu quá nhiều, Ngài không còn hơi sức đâu nữa. Đức Giêsu vác thanh gỗ thật vất vả lên đồi Sọ nằm ngoài thành Giêrusalem, nhưng Ngài may mắn được ông Simon xứ Cyrene vác đỡ một đoạn đường (Matthêu 27:32).
Matthêu 27:33-56, Marcô 15:22-41, Luca 23:27-49, Gioan 19:17-37
Người Ba Tư phát minh khổ hình đóng đinh vào khoảng năm 300-400 trước CN. Có lẽ đây là hình phạt gây cái chết đau đớn nhất trong lịch sử nhân loại. Cái chết đau đớn, chậm chạp, kéo dài và thách thức sức chịu đựng của tội nhân. Như Đức Giêsu phải chịu đau đớn như thế trong suốt 6 tiếng, từ 9 giờ sáng (Marcô 15:22-25) đến 3 giờ chiều (Luca 23:44-46). Hình phạt này chỉ dành cho đám nô lệ, người ngoại quốc, bọn nổi loạn, và những tên tội phạm tàn ác nhất. Tội nhân bị đóng đinh vào thập tự; tuy nhiên, thập giá của Đức Giêsu có lẽ không phải là hình chữ thập theo kiểu Latinh, mà là chữ thập Tau (T), giống chữ t trong ký tự Hy lạp. Cây cột gỗ đứng (stipes) được chôn vĩnh viễn trên ngọn đồi. Tội nhân chỉ vác thanh gỗ ngang (patibulum) lên đồi. Thanh gỗ đặc chỉ nặng 34-57kg, nhưng cả cây thập tự theo kiểu Latinh nặng cỡ 136kg.
Tính từ lúc bị bắt đến lúc vác thanh gỗ đặc, Đức Giêsu đã thất thểu bước chừng 4km, nhưng chặng đường cuối 1km từ dinh quan Philatô đến đồi Sọ mới thật đau thương, vì Ngài đã mất máu quá nhiều; lại thêm bị đánh đòn đến bầm dập cả người, chưa kể đòn đấm đá của bọn lính La-mã khiến thân hình rã rệu, mềm như bún.
Trên đỉnh của patibulum gắn một bảng gỗ, ngụ ý tội nhân bị kết án tử hình vì vi phạm luật pháp. Trường hợp của Đức Giêsu, biển gỗ khắc hàng chữ, “Đây là Vua dân Do Thái”, (Luca 23:38). Tội nhân bị đóng đinh vào patibulum trong tư thế nằm, nên Đức Giêsu bị bọn lính thẳng tay lột hết quần áo và xô ngã xuống đất. Lớp vải thấm máu vừa đủ khô thì bị bóc trần, miệng vết thương mở toang, máu cứ thế rỉ ra ngoài. Hai tên lính kéo căng cánh tay của Đức Giêsu và đóng một cây đinh dài chừng 15cm. Chắc chắn Đức Giêsu bị đóng đinh vào cổ tay, vì nếu đóng đinh vào lòng bàn tay, sức nặng của thân hình sẽ kéo toạc lớp thịt dễ dàng. Cây đinh làm vỡ hoặc làm đứt dây thần kinh dẫn đến bàn tay. Điều này gây đau đớn liên tục lên cả hai cánh tay của Đức Giêsu.

Sau khi đóng hai cây đinh vào hai cổ tay, bọn lính kéo lê khúc gỗ patibulum đến cột gỗ đã trồng đứng. Khi nâng lên, toàn bộ trọng lượng cơ thể của Đức Giêsu bị kéo xuống và giữ thẳng nhờ hai cây đinh ở cổ tay. Điều này khiến vai và khuỷu tay bị trật khớp (Tv 22:14). Ở vị trí này, cánh tay của Ngài bị kéo dài tối thiểu 15cm so với chiều dài ban đầu.
Hai bàn chân của Đức Giêsu bị đóng đinh thẳng lên trên cây gỗ đứng như thường thấy trong hình. Ở vị trí này (đầu gối phải uốn cong khoảng 90 độ), trọng lượng của cơ thể đẩy xuống cây đinh ở bàn chân và tử tội phải dùng hai mắt cá chân để hỗ trợ trọng lượng. Đinh không xé toạc lớp thịt mềm ở bàn chân. Một lần nữa, cây đinh làm vỡ hoặc làm đứt dây thần kinh (nó cắt đứt động mạch bàn chân) và gây đau đớn khôn cùng.
Thông thường, để hít vào, hoành cách mô (cơ lớn nằm giữa khoang ngực với khoang bụng) phải ép xuống. Điều này giúp mở rộng khoang ngực và không khí tự động di chuyển vào hai buồng phổi (hít vào). Để thở ra, cơ hoành nâng lên, nén không khí trong phổi, đồng thời đẩy không khí ra ngoài (thở ra). Khi Đức Giêsu bị treo trên thập tự, sức nặng của cơ thể đè nặng lên cơ hoành và không khí di chuyển vào buồng phổi và nằm ứ ở đó. Muốn thở ra, Ngài phải dùng hai cây đinh ở bàn chân làm bàn đạp để rướn người lên và đẩy cơ hoành lên trên. Vì thế, hai bàn chân của Đức Giêsu đau đớn đến tê dại mỗi khi muốn thở ra. Và thao tác thở ra gây đau đớn như thế trong suốt 6 tiếng đồng hồ. Nếu tính trung bình Đức Giêsu nén hơi và thở ra trong 30 giây, Ngài phải chịu cơn đau 720 lần, liên tục, không ngừng nghỉ vì không thể ngưng thở, chưa kể sự đau buốt ở hai bàn tay và toàn thân thể.
Để nói, không khí phải đi qua thanh quản trong lúc thở ra. Kinh thánh cho thấy Đức Giêsu đã nói 7 lần từ trên cây thập tự. Thật không hiểu nổi trong cơn đau đớn mà Ngài vẫn cố gắng nói, nhưng xúc động nhất là khi Đức Giêsu rướn người lên để nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”, (Luca 23:34).
Sự khó khăn của thao tác thở ra dẫn đến một dạng nghẹt thở chầm chậm. Khí carbon dioxide (CO2) tích tụ trong máu, dẫn đến nồng độ axit carbonic (H2CO3) trong máu cao. Cơ thể phản ứng theo bản năng, kích hoạt sự ham muốn thở. Đồng thời, tim đập nhanh hơn để khí ôxy đang có sẵn được lưu thông. Lượng ôxy giảm (do khó khăn khi thở ra) gây thương tích cho các mô và mao mạch bắt đầu rò rỉ chất lỏng từ máu vào mô. Điều này dẫn đến sự tích tụ chất lỏng xung quanh tim (tràn dịch màng tim) và phổi (tràn dịch màng phổi). Phổi suy sụp, tim cũng suy, cơ thể mất nước và không có khả năng cung cấp đủ ôxy cho các mô là nguyên nhân cốt yếu làm tội nhân nghẹt thở. Lượng ôxy giảm cũng gây tác hại cho chính tim (nhồi máu cơ tim) dẫn đến tim ngừng đập. Trường hợp nghiêm trọng khi tim quá căng thẳng, tim thậm chí có thể vỡ nát; y học gọi là rách tim. Đức Giêsu rất có thể chết vì một cơn truỵ tim.
Sau khi Đức Giêsu chết, tên lính đập gãy chân của hai tên tội phạm bị đóng đinh hai bên, (Gioan 19:32). Khi hai chân tội nhân bị gãy, cả thân hình không còn gì chống đỡ, nên sức nặng của thân thể kéo trì xuống, kéo theo cơ hoành và tội nhân không thể thở ra được nữa. Điều này gây nghẹt thở. Thường tội nhân sẽ chết chỉ sau vài phút. Khi tên lính đến trước cây thập tư treo Đức Giêsu, thấy Ngài đã chết nên hắn không đập gãy chân, (Gioan 19:33). Nhưng muốn chắc chắn, tên lính cầm giáo đâm vào ngực, (Gioan 19:34). Kinh thánh thuật lại hành động này, “tức thì máu và nước chảy ra,” (Gioan 19:34), vì chất lỏng tích tụ quanh tim và phổi.
Thật nhức nhối khi mô tả một vụ giết người tàn bạo, nhưng chính chiều sâu của sự đau đớn khôn lường của Đức Kitô nhấn mạnh đến mức độ yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người. Dựa trên sinh lý học để miêu tả từng chi tiết về cái chết của Đức Kitô như một lời nhắc nhở tha thiết về tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với nhân loại đã được thể hiện cách đây hơn hai nghìn năm trên đồi Sọ. Sự hiểu biết tường tận từng chi tiết về cái chết Đức Kitô giúp tôi tham dự thánh lễ sốt sáng hơn, luôn tưởng nhớ đến sự hy sinh của Ngài, với một lòng biết ơn vô vàn. Tôi choáng ngợp cứ mỗi lần nhận thức được rằng, Đức Giêsu với con người bằng xương bằng thịt như tôi, Ngài đã hy sinh cho nhân loại từng tế bào, từng thớ thịt của thân thể qua cái chết trên cây thập giá. Có tình yêu nào dành cho bạn hữu lớn hơn thế này không, thưa quý bạn?
* * *
Bóng đêm bao phủ vườn Giếtsimani, ánh trăng thượng tuần mờ nhạt. Bóng tối tràn ngập tâm hồn Giuđa, kẻ phản bội. Khi Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, bóng tối bao trùm nhân loại, cho dù lúc đó chỉ mới 3 giờ chiều. Bóng ma cơn đại dịch đang phủ ập lên thế giới đang vũng vẫy cố ngoi lên tìm sự sống. Trong bài giảng lễ Lá vừa qua do Đức cha Robert Barron chủ tế, tổng giáo phận Los Angeles, ngài nói về bóng đêm u buồn. Ngài chia sẻ, “nhưng cái chết của Đức Kitô như ánh sáng đem đến cho nhân loại niềm hy vọng, vì chính Ngài là sự sáng. Khi đầm mình vào bóng đêm tội lỗi, Đức Kitô mang ánh sáng vô tận đến cho loài người. Vì hễ nơi nào có ánh sáng, bóng tối lập tức thoái lui. Khi Đức Kitô phục sinh, chính là lúc ánh sáng bùng phát từ ngay trong bóng đêm, xua tan màn tối của trần gian.”
Và xua tan cả bóng đêm của cơn đại dịch. Amen.
https://www.apu.edu/articles/the-science-of-the-crucifixion/