Hằng năm nước ta có ba lễ hội lớn mang ý nghĩa lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là lễ hội Hùng-Vương
[ 10/3 AL ] lễ hội Trường-Yên [ Hoa-Lư ][ 15/2 AL ] và lễ hội vương thành Cổ-Loa.
Cổ-Loa là kinh đô thứ hai của nước Việt.
Kinh đô đầu tiên là Phong-Châu, thời đại các vua Hùng.
Nhưng Cổ-Loa với Thục-Phán An-Dương-Vương là hiện thực lịch sử.
Phong-Châu thời đại các vua Hùng cho đến nay vẫn là truyền thuyết.
Năm 218 trước Công-Nguyên, sau khi gồm thâu lục quốc, Tần-Thủy-Hoàng với chiếc đầu bạo chúa, đã phái 50 vạn quân binh tiến về phương nam đánh Bách-Việt. Thủ lĩnh dân Việt thủa ấy là Thục-Phán, dựa vào núi rừng hiểm trở đã đứng lên tổ chức trường kỳ kháng chiến. Sau mười năm bị tổn thức nặng nề, quân Tần ngậm đắng rút về phương Bắc. Thục-Phán thay vua Hùng lập ra nước Âu-Lạc, kinh đô là Cổ-Loa [ nay thuộc huyện Đông-Anh cách Hà-Nội 15 km về hướng bắc ].
Cổ-Loa thành là kiến trúc độc lập đầu tiên của người Việt. Xưa, kinh đô có chín vòng thành, hiện nay thành chỉ còn lại ba vòng. Thành ngoài chu vi rộng 8 km2, thành giữa mang hình đa giác rộng 6,5 km2, thành trong là 1,60 km2, hình chữ nhật. Chiều cao của tường thành là 5 m, có nơi cao tới 12 m, còn bề dày của thành rộng tới 20 – 30 m. Tương truyền là do thần Kim-Quy báo mộng đề An-Dương-Vương dựng nên kinh thành kỳ vỹ nầy hầu chống lại giặc phương Bắc.
Thục-Phán lên ngôi vào năm 208 trước Công-Nguyên, trị vì được 50 năm. Sau nhiều năm đánh Âu-Lạc không thắng nổi, Triệu-Đà xin giảng hòa rồi lập kế cho Trọng-Thủy kết duyên cùng Mỵ-Châu để tráo lấy nỏ thần. Năm 179 trước Công-Nguyên, An-Dương-Vương bị diệt, nước ta từ đó bị phong kiến Trung-Hoa đô hộ hơn cả ngàn năm.
Hằng năm mỗi độ xuân về, từ mồng 6 tết cho đến 16/1 AL, xã Cổ-Loa lại rộn ràng tổ chức Lễ Hội An-Dương-Vương trong không khí tưng bừng, dân làng của 12 xóm đất đế vương xưa làm kiệu kết hoa tiến về thành Cổ-Loa để dự lễ rước thần. Lễ là những ngày hội vui xuân với bao nét đẹp văn hóa cổ truyền được người dân làm sống lại qua những hội hát chèo, đánh cờ người, đu bay, chọi gà, đánh tổ tôm . . .
Trong những ngày lễ hội, hàng vạn người khắp nơi tụ hội về để tưởng niệm công ơn dựng nước của Thục-Phán An-Dương-Vương trong không khí vừa huyền thoại vừa hiện thực. Cổng làng Cổ-Loa ngày nay, xưa là thành trong, qua khỏi thành trong là đến đình làng, đây là đền cũ điện triều, nơi bá quan văn võ cùng vua luận bàn việc nước. Hiện nay trong đền còn tấm hoành phi “ Ngự Triều Di Qui “ và trong di tích nầy tại Ba-Cầu đã từng phát hiện kho chứa hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh, có lẽ truyền thuyết về nỏ thần cũng từ những mũi tên nầy mà có.
Đền Thượng, tức là đền thờ An-Dương-Vương nằm phía trong, theo các vị bô lão thì đây là nội cung của vua ngày xưa. Đền được xây dựng từ thế kỷ 11, thờ An-Dương-Vương, thần Kim-Quy và nỏ thần, đền gồm có hạ điện là ngôi nhà ba gian rộng lớn, cột gỗ lim đồ sộ, tám mái vút cao. Tượng vua được đúc từ năm 1897, nặng tới 255 kg bằng đồng lấy từ một kho đồng được phát hiện năm 1893 dưới nền điện trong thời gian đền được trùng tu lại. Trước cổng điện là hai con rồng uy nghi chầu phục với những nét khắc chạm tinh vi của thời đại nhà Trần.
Miếu thờ công-chúa Mỵ-Châu cách đền chính vài mươi bước, nép mình dưới cây đa cổ thụ khổng lồ, miếu am khiêm tốn u huyền như cuộc đời u uẩn của nàng, trong miếu có một tảng đá thân người không đầu, tương truyền đó là tượng Mỵ-Châu “ trung tín, thệ tâm thân hóa hóa thạch “ từ biển xa trôi về Cổ-Loa mong phụng dưỡng vua cha. Giếng Trọng-Thủy nằm giữa cồn đất của ao tròn trước mặt đền, giếng xây bằng gạch, đây là nơi Trọng-Thủy thương tiếc Mỵ-Châu đã nhảy xuống tự vẫn, nước giếng từ ngàn xưa đến nay vẫn trong xanh một màu, tương truyền những viên ngọc trai từ máu của Mỵ-Châu hóa thành được rửa bằng nước giếng nầy thì sẽ sáng đẹp bội phần. Nhà bia nằm bên phải đền thờ, bia được dựng vào năm 1601, ghi lại những phong tục, tập quán thời ấy, nét chữ đến nay vẫn còn rõ ràng sắc sảo.
Sau khi thành Cổ-Loa rơi vào tay Triệu-Đà, An-Dương-Vương lên ngựa truy phong về phương nam mang theo Mỵ-Châu và chiếc áo lông ngỗng cùng những lời dặn dò của Trọng-Thủy trước lúc chia tay, lại một lần nữa đã làm Mỵ-Châu đắc tội với vua cha. “ Chạy đến biển thì cùng đường, Rùa Vàng hiện lên mặt nước nói rằng : “ Người ngồi sau ngựa chính là giặc đó sao không giết đi ? “ Vua rút gươm muốn chém, Mỵ-Châu ngữa mặt lên trời khấn rằng : “ Thiếp là con gái, nếu có lòng phản cha, xin chết làm tro bụi, nếu một lòng trung tín nhưng thật bụng tin người, bị người lừa dối thì xin chết hóa thành châu ngọc để rửa mối nhục nầy . . .” Vua chém Mỵ-Châu, máu chảy thành giòng, trai hút lấy hóa thành ngọc, còn An-Dương-Vương nhảy xuống biển theo thần Kim-Quy về với lòng đại dương.
Lễ hội vương thành Cổ-Loa trong không khí thiêng liêng của những ngày tết cổ truyền là tiếng chuông đánh thức mỗi người dân nước Việt, dù ở năm châu hay bốn biển, đến ngày 6/1 AL, bằng tâm tưởng hãy hành hương về 2316 năm trước, Thục-Phán An-Dương-Vương bằng ý chí quật cường, lần đầu trong lịch sử đã đánh thắng 50 vạn quân Tần hùng mạnh, đã sáng tạo nên thời đại đồ đồng và để lại biết bao bài học lịch sử bi tráng cho dân tộc Việt trường tồn đến ngày nay.
Ai về qua huyện Đông-Anh
Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thục-Vương
Cổ-Loa thành cũ khác thường
Trải bao năm tháng dấu thành vẫn ghi.
[Nhân gian ca]
Đầu Xuân Kỷ-Hợi 2019
VƯƠNG KIỀU