NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Họ như đàn kiến vây quanh chúng ta”

nuocmattruocconmua

nguyenbatracnmtcm
larryengelmann

TRẦN THỊ MỸ NGỌC
“Họ như đàn kiến vây quanh chúng ta”

Cha mẹ tôi thôi nhau khi tôi mới vừa sinh. Cha tôi đang học luật nhưng rồi phải gia nhập quân đội. Mẹ tôi quen sống dựa dẫm, nương tựa nhiều vào cha tôi, do đó cha tôi chán nản. Vì thế cuộc tình duyên của cha mẹ tôi tan vỡ từ khi tôi mới ra đời. Mẹ tôi một mình gánh hai con thơ. Tôi có một người chị lớn hơn tôi ba tuổi.

Mẹ tôi không có tiền. Chúng tôi sống trong một xóm bình dân. Những người hàng xóm coi vậy mà rất tốt và thân thiện. Họ giúp mẹ tôi trông nom săn sóc tôi. Bỏ mẹ tôi rồi, cha tôi lập gia đình khác sau một thời gian ngắn và đem chị tôi về nuôi. Tôi tiếp tục ở với mẹ cho đến khi gần sáu tuổi.

Mẹ tôi làm nghề buôn bán. Ở Việt Nam có nghề buôn vé số. Bà vào nghề bằng cách bán vé số lẻ, sau đó từ từ khá lên cho đến khi trở thành nhà thầu, phân phát vé số ra miền Trung cũng như lục tỉnh. Mẹ tôi kiếm tiền bằng nghề này.

Khi tôi khoảng sáu tuổi, cha tôi mang tôi về sống với ông để tôi có cơ hội học hành. Mẹ tôi vì buôn bán nên quá bận rộn. Từ đó, tôi lớn lên bên cha, chỉ về thăm mẹ vào cuối tuần. Trong thời gian tôi sống với cha thì ông đã trở thành một vị quan toà của toà áo đỏ. Với chức vụ này, ông đã xử nhiều vụ án gian thương. Sau đó, chuyển về làm tại Toà án quân sự mặt trận cho đến ngày Sàigòn thất thủ.

Khi sống với cha, tôi rất hồn nhiên vì cuộc sống của tôi nay được bao che đầy đủ. Tôi làm bạn với những trẻ em cùng giai cấp khá giả. Tôi học trường Pháp, trường Marie Curie trên đường Công Lý. Tôi học trường Pháp từ khi còn bé cho đến khi Sàigòn mất. Tôi biết đọc biết viết tiếng Pháp trước khi biết đọc biết viết tiếng Việt. Tôi vẫn không quên ngày bắt đầu học tiếng Việt, tôi cứ bị bà Thầy rầy mắng vì tôi khó dạy. Tiếng Việt có nhiều dấu, không sao nhớ hết nổi. Tôi bị thầy đánh luôn cho đến khi tôi khôn ra bằng cách cố học thiệt mau thiệt giỏi. Đây là một cách tự bảo vệ lấy mình.

Từ đầu năm 1975, tôi bắt đầu thấy nhiều việc không ổn. Trước Tết, theo phong tục Á Đông, chúng tôi đem quà biếu lẫn nhau. Hôm đó cha tôi và mẹ kế tôi đem quà đến thăm và biếu ông bộ trưởng tài chánh. Ông là bạn thân của cha tôi, cha tôi và ông nói chuyện rất lâu. Hồi đó, tôi còn nhỏ nên không để tâm mấy đến cuộc đàm thoại này, nhưng khi về nhà, tôi nghe cha tôi và mẹ kế tôi nói chuyện: Bạn cha tôi bảo là cha tôi cần phải ra khỏi Việt Nam ngay, Cộng sản đã vây quanh Sàigòn rồi. Bạn cha tôi nói họ đang tiến vào. Tôi nhớ mãi câu nói ám chỉ sự việc quân cộng sản đến: “Họ như đàn kiến vây quanh chúng ta”.

Bạn cha tôi từ chức ra đi. Vào khoảng thời gian này, cha tôi phải đi xử án tại Cần Thơ. Ông xử những người đào ngũ và những Việt cộng bị bắt tại miền Tây. Cha tôi không muốn rời Việt Nam. Mẹ tôi và mẹ kế tôi rất sợ hãi. Họ đều khuyên cha tôi đừng đi xử vì lo sẽ có việc không hay xảy ra. Nơi miền Tây có vẻ không được yên.

Nhưng cha tôi nói: “Tôi phải làm nhiệm vụ của tôi.” Ông cứ đi. Chuyến đi cuối cùng của ông vào tháng Tư, nhưng ông phải bay về Sàigòn lại vì tình hình chiến sự. Tôi thì vẫn đi học bình thường trong thời gian này với một tâm trạng không mấy lo sợ vì Sàigòn chưa hề bao giờ thất thủ. Năm 1968, họ đã từng vào nhưng bị chúng tôi đánh bật ra.

Tôi chỉ cảm thấy kỳ kỳ nhưng không biết sợ vì tôi thật sự không biết người Cộng sản là gì. Tôi hiểu chúng tôi đánh với họ, nhưng thật sự không biết họ là những người như thế nào. Vào thời kỳ này có rất nhiều dư luận như là: họ sẽ giết người, giết những người nào ăn mặc đẹp, người nào sơn móng tay. Hoặc nếu bắt được những người sơn móng tay, họ sẽ kéo tróc móng tay những người đó. Tôi nghe vậy thì có sợ, nhưng nghĩ lại, tôi có sơn móng tay đâu.

Ngoài ra, tôi vẫn còn cảm thấy an tâm phần nào. Lời đồn, tin đồn thì đủ thứ. Tuy nhiên, gần cuối tháng Ba, trong Nam thấy có nhiều người mới đến. Bà con bạn bè từ Nha Trang chạy vào. Tôi vẫn chưa cảm thấy sợ. Mọi việc xảy ra quá nhanh, nhưng cha mẹ tôi vẫn chưa có hành động gì, tôi cũng không biết làm sao. Tôi vẫn cứ nghe rất nhiều tin đồn.

Khi cha tôi trở về Sàigòn sau chuyến đi miền Tây cuối cùng, ông nói tin đồn bị rút móng tay là có thật, vài làng nhỏ có mấy cô giáo đã bị hình phạt như thế.

Tin đồn nào cũng kinh khủng. Có tin họ sẽ tra tấn những người làm việc cho chính phủ. Vào khoảng thời gian này, bạn bè cha tôi bắt đầu đi. Họ sắp đặt cho ông đi, nhưng cha tôi không thể bỏ đi, vì họ chỉ dành một chỗ cho riêng ông, chớ không có chỗ cho cả gia đình. Vì thế, cha tôi không chịu đi.

Lúc đó, chính phủ cũng có ra thông cáo nếu ai bỏ nước ra đi mà bị bắt lại, có thể bị xử bắn hoặc đưa ra toà án mặt trận. Cha tôi lại là một chánh án của Toà án quân sự mặt trận.

Tôi có một người chị bà con lấy chồng người Phi. Bấy giờ họ đang chuẩn bị rời Việt Nam và đang chờ tại Tân Sơn Nhứt. Tôi và em tôi ra đi với họ. Đây là vào khoảng tuần lễ thứ hai của tháng Tư. Chúng tôi chờ ba ngày, đợi máy bay đến. Tôi không hiểu vì sao nhưng tình hình Tân Sơn Nhứt rất điên cuồng. Chúng tôi ở đấy chờ vì toà đại sứ Phi đang chuẩn bị đem dân họ về. Chị họ tôi và chồng chị ấy có tên trên danh sách. Họ sẽ đem chúng tôi theo với tư cách thân quyến.

Tôi rất bình tĩnh. Đó là bản chất của tôi. Khi ở trong tình thế hiểm nghèo, tôi bình tĩnh, nhưng sau đó, tôi sẽ bị xúc cảm.
Chúng tôi chờ hoài đâm mệt. Cha mẹ chúng tôi lo sợ nên đón chúng tôi về. Vừa khi cha mẹ chúng tôi đưa chúng tôi về, thì đêm đó, máy bay đến, gia đình chị họ tôi ra đi. Họ không liên lạc được với chúng tôi do đó họ ra đi, còn chúng tôi kẹt lại.

Kế tiếp, gia đình hàng xóm tôi, có cô con gái lấy chồng kỹ sư Mỹ. Chị ấy rời Việt Nam năm 1972. Lúc đó vợ chồng chị ấy sống tại Iran, ở thủ đô Teheran. Chị yêu cầu chồng sang Việt Nam mang gia đình chị ra. Nhân số gia đình chị cũng cỡ nhà tôi, khá đông người. Cha tôi bàn vói nhà hàng xóm, hỏi xem họ có thể đem hai đứa trong đám con ông đi không.
Nghĩ cũng ngộ. Cha mẹ tôi quyết định chỉ cho tôi và một em trai cùng cha khác mẹ đi thôi. Tôi còn có chị cả và một đàn em trai cùng cha khác mẹ nữa. Tôi không hiểu tại sao chỉ có tôi và em tôi được sắp đặt ra đi.

Người chồng của chị hàng xóm về đến Việt Nam. Lúc đó, anh gặp sự ngăn trở của chính phủ Mỹ. Họ nói đồng ý mang chúng tôi đi nhưng phải làm thủ tục giấy tờ. Anh ấy nói với cha mẹ tôi là, nếu anh mang chúng tôi đi, thì sau này phải lo nhiều phí tổn cho chúng tôi, phải tốn kém trong việc trông coi chúng tôi. Cha tôi nói “Không sao, tôi sẽ lo việc tiền nong cho anh.” Anh người Mỹ này tên là David. Khi đó anh khoảng ba mươi mấy tuổi. Tôi nhớ anh ấy rất tốt.

Vào khoảng thời gian này, mọi sự như một trò chơi đối với tôi. Tôi thật không biết sợ. Tôi được nuôi dưỡng trong sự bao bọc từ lâu cho nên không nghĩ việc đời có thể thay đổi. Tôi không nghĩ đến việc phải đi khỏi Việt Nam vĩnh viễn hay dù chỉ tạm thời. Lúc đó, gia đình tôi còn nhiều tiền trong nhà băng, đang cố chuyển tiền qua ngoại tệ. Tuy nhiên, nhà băng chỉ có thể cung cấp 2,000 đô thôi, sau đó, ngưng đổi ngoại tệ. Hết tiền đô rồi. Vì thế, mẹ tôi phải mua tiền đô ngoài chợ đen. Anh David lo hoàn tất tất cả các giấy tờ cần thiết, ngày ra đi được ấn định vào 27.4.75. Tôi vẫn còn nhớ mãi. Anh ấy nói tình hình rất khó khăn, và có lệnh người Mỹ không được đi ra đường nữa. Anh ấy dặn chúng tôi lúc nào cũng phải sẵn sàng để đến Tân Sơn Nhứt. David thu xếp giấy tờ, nói “Tôi sẽ trở lại đón các em, khi tôi đến, chúng ta sẽ phải đi liền”. Anh ấy cũng dặn gia đình vợ như thế. Nhưng rồi anh vào Tân Sơn Nhứt và không được phép trở ra nữa. Anh ấy gọi điện thoại, khóc. David nói: “Nếu tôi ra là sẽ bị bắn ngay!” Tôi nhớ sân bay đóng cửa vào ngày 24- 4-75 gì đó. Anh ấy nói: “Tôi bị kẹt rồi và không thể trở ra. Vậy bây giờ tất cả hãy chuẩn bị chờ, có thể tôi sẽ cho xe ra đón đi. Hãy chuẩn bị.”

Chúng tôi chờ đến ngày 28. Anh vẫn không ra được. Cũng không có xe đến. Rồi anh ấy phải rời Việt Nam trở lại Iran.
Tôi nghĩ cha tôi bắt đầu lo sợ. Tôi cũng cảm thấy vô cùng buồn bã vào những ngày cuối đó. Chúng tôi không biết miền Nam sẽ mất vào ngày 30 tháng Tư. Chỉ thấy mọi người chạy như điên cuồng vào khoảng 28 tháng Tư. Nhiều người đổ vào thành phố. Mọi sự tán loạn. Thiên hạ chạy tới lui ngoài đường phố. Tôi không hiểu họ đi đâu, nhưng chỗ nào cũng thấy họ đi với hành lý. Bây giờ đã có thể nghe tiếng bom rơi gần Sàigòn. Chưa bao giờ trong đời tôi nghe chiến tranh đến gần như thế.

Ngày 29, nhìn lên trời tôi thấy có hai máy bay trong tư thế đánh nhau. Lúc đó vào buổi trưa. Chúng tôi không biết đó là máy bay gì. Tôi không biết gì về máy bay cả, nhưng tôi biết có hai chiếc máy bay đang bắn phá.

Sau khi ông Minh tuyên thệ nhậm chức, cha tôi nói: “Thế là hết. Chúng ta thua rồi. Mình phải đi. Tất cả đều đã mất.”
Gia đình chúng tôi chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng vào ngày 29. Điện thoại reo vang từ sáng. Hễ cúp điện thoại xuống là lại reo. Những cú điện thoại do người quen gọi, những người khuyên gia đình chúng tôi đi, những người gọi lại hỏi ý kiến cha tôi. Có nhiều người quyết định việc ra đi hay không căn cứ theo gia đình chúng tôi. Nếu cha tôi chưa bỏ đi thì có lẽ tình thế không đến nỗi nghiêm trọng. Họ chờ và cũng chờ đợi ý kiến cha tôi. Cứ thế, điện thoại không ngừng reo.

Tôi bắt đầu cảm thấy buồn. Tôi có cảm tưởng một việc gì rất xấu đang sắp xảy đến. Tôi biết bà hàng xóm, chồng đang ở Canada. Ông ấy đi vào tháng trước. Bộ dạng bà vô cùng rối loạn, cứ chạy tới lui với hai đứa con. Sau cùng, bà thu xếp đồ đạc và bỏ đi. Tôi nghĩ là bà ấy biết có một chuyến tàu sắp đi.

Có lần tôi thấy một chiếc máy bay trực thăng bay trên trời, nhưng không biết chiếc trực thăng này thuộc về ai, bay đi đâu. Chiếc trực thăng này muốn đáp xuống gần toà cao ốc của một nhóm tôn giáo. Tôi thấy viên phi công muốn đáp xuống mà không được vì có nhiều cột ăng – ten và dây điện. Cuối cùng, viên phi công phải bay đi. Lúc trước, ông ta muốn đáp xuống và khi gần xuống thì người ta đã tranh nhau muốn leo lên. Cha tôi không cho chúng tôi ra đường vì có quân lính bắn nhau ngoài đường. Nếu lái xe đi ngang là có thể bị bắn. Vì thế chúng tôi bị nhốt cứng trong nhà.

Cuối ngày 29, chúng tôi biết chắc chắn thành phố coi như mất rồi. Tôi nhớ cha tôi nói rằng hai kẻ thù lớn nhất của chúng tôi là Thiệu và Cộng Sản. Cha tôi nói: “Đừng bao giờ quên những gì họ đã làm! Thiệu và Cộng Sản.”

Điện bị cúp vào ngày 29, chúng tôi phải dùng đèn cầy. Cha tôi lấy giấy tờ tài liệu đem đốt, đổ tro xuống cầu tiêu. Ông cũng lấy hết súng đạn ra, bỏ vào thùng rác công cộng. Cuối cùng, ban đêm, khoảng 11 giờ khuya, gia đình tôi nhận cú điện thoại của người chỉ huy trưởng một chiến thuyền. Ông đã gọi vài lần, cuối cùng ông ấy nói với cha tôi là phải quyết định mau nếu muốn đi. “Tôi sẽ cho mấy chiếc xe Jeep đến đón gia đình anh và cả gia đình vợ trước của anh nữa. Anh có thể mang mọi thứ anh cần!” Cha tôi suy nghĩ nhiều. Cuối cùng khoảng nửa đêm, bạn ba tôi gọi một lần nữa, nói: “Tôi phải đi, không thể chờ được nữa.” Cha tôi nói: “Thôi anh đi vậy”. Cha tôi quyết định ở lại.
Ngày hôm sau, Cộng sản tiến vào Sàigòn bằng xe tăng. Họ lái đến Dinh Tổng thống. Mẹ tôi khuyên ba tôi dời nhà, đến một căn an toàn hơn để tránh mặt Cộng sản. Vào buổi sáng, cha tôi chất chúng tôi lên xe hơi, chở chúng tôi đến đó, bởi ông sợ gia đình chúng tôi sẽ bị giết hại, nếu vẫn ở tại nhà. Thiên hạ xem chừng rối loạn, không được bình thường. Buổi sáng đó, khi ba tôi lái xe chở chúng tôi đi, tôi chứng kiến nhiều cảnh. Tôi thấy xe tăng tiến vào dinh tổng thống, cán dẹp hàng rào sắt của dinh. Tôi không nhìn thấy nhiều và rõ hơn vì ba tôi lái lẹ quá.

Tiếp đến, tôi thấy lính cầm cờ với ngôi sao vàng. Tôi nói: “Thôi rồi ! Thế là hết!” Lúc đó nỗi sợ hãi lan tràn. Chúng tôi sợ bị giết. Tôi thật lo sợ cho cha tôi hơn là lo cho bản thân chúng tôi. Trong thân quyến, ai cũng sợ cho ba tôi.
Đường xá vắng hơn những ngày trước. Vào buổi sáng đó, có lẽ xe tăng nhiều hơn người.

Nơi chúng tôi ở lúc trước có 36 căn nhà. Có một gia đình tỏ vẻ thật là vui. Liền sáng đó, họ đeo băng tay đỏ, chứng tỏ họ là Cộng sản. Họ ra mặt, ngày 29 thì chưa. Nhưng ngày 30, họ lộ diện. Có lẽ vì vậy cha tôi mang chúng tôi đi thật lẹ sáng hôm đó. Mẹ tôi khuyên cha tôi mang chúng tôi đến toà nhà lầu này, gần nơi mẹ tôi ở, vì những người ở đó là bạn mẹ tôi, họ sẽ giúp đỡ chúng tôi.

Đường xá vắng tanh, giống như sau một trận giặc. Đồ đạc ngổn ngang, đầy rẫy y phục quân nhân, có nhiều món đang cháy. Rác rưởi um sùm. Nhiều chiếc xe bị vất bỏ ở ngoài đường. Đường phố chỉ thưa thớt vài chiếc xe chạy. Không có các trạm kiểm soát, không có những quân lính cướp bóc. Họ mắc bận xục xạo các dinh thự.

Quân đội Cộng sản chạy vượt ngang xe chúng tôi, nhưng họ không tỏ vẻ quan tâm. Chúng tôi nhìn họ, họ nhìn chúng tôi, ba tôi lái xe vượt qua thật lẹ. Tôi có ý nghĩ là quân đội Cộng Hoà ăn mặc chỉnh tề, quân phục đẹp và vừa vặn hơn. Mấy người lính cộng sản mặc quân phục quá rộng, có vẻ như lạc lõng, cũng như chúng tôi. Ông có biết họ giống cái gì không? Giống như là du khách đi lạc vậy?

Không ngờ nơi chúng tôi đến lại là nơi ở của người Cộng sản. Thật ra là những người nằm vùng. Chúng tôi rất quí mến ba người bạn mẹ tôi mà tôi gọi là dì và người đàn ông chúng tôi gọi là chú, chúng tôi biết họ từ khi còn trẻ thơ. Nhưng chúng tôi không bao giờ ngờ họ là cộng sản. Chúng tôi hỏi xem có thể tạm ở đó không, họ nói không sao. Mẹ tôi biết rõ mọi chuyện nhưng cha tôi thì không. Cha tôi lo lắng, mẹ tôi cũng lo cho cha tôi. Nhưng họ nói không ai có thể xâm phạm căn nhà này. Người ta có thể vào các nhà bỏ hoang, nhưng trong căn nhà này, cha tôi và chúng tôi sẽ được yên ổn, không ai hãm hại gia đình chúng tôi cả. Cha tôi nói “Tốt lắm”, ông đưa chúng tôi vào. Ông chạm trán những người mà ông chưa hề gặp. Những người này có bộ dạng rất khác lạ. Cha tôi liền bước ngay trở ra khỏi căn nhà. Ông dặn: “mấy con ở đây, các con sẽ được an toàn, nhưng ba phải đi liền”.” Chúng tôi không hiểu tại sao cha tôi phải đi vội vã như thế. Tôi nói: “sao ba kỳ vậy? Sao không ở đây? Nơi này rất an toàn mà” Cha tôi nói: “Im đi cứ ở đây. Cứ làm như bình thường, đừng nói nhiều, như vậy các con sẽ bình an”. Cha tôi không nói cho chúng tôi biết ông sẽ đi đâu.

Tôi có một cái giỏ nhỏ, trong đó chứa những vật dụng cần thiết như thuốc, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, tôi nghĩ cũng có tiền nữa. Cha tôi gởi bảy chị em tôi ở đó với những người lạ lùng này. Họ có điệu bộ kỳ kỳ. Họ có vẻ thư thái, vui vẻ. Chúng tôi sợ muốn chết, còn họ cứ nhìn chúng tôi mỉm cười.

Họ hỏi chuyện chúng tôi, nhưng cha tôi đã dặn là không được nói nhiều. Họ hỏi: “ “Bây giờ đất nước được giải phóng rồi, các cháu cảm thấy ra sao? Có thích không? Các cháu nghe chính phủ ngụy nói gì về Việt cộng?” Tôi còn khờ dại nên nói: “Mấy bác biết không, nếu cộng sản bắt được người nào sơn móng tay, họ sẽ rút móng tay và hành hạ những người đó. Thêm nữa, ai giàu có và làm việc cho chính phủ trước, họ sẽ bắt và hành hạ những người này. Tụi con nghe vậy đó!” Họ cười xoà khi nghe thế.

Họ không nói gì khác, ngoài việc hỏi chúng tôi đã nghe những gì, cảm thấy thế nào. Tôi kể cho họ những gì tôi đã nghe. Họ nói: “Ở đây các cháu rất yên ổn, không việc gì xảy đến cho các cháu đâu. Vậy bây giờ cháu nghĩ sao?”. Khi họ nói thế, tôi bắt đầu thấy không ổn vì có lẽ tôi đã nói quá nhiều. Do đó tôi nói: “con nghĩ đó là tin đồn chính phủ nói láo thôi!” Tôi biết có việc gì đây. Họ không tuyên truyền cho Cộng sản, họ chỉ nói là: “Bây giờ cháu đã thấy sự thật. Chúng tôi không hại người.” Từ đó, tôi ngậm im luôn.

Chúng tôi ăn ngủ ở đó. Thiệt khó chịu. Sau trận hỏi đáp, tôi bắt đầu hiểu. Tôi hiểu họ không phải là người ở phía chúng tôi. Tôi thật không sợ hãi, chỉ lo lắng. Một cảm giác kỳ cục. Tôi chẳng có thể làm gì được, chỉ phải chờ. Tôi không hiểu chuyện gì sẽ xảy đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ phải ở đây bao lâu, khi nào cha mẹ chúng tôi mới đến đón chúng tôi về. Chúng tôi không đi ra ngoài đường, chỉ nhìn qua cửa sổ.

Sau ngày 30, mọi nơi đều im lặng vắng vẻ. Mọi người đều ở trong nhà. Không có ai mua bán gì.

Ba bốn ngày sau, mẹ tôi đến đón chúng tôi về. Chúng tôi về nhà mẹ ruột tôi, ở gần đó. Cha tôi đã vào Chợ Lớn vì có bà con trong ấy. Thật ra, lúc đầu chúng tôi không biết cha tôi ở đâu, không ai chịu nói cả. Gia đình tôi sợ người Cộng sản sẽ hỏi chúng tôi. Cha tôi ở trong Chợ Lớn đến tháng Năm, khi tình hình có vẻ tạm yên và chính phủ mới nói là người chế độ cũ phải đi học tập cải tạo. Căn cứ trên chức vụ, ông sẽ phải đi từ ba tuần đến ba tháng. Những người chức nhỏ hơn thì đi một cho đến ba tuần.

Chúng tôi không biết gì nhiều về cha tôi nữa. Tôi nhớ mẹ tôi đã mang tôi vô Chợ Lớn gặp cha tôi. Tôi nghe cha tôi than phiền với mẹ tôi về việc đem chúng tôi đến căn nhà bạn bà: “Bộ bà điên hay sao? Bà kêu tôi đi thẳng vô hang cọp.” Mẹ tôi nói: “Tôi đâu có biết”. Cha tôi nói: “Sao bà biểu tôi đến đó? Bộ bà không biết là đó là hầm rắn hay sao? Vừa bước chân vô cửa, tôi biết ngay họ là ai, bởi thế tôi đã phải để mấy nhỏ đó và bỏ đi ngay đó.” Tôi không hiểu sao cha tôi biết.

Cha tôi tiếp tục ở trong Chợ Lớn cho đến khi ông bị gọi. Tôi nghĩ là ông đã đắn đo nhiều về việc nên đi trình diện hay không, nhưng sau cùng ông nghĩ là đi phứt cho rồi vì không thể nào lẩn mặt được mãi. Vả chăng, chỉ đi ba tháng thôi. Do đó, ông đành đi.

Vào khoảng tháng Năm, chúng tôi trở lại nhà. Gia đình Việt cộng ở khu nhà tôi đã bắt đầu tổ chức, trở thành lãnh đạo 36 căn nhà trong khu đó. Ai nấy phải theo kỷ luật mới. Thật ra cũng không có gì rõ rệt. Họ chỉ kiểm soát chúng tôi vậy thôi. Chúng tôi không dám mua bán gì. Chúng tôi không dám đi chợ. Tôi không nhớ đã ăn gì để sống. Có lẽ chỉ ăn đồ khô dự trữ thôi.

Cha tôi đi trình diện tại một địa điểm mà nhiều người phải đến để trình diện. Chỗ đó gần sở thú. Người ta xếp hàng thiệt dài, người nào cũng có hành trang. Họ không biết họ phải cần món gì, do đó họ mang theo áo quần và vài thứ cần dùng. Có nhiều hàng dài và người Cộng sản ngồi ở bàn để nhận người. Chúng tôi, gồm có mẹ kế tôi, chị lớn tôi, và tôi đứng đó chờ với cha tôi. Đến phiên cha tôi tiến lại bàn. Tôi nhớ là ông được biểu phải lột đồng hồ và vài món đồ khác. Và ông đã trình diện xong. Chúng tôi không biết họ sẽ đem những người đến trình diện đi đâu, nhưng cha tôi phải đi.

Từ đó, chúng tôi không còn biết họ đưa cha tôi đi đâu.

Advertisement

One thought on “NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Họ như đàn kiến vây quanh chúng ta”

  1. Cha tôi không muốn lụy phiền Người Thân Việc Ông Làm Ông Biết Hậu quả Nhận!Một mình Ông chịu bằng cách”Đơn độc Thân”!Rời bỏ là cách”Không thể gần..”!-Không thể tiếp cận những liên quan…Như thế là cách an toàn tính mạng ?Cho những người Thân yêu ở lại sống…”Mẹ không hiểu Ý-Con cũng không!”Tôi-nhân vật kể còn trẻ con!Chỉ biết Cha đi là vô vọng…Khó lòng gặp lại mọi Người mong…”-Bởi Cha toàn Xử Tội đối phương…”VC nổi chìm Cha có trong?Giả như ai bắt Cha chỉ”Một Tấm Lòng!”Có thể ”đen -trắng ”Cha đã gồng…Dang đôi tay dài -Mắt Ngoài Trong?Có thể là thế”Cha đã Sống..?”Và thời gian trả lời tôi”Người Sống-Còn…???”

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s