CỘI MAI GIÀ

Huệ Nguyên

1795616_475209165917831_209285845_n

( Tranh , Nguyễn Man Nhiên )

– Mẹ lại khóc à?
– Không.
– Mẹ có khóc đâu.
– Gió thổi bụi vào mắt mẹ đấy chứ.
Mụ đưa bàn tay nhăn nhúm của mình lên khuôn mặt khắc khổ, hằn vết thời gian, lén lau nước mắt rồi nhìn ra cửa sổ nói lảng đi. – Năm nay gió nhiều lúa đèo đẹt quá, mãi chẳng chịu đẻ nhánh gì cả. Bón đến 2 đợt phân rồi mà cứ đỏ quệch ra.
Thằng Nhân nhìn mụ với ánh mắt buồn rười rượi. Nó hiểu chuyện gì khiến những giọt nước mắt lại lăn trên gò má nhăn nheo, già nua của mụ.
– Vâng.
– Chưa năm nào như năm nay, gió mãi chẳng hết. 30 tết rồi mà còn gió thế này. Mẹ đã có tuổi, đừng ngồi bên cửa sổ thế. Vừa bụi, lại lạnh nữa.

Mụ ậm ừ một lúc để cố giấu đi nỗi buồn ẩn sâu nơi đáy mắt, chờ lấy lại bình tĩnh, mụ quay sang hỏi nó:
– Con xem ban thờ hết nhang chưa để mẹ thắp?
Nó hiểu mụ không muốn để nó phải lo lắng, phải buồn nên cố vờ như không biết. Nó nghiêng mình, đôi tay run run xoay bánh chiếc xe lăn hướng về chính diện ngôi nhà. Căn nhà gỗ 3 gian, nhỏ, lụp xụp, trên mái chăng đầy mạng nhện. – Hết rồi mẹ ạ.
-Ừ. Để đấy mẹ thắp.
Mụ đứng dậy, lầm lũi tiến đến ban thờ, đôi chân già nua, yếu ớt bước lên chiếc ghế đẩu cũ kỹ, cố rướn cái lưng còng ở tư thế thẳng hơn. Đôi tay gân guốc, chai xạm vì nắng gió, run run đốt lén nhang rồi lẩm nhẩm lời khấn nguyện. Những giọt nước mắt cứ ứa ra, lăn dài trên gò má nhăn nheo của mụ, rồi tan vào làn khói nhang nghi ngút.

Chiếc ban thờ úa màu thời gian, lặng lẽ bên mâm ngũ quả cùng những món ăn được bày lên tiến cúng, phác họa nỗi buồn nhuộm kín cả không gian. Đôi mắt trũng sâu của mụ nhìn âu yếm bức hình thờ loang màu khói. Chồng mụ, người đàn ông trụ cột của gia đình, hơn hai năm trước đột ngột ra đi sau một cơn đau tim vì quá sốc. Cái hình ảnh đáng buồn của hơn 2 năm về trước luôn đeo bám, ám ảnh tâm trí mụ. Và giờ đây, đoạn phim ấy đang hiện ra, trình chiếu trước mắt mụ….

Hơn 2 năm trước, đứa con thứ 2 của mụ được người bạn cùng khóa thời sinh viên mối manh xin cho về dạy cùng trường tại một huyện vùng sâu miền núi. Cái thời buổi khó khăn, kiếm được một việc làm mà không phải mất đồng nào “lót tay” là điều không tưởng. Thậm chí, có tiền mà không biết đường biết lối luồn lạch thì cũng chỉ còn có nước về bám đuôi con trâu tiếp nối những tháng ngày lấm lem bùn đất, bất kể là anh cầm trên tay tấm bằng cấp loại gì. Sau mấy năm trời gửi hồ sơ xét tuyển tại phòng Nội vụ huyện, mấy mùa tuyển công nhân viên chức đã qua nhưng tin vui vẫn khước từ đến với gia đình mụ. Đứa con cứ chờ đợi rồi thất vọng. Chán nản, nó quyết định từ bỏ ước mơ của mình, không xin việc nữa mà ở nhà phụ giúp ba mẹ trông nom ruộng vườn và chăm sóc đứa em tật nguyền của mình. Nó hì hụi, cáng đáng công việc đồng áng. Mọi việc nặng nhọc đều đến tay nó. Có người đỡ đần, mụ cũng bớt phần khó nhọc, nhưng hằn sâu trong tâm trí mụ là một nỗi buồn nhức nhối. Không xin việc được cho con, bỏ phí bao năm trời ăn học, mụ thấy mình thật có lỗi với nó. Chỉ vì gia cảnh nghèo khó, không đủ tiền để lo mấy chục triệu làm “phí lót tay” mà đứa con của mụ chẳng thể thoát cảnh chân lấm tay bùn, bần hàn như cha mẹ nó. Mọi sinh hoạt, chi tiêu của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng trũng, bấp bênh mùa vụ. Đã thế, đứa con út lại tật nguyền, thường xuyên đau ốm. Biết bao năm chạy chữa, tiền của thay nhau đội nón ra đi. Ở cái xứ hẻo lánh, chiêm trũng, khốn khó ấy, ngoài cây lúa ra chẳng có một công việc gì khác để có thể kiếm thêm thu nhập. Chật vật lắm vợ chồng mụ mới lo đủ ngày ba bữa cơm cho con cái. Đứa con lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng, vợ chồng mụ lại chạy vạy ngược xuôi lo cưới hỏi cho nó. Nợ nần lại thêm chồng chất. Ruộng đất cũng chia bớt cho đứa con lớn để vợ chồng nó làm vốn sinh nhai. Cái nghèo cứ bám riết, ẩn giấu trong từng nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ của đôi vợ chồng già.

Những tưởng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp khi thằng con thứ 2 biết thương cha mẹ, chăm chỉ làm ăn. Bỗng một ngày, đứa bạn thời sinh viên của nó qua nhà chơi và ngỏ ý muốn xin giúp nó về dạy tại một trường thuộc huyện miền núi hẻo lánh, giáp biên giới:

– Trường tao vẫn còn thiếu một giáo viên Thể dục. Mày có muốn qua đó dạy không, tao mách nước cho?
– Mày còn phải hỏi nữa à? Lớp mình, đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định. Mỗi thằng tao cái số lận đận nên mới phải chịu về bám đuôi con trâu. Mày nghĩ tao muốn lắm sao? Bao nhiêu năm ăn học. Vậy mà…
Mà mày bảo cái suất ấy có chắc không? Tao cũng ngán ngẩm lắm rồi. Bao nhiêu lần làm hồ sơ xin việc mà có được quái đâu. Mày đừng gieo hy vọng cho tao, nếu không chắc. – Nét mặt buồn thiu của thằng con trai mụ hướng về phía cánh đồng xa xa.
Sao lại không? Mày nghĩ tao rảnh rỗi vượt trên trăm cây số chỉ để qua đây thăm mày à? Biết mày chưa có công việc, tao lại nghe sếp nói trường tao vẫn còn trống một suất. Tao khá thân với sếp, hơn nữa, chú tao là chánh văn phòng Ủy ban huyện. Tao đã nhờ chú tao hỏi nhỏ ông Trưởng phòng nội vụ rồi. Vụ này, đảm bảo chắc như bắp!
– Có thật không vậy? – Đôi mắt thằng con của mụ sáng lên đầy hy vọng. Thằng bạn nét mặt nghiêm nghị, trả lời với giọng dứt khoát:
– Mày nghĩ tao nãy giờ rảnh quá nói giỡn chơi với mày chắc? Tuy nhiên, mày cũng biết rồi đấy. Ở cái thời buổi này, nói bằng nước bọt thì đừng có mơ mà được việc. Tao nói vậy chắc mày hiểu rồi chứ?
– Tao biết. Nhưng hoàn cảnh của gia đình tao mày cũng biết rồi đấy. Mà có hết nhiều không?
– 40 triệu.
– 40 triệu? – Nó há hốc miệng rồi thừ mặt ra. – 40 triệu, số tiền lớn như thế làm sao nhà tao lo được. Cả gia đình mấy miệng ăn chỉ vẻn vẹn có 6 sào ruộng. Anh hai tao lấy vợ, ra ở riêng, ba mẹ tao chia cho ông ấy 2 sào để làm lưng vốn. Bốn miệng ăn, ba mẹ thì lớn tuổi rồi, lại thuốc thang, chạy chữa cho thằng em tao. Tất cả chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng ấy. Thử hỏi lấy đâu ra số tiền lớn như thế? – Thằng bạn ngồi tay chống cằm, chau mày suy nghĩ một lát rồi vỗ đùi cái đét. – Có cách rồi! Chỉ có điều mày có quyết tâm đi và có thuyết phục được ba mẹ mày không thôi. Nói xong, nó toét miệng cười rồi nháy mắt đá đưa với thằng con mụ.
– Cách gì vậy? Mày nói tao nghe đi nào. Tao nóng ruột lắm rồi. Nói lẹ đi! – Nó chăm chú nhìn thằng bạn và chờ đợi.
– Nhà mày còn 4 sào ruộng phải không? Giá thị trường hiện nay là bao nhiêu 1 sào?
– Thì ra đây là cách của mày đấy à? Mày hay nhỉ? Bán ruộng thì ba mẹ tao, thằng em tao sống bằng gì? Liệu tao có thể yên tâm mà cầm số tiền ấy đi xin việc chắc?
Khuôn mặt nó đỏ bừng. 2 mắt nó long sòng sọc nhìn đứa bạn.
– Mày bình tĩnh nghe tao nói đã nào. Chưa gì đã nóng. Cái tính hổ lửa của mày vẫn không sao sửa được. Tao có bảo mày bán hết đâu mà cuống lên. Tao nghe nói giá ruộng bây giờ cũng không rẻ phải không? Mày chỉ cần bán đi 1 nửa số ruộng cũng thừa rồi. Vẫn còn ruộng cho ba mẹ mày cày cấy. Vả lại. Mày ở nhà làm thì cũng có lúc mày lấy vợ, ba mẹ mày cũng phải chia số ruộng ấy để mày làm ăn. Mày đi dạy, tích góp tiền lương rồi gửi về phụ ba mẹ chẳng phải vừa thoát cảnh đầu tắt mặt tối với đồng ruộng mà mày vẫn giúp được gia đình. Như thế chẳng phải tốt hơn sao?
Nghe thằng bạn phân tích cũng chí lý, nó ngồi gật gù, vẻ mặt tràn đầy hy vọng. Ước mơ được đứng trên bục giảng bị vùi lấp nơi đồng ruộng mặn phèn bỗng được hồi sinh. Đôi mắt nó sáng lên qua lời bạn kể. Nó nhìn mụ đang hí hoáy ngồi thái rau heo ngoài hiên bằng ánh mắt khẩn thiết, đầy ao ước. Ánh mắt ấy như mũi dao găm vào trái tim mụ khiến khắp cơ thể mụ run lên, tê buốt. Nỗi đau của người mẹ khi không thể cho con một tương lai tốt đẹp lại hiện về, giằng xé tâm can mụ. Giọt nước mắt mụ lăn trên gò má nhăn nheo, rám nắng. Cả đêm hôm ấy mụ trằn trọc không ngủ. Sự mệt nhọc của một ngày với hàng trăm thứ công việc không tên, rồi vườn tược cũng chẳng thể đưa mụ vào giấc ngủ. Những tiếng dế cứ nỉ non bên khung cửa, tiếng thạch sùng hắng giọng đầy khiêu khích, tiếng thở dài của thằng con phía giường kế bên, tất thảy đều trở thành nỗi ám ảnh ngự trị, chảy tràn nghĩ suy của mụ. 40 triệu đồng là số tiền không hề nhỏ, là cả một gia tài đối với mụ. Cả cuộc đời mụ sống trong nghèo khó, cơ cực. Tuổi thơ của mụ không được học hành. Ngay từ nhỏ mụ đã phải mò mẫn, lăn lóc trên đồng, bầu bạn cùng con cua, cái tép. Mụ không muốn đứa con mình bỏ phí bao năm ăn học (cái điều mà mụ nằm mơ cũng không có được) để rồi dầm mưa dãi nắng, một đời chân lấm tay bùn như mụ. Những nghĩ suy, trăn trở cứ trôi miên man trong màn đêm tĩnh lặng. Đôi mắt mụ thâm quầng, hốc hác sau một đêm dài mất ngủ. Mái tóc dường như cũng bạc thêm mấy phần. Mụ quyết định bàn với chồng về những trở trăn, dự tính của mụ. Thật may vì cũng như mụ, chồng mụ cũng hiểu và cùng có những nghĩ suy giống mụ. Và rồi, họ quyết định bán bớt ruộng vườn để cho thằng con thực hiện được ước mơ của mình. Nó mừng quýnh! Ôm trầm lấy vợ chồng mụ rồi khóc thút thít. Những giọt nước mắt lại lăn trên gò má của đôi vợ chồng già. Thằng em nó cũng nhìn mọi người trong ngấn lệ.
*
* *
Đến trường nhận công tác được vài hôm, nó điện về số máy nhà hàng xóm cho mụ, hỏi xin tiền mua cái máy vi tính để soạn giáo án. Nghe nó nói, mụ như muốn rụng rời chân tay. Gia sản, vốn liếng của cả gia đình chỉ còn vỏn vẹn có 2 sào ruộng trũng. Hôm nó đi làm, mụ phải bán bớt mấy tạ lúa để cho nó lấy tiền tiêu khi chưa có lương của nhà trường. Giờ nó đòi mua máy tính, nhà có còn thứ gì để bán đâu nữa chứ? Mụ nghẹn ngào qua điện thoại.
– Con ạ. Hoàn cảnh gia đình mình thế nào chắc hẳn mẹ chẳng cần phải nói. Mẹ xin lỗi. Thực sự là mẹ không biết chạy đâu ra số tiền ấy cho mày được. Những thứ đáng bán, mẹ cũng bán hết cả rồi. Con cố gắng khắc phục dùng máy của bạn hay máy của nhà trường có được không? Hơn nữa. Mày chỉ dạy có mỗi môn Thể dục thôi mà.
Thằng con nghe mụ nói vậy liền phụng phịu.
– Nhà trường họ bắt giáo viên phải soạn bài giảng bằng giáo án điện tử. Không có máy thì con lấy gì mà soạn giáo án? Chả nhẽ lúc nào cũng đi mượn, đi dùng chung hay sao? Mà đâu phải lúc nào cũng mượn người ta được. Con không biết đâu. Mẹ tìm cách nào mượn tiền cho con đi. – Nói xong, nó gác máy. Những lời của nó cứ văng vẳng bên tai, như lưỡi dao cào xé gan ruột mụ. Suốt mấy ngày mụ ngơ ngẩn như kẻ mất hồn, chẳng thiết ăn uống gì. Mụ luôn nghĩ về những những điều nó nói và cũng sợ chồng mụ biết được rồi sẽ rầy la mụ. Tính hổ lửa của chồng mình, đâu phải một ngay mụ còn không hiểu. Sự bất lực và lo lắng cứ dày xéo, ám ảnh khiến mụ luôn bất an và chìm trong nỗi dằn vặt. Thế rồi điều gì phải đến cũng đến. Sáng hôm ấy, nó lại gọi điện về. Nhưng lần này, người nghe máy không phải mụ mà lại là thằng anh lớn của nó. Thằng anh thấy nó nói như vậy, sốt sắng chạy sang bô bô nói với cha mình.
– Thằng Nhân nó gọi điện về nhắn với con là bảo ba mẹ cho nó xin mấy triệu mua cái máy tính. Trường nó bắt giáo viên soạn giáo án điện tử, nó nói không có máy nó không soạn bài được. Ba mẹ xem thế nào rồi gửi tiền cho nó. – Chồng mụ nghe thằng con đầu hớt hải nói vậy, nét mặt liền biến sắc. Hai mắt trừng lên, long sòng sọc.
– Nhổ răng ra mà mua à? Lo cho nó đi, ruộng vườn cũng bán vợi rồi. Có mấy tạ lúa, vừa để ăn lại còn làm giống má cũng phải bán đi một nửa để cho nó mang đi ăn tiêu. Nó chỉ biết có mình nó, còn 2 cái mạng già này với thằng em què quặt của nó thì sống bằng gì? Nó cũng phải biết nghĩ đến những người khác nữa chứ. Cho nó ăn học như thế thì để làm gì?
Mụ hiểu tính khi của chồng mình nên nhỏ nhẹ nói gạt đi. – Thì nó đòi là một nhẽ. Đã gửi cho nó đâu mà ông cứ lo. Với lại, nó chỉ dạy có mỗi môn Thể dục. Nếu khéo ra, ngày thứ bảy, chủ nhật, mượn máy của bạn hay tranh thủ giờ giải lao dùng máy tính của trường là có bài mà dạy chứ sao đâu.
Thằng con lớn nghe vợ chồng mụ nói vậy nên không giữ nổi bình tĩnh. Vẻ mặt phừng phừng, đôi mắt đỏ sọng, đảo qua đảo lại. Gắt gỏng.
– Thế ý ông bà là không gửi tiền cho nó chứ gì? Nếu không gửi cho nó thì để tôi gọi bảo nó tự lo.
– Đến mày cũng vào hùa với nó nữa hả? – Chồng mụ bực bội, chỉ tay vào mặt thằng lớn với giọng đầy bức xúc. – Mày ngần ấy tuổi rồi mà còn thiếu suy nghĩ, nông cạn như thế à? Thử hỏi cái nhà này, còn thứ gì đáng để bán mà gửi cho nó? Hai cái mạng già này không có thằng mua chứ không thì tao cũng bán lâu rồi. Nó là thằng được ăn học, được nuông chiều, sung sướng nhất cái nhà này mà nó không biết. Ai không muốn cho con bằng bạn bằng bè. Nhưng ở hoàn cảnh nào thì cũng phải cố gắng mà thích nghi với hoàn cảnh ấy chứ. Mày mấy mặt con rồi mà còn nông nổi như thế? Lại còn ăn nói bố láo nữa chứ!
– Phải rồi! Có nó ngu thì mới sướng mà không biết. Chứ đều như thằng này, đầu tắt mặt tối, cứ cặm cụi làm rồi cầm tiền về đưa cho ông bà thì ông bà mới hả dạ ấy nhỉ?

Thấy hai cha con sừng cồ, mỗi lúc một gay gắt, mụ không biết làm thế nào để can ngăn. Nước mắt cứ giàn giụa trên khuôn mặt nhăn nhúm, hốc hác. Mụ quỳ xuống, van xin, khóc lóc trước mặt hai cha con nhưng cũng không sao làm dịu bớt sự nóng nảy của họ.

Thằng con út chứng kiến cảnh tượng ấy nó không thể khóc lên lời. Toàn thân cứng đơ. Những giọt nước mắt chát chúa lã chã rơi xuống cặp đùi trơ xương, tong teo của nó. Nó gồng mình trong tuyệt vọng. Cả cơ thể vẫn bất động trên chiếc xe lăn. Trong ý nghĩ của nó, nó rất muốn phóng chiếc xe thật nhanh về phía cuối nhà để có thể lao đầu mình vào tường. Trái tim nó dường như bị ai đó thắt lại. Cái cảm giác đau đớn như có hành trăm, hàng ngàn lưỡi dao cào xé. Nó cố dùng hết sức để hét lên nhưng cũng chẳng thể át đi cuộc cãi vã nảy lửa của cha và anh mình.

Lời qua tiếng lại, chồng mụ vớ cái ly nước trên bàn hắt thẳng vào mặt thằng lớn khi nó có những lời lẽ hỗn xược, xúc phạm tới ông. Thằng lớn điên tiết rút điện thoại ra gọi cho thằng Nhân rồi chửi nó té tát.

– Từ nay mày đừng có mở miệng ra mà xin xỏ ông bà ấy nữa nhé. Ông bà ấy đang chửi tao nhục nhã, muối mặt không kịp ở nhà đây này. Không có máy móc quái gì hết! Phận mày, mày tự mà lo đi. Mẹ kiếp! Tao cũng chỉ vì mày mà được bữa chui xuống đất cũng không có chỗ mà chui đây này! – Nói xong, nó cầm cái điện thoại trắng đen của nó ném cái bốp xuống nên nhà. Chiếc điện thoại vỡ tan. Nó đá tiếp nhát nữa rồi quay ngoắt ra về.

Nghe thằng con lớn nói những lời xúc phạm, cay nghiệt, chồng mụ chỉ kịp nhăn mặt, ôm ngực rồi ngã chổng kềnh xuống đất. Mụ khóc lóc thảm thiết, hét toáng lên rồi nhờ hàng xóm đưa ông đi cấp cứu. Nhưng đi được nửa đường thì chồng mụ tắt thở vì cơn đau tim đột ngột.

Lo đám tang cho bố xong, thằng Nhân trở về trường rồi từ đấy không về thăm mụ. Thằng lớn cũng tuyệt hề không ngó mặt sang. Ngôi nhà nhỏ chỉ còn 2 mẹ con mụ quẩn quanh sớm tối.
*
* *

Nắng đổ loang xuống thềm dãy nhà tập thể. Cái nóng hừng hực xộc vào gian phòng chật chội. Chiếc giường nhỏ đặt sát mép tường bên khung cửa sổ. Cây Sapochê tỏa bóng làm dịu bớt đi phần nào sự ngột ngạt. Nhân chìm sâu trong giấc mơ, miệng ú ớ kêu thất thanh.
– Mẹ!… Mẹ ơi!… Mẹ ở đâu?
– Thành ơi… Em ở đâu?…
Căn nhà hoang vắng chăng đầy mạng nhện, sộc mùi ẩm mốc. Tiếng gió u u rít qua ván bưng khiến bước chân của Nhân díu lại. Những con chuột cống to xù chạy dáo dác. Trên ban thờ, những tấm di ảnh được phủ lên mình bởi lớp bụi và mạng nhện chằng chịt. Đưa tay phủi lớp bụi trên di ảnh, Nhân khụy xuống ôm mặt khóc nức nở khi nhận ra đó là mẹ và em mình. Những giọt lệ ứa ra từ hai khóe mắt đỏ sọng, chảy thành sợi trườn trên nét mặt đầy đau khổ.
Tiếng chim rót vào chiều cuối năm trong vắt vô tình kéo Nhân ra khỏi cơn ác mộng. Ngước mắt nhìn qua khe cửa, những cánh én chao liệng trên vòm trời xanh thẳm….

*
* *

Mụ thẫn thờ nhìn di ảnh chồng mình qua làn khói hương lan tỏa. Đôi mắt mụ ướt sũng những giọt nước mắt mặn mòi trườn trên gò má. Mụ giật mình khi nghe tiếng thằng con thốt gọi.
– Mẹ!… Mẹ ơi!
– Mẹ xem ai về kìa!
Mụ nhìn ra cửa, khuôn mặt nhòa nước mắt. Thằng Nhân vất chiếc cặp xuống đất cái uỵch, lao vào ôm trầm lấy mụ. Khóc nức nở.
– Con sai rồi. Con sai rồi mẹ ơi! Con về với mẹ đây. Mẹ tha thứ cho con mẹ nhé!
Thằng út tiến chiếc xe lăn về phía mẹ và anh nó. Ba mẹ con ôm nhau òa khóc! Bên thềm, hoàng hôn hắt giọt nắng cuối ngày yếu ớt. Cội mai già bung những nụ hoa vàng rực, khoe sắc, đợi nàng Xuân ghé qua khung cửa!
HUỆ NGUYÊN

2 thoughts on “CỘI MAI GIÀ

  1. đinh tấn khương nói:

    Đất nước đã hòa bình nhưng chiến tranh trong những gia đinh lại phát sinh!
    Cầu mong một “XHCN hoàn thiện” tại VN sớm hình thành (vào đầu thế kỳ tới, như TBT Nguyễn Phú Trọng đã mơ hồ) để giai cấp được xóa bỏ cho dân nghèo bớt khổ hơn!
    Cám ơn tác giả Huệ Nguyên, một câu chuyện thật buồn cho những ai không sống với trái tim hóa đá!!

  2. aitrinhngoctran nói:

    Thực tế là cuộc sống…Mảnh bằng chi mà vọng?!Vọng thêm khổ long đong!Vọng phiền phức cuộc sống!Vọng là vọng được sống.Vọng thoải mái trong lòng.Có tình thương trãi rộng..Phúc đời nhỏ nằm trong…Tình thương…..

Comment