TẾT NI CON CÓ VỀ KHÔNG?

Đoàn Thị Lệ Thanh

tet_que

Hương Bình bấm chuông, một hồi lâu không thấy mạ ra mở cửa, cô ghé mặt sát vô song sắt réo :
– Mạ ơi, mở cửa cho con.
Một lúc sau mới thấy mạ vội vã đi ra:
-Tìm cái chìa khóa chừ mới thấy, để một chỗ mà tìm một chỗ. Răng con không bấm chuông?
– Rồi, chuông lại hư nữa rồi, để con gọi điện nói anh Tường con đi làm về ghé ngang sửa cho mạ, không thôi có ai tới, kêu rát cổ mạ cũng không nghe được đâu.
Bình đẩy xe lên khoảng sân nhỏ , khóa cửa, khóa xe cẩn thận trước khi vô nhà. Cô bước theo sau mạ hỏi
“ Mạ đang làm chi đó?” , mạ không trả lời nhưng Bình cũng đoán ra vì mùi gừng nồng ấm đang tỏa thơm cả căn nhà. Trời lành lạnh, mứt gừng lại thơm, cũng giống như nhiều năm qua, hương vị Tết lại theo tay mạ về nhà.
– Mạ làm mứt gừng nữa à, tuần trước mạ đã làm mấy kí rồi mà.
Mạ quay nhìn Bình, cười rạng rỡ:
– Mạ để dành chỗ gừng nớ cho mấy dì mấy cậu, mạ làm thêm để gởi cho Hương An, hắn thích mứt gừng mà không biết làm. Còn Hương Ngự hắn nói gừng bên nớ nhiều xơ mà không thơm nên mạ làm thêm một xí gởi luôn cho hắn. Ăn sáng chưa, má có mua bánh nậm, ăn xong rồi về lo cơm nước bên nhà, đừng dọn dẹp chi cả nghe chưa? À, có thiệp của Hương Ngự gởi về chúc Tết với chúc sinh nhật của mạ, con thấy chưa, mạ để bên cạnh cái điện thoại.
Hương Bình không ăn bánh nậm, cô mở tấm thiệp ra đọc.
Lúc cuộc sống chỗ con ở đã trở lại bình thường như năm cũ thì bên mình đang tưng bừng rực rỡ đèn hoa đón Tết….Con ước chi mình đang ở nhà, được tất bật chạy lui chạy tới, hết dạo chợ thì lại chạy qua mạ nhờ đặt bánh tét, đặt tré, nem chả Huế…Mạ có làm mứt gừng không? Bên ni gừng nhiều xơ mà không thơm chi cả. Trời đang lạnh, ước chi có mứt gừng của mạ, buổi sáng nhâm nhi với tách trà nóng thì không chi bằng!!!…Con cũng thèm nồi măng hầm giò heo, nồi thịt kho tàu, thẩu dưa cải của má!!!…Nhớ Tết nhà mình quá chừng luôn!!!…Mạ nhớ giữ sức khỏe, đừng bày vẽ ra mà làm cho mệt, 80 tuổi rồi chơ không còn trẻ mỏ chi mô…
Giọng đùa cợt của chị khiến Hương Bình mỉm cười, lúc còn ở nhà, chị vẫn thường giỡn với mạ như thế. Những dấu chấm than rơi xuống sau lời thương nhớ khiến Hương Bình hình dung hình ảnh chị,vừa viết thư vừa đưa tay lau nước mắt. Nhân viên làm việc ở trường học có gần ba tháng nghỉ hè, lại được hai tuần nghỉ Đông, một tuần nghỉ Xuân nên không được cấp phép nữa. Biết vậy, nhưng mỗi năm, hễ đến lễ Giáng Sinh, mạ vẫn gọi điện cho chị để hỏi “ Tết ni con có về không?”, rồi sau đó gác điện thoại mà mắt rươm rướm buồn. Thỉnh thoảng chị Hương An cũng về ăn Tết, còn chị Hương Ngự thì về đôi ba lần vào dịp hè . Người ta nói “Vui như Tết”, nhưng nếu gia đình không đông đủ, thì với mạ niềm vui đó chưa trọn vẹn. Năm nay, mạ đã tám mươi, sinh nhật mạ vào tháng hai, nhưng anh Nha dự định tổ chức mừng sinh nhật mạ vào ngày mồng một Tết ( anh Nha nói mạ còn trẻ mà nói chi hai tiếng “mừng thọ”, nghe già quá! ). Cả nhà đều thắc thỏm mong hai người chị ở xa, mạ đã hỏi và cả hai chị đều trả lời là không thể.
Hương Bình chớp mi, giọt nước mắt rơi xuống tấm thiệp làm nhòe những dấu chấm than. Cô gấp tấm thiệp nhìn mạ lui cui bên chảo mứt. Dường như mạ không thay đổi gì nhiều, từ cuộc sống êm đềm ở Nhatrang, đến những năm tháng vất vả sau năm 1975, và bây giờ, trong thành phố tấp nập vội vã này, cuộc sống của mạ là những trải dài của lo toan và bận bịu. Khi những đứa con còn nhỏ, mạ lo Tết từ giữa năm, tháng này sắm áo quần mới cho đứa lớn, tháng sau sẽ đến đứa thứ hai; đầu tháng chạp thì lo bánh mứt, nửa tháng chạp thì chuẩn bị thức ăn ngày Tết, bánh tét bánh chưng, thịt ngâm nước mắm, dưa món dưa hành dưa kiệu….và trăm thứ linh tinh khác phải đắn đo cân nhắc như đi Tết những ai, chuẩn bị bao nhiêu bao lì xì ….Quả thật Tết đem lại quá nhiều bận rộn cho một bà nội trợ đảm đang như mạ. Vậy mà đã hàng chục năm qua, mạ đã chu toàn xuất sắc nhiệm vụ tưởng như bất khả thi đó không một lời thở than, không ai hay biết. Hơn nữa, chị em Bình vẫn còn nhỏ, chỉ biết mong chờ Tết – những ngày thú vị nhất trong năm. Tự trong tiếng “Tết” đã có niềm vui, không cần mượn chi những trang trí màu mè trên đường phố. Tết trong hoài niệm của Bình là màu nắng trong trẻo và nhẹ như tơ vàng, buổi sáng đi học phải khoác thêm cái áo len mỏng, khí trời hanh khô khiến môi má chị Hương Ngự , chị Hương An ửng hồng thiệt dễ thương. Tết là được lẩn quẩn bên mẹ thèm thuồng ngắm nghía những chảo mứt thơm ngào ngạt, mứt dừa trắng ngần thoang thoảng mùi sữa em bé, mứt thơm vàng óng, chua chua ngọt ngọt, mứt quất tròn căng và óng ả như trái cầu trên cây thông Giáng Sinh, mứt gừng vừa ngọt vừa cay. Tết là được ăn vụng những lát mứt còn nóng hổi lập cập chia nhau ở góc vườn, là giúp chị Hương Ngự thủ tiêu những chiếc bánh lưỡi mèo mà chẳng may thành lưỡi cuốc, bông dừa hóa bông đá. Tết là rộn ràng xum xoe áo mới, là nôn nao chờ đợi từ sáng tới chiều để được ba dẫn đi coi ciné chiều ba mươi Tết. Nào là chụp hình, đốt pháo, đếm những phong bao đỏ mừng tuổi, được ăn thả cửa bất cứ thứ gì và nhất là không bị la rầy gì cả. Có một cái Tết, bọn trẻ nít hàng xóm tới nhà chơi, rủ chị em Bình đánh bài “xì lát” nhằm lúc ba ở nhà, ba tự nguyện làm nhà cái. Nhà con hơn chục đứa xúm xít ngồi quay tròn, cố tình chen chúc sát nhau để dễ…tráo bài. Nhưng đâu có qua mắt được ba. Ba nạt “ Nì….ngồi cách nhau một bàn tay, đứa mô ngồi sát nhau quá, bác không chia bài”. Tụi nhỏ líu ríu nhìn nhau và xê qua một chút. Ai cũng từ thua tới thua, vì cầm bài mà đếm lấm nhẩm, ngó lên trời ngẫm nghĩ rồi tiu nghỉu bỏ bài xuống thì dày dạn kinh nghiệm trận mạc như ba, không khui cũng đã biết tỏng số thành của phép tính cọng đó rồi. Mỗi lần được xì lát hay xì bàn, ba không mở bài mà giả bộ như sẩy tay làm rớt bài cho tụi nhỏ thấy. Độ vài ba lần rớt bài như thế thì xấp tiền ở chỗ ba vun dần lên, ba tuyên bố “ tan sòng”. Tụi nhỏ nhao nhao nài nỉ “ Chơi thêm chút nữa đi bác!”, “ Bác cho con gỡ, con thua hết tiền lì xì rồi!”. Ba nghiêm giọng “ Ngồi yên cho thứ tự coi nà”. Ba điềm tĩnh đếm tiền, xong, quay ra hỏi từng đứa một “ Thua mấy?”. Đứa đầu tiên được (hay bị?) trả lại tiền tưởng may mà lại xui, vì chưa kịp nghĩ ra sáng kiến “ trừ hao”, tăng thêm một chút số tiền đã chui vào tụ bài của ba. Kết quả là còn hai ba đứa nữa đang chờ “hoàn vốn” mà ba đã “trắng tay”. Ba giả bộ vỗ trán “Chà, mình ăn đâu có nhiều, mà họ thua lắm rứa hè. Để tính lại coi, đưa hết tiền đây cho bác tính…”. Lũ nhỏ mắt trước mắt sau dợm chân định chạy, Ba trợn mắt dậm dọa bọn trẻ “ Tập làm tính cọng thôi nghe mấy đứa, không được đánh bài ăn tiền thiệt, thua sạch túi mà không ai cho lại mô, cảnh sát thấy là họ bắt bỏ tù đó.”. Quay qua chị em Bình, ba nghiêm giọng “ Tết nhất chơi cho vui trong nhà thôi, ba biết đứa mô cầm bài chơi ăn tiền, ba khẻ gãy tay”. Nghe tụi em nhỏ to chuyện đánh bài ăn gian, chị Hương Ngự bĩu môi “ Người xưa quả thật khôn ngoan và uyên thâm, trong gia phả của cờ bạc có ghi là cờ bạc ngoài vai bác thằng bần, còn là anh em sinh đôi với gian lận, tụi bây có nghe người ta nói không, cờ gian bạc lận!”. Anh Thành chọc chị “ Mấy người học dở toán thường không biết đánh bài nên mới nói rứa! Đánh bài là luyện tập trí tuệ”. Chị không thèm cãi, hất mặt thách “ Ờ, có giỏi thì luyện tập đi, chị méc ba cho coi”. Tất nhiên không ai dám mượn bài bạc để phát triển trí thông minh một khi ba đã răn đe như thế.
Hương Bình nhìn lên bàn thờ, gương mặt ba nghiêm nghị mà hiền từ đang âu yếm nhìn cô. Hương Bình nén nỗi nghẹn ngào, cầm túi xách đến bên tủ lạnh. Cô vừa xếp mấy thẩu dưa món, dưa hành, dưa kiệu trên tủ bếp, vừa nói
“ Con đặt chị bạn làm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”. Mạ khẽ “ừ” , tay cầm đũa nhẹ nhàng xới những lát gừng màu vàng tươi vẫn còn hơi dẻo nhưng đã bắt đầu áo đường lấm tấm, gặp nắng tốt, mứt gừng sẽ có màu vàng hoa lý rất khéo. Mạ hài lòng nhấc chảo mứt xuống, chuẩn bị trải ra mâm đem phơi nắng, lúc đó mới quay sang Bình hỏi :
– Bữa ni mùng mấy mình rồi con, gởi gừng cho hai đứa hắn có kịp Tết không?
Hương Bình ôm vai mạ:
– Mạ yên tâm, bữa ni mới mùng mười tháng chạp, tuần sau con có người bạn về Mỹ, con nhờ họ đem qua rồi gởi bưu điện cho hai chị, chắc chắn là kịp cho hai con gái cưng của mạ nhận quà xuân nhớ mẹ hiền.
Mạ cốc nhẹ lên đầu Bình “ Mạ mi!”. Hương Bình cười hì hì, đưa cho mạ miếng giấy “ Chút nữa chị Hải tới làm, mạ đưa cho chị coi để làm kĩ mấy chỗ này, quét lau chi mà bụi dính đen không thấy. Mạ nói chiều con đi dạy về sẽ ghé qua để xét, thấy còn dơ là không cho tiền lì xì Tết”. Mạ phất tay “ Thôi con, hắn làm rứa là sạch hơn mạ rồi, đừng bắt ne bắt nét nữa. Thời buổi chừ kiếm người giúp mình mô phải dễ. Hắn còn phải chạy “sô” kiếm tiền tiêu Tết mà”.
Hương Bình cầm mũ, găng tay, khẩu trang đi ra cửa , giọng kiên quyết:
– Mạ dễ dãi quá họ không sợ. Mạ lục đục dưới bếp đâu có biết chỉ cứ lén vô phòng bật máy lạnh ngủ khò mấy giấc rồi mới dậy làm việc, quẹt vài ba cái rồi biến. Mạ phải canh đúng giờ mới cho về nghe, chơ không phải còn mười lăm phút mới hết giờ mà cứ hối thôi đi về kẻo trễ giờ làm nhà họ. Mạ đừng có từ bi bác ái với mấy người làm biếng, làm “Osin” chớ họ giàu gấp chục mấy lần nhà mình.
Đang nói găng, Hương Bình bỗng hạ giọng khi nói đến chữ “Osin” vì mạ không thích “ tên người tự nhiên biến thành tên nghề!”. Mạ “ ừ” thiệt to để Hương Bình yên tâm, nhưng cô biết chắc chiều nay, nếu cô trở lại, những chỗ đó vẫn không sạch cho lắm.
Hôm sau, mạ nhập viện.
Nghe anh Thành báo tin, Hương Bình nhờ người dạy thay, vội vàng chạy tới bệnh viện. Thấy Bình hớt hải chạy vô phòng, lắp bắp không thành tiếng, mạ còn la “Con ni chuyện chi cũng thất hồn, mạ có bị chi mô nờ”. Thì ra, mạ thấy chóng mặt, giấu các con, một mình tới bệnh viện gần nhà khám, vừa bước xuống xe thì ngất xỉu được đưa vô phòng cấp cứu. Khi tỉnh, mạ cho bác sĩ số điện thoại của anh Nha anh Thành, bác sĩ kết luận sức khỏe của mạ tạm ổn, chóng mặt là do phản ứng phụ của thuốc cảm mạ tự mua uống, còn ngất xỉu là vì bụng đói .
Tối, Hương Bình gọi cho chị Hương Ngự trước. Vừa nghe “ bệnh viện”, giọng chị đã ướt sũng:
Răng mạ bị xỉu? Răng mạ lại đi một mình? Bác sĩ họ đã kiểm tra kĩ chưa mà cho mạ về?
Rồi chị cao giọng:
– Đừng cho mạ làm mứt nấu ăn chi nữa, bên ni có tết nhứt chi mô mà gởi. Mạ già rồi. Mấy em phải coi chừng mạ, mạ hay giấu bệnh , khi mô cũng nói không chi. Em có nhớ hồi mạ bị mắt cườm không? Mạ giấu tới mười năm trời. chị không biết tại sao mạ có thể chịu đựng hai con mắt mờ trong chừng đó năm, vẫn đi chợ nấu nướng đàng hoàng tươm tất. Mạ thiệt tội!
Mấy tiếng cuối chìm trong tiếng thút thít. Hương Bình vội vàng trấn an:
Mạ không sao, bác sĩ khám kĩ rồi, nói huyết áp mạ ổn định, chị đừng lo.
Cô dè dặt hỏi:
Chị có tính về không? Mua vé còn kịp không?
Chị không xin được phép mô, vừa nghỉ Đông, đi làm lại mới được một tuần. Mừng sinh nhật mạ nhớ mở Skype, thì cũng như chị có mặt vậy. Để hè rồi chị về, cả nhà sum họp là Tết rồi.
Hương Bình gọi cho chị Hương An.
Giọng chị tỉnh như không, nhưng Hương Bình biết bụng chị rất lo:
– Quan trọng là bác sĩ nói chi? Mạ chỉ bị phản ứng phụ của thuốc hả? Thôi không sao, Em coi chừng mạ đó, đừng cho mạ nấu nướng chi cả, biểu thằng Hòa tập ăn cơm bụi cho quen.
Hương Bình tỉ tê:
Anh Nha , anh Thành dự định tổ chức mừng sinh nhật mạ ngày mồng một Tết, mạ 80 tuổi tây, 82 tuổi ta rồi, mạ vô bệnh viện tự nhiên em lo lo. Chị Hương Ngự khóc quá chừng, em phải dỗ đó. Chị có tính về ăn Tết không?
Chị Hương An cười phá lên:
– Lại con tuổi tây với tuổi ta, em cứ ưng tăng tuổi của mạ lên làm chi rứa. Mạ sinh tháng 2 thì tháng 2 mạ được 80, chớ tính làm răng mà ra 82. Chị mới về năm ngoái, hết phép rồi, phải để dành sang năm mới đủ một tháng. Về hai tuần thì uổng công, uổng tiền vé. Chị Hương Ngự mít ướt giống mạ, khỏi bàn. Mạ không sao đâu, khi mô mừng sinh nhật mạ, mở Skype là chị cũng như có mặt rồi.
Nói chuyện với hai chị xong, bỗng nhiên, Hương Bình cảm thấy cô đơn lạ lùng. Từ khi hai chị đi xa, Hương Bình trở
thành con gái một, một mình chăm sóc mạ và quán xuyến công việc nhà của mạ. Tính Bình chu đáo nên hai anh và hai em trai của Bình yên tâm lắm. Ngược lại, Bình luôn lo lắng, thấp thỏm lo sợ không yên, sợ mạ bệnh, sợ mạ mệt, nhà mạ không ai lau dọn….. Mấy người con trai trong nhà đặt cho Hương Bình là nick name là “Sáu lo”. Mỗi lần gặp Hương Bình, Khánh – em kế – thường vỗ vai cô nửa thật nửa đùa “ Bớt đa đoan đi, chị Sáu!”. Giá như có hai chị, thế nào hai chị cũng bênh Hương Bình, chắc chắn chị Hương Ngự sẽ “lên lớp” (nói theo cách thời nay) hay nói theo kiểu của mạ là “giảng moral” cho mấy ông con trai một trận cho chừa tính ỷ đông ăn hiếp ít. Mỗi lần về thăm nhà, chị Hương Ngự và Hương An đều vẽ ra nhiều dự tính, rằng mấy anh chị em sẽ về Nhatrang, mua một mảnh đất rộng cùng nhau xây nhà, làm thành một gia trang, bước vài bước là gặp được nhau. Mạ nghe mấy chị em bàn tính như vậy thì vui lắm, thỉnh thoảng lại hỏi Bình “ Có thiệt hai đứa hắn muốn về đây ở luôn không?”. Mạ nói thêm “ Bên nớ chắc cực lắm nên hai đứa hắn đen mà xấu hơn hồi còn ở nhà”. Nhớ lần đầu chị Hương Ngự về, má đã chê chị không nể nang. Chị cười:
-Mạ coi phim có thấy anh cao bồi mô mà nước da trắng như trứng gà bóc không? Ngay cả mỹ nhân cao bồi, ai trắng cũng phải đi tốn tiền tắm nắng để có làn da nâu như….con đây…hì…hì.
Tuy vậy, trong những email viết cho Hương Bình, chị không thể giấu nỗi đau đáu nhớ thương, nỗi buồn ly hương não nuột.
Mùa lễ lạc đã qua thì năm mới cũng như năm cũ khiến người ta nghĩ rằng cuộc sống không một chút thay đổi. Ở xứ này chỉ thấy nỗi buồn của ngày tháng. Trước nhà chị có một cây , chị không biết tên gì, nhưng chị gọi nó là cây Thời gian. Bây giờ thì nó đang giơ những cánh tay gầy guộc khẳng khiu, vài tháng nữa thì cành lá xanh tốt rất nhanh, vài tháng sau nữa thì ủ rũ vàng úa, và đó là lúc chị biết mình tàn thêm một năm nữa…Không biết khi nào chị mới được về nhà ăn Tết, mạ thì mỗi ngày mỗi yếu….
Đêm ba mươi, sau một ngày hối hả lau chùi, trang hoàng nhà cửa đón năm mới, Hương Bình mệt mỏi nói với Tường :
Em nằm một chút, khi nào có bắn pháo bông thì kêu em nhen.
Có tiếng nhạc chuông ngân nga “ Tôi đi tìm lại một mùa xuân”, à… nhạc chuông điện thoại di động của mạ, Hương Bình mở điện thoại cầm tay, nghe giọng mạ vui vẻ cuống quýt:
Hai đứa hắn về cùng một lần nì, con có qua mạ được không?
Chao ơi, niềm vui bất ngờ bung nở như pháo hoa, khiến Hương Bình như choáng váng, cô hấp tấp:
Dạ, con qua liền.
Hương Bình tắt máy rồi mà lạ ghê, chuông vẫn reo inh ỏi. Giật mình choàng tỉnh,thì ra điện thoại nhà đang reng, Hương Bình vẫn còn nằm ôm gối, cô đã ngủ thiếp lúc nào không biết và trải qua một giấc mơ như thật. Nhấc điện thoại, cô nghe giọng mạ buồn buồn:
-Mạ đây, con đang ngủ hử? Mạ mới chợp mắt, thấy hai đứa về nhà ăn Tết, mừng quá, giật mình thức dậy thì ra mạ nằm chộ, buồn quá, gọi cho con rứa thôi. Thôi con ngủ đi, mạ với thằng Út đón Giao Thừa, sáng mai qua mạ sớm hí.
Hương Bình thẫn thờ “Dạ”, không kể cho mạ nghe giấc mơ trùng hợp đó và gác máy. Có tiếng đì đụp bên ngoài, Tường vội vã bước vào phòng gọi “ Em ơi, ra coi pháo bông”. Hương Bình theo chồng bước ra lan can, ngắm những chùm hoa sáng rực trên bầu trời đen thẳm. Cô thầm cầu nguyện mạ còn khỏe mãi, để mỗi cuối năm vẫn hì hụi làm mứt Tết, rồi gọi điện cho hai đứa con gái xa hỏi: “ Năm ni con có về ăn Tết không?”, và khi gác máy thì đôi mắt lấp lánh một niềm vui sum họp.

ĐOÀN THỊ LỆ THANH

9 thoughts on “TẾT NI CON CÓ VỀ KHÔNG?

  1. WHWH nói:

    Câu chuyện gia đình bình thường xoay quanh một bà mẹ Huế mà giọng kể chuyện lôi cuốn người đọc chi lạ…!

  2. Lệ Thanh nói:

    Bất ngờ nghen Dung, vì sớm hơn dự tính. Cám ơn bạn hiền.

  3. Trần thị Trúc Hạ nói:

    Bây giờ thì em hiểu vì sao khi đọc ” Nước mắt chảy xuống” chị đã đồng cảm với em.

    • Lệ Thanh nói:

      Phải đó Trúc Hạ ơi, những câu chuyện về tình mẹ con luôn khiến chúng mình rưng rưng…

  4. Nguyên Vi nói:

    Mong gia đình chị sẽ sớm có một mùa xuân sum họp đủ đầy, đông vui! Thân ái.

  5. Rặt ri giọng Huế.

Comment