ĐÊM LƯU XỨ

Đêm khói tỏa, đêm trầm hương mê hoặc
Đêm tàn canh qua vội rất vô tình
Con dế nhỏ gọi hoài âm thưa, nhặt
Cũng như người thao thức với đêm thanh.

Bờ huyễn ngạn còn vang lời hư ảo
Đưa tôi về nồng ấm những khuya mưa
Và hoài niệm vẫn xanh màu phương thảo
Màu chiêm bao lẫn khuất bụi xa mờ.

Đêm lưu xứ nghẹn ngào men rượu đắng
Từng giọt buồn như lệ buốt thiên thu
Nghiêng ly cạn đợi một giờ Nguyên Đán
Vàng son xưa phai nhạt tự bao giờ…

Tôn Nữ Thu Dung

Advertisement

NHỮNG BÀI NGUYÊN ĐÁN


Nguyên Đán 1

Mùa Xuân ngại ngùng lối nhỏ
Khẽ thôi, vạt nắng lưng đồi
Cánh bướm chao vờn trước ngõ
Mơ hồ nhặt sợi tình rơi.

Mùa Xuân đi ngang vườn cỏ
Lỡ tay đánh thức hoa vàng
Mùa Xuân dịu dàng thổ lộ:
Em là ngọn gió lang thang

Mùa Xuân vẽ thêm quầng mắt
Nâu nâu màu sữa cà phê
Mùa Xuân tô hồng môi nhạt
Thơm như giọt nắng rơi về.

Mùa Xuân cầm tay nói khẽ:
Đừng quên lời đã hẹn thề
Sương -hay là mưa- như lệ
Ngàn sau buốt lạnh sơn khê…

Nguyên Đán 2

Ai rải tơ vàng trong nắng rơi
Mùa xuân hong tóc ở trên đồi
Một màu cỏ biếc thơm nguyên đán
Những hạt hoàng hoa…
lấp lánh trôi.

Ai gởi mây ngàn xanh ngắt bay
Tầm xuân hé nụ ở phương này
Có thoáng mịt mờ trong ký ức
Một trời thương nhớ khói sương say.

Ai thả giọt đàn theo gió lay
Ngũ cung lạnh tựa nét cau mày
Tôi nhặt nỗi buồn rơi trên cỏ
Và đếm giùm ai tiếng thở dài.

Ai nhón chân về trong chiêm bao
Hồn xuân lãng đãng cuối phương nào
Ai lỡ trăm năm lời hẹn cũ
Về đứng bên đời…tan tác đau…

Nguyên Đán 3

Em buộc mây trời trong vạt áo
Đồi xưa xanh mướt cỏ phiêu bồng
Gót sen lướt nhẹ qua triền nắng
Có gió đâu mà tôi bâng khuâng

Em níu hồn nhiên vầng nhật nguyệt
Đừng buông tay nhé nhỡ khuya rằm
Có vì sao lạc trong đôi mắt
Tôi biết làm sao khỏi nhớ nhung

Em xa như thể tinh cầu lạ
Tiếng cười những hạt thủy tinh rơi
Long lanh sương vỡ đêm về muộn
Lạnh quá hiên xưa vắng một người…

Nguyên Đán 4

Một chút tơ vàng trên lối mưa
Ngón tay hờ hững phím cung đùa
Có thả xuống hồn âm điệu cũ
Lãng đãng như thời hương rất xưa

Em giấu hồn nhiên trong khóe xuân
Vô tình rơi lạc những bâng khuâng
Có phải đêm vừa qua rất nhẹ
Để lại vườn tôi một đóa hồng

Em giấu tình tôi trong ngón tay
Mỗi lần buông xuống mỗi lần say
Thời gian như thể là mây khói
Em xóa giùm tôi những đắng cay…

Tôn Nữ Thu Dung

ĐÊM NGUYỆT QUẾ

Đêm Nguyệt Quế sương hay là nước mắt
Bờ cỏ xanh hoài nhớ dấu chân ai
Con dế nhỏ vì sao mà thổn thức
Giọt long lanh rơi vỡ suốt khuya dài

Khung cửa sổ ngọn đèn vàng hiu hắt
Bài du ca muôn thuở gió ru buồn
Bàn tay lạnh che ngang vầng trăng muộn
Nghe nghẹn ngào lời vọng thức mưa tuôn

Bầy dơi xám bay qua vườn lặng lẽ
Cánh rã rời tiễn biệt dấu chân đêm
Từ ký ức- suốt đời- hương Nguyệt Quế
Và một người, tôi không chắc, đã quên

Đêm Nguyệt Quế
dịu dàng
đêm Nguyệt Quế
Đêm cuối cùng rồi từ đó xa xăm…

Tôn Nữ Thu Dung

QUỲNH THÁNG CHẠP

Bất ngờ đêm tháng chạp
Đóa quỳnh hương trở mình
Hé nụ cười bạch lạp
Tặng một người… đã quên

Chỉ còn mình quỳnh thức
Khuya có thơm trăng rằm
Một vì sao chớp mắt
Sương ngậm buồn trăm năm

Mặt hồ xưa sóng vỗ
Lời thiên thu ân cần
Tiếng dương cầm rạn vỡ
Rơi nát từng thanh âm


Chỉ còn mình quỳnh thức
Thức… ru người ngủ yên.

Tôn Nữ Thu Dung

MƯỜI NĂM

Mười năm hoa trắng rơi vườn cũ
Tôi nhặt mùi hương thảng thốt- buồn
Mười năm áo lụa về qua ngõ
Biền biệt mùa thu ngơ ngác- vương

Mười năm chấp chới hồn mây tím
Lặng lẽ tàn đêm dáng nguyệt rằm
Mười năm con sóng xô cuồng nghiệt
Trôi dạt tình tôi tận cuối sông

Mười năm em có còn mắt biếc
Môi có còn thơm một chút trăng
Mười năm em nói lời ly biệt
Tôi vẫn hoài đau một vết thương
Mười năm tôi níu tàn phai- tiếc
Nghe gió về quanh lạnh chỗ nằm…

Tôn Nữ Thu Dung

VẾT THƯƠNG

1.
Bản Giao Hưởng về Máu, Xương, Sinh, Tử
Vẫn lang thang cuối biển rộng sông dài
Những hồn oan ngàn năm chưa yên ngủ
Bỗng trở về theo lời gọi chân mây.

2.
Và ảo vọng trượt dài trên sân diễn
Dàn Đồng Ca cúi mặt… hổ ngươi thầm
Tiếng Trumpet cứa ngang miền quá khứ
Những tượng đài chìm khuất cuối hoàng hôn.

3.
Đem thị phi treo trên đầu ngọn bút
Cuồng vọng lấm lem bôi xóa tâm hồn
Khi nhìn lại thấy cuộc đời bất ổn
Và hành trình đâu đó… rất cô đơn

4.
Thời chúng ta, khó mở lòng trắc ẩn
Mỗi con người tự ôm ấp vết thương
Lúc thấm mệt ngã bên trời… khắc khoải
Tan tác buồn, thuở cát bụi tha phương.

5.
Khi tàn cuộc những thanh âm bất lực
Bài Tụng Ca cũng rời rã vô hồn
Chiếc mặt nạ cuối cùng… rơi nước mắt
Tiếng thở dài buốt lạnh cả hư không…

Tôn Nữ Thu Dung

DOANH DOANH NGOẠI TRUYỆN

Trường Giang cuồn cuộn về đâu
Sóng xưa vùi hết anh hào mỹ nhân
Được thua thành bại chẳng cần
Thiên thu còn lại chỉ ngần này thôi
( Tư Mã Doanh Doanh)

Tôi, người chấp bút, phải nói đôi điều về Tư Mã Doanh Doanh:
Cô là cháu nhiều đời của nhà sử học Tư Mã Thiên ( dĩ nhiên trước khi bị cung hình, sử gia Tư Mã Thiên đã có con trai nối dõi), có tội với triều đình nên dòng họ này phải lưu lạc vong thân, thay tên đổi họ.
Tư Mã Doanh Doanh, mấy ngàn năm sau, thương cảm cho những nguồn lịch sử bị vo tròn bóp méo, cô ngồi vào bàn phím, gõ gõ hằng đêm, thức cùng cô là con cú mèo lim dim trên ngạch cửa, những khi xao lòng hay mệt mõi, cô nhìn vào bạn mình và tìm kiếm ở nó sự kiên nhẫn và khôn ngoan cần thiết, nó gật gù nhìn cô, mỉm cười xoa dịu: Cố lên nào , bạn ta. Cuộc đời ấy, có bao lâu để đợi chờ…
Nên, những điều cô viết có thể là chính sử hoặc chỉ là ngoại truyện, tâm niệm của cô là làm giảm nhẹ mọi uẩn khúc, mọi tranh chấp, mọi hoài nghi… để lịch sử mãi mãi là một giòng trôi của định mệnh, mà ta tìm ở đó- ngàn năm sau- một tiếng thở dài!

VÀO TRUYỆN:

Năm này, tháng nọ, ngày kia.
Thời Nam Bắc giao tranh, Ngô Quốc Sư là thầy dạy của mấy chục ngàn môn sinh đệ tử và được toàn thể học trò yêu kính, thuở ấy tuy ngài danh tiếng lẫy lừng nhưng có một điểm nhượt trầm trọng là quá khôi ngô lồng lộng nên dù có 5 lần 3 lượt nộp đơn xin dạy ở một trường Dòng dành cho nữ sinh đã bị ban giám hiệu gồm các nữ tu Dòng Notre Dame rất tiếc mà phải e ngại lắc đầu.(Đó chỉ là ngoại truyện chứ thật sự các Soeurs đã mấy lần tam cố thảo lư để thỉnh cho được Quốc Sư về khai tâm mở trí cho bọn đệ tử của mình)
Quốc Sư, rất khiêm tốn không bao giờ chịu tôn mình là Quốc Sư như nhân gian truyền đạt mà chỉ nhã nhặn xưng mình là Quốc Sĩ, nội điều đó đã nói lên cái tâm của một vị thầy – tâm sáng như gương, lòng khiêm cung như nước!
Ở đâu không biết, chứ ở ngôi trường Notre Dame De… Nha Trang thì mỗi giờ dạy của Quốc Sư, ngoài tiếng giảng bài trầm hùng bi thống chỉ có nghe thêm những tiếng rơi khe khẽ của những chiếc lá bàng khô. Yên tĩnh tuyệt đối đến độ ngoài sân bọn Bồ Câu cũng nhỏ nhẹ nghiến những hạt thóc, rón rén bước trên cỏ không dám gây tiếng động… ngoại trừ tiếng tằng hắng của Soeur Hiệu Trưởng khi bất chợt đi tuần qua qua lại lại bắt gặp quả tang một cô học trò nào đó đang mộng ngoài cửa lớp!
Dù Quốc Sư thông đạt thiên kinh vạn quyển nhưng vẫn dễ dàng đỏ mặt khi những cô học trò ngoan ngoãn khoanh tay dạ thưa thầy, con…( này kia khác nọ…)
Để tránh tình trạng nguy cơ vòng tay học trò, Soeur luôn bắt đệ tử xưng con với các thầy dù vẫn cho phép xưng em với các cô
Năm ấy, Quốc Sư tuổi trẻ tài cao, chừng hăm mấy tuổi đời thôi mà học trò thì có đứa đã mười tám tuổi… Nhưng trái tim Quốc Sư đã rơi vào chốn khác.
Cũng năm ấy, Tiểu Siêu( không phải Tiểu Yêu) 17 tuổi. Mặc dầu học ban B nhưng cô khá là văn hay chữ tốt, có bài vở đăng đều đều trong các tờ báo thiếu nhi và được xuất bản hẵn một cuốn truyện nhi đồng!
Tiểu Siêu hay theo dõi các tình hình diễn biến văn nghệ văn gừng liên quan đến các văn nhân thi sĩ toàn địa phương, toàn quốc lẫn toàn thế giới.
Một buổi sáng mây mù âm u khắp chốn,cô hớt hơ hớt hải đến lớp thông báo một tin quan trọng ngang ngửa với tin cô sẽ dẫn cả lớp đi ra biển ăn gỏi bò khô đu đủ và uống nước dừa khi nào nhà xuất bản Tuổi Hoa trả tiền nhuận bút tác phẩm đầu tay của cô ( Uổng thật, đến gần tháng 4/75, khi cả lớp tan tác lìa nhau rồi cô mới nhận được số tiền lớn kinh khủng này- đối với cô- nên lời hẹn bất thành)
– Nghe nè, nghe nè:
em mang mùa thu vào lớp học
phấn trắng ngỡ ngàng trên tay anh
mây trời bỗng hạ xuống thật thấp
chữ nghĩa vỗ cánh bay rất nhanh…

Cả lớp xôn xao, Tiểu Siêu đưa ra tờ tạp chí Nha Trang Nghĩa Thục có in bài thơ trên, cả lớp xúm coi và Tiểu Siêu nghe nhiều tiếng thở dài
– Thầy viết cho ai vậy Tiểu Siêu?
– cho Tiểu Long Nữ đó!
– Tiểu Long Nữ đẹp quá hèn chi…
Tiểu Siêu duyệt bài thơ của Quốc Sư, duyệt thêm Tiểu Long Nữ dù chẳng ai cần cô phê duyệt!

Sau biến cố 4/75, Quốc Sư cùng nhiều đệ tử ra đi tìm đường cứu nhân độ thế… Tiểu Siêu gặp lại Thầy ở một nơi bình yên chim hót, thung lũng hoa vàng mấy độ. Thầy, với micro cầm tay, head phone đeo tai, hùng hồn biện thuyết vào mỗi chiều thứ ba, năm, bảy cho chương trình radio Tiếng Nước Tôi
Quốc Sư,vẫn phong độ như thuở nào dù đã là ông nội.
Tiểu Siêu , vẫn là cô học trò nghịch ngợm dù đã là bà ngoại, vẫn luôn luôn lễ phép kính trọng Thầy. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư… huống chi Quốc Sư đã dạy dỗ Tiểu Siêu từ triết đông tới triết tây lẫn một phong cách sống thật khiêm cung mà cũng thật ngấm ngầm kiêu hãnh. Phong cách sống của các bậc hiền nhân quân tử mà Tiểu Siêu dù cố gắng cách mấy cũng chỉ được chưa tới nửa phần…


Thầy và các học trò Thánh Tâm ở Nam CALI

Năm này, Tháng nọ, Ngày Kia.
Có một chàng chiến binh thi sĩ, chán cảnh chiến tranh, chàng bèn làm thơ phản chiến:

Dăm thằng đánh trận. Dăm thằng chết
Chỉ sót mình ta cứ sống nhăn
Đù má nhiều khi buồn hết biết
Lo mãi sau này cụt mất chân

(Còn tiếp)

LỄ TƯỞNG NIỆM (Thông báo này thay thư mời)

Năm nay, lễ tưởng niệm nhà văn NGUYỄN TRƯỜNG SƠN (1918-2015) của GIA ĐÌNH TUỔI HOA được tổ chức muộn hơn một chút. Buổi lễ lần này được mở rộng để tưởng niệm cả những cây bút Tuổi Hoa đã khuất bóng, như các tác giả MINH QUÂN, TRINH CHÍ, ĐỖ TƯ LONG (Trần Miên Trường), VŨ CHINH v.v…, và mới đây nhất là HOÀNG ĐĂNG CẤP.
Ngoài ra, trong buổi lễ này chúng ta cũng tưởng nhớ đến: Ông NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG – chủ nhà sách KHAI TRÍ, đồng thời là CHỦ NHIỆM tuần báo THIẾU NHI. Ông NGUYỄN VỸ – CHỦ NHIỆM tuần báo THẰNG BỜM. Nhà văn DUYÊN ANH (Vũ Mộng Long) – chủ nhiệm tuần báo TUỔI NGỌC và một số vị có công trong việc gây dựng phong trào sách báo thiếu nhi – thiếu niên miền Nam Việt Nam trước 1975.

@ THỜI GIAN:
Khai mạc lúc 5:00 PM (5 giờ chiều) thứ Bảy ngày 23 tháng 6 năm 2018

@ ĐỊA ĐIỂM:
Hội trường Hội Việt Nam Tương Tế (sức chứa từ 70 đến 100 người)
Số 7621 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683,

@ CHƯƠNG TRÌNH:
1- Khai mạc
2- Niệm hương
3- Trao đổi, chia sẻ (có thể hát, đọc thơ, kể lại kỷ niệm, chia sẻ cảm xúc, v.v…)
4- Dùng bữa ăn nhẹ.

Thân mời các bạn tham dự (nếu có điều kiện) và có thể mời thân hữu cùng tham dự. Xin báo trước số người để BAN TỔ CHỨC thuận tiện trong việc sắp xếp chỗ ngồi.

Mọi liên lạc xin gửi về e-mail: tuongtri@yahoo.com (chỉ cần cho biết tên người tham dự chính và tổng số người tham gia). Hạn chót là ngày 20 tháng 6 năm 2018.

Rất mong được gặp gỡ các anh chị và các bạn.

* Lễ tưởng niệm tại Việt Nam sẽ được tổ chức sau

SỬ KÝ CỦA TƯ MÃ DOANH DOANH.

Trường Giang cuồn cuộn về đâu
Sóng xưa vùi hết anh hào mỹ nhân
Được thua thành bại chẳng cần
Thiên thu còn lại chỉ ngần này thôi

( Tư Mã Doanh Doanh)

Tôi, người chấp bút, phải nói đôi điều về Tư Mã Doanh Doanh:
Cô là cháu nhiều đời của nhà sử học Tư Mã Thiên ( dĩ nhiên trước khi bị cung hình, sử gia Tư Mã Thiên đã có con trai nối dõi), có tội với triều đình nên dòng họ này phải lưu lạc vong thân, thay tên đổi họ.
Tư Mã Doanh Doanh, mấy ngàn năm sau, thương cảm cho những nguồn lịch sử bị vo tròn bóp méo, cô ngồi vào bàn phím, gõ gõ hằng đêm, thức cùng cô là con cú mèo lim dim trên ngạch cửa, những khi xao lòng hay mệt mõi, cô nhìn vào bạn mình và tìm kiếm ở nó sự kiên nhẫn và khôn ngoan cần thiết, nó gật gù nhìn cô, mỉm cười xoa dịu: Cố lên nào , bạn ta. Cuộc đời ấy, có bao lâu để đợi chờ…
Nên, những điều cô viết có thể là chính sử hoặc chỉ là ngoại truyện, tâm niệm của cô là làm giảm nhẹ mọi uẩn khúc, mọi tranh chấp, mọi hoài nghi… để lịch sử mãi mãi là một giòng trôi của định mệnh, mà ta tìm ở đó- ngàn năm sau- một tiếng thở dài!

VÀO TRUYỆN:

( kỳ sau tiếp)

Tôn Nữ Thu Dung

TỰ TÌNH VỚI BIỂN

 

Người chẳng bao giờ hiểu được
Vì sao biển mãi thở dài
Hồn tôi ngàn con sóng vượt
Xôn xao bờ cát sớm mai.

Người chẳng bao giờ trở lại
Sân trường cỏ úa bâng khuâng
Chiều nay rơi vài cánh phượng
Mờ phai xóa dấu chân buồn.

Người nhắc tôi về chốn cũ
Tiếng sóng âm u thở dài
Vầng trăng nghẹn ngào nguyệt tận
Nghe mùa cổ tích tàn phai.

Góc phố sương nhòa tan, hợp
Đêm đêm biển hát u hoài
Những vì sao buồn mắt chớp
Hồn hoa thổn thức mây bay.

Và tôi suốt đời chẳng lẽ
Làm con còng gió cô đơn
Mãi mê se từng hạt cát
Gởi người như những vết thương.

Và tôi suốt đời chẳng lẽ
Làm con ốc nhỏ chơi rong
Mà ôm trong lòng tiếng sóng
Ôm trong lòng cả đại dương…

Ton-Nu Thu-Dung