đêm

 

Ngoài hiên Hồ Ly bước khẽ
Nghẹn ngào giọt nến lung linh
Trang sách thở dài rất nhẹ
Thư sinh rơi bút… giật mình

Từ đó đêm thành cổ tích
Thơ đề trên vạt áo xanh
Thời gian phai nhòa ảo ảnh
Mơ hồ sương khói mong manh

Từ đó đôi bờ huyễn ngạn
Chỉ là một chạm hoang mang
Ngàn xưa… ngàn sau phiêu dạt
Chỉ là một bước lang thang…

Tôn Nữ Thu Dung

Advertisement

NHỮNG CON MA DỄ THƯƠNG.

 

 

Tôi có duyên nợ với những con ma, năm 20 tuổi, tôi về dạy học ở một thị trấn ven đường, hoang sơ , vắng lặng… Trường nằm bên Quốc lộ 1, thời chiến tranh, nơi này đã hứng chịu những tàn phá khốc liệt của đạn bom, là nơi mà ban ngày Cộng Hòa, ban đêm Cộng Sản… Phụ huynh thấy cô giáo nhỏ xíu, ốm yếu thì thương, nói:”Cô về nhà tôi ở, cái bàn viết mà trường phân cho cô ngồi soạn bài, chấm bài là chỗ mấy ổng đâm nhau bằng lưỡi lê chết gục ở trển, máu me tùm lum mà cô không để ý!” Quả thật, những vết máu khô nâu nhòe nhoẹt được học trò cạo tới cạo lui bằng mảnh chai vẫn còn nhòa nhòa trên mặt. Mỗi lần ngồi làm việc ở đó, tôi trải lên một tờ giấy báo để che đi .

(Tôi không sợ ma kể từ ngày Cà Rốt chết. Cà Rốt là bạn hàng xóm thân thiết nhất của tôi từ thời thơ ấu cho đến lúc nó vĩnh biệt trần gian… Nó chết lãng nhách vì một trái bom thả rơi vô tội vạ vào trung tâm khu cư xá công chức. Một thành phố thanh bình yên ổn nhất chưa hề nghe tiếng đạn bom trong suốt cuộc chiến tranh lại phải hứng chịu một trận mưa bom tan tác vào những ngày chấm dứt cuộc chiến. Tôi vĩnh biệt Cà Rốt cũng là vĩnh biệt tuổi thơ tôi!)
Những buổi chiều cuối tuần buồn rợn, từ cửa sổ của phòng nhìn về phía con đường nhỏ dẫn ra sau trường là một rừng xương rồng và một bãi tha ma hoang vắng. Tất cả giáo viên đã về nhà còn mình tôi ở lại… Tôi không thể chen chân lên những chuyến xe than chạy qua quốc lộ vì quá đông người và hàng hóa… Rất nhiều khi các học trò ban ngày làm du kích, ban đêm đi học bổ túc văn hóa thấy cô giáo đứng lơ ngơ chảy nước mắt khi những chiếc xe lần lượt đi qua không ngừng lại, chỉ để rơi rớt những đốm lửa cháy đỏ trên đường… đã động lòng trắc ẩn, về xã đội lấy súng chặn đường tài xế, gởi cô giáo về Nha Trang.
Những chiều sẩm tối, rừng xương rồng buồn bã một màu hoa đỏ, phụ huynh thường nói những lúc đi qua nhìn thấy cô giáo đăm đắm nhìn về hướng đó:”Nó thấm quá nhiều máu nên hoa màu đỏ rực!”.
Mặt trời chiều nào cũng nuối tiếc rơi xuống những đốm nắng tàn phai… tôi đi về phía ngôi nhà nguyện đổ nát, hoang tàn để được đọc những bài kinh còn nhớ trong tâm trí... Lạy Cha chúng tôi ở trên trời… Kính mừng Maria đầy ơn phước... để cảm thấy mình được an ủi và có thêm chút nghị lực mà sống tiếp… Cứ mỗi lần về ngang con đường mòn này trong chiều chập choạng tôi luôn nghe tiếng :” Chào Cô Giáo” và thấy một người lính trẻ, áo lính bạc màu, mũ bê rê nâu đứng tựa bức tường rêu thấp với nụ cười trêu chọc… tôi nhắm mắt chạy nhanh qua. Thầy Lập nói: ” đó là oan hồn của một người lính trẻ, mới rời quân trường về thăm nhà chưa kịp ra trận đã bị “bên kia” xử bắn ở cái cổng chào này! Cô giáo có duyên lắm mới được nhìn thấy đó!”
Buồn, nhớ 2 câu thơ anh Võ Duy Chung: Như đám tàn quân chiều trận mạc/ Khoác chiến bào che giấu vết thương... Và thầm nghĩ: nếu những con ma đều dễ thương đến vậy thì đâu có gì đáng sợ!
Hơn 6 năm dạy học ở đây, tôi nhiều lần theo phụ huynh học sinh đi vượt biển, Thị trấn nằm giữa, bên biển bên rừng và lớp tôi chủ nhiệm đa số là học sinh vùng biển. Trước mỗi chuyến đi, người lính trẻ đều đến trong giấc ngủ buồn bã hỏi tôi rằng:” Nỡ bỏ tôi đi sao cô giáo?” và như một sợi dây neo chặt tôi vào vùng đất đã trở thành quen thuộc này dù phụ huynh đã dặn dò tôi phải đọc thuộc mấy câu kệ để thoát khỏi vòng âm khí …Tôi trả lời trong mơ:” Yết Đế Yết Đế, Ba La Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha” để linh hồn ấy được siêu sinh tịnh độ.

Năm ấy, Thầy Lập rủ:” Ở lại qua đêm Giao thừa này đi cô Thụy, dự một phiên chợ Âm Dương cho biết với người ta!”
Chợ họp ở chân Dốc Găng, giữa rừng dương liễu, những ngọn đèn bão lững lờ như trôi trong đêm sương, những ngọn đuốc chớp tắt theo gió núi và những đống lửa nhỏ đốt bên đường sưởi ấm… Những bóng người mờ tỏ âm u. Tôi nắm chặt tay Hương Giang vì nó đang sợ muốn khóc thét lên. Thầy Lập hỏi: ” sợ không cô Thụy?” Tôi cười:” Thụy vốn là bạn của những con ma mà!”
Đêm nay là đêm Giao thừa, người sống và người chết trả hết những ân oán mà họ đã gieo gặt cho nhau để không còn nợ nần vương vấn. Tôi chỉ cho thầy Lập và Hương Giang thấy người lính ấy… Tôi không muốn đọc bài kệ cũ nữa. Mặc bạn thôi, nếu bạn không muốn siêu sinh tịnh độ thì cứ ở lại nơi này mà lặng lẽ gởi đến mọi người những nụ cười trêu chọc!
” Cô giáo, đói lòng ăn nửa trái Sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương” và trút vào giỏ tôi một rổ Sim tím thẩm… tay thầy Lập còn lạnh ngắt hơn cả tay Hương Giang nữa .” Cô nói chuyện với ai vậy Thụy?” Rồi kéo cả hai chúng tôi chạy nhanh ra Quốc lộ.

Đó là đêm cuối cùng tôi ở nơi xứ đó, Thị- Trấn- Ven- Đường .Mùng một tết tôi về nhà theo chuyến xe đò sớm nhất và không bao giờ trở lại nơi này vì lớp tôi chủ nhiệm đã vượt biên gần hết trong đêm tôi đi tìm phiên chợ Âm Dương!

Luôn có những con ma theo tôi suốt những chặng đường. Trước khi sinh đứa con gái đầu lòng, trưa nào nằm ngủ tôi cũng nghe tiếng banh thẻ đập đều đều trên sàn gác. Tôi hỏi:”đứa nào chơi ồn vậy con!” Tiếng trẻ con nũng nịu :” con nè cô, con là Tiểu Phượng”. Tôi nhớ, tôi gặp cô bạn thời trung học trong một trại tạm giam ở Phú Yên, cô có bầu 7 tháng và sinh non trong trạm xá. Con bé chết, cô nói trong dòng nước mắt đớn đau uất ức:” Tao đặt tên bé là Trần thị Tạm Giam và gởi trong chùa Núi.Thỉnh thoảng mày về thăm nó giùm tao” Tôi để cô thấm những giọt nước mắt đau buồn trên vai áo mà chẳng biết nói gì… Sau đó cô vượt biên, mất tích để tôi cứ đau đáu chờ hoài tin tức từ một chiếc ghe thất lạc!
Tôi về chùa Núi, xin sư cô đổi tên cho bé. Tôi khấn thầm: ” Bé con, cô yêu thương con vô cùng, cô gọi con là Tiểu Phượng… đóa hoa phượng bé bỏng xinh đẹp cuối mùa hè mà mẹ và cô ép vào trang lưu bút rồi tức tưởi từ bỏ tuổi thơ ngây…”
Tôi sinh con gái đầu lòng, nó dịu dàng xinh đẹp như cô bé Tiểu Phượng của giấc mơ tôi… nó cũng có một khóe lúm đồng tiền bên má trái như cô bạn học ngày xưa. Phải chăng tôi đã dần dần tìm lại được những gì đã mất?

Nhiều năm sau ở Mỹ,tôi mua một căn nhà nhỏ ở miền Nam California, người phụ nữ đang thuê căn nhà tôi định mua đã nói:
– ” Không ai dám ở đây đâu chị vì nhà bên cạnh có một con ma!”
– ” Vậy sao cô dám ở?”
– ” Vì em là một cô đồng, mấy con ma sợ em thì có! và em được cho ở không tiền”
– ” Tôi không sợ con ma nhà bên cạnh, giá rẻ thì tôi mua thôi!”
Nhà bên cạnh bỏ hoang mấy năm nay vì người chủ ở một mình đã chết. Tôi nhắm mắt mua đại để có một chỗ yên thân và không dám nói với ai về con ma nhà bên cạnh. Sửa sang nhà mình xong tôi qua quét dọn sân vườn bên ấy, trồng mấy luống hoa Mười Giờ, Ngũ Sắc rực rỡ đủ màu… Tôi nói thầm:”Mặc dù ông là người Mỹ nhưng đã chết rồi thì ông sẽ hiểu ngôn ngữ chung của tâm linh phải không? Ông cũng biết tôi muốn gì chứ! Với tôi thì không sao, ông có thể về đứng bên hiên nhà ông ngắm hoa ngắm lá! hút thuốc cũng được luôn(không hiểu sao tôi hình dung con- ma- nhà- bên- cạnh là một người đàn ông nhân hậu, tóc bạc trắng, bụng phệ và lúc nào cũng ngậm chiếc tẩu thuốc nghi ngút khói …) Nhưng còn mấy đứa nhỏ, thấy ông chắc tụi nó tản hồn tản vía… Vậy thì ông đừng xuất hiện trước mắt tụi nó nhen!” Tôi có cảm giác ai đó đang cười thanh thản. Thỉnh thoảng giữa khuya, tôi lén mở cửa sổ nhìn qua, không thấy gì hết, ngọn đèn bên sân này hiu hắt chiếu qua sân hàng xóm, lạnh lẽo, buồn buồn…

Theo truyền thống gia đình, cứ rằm và mùng một tôi hay ra thắp nhang khấn vái giữa trời cầu bình an cho người thân và thỉnh thoảng cũng xin xỏ vài điều mình muốn… Tôi hay bị la vì cái tội thích ăn gì cúng nấy chứ không áp dụng theo sách vở như Cầu Dừa Đủ Xài hay Mơ Đủ Điều Chôm Cóc Đủ… Thôi kệ đi, những con ma dễ thương vẫn theo tôi suốt cuộc, những lúc hoạn nạn ốm đau, trong giấc ngủ vẫn có những cái nheo mắt rất ma, những nụ cười rất mị đủ sức vực tôi dậy để đi cho hết cuộc đời!
Và sắp đến giờ Giao thừa rồi, tôi – bổn cũ soạn lại- bày biện nhang đèn hoa trái giữa sân , khấn vái mấy con ma quen biết, chẳng cần xin giàu sang phú quý gì cho vướng bận, mà chỉ xin rằng cho tôi muốn gì được nấy, chừng đó là quá đủ với tôi rồi!

Tôn Nữ Thu Dung

ĐOẢN KHÚC

 

Có đôi lần gõ cửa
Thiên Đàng vẫn chối từ
Hỏi mấy nhành rêu mục
Chắc thiếu phần chân tu!

Đành phân thân trở lại
Trần Gian vẫn nói cười
Đừng hoài nghi ái ngại
Kệ,
đời nhiều cuộc vui!

Khoan nhắc về Địa Ngục
Lửa chập chờn hoang mang
Chắc gì không sưởi ấm
Cuộc hành trình lang thang…

Khóc cười đều không thực
Buồn vui khi hạ màn
Cố đóng tròn vai kịch
Cuối cùng là
loãng, tan…

Tôn Nữ Thu Dung

TỔ QUỐC GỌI TÊN AI?

Tổ Quốc gọi tên ai chứ đâu phải tên mình.
Bởi vậy…đành ra đi
tìm đường…
thất thế…
Mamh áo, chén cơm… đến nỗi nào đâu,
chẳng lẽ…
Biển bạc, rừng vàng đã cạn kiệt thế sao?
Mặc ai cứ huyênh hoang… Tổ Quốc tự hào!
Văn hiến bốn ngàn năm… đẩy con ra biển!
Văn hiến bốn ngàn năm… quay lưng…
đau điếng
Nỡ chối từ nguồn gốc Việt Nam.
Giây phút cuối cùng, tận tuyệt hoang mang.
Hộ chiếu Trung Hoa- nhưng tôi là người Việt
Xin cho tôi trở về nơi oan nghiệt.
Nơi tôi đã sinh ra và tuyệt vọng thành người…

Tổ Quốc ơi sao nỡ khước từ tôi?
Hồn du mục lang thang miền lữ thứ.
Xác tro bụi vẫn mơ về cố xứ.
Ngậm ngùi…
Tổ Quốc vong thân…
Tổ Quốc gọi tên ai?
Kệ,
Tôi đâu muốn dự phần!…

Tôn Nữ Thu Dung

LẠC LÒNG

Tôi lạc lòng tạt qua lối xưa
Bâng khuâng khung cửa có ai chờ
Bàn tay nhỏ bé thơm hương quế
Khua động hoài tôi những giấc mơ

Tôi lạc lòng đi ngang phố rêu
Nghe cơn đau cũ nhói trong chiều
Và tiếng phong linh rời rã khóc
Có phải thu vừa rơi khúc yêu

Tôi lạc lòng, lạc dạ thế thôi
Đêm đêm vẫn nhớ góc em ngồi
Ngọn nến tàn canh run từng giọt
Thảng thốt vầng trăng lạnh cuối trời

Tôi lạc lòng xin em hiểu tôi
Hồn tôi như chiếc lá chơi vơi
Trăm ngàn sông suối..EM LÀ BIỂN…
(Tôi lạc lòng xin em hiểu tôi)

Tôn Nữ Thu Dung

MÙA THU QUÁ ĐỖI BUỒN

Em nói gì đi, chớ lặng thinh
Tan vỡ lòng tôi mảnh thủy tinh
Mùa thu mây trắng như tiền kiếp
Ai đóng bàn chân tôi dấu đinh?

Tôi biết hồn tôi rất mỏng manh
Tôi đau theo chiếc lá xa cành
Xin em hãy nhẹ tay bùa phép
Hoàng Hạc tìm chấp chới đêm thanh.

Đôi lúc lòng tôi lạc lối về
Xin em chờ đợi cuối đường đi
Và em mở cửa tôi lầm lỗi
Đừng nói lời cay đắng… phải chi…

Tôi biết mùa thu quá đỗi buồn
Vầng trăng khuyết đẫm ướt mưa sương
Có bàn tay nhỏ thơm hương quế
Lặng lẽ xoa thầm những vết thương.

Tôn Nữ Thu Dung

MỘT Ý KIẾN NHỎ: ĐI TÌM CÁI DỞ CỦA THƠ HAY.

Xin nói ngay từ đầu để tránh mọi ngộ nhận, tôi chỉ là người chọn lọc những bài thơ hay từ các nhà thơ gởi đến trang mạng của mình. Là một người yêu thơ nên khi chạm vào câu đầu tiên tôi đã biết đó là bài thơ hay hoặc dở! Nhưng cũng có rất nhiều bài thơ tôi cầm lên đặt xuống đầy băn khoăn nghi hoặc. Đó cũng là một trăn trở của rất nhiều nhà phê bình có tâm và có tên (tuổi). May mắn thay, tôi đọc được những lời này của Nguyên Hưng Quốc- một trong hiếm hoi những nhà phê bình tôi chọn đọc- nói thật, tôi vốn không mấy yêu thích những gì khoa học quá, cao xa quá, tiểu tiết quá, hiện đại quá, bề trên quá…nên tôi thường…bỏ qua những nhà phê bình thơ và nghĩ thầm: “giỏi thì viết một bài thơ hay ho nghe thử chớ nói thì ai nói chẳng được!”
Với người làm thơ, chỉ còn trang giấy. Không có gì ngoài trang giấy. Trên trang giấy, không phải chỉ có chữ mà còn có cả những khoảng trống chung quanh các con chữ. Từ đó, thơ có thêm một yếu tố mới: yếu tố phi từ vựng. Chữ, cuối cùng, chỉ là một loại ký hiệu. Mà ký hiệu nào cũng có một mục đích giống nhau: giao tiếp. Ngay cả khi người ta loại trừ chữ, chỉ sử dụng ký hiệu, mục đích ấy vẫn có thể được duy trì. Nghĩa là vẫn có thể có thơ được. (Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nói hay hơn, lập luận chặt chẽ hơn nhiều nhưng tôi chỉ nhớ đại khái vậy và lấy làm tâm đắc điều này lắm!)
Nhân đọc bài Bà Chúa Thơ Lục Bát của tác giả NGUYÊN LẠC gởi đến, viết về Phạm Hiền Mây ( cả hai đều là người cộng tác với Tương Tri). Thêm bài phê bình của Trần Trung Thuần- người mà ai cũng biết là nhà thơ Trần Vấn Lệ- cũng liên quan tới nhà thơ Nguyễn Hàn Chung với ” Lục Bát Tản Thần”. (Tóm lại cả bốn đều là những người tôi yêu mến.) nên tôi không thể không lên tiếng, dù tiếng nói của tôi chẳng có kí lô gam trọng lượng nào đối với ai và chắc chắn là …chìm vào hư không, nhưng kệ đi yêu ai cứ bảo là yêu/ ghét ai cứ bảo là ghét…. Còn nếu ghét thì im lặng chớ đừng nói yêu, như vậy là thỏa hiệp xấu xa! Tôi không bao giờ thỏa hiệp.( hết phần …để tránh ngộ nhận…)

1.Trần Trung Thuần:
ông không phải là một nhà phê bình chân chính có học vị học hàm và các loại học này kia như những nhà phê bình khác mà chỉ là một nhà thơ trữ tình, vãi chữ như vãi trấu,thơ ông hay, ngôn ngữ tự nhiên dễ dàng như kể chuyện.Ông thành công vì người đọc nào cũng tưởng ông viết cho mình. Điều này rất khó.Nếu căn cứ vào những lời ông viết để đánh giá Phạm Hiền Mây thì không đúng và thiếu công bằng với cô
2. Phạm Hiền Mây:
Phạm Hiền Mây chưa bao giờ tự xưng và tự hào cho rằng mình là Bà Chúa Thơ Lục Bát. Cô từng là một cô giáo, lỗi của cô là đẹp và làm thơ dễ thương, lỗi của cô là mỗi ngày( hoặc vài ngày) lại đưa thơ và hình của mình lên FB. Cô là một cô giáo, một người làm thơ trẻ mà tôi yêu mến, có một nhà thơ tên tuổi nói với tôi về tính cách của cô:” ở ăn thì nết cũng hay…” Vâng , cô ấy không hề làm mất lòng ai kể cả những người cô không thích!
3.Tôi:
* Không nên đánh người đẹp dù chỉ bằng một cành hoa, nhất là những …người đẹp làm thơ. Các nhà thơ rất dễ bị tổn thương. Khi tổn thương họ làm gì nhỉ? Theo tôi, họ im lặng. Và tùy theo tính cách, họ thể hiện sự im lặng với ngầm ý rằng:
-Với tính cách hiền lành cam chịu họ sẽ im lặng khuất phục và tìm chỗ nhấm nháp xoa dịu vết thương.
-Với những người bản lĩnh họ sẽ phẩy tay bỏ qua không quan tâm đến kẻ làm tổn thương họ.
* Những cách đảo chữ , trùng lặp, mượn chữ cũ chen vào câu thơ mới v.v…chỉ là cách làm mới những gì đã cũ.Thử nghĩ coi , chỉ có 24 chữ cái thôi, các nhà thơ cũ danh tiếng lẫy lừng đã xài đến cạn kiệt rồi còn đâu!
Vậy thì hãy để cho những người trẻ sáng tạo, đôi khi không hay lắm, nhưng lạ. Lạ và sáng tạo là tính cách của các nhà thơ trẻ đang đi vào trường văn trận bút. Họ không muốn và không thể dẫm lên dấu chân người đi trước.Theo thời gian, thơ họ sẽ được chấp nhận hoặc đào thải, nhưng dù sao đi nữa, họ vẫn có một chỗ đứng nhỏ bé hoặc lớn lao trong nền văn học sau 75. Chưa ‘tam bách dư niên hậu” thì chúng ta có nói gì cũng còn là quá vội!
4. Quỳnh Nga:
Cô là một người làm thơ tôi thích đọc, hồn hậu, trong trẻo, tròn vần đúng luật và bát ngát cái tâm Nam Bộ. Nếu có duyên, tôi rất hân hạnh mời cô cộng tác
5. Cuối cùng:
Tôi muốn mình thật công tâm khi nói về những cây bút tôi yêu mến nên trên đây chỉ là một ý kiến nhỏ để rộng đường dư luận.
Rất biết ơn những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình không ngừng quan tâm, không ngừng phổ biến, không ngừng sáng tạo, không ngừng cùng nhau giữ gìn tiếng Việt.
Rất cảm ơn anh Nguyễn Hưng Quốc, Nguyên Lạc, Phạm Hiền Mây, Trần Vấn Lệ, Nguyễn Hàn Chung. Thật bất ngờ, những “cái nhà” tôi nêu tên đều từng là nhà giáo dạy Văn nên dù có nói tới nói lui, họ đều cùng một mục đích cuối cùng là…tôi yêu tiếng nước tôi!
Và, tôi cũng vây. Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt là một trong những tôn chỉ của trang TƯƠNG TRI.

Tôn Nữ Thu Dung

GỌI

Gọi người từ phía hoàng hôn
nghe câu tử biệt
rợn buồn sinh ly,
Bến Vân Lâu chẳng hẹn kỳ
trùng lai nội cỏ
thầm thì hạt sương.
Gọi người từ phía tà dương
có chờ ta
cuối con đường trắng mây.
Một mai tàn cuộc
buông tay,
nghiêng vai cho gió về lay dặm buồn.
Biết còn viễn phố giăng sương.
Biết còn tan hợp mây tuôn non đoài.
Lòng ta gác xế u hoài,
Cuối trời một bóng đổ dài hoang vu…

(…Nếu xưa đừng lạc lối về
Trao yêu lơ đãng
quên thề trăm năm…)

Tôn Nữ Thu Dung