CÁM ƠN

 

cám ơn đêm đã cho tôi bóng tối
lem luốc che điều ngụy trá tâm hồn
lòng tôi vẫn lang thang ôm thập giá
trong màu đen mùa xám hối cô đơn.

cám ơn sông cũng ngàn năm ra biển
ngàn năm mang dòng chảy rất thân quen
mỗi bến đổ cưu mang thêm rác rến
đành về nguồn bằng thân phận ố hoen.

cám ơn cây, những thân già thẳng đứng
giữa núi rừng ngạo mạn với trời cao
tôi tầm gửi nhờ gỗ cây bám cứng
cũng ngông cuồng dám thách đố trăng sao.

cám ơn thơ, nói thay lời yêu dấu
bằng ngữ ngôn chẳng có đáy tận cùng
như ngọn dao chưa bao giờ đâm thấu
niềm đau tôi cho đến phút lâm chung.

cám ơn em, cho tôi bờ vai rộng
vòm ngực căng đầy nhựa sống thi ca
xin mãi rộng cho thơ tôi tựa mộng
và mãi đầy vòm ngực núi kiêu sa.

PHẠM HỒNG ÂN

Advertisement

LAU KHÔ NỖI BUỒN

 

(Để nhớ quê hương tôi, một quê hương luôn thống khổ)

quê hương tôi đen như cốc cà phê
bốn ngàn năm vẫn y nguyên vị đắng
bốn ngàn năm chưa một lần may mắn
pha thêm đường để trở thành cà phê ngon.

quê hương tôi từ huyền thoại cội nguồn
có bản chất phân ly từ mầm móng
năm mươi con lên núi cao, năm mươi ra biển rộng
giã từ nhau, không hứa hẹn gì nhau.

quê hương tôi một ngàn năm đô hộ bởi giặc Tàu
một trăm năm giặc Tây nô lệ
còn những ngàn năm kia cũng vô cùng tồi tệ
giành giựt cơ đồ, anh em chém giết thê lương.

quê hương tôi vô số kẻ bất lương
thà theo giặc để làm vương, làm tướng
thời nay vẫn có lắm tên hèn hơn Lê Chiêu Thống
nhục hơn Trần Ích Tắc ngày xưa.

quê hương tôi nhiều vụ án như đùa
Lệ Chi Viên là nỗi đau thảm khốc
Nguyễn Trãi và họ hàng bị tru di tam tộc
hai mươi hai năm mới được giải oan.

quê hương tôi sau nội chiến tương tàn
bên thắng cuộc trả thù độc ác
Bùi thị Xuân bị voi phanh thây xé xác
Nguyễn Ánh quật mồ, giã hài cốt Nguyễn Huệ quăng sông.

quê hương tôi hào kiệt rất đông
nhưng bọn tiểu nhân cũng hằng hà sa số
bậc anh hùng ngàn đời không khiếp sợ
dù gông cùm đang khóa chặt tay chân.

quê hương tôi vẫn vậy bốn ngàn năm
lịch sử cứ diễn hoài tuồng cũ
chế độ nào cũng hô to dân chủ
mà sau lưng thì dí súng hăm he.

quê hương tôi đen như cốc cà phê
bốn ngàn năm vẫn y nguyên vị đắng
năm mới xin chờ một lần may mắn
Đổi cốc thêm đường cho hương vị thơm ngon.

PHẠM HỒNG ÂN

MẢNH THÁNG TƯ

Ta cắt tháng tư thành vô vàn mảnh vụn
Gửi tặng mỗi người mỗi mảnh cầm chơi
Soi vào đó để thấy đời hữu dụng ……..
Để thấy nỗi đau chất ngất tận trời.

Gửi tặng anh mảnh đao binh nóng hổi
Hừng hực như hào khí tuổi thanh niên
Giữ để nhớ từng bước chân nguồn cội
Biến rừng hoang thành gấm vóc tổ tiên.

Gửi tặng cha mảnh âm u vô tận
Như đêm dài vô tận ở quê hương
Đem trái tim làm ngọn đèn thắp sáng
Vẫn ngàn năm leo lét góc sân vườn.

Gửi tặng mẹ mảnh nhiễu nhương dao bén
Vì cưu mang từng thương tích trầm luân
Những đứa con như những đàn chim én
Lạc loài bay, chưa dựng nổi mùa xuân.

Gửi tặng em mảnh mặn mà đau khổ
Vắt lầm than trên dấu vết đoạn trường
Nước mắt có xẻ chia dòng hoen ố
Cõi lòng em lấp lánh vạn tinh sương.

Gửi tặng chị mảnh kinh hoàng địa ngục
Vừa thanh xuân đã góa bụa khóc chồng
Hồn tử sĩ từ cổ kim thao thức
Bồi hồi theo từng bước vợ long đong.

Gửi tặng bé mảnh cuồng phong phẫn nộ
Lát mì khô chan nước mắt âu lo
Tuổi thơ đứng giữa biển trời kiệt lộ
Vượt trùng dương tìm đất mới tự do.

Gửi tặng cháu mảnh lao đao lịch sử
Lật từng chương để sống lại tháng tư
Ghép mảnh vụn thành nỗi đau bất tử
Và ngậm ngùi tưởng tiếc đến thiên thu…

PHẠM HỒNG ÂN
(San Diego, 03/04/2010)

XÓA NHAU

(cám ơn những người, tôi đã xóa tên)

1.
xóa em. giữa ngữ ngôn tôi.
chọn riêng một chỗ nằm. phơi cơn buồn.
xóa hình. nhạt bóng nhòa gương.
dung nhan. hóa ảo. xin mường tượng em.
xóa. như vẽ sắc diện đêm.
trong khung bóng tối. vừa lem luốc đời.
xóa em. tôi cũng xóa tôi.
chọn riêng một chỗ nằm. chơi thơ tình.

2.
cám ơn em. cuộc hành trình.
quanh co cũng chỉ một mình. tôi đi.
cám ơn những giọt thơ. lì.
thương em. chẳng nỡ chia ly nửa chừng.
câu thơ. gạch nối. người dưng.
tôi và em. tới cuối cùng. thế thôi.

PHẠM HỒNG ÂN

CÓ THỂ


* Tặng Nhu

Có thể tan trường phố sẽ mưa
Đường xưa anh đội nắng ban trưa
Một mình trông bóng em se sắt
Mà nhớ mà thương thuở đón đưa.

Có thể anh như kẻ lái đò
Suốt đời nhìn nước chảy bơ vơ
Đưa em sang bến sông vời vợi
Chờ đợi trăm năm đến dại khờ.

Có thể mùa hè chơi biển xa
Ngắm trăng em giỡn sóng bao la
Nhưng đâu hiểu được tình trong sóng
Nhầu nát từng cơn giông bão qua.

Có thể em như sáo xổ lồng
Hồn nhiên đôi cánh vỗ hư không
Em bay trong đám mây vô định
Nào biết mưa rơi mấy khúc sông?

Có thể anh đành yêu gốc đa
Thủy chung đứng mãi, bóng la đà
Trăm năm trước cổng trường quen thuộc
Chờ đợi cuộc tình đã vội xa…

Phạm Hồng Ân

Đêm Âm Hồn

(Kính dâng hương hồn nhà thơ Đinh Hùng,
bởi Người là ánh sáng của bài thơ này.)

Đêm thả tóc tai sầu hoang vu
Thưa em, có đôi mắt sa mù
Trái tim có đủ trăm tình nhớ
Có đủ nghìn đời điệu hát ru.

Buổi tối em nằm giỡn với trăng
Che tay bộ ngực đẫm tình xuân
Tôi mê man ngủ trên mồ lạnh
Những sợi tóc dài treo hỗn mang.

Gõ cửa đời em – trời đớn đau
Đêm chong đèn nói chuyện tình sầu
Thưa em, con gái đầy hương sắc
Bạc mệnh lâu đời dưới đất sâu.

Tôi khóc cho vầng trăng vỡ đôi
Áo xiêm mỏng dánh – tình lả lơi
Lỡ em còn nhớ ngày xưa đó
Một chuyến tàu đi xa cuộc đời.

Tôi cắn lên môi, em giật mình
Ngực em gợn sóng cõi u minh
Khi trăng vừa tắt bên mồ lạnh
Thì lệ trên trời chảy lung linh.

Em xõa tóc dài lên nhánh cây
Hồn ma trở lại kiếp lưu đày…


PHẠM HỒNG ÂN

.IXORA PHAN THIẾT

(tặng hai hạt bụi)
ixora.nở hoa.đêm thâu.
ngọc hương.bay.thơm ngát tinh cầu.
lá.ngủ.hồn em. lưng Phan Thiết.
nhánh.trổ tình anh.phún tược sầu.

em tặng anh.mùa hoa.vừa rơi.
Sài Gòn đau.vàng úa mảnh trời.
ixora nát.lòng tay.bạc.
hoa.nằm.xõa tóc.nhớ.môi người.

ixora.hoa trang.lụa là.
phố.mùa thu.vàng lá bay xa.
anh.nhớ em.tim.tan thành ảo.
hồn.cuồng điên.xé nát thịt da.

ixora là em.hoa hồng ân.
là em.từng bước ngọc.thanh tân.
là anh.mọc cánh.trời Phan Thiết.
bỗng.hóa thành chim.cõi địa đàng.

*PHẠM HỒNG ÂN

THÁNG MƯỜI, THU ÚP MẶT

 

tháng mười, thu úp mặt
rướm vàng những hàng phong
trời trong như tròng mắt
người con gái phương đông.

em ngồi bên cửa sổ
vọc nắng rơi đầu ngày
tiếng cười treo lưng gió
đuổi theo bầy chim bay.

mẩu bánh mì ngắt khúc
rơi xuống mỏ chim non
sợi nắng thu vàng hực
phết nhẹ cánh tay tròn.

tháng mười, thu lác đác
khóc hàng phong mồ côi
quê hương em tan nát
bởi bom nổ đạn rơi.

tôi bàng hoàng ngó ảnh
xác thành phố điêu tàn
bên thây người bất hạnh
đàn chim non lang thang.

tôi trải tình ra biển
như trải rộng lương tâm
một màu tang tận hiến
đánh động trái tim câm.

em nằm trong lòng nước
với tay tìm tự do
tôi, hàng phong lộn ngược
thương mùa thu bơ vơ…

PHẠM HỒNG ÂN

TẠI SAO TA LÀM THƠ TÌNH

(để trả lời một câu hỏi,
chưa chắc những người sống trong lòng quê hương
yêu quê hương bằng những người xa quê hương…)

không hiểu sao em cứ bất bình
lạnh nhạt mãi ngữ ngôn ta viết
mấy mươi năm sống chết với thơ tình
vẫn chưa khiến lòng em rung động.

ta biết hôm nay qua thời mơ mộng
chuyện học trò thành cổ tích ru con
có cách xa nhau trái đất vẫn tròn
tình đã chết là tình chờ sống dậy.

cứ đứng đợi mùa cây chín trái
từ hương hoa thơm ngát vườn đời
quá khứ ta là những trận mưa rơi
giờ đến lúc thất thời khô khốc.

ta biết Sài Gòn vỉa hè đang khóc
ôm vết thương cắt nát mặt mày
những bậc thềm lịch sử đã phân ngai
bỗng vụn nát từ bàn tay quyền lực

ta biết miền trung biển đang chết tức
thuyền ngư dân nằm phơi bụng trên bờ
sóng ngày xưa mềm mại tựa bài thơ
nay biến sắc oi nồng mùi hóa chất.

ta biết non sông dần dà sẽ mất
đảo, vịnh, đất, rừng, biên giới, lương tâm…
những con người biểu hiện thú cầm
những thú cầm nhân danh thiên tử.

ta biết trẻ em đến trường kiếm chữ
nhọc nhằn hơn kiếm gạo nuôi thân
vượt suối băng sông bằng dây cáp tử thần
đội mưa học trong lớp nghèo xơ xác.

ta biết ngoài kia bọn nịnh thần khoác lác
xây tượng đài, dinh thự…thật nguy nga
tính toán công trình bằng bạc đô la
dân thì sống lùi về thời lượm hái.

em đừng bảo ta suốt đời cuồng dại
suốt đời làm thơ ca tụng tình yêu
mấy mươi năm vui ít buồn nhiều
hận chồng chất làm sao ta thở được
hãy cho đời một lần thêm ơn phước
(đem yêu thương vào nơi oán thù).*

PHẠM HỒNG ÂN

Người Việt Gốc Hoa Chống Tàu

 

Tôi gặp lại A Tỷ ở chợ Thuận Phát, sau 10 năm anh ta biệt tích giang hồ. Chúng tôi quen nhau vì cùng làm chung trong một hãng “bù tèo”. Cái hãng toàn người già với đồng lương mắc dịch chưa lần nào nhích khỏi năm đầu ngón tay.

A Tỷ người Tàu, gốc Bạc Liêu. Năm 1978 mua thuyền đánh cá, xuống Cà Mau vượt biên với mấy ông ba tàu khác. Vượt biên đâu phải chuyện dễ. Vượt biên, chẳng những vượt qua muôn trùng sóng gió của biển, thuyền nhân còn vượt qua móng vuốt của công an việt cộng, của cướp biển, thảo khấu, và lòng thờ ơ nơi những nước láng giềng. Cho nên A Tỷ đến đảo chỉ còn cái quần xà lỏn, giấy tờ rớt mẹ đâu mất hết. Đến khi phỏng vấn qua Mỹ, mấy ông ba tàu khác xúi A Tỷ khai sụt tuổi để dễ kiếm việc làm. Chủ Mỹ không ai dại gì bỏ tiền ra thuê một ông già về quờ quạng như con rùa lật ngửa.

A Tỷ vốn chân thật, dễ tin người. Nhưng tội nghiệp, khi gặp phái đoàn Mỹ, anh ta lúng ta lúng túng thế nào mà khai sụt một hơi 13 tuổi. Thế là, trong lúc bạn bè trang lứa với A Tỷ về hưu, hưởng thú đó đây – thì lão lại khòm lưng bên cỗ máy, cà rịch cà tang kéo lê kiếp trâu già. Mãi đến khi hãng “bù tèo” dẹp tiệm, A Tỷ mới thoát khỏi ách cày. Từ đó, lão biệt tích luôn, tới bây giờ chúng tôi mới gặp lại.

Mười năm xa nhau, A Tỷ vẫn còn nhớ tôi. Vừa thấy tôi cầm gói trà Green Tea lên ngắm ngía, bàn tay lão đã chận ngang trước ngực.
-Hày, Nị đừng uống cái lày. Đồ Trung Quốc đó! Kiếm trà Nhật uống, chắc ăn hơn.
-Trời đất! A Tỷ đây ư! Lâu quá không thấy nị. Sao? Còn ở đây không?
-Hày, Mạnh giỏi hông? Ngộ vẫn ở đây. Mấy năm nay bịnh. Tưởng bán muối dồi chớ…

Gói trà màu sắc tuyệt đẹp. Tôi vẫn còn cầm trong tay ngắm nghía nó, chưa muốn bỏ lại.

-Hày, Nị đừng mua đồ Trung Quốc. Nó mần ăn không tốt, bỏ tầm bậy tầm bạ trong đó. Nị vừa mất tiền, vừa hại thân.
-Sao nị biết đồ Trung Quốc không tốt?
-Chời ơi! Nị không coi báo, coi đài. Không đi chợ nghe người ta nói với nhau sao? Họ tẩy chay đồ Trung Quốc khắp nơi.

Tôi ngó lom lom A Tỷ.
-Nị cũng là người Trung Quốc, sao nói xấu Trung Quốc?
-Hày, Có sao nói vậy. Ngộ không nói xấu. Như ngộ có cái kềm Mỹ, xài tới rỉ sét vẫn chưa hư. Thằng con ngộ mới mua cái kềm Trung Quốc về xài, siết tới siết lui mấy cái, nó sút mẹ cái càng ra. Ối cha! Vừa tốn tiền, vừa báo hại.

Tới đây, A Tỷ vẫn chưa chịu ngừng.

-Ngộ đâu phải người Trung Quốc. Ngộ là người Việt gốc Hoa. Ông cố ngộ mới là người Tàu. Hồi xưa, bên Tàu, nhà Thanh đánh bại nhà Minh, đuổi nhà Minh đi khỏi nước. Ông cố ngộ mới theo tướng Mạc Cửu chạy qua Việt Nam xin tá túc. Mạc Cửu sau này là công thần của vua An Nam, có lăng miếu đàng hoàng ở Hà Tiên. Còn ngộ, đẻ ra ở Việt Nam thì Việt Nam là quê hương của ngộ chớ. Cũng như cháu nội nị đẻ ở bên Mỹ thì Mỹ là quê hương của cháu nội nị. Nó có biết chi về Việt Nam đâu?

A Tỷ nói thao thao cho đến khi tôi trả gói trà lên kệ, lão mới thôi. Loay quay một lúc, A Tỷ kéo tôi ra khỏi quán, sau khi hào phóng tặng tôi nguyên phong trà green tea Nhật Bổn.

Buổi sáng, nắng rực rỡ. Khu Linda Vista xôn xao với hàng quán tấp nập. Chính nơi này,10 năm trước, A Tỷ dẫn tôi tới đây ăn tô phở đầu tiên ở góc phố đằng kia, rồi lôi tôi về nhà nhờ hướng dẫn trồng các loại cây mà bên Mỹ này chưa có người Việt nào muốn trồng bao giờ.

-Hày, ngộ với nị qua bên kia làm tô mì chơi. Đừng ngại, ngộ bao cho.
Ngó mái tóc bạc như bông gòn của A Tỷ, tôi bỗng thấy nao nao.
-Nị mới trúng super lotto đêm qua, phải không?
-Hày, Bộ trúng mới bao sao? Ngộ muốn trả ơn nị, chút đỉnh mà…
Tôi chưng hửng.
-Trả ơn? Nhưng ơn gì?

A Tỷ ôm chầm vai tôi, tha thiết.

-Nị mau quên quá! 10 năm trước, con vợ ngộ muốn trồng dừa. Ngộ chạy ra chợ mua trái dừa gáo, về đào đất, dồi đặt xuống. Ngày nào hai vợ chồng cũng bỏ phân, tưới nước, trông nó lên cây. Nhưng trông riết, nó cứ trơ trơ. Giận quá, ngộ đào lên, cái gáo dừa thúi quắc.
-Rồi tôi hướng dẫn nị tìm trái dừa còn nguyên vỏ. Về nhà, ủ nó lên mọng, mới đem ra vườn, đào lỗ, đặt xuống chứ gì?
A Tỷ vỗ tay, cười khục khặc.
-Đúng dồi! Bây giờ cây dừa đã có trái. Con vợ ngộ khoái quá. Nó nói nó mang ơn nị.
-Cái đó tôi học lóm người ta, chỉ lại nị. Ơn nghĩa chi?
A Tỷ chưa chịu buông tha.
-Còn một cái nữa, nị quên dồi. Nị nhớ nị có ra mắt cái CD chưa? CD ngâm thơ đó…

Kỷ niệm chợt trở về. Cách đây khá lâu, lúc còn làm chung hãng “bù tèo” với A Tỷ, có ông bạn thân khuyên tôi nên ra mắt CD ngâm thơ để có cớ tụ họp bạn bè văn nghệ lại, xem ai còn ai mất? Tôi đem giấy mời vào hãng, trao đến tay các anh em người Việt. Riêng A Tỷ, tôi không mời, vì nghĩ anh ta chẳng rành nhiều về tiếng Việt. Nhưng thật ngạc nhiên, khi thấy A Tỷ tiến đến gần tôi, tỉ tê trách móc.
-Hày, ngộ với nị quen biết nhau lâu quá. Nay ra mắt CD, sao lại bỏ ngộ ra. Nói thiệt, nị không cho ngộ đi, ngộ cũng tìm cách đi cho được. Bạn bè mà.
Thế là tôi đành trao giấy mời cho A Tỷ.

Hôm nay, A Tỷ nhắc lại chuyện xưa, chắc có mục đích chi đây?
-Vụ CD đã lâu rồi. Bây giờ, cái dĩa không nghe được nữa hả?
-Đâu có. Cái CD ngâm thơ hay quá! Nhiều người khen nị. Ngộ cũng muốn khen nị đó mà.
-Trời đất! Nị cũng khoái thơ nữa ư?

-Hày, Sao không? Để ngộ ngâm cho nị nghe nha!

Quảng Đông ăn cá bỏ đầu
Triều Châu len lén xỏ xâu đem dìa.

Thấy có người khen thơ mình, lại là người Hoa, tôi khoái chí.
-Thế… bài thơ nào nị thích nhất? Nó nói về cái gì? Tình cha, tình mẹ hay tình yêu?
-Chời ơi! Nị hỏi nhiều quá, ngộ đâu có biết!

Tôi ngó lom lom A Tỷ, mồm há hốc.

-Vậy sao nị khen hay. Hay ở chỗ nào?

-Không giấu gì nị. Con vợ ngộ mất ngủ mấy năm trời. Uống đủ thứ thuốc, đêm nào cũng vẫn nằm thao thức, thở ra thở vô. Có cái CD của nị, mới mở ra, chưa đầy nửa tiếng, con vợ nó lăn ra ngủ khò khò hồi nào không hay. Lâu dồi, nó muốn gặp nị, để…trả ơn.

Tôi tiu nghỉu.

-Nị nói giỡn hay nói thiệt, cha nội?

A Tỷ ôm gọn tôi vào lòng.

-Hày, có bao giờ ngộ nói láo nị đâu. Bi giờ mình qua bên kia làm một tô mì đi!

Tôi kéo tay A Tỷ ra, lắc đầu.

-Nị mới làm một bụng rồi. Để khi khác.

Cà kê dê ngỗng một lát, A Tỷ đành chấp nhận lời từ chối của tôi. Trước khi từ giã, lão hứa sẽ mời tôi dự lễ vu quy của con gái lão trong vòng vài tháng nữa. Con nhỏ và thằng nhỏ thương nhau từ những năm đầu đại học. Bây giờ, vừa tốt nghiệp, hai đứa nhỏ quyết định lấy nhau. Tôi gục gặc đầu, ậm ừ trong họng, rồi quay lưng đi. Nhưng bên tai còn nghe văng vẳng giọng A Tỷ vang vang trong gió. Hày, ông sui của ngộ cũng giống như nị, qua diện HO, dân Sài Gòn.

Vài tháng nữa, trông đợi mãi, chẳng thấy bóng dáng tấm thiệp vu quy nào của A Tỷ gửi đến. Thời gian sau, tôi lại gặp lão ở góc chợ Thuận Phát. Thấy A Tỷ, tôi cất giọng phàn nàn ngay.

-Cả tháng nay tôi trông dài cả cổ ra mà có thấy thiệp cưới của ngộ gửi đâu? Bộ nị quên thằng bạn nghèo này sao?
A Tỷ cúi đầu, mếu máo.

-Cha thằng nhỏ nhất định không chịu làm sui với người Tàu. Thằng chả nói người Tàu chiếm đất, chiếm đảo của người Việt. Bi giờ muốn chiếm luôn con trai của y nữa sao?
Tôi bùi ngùi vỗ vai A Tỷ.
-Chuyện qua rồi. Đừng buồn nữa. Nị về ráng an ủi và khuyên lơn con nhỏ. Mất thằng nhỏ này, còn khối thằng nhỏ khác, lo gì!
Mặc tôi chia xẻ, cảm thông, A Tỷ vẫn mếu máo.
-Ngộ là người Việt gốc Hoa. Sinh đẻ ở Việt Nam thì quê hương ngộ chính là Việt Nam. Ngộ cũng đi lính Cộng Hòa, cũng chống Tàu. Vậy mà người ta vẫn không ưa ngộ.

Phạm Hồng Ân

 tác giả cựu sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội. Sau tháng Tư 1975, ông là người tù chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O., hiện là cư dân San Diego