Hiến tặng

Ngộ hiến một em lần nhứt
Phút chốc gã thành đàn ông

Phụng hiến một em lần nữa
Gã cun cút thành ông chồng

Những lần sau nếu tính hết
Như bãi cát dưới bờ sông

Tận hiến một lần sau chót
(Lần này gã giấu trong lòng

Nhất định không cho ai biết
Bao giờ còn cái bình không)

Em như hoa tươi vẫn nở
Phủi tay gã cũng vui lòng

Còn chút nên hình hiến tặng
Gã mới chịu về hư không!

Nguyễn Hàn Chung

Advertisement

Đọc Hoài thủy biệt hữu nhân của Trịnh Cốc

” Dương liễu giang đầu dương liễu xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân
Sổ thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần”

Bạn về bên bến Tiêu Tương ấy
Ta hướng Tần quan lắm dãi dầu
Mỗi đứa chọn một đường đi khác
Hà chi ép uổng phải như nhau

Bạn đến khi ta còn áo rách
Một chút lòng thôi đủ vấn vương
Mình đã cùng nhau bên chén rượu
Khinh thằng bỏ bạn lén đâm thương

Ta không cùng bạn câu tương ngộ
Lòng vẫn tin yêu tự thuở nào
Ai biết con đường ai sụp đổ
Mà lòng đã quyết chẳng hư hao

Ta vẫn một thân trời viễn xứ
Mai một tàn tro lạc xứ người
Nhưng lòng trinh bạch thơ trinh bạch
Quyết chẳng vì đâu phải đổi dời

Nguyễn Hàn Chung

Tiếng gọi

Gọi người tiếng gọi điếc câm
gọi mình tiếng gọi âm âm giữa lời
hình như em có gọi tôi
tôi nghe nhói phía chân trời mù sương
Tôi đem tiền kiếp cúng dường
nghe từ vô thủy màu hương nhạt nhòa
gọi người tắc nghẽn âm ba
gọi mình eo óc tiếng gà tàn canh
Nhuộm hoài tóc chẳng còn xanh
sợi nheo nhóc sợi đa tình ngẩn ngơ
con tim đá hậu bất ngờ
chỉ mong kịp lấy bài thơ đỡ đòn
Gọi người tiếng gọi héo hon
gọi mình tiếng gọi âm hồn bủa vây
hình như đêm có gọi ngày
sáng mau lên để tôi bày cuộc riêng

Nguyễn Hàn Chung

Bolero sau bão rớt

Anh vẫn giữ mối u tình năm cũ
nhưng hồ nghi em còn nhớ anh không!
hay em nhớ tay thợ già hay hát
những bài ca con cá lội xuôi dòng

Có chút xíu bình an trong nuối tiếc
dựa hơi hương thường mộng buổi chiều tan
phải chi sóng vỗ liên miên ghềnh đá
thì anh đâu còn cơn cớ bắt còng

Nếu tức tửi vì em mà thê thiết
anh cần chi còn sợi tóc trên đầu
nhưng nốt sẹo nốt sần luôn tội nghiệp
nó vô tình ửng đỏ mỗi khi đau

Em rũ bỏ hay là em vẫn giữ
mối u tình năm cũ chắc chi anh
còn thức đợi một làn hương thục nữ
hay anh chiều gục lịm với trong xanh

Sau bão rớt trời vẫn còn u ám
anh lui cui xếp lại mấy vuông tròn
em rũ bỏ hay là em vẫn giữ
mối u tình năm cũ đã phai son.

NGUYỄN HÀN CHUNG

Chiều mưa viễn xứ

Chiều mưa viễn xứ không như hạt
mưa rớt ngày đông tuổi thiếu niên
hạt dằn dỗi hạt bay theo hạt
rớt tự mùa xưa vướng sợi mềm

Mưa sững sờ rơi chua xót mưa
rớt còn ham vá mộng giang hồ
vặt hoài mê lú nên nhan sắc
em quạnh hiu hoài tội lỗi chưa!

Mưa chiều viễn xứ tình vô trú
quán trú u hoài vô trú mưa
mưa chiều viễn xứ buồn như kiến
cắn cuống nhau chôn dưới gốc dừa

Chắc em cầu tạnh mưa mau ngớt
sao tạnh ráo rồi vẫn mắc mưa!

Nguyễn Hàn Chung
( Trích bản thảo MÓT CHỮ TRONG KINH 2019)

Giả dụ làm sư

 

Chẳng lẽ nhìn em mãi
người ta sẽ nói mình
sư cũng mê gái đẹp
có khác gì chúng sinh

Nhưng không mê cái đẹp
sao con mắt biết nhìn
sao trái tim biết đập
sao bỗng người run lên

Biết cũng là xương thịt
biết sẽ là tro than
biết thì cũng biết vậy
một sát na quên liền

Sáng niệm kinh Bát Nhã
chiều tụng chú Đại Bi
hiểu vị lai quá khứ
vẫn không sợ A tỳ

Không trách người cởi áo
khóc như mưa rời chùa
bởi vẫn còn lục dục
và thất tình như ai

Ông trời sinh nhan sắc
không lẽ để phí hoài
đàn ông mà nhắm mắt
chắc đàn bà giả trai

Nguyễn Hàn Chung

Ẩn dụ

 

 

Sương biết gì đâu mà thất
tình rơi chỉ là sương thôi
mưa biết gì đâu mà hận
thù ai mưa cũng tơi bời

Thi sĩ mộng mơ sử giặc
giã từ tình ái sục sôi
bỏng những trái tim thiếu nữ
nhân tình hết thảy mồ côi

Ta như rong thèm rêu dưới
đáy sông thèm ánh mặt trời.

Nguyễn Hàn Chung

Gió mồ côi

 

Anh đánh rớt mùi tình trong chén rượu
Em đánh rơi vào bóng sắc phù du
Anh ngu quá chịu riêng mình túng thiếu
Trời cao xanh che khuất lớp mây mù !

Tất cả ạ sẽ tan vào hư huyễn
Sẽ xanh xao và sẽ rất hư hao
Trái tim ấy biết bao giờ miễn nhiễm
Với tan tành khi biết nhận và trao

Anh đánh rớt giấc mơ thời trẻ dại
Em đánh rơi khỏi ngực tóc mây buồn
Và anh biết dù một người từng trải
Vẫn nhói lòng khi đã nhạt mùi hương

Xa vắng ạ anh không về được nữa
Bước thiên di lệch mất khúc mưa rồi
Anh vẫn thế ra hiên ngồi tựa cửa
Hạt sương buồn ngồi đợi gió mồ côi

Nguyễn Hàn Chung
Đồi cỏ tàn đông Texas

Nghĩ rời về tuyển tập” 40 năm thơ Việt hải ngoại ” của Nguyễn Đức Tùng (Văn Việt – Người Việt book xuất bản 2017)

Tôi đọc tuyển tập thơ “40 năm thơ Việt hải ngoại’ từ khi còn đăng từng phần trên Da Màu,Văn Việt với sự háo hức chờ đợi, có hơi một chút ngạc nhiên vì nghĩ rằng  những người chủ biên Nguyễn Đức Tùng, Hoàng Hưng,Ý Nhi không phải là những tác giả trước 1975 của văn học thời Việt Nam Cộng Hòa sẽ rất khó kêu gọi các nhà thơ hải ngoại từng chiến đấu trong hàng ngũ những người chiến sĩ Cộng hòa chống Cộng cộng tác và cũng rất lo cái tiêu đề tuyển tập hơi lớn không biết các tác giả có đủ dũng lực sàng lọc tuyển chọn các tác giả các lứa tuổi có tài thơ tiêu biểu đại diện cho một dòng văn học của người Việt ngoài đất nước hay không ?                Tôi linh cảm có một sự bất hợp tác của một số nhà thơ và như vậy trong tuyển sẽ thiếu những nhà thơ mà tên tuổi của họ xứng đáng có mặt trong tuyển tập hơn một ai khác.Những linh cảm ấy hôm nay đã thành sự thật khi tôi đọc tuyển tập, một số nhận định của anh Phan Nhiên Hạo trên facebook , email của  anh Trần Kiêm Đoàn và nhất là ” Lá thư chủ biên tháng 7/2017” của chị  Lê Thị Huệ trên Gió O.Tôi đã đem những điều ấy trao đổi với anh Nguyễn Đức Tùng và anh trả lời tựu trung gồm 2 ý :

  • Một số nhà thơ danh tiếng ban chủ biên đã mời nhưng họ không hợp tác
  • Một số nhà thơ tài hoa đã khuất không thể thiếu mặt họ trong tuyển song vấn đề liên lạc với những người thừa kế bản quyền tác phẩm có nhiều khúc mắc .

Vậy là đã rõ bởi đọc bốn mươi năm thơ một thời gian đời người mà văn học hải ngoại không đề cập đến  những tài danh: Thanh Tâm Tuyền , Mai Thảo,  Hà Huyền Chi,Viên Linh, Minh Đức Hoài Trinh, Nhã Ca,Trần Dạ Từ, Cao Đông Khánh, Nguyễn Tất Nhiên, Quỳnh Thi , Lâm Hảo Dũng, Hạ Quốc Huy, Phương Tấn, Hoàng Lộc , Sương Biên Thùy , Dư Mỹ, Quan Dương, Trần Yên Hòa… và những tác giả   có đóng góp nhiều tác phẩm rất có giá trị cho văn chương hải ngoại như:Phan Nhiên Hạo,Thận Nhiên, Lê Văn Tài , Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Khánh Minh, Chân Phương, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Ngô Tịnh Yên, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Tranh, Chim Hải, Lê Đình Nhất Lang, Đỗ Lê Anh Đào, Pháp Hoan, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Thị Trọng Tuyến, Hứa Hiếu, Võ Quốc Linh, Phan Quỳnh Trâm…chúng tôi thấy hụt hẫng thế nào. Rất mong khi tái bản hoặc tập tiếp theo các tác giả chủ biên cố gắng bổ sung cho đầy đủ hơn. Chúng ta còn 8 năm nữa để có thể cho ra đời 40 năm VHHN tập 2,tâp3 công phu và chắt lọc hơn.Rất mong các nhà PBVH và các nhà thơ, nhà văn hải ngoại cao niên cộng tác để giữ được ngọn lửa văn chương không ngừng ngún cháy trong tâm thức những người Việt xa quê mong ngóng quê nhà .
Trước đây viết về dòng Văn học hải ngoại cũng có một số tác phẩm mà sự chuẩn bị khá công phu như: Sưu tầm và tiểu luận”Trong dòng cảm thức văn học miền Nam -Phân định thi ca hải ngoại của Trần Văn Nam (Tác giả xuất bản ), Nhìn lại 30 năm Văn-Học Hải-Ngoại của Nguyễn Vy Khanh (Tạp-chí Văn Học CA,225, 5&6-2005). Nghĩ về văn học hải ngoại của Nguyễn Mộng Giác, Hai mươi lăm năm Văn học hải ngoại của Thụy Khuê,Tình trạng lão hóa của Văn học hải ngoại (Nguyễn Văn Lục ),Vài suy nghĩ về văn học chính thống Việt tại Hải ngoai (Nguyễn Văn Sâm –Tin Văn ), Phỏng vấn Nhật Tiến về VNVN HN 30 năm qua (Hoàng Khởi Phong ),Văn học Hải Ngoại từ giấy lên mạng của Nguyễn Hưng Quốc, Nhà văn VN và VHVN Hải ngoại (Nguyễn Tà Cúc ) vv..
Nhìn chung hầu hết các tác giả đều biểu hiện sự quan tâm lo lắng đến sự tồn vong, lão hóa của văn học hải ngoại khi lớp nhà văn rời tổ quốc từ sau 1975 đã lớn tuổi sự lão luỵện trong văn nghiệp thì còn song sự nhạy bén tinh anh có chiều giảm sút.Vì thế “Tuyển tập 40 năm thơ Việt hải ngoại” ra đời năm 2017 này rất sát hợp với tình hình chung của văn chương hải ngoại khi hầu như các báo giấy đã đình bản nhường chỗ cho  các trang mạng Damau.org,Tiền Vệ, Sáng tạo, Diễn Đàn thế kỷ, Ăn mày văn chương, Vuông Chiếu, Bạn văn Nghệ, dutule.com, Chim Việt Cành Nam,Tương tri, Văn nghệ Boston, Bản Sắc Việt…vv… và các blog như nấm mọc sau mưa cộng với những tác phẩm văn chương update hằng ngày trên Facbook và ta bắt gặp những tên tuổi cũ một thời vang bóng trên chiếu văn chương  miền Nam trước 1975 song hành với các tên tuổi mới xuất hiện. Lê Mai Lĩnh, Dư Mỹ, Đặng Phú Phong, Phạm Hồng Ân , Hứa Hiếu, Haj thij, Ngô Tịnh Yên, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Lý thừa Nghiệp, Dung Nham, Đặng Toản, Tiffany Nguyễn, Nghiên Long Trọng Nghĩa,Nguyên Lạc,Hư Vô, Châu Hồng Thủy…góp phần làm nên một dòng văn học hải ngoại facebook đông đảo đa thanh, đa sắc…Hầu hết các tác giả sáng tác theo hướng tổng hợp trữ tình tự sự có nhiều yếu tố truyện tâm lý lẫn triết lý, các cảm xúc riêng tư thường được đặt trong liên hệ với những chấn động lịch sử lớn .Trước hết văn học hải ngoại bây giờ hiển lộ tất tật đời sống những vận động bí ẩn thể hiện trong hình tượng ngôn từ những xúc cảm trầm sâu về thế giới bên ngoài trở thành mô hình tâm hồn của người sáng tác. Dòng hoài niệm vẫn tiếp tục nhưng sự bi thiết lại xoay qua một chiều kích khác hướng về tổ quốc với những nỗi buồn lo cho vận mệnh của tổ quốc dưới bàn tay nhào nặn của giới cầm quyền độc tài khóa chặt tự do dân chủ và kẻ thù phương bắc hàng ngày gậm nhấm quê hương.

Cám ơn nhà thơ nhà PBVH Nguyễn Đức Tùng các nhà thơ Hoàng Hưng,Ý Nhi đã  tập hợp được một số lượng đông đảo các nhà thơ khắp nơi trên thế giới tự do. Dù vẫn còn thiếu sót những tên tuổi rất xứng đáng tiêu biểu cho VHVNHN qua một thời gian dài hơn 40 năm nhưng dù sao tuyển tập đồ sộ này cũng khởi đầu cho các tuyển tiếp theo sẽ bổ sung những thiếu sót nhất định phải có, đồng thời bổ sung  một đội ngũ những người làm thơ trẻ tiếp tục khơi gợi và lưu giữ nguồn mạch văn chương Việt nam ở ngoài đất nước .

 

Nguyễn Hàn Chung

 

Ngậm

 

Ngậm đôi môi em lộng lẫy điêu tàn
và tráng lệ làn mi ruồng rẫy
anh không tiễn tình đi
nhưng anh không níu lại
tụ tán tụ tan là một lẽ vĩnh thường

Ngậm sợi tóc em
đâu đó có một phần chín sợi vàng
anh ngẫm câu thơ mùa thu không trở lại
Houston không có lấy một con sông
mà dẫu có sông đi nữa 
cũng không tìm đâu ra một cánh buồm
từ vạn đợi

Ngậm câu thơ em
nuốt không trôi nỗi buồn 
không gặp gỡ mà chỉ còn li biệt

Ngậm đôi môi em lộng lẫy điêu tàn 
điêu tàn và thê thiết
cũng có thể là đôi môi thứ mười mười lăm mười bảy thứ một trăm
những đôi môi anh không bao giờ biết đến 
lưỡi câu thơ không đề kháng nổi thi nhân

Ngậm môi anh đi chiều Sugarland
biển Galveston đục ngầu đỏ quạch
dòng nước không xanh mơ như mơ tưởng 
trong những câu thơ phá cách 
chỉ dành riêng cho một người 
(không phải là em)

Vì sao không phải là em 
chỉ một mình anh biết.
một mình em biết

 

Nguyễn Hàn Chung